2021/05/22


Tháng Năm! Chưa kịp nằm trời sáng

Vừa vào mơ, mộng vội tan rồi

Nhớ nhung! Ôi nhớ mãi không thôi

Trời hởi! Cảnh chia ly khắc nghiệt.


Tháng Năm! Chưa ngủ trời đà sáng

Đời đá vàng, chưa thỏa đã tan

Biệt ly làm phách vía lang thang

theo gió tìm người thương khắp nẽo.

 

Mùa Hạ mà sao nghe lạnh lẽo

Phượng rơi! Tim rỉ máu tinh anh

Người-Đi, tiên cảnh, vui an lạc

Kẻ-Ở, trần gian, đếm độc hành!

 

Anh Tú

May 22, 2021

*Cảm tác từ cảnh Kẻ-Ở Người-Đi trong tháng Năm.

 

Dương hồng Thủy và hiền thê

VẬY LÀ…

Vậy là bà đã yên thân
Bà con lối xóm xa gần đến thăm
Khen thay con cái có tâm
Cùng lo cho mẹ trăm năm vuông tròn
Sông dài biển rộng đá mòn
Nhưng tình hiếu thảo sắt son muôn đời
Ôi ! cám ơn các con tôi
Cùng lo cho mẹ… tuyệt vời ấm êm.
Bà đi máu chảy ruột mềm
Cha con ủ rủ suốt đêm nhớ bà
Bà đi vào cõi bao la
Mong sao hưởng cảnh ta bà yên vui.
Chim bay về núi tối rồi
Cha con tề tựu đến ngồi … đọc thơ
Nước mắt chảy mãi hàng giờ
Mà sao bà cứ thờ ơ lạnh lùng.
Vậy là tình nghĩa thủy chung
Bà đành đứt đoạn, bẻ thừng bứt mây
Trời ơi cuộc sống từ đây
Vắng bà vắng cả đắng cay mặn nồng…

Dương hồng Thủy
(đêm 21/05/2021)

2021/05/19

Miền Nam Việt Nam Trước 1975 Với Những Hình Ảnh Chân Thật Nhất

 


NẮNG ƠI!

 

 Vâng! Cũng chỉ là nắng hạ thôi

Mà sao xao xuyến cả lòng tôi

Chập chờn phấn, bảng, trường ngày cũ

Nhớ quá tình thầy, bạn... mất, trôi !

 

Nắng xứ xa nhắc nắng hạ nhà

(Nhà là cuống rún của đời ta

Nằm lì tấc đất quê hương ruột)

Mãi mãi trong tim dẫu xứ xa!

 

Dòng chữ đơn sơ ghi vội ra

Trào lòng từ nắng (nghĩa nôm na)

Thương tôi, thương nắng, thương quê mẹ

Thương kiếp lưu đày tắm phong ba!

 

Anh Tú

Hoa Kỳ, 19 tháng 5. 2021 

2021/05/15

 Giới thiệu

Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại

của Thu Nga


Top 10 bài văn tả chiếc bút mực hay nhất - Toplist.vn


ĐIỆP MỸ LINH


Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc và viết về tác phẩm của nhà văn/nhà truyền thông Thu Nga, với mục đích sẽ giới thiệu về tác phẩm của chị vào hôm ra mắt sách. 

Cách nay trên dưới 10 năm, tôi đã đọc/viết/sẵn sàng để giới thiệu một tác phẩm của chị Thu Nga vào hôm chị ra mắt sách. Nhưng, vì một lý do bất khả kháng, vào giờ phút cuối, tôi phải điện thoại, xin lỗi chị Thu Nga; vì tôi không thể đến Dallas để giới thiệu tác phẩm đó.

Từ đó cho đến nay, tôi cứ thầm áy náy, không biết chị Thu Nga có giận tôi hay không.

Thật may mắn, nhà văn Thu Nga không giận tôi, cho nên, hôm nay tôi mới được cơ duyên giới thiệu Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại do chị ghi lại một cách rất tỉ mỉ.

Kính thưa quý vị, khi nhận được cuốn Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại, tôi rất ngại ngùng, và lúng túng – vì ba lý do sau đây:

1) Tựa đề của cuốn hồi ký cho phép tôi nghĩ rằng đây là cuốn hồi ký nặng về chính trị – mà tôi thì không thích chính trị. 

May mắn cho tôi, tác giả Thu Nga không viết về chính trị. Tác giả ghi lại niềm vui/nỗi buồn trong gia đình, với bạn hữu, với cảnh sống trong cư xá sĩ quan; chị cũng viết về những biến động quân sự và dân sự vào mùa xuân đẩm máu do cộng sản Việt Nam (csVN) “xé” hiệp định hưu chiến, năm 1968; mùa Hè đỏ lửa, năm 1972; công khai xâm lăng miền Nam Việt Nam, năm 1975.

2) Đa số tác giả viết hồi ký thường “đánh bóng” “cái tôi” của tác giả rồi trút tất cả những tệ hại/những phẫn hận cho các nhân vật đã chết hoặc đã mất uy quyền.

Nhưng, sau khi đọc xong Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại, tôi nhận thấy tôi đã nhầm; vì tác giả Thu Nga không những không “đánh bóng” cá nhân của chị mà chị còn viết rất thật. 

Lý do tôi xác quyết chị Thu Nga viết rất thật là có nhiều chi tiết ít ai dám viết ra, thế mà chị Thu Nga dám viết. Đó là đoạn tác giả Thu Nga viết thoáng qua về mối tình đầu của chị. Điều đó cho thấy, tác giả Thu Nga là một phụ nữ rất chân thật và can đảm.

3) Cuốn Hồi Ký 45 Năm Nhìn Lại dày hơn 400 trang – kể cả những trang có hình – mà đã có đến 03 vị nam giới viết lời bạt và bài giới thiệu; bài của vị nào cũng dài cả 7/8 trang – mà tôi lại được Ba tôi dạy rằng: “Trong địa hạt văn hoc nghệ thuật, con phải tìm một hướng đi riêng”. Thế thì còn gì cho tôi viết nữa đây!

