2022/04/12


Bịn rịn bên cầu Bình Lữ*


Tô phở bình dân thay ly rượu chia tay

Tiển anh vượt ba đào rủi may 

tìm điều đánh mất!

Xa lìa mùa Xuân lọc lừa gian xảo

Rực lửa mắt em trìu mến hứa hẹn thủy chung chờ hỉ báo

Ta cùng đấp mộ nỗi đau 

vươn vai vói gọi trời cao!

 

Anh Tú

Một kỷ niệm của 1979

*Tại một xe phở trong hẻm gần cầu Bình Lữ,Vĩnh Long.


 

2022/04/08

 Truyện ngắn


MẢNH ĐỜI DI DÂN

Kết quả hình ảnh cho picture of mexicans


ĐIỆP MỸ LINH


Thấy gương mặt tiu nghỉu của Hector, Donald – chủ của Hector – tưởng Hector ngại sẽ bị mất việc, vội an ủi: 


- Chú em đừng có lo. Tôi sẽ trồng thứ khác và chú em sẽ có việc làm hoài hoài.


Biết Donald hiểu lầm, Hector chỉ cười, không đính chính. Hector buồn không phải vì Hector lo ngại bị mất việc; cũng không phải vì bà Irma – vợ của Donald – vừa qua đời mà chỉ vì Donald quyết định bán tất cả lan trong trại này với một giá thấp đến không ngờ. Donal không thể hiểu được tình cảm của Hector đã gắn bó với những giò lan trong mấy căn nhà ươm cây này như thế nào. 


Mỗi khi thay chậu hoặc chia những chậu lớn thành nhiều chậu nhỏ, Hector cũng cẩn thận giống như một bác sĩ giải phẫu. Hector mang bao tay, ngâm kéo, dao trong Alcohol, trước và sau khi dùng. Khi chọn được những nhánh khỏe mạnh, tươi tốt, Hector vừa cắt, tỉa vừa thầm thì với nhánh lan, bằng Anh ngữ “vụn” (vì lan được cấy, nuôi tại Mỹ): “Tôi đem bạn đến ngôi nhà mới của bạn, hãy gắng mà sống, tôi mong được thấy bạn trổ hoa vào mùa tới. Hoa của bạn thì tôi biết rồi, màu vàng vương giả, giữa đài hoa màu vàng nghệ, có những đường tua tua nho nhỏ và điều đặc biệt là bạn đơm từng chùm từ 10-12 đóa hoa chứ không phải một hoặc hai”. Nói xong, Hector cảm thấy vui vui trong lòng như chính chàng thấy được sự cảm nhận của nhánh lan. Xoay sang những nhánh già yếu, Hector vừa lượm bỏ vào bao rác vừa thầm thì: “Thôi, các bạn cũng như số kiếp con người của chúng tôi, khi già và bệnh tật, chúng tôi cũng bị cho vào một chỗ riêng, để rồi từ đó con người ‘đi’ dần vào cõi chết!”


Mỗi lần tưới lan, Hector thường để ý, thăm chừng những giò lan vừa được thay chậu. Khi nào thấy cuối mỗi rễ lan có một tý xanh xanh, nhòn nhọn, lớn hơn đầu bút chì một tý là Hector cười toe, tung vòi nước lên cao để nghe nước rơi lộp độp trên chiếc nón lưỡi trai và thấy những vệt nước sậm màu lốm đốm  trên chiếc T-shirt  trắng dán sát vào vùng ngực nở nang, lực lưỡng của chàng. Lần nào cũng vậy, Hector nói lớn: “Tôi biết mà, tôi biết mà, thế nào bạn cũng sống, sống mạnh. Tôi thương bạn quá!” Khi thấy một mầm lan vừa lu lú dưới gốc, như còn thăm dò ngoại cảnh, Hector cười lớn, nói: “Mọc nhanh đi, đừng sợ, mỗi tháng tôi sẽ xịt thuốc diệt sâu một lần để không có loài côn trùng nào hại bạn được cả.”


Cả mấy nhà lan nối tiếp nhau, không thể nào Hector biết được chàng có bao nhiêu giò lan; nhưng nếu giò lan nào đơm nụ, Hector lại biết ngay. Hector thường theo dõi, khi nụ hoa vừa chớm, chàng lấy cây tre nhỏ xíu, hoặc thỏi kim loại nhỏ cỡ một phần năm của chiếc đũa và một cái kẹp nhỏ bằng nhựa, hoặc một đoạn giây ngắn, kẹp cành hoa vào cây tre hoặc thỏi kim thoại theo một vị thế thuận tiện để giúp nụ hoa tăng trưởng một cách dễ dàng và khỏe mạnh; nếu không, nụ hoa sẽ bị lá che khuất ánh sáng, khiến nụ hoa èo uột, tăng trưởng không được, đôi khi nụ hoa phải chết. Khi thực hiện những động tác này, Hector nghĩ, những nụ hoa cũng như trẻ con, mình nên cẩn thận uốn nắn từ lúc còn thơ. 


Nhờ nuôi lan đúng tiêu chuẩn và chăm sóc với lòng thương yêu, lan của Hector trổ những chùm hoa rực rỡ, tươi đẹp nhất thành phố. Hector để ý, dường như sau mỗi lần trổ hoa, cây lan trông yếu hẳn, như người Mẹ vừa sinh con. Phải mấy tuần sau cây lan mới xanh tươi trở lại, để đâm chồi, sẵn sàng đơm hoa cho kỳ tới.


Lúc bưng từng giò lan đặt vào xe Van để Jannifer đem ra tiệm bán, Hector cảm thấy buồn buồn, vì nghĩ rằng sẽ không bao giờ chàng thấy lại những giò lan mà chàng đã chăm sóc từ khi vừa chiết ra từ Flash hoặc Community pots. Nhưng rồi Hector nghĩ, lan cũng như đàn con, đến một lúc nào đó, chúng nó cũng phải ra đời, vượt thoát vòng tay bảo bọc của Cha Mẹ. Ý nghĩ này giúp Hector vui trở lại để tiếp tục công việc mà chàng rất ưa thích.


Tình cảm của Hector đối với mấy trại lan này là như vậy, cho nên, khi nghe Donald quyết định “bán đổ bán tháo” mấy trại lan, Hector buồn quá đỗi; buồn hơn buổi tối chàng và Maria – chị của Hector – từ giã người Mẹ nghèo khổ ở Monterrey, tiểu bang Nuevo Leon, Mễ-Tây-Cơ, để đến Laredo tìm đường vượt biên giới sang Hoa-Kỳ.


Nhớ lại chuyến vượt biên giới Hector càng nhớ Mẹ và thương Mẹ. Năm nào đó, lúc Hector còn bé lắm, Mẹ dành giụm chỉ đủ tiền cho Juan – anh cả của Hector – vượt biên bằng đường hầm. Cơn mưa giông đến bất ngờ, nước lùa vào đường hầm, Juan và những người vượt biên chuyến đó đều chết. Mẹ đau khổ như một người điên. Thấy Mẹ đau khổ bao nhiêu anh chị em của Hector càng oán giận người Cha sa đọa bấy nhiêu!


Mấy năm sau, Mẹ chắt chiu được khá tiền hơn nên Mẹ lo cho Maria và Hector vượt biên bằng đường bộ. Tối hôm đó không trăng. Hector, Maria và Remundo – cậu của Hector – cùng nhiều người khác rời Lareno, đi theo người dẫn đường (Coyote), vượt qua sông Rio Bravo. May quá, mọi người qua được biên giới một cách yên lành. Nơi đây mọi người gặp một người dẫn đường khác; người kia ở lại bên kia biên giới để lo cho những chuyến sau. Lúc này Hector mới biết tụi Coyotes có đường giây hoạt động rất tinh vi và chu đáo. Người dẫn đường này đưa cả nhóm người về San Antonio, tá túc trong nhà xe của một người trong tổ chức; rồi từ đó mọi người sẽ tìm cách liên lạc với thân nhân hoặc người quen tại Mỹ.


Hector và Maria không quen biết ai, đành tìm đến nhà những người Mễ xin giúp đỡ. Riêng cậu Remundo, vì vợ và con sang trước, hiện ở Dallas, cho nên cậu được đưa về Dallas. Không ngờ, trên đường đi, khi đến trạm kiểm soát, Remundo bị...chó đánh hơi, vậy là Remundo bị bắt!


