2023/11/01


ĐẬU RỒNG
Internet

Đậu rồng chấm cá bống kho

Với tô cơm nguội bụng no còn thèm

Thời gian bóng ngựa qua rèm

Kỷ niệm ngày ấy ai đem tôi về?!

 

Tôi về nghe tiếng a ê

Của đám con nít nhà quê trường làng

Nhớ ngày nghỉ học lang thang

Ra đồng cùng bạn vầy đàn rong chơi

 

Tôi về ngắm rán chiều rơi

Có mùi hương lúa gọi mời tình quê

Tình quê không phải hẹn thề

Mà sâu mà đậm tràn trề yêu thương.


Rủi cách xa nặng vấn vương

Chân không về được hồn nương gió về!


Anh Tú

November 1, 2023


Veterans Memorial Park_Bridgeport Connecticut_Oct31,2023
Hình1

Hình 2



     TÌNH THU !

Thu ơi, xinh đẹp tuyệt vời !
Thu đi, rồi đến khắp nơi với người
Thu mang màu sắc đậm tươi
Thu vào chầm chậm, nắng lười, ngày mau..
Thu len nhè nhẹ nỗi đau
Thu ôm thương tiếc, nhớ nhau thật đầy !
Thu buồn, gió nhẹ hây hây
Thu sầu, lá rụng đó đây mỗi ngày
Thu đưa tiếng nhạc xa bay
Thu cho ý tưởng đắm say ngất trời !
Thu xa dù phải cách rời
Thu yêu thương vẫn muôn lời lả lơi !
Thu ơi ! Yêu chiếc lá rơi !
Thu quyến rủ hởi ! Chơi vơi bao tình !

TNH-11/01/2023
(Cảm tác qua hình & clips posted của thầy NHA)

2023/10/07

  Tạp ghi

“Anh Xi”

Ảnh: Internet

Associated Press/World News, ngày 01 tháng 9 năm 2023, lúc 4:11 AM CDT loan tin: “A new China map shows the South China Sea with nine-dash line claims under Chinese territory and a new line next to Taiwan are seen on the map, at a bookstore in Beijing, Friday, Sept. 1, 2023. China has upset many in the Asia-Pacific region with the release of a new official map that lays claim to most of the South China Sea,...”  

Trung cộng, không những tự ý vẽ bảng đồ để tuyên bố chủ quyền – một cách bất hợp pháp – toàn Biển Đông mà Trung cộng còn hành động tráo trở/hung hăng và càng ngày càng trở nên dị hợm. 

Theo Reuters, ngày 27 tháng 08/2023 thì: Ngày 05/08/2023, một tuần duyên hạm của Trung cộng đã dùng “vòi rồng” xịt nước tiếp vận hạm của Phi Luật Tân trong khi tiếp vận hạm này đang hải hành để chuyển nhu yếu phẩm tiếp tế cho một chiến hạm của Phi Luật Tân đang neo  trong vùng Nam Biển Đông.

Trên CNN, ngày 09/09/2023, lúc 3:16AM, Shawn Deng và Chris Lau tường thuật: Trong chuyến công tác thường lệ, một tuần duyên hạm của Phi Luật Tân đang hải hành để chuyển nhu yếu phẩm đến một chiến hạm đang neo gần bãi Ayungin thì bị bốn tuần duyên hạm và bốn chiếc hải thuyền của Trung cộng gây hấn.

Hành động hung hãn một cách vô ý thức của Trung cộng trên Biển Đông bị Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ chỉ trích: “China's ‘aggressive behaviour’ in the South China Sea, including the use of water canon by its coast guard against a Philippine vessel, must be challenged and checked.” Nhưng, khi Trung cộng xây đảo nhân tạo/xây phi trường tại đảo Tri Tôn – thuộc nhóm đảo Hoàng Sa, của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – không ai lên tiếng; chỉ có Annika Burgess tường thuật trên ABC News, ngày 16/08/2023 lúc 9:40PM: “... The work on Triton island in the Paracel group mirrors construction on seven human-made islands in the Spratly group to the east which have been equipped with airstrips, docks and military systems, although it currently appears to be somewhat more modest in scale...” 

Trong phần phản đối của các nước láng giềng Á Châu –  Indian/Indonesia/Malaysia/Brunei/Philippines/Taiwan, v.v... – về hành động chiếm Biển Đông một cách ngang ngược của Trung cộng, cũng có phần phản đối của cộng sản Việt Nam (csVN): “Vietnam said the claims violate its sovereignty over the Paracel and Spratly islands and jurisdiction over its waters and should be considered void because they violate the United Nations Convention on the Law of the Sea...”

Giai đoạn csVN từ Bắc xăm lăng Nam Việt nam, 1954-1975, mỗi khi csVN mở mặt trận nào trên lãnh thổ của VNCH thì Hải Quân VNCH cũng phải chuyển quân/quân xa/súng đạn/quân trang/quân dụng, v.v... đến chiến trường đó. 