Tuy vậy, khi đọc đến trang 40, câu: “Mạ cũng kể sơ sơ về cuộc đời khi còn là con gái của bà. Bà là con nhà gia thế tỉnh thành, ưng Ba là người miệt quê. Khi Ba còn trẻ, ông lăng nhăng hết bà này tới bà kia. Mạ ghen thì bị ông đánh…” tôi bỗng ngậm ngùi/thương xót cho thân phận phụ nữ cùng thời đại với Mạ của tác giả và Má tôi. 

Mạ của tác giả ghen thì bị chồng đánh. Má tôi không biết nấu ăn thì bị Cô tôi mắng nhiết không tiếc lời! Thế mới biết, hậu quả khóc hờn từ sự di hại của những câu “châm ngôn” vô ý thức/đầy thiên vị của ông Khổng/ông Mạnh/ông Trang/ông Lão đã đè nặng lên thân phận phụ nữ Việt Nam như thế nào vào thời đại Tàu đô hộ Việt Nam! Một câu vô trách nhiệm của một trong các ông ấy là “Trai năm thê bảy thiếp; gái chính chuyên một chồng”!

Cũng may, đến thời đại của tác giả Thu Nga và tôi, ảnh hưởng của mấy ông Tàu đã từ từ nhạt phai.

Kính thưa quý vị, trong những đoạn đường tác giả Thu Nga đã trải qua và ghi lại trong Hồi Ký này, tôi tưởng như tôi thấy được bóng dáng của tôi. Đó là những câu tiếng Huế, những đoạn đi bắt ghen và phân đoạn chị Thu Nga viết về sự ganh tị của người đời. 

Chị Thu Nga không viết rõ chị bị ganh tị như thế nào; riêng tôi, tôi đã bị, hai bà vợ của hai ông chủ báo, điện thoại và emailed trực tiếp, yêu cầu Điệp Mỹ Linh đừng gửi bài đến cho 2 tờ báo do chồng của 2 bà ấy làm chủ nhiệm nữa! Và, một ông, nhờ Điệp Mỹ Linh giới thiệu sách của ông ấy vào hôm ra mắt sách. Nhưng, vào hôm ra mắt sách, vợ của ông ấy – trong vai trò là MC của chương trình ra mắt sách – đã không giới thiệu Điệp Mỹ Linh khi giới thiệu quan khách.

Điều đó cho thấy, đến thế kỷ thứ 21 rồi mà vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội Việt Nam cũng vẫn còn bị hạn chế và bị kỳ thị.

Những địa danh mà tác giả Thu Nga đã có nhiều kỷ niệm cũng chính là những nơi chốn đã vùi chôn một phần tuổi thơ của tôi như Tuy Hòa, cầu Ông Chừ, cầu Đà Rằng. Và tác giả cũng đã có lúc sợ máy bay “bà già” như tôi đã từng sợ; chỉ có khác là ông Cụ của tác giả đến Tuy Hòa trong thời bình và tác giả ở vào tuổi mộng mơ; còn tôi đến Tuy Hòa vào thời Ba tôi theo kháng chiến chống Tây; Má tôi người Huế; tôi chỉ là đứa bé con.

Càng đọc và càng suy nghĩ, tôi càng thương cho thân phận phụ nữ chúng tôi. Đề cập đến vấn đề ghen tương, tôi không than trách hay buồn tủi gì cả; vì tôi nhận thức được rằng: Chồng mình phải “như thế nào đó” thì các cô gái khác mới “theo” chứ! Và có người đàn ông nào can đảm từ chối khi được các cô quyến rũ hay không?

Không phải chỉ đàn ông Việt Nam mới “nhẹ dạ (!) trở thành nạn nhân(?)” của phụ nữ để làm vợ buồn khổ mà đàn ông ngoại quốc cũng vậy. Gần đây nhất là ông Bill Gates – nhà tỷ phú và cũng là co-founder of Microsoft. Bằng cớ đàn ông ngoại quốc không thể cưỡng lại sự quyến rũ của các cô được tác giả Thu Nga xác định ở trang 162 như thế này: “…Một xì-căng-đan nữa là ông sếp to nhất của department có vợ con, lại mê một cô Mễ thư ký rất đẹp. Có lần tôi thấy ông và cô thư ký ngồi trong xe ở trong garage, cô thư ký đang ôm mặt khóc…”

Sau khi viết về những mối tình hờ, tác giả cũng đã ghi lại những mối tình Lính và nỗi niềm của người con gái miền Nam. Tôi không thể biết/không thể nhớ được bao nhiêu thiếu nữ – cùng thời đại với tác giả và tôi – đành chịu tội bất hiếu với Cha Mẹ để được thành hôn với người yêu là người Lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)!

Tại sao người Lính VNCH lại có được sức quyến rũ mãnh liệt đến như thế?

Kính thưa quý vị, bây giờ chúng ta cũng vẫn còn tài liệu, âm nhạc và hình ảnh cũ để chứng minh sự khác biệt giữa Người Lính VNCH và anh bộ đội csVN. Chính sự khác biệt này là động lực khiến cho nhiều thiếu nữ miền Nam từ chối những mối tình vương giả để được làm vợ người Lính VNCH.

Tôi sẽ không so sánh về trình độ học vấn/đạo đức/tác phong/vóc dáng/quân phục giữa người Lính VNCH và anh bộ đội csVN. Tôi chỉ muốn nêu lên khối “hành trang tinh thần” mà người Lính VNCH và anh bộ đội csVN được hấp thụ và được trang bị. 

Khối “hành trang tinh thần” trong lòng người Lính VNCH xuất phát từ những bài Đức Dục và Công Dân Giáo Dục tại các trường học miền Nam Việt Nam.