Ðang nghĩ ngợi miên man, Hector chợt choàng tĩnh vì tiếng bánh xe lăn trên con đường sỏi. Hector lầm bầm, không biết Donald đến hay là mấy người Việt-Nam đến mua lan.


Vừa dợm bước ra khỏi nhà lan Hector chợt nhận ra một chú rắn nhỏ chạy thật nhanh từ cửa vào. Hector chụp vội cái xẻn nhỏ, vừa rược theo chú rắn vừa lầm bầm: “Đồ xâm lăng, quân xâm lược. Giang sơn của chúng mày ở ngoài kia, chưa đủ sao. Bên trong này do công khó của thầy trò tao tạo dựng nên, bây giờ mày ‘nhảy’ vô đây chiếm đoạt hả? Không ai ưa được quân xâm lăng, mày biết không?” Lầm bầm đến đây Hector chợt cười vang. Thì ra Hector đến đây cũng là một hình thức xâm lăng - không khí giới - dù phần đất này xưa kia thuộc lãnh thổ của Mễ-Tây-Cơ. 


Giết xong chú rắn, Hector dở nón lưỡi trai, vuốt những dòng mồ hôi trên trán, nghĩ tiếp. Người Mỹ không muốn có nhiều con; người Mễ sinh sôi nẩy nở nhanh và nhiều như nấm, lại được chính phủ Hoa-Kỳ giúp đỡ nuôi con, biết đâu, một ngày nào đó người Mễ sẽ “chiếm” lại lãnh thổ này mà không cần đến vũ khí. Hector đang cười vì ý nghĩ ngộ nghỉnh – nhưng có thể sẽ xảy ra trong tương lai – chợt nghe tiếng Donald tằng hắn. Hectro cầm chiếc xẻn có con rắn chết, đi ra. Donald bảo:


- Kỳ tới đặt mua các thứ thuốc giết sâu bọ, chú mày nhớ ghi thêm thuốc trị rắn. Chú mày chỉ cần rải thuốc ngang cửa là rắn không thể vào, vì chung quanh các nhà lan đều che kín cả.


Donald chỉ hỏi Hector  qua loa về mấy nhân công mới xem họ làm việc như thế nào rồi Donald đi.


Hector gọi Cindy – cô công nhân mới – bảo cô ấy tưới nhà lan số 5. Cindy hỏi:


- Còn mấy nhà kia?


- Thằng Andy và con nhỏ Margie lo. 


Cindy quay lưng, Hector gọi giật lại “Cindy”. Cindy quay lui. Hector tiếp:


- Cô nhớ tưới đúng như tôi đã chỉ cho cô. Vòng đầu tiên, tưới nước trước; vòng thứ nhì mới hòa phân vào nước mà tưới. Nhớ tưới chầm chậm, tưới đều tay, cả vòng đầu lẫn vòng thứ nhì. Ði làm đi kẻo trễ. Cô phải nhớ, không được tưới lan sau 12 giờ trưa, nếu là mùa Đông; không được tưới sau 4 giờ chiều, nếu là mùa Hạ


Cindy nheo mắt cười, khoe chiếc răng bịt vàng hình trái tim. “Yes, boss.”  Mỗi khi nghe nhân công gọi chàng bằng “sếp”, Hector cười, nhưng lòng lại buồn buồn vì chợt nhớ những ngày mới đến Mỹ. 


Những ngày đầu tiên đó, Hector theo các bạn cùng chủng tộc, ngồi tụm năm, tụm ba tán gẩu trước Home Depot hay một tiệm tạp hóa, hoặc ngã tư đông xe cộ, trong khi chờ người ta đến “tuyển lựa”, đem về nhà làm việc lao động. Khi thấy một chiếc xe trờ tới, giảm tốc độ, Hector cùng các bạn ngưng ngang câu chuyện, ùa nhau đến vây quanh chiếc xe. Ðứa nào cũng cố dán mặt vào cửa kính để người trong xe dễ nhìn thấy; vì chủ xe không bao giờ giám hạ kính xuống trước một đám đông thanh niên sống không hợp pháp như Hector. Khi chủ xe đưa tay chỉ mặt một đứa nào rồi thì cả đám mới từ từ rời xe và chủ xe hạ kính xuống, mà cả tiền nong với đứa đó. Thường thường Hector và các bạn chỉ đòi hơn lương tối thiểu tý đỉnh thôi, miễn làm được nhiều giờ. Nhiều ông bà dễ giải, “bốc đại” thằng đó; nhiều ông bà khó tính, chọn thằng khác rẻ hơn.


Chủ đầu tiên của Hector trên phần đất giàu có này là vợ chồng người Việt-Nam; vợ tên Mai. Họ thuê Hector làm sân vườn. Hector vui lắm, vì Hector rất thích cây cỏ. Trong lúc nhổ cỏ dại, Hector thấy hai thanh niên cao lớn đi ra. Trưa, lúc Mai trao phần ăn trưa cho chàng, Hector hỏi về hai thanh niên đó. Mai cho biết hai người đó là con của nàng. Chiều, trong khi Mai vào nhà lấy tiền trả cho Hector, Hector rửa tay, rửa mặt nơi ống nước bên hông nhà.


Lúc đó bà hàng xóm của Mai, người cùng chủng tộc với Hector – tên Irma –

sang nói chuyện với Hector. Hector tò mò, hỏi Irma, gia đình Mai có hai người con trai khỏe mạnh tại sao không bảo hai người đó giúp mà lại thuê người làm chi cho tốn tiền. Irma bảo rằng đôi  khi nói chuyện với mấy người con của Mai, Irma cũng hỏi họ một câu tương tự như vậy. Và họ trả lời: “Chúng ta, nếu có điều kiện và hoàn cảnh cho phép, hãy chia sớt công việc cũng như sự thành công của mình cho những người kém may mắn hơn mình. Bà thử nghĩ, năm 1975, gia đình tôi đến Mỹ, nếu tất cả người Mỹ cũng dành làm tất cả mọi công việc của họ thì công việc đâu cho Cha Mẹ của chúng tôi làm để nuôi chúng tôi?” Hector cười, khen gia đình Mai là người tốt. Irma gật gù, đồng ý.


Mai trả tiền, khen và cảm ơn Hector rối rít. Irma gật gật đầu ra vẻ đồng ý với Mai. Và Irma thuê Hector ngay chiều hôm đó, vì bà để ý, thấy Hector khỏe mạnh, làm việc siêng năn.


Ðó là lần đầu tiên Hector có sự liên hệ với người Việt-Nam – mà chàng thật tình không biết được nước Việt-Nam nằm ở đâu trên quả địa cầu này! Hôm đó Hector nghĩ có lẽ sự liên hệ giữa chàng với người Việt sẽ chấm dứt vào buổi chiều sau khi chàng nhận tiền công; không ngờ, sau này Maria lại yêu và lấy Ðại, một thanh niên Việt-Nam, làm chồng.


Khi được Maria giới thiệu với Ðại, Hector không mấy thích Ðại; vì thấy Ðại có vẻ đỏm dáng. Về đến chung cư, Hector khuyên Maria nên tìm một người thật thà, chí thú làm ăn mà kết hôn. Maria biện luận nào là Ðại cũng chí thú làm ăn, học hành; Ðại vượt biển đến đây cho nên Ðại cũng là một di dân như Hector và nàng thì tâm trạng cũng giống nhau, dễ cảm thông. Ðại cũng như chị em nàng, chắt mót từng đồng gửi về quê cũ giúp gia đình. Maria còn kể rằng, lúc đầu nàng cũng không để ý đến Ðại, vì vấn đề ngôn ngữ. Anh ngữ của Ðại không khá mà Anh ngữ của Maria cũng chỉ đủ để làm trong bếp cho nhà hàng Taco Bell thôi; cho nên khi gặp nhau rất khó diễn đạt tình cảm. Nhưng Ðại rất kiên nhẫn theo đuổi Maria. Khi Maria xiu lòng, chịu đi chơi với Ðại thì ngay ngày hôm sau, Ðại đến đón nàng tại Taco Bell, chỉ cho nàng xem bảng số mới của chiếc xe Ðại làm chủ: 2 of US. Maria không biết rằng Ðại bắt chước ý của bản nhạc Just The Two of Us của Bill Withers cho nên Maria xúc động nhiều. Ðại còn bảo rằng, nếu hai người thành vợ chồng, chàng muốn có thật nhiều con; vì các con sẽ xinh đẹp giống Maria và có nhiều con Maria sẽ không thể bỏ Ðại để theo thằng khác.


