2021/04/09


THẤP NÉN HƯƠNG LÒNG(3/1975)
Rừng khóc giữa mùa Xuân
(Câu chuyện thương tâm của một người vợ lính BĐQ VNCH)

Hơn hai mươi năm nay, từ ngày đến định cư ở Na-Uy, một nước Bắc Âu nổi tiếng với những mùa đông dài băng giá, nhưng lại rất đẹp vào những ngày hè và lãng mạn vào thu, tôi vẫn giữ thói quen đi len lỏi trong rừng, không chỉ vào những ngày nghỉ cuối tuần mà bất cứ lúc nào thấy lòng mình trăn trở.
Không phải tò mò vì những cuộc tình cháy bỏng trong ”Rừng Na-Uy”, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mới đây của một ông nhà văn Nhật Bản, nhưng để được lắng nghe những tiếng khóc. Tiếng khóc của cây lá, của gỗ đá trong rừng.
Tiếng khóc có mãnh lực quyến dụ tôi, thúc bách tôi, cho dù nó đã làm cho tôi đau đớn, khốn khổ cả một đời.
Tôi sinh ra ở Huế, nhưng lớn lên ở thành phố Nha Trang, sau khi cùng cả nhà theo cha tôi vào đây nhận nhiệm sở mới.
Có lẽ ngày ấy tôi là một cô gái khá xinh. Ngay từ năm tôi học lớp đệ lục trường Nữ Trung Học, cũng đã có vài chàng học trò khờ khạo si tình, đạp xe theo tôi sau những buổi tan trường.
Lên năm đệ tam, cũng có vài chàng SVSQ Hải Quân, Không Quân chờ trước cổng trường tán tỉnh.
Nhưng như là số trời, trái tim tôi chỉ rung động trước một người.
Anh là bạn chí thân với ông anh cả của tôi, hai người học cùng lớp từ thời còn ở trường Võ Tánh.
Tháng tư năm 68, chúng tôi làm đám cưới, kết thúc một cuộc tình đầu thật dễ thương, không có nhiều lãng mạn, cũng chẳng có điều gì trắc trở.
Ông xã tôi là lính Biệt Động Quân.
Hậu cứ đóng ở Pleiku. Ngày về làm đám cưới, đôi giày saut của anh còn bám đầy đất đỏ hành quân. Đám cưới chúng tôi được tổ chức tại một nhà hàng nằm gần bờ biển, không xa tòa tỉnh, nơi vừa mới trải qua khói lửa Mậu Thân.
Sau đám cưới, cha mẹ chồng cho tôi theo anh lên Pleiku một tháng, rồi phải trở về sống ở nhà chồng, bởi anh đi hành quân liên miên, không an toàn khi tôi phải sống một mình.
Chỉ những khi nào tiểu đoàn về hậu cứ dưỡng quân, anh đánh điện tín để tôi lên với anh.
Mãi đến ba năm sau, tôi mới sinh cho anh đứa con đầu lòng. Một đứa con trai bụ bẫm. Có lẽ vì nặng nợ với núi rừng, anh đề nghị tôi đặt tên cho con là Cao Nguyên, Lê Cao Nguyên.
Anh về phép thăm con khi cháu vừa đầy tháng. Càng lớn Cao Nguyên càng giống cha. Đôi mắt to, sóng mũi cao, và đặc biệt là trên đầu mỗi vành tai đều có một “lỗ tai nhỏ” như ba nó.
Chỉ đúng một tuần sau khi chia tay vợ con về đơn vị, anh bị thương nặng trong lúc đơn vị hành quân giải vây căn cứ Pleime.
Tôi bồng con lên Pleiku.
Hậu cứ lo cho mẹ con tôi nơi ăn chốn ở và có xe đưa đón mỗi ngày để tôi thăm và săn sóc anh trong quân y viện.
Sau khi xuất viện, đôi chân còn đi khập khiễng, nên anh được chuyển về Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đảm trách một công tác tham mưu ở hậu cứ.
Mẹ con tôi ở lại Biển Hồ với anh kể từ ngày ấy.
Mẹ chồng tôi rất nhân từ, thường xuyên lên thăm chúng tôi và thuê cho tôi một người giúp việc.
Cuối năm 1973, trong một lần VC pháo kích vào trại gia binh làm một số đàn bà con nít bị thương, trong đó có cháu Cao Nguyên. Rất may, mảnh đạn gây một vết thương khá lớn ở cánh tay, nhưng không vào xương.
Sau hôm ấy, chúng tôi ra thuê một căn nhà bên ngoài doanh trại để ở.
Năm sau, khi Cao Nguyên vừa tròn hai tuổi, tôi sinh đứa con thứ nhì.
Lần này là con gái.
Con bé giống mẹ, được chúng tôi đặt tên Thùy Dương để nhớ thành phố biển Nha Trang, nơi hai chúng tôi lớn lên và yêu nhau.
Mấy năm sống ở Pleiku, cái thành phố “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, những ngày nắng chỉ thấy toàn bụi đỏ, còn những ngày mưa bùn bám dính gót chân.
Pleiku đúng là một thành phố lính. Những người vợ lính sống ở đây dường như chỉ để chờ chồng trở về sau những cuộc hành quân, hoặc để chăm sóc chồng những ngày bị thương nằm trong quân y viện.
Với họ thì đúng là " may còn có anh đời còn dễ thương”. Trong số ấy đã có biết bao người trở thành góa phụ !
Giữa tháng 3/75, sau đúng một tuần Ban Mê Thuột mất vào tay giặc,
một buổi sáng, từ bản doanh Liên Đoàn về, chồng tôi hối hả bảo mẹ con tôi và chị giúp việc thu dọn đồ đạc gấp, bỏ lại mọi thứ, chỉ mang theo những gì cần thiết, nhất là thức ăn và sữa cho các con, theo anh vào hậu cứ.
Khi vừa đến cổng trại, tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người đều đã ngồi sẵn trên xe.
Chúng tôi rời khỏi doanh trại.
Thành phố Pleiku như đang ngơ ngác trước những người từng bao năm sống chết với mình nay vội vàng bỏ đi không một tiếng giã từ.
Đang giữa mùa xuân mà cả một bầu trời u ám. Pleiku tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa đổ xuống khi đoàn xe vừa ra khỏi thành phố.
Đến ngã ba Mỹ Thạnh, đoàn xe dừng lại. Phía trước chúng tôi dày đặc xe và người, vừa dân vừa lính, đủ các binh chũng, đủ các loại xe, kể cả xe gắn máy. Tôi nghe chồng tôi và bạn bè nói là một số đơn vị Biệt Động Quân được chỉ định đi sau, ngăn chận địch quân tập hậu để bảo vệ cho đoàn quân di tản!
Đây là trách nhiệm nguy hiểm và nặng nề nhất trong một cuộc hành quân triệt thoái.
Hơn một ngày mò mẫm trên Tỉnh Lộ 7, chúng tôi đến thị xã Hậu Bổn vào lúc trời sắp tối.
Vừa dừng lại chưa kịp ăn cơm thì bị pháo kích và súng nổ khắp nơi.
Xe và người dẫm lên nhau trong cơn hốt hoảng.
Địch đã bao vây.
Các đơn vị BĐQ chống trả kiên cường, nhưng địch quá đông, và bên ta thì vừa quân vừa dân chen chúc nhau hỗn độn.
Trong lúc nguy nan này trời lại giáng xuống cho bên ta thêm một điều bất hạnh:
Một chiếc phản lực cơ dội bom nhầm vào quân bạn.
Đoàn xe vội vã rời Hậu Bổn, di chuyển đền gần Phú Túc thì lại bị địch tấn công từ khắp hướng.
Nhiều xe bốc cháy và rất nhiều người chết hoặc bị thương.
Cả đoàn xe không nhúc nhích được. Chúng tôi có lệnh bỏ lại tất cả xe cộ, băng rừng tìm đường về Củng Sơn. Chồng tôi, vừa chiến đấu vừa dẫn đường chúng tôi cùng một số binh sĩ, vợ con. Tôi dắt theo Cao Nguyên còn chị giúp việc bồng cháu Thùy Dương. Chúng tôi lầm lũi trong rừng.
Tiếng súng vẫn còn ầm ĩ, những viên đạn lửa như muốn xé màn đêm.
Khi chúng tôi mệt lả cũng là lúc đến bờ một con sông nhỏ.
Chồng tôi lo chỗ ngủ cho mẹ con tôi dưới một gốc cây, rồi cùng một số đồng đội chia nhau canh gác.
Mệt quá, tôi ngủ vùi một giấc, thức dậy thì trời vừa sáng.
Chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Tôi không còn đủ sức để bồng Cao Nguyên, nên chồng tôi phải dùng cái võng nilong gùi cháu sau lưng, bên ngoài được phủ bằng cái áo giáp.
Vừa ra khỏi bìa rừng tôi ngạc nhiên khi thấy từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đi cùng hướng chúng tôi, trong đó có nhiều người vừa bị thương, mình đầy máu. Tôi nghĩ họ cũng là những vợ chồng, con cái, cha mẹ dắt dìu nhau đi tìm sự sống.
