2021/09/25

 Truyện ngắn

MỘT HƯỚNG ĐI*


ĐIỆP MỸ LINH


Thời gian gia đình còn kẹt lại Việt Nam, tuy tuổi đời còn non dại, Nga đã nhìn đời bằng tâm thức của một thiếu nữ trưởng thành. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Phong được nuông chiều, cho nên, Phong rất vô tư. Thấy Nga không tỏ vẻ háo hức về tin chàng có xe mới, Phong hỏi lơ chuyện khác:

-Sáng nay ai đưa Nga đến trường?

-Ông xe “bus”.

-Từ nay có xe mới, anh sẽ đưa và đón em thường xuyên. 

-Cảm ơn anh.

-Đi, đi với anh ra xem xe mới.

-Thôi, anh lấy xe vào đón Nga đi!

-Ok, “sir”!

Nhìn theo dáng người dong dỏng cao của Phong, Nga thở dài, nghĩ đến Huân – người anh xa vắng của nàng.

Hình ảnh Huân đang chờn vờn trong tâm tưởng của Nga thì chiếc xe thể thao màu đỏ dừng sát lề đường. Phong chồm ra, cười. Đối với một sinh viên vừa thoát khỏi “đáy địa ngục” của cộng sản Việt Nam (csVN) vào thời bao cấp – như Nga – thì chiếc xe này phải là một giấc mơ không tưởng! Thế mà Phong không hiểu tại sao Nga vẫn tỏ vẻ dững dưng. 

Xe ra khỏi khuôn viên trường đại học Houston. Phong hỏi:

-Ngân muốn ghé phố Tàu mua gì không?

-Anh ghé cho Nga mua ít Salompas. 

-Nga bị gì mà phải dùng Salompas?

-Nga mua cho Ba. Hồi đó, Ba bị csVN nhốt tù “cải tạo”, phải phá rừng, kéo gỗ, làm rẫy. Sang đây, vừa làm việc cực nhọc vừa thương nhớ anh Huân, cho nên, lúc nào tinh thần và thể xác của Ba cũng hành hạ Ba! 

-Chuyện của anh Huân quả là một chuyện ngoài sự tưởng tượng của anh. Có phải vì chuyện của anh Huân mà Ba của Nga trở nên quá nghiêm khắc hay không?

-Đối với Ba, thanh niên sống phải có định hướng. Đừng để những đam mê vật chất làm tàn úa tâm hồn.

Im lặng.

Xe vào bãi đậu của tiệm thực phẩm Á Đông. Vừa mở cửa, Nga vội quay lại, bảo:

-Anh khỏi vào. Em trở ra ngay. 

-Okay!

Vì hôm qua lái xe mới đi khoe với bạn, về khuya, bây giờ Phong cảm thấy mệt, buồn ngủ. Phong chỉ khép mắt được một chốc, Nga trở ra, gõ cửa xe. 

Kéo “seat belt” xong, Nga khoe:

-Lâu lắm mới thấy lại trái xoài; Nga mua cho anh đó.

Nhìn trái xoài, Phong chu môi như muốn hôn trái xoài rồi nói. 

-Anh có một câu chuyện rất vui về xoài. Khi anh khoảng 5, 6 tuổi, Mẹ thường đưa gia đình về thăm Ngoại. Anh thấy mấy cây xoài trong sân của Ngoại sai trái lắm; mà trái xoài mọc lạ lắm, em!

-Sao mà lạ?

-Nó mọc cách nhánh cây cả đoạn dài bằng “sợi dây” nhỏ xíu, trông xinh lắm!

-Hồi đó gia đình em ở Saigon, em chẳng biết cây cỏ gì cả. Sau khi csVN chiếm miền Nam, tịch thu nhà, đuổi Má và tụi em đi kinh tế mới, ai cũng phải tự túc trồng rau và hoa quả để có thức ăn. Lúc đó em mới thấy cây xoài. Lần đầu tiên thấy cây xoài ra trái, em tự hỏi, tại sao “sợi giây” nhỏ xíu, chỉ “dính” vào cành cây có tí ti mà lại nuôi và giữ được trái xoài?

-Anh chả suy nghĩ gì cả, thấy nó lủng lẳng trông xinh quá, anh nhón gót cắn ngay nơi phần nhòn nhọn, cong cong của trái xoài; cắn hết trái này đến trái khác. Cả nhà không ai biết con gì cắn. Một hôm ông Ngoại rình mà anh không biết. Anh bị bắt tại trận. Đến bây giờ gia đình cũng còn nhắc chuyện ăn cắn xoài.

-Kỷ niệm thời thơ ấu ở quê mình sao mà đẹp và dễ thương quá! Có bao giờ anh nghĩ rằng anh sẽ trở về hay không?

-Về làm gì? Nghe mấy đứa bạn mới theo gia đình vượt biển sang, bảo rằng quê mình bây giờ nghèo lắm, bo bo và củ mì cũng không đủ ăn. Mình về, làm sao sống được?

-Chính vì csVN đưa dân tộc Việt Nam vào giai đoạn “bao cấp” như hiện tại, cho nên, mọi người rất cần người trẻ trở về để “làm một chút gì” cho Quê Hương!

-Khó lắm, Nga ơi! Ở đây, vật chất làm cho con người lệ thuộc vào sản phẩm nhân tạo. Ăn thức ăn nguội, anh bị đau bụng. Muổi chích, anh bị nhiễm độc. Sáng thiếu ly cam tươi, anh cảm thấy thiếu sinh lực. Tối không có “dental floss” anh ngại hư răng. Anh không thể sống mà không có máy lạnh, máy sưởi! 

-Anh từ đâu tới? Xã hội này có chấp nhận anh như một người da trắng mắt xanh hay không? Cuộc sống cho anh nhiều tiện ích. Nhưng, làm thế nào anh có thể tìm được kỷ niệm ngọc ngà như bên vườn xoài của Ngoại? Nơi đây chỉ như một buổi dạ vũ sang trọng, mình vui chơi rồi về. Vùng đất nghèo nàn, cằn cỗi, thấm nhiều máu, nước mắt và vết tích của bom đạn – nơi anh đã chào đời – chính là nhà, cần anh chăm nom, vun xới.

-Anh biết Nga suy luận đúng. Nhưng từ ngày lớn lên cho đến khi quen em, chưa một lần anh nghe ai đề cập đến những điều cao cả như em thường nói với anh. Chưa bao giờ anh nghe Bố Mẹ đề cập đến trách nhiệm và bổn phận của người trai trong thời loạn. Bố Mẹ chỉ muốn anh học giỏi, ra trường, kiếm được việc làm tốt. Riêng em, em muốn hướng anh theo con đường cao cả của anh Huân, đúng không?

