2021/04/25

 

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương…

Hoàng Hải Thủy
 
Ðêm Tháng Tư Buồn ở Xứ Người – Biết dzồi..! Chán lắm..! Than mãi ..! – .. nằm xem TiVi, thấy thiên hạ lao xao nói đến chuyện Thái Tôn nước Anh-cát-lỵ cưới vợ, Người Lưu Vong Già bồi hồi, ngậm ngùi nhớ lại chuyện đám cưới vương giả cũng diễn ra ở xứ Anh-cát-lỵ năm xưa, khi Thái Tử Charles kết hôn với cô Diana.
 

Năm xưa là năm 1981. Mới đấy thôi, tưởng như là đêm qua mà đời tôi đã qua 30 mùa lá rụng. Dòng thời gian dài một ánh bay.. Thân xác con người không thể trở về dĩ vãng nhưng trí nhớ của con người có thể làm cho con người tưởng như mình sống lại ngày xưa.

Sống lại thảng thốt, mơ hồ – tất nhiên – đêm lặng, xứ người, nằm trong căn phòng đèn vàng, an ninh Năm Chăm Phần Chăm, tôi mơ hồ trở lại là tôi năm 1981; tôi nhớ lại những buổi tối vào lúc 9 giờ, trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi, tôi nằm bên cái radio Sony nghe Ðài Phát Thanh BBC, VOA. Nhiều lần tôi muốn kêu lên với các ông BBC, VOA:

 – Khổ lắm, mấy ông ơi.. Mấy ông cứ..“Công chúa Diana..” là ký gì? Công chúa là con gái vua, công chúa không thể kết hôn với hoàng tử là con trai vua, trừ khi hoàng tử là con vua một nước khác… Mấy ông gọi Diana là “công chúa,” bọn Bắc Cộng chúng nó cười cho…
 
Ba Tầu chỉ có tiếng “hoàng tử ” để gọi Prince, tiếng “công chúa” để gọi Princess nên khi cô Diana được phong vương hiệu Princess, người ta gọi nàng là “công chúa.” Nhưng nếu không gọi Princess Diana là công chúa, ta phải gọi nàng với tước hiệu gì? Prince có thể là Vương Tử, có thể gọi Princess – bà vợ của ông Prince – là vương hậu hay không? Ông chồng của công chúa là phò mã, con rể cuả Vua là Hoàng Tế – như Hoàng Tế Phillip, ông chồng Bà Vua Elizabeth – Tầu có triếng “tử tức” – “tử” là con, “tức”  là con dâu – ta có thể gọi Princess Diana là Hoàng Tức Diana được chăng?
 
Hôm nay, một trong những ngày cuối tháng Tư thứ 36 kể từ tháng Tư năm 1975, tôi viết lan man về chuyện Ðám Cưới cô Diana 30 năm xưa. Tâm viên, ý mã… Tôi viết thế vì tôi ngậm ngùi với chuyện thời gian qua nhanh. Mới đêm qua tôi nằm ở một góc thành phố Sài Gòn nghe chuyện đám cưới vương giả xứ người ở mãi bên kia biển. Dzậy mà thời gian đã qua 32 năm! Năm 1980 tôi 50 tuổi.
 
Sài Gòn năm 1980 ở dưới đáy của Tang Thương. Năm ấy tôi đi tù 2 năm vừa trở về mái nhà xưa. Tôi nhớ những buổi chiều lúc 5 giờ, đứng ló mặt trong cửa gió sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu chờ bọn cai tù đi qua điểm mặt, có những chiều tôi ghé mắt nhìn qua cửa gió sà-lim về những vòm cây sao trên đường Chi Lăng ngoài kia, trên bờ tường nhà tù, nắng chiều tô vàng trên những vòm cây ấy, gió chiều làm những cành lá rung chuyển. Tôi tưởng tượng giờ này tôi được đi trên vỉa hè đường Lê Lợi. Hạnh phúc chừng nào. Những chiều bị tù ấy tôi nghĩ khi được ra khỏi tù, được trở về mái nhà xưa với vòng tay gầy của người vợ hiền, tôi sẽ sống ngoan, sống không hờn giận, không uất ức, sống cam chịu với số phận đen hơn mõm chó của tôi. Sống đầu hàng, sống hèn mạt như mọi người dân Quốc Gia VNCH vừa bị tiêu vong, tôi sẽ không làm gì để bị bọn đầu trâu, mặt ngựa nửa đêm đến nhà dựng cổ dậy, bắt đi tù lần nữa. Những ngày đầu khi trở về nhà, tôi nói với vợ tôi:
 
– Anh đã chịu cực nhục nhiều trong tù, anh sẽ không còn bực mình về những chuyện vặt như việc phải đi họp tổ, tối tối phải đi nghe đọc báo.
 
Thế nhưng:
 
Quân lạc phong trần quân bất cải
Ngã hồi phố thị, ngã do liên
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Giai nhân, cùng sĩ đối sầu miên
Phong trần Em vẫn là Em
Anh về phố chợ đêm đêm lại buồn
Một đi hoàng hạc đi luôn
Giai nhân, cùng sĩ đối buồn nằm mơ.
 
Tù hai năm về nhà, tưởng cúi mặt sống được, nhưng chẳng bao lâu tôi lại chịu không nổi. Tuy biết rằng cứ làm Thơ, cứ Viết bài gửi ra nước ngoài là thể nào cũng bị bắt lại, tôi cứ làm Thơ, tôi cứ Viết ra nước ngoài.
 
Tôi viết những bài than thở, tôi không chỉ than thở cho thân tôi, tôi kêu than cho đồng bào tôi, tôi diễn tả nỗi sầu buồn, nỗi tuyệt vọng của đồng bào tôi, như trong bài thơ:
 
BUỒN
Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp người đông.
Nhà Em, nhà Anh cách hai thước ngõ
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông.
Em đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ
Như người chinh phụ ôm con chờ mong.
Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
Như người tù nhìn đời qua chấn song.
Anh đứng trông mây, Em đứng trông chồng
Mất chồng con bế, con bồng Em mang.
Cái bống là cái bống bang,
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ!
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
Ðìu hiu cuối ngõ, cùng đường,
Bên Anh tuyệt vọng, đoạn trường bên Em.
Ngày lại ngày, đêm lại đêm,
Ngày rơi sầu muộn, đêm chìm phôi pha.
Buồn từ trong cửa buồn ra,
Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.
Ta đang sống, ta đang mê?
Hay ta đang chết não nề, Em ơi !
 
Khi bọn Công An Thành Hồ đến nhà bắt tôi, chúng lục xoát tóm được tập thơ của tôi. Anh Công An Huỳnh Bá Thành có đọc bài Thơ Buồn của tôi; khi thẩm vấn tôi ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, y nói:
 
– Trong lúc nhân dân cả nước phấn khởi hồ hởi tiến lên xã hội chủ nghĩa, một mình anh kêu buồn đâu có được. Cái buồn của anh ảnh hưởng xấu đến người khác.
 
Y hỏi móc tôi:
– Bây giờ anh là « người tù nhìn trời qua chấn song » rồi đấy. Anh thấy sao?
 
Sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 chừng một tháng, thành phố thủ đô Sài Gòn biến thành một Chợ Trời Khổng Lồ. Theo đúng thông lệ: bọn Cộng đi đến đâu, Chợ Trời Viả Hè đi đến đấy. Tháng Sáu, Tháng Bẩy năm 1975 người Sài Gòn đem đủ thứ đồ linh tinh ra bầy bán ở vỉa hè. Tôi làm bài thơ:
 
CHỢ TRỜI
 
Trời chiều đi dạo Chợ Trời,

Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui.
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra.
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây ?
Chợ bầy những đọa cùng đầy,
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa.
Bán đồ toàn những người ta.
Mua đồ thì rặt những ma, cùng mường.
Chợ Trời hay Chợ Ðoạn Trường?
Ðầu Âm Phủ, cuối Thiên Ðường là đây.

Công An VC Huỳnh Bá Thành cũng đọc bài thơ Chợ Trời của tôi. Khi thẩm vấn tôi, y nói:
 
– Anh làm thơ gọi chúng tôi là Mán, là Mường. Nếu các chú đi bắt anh mỗi chú chỉ đánh anh một cái thôi, giờ này anh không ngồi được vững như thế này.
 
Tôi đã qua 8 năm tù ngục Cộng sản. Thành tích Tù Ðầy của tôi không có gì để tôi khoe, tôi cũng chẳng làm gì để mong được khen. Ở tù Cộng sản 8 năm mà không làm việc gì để phải tự hổ thẹn, không làm việc gì để vợ con tôi phải xấu hổ vì tôi, dzậy là tôi mừng.
 
Mất nhau trong cuộc biển dâu
Hồn anh hoa muộn, lá sầu hoang sơ.
Tim anh quằn quại bóng cờ,
Tai anh Mán hú, Mọi hờ quanh năm.
 
Tôi tìm được bài Kể Tội Bắc Cộng dưới đây trên Internet:
 
– Khi xâm lăng VNCH, cộng sản đã hành sử như một lũ thổ phỉ đi ăn cướp.
– Chúng cướp 16 tấn Vàng trong Ngân khố Quốc gia VNCH. Những tên đầu sỏ cộng sản đã đưa số vàng ăn cướp này ra ngoài Bắc và dấm dúi chia nhau.
– Chúng cướp tất cả những kho dự trữ của VNCH, ngày đêm chúng chuyên chở những đồ chúng cướp được ở miền Nam về miền Bắc trong nhiều tháng trời.
– Chúng cướp nhà của những người bỏ nước ra đi và những người vượt biên để chia cho nhau.
– Chúng cưỡng bức người dân thành thị đi đày tại những vùng chúng gọi là “khu kinh tế mới” để chúng cướp nhà của họ.
– Chúng bắt người dân phải hiến nhà cho chúng trước khi xuất cảnh.
– Chúng hạ thấp trị giá đồng tiền của VNCH và tổ chức đổi tiền hai lần để cướp tiền của dân. Mỗi lần đổi tiền, chúng chỉ trả lại cho người dân một số ít để chi tiêu trong một thời gian ngắn và chúng cướp sạch số còn lại.
– Chúng tổ chức đánh tư sản mại bản để cướp tài sản, cướp cửa hàng và kho hàng của thương gia.
– Chúng cướp các nhà máy, các xí nghiệp của tư nhân để thành lập các hợp tác xã của chúng.
– Chúng cướp tiền của người dân gửi tại các ngân hàng.
– Chúng thẳng tay cướp đất và nhà của các tôn giáo.
– Chúng dùng luật rừng để cướp đất, cướp nhà của dân.
– Chúng cướp ruộng của nông dân qua thủ đoạn “hợp tác hoá nông nghiệp.”
 
Bọn Cộng phỉ đã cướp trắng tài sản quốc gia của VNCH và của cải của toàn dân Miền Nam. Toàn dân Miền Nam đã bị bần cùng hoá. Những tên đầu sỏ cộng sản đã chia nhau của ăn cướp và chúng đã trở thành những tên tư bản đỏ có hàng trăm triệu dollars. Những bức hình chụp những đồ vật trang trí trong “dinh thự” tại Hà Nội của tên đầu sỏ cộng sản Lê Khả Phiêu – mới đưọc đưa lên hệ thống internet toàn cầu – đã tố cáo không thể chối cãi tội ăn cướp của chúng. Một bọn cướp vào cướp phá Miền Nam.
 
o O o
 
Những đêm dài sau Ngày 30 Tháng Tư 1975…
 
Nằm như xác chết còn thoi thóp trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi ở Cư Xá Tự Do, nằm phơi rốn trong những phòng tù Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, nhớ lại Thơ Kiều, nhiều câu Thơ Kiều làm tôi xúc động. Khi Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đi Lâm Truy, cảnh chiếc xe ngựa đưa Nàng đi và cảnh trời hôm ấy được Nguyễn Du tả:
 
Ðùng đùng gió giục, mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay…
 
Gợi tôi nhớ lại cảnh những phi cơ trực thăng Mỹ bay từ biển vào Sài Gòn mang đi những người Mỹ cuối cùng còn ở Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ, tiếng trực thăng rền rĩ trên trời Sài Gòn suốt đêm hôm ấy – Ðêm 29 Tháng Tư 1975.
 
Tôi phóng tác hai câu Kiều:
 
Ðùng đùng gió giục, mây vần
Trực thăng trong cõi hồng trần như bay…
 
Trăm đắng, ngàn cay… Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay… Nỗi buồn khủng khiếp mà những người Quốc Gia VNCH phải chịu sau ngày mất nước không thể nào diễn tả được bằng lời. Ai sống trong nỗi buồn đó người ấy biết. Nhưng thôi, kể lại, than oán, tiếc thương đã đủ nhiều. Ðây là bài cuối cùng tôi viết về Ngày 30 Tháng Tư. Năm tới, nếu còn sống tôi còn viết, nhưng tôi sẽ không viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975 nữa.
 
Hôm nay tôi kể lại với bạn Lời Nói Cuối Cùng của ông Tổng Thống Trần Văn Hương – dù ông chỉ là Tổng Thống có mấy ngày, ông cũng là một trong 4 ông Tổng Thống của tôi.
 
Lời Tổng Thống Trần Văn Hương:
 
Tôi xin hứa với anh em … tất cả ở trong trong quân đội là … ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn … thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Ðó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời tôi.”
 
o O o
 
Bài thơ tôi làm Tháng Tư năm 2010:
 
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Mất nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương tàn được nở hương…
Một đời ba, bốn phen dâu bể
Mười điều trông thấy chín đau thương
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Nước mất, quân tan, thân chiến bại
Sống nhờ cơm áo ở tha phương
Vèo trông lá rụng đầy đường
Kỳ Hoa Ðất Trích đoạn trường thế thôi.
Huống chi ta đã không còn trẻ
Tự thưở tan hàng ở cố hương.
Tháng Tư…! Ta lặng nhìn sông núi
Sông núi người dưng trắng khói sương.
Quê ta xa mãi bên kia biển
Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.
Ta đau người lính vừa thua trận
Nát gió mưa nằm giữa sa trường
Vẫn nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu Thiên Ðường.
Ðất đá tim ta nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ Em khóc thương?
 
Hồ trường…
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tha hương
Cúi đầu mà khóc
Nghiêng vai mà gọi
Kỳ Hoa mang mang… ơi người mất nước…
Rừng Phong cùng ta cạn mấy hồ trường.
Hồ trường… Hồ trường đau thương.
Ta biết thương về đâu?
Ðông phương ngàn dậm thẳm
Mây nước một mầu sương
Tây phương trời đẹp lắm
Có người mất nước như điên, như cuồng…
Hỡi ơi… bạn tác ngoài trôi dạt
Chẳng đọc Thơ Ta cũng đoạn trường!
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Xa nửa địa cầu thương nhớ mãi
Xương có tàn xin hãy nở hương.
 
o O o
 
Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đã đến, đã qua kể từ ngày ta mất nước, ta không thể sống như loài ếch nhái hài lòng nằm trong góc ao đêm mưa ì ộp gọi nhau, ta thương khóc dù ta biết ta có thương khóc bao nhiêu cũng chỉ là vô ích; nhưng sẽ chẳng còn lâu nữa những Tháng Tư sẽ đến với những người Việt không biết gì về Tháng Tư; ngày Quên sẽ tới khi trên cõi đời này không còn người Việt nào đau nhói trái tim khi Tháng Tư trở lại.
 
Vì năm tháng sẽ qua, vì người sẽ quên, vì đời sẽ lãng, nên khi chúng ta còn sống, năm năm cứ đến Ngày Oan Trái, ta cứ thắp hương lòng để nhớ thương. Ai không nhớ mặc người ta, còn ta, ta cứ một mình rơi nước mắt vào những hồ trường tha hương, thất quốc.. Bạn ơi.. Giờ này, Ngày 25 Tháng Tư, 1975…, quân ta đang chặn đánh quân Bắc Việt Cộng ở mặt trận Long Khánh, Xuân Lộc, anh em ta, đồng bào ta đang chết để cho chúng ta sống…
 
Ơi những vị bạn già của tôi ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca, trong đau thương, trong tủi cực, trong cô đơn, tuyệt vọng, tôi gửi những lời Thơ này đến các vị:
 
Gửi thân lữ thứ trăm miền
Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn
Sài Gòn ơi… Ta đã mất Em trong cuộc đời…
Sài Gòn Xưa Ðẹp Lắm, Sài Gòn ơi…!

Hoàng Hải Thủy

******

Hoàng Hải Thủy 1933-2020

Nhà văn Hoàng Hải Thủy – một khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt báo chí và văn học từ thập niên 50, với trên sáu mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại đã xuất bản tại Miền Nam Tự Do trước 1975 và tại hải ngoại từ 1995 – vừa vĩnh biệt các độc giả yêu mến ông vào ngày 6 tháng 12 năm 2020 tại thành phố Arlington, tiểu bang Virginia, hưởng thọ 88 tuổi.

Tiểu sử nhà văn Hoàng Hải Thủy được chính ông ghi trên trang mạng Hoàng Hải Thủy aka Công Tử Hà Đông như sau:

Tên thật: Dương Trọng Hải. Sinh năm 1933 tại Hà Đông. Bút hiệu khác: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn…

Thân thế: Vào Nam năm 1951, từng trải qua các việc: phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, phòng 5 bộ Tổng Tham Mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Năm 1977 bị công an Việt Cộng bắt nhốt 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5 năm 1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sài Gòn. Năm 1994 sang Hoa Kỳ tỵ nạn, định cư ở Virginia”.


2021/04/24

 Tài liệu lịch sử

Le%20Anh%20Tuan



NGƯỜI HÙNG LÊ ANH TUẤN

MẶT TRẬN TUYÊN NHƠN




ĐIỆP MỸ LINH



Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ –  đóng cạnh Chi-Khu Tuyên-Nhơn, gồm có hai đơn vị sau đây:

  • Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn.

  • Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá T.M.H.

Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 chịu trách nhiệm những vùng sông rạch thuộc tỉnh Kiến-Tường (Mộc-Hóa) và Định-Tường.

Là một chướng ngại đáng kể đối với những đơn vị cộng sản Việt Nam (csVN) lâm le muốn đưa quân vào Long-An bằng đường thủy, Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những trận thư hùng đẩm máu. 

Trong tất cả những trận đụng độ, phải kể đến những cuộc tấn công quy mô do Trung-Đoàn E1 của csVN tấn công vào Tuyên-Nhơn vào cuối năm 1974.

Đêm 6 tháng 12 năm 1974, csVN tấn công dữ dội/dai dẳng/điên cuồng, chiếm được chợ Tuyên-Nhơn và nhiều đồn. Nhưng csVN cũng vẫn không thể xâm nhập vòng đai đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn; vì Chi-Khu đóng cạnh Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân.

Thời điểm này, Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Đoàn Quan Vũ và Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám đều về Đồng-Tâm hội. Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo, phải túc trực tại Bộ-Chỉ-Huy Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh để điều hợp hành quân. Chỉ còn Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – là sĩ quan thâm niên hiện diện tại đơn vị.

Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn sinh ngày 12 tháng 12 năm 1943; xuất thân trường trung học Chu-Văn-An. Ông học hết năm thứ ba Đại-Học Luật-Khoa thì gia nhập khóa 14 sĩ-quan Hải-Quân Nha-Trang.

Là người em út của một vị Tướng đầy uy quyền – Trung Tướng Lê Nguyên Khang – nhưng Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn không xin phục vụ tại những đơn vị ít nguy hiểm mà Ông lại tình nguyện về các đơn vị tác chiến. Đơn vị cuối cùng do Ông chỉ huy là Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận, đóng tại Tuyên-Nhơn

Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn điều động và chỉ huy phản công. CsVN rút lui, bỏ lại hơn 20 xác!

Đêm 7 tháng 12 năm 1974, để rửa hận, csVN lại tấn công tàn bạo hơn, quyết dứt điểm Hải-Quân để tiến chiếm Chi-Khu Tuyên-Nhơn; nhưng vẫn bị Hải-Quân chống trả mãnh liệt. CsVN lại rút lui, bỏ lại 11 xác!

Sau đó, biết không thể dứt nổi Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1, csVN vẫn cố giữ những địa điểm đã chiếm; đồng thời pháo kích dai dẳng vào đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn.

Không-Quân Việt-Nam được điều động đến yểm trợ và Sư-Đoàn 9 Bộ-Binh cũng tham chiến, chận đường tiến quân của địch.

Ngày 11 tháng 12 năm 1974, trên đường viện binh, một Chinook chở một đại đội Trinh-Sát thuộc Sư-Đoàn 9 bị csVN dùng SA7 bắn hạ. Rất nhiều thương vong!

Kể từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm 1975, đơn vị Hải-Quân và Chi-Khu Tuyên-Nhơn luôn luôn bị áp lực của địch rất nặng nề.

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, csVN lại tấn công hết sức quy mô và tàn bạo vào Chi-Khu Tuyên-Nhơn. Hải-Quân và quân bạn chống trả rất mãnh liệt. Cuối cùng, csVN phải rút lui, để lại trận địa khoảng 200 xác! Vũ khí của địch bị tịch thu phải chuyển vận bằng GMC.

Sau chiến thắng tại Tuyên-Nhơn, Hải-Quân Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn được đề nghị thăng Trung-Tá tại mặt trận.

Ngày 23 tháng 4, Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn về Saigon họp. Khi trở lại đơn vị, trên đường từ Cai-Lậy vào Mộc-Hóa để vào Tuyên-Nhơn, Thiếu-Tá Tuấn xử dụng GMC và bị csVN pháo kích liên tục. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc truyền tin với người bạn cùng khóa – Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận – xin tiếp viện. Nhưng ăng-ten bị gãy, cuộc điện đàm đứt đoạn.

Tối 24 tháng 4 Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn về đến Tuyên-Nhơn.

Ngày 26 tháng 4, csVN dốc toàn lực tấn công Tuyên-Nhơn. Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 đi phép. Lực-Lượng Hải-Quân tại Tuyên-Nhơn bị pháo kích nặng nề. Tất cả hệ thống truyền tin bị hư hại. Thiếu-Tá Tuấn cố gắng liên lạc với Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cho Thiếu-Tá Tuấn biết rằng Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám cũng đang bị địch pháo kích dữ dội. Và, với giọng thất vọng, Ông nói với Thiếu-Tá Tuấn: 

-Thôi, mày báo cáo chi nữa. Hai đứa mình chịu trận cho đến chết thôi! 

Cuộc điện đàm vừa đến đó, bỗng, một tiếng nổ lớn, mọi tần số liên lạc truyền tin đều bất khiển dụng. Cùng lúc đó, csVN đứng thẳng người, vừa tràn vào phòng tuyến của quân Việt-Nam Cộng-Hòa (VNCH) vừa bắn chứ không còn ẩn núp nữa!

Tuy trận chiến khốc liệt như vậy, nhưng Tuyên-Nhơn vẫn đứng vững như tinh thần chiến đấu kiên cường của Người Lính VNCH.

Sau khi không phá vỡ được phòng tuyến Tuyên-Nhơn, Trung-Đoàn E1 của csVN phong tỏa Tuyên-Nhơn bằng một hệ thống phòng không dày đặc và thả thủy lôi trên mọi thủy trình dẫn đến Tuyên-Nhơn. Sự tiếp tế cho Chi-Khu và Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 vô cùng khó khăn.

Tối 29 tháng 4, Tư-Lệnh-Phó Lực-Lượng Trung-Ương – Hải-Quân Đại-Tá Vũ Xuân An – từ Đồng-Tâm, liên lạc được với Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn và ra lệnh Thiếu-Tá Tuấn, bằng mọi cách, phải đưa đơn vị rời Tuyên-Nhơn.

Là một sĩ quan nặng tinh thần kỹ luật, Thiếu-Tá Tuấn triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả sĩ quan chỉ mới tề tựu được mấy phút thì csVN tiến vào và dừng lại cách vòng đai căn cứ Hải-Quân một khoảng ngắn. Hai bên không nổ súng. Thiếu-Tá Tuấn liên lạc, hỏi Đại-Tá An:

-Có đi được không, Commandant? 

Đến lúc đó Đại-Tá Vũ Xuân An mới cho Thiếu-Tá Tuấn biết là đã rã ngũ! Thiếu-Tá Tuấn lại liên lạc với Chỉ-Huy-Phó Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 214.1 – Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Văn Tạo – để được xác nhận.

Hiểu rõ tình hình, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn nhân danh Tư-Lệnh Hải-Quân, tuyên bố giải nhiệm những đơn vị Hải-Quân trong vùng trách nhiệm; rồi Ông mở đường máu, đưa đoàn chiến đỉnh về Bến-Lức.

Khi đoàn chiến đỉnh vừa rời nơi đồn trú khoảng một cây số thì bị csVN tấn công. Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám vừa phản công vừa xuôi theo sông Vàm-Cỏ.

Tối 30 tháng 4, khoảng nửa đêm, đoàn giang đỉnh về gần đến kinh Thủ-Thừa, csVN bắn chỉ thiên, gọi đoàn giang đỉnh lại. Để tránh đổ máu, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn ra lệnh đoàn chiến đỉnh cứ tiến, không được bắn trả, trừ trường hợp csVN cố tình tiêu diệt mình thì mình mới tự vệ.

Thấy đoàn chiến đỉnh vẫn tiếp tục di chuyển, chiến xa csVN hạ nòng súng bắn trực xạ. Nhiều nhân viên Giang-Đoàn chết và bị thương. Tức tốc, đoàn chiến đỉnh bắn trả.

Khi bắt được tần số truyền tin nội bộ của Hải-Quân, csVN kêu gọi Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn cho chiến đỉnh ủi bãi, lên bờ trình diện. 

Quá phẫn uất, Thiếu-Tá Lê-Anh-Tuấn đưa nòng súng “ru-lô” lên…

Khuya 30 tháng 4, rạng ngày 1 tháng 5 năm 1975, trên sông Vàm-Cỏ-Tây, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận – Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn – “đi” vào lịch sử!


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

(Trích Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975)


2021/04/22

 ĐÚNG LÀ NHƯ VẬY!

Hôm nay gặp bài viết tựa đề là:
“Sự trở lại của văn học đô thị miền nam”: Đi đâu mà trở lại? của Tuấn Khanh
Bài viết khiến tôi nhớ lại một tình-huống liên-quan trong biến-cố 30 tháng Tư 1975 xảy ra vào lúc tôi đang làm việc tại trường Trung-học Bình-Minh, Vĩnh-Long.
Tôi bàn-giao mọi việc của trường cho người tiếp-quản của chánh-quyền mới tên là "anh" Tư Quản; được biết anh là một giáo-viên từ miền Bắc vượt Trường-Sơn len lỏi vào Nam. Khách-quan mà nói anh cũng "hề hà", không "cách-mạng triệt-để", không trịch-thượng như cán-bộ "Mặt trận Giải-Phóng Miền Nam" mà sau này tôi gặp, làm việc uyển-chuyển thông-cảm dù vẫn quyết-liệt theo nguyên-tắc của Cộng-Sản. Nói không quá lắm thì anh ta có một chút "bản-chất tiểu-tư -sản" phảng-phất trong tư-cách với cây súng Colt sét, hình như không có viên đạn nào trong ổ đạn.
Tôi được "ban" cho chức-vụ "Trưởng-ban Điều-hành" trường trong ba tháng dưới sự chỉ-đạo của anh ta để anh ta có thời-gian làm quen với mọi công việc của trường và sắp xếp lại những gì mà Cộng-Sản chủ-trương.
Có thể nói là "ưu ái" khi anh cho tôi một bàn làm việc kề bên bàn của anh ? Hay là như vậy cho dể dàng ban lệnh và kiểm-soát tôi?
Đến khi một lệnh mang "tính-chất Tần Thủy Hoàng" ban ra để hủy diệt văn-hóa "đồi-trụy, ủy-mỵ" của chính-quyền Mỹ Ngụy, nhà trường phải huy-động giáo-sư <mà bấy giờ phải gọi là giáo-viên hay thầy cô giáo> và học-sinh phải gom góp tất cả sách báo, băng nhạc, hình ảnh đang có để thiêu đốt. Trong không-gian và thời-gian khủng-khiếp ấy tâm-tư của mọi người như vừa tê dại cũng phải xót xa ...
Sau khi hoàn-tất "công-tác tàn-nhẫn" này, thỉnh-thoảng vào trưa tôi thấy anh Tư Quản chăm-chỉ nhìn vào hộc tủ của bàn viết được kéo ra khoảng 2 phần 3 ...từ giờ này qua giờ khác không mệt mõi.
Một hôm vắng mặt anh trong phòng việc, tò mò tôi ... ngó vào hộc tủ của anh xem có gì.....thì khám-phá ra một số văn-hoá-phẩm miền Nam được anh giữ lại và lén đọc, trong đó đa phần là tiểu-thuyết và truyện kiếm-hiệp.
Vậy thì..."văn-học ...đô thị miền Nam" đâu có đi đâu mà vẫn còn nằm lại từ tháng tư 1975, có đúng không?

Xin anh-chi-em cùng đọc:

“Sự trở lại của văn học đô thị miền nam”: Đi đâu mà trở lại?

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Ảnh Tuấn Khanh

Hơn một năm trước, thật may mắn được chứng kiến buổi ngỏ ý của một nhà xuất bản, muốn tái bản lại cuốn Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một cây viết quen thuộc của độc giả miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Với Nguyễn Thị Hoàng, thì đó rõ là điểm sáng đáng quý trên bầu trời lấp lánh của văn chương tự do miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Thoáng thấy trên Facebook, báo điện tử… những lời chia sẻ với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với cuốn sách Vòng tay học trò được tái bản, cùng sự hào hứng quen gọi tên là tác phẩm thuộc “dòng văn học đô thị miền Nam”.

Nghe đột nhiên chạnh lòng. Nghe “đô thị”, có vẻ như co cụm và không thuộc về nhân dân. Nói như nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, nói văn chương “đô thị” miền Nam, thì không sai nhưng thừa. Bởi sự nhấn nhá riêng “đô thị” của miệng lưỡi tuyên truyền là thừa ác ý. Có nơi còn gọi là sự “trở lại”!

Thế nhưng văn chương miền Nam đi đâu mà trở lại?

Toàn bộ chữ nghĩa đã được hình thành, nuôi dưỡng và tồn tại suốt trong hai nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam chỉ có một hành trình duy nhất là đi xuyên qua sự thù hận, chà đạp và hủy diệt… mà dù có đau đớn hay rách nát thế nào, nền văn chương (hay nền văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói chung) vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời đại mới và tỏa sáng với những tư tưởng tự do không kiểm duyệt.

Văn chương miền Nam Việt Nam, tự nó cũng giống như số phận của ông Khai Trí, một người ước mơ đem sách và chữ đến cho dân tộc mình, rồi chính quyền mới, nói tiếng Việt, tịch thu. Gia sản tri thức bị đốt và bản thân ông cũng bị cầm tù. Nhưng câu chuyện Khai Trí và những ấn phẩm của ông vẫn tiếp tục lưu truyền một cách im lặng trong lòng người dân Việt Nam, mà có những giai đoạn phải thầm kín và gìn giữ trong nơm nớp sợ hãi không khác gì những tờ truyền đơn của người Do Thái trong thời Phát xít Đức.

46 năm, suốt thời thống nhất địa lý, văn chương miền Nam Việt Nam (chứ cũng không phải là đô-thị-miền-Nam), trở thành một di sản quý được tìm mua với những giá ngày càng đắt. Hãy thử nghĩ xem, vì sao một tổng tập của nhà thơ Tố Hữu có thể được in ấn tuyệt đẹp, trợ giá bán rẻ vẫn không có sức thu hút bằng một tập thơ mỏng, cũ rách của Nguyên Sa hay Thanh Tâm Tuyền?

“Văn học đô thị miền Nam” – cách gọi bị ám ảnh từ lối tuyên truyền văn hóa của chính quyền mới sau năm 1975 cho đến nay – vẫn ngầm chứa trong đó một sự khinh thị, chỉ để góp vào cái nhìn toàn cảnh cố không công nhận miền Nam Việt Nam là một chính thể. Rất nhiều những tham luận, những nghiên cứu, và cả cuốn sách dày cộp của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn “Văn hóa văn nghệ Việt Nam từ 54 đến 75” đều coi văn chương miền Nam là một thứ hỗn độn hình thành từ sự phồn vinh giả tạo của Mỹ-Ngụy.

Báo Nhân Dân số ra ngày 13-9-2016, với bài viết “Ứng xử với văn học miền Nam trước năm 1975” của tác giả Hạnh Nguyễn, còn nói với giọng trịch thượng rằng “bằng sự gạn đục khơi trong, chính quyền cách mạng đã cho phép lưu hành 1.067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài”.

Sự cho phép nó chỉ là một giả định trên đời sống thật. Không có phép thì suốt vài thập niên nay, người miền Nam vẫn ca hát những bài hát không được duyệt, thậm chí còn làm cho nó lan ra đến cả nước. Sách vở không được in, không có phép thì vẫn được chuyền tay nhau, và vẫn được thế hệ mới ngày hôm nay tìm đọc với một sự thích thú về khung trời tự do trong tư tưởng. Cho phép và không cho phép, chỉ là màn trình diễn giả định về luật pháp giữa người dân và chính quyền, nghiễm nhiên tồn tại suốt bấy lâu nay.

Vì vậy, cách nói rằng văn chương đô thị miền Nam “trở lại”, khi có dăm ba cuốn sách cũ tái bản, có vẻ khiên cưỡng trong sự thật lịch sử của một di sản văn hóa vĩ đại của Việt Nam Cộng Hòa.

Nói “trở lại” là giả tạo trong việc mô tả một chính quyền đủ tốt để dung nhận tất cả. Giả tạo như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đang là một vòng quay đẹp đẽ theo tự nhiên, nhưng lờ hẳn phần xin lỗi về một giai đoạn mà những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã từng bị tù đày, và tác phẩm của họ thì bị đấu tố như kẻ thù của dân tộc.

Trong tiểu luận “Văn học Miền Nam 1954 – 1975: những Khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa” của giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương, mô tả về căn nguyên quan trọng ra đời của nền văn hóa văn nghệ Miền Nam Việt Nam là bởi “nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức và giới trung lưu có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn nghệ ở miền Nam những năm 1954 – 1975”.

Có vẻ sự căn bản hình thành của văn chương miền Nam Việt Nam thực dụng và không được cao quý, theo cách mô tả của tất cả những ngôn luận nhận định từ bên thắng cuộc. Nhưng lại không hiểu vì sao hàng chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, với những thành tựu xuất chúng, như trên báo chí vẫn nói, xã hội cách mạng hôm nay vẫn reo mừng khi những thứ bị chà đạp ấy quay “trở lại”, như Vòng tay học trò của nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, và của nhiều trí thức từng bị phủ nhận khác.

Tuấn Khanh

Bình Luận từ Facebook