Hector than thầm. Ðại chinh phục một cách kiên nhẫn và tinh vi như vậy thì làm thế nào người chị quê mùa, hiền thục và kém học thức của chàng có thể “thoát” được!


Khi Maria sinh đứa con đầu lòng, Ðại đặt tên là Loan. Maria và Hector thực tập hoài mà cũng không nói được, đành đặt lại là Cynthia. Hector bồng bế, vui đùa, chả chớt và hát ru Cynthia bằng những lời ca mộc mạc đồng quê (Nortena) mà Hector đã bắt chước Ramon Ayala – một thiên tài dân ca và cũng là một “tay” Accordéon không đối thủ của Mễ-Tây-Cơ – từ khi Hector còn bé. Hector tự hứa rằng, đến năm Cynthia mười lăm tuổi, Hector sẽ may cho Cynthia chiếc áo đầm màu hồng tuyệt đẹp và chàng sẽ tổ chức một lễ Quincenera thật linh đình và thế nào cũng mời Mẹ sang tham dự. 


Nghĩ đến Mẹ Hector lại thấy buồn và nhớ Mẹ, nhớ nhà, nhớ anh chị em và những đứa cháu nghèo khổ. Hector cũng nhớ cả ngọn núi Cerro de la Silla hùng vĩ. Hector nhớ, ngày còn sống với Mẹ, thỉnh thoảng nhìn ngọn núi có hình dáng tựa như yên ngựa, Hector than thầm, ôi, Cerro de la Silla hùng vĩ! Ôi, Monterrey yêu kiều, hoa lệ, tràn ngập ánh sáng, nhưng sao Mẹ và anh chị em của chàng cứ mãi hoài sống đời lầm lủi, tối tăm!


Từ ngày sang Mỹ, cuộc đời của Hector  dường như bớt tối tăm; nhưng cuộc đời của Maria như thế nào Hector không rõ lắm. Hector chỉ nhận thấy Maria sinh năm một cho nên thân người của nàng không còn những đường nét quyến rũ như trước. Maria và Ðại thường đôi co. Nhiều khi hai người giận quá, Maria chửi bằng tiếng Tây-Ban-Nha và Ðại chửi bằng tiếng Việt. Và Ðại thường vắng nhà. Càng ngày Hector càng thấy những dấu hiệu buồn khổ trên gương mặt phúc hậu của Maria càng đậm nét. Hector tự hỏi, phải chăng Maria đang bước dần vào những vết chân buồn thảm của người Mẹ mà chàng đã bỏ lại bên kia biên giới? 


Lúc Cynthia hơn hai tuổi mà vẫn chưa biết nói, cả Maria, Ðại và Hector đều lo. Donald và Irma buộc Maria phải đem Cynthia đi bác sĩ.


Trong khi khám bệnh, bác sĩ hỏi Maria, ở nhà dùng sinh ngữ nào để nói chuyện với Cynthia? Maria đáp, nàng và Hector nói tiếng Spanish, Ðại nói tiếng Việt, nghe nhạc và nghe radido Việt-Nam. Khi cả ba người ăn cơm chung thì cả ba đều nói tiếng Anh. Bác sĩ bảo nên chọn chỉ một ngôn ngữ để nói khi có sự hiện diện của Cynthia và bác sĩ khuyên nên chọn Anh ngữ. Ðại gật đầu, tán đồng. Nhưng khi về đến nhà Ðại không cho Cynthia học nói bất cứ sinh ngữ nào cả; chàng chỉ dùng tiếng Việt để dạy Cynthia cũng như dạy em của Cynthia.


Hector không thể phản đối, vì Cynthia không phải là con của chàng. Maria không thể thuyết phục Ðại, vì Maria là một người đàn bà hiền và Ðại lại là một người đàn ông thiếu lương thiện. Sự thiếu lương thiện của Ðại được Maria giữ kín, không dám cho Hector biết.


Riêng Hector, Hector không ghét Ðại nhưng Hector cũng không thích Ðại; vì Hector linh cảm như có điều gì không ổn giữa Ðại và Maria. Hector chỉ cảm thấy vui vui khi Ðại dạy chàng những “danh từ của đàn ông” bằng tiếng Việt. Thời gian này, nhờ đã theo học các lớp Anh-văn  miễn phí tại nhà thờ, Hector nhận xét số vốn Anh ngữ của Ðại cũng chẳng hơn gì chàng. Rồi Hector nhíu mày, suy nghĩ, Anh-văn của Ðại như vậy mà làm thế nào Ðại theo học đại học và tốt nghiệp kỹ sư? Thắc mắc này Hector giấu kín, không nỡ hỏi Ðại mà cũng không dám thố lộ với Maria. Vả lại, thấy đàn cháu đứa nào cũng mủm mỉm, kháu khỉnh, dễ thương, lại có thể nghe và hiểu ba thứ tiếng, Hector nghĩ rằng, dù Ðại là kỹ sư hay là một công nhân thì cũng chẳng có gì quan trọng. Ðiều quan trọng là Ðại có xứng đáng là một người cha của đàn cháu của Hector hay không.


Như bằng lòng với ý nghĩ của chính mình, Hector mỉm cười một mình, bước ra chỗ mấy người đang dời lan từ nhà số 6 sang nhà sối 8, gọi người ra mở cổng, vì đúng giờ mở cửa trại lan.


Từ ngày trại lan mở cổng bán sale, Hector không thể nhớ được bao nhiêu người Việt-Nam đặt chân đến trại lan này. Thành phần mua nhiều lan của trại này là những nhân vật ồn ào, đi xe đắt tiền. Thỉnh thoảng Hector cũng thấy vài người Việt lớn tuổi, trông điềm đạm, chửng chạc, dáng vẻ trí thức. Nhiều khi những người khách lịch sự này đến hỏi Hector về phương pháp trồng lan. Hector vui vẻ trả lời theo sự hiểu biết và kinh nghiện của chàng khi nuôi những loại lan mà chàng bán, chứ chàng không đủ thời gian và kiên nhẫn để giải đáp cho tất cả các loại lan khác.


Sau khi chỉ dẫn, Hector kết luận, những điều mà chàng thưa với khách hàng là do sách vở cũng có, do kinh nghiệm cũng nhiều, nhưng tất cả không phải là tiêu chuẩn. Hector quan niệm rằng, mỗi trại lan cũng như một gia đình. Không một gia đình nào, dù anh chị em ruột, có thể sinh hoạt, nuôi dạy và thương yêu con cái giống như một gia đình khác. 


Mọi người vỗ tay và cảm ơn Hector. Nhân lúc mọi người vui vẻ, Hector hỏi dò:


- Ngày Một tháng Năm này quý ông bà có tham dự cuộc biểu tình phô trương “lực lượng” những người di dân không? 


Ông đeo kính cận, cười, lắc đầu, đáp : “Không.” Hector ngạc nhiên:


- Tại sao? Ông không phải là di dân sao? Ông sinh tại Mỹ à?


Người ấy lại cười và lắc đầu. Hector tiếp:


- Vậy tại sao ông không đi? Tôi xin mời quý ông bà tham dự với chúng tôi.


Một người khác, cũng dáng vẻ chững chạc, đáp:


- Chúng tôi không đi vì chúng tôi là di dân hợp pháp.


Hector hơi buồn lòng:


- Hợp pháp hay không hợp pháp thì cũng là di dân. Chúng ta hãy bênh vực quyền lợi cho di dân. Ô, mà trong số quý vị có vị nào xem phim A Day Without A Mexican chưa? Ðó là một phim mà di dân – hợp pháp hay bất hợp pháp – cũng nên xem để thấy sức mạnh của “lực lượng” di dân. Và rồi quý ông bà sẽ thấy, trong cuộc biểu tình vĩ đại này sẽ có vạn vạn di dân hợp pháp.


Ông mang kính cận vỗ vai Hector, bảo:


- Tôi lấy một tỷ dụ như thế này thì bạn hiểu lý do tại sao chúng tôi không tham dự biểu tình, nhé!


Hector cười, “Ok”. Biết Hector không có trình độ văn hóa cao, người ấy lấy một thí dụ dễ hiểu nhất để giải thích:


- Giả dụ như chúng tôi chạy trốn cộng sản, gặp bạn, bạn đem gia đình chúng tôi về nhà cho tá túc. Sau đó bạn giúp chúng tôi tìm việc làm, cho con của chúng tôi đi học. Rồi đến một lúc nào đó, giữa bạn và chúng tôi có những bất đồng, không lẽ chúng tôi giăng bảng ngoài đường để phản đối bạn?