Nhờ được giáo dục trong một xã hội đầy đạo đức và nhân bản, người Lính VNCH, khi còn đi học thì được hun đúc bằng ca khúc Học Sinh Hành Khúc của Hùng Lân, chỉ biết: “Liều thân vì nước vì dân mà thôi…” Lớn lên, đi lính để bảo vệ miền Nam, người lính VNCH cũng chỉ biết thực hiện theo câu: “Thù nước lấy máu đào đem báo” trong bài Quốc ca của VNCH. Rõ ràng là người Lính VNCH chỉ biết liều thân và lấy máu của chính họ để bảo vệ đất nước/bảo vệ đồng bào chứ người Lính VNCH không mang trong lòng niềm căm thù sắt máu như anh bộ đội csVN! 

Từ đó, tôi nhận ra rằng: Người Lính VNCH đã thể hiện rõ nét câu nói “để đời” của một nhà văn người Anh – Gilbert Keith Chesterton. Câu ấy như thế này: “The true soldier fights not because he hates what is in front of him, but because he loves what is behind him”. 

Còn “hành trang tinh thần” của người csVN thì được trang bị thế nào?

Vì chủ nghĩa của csVN là vô gia đình, vô Tổ Quốc, vô tôn giáo, cho nên, ngay từ tấm bé, trẻ em trong guồng máy đầy ác tính của csVN đã được thầy cô giáo “nhồi” vào tâm thức thơ dại bản tính phản bội, bằng phương thức: Mỗi em học trò phải để ý xem Ông Bà/Cha Mẹ ăn gì/ nói gì rồi mách lại thầy cô để được thầy cô tặng bằng khen “Cháu ngoan bác Hồ”. 

Cho đến nay – sau 46 năm không còn chiến tranh – csVN cũng vẫn chưa hề đưa môn Đức Dục và Công Dân Giáo Dục vào học đường! 

Hệ quả của sự thiếu Giáo Dục và Đức Dục trong học đường là, sau 30-04-1975, người csVN “giải phóng” từng con gà/con vịt/con heo/con búp bê/cái “đài”/TV và “giải phóng” luôn cả tài sản của người miền Nam rồi đem về Bắc. Người Việt xuất cảnh lao động/du  học ở đâu thì ở đó có bảng – viết bằng tiếng Việt – cảnh báo về vấn đề người Việt ăn cắp. Và, trong mấy ngày gần đây, “sản phẩm” rất “hoành tráng” của csVN – Dương Đức Thịnh và nhóm du học sinh Việt Nam cùng học tại trường trung học Marrickville ở tiểu bang New South Wales của Úc Đại Lợi – đã thể hiện được tất cả sự thiếu giáo dục/vô văn hóa/vô đạo đức khi có hành động vô ý thức và lời nói xúc phạm nặng nề đến lá Quốc Kỳ VNCH tại Úc Đại Lợi vào dịp 30 tháng Tư năm 2021! 

Sau khi nhận thức được sự khác biệt giữa hai nền giáo dục của chính thể VNCH và nhà cầm quyền csVN, có lẽ không còn ai thắc mắc là tại sao “trái tim thiếu nữ” của chúng tôi đã bị người Lính VNCH chinh phục!

Đọc đến trang 285, đoạn nhân vật tên “o” Xương, trở nên điên loạn; vì người tình của “o” Xương – anh Tự – bị tử trận, tôi xúc động vô cùng! Tiếp đến là nhân vật Huy bị tử trận, để lại người vợ tên Phượng. Kính mời quý vị nghe “o” Xương – một người điên vì người tình vừa tử trận – lại an ủi chị Phượng như thế này:

-Nì! Uống một miếng nước. Tội quá, răng cứ khóc hoài, bịnh chừ! O biết răng không? Anh Tự tui cũng chết rồi, chết như chồng của “o” rứa!

Ngoài những đoạn văn viết về xã hội Việt Nam, tôi còn nhận thấy cuốn Hồi Ký này được ghi lại nhiều chi tiết về thời cuộc thế giới và xã hội Hoa Kỳ. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên; vì tác giả là một nhà truyền thông, cho nên tác giả không thể không ghi nhận những đại sự như: Tin về 39 tín đồ của đạo Heaven’s Gate đã tự tử tập thể, năm 1997; và bệnh dịch Covid-19…

Một điều rất quan trọng, dù tác giả Thu Nga chỉ viết thoáng qua, tôi cũng nhận ra rằng tác giả Thu Nga rất trân trọng sự yểm trợ thầm lặng của anh Hạnh – “ông xã” của chị Thu Nga. Điều này cho thấy, Ông Bà mình nói đúng: “Đồng vợ đồng chồng, tác biển đông cũng cạn”.

Đến đây tôi xin dứt lời. Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe. 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/


2021/05/09

 Video song ngữ: Mother's Day - Ngày Lễ Mẹ

blank  

Video song ngữ: Mother's Day - Ngày Lễ Mẹ
.
Hình ảnh người mẹ thương con và hình ảnh con hiếu kính mẹ đầy ắp trong ca dao Việt Nam:
.
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Lấý gì đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá, xây lăng phụng thờ.
.
Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
.
Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.
.
Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với dây lòng.
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong.
.
Sau đây là video song ngữ:
 
Ngày Lễ Mẹ là một ngày lễ truyền thống ở Hoa Kỳ và ở một số nước trên thế giới để tôn vinh người mẹ. Những lời dạy của Đức Phật thuyết giảng về bổn phận của người con và cách tỏ lòng biết ơn đối với mẹ.

