KHÔNG OÁN MÀ OÁN, OÁN MÀ KHÔNG OÁN !
Ta vừa đọc qua bài Thiên Tân Kiều Xuân Vọng của Ung Đào, một bài
thơ hoài cổ cảm khái trước tang thương biến đổi, vật đổi sao vời mà
làm nên, nhưng lại " bị " hiểu lầm là một bài thơ CUNG OÁN,
còn bài thơ Thu Tịch của Đỗ Mục là một bài thơ CUNG OÁN thì
lại rất ít người phát hiện ra cái OÁN của nó. Nên tôi mới đề
tựa cho bài nầy là : KHÔNG OÁN MÀ OÁN, OÁN MÀ KHÔNG OÁN !
Chuyện văn chương lắm lúc oái oăm, lắt léo mà lại thú vị vô cùng !
Mời tất cả cùng đọc lại cả 2 bài thơ, so sánh nghiền ngẫm để cảm nhận cái hay
ho sâu sắc mà lại rất nhẹ nhàng, thi vị của văn thơ !....
秋夕 THU TỊCH 杜牧 Đỗ Mục 銀燭秋光冷畫屏, Ngân chúc thu quang lãnh họa bình 輕羅小扇撲流螢。 Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh 天街夜色涼如水, Thiên giai dạ sắc lương như thủy 臥看牽牛織女星。 Ngọa khán Khiên ngưu Chức nữ tinh .
Chú thích :
1. Ngân Chúc : Ngân
là Bạc, ở đây là màu Bạc, màu trắng bạc. Chúc là đuốc. Hoa Chúc là Đuốc hoa,
ở đây Chúc là cây Đèn Cầy, Cây Nến. Ngân chúc : là Cây Đèn sáp màu trắng bạc.
2. Họa Bình : là Bức bình phong có vẽ tranh của các nhà quyền quý thời xưa. 3. Khinh La : Khinh là nhẹ, La là Là, Lụa là, là Vải The. Khinh La : là loại vải the nhẹ để làm quạt. Trong bài " Khinh La Tiểu Phiến " : Là chiếc quạt con làm bằng lụa là của các tiểu thơ xưa thường cầm trên tay. 4. Phốc : Là chụp bắt. 5. Lưu Huỳnh : Lưu là Lưu động, là xẹt. Lưu Tinh : là Sao xẹt. Huỳnh : là con Đom đóm. 6. Thiên Giai : Giai là con đường. Thiên Giai : không phải là đương ở trên trời, mà là đường trong kinh thành, trong cung vua. 7. Lương Như Thủy : là Mát như nước. Dịch nghĩa : Ánh sáng lung linh từ ngọn bạch lạp tỏa ra hòa với hơi thu làm cho tấm bình phong đẹp rực rỡ cũng nhuốm hơi lạnh lẽo, nàng phe phẩy chiếc quạt the để chụp bắt những con đom đóm đang lặp lòe bay lượn trong đêm. Đêm đang xuống trong những con đường của Kinh thành, hơi thu mát lạnh như nước trong đêm thanh vắng lặng, nàng ngữa nhìn sao trời để tìm ngắm hai sao Chức Nữ và Ngưu Lang. Diễn nôm : Lung linh nến trắng bình phong lạnh, Quạt lụa vờn theo đóm lượn thu. Lấp lánh sao trời trong như nước, Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu . Lục bát : Bình phong thu lạnh se se, Quạt là nến trắng lặp lòe đóm bay Trời thu như nước mát thay, Ngưu Lang Chức Nữ đêm nay tương phùng ! Đỗ Chiêu Đức.
Đêm thu với khí trời trong mát, với đom đóm bay lượn lặp lòe, rồi nằm mà ngắm
sao Ngưu Lang Chức Nữ.... Rất bình dị và rất nên thơ ! . Có ai ngờ được
đây lại là một bài thơ Cung Oán !... Này nhé
... Ngọn bạch lạp đặt
trên giá bằng bạc, bình phong có tranh họa rực rỡ, rõ ràng là cuộc sống của
nhà quyền quý vương hầu, ta càng xác định hơn với từ Thiên Giai : là đường
trong Kinh thành , trong Cung Vua, và ai mới rảnh rổi mà nằm ngắm sao trời ?.