Nghe người này nói phải, Hector tiu nghỉu:


- Cảm ơn ông đã cho tôi ý niệm đó. Còn người em rể của tôi, một người Việt-Nam, khi nghe tôi rủ tham dự ngày biểu tình, nó đáp: “Tụi bay là tụi ‘xì’, qua Mỹ kiếm cơm; còn tao vượt biển tìm tự do. Tao đi tỵ nạn chính trị. Tao có lý tưởng, có chính nghĩa chứ không vì miếng cơm manh áo như tụi bay.”


Cả nhóm người cùng “ồ” lên, tỏ vẻ không hài lòng về câu nói của Ðại mà Hector vừa lập lại. Hector cũng buồn trong lòng nên lấy chiếc nón lưỡi trai đội lên, bước ra xem “tình hình” các nhà lan khác.


Hector đi vòng vòng, nhớ lại, cách nay chỉ vài tháng, từ cửa nhà lan số 1 nhìn vào, Hector thấy Phalaenopsis nỡ rộ nhiều màu và hương thơm thoang thoảng trong không gian yên lặng. Hector thương nhất là mấy giò Hybrid Doritaenopsis Fire Craker màu tim tím, hình cánh sao, đường kính khoảng 2-3 inches, năm hoặc sáu cạnh, lip hơi đậm hơn một tý, có nhiều vân trăng trắng, giữa đài hoa có nhụy trắng; hoa của loại lan này mọc san sát nhau thành một chuỗi dài và rất lâu tàn. Nơi góc phải của nhà lan số 2, giò Dendrobium Teretifolium hiếm quý, lá dài và thon như trái đậu đũa. Loại lan này nở từng chùm, hoa trắng, nhiều cạnh; mỗi cạnh nhỏ và dài khoảng 2-3 inches, mùi thơm thoang thoảng, ngọt ngào. Và “thằng” Cattleya mà Donald pha giống giữa C. Sir Jeremiah Coleman Bleu và B. Digbyana, đơm từng chùm hoa màu hồng, năm hoặc sáu cạnh, lip màu vàng ưng ửng hồng. Chung quanh lip có nhiều đường tua tủa ngắn như hình răng cưa, rất nhỏ, giữa đài hoa màu vàng. “Thằng” này thơm dìu dịu, phản phất mùi Nuit D’orient. 


Bây giờ, không biết mấy “thằng” đó sống chết như thế nào, có được chăm sóc như lúc chúng nó còn ở đây hay không! Hector buồn buồn gom những giò lan già, chết vào một chỗ và những giò lan èo uột vào một chỗ.


Nhìn sự tàn tạ của những nhà lan, Hector buồn quá và tự dưng chàng không muốn làm việc tại đây nữa, dù chàng đã được Donald cho biết kế hoặch trồng trọt mới. 


Chiều đã xuống nhưng hơi ẩm trong nhà lan vẫn còn nồng. Hector lấy nón lưỡi trai xuống, phe phẩy trước mặt. Donald bước vào. Hector trao trọn cho Donald số tiền bán lan ngày hôm đó. Chẳng cần đếm, Donald nhét đại số tiền vào túi quần Jeans, vì Donald hoàn toàn tin tưởng Hector. Donald lấy từ túi quần bên kia một số tiền rất ít oi – so với số tiền Hector bán lan trong ngày – trao cho Hector. Hector cười, nhận tiền lương, cảm ơn Donald. Donald vỗ vai Hector:


- Chú mày về nghỉ sớm đi, để tôi trông chừng mấy đứa kia bán lan cũng được.


Sau khi Hector cho xe nổ máy, Donald vẫy tay, nói lớn:


- Gặp chú mày sáng mai.


- Có thể. Có thể không.


Donald nhíu mày, vì Hector ít khi bông đùa:


- Tại sao lại có thể? Chú mày muốn nói gì đó?


- Tôi chưa quyết định được ngay bây giờ. Nhưng tôi cho ông hay rằng nhìn sự tiu đìu xơ xác của trại lan tôi chịu không được!


Biết Hector là một người giàu tình cảm, Donald bước đến gần, vỗ vai chàng:


- Tôi biết chú mày làm việc rất cực nhọc, nhiều khi tinh thần căn thẳng. Thôi, chú mày về nghỉ khỏe, mai mấy giờ vào cũng được.


Trên đường lái xe về nhà, Hector nghĩ, mai chàng sẽ đi tìm việc khác. Nhưng Hector lại nghĩ, trại lan này rất gần nhà và không xa trường học của các cháu. Donald lại tin tưởng chàng, dễ giải mọi điều, nhờ vậy, vào những hôm Ðại không có mặt ở nhà, Maria nhờ Hector đưa các cháu đi học và chiều đón về, Hector không bị phiền phức gì cả. Chỗ làm mới không biết người sếp có dễ giải và thì giờ có thuận tiện cho chàng đưa đón các cháu hay không. Vừa nghĩ đến đây Hector chợt nhớ đến kỳ gửi tiền về biếu Mẹ, vội quẹo xe vào vào Walmart, đến quày Money Gramme.


Vừa lái xe về nhà Hector vừa huýt sáo một phân đoạn của bản dân ca; vì chàng đang vui khi nghĩ đến nụ cười của Mẹ lúc Mẹ nhận được tiền. 


Niềm vui của Hector vụt tắt khi chàng mở khóa, bước vào nhà. Maria ôm chầm lấy chàng, khóc lớn:


- Hector. Chị chết mất, em ơi!


Hector nhìn quanh, hoảng hốt, nghĩ rằng Ðại lại say rượu, đánh đập Maria và mấy đứa cháu:


- Mấy đứa nhỏ đâu rồi? Ðứa nào bị cái gì? Ai hại tụi nó? Chị cho em biết ngay, em sẽ “dộng” cho người đó một trận nên thân.


Nói xong Hector mới nhận biết được rằng chàng đã thật sự thương yêu đàn cháu như con ruột của chàng. Maria thấy Hector nổi nóng, vội ngưng khóc:


- Không phải mấy đứa con của chị mà là thằng chồng của chị.


- Ủa, Ðại bị cái gì?


- Chuyện dài lắm, em ơi! Ðại đã đem người yêu từ Việt-Nam sang đây.


- Giỡn hoài. Chị là vợ chính thức, có hôn thú, làm thế nào Ðại có thể bảo lãnh cho bồ của Ðại sang được?


Maria òa khóc khiến mấy đứa bé từ trong phòng ùa ra, vây quanh.


- Chị ngu quá nên tin lời thằng Ðại. Nó biểu làm sao chị nghe làm vậy. Về sau hiểu ra thì muộn rồi, em ơi!


- Không muộn màng gì hết. Chị cứ đem hôn thú và dẫn đàn con của chị xuống văn phòng di trú khiếu nại.


- Chị đâu có hôn thú với Ðại.


Hector giật mình : “Hả?” Maria lập lại. Hector giận quá, hét lớn:


- Em nhớ hồi đó chị có làm hôn thú với Ðại mà.


- Có. Chị đã làm hôn thú với Ðại. Nhưng mà, em ơi, hôn thú chỉ là tờ giấy thôi. Chị cần tình yêu. Chị chỉ muốn chiếm tình yêu của Ðại chứ chị không cần tờ giấy đó.


- Rồi. Chị đã làm hôn thú với Ðại, tại sao bây giờ chị bảo chị không có hôn thú?


- Sau khi Cynthia ra đời, Ðại buộc chị ly dị giả để chị và Cynthia xin trợ cấp và nhà của chính phủ. Chị đi làm lãnh tiền mặt.


Hector giật mình. Thảo nào mỗi tháng Hector chung tiền để trả tiền thuê nhà, Maria từ chối. Hector giận, trợn mắt:


- Ðại nói nó là kỹ sư, một người có học thức mà hành xử như vậy sao?


- Nó là thợ làm móng tay chứ không phải là kỹ sư. Chị biết ngay từ đầu, nhưng chị yêu nó nên không giám nói với em, ngại em sẽ không tán thành cuộc hôn nhân của chị và nó.


Hector gải đầu, gải tai, nhăn mặt một cách khổ sở. Ngày tiễn chị em chàng lên đường, Mẹ cứ vừa thút thít vừa vuốt tóc Maria: “ Con đẹp quá, ở lại đây con chỉ gặp mấy thằng rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm thôi; sang bên đó con cố tìm một người chồng, nghèo cũng được, nhưng biết thương yêu, chăm sóc con.” Vậy mà bây giờ... Hector bức rức, chưa biết phải hành động như thế nào thì Manuel – con thứ năm của Maria và Ðại – tay ôm Teddy Bear màu nâu, chạy đến, sà vào lòng Hector. Hector ôm hôn Manuel, nhìn Maria:


- Nguồn tin chị biết chính xác được bao nhiêu phần trăm?