-Chỉ đúng một phần. Ngày ở kinh tế mới, anh Huân còn quá trẻ và anh Huân không có bất cứ điều kiện tối thiểu nào để thực hiện lý tưởng cao cả của anh ấy. Anh Huân cùng một nhóm thanh niên trong ấp phải gia nhập tổ chức Phục Quốc của Hải Quân thiếu tá Đặng Hữu Thân. Sau khi thiếu tá Thân bị csVN xử tử tại trại tù A-30, không ai biết được số phận của anh Huân và những người hùng trẻ tuổi đó!

-Nhóm thanh niên đó quả là người hùng! 

-Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Với năng khiếu của anh, anh không cần phải dấn thân vào con đường khổ hạnh, đầy chông gai và bất trắc như anh Huân. Từ vùng đất phồn hoa này, anh vẫn có thể khơi động và cổ xúy tinh thần yêu nước trong lớp người trẻ hôm nay.

Im lặng. Một chốc sau, Nga tiếp:

-Từ nay, những lúc rảnh rỗi, anh nên nghe nhạc của miền Nam Việt Nam, trước 1975. Nghe những bản dân ca, những câu hát ru em, những điệu hò lơi lả, những tình khúc về Lính, anh sẽ thấy hồn tính của dân tộc trong ấy; rồi anh sẽ nhận biết, từ ngõ ngách sâu thẳm trong tiềm thức, mối tình cảm thiêng liêng, thánh thiện được nẩy sinh và vun bồi. Tình cảm ấy chính là tình Quê Hương, tình dân tộc. 

-Anh chỉ tiếc rằng từ nhỏ đến giờ, Bố Mẹ anh chưa bao giờ đề cập đến những điều cao cả như em nói.

-Bố Mẹ anh, Ba Má em và đa số người miền Nam Việt Nam – dù đã bị csVN cướp đoạt tất cả rồi đày đi Kinh tế mới – cũng chưa bao giờ dạy con nuôi căm thù. Ngược lại, lúc nào người csVN cũng nuôi và truyền căm thù bằng cách giáo dục học trò như thế này: “Một anh bộ đội bắn chết 5 lính Ngụy. Hai du kích gái hạ sát 9 tên Mỹ. Hỏi có bao nhiêu Mỹ Ngụy bị quân cụ Hồ giết?”

-Làm gì có thứ giáo dục quái đảng như thế?

-Lối giáo dục quái đảng ấy do người csVN “nhồi” vào đầu dân Việt đó!

Nga dứt câu vừa khi Phong dừng xe cách nhà của Nga một khoảng ngắn – để gia đình của Nga không biết được sự liên hệ mật thiết giữa Nga và chàng. Nga tiếp:

-Anh nhớ cho ban hợp ca dợt kỷ lại bài Việt Nam Việt Nam và anh cũng nhớ tập bài Kỷ Vật Cho Em để sẵn sàng cho buổi Đại Hội Liên Trường, nha!

-Yes, “sir”! 

Nga cười. Phong chu môi, nhìn Nga đóng cửa xe. Bất ngờ Nga nói lớn:

-Chết! Anh chạy đi! Xe Ba em sau xe anh kìa!

Phong chưa kịp phản ứng, Ba của Nga mở cửa xe, bước nhanh đến bên Nga, gằn giọng:

-Đi về ngay!

Xoay sang Phong, Ba tiếp:

-Cấm cậu giao thiệp với con tôi. Cậu nghe rõ chưa?

Phong uất, nhấn “chân ga”, chiếc xe lao nhanh về phía trước. Về đến nhà, Phong lạc tay lái, xe “ủi” sập cổng sắt và trụ gạch nơi “driveway” của Bố Mẹ.

Trong những lời đay nghiếng của Bố Mẹ, Phong chỉ nhớ một câu của Bố:

-Mày là một thằng vô trách nhiệm. Mày chỉ biết vui chơi, đua đòi với bạn bè, không giúp ích gì cho gia đình. Từ cái sân, cọng cỏ, tấm thảm, phòng ngủ, v.v…đều do ông bà già này dọn dẹp. Tao rất buồn và thất vọng! Ngày trước, thanh niên miền Nam Việt Nam, đỗ Trung Học hoặc tú tài I xong là vào Trường Sĩ Quan Thủ Đức; đỗ tú tài II, vào Hải Quân, Không Quân hoặc Trường Võ Bị Dalat. Sau vài năm, họ ra trường, trách nhiệm đè nặng vai. Ngày đêm họ đối mặt với csVN để bảo vệ miền Nam chứ đâu có “nhong nhong” như mày. Những chuyện nhỏ trong nhà mày còn vô tâm như thế, làm thế nào mày làm được việc lớn?

Phong vùng vằng đi về phòng.

Vùi mặt vào gối, Phong cảm thấy hoang mang và tức giận. Những lời của Bố – cũng như những lời của Nga lúc chiều – đã giáng những nhát rất nặng vào tự ái của Phong. Phong biết Bố và Nga nói đúng. Nhưng, tại sao Bố không nói những điều đó khi Phong và các em còn bé? Tại sao không ai vạch cho chàng một hướng đi? Bố Mẹ chỉ biết lo làm “đầu tắt mặt tối” để Phong và các em có cuộc sống phủ phê về vật chất; nhưng về tinh thần thì…tâm hồn của Phong và các em chỉ là những khoảng trống mênh mông! Đã ai vẽ vào những khoảng trống ấy một hướng đi – dù bằng nét vẽ đơn sơ, lập dị hoặc cầu kỳ? Những việc lớn mà Bố nói là việc gì? Phong chỉ hiểu lờ mờ về chiến tranh Việt Nam. Phong cũng nghe loáng thoáng về Kháng Chiến Việt Nam vừa được thành lập. Nhưng, Phong nghĩ, đó là trách nhiệm của… ai đó chứ đâu phải của chàng!

Đang buồn nản, Phong chợt nghe giọng đầy lo âu của Mẹ:

-Ơ, Phong! Sao lại nằm vùi như thế, con? Đi tắm rồi ra ăn cơm! Bố giận thì Bố nói thế chứ có gì đâu mà con buồn!

Biết lỗi của mình, Phong ngồi dậy, lăng lẽ đi vào nhà tắm.

Tắm xong, khi chải tóc trước gương, Phong chợt nghe tiếng Guitar từ sân sau. Phong thở dài. Khi nào cũng vậy, có điều gì buồn, khó nghĩ, Bố cũng ôm Guitar “từng tưng” để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn. Lắng nghe một chốc, Phong nhận ra Bố không đàn nhạc tình cảm như mọi khi mà Bố đang đàn một nhạc khúc vui. Ô, Bố lại hát nữa! Phong muốn nhân lúc Bố vui, chàng sẽ xin lỗi Bố về tai nạn do chàng gây ra.

Đẩy cửa “patio”, bước ra, Phong nhận được nụ cười tha thứ của Bố và Mẹ. Phong ngồi cạnh Mẹ, lắng nghe Bố hát.

Hát xong, Bố hỏi:

-Sao, Phong? Bài Việt Nam Việt Nam, ban hợp ca “của con” thuộc lời và hát đúng nhịp, sẵn sàng để trình diễn chưa?

