2021/07/17

 Tạp ghi


THÀ BUÔNG SÚNG


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEifJvHgwdYn39gIyci8a2H5uLw132ep92-6HazaInebb1N3D5MW9vUDJPSMI1AhRQsTix6V9fdz8Pu9k3hcgV0sZJVp39QNfAT6b33gcJL9dKwRuqS6A4ai7_kWYAmBRYlJv9S7UsC_6qs/s1600/vn_flag_parachute.jpg


ĐIỆP MỸ LINH


Đang “lang thang” tìm tin tức trên Internet, tôi chợt thấy trên Fox News một tiêu đề rất đáng lưu ý: “Florida will require schools to teach civics and ‘evils of communism’”. 


Tiếp tục đọc bảng tin của Michael Ruiz – a U.S. and World Reporter for Fox News – tôi cảm thấy vui vui; vì thân phận người miền Nam Việt Nam tị nạn cộng sản Việt Nam (csVN) tại Hoa Kỳ đã được Thống Đốc Florida, Ron DeSantis, nhắc đến một cách ân cần: "We have a number of people in Florida, particularly southern Florida, who’ve escaped totalitarian regimes, who’ve escaped communist dictatorships, to be able to come to America. We want all students to understand…why would somebody flee across shark-infested waters…to come to southern Florida? Why would somebody leave a place like Vietnam? Why would be people leave these countries to risk their lives to be able to come here." 


Đọc đến đây, bỗng dưng những cảnh tượng hãi hùng, đã được tôi cố tình dìm vào quá khứ, lại bừng sống một cách mãnh liệt cùng với tiếng hát nức nỡ vang vọng trong lòng tôi:


“… Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong…” (1)


Cố xua tan những hình ảnh hãi hùng đã phủ chụp xuống Quê Hương kể từ ngày ông Hồ Chí Minh – một người đầy tham vọng nhưng thiếu học vấn và kiến thức, chỉ nhận được công việc nấu ăn trên thương thuyền của Pháp – du nhập và áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên thân phận người Việt Nam, tôi tìm tin khác đọc.


Thấy trong bảng tin của Ronn Blitzer/Fox News/July 6, câu này: “Nebraska Gov. Pete Ricketts has declared July to be Victims of Communism Remembrance Month and is speaking out against the actions of communist regimes throughout history and the present”, tôi mỉm cười. Quả là một tin vui!

Tin vui này là kết quả tốt đẹp do nhiều chủng tộc và người miền Nam Việt Nam đến Mỹ tị nạn cộng sản, sau tháng Tư năm 1975, vun bồi bằng không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt! 


Dù vươn lên từ đau thương, mất mác và khóc hờn để ngày nay hãnh diện nhìn sự thành công rực rỡ của thế hệ di dân thứ hai và thứ ba, người miền Nam Việt Nam di tản cũng vẫn chưa bao giờ quên được những hành động ghê rợn, tàn ác do người csVN đã và đang áp đặt lên Quê Hương và dân tộc!


Người csVN lúc nào cũng vỗ ngực “tự sướng” rằng đảng và người csVN thắng hai đế quốc sừng sỏ Pháp và Mỹ.


Thắng cái nỗi gì mà hễ nghe csVN đi đến đâu thì dân chúng vùng đó cũng liều chết chạy về phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hết vậy? Điễn hình là cuộc di cư vĩ đại năm 1954 từ Bắc vào Nam do Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện; cuộc di tản không kém phần thảm khốc, do Hải Quân VNCH thực hiện để đưa hơn 30 ngàn người rời khỏi Việt Nam, năm 1975! Sau khi VNCH không còn nữa, người dân Việt vượt rừng, vượt biển, lìa xa csVN – chỉ để lại một câu rất thâm thúy: “Cái cột điện, nếu biết đi, cũng bỏ nước ra đi!” 


Để xác định sự trốn chạy của người Việt vẫn còn tiếp diễn dưới mọi hình thức, tôi xin trích vài phân đoạn trong bài viết của Hoàng Minh, 10/06/2020, trên trithucvn.org: “…Trang RFA dẫn số liệu của Bộ Tư Pháp Việt Nam cho biết trong năm 2015 có 4.474 người từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Còn theo Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs), ước tính từ năm 1990 đến 2015 có tới 2,6 triệu công dân Việt Nam rời đất nước đến sống ở một quốc gia phát triển hơn.


Con số mà Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) thống kê cho thấy năm 1980, số người Việt Nam cư trú ở Mỹ là 231.000; năm 2000 lên đến 988.000 và năm 2017 đã là 1.343.000 người.


Riêng về du học sinh, con số mới nhất được Student and Exchange Visitor Information System cập nhật vào tháng 3 năm 2019 là có 30.684 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ ở tất cả các cấp, tăng 3% so với tháng 8/2018


Hôm 23/3, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng công khai rằng “tôi cũng có một người con trai đang du học tại Mỹ…” (Hết trích)


Link: https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/bao-trong-nuoc-go-loi-thu-tuong-phuc-noi-cot-dien-o-my-biet-di-thi-se-ve-viet-nam.html


Bài viết của Hoàng Minh còn thiếu phần người Việt xuất cảnh lao động đi làm “cu -li”, làm điếm, rồi trở thành những kẻ ăn cắp chuyên nghiệp tại các nước ngoài Việt Nam.


Trong khi người Việt Nam nghèo, phải xuất cảnh lao động để làm điếm và ăn cắp gửi về giúp gia đình tại quê nhà thì con cháu của quan chức csVN được ung dung “xâm lược” “đế quốc Mỹ”  để du học.


Không phải chỉ con của ông Nguyễn Đức Chung mới “xâm lược” Hoa Kỳ để du học mà Nguyễn Thanh Nghị – con của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên thủ tướng của guồng máy đầy ác tính của csVN – cũng “xâm lược” “xứ tư bản dãy chết Hoa Kỳ” và tốt nghiệp tại đại học George Washington; vợ của Nguyễn Thanh Nghị, người Hà Nội, cũng “xâm lược” “đế quốc Mỹ” và tốt nghiệp tại đại học George Washington. (Wikipedia).


Lẽ nào, chỉ với mục đích muốn con cháu của nhân viên cao cấp trong đảng csVN “xâm lược đế quốc Mỹ” để du học và người miền Bắc Việt Nam có cơ hội rời Việt Nam để tìm cuộc sống khá hơn mà ông Hồ chí Minh và người csVN khởi động cuộc chiến “chống Mỹ ‘kíu’nước” để thiu rụi khoảng 849.018 và gây thương tích cho khoảng 500.000 đến 600.00 bộ đội cụ Hồ; phía VNCH có 310.00 quân nhân tử trận và 1.170.000 thương binh? Link: 


https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95n_th%E1%BA%A5t_nh%C3%A2n_m%E1%BA%A1ng_trong_Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam


Nguyên văn dòng đầu tiên trong link này ghi:“Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 2-4 triệu người Việt”. Nhưng trong phần Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân Giải phóng Miền Nam và Quân đội VNCH lại ghi như tôi đã trích ở phân đoạn trên. 


Từng tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp trên sông, tôi được biết: Bất cứ trên chiến trường nào, đa số thương binh VNCH cũng được tải thương khỏi chiến địa bằng trực thăng hoặc bằng chiến đỉnh; trong khi bộ đội ông Hồ Chí Minh không có phương tiên tải thương và cũng không có bệnh viện với đầy đủ bác sĩ, thuốc men và dụng cụ y khoa mà số thương binh của VNCH lại gần gấp đôi số thương binh của bộ đội ông Hồ? 


Tin được không?


Trong khi tâm hồn tôi bị chi phối về việc làm thiếu trách nhiệm của Wikipedia tiếng Việt,  tay tôi vô tình đưa “con chuột” vào Google. Tôi thấy bảng tin trên BBC, không thấy tên tác giả, ngày 04-07-2021, tựa đề: Tranh cãi quanh đoàn tình nguyện ‘chi viện cho TP HCM’ chống Covid-19” có vài phân đoạn thể hiện được tất cả sự lố bịch, mong muội, đầy tính cách trình diễn và phô trương của csVN và những lời khơi động căm thù của người trẻ Việt Nam hôm nay.

 

Các phân đoạn ấy như sau: “Sáng 1/7, hơn 300 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã vào TP HCM hỗ trợ…”

 

“…Nhiều báo đăng tin hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bố trí riêng một chuyến bay để chở đoàn 300 sinh viên vào TP HCM, kèm theo những khẩu hiệu như ‘Mở ra đường Hồ Chí Minh trên không’ để kịp thời chi viện cho ‘chiến trường miền Nam’ chống dịch.

 

Một số người trong 'đoàn cứu viện' còn cho đây là cuộc "giải phóng miền Nam lần 2". (Hết trích). Link:

 

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57711146

 

Đường mòn Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn đã chôn vùi không biết bao nhiêu thanh niên, thanh nữ miền Bắc Việt Nam, người trẻ Việt Nam hôm nay chưa kinh hãi và tỉnh ngộ hay sao mà còn mơ tưởng đường Hồ Chí Minh trên không? Giải phóng miền Nam chỉ để con cháu của lãnh đạo csVN và đại gia “xâm lăng” “xứ tư bản dãy chết” du học; chỉ để người dân mất đất; chỉ để không biết bao nhiêu ngàn người phải lìa xa Tổ Quốc mà người trẻ Việt Nam hôm nay cũng vẫn vui mừng, “gào” lên, đòi giải phóng miền Nam lần thứ 2 ư?

 

Người trẻ Việt Nam hôm nay không thể nhận thức được giá trị của tình thương, của lòng bác ái, của đạo đức; vì người trẻ Việt Nam hôm nay – ngay từ tấm bé –  đã bị tiêm nhiễm bản tính hiếu sát và khát máu do người csVN vun bồi!

 

Trong khi đó, người Miền Nam Việt Nam tị nạn cộng sản đã chứng tỏ cho thế giới thấy giá trị đạo đức, danh dự và lòng tự trọng của người Việt Nam tị nạn như thế nào. Đó là lý do xã hội và người dân Hoa Kỳ – như Thống Đốc tiểu bang Nebraska – dành cho người tị nạn cộng sản cảm tình và phán quyết tháng Bảy là tháng tưởng niệm nạn nhân cộng sản.

 

Ngược lại, đảng và người csVN được “hân hạnh” xếp hàng thứ nhì trong Facebook RFA của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai (tier 2) trong báo cáo về tình trạng buôn người thường niên trên thế giới, được công bố vào chiều ngày 1/7, giờ miền Đông Hoa Kỳ.” Link:

https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/10159612151629571/

Từ 1954 đến 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị thù trong – Việt cộng và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam – cùng giặc ngoài (csVN) mà không hề có tệ nạn buôn người hoặc xuất khẩu lao động để làm điếm!

So sánh xã hội csVN trong 46 năm qua và xã hội thời VNCH, tôi nghĩ, người Lính VNCH và người miền Nam thà buông súng, rời Quê Hương để tiết kiệm xương máu của người đồng chủng còn hơn là cầm quyền – như “nhà nước” csVN – để chỉ biết “hả hê”, “tự sướng”, “ăn mừng chiến thắng” vào những dịp đa số người Việt phải khóc vùi vì thương nhớ người thân đã gục ngã trong Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, 30 tháng Tư; để chỉ “ôm chân” cầu thủ “bóng đá”, hô vang “tự hào!”; để chỉ  “nổ sản” những điều tốt đẹp không phải do người csVN tạo nên!

Những hành động “nổ sản”, “tự sướng” và “phô trương ảo tưởng” của người csVN làm cho người cùng dòng máu Lạc Hồng ghê tỡm và người khác chủng tộc công khai chỉ trích một cách nặng nề!

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/


1.- Nhạc ngoại quốc; lời Việt: Nam Lộc. 


2021/07/10


RẠCH AN LƯƠNG CÒN ĐÓ*


Con rạch An Lương dưới ánh sao

Cỏ cây chim chóc mãi thì thào

Ngày xưa gần gũi luôn thân ái

Hiện tại biệt xa vẫn ngọt ngào !


Thằng ấy xác hồn mờ ảo ảo

Tên này đầu tóc bạc phau phau

Xưa "moi" hải ngoại, "toi" hờn giận**

Nay “nị" tuyền đài, "ngộ" xót nao !**


Anh Tú

Connecticut, Hoa Kỳ

July10,2021

*Họa bài CHUYỆN BẾN SÔNG của Lãng Uyễn Châu, xem tại:

https://anhtuvaban.blogspot.com/2021/07/chuyen-ben-song-nho-mai-em-ram-thap-ruc.html

** "Moi, toi" , "Nị, ngộ": là những từ ngữ Pháp, Hoa mà ngày xưa bạn bè chúng tôi thỉnh thoảng xưng, gọi với nhau.

2021/07/09

 


CHUYỆN BẾN SÔNG*

 

Nhớ mãi đêm rằm thắp rực sao

Bến sông hai bóng nhỏ thì thào

Mái chèo sóng nước thêm gần gũi

Tiếng nhạc đồng quê cũng ngọt ngào !

Tai lãng dần ,lưng tê buốt buốt

Mắt mờ đi , tóc trắng phau phau !

Mấy mươi năm khoảng đời chia biệt

Luôn giữ tình bền đẹp thuở nao ...

 

 Lãng Uyển Châu ( Vĩnh Long )

*Tặng tình bạn đẹp giữa hai học trò trường làng và cũng là hai bạn láng giềng của một bến sông tại một vùng quê Vĩnh Long ngày xưa.

2021/07/04

 


GIỌT MƯA


Là giọt mưa rơi trên tóc nàng

Thoang thoảng hương bồ kết dịu dàng

Nước bốc thành hơi len nhịp thở

Lẫn vào dòng máu chảy miên man


Hạt mưa ve vuốt bờ vai nàng

Thấm ướt làn da trắng mịn màn

Uớc mơ lãng mạn hồn trinh nữ

Hạnh phúc lên ngôi tình chứa chan


Đưa tay nâng hứng giọt mưa rơi

Long lanh đưa mắt mộng xa xôi

Phương trời nào đó màu hồng thắm

Đón nàng dấn bước vào đời tôi.


Anh Tú

US Independence Day 2021

2021/07/01

Đường Lam-Sơn Hà-Tiên_TrangVàng

GỢI NHỚ

Sáng nay một góc trời vùng nhớ

Rực rỡ tình quê thắm nghĩa trò

Thuở ấy đầu đời bảng đen phấn trắng

Lam Sơn dẩn bước viếng Đông Hồ!

Anh Tú
July 01, 2021

 Truyện ngắn

MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG

DS13

Ảnh từ blog Dòng Sông Cũ 

ĐIỆP MỸ LINH

Qua khung kính cửa sổ phi cơ, Hạnh thấy những ánh đèn ly ty lùi lại trong bóng đêm. Khoảng không gian giữa những chấm sáng ly ty đó và chiếc Boeing đồ sộ này có lẽ xa lắm; nhưng Hạnh tưởng như nàng thấy rõ những con đường mòn len lõi trong rừng thông, từng làn sóng òa vỡ lao xao trên ghềnh đá và những bệ xi-măng vỡ vụn của một phi trường bỏ hoang. Phi trường đó mang tên Orote Point. Cái tên lạ, vô nghĩa như khoảng thời gian dài vô vị trong căn lều vải, trên những chiếc ghế bố nhà binh.

Những tháng ngày nhàm chán trong căn lều vải Hạnh chỉ biết lắng hồn vào kỷ niệm, ấp yêu dĩ vãng để quên đi hiện tại và không nghĩ đến ngày mai. Những lần đếm bước dưới gốc thông già, Hạnh nhớ những đồi thông xanh ngút ngàn trên Dalat khi nàng còn bé, học trường Domainde Marrie; và con đường mòn quanh co trên ngọn đồi thoai thoải sau chùa Hải-Đức, Nha Trang. Những chiều lặng lẽ bên bờ cát, nghe gió thì thầm, nhìn sóng tung tăng, Hạnh nhớ khung trời cũ, nơi có giải cát vàng, màu nước biếc và mối tình thơ dại. Kỷ niệm cứ chờn vờn quanh đây, chợt đến, chợt đi như thời tiết bất thường của đảo Guam hoang dại.

Dù đảo Guam và Orote Point không phải là nơi đáng yêu, nhưng đã là nơi Hạnh cảm biết thế nào là tủi nhục khi sắp hàng lãnh từng dĩa cơm nhão; thế nào là thương nhớ khi nhìn về phương trời xa, tưởng như thấy được ánh mắt đăm chiêu của Mẹ, mái tóc bạc phơ của Cha; thế nào là bần hàn khi con thèm lon nước ngọt mà Hạnh không có tiền mua! Bây giờ, chuyến bay này sẽ đưa Hạnh về California, nơi đó tương lai hứa hẹn nhiều khó khăn, lắm bất trắc!

Những ngày ở Camp Pendleton, California, cũng chẳng khác gì ở Orote Point. Mùa Hè thật nóng bức, oi nồng. Ngày dài như không dứt. Đêm về lạnh buốt, sương giăng mờ lối. Những ray rức, lo âu, tiếc nhớ lúc nào cũng dày vò, gậm nhấm tâm hồn khiến cơ thể của Hạnh tàn tạ, héo hon!

Đang cùng các con sắp hành nhận lãnh cơm trưa, Hạnh thấy Phi – chồng của Hạnh – từ văn phòng của Trại đi đến, bảo:

-Em! Về lấy giấy tờ lên văn phòng làm thủ tục xuất trại. Một thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến, tên Smith, bảo trợ. Để các con sắp hàng đi ăn trước; mình về ăn sau.

Hạnh lặng lẽ theo Phi trên con đường đất đỏ gồ ghề. Đến nơi, bà Betty bảo Phi điện thoại viễn liên – chính phủ Mỹ trả tiền – với gia đình Smith để bàn tính ngày giờ xuất trại. Hạnh cảm thấy vui vì các con sẽ nhập học kịp niên khóa. Hạnh muốn “trực diện với tương lai xem nó ra làm sao” chứ chôn chân trong trại để mặc cảm lưu đày hành hạ, Hạnh cảm thấy khổ sở vô cùng!

Vừa cảm thấy thơ thới, Hạnh chợt khó chịu vì nghe những tiếng “yes, sir” của Phi khi Phi điện đàm với Smith. Niềm đắng cay từ đâu ùa đến khiến Hạnh muốn khóc. Không muốn khóc sao được khi mà, mới ngày nào, cố vấn Taylor than phiền: 

-Nhiệm vụ của tôi là cố vấn cho đơn vị này. Nhưng không bao giờ anh hỏi ý kiến tôi; không bao giờ anh cho tôi đi hành quân với anh; thế thì nhiệm vụ của tôi là gì?

Phi cười dòn: 

-Anh không là cố vấn cho ai cả. Chúng tôi – người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – hành quân để chống lại sự xâm nhập có chủ mưu của cộng sản Việt Nam (csVN). Nhiệm vụ của anh là gọi máy bay tản thương khi đơn vị của tôi đụng độ, có thương vong.

 Đôi mắt xanh biếc của Taylor nhìn sửng Phi trong khi tiếng cười cao ngạo của Phi vang vọng. Vậy mà bây giờ một tiếng “yes sir”, hai tiếng “yes sir”! Hạnh thở dài! 

Hôm sau, trước khi bước lên xe bus với cõi lòng buồn/vui lẫn lộn, Hạnh nhìn quanh trại Orote Point lần cuối. Thôi, vĩnh biệt nhé, vùng thung lũng buồn!

Từ khoảng không gian xa lắm của chiếc Boeing, Hạnh thấy ruộng vườn xanh tươi. Bỗng nhiên Hạnh cảm thấy lòng chĩu nặng u hoài; vì Hạnh chợt nhớ những chuyến trực thăng –mà Hạnh đã tháp tùng trong các cuộc hành quân hỗn hợp, để viết bài tường thuật – từ Gò Dầu Hạ về Bến-Lức. Quê mình sao nghèo quá! Vườn cao su xác xơ trụi lá, đồng lúa hoang tàn và những đồn lẻ tẻ dọc bờ sông còn hằn nhiều dấu pháo kích của Cộng quân. Kia là đồn Trà-Cú, hậu cứ của Giang Đoàn 53 Tuần Thám, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Thìn; người còn được biết đến dưới danh xưng nhạc sĩ Trường Sa.

Những lần ghé đồn Trà-Cú – trong khi Phi họp hành quân – Hạnh thích ngồi một mình trong nắng ấm, nơi bãi đáp trực thăng, để nghe cỏ rì rào trong tiếng gió lao xao. Nhìn từng chiếc Khinh Tốc Đỉnh (PBR) rời bến với thủy thủ giày “sô” áo trận, tự dưng Hạnh tưởng như nghe được giai điệu dịu dàng, thiết tha của tình khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em của Trường Sa. Hạnh “ngân nga”nho nhỏ những câu nàng chợt nhớ: 


Còn đây không gian xưa quen gót lầy… 

Ngồi nghe yêu thương xa tầm tay 

Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này…” (1) 


Có sống trong bối cảnh này Trường Sa mới để lòng mình lắng xuống, đọng lại thành những cung bậc làm nhức nhối lòng người. Hạnh hồi tưởng lại ánh mắt xa xăm của Trường Sa khi Trường Sa từ giã Phi tại Guam để theo thương thuyền Việt-Nam Thương Tín trở về Việt-Nam! Trường Sa, một nghệ sĩ với tâm hồn ướt lệ, người hùng Tuần Thám với sức chiến đấu dũng cảm và tình yêu Quê Hương thiết tha!


Bây giờ tất cả đã xa thật xa trong không gian ngăn cách, đã qua rồi trong thời gian biền biệt trôi. Nhưng, với Hạnh, những tháng ngày êm mơ trên Quê Hương là những kỷ niệm ngọc ngà, không bao giờ nhạt phai.


Chiếc Boeing đã rời xa những áng mây rực rỡ của một chiều Hè trong vùng Cali. tươi mát, đưa gia đình Hạnh về vùng sa mạc nóng bức Arizona. Phi cơ lượng nhiều vòng trên thành phố, đủ thời gian cho Hạnh ghi nhận cảm xúc đầu tiên: “Yuma, một thành phố lạc lõng như tâm hôn tôi lúc bây giờ! 6g25 chiều 20-07-1975”.


Những ngày đầu tiên không làm sao tả xiết những bỡ ngỡ, ngại ngùng. Nhưng sự bở ngỡ ngại ngùng này không thể nào so sánh với cảm tưởng lạc loài vào sáng Chủ Nhật đầu tiên gia đình Hạnh theo gia đình Smith đi nhà thờ! Các con của Hạnh ngơ ngác như lạc vào rừng hoang! Phi ra vẻ trịnh trọng để che giấu cử chỉ bối rối. Tiếng Organ ngân dài những bài thánh ca khiến tâm hồn Hạnh lâng lâng như siêu thoát. Khi Linh Mục bắt đầu giảng kinh, Hạnh nhìn lên tượng Chúa với lòng thành khẩn: “Lạy Chúa! Xin Ngài tha tội cho con. Con đã vì sự sống, vì thọ ơn mà đến đây; nhưng trong lòng con lúc nào hình ảnh Đức Quán Thế Âm cũng ngời sáng!” Không hiểu tại sao ý nghĩ này lại làm cho Hạnh tủi thân. Hạnh âm thầm quẹt nước mắt!


Đã nhiều lần, khi mọi người – ngoại trừ Hạnh – vui đùa bên hồ bơi, bà Smith nghe tiếng piano từ phòng gia đình vang lên tình khúc Come Back To Sorrento; do đó bà Smith biết Hạnh chơi đàn. Vì vậy, khi đến nhà thờ, Bà Smith mời Hạnh vào ca đoàn.


Hôm sau, nhật báo và đài truyền hình địa phương đến phỏng vấn Phi và Hạnh. Hạnh và Phi phải dồn nén tình cảm để trả lời rất khéo léo nhiều câu hỏi rất “hóc búa” của những phóng viên chuyên nghiệp. Để trả lời câu cuối của cuộc phỏng vấn, Phi cho biết chàng ước mong được làm thợ máy sửa xe hơi; vì Phi nghe ông Smith bảo thu thập hằng năm của thợ máy sửa xe hơi rất cao.


Ngay chiều đó, Phi nhận được điện thoại của hãng xe Datsun – tiền thân của Nissan – họ cho biết Phi có thể khởi sự làm việc ngay vào sáng hôm sau; họ sẽ thuê đài truyền hình quay phim để quảng cáo.


Phi nhờ ông Smith đưa đến thư viện, mượn cuốn tự điển Pháp Anh. Suốt đêm đó Phi thức trắng để học những danh từ về máy xe hơi.


Chiều hôm sau, cả nhà quay quần bên TV. Khi thấy trên màn ảnh hiện ra câu: “Hãng xe Datsun của chúng tôi vừa thuê được một thợ máy lành nghề từ Việt-Nam”, cả nhà cười rộ lên! Ông “thợ máy Việt-Nam” ra tay: Cầm wrench không đúng vị thế, vặn ốc không nổi! Sau một lúc “hì hục”, ốc hơi lỏng và dầu xe “tưới” lên mặt, lên áo quần của “ông thợ máy Việt-Nam lành nghề!” Cả nhà ôm bụng cười vang. Hạnh không thể cười mà Hạnh cũng không thể không cười! Hạnh lẻn ra sân cỏ. Nỗi u buồn, niềm cay đắng, sự xót xa cứ mơ hồ, bàng bạc, giăng mắc trong lòng, Hạnh chỉ biết ngồi im nơi sân cỏ!


Bóng tối đến tự lúc nào Hạnh cũng không hay. Phi dựng xe đạp vào tường, hỏi:


-Hạnh! Em làm gì đó?


Hạnh cúi mặt, không trả lời. Phi đến, ngồi cạnh, cầm tay Hạnh:

-Sao buồn quá vậy? Nhớ nhà, phải không?

Hạnh lần tay nàng vào tay Phi như tìm nguồn an ủi. Bỗng Hạnh nhìn vào mắt Phi, giọng thảng thốt:

-Tay anh “phồng” hết! Nhìn xem, những mụn nước no tròn. Sao anh nói láo với họ làm chi cho khổ thân?

-Em nên biết, ở xứ này, một người thợ giỏi làm nhiều tiền hơn một “thầy” không có bằng đại học. Mình đã mất tất cả. Mình phải gầy dựng lại cuộc đời cho tương lai các con. Thằng Bob – manager của dealer và cũng là một cựu sĩ quan Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt-Nam – biết anh nói láo rồi! Nhưng nó thích anh. Bob hứa cho anh học nghề có trả lương. Hồi chiều Bob đã đưa anh ghi danh vào AWC (Arizona Western College) học về Electrical Engineering. Anh cũng đã ghi tên em rồi. Em sẽ chọn phân khoa sau. Bob lại cho anh mượn tiền mua dụng cụ thợ máy; mỗi tháng mình trả góp $50.00. Mai em và anh đến AWC thi nhập học.

Nghe giọng Phi đầy tự tin và vui thích, Hạnh cảm thấy yên lòng.

Hạnh và Phi đã chuẩn bị cho buổi thi nhập học; nhưng khi số bài thi được phát ra và mỗi người ngồi riêng một phòng thì Hạnh cảm thấy số vốn Anh ngữ của nàng tan loãng thật nhanh! Nhìn tập bài thi dày cộm, cố ôn lại những gì đã học từ hai năm tú tài ban Anh văn và những năm miệt mài ở Hội Việt Mỹ, Hạnh cảm nhận được điều mỉa mai: Số Anh ngữ của nàng chỉ “lỏm bỏm” như những hải đảo lạc loài trong đại dương mênh mông!

Sau khi Phi lãnh tuần lương đầu tiên, Hạnh hoàn lại tiền ăn cho gia đình Smith rồi thuê nhà dọn ra ở riêng.

Căn nhà không lớn, chỉ ba phòng ngủ, phòng khách và nhà bếp; nhưng vì không có bất cứ đồ vật gì trong nhà cho nên ngôi nhà trở nên thênh thang, lạnh lẽo. Những người láng giềng tóc màu đem đến tặng gia đình Hạnh các thứ cần thiết như nồi, chảo, chén dĩa, khăn trải giường. Cứ sau mỗi cử chỉ nhân ái họ lại nhắc gia đình Hạnh Chủ Nhật đi nhà thờ!

Đứng chung với ca đoàn của nhà thờ, trên bục gỗ, Hạnh vừa nhìn “notes” nhạc trên bản thánh ca vừa hát vừa liết xuống những người đang ngồi bên dưới và thấy Phi đang ngủ gật trong nhà thờ! Hạnh như muốn khóc. Phi đã làm hơn sức của một người bình thường. Ban ngày Phi làm thợ máy; ban đêm đi học tại AWC. Thứ Bảy Phi cưa cây hoặc làm sân vườn cho hàng xóm.

Công việc của Hạnh có vẻ nhàn hạ. Sáng, 7:00 đạp xe đến hãng, làm cho đến 4:00 giờ chiều; về nhà dạy Anh văn cho các con, lo bữa cơm chiều rồi đạp xe đến AWC học đến 11:00 đêm.

Niên học chấm dứt Hạnh cũng không cảm thấy như mùa Hè hiện diện; vì Yuma chỉ có cát, đá và cây xương rồng chứ không có hoa phượng! 

Dưới ánh nắng như thiêu đốt và trong từng cơn gió lùa sức nóng hừng hực từ những vùng cát mênh mông, Phi và Hạnh mỗi người vẫn nhẫn nại đạp xe trên những con đường thiếu bóng cây. Nhà thờ lại cho biết, chủ nhân hai chiếc xe đạp tỏ ý muốn lấy lại. Nhận thấy không thể nào đủ sức và thời gian để đi bộ, Phi không còn cách nào hơn là trình bày mọi điều với Bob. Bob cười xòa, vỗ vai Phi:

-Anh làm việc tốt. Tôi sẽ bán và cosign để anh có thể mua một chiếc xe. Mai đưa gia đình anh đến, chọn xe nào anh và gia thích rồi cho tôi biết.

Từ đó Hạnh và Phi mới hiểu: Người không mang nợ thì khó xin mua chịu; kẻ mang nợ nhiều lại dễ vay tiền!

Mỗi chiều, lái xe chầm chậm trên xa lộ, nhìn những áng mây trong khung trời lộng gió, Hạnh cảm thấy nhớ nhà da diết! Hạnh nhớ và thương cả những điều không tốt đẹp của Quê nhà, rồi bất giác “ngân nga” nho nhỏ: 


“Trên đường về nhớ đầy. 

Chiều chậm đưa chân ngày. 

Tiếng buồn vang trong mây ...” (2) 


Bao mùa Hạ đã qua đi, vẫn không tiếng ve sầu, không màu phượng đỏ. Nhưng mùa Hè này, Hạnh và Phi cảm thấy lòng rộn ràng mừng vui vì cả hai đang xúng xính trong áo rộng và mũ đen. Khi tên được xướng lên, Hạnh từ từ bước lên bục gỗ trong buổi lễ ra trường. Phi và các con vỗ tay không ngớt. Đến phiên Phi bước lên bục gỗ, Hạnh vừa vỗ tay vừa quẹt nước mắt!

Chỉ sau một thời gian ngắn, Phi được công ty điện lực thuê và Hạnh là chuyên viên kế toán cho ngân hàng. 

Gia đình Hạnh dời vào một ngôi nhà khang trang thuộc một khu vực yên tĩnh. Hạnh tưởng rằng với việc làm tốt và cuộc sống của một chàng “cổ trắng” Phi sẽ vui vẻ; không ngờ Hạnh lại thường bắt gặp Phi thơ thẩn nơi sân sau, ánh mắt đăm chiêu, vần trán nhíu lại như đang suy nghĩ điều chi rất quan trọng.

Một hôm, đi làm về, Phi vào nhà bằng ngã sau. Hạnh chỉ lên đầu tủ lạnh:

-Có thư anh Dinh gửi cho anh.

-Nó ra tù rồi à?

-Em đã mở thư đâu. Anh mở xem.

Phi mím môi thật chặt khi đọc bản sao “Giấy Ra Trại” Dinh gửi kèm.

Ngoài những sáo ngữ rỗng tuếch, Phi nhíu mày nhìn mấy dòng: “…Thi hành án văn,  quyết định tha số…ngày…năm 1984. Can tội: Trung Tá chỉ huy trưởng. Bi bắt ngày…tháng 6 năm 1975”. Phi xếp phong thư cho vào túi, đứng bất động. Chín năm đằng đẳng một đời trai bị đọa đày trong cay đắng, tủi nhục! Phi ở đây, mỗi khi nhận được thư nhà gửi qua Canada hoặc Âu Châu – rồi từ các nước đó bạn của Phi và Hạnh mới chuyển thư đến Mỹ – Phi vẫn cảm thấy hận thù dâng chất ngất vì tin Mẹ và các em của Phi đói khổ ở vùng kinh tế mới, còn nhà của Mẹ thì “được” “nhà nước” quản lý!

Khi nghe Phi thở dài, Hạnh bảo:

-Anh vào tắm nước nóng, nằm nghỉ cho bớt xúc động. Khi nào cơm xong, cu Út sẽ vào mời anh.

Tắm xong, Phi mở ngọn đèn nhỏ cạnh giường, đọc lại thư của Dinh. Ánh sáng lờ mờ gợi lại trong hồn Phi vùng ánh sáng yếu ớt, vàng vọt trên các chiến đỉnh và chiến hạm. Ánh đèn nhạt nhòa không đủ sáng để xem bản đồ hành quân. Bản đồ hành quân với những đường li ti ngoằn ngoèo như những động mạch và tĩnh mạch trên cơ thể của Quê Mẹ tan thương! Ôi, Quê Hương! Chúng tôi đã chiến đấu đơn độc, trong những điều kiện nghèo nàn, thiếu hụt cho nên không biết bao nhiêu bạn hữu và đồng đội của tôi phải gục ngã! Máu của bạn tôi, của đồng đội và máu của tôi như những lượng phù sa bồi đắp miền Nam nước Việt. Bao nhiêu bạn hữu và đồng đội của tôi vẫn còn bị đày đọa trong chốn lao tù, tôi phải làm gì? Tôi không thể an tâm sống yên lành, hạnh phúc. Khi thấy quân phục trắng, tôi nhớ Ngụy Văn Thà và trận thư hùng với Trung Cộng tại Hoàng Sa! Khi thấy màu áo hoa rừng, tôi khóc Phan Văn Sanh, tiếc Trần Văn Thiết! Thấy màu áo kaki, tôi thương Hoàng Xung! Thấy quân phục Không Quân tôi lại nhớ Nguyễn Cư, v.v…Xin cho tôi được minh mẫn, đủ nghị lực để chọn hướng đi cho đoạn đường còn lại của tôi…

“Ba!” tiếng gọi nho nhỏ của Út cắt đứt dòng ý tưởng của Phi. Nhìn ra cửa, thấy Út đang lấp ló, có vẻ e dè vì tưởng Phi đang ngủ, Phi hỏi:

-Gì, con?

-Ba muốn nghe chuyện này không, Ba?

-Chuyện gì, con?

Út sà vào lòng Phi:

-Chuyện của con.

-Nghe chứ, con. Nói đi, Út!

Út nhìn Phi với nét mặt quan trọng:

-Con mới tìm ra một thằng…Việt cộng!

Ngạc nhiên, nhìn Út một chốc rồi Phi cười lớn:

-Làm sao con biết Việt cộng là ai mà con nói? 

Không muốn tuổi thơ của con sớm vướng hận thù, Phi tiếp:

- Thôi, nói chuyện khác đi, con!

-Ba này! Tại Việt cộng mà mình phải chạy trốn, qua đây, để tụi Mỹ kỳ thị. Con biết chớ bộ!

-Mỹ không kỳ thị đâu, con. Nếu Mỹ kỳ thị thì làm thế nào Ba Má và các con được đi học cùng trường với người Mỹ? Ba Má được làm việc chung với người Mỹ và mua nhà cùng khu vực với người Mỹ?

-Không kỳ thị sao tụi nó gọi con là Chino?

-Có thể họ tưởng con là người Tàu, Chinese.

-Má nói tụi Tàu xâm lấn nước mình hoài, đô hộ nước mình cả ngàn năm; rồi cũng tụi Tàu giúp Việt cộng đánh chiếm, đuổi mình khỏi Việt-Nam. Con ghét tụi Tàu! Ai gọi con Tàu thì người đó kỳ thị.

Phi sửng sờ, không ngờ Út lớn hơn chàng nghĩ. Phi chuyển đề tài:

-Thôi, con kể Ba nghe  chuyện thằng Việt cộng đi, Út.

-Hồi Hè mới bắt đầu, cô giáo dẫn một thằng con nít Á Đông vô lớp con. Nó không biết tiếng Anh. Nó ngồi cạnh con. Nó nói nó là người Việt-Nam. Nó nói nhà nó nghèo lắm, vì mới từ đảo qua, Ba Má nó cũng không biết tiếng Anh. Con thấy tội nghiệp nó. Khi nào làm thức ăn trưa, con làm thêm để đem theo cho nó. Con giúp nó làm bài. Nó nói nó thích con. Con hỏi nó: “Mày ở Việt-Nam mà Bắc hay Nam?” Nó nói nó ở cái tỉnh ở giữa cho nên nó không biết Bắc hay Nam. Vì muốn biết nó có phải “phe mình” hay không, con hỏi nó: “Cờ của mày màu gì?”  Nó nói con ngu, Việt-Nam có một lá cờ chớ mấy. Con bảo nó: “Mày vẽ lá cờ của mày ra là tao biết liền.”  Sau khi nó vẽ, con xin cô giáo cho con ngồi chỗ khác. Con không cho nó ăn trưa nữa. Con “nghỉ” nó ra rồi!

Phi xoa tóc con:

-Con thương lá cờ của mình, vậy con có thương nước mình không?

-Dạ, thương chớ!

-Nếu con thương nước mình thì con cố chăm học để sau này về giúp nước, nghe, con.

-Làm sao về được, Ba? Việt cộng còn ở đó mà!

Suy nghĩ giây lâu, Phi thở dài, không hiểu có nên cho con biết ý định của chàng hay không! Một chốc sau, Phi hỏi dò:

-Nếu có người đuổi Việt cộng đi, con nghĩ sau này con có về giúp nước mình hay không?

-Dạ, về chớ! Mà ai đuổi được Việt cộng đi, Ba?

Phi xoay người Út, nhìn vào mắt Út:

-Nếu Ba trở về Việt-Nam đánh đuổi Việt cộng đi để mai sau con trở về giúp nước mình, con chịu không, Út?

Út nhìn Phi không chớp mắt, rồi bất ngờ Út vùi mặt vào ngực Phi, nín lặng! Phi cảm thấy se thắt trong lòng! Phi hôn lên tóc con và cảm nhận được niềm xúc động dâng ngập lòng!

Tiếng Hạnh vọng lên từ nhà bếp:

-Út! Mời Ba ra ăn cơm, con.

Phi ngồi giậy, đỡ Út đứng lên:

-Đi ăn cơm, con!

Út vẫn lặng thinh, mắt nhìn xuống, mặt Út trông buồn lắm! Phi ôm con thật chặt, bảo:

-Út! Con hứa với Ba rằng con sẽ không nói lại với bất cứ người nào – kể cả Má – về những gì Ba đã nói với con, nha, Út. Con cũng không nên buồn; vì con buồn là Ba buồn. Con thương Ba, nghe lời Ba dạy, nha, Út!

Út gật đầu, bậm môi, quẹt nước mắt. Phi chưa kịp đứng lên, Út đã ôm lấy cổ Phi thật chặt như sợ Phi sẽ vuột đi!...

******

Suốt buổi ăn trưa tại một nhà hàng, trông Phi buồn lắm! Phi ít nói hơn mọi khi; nếu phải nói, giọng Phi đặc, nghèn nghẹn như cố nén từng khối u ẩn vào lòng! Phi cố tránh ánh nhìn của Hạnh. Hạnh cảm biết có điều gì rất khác thường; nhưng dự tính chiều về sẽ có nhiều thời gian để vợ chồng nói chuyện thêm.

Đưa Hạnh ra bãi đậu xe, như mọi khi, Phi mở cửa xe cho nàng. Trước khi Hạnh cho xe nổ máy, Phi nhìn Hạnh thật lâu, giọng âu yếm:

-Em trở lại đi làm đi. Anh không sao đâu.

-Sao anh trông có vẻ khác thường?

Bước nhanh về phía xe của chàng, Phi vừa quay lui vừa nói:

-Anh không sao. Bye, Hạnh!

Xe chạy từ từ, nhìn vào kính chiếu hậu, Hạnh thấy Phi vẫn ngồi im trong xe, dõi mắt theo nàng.

Chiều, đang sửa soạn bữa cơm tối cho gia đình, nghe tiếng chuông cửa, Hạnh bảo Út ra xem, nếu người quen thì mở cửa; người lạ thì không. 

Út chạy vào:

-Má, Má! Có ông Mỹ nào … “muốn” Má đó.

Hạnh vội tắt bếp, bước ra phòng khách, quên “chỉnh” Út về tiếng Việt “ba rọi”. Qua khung kính nhỏ, Hạnh ngạc nhiên khi thấy ông Sếp của Phi, vẫn còn mặc “đồ lớn”. Hạnh mở cửa, tươi cười:

-Hi, Jack! Ông mạnh giỏi chứ?

Vừa bước vào phòng khách Jack vừa đáp:

-Cảm ơn. Tôi vẫn khỏe. Hạnh và các cháu vẫn khỏe chứ?

Hạnh bắt tay Jack và đáp:

-Cảm ơn ông. Chúng tôi đều khỏe; còn Helen và Mark thì sao, thưa ông?

-Ô, cũng bình yên.

Hạnh chìa tay về phía xa-lông:

-Mời ông ngồi. Tôi nghĩ Phi đang trên đường về, không lâu đâu.

Jack ngập ngừng:

-Cảm ơn Hạnh. Tôi…tôi muốn nói chuyện với Hạnh.

-Thế à? Vâng, mời ông ngồi.

Vừa ngồi vào xa-lông Jack vừa nhìn quanh. Bất chợt thấy khung ảnh của Phi treo trên tường, Jack vội bước đến. Hạnh bước theo. Giọng Jack tò mò:

-Phi mặc quân phục trông khác quá! Ảnh này chụp bao lâu rồi? 

-Ảnh đó chụp năm 1972, sau khi Phi bị thương tại Chương Thiện.

-Phi bị thương nặng không?

-Nặng chứ! Nhưng đó không phải là lần đầu tiên và cũng chẳng phải lần sau cùng Phi bị thương…

 Hạnh dừng lại, vì thấy thái độ của Jack hơi khác thường, rồi tiếp:

-Jack! Ông cần gặp tôi có điều gì quan trọng lắm, phải không? Trông ông có vẻ bồn chồn/ sốt ruột. 

-Vâng, tôi có chuyện rất quan trọng muốn nói với Hạnh.

-Mời ông ngồi. Tôi nghĩ, ông nên chờ Phi về rồi hãy nói; bởi vì, dù chuyện gì ông nói với tôi, tôi cũng phải nói lại với Phi cả. Có lẽ kẹt xe cho nên Phi về trễ hơn mọi ngày. Nhưng tin tôi đi, Phi sẽ về bất cứ giây phút nào.

Với thái độ hơi vụng về vì xúc động, Jack vịn vai, từ từ đưa Hạnh đến xa-lông:

-Làm ơn ngồi xuống, Hạnh!

Hạnh ngồi vào ghế, nhìn Jack đăm đăm và linh cảm được điều gì đó rất mơ hồ. Jack nhìn Hạnh:

-Hạnh, nghe đây! Hạnh phải bình tĩnh và can đảm để nhận một tin rất quan trọng. Phi không về nữa!

Trong khi Hạnh giật mình, nghĩ rằng Phi bị tai nạn và đã chết thì Jack run tay lấy từ túi áo một phong thư. Trao bì thư cho Hạnh xong, Jack ngồi vào xa-lông đối diện, tiếp:

-Hãy can đảm, Hạnh! Phi đã chọn đúng đường của một thanh niên thời đại. Hạnh và các cháu nên chấp nhận để Phi yên lòng dấn thân cho lý tưởng.

Hạnh nghe u u bên tai như đang lên cơn sốt hoặc chính nàng không hiểu tiếng Anh! Hạnh đón lấy phong thư với trạng thái chối bỏ, như không tin lời Jack. Khi xé bì thư, thấy nét chữ của Phi, tay Hạnh run không thể cưỡng được! 

Hạnh em,

Chưa bao giờ anh xúc động như hôm nay, khi viết những dòng chữ này! Anh muốn viết nhiều và rất nhiều nhưng anh viết không được!

Đời anh đã gắn liền với binh nghiệm hơn 17 năm. Nay anh không thể an nhàn hưởng thụ mà quên đi những người bạn đã nằm xuống và đồng đội đang khóc hận chốn lao tù! Đoạn đường trai trẻ anh chưa hoàn thành được sứ mệnh đối với Tổ Quốc; đoạn đường còn lại anh nguyện sẽ lấy xác thân này – cùng với bạn hữu – dành lại Quê Hương mà csVN đã cưỡng đoạt. 

Năm 1975, anh đưa em đi trong vội vàng, sợ hãi; nhưng anh sẽ đón em về trong môi cười rạng rỡ và ánh mắt tin yêu.

Cầu nguyện cho Quê Hương, cho các bạn và cho anh, em nhé!

Anh,

Phi

Từ từ gấp lá thư lại, Hạnh nhíu mày, thở mạnh rồi dựa vào thành ghế. Im lặng! Một lúc sau, Hạnh ngẫng lên, nhìn chăm chăm vào khung ảnh của Phi. Và, thật bất ngờ, Hạnh tưởng như thấy được Phi bước lên chiếc PBR có nhiều ăng-ten cao; rồi từng chiếc, từng chiếc PBR rời bến, tiến về vùng lửa đạn. 

Trong khi hình ảnh đoàn PBR trở nên nhỏ dần, nhỏ dần thì tiếng hát xưa ngân lên văng vẳng trong bóng chiều và trong lòng nàng: 

“…Còn đây không gian xưa quen gót lầy… 

Ngồi nghe yêu thương xa tầm tay. 

Giữa tiếng ru trầm vào cơn  mê này…” (3)

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com


*.- Truyện này được sáng tác vào đầu thập niên 80 – cảm tác từ chuyện thật của một  sĩ quan Q.L./V.N.C.H.

1 và 3.- Rồi Mai Tôi Đưa Em của Trường Sa.

2.- Chiều, thơ của Hồ Dzếnh nhạc của Dương Thiệu Tước