HOÀNG ANH TUẤN, nhà thơ nghệ sĩ
Hoàng Anh Tuấn là một nhà thơ nổi tiếng từ thập niên 60. Nói đến nhà thơ này, là phác họa lại một chân dung văn nghệ sĩ của văn học Việt nam rất độc đáo và nhiều cá tính. Trong thi ca của ông, ngôn ngữ thơ đã làm sống lại những thời kỳ của kỷ niệm không phải riêng của ông mà còn của rất nhiều người trong chúng ta. Những nơi chốn, của không gian những thời gian nào xa xưa được nhắc đến như một phần cuộc đời của thi sĩ và trở thành những hằn dấu trong tâm thức chẳng thể nào phai. Nói đến Hoàng Anh Tuấn, là phải đề cập đến con người đa năng đa diện và tràn đầy nghệ sĩ tính. Và, thơ của ông cùng với cuộc đời ông cũng trôi nổi theo từng thời kỳ của đất nước và cũng cùng chung những tâm tư của một thời đại rất đặc biệt Việt Nam.
Chân dung nghệ sĩ Hoàng Anh Tuấn là một chân dung đa diện. Có nhiều vóc dáng Hoàng Anh Tuấn. Nhà đạo diễn phim ảnh. Kịch tác gia. Ký giả. Công chức Quản Đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là vóc dáng của một thi sĩ. Và một người thi sĩ đặc biệt, đã sáng tác hàng mấy trăm bài thơ nhưng vào lúc cuối đời lại mới in tập thơ đầu tiên do ái nữ là nhà văn Hoàng Thu Thuyền góp nhặt sưu tầm các bài thơ đăng rải rác trên báo chí. Hình như ông coi công việc làm thơ như một trò chơi, viết xong là quên đi ngay không để ý tới nữa. Hoàng Anh Tuấn là đạo diễn phim ảnh. Ông tốt nghiệp trường điện ảnh khá nổi tiếng của Pháp ở Paris IDHEC nơi mà các đạo diễn nổi tiếng của Việt nam như Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa đã cùng học. Khi về Sài Gòn ông làm việc cho hãng phim Alpha của đạo diễn Thái Thúc Nha và sau này đã làm đạo diễn cho hai phim Xa Lộ Không Đèn và Ngàn Năm Mây Bay. Phim Ngàn Năm Mây Bay có cốt truyện từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang.
Chân dung khác cũng khá lạ: Hoàng Anh Tuấn kịch tác gia. Ông là tác giả của nhiều kịch bản khá nổi tiếng và được trình diễn nhiều lần. Trong số đó có vở “Hà nội 48”, hay “Ly nước lọc“. Ông có lối dựng vở khá độc đáo ảnh hưởng của lối viết thoại kịch Tây phương.
Hoàng Anh Tuấn còn là một ký giả. Vì nghề đạo diễn không đủ sống nên ông quay qua viết báo. Ông được các ký giả đàn anh như Huỳnh Thành Vị, Phi Vân kềm cặp và truyền nghề để trở thành một ký giả có thể làm được bất cứ một công việc lớn nhỏ nào ở tòa soạn nhật báo. Trước năm 1975 ông đã làm việc tại các nhật báo Đồng Nai, Tiền Tuyến, và tạp chí Hiện Đại.
Hoàng Anh Tuấn quản đốc đài phát thanh lại là một sắc diện khác.
Theo lời nhiều người cùng thời, thì ông là một công chức ăn bận lè phè nhất dù là quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Ông đi làm mà đi guốc, mặc áo bỏ ngoài quần, bộ dạng rất luộm thuộm. Nhưng ông làm việc có nhiều sáng kiến, có lần khi truyện chưởng Kim Dung được nhiều người mến mộ đã cho làm những chương trình đọc truyện truyền thanh, một sáng kiến mà các cấp chỉ huy không thích.
Sống ở hải ngoại, khi ở thủ đô Washington DC hoặc thành phố San José, ông cũng sinh sống bằng nghề làm báo…
Ông làm thơ từ thời rất trẻ khi du học bên Pháp. Ông làm rất nhiều thơ khi học ở Paris và là người đã in tập thơ “Về Provins” cùng với các tập thơ của những bạn cùng thời như Nguyên Sa với tập thơ “Hy Vọng” và Đỗ Long Vân với tập “Người Em Sáng Trong Cô Độc”. Những tập thơ in roneo vào năm 1952 và về sau này những bài trong tập Hy Vọng của Nguyên Sa được in lại trong Thơ Nguyên Sa. Còn hai tập thơ của Hoàng Anh Tuấn và Đỗ Long Vân thì lại không được phổ biến ở quê hương dù hai tác giả kể trên về sau đã thành những tên tuổi thi sĩ lớn hay ký giả nổi danh của hai mươi năm văn học Miền Nam.
Về Provins là một tập thơ của thi sĩ viết cho một người em gái “tóc vàng sợi nhỏ“ tên là Irène với khung cảnh của xứ người, của tâm tình những người tuổi trẻ yêu nhau. Những câu thơ tự do tự nó đã có chất phóng khoáng của sự phá bỏ mọi câu thúc, kể cả sự phân biệt màu da và khác biệt văn hóa. Thơ như phác họa cho một lên đường sắp tới…
Phong cách sống thoải mái phóng túng như vậy nên thơ tình ông tuyệt vời. Hoàng Anh Tuấn có những bài thơ thật độc đáo, nhất là thơ tình yêu. Mà lạ lùng, những bài thơ ấy ông làm rồi quên ngay đi. Với ông tất cả chỉ là một trò chơi, không có gì quan trọng, kể cả đời sống của chính mình. Có một bài thơ, kể một chuyện tình, của ai ai mà sao nghe như giông giống chuyện của mình...
Thơ kể có một cậu bé học trò yêu một tình yêu khó ngỏ. Mỗi buổi chiều tan học, đạp xe theo một tà áo trắng, lòng muốn nói bằng ngôn ngữ trái tim mà chẳng thể mở lời. Suốt một năm học, chỉ là người chỉ dám theo sau với cái ngại ngùng nhút nhát của tuổi vừa chớm biết mơ mộng. Rồi thời gian qua, cậu bé ấy thành người lớn, vào lính và trôi nổi theo dòng đời của một xứ sở chiến tranh. Cho đến một hôm, gặp lại người xưa đã là thần tượng một thời niên thiếu. Người ấy, gặp lại trong một quán rượu, trong cái phong cách của một người đàn bà đã trải qua nhiều bầm dập của cuộc sống. Người đẹp ngày xưa, của áo trắng nữ sinh thuần khiết ngày nào, bây giờ, chỉ là tiếng cười man dại, chỉ là mầu môi đỏ rực của những câu cháy đỏ dục tình. ...
Đó, là câu chuyện của bài thơ “Gìn Giữ“ của Hoàng Anh Tuấn, nhưng, trong một trùng hợp nào đó, lại là chuyện tình của cá nhân tôi. Bài thơ ấy, không hiểu tại sao lại như in trong tâm thức tôi hàng mấy chục năm. Tôi đã nhớ, đã thuộc hầu như trọn cả bài, chỉ có mấy câu cuối là để sót.
Đáng lẽ đó phải là một bài thơ đắc ý của ông mới phải. Thế mà tác gỉa bỏ quên đi thì lạ thật? Bài thơ ấy, tôi đọc lại cho nhà văn Thu Thuyền, con gái nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và cô đã hỏi lại ông, thì ông trả lời. Thơ có vẻ hơi giống giống, quen quen nhưng thú thực là đã quên rồi vì làm rất nhiều bài thơ nhưng như cơn gió, thoảng qua đi rồi thôi. Nếu ai có thích thì nhớ. Đó là chuyện của độc giả. ...
Tôi khoái cái phong thái đó, và lại càng thích hơn bài thơ xưa. Cái tâm tư ấy, dường như là của tôi. Cái ngôn ngữ ấy, sao giống tôi qúa thế... Hoàng Anh Tuấn đã viết giùm, đã nói giùm, đã hoài niệm giùm. Có thể, bài thơ ấy với người khác, họ không thích, không cho là hay. Nhưng với tôi, phải vỗ đùi vỗ vế mà bắt chước Kim Thánh Thán ngày xưa mà kêu ầm lên “Chẳng khoái hơn sao?”.
Bài thơ ấy với tôi, khi ấy, là tuyệt tác, bài “Gìn Giữ”, tôi đọc lần đầu tiên vào một buổi tối ở phòng trực trong phi trường Biên Hòa khi cường độ chiến tranh khốc liệt và những trái đạn pháo kích cứ chực chờ mỗi ngày, mỗi đêm… Bài thơ dù chỉ là một chuyện tình nhưng hình như cũng nhuốm nhiều hơi hám của chiến tranh.
Bài thơ khá dài. Nhưng có thể đọc làm hai phần. Phần đầu của cậu học trò ngây thơ si tình, yêu mà nhút nhát:
“Anh thầm nhủ đợi cuối tuần sẽ nói
cuối tuần này anh hẹn cuối tuần sau
nhưng gặp em anh ngần ngại lắc đầu
để khi khác hôm nay còn sớm quá
yêu mãi mãi can chi mà vội vã
em còn đây tóc lả nhánh ngang vai
em còn đây mười sáu tuổi thơ ngây
đường đi học hôm nào không gặp gỡ
nhưng nín lặng anh về nhà khổ sở
gọi tên em mà nhớ vẫn y nguyên
anh bảo rằng sẽ phải làm quen
dù khó nói hơn một lần xưng tội.
Đường đi học chung con đường mấy buổi
Bữa đi thi là lần cuối gặp nhau
Anh là người chỉ dám theo sau
Theo kín đáo để em đừng ngó lại
Tuổi học trò tình yêu khờ dại
đem thiên đường hoa lá kết trăng sao…”
Còn phần thứ hai thì lẽ ra phải là một mối tình đẹp với lời kết happy ending? Nhưng, không, là một chuyện tình buồn và thê thảm và đau xót :
“Mười năm rồi anh vẫn ước ao
được tiến ngang vai nhìn nghiêng mái tóc
và bảo rằng mãi mãi yêu em
khói thuốc dần tan trơ trẽn ánh đèn
em trước mặt mưa ngoài kia xối xả
em nằm nghiêng đẹp vô cùng lơi lả
tóc chán chường ôm xõa nửa cơn điên
em vội vàng cất tiếng cười lên
cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh
tay mơn trớn nhả một loài rắn lạnh
khắp mình anh nghe rợn mảnh chai đâm
anh xiết vai em nức nở âm thầm
gọi bóng tối để tìm ngây thơ cũ.
Trời còn mưa khi anh bỏ ra về
đi rất khẽ để em đừng tỉnh giấc... ”
Tâm cảm của tôi thế nào khi đọc những câu thơ sống thực như thế?
Bài thơ ấy tác giả đã quên nhưng tôi lại nhớ. Chuyện của tôi có thực mà sao nghe như tiểu thuyết. Cái đau đớn của một cậu học trò ngây thơ si tình đã nguôi ngoai, nhưng vẫn còn niềm đau xót của một người ngậm ngùi trong cái thay đổi của một thời bão lửa chiến tranh. Tôi vẫn còn nghe cái cười cay đắng của Em, khi nói về thân phận nàng Kiều của mình: ”Em chỉ có hai bà cháu. Bà em thì già, em biết làm gì hơn trong cái thời buổi này!”. ... thành ra những câu thơ như “em vội vàng cất tiếng cười lên, cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh... ” như những mũi dao. Lách sâu vào tim, vào da vào thịt.
Đọc những câu thơ trên tôi nhớ nhiều đến những kỷ niệm thời mới lớn của mình. Có nhiều người thích những câu thơ viết về thuở mới lớn, của tình yêu đầu đời của Hoàng Anh Tuấn. Với tôi, bài thơ ấy nhắc lại một thời, của những khi mà mơ mộng như cánh diều bay vút lên tận trời xanh. Buổi chiều, đạp xe đi theo tà áo trắng, khi gió từ con kinh thổi lên, khi dốc cầu cao vút, như những tầm mắt như muốn lạc vào chốn nào xa mờ. Để đến buổi tối, thức khuya, tập tành làm thơ, để thấy mình lắng nghe trong sâu thẳm những ấp ủ một thời, những lãng mạn một đời. Cậu học trò nghèo mơ ước nhiều thứ, mà có khi chỉ là những mơ ước lãng đãng không cụ thể. Đôi khi là giấc mộng trở thành quan trạng ngày xưa trong thi ca Nguyễn Bính. . Ôi, những giấc mơ thời tuổi trẻ. Bây giờ ở tuổi trên sáu mươi sao vẫn nghe xôn xao một chút gì vương vấn lại….
Đó là một bài thơ mà thi sĩ đã làm ở thành phố Sài Gòn. Với ông, Hà Nội có vị trí của một thánh địa. Tập thơ độc nhất được in lúc gần cuối đời của ông manh tên ”Yêu Em Hà Nội”. Dĩ nhiện, tôi phải đọc kỹ tập thơ được xuất bản duy nhất này. Nhưng, nói về bài thơ Gìn Giữ là đề cập đến cái nét nghệ sĩ tính độc đáo của ông. Bởi, trong cái phong cách nghệ sĩ, không coi một điều gì là quan trọng, thì nhớ hay quên một vài bài thơ, vài chục bài thơ hay vài trăm bài thơ cũng thế thôi. Với ông, thơ chỉ là một cuộc vui, tình cờ ghé vào, rồi tình cờ bỏ đi... Thơ là cuộc sống, là tình yêu, là những nhân dáng những tượng hình có thực nhưng, như cuộc đời này, như mây trời, sẽ bay đi, mất biệt…
Người ta nói thơ của ông trẻ trung ngàn tuổi bởi phong cách ấy, tâm tình ấy. Dù bây giờ ông đã khuất núi khởi hành vào cõi miên viễn vô biên…
Tôi không phải đồng trang lứa với ông và trong đời chỉ gặp mặt nói chuyện một vài lần, mà sao nghe tin ông mất, lòng cũng không khỏi man mác. Nhưng, vẫn thấy dường như thi sĩ còn để lại điều gì. Giở tập thơ, đọc lại vài bài thơ quen, những bài thơ của những không gian, thời gian thật trẻ dù có khi mà cả thi sĩ và độc giả đã già... Có người gọi ông là Lão Ngoan Đồng cũng có cái lý của nó.
Thơ Hoàng Anh Tuấn trẻ, rất trẻ. Nếu không ngại ngoa ngôn, thơ ông không tuổi tác. Lúc nào, thơ cũng là những niềm riêng trải ra, từ cảnh đến người. Thơ, có hơi thở của cuộc sống, bởi, nó có sự sống thật rốt ráo, thật tha thiết. Những ý tưởng, những cảm nhận, là thật của ông, và cái riêng ấy qua ngôn ngữ đã thành cái chung của nhiều người.
Có người hỏi tình yêu của Hoàng Anh Tuấn khi tuổi trẻ hoặc lúc về già có gì khác biệt. Theo tôi thì cũng thế thôi. Một nòi tình. Tuổi trẻ khi đã yêu, ai mà không nhút nhát, không mơ mộng. Ai mà chẳng có lúc “mộng ngoài cửa lớp”? Ai mà chẳng có lúc nhớ về Em của:
“Em xõa tóc bước lên ngôi thần tượng.
Đôi bàn chân còn lấp lánh sương đêm
Môi ướp mật ong, tóc đẫm hương rừng
Tà áo mỏng dệt bằng tơ dị thảo...”
Nhưng khi lớn tuổi, thì cũng thế. Người đọc thấy người thơ sao giông giống chính ý nghĩ mình. Từ ý tưởng, từ ngữ ngôn, là những dong tay dắt về nơi chốn tuy ngủ trong trí nhớ nhưng chưa yên trong hồi tưởng. Thơ đi về ngõ đường nào, có cơn mưa ấu thời, có rung động thanh xuân. Dù, Hoàng Anh Tuấn làm thơ cho Hà Nội, nhưng ai cấm độc giả tưởng tượng lại cho thành phố của mình. Như với tôi là Sài Gòn, là thánh địa của tuồi hoa niên, là cơn nắng chiều vàng hoe hiu hắt, là con lộ ven bờ kinh dẫn đến dốc cầu cao, là tà áo dài trắng phất phơ đầy mộng tưởng.
Thơ tuyệt vời như thế chắc được nhiều nhạc sĩ ngắm nghía để phổ nhạc? Đúng như vậy, Thơ Hoàng Anh Tuấn được rất nhiều nhạc sĩ chọn. Và có rất nhiều nhạc khúc bắt nguồn từ thơ ông. Như Hoài Khúc của nhạc sĩ Anh Việt. Như Soi Trong Lòng Mắt - Duyên Anh. Như Ngàn Năm Mây Bay - Nguyễn Hiền. Như Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội - Phạm Đình Chương. Như Viết Trên Tà Áo Em - Văn Phụng. Như Hát Tháng Tư Xanh - Phạm Duy. Như Gọi Người Yêu Dấu - Vũ Đức Nghiêm. Như Thầm Kín Song Ngọc. Như Em, Hà Nội - Phan Nguyên Anh. Như Giọng Hát Năm Xưa - Nguyễn Đức Nam. Như Mùa Hạ Huyền - Khổng Vĩnh Thành…
Trong lời tiễn đưa khi hạ huyệt thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, nhà văn Giao Chỉ phát biểu: ”trong số các bài thơ của Hoàng Anh Tuấn có hai bài phổ nhạc rất danh tiếng. Bài Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội đã làm khổ thi sĩ khi kẹt lại bị hành lên hành xuống trong tù Cộng sản. Tuy nhiên Bài Thơ Hà Nội chan chứa tình yêu với tên các con đường 36 phố phường thì cả cán bộ Bắc Kỳ đọc cũng phải ngẩn ngơ
”Em Hà Nội, Hàng Đường trong giọng nói
Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi sao thảo cỏ mờ phai
Theo gót chân em từng bước Hàng Hài
yêu Hàng Lược chải mềm hương mái tóc…”
Tình Hà Nội đến như thế thì thôi!!!”
Thơ tình Hà Nội không phải chỉ có thế. Tôi đọc “Bài Thơ Còn Lại”, để thấy như còn chút vấn vương, còn một nỗi niềm nào mơ hồ chưa ngỏ. Lời và ý thật tự nhiên, xuôi chảy theo dòng ngôn ngữ không một chút dụng công nhưng lại gây rung động. Trong cách diễn tả, có sự thiết tha của những lời dặn dò...
Không phải thi sĩ chỉ muốn dặn dò với người yêu, mà, còn muốn dặn dò với cả chính mình, hay cả vời vợi tâm tư của một tâm thức nào đã in sâu trong trí nhớ. Lời dặn tha thiết :
“Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
mắt vương tơ của những phút học bài
tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn... ”
Thốt nhiên, tôi lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bính, của cái xót xa khi thấy người yêu thay đổi “hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều,,” như lời dặn dò đừng mặc áo quần theo mốt thành thị nhắc lại một thời xa xưa. Còn Hoàng Anh Tuấn thì nài nỉ. Hãy hồn nhiên, hãy ngây thơ, như thuở nào mới lớn. Đừng trang điểm, bởi son phấn sẽ làm thô nhám đi lớp da mượt mà, sẽ làm bớt đi cái hồn nhiên của những bình minh vừa rạng…
Tâm tư ấy, với tuổi học trò, ai mà quên được. Có lời ngỏ từ câu thơ phất phơ tà lụa. Hay là nỗi niềm thổn thức buổi chia xa. Thơ được hình tượng riêng từ hoa lá cỏ cây đến trời mây sông biển. Dòng thơ xuôi nguồn, những câu tám chữ phăng phăng rạch về biển lớn. Câu, chữ, là lóng lánh sương trong của một ngày tinh mơ, là ánh hoàng hôn của một chiều quá vãng. Thơ, mềm mại và nõn nhẹ như tơ :
“Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
như chưa lần nào em nói : yêu anh
như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
em có về ăn cưới những vì sao
để chân bước trên giòng sông loáng bạc
ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc... ”
Những câu thơ mở ra một tấm lòng rất rộng, đầy trăng sao mơ mộng. Nhưng tuyệt cú là những câu cuối của bài thơ. Những câu thơ mà nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm đắc… Những câu cuối là những câu thơ của nỗi niềm hoài niệm, của những dặn dò cho thân ái ngày xa xưa:
“…Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ
đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn... ”
Thơ tám chữ của Hoàng Anh Tuấn như bài này quá hay. Nhưng có nhiều người lại cho rằng thơ của ông tuyệt vời ở thể loại khác? Thật ra cũng cũng tùy cảm thức và nhận định của mỗi người. Nhiều người thích thơ lục bát Hoàng Anh Tuấn vì ý thơ cô đọng và ngôn ngữ tinh chất. Nhưng, riêng với tôi, lại thích thơ tám chữ của ông hơn. Nghiệm lại, thường đa số bài của ông là tám chữ. Và, với thể loại này, dường như không gian thơ rộng hơn và thời gian thơ cũng dài hơn. Ở đó, trí tưởng tượng như vó chân tuấn mã xoải bước theo muôn dặm hành trình. Nhịp thơ dồn dập nối nhau, như nhịp thở trái tim, để, ý và lời kéo nhau vào vô biên vô tận. Để đến một lúc, từ những làn sóng liên miên kéo tới, để người đọc thấy như bị hụt hơi trong cảm giác và thấy bị trôi dạt vào một cảnh tượng riêng khi ngũ quan bị rơi vào khoảng chơi vơi vô định của liên tưởng. Ông không kể chuyện nhưng từ một vài câu, một vài chữ như kể đến, hay nói về, chút tâm sự riêng mà người đọc thơ tự cảm thấy mình có một chút nào chia sẻ trong đó. Trong ý nghĩ chủ quan tôi, chính vì những hình ảnh, những từ ngữ bất chợt ấy mà ấn tượng thơ như hằn vết sâu thêm, rõ thêm trong bộ nhớ của óc não độc giả. Thơ vì thế lại có dáng vẻ lôi cuốn thêm…
Thơ Hoàng Anh Tuấn làm hồi sinh lại những nơi chốn mà ông đã sống qua. Liệu nhận định ấy có gì quá đáng không? Nhưng theo tôi thì câu nói đó nêu lên được một đặc tính của con người ông và thi ca ông. Thơ huyền ảo hơn Paris của một thời tưởng tượng. Thơ dựng lại một phương trời Hà Nội. Thơ làm rạng rỡ hơn cái nắng Sài Gòn. Thơ làm lãng mạn hơn sương mù Đà lạt. Và ở xứ người thơ chuyên chở tâm tình của Thung Lũng Hoa Vàng, của thành phố San Jose nơi thi sĩ sống cuối đời và từ trần ở đó... Những nơi chốn của đất thánh thi ca…
Nguyễn Mạnh Trinh