-Dạ, xong cả rồi. 

-Tốt!

-Bố à! Lúc nãy Bố hát bài gì lạ quá, con chưa bao giờ được nghe. 

-Bài này – tựa là Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam của Hùng Lân – Bố đang tập theo “cassette” Bố mượn của người bạn. 

-Sao hôm trước Bố không dạy chúng con bài này mà Bố lại dạy bài Việt Nam Việt Nam?

-A! Bài này, vì lâu quá, Bố quên; còn bài Việt Nam Việt Nam, Bố thuộc.

-Bố à! Tuy không hiểu rõ lời ca, con vẫn thích bài này hơn; vì âm hưởng của bài này có vẻ thôi thúc, khích động nhiều đó, Bố? 

-Thật ra, khi nghe lại bài Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam, Bố nhận thấy lời ca của bài này thể hiện được tất cả niềm kỳ vọng của người miền Nam Việt Nam. Bố nghĩ con nên tập cho các bạn bài này thay cho bài Việt Nam Việt Nam.

-Đây là đêm văn nghệ liên trường – gồm nhiều trường đại học tại Texas – chúng con phải cố gắng để có những tiết mục khác lạ, thích hợp phần nào với thời sự, Bố ạ!

-Rồi, tý nữa, ăn cơm xong, Bố chép bài ấy ra “notes” cho con.


******


Màn vừa kéo lên, Ban Hợp Ca và Phong đều cúi đầu chào quan khách trong tiếng vỗ tay vang dội . Tiếng vỗ tay vừa dịu xuống, Phong nói vào “micro”: 

- Kính thưa quý khán giả, Ban Hợp Ca trường Đại Học Houston xin trân trọng kính chào quý vị.

Tiếng vỗ tay lại vang lên. Phong tiếp: 

-Kính thưa quý vị, lúc nãy, khi quý vị vào cửa, ban tổ chức đã trao tận tay mỗi vị một tờ giấy màu vàng. Trên tờ giấy đó là lời ca của nhạc khúc Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam. Nơi đoạn điệp khúc, có bốn dòng được tô màu đỏ. Xin trân trọng kính mời cả hội trường cùng ca với chúng tôi khi chúng tôi hát đến bốn câu được tô màu. Được không ạ?

Cả hội trường đưa cao tay, reo: “Yeah!”.

Quay mặt lại với ban hợp ca, Phong nhìn ban nhạc. Một thoáng im lặng. Phong đưa tay phải lên rồi “gặt” mạnh xuống, toàn ban nhạc đồng tấu nhạc khúc Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam. Tay trái của Phong hòa vào. Khi âm thanh của ban nhạc đến cuối phân đoạn đầu, Phong phất tay trái về phía ban hợp ca, tức thì, ban hợp ca “bắt” vào:

“Nhân dân cách mạng Việt Nam 

Vùng đứng lên cùng thế giới,

Vai chen vai bên nhau 

Mưu cuộc giải phóng giống nòi.

Hận thù bọn Việt cộng,

Đã cướp mất lẽ sống

Và đày đọa dày xéo non sông.

Đồng bào Việt Nam! 

Đứng lên cùng thế giới. (Cả hội trường đáp)

Đồng bào Việt Nam! 

Đấu tranh và kiến quốc! (Cả hội trường đáp)

Núi sông sẽ trở về tay nhân dân,

Bắc Nam Trung đồng lòng kết đoàn…

… Tự quyết lấy đi thôi!

Đường sống tiến lên đi!

Tiến lên, dân tộc Việt Nam!” 

Phong dừng tay, cùng ban hợp ca cúi chào trong khi cả hội trường đứng lên. Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường.

Màn khép lại. Nga bước vội ra sân khấu. Vừa đưa hai tay về phía trước – trong tư thế sẵn sàng “hug” Phong – Nga vừa reo vui:

-Phong! I love you. I’m so proud of you! 

Phong xúc động tột cùng, dang rộng vòng tay. Nga và Phong tựa đầu lên vai nhau trong ánh nhìn trìu mến của các bạn cùng thế hệ di tản…


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/


*.- Truyện ngắn này được viết từ cuối thập niên 70 – thời computer chưa có tiếng Việt – vừa được đánh máy lại.


2021/09/22

CÓ MỘT CUỘC TÌNH

“Tình đầu hay tình cuối, khi một ngày một người đã ra đi…”

Thế là anh đã rũ áo ra đi, đến một nơi mà anh sẽ không thể nào quay trở lại.  Nhà doanh nhân, nhà từ thiện, nhà yêu nước… Bùi Khả Trình đã xuôi tay sau tám mươi mùa xuân vui buồn trên đất.  Thôi nhé anh, nghìn thu vĩnh biệt.  Cuộc tình chúng mình chỉ đến thế mà thôi.

***

My lặng lẽ rời khỏi mộ phần theo dòng người tiễn đưa anh, họ cũng đang lặng lẽ ra về.  Những tiếng thì thầm to nhỏ tiếc thương người bạn, người anh, người chủ, người đồng sự, người ân nhân trong tiếng xào xạc của lá khô âm vang theo từng bước chân tạo nên điệp khúc buồn rưng rức. 

My lê bước chân vô vọng dẫm lên một cành khô kêu “rắc”, tiếng kêu khô khan như mũi dao nhọn xoáy vào trái tim My khoét một vệt cuối cùng cho vỡ tan màng mủ bưng kín lâu nay nhức nhối, nhức nhối.  Vết thương này hôm nay phải được nặn, được rửa, được chùi cho sạch để ngày mai kéo da non và chờ ngày lành hẳn.  Nàng ôm ngực ngồi vào xe, khóa cửa, gục đầu vào tay lái, đôi vai run lên bần bật theo từng tiếng nấc cố nén vào lòng ngực nhưng lại bướng bỉnh bật ra ngoài. 

Bài thơ My đã đọc tới đọc lui bao nhiêu lâu nay: 

“Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,

Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

– Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

Mà lấy nhau hẳn là không đặng,

Để đến nỗi, tình trước phụ sau,

Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau…”(**)

Đó là chuyện của người ta, còn chuyện chúng mình tính đến nay đã hai mươi bảy năm bốn tháng mười tám ngày rồi đó anh?  

Giá mà nghe được anh sẽ mỉm cười và bảo: “Em thật là chi tiết đó.”  Câu này anh đã từng nói với em mà. 

Đó là năm 1980, em được tuyển vào làm nhân viên cho khách sạn của anh.  Anh là một doanh nhân thành công với tuổi đời rất trẻ.  Qua Mỹ năm 1975 năm năm sau anh đã là chủ nhân của hai khách sạn lớn tại New York.  Với gương mặt phúc hậu, thái độ nhu hoà, ánh nhìn sâu lắng, ngày đầu gặp anh, em thật bối rối khi đụng phải ánh mắt ấy.  Anh đến tận bàn làm việc của em đưa tay vuốt vào bông hoa đang nở trong bình rồi nhìn em:

“Cô là nhân viên văn phòng mới tuyển vào à?”, anh quan tâm. 

