Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương…
Hoàng Hải Thủy
Ðêm Tháng Tư Buồn ở Xứ Người – Biết dzồi..! Chán lắm..! Than mãi ..! – .. nằm xem TiVi, thấy thiên hạ lao xao nói đến chuyện Thái Tôn nước Anh-cát-lỵ cưới vợ, Người Lưu Vong Già bồi hồi, ngậm ngùi nhớ lại chuyện đám cưới vương giả cũng diễn ra ở xứ Anh-cát-lỵ năm xưa, khi Thái Tử Charles kết hôn với cô Diana.
Năm xưa là năm 1981. Mới đấy thôi, tưởng như là đêm qua mà đời tôi đã qua 30 mùa lá rụng. Dòng thời gian dài một ánh bay.. Thân xác con người không thể trở về dĩ vãng nhưng trí nhớ của con người có thể làm cho con người tưởng như mình sống lại ngày xưa.
Sống lại thảng thốt, mơ hồ – tất nhiên – đêm lặng, xứ người, nằm trong căn phòng đèn vàng, an ninh Năm Chăm Phần Chăm, tôi mơ hồ trở lại là tôi năm 1981; tôi nhớ lại những buổi tối vào lúc 9 giờ, trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi, tôi nằm bên cái radio Sony nghe Ðài Phát Thanh BBC, VOA. Nhiều lần tôi muốn kêu lên với các ông BBC, VOA:
– Khổ lắm, mấy ông ơi.. Mấy ông cứ..“Công chúa Diana..” là ký gì? Công chúa là con gái vua, công chúa không thể kết hôn với hoàng tử là con trai vua, trừ khi hoàng tử là con vua một nước khác… Mấy ông gọi Diana là “công chúa,” bọn Bắc Cộng chúng nó cười cho…
Ba Tầu chỉ có tiếng “hoàng tử ” để gọi Prince, tiếng “công chúa” để gọi Princess nên khi cô Diana được phong vương hiệu Princess, người ta gọi nàng là “công chúa.” Nhưng nếu không gọi Princess Diana là công chúa, ta phải gọi nàng với tước hiệu gì? Prince có thể là Vương Tử, có thể gọi Princess – bà vợ của ông Prince – là vương hậu hay không? Ông chồng của công chúa là phò mã, con rể cuả Vua là Hoàng Tế – như Hoàng Tế Phillip, ông chồng Bà Vua Elizabeth – Tầu có triếng “tử tức” – “tử” là con, “tức” là con dâu – ta có thể gọi Princess Diana là Hoàng Tức Diana được chăng?
Hôm nay, một trong những ngày cuối tháng Tư thứ 36 kể từ tháng Tư năm 1975, tôi viết lan man về chuyện Ðám Cưới cô Diana 30 năm xưa. Tâm viên, ý mã… Tôi viết thế vì tôi ngậm ngùi với chuyện thời gian qua nhanh. Mới đêm qua tôi nằm ở một góc thành phố Sài Gòn nghe chuyện đám cưới vương giả xứ người ở mãi bên kia biển. Dzậy mà thời gian đã qua 32 năm! Năm 1980 tôi 50 tuổi.
Sài Gòn năm 1980 ở dưới đáy của Tang Thương. Năm ấy tôi đi tù 2 năm vừa trở về mái nhà xưa. Tôi nhớ những buổi chiều lúc 5 giờ, đứng ló mặt trong cửa gió sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu chờ bọn cai tù đi qua điểm mặt, có những chiều tôi ghé mắt nhìn qua cửa gió sà-lim về những vòm cây sao trên đường Chi Lăng ngoài kia, trên bờ tường nhà tù, nắng chiều tô vàng trên những vòm cây ấy, gió chiều làm những cành lá rung chuyển. Tôi tưởng tượng giờ này tôi được đi trên vỉa hè đường Lê Lợi. Hạnh phúc chừng nào. Những chiều bị tù ấy tôi nghĩ khi được ra khỏi tù, được trở về mái nhà xưa với vòng tay gầy của người vợ hiền, tôi sẽ sống ngoan, sống không hờn giận, không uất ức, sống cam chịu với số phận đen hơn mõm chó của tôi. Sống đầu hàng, sống hèn mạt như mọi người dân Quốc Gia VNCH vừa bị tiêu vong, tôi sẽ không làm gì để bị bọn đầu trâu, mặt ngựa nửa đêm đến nhà dựng cổ dậy, bắt đi tù lần nữa. Những ngày đầu khi trở về nhà, tôi nói với vợ tôi:
– Anh đã chịu cực nhục nhiều trong tù, anh sẽ không còn bực mình về những chuyện vặt như việc phải đi họp tổ, tối tối phải đi nghe đọc báo.
Thế nhưng:
Quân lạc phong trần quân bất cải
Ngã hồi phố thị, ngã do liên
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Giai nhân, cùng sĩ đối sầu miên
Phong trần Em vẫn là Em
Anh về phố chợ đêm đêm lại buồn
Một đi hoàng hạc đi luôn
Giai nhân, cùng sĩ đối buồn nằm mơ.
Tù hai năm về nhà, tưởng cúi mặt sống được, nhưng chẳng bao lâu tôi lại chịu không nổi. Tuy biết rằng cứ làm Thơ, cứ Viết bài gửi ra nước ngoài là thể nào cũng bị bắt lại, tôi cứ làm Thơ, tôi cứ Viết ra nước ngoài.
Tôi viết những bài than thở, tôi không chỉ than thở cho thân tôi, tôi kêu than cho đồng bào tôi, tôi diễn tả nỗi sầu buồn, nỗi tuyệt vọng của đồng bào tôi, như trong bài thơ:
Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp người đông.
Nhà Em, nhà Anh cách hai thước ngõ
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông.
Em đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ
Như người chinh phụ ôm con chờ mong.
Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
Như người tù nhìn đời qua chấn song.
Anh đứng trông mây, Em đứng trông chồng
Mất chồng con bế, con bồng Em mang.
Cái bống là cái bống bang,
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ!
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
Ðìu hiu cuối ngõ, cùng đường,
Bên Anh tuyệt vọng, đoạn trường bên Em.
Ngày lại ngày, đêm lại đêm,
Ngày rơi sầu muộn, đêm chìm phôi pha.
Buồn từ trong cửa buồn ra,
Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.
Ta đang sống, ta đang mê?
Hay ta đang chết não nề, Em ơi !
Khi bọn Công An Thành Hồ đến nhà bắt tôi, chúng lục xoát tóm được tập thơ của tôi. Anh Công An Huỳnh Bá Thành có đọc bài Thơ Buồn của tôi; khi thẩm vấn tôi ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, y nói:
– Trong lúc nhân dân cả nước phấn khởi hồ hởi tiến lên xã hội chủ nghĩa, một mình anh kêu buồn đâu có được. Cái buồn của anh ảnh hưởng xấu đến người khác.
Y hỏi móc tôi:
– Bây giờ anh là « người tù nhìn trời qua chấn song » rồi đấy. Anh thấy sao?
Sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 chừng một tháng, thành phố thủ đô Sài Gòn biến thành một Chợ Trời Khổng Lồ. Theo đúng thông lệ: bọn Cộng đi đến đâu, Chợ Trời Viả Hè đi đến đấy. Tháng Sáu, Tháng Bẩy năm 1975 người Sài Gòn đem đủ thứ đồ linh tinh ra bầy bán ở vỉa hè. Tôi làm bài thơ:
CHỢ TRỜI
Trời chiều đi dạo Chợ Trời,
Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui.
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra.
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây ?
Chợ bầy những đọa cùng đầy,
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa.
Bán đồ toàn những người ta.
Mua đồ thì rặt những ma, cùng mường.
Chợ Trời hay Chợ Ðoạn Trường?
Ðầu Âm Phủ, cuối Thiên Ðường là đây.
Công An VC Huỳnh Bá Thành cũng đọc bài thơ Chợ Trời của tôi. Khi thẩm vấn tôi, y nói:
– Anh làm thơ gọi chúng tôi là Mán, là Mường. Nếu các chú đi bắt anh mỗi chú chỉ đánh anh một cái thôi, giờ này anh không ngồi được vững như thế này.
Tôi đã qua 8 năm tù ngục Cộng sản. Thành tích Tù Ðầy của tôi không có gì để tôi khoe, tôi cũng chẳng làm gì để mong được khen. Ở tù Cộng sản 8 năm mà không làm việc gì để phải tự hổ thẹn, không làm việc gì để vợ con tôi phải xấu hổ vì tôi, dzậy là tôi mừng.
Mất nhau trong cuộc biển dâu
Hồn anh hoa muộn, lá sầu hoang sơ.
Tim anh quằn quại bóng cờ,
Tai anh Mán hú, Mọi hờ quanh năm.
Tôi tìm được bài Kể Tội Bắc Cộng dưới đây trên Internet:
– Khi xâm lăng VNCH, cộng sản đã hành sử như một lũ thổ phỉ đi ăn cướp.
– Chúng cướp 16 tấn Vàng trong Ngân khố Quốc gia VNCH. Những tên đầu sỏ cộng sản đã đưa số vàng ăn cướp này ra ngoài Bắc và dấm dúi chia nhau.
– Chúng cướp tất cả những kho dự trữ của VNCH, ngày đêm chúng chuyên chở những đồ chúng cướp được ở miền Nam về miền Bắc trong nhiều tháng trời.
– Chúng cướp nhà của những người bỏ nước ra đi và những người vượt biên để chia cho nhau.
– Chúng cưỡng bức người dân thành thị đi đày tại những vùng chúng gọi là “khu kinh tế mới” để chúng cướp nhà của họ.
– Chúng bắt người dân phải hiến nhà cho chúng trước khi xuất cảnh.
– Chúng hạ thấp trị giá đồng tiền của VNCH và tổ chức đổi tiền hai lần để cướp tiền của dân. Mỗi lần đổi tiền, chúng chỉ trả lại cho người dân một số ít để chi tiêu trong một thời gian ngắn và chúng cướp sạch số còn lại.
– Chúng tổ chức đánh tư sản mại bản để cướp tài sản, cướp cửa hàng và kho hàng của thương gia.
– Chúng cướp các nhà máy, các xí nghiệp của tư nhân để thành lập các hợp tác xã của chúng.
– Chúng cướp tiền của người dân gửi tại các ngân hàng.
– Chúng thẳng tay cướp đất và nhà của các tôn giáo.
– Chúng dùng luật rừng để cướp đất, cướp nhà của dân.
– Chúng cướp ruộng của nông dân qua thủ đoạn “hợp tác hoá nông nghiệp.”
Bọn Cộng phỉ đã cướp trắng tài sản quốc gia của VNCH và của cải của toàn dân Miền Nam. Toàn dân Miền Nam đã bị bần cùng hoá. Những tên đầu sỏ cộng sản đã chia nhau của ăn cướp và chúng đã trở thành những tên tư bản đỏ có hàng trăm triệu dollars. Những bức hình chụp những đồ vật trang trí trong “dinh thự” tại Hà Nội của tên đầu sỏ cộng sản Lê Khả Phiêu – mới đưọc đưa lên hệ thống internet toàn cầu – đã tố cáo không thể chối cãi tội ăn cướp của chúng. Một bọn cướp vào cướp phá Miền Nam.
o O o
Những đêm dài sau Ngày 30 Tháng Tư 1975…
Nằm như xác chết còn thoi thóp trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi ở Cư Xá Tự Do, nằm phơi rốn trong những phòng tù Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, nhớ lại Thơ Kiều, nhiều câu Thơ Kiều làm tôi xúc động. Khi Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đi Lâm Truy, cảnh chiếc xe ngựa đưa Nàng đi và cảnh trời hôm ấy được Nguyễn Du tả:
Ðùng đùng gió giục, mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay…
Gợi tôi nhớ lại cảnh những phi cơ trực thăng Mỹ bay từ biển vào Sài Gòn mang đi những người Mỹ cuối cùng còn ở Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ, tiếng trực thăng rền rĩ trên trời Sài Gòn suốt đêm hôm ấy – Ðêm 29 Tháng Tư 1975.
Tôi phóng tác hai câu Kiều:
Ðùng đùng gió giục, mây vần
Trực thăng trong cõi hồng trần như bay…
Trăm đắng, ngàn cay… Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay… Nỗi buồn khủng khiếp mà những người Quốc Gia VNCH phải chịu sau ngày mất nước không thể nào diễn tả được bằng lời. Ai sống trong nỗi buồn đó người ấy biết. Nhưng thôi, kể lại, than oán, tiếc thương đã đủ nhiều. Ðây là bài cuối cùng tôi viết về Ngày 30 Tháng Tư. Năm tới, nếu còn sống tôi còn viết, nhưng tôi sẽ không viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975 nữa.
Hôm nay tôi kể lại với bạn Lời Nói Cuối Cùng của ông Tổng Thống Trần Văn Hương – dù ông chỉ là Tổng Thống có mấy ngày, ông cũng là một trong 4 ông Tổng Thống của tôi.
Lời Tổng Thống Trần Văn Hương:
“Tôi xin hứa với anh em … tất cả ở trong trong quân đội là … ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn … thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Ðó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời tôi.”
o O o
Bài thơ tôi làm Tháng Tư năm 2010:
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Mất nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương tàn được nở hương…
Một đời ba, bốn phen dâu bể
Mười điều trông thấy chín đau thương
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Nước mất, quân tan, thân chiến bại
Sống nhờ cơm áo ở tha phương
Vèo trông lá rụng đầy đường
Kỳ Hoa Ðất Trích đoạn trường thế thôi.
Huống chi ta đã không còn trẻ
Tự thưở tan hàng ở cố hương.
Tháng Tư…! Ta lặng nhìn sông núi
Sông núi người dưng trắng khói sương.
Quê ta xa mãi bên kia biển
Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.
Ta đau người lính vừa thua trận
Nát gió mưa nằm giữa sa trường
Vẫn nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu Thiên Ðường.
Ðất đá tim ta nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ Em khóc thương?
Hồ trường…
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tha hương
Cúi đầu mà khóc
Nghiêng vai mà gọi
Kỳ Hoa mang mang… ơi người mất nước…
Rừng Phong cùng ta cạn mấy hồ trường.
Hồ trường… Hồ trường đau thương.
Ta biết thương về đâu?
Ðông phương ngàn dậm thẳm
Mây nước một mầu sương
Tây phương trời đẹp lắm
Có người mất nước như điên, như cuồng…
Hỡi ơi… bạn tác ngoài trôi dạt
Chẳng đọc Thơ Ta cũng đoạn trường!
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Xa nửa địa cầu thương nhớ mãi
Xương có tàn xin hãy nở hương.
o O o
Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đã đến, đã qua kể từ ngày ta mất nước, ta không thể sống như loài ếch nhái hài lòng nằm trong góc ao đêm mưa ì ộp gọi nhau, ta thương khóc dù ta biết ta có thương khóc bao nhiêu cũng chỉ là vô ích; nhưng sẽ chẳng còn lâu nữa những Tháng Tư sẽ đến với những người Việt không biết gì về Tháng Tư; ngày Quên sẽ tới khi trên cõi đời này không còn người Việt nào đau nhói trái tim khi Tháng Tư trở lại.
Vì năm tháng sẽ qua, vì người sẽ quên, vì đời sẽ lãng, nên khi chúng ta còn sống, năm năm cứ đến Ngày Oan Trái, ta cứ thắp hương lòng để nhớ thương. Ai không nhớ mặc người ta, còn ta, ta cứ một mình rơi nước mắt vào những hồ trường tha hương, thất quốc.. Bạn ơi.. Giờ này, Ngày 25 Tháng Tư, 1975…, quân ta đang chặn đánh quân Bắc Việt Cộng ở mặt trận Long Khánh, Xuân Lộc, anh em ta, đồng bào ta đang chết để cho chúng ta sống…
Ơi những vị bạn già của tôi ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca, trong đau thương, trong tủi cực, trong cô đơn, tuyệt vọng, tôi gửi những lời Thơ này đến các vị:
Gửi thân lữ thứ trăm miền
Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn
Sài Gòn ơi… Ta đã mất Em trong cuộc đời…
Sài Gòn Xưa Ðẹp Lắm, Sài Gòn ơi…!
Hoàng Hải Thủy
******
|
Hoàng Hải Thủy 1933-2020 |
Nhà văn Hoàng Hải Thủy – một khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt báo chí và văn học từ thập niên 50, với trên sáu mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại đã xuất bản tại Miền Nam Tự Do trước 1975 và tại hải ngoại từ 1995 – vừa vĩnh biệt các độc giả yêu mến ông vào ngày 6 tháng 12 năm 2020 tại thành phố Arlington, tiểu bang Virginia, hưởng thọ 88 tuổi.Tiểu sử nhà văn Hoàng Hải Thủy được chính ông ghi trên trang mạng Hoàng Hải Thủy aka Công Tử Hà Đông như sau:
“Tên thật: Dương Trọng Hải. Sinh năm 1933 tại Hà Đông. Bút hiệu khác: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn…
Thân thế: Vào Nam năm 1951, từng trải qua các việc: phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, phòng 5 bộ Tổng Tham Mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Năm 1977 bị công an Việt Cộng bắt nhốt 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5 năm 1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sài Gòn. Năm 1994 sang Hoa Kỳ tỵ nạn, định cư ở Virginia”.