- Chị đã theo dõi, biết chỗ hai đứa nó ở. Chiều nay, lúc Ðại về, chị cật vấn Ðại và Ðại xác nhận. 


- Ðây không phải là Trung-Ðông!


Maria tức tưởi khóc. Hector tiếp:


- Em nghĩ thủ tục đem người hôn phối từ nước ngoài vào Mỹ đòi hỏi thời gian, vậy mà tại sao đến bây giờ chị mới biết?


- Chị ân hận là đã giấu em. Tha thứ cho chị, nha, Hector!


- Em không trách gì chị đâu. Chị hãy nói hết cho em nghe. Em sẽ giúp chị. Chị phải nói ra, đừng để trong lòng rồi đau khổ như Mẹ.


- Sau khi chị ly dị giả với Ðại, Ðại thuyết phục chị để Ðại đem Vân, người vợ cũ và hai đứa con từ Việt-Nam sang.


- Nó có vợ bên Việt-Nam rồi à? Vậy tại sao chị không bỏ nó ngay lúc đó? 


- Chị yêu Ðại quá mà! Vả lại, phụ nữ Mễ cũng gần giống như phụ nữ Á-Ðông, chỉ biết chung thủy và chịu đựng. Hơn nữa, Ðại bảo con nào cũng là con; nhưng mấy đứa con của chị thì sung sướng, đầy đủ, còn hai đứa con của Ðại bên Việt-Nam thì thiếu thốn, nghèo khổ, xin chị cho phép Ðại đem qua đây làm phước. Ðại hứa chỉ thương yêu một mình chị thôi. Người vợ cũ sang thì cũng ở riêng, tự lo lấy. Nhưng khi Vân và hai con sang đến đây, Ðại cứ đi đi về về. Chị khổ tâm lắm vì tình yêu bị chia xẻ. 


Sau một thời gian dài, chị tưởng chị không thể chịu đựng được nữa thì Vân ly dị Ðại. Chị hơi mừng, hy vọng Ðại sẽ trở về hẳn với chị. Không ngờ Ðại vẫn thường xuyên vắng nhà. Gần đây Vân mới cho chị biết rằng, sau khi đem Vân và hai con sang Mỹ được một thời gian theo luật định, Ðại năn nỉ Vân ly dị để Vân xin trợ cấp của chính phủ Mỹ và Ðại sẽ làm hôn thú giả với một bà nhà giàu bên Việt-Nam - mà Ðại quen được trong những lúc ra Internet Café, lên “mạn”, chat - để nhận tiền. Mười ngàn đô-la cho một người đàn bà độc thân; nếu người đàn bà đó có con thì cứ thêm mỗi đứa năm ngàn đô-la. Bà này có hai đứa con. Ðại hứa, sau khi ba mẹ con bà này sang Mỹ, Ðại nhận hai mươi ngàn đô-la thì Ðại sẽ chia cho Vân mười ngàn. Nhưng sau khi ba mẹ con bà ấy sang đây, Ðại không chia tiền cho Vân mà Ðại lại sống chung với bà ấy, cho nên Vân uất, mới cho chị hay.


- Bây giờ sự việc đã như vậy, ý chị muốn như thế nào?


- Chị muốn tìm bà nhà giàu này, “làm” cho bà ấy một trận.


- Chị đừng ghen quá hóa dại như bà Lisa Nowak.


Câu chuyện ghen tương của phi hành gia Lisa Nowak được loan truyền trên radio và dài truyền hình Mễ cho nên Hector và Maria biết. Nghe em nhắc lại, Maria tức cười, ngưng khóc.


- Em nghĩ chị nên hành động như thế nào?


- Chị nên tự hỏi lòng chị xem chị còn yêu được một người đàn ông gian xảo như Ðại hay không? Và chị có muốn sống một cuộc đời buồn thảm giống Mẹ hay không?


Maria trầm ngâm suy nghĩ. Vì con đông, Maria không thể đi làm. Nàng chỉ nhận lau nhà, lãnh tiền mặt, vào những ngày cuối tuần, nhờ Hector ở nhà trông cháu. Thỉnh thoảng, chỉ khi nào Ðại muốn ở lại nhà để được Maria săn sóc và vui thú ái ân, Ðại mới ngọt dịu với nàng và đưa nàng một hai trăm đô-la. Maria chịu đựng được sự thiếu thốn, nghèo khổ; nhưng Maria không thể chịu được khi Ðại cứ lường gạc nàng và dùng những lời lổ mảng, không lễ độ để nói với chị em nàng. Và Maria cũng không thể chịu được khi Ðại cứ khoe ẩu chàng là một người có văn hóa cao, làm nhiều tiền, giao tiếp toàn giới trí thức và những người có chức phận. Maria nhìn Hector:


- Tình yêu trong chị đã biến thành thù hận. Chị muốn bầm xé thằng Ðại ra muôn mảnh chị mới vừa lòng.


- Tại sao chỉ vì một người đàn ông quỷ quyệt mà chị phạm tội? Không đáng! Ðời của chị còn dài. Vấp ngã một lần không phải là tận cùng.


- Ðời chị kể như bỏ rồi. Chị chỉ mong nuôi dạy được năm đứa nhỏ nên người.


- Em sẽ giúp chị nuôi các cháu. 


Maria mủi lòng, tựa đầu vào vai Hector, vừa khóc vừa nói:


- Chị cảm ơn em. Chị chỉ mong từ nay thằng Ðại đừng vác mặt đến đây nữa.


- Thật tình chị không muốn thấy mặt Ðại nữa hay sao?


- Lúc chiều Ðại nói với chị: “Ờ, tao vậy đó, bên xứ tao đàn ông năm thê bảy thiếp. Mày không chịu thì thôi. Mày dám bỏ tao hay không? Mày bỏ tao, thằng nào dám ‘cõng’ năm ‘cục nợ’ đó cho mày?” Chị cảm thấy bị nó xúc phạm nặng nề. Chị đuổi nó đi và chị bảo không bao giờ chị muốn thấy lại nó nữa. Nhưng Ðại sẽ trở lại, chị biết, vì năm “cục nợ” này.


Hector nói nhỏ với Maria:


- Có các cháu ở đây, chị không nên gọi các cháu là mấy “cục nợ”.


- Tiếng “cục nợ” là do Ðại nói chứ đâu phải do chị.


Hector im lặng, thở dài não nuột. Những lời của Ðại cũng độc ác không kém gì những lời của người Cha đam mê tửu sắc, bỏ Mẹ và anh chị em của chàng đói khổ suốt bao nhiêu năm dài!


Lúc chiều, thấy cảnh tàn tạ của trại lan, bây giờ biết rõ sự đau khổ của người chị thân yêu và sự thiếu may mắn của đàn cháu, Hector cảm thấy chàng không còn một lý do nào để sống trong thành phố này nữa. Chàng chỉ muốn đi xa thật xa, đến một nơi nào đó để tìm một cuộc sống an lành, đạm bạc nhưng chân thật và tràn niềm vui. Ý tưởng này cũng giống như ý tưởng của thằng bé Hector năm nào khi nó đi bộ trong sa mạc từ làng Laredo đến sông Rio Bravo.


Giọng Hector buồn buồn:


-Theo những gì chị nói với em, em nghĩ Ðại không xứng đáng là cha của mấy đứa này; bởi vì Ðại từ chối trách nhiệm bằng cách để đàn con của Ðại cho chính phủ nuôi, còn Ðại thì đi xe BMW mui trần, nay về Việt-Nam du lịch, mai đi Lake Charle, mốt đi Las Vegas. Ðó là ý nghĩ của em; còn chị, chị phải suy nghĩ và nhận định xem Ðại có xứng đáng là cha của các cháu hay không.


- Ðại chỉ biết sống cho Ðại và bất cứ điều gì có lợi và thỏa mản bản tính thiếu tự tin của Ðại thì Ðại làm. Bởi vậy bây giờ chị mới sáng mắt ra và chị không muốn thấy mặt Ðại nữa.


- Nếu chị quyết định như vậy thì chị em mình và mấy đứa nhỏ đi, đi xa, để Ðại không thể tìm ra.


- Ði đâu?