“Dạ. Có gì không ạ?”

Em trả lời với giọng hơi bướng bỉnh.  

“Ồ, chúc mừng cô. Tôi nghĩ rằng cô sẽ rất thích và sẽ ở đây lâu dài giúp chúng tôi.” Anh thân mật chìa tay.

Sau đó anh bảo em cho xem bản tường trình chi tiết trong ngày, nhìn kỹ chi thu được cập nhật từng giờ, phút, giây, anh giả giọng diễn viên Tàu và lừ mắt : “Cô… thật là chi tiết đó”. Sau chữ “đó” dài giọng anh cười vẻ hài lòng. Em đã nguýt anh thật dài, anh nhìn sững vào mắt em, ngập ngừng:

“Wao, cô nguýt tôi dài đến đỗi… mắt có đuôi rồi kìa.”

Ảnh: Thought Catalog/Unsplash

Em đỏ mặt vì tự dưng bị trêu mà không biết trả lời sao vả lại chưa rõ anh giữ nhiệm vụ gì trong khách sạn này? Anh chào em và huýt sáo một điệu nhạc vui rời khỏi phòng.     

Em đã bị cuốn hút vào ánh nhìn của anh, vẻ đàn ông và cử chỉ thoáng đãng của anh khiến em bối rối. Anh là mẫu người lý tưởng mà em hằng ước mơ, đàn ông phải ra đàn ông, em không cần người đẹp trai em chỉ cần người có phong cách “nam nhi”. Từ hôm ấy em điểm trang thêm một chút, chọn y phục kỹ hơn một chút, đi làm sớm hơn một chút và tưởng tượng thêm một chút về người trong mộng của mình.  

Thời gian trôi qua, càng ngày anh càng thân thiết hơn, không có chút ngăn cách nào giữa liên hệ hai chúng mình.  Mỗi ngày em hiểu anh thêm, mỗi ngày anh nhìn em khác hơn và nồng nàn hơn. Vì anh không đến khách sạn thường nên em nghĩ có lẽ anh là quản lý làm việc bán thời gian, mỗi tuần chỉ đôi ba ngày. Em bắt đầu biết nôn nao trông ngóng, em ngơ ngẩn bần thần như người sắp bệnh khi anh đi xa hàng tuần. Em nhắm mắt thấy đang đi dạo phố cùng anh; đang dọn cơm cho anh trong căn phòng chỉ có hai đứa; đang tựa cửa đón anh về và ôm chầm khi anh bước vào nhà. Em mơ mộng, em hy vọng, em ước ao, niềm ước ao của tuổi thanh xuân với một mái gia đình lý tưởng. 

Rồi… khi biết anh là chủ khách sạn, em lặng đi một lúc, rồi không ai xô nhưng em rơi tõm vào hụt hẫng. Tại sao anh là ông chủ giàu có, tại sao em là nhân viên quèn, tại sao và tại sao???  Bao nhiêu câu hỏi tại sao đến với em, đêm về em nằm vắt tay lên trán tự vấn lòng: “Người ơi gặp gỡ làm chi? Trăm năm biết có duyên gì hay không?”. Em trăn trở, em sụt sùi, em tự trách mình, trách anh. Từ đó em khép kín ước mơ, đi làm như cái bóng vì biết rằng em ở một địa vị thấp kém, xa cách anh nhiều.  

Phía nữ nhân viên ngồi lại thường rù rì rằng ông chủ đẹp trai lại độc thân vui tính có ai dám mơ làm bà chủ không?  

Cũng có tin rằng ông chủ có vợ con bên Việt Nam đang chờ bảo lãnh qua (?)  

Bàn chuyện phiếm là chuyện của “ba bà bốn chuyện” nhưng tuyệt nhiên có những chuyện mà họ không hề biết nên không hề bàn. 

Đó là chuyện thật bất ngờ hôm em làm ca đêm thay cho chị Hằng anh mang đến phần súp nóng bảo: “Thưởng cho nhân viên giỏi.” 

Đó là chuyện bức thư tỏ tình anh gửi cho em sau một năm biết nhau, kèm theo lẵng hoa hồng tươi thắm, đẹp hơn mơ ước của em. 

Đó là chuyện em vẫn chưa trả lời có yêu anh hay không? Làm sao em dám nói yêu anh khi mà anh đang trong cương vị “chủ nhân”. Em sợ khi em trả lời anh sẽ thắc mắc liệu có phải em yêu anh thật lòng một tình yêu nam nữ hay em yêu anh vì anh đang ở địa vị giàu sang.  

Đó là chuyện trái tim cứ giải thích: “Tình yêu không phân biệt giai cấp, địa vị, tuổi tác” vì anh hơn em đến hai mươi tuổi. 

Đó là chuyện anh mặc áo phủ kín đầu đứng dưới cây cổ thụ to, giữa trời tuyết giá chờ đợi em vén màn cửa sổ gửi anh một nụ hôn theo gió rồi mới ra về, lãng mạn quá phải không anh?

My nức nở trên tay lái, ký ức ùa về, dồn dập gõ mạnh cửa tâm hồn cô đơn bao nhiêu năm tháng khép kín trong tĩnh lặng. My không quan tâm đến bầu trời đang gầm thét, sấm chớp đang xẹt qua xẹt lại trên không, mây đen từ đâu kéo đến vần vũ. Trời sắp đổ mưa rồi đó anh, như đêm mưa mình ngồi với nhau bên tách cà phê nóng để nghe anh dốc tỏ nỗi lòng. Anh đã hôn vào đôi mắt em đang khép chặt, cố ngăn dòng lệ đang chực trào, giọng anh chùng thật thấp:

“Xin lỗi em và xin em hiểu lòng anh, anh yêu em cho đến chết.  Anh sẵn sàng gây dựng một cơ sở cho em ở tiểu bang khác.  Anh sẽ bảo bọc đời em, nhưng…(anh ngập ngừng) anh không thể kết hôn với em được vì tương lai con anh, anh phải bảo lãnh vợ con qua đây cho tròn hai chữ “nghĩa, tình” vì gia đình vợ đã đóng vàng cho anh đi vượt biên, anh phải có trách nhiệm với họ.  Anh gặp em muộn màng nhưng em là người yêu đầu đời của anh. Anh sẽ bay qua hằng tuần với em, anh sẽ bù đắp đầy đủ anh không để em thiệt thòi đâu. Hãy nghe anh đi em, đừng khóc nữa em, anh đau lòng lắm, anh xin thề với em anh không lừa dối em đâu”. Anh nói một hơi dài như sợ em ngắt lời. 

Em bụm miệng anh, em tin anh mà, em không muốn anh thề; gục đầu vào bờ vai rắn chắc của anh mà mặc cho đôi dòng lệ cứ tuôn tràn ướt đẫm áo anh.