Mother’s Day is a traditional holiday in the United States and in some countries around the world to honor mothers. Buddha preaches about fulfilling the duties of a child and paying gratitude to a mother.
.
Composed by: Laura Thuy-Loan Nguyen, Ph.D.
Wisdom Today: Vietnamese-English YouTube Channel

2021/05/07

 Truyện ngắn

CÂU CHUYỆN ĐỨT NGANG

Trao lời yêu thương

Kính tặng những người Mẹ “đơn côi”

ĐIỆP MỸ LINH

Đời sinh viên vốn rất khó khăn và vất vả, thế mà Giáng Thu lại phải theo học một ngành mà nàng không thích. Riêng Lệ Chi – em của Giáng Thu – rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại; vì, sau những dằn co dữ dội giữa Mẹ và nàng, nàng đã theo học phân khoa nàng thích; cũng sau sự “tản lờ” của nàng về những bài luân lý “xưa như trái đất” của Mẹ, Mẹ đành làm ngơ khi nàng có bạn trai – Trực, học bên Nha Khoa.

Thỉnh thoảng, vào những chiều chủ nhật, sau khi Mẹ đi làm, Giáng Thu tâm sự với em. Những lời phàn nàn, than thở của chị làm cho Lệ Chi xúc động, cảm thấy thương chị nhiều hơn, nhưng không biết khuyên giải bằng cách nào, đành hỏi:

-Tại sao chị không nói thẳng với Mẹ?

-Nói làm sao được khi mà Mẹ hy sinh tất cả cho chị em mình? Ước vọng duy nhất của Mẹ là chị phải trở thành M.D.

-Ước vọng của Mẹ là của Mẹ. Cuộc đời và sự nghiệp của chị là của chị. Sau này Mẹ không thể sống cho cuộc đời của chị.

-Sống trên đời không phải mình chỉ biết thực hiện những điều mình thích mà mình phải dung hòa giữa mình và những người liên hệ. Như Mẹ đó, nếu Mẹ chỉ muốn làm những điều Mẹ thích, ai nuôi chị em mình?

-Tại sao chị có thể biết Mẹ không thích những điều Mẹ đang làm? Em nghĩ Mẹ phải bằng lòng, vui thích thì Mẹ mới chịu khó như vậy chứ!

-Em không thấy vấn đề chị đưa ra à? Mẹ đưa chị em mình vượt biển sang đây lúc Mẹ chưa được 30 tuổi. Có người phụ nữ nào ở tuổi đó mà không thích được một người đàn ông yêu thương, chăm sóc? Có người phụ nữ nào với trình độ học vấn như Mẹ bỗng nhiên thích trở thành bà bán hàng tạp hóa ở xứ này? 

-Ai bắt Mẹ phải như vậy? Nếu Mẹ thích lấy chồng thì Mẹ lấy chồng; Mẹ không thích làm việc bán hàng thì Mẹ xin việc khác. Việc bán hàng tạp hóa ở Mỹ không tốt hơn thời Mẹ lam lũ ở kinh tế mới sao? Ai cũng chỉ có một đời để sống; vậy thì hãy sống thế nào cho mình vui sướng và hạnh phúc.

-Không ai bắt Mẹ, nhưng lòng thương con khiến Mẹ phải hy sinh hạnh phúc riêng của Mẹ. Nếu Mẹ sống đúng theo quan niệm của em thì – sau khi Ba vượt biển trước, rồi lập gia đình khác – chị em mình đành chịu đói khổ ở vùng kinh tế mới Đồng Bò chứ làm thế nào vượt biển sang đây để được học đến đại học?

-Mẹ sinh ra mình, Mẹ phải lo cho mình. Đó là luật!

-Luật chỉ bảo vệ trẻ con khỏi bị hành hạ chứ luật đâu có buộc Cha Mẹ phải lo cho con được sung sướng, hạnh phúc và cho con theo học đại học. Em thấy nhiều gia đình Mỹ “phủi tay” sau khi con học xong trung học hay không?

Lệ Chi đưa ra một nhận xét rất bất ngờ:

-Thật ra cho con theo học đại học chưa hẳn là ý Cha Mẹ mong con vui sướng, hạnh phúc mà chính vì sự ích kỷ, sự phô trương, tự mãn của Cha Mẹ.

Giáng Thu giật mình, nhìn thẳng vào mắt em. Trong mắt Lệ Chị, Giáng Thu có thể thấy được sự chân thật, ngay thẳng cho nên nàng có vẻ hoảng sợ, tưởng như Lệ Chi đã đọc hoặc nói hộ ý tưởng của nàng. Một thoáng thôi, Giáng Thu hỏi:

-Tại sao em nghĩ như vậy?

-Chị thử lắng nghe những mẫu đối thoại của các bậc Cha Mẹ người Việt thì chị biết. Họ chỉ cố đốc thúc cho con của họ chen cho được vào các trường đại học danh tiếng để họ “lên mặt” với bạn hữu mỗi khi có dịp. Họ không cần biết trong các trường đại học danh tiếng như thế con của họ phải “vẫy vùng” như thế nào; thần kinh của con họ phải căng thẳng đến mức nào; sức chịu đựng của con họ phải dai dẳng đến đâu để có thể đối đầu được với sự ganh đua của những sinh viên chọn lọc đó! Có người, con của họ không phải là bác sĩ hay luật sư nhưng gặp ai họ cũng cố tình khoe con của họ là bác sĩ/luật sư! Họ làm như xã hội loài người chỉ có bằng bác sĩ/luật sư mới có giá trị!

Sau một lúc cúi mặt lặng thinh như ngầm đồng ý với nhận xét của em, Giáng Thu đáp:

-Chị không nghĩ  Mẹ như vậy; vì Mẹ ít nói lại rất ít giao thiệp.

-Có thể Mẹ không giống như những người Việt Nam mà em đã đề cập; nhưng nhận xét của em là nhận xét chung. A, chị biết Trực nói gì với em không?