- Ði lên nhà mà hồi mới sang họ cho mình ở tạm sau khi mình rời nhà xe của tụi tổ chức vượt biên đó.


- Rồi sao?


- Tạm vài ngày rồi mình thuê chung cư ở và tìm việc làm. 


- Ý kiến hay. Nhưng...


- Chị đừng lo. Em mới lãnh lương. Em cũng để dành được ít tiền. Mình thừa sức bắt đầu một cuộc sống mới.


- Khi nào mình đi?


- Ngay tối nay; có như vậy Ðại mới không thể tìm ra.


Như tìm được lối thoát, Maria vui hẳn lên, thúc các con thu dẹp quần áo sách vở và đồ chơi. Maria và Hector chọn những gì đáng mang theo, đem ra xe Van của Hector.


Sau khi các cháu vào xe, thắt nịt an toàn, Hector dùng điện thoại di động gọi Donald, báo tin chàng không làm việc cho Donald nữa.


Trong khi lui xe ra khỏi sân nhà - dù là nhà do chính phủ cấp - tình cảm của Hector cũng buồn buồn, giống như lúc chiều, khi rời trại lan.


Chiếc xe chạy dọc theo con đường quê im vắng. Nhiều mái nhà lụp xụp, những chiếc xe cũ kỷ và những vườn trồng hoa màu thấp thoáng trong ánh đèn khiến Hector nhớ nhà, nhớ quê đến muốn khóc! Tự dưng Hector muốn lái xe thẳng đến biên giới để trở lại quê xưa. Tình cảm của Hector lúc này cũng không khác gì những lúc Hector vô tình nghe một đoạn dân ca Hoa-Kỳ:


“... Country roads, take me home, 

to the place I belong... 

Take me home, contry roads…” (1) 


Hector thở dài. Như muốn gây niềm vui cho chính mình và cũng để an ủi người chị thiếu may mắn, Hector bảo:


- Chị nghĩ đi, chuyến vượt biên giới lần trước, chị em mình không có gì cả. Tiếng Anh chỉ biết yes hoặc no thôi; vậy mà chị em mình vẫn sống. Còn chuyến vượt biên giới (thành phố) lần này, mình có xe, mình có tý tiền, điều quan trọng hơn cả là chị em mình có năm “nhóc tỳ”. Mình lời quá! Phải không các cháu?


Như vạn vạn lần trước, mỗi khi nghe Hector hỏi “phải không”, mấy đứa bé không cần hiểu Hector hỏi điều gì, nhưng lại biết Hector cần “đồng minh”, cho nên cùng nhau reo lên “Yeah, Tio.”


Maria và Hector nhìn nhau, cười./. 


ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com

(1) Country Roads của John Denver.


2022/04/07

 

Ukraine-Russia War 2022

VẨN VƠ   


Chừng như đông vẫn còn đây

Bám lấy cành rũ cỏ sầu mõn hơi

Mây xám phủ kín bầu trời

Tuyết mưa chen lấn giành rơi xuống trần!

Bao giờ rõ nét mùa xuân

Để thanh bình được ươm mầm nở hoa?


Anh Tú

April 07, 2022

(@Đông Bắc Hoa Kỳ khi Russia còn tàn phá Ukraine)

2022/04/06

 


GỬI GIÓ MÂY

Nhắn với ai đây gửi gió mây
Lời thương ý nhớ vẫn còn đầy
Xuân sang hoa lá tươi màu mới
Tình tự năm nào chẳng đổi thay

Nhắn với ai kia nhớ biết bao
Tương tư tóc rối lược trâm cài
Gió cuộn tơ lòng không mong chải
Gỡ được tình ai - vương mắc ai

Nhắn với ai xa ở chốn nào
Đường về chân mỏi bước thấp cao
Còn xa - xa lắm phương trời cũ 
Mưa vẫn vô tình xoá dấu sao

Nhắn với ai ơi lỡ kiếp này
Vâng lời định mệnh trói buộc tay
Tơ duyên lạc mối đi tìm mãi
Mộng một giòng sông cuối chân mây

 
Nguyệt Hạ
Mar 8, 2016

2022/03/28

Đọc hồi ức của bà quả phụ Ngô Quang Trưởng

24/01/2022

Trần Thị Nguyệt Mai


Tôi rất hân hạnh được là một trong những độc giả đầu tiên khi cuốn sách “Tháng Ngày Qua” (*) – Hồi ức của Nhà văn Nguyễn Tường Nhung, chỉ mới là những trang bản thảo rời. Tác giả là trưởng nữ của Nhà văn Thạch Lam và cũng là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh xuất sắc và trong sạch của Quân Lực VNCH. Cuốn sách hé mở cho chúng ta rõ hơn không chỉ về thân thế của hai gia đình rất nổi tiếng - Thạch Lam và Ngô Quang Trưởng - mà còn như một cuốn phim quay lại hình ảnh xã hội thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam cận đại, hiển hiện nỗi khổ đau tận cùng khi mất mát cả tài sản lẫn những người thân yêu nhất trong đời, nỗi lo âu của người vợ lính khi chồng ra chiến trận và phút giây lãng mạn hạnh phúc khi chinh nhân trở về... Những ngày Tết Mậu Thân 1968 kinh hoàng thảm thương ở Huế cũng được ghi lại một cách sống động.

Hình bìa hồi ức Tháng Ngày Qua.
Hình bìa hồi ức Tháng Ngày Qua.

Khi viết về văn chương Thạch Lam, nhà văn Mai Thảo đã dùng những lời ngợi khen đẹp nhất: “bút pháp chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến” (1). “Bút pháp chính xác ông mãi mãi là một vinh dự cho tiếng Việt, theo ý tôi” (2). “Những trang tiểu thuyết đôn hậu và chứa chan tình cảm của Thạch Lam” (3) đã đi vào và ở mãi trong tâm hồn người đọc với Gió Lạnh Đầu Mùa, Nhà Mẹ Lê, Hai đứa trẻ, v.v... Đọc “Tháng Ngày Qua” càng thấy rõ hơn “văn chính là người”, để càng yêu mến Ông hơn.

Trong đậm sâu trí nhớ của tác giả ngày ấy, khi còn là một cô bé 6 tuổi, vẫn còn hiện rõ hình ảnh Bố Thạch Lam:

Bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Ông hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giày tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp. Bố tôi rất ngăn nắp, thứ tự và rất quý sách. Ông có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. (sđd, tr. 20)

Và Mẹ, bà Thạch Lam, người vợ mà Ông rất yêu thương:

Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi. Bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trọng tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha. (sđd, tr. 22)

Cô vẫn nhớ như in sở thích ăn uống rất giản dị của Bố:

Thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, bày cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước. (sđd, tr. 23)

Cộng thêm thói quen đơn sơ nhưng rất hạnh phúc của Ông sau bữa cơm chiều:

Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh. Tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân. Họ chèo thật chậm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âu yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình. (sđd, tr. 22)

Đặc biệt là tính thương người vô cùng tận của Ông, để thấy tại sao văn chương Thạch Lam cũng giống như người:

Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày. Nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm. (sđd, tr. 23)

Nhà văn Thạch Lam mất rất sớm lúc mới ngoài 30 tuổi, khi văn tài đang vào độ sung mãn. Ngày ấy tác giả chỉ mới 6 tuổi, có hai em trai, một lên 3 và một mới sinh được 3 ngày. Đang từ một cô bé được bố rất yêu chiều:

Tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái... (sđd, tr. 23 & 24)

Cô trở thành đứa trẻ mồ côi cha. Sau đám tang vài tháng, bà nội tôi cho người lên Hà Nội đón mẹ và ba chị em chúng tôi về trại Cẩm GiàngTrại rộng hai mẫu tây, khang trang, nằm cách ga tàu hỏa khoảng hơn cây số. Hai cánh cổng chính của trại khá to, sơn màu xanh, giàn hoa tỉ muội màu hồng nhạt leo chung quanh (sđd, tr. 27). Từ đây, gia đình cô rời bỏ “căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng ở tại đầu làng Yên Phụngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu sà xuống gần mặt nước hồ... Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ. Trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ... Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng. Khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh... Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa” (sđd, tr. 25)

Hình ảnh Bà Nội, người Mẹ hiền sinh ra những người con thuộc nhóm khai sáng Tự Lực Văn Đoàn đã góp công rất lớn trong việc hiện đại hóa xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX qua báo chí và tiểu thuyết, với “tôn chỉ” được công bố trên báo Phong Hóa số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm, đúc kết lại trong nội dung: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam” (4):