“Anh ơi, em không thể, cho dù em yêu anh đến mức độ nào, cho dù anh yêu em đến đỗi có thể moi quả tim ra để trên bàn tay anh, em cũng không thể làm kẻ thứ ba”. Em nghẹn ngào, rấm rức.  

Thế đó, mặc cho anh nài nỉ, van xin, em vẫn quyết định nói tiếng “không”. Sau nhiều đêm thức trắng, giọt vắn giọt dài ướt đẫm lọn tóc mai, em thầm hát câu: 

“Tóc mai sợi vắn sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài nghìn năm”. (***)

Mình lấy nhau chẳng đặng rồi anh ơi. Một tháng trước ngày gia đình anh đoàn tụ em xin nghỉ việc. Em muốn anh để hết tâm trí vào lo chuẩn bị cho mái ấm gia đình của anh đừng bận tâm đến em nữa. Em đã chọn cho mình một quyết định. Ra đi trong âm thầm, đến nơi ở mới trong âm thầm và sống những ngày lặng lẽ nơi ấy thật âm thầm. Xoá hết những gì dính líu đến mình, em trở thành con người mới với tên thường gọi mới, sống thu mình không giao du bè bạn. Em không cho anh một manh mối nào, một cơ hội nào để tìm ra em; em xa lánh tất cả trốn về một thành phố nhỏ rất gần gũi với thiên nhiên nhưng lại xa đô thị trong một trại nuôi gà của gia đình bạn. 

Không phải dễ dàng mà thực hiện ý định của mình, đã đôi lần em nghĩ: “Không cần cưới hỏi, không cần hôn thú nhưng được sống với anh là vui rồi, là hạnh phúc rồi. Ở Mỹ có năm mươi tiểu bang, vợ con anh ở một tiểu bang, em ở tiểu bang khác thì có gì dính líu đến nhau đâu. Có ai biết gì đâu mà bẻm mép cho lộn xộn gia đình anh. Em và anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc riêng của mình vì anh đã bảo em là người anh yêu cơ mà…”. Ấy nhưng, em không thể chìu theo trái tim được vì toà án lương tâm em cứ gióng lên từng hồi chuông cảnh tỉnh.

Thôi thì chia xa, thôi thì xem như một giấc mơ đẹp đã hết, tỉnh giấc chỉ còn lại một mình thôi.  

Anh yêu ơi, anh biết không, em đã đếm từng ngày, em đã ghi vào từng trang nhật ký hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng nọ, hết năm nọ qua năm kia. Rồi những trang nhật ký ấy sẽ được tóm lại bằng hai từ chua chát và thật mỉa mai “dĩ vãng”. Vâng tất cả sau mỗi một ngày trôi qua đều trở thành dĩ vãng, ngày hôm qua là thuộc về dĩ vãng phải không anh?

Em thường ngồi thừ người thầm hỏi: “Nơi đó, trong ngôi nhà đầy đủ mọi thứ, sang trọng nhất nhì thành phố, anh thật sự có hạnh phúc bên vợ đẹp con ngoan không?”. Em không biết, chỉ biết là tuy cách xa nhưng em vẫn dõi theo anh qua tin tức trên báo, đài truyền hình, truyền thanh.

Anh vẫn làm việc, vẫn thành công, và vẫn là người chồng tốt, người cha tốt trong gia đình. Là một doanh nhân lỗi lạc trên thương trường, là một ông chủ nhân từ với mọi người. Em mừng vì vợ anh đã sánh vai bên anh cùng làm những công việc từ thiện mà ai cũng quý mến, yêu thương. Trong nạn đói năm 1984 ở Ethiopia anh đã tặng cho tổ chức cứu trợ nạn đói hai máy bay trực thăng để làm phương tiện vận chuyển. Anh hào phóng và rộng tay với những kẻ khốn cùng, em biết rõ, anh không vì phô trương nhưng vì lòng nhân ái vô lượng của anh. Em còn nhớ trong một buổi ăn tối trên tàu, nhìn ra biển mênh mông dưới ánh sáng vằng vặc của vầng trăng mười sáu, anh thì thầm bên tai em:

– Biển nhân từ với anh nên mới đưa anh đến bến bờ bình an này để được gặp em.  Anh muốn sống bao dung, nhân ái và rộng lượng như biển vậy.  Em chịu không?

Em đã trả lời anh bằng một nụ hôn nhanh phớt qua môi rồi quay mặt tránh nụ hôn trả của anh. Sau này xa anh rồi, mỗi khi nhớ đến những giây phút hai đứa bên nhau em tiếc sao mình lại hẹp hòi với anh quá vậy? Còn anh thì luôn tôn trọng em không làm điều gì khiến em buồn, anh nói: “Em không cho phép thì anh sẽ chờ, anh không muốn em hiểu lầm rằng anh lợi dụng em. Anh yêu em thật lòng, anh trân trọng em vì em là của quý đối với anh”. Em đã nguýt dài, phụng phịu khi nghe anh nói và chỉ biết cám ơn anh bằng cách kéo bàn tay anh ủ lên trái tim đang đập rộn ràng.  

Ảnh: Suhyeon Choi/Unsplash

Hàng đêm em vẫn ngước lên bầu trời cao qua khung cửa sổ cầu nguyện với Chúa yêu thương, xin Ngài gìn giữ và ban phước cho anh, em cũng tạ ơn Ngài đã giúp em không phạm vào điều răn: “Chớ lấy vợ hay chồng người”. Em tạ ơn Ngài đã cho anh thành công rực rỡ trên thương trường. Báo, đài đưa tin anh đã đóng góp bạc triệu trong quỹ cứu trợ nạn nhân của sự kiện khủng bố chín một một (9/11) năm 2001. Năm 2003 Liên hiệp người Mỹ gốc Á đã vinh danh anh là “Nhà từ Thiện”. Ở nơi đó anh có biết mắt em đã rực sáng niềm vui, em chạy vội ra sân quỳ xuống vạt cỏ non nhìn lên bầu trời mùa Hạ đầy sao lung linh mà gọi tên anh không ngớt, trái tim hét lớn trong lồng ngực: “Em yêu anh. Anh nhân từ quá, anh rộng lượng quá!”. Ở nơi đó anh có nghe? Em biết tính anh mà, lúc nào anh cũng muốn ôm hết những kẻ khốn khổ trên thế giới vào lòng. 

Tháng 5 năm 2004, em đã về Washington DC để hoà vào cộng đồng người Mỹ gốc Việt mừng anh được trao Giải Đuốc Vàng, giải thưởng vinh danh của cộng đồng Việt tại Mỹ. Anh có biết em đã vui đến mức nào không? Vui đến rơi lệ. Vui nhưng lại đau lòng lắm, vui vì mừng cho anh, đau lòng vì thấy anh đó mà như nghìn trùng xa. Lòng thì muốn chạy đến với anh nhưng trí óc không cho phép và đôi chân chẳng thể dời đi. 