Chỉ có những nàng cung nữ nhàn nhã, tội nghiệp trong lãnh cung mới rảnh rổi
như thế mà thôi, và... một điểm tâm lý rất quan trọng nữa là, chỉ có những
nàng cung nữ với tình xuân phơi phới, với nhựa sống tràn trề, mà phải giam
mình trong chốn lãnh cung cô thân chiếc bóng, mới hâm mộ và ước ao được như
Ngưu Lang Chức Nữ, mặc dù mỗi năm chỉ hội ngộ có một lần. Một lần, có còn hơn
không !. Một số cung nhân may mắn... suốt đời mới gặp được vua một lần ! Lắm
cô suôt cả cuộc đời, hết cả thanh xuân, cũng chưa được nhà vua một lần triều
kiến... So với Ngưu Lang Chức Nữ thì còn đắng cay chua xót hơn nhiều ! Nên
chi, mới ngưỡng mộ và ước ao được như Ả Chức và Chàng Ngưu, chớ còn đối với
cuộc sống bình thường, thì có ai lại hâm mộ chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ
bao giờ ? !
Phải tinh ý lắm, ta mới cảm nhận được cái " Oán " trong bài thơ nầy, vì nó quá nhẹ nhàng và bình dị. Phải chăng cái oán đeo đẳng miên man lâu dần nên đã hòa vào cuộc sống và được chấp nhận như một sự tự nhiên tội nghiệp ! Không như nàng cung nữ của Ôn Như Hầu : ..... Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !... Khi... Cái oán đã lên đến cực điểm và trở thành bạo động ! |
THIÊN TÂN KIỀU XUÂN VỌNG
天 津
橋 春
望
UNG
ĐÀO 雍陶(805—?), tự là Quốc Quân, người đất Bì Đô, đậu Tiến Sĩ năm
Đại Hòa. Ông từng giữ các chức vụ Thị Ngự Sử, Quốc Tử Mao Thi Bác Sĩ, Giản Châu
Thứ Sử... Ông là bạn thơ của Trương Tịch, Vương Kiến, Giả Đảo ... thuộc phái
Giang Hồ Quái Đản. Sống dưới đời Vãn Đường khi vận nước đã suy vi, xã hội ngày
một xuống dốc, khi đi dạo đến bên cầu Thiên Tân, nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ
nát của cung điện ngày xưa, xúc cảnh sanh tình, nên ông đã rất cảm khái mà làm
bài thơ tứ tuyệt nầy.
天津橋春望 THIÊN
TÂN KIỀU XUÂN VỌNG
津橋春水浸紅霞,
Tân kiều xuân thuỷ tẩm hồng hà,
煙柳風絲拂岸斜。
Yên liễu phong ty phất ngạn tà.
翠輦不來金殿閉,
Thuý liễn bất lai kim điện bế,
宮鶯銜出上陽花。
Cung oanh hàm xuất Thượng Dương hoa.
雍陶 Ung Đào
雍陶 Ung Đào
CHÚ THÍCH :
THIÊN TÂN KIỀU 天津橋 : Cây cầu bắt ngang dòng Lạc Thuỷ từ đời Tuỳ
Dương Đế, ở phía nam của thành Lạc Dương, kinh đô trước đây của nhà Đường,
thường được gọi là Đông Đô.
TẨM : là Ngâm Nước, là Chìm
trong nước.
HỒNG HÀ : là Ráng màu đỏ. Ở đây chỉ
Ráng Chiều.
PHẤT 拂
: Có bộ Thủ là Tay bên trái. Có nghĩa là PHỦI,
như Phất Trần là Phủi bụi, nghiã phát sinh là Phe Phẩy, Đung Đưa.
THUÝ LIỄN : là Xe của Vua đi lại
trong cung do dê kéo.
HÀM : là Ngậm, ở đây nghĩa là THA.
THƯỢNG DƯƠNG CUNG 上陽宮 : Là một trong những hành cung lớn đời Đường, nằm
ở tây nam thành Lạc Dương, do Đường Cao Tôn Lý Trị xây dựng vào năm Càn Phong
thứ 2 ( 667 ) . Lúc bấy giờ Lạc Dương là Đông Đô, vua ngự và nghe việc
triều chính ở đây. Năm 705, khi bị Đường Trung Tôn ép phải thoái vị, Võ Tắc
Thiên cũng ở cung này cho đến chết. Đường Huyền Tôn cũng từng làm yến tiệc
lớn ở trong cung nầy. Nhưng sau loạn An Lộc Sơn ( 755-763 ), Thượng
Dương Cung bị tàn phá nghiêm trọng, về sau dần dà hoang phế, đến đời
Đường Đức Tôn thì bỏ phế hẵn. UNG ĐÀO sanh năm 805, nên khi đi dạo đến đây
thì Thượng Dương Cung đã bị bỏ phế lâu rồi !
NGHĨA BÀI THƠ :
NGẮM
VẺ XUÂN TRÊN CẦU THIÊN TÂN
Khi ta lên cầu
Thiên Tân để ngắm vẻ xuân thì thấy ráng chiều đỏ thắm như in ở dưới nước. Tơ liễu
như mây như khói theo gió đung đưa bên bờ sông trong ánh nắng chiều. ( Thiên
nhiên của mùa xuân thì vẫn đẹp như thuở nào ) Nhưng... xe của Vua đã không còn
ngự đến nữa, và điện vàng thì đóng kín im ỉm, những con chim oanh cũng bỏ cung
mà tha cả những cánh hoa của Thượng Dương Cung bay ra ngoài !
Thật cảm khái !
Mùa xuân thì cảnh vật mỗi năm vẫn thế, nhưng thời thịnh trị phồn vinh của nhà
Đường thì một đi không trở lại ! Đọc bài nầy, làm ta lại nhớ đến
những bài trước :
Đình thọ bất tri nhân khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa !
( Cây cỏ biết đâu người đi hết,
Xuân
về lại trổ những hoa xưa ! )
và ...
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia !
( Trên rường Vương Tạ én ngày xưa,
Đã
bay hết cả vào nhà dân gian ! ).
Chẳng những
chim én, mà chim oanh cũng đã bỏ đi rồi, lại còn tha cả những đóa hoa của cung
Thượng Dương ra ngoài nữa chớ !
Một điều thật thú vị là ....
Bài thơ nầy
thường " bị " hiểu lầm là một bài thơ CUNG OÁN với cách giải thích
như sau :
Cảnh xuân đẹp bên cầu Thiên Tân với ráng chiều đỏ thắm, với liễu rũ như tơ
ở hai bên bờ, làm cho nàng cung nữ chợt động tình xuân, nhưng xe vua không tới
và điện vàng thì luôn khóa kín, khiến nàng càng tủi phận mình hơn khi thấy
chim oanh tha một cánh hoa ra khỏi Thượng Dương Cung. Hoa còn được chim tha ra
ngoài chớ thân phận của mình biết ngày nào mới được giải thoát cho đây ?!
Quả là một
sự hiểu lầm đầy thi vị !!!...
DIỄN NÔM :
NGẮM XUÂN BÊN CẦU THIÊN TÂN
Thiên Tân bóng nước ráng in hồng,
Tơ liễu mơ màng bên bến sông.
Chẳng thấy xe vua cung khóa kín,
Ngậm hoa oanh nọ vượt tường đông !
Lục bát :
Nước xuân in bóng ráng chiều,
Bên
cầu tơ liễu hiu hiu gió lùa !
Điện vàng khóa, vắng xe vua,
Thượng
Dương hoa được oanh vừa tha ra !
Đỗ Chiêu Đức