Giáng Thu ngước mắt nhìn em, chờ đợi. Lệ Chi tiếp:

-Trực bảo sau những lần thực tập, Trực không muốn ăn uống gì cả! Thấy ai nhổ bãi nước bọt mình đã gớm rồi; thế mà Trực phải nhìn vào trong miệng, nạy răng người ta, đủ thứ mùi hôi, tối nằm ngủ thấy ác mộng; nhưng Trực vẫn cố gắng học ngành Nha để Bố Mẹ được vui lòng! Thế mà có bao giờ Bố Mẹ của Trực vừa ý đâu! Lúc nào Bố Mẹ của Trực cũng đem con của người khác ra so sánh rồi nói người ta có phước, con mới 23, 24 tuổi mà đã “ra” nha sĩ, bác sĩ! Bố Mẹ của Trực cứ phân bì, sao ông bà không giỏi đi học đi! 

Im lặng một chốc, Giáng Thu đáp:

-Thật ra những nhận xét của em cũng không mới mẻ gì; nhưng những người con đã hấp thụ chút văn hóa Việt Nam chưa dám nói ra. Họ chưa dám nói ra với Cha Mẹ nhưng họ đã tâm sự với bạn hữu và người yêu rất nhiều. Chị có anh bạn, học trước chị hai năm, thường tỏ ra bực dọc vì phải theo học y khoa để Cha Mẹ vui lòng chứ chàng ta không thích. Thời gian thực tập, sau khi thức suốt đêm ở phòng cấp cứu, trên đường lái xe về nhà, chàng ta buồn ngủ, lạc tay lái, ủi vào gốc cây. Hai chân của chàng ta bị tê liệt!

-Ô, No!

Giọng buồn buồn, Giáng Thu bảo:

-Một lần, vô tình Mẹ nhắc là ngày cúng “thôi nôi” cho chị, chị bốc cây thước. Ba Mẹ tin rằng chị sẽ là cô giáo. Sau khi thuyết phục được chị vào y khoa, Mẹ bảo, Mẹ và họ hàng ai cũng vui mừng, hãnh diện về chị; đâu ai cần biết chị nghĩ gì và ước mơ gì!

-Có phải chuyện cúng “thôi nôi” ám ảnh chị hay không?

Giáng Thu lại lắc đầu, im lặng. Một chốc sau, Giáng Thu nói ra nỗi niềm của nàng:

-Không. Từ những ngày Mẹ chưa nhắc chuyện cúng “thôi nôi” chị cũng đã cảm thấy sợ xác chết và vi trùng. Lòng chị bất nhẫn khi thấy xác người được gắn ống thở, ống cho thức ăn thức uống vào miệng, ống “ị”, ống “tè”, v. v…Chị nghĩ đó không còn là đời sống mà đó chỉ là sự đày đọa xác người!

-Lạ nhỉ! Em tưởng khi thấy rõ sự đau đớn của con người, chị sẽ hăng hái bước vào con đường y khoa để xoa dịu vết thương cho nhân loại chứ!

-Từ bé chị cũng nghĩ như vậy; nhưng khi bước vào thế giới y khoa chị lại thấy khác. 

-Qua những gì chị bộc lộ, em ngại chị sẽ bỏ dỡ; nếu bỏ dỡ cũng uổng vì chị đã đi gần hết đoạn đường rồi.

-Mẹ “chăn” chị kỹ quá, bỏ sao được!

-Dù sao thì đó cũng là sự bất công!

-Em thấy đó, đi học, chị phải trực diện với những gì mà người đời ghê sợ, như máu, xác chết và vi trùng, v. v…Về nhà, ít khi chị gặp Mẹ, ít khi chị gặp em. Thỉnh thoảng có chàng nào mời chị đi chơi, Mẹ nói bóng gió xa xôi và so sánh thời Mẹ mới lớn và chị bây giờ! Mẹ lại đem phong tục tập quán Việt Nam ra giảng cho chị khiến chị cảm thấy như “date” là một trọng tội!

-Mẹ hành xử vói chị như vậy vì chị không dám nói ra những gì chị nghĩ. Chị phải nói ra để Mẹ hiểu chị cần gì, muốn gì; nếu không, Mẹ sẽ bắt chị sống theo ý của Mẹ.

-Đôi khi tình thương cũng đọa đày con người nhiều lắm, em biết không?

Nói xong Giáng Thu lại lắc đầu, tiếp:

-Không biết cuộc đời của chị sau này ra sao chứ từ ngày xong dự bị y khoa đến bây giờ chị cảm thấy như chị đang “vùng vẫy” trong một vũng lầy!

-Sao lại thảm não đến như vậy, chị?

-Chị được vào một trường mà đa số sinh viên được tuyển chọn với tiêu chuẩn cao. Vì tự ái cá nhân, vì tự ái dân tộc, chị phải chứng tỏ chị là một trong những sinh viên ưu tú của trường. Thế là “stress”!

-Cũng không còn bao lâu nữa, thôi, chị cố gắng lên, nha chị!

-Ra trường rồi làm gì? Không phải bác sĩ nào cũng “hái” ra tiền. Mà cuộc đời này đâu phải có tiền là có hạnh phúc! Em thấy có bao nhiêu người Việt đến văn phòng bác sĩ người Việt?

-Tại sao?

-Tại vì, trong khi bác sĩ ngoại quốc nghĩ rằng – đối với họ – bệnh nhân là quan trọng; bệnh nhân đem lợi nhuận đến cho họ. Họ cư xử và khám bệnh cho bệnh nhân với cả tấm lòng. Còn bác sĩ người Việt cứ nghĩ giống như Bố Mẹ họ đã nghĩ: Bác sĩ là “ghê gớm” lắm, bệnh nhân cần họ chứ họ đâu cần bệnh nhân. Họ là bác sĩ chớ giỡn sao! Sau khi chị ra trường thì Mẹ – cũng giống các bà Mẹ khác – sẽ thúc chị lập gia đình; vì, theo quan niệm Á Đông, chị không còn trẻ nữa! Rồi làm vợ, làm Mẹ, v. v…Cuộc đời của chị có khoảng thời gian nào vô tư để sống cho chị hay không? 