“Hai bên giáp mặt chiền chiền.  Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay” (*)  

Anh luôn dõi mắt vào đám đông có lẽ anh muốn tìm em giữa đám người đang đứng đó, ôi “bụng làm dạ chịu” em đã tự quyết định thì em phải gắng chịu xót xa một mình. Bấy giờ anh đó em đây, nhưng “Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai” (*)

Những lúc nhớ nhung vùng dậy, em muốn phone cho anh để chỉ nghe anh nói vài câu, hoặc đến gặp anh một lần gục đầu vào lòng anh để được anh vỗ về, cho thỏa lòng mong nhớ. Nhưng anh ơi, con tim em quá yếu đuối không chịu nỗi sự kiện cáo của lương tâm nên em cứ sống trong đơn lẻ để rồi: “Sớm ngơ ngẩn bóng, đêm năn nỉ lòng” (*)

Tháng 8 năm 2005, em laị nghe tin anh đến tận Houston để cứu trợ nạn nhân bão Katrina hàng trăm ngàn Mỹ kim.  Một số tiền không nhỏ anh đã chi ra để an ủi những mảnh đời tan vỡ, họ sẽ vui mừng và biết ơn anh. Nhưng anh đâu mong họ biết ơn, anh chỉ mong vá víu những tấm lòng rách nát, những mảnh đời vỡ tan, có lẽ vì anh nghĩ rằng “Không chừng trong số những con người đó có em?”   

Em mừng vì vợ anh là một phụ nữ có tâm tình và tấm lòng nhân ái như anh, điều này khiến em mãn nguyện vì anh có được một gia đình hạnh phúc. Báo đài và cộng đồng đều khen ngợi và yêu quý vợ anh, có lúc nào đó sự ích kỷ trong em nổi dậy muốn em ganh tị với chị ấy, nhưng… chỉ là một lúc nào đó thôi anh à. Em nhận thấy vợ anh xứng đáng được sánh vai anh bước đi trong thành công và tình yêu của cộng đồng dành cho hai người.  Em đã quyết định là kẻ đứng ngoài cuộc đời anh, là quan khách trong vở kịch đời mà anh và vợ anh là hai diễn viên chính, và hai vai diễn đã thành công tốt đẹp.

Anh đã từng nói: “Anh yêu vợ con khác với tình yêu của anh với em, tình yêu của anh dành cho em đúng nghĩa một tình yêu nam nữ. Đối với vợ con anh yêu bằng tình yêu nhân loại. Anh không biết diễn đạt như vậy đúng không nhưng anh chỉ biết rõ một điều là trái tim anh nói vậy”.

Anh yêu, anh có biết em đã đau khổ dường bao trong chuỗi ngày cô đơn nơi làng quê hẻo lánh ấy. Em càng đau khổ nhiều hơn khi hay tin anh bệnh nặng; em đã vò đầu bứt tóc không biết làm sao để thăm anh, để chăm sóc anh, để mang niềm vui đến cho anh hầu anh chóng lành bệnh. Làm sao và làm sao?  Câu hỏi không có đáp án! 

“Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau,

Dễ ai lấp thảm, quạt sầu cho khuây” (*)

Em biếng ăn, chán ngủ, thao thức thâu đêm, hết ra lại vào, hết đi lại đứng, hết đứng lại ngồi.

Bỗng dưng anh bị đột quỵ. Anh nằm trên giường bệnh một thời gian dài mà em không dám đến thăm anh. Em không muốn vợ anh bắt gặp tình cảm của em rồi nghi ngờ và phiền muộn anh. Em không muốn mọi người hiểu lầm anh là một con người không chung thuỷ. Em lại càng không muốn gặp anh với tư cách một người xa lạ. Phải, làm sao em chịu nỗi tình cảnh ấy. Em biết rõ lòng mình, em biết em sẽ vỡ oà khi gặp anh và em sẽ đau khổ lắm khi anh không còn đủ tỉnh táo để nhận ra em.

Ảnh: Ralf Skirr/Unsplash

Rồi cái ngày em lo sợ nhất đã đến, khi đọc trang cáo phó của gia đình anh, hung tin này bóp nghẹt trái tim em. Giữa cái nóng tháng năm mà em lại run bần bật, tim em kêu lên tức tưởi: “Anh ơi, sao lại bỏ em, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả sự nghiệp đã xây dựng bao tháng ngày mà ra đi, anh có còn nhớ đến em không?” 

Em muốn đến nhìn mặt anh lần cuối nhưng em không đủ sức chịu đựng, em quyết định tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Giờ đây Trời đất cũng thảm sầu với cảnh biệt ly, sấm rền vang, chớp loé lên vắt ngang bầu trời, mưa trút xuống ào ào như cõi lòng My đang giông bão. Mọi người đã đi hết rồi, còn mình anh nằm đây cô đơn lạnh lẽo, My không cam lòng bỏ anh. 

***

Mười phút sau, mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. My trở lại phần mộ, nâng bức hình anh lên lau khô những giọt nước đọng rồi áp sát vào mặt nấc lên từng hồi tức tưởi: “Bây giờ chỉ còn anh và em, sao anh im lặng, sao anh không nói gì với em đi, anh muốn nói nhiều với em lắm mà.  Anh có buồn không khi giờ phút cuối mà không gặp mặt em? Anh có trông chờ em không? Âu cũng là số mệnh phải không anh? Bao năm qua tuy sống xa anh nhưng em biết rằng sẽ có cơ hội gặp nhau nếu em muốn bất cứ lúc nào. Nhưng từ nay em sẽ không mong có ngày gặp anh vì anh đã bỏ em rồi. Lần này là chính anh bỏ em chứ không phải em bỏ anh như ngày ấy. Thôi anh hãy yên giấc nghìn thu và hãy yên lòng về em. Hôm nay em đến tiễn đưa anh, mai này ai sẽ đưa tiễn em đây? Hãy về với vòng tay yêu thương của đất và hãy mỉm cười với em lần cuối nhé anh. Bây giờ là năm giờ, ba mươi sáu phút, mười hai giây rồi (anh đừng bảo: “Em thật là chi tiết đó”) em về đây. Vĩnh biệt anh.”

My đếm từng bước nặng nề rời xa mộ phần Bùi Khả Trình, nghĩa trang giờ này thật vắng lặng. Nước mắt không thể ngừng rơi, trái tim không đập đều nhịp, đầu óc không thể suy nghĩ điều gì khác hơn sự chia ly vĩnh viễn. 

“Thế là hết, kết thúc một cuộc tình. Bùi Khả Trình ơi, hôm nay anh trở về cát bụi, đời này kiếp này em đã thực sự mất anh”


Truyện ngắn của Chu An

Tháng Sáu 2021


Chú thích: 

(*) Truyện Kiều của Nguyễn Du.

(**) Thơ “Tình Già” của Phan Khôi.

(***) Nhạc phẩm “Tóc mai sợi vắn sợi dài” của Phạm Duy.

Tự truyện viết theo lời kể của một người. Nhân vật và sự kiện có thật nhưng tên đã thay đổi và có ít phần hư cấu. Nếu có sự trùng hợp nào là ngoài ý muốn của tác giả. 

Nguồn:https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/co-mot-cuoc-tinh/

 

2021/09/10

 Tạp ghi

NỮ TRUNG SĨ NICOLE GEE

PHỤ NỮ TRUNG ĐÔNG

THIẾU NỮ VIỆT NAM*


Marine Sgt. Nicole Gee, seen holding a baby at Kabul's airport, was one of the 13 U.S. service members killed in the Aug. 26 bombing in Afghanistan.

Marine Sgt. Nicole Gee calms an infant during an evacuation at Hamid Karzai International Airport in Kabul,

Afghanistan, on Aug. 20 




ĐIỆP MỸ LINH

Trước khi cuộc rút quân tại Afghanistan chấm dứt, nhiều phương tiện truyền thông đưa ra một hình ảnh rất nhân ái của nữ trung sĩ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ, trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan. 

Tôi muốn đề cập đến tấm hình của nữ trung sĩ TQLC Nicole Gee – với cử chỉ đầy thương yêu như người Mẹ – đang bế và dổ cho em bé tỵ nạn bớt sợ hãi, tại phi trường Kabul, Afghanistan. Tấm ảnh này được chính Nicole Gee chuyển về cho gia đình của Cô, tại Hoa Kỳ, với dòng chữ “I love my job”.

Tấm ảnh này không ghi ngày, nhưng được trang twitter của US Department of Defense đăng, Aug. 20/2021.

Không ngờ, Aug. 28/2021, trung sĩ Nicole Gee – 23 tuổi, thuộc 24th Marine Expeditionary Unit và cũng là cư dân của thành phố Sacramento, Calif., cùng với 12 quân nhân Hoa Kỳ khác – bị tử thương trong vụ nổ bom tự sát do Islamic State in Khorasan Province, ISKP (ISIS-K) thực hiện!

Trong số 13 quân nhân Hoa Kỳ bị tử thương tại phi trường Kabul, không phải chỉ có Nicole Gee là nữ quân nhân mà còn có nữ trung sĩ TQLC Johanny Rosario Pichardo, 25 tuổi, cư dân Lawrence, Massachusetts. Nữ trung sĩ  Rosario served with the Naval Amphibious Force, Task Force 51/5th Marine Expeditionary Brigade.

Theo tin bổ túc của Zach Hester trên News19 đăng, Aug. 28, 2021 lúc 03:51 chiều CDT thì: Danh tính của 13 quân nhân Hoa Kỳ bị tử thương trong cuộc đánh bom tự sát ở phi trường Kabul, tai Afghanistan – được The U.S. Department of Defense (DOD) công bố – gồm có: 

  • Marine Corps Staff Sgt. Darin T. Hoover, 31, of Salt Lake City, Utah.

  • Marine Corps Sgt. Johanny Rosariopichardo, 25, of Lawrence, Mass.

  • Marine Corps Sgt. Nicole L. Gee, 23, of Sacramento, Calif.

  • Marine Corps Cpl. Hunter Lopez, 22, of Indio, Calif.

  • Marine Corps Cpl. Daegan W. Page, 23, of Omaha, Neb. 

  • Marine Corps Cpl. Humberto A. Sanchez, 22, of Logansport, Ind.

  • Marine Corps Lance Cpl. David L. Espinoza, 20, of Rio Bravo, Texas

  • Marine Corps Lance Cpl. Jared M. Schmitz, 20, of St. Charles, Mo.

  • Marine Corps Lance Cpl. Rylee J. McCollum, 20, of Jackson, Wyo.

  • Marine Corps Lance Cpl. Dylan R. Merola, 20, of Rancho Cucamonga, Calif. 

  • Marine Corps Lance Cpl. Kareem M. Nikoui, 20, of Norco, Calif.

  • Navy Hospitalman Maxton W. Soviak, 22, of Berlin Heights, Ohio

  • Army Staff Sgt. Ryan C. Knauss, 23, of Corryton, Tenn.

Theo báo cáo của The Associated Press, 169 Afghans cũng tử thương trong vụ nổ bom tự sát này.

Điều đáng buồn hơn nữa là trong danh sách 13 quân nhân Hoa Kỳ bị tử thương tại phi trường Kabul có 05 quân nhân chỉ mới 20 tuổi. Khi New York bị ISIS tấn công, Sept-11-2001, đưa đến việc Hoa Kỳ đưa quân vào Afghanistan, 05 quân nhân này chưa được sinh ra hoặc chỉ còn là em bé!

Nữ quân nhân Hoa Kỳ – cũng như nữ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – chỉ phụ trách việc văn phòng, tiếp liệu, ý tế, tâm lý chiến chứ không được trực tiếp tham chiến tại mặt trận.

Theo cựu trung tá TQLC Kate Germano, khi cuộc chiến tại Afghanistan bùng nổ – October-07-2001, với chiến dịch “Enduring Freedom” do Tổng Thống Hoa Kỳ George W Bush ký sắc lệnh, sau khi Taliban từ chối giao nộp mastermind Osama bin Laden’s al-Qaida organization – nữ quân nhân Hoa Kỳ cũng không được phép thực hiện công tác tại cổng gác. 

Nhưng, khi cuộc rút quân tại Afghanistan bắt đầu, nhận thấy việc kiểm soát phụ nữ và trẻ em tại sân bay sẽ gặp nhiều trở ngại – vì phong tục và văn hóa dị biệt –  nữ trung sĩ Nicole Gee và nữ trung sĩ Johanny Rosario Pichardo tình nguyện nhận lãnh phần việc giúp đỡ và kiểm soát phụ nữ cũng như trẻ em Afghans đi qua cổng gác. 

Không ngờ, hành động thiện nguyện của hai nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ này lại đưa đến kết quả quá thảm khốc và đau thương!

Bên cạnh sự cảm phục dành cho nữ quân nhân Hoa Kỳ cũng như nữ quân nhân VNCH và nữ quân nhân các nước văn minh, tâm hồn tôi lại âm thầm xót xa khi nghĩ đến thân phận phụ nữ thiếu may mắn ở Trung Đông; bởi vì, tại 18 nước bên Trung Đông, phụ nữ bị thiệt thòi rất nhiều, về mọi phương diện. 

Vì thế, khi đọc bảng tin bổ túc của The Associated Press, Aug.-17-2021, lúc 12:15PM ET, tôi thầm vui, vì câu này: A Taliban spokesman promised Tuesday that the insurgents who overran Afghanistan in recent days would respect women's rights and would not exact revenge …” Niềm vui trong tôi vừa đến, chợt tan biến, khi tôi đọc câu kế tiếp: “Mujahid promised the Taliban would honor women's rights, but within the norms of Islamic law {…} He promised the insurgents would secure Afghanistan — but seek no revenge against those who worked with the former government or with foreign governments or forces…” 

Tự dưng tôi cảm thấy hoài nghi và rồi hệ quả khóc hờn của những lời kêu gọi xảo trá do cộng sản Việt Nam (csVN) lập mưu để “lùa” tất cả thành phần ưu tú của miền Nam Việt Nam – không thể chạy thoát trước khi csVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam – vào tù, sau 30-04-1975, lại bừng sống trong hồn tôi!