Bà Nội dáng người cao to, nước da trắng hồng, gò má hơi cao, đôi mắt sáng, sâu, trông như lai, toát ra một vẻ oai nghiêm cương nghị. Bà rất nghiêm khắc và ít khi cười. Nhưng khi bà cười thì nụ cười thật tươi, lộ hàm răng đen. Bà nói giọng Huế nghe hay hay và lạ. … Bà ăn uống cầu kỳ, kiểu cách. Bát ăn bằng men xanh trắng viền chỉ vàng, đũa ngà, mâm bằng đồng thau sáng loáng. Khi ăn phải từ tốn, thức ăn cũng phải sắp thứ tự, rau muống luộc để ra đĩa, cọng và lá không lẫn lộn, cắt ra làm hai, khi chấm chỉ vừa đụng vào nước chấm, cơm chỉ được xới một nửa bát... (sđd, tr. 30 & 31)

Bà rất kiên cường, thật giỏi, can đảm. Khi ông mất bà còn rất trẻ, chưa tới 40. Một tay bà phải chăm sóc mẹ chồng và bảy người con còn niên thiếu mà vốn liếng chỉ là một tiệm tạp hóa nhỏ, bán những thứ lặt vặt như kim chỉ, muối, đường, diêm, nến, vài lọ kẹo bột, kẹo gừng, v.v... lời lỗ chẳng được bao nhiêu. Nhưng nhờ vào việc cân gạo, cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, những dân ở các làng lân cận đem gạo lên bán, từng gánh hoặc thúng có khi chỉ mươi đấu đựng trong cái bị đan bằng cói. Bà gom mua lại để bán lẻ, khách hàng là những gia đình nghèo sống rải rác quanh phố chợ. Nhờ tài quán xuyến bà đã cho các con ăn học... (sđd, tr. 32 & 33Một tay bà đã gây dựng được một gia đình làm rạng danh cho dòng họ, những văn tài đã để lại cho những thế hệ nối tiếp (sđd, tr. 46). Sau này, khi các con trai đã thành danh, bà xuống tóc xuất gia cửa Phật và ít khi về lại trại. (sđd, tr. 33)

Cuộc sống êm đềm yên ả chẳng bao lâu thì loạn lạc xảy ra, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Năm 1946, một đêm phố chợ Cẩm Giàng bùng lên bốc cháy, khói bay mù mịt cả một góc trời (sđd, tr. 82). Giữa đêm đang ngủ, U (là vú em, người nuôi cậu em kế) lay cô dậy để cùng Mẹ, hai em và U gánh gồng đi lánh nạn, đến tạm cư ở Xóm Đìa, cách Nhã Nam khoảng 5, 7 cây số, một xóm rất nghèo, chỉ có khoảng mươi căn, phần đông đều lợp bằng lá, và sống bằng ruộng nương nhưng là ruộng thuê lại gọi là cấy rẽ (sđd, tr. 35). Đến đây, U từ biệt về quê. Và cuộc đời của cô bắt đầu lật sang một trang mới với rất nhiều vất vả, khó khăn.

“Khi đến Xóm Đìa, vài nhà quanh xóm cũng đã có mấy người tản cư tá túc. Chúng tôi được chủ nhà tên Nhâm cho ở nhờ. Ông cho dọn dẹp cho chúng tôi ở nhờ trong cái kho nhỏ, thường để chứa những dụng cụ nhà nông như cuốc, xẻng, cày, bừa, dao liềm, v.v... và chỗ nằm của con vện đen. Cái kho lợp bằng rạ, vách trát bùn trộn rơm đã cũ, vách có nhiều lỗ thủng, cửa là cái phên đan bằng nứa có gắn một thanh tre để chống lên chống xuống. Bên trong, vẻn vẹn chỉ có một cái giường bằng gỗ vừa đủ cho bốn mẹ con nằm, bên cạnh giường kê ba hòn gạch chụm lại gọi là ông đồ bếp (theo ngôn ngữ lúc đó) để thổi nấu. Tắm rửa hàng ngày thì ra ngoài ao. Nước uống và nước thổi cơm thì phải vào tận cuối xóm gánh về; cả xóm đều dùng nước giếng ấy (sđd, tr. 35). Những ngày đầu thật bỡ ngỡ. Một khung cảnh quá cách biệt. Chúng tôi như rơi vào một cơn ác mộng. Căn nhà kho chứa đồ vật dụng bẩn thỉu, chật hẹp, một chỗ thua cả chuồng chó ở trại Cẩm Giàng của gia đình chúng tôi (sđd, tr. 64). Mùa đông đến đem theo hơi lạnh, gió rét của miền rừng núi. Bốn mẹ con co ro trên một cái phản gỗ, đắp một cái chiếu cũng đã cũ. Mẹ đầu bên này, tôi đầu bên kia, kéo qua kéo lại. Con ấm thì mẹ lạnh và ngược lại. Hai cậu em thì còn nhỏ ngủ vô tư. (sđd, tr. 69).

Những năm đầu Mẹ còn có chút tiền đem theo, chúng tôi có cơm gạo trắng, có chút ít thịt, cá (sđd, tr. 64). Đến khi hết tiền và bán đi tất cả những thứ đã mang theo, thì Mẹ sắp xếp cho tôi theo mấy cô trong xóm đi buôn cà chua và su hào, mỗi tuần hai phiên chợ ngoài thị trấn Nhã NamPhải dậy từ sáng tinh mơ vào vườn cà chua hoặc su hào họ đã hái sẵn rồi tùy sức của mỗi người gánh được nhiều hay ít... tiền lãi cũng tạm để mua gạo có cơm trộn khoai hay sắn. Các em thì vào rừng nhặt củi khô và nấm hạt dẻ (sđd, tr. 36). Thấy con quá vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu, nên khi được chủ nhà cho mượn toàn bộ đồ nghề và có người cho mua thóc chịu, hai mẹ con chuyển qua nghề làm hàng xáo, tức là xay thóc, sàng bỏ trấu đi. Sau đó bỏ vào cối giã rồi vần, sảy cho cám và tấm rớt ra (sđd, tr. 67) cũng cực nhọc nhưng “lãi được tấm để ăn, cám bán lấy tiền mua rau, muối, tương, cà. Nếu được thóc tốt thì thừa ra một ít gạo. Những lần như vậy mấy mẹ con mừng lắm, nhưng cũng phải độn thêm khoai hoặc sắn. Khi mùa gặt đến chúng tôi đi mót lúa... Thỉnh thoảng tôi đi theo mấy đứa bạn đi hôi cá... Từ khi mẹ hết tiền chưa hôm nào được ăn no và được ăn không độn. Thịt lợn, thịt bò thì xa lánh hẳn, gặp mùa gà bị toi là lúc mới thấy mùi gà.

...

Ngày tháng vẫn trôi qua. Mẹ tôi không dám tự mình hồi cư vì mịt mù tin tức, sợ bị Tây bắt. Thấm thoắt đã gần ba năm, chị em chúng tôi mỗi người chỉ có hai bộ áo quần đã rách tả tơi (sđd, tr. 37).

Trong lúc ấy, Bà Nội rất lo lắng vì từ khi chạy tản cư đã gần ba năm mấy mẹ con chúng tôi biệt vô âm tín, nên thuê người đi tìm mẹ con chúng tôi (sđd, tr. 38). Bà Nội đã giữ gìn cho các cháu: Nếu không có Bà Nội có thể tôi đã là một nữ cán bộ và các em có thể là bộ đội hay bệnh hoạn vùi thây nơi rừng thiêng nước độc này! (sđd, tr. 39).

Về lại Phố Chợ Cẩm Giàng, gặp lại bạn cũ, cũng là lúc cô thật ngỡ ngàng không thể tin được. Một trang trại rộng lớn đẹp như thế ... bây giờ chỉ là bãi đất hoang.” Bạn cô cho biết, “Khi Việt Minh rút đi họ đã đốt, đập phá hủy tất cả những dinh thự họ gọi là tiêu thổ kháng chiến. Nghe nói vậy tôi ngẩn ngơ vì không hiểu tại sao Việt Minh lại làm như vậy. Phá mất đi một trang trại nổi tiếng là đẹp, nên khi những chuyến tàu chạy ngang đây có nhiều người giơ máy chụp ảnh, và tôi không còn được ở đây nữa. (sđd, tr. 41).