Đó là nguyên do khi Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa, ngày 19/01/1974, Hải Quân VNCH không còn chiến hạm hữu dụng, đành phải chỉ định chiến hạm Nhật Tảo HQ 10 đang đại kỳ – sửa chữa/thay thế những bộ phận trọng yếu – tại Hải Quân công xưởng  tham chiến trận Hoàng Sa.

Kết quả là chiến hạm Nhật Tảo HQ 10 bị chìm vì trúng đại pháo của Trung cộng, mang vào lòng biển Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà và 74 quân nhân!

Hành động của người csVN vào thời điểm giữa thập niên 60 cho đến đầu thập niên 70 rõ ràng là chỉ với mục đích phân tán lực lượng quân sự của VNCH để Trung cộng chiếm Hoàng Sa. Thế thì, gần nửa thế kỷ sau, năm 2023, người csVN phản đối Trung cộng – bằng miệng chứ không phải bằng hành động dũng cảm như Hải Quân VNCH năm 1974 hoặc như Phi Luât Tân, năm 2016 kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế – chiếm Hoàng Sa chỉ với mục “che mắt” mọi người, phải không? 

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh: “Thực dân Pháp đô hộ” rồi “đế quốc Mỹ xâm lược” mà Việt Nam không bị mất một “thẻo” đất/một vùng biển nào cả và Trung cộng cũng không dám chiếm Biển Đông!

Nhưng, sau khi Pháp rút quân, ngày 20/07/1954; Hoa Kỳ rút quân tháng 03/1973 thì người láng giềng Trung cộng  “4 tốt 16 chữ vàng” của người csVN chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19/tháng Giêng/năm 1974 thì Thái Bình Dương không còn thái bình nữa mà đang dậy sóng!!

Người csVN muốn “tự sướng”, “tự phong” là “anh hùng đánh Mỹ ‘kíu’ nước” thì đó là quyền của người csVN; còn tin hay không là tùy vào sự hiểu biết về lịch sử của từng cá nhân.

Vũ khí không thể nào phân biệt được để tránh người không cộng sản và người cộng sản; vì thế, người Việt Nam rất may mắn khi chính phủ Hoa Kỳ đã âm thầm rút quân khỏi Việt Nam – theo Hiệp Ước Đình Chiến năm 1973 – chứ Hoa Kỳ không hành xử với csVN như Hoa Kỳ đã “trả đũa” Nhật Bản, về trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), ngày 07 tháng 12 năm 1941.

Sự thiệt hại nhân mạng của Hoa Kỳ trong trận Nhật tấn công Pearl Harbor được ghi nhận khoảng trên dưới 6000 (sáu ngàn) người. Sự thiệt hại nhân mạng của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam là 58,220 người (năm mươi tám ngàn hai trăm hai mươi).

Người Mỹ rất quý trọng nhân mạn – dù là nhân mạn của người Mỹ “thật”/Mỹ “giấy” hoặc không phải là người Mỹ. Thế thì tại sao sự thiệt hại nhân mạn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam gần gấp 10 lần so với sự thiệt hại nhân mạn của Mỹ trong trận Pearl Harbor mà Hoa Kỳ lại không “trả đũa” csVN? 

Nhờ Hoa Kỳ không “trả đũa” csVN mà người Việt khỏi phải chịu thêm nhiều đau thương! Thế thì tại sao – ngay thời điểm này, 2023 – trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam và trên internet, csVN cũng vẫn còn “rêu rao” Hoa Kỳ là “Đế quốc Mỹ xâm lược”? 

Muốn biết Hoa Kỳ và Trung cộng ai là “Đế Quốc xâm lược”, mời đọc tin trên internet về các cuộc không tập và hải hành của quân đội Trung cộng đối với Taiwan – chứ không cần nhắc lại lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc – thì sẽ rõ.

Xin trích vài phân đoạn tượng trưng trên các phương tiện truyền thông gần đây nhất để chứng minh sự “lộng hành” của... “anh Xi” – thủ lãnh của Trung cộng – trong hành vi “tập tành” để trở thành kẻ xâm lược Taiwan.

Trên Associated Press, ngày 11/07/2023 lúc 11:59 PM, bài của Huizhong Wu: “The Chinese People's Liberation Army sent 38 warplanes and 9 navy vessels around Taiwan, between 6 a.m. Tuesday to 6 a.m. Wednesday. From Wednesday morning until noon time, the military flew another 30 planes, among which included J-10 and J-16 fighters.”

Trên Daily Express US, ngày 14/09/2023 lúc 2:43AM, Aurora Bosotti viết: Trung cộng cho 68 phi cơ phản lực và 10 chiến hạm quần thảo quanh Taiwan. 

Trên FOX News, ngày 19/09/2023 lúc 6:09AM EDT, Lawrence Richard tường thuật: “China’s military sent over 150 warplanes toward Taiwan this week in an unprecedented military that the island’s government swiftly condemned as ‘harassment.’

On Monday, mainland China’s military, known formally as the People’s Liberation Army, flew 103 warplanes near and over the island in a 24-hour period in what the island’s defense ministry called a recent new high. On Tuesday, an additional 55 PLA aircraft were detected near the island by Taiwan’s R.O.C. Armed Forces.”

Thấy cảnh Taiwan bị Trung cộng đe dọa khủng khiếp/thường xuyên/liên tục như thế, người csVN nghĩ gì? Hãi chưa? Người csVN có nghĩ rằng sẽ có ngày Trung cộng cũng hành xử với Việt Nam như Trung cộng đang đe dọa Taiwan hiện nay hay không?

Thời điểm người csVN khởi động cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam, Trung cộng còn yếu kém – so với Hoa Kỳ – về mọi phương diện. Đúng như trên CNN, updated ngày 21/01/2023 lúc 5:42AM EST, Simone McCarthy đã viết: “The US held the key for China’s modernization, so China benefited from this immensely… Without the US, I don’t think you would see China as a big power today.”

Thế mà, trong thời gian Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ – một lực lượng lớn nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, Bộ Chỉ Huy đặt tại Nhật Bản, gồm có 70 chiến hạm, khoảng 150 phi cơ đủ loại và hơn 27 ngàn thủy thủ – thống lĩnh vùng Thái Bình Dương thì không hề có sự tranh chấp hoặc xâm phạm hải phận của quốc gia nào cả; không có sự phân chia hải phận; không có sự đe dọa trực tiếp hay gián tiếp đến an ninh của nước nào cả; không có sự giới hạn hải hành hoặc giới hạn không vận trong vùng hải phận quốc tế của Thái Bình Dương. Taiwan không bị đe dọa!

Còn Trung cộng – nhờ sự hỗ trợ một cách thầm lặng nhưng rất tích cực của csVN – sau khi chiếm được Hoàng Sa của VNCH đã xây đảo nhân tạo; đưa 60/70 ngàn quân tấn công biên giới Việt Nam, ngày 17 tháng 02/1979; tấn công đảo Gạc Ma của Việt Nam, ngày 14 tháng 03/1988; rồi tuyên bố chủ quyền gần như trọn vẹn Biển Đông, v.v... thì người csVN gọi Trung cộng là gì? 

Người csVN gọi Trung cộng là gì cũng chẳng quan trọng. 

Điều quan trọng rất bất ngờ là: Ngày 25/09/2023 lúc 7:12PM, Deutsche Welle đăng tin: “US recognizes two Pacific nations to counter China.

The Cook Islands and Niue have been recognized by the United States as ‘sovereign and independent states.’ The move appeared to be aimed at curbing further Chinese inroads into the Pacific region...

US President Joe Biden said on Monday that the United States officially recognized two small Pacific nations...

The US and Niue already established diplomatic relations on Monday with US Secretary of State Antony Blinken and Niue Premier Dalton Tagelagi signing a joint statement to that effect, the US State Department said.”

Hai đảo Cook Islands và Niue thuộc về Hoa Kỳ là sự khẳng định Hoa Kỳ sẽ không rời Biển Đông.

Trong khi Hoa Kỳ “vươn tay” ra Biển Đông để ngăn chận bước chân tham tàn của Trung cộng thì: Newsweek ngày 04/10/2023, lúc 3:00AM EDT, Aleks Phillips loan tin: Theo CBS 45,500 (bốn mươi lăm ngàn năm trăm) di dân bất hợp pháp Trung cộng đã xâm nhập Hoa Kỳ trong vòng 11 tháng qua so với 28,000 ngàn di dân bất hợp pháp Trung cộng, năm 2022!

Ngoài vấn nạn di dân bất hợp pháp Trung cộng, Hoa Kỳ còn bị Trung cộng “xâm lăng” bằng “trí tuệ”. Theo tài liệu trên internet, từ 2021-2122 có 290,086 sinh viên tốt nghiệp graduate or postgraduate; đó là chưa kể số sinh viên Trung cộng tốt nghiệp cử nhân. (nguồn https://www.scmp.com).

Trong số du học sinh và di dân bất hợp pháp Trung cộng, chỉ có Trời mới biết được có bao nhiêu gián điệp được Trung cộng “cài” vào để học xong thì ở lại Mỹ làm việc rồi ăn cắp tài liệu – trong mọi địa hạc/lãnh vực – của Mỹ rồi chuyển về Trung Hoa!

Hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ sớm nhận thức được rằng: “Anh Xi” không phải là người bạn đáng tin cậy!


Điệp Mỹ Linh

https://www.diepmylinh.com/

2023/09/24

ĐƯỜNG ĐÊM

Bridgeport, Connecticut

Vào Thu còn bảo giông trời gay lạnh
Cây cối nép mình trong đêm đen
Mặt đường dưới kia loang loáng nước
Bởi những giọt mưa đua nhau đan xen

Cuối đời sao ta vẫn còn lì gát trọ
Đêm khó ngủ chuyện vãng cùng đêm trường
Nghe tương tư ngày xưa yêu vọng trỗi
Mắt nhòa cửa sổ ưu tư ngắm con đường!

Anh Tú
Xứ người.
24 Tháng chín 2023

2023/08/26


CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ
Nguyễn Đại Hoàng
********
1.
Hôm nay, 27 tháng 1 năm 2023, tôi chuẩn bị viết một bài ngắn kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sỹ Phạm Duy (1921- 2013)- thì một bạn trẻ hỏi tôi rằng:
-Thầy ơi, thầy có biết bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè không?
-Tất nhiên là biết rồi. Đó là một bài hát của nhạc sỹ Bắc Sơn (1931-2005)!
-Thầy có thể nói rõ hơn không ạ?
-Vâng. Theo CHÍNH LỜI KỂ LẠI của nhạc sỹ Bắc Sơn thì ca khúc được ông sáng tác dựa trên CẢM HỨNG từ bài thơ TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT của THI SỸ NGUYỆT LÃNG viết năm 1972- để làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình BẾP LỬA ẤM, phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1974 và được ca sỹ Hoàng Oanh thu âm lần đầu tiên.
Điều này ai cũng biết mà! Bất cứ tài liệu nào có trên mạng Internet đều ghi rõ vậy – từ WIKIPEDIA cho tới những bài viết cá nhân –
Source : [ Còn thương rau đắng mọc sau hè – Wikipedia tiếng Việt] & [ Bài hát Còn Thương Rau Đắng... "coi cỏi đốt đồng..." hay "coi khói đốt đồng...", "ba vá miếng dừa..." hay "ba vá miểng vùa..." (nhacxua.vn)]
-Nghĩa là…..?
-Nghĩa là nhạc sỹ Bắc Sơn chỉ lấy cảm hứng từ bài thơ của thi sỹ Nguyệt Lãng mà viết thành ca khúc, chứ HOÀN TOÀN KHÔNG PHỔ NHẠC từ bài thơ!
Mọi chuyện rất minh bạch! Chúng ta hãy xem lại LỜI THƠ của Nguyệt Lãng và CA TỪ của bài hát thì rõ:
CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ – nhạc sỹ Bắc Sơn 1974
Nắng hạ đi
mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Ai cách xa cội nguồn,
ngồi một mình
nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
chợt thèm rau đắng nấu canh
Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau
Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
dạo quanh, khung trời kỷ niệm
chợt thèm rau đắng nấu canh ...
------
Còn đây bài thơ Trường Ca Rau Đắng Đất của thi sỹ Nguyệt Lãng – 1972 – Source : [ Phan Đăng An: TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT - Nguyệt Lãng 1972 (phandangan.com
)]
TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT
Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà ..
Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đượm làm sao tình nghĩa nhà quê
Nhớ làm sao thuở còn bé bỏng
Nhà ở xa trường qua mấy nhịp cầu tre
Bấm ngón chân chai bờ đất ruộng
Trời mưa trơn trợt lối đi về …
Tới cổng,
Mùi cá kho đã dậy
Lạnh cóng tay, cơn đói réo trong lòng
Em với chị vừa đi vừa chạy
Cùng tranh nhau kịp để ngồi mâm!
Em ngồi bên cha,
Chị ngồi cạnh mẹ
Bới chén cơm đầy và đua cho lẹ
Hạnh phúc reo mừng như tiếng chim ca.
Cá rô non nấu canh rau đắng đất
Là tình thương bồi đắp mãi không tròn
Là những buổi cha dầm mưa khai ruộng nước
Quần vo cao,
Áo bà ba rách nách
Điếu thuốc vồng ngấm nước tắt, lạnh run
Tay rổ xúc
Vai đeo đụt mướp
Lũ đĩa trâu thèm máu hút bầm chân!
Là những buổi trời vui mây dẫn gió
Trôi lang thang không biết đến phương nào
Chiều dâng hương cuồn cuộn tiếp chân nhau
Trên ruộng thấp bầy cò bay trắng xoá
Những khi nhàn hạ
Mẹ nhổ rau đắng đất
Đốt lấy tro lắng nước gội đầu
Gió thật hiền lay lá trúc lao xao
Mái tóc chị dài êm như sóng mạ
Mẹ xăm xoi bắt chí
Mẹ chăm chút chải gầu
Xức dầu dừa óng mượt
Cột đuôi gà nhỏng nhảnh đằng sau
Mẹ vuốt tóc chị trầm trồ khen đẹp
Ôi! Dòng tóc hiền thắm nghĩa cù lao!
Mười lăm năm,
Thời gian con đủ lớn
Và tóc mẹ trải màu bông bưởi bông cau
Cha lưng còng như tre gặp gió
Cho lòng con nặng một niềm đau!
Chị theo chồng về nơi xứ lạ
Em linh đinh rày đó mai đây
Thuở nhỏ mưa dầm băng mấy ruộng
Bây giờ mưa ngại bước chân đi! ..
Chị về bên ấy,
Ơ hờ gương lược biếng săm soi
Tóc chị rối bù hong mùi khói bếp
Gió dẫn mây trôi nhìn chỉ ngậm ngùi
Đường về biệt mù
Chồng con bận bịu,
Nơi quê xưa thung đường ươn yếu
Mà nhớ thương như thả tóc lên trời
Em lang thang đầu sông cuối bãi
Thèm một bữa cơm dưới mái gia đình
Nhưng dĩa cá kho mặn mùi nhân ngãi
Tô canh ngày nào cũng đắng vị công danh!
Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đời nhiều lận đận
Nên mất rồi thời thơ dại dấu yêu
Đã hết rồi thời tan học nghêu ngao
Câu hát cũ bây giờ nghe nuối tiếc
Khi mây trắng lưng trời bay mù như tóc
Gió vờn trên lá cỏ
Và đường đời sự nghiệp trắng đôi tay
Đêm nhà trọ chập chờn giấc điệp
Tình hoài hương ray rức ngủ không yên
Tiếng võng ai kẽo kẹt
Giọng ru hời buồn điệu Vân Tiên:
“Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Cho rau đắng đất mọc quanh thềm nhà!”
Mười lăm năm,
Bao lần gió nam non thổi lòn hang dế
Em đi từ ấy,
Chân ruộng đồng chưa mòn gót phiêu linh
Ăn quán ngủ đình,
Nước sông gạo chợ
Bao lần đau những cuộc tình tạm bợ
Bao nhiêu lần làm khách lữ qua sông!
Chợt giựt mình, trẻ nhỏ gọi bằng ông
Bỗng nghe nhớ về cố thổ ..
Nhớ rau đắng nấu canh
Nhớ con cá rô kho tộ
Nhớ chị tôi theo chồng năm lên mười sáu
Tóc cột đuôi gà khóc lúc vu qui!
Chị trách hờn cha mẹ đuổi chị đi
Thân con gái ở nhà ngoài, ăn cơm nguội.
Con chim đa đa kêu đâu bờ bụi
Thương cha mẹ già ươn yếu chẳng ai lo
Chị gói một nắm tro
Dặn em gội đầu cho mượt
Xức dầu dừa cho mướt
Đừng để mủn vùa khô khốc rễ tre
Mười lăm năm,
Mới hiểu lời chị dặn
Thì đã bao lần mấy dề rau đắng
Mọc quanh thềm nhà trổ bông trắng rồi khô!
Đã mấy mùa nước ngập chân đê
Con cá rô mấy lần ra sông lớn
Cha không còn dầm mưa thăm ruộng
Không còn ai giành nữa chuyện ngồi mâm!
Bao năm dài không một lời thăm
Thôi thì kể như nước sông chảy ra biển cả
Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba vá
Như mủng vùa mẹ gọt, lúc lên ba?
Con rô đồng ôm trứng tháng mưa
Chờ đến lúc thả con về ruộng
Chị ngồi nhớ mỗi chiều mỗi sớm
Thả nỗi buồn theo lọn tóc bay.
Một hôm chị ngồi ngạch cửa bấm lóng tay
Rồi chị khóc một mình Không đếm nữa
Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ
Khói đốt đồng làm mắt chị cay.
Từ ngày em làm mây
Lang bạt giang hồ khắp ngã
Bặt tin nhạn cá
Có còn nhớ đất, thương quê?
Như ngày lặng lẽ ra đi
Em âm thầm trở lại
Vừa thương em, chị vừa ái ngại
Ba mươi năm, như thể một ngày
Vẫn rám đen như ngày trốn học
Đi mò cua bắt ốc
Giũ trứng kiến vàng câu con cá rô non
Chị ngồi ngạch cửa liếc mắt nhìn em
Đứa em xưa có gì ngờ ngợ
Quần áo bận nửa quê nửa chợ
Chút giang hồ, chút vị quê hương!
Chị ngồi kế bên
Nhìn em ăn cơm mà khóc
Lại bấm lóng tay, lại chùi nước mắt.
Cũng tô canh rau đắng đất
Cũng tộ cá rô kho
Lòng chị như cục than vùi dưới lớp tro
Gió đòi khêu ngọn lửa.
Chị lại ngồi ngạch cửa
Biểu em xích lại gần hơn
Chị ngập ngừng đưa ngón tay run
Lượm sợi tóc sâu ở trên vai áo.
Bây giờ chị gọi em bằng cậu
(Lẽ ra tiếng ấy,
phải kêu từ lúc chị theo chồng!)
Ôi! Con đò đã xa biệt bến sông
Chị cũng thấy mình ngượng nghịu!
Sợi tóc sao bạc phếu?
Đâu phải tóc sâu,
Mà vì bao lâu mưa dải nắng dầu
Qua bao tháng ngày luân lạc
Hai chị em mái đầu đều bạc
Hai chị em cũng già như nhau
Nhớ ngày nào té nước cầu ao
Hát khúc đồng dao cùng cười khùng khục
“Chị em (người) ta như hoa dâm bụt
Chị em mình như cục .. cức trôi!
Cục cức trôi, người ta còn vớt
Chị em mình như ớt chín cây”
Không hẹn mà cùng bấm lóng ngón tay
Hai số dư không biết đường nào đếm
Em muốn kể quãng đời lận đận
Ba mươi năm dài bao nỗi nhớ mong.
Ngày về nhà chị
Ngủ đêm đầu tiên
Nghe rạo rực không thể nào yên giấc
Dưới mé thềm rêu mọc đầy rau đắng đất
Con dế mèn thôi kể chuyện phiêu lưu
Nén tiếng thở dài
Sợ rung giọt đèn lu
Muốn được ngủ say trong vòng tay chị
Lời trách móc sao y như mẹ
Cái hồi còn thơ trẻ bên nhau!
Ai buộc đời mình vì một cọng rau
Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng
Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng
Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!
Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?
Những chiều hoàng hôn tím
Những buổi dầm mưa đi học lạnh run!
Những buổi mưa dầm
Cha giắt đụt mướp trên lưng
Bắt con cá đồng ngược nước
Bên chái hè mưa tạt
Mẹ hái từng cọng rau đắng đất nấu canh.
Để nỗi nhớ vây quanh
Tóc trên đầu đã bạc
Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước
Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!
3.
Bạn trẻ nghe xong bảo:
-Em đã hiểu và em xin lỗi. Cũng bởi vì sáng nay trong một FB cá nhân em đọc được những lời nhục mạ nhạc sỹ Bắc Sơn thật không bút mực nào tả xiết, mô tả cố nhạc sỹ như là “.. một kẻ không biết nhục, một kẻ vô liêm sỹ vì đã đạo văn thơ của người khác ….”.
Sự thật là vậy mà họ cố tình dựng đứng, cố tình hướng dư luận đi theo một hướng khác!
-Bạn ạ, một người vô cớ nhục mạ biêu riếu một người khác vì một chuyện không có, và như trên đã nói, tư liệu về bài hát, bài thơ đã được đăng tải rõ ràng minh bạch trên mọi phương tiện truyền thông đã mấy chục năm như vậy – thì đã là một chuyện rất tệ, rất lớn rồi.
Tôi nghĩ sắp tới giới văn học nghệ thuật, thân hữu thân nhân của cố nhạc sỹ và cả cơ quan chuyên trách sẽ lên tiếng đấy!
Hãy để hương hồn của người nhạc sỹ được yên.
Copy từ face Lão Ngoan Đồng-Cre: Võ Hữu Nhậm

2023/08/17

Aug 2023_Bridgeport, Connecticut, USA

THU  MONG

Ta đợi em về, em biết không?
Ngóng trong gió mát nắng vơi nồng,
tìm em 
trên ngọn cây cao vút, 
dáng mặt trời lên, 
rán chiều hồng!

Em về ! 
Ta thấy bóng bình an:
Mong cho thế sự bớt đa đoan,
Tốt nhiều xấu ít, xua tha hoá;
Rằng thu về vạn vật hân hoan!

Anh Tú
August 17, 2023

2023/08/09


THÁNG TÁM EM MƠ


Tháng tám đẹp trời lấp lánh đầy sao
Tìm hai vì sao một lần thề thốt
Chúng vẫn còn lấp lánh kề nhau
Niềm vui trong tôi bỗng dưng lên mắt!

Anh ngồi bên tôi cười khúc khích
Như thuở hẹn hò tuổi đôi mươi
Cười bé ngập ngừng vào đường tình ái
Giờ cười bà lão lần kiếm sao trời !

Kiếm sao trời mơ sao rơi vào mắt
Đem tặng anh với hồi ức buồn vui
Trọn đời dìu nhau đôi tay nắm chặt
Vài câu thơ cho tháng tám yêu đời !

Anh Tú
August 09, 2023

 Tùy bút

NHỮNG NGÀY VUI XƯA

Để tưởng nhớ luật sư Nguyễn Ngọc Hải


Luật sư Nguyễn Ngọc Hải và Điệp Mỹ Linh trong đêm ra mắt tác phẩm Bước Chân Non

tại Hyatt Regency Houston West


Nhận được email của anh Đỗ Kim Bảng – cựu sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa – báo tin luật sư Nguyễn Ngọc Hải qua đời, tôi ngồi bất động!

Trong nỗi ngậm ngùi, tôi tưởng như có thể thấy lại được hình ảnh anh Hải với Acoustic Guitar và giọng hát nồng nàn trong những ca khúc mang tình tự dân tộc. Đôi khi anh Hải cùng luật sư Nguyễn Tiến Đạt song ca những ca khúc vui tươi mà ban AVT đã một thời chinh phục khán thính giả của Saigon “xưa”.

Những ngày vui xưa của nhóm người Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại Houston là thời điểm cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 80.

Tôi không nhớ bắt đầu từ lúc nào/tại nhà ai và vị nào là nhân vật khởi xướng những buổi họp mặt cuối tuần. Tôi chỉ nhớ những buổi sinh hoạt văn nghệ đầu tiên mà tôi tham dự, được tổ chức tại nhà anh chị Hải, có thức ăn ngon và văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Anh chị Hải dành một phòng riêng, trên lầu, được trang trí như một hý viện thu hẹp; chỉ dành cho nam nữ nghệ sĩ không chuyên nghiệp tại Houston “trình diễn”. 

Hầu như trong các buổi “trình diễn” chỉ có anh Hải – đàn Acoustic Guitar/Keyboard – và luật sư Nguyễn Tiến Đạt, đàn Acoustic Guitar, là hai nhân vật chính; còn những nghệ sĩ không chuyên nghiệp khác, chỉ khi nào được yêu cầu mới dám cầm micro. Sau khi cầm micro, người hát chỉ cần cho anh Hải biết “tông” và nhịp của bản nhạc là anh Hải đệm Guitar để vị đó hát.

Chỉ một thời gian sau, tôi không nhớ ai đề nghị hoặc lý do nào, những buổi trình diễn văn nghệ “bỏ túi” được luân lưu trong nhóm nghệ sĩ không chuyên nghiệp. Tôi chỉ nhớ, dường như nơi đầu tiên, sau khi nhóm nghệ sĩ không chuyên nghiệp rời tư thất của anh chị Hải là căn phòng trên lầu của phòng mạch bác sĩ Nguyễn Đình Phùng; về sau, các buổi họp mặt được dời về tư thất của bác sĩ Nguyễn Đình Phùng và nhà văn Mặc Bích; tư thất của bác sĩ Bữu Châu và dược sĩ Hạnh Phước; tư thất của bác sĩ và bà Chu Bá Bằng; tư thất của bác sĩ và bà Trần Văn Thuần; tư thất của cựu Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh và Điệp Mỹ Linh; và vài địa điểm khác mà tôi không thể nhớ được.

Thời điểm đó chưa có nhiều tiệm ăn hoặc chợ Việt Nam; chỉ có chợ Tàu dưới Downtown mà cũng chẳng có nhiều thực phẩm Á Đông; do đó, mỗi khi họp mặt tại nhà ai thì “bà chủ nhà” phải nấu thức ăn đãi bạn hữu chứ không thể đặt mua như bây giờ. Riêng tôi, phải đến tư thất của tiến sĩ kiêm nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi để nhờ phu nhân của nhà thơ chỉ cách đúc bánh cuốn.

Trong những buổi họp mặt cuối tuần, luật sư Nguyễn Ngọc Hải đàn Acoustic Guitar, bác sĩ Nguyễn Đình Phùng hoặc bác sĩ Bửu Châu đàn Keyboard cho “ca sĩ” hát. Chị Hoàng Nga – phu nhân của nha sĩ Trần Nam Hải và cũng là cháu gọi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bằng Chú – có thể được xem như giọng ca chính; vì giọng của Chị trong, ngân dài và Chị hát rất đúng nhịp. Tiếng hát của một vị nữ lưu khác, phu nhân của bác sĩ Chu Bá Bằng, cũng không kém tuyệt vời.

Nếu phu nhân của bác sĩ Chu Bá Bằng và chị Hoàng Nga có thể đại diện cho bên nữ thì bên nam anh Hải là nhân vật chính. Anh Hải – với giọng ténor cao vút – vừa đệm Guitar vừa trình bày những ca khúc rất khó hát như Vọng Ngày Xanh/Chiều Tà/Hòn Vọng Phu/Tình Quê Hương...

Riêng Điệp Mỹ Linh – vì chưa ai biết tôi từng chơi Accordéon – thỉnh thoảng cũng bị yêu cầu hát. Tôi thường hát những tình khúc lãng mạn và buồn. 

Một hôm, muốn thay đổi không khí buổi họp mặt, anh Bửu Châu mở băng nhạc ngoại quốc và ngõ lời: Nếu cặp nào muốn nhảy, cứ tự nhiên, mời ra “sàn nhảy”.

Chưa cặp nào dám ra “sàn nhảy” cả. Bất ngờ nghe băng nhạc phát ra điệu Valse quen thuộc, tôi lặng người; vì dòng nhạc đang ray rức hồn tôi! Giữa khi đang bị niềm xúc động dâng đầy, tôi nghe giọng Huế:

-Răng chị Điệp Mỹ Linh buồn dữ rứa? 

Giật mình, nhận ra anh Bửu Châu, tôi lúng túng đáp:

-Dạ...dạ...thưa anh, nghe nhạc khúc Étoile des Neiges em...chịu không được!

-Tại răng rứa?

Tôi im lặng, không thể giải thích. Anh Bửu Châu nhìn Minh, như ngầm hỏi. Minh đáp:

-Bài này hồi xưa bà xã của Minh thường đàn; bây giờ nghe lại bà ấy bị xúc động!

-Rứa chị Điệp Mỹ Linh chơi đàn chi?

-Accordéon.

Anh Bửu Châu reo lên:

-Ui chao! Rứa thì mời chị đàn cho vui.

Minh đáp không thật:

-Năm 75, rời Saigon gấp quá, chúng tôi không thể đem theo cây đàn.

Không ngờ bác sĩ Hồ Vương Minh đứng cạnh, đề nghị:

-Con tôi học Accordéon. Nhà tôi gần đây. Tôi về đem Accordéon tới, chị Điệp Mỹ Linh đàn, nha!

Khi anh Hồ Vương Minh đem Accordéon đến, tôi nhờ anh để ngoài sân sau, cạnh hồ bơi. Nơi đây vắng người, tôi đàn lại xem tôi còn nhớ được bao nhiêu phần trăm – trước khi tôi đàn cho bạn hữu cùng nghe.

Không ngờ, sau khi tôi đem Accordéon vào lại phòng khách, anh Bửu Châu và anh Hải đề nghị cả hai anh sẽ cùng tôi hợp tấu nhạc khúc Étoile des Neiges. 

Thật tình, tôi vừa đàn vừa...run; vì bỏ đàn lâu quá tôi cứ ngại sẽ bị lỗi nhịp. Và tôi không chắc là tôi có thể nhớ trọn bài. Thế mà mọi việc đều êm xuôi. 


Năm 1987, tôi ra mắt tập truyện Bước Chân Non tại Hyatt Regency Houston West, góc đường Highway 6 và I-10. Tôi nhờ anh Hải phụ trách phần văn nghệ. 

Buổi ra mắt tác phẩm Bước Chân Non được tổ chức tại phòng khánh tiết chính của Hyatt Regency và được đặt dưới sự “điều động” của tiến sĩ Dương Đức Nhự – cựu giáo sư đại học Văn Khoa Saigon – và sự giới thiệu của các diễn giả như: Luật sư Dương Như Nguyện, giáo sư Luật tại University of Denver; nhà văn Nguyễn Văn Sâm, cựu giáo sư đại học Văn Khoa Saigon; giáo sư Trần Đình Vinh, nguyên giáo sư đại học Khoa học Saigon.

Trong khi quan khách ký tên lưu niệm thì tiếng Organ của anh Hải rộn ràng trong những cung đàn vui. Khi anh Hải chuyển sang tình khúc êm dịu, mọi người vừa lắng nghe vừa “nhâm nhi” bánh ngọt vừa thăm hỏi nhau. Lúc tiếng Bass của Organ trở nên dồn dập thì nhiều người cười tươi và đôi vai “lắc lắc” một cách nhẹ nhàng.

Không ngờ, sau buổi ra mắt sách của Điệp Mỹ Linh, anh Bửu Châu lâm trọng bệnh! Từ đó, các buổi họp mặt cuối tuần không còn nữa.

Trong những lần Câu Lạc Bộ Luật Khoa – do luật sư Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng điều hành – họp mặt, không có văn nghệ, tôi chỉ thấy anh Nguyễn Ngọc Hải tham dự đôi lần. Rồi thôi!

Trong nhóm “nghệ sĩ không chuyên nghiệp”, anh Bửu Châu là người đầu tiên “bỏ cuộc chơi”. Tiếp đến là nha sĩ Trần Nam Hải; rồi cựu Hải Quân Trung tá Hồ Quang Minh; Luật sư Nguyễn Tiến Đạt... và ai nữa? Tôi không thể nhớ được! 

Bây giờ, luật sư Nguyễn Ngọc Hải – người bạn văn nghệ đầy tài năng, đã một thời đem niềm vui đến cho nhóm người Việt ly hương tại thành phố Houston – cũng “ra đi”! 

Mong rằng luật sư Nguyễn Ngọc Hải, bác sĩ Bửu Châu, Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh, nha sĩ Trần Nam Hải và luật sư Nguyễn Tiến Đạt sẽ “gặp lại” nhau để cùng tiếc nhớ những ngày vui xưa!


Điệp Mỹ Linh

https://www.diepmylinh.com/