Hình như họ không còn mang theo bất cứ thứ gì. Nhìn nét mặt ai nấy cũng kinh hoàng. Chồng tôi bàn bạc cùng một số bạn bè trong đơn vị, chúng tôi lại tách khỏi đám đông này, tìm một lộ trình khác mà đi, để tránh sự phát hiện của địch.
Vừa rời đoàn người vài phút thì đạn pháo thi nhau rót xuống. Tiếng la khóc thất thanh cộng với tiếng súng nổ khắp nơi làm cho cả một khu rừng như trải qua một cơn địa chấn. Trong nhóm chúng tôi cũng đã có một số người chết.
Đến lúc này thì mạnh ai nấy tìm đường sống. Gia đình tôi cùng gia đình vài người bạn nữa chạy vào khu rừng phía trước, nơi không nghe tiếng súng. Kinh nghiệm bao nhiêu năm chiến trận, bây giờ chồng tôi chỉ còn dùng để mong cứu được vợ con mình.
Địch quân tràn ngập.
Một số đơn vị tan rã. Đồng đội kẻ chết người bị thương. Có thể một số đã bị bắt.
Tôi không thể tưởng tượng được số mệnh bi thảm của những người lính biệt động một thời oanh liệt trên khắp chiến trường, giờ này lại tan tác trong bất ngờ, tức tưởi! Chồng tôi suýt bật khóc, khi nghe cấp chỉ huy truyền lệnh từ ông tướng tư lệnh Quân Đoàn : “Đạp lên mà đi!”
Trong cả đời binh nghiệp, chắc những người lính không còn nhận cái lệnh nào đau đớn hơn thế nữa!
Sau chừng một tiếng đồng hồ băng rừng, chúng tôi bất ngờ gặp một toán lính hơn 20 người thuộc tiểu đoàn cũ của chồng tôi. Thầy trò chưa kịp nắm tay mừng rỡ thì súng nổ.
Địch quân phía trước mặt.
Trở lại cương vị chỉ huy, chồng tôi lưng mang con, điều động anh em xông vào trân mạc. Một cuộc đánh tốc chiến, toán địch quân bị tiêu diệt.
Chồng tôi quay lại tìm và hướng dẫn đám đàn bà con nít chúng tôi đi tiếp. Trong núi rừng đêm xuống thật nhanh. Cái bóng tối bây giờ thật rợn người.
Tôi hình dung đến cái bóng của tử thần.
Chúng tôi dừng lại trên một ngọn đồi thấp. Tội nghiệp cho những người lính trung thành. Đáng lẽ họ lợi dụng bóng đêm để đi tiếp, vì đó là sở trường của họ, nhưng thấy một số vợ con bạn bè cùng vài anh em bị thương không thể đi nổi, nghe lời chồng tôi, tất cả cùng ở lại qua đêm.
Sau khi sắp xếp anh em phòng thủ, chồng tôi trở lại phụ lo chỗ nằm cho mẹ con tôi.
Tối hôm ấy, dù mệt, nhưng sao tôi cứ trằn trọc, không ngủ được.
Chồng tôi ôm tôi dựa vào một gốc cây. Anh ôm tôi thật chặt vào lòng, thỉnh thoảng hôn nhẹ tôi, trên môi, trên tóc.
Trong hoàn cảnh này chẳng ai còn lòng dạ nào để lãng mạn yêu thương, nhưng có lẽ anh đang tội nghiệp cho một người con gái đã trót chọn chồng là lính chiến. Và không ngờ đó lại là những nụ hôn cuối cùng anh dành cho tôi.
Buổi sáng sớm khi vừa xuống chân đồi, chúng tôi chạm súng với địch. Cũng là lần cuối cùng tôi chứng kiến những người lính biệt động can trường.
Các anh phân tán từng toán nhỏ, xông vào lòng địch mà đánh,
tiếng thét ” Biệt Động Quân Sát” vang dội cả một vùng.
Nghe súng nổ, tôi đoán lực lượng địch đông lắm.
Một anh trung sĩ bị thương ở cánh tay trong trận đánh hôm qua, được chỉ định dắt tất cả đám đàn bà con nít chúng tôi ra khỏi vùng giao chiến.
Đã vậy anh còn phải dìu theo một người lính bị thương khác.
Vợ chồng tôi thất lạc nhau kể từ phút ấy.
Tôi còn lạc mất cả cháu Cao Nguyên, được ba nó gùi theo phía sau lưng ngay cả những khi lâm trận.
Không biết chiếc áo giáp có đủ che chắn hình hài bé nhỏ của con tôi.
Hình ảnh này trước đây tôi nghĩ chỉ có diễn ra trong mấy cuốn truyện Tàu mà tôi đã đọc.
Tiếp tục di chuyển chừng vài giờ đồng hồ nữa, khi tới một con đường mòn, chúng tôi lại nghe súng nổ.
Anh trung sĩ dẫn đường chúng tôi nhận ra từng loạt lựu đạn nổ, bảo tất cả chúng tôi nằm rạp xuống.
Chờ im tiếng súng, đám chúng tôi rời con đường mòn, chạy về hướng rừng bên phải, mà theo anh trung sĩ, có thể an toàn hơn.
Khi đến bìa rừng, tôi bàng hoàng nhìn thấy mấy người lính Biệt Động Quân nằm chết bên cạnh xác những quân thù xâm lược từ phương bắc, máu me lai láng.
Sau này tôi được biết những người lính Biệt Động Quân anh hùng này bị địch bao vây, đã tự sát để cùng chết chung với lũ giặc cướp cộng phỉ xâm lược.
Đi vào cánh rừng bên phải chỉ vài trăm mét nữa thì chúng tôi bị một đám khá đông VC chặn lại.
Anh trung sĩ bị tước hết vũ khí. Tất cả chúng tôi bị lùa vào bên bờ suối nhỏ.
Ở đây tôi gặp một số sĩ quan, binh sĩ của ta bị bắt, nhiều người tay bị trói ngược ra sau, ngồi theo hàng dọc quay lưng ra suối, trước họng súng sẳn sàng nhả đạn của kẻ thù.
Tôi cố ý tìm xem, nhưng không thấy chồng tôi trong số người bị bắt.
Lòng tôi lo âu vô hạn.
Từ lúc ấy, tiếng súng tạm im, chỉ còn tiếng quát tháo với cái giọng rất khó nghe của đám người thắng trận.
Tất cả chúng tôi bị lùa về địa điểm tập trung, một ngôi trường nằm trong huyện Củng Sơn (Sơn Hòa).
Trong cảnh khốn cùng này, tôi chỉ còn lại một điều may mắn. Chị giúp việc rất tốt bụng và trung thành.
Vừa bồng bế, bảo bọc cho cháu Thùy Dương, vừa lo lắng cho tôi. Chị đi đâu đó xin cho tôi nửa bát cơm, nhưng tôi không nuốt nổi, mặc dù đã trải qua hai ngày đói khát. Nhìn đứa con gái vừa mới lên hai lây lất bên cạnh và nghĩ tới chồng tôi và đứa con trai giờ này không biết sống chết ra sao, lần đầu tiên tôi bật khóc.
Cuối cùng thì tôi cũng lần mò về đến Nha Trang, khi thành phố này cũng vừa lọt vào tay giặc.
Khi nhận ra tôi, mẹ tôi ôm tôi vào lòng và khóc như mưa. Tôi không đủ can đảm mang tin buồn đến nhà chồng, nhờ cha tôi sang báo tin tôi và cháu Thùy Dương vừa mới về nhà, chồng tôi và cháu Cao Nguyên còn đang mất tích.
Cả nhà chồng kéo sang thăm tôi, bồng cháu Thùy Dương về nhà săn sóc. Mẹ chồng tôi thẫn thờ cả mấy ngày liền khi nhận được tin này.
Nằm nhà hơn một tuần, nhờ mẹ tận tình chăm lo, sức khỏe tôi đã gần bình phục, tôi xin được trở lại Phú Bổn tìm chồng và cháu Cao Nguyên.
Cả nhà tôi và cha mẹ chồng đều ái ngại, âu lo. Nhưng qua sự nài nỉ của tôi, cuối cùng cha mẹ chồng cho đứa em trai út của chồng tôi, dùng xe honda chở tôi ngược đường lên Tỉnh Lộ 7.
Mặc dù đã chứng kiến bao nhiêu máu lửa tang tóc, cũng như đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi thực sự kinh hãi những gì trước mắt, khi nhìn thấy ngổn ngang bao nhiêu xe cộ bị đốt cháy, những bộ xương người con vương vãi đó đây, bao nhiêu nấm mộ lấp vội bên đường.
Cả một vùng xông mùi tử khí.
Chiếc khăn bịt miệng tẩm ướt dầu Nhị Thiên Đường đã giúp tôi và cậu em vượt qua chặng đường gần 100 cây số.
Đến Cheo Reo, hỏi thăm một vài người dân, được biết một số sĩ quan bị bắt làm tù binh, đang còn giam ở Thuần Mẫn. Chúng tôi đến đó, trình giấy phép đi tìm chồng của Ủy Ban Quân Quản, mới được cho vào trại.
Sau khi tên VC trực ban cho biết không có tên chồng tôi trong danh sách tù binh, tôi xin được gặp bất cứ một sĩ quan nào cùng đơn vị với chồng tôi. Rất may, tôi được gặp anh đại đội phó lúc chồng tôi còn ở tiểu đoàn.