Sau giây phút xúc động, tôi bình tâm và nhận ra rằng: Người csVN không những ác độc với phụ nữ miền Nam mà trong cuộc chiến, 1954-1975, người csVN cũng đã hành xử tàn ác và man rợ đối với ngay cả phụ nữ và thiếu nữ miền Bắc Việt Nam rồi!

Thật vậy! Suốt cuộc chiến, từ 1954 đến 1975, do csVN xé Hiệp Định Ba-Lê, đưa quân xẻ Trường Sơn xâm lăng miền Nam, nếu bao nhiêu ngàn trái tim của phụ nữ miền Bắc đã nát tan theo từng bước chân của người thân trong đoàn quân csVN tham tàn và háo chiến trên đường mòn Hồ Chí Minh thì phụ nữ miền Nam cũng chịu nhiều đau thương, mất mác vì người thân gục ngã trong những cuộc cường tập do csVN gây nên! 

Trong khi thiếu nữ miền Nam Việt Nam – nhờ sự hy sinh vô bờ của người Lính VNCH – vẫn được sống trong thanh bình, được cắp sách đến trường, thì, không biết bao nhiêu ngàn thiếu nữ miền Bắc Việt Nam bị csVN buộc phải theo đoàn quân csVN khát máu, xẻ dọc Trường Sơn để thực hiện những công tác nặng nhọc như tải đạn, tải nhu yếu phẩm, tải nhiên liệu, lái xe vận tải, hộ lý, v.v… đề được làm anh hùng!

Trên thế giới, chỉ có những kẻ tàn ác và không có lòng nhân đạo – như người csVN – mới dùng hai chữ “anh hùng” để chiêu dụ, phỉnh gạc những em bé chỉ hơn 10 tuổi vào quân đội. Đây là bằng chứng do chính csVN phổ biến:

1.- Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND csVN Nguyễn Trung Thu, vtướng đánh giặc từ thuở lên 10. {…}10 tuổi, Trung Thu đã tự chế mìn, lựu đạn, vũ khí đánh địch theo chiến thuật du kích. {…} Cậu bé quyết định mang 05 quả mìn bỏ vào bao mang đi gài địch. Link: 

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vi-tuong-danh-giac-tu-thuo-len-10-103503.html

2.- Nguyễn Thị Ánh Thu, năm 14 tuổi, đã tình nguyện tham gia từ công tác giao liên, du kích xã rồi làm chỉ huy xã đội Song Thuận…Link: https://vov.vn/xa-hoi/huyen-thoai-ve-nu-anh-hung-tieu-diet-tren-100-linh-my-nguy-461262.vov

3.- Cao Thị Hương, 15 tuổi, nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi bằng súng bá đỏ (loại súng trường lên đạn từng viên). Chú thích này là của LĐ - Số 63 Lê Tuyết - 11:24 AM, 20-03-2015, trên báo Lao Động. Link: 

http://tamlongvang.laodong.com.vn/phong-su/huyen-thoai-ban-roi-may-bay-my-bang-sung-ba-do-306675.bld

Vận tốc và cao độ của phi cơ phản lực mà bị “nữ cán bộ nhí” dùng súng trường, lên đạn từng viên, bắn hạ thì…quả thật người csVN đã thể hiện được tất cả bản chất của những em bé ngày xưa chỉ biết chăn trâu, chăn bò!

4.- Danh sách 12 “anh hùng nhí” – nhóm chữ này và danh sách “anh hùng nhí” rất dài, ngày trước được dư luận viên csVN quảng bá trên internet. Sau khi bị vài bài của người Việt di tản chỉ trích, dư luận viên csVN đã đổi thành “anh hùng trẻ tuổi” và danh sách trẻ em bị csVN lừa, đưa vào chỗ chết để được làm anh hùng đã bị rút ngắn rất nhiều; nay chỉ còn:

-* Nguyễn Bá Ngọc (1952 - 1965), 13 tuổi.

-* Dương Văn Nội (1932 - 1947), 15 tuổi.

-* Dương Văn Mạnh (1930-1944), 14 tuổi.

-* Vừ A Dính (1934-1949), 15 tuổi.

-* Kim Đồng (1929-1943), 14 tuổi, v.v…

Dưới thời VNCH, tại Saigon và các thành phố lớn, không ai lạ gì trò đánh lén của Việt cộng – tay sai rất đắc lực của csVN. Việt cộng gói kỷ mìn hoặc lưu đạn,  vào giỏ đi chợ, rồi bảo em bé đánh giày hay là em bé ăn xin, đem gói đó đến chỗ lính Mỹ đứng đón xe bus, trao cho lính Mỹ để được lính Mỹ cho “kẹo cao su” – chewing gum – rồi em bé sẽ trở thành anh hùng!

Người Mỹ, với bản tính nhân hậu, rất thích và tin tưởng trẻ em, cho nên, không những không đề phòng mà còn lấy kẹo cho em bé nữa. Thế là mìn nổ! Lính Mỹ và đứa bé Việt Nam chết không toàn thây!

CsVN đã lợi dụng sự thơ dại của trẻ em để đưa trẻ em vào chỗ chết! Thế mà người csVN và bộ đội ông Hồ Chí Minh lúc nào cũng “tự sướng”, tự ca ngợi những “chiến công huyền thoại” do các em bé chỉ hơn 10 tuổi thi hành!

Hỡi người csVN! Suốt chiều dài của dòng lịch sử cận đại, csVN đã áp dụng những thủ đoạn gian manh, lừa lọc để giết hại cả triệu triệu người đồng chủng; rồi phổ biến hình ảnh những em bé ôm súng; mấy cụ bà thêu dệt chuyện “đánh Mỹ cứu nước” và hình ảnh bi thảm có thật của không biết bao nhiêu ngàn thiếu nữ Bắc Việt mất xác trên đường mòn Hồ Chí Minh, v.v…chỉ làm cho nhân loại ghê tỡm về sự tàn ác và dã man của người csVN chứ những hình ảnh đó không thể gây được chút thiện cảm nào trong lòng người!

Gần đây, chỉ một tấm ảnh của nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ – Nicole Gee – ôm em bé người Afghan với thái độ đầy thương cảm thì nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đều phổ biến và ca ngợi! 

Nhân loại chỉ tôn trọng sự thật, trân quý những tâm hồn cao thượng và những trái tim biết rung động vì tình người – như nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ, Nicole Gee – chứ nhân loại không bao giờ thán phục hoặc ca ngợi sự tàn ác, dã man, như những gì người csVN đã và đang áp đặt lên thân phận người Việt Nam!


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

*.- Bài này do sự gợi ý của nhà báo Vương Trùng Dương.