Bắt đầu từ khi rời khỏi trại Cẩm Giàng, líu ríu dắt ba đứa con chạy tản cư, hồi cư về thành, cơ nghiệp không còn gì. Mẹ rất nghèo, nhờ Bà Nội giúp một phần, mẹ tần tảo, bươn chải nuôi con ăn học (sđd, tr. 92). Và năm 1953 Bà Nội đã “đích thân đến nhà ông Thám (Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam) để xin cho mẹ tôi một việc làm... Lương tuy thấp nhưng cũng đủ sống cả mấy mẹ con và lại có nhà ở hai buồng nhỏ, có bếp, bể chứa nước, trong cư xá Bưu điện đằng sau Nhà Hát Lớn, trước cửa Nhà Bác Cổ Hà Nội.” (sđd, tr. 46 & 47)

Sau này, người thiếu nữ ấy gặp Trung úy Ngô Quang Trưởng và khi kết hôn với nhau thì ông đã lên cấp Đại úy, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Cuốn sách đã chia sẻ cuộc đời binh nghiệp của ông Ngô Quang Trưởng bắt đầu từ lúc này. “Anh tham gia trận chiến nhiều hơn làm việc ở văn phòng. Mỗi lần đi hai tới ba tuần mới trở lại đơn vị. Khi trở về anh đã gầy lại gầy hơn, mặt sạm đen, đôi khi bị nổi ngứa khắp cả người. (sđd, tr. 130). Sau đó, được “đổi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Sài Gòn (sđd, tr. 139). Khoảng thời gian này anh không phải ra trận liên miên như khi còn ở Tiểu Đoàn. Chỉ đi thị sát, và đôi lần anh phải bay ra miền Trung để cùng chỉ huy tham dự những trận đánh do quân Bắc Việt tấn công. (sđd, tr. 140)

Hơn một năm sau, “khoảng đầu năm 1966, ngay tại thành phố Huế, tình hình khá gay cấnDân chúng biểu tình chống đối chính quyền bằng cách đem bàn thờ Phật để ngoài đường phố... Anh được Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTU) bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/BB, Bộ Tư Lệnh đóng tại Thành Nội Huế. (sđd, tr. 150)

Ở Huế 5 năm, Ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ và “rất bận rộn, thời gian ở trên trực thăng nhiều hơn dưới đất. Chỉnh đốn lại Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, thăm các tỉnh, các quận, đồn bót, v.v... (sđd, tr. 196)

Sau hơn hai năm trấn nhậm ở miền Nam hiền hòa, Anh nhận được lệnh thuyên chuyển không dự tính, không báo trước Tổng Thống bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 1 đóng ở Đà Nẵng... Đây là lần thứ tư đổi chỗ ở trong khoảng năm năm. (sđd, tr. 201 & 202)

Tác giả đã ghi lại những diễn biến trong hai tháng cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa mà bà là một chứng nhân. Qua người tùy viên, chúng ta thấy được hình ảnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trong ngày cuối trước khi mất Đà Nẵng:

Giờ phút cuối ở Đà Nẵng, chỉ có anh và chú đi bộ ra bên bờ biển Sơn Trà lặng vắng, mỗi người trên mình độc nhất chỉ một khẩu súng (sđd, tr. 263). Theo lời người tùy viên kể lại ngày cuối tại Đà Nẵng, anh và chú đã đứng tại chỗ này định kết thúc bằng viên đạn. (sđd, 252)

Đọc những trang sách nói về cuộc đời binh nghiệp của Tướng Ngô Quang Trưởng, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy tuy là tướng lãnh của một vùng, nhưng Ông thể hiện tác phong quân kỷ rất nghiêm chỉnh:

Anh thức dậy sớm rất đúng giờ. Những cư dân trên con đường anh đến Bộ Tư Lệnh mỗi ngày có tiếng đồn không cần xem đồng hồ, mỗi lần thấy xe Tư Lệnh chạy ngang là biết đúng giờ đó anh di chuyển, không bao giờ có xe còi hụ, không người hộ vệ, chỉ có một tùy viên. (sđd, tr. 263)

Thời gian ở Huế và Đà Nẵng, những ngày cuối tuần hay ngày lễ anh không bao giờ nghỉ. Tôi và các con không có bữa ăn trưa cùng anh. Những bữa cơm tối anh thường về muộn, các con ăn trước, ôn bài vở để đi ngủ sớm. Tuy sống cùng một nhà nhưng chúng chỉ gặp chào anh trước khi đi ngủ.” (sđd, tr. 264)

Những hành xử của Ông trong việc thi hành lệnh quân đội không vị tình riêng, không kết bè, vây cánh để tạo ảnh hưởng riêng:

“... Từ Sài Gòn đổi ra Huế đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh chỉ có một người tùy viên đi theo, ngoài ra không một người thân, ... Chuyện chỗ ở, phương tiện, người giúp việc cho gia đình anh cũng để tùy văn phòng họ sắp xếp, tôi cũng không đòi hỏi, không lựa chọn.” (sđd, tr. 266)

Ông luôn luôn sát cánh, chia sẻ với thuộc cấp trong từng nhiệm vụ:

Mỗi khi ra lệnh cấm trại anh luôn luôn cùng ở trong trại với các anh em. (sđd, tr. 151)

Ông cũng không bao giờ lạm dụng chức vụ hay quyền thế để làm ảnh hưởng đến công quỹ nhà nước:

Mùa hạ khi ở Huế, tôi hay đưa các con ra bãi biển Thuận An. Trên đường xe chạy ngang những khu vườn xanh tươi cây trái hoa quả ẩn hiện thấp thoáng những căn nhà lợp ngói đỏ đã phai màu, không gian có vẻ thanh bình, các con thường mong anh đi cùng. Chúng hay hỏi sao Ba không đi, anh chỉ trả lời một câu, “Ba bận làm việc”. Tuổi thơ vô tư chúng không thắc mắc. Tôi biết nếu anh đi, phải có hộ tống, phải lo sắp đặt an ninh. Chỉ một lần vui chốc lát mà bao người phải lo như vậy, lạm dụng công sức của quân đội, một chuyện không thể có ở anh. (sđd, tr. 268)

Và sống rất khiêm nhường, giản dị:

Anh với chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 ở Huế, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 ở Đà Nẵng, phương tiện di chuyển của tôi cũng chỉ là chiếc xe Jeep cũ mang bảng số dân sự. Thời gian làm Tư Lệnh vùng Một ở Đà Nẵng, người Mỹ có cho một xe du lịch Huê Kỳ màu đen khá rộng để gia đình sử dụng nhưng anh bảo tôi nhường xe ấy cho gia đình Tư Lệnh phó... (sđd, tr. 267 & 268)

Điều quan trọng nhất là Ông giữ gìn rất nghiêm mật đức tính thanh liêm, trong sạch của mình. Còn nhớ “trong thập niên 1960 tại Miền Nam, trong dân gian đã truyền tụng câu: ‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng’ nói lên lòng ngưỡng mộ của người dân đối với bốn vị tướng lãnh này của QLVNCH” (5).

“... một điều quan trọng là không nhận quà biếu của bất cứ ai.” (sđd, tr. 157)

“... quan niệm sống của anh, anh dứt khoát không giúp một ai dù là người thân thích. Anh nói người nào cũng có gia đình, cũng có bố mẹ, cũng có con cái, trong thời chiến trận mình lo cho người thân về chỗ yên lành như vậy còn gì là kỷ luật và còn ai bảo vệ quê hương. Anh đã bị họ hàng thân thích trách hờn. (sđd, tr. 297)

Khi còn ở VN, sau bữa cơm tối ra ngồi ngoài sân, anh phân tách những sự việc, những thâm hiểm, những đòn phép của con người khó thể biết được mà vì vô tình hay vì sự tham lam, mình sẽ bị cạm bẫy. Nếu mình phạm vào một lần sẽ có cớ để họ gây khó dễ, họ ăn mười mình ăn một nhưng tiếng tăm mình lãnh hết và gây khó dễ cho công việc anh làm. (sđd, tr. 271)

Sau đây là một ví dụ:

Anh ăn giản dị không đòi hỏi nhưng tôi biết ý anh thích những món mặn theo cách chế biến của miền Nam. Hai đứa nhỏ nhất thì thích nấu theo kiểu Huế, còn tôi vẫn thích những món thanh nhẹ của miền Bắc... Tôi thường phụ với chú đầu bếp luôn tiện dạy cho chú cách nấu những món của miền Nam và miền Bắc. Món thịt gà là món mọi người ưa thích nhất, nhưng giá một con gà khoảng hơn một nