2024/04/22

 HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA

NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

 

Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý khán giả. (1) 


Điệp Mỹ Linh xin cảm ơn ban tổ chức Đại Hội kỷ niệm 53 năm ra khơi của khóa 22 sĩ quan Hải Quân Nha Trang đã dành cho Điệp Mỹ Linh vinh dự được trình bày cùng quý khán giả vài điều rất đặc biệt về Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).


Kính thưa quý vị, có lẽ quý vị cũng đồng ý với tôi rằng: Hải Quân VNCH là một quân chủng rất thầm lặng. Nhưng, những hoạt động quân sự của Hải Quân VNCH, trên sông rạch cũng như trên biển cả, thì lại oanh liệt không khác chi những chiến công hiễn hách của các quân binh chủng thiện chiến như Biệt Kích/Nhảy Dù/Biệt Động Quân/Thủy Quân Lục Chiến/Không Quân/Bộ Binh thuộc Quân Lực VNCH. 


Nếu Hải Quân VNCH chỉ là những chàng đẹp trai, hào hoa, lịch lãm trong những bộ quân phục tiểu lễ hoặc đại lễ trắng thì làm thế nào chúng ta có được Giang Đoàn 30 Xung Phong đã khuấy động vùng Tam Giác Sắt của Việt cộng? Làm thế nào chúng ta có được Giang Đoàn 26 Xung Phong mà những chiến tích tại kinh Trèm Trẹm/kinh Ngang và U Minh/Chương Thiện vẫn chưa phai mờ? Làm thế nào chúng ta dám ngang nhiên chống lại Trung cộng tại Hoàng Sa để Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà lưu danh thiên cổ? Làm thế nào chúng ta có được Giang Đoàn 43 Ngăn Chận với mặt trận Tuyên Nhơn rực lửa của những ngày tháng Ba và tháng Tư năm 1975; để rồi, Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn – vị chỉ huy trưởng can cường và liều lĩnh nhất của Giang Đoàn 43 Ngăn Chận – phải tuẫn tiết trên sông Vàm Cỏ Tây vào khuya 30 tháng Tư rạng ngày 01 tháng Năm, năm 1975? Làm thế nào chúng ta có được phục quốc quân Đặng Hữu Thân, người xuất thân khóa 12 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và Ông đã bị cộng sản Việt Nam (csVN) xử bắn tại trại tù A30? Làm thế nào chúng ta có được một Hạm Đội đã trợ giúp đồng bào và quân bạn thoát vòng lửa đạn từ vùng I/vùng II Duyên Hải vào tháng Ba/tháng Tư 1975; rồi cũng chính Hạm Đội Hải Quân VNCH đưa chúng ta thoát khỏi cuộc “tắm máu” đầy kinh hoàng do csVN thực hiện sau khi csVN cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, ngày 30/04/1975? 


Trong các cuộc di tản đầy tình người – như đã kể trên – lúc nào quân nhân Hải Quân VNCH cũng thể hiện tinh thần kỹ luật rất cao.


Ngoài những điều như tôi đã nêu trên, Hải Quân VNCH còn có những điều rất khác biệt mà ít người ngoài quân chủng Hải Quân có thể biết được. 


Những điều khác biệt của Hải Quân VNCH là: Trên chiến hạm, sĩ quan dùng cơm  tại phòng dành riêng và được sắp ngồi theo thứ tự đã quy định. Nếu khách viếng thăm chiến hạm thì – khi dùng cơm – vị khách được ngồi ghế bên phải của Hạm Trưởng. 


Khi một người Hải Quân đi với một phụ nữ – dù phụ nữ này già/trẻ/xấu/đẹp/Mẹ/vợ/bạn/người tình/em gái – người Hải Quân cũng để phụ nữ này đi bên phải của người Hải Quân, để, nhỡ có rủi ro gì, người Hải Quân sẽ thuận tay che chở và bảo vệ phụ nữ đó.


Sau đây là những danh từ khác biệt mà người Hải Quân VNCH thường dùng: Rời đơn vị/rời chiến đỉnh hoặc chiến hạm, Hải Quân VNCH gọi là “đi bờ”. Chỉ Huy Trưởng/Chỉ Huy Phó của một đơn vị được gọi là Chỉ Huy Trưởng/Chỉ Huy Phó chứ không gọi theo cấp bậc. Hạm Trưởng/Hạm Phó của một chiến hạm cũng được gọi là Hạm Trưởng/Hạm Phó chứ không gọi theo cấp bậc hay là Thuyền Trưởng/Thuyền Phó. Sĩ quan cấp thấp gọi sĩ quan cao cấp là commandment. Khi trực diện với vị sĩ quan uy quyền nhất của Hải Quân VNCH, đa số đều gọi vị sĩ quan này là Tư Lệnh chứ không gọi theo cấp bậc. Khi đàm thoại với một vị Tướng Hải Quân VNCH – dù vị Tướng này là Phó Đề Đốc – người đối thoại cũng gọi vị Tướng này là Đô Đốc.


Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe. 

Kính chào quý vị.


  1. Bài này được biên soạn và đọc trong Đêm Đại Hội Kỷ Niệm 53 năm ra khơi của Khóa 22 sĩ quan Hải Quân Nha Trang – 21 tháng Tư 2024.

2024/04/04


Tùy bút

NIỀM CAY ĐẮNG THẦM LẶNG

C:\Users\Owner\Desktop\Photos\DML Accordeon.jpg
Hình này do một vị khán giả tốt bụng đã tham dự Đại Hội Quốc Học Đồng Khánh, năm 1987, tại Washington DC, chụp, rồi gửi đến bác sĩ Trần Đoàn, nhờ chuyển đến Điệp Mỹ Linh

 

Đang “lang thang” tìm tin tức trên internet, tôi chợt để ý bảng tin về sức khỏe tâm thần của những “vị cao niên”. Danh từ hoa mỹ “cao niên” thường được nhiều người dùng để chỉ người già. Riêng tôi, vì tính “thẳng như ruột ngựa”, tôi nhận thấy danh từ “người già” là chính xác nhất và cũng không xúc phạm ai cả. Lúc này tôi mới nhận ra tôi cũng là một trong những người già.

Vì cũng là người già, cho nên, tôi cũng lo ngại về vấn đề sức khỏe tâm thần. Tôi tìm đọc về vài phương thức phòng ngừa căn bệnh quái ác Dementia. Bất ngờ một câu trong bài của bác sĩ Damien Marie khiến tôi bớt âu lo. Câu ấy như thế này:  “Learning to play an instrument or actively listening to music are cross-modal activities, eliciting not only the closely related sensorimotor domains (close or near transfer, e.g., auditory processing) but also more distant ones, for instance, processing speed, affective domains, memory, language, executive function, or abstract reasoning, etc.”

Đọc đến đây, không hiểu tại sao tôi lại nghĩ ngay đến Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng ban ca nhạc Bình Minh đài phát thanh Nha Trang và cũng là Trưởng ban văn nghệ Khu Công Chánh miền Nam Trung nguyên trung phần, vào giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60 – với lòng biết ơn vô tận!

Tôi biết ơn Ba tôi nhiều không chỉ vì công ơn sinh thành dưỡng dục mà còn vì Ba tôi đã “đưa” tôi vào thế giới âm nhạc từ khi tôi chỉ vừa biết đánh vần, trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây.

Thời theo kháng chiến chống Tây, Ba tôi là Trưởng ban văn nghệ Sở Trừng Giới Liên Khu V. Lúc đó tôi là “cái đuôi” – danh từ bà Ngoại của tôi đặt cho tôi – của Ba tôi. Trong giờ làm việc, Ba tôi đến văn phòng để hướng dẫn thành viên tập kịch/tập hát/tập hợp tấu, v.v... Ba tôi đi một mình. Ngoài ra, bất cứ đi đâu ngoài giờ làm việc, Ba tôi cũng dẫn tôi theo. Khi nào đi theo Ba tôi, tôi cũng nắm chặt ngón tay trỏ nơi bàn tay phải của Ba tôi rồi vừa đi vừa nhảy “cà tưng” thì mới theo kịp bước chân sải dài của Ba tôi.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Ba tôi dạy tôi về ký âm pháp. Ba tôi kẻ 05 hàng thẳng, khoảng cách đều nhau, với bảy chấm, bên dưới viết rõ “do/ré/mi/fa/sol/la/si”, bắt tôi học thuộc lòng bằng cách đọc xuôi và đọc ngược. Trong khi tôi vui thích đọc, bà Ngoại của tôi lên tiếng:

-Ui chao! Hắn là con gái, để Mạ hắn dạy cho hắn may vá/thêu thùa/nấu nướng chứ con dạy hắn cái chi mà “ ‘rề’(ré)/la/mi/xi”, nghe... di òm!

Ba tôi chỉ cười, “nheo mắt” với tôi. Má tôi từ dưới bếp bước lên, tiếp:

-Tôi nói ông hoài mà ông không nghe! Nhà tôi không có thứ “xướng ca vô loài”, ông đừng “đưa” “con tôi” vào con đường đó! 

Lúc này tôi mới hiểu lý do tại sao khi một bài thơ hay một nhạc phẩm của Ba tôi “ra đời” thì Má tôi và Ba tôi cũng bất hòa! Cuối cùng không một nhạc khúc/một bài thơ nào của Ba tôi được ban văn nghệ Sở Trừng Giới Liên Khu V trình diễn!

Sau này, suốt thời gian ban Bình Minh phụ trách văn nghệ cho đài phát thanh Nha Trang, tôi cũng không hiểu tại sao Ba tôi không bao giờ cho phổ biến bất cứ tác phẩm nào của Ba tôi? Thời điểm đó tôi sắp “bước” vào tuổi “dậy thì”, cho nên, tôi rất thích những câu thơ lãng mạng như hai câu sau đây của Ba tôi:

“Mắt trinh nữ lệ mờ bên sông cũ,

Đợi cung đàn nghệ sĩ vắng bao thu!”

 Một thời gian ngắn sau, vì muốn khoe/muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi “đòi” hát những tình khúc của Điệp Linh. Ba tôi chỉ cười buồn, lắc đầu, bảo:

- Thôi, con!

-Sao kỳ vậy, Ba? 

-Má không thích!

Tôi nói những gì tôi nghĩ:

-Má không thích thì Má đừng nghe.

Ba tôi “xỉa”  ngón tay trỏ vào trán tôi:

-“Cha mày”! Tội nghiệp Má, con à! Má là con nhà khuê các. Thời gian Ba trông coi sở trà Transpire của ông Ngoại, Ba bị “tụi nó” – Việt Minh – tuyên truyền/chiêu dụ theo kháng chiến chống Tây. Ba đem Má và con theo. Bà Ngoại thương con và thương Má, bà Ngoại đi theo luôn. Không ngờ Ba đã đưa gia đình vào nơi khổ nạn/đầy nguy hiểm. Con bị mất một đứa em trong thời kháng chiến. Má rất đau khổ! Ba có lỗi với Má. Con hiểu chưa?

Sau khi hiểu rõ, tôi không còn thầm trách Má tôi nữa. Nhưng tôi rất tiếc thương những tình khúc như Bến Thu/Khánh Hòa Niềm Thương/Người Tản Cư, Bên Sông Cũ, v.v. và những dòng thơ ướt lệ của Ba tôi phải chìm vào quên lãng. Bây giờ tôi chỉ nhớ được vài câu thơ – mà tôi lại không nhớ được tưa đề! Tôi nhận ra tôi cũng có lỗi với Ba tôi vì tôi chỉ bận bịu vun bồi sở thích của tôi mà tôi không gìn giữ được những lưu niệm hiếm quý của Ba tôi. Sau đây là hai câu thơ từ một bài thơ trữ tình khác của Ba tôi mà tôi cũng không nhớ tựa:

“Nghe gió lùa trong đêm vắng,

Em mơ thấy chàng bên sông mờ trăng...”

Vừa viết đến đây, tôi nghe tiếng “kịch” rất nhỏ rồi computer tắt! Sau một lúc “nhấn nút này/nhấn nút kia” – như lời con tôi từng hướng dẫn – mà computer cũng vẫn không hoạt động, tôi điện thoại cho người con làm việc gần khu vực tôi cư ngụ. May quá, con tôi sắp rời nhiệm sở, có thể khoảng 5/10 phút nữa sẽ ghé nhà tôi.

Sau khi ngồi trước computer, con tôi “nhấn nút này/nhấn nút kia”, màn ảnh computer hiện lên cùng với niềm vui của tôi. Vừa rời bàn computer con tôi vừa đùa, “nửa Tây nửa Ta”:

-Xong rồi đó, “bà Già”! “Bà Già” đang viết về cái gì vậy?

-Về sự liên hệ giữa bệnh Dementia và người già.

-Hay đó, Măng! Trong khi chỉnh computer cho Măng, con đã thấy câu Măng trích của bác sĩ Damien Marie. Măng tìm đề tài như vậy mà viết; đừng thèm “đụng” đến cộng sản Việt Nam (csVN) nữa, phí thì giờ! 

-Ý tưởng của con như vậy là do lỗi của Măng và “ông Già”!

-Tại sao?

-Tại vì người cộng sản Việt Nam – ngoài việc đưa trẻ em 13/14 tuổi ra chiến trận – lúc nào người csVN cũng dạy con cháu của họ nuôi căm thù. Trái lại, người miền Nam Việt Nam giáo dục con cháu theo đạo đức và lễ nghĩa.

-Người csVN bị chết nhiều quá, thiếu quân thì họ phải dùng con nít. Còn người cộng sản dạy con cháu của họ nuôi căm thù, làm thế nào Măng biết được?

-Thời gian trong “vùng kháng chiến”, ông Ngoại mở lớp dạy học. Cán bộ cộng sản chỉ thị ông Ngoại phải dạy mấy đứa bé theo dõi xem Cha Mẹ mấy đứa bé ăn gì/nói gì/làm gì/gặp ai v.v... rồi mách lại cho ông Ngoại; ông Ngoại phải làm phúc trình, trình cho cán bộ địa phương. Thế là ông Ngoại sợ Măng và cậu Linh bị “đầu độc”, vội đưa gia đình trốn về lại Dalat.

-Vậy là ông Ngoại may mắn quá rồi!

-May mắn? Con nói cái gì vậy? Nói tiếng Anh đi!

-Mommy! Con biết câu này con dùng đúng chữ Việt. 

-Tại sao con dùng chữ “may mắn”?

-Măng nghĩ đi! Ít nhất là người csVN biết tận dụng khả năng âm nhạc/kịch nghệ và Pháp văn của ông Ngoại để đặt ông Ngoại vào đúng vị thế chứ csVN không đưa súng, bắt ông Ngoại phải bắn giết người đồng chủng – như ông Hồ Chí Minh đã buộc bộ đội của ông ấy thực hiện!

-Nhận xét của con chỉ đúng một phần; phần còn lại... con chưa biết gì về cộng sản.

-Phần còn lại là gì?

-Con nghĩ xem! Người Việt Nam – cũng như đa số nhân loại trên thế giới – đều do Cha Mẹ sinh ra và nuôi dạy chứ người csVN có sinh đẻ và nuôi dạy người Việt Nam nào đâu; thế mà mỗi khi muốn khiêu chiến, người csVN bắt chước Trung cộng, cứ cổ xúy/kêu gào/ra lệnh/đe dọa “đánh cho đến người Việt Nam cuối cùng” ? 

-Con hiểu rồi. Tàn bạo quá! Sorry, Măng!

-Con được sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo, lại nội trú trường Bà Sơ thì sự suy nghĩ đầy nhân đạo của con không có gì đáng trách cả. Thôi, con về đi kẻo đến giờ kẹt xe.

-Măng tập đàn lại đi. Măng nhớ câu của bác sĩ Damien Marie hay không?

-Nhớ mà! Nhưng mỗi khi nghe tiếng Accordéon hay là một nhạc khúc mà ngày xưa Măng thường đàn, Măng chịu không được! Như hôm trước tham dự họp mặt Nha Trang, bất ngờ một ông đơn ca tình khúc La Paloma. Măng ngồi chết lặng, nhưng trái tim lại thổn thức từng hồi; vì kỷ niệm tươi đẹp với ban ca nhạc Bình Minh bừng sống rất mãnh liệt! 

-Măng gắng vượt qua. Có người không chơi nhạc mà khi biết âm nhạc ảnh hưởng tốt đến bộ não như thế nào thì người đó học nhạc; Măng biết mà bỏ thì uổng.

-Lâu quá không đàn, bây giờ già, cây đàn nặng quá, Măng lấy ra không nổi!

Vừa đáp lời tôi con tôi vừa đến bên thùng đàn Accordéon – mà chính con tôi đã dùng “paycheck” đầu tiên của con tôi, mua tặng tôi – lấy thùng đàn từ “closet” ra.

Nhìn thùng đàn, thấy tấm giấy trắng dán ngay ngắn, với nét chữ của tôi, tôi ngậm ngùi nhớ lại lần đầu tiên đến Washington DC – dường như năm 1987, tôi không nhớ rõ – để tham dự đại hội Quốc Học Đồng Khánh. 

Bố của các con tôi – cố Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh – là cựu học sinh trường Quốc Học và cũng là bạn thân của bác sĩ Trần Đoàn. Vợ của bác sĩ Trần Đoàn là dược sĩ Phan Thị Nhơn lại cùng sinh hoạt với tôi trong Ban Văn Nghệ trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Vì tình thân, anh Đoàn điện thoại cho Minh. 

Sau khi gác điện thoại, Minh cho tôi biết, anh Đoàn mời và dặn Minh, đến Washington DC thì nghỉ lại nhà anh chị Đoàn Nhơn. Điều quan trọng là nhờ Điệp Mỹ Linh đem theo Accordéon và giữ một mục đọc tấu. Tôi hỏi Minh:

-Rồi ông trả lời anh Đoàn như thế nào?

-Thì anh “okay” chứ trả lời gì nữa?

-Sao ông “ngon” vậy? Đàn/hát hoặc bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng phải thường xuyên tập dược. Đằng này, mỗi khi tôi đàn, ông “cự nự”. Tôi tự ái, bỏ đàn. Thấy tôi buồn hoài, Ba tôi hỏi, tôi không thể nói dối; thế là Ba tôi dạy tôi viết văn. Ông cũng bảo “Viết lách làm chi, dẹp đi cho rồi!”. Vậy mà, hễ ai mời/yêu cầu tôi đàn/hát hoặc điện thoại xin bài thì ông nhận lời ngay. Có phải ông chỉ muốn tôi đàn/hát “dở ẹc” để không ai thèm mời tôi nữa hay không?

-Thôi mà, anh đã nhận lời rồi, đừng làm anh bị “quê xệ”!

Thế là – như bao nhiêu lần trước – tôi “chịu thua”, phải tập đàn trong thời gian ngắn nhất, rồi đem Accordéon theo. Muốn cho nhân viên hàng không cẩn thận khi chuyển hàng, tôi phải gián tấm giấy lớn bên ngoài thùng đàn rồi viết: This side is up. Very fragile, be careful, please!

Dòng hoài niệm của tôi vừa đến đây, tiếng của con tôi đưa tôi trở về thực tại:

-Măng vẫn đi “Gym” đều chứ?

Tôi gật đầu. Con tôi “nủa đùa nửa thật” bảo:

-Mommy! Mommy có ông Mỹ già nào cho vui!

Tôi giật mình trợn mắt nhìn con tôi! Con tôi đổi giọng:

-Sorry, Mommy! Thôi, Mommy có Bác nào cho vui.

-Từ khi con khôn lớn cho đến khi “ông Già” mất, có bao giờ con thấy “ông Già” đem giùm bao rác ra ngoài cho Măng hay không? 

Im lặng. Con tôi xoay vào “closette”, chuyển đề tài:

-A, để con mở thùng đàn, bưng Accordéon để sẵn trên bàn, khi nào Măng đàn thì đàn; khi không đàn, Măng lấy khăn phủ lên cho bụi khỏi bám vào, nhen! 

Sau khi để Accordéon lên bàn, con tôi nói:

-Okay, Mommy! Con về chứ gần giờ kẹt xe.

Từ cửa sổ trên lầu, tôi quyến luyến nhìn theo chiếc xe của con tôi. Khi chiếc xe khuất nơi ngã tư, tôi quay lại, nhìn Accordéon. Chính lúc đó, tự dưng niềm xúc động dạc dào dâng lên, rồi một tình khúc xưa âm thầm trổi dậy, ray rức hồn tôi!  

“... Cuộc đời biết bao nhiêu đắng cay!
Muốn xa quên đàn,
Quên đi cho hết đau thương giận hờn.
Nhưng thôi ta có đành quên được nào!

Ðời mà thiếu em ta vắng vui...” (1)

 Tôi thở dài! Vừa nhẹ nhàng tựa vào Accordéon tôi vừa lấy “kleenex” thấm hai hàng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt cằn cỗi của tôi! 

 Điệp Mỹ Linh

1-* Nghệ Sĩ Với Cây Đàn của Nguyễn Văn Khánh. 

 


2024/03/26

TỪ ĐÓ
Sáng tác: Anh Việt Thu
Trình bày: Phi Thanh
 

Lời 1:

Mây hải vân đùn quanh tháp ngọc tay ngà
Chiều tà
chiều tà nắng đổ bờ vai
Chợt buồn đêm nay đếm ngón tay mới ngỡ mình già
Ờ, ba mươi tuổi rồi
Đồng tiền mừng tuổi lên năm đã mất theo mùa xuân nảy lộc
Mây hải vân đùn quanh tháp ngọc tay ngà
Chiều tà
chiều tà nắng đổ bờ vai
Trời buồn mây bay qua mấy truông bóng nhỏ đường dài
Đường xưa đưa tiễn người
Dịu dàng ngả nón trông theo
Người ra đi dấu vội lệ nhòa

Điệp khúc:
Anh yêu em
Từ đó
Mưa trên cao nguyên mưa qua lá đồi sim tím
Về con đê đầu làng
Về con sông đầu ngõ
Từ đó yêu em
Đêm chiếu chăn tình xưa chín đỏ
Chớm thu già tóc bỏ đường ngôi

Lời 2:

Đêm tháng năm nằm nghe gió lộng đi về
Đi về
Người từ trên đỉnh mù sương
Người từ biên cương nghe tiếng reo bếp lửa chiều chiều
Mà thương em thật nhiều
Bàn tay ru nắng nâng niu những cánh chim dìu trong giấc mộng
Đêm tháng năm nằm nghe gió lộng đi về
Đi về
Người từ trên đỉnh mù sương
Người từ biên cương nghe dấu chân đá sỏi rộn ràng
Đường xa trông thật gần
Vội vàng len lén vô sân
Dành cho em giây phút thật tình cờ

Điệp khúc:
Anh yêu em
Từ đó
Môi em rưng rưng đong đưa lá đò nôi nhỏ
Mẹ ru anh lần đầu và em ru lần cuối
Từ đó yêu em
Chim ngủ quên đường xưa lối cũ
Nắng hanh vàng hong tóc rũ ngoài song

Anh Việt Thu


CHÚ THÍCH:
Một link khác viết về TỪ ĐÓ rất hay:

 


2024/03/17

NGÀY XƯA CÓ MẸ - Nhạc Võ Tá Hân - Thơ Thanh Nguyên - Ca sĩ Bảo Yến & Khắ...


 NGÀY XƯA CÓ MẸ


Khi con biết đòi ăn

Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời - Đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con
Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên
Mẹ là người đã cho con cái tên riêng
Trước cả khi con bật nên tiếng "Mẹ"

Mẹ!
Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu

Mẹ!
Có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc

Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát
Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc
Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con
Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hoá trắng...

Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng
Biết bao người được làm mẹ trong ngày
Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga trên trái đất này
Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng

Mẹ!
Có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Cái đóm lửa thiêng liêng
Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối

Mẹ!
Có nghĩa là mãi mãi
Là cho - đi - không - đòi - lại - bao - giờ
Cổ tích thường bắt đầu từ: "Ngày xưa có một công chúa..." hay "Ngày xưa có một vị vua..."
Cổ tích còn bắt đầu từ: "Ngày xưa có mẹ..."

 Thanh Nguyên

1981

2024/03/05

Internet


ĐÊM QUA

 

Tầm tã mưa rơi đêm đến ngày

Chập chờn thức giấc mộng còn say

Ngỡ mình đang ở bên quê mẹ

Chợt tỉnh rằng: không ...! Khoé mắt cay!

 

Anh Tú

March 5, 2024


2024/02/21


HOA HỌC TRÒ
Mỗi năm đến Hè lòng man mát buồn....

( Nỗi Buồn Hoa Phượng-Thanh Sơn )

Mùa hè / hoa Phượng / chia tay /
Viết lưu-bút tặng cho hoài nhớ thương!
Vắng nhau lòng kíp vấn-vương, 
Trải trên trang bút mùi hương vở / bài.

Ba tháng chia tay, mừng vui gặp lại
Rộn rã cười cùng xiết chặt tay nhau
Man-mát buồn đôi bạn bè vắng mặt
Rưng-rưng sầu hỏi bạn lạc nơi đâu?

Hè lại về, trời xanh đầy Phượng đỏ
Ép cành hoa vào quyển vở học-sinh
Đếm thời-gian thầy trò bên sách vở
Ướp hồn trường cho tim mãi lung-linh!

Có kẻ vong thân sống đời lưu lạc
Mơ về nơi trời rực-rỡ nắng hồng
Hoa Học-Trò rung rinh trong gió lộng
Hoa nhớ chăng đến cánh nhạn phiêu-bồng?

Nguyễn Hồng Ẩn

2024/02/17

MƯA XUÂN



Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.

Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.*
          *

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?


Nguyễn Bính
1936



Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940*
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
4. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003 

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát cùng tên:




BÌNH LUẬN 1

Không biết Nguyễn Bính đã chọn Mưa xuân hay Mưa xuân đã chọn Nguyễn Bính mà cho tận sau này, ông vẫn bị làn mưa mơ hồ đến huyền hoặc ấy hút hồn. Nó vẫn chấm xuống hồn thơ nhạy cảm của ông những chấm lạnh để mỗi thoáng rung mình của điệu hồn kia đều ngân lên những ánh thơ mưa: “Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa / Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa... Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ / Chiều xuân lưu luyến không đành hết / Lơ lửng mù sương phảng phất mưa.” Có còn mảnh hồn thi nhân nào cảm nghe được cái điệu hồn mong manh của mưa xuân trong lơ lửng mù sương phảng phất mưa huyền hồ đến thế nữa không? Duyên mưa kia cơ hồ chỉ trao cho mình Nguyễn Bính - một hồn thơ thuần Việt thuần Quê.


Nhưng đấy là nhìn mãi về sau. Còn bây giờ hãy về lại với cô gái trong khung cửi. Còn gì oái oăm hơn thế không, cái duyên mưa nhập vào thi sĩ lại bắt mối từ chính nỗi tủi duyên của người con gái đó? Những hạt mưa đầu xuân, những cảm xúc luyến ái đầu lòng, những mơ mộng chớm hé về cuộc hò hẹn đầu đời đã gặp sự phụ phàng đầu tiên... lại chính là những ngọn nguồn sầu tủi của một trong những bài thơ đầu tay. Cái đầu tay ban sơ ấy đã làm nên Nguyễn Bính rồi. Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn Mưa xuân. Tương tư cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi của ngòi bút này, bi kịch lỡ làng trong đó đã ngả màu cải lương. Còn Mưa xuân không thế. Nghệ thuật không thể không cần đến sự khéo léo. Thì cái khéo léo cần thiết của một ngòi bút trong Mưa xuân chưa đến mức quá đà. Nghệ thuật không thể thiếu ngọn nguồn cảm xúc sâu nặng chân thành. Thì Mưa xuân vẫn vẹn nguyên một bầu chân cảm. Cho đến nay, những giọt mưa xuân sầu tủi từng làm ướt lạnh nỗi lòng kẻ đọc thơ hồi đầu thế kỉ, vẫn cứ làm động lòng những ai đã từng bị lỗi hẹn trong tình đầu, làm xao xuyến những ai được hưởng cái thần tiên ban sơ của cuộc hẹn đầu đời, và vẫn luôn đánh động tâm can mọi tình nhân đang ấp ủ khát khao luyến ái. Theo cách của Thánh Thán, thì ở đây cái khéo không át mất thiên chân, còn thiên chân đã được sự khéo léo nâng lên thành hàm súc. Chẳng phải Nguyễn Bính đã chín ngay từ tiếng thơ đầu lòng đó sao?

*

Nghiên cứu Nguyễn Bính tôi thấy thơ ông nổi lên hai giọng điệu trữ tình: than thở và đùa ghẹo. Cả hai đều có ngọn nguồn từ ca dao dân ca: nếu than thở có gốc từ tiếng hát than thân, thì đùa ghẹo có cội rễ từ hát giao duyên. Ta vẫn thấy điều hơn người ở Nguyễn Bính là Hồn quê. Thì giọng điệu này chính là hiện thân cụ thể nhất mà cũng huyền diệu nhất của hồn quê đó. Nói một cách khác, giọng điệu này chính là Cái hồn kia được điệu thức hoá. Trong thơ của chàng “thi sĩ của thương yêu” này, than thở là bao trùm, đùa ghẹo chỉ cườm vào mạch thở than như một sắc điệu điểm xuyết. Đã thở than thì không thể thiếu được nguồn cơn - ấy là một sự kiện rủi ro nào đó. ở chàng thi sĩ “giời đày làm thơ” này, thường chỉ là những sự trái ngang của duyên và phận. Đã thở than thì không thể không kể lể cái sự ấy cho người nghe cảm thông, không thể không than vãn những khúc nhôi nặng đè cho người nghe chia sẻ. Bởi thế Cái Tôi trữ tình của Nguyễn Bính là Cái tôi lỡ dở, và nó thường hiện ra để mà kể lể than vãn. Cũng bởi thế hạt nhân của mỗi bài thơ Nguyễn Bính bao giờ cũng là một cái sự nào đó, được diễn ra thành một cái cốt truyện ở một mức nào đó. Điều này làm nên chất tự sự thấm đẫm trong thơ ông. Và bởi tất cả những điều ấy mà nền âm hưởng của mọi tiếng thơ Nguyễn Bính đều là những vang vọng của một lời kể lể sự tình. Nét phong cách này dường như đã chín ngay từ Mưa xuân.

Sự ở Mưa xuân là cái lần bị lỗi hẹn ngay trong cuộc hò hẹn đầu đời của một cô gái chân quê. Nó là một sự phụ phàng. Một lỡ làng. Một tổn thương. Người trong cuộc cũng như ngoài cuộc có thể kể khá rành: Chuyện xảy ra ở một làng Đặng nào đó nơi xứ Bắc. Cô gái Thôn Đông lần đầu hẹn hò tìm nhau với chàng trai thôn Đoài trong đêm hát chèo của làng. Cô đã xốn xang đợi chờ, đã bươn bả đến nơi hẹn, đã bồn chồn hồi hộp ngóng tìm... Nhưng cuối cùng, chàng trai kia đã quên mất lời hẹn. Đến tận lúc hội chèo rã đám, vẫn không thấy bóng đâu. Cô gái một mình trở về dưới mưa đêm trong nỗi sầu tủi cực lòng... Có thể nói, đó là cái cốt truyện. Nó làm nên cấu trúc tự sự cho thi phẩm. Cái khéo của Nguyễn Bính là đã nhập vai vào cô gái để câu chuyện kia thành một thứ tự truyện. Và cũng vì thế mà lời tự kể, tự sự kia có cơ hội để thấm đẫm màu sắc tự tình, tư vãn một cách tự nhiên. Vừa tái hiện sự, vừa phổ vào mỗi một tình tiết của sự một sắc điệu tâm tình, nên mạch thơ triển khai vừa là vận động của sự vừa là biến động của tình. Tình phổ vào Sự có thể làm cho Sự thăng hoa, nghĩa là câu chuyện được nâng cao hơn ở tính truyền cảm. Tuy nhiên, mạch sự - tình sóng sánh kia giỏi lắm cũng chỉ làm cho câu chuyện thành một truyện thơ lâm li thôi. Nghĩa là khó có thể thành một bài thơ trữ tình. Mưa xuân đã trở thành chính nó là bởi một lí do khác.

Bởi... mưa xuân vậy!

*

Chẳng nhẽ lại khẳng định đây phải là mưa xuân chứ không thể là một thứ mưa nào khác. Nhưng không ý thức như vậy thì không thể thâm nhập được vào chiều sâu của thi tứ. Nó là đầu mùa, là đầu năm, là tơ vương đầu tiên, mối tình đầu tiên, cuộc hò hẹn đầu tiên... Bởi thế chỉ có thể là mưa xuân. Làm nên một bài thơ trữ tình không thể không nói đến vai trò của cấu tứ. Mưa xuân hiện diện ở đây chính là để đảm đương vai trò này. Mọi sự tình bắt đầu từ đó. Bài thơ có sự phân định rành mạch và cũng tự nhiên của hai không gian: khung cửi và cuộc đời. Kẻ chia rẽ hai không gian này chính là... mưa xuân. Đây là quãng đời khi mưa xuân chưa đến:

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Nó mới êm đềm và dễ thương làm sao! Không phải chốn khuê phòng gìn giữ các tiểu thư bằng lễ giáo. Khung cửi kia là cả một thế giới riêng. Mấy chữ “trong khung cửi” đâu chỉ vẽ ra một không gian, mấy chữ “dệt lụa quanh năm” cũng đâu chỉ xác định vòng thời gian hợp nên cái thế giới lao động. Mà còn là thế giới bình yên. Và đáng nói hơn, đó là thế giới con gái. Cùng với chữ “con gái” tự nhiên mà kiêu hãnh, là chữ “trong” đầy ý nhị, như giấu trong đó cả một lời phô kín đáo về cái chất “con gái” nhà lành thuần khiết của mình. Người mẹ thôn dân đã gìn giữ con gái yêu bằng lao động chân quê và tình mẫu tử thuần phác. Từ trong khung cửi ấy em thầm lớn lên. Bằng chính cách liên tưởng của người canh cửi, những lời quê, lời thiếu nữ tự thuật ở đây giản phác thôi mà không thiếu tự hào: Lòng trẻ còn như cây lụa trắng, Mẹ già chưa bán chợ làng xa. Trong thế giới con gái đó, em vẹn nguyên một lòng trẻ trinh bạch tinh khôi, một hồn thơm phong nhuỵ.

Thế rồi, mưa xuân đến.

Mưa xuân không chỉ giăng tơ cho trời đất. Mưa xuân còn giăng tơ vào cả hồn người. Mưa xuân đã gieo vào lòng em những luyến ái đầu tiên hay hạt mầm vốn phong kín trong lớp vỏ êm đềm thời thơ trẻ, gặp mưa xuân bỗng xốn xang tách vỏ? Và điều kì diệu đã diễn ra: những hạt mưa xuân đầu tiên đã thầm biến cô bé thành cô gái. Từ trong khung cửi em đã bước ra ngoài trời xuân của cuộc đời theo tiếng gọi của mưa xuân. Tất cả bắt đầu từ Bữa ấy. Nó là cái mốc của một đời người. Cái mốc chỉ một mình em biết. Hứa hẹn và trớ trêu. Vừa mới từ giã khung cửi bình yên của tuổi nhỏ, chớm bước ra giữa đời, em đã gặp ngay sợi dây oan trái của tình duyên. Dường như bên ngoài khung cửi kia là bể khổ mà em nào hay biết. Chưa kịp nếm Ngọt ngào, đã liền ngấm Đắng cay. Hạnh phúc vừa nhen lên, Khổ đau đã giáng xuống. Tình chửa Sánh đôi đã vội Lỡ làng... Tất cả đều trong một Bữa ấy. Điều này quyết định đến kiểu cấu tứ đối xứng gập đôi của thi phẩm.

*

Đúng là Nguyễn Bính đã lập tức trở thành thi sĩ của mưa xuân ngay từ những nét bút đầu tiên:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Chỉ với hai câu mà đã thâu gồm được cả đất trời xuân nơi thôn dã. Ấy là buổi trời đất dậy thì xuân. Cả trời mưa bụi và lớp lớp hoa xoan đều phơi phới dậy thì. Dự cảm luyến ái làm nức xuân tâm bao nhiêu thì dường như cũng hồi hộp phấp phỏng bấy nhiêu. Có lẽ chỉ một mình em biết rằng đất trời kia đang mang trong nó niềm xốn xang thiếu nữ!

Nguyễn Bính đã xe quyện cả tơ trời với tơ lòng trong cùng một tiếng “giăng tơ” rất tự nhiên của người dệt lụa. Bằng cách ấy, mưa xuân cũng giăng mắc vào khung-cửi-lòng những sợi tơ đầu tiên cho một tấm tình:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Đúng là hai chữ “hình như” và “có lẽ” đầy bóng gió ý nhị rất hợp với giọng ngập ngừng khi giãi bày cảm xúc luyến ái theo lối chân quê. Nghĩa là Nguyễn Bính đã dùng lời quê để biểu hiện duyên quê [1]. Cái dáng vẻ e ấp của một thiếu nữ khi tình chớm đến đã theo đó mà in bóng vào lời thơ. Nó cũng là một sắc thái trêu chòng khá phổ biến làm nên sắc điệu đùa ghẹo rất quen thuộc của giọng thơ Nguyễn Bính. Và, có qui luật nào đây, mà sắc trắng lại có thể hoá thành sắc đỏ? Có. Qui luật ấy có tên là... yêu. Tác nhân ấy có tên là... anh. Cùng với mưa xuân, hình bóng anh đã bước vào lòng em, và thế là sắc trắng bỗng dậy lên thành sắc đỏ. Từ “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng” đến “Hình như hai má em bừng đỏ”, hành trình ấy có xa đâu, mà cô bé thơ ngây đã hoá thành cô gái e lệ. Làm sao còn có thể yên định trong khung cửi được nữa! Em bèn ngừng tay thoi dệt tấm lụa thơ trẻ cuối cùng trong khung cửi để bước ra mùa xuân tự mình làm một con thoi mà dệt tấm tình đầu.

Ngòi bút tả tình ái vốn không thể thiếu những ý nhị tình tứ. Tả dạng luyến ái ban sơ lại càng cần hơn bao giờ. Mà điều này ngòi bút Nguyễn Bính mới dồi dào làm sao. Có những câu ý nhị đến kì diệu:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Thi sĩ đã hoá thân vào cô gái để làm sống dậy cái hân hoan khi đèn lên đêm xuống, cả cái cách xem mưa bằng ngửa lòng tay thật chân quê. Nhất là những chấm mưa chấm xuống làn da đầy mẫn cảm. Những chấm lạnh ấy đâu chỉ là tín hiệu của mưa nhẹ hạt. Nó còn như lời thì thầm mời mọc của mưa xuân. Những chấm lạnh lan truyền theo một cách bí ẩn nào đó qua làn da thiếu nữ mà nó hoá thành một khát khao thầm kín, hơn là một đoan chắc đến cả tin: “Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh / Thế nào anh ấy chẳng sang xem!” Bởi vì cũng là cái lạnh cả thôi, nhưng cảm giác lạnh chốc nữa (“Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh”) thì nhắc đến nỗi lẻ loi của con thoi thiếu hơi ấm ngón tay em (“Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”), còn giờ đây từng chấm lạnh ấy lại xui em nhớ mong anh. Có một vầng ấm đâu đây ở bên kia từng chấm lạnh này. Và thế là em vội vàng đi. Khác nào một con thoi dưới muôn nghìn sợi tơ mưa mong dệt nên tấm tình ấy.

*

Cũng bắt đầu từ đây lộ dần ra cái kiểu cấu tứ đối xứng gập đôi. Về căn bản cả bài thơ tự nó đã hình thành hai phần cân xứng. Trục đối xứng ở đây dường như đặt trong cái tiếng than trách hờn tủi: Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! - cái tiếng than tức tưởi cất lên như rạch đôi, gập đôi cả bài thơ. Phần trước diễn tả tâm trạng “xăm xăm băng nẻo”,“đánh đường tìm hoa” [2] của cô gái. Phần sau là tâm trạng tủi phận tủi duyên. Nếu nửa trên có thể ví như dương bản - đầy ánh sáng và hơi ấm, thì nửa sau chính là âm bản - đầy lạnh lùng và tối tăm. Cùng một cảnh trí ấy, cùng những sự vật ấy, diện mạo trước sau đã hoàn toàn tương phản. Trước: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay - Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” sao mà xốn xang; sau: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay - Hoa xoan đã nát dưới chân giày” sao mà ê chề (Ngại bay không phải là tạnh mưa mà đã chuyển thành “mưa nặng hạt”, thế là mưa bay đã hoá mưa rơi, trên chặng đường về canh khuya ấy, mưa xuân dường như đã hoá thành mưa ngâu rồi - mưa hò hẹn sum vầy đã thành mưa lỗi hẹn cách chia). Trước: “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ”, mẹ như vô tình mách bảo một cơ hội; sau: “Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”, mẹ có vô tình không mà như than tiếc một cơ duyên - “Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”. Trước: vội vàng đi; sau: lầm lụi về. Trước: “Mưa bụi nên em không ướt áo”; sau: “áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”. Trước: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”; sau: “Có ngắn gì đâu một dải đê” v.v... Kẻ nỡ biến cả thế giới mưa xuân từ dương bản thành âm bản chính là sự lỗi hẹn phụ phàng. Lỗi hẹn với em, lỗi hẹn với mùa xuân - “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”.

Mưa xuân đến như xe duyên với bao hảo ý, thế rồi mưa xuân cũng bị phụ phàng, cũng thành một nạn nhân. Chỉ một lần lỗi hẹn mà uổng cả một mùa xuân - Mùa xuân đã cạn ngày chứ đâu chỉ ngày xuân đã cạn rồi! Không chỉ là cuộc hẹn của một ngày xuân, mà của cả một thì xuân, thậm chí, cuộc hẹn của một đời người. Khoảng cách giữa em và anh, bây giờ không còn đo đếm được bằng một thôi đê giữa thôn Đoài với thôn Đông nữa rồi. Giờ đây giữa anh và em là vời vợi xuân qua. Một cuộc hẹn không thành, một cơ duyên như vĩnh viễn trôi đi. Mưa xuân đến cho tình đâm chồi, nhưng chồi mầm vừa mới nhú lên sự phụ phàng cơ hồ đã làm thui chột. Phơi phới xốn xang lập tức thành ê chề chán nản! Tấm tình em định dệt, than ôi, đã thành lụa ướt, lụa tướp, lụa lỡ làng! Con thoi xăm xăm băng trên khung cửi mùa xuân ấy đã chẳng được đáp đền.

Thế là, một cái gì đã vĩnh viễn mất đi cùng với làn mưa xuân bữa ấy. Sự vô tình không thể là vô tội. Tổn thương đầu đời này hẳn sẽ còn lưu mãi qua những xuân sau. ấy thế mà nhân hậu thay, hay là dại dột thay, cô gái dường như đã tha thứ cả. Và vẫn khát khao mong đợi đến xuân sau: Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày - Bao giờ em mới gặp anh đây - Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ - Để mẹ em rằng: hát tối nay? Thật dễ thương mà cũng thật đáng thương có phải không bạn? Từ cuộc đời về lại khung cửi, mọi chuyện chẳng thể còn như cũ. Thế giới con gái vẫn còn, nhưng thế giới bình yên đã mất. Lòng trinh khi đã biết xốn xang thì còn có thể về lại thơ ngây được không? Có thể năm sau xuân đến, mưa xuân có về, thì chồi xuân nay làm sao còn có lại cái háo hức tinh khôi thần tiên ấy nữa.

Bài thơ khép lại một lỡ làng. Nhưng bi kịch lỡ làng vẫn sẵn chờ thi sĩ trên cả mười hai bến nước của một đời thơ.

Và tôi chắc rằng, mãi về sau nữa, mỗi lần đọc, Mưa xuân sẽ vẫn cứ rơi xuống lòng ta những chấm lạnh như ngày nào.


[1] Làm nên hồn quê, không thể không có vai trò của lời quê. Nguyễn Bính đã gọi dậy cả hồn quê chính trong mỗi một lời quê đó. Cái cách tả buổi tối theo lối quê: “Bốn bên hàng xóm đã lên đèn”, cái cách đo khoảng cách đường xá: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”, cách dùng thành ngữ để hờn trách: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn”, cách diễn tả nỗi đơn lẻ của mình (thương mình) vòng qua nỗi đơn chiếc của con thoi (thương đối tượng khác): “Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh / Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”, cách tả mưa: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay”, cách ước đếm thời gian: “Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày”... tất cả đều đượm vẻ quê. Nghĩa là cách nói cụ tượng bằng chính những sự vật bình dị, mộc mạc gắn bó với thôn ổ từ bao đời nay, hoặc lối nói gián tiếp bóng gió. Thế giới tâm tình của một cô gái quê được gọi dậy bằng những lời quê ấy. Bởi chính những lời quê kia đã kết lắng trong nó tâm tình của dân quê. Và đến lượt nó, chính lời quê cũng góp phần nuôi dưỡng bảo lưu hồn quê trong mỗi một người quê.

[2] Chữ của Nguyễn Du.

Văn Chỉ, dưới mưa xuân Tân Tỵ
Chu Văn Sơn
(trích từ Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, Kỳ 7: Thẩm bình thơ Nguyễn Bính, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003)

BÌNH LUẬN 2

Thơ Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân. Cuộc sống ở làng quê không gì vui bằng ngày xuân. Xuân là mùa hồi sinh của đất trời. Cây cối nẩy lộc, đâm chồi sau những ngày đông giá lạnh, xơ xác, tiêu điều. Mùa xuân ấm áp cũng là mùa của lễ hội. Nhiều bài thơ hay trong Thơ mới được khơi nguồn từ cảm hứng xuân. Đoàn Văn Cừ với Đám cưới mùa xuân đã miêu tả không khí hội xuân và thiên nhiên cũng chia sẻ niềm vui với con người:

Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xuân tắm nắng
Anh Thơ trong Chiều xuân cũng gợi được không khí xuân qua những hình ảnh thanh bình của làng quê, dòng sông, con đò, mưa bụi trên bến vắng...
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín đã thâu tóm được sự sống và vẻ đẹp của bức tranh mùa xuân.
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.
Ở thơ Hàn Mặc Tử còn có một Xuân như ý và Xuân đầu tiên với cảm hứng mới lạ, tinh khôi về một đất trời xa lạ nhưng cũng không thể đẹp bằng mùa xuân giữa cuộc đời: Mùa xuân chín. Một số nhà thơ lại cảm nhận mùa xuân của thiên nhiên và cuộc đời không qua những hình ảnh cụ thể mà ở sức xuân, hơi xuân như trường hợp Huy Cận:
Xuân gội tràn đầy
Giữa lòng hoan lạc
Trên mình hoa cây...
Nắng vàng lạt lạt
Ngày đi chầy chầy...
... Mái rừng gió hầy
Chiêu xuân đầy lời
(Chiều xuân)
Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân, về những cảnh xuân chân thực của làng quê: Mưa xuânXuân vềXuân tha hươngRượu xuânNhạc xuânThơ xuânMùa xuân xanh. Mùa xuân quả là có duyên thơ với Nguyễn Bính. Những bức tranh của đồng quê và làng quê thật trong sáng, tươi vui khi xuân về. Thiên nhiên như hồi sinh, cỏ cây xanh tươi, con người lấy lại sức lực...:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
(Xuân về)
Ở khổ thơ trên, Nguyễn Bính chưa trực tiếp tả cảnh vật mùa xuân. Chỉ với một tín hiệu nhỏ, khi ngọn gió đông về đã thấy hơi xuân ấm áp. Cô gái làng quê là người nhạy cảm nhất với những dấu hiệu giao mùa. Cặp mắt trong ngước nhìn trời, và đôi má ửng hồng của cô gái là những dấu hiệu phản quang chính xác của mùa xuân. Nguyễn Bính trong hài Xuân về đã miêu tả thật đẹp làng quê trong khung cảnh mùa xuân với “trời quang nắng mới hoe” và đồng quê “Lúa thì con gái mượt như nhung”. Và đặc biệt là phong tục và văn hoá của làng quê trong ngày xuân, các cô gái “yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa” và những cụ già “Tay lần tràng hạt miệng nam mô’’ nói lên nếp sống gần gũi từ lâu đời.

Mưa xuân lại giới thiệu một khung cảnh đặc biệt của mùa xuân. Mưa xuân, đêm hội chèo, sự hò hẹn của đôi lứa và những nỗi niệm vui buồn của cô gái quê. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bính giới thiệu khung cảnh một gia đình sống nền nếp với nghề canh cửi, có mẹ già và cô gái tuổi hoa niên. Cô gái như đỡ lời tác giả và tự nói về mình:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Dịu dàng, ngây thơ và trong trắng. Khuôn khổ của đời sống gia đình và công việc lao động cần mẫn quanh năm tưởng như tách biệt cuộc sống của người con gái với thế giới bên ngoài. Hình ảnh thơ gợi nhớ đến câu ca “Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Ở đây hình ảnh cây lụa trắng gợi lên một cái trinh trắng của cô gái ít giao lưu tiếp xúc. Có lẽ còn lâu lắm cô gái mới nghĩ đến chuyện gia đình. Nguyễn Bính đã đưa khung cảnh thiên nhiên của một đêm xuân để gợi mở cho câu chuyện:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Chỉ có hai câu thơ mà xốn xang và gợi không khí quá. Những cụm từ “phơi phới bay”, “lớp lớp rụng vơi đầy” vừa diễn tả đúng trạng thái của hiện tượng lại mang màu sắc thẩm mĩ riêng biệt. Bình thường là những giọt mưa rơi, nhưng với Mưa xuân, Nguyễn Bính viết mưa bay là đúng và “phơi phới bay” lại rất gợi tả. Hoa xoan quen thuộc ở vùng quê không khoe hương, khoe sắc. Nhưng hình ảnh gợi cảm nhất của những chùm hoa xoan là khi tàn rụng, những cánh hoa nhỏ bay lớp lớp phủ trên đường. Anh Thơ đã rất có lí và nghệ thuật khi viết “Bên chòm xoan, hoa tím rụng tơi bời!‘’ Cùng với hiện tượng đó, Nguyễn Bính rất sáng tạo khi viết “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Tô Hoài đã nhắc đến hai câu thơ trên của Nguyễn Bính với lời khen trân trọng: “Tầm vóc, thật tầm vóc mỗi câu thơ Nguyễn Bính!”
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Thiên nhiên nhiều màu vẻ ấy đã làm mất đi không khí và cảm xúc bình lặng, nhất là gánh chèo làng Đặng đi qua ngõ càng gợi lên không khí vui chơi hội hè của làng quê. Cô gái nết na và kín đáo không còn giữ được sự bình thản. Có thể giấu được mẹ già và người xung quanh nhưng không thể tự giấu được mình. Dường như có một cô gái khác tình tứ hơn đã nhập vào mình:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến mình.
Nguyễn Bính đã diễn tả tình yêu của cô gái quê thật nhẹ nhàng tinh tế; khởi đầu là những rung cảm thật nhẹ như tơ vương, gợi chút xao xuyến trong lòng. Những rung động lớn dần, con thoi cần mẫn của khung cửi không đi về được theo nhịp bình thường khi trái tim cô gái đã có những nhịp đập khác thường Dấu hiệu ngừng công việc của cô gái đang độ tuổi yêu đương để theo đuổi hết ý nghĩ của lòng mình đã được nhắc đến trong thơ xưa. Sư Huyền Quang trong bài Xuân nhật tức sự đã miêu tả cảm xúc của cô gái đẹp tuổi đôi tám với cảnh sắc mùa xuân, cô gái đã dừng mũi kim thêu để cảm nhận cho hết xuân ý, xuân tình:
Người con gái đẹp tuổi đôi tám chầm chậm thêu
Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng li nhảy nhót
Đáng kêu là cái ý thương xuân vô hạn
Đọng lại tất cả ở lúc dừng kim không nói năng.
Sự việc vẫn được tiếp nối và phát triển. Hình bóng người con trai đến đây đã xuất hiện trong ý nghĩ của cô gái mà cô như cảm thấy có chút ngượng ngùng. Không soi gương mà biết má mình bừng đỏ. Đó là trạng thái tự nhận biết của các cô gái trẻ đang yêu đương. Khổ thơ với những từ ngữ gợi không khí như xưa: “giăng tơ”, “thoi xinh” nhưng lại rất mới mẻ với trạng thái diễn tả không xác định qua các từ “có lẽ”, hình như chấp nhận một tình cảm thực của lòng mình trong yêu đương cũng e ấp, ngượng ngùng. Phải chăng đó là đặc điểm của các cô gái còn ngây thơ, trong trắng? Nhưng rồi người đọc cũng khó đoán định được diễn biến của tâm tình và sự việc.

“Mưa xuân’’ cũng như nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính thường có yếu tố của cốt truyện. Từ tâm tình đã chuyển dần sang hành động. Cô gái nghĩ đến chàng trai và những lời hò hẹn. Trời đã tối, hàng xóm đã lên đèn, mưa xuân vẫn bay và bao phủ bầu trời đêm. Nguyễn Bính đã miêu tả những chi tiết nghệ thuật gợi cảm. Cô gái như có chút đắn đo, ngập ngừng trước trời mưa lạnh, nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng bị lướt qua khi nghĩ đến sự có mặt của chàng trai trong đêm hội:
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Tình yêu như có sức mạnh kì diệu đã tiếp sức cho cô gái đang tuổi yêu đương. Thật khó hình dung những đổi thay của cô gái quê, lúc đầu còn e ấp, ngượng ngùng và sau đó đã trở nên mạnh dạn, kiên quyết hơn. Dường như không có gì cản trở được tình yêu. “Mưa bụi nên em không ướt áo - Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Cô gái xin phép mẹ và vội vàng đi. Những chi tiết trên gợi nhớ đến một nàng Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” và khi gặp người yêu Thuý Kiều giãi bày những ý nghĩ chân thực, đáng trọng, đáng yêu và cũng gợi bao thương cảm:
Nàng rằng: “Quãng vắng đêm trường”,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ một đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chăng là chiêm bao?
Nhưng dù sao nàng Kiều cồn được bù đắp, còn gặp gỡ được người yêu để tâm tình. Hình ảnh cô gái trẻ mải miết tìm người yêu trong đêm hội, không thiết đến chuyện xem hát cũng nói lên mãnh lực của tình yêu và gợi biết bao thương cảm ở người đọc. Không còn là chuyện lầm lẫn trong hẹn hò. Nguyễn Bính đã đẩy tứ thứ vận động và phát triển đến cao điểm của những tương phản mang tính bi kịch: niềm tin yêu mong đợi của tuổi trẻ mạnh dạn dân thân và sự bất ngờ đến đau đớn của cảnh ngộ, tình yêu tin cậy chung thuỷ và sự bội bạc phũ phàng, khung cảnh hội hè vui vẻ và cảnh cô đơn, tủi phận của riêng ai:
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bày tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.
Trong ý thơ có lời trách cứ, giận hờn. Chính ở phút giây đáng giận, đáng căm ghét này, cô gái vẫn tỏ ra hiền dịu và chỉ biết trách cứ chàng trai. “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn” nhưng đã sớm quên lời hẹn ước. Từ đây tứ thơ và cảm xúc thơ mang nặng tủi buồn. Nếu ở những khổ thơ đầu nhân vật trữ tình còn mong đợi, còn náo nức, còn hăng hái thì đến đây tất cả như đảo ngược. Thời gian trôi qua chưa lâu và cũng vẫn là đêm xuân ấy nhưng sự cảm nhận của người trong cuộc về thời gian đã hoàn toàn khác biệt: “Để ả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. Sự lỡ hẹn trong tình yêu đôi lứa có thể dẫn tới sự nhỡ nhàng. Tác giả không nổi hẳn vào cảnh ngộ của nhân vật mà chọn một cách nói tinh tế và giàu tính nghệ thuật hơn. Từ đây, mùa xuân với đơn vị thời gian vốn có đã được tác giả sử dụng với nhiều dụng ý nghệ thuật. Con đường trở về với cô gái chắc chắn là con đường Xa. Nếu trước đây “Thôn Đoài cách có một thôi đê” thì bây giờ là “có ngắn gì đâu một dải đê”. Nếu trước đây mưa xuân còn nhẹ hạt “Mưa bụi nên em không ướt áo” thì bây giờ “Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”. Và nỗi tủi thân của cô gái canh khuya lặn lội đường trường. Nguyễn Bính đã thật sự cảm thương nhân vật qua những dòng thơ. Tác giả cũng không thể an ủi được gì hơn và cũng muốn để cho nhân vật được lặng lẽ với tâm trạng riêng của mình:
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Không có một âm thanh nào của cuộc sống và thiên nhiên tạo vật. Không có một hình ảnh nào lấp lánh mở ra một tia hi vọng. Chỉ có nỗi buồn của nhân vật và sự cảm thương ở người đọc. Tứ thơ đã dần khép lại với những hình ảnh da diết gợi cảm. “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, câu thơ gợi không khí và xôn xao ấy không còn nữa, ý thơ khép lại mưa xuân với những hình ảnh nặng nề và tủi buồn:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Nguyễn Bính đã tỏ ra hăng hái trong nghề khi vận dụng lại hàng loại những ý thơ và hình ảnh thơ ban đầu với những sắc thái mới tương phản, đối lập. Mưa xuân không “phơi phới” mà đã “ngại bay”, hoa xoan bị chà đạp trên lối đi về. Cảnh tượng ấy phải chăng cũng phù hợp với cảnh ngộ của con người? “Mùa xuân đã cạn ngày”, câu nói của người mẹ như khép lại. Nếu còn chăng chính là nỗi buồn của người con gái, một nỗi buồn phải âm thầm chịu đựng. Tuổi trẻ tin cậy vẫn chưa mất hẳn niềm hi vọng. Một câu hỏi không thể tìm được lời đáp “Bao giờ em mới gặp anh đây?”. Những cô gái làng quê trong trắng, chung tình trong thơ Nguyễn Bính vẫn chờ đợi. Mùa xuân qua, lại chờ đợi một mùa xuân tới. Cô lái đò chờ đợi đến ba xuân mà vẫn vô vọng. Người con gái trong Mưa xuân liệu có đi lại con đường ấy. Mùa xuân của đất trời hàng năm lại trở lại. Mưa xuân lại phơi phới bay, nhưng mùa xuân của cuộc đời thì chỉ đến có một lần. Bài thơ Mưa xuân đã ghi lại cả hai mùa xuân ấy và gợi lên bao ngậm ngùi xót xa về số phận và hạnh phúc của tuổi trẻ trong cuộc đời cũ những tháng năm qua.

Tửu tận tình do tại.
Tất cả bài viết trích từ:

2024/01/30


TẾT ƠI !

 

Đông này mưa gió nhiều hơn tuyết

Tóc bạc màu theo ngày tháng trôi

Mòn mỏi hồn ơ hờ thế sự

Hết chờ xuân mơ mộng xa xôi!

 

Giờ đây bè bạn ta ngơ ngác

Kniệm xưa chuyện nhớ chuyện quên

Mới nói cười khuyên gìn sức khoẻ

Lặng im rời đến ci mông mênh!

 

Quê nh đang rộ vàng mai nở

Xa xứ mùa cây lá trụi trơ

Ta đã bình an hơn muốn có

Tâm tình xin gởi mấy vần thơ !

 

Anh Tú

Đông Bắc Hoa Kỳ

Jan 30, 2024

20 Tết Giáp Thìn