Anh cho biết là có gặp một số binh sĩ cùng chồng tôi chiến đấu dưới ngọn đồi gần đèo Tu Na. Họ cho biết chồng tôi bị thương, nhưng cố tìm cách đưa cháu Cao Nguyên đến một nơi nào đó. Tôi sáng lên niềm hy vọng.
Ngay hôm ấy tôi thuê năm người Thượng, theo tôi lần theo con đường dọc bờ sông mà tôi còn nhớ, trở lại khu đồi thấp, rồi bung ra xa đi tìm.
Liên tục trong một tuần, chúng tôi chỉ tìm được mấy bộ xương người, một số ngôi mộ vô danh, nhưng không thấy dấu vết của chồng tôi.
Tôi trở về mang theo niềm tuyệt vọng, không chỉ cho tôi , mà cho cả nhà chồng.
Cha mẹ chồng tôi lập bàn thờ cho chồng tôi và Cao Nguyên, đứa cháu đích tôn của ông bà.
Ngày 19 tháng 3 là ngày giỗ của hai cha con.
Hàng năm, cứ đến ngày này, tôi và Thùy Dương đều trở lại Phú Bổn,
tìm đến chân đồi, dưới gốc cây nằm giữa đỉnh đồi, mà đêm cuối cùng chồng tôi ôm tôi vào lòng, thắp hương tưởng niệm anh và cháu Cao Nguyên. Tôi đã dùng dao khắc đậm tên anh và cháu Cao Nguyên vào thân cây.
Và lần nào, khi nước mắt ràn rụa, trong tiếng gió rừng, tôi mơ hồ như có tiếng khóc từ gốc cây này, rồi văng vẳng bao nhiêu tiếng khóc từ những thân cây khác, từ những khúc gỗ nằm vương vãi do bom đạn hôm nào, tạo thành một thứ âm thanh não nùng, xé ruột.
Tôi đã mang dư âm của tiếng khóc ấy đến tận Bắc Âu, nơi mẹ con tôi định cư sau chuyến vượt biển được một chiếc tàu của vương quốc Na Uy cứu vớt. Tháng 5 năm 1985, cha mẹ chồng tôi góp vàng cùng một người bạn ở vùng biển Lương Sơn đóng ghe vượt biển. Tôi, cháu Thùy Dương và một đứa em trai của tôi được đi cùng với gia đình chồng.
Tôi cũng xin được một chỗ cho chị giúp việc lúc trước (chị đã về quê trên vùng Diên Khánh, sau ngày cùng tôi thoát chết trở về), nhưng chị chối từ.
Tôi âm thầm gom nhặt tài sản của nhà chồng và của tôi mang lên biếu chị trước khi rời khỏi quê nhà.
Hai mươi năm sau, khi Thùy Dương vừa làm đám cưới, tôi muốn đưa vợ chồng cháu về lại Việt Nam trình diện ông bà ngoại, và đến địa điểm cuối cùng khi chồng tôi và Cao Nguyên còn sống, như là một nghĩa cử để cháu tưởng nhớ đến cha và anh mình. Chúng tôi đến đây đúng vào giữa mùa Xuân, một ngày trước ngày giỗ chồng và đứa con trai.
Con đường Tỉnh Lộ 7 ngày xưa bây giờ đã được tráng nhựa và đổi tên thành Quốc Lộ 25.
Chúng tôi thuê bao một chiếc xe tám chỗ ngồi. Ngoài tôi và vợ chồng cháu Thùy Dương, còn có cậu em trai út của tôi và vợ chồng chị giúp việc ngày xưa. Chúng tôi đến Cheo Reo, bây giờ có tên mới là A Yun Pa thuộc tỉnh Gia Lai. Tất cả không còn gì dấu vết của chiến tranh.
Người ta đã cố tình trát phấn tô son lên thành phố núi này để có dáng dấp của thời kỳ đổi mới.
Màu sắc lòe loẹt, vài ngôi nhà cao tầng quê mùa kệch cỡm, những ngôi nhà sàn “cải biên” thành những biệt thự của các ông quan lớn, nằm chơ vơ giữa một vùng nghèo nàn được mang tên “thị xã”.
Nhìn dãy núi Hàm Rồng từ xa, ẩn hiện trong những đám mây mù, lòng tôi chùng xuống.
Nơi ấy, đã bao lần tôi đến thăm chồng, để được hòa mình vào đơn vị với những người lính trẻ, sẵn sàng chết cho quê hương.
Cũng ở nơi ấy tôi đã vinh dự chứng kiến chồng tôi cùng nhiều anh em đồng đội được ông tướng Vùng gắn huy chương lên ngực áo khi ban quân nhạc trổi khúc quân hành.
Tất cả bây giờ đã trở thành huyền thoại.
Sau khi thuê phòng trọ, tắm rửa và cơm nước xong, chúng tôi hỏi đường đến tháp Yang Mun và tháp Drang Lai. Vì nghe dân ở đây bảo các vị thần Chàm trong hai ngôi tháp này linh thiêng ghê lắm.
Tôi khấn vái và xin xăm.
Tôi ngạc nhiên vô cùng khi lá xăm tôi bốc trúng lại là bốn câu Kiều của ông Nguyễn Du:
Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây
Rõ ràng hoa rụng hương bay
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi
Tôi bán tín bán nghi, vì nghe nhiều người nói ở Việt Nam, chuyện cúng bái, mê tín dị đoan, bây giờ là một business. Chẳng lẽ ông thần Chàm này lại thuộc cả truyện Kiều.
Nghĩ như vậy, nhưng thấy bốn câu thơ lại đúng vào trường hơp của mình, tôi cũng thấy lòng buồn vô hạn.
Trở về phòng trọ, bà chủ nhà cho biết ngày mai có chợ phiên của người dân tộc, vừa đông vui vừa có thể mua nhiều thứ thổ sản, gia cầm với giá rất rẻ. Tôi cũng muốn mua mấy con gà, để cúng chồng tôi. Khi còn sống anh thích ăn gà luộc.
Bà còn cho biết thêm dân chúng ở vùng này đa số là người Thượng thuộc các sắc tộc Djarai, Bahnar, Hroi và M’dhur. Có một số sống trong các bản rất xa, cách thị xã này từ 10 tới hơn 20 cây số.
Sau một đêm trằn trọc với những cơn ác mộng, vừa mới chợp mắt tôi đã nghe tiếng người réo gọi nhau. Ngôn ngữ của các sắc tộc, tôi không hiểu họ nói gì.
Chợ phiên nhóm rất sớm.
Chúng tôi vội vàng ăn sáng rồi kéo nhau ra khu chợ, nằm không xa trước nhà trọ. Tôi có cảm giác lạ lẫm vì đây là lần đầu tiên tôi đến một buổi chợ phiên của người sắc tộc. Đã vậy vợ chồng cháu Thùy Dương cứ theo hỏi tôi điều này điều nọ.
Khi đang cố giải thích về nguồn gốc của người Thượng, chúng tôi đến một quày gà. Những con gà tre nhỏ xíu được nhốt trong mấy cái lồng đan bằng tre. Tôi ngồi xuống lựa hai con gà béo nhất, bảo người chủ bắt hộ hai con gà này ra khỏi lồng. Người chủ là một anh đàn ông Thượng vừa đen vừa ốm, nói tiếng Việt chưa sõi..
Khi anh xăn tay áo lên và thò tay vào lồng gà, tôi bỗng giật mình khi phát hiện vết sẹo trên cánh tay trái. Vết sẹo có hình dáng đầu một con cọp. Tôi nhớ tới Cao Nguyên, đứa con trai ba tuổi , bị thương trong trận pháo kích của VC vào trại gia binh ở Biển Hồ. Vết thương trên cánh tay cháu sau khi chữa lành cũng để lại một vết sẹo có hình ảnh đầu một con cọp.
Biểu tượng binh chủng BĐQ mà chồng tôi luôn mang trên vai áo.
Tôi biến sắc, nắm chặt cánh tay anh người Thượng và nhìn vào mặt anh ta. Cũng hai con mắt khá to, cũng cái sóng mũi cao, nhưng khuôn mặt cháy nắng, mái tóc màu nâu sậm như màu đất đỏ Pleiku. Không có nét đẹp của Cao Nguyên ngày trước.
Anh người Thượng ngượng ngùng, cúi mặt xuống, khựng lại.
Nhưng tôi kịp nhớ ra trên vành tai của Cao Nguyên có một lỗ tai nhỏ, giống như ba nó, tôi cúi xuống để nhìn kỹ vào tai anh người Thượng. Tôi bàng hoàng khi nhận ra hai cái lỗ tai nhỏ trên hai vành tai.
Bất giác, tôi ôm chầm lấy anh và nước mắt trào ra. Nhưng anh bán gà đẩy mạnh tôi ra rồi nói một tràng tiếng Thượng.
Vợ chồng cháu Thùy Dương ngơ ngác nhìn tôi, không biết xảy ra điều gì. Nghĩ tới chị giúp việc ngày trước có thể xác nhận cùng tôi đôi điều kỳ lạ, tôi bảo cháu Thùy Dương đi gọi chị từ gian hàng hoa lan phía trước.
Tôi kéo chị ra xa, nói vào tai chị:
– Chị nhìn kỹ anh người Thượng này xem có giống ai không ?
Sau một lúc nhìn không chớp mắt, mặt chị biến sắc, rồi không trả lời tôi mà thì thầm một mình :
– Thằng Nguyên ? Chẳng lẽ là thằng cu Nguyên ?
Rồi chị nhìn thẳng vào mặt anh ta hỏi :
– Mày có phải là thằng Nguyên, Lê Cao Nguyên không?
Anh người Thượng lắc đầu :
– Tao là thằng Ksor Tlang,