Cả hai cùng im lặng. Lệ Chi không ngờ nàng “khám phá” ra những điều đáng thương nơi người chị duy nhất của nàng. Giáng Thu chợt nhận ra tối hôm qua về muộn, nàng đã để quên kính cận trên piano. Giáng Thu bước đến piano với dụng ý sẽ lấy cặp kính nhưng bất chợt Lệ Chi reo lên:

-Chị Giáng Thu! Chị biết bao lâu rồi chị không hề “đụng” đến phím đàn không?

Giáng Thu nhìn em bằng ánh mắt buồn buồn. Lệ Chi tiếp:

-Đàn đi, chị! Đàn cho vui.

Giáng Thu ngồi vào ghế, mở nắp đàn, đôi tay lướt nhẹ trên phím đàn với dòng nhạc chợt đến trong hồn. 

Lắng hồn trong dòng nhạc êm đềm, thiết tha từ mười ngón tay của chị, Lệ Chi tự trách, tưởng “xúi” chị đàn cho vui, nào ngờ…Với dụng ý muốn chị đàn những nhạc khúc vui, Lệ Chi vói tay lấy tập nhạc ngoại quốc. Chưa kịp để tập nhạc trên piano cho chị, Lệ Chị chợt nhận ra tiếng hát buồn buồn của Giáng Thu: 

Lòng Mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. 

Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. 

Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào ...”(1) 

Lệ Chi cảm thấy nặng lòng! Piano này là món quà đầu tiên và đắc tiền nhất trên xứ Mỹ mà Mẹ đã mua – trả góp – để tặng hai con. Chị em Lệ Chi cứ ngăn Mẹ đừng mua “piano à queue” vì giá quá đắc và nhà nghèo không có chỗ tương xứng cho piano này; nhưng Mẹ bảo: 

-Cái đẹp thì ở đâu cũng đẹp. Cũng là piano, nhưng piano ‘có đuôi’, âm thanh tuyệt hơn nhiều. Lúc nào Mẹ cũng chỉ muốn tặng hai con những gì tốt đẹp nhất mà Mẹ có. 

Nhớ đến đây, Lệ Chi âm thầm quẹt nước mắt.

Trong khi Lệ Chi quẹt nước mắt, Giáng Thu lại cố nén cảm xúc vì hình ảnh của Mẹ ở kinh tế mới lại hiện về. Mẹ gánh nước. Mẹ ngồi quạt than, nướng bánh tráng và bắp, bán. Mẹ phụ bán cơm ở bến xe đò. Ban đêm Mẹ dạy hai con – và các em bé quanh xóm – học văn hóa và tiếng Anh, v.v…Công ơn của Mẹ còn nhiều nhưng bản nhạc đến đoạn cuối. Giáng Thu cúi mặt, đưa ngón tay thấm nước mắt rồi ngẫn nhìn em. Thấy mắt Lệ Chi cũng sủng nước, Giáng Thu đứng lên, dang đôi tay, chị em “hug”  nhau.

Vừa đi xuống bếp với em để tìm thức ăn trưa, Giáng Thu vừa hỏi:

-Nè, còn chuyện em với Trực tới đâu rồi?

-Cũng vậy thôi.

-Em và Trực tính gì thì tính nhanh đi. Hai người “bồ bịch” cũng lâu rồi, để lâu em bị mang tiếng.

-Tại sao em bị mang tiếng mà Mẹ và chị cứ lo? Bộ hai người yêu nhau là xấu xa lắm hay sao? Nếu xấu xa tại sao con trai không ngại mang tiếng mà chỉ ngại cho con gái?

-Dư luận người Việt thường tha thứ, dễ dãi với đàn ông, con trai nhưng lại rất khắc khe với đàn bà, con gái. Hai người yêu nhau trong sạch thì không có gì xấu; nhưng nếu tình yêu đổ vỡ, cô gái bị mang tiếng. Mẹ “nhồi” vào đầu chị như vậy và cũng vì chương trình học của chị nặng nề quá cho nên chị chưa dám có bạn trai.

-Thế thì buồn quá!

-Em nghĩ xem, có chàng nào chịu được cảnh mấy ngày mới điện thoại thăm nhau; cả tháng mới gặp nhau một lần – vì chị bù đầu với sách vở/máu/xác người!

-Nghĩ cũng lạ, người Mỹ, hễ con của họ đến 13, 14 tuổi mà chưa có bạn trai là họ quýnh lên, sợ nó bị bệnh bất thường; còn người Việt thì ngược lại!


******

Vào nhà, thấy Mẹ ngồi cắt móng tay, Lệ Chi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để thưa chuyện với Mẹ về Giáng Thu. Nhưng khi Lệ Chi vừa mở đầu câu chuyện, Mẹ vội gạc đi:

-Con còn nhỏ, biết gì mà nói (?!). Giáng Thu không bao giờ nghĩ như vậy đâu. Giáng Thu hiểu rằng những gì Mẹ muốn cho các con làm là vì Mẹ muốn các con có một tương lai tốt đẹp.

-Làm thế nào Mẹ có thể quả quyết được rằng ý muốn của Mẹ sẽ đưa các con đến một tương lai tốt đẹp? Cho dù tương lai có tốt đẹp thì làm thế nào Mẹ biết chúng con có hạnh phúc với cuộc sống do Mẹ áp đặt hay không?

-Tại sao không? Khi con có bằng cấp cao, có địa vị xã hội, có tiền là con có hạnh phúc.

-Không đúng như vậy đâu, Mẹ!

-Con lại sắp sửa tranh luận với Mẹ nữa, phải không? Chỉ có hai đứa con thôi mà một đứa thì hiền lành, hiếu thảo còn một đứa thì cứ lý sự, ngang bướng, chịu hết nổi! Đồ bất hiếu!

Vì Mẹ không chêm nhiều tiếng Anh, Lệ Chi không hiểu tại sao Mẹ nổi giận:

-“Bat hiu” là gì mà Mẹ cứ nói với con hoài vậy?

-Bất hiếu là không biết thương, không biết nghe lời Cha Mẹ.

-Tại sao tiếng Việt lại có chữ  “bat hiu”, Mẹ?

Mẹ dậm chân, kêu “Trời!” rồi bước ra sân sau, ngồi! Lệ Chi vào phòng Giáng Thu với dụng ý nhờ chị ra hỏi Mẹ lý do nào Mẹ nổi giận; nhưng Lệ Chi ngạc nhiên khi thấy khăn trải giường vẫn thẳng băng. Thì ra tối hôm qua chị không về. Biết chị phải trực ở bệnh viện, Lệ Chi thở dài nhớ những lần chị em đang ăn tối hoặc chị em đang đàn hát bên nhau, điện thoại của chị reng. Trả lời điện thoại xong, chị thở dài, than: 

-Sau này đang cho con bú mà bệnh viện gọi là cũng phải bỏ con mà đi!

Khi nào nghe chị than, Lệ Chi cũng nhìn chị bằng ánh mắt tràn đầy xót xa!

Ra khỏi phòng của Giáng Thu, thấy Trực đang đứng nói chuyện với Mẹ nơi sân sau, Lệ Chi bước ra. Trực và Lệ Chi cùng cười, nói “Hi!” rồi Lệ Chi ra dấu cho Trực vào nhà. Mẹ bước theo.

Từ ngày quen Trực, Lệ Chi để ý, dường như Mẹ cố ý quanh quẩn bên nàng và Trực mỗi khi Trực đến nhà. Trực không bận tâm nhưng Lệ Chi lại khó chịu vì nàng nghĩ Mẹ không tin tưởng nàng và Trực. Mẹ muốn kiểm soát. Mẹ xâm phạm những điều riêng tư của nàng. Lệ Chi nhớ, lần đầu tiên khi nàng giới thiệu Trực với Mẹ, Mẹ cứ  hỏi dò xem Trực học hành ra sao, gia thế như thế nào, v.v…Lệ Chi bực dọc, trả lời “nhát gừng” với Mẹ làm Mẹ không vui. Lệ Chi nghĩ rằng nàng yêu Trực, tin tưởng và hiểu Trực, thế là đủ. Mặc cho Mẹ giải thích về cách thức “chọn” người yêu – theo kiểu Việt Nam…xưa – Lệ Chi nghĩ rằng đối tượng của nàng là Trực chứ nàng không “lấy cả gia đình” của Trực làm chồng thì tại sao phải “điều tra” gia đình của Trực. 

Tuy Mẹ đã giải thích, nhưng sau lễ đính hôn của Trực và nàng, Lệ Chi cứ nghĩ rằng Mẹ sẽ “nới lỏng” cho “hai đứa”, nhưng không; Mẹ vẫn lẩn quẩn bên cạnh khi Trực đem DVD đến để Mẹ/Trực và nàng cùng xem. 

Sau khi cho DVD vào máy, Trực đến ngồi canh Lệ Chi, trên ghế piano. Với dụng ý không cho Lệ Chi và Trực quá âu yếm, Mẹ bảo Lệ Chi xuống bếp lấy cho Mẹ ly nước. Khi Lệ Chi trở lên, trao ly nước cho Mẹ, Mẹ cứ hy vọng rằng Lệ Chi sẽ ngồi sang ghế “xa lông”, nhưng không! Lệ Chi ngồi vào vị trí cũ và có vẻ tựa sát vào người Trực. Thỉnh thoảng Trực và Lệ Chi âu yếm nhìn nhau, cười. Lệ Chi thấy Mẹ quay nhìn nàng với ánh mắt nghiêm khắc.

Xem hết DVD, Trực ra về. Lệ Chi đưa Trực ra “driveway”, vô tình thấy Mẹ nhìn theo Trực và nàng qua cửa sổ. Vừa trở vào phòng khách, Lệ Chi bị Mẹ cật vấn:

-Hai đứa làm cái gì kỳ vậy?

-Dạ, tụi con có làm gì đâu!

-Hai đứa mới làm đám hỏi chứ đã là vợ chồng đâu mà ngồi như vậy?

A, thì ra Mẹ không muốn Lệ Chi và Trực ngồi gần nhau. Tại sao phải đợi đến đám cưới hai người mới được tỏ ra âu yếm? Lệ Chi than thầm, Mỹ giải thích cho con cái tất cả những vấn đề thầm kín của con gái, con trai, trong khi không bao giờ Mẹ đề cập đến vấn đề thực tế này! Mẹ thường nhắc hai con là “nam nữ thọ thọ bất thân”. Hai chị em chỉ hiểu lờ mờ; Giáng Thu im lặng; Lệ Chi bật cười:

-Bên Việt Nam, muốn tránh tai họa cho con gái thì phải có những câu châm ngôn như vậy. Ở xã hội Tây phương, cũng với mục đích đó, người ta lại giải thích cho con gái về “birth control  pills”!

Mẹ mở lớn mắt nhìn Lệ Chi như không ngờ nàng biết ba chữ “birth control  pills”! 


******

Vì Lệ Chi trực tính và cứng rắn cho nên mối tình đứt đoạn giữa nàng và Trực không làm nàng đau khổ nhiều như làm cho Mẹ buồn! Điều Lệ Chi không thể hiểu được là tại sao Mẹ không hề đề cập đến sự đau khổ của Lệ Chi mà Mẹ chỉ ngại là danh dự gia đình bị tổn thương:

-Đây rồi không biết làm sao ăn nói, giải thích với họ hàng, bằng hữu!

-Mẹ! Con lấy chồng cho con hay là con lấy chồng cho họ hàng, bạn hữu của Mẹ?

-Cô lấy chồng cho cô nên cô đâu coi ai ra gì! Cô chỉ biết sống cho cô. Cô thương thì mau mau làm đám hỏi; hết thương thì cắt đứt “cái rụp” để cho tôi phải mang tiếng chịu lời!

-Mẹ! Không ai mang tiếng chịu lời gì cả. Mình không lấy người này thì mình lấy người khác. Tại sao mình không sống cho mình mà mình phải sống cho dư luận? Dư luận có bao giờ đem hạnh phúc đến cho ai đâu!

-Cô nói dễ quá mà! Làm Mẹ ai cũng mong con thông suốt chứ ai muốn con mình dang dỡ? Sau này cô ở vào cương vị của tôi cô sẽ hiểu.

-Bây giờ Mẹ muốn con làm gì? Mẹ muốn con lấy Trực để chịu khổ cả đời hay sao?

-Mẹ không bắt con phải hành xử như vậy. Mẹ chỉ muốn con phân tích xem Trực có những điểm nào tốt, bao nhiêu điểm xấu, rồi con cân nhắc xem con có thể quên được những điểm xấu của Trực để chú tâm vào những điểm tốt của Trực hay không? Nếu  không có gì trầm trọng mà chỉ vì những bất đồng nho nhỏ thì hãy tha thứ cho nhau.

-Hạnh phúc và tình yêu không thể đo lường được, Mẹ à!

-Thật ra Mẹ thấy Trực cũng có nhiều điểm tốt như vui vẻ, nhiệt tình, dễ dải, học giỏi, đẹp trai.

-Là phụ nữ Mẹ cũng hiểu rằng, người con gái, khi lấy chồng thường thường mình lấy người mình yêu. Người mình yêu có thể là một người không ra gì dưới mắt những người khác; nhưng đối với mình người ấy là số một. Khi yêu người phụ nữ mù quán đến như vậy và người phụ nữ cũng chỉ đòi hỏi người đàn ông đó cũng nghĩ rằng nàng là số một. 

Lệ Chi vừa nói ngang đây, Giáng Thu mở cửa bước vào với gương mặt bơ phờ vì thiếu ngủ. Thấy rõ sự mệt mỏi của chị, Lệ Chi chưa muốn cho chị hay về sự đổ vỡ giữa nàng và Trực. Mẹ ái ngại nhìn Giáng Thu:

-Con đi rửa mặt, Mẹ làm chút gì con ăn rồi con ngủ, nha, con!

-Thôi, con cần một chỗ nằm.

Nói xong Giáng Thu cởi giày, nằm theo lòng ghế “xa-lông” dài. Không nở “đuổi” Giáng Thu vào phòng, Mẹ vào phòng đem ra hai cái gối. Giáng Thu gối đầu lên một gối, nằm nghiêng mặt vào thành ghế rồi che cái gối kia lên tai. Xoay trở một chốc, Giáng Thu lấy ống xem mạch nơi cổ, nhét dưới gối, rồi ngủ. Lệ Chi hỏi Mẹ:

-Mẹ chưa sửa soạn đi làm sao?

-Còn sớm, con.

Chỉ thốt được ba tiếng ấy rồi Mẹ nhìn ra sân, dáng nghĩ ngơi. Trong khi Mẹ chìm vào sự xa vắng nào đó, Lệ Chi chợt nhớ đến Trực và tự hỏi lòng xem lý do nàng dứt tình với Trực  có xác đáng hay không? Cho đến lúc này, Lệ Chi cũng vẫn nghĩ rằng quyết định của nàng là một hành động sáng suốt. Bất ngờ Mẹ hỏi:

-Lệ Chi! Con có nghĩ rằng con nên suy nghĩ lại về quyết định dứt tình với Trực hay không?

-Dạ không.

-Con có thể cho Mẹ biết – tý tý thôi – về nguyên nhân sự đổ vỡ hay không?

-Thưa Mẹ, có thể những cô gái khác cho rằng con dại; vì Trực có tất cả ưu điểm bề ngoài để chinh phục phái nữ. Nhưng con chỉ cần một người yêu chứ con không cần một người lúc nào cũng muốn chứng tỏ ta đây là kẻ luôn luôn “chiến thắng” trên tình trường.

-Con có nói ý nghĩ của con cho Trực biết để Trực thay đổi hay không?

-Dạ, có. Trực đã thay đổi những khi con hiện diện bên cạnh; những khi vắng con, Trực vẫn không thay đổi; điều này làm cho con xem thường Trực. Và con không thể làm vợ một người mà con không kính trọng!

Cả hai cùng im lặng. Cuối cùng Mẹ bảo:

-Lệ Chi! Con là một thiếu nữ can đảm và nhiều nghị lực.

-Tại sao Mẹ lại nghĩ như vậy?

-Hành động dứt khoát của con đối với Trực cho Mẹ thấy điều đó. Con hơn Mẹ xa. Mẹ đã bị nhồi vào đầu mớ luân lý “tào lao” của mấy ông Tàu cho nên Mẹ khổ cả đời!

Rất ngạc nhiên khi nhận thấy quan niệm sống của Mẹ không còn quá thủ cựu nữa, Lệ Chi muốn nhân cơ hội này sẽ trình bày với Mẹ về tâm sự của Giáng Thu để Mẹ hiểu rõ lòng thương yêu vô bờ của chị dành cho Mẹ; nhưng giọng bực dọc của Giáng Thu vang lên:

-Mẹ ơi! Suốt đêm trực ở phòng cấp cứu, không chợp mắt được một giây, cho con ngủ một chút mà!

Mẹ và Lệ Chi nhìn nhau, im lặng. Câu chuyện bị đứt ngang!


.

ĐIỆP MỸ LINH


http://www.diepmylinh.com/