Tôi mua hết những lồng gà hôm ấy và đưa cho anh một nắm tiền.
Sau khi đếm xong anh trả lại cho tôi hơn một nữa, rồi buột miệng :
– Mày bắt cái con gà nhiều tiền quá !
Tôi mất hết bình tĩnh, bảo vợ chồng chị giúp việc đứng giữ anh ta, rồi chạy vào phòng trọ tìm bà chủ nhà.
Tôi kể rất vắn tắt những gì đã xảy ra. Có lẽ bà ta là người tai mắt ở đây, nhưng là một người tốt bụng, nhấc điện thoại gọi công an.
Chưa đầy ba phút, hai gã công an chạy tới bằng xe gắn máy, một Kinh một Thượng, cúi đầu chào bà chủ. Chưa kịp nói gì, bà chủ kéo tay hai gã công an ra chợ. Vừa đi bà vừa giải thích.
Đến nơi, gã công an nói một tràng tiếng Thượng. Tôi không hiểu gì nhưng thấy anh bán gà gân cổ cãi lại.
Cuối cùng hai người công an kéo anh đi, mặc dù anh cố tình chống lại. Chúng tôi đi theo phía sau trở về phòng trọ.
Qua trung gian của bà chủ nhà trọ, tôi nhờ gã công an giúp tôi, dịch lại các điều trao đổi giữa tôi với anh bán gà, và cố gắng bằng mọi cách tìm ra tông tích của anh ta.
Tôi nhét vào tay bà chủ nhà trọ hai tờ giấy bạc 100 đô la.
– Em có cha mẹ không ?
Tên ông bà là gì ?
– Tôi có cha mẹ . Cha tôi tên Ksor H’lum, mẹ tôi tên H’Nu.
– Có anh em không ?
– Không.
– Anh có nhớ ngày sinh không ?
– Không
(Gã công an nhìn sang tôi, bảo là sẽ tìm khai sinh sau)
– Anh có nhớ lúc còn nhỏ, khi ba, bốn tuổi anh ở đâu không ?
– Không! Thì chắc tôi ở với cha mẹ tôi mà.
– Cái sẹo trên cánh tay trái , anh biết vì sao mà có cái sẹo này không?
(Gã công an bảo anh xăn tay áo lên và chỉ vào vết sẹo)
– Không ! Chắc là bị cành cây đâm trúng.
Tôi thở ra thất vọng. Nhưng vừa chợt nghĩ ra điều gì,
tôi lại hỏi :
– Cha mẹ anh đang ở đâu ?
– Buôn Ban Ma Dek .
(Gã công an nhìn tôi, bảo Ban Ma Dek cách đây hơn 10 cây số)
– Anh ở chung với cha mẹ anh ?
– Không, ở bên cạnh, với vợ và hai đứa con.
– Đã có vợ con rồi à !
Tôi buột miệng.
Tôi đề nghị hai gã công an cùng đi với chúng tôi và anh bán gà về buôn Ban Ma Dek.
Sau khi hỏi nhỏ bà chủ nhà trọ, hai gã công an gật đầu.
Nhưng bảo là chúng tôi phải thuê xe ôm, vì về buôn Ban Ma Dek chỉ có đường rừng, xe ô tô không chạy được. Bà chủ nhà trọ gọi hộ chúng tôi bảy cái xe ôm.
Cha mẹ của anh bán gà đã khá già, trước đây chỉ sống lẻ loi trong núi nên không nói được tiếng Việt.
Chúng tôi lại trao đổi qua sự thông dịch của gã công an người Thượng.
Vợ và hai con của Ksor Tlang thấy có nhiều người cũng chạy sang nhìn .
Ông bà cứ nhất quyết Ksor Tlang là con đẻ của ông bà. Nhưng thấy tôi khóc lóc, năn nỉ và nhờ gã công an gạn hỏi, cuối cùng ông cha mới kể lại sự thực:
– Năm ấy, lâu rồi, sau mấy ngày chiến trận ác liệt, mà vợ chồng tôi phải nằm suốt sau tảng đá to trước nhà để tránh đạn. Bỗng một buổi chiều có người lính mặc áo rằn ri, bị thương nặng lắm, nhưng cố lếch vào dưới căn nhà sàn của tôi rồi gục chết, trên lưng có mang một đứa bé. Nó là thằng Ksor Tlang bây giờ.
– Rồi xác người lính ấy ở đâu ?
Tôi hỏi .Ông chỉ tay ra rừng cây phía trước:
– Tôi đã chôn ông ta dưới gốc cây ấy, rồi rào lại, sợ thú rừng bới lên ăn thịt.
Chúng tôi theo hai người công an dìu ông già đi về phía khu rừng.
Tôi khóc ngất khi nhìn thấy nấm mồ thấp lè tè nằm dưới tàng cây, được rào lại bằng những que gỗ nhỏ.
Vợ chồng cháu Thùy Dương cũng quỳ xuống ôm vai tôi mà khóc.
Tôi ngước lên dáo dác tìm Ksor Tlang, thằng Cao Nguyên, đứa con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Nó đang đứng bất động, hai tay nắm chặt hai đứa con đang trần truồng, đen đúa. Tôi chạy lại ôm hai đứa nhỏ vào lòng, nhưng cả hai đứa trố mắt nhìn tôi dửng dưng, xa lạ.
Tôi khóc lóc, năn nỉ lắm, ông già mới cùng vợ chồng và hai đứa con thằng Ksor Tlang về nhà trọ với tôi.
Nhờ bà chủ thuê một cậu học trò thông dịch.
Suốt một đêm, tôi, cháu Thùy Dương và vợ chồng chị vú giúp việc ngày xưa, giải thích, khóc hết nước mắt, xin vợ chồng Ksor Tlang và hai đứa con theo chúng tôi về Nha Trang ở với ông bà ngoại, rồi tôi sẽ tìm cách đưa sang Na Uy.
Cả hai ông bà già, nếu muốn, chúng tôi sẽ mua nhà cửa ở Nha Trang và chu cấp tiền bạc cho ông bà sống gần Ksor Tlang.
Nhưng cả Ksor Tlang và ông già một mực chối từ, bảo là họ không thể nào bỏ bản mà đi. Núi rừng mãi mãi là nhà của họ. Họ không thể sống xa rừng cũng như loài cá không thể sống mà không có nước.
Dự trù lên đây ba ngày. Vậy mà chúng tôi đã ở lại đây hơn hai tuần rồi.
Ban đầu tôi dự định xin phép cha mẹ nuôi của Ksor Tlang cho tôi cải táng phần mộ của chồng tôi, mang về an táng trong nghĩa trang gia tộc ở Nha Trang, nhưng rồi tôi đã đổi ý.
Bởi anh phải nằm ở đây, bên cạnh đứa con trai và hai đứa cháu nội của anh, mặc dù bây giờ tất cả đã trở thành người Thượng và chắc không biết gì về anh. Và có lẽ anh cũng muốn nằm lại với bao nhiêu đồng đội, một thời cùng anh vào sinh ra tử, mà linh hồn chắc đang còn phảng phất ở quanh đây.
Tôi mướn thợ xây lại ngôi mộ.
Trên tấm bia không có hình chân dung của anh, mà có tấm ảnh anh chụp chung với tôi cùng hai cháu Cao Nguyên và Thùy Dương trong ngày sinh nhật bốn tuổi của Cao Nguyên, chỉ hơn một tháng trước ngày anh mất.
Tấm ảnh này lúc nào tôi cũng mang theo.
Tôi cũng không thể bắt Cao Nguyên và vợ con phải rời khỏi núi rừng, nơi đã cưu mang nó.
Có lẽ cái tên Cao Nguyên mà ngày xưa chồng tôi đề nghị đặt cho nó đã vận vào cuộc đời của nó.
Điều làm tôi đau đớn hơn là tôi chẳng làm được điều gì cho đứa con trai ruột thịt máu mủ của mình, ngoài việc nhờ bà chủ nhà trọ thuê người dựng cho vợ chồng nó và ông bà cha mẹ nuôi một ngôi nhà sàn chắc chắn và rộng rãi hơn, sắm cho vợ chồng nó và hai đứa con một số quần áo mới.
Nhưng phải năn nỉ khóc lóc mãi nó mới chịu nhận, cùng số tiền 200 đô la. Bằng đúng số tiền mà tôi đã trả công cho hai gã công an!
Ngày cuối cùng, chúng tôi ở lại với vợ chồng Cao Nguyên trên ngôi nhà sàn mới.
Buổi chiều, tôi bảo Cao Nguyên và vợ con nó, thay quần áo mới, cùng với tôi và vợ chồng Thùy Dương ra thắp hương trước mộ ba nó.
Nó quỳ bên cạnh tôi, cúi đầu nói điều gì lầm thầm trong miệng và khi ngước lên, đôi mắt đỏ hoe.
Suốt đêm hôm ấy, tôi ngồi khóc một mình.
Tôi nghĩ tình mẫu tử thật thiêng liêng, nhưng có lẽ ông trời đã phạt tôi.
Tôi sinh ra Cao Nguyên, nhưng không bảo vệ được con mình, để mất nó trong núi rừng này từ ngày chỉ vừa lên bốn tuổi.
Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba Theo Tỉnh Lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng nỗi đau đứt ruột.
Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm màu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường, trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa, mà tất cả đều mang hình dáng của những bộ xương người nối tiếp nhau, trùng điệp. Tai tôi nghe trăm ngàn tiếng khóc quyện vào trong gió. Không biết đó là tiếng khóc của người hay tiếng khóc của cây?

(Sài Gòn trong tôi/ Phạm Tín An Ninh-theo lời kể của một người vợ lính BĐQ)

2021/04/04


HỞI NGƯỜI YÊU DẤU.

Hởi em yêu dấu tuổi đôi mươi
Tay nắm tay nhau hứa suốt đời
Mong ước tự do cùng hạnh phúc
Công bình bác ái khắp nơi nơi.
Hởi người yêu cũ của tôi ơi
Đành bỏ ra đi khỏi cõi đời
Đang lúc mặn nồng vừa chớm nở
Để đau thương chất ngất không vơi.
Cố nhân yêu dấu đẹp xinh ơi
Em mãi trong tôi rất tuyệt vời
Hẹn, ước dù tan thành cát bụi
Tiếng thơm người vĩnh cửu ngàn đời!
Anh Tú
Tháng Tư 2021

2021/04/03

 Truyện ngắn

Tuyển chọn 399 ảnh tình yêu chia tay buồn đau khổ, khóc hết nước mắt

TÌNH GIÀ

Từ cửa sổ trên lầu, nhìn chuyến xe lửa chạy chầm chậm trong màn mưa xám đục,

không thể nào bà Loan không nhớ lại hình ảnh của Khiết – người yêu đầu đời của

bà khi bà còn là một nữ sinh trung học – đang chồm người, một tay vịn vào thành

cửa sổ của toa xe, một tay vẫy vẫy về phía Loan trong khi con tàu đang từ từ lăn

bánh, rời ga xe lửa Dalat. Vừa nhìn theo Khiết, Loan vừa đưa ngón tay quẹt nước

mắt, cố nén vào lòng nhiều nỗi nhớ thương!

Một mình trở lại con đường vắng, Loan cảm nhận được nỗi buồn và sự lạc lõng

của nàng trong thành phố đầy vết chân kỷ niệm của “hai đứa”. Loan nhớ, những

chiều cuối tuần nàng thường lén Bố Mẹ, hẹn hò với Khiết. Những lúc đi chầm

chậm bên nhau dưới hàng thông rợp bóng, Khiết – trong quân phục sinh viên sĩ

quan trường Võ Bị Quốc Gia Dalat – thường nói về niềm say mê tha thiết của

chàng đối với những cánh dù lộng gió trong không gian tràn ngập lửa đạn.

Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, tình cảm của Loan dành cho Khiết khi

vui, khi buồn; nhưng hình ảnh của Khiết – khi chàng bất ngờ trở lại Dalat thăm

nàng sau cuộc hành quân đầu đời tại biên giới Lào Việt – trên thềm nhà của Bố Mẹ

vào buổi chiều mưa thì không bao giờ nhạt phai.

Chiều mưa năm đó, sau khi đi học về, nhìn từng giọt mưa đầu mùa rơi nhè nhẹ bên

mái hiên, Loan cảm thấy ray rức buồn và bâng khuâng nghĩ đến Khiết! Để xoa dịu

niềm nhớ, Loan đàn những tình khúc chợt đến trong hồn chứ không nhìn bản nhạc.

Khi đàn đến phân đoạn thứ hai của tình khúc Thương Nhau Ngày Mưa của Nguyễn

Trung Cang thì hình ảnh buổi chiều tiễn Khiết tại ga xe lửa Dalat lại hiện về. Loan

buồn buồn “ngân nga” nho nhỏ:


“… Như mưa ngày nào thấm ướt vai anh,

Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm.

Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm…”

Loan vừa “ngân nga” đến đây, cậu em đến cạnh, nói nhỏ:

-Chị Hai! Có “ông Nhảy Dù” nào đứng nơi hiên nhà kìa!

Nhìn ra cửa trước, Loan ngạc nhiên thấy một “ông Nhảy Dù” trong quân phục hoa

rừng, “bê-rê” đỏ, đội hơi nghiêng, giày trận, đang khoanh tay, đứng dưới mưa,

mỉm cười, nhìn nàng không rời. Khi nhận ra Loan đã thấy chàng, Khiết cười thật

tươi, lấy “bê-rê” xuống, rủ nước mưa rồi bước vào phòng khách. Loan ngưng đàn.

Sau vài câu thăm hỏi, Khiết bảo:

- Để anh vào trong chào hai Bác. Anh trở ra ngay.

Khi Khiết trở lên phòng khách, thấy tóc và quân phục của Khiết còn điểm nhiều

vết nước mưa, Loan đưa tay có ý gạt những hạt mưa còn vướng trên tóc chàng –

như dạo nào nàng đã gạt những hạt mưa long lanh trên mái tóc chàng khi tiễn

chàng đi Saigon trình diện Sư Đoàn Nhảy Dù – nhưng vội ngưng; vì ngại Bố Mẹ

thấy được. Như nhận hiểu hành động của Loan, Khiết nhìn Loan, cười thật tươi.

Trong đời, Loan quên rất nhiều điều; nhưng chưa bao giờ Loan có thể quên được

hình ảnh hiên ngang và nụ cười rạng rỡ của Khiết vào buổi chiều mưa năm xưa,

khi chàng đứng trên thềm nhà nhìn nàng đàn.

Đang xót xa, nuối tiếc một đời trai ngang dọc của Khiết và đời sống nhàn nhã của

một thiếu nữ được Bố Mẹ cưng chiều, bà Loan thấy chiếc SUV quen thuộc dừng

trước nhà. Lòng rộn ràng vui, bà Loan bước đến cầu thang. Chợt nhớ quên đeo

“mask”, bà Loan vội quay lại phòng “computer”, lấy “mask” đeo vào, đi xuống

lầu.

Thấy Dũng và Diễm – con trai và con gái của Bà và ông Khiết – cùng hai đứa cháu

nội đều đeo masks, bà Loan đùa bằng tiếng Việt:

-Đâu, hai “cục vàng” của bà Nội đâu?

Thật bất ngờ, Mylene – cháu nội đầu tiên của bà Loan và ông Khiết – vừa choàng

tay qua vai cô em gái vừa đáp:


-Right here, “ba Noi”!

Bà Loan ngạc nhiên nhìn Mylene, hỏi bằng tiếng Anh:

-Làm thế nào cháu hiểu được bà Nội nói gì mà cháu trả lời?

Mylene phải đáp bằng tiếng Anh:

-Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Ba Má cháu cho chị em cháu đi học tiếng Việt

mỗi sáng chủ nhật. “Ba Nọi” quên rồi sao?

-Sorry, bà Nội không nhớ được! Nhưng làm thế nào cháu hiểu được “hai cục vàng”

của bà Nội là chị em của cháu?

-Cháu biết mà. Đối với người Việt, cái gì mình thích, mình thương, mình quý cũng

được ví như vàng như ngọc. Và cháu hiểu rằng “ba Nọi” thương tụi cháu nhiều

lắm!

Mọi người cười rộ lên.

Đang cười, bất ngờ thấy ông Khiết – với thân người thẳng băng như người máy

–mở cửa phòng ngủ, lừng lững bước ra, nụ cười tắt vội trên môi mọi người. Dù

biết ông Khiết sẽ không hiểu được lời chào hỏi, các con, cháu vẫn thưa:

-Dạ, chào Ba.

-Dạ, thưa Ba.

-Hi, “on Noi”!

-Hello, “on Noi”!

Ông Khiết vẫn lầm lỳ bước đến xa-lông, không nói một lời và trên khuôn mặt nhăn

nheo của ông cũng không gợn tý cảm xúc nào cả! Ông ngồi vào xa-lông, nhìn mọi

người với ánh mắt vô hồn. Dũng hỏi bà Loan:

-Măng! Ba Măng có gì lạ không?

-Thôi, con! Tuổi này rồi, chỉ xin “một ngày như mọi ngày” thôi!


Dũng đến ngồi cạnh ông Khiết:

-Ba khỏe không? Con đem hai đứa nhỏ về thăm Ba đó.

Ông Khiết gật đầu, tỏ dấu nhận hiểu. Thấy hai đứa cháu nội kín đáo nhăn mũi vì

mùi hôi nồng nặc từ phòng ngủ xông ra, bà Loan nói nhỏ với Diễm:

-Cảm ơn các con đã đem hai cháu về thăm và đi chợ mua thức ăn cho Ba Măng.

Con đem giùm mọi thứ xuống bếp cho Măng rồi các con về nghỉ. Tuần sau con đi

chợ cho Măng, đừng mua xà-lách-xon nữa. Măng không thể đứng lâu để lặt từng

cọng như hồi trước.

-Con nói Măng hoài mà Măng không chịu nghe. “Watercress” Măng không cần lặt

từng cọng; Măng chỉ cần cắt ngang phía dưới gốc rồi rửa sạch là được.

-Nếu làm theo cách của con, nhỡ con sâu hay con giun nằm trong lòng cọng rau

làm sao Măng có thể thấy được?

-Măng ở sạch quá mà Măng cứ muốn con cháu học về y khoa. Hồi trước tụi con

học đại học thì bệnh HIV – human immunodeficiency virus – hoành hành; bây giờ

hai đứa nhỏ học đại học thì Covid-19 giết cả trên trăm ngàn người tại Mỹ. Nếu tụi

con và hai cháu là MD thì Măng có yên lòng hay không?

-Thôi, con! Ngày đó còn ước mơ; bây giờ, nếu có ước mơ thì Măng chỉ cầu xin ơn

Trên phù hộ cho các con/các cháu được bình an thôi; còn “ông Già” – danh từ thân

thương gia đình thường dành cho ông Khiết – và Măng chỉ biết trực diện và chống

chọi với tuổi già chứ còn gì nữa mà ước mơ!

Ngưng một chốc, bà Loan tiếp:

-A, tuần tới con nhớ mua cho Măng xà phòng rửa chén, chai nhỏ thôi; chai lớn, tay

Măng yếu, cầm không nổi, rớt, đổ “tùm lum” Măng dọn không nổi!

-Măng vẫn rửa chén bằng tay à? Cứ như vậy rồi than đau tay, đau lưng.

-Bác sĩ Gronados bảo Măng “keep moving” mà! Thêm nữa, rửa chén bằng máy thì

Măng cũng phải trán qua cho thức ăn trôi đi rồi mới cho vào máy. Máy chạy thì tốn

nhiều điện, nhiều nước!


-Người ta mong có phương tiện để xử dụng; còn Măng thì cứ tiện tặn từng xu, để

làm gì?

-Để khỏi phiền các con. Các con lo cho “ông Già” và Măng nhiều rồi, Măng không

muốn làm phiền các con thêm.

Im lặng. Diễm chuyển đề tài:

-Người lau dọn nhà tháng này đến chưa mà nhà hôi quá vậy, Măng?

-Măng nhận thấy, trước khi họ đến Măng cũng phải dọn dẹp sơ sơ; vì “ông Già” cứ

vung vãi, vất mọi thứ ra đó. Mỗi lần dọn dẹp, lưng và hai đầu gối của Măng đau

lắm, Măng chịu không được! Măng nói họ khi nào Măng cần thì Măng gọi chứ

đừng đến mỗi tháng.

-Thì Măng đừng dọn dẹp gì cả; cứ để họ làm.

-Họ chỉ lau chùi thôi; còn “ông Già” ăn/uống cái gì mà Măng không để ý thì ổng

đem giấu trong tủ quần áo; có khi ổng “bỏ đại” vô nhà cầu, hoặc trây quẹt đầy

thảm, Măng dọn không nổi!

-Con nghĩ đã tới lúc chị em con góp tiền, thuê người đến giúp Măng. Măng nghĩ

sao?

-Măng rất lo sợ, ngại họ biết trong nhà chỉ có một ông già “không biết gì hết” và

một bà già “trói gà không chặt” thì họ sẽ cho người khác biết rồi người đó đến đây

cướp!

-Tụi con đã nghĩ đến điều đó và đã đề nghị Ba Măng nên vào Senior Living…

Diễm chưa dứt câu, bà Loan vội lắc đầu:

-Các con đã đưa Măng đi xem mấy chỗ rồi; chỗ nào cũng đẹp, đầy đủ tiện nghi,

nhưng… kinh khủng quá!

-Cái gì kinh khủng?

-Sự vắng lặng! Vắng lặng đến… rợn người!


-Biết bao nhiêu người sống và chấp nhận sự vắng lặng đó chứ đâu phải một mình

Măng.

-“Ông Già” và Măng ở đây, trên đường đi làm về, các con và các em thuận đường,

đôi khi ghé thăm. Nếu Ba Măng dời đến mấy chỗ Senior Living thì trái đường, biết

mỗi năm Ba Măng có thể gặp các con được một lần hay không! Thêm nữa, chỉ có

Măng mới có thể vào Senior Living; còn “ông Già” thì phải vào Assisted Living;

mà Măng thì không bao giờ có thể để “ông Già” vô viện dưỡng lão – nhất là trong

thời gian Tàu dịch này!

Diễm gắt:

-Măng không thể khẳng định như vậy được! Đến một lúc nào đó, vì sự sống còn,

mình buộc phải hy sinh nhiều thứ lắm. Măng biết không?

Bà Loan thầm “phục” những người “thông minh!”, làm nghề tự do/khai gian thuế

lợi tức/giấu tiền mặt. Khi về già những người này – không những được hưởng đầy

đủ phúc lộc của chính phủ như housing/food stamps/Medicaid – còn được chính

phủ cho người đến nhà mỗi tuần bao nhiêu giờ để giúp việc nhà, đưa đi bác sĩ, đi

chợ, tắm cho người nào không thể tự tắm được, v.v… Trong khi đó, những người

khai đúng thuế lợi tức, như ông Khiết và Bà, thì không được tý ân sũng nào của

chính phủ mà còn phải mua bảo hiểm sức khỏe riêng; vì có nhiều khoảng chi phí y

tế Medicare không chịu trả!

Thấy Mẹ có vẻ tư lự, Dũng đến bên, khuyên:

-Măng đừng quá lo lắng, okay! Nhà Măng đã có hệ thống báo động – được nối kết

trực tiếp với phòng kiểm soát an ninh của khu vực này – tuần tới con sẽ kêu người

gắn video camera nữa thì không tên nào dại vô nhà Măng ăn cướp đâu.

-Cảm ơn con.

-Măng nhớ cẩn thận, vịn vào thành cầu thang mỗi khi Măng đi lên hoặc đi xuống

lầu, nha!

-Ờ, cảm ơn con. Đi xuống thì không sao; nhưng đi lên là cả một vấn đề!

-Hôm nào tụi con sẽ dời phòng “computer” xuống tầng dưới cho Măng.

Diễm hỏi:


-Từ ngày Gym đóng cửa vì Covid-19, Măng còn đi bộ quanh khu vực này không?

-Khi “ông Già” ngủ Măng mới dám đi; vì Măng không thể để “ông Già” ở nhà một

mình.

-Ủa, vậy thì làm thế nào trước khi Covid-19 xuất hiện, Măng đi Gym mỗi ngày

một tiếng đồng hồ?

-Lúc đó “ông Già” không tệ như bây giờ.

Dũng hỏi:

-Tình trạng của “ông Già” xuống nhanh đến vậy à?

Im lặng. Bà Loan rơm rớm nước mắt, một chốc sau mới đáp:

-Xương sống và não bộ của “ông Già” bị tổn thương rất nặng. Các Chú/Bác ở tù

cùng trại cải tạo với “ông Già” cho Măng biết là “ông Già” bị cộng sản Việt Nam

(csVN) đánh kinh khủng lắm; vì ổng là sĩ quan Nhảy Dù mà ổng lại khai thật tất cả

những lần đơn vị do ổng chỉ huy giải tỏa căn cứ này/tái chiếm chiến địa kia/tiếp

cứu tiền đồn nọ, v.v... cho nên csVN trả thù! Bác sĩ Gronados khuyên, thương tích

thời chiến tranh cộng với tuổi tác của “ông Già” thì – ngoại trừ trường hợp khẩn

cấp – bệnh gì “ông Già” có thể “live with it” thì nên “live with it”; đừng giải phẫu.

Diễm an ủi:

-Thôi, ít ra “ông Già” cũng còn đi được; không nằm một chỗ!

Dũng thở dài:

-Chuyện của “ông Già”, mình không làm gì được nữa rồi! Còn Măng, khoang đi

Gym nhưng cố gắng đi bộ, nha!

-Không đi Gym mà nếu không đi bộ nữa thì cơ thể của Măng như không còn sức

sống. Lưng cứ muốn “cụp” xuống!

Diễm bảo:


-Măng còn đi được là may lắm rồi! Biết bao nhiêu người cỡ tuổi Măng hoặc trẻ

hơn mà phải chống gậy để đi kìa!

Bà Loan cúi mặt, nước mắt chảy ngược vào tim! Nếu sống mà cứ buộc phải thấy/

phải so sánh với những điều tiêu cực thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì nữa hay

không?

Trước khi cáo từ ông Khiết và bà Loan, Dũng và Diễm hâm nóng hai tô mì rồi mời

ông bà xuống bếp, ngồi vào bàn. Sau khi để hai ly nước lọc lên bàn, cạnh gói xôi

đậu xanh và quà ăn vặt, Dũng, Diễm và hai cháu từ giã ông Khiết và bà Loan.

Vì ông Khiết không thể nhớ hoặc nhận biết lúc nào nên nhai/lúc nào nên nuốt/lúc

nào nên ngưng, bà Loan phải lấy kéo cắt mì sợi và hoành thánh thành từng phần

nhỏ để ông Khiết không bị nghẹn. Ông Khiết chỉ gói xôi đậu xanh trong bao ny-

lông nhỏ, tỏ ý muốn ăn. Bà Loan đẩy bao ny-lông nhỏ về phía chồng. Ông Khiết

lấy gói xôi, vất bao ny-lông trên sàng gạch hoa rồi mở gói xôi, dùng tay bốc/ăn. Bà

Loan vội lấy gói xôi từ tay ông Khiết, đem đến bên bếp, lấy dao và nĩa xắn gói xôi

ra từng phần nhỏ rồi đưa lại cho ông Khiết, kèm theo cái nĩa. Ông Khiết vất cái nĩa

xuống sàng nhà!

Đang ăn, bà Loan nhận ra mùi nồng nồng của nước tiểu. Nhìn sang ghế của ông

Khiết, bà Loan ngán ngẫm, buông đũa. Thì ra từ nãy giờ ham vui vì con cháu về

thăm, bà Loan quên theo dõi đồng hồ để đưa ông Khiết vào nhà tắm đi tiểu! Bà

Loan giận, xẳng giọng:

-Đi vô thay đồ!

Ông Khiết ngơ ngác nhìn quanh, không biết “đi vô” là đi vô đâu! Bà Loan im lặng,

đứng lên, nắm tay ông Khiết, dẫn vô phòng ngủ trong khi ông Khiết vừa đi vừa

quay lui nhìn gói xôi.

Lấy tấm ny-lông phủ lên tấm khăn trải giường, xong, bà Loan kéo tay ông Khiết

đến, “ấn” nhẹ thân người của ông lên tấm ny-lông. Lúc này bà Loan mới nhớ là bà

đã quên lấy tả cho ông. Bà Loan xoay sang, mở ngăn tủ, lấy tấm tả rồi xoay lại bên

giường. Vừa thấy tấm tả, ông Khiết có vẻ hoảng hốt, khoát tay:

-Không! Đừng! Đừng! “Hỏng” chịu đâu!

Đây không phải là lần đầu tiên ông Khiết phản đối khi phải mang tả. Nhưng đây là

lần đầu tiên bà Loan nghe chồng nói một câu thể hiện được tất cả nỗi sợ hãi của


ông. Bà Loan vào nhà tắm, lấy chiếc khăn nhỏ, thấm nước lạnh, trở ra giường.

Không hiểu tại sao thấy chiếc khăn ướt, ông Khiết lại yên lặng, không chống cự

nữa. Nhờ ông Khiết không chống cự, bà Loan nhẹ nhàng đè ngửa ông ra, cởi chiếc

quần khai nồng vất về hướng nhà tắm rồi lấy chiếc khăn ướt lau phần hạ bộ cho

ông. Trong khi bà Loan cảm thấy lưng và tay chân của bà như muốn rả ra từng

mảnh thì gương mặt của ông Khiết trông rất dễ chịu. Ông Khiết nhìn bà Loan với

ánh mắt biết ơn khi bà Loan lấy phấn bột – loại dùng cho trẻ con – rảy vào phần hạ

bộ của ông. Nhưng khi bà Loan vói tay lấy tấm tả thì ông Khiết lại vùng vằng:

-Đừng! Đừng mà! “Hỏng” chịu đâu!

Bà Loan biết, trời nóng như thế này mà “đóng” tấm tả dày cộm vào bộ phận “nhạy

cảm” nhất của con người thì làm sao chịu cho nỗi; đó là chưa kể, nhỡ ông Khiết đi

tiêu, đi tiểu trong tả mà bà Loan không biết để thay thì… bà Loan rùng mình,

không dám nghĩ tiếp! Dù hiểu cho sự khó khăn, tội nghiệp của chồng, bà Loan

cũng phải dùng toàn sức lực của Bà để mang cho được tấm tả vào cho ông Khiết.

Có lẽ chẳng còn sức để chống chọi với bà Loan nữa, ông Khiết nằm im, lầm bầm

“Đừng mà! Đừng mà”! Bà Loan biết thế nào ông Khiết cũng – như mọi lần – tìm

mọi cách cởi tấm tả, vất đâu đó; bà sẽ phải lần theo mùi hôi của tấm tả mà tìm cho

ra, đem bỏ rác!

Vì muộn phiền, bà Loan bị bệnh mất ngủ; mỗi đêm phải uống thuốc ngủ. Nếu bà

Loan dùng đúng liều lượng, ngủ được ngon giất thì sáng hôm sau bà phải tắm cho

ông Khiết, thay và giặt toàn bộ khăn trải giường và mở tất cả cửa sổ để mùi hôi

thối thoát ra ngoài; vì suốt đêm không ai thay tả hoặc đưa ông Khiết vào nhà cầu!

Nhưng nếu uống thuốc ngủ ít hơn liều lượng thì bà Loan cứ nằm trăn trở suốt đêm

bên cạnh một người bà từng yêu thương – người hùng của Hà – nhưng nay đã trở

thành “gánh nặng” mà Bà không nỡ lìa xa! Khi nào tâm hồn “lạc” về dĩ vãng, bà

Loan cũng tiếc thương, khóc thầm, cầu nguyện rồi quay sang, vòng tay qua vùng

ngực thoi thóp của người chồng đang miên mang trong giấc cô miên vì đòn thù của

csVN – quân cướp nước mà lại núp dưới chiêu bài “giải phóng”!

Sự tủi thân vừa lắng dịu, bà Loan thở dài, đỡ ông Khiết dậy:

-Đi ra ăn cho hết gói xôi.

Ông Khiết im lặng vịn tay bà Loan, ngồi dậy, đi theo vợ. Đến bàn ăn nơi bếp, sau

khi để ông Khiết ngồi vào chiếc ghế sạch, bà Loan xoay sang phòng giặt đồ, với

dụng ý lấy khăn lau nước tiểu mà lúc nãy ông Khiết đã thải ra. Vừa xoay người,


chân của bà Loan vướng vào bao ny-lông – mà lúc nãy ông Khiết vô tình vất trên

sàn nhà – bà Loan trượt chân, té, đầu va vào nền gạch hoa…


******


Thiếu phụ da đen đẩy chiếc xe lăn – ông Khiết ngồi bên trong – theo gia đình, qua

khỏi cửa chính phòng khánh tiết của Sugar Land Assisted Living rồi dừng lại. Bà

Loan nhanh tay mở ví, lấy mấy tờ một đồng, nhét vội vào tay người đẩy xe lăn, nói

nhỏ:

-Làm ơn chăm sóc giùm chồng tôi. Tôi sẽ vào đây mỗi ngày phụ với cô.

Người đẩy xe lăn lắc đầu, trả lại tiền:

- Tôi sẽ chăm sóc ông Nguyễn. Bà đừng lo. Nhưng ở đây cấm nhân viên nhận bất

cứ món quà nào; nếu nhận quà, nhân viên đó sẽ bị đuổi việc.

Bà Loan thở dài, bước theo gia đình. Ông Khiết nhìn bà Loan và con cháu bước lên

hai chiếc SUV với nét mặt rất điềm nhiên! Nhưng, khi hai chiếc SUV nổ máy, từ

từ rời bãi đậu xe, bà Loan nhìn vào kính chiếu hậu bên phải, thấy ông Khiết gục

xuống, hai tay ôm mặt! Bà Loan vội nói với Dũng:

-Dũng! Con chờ Măng chút!

Mọi người trên xe không hiểu chuyện gì xảy ra. Bà Loan vội mở cửa xe, bước

xuống, đi nhanh đến bên ông Khiết. Ông Khiết đưa bàn tay run rẩy ra phía trước

như muốn tìm kiếm vật thể thân thương nào đó. Bà Loan nắm tay chồng, nghiêng

một bên má lên mái tóc thưa và trắng ngần của chồng rồi khóc! Diễm đến cạnh:

-Măng! Be strong! Măng nên nghĩ đến cuộc đời của Măng nữa chứ! Hôm Măng bị

té, vào ER – Emergency Room –  chính Măng đã nghe bác sĩ khuyên rằng Măng

không nên chăm sóc cho ai khác; ngoài việc chăm sóc cho chính Măng. Măng nhớ

không?

-Biết rồi! Nhưng tội “ông Già” quá, con ơi!

-Ai cũng biết là tội “ông Già”! Nhưng cái “tội” này là hậu quả của những cuộc tra

tấn dã man do csVN hành xử tàn độc đối với tù nhân trong các trại cải tạo chứ

không phải do ai khác tạo nên. Người nào muốn “hòa hợp hòa giải”, không nghĩ

đến chính trị, quên đi quá khứ và tội ác của csVN thì đó là quyền của người đó;


đừng kêu gọi hoặc cổ xúy người khác! Chỉ khi nào trong gia đình người đó có

người từng là nạn nhân trực tiếp của csVN thì người đó mới biết thế nào là uất hận!

Biết Diễm cũng đang bị xúc động mạnh trong tình cảnh này, bà Loan năn nỉ:

-Thôi, con! Ai nói gì/làm gì, kệ người ta…

Bà Loan chưa dứt câu, tiếng người đẩy xe lăn vang lên:

-Rất tiếc, đến giờ cơm chiều, tôi phải đưa ông Nguyễn vào phòng ăn. Bye!

Bà Loan, các con cùng dâu và rể đứng lặng, nhìn theo chiếc xe lăn trong khi ông

Khiết cố quay lui, nhìn hình dáng những người thân yêu đang xa dần, xa dần…

Trở lại chiếc SUV, vừa mở cửa, bà Loan nghe dòng nhạc êm ái, thiết tha từ iPhone

của Mylene. Xe rời chỗ đậu được một đoạn ngắn, bà Loan mới nhận ra đây là tình

khúc mà – buổi chiều trước ngày đi trình diện “bên thắng cuộc” – ông Khiết đã ôm

Guitar, vừa “từng tưng” vừa hát nho nhỏ khi “hai đứa” ngồi bên nhau nơi sân sau:

“Memories light the corners of my mind

Misty water-colored memories of the way we were

Scattered pictures of the smiles we left behind

Smiles we gave to one another for the way we were…”

Chiều nay, theo giọng Soprano mượt mà của Barbra Streisand và lời ca ướt lệ

trong tình khúc The Way We Were của Barbra Streisand, bà Loan bùi ngùi tưởng

như thấy lại được hình dáng đáng yêu của ông Khiết vào buổi chiều xưa – khi “ông

Nhảy Dù” đứng dưới mưa, khoanh tay, mỉm cười, nhìn Loan đàn – đang chờn vờn

trong bóng hoàng hôn chập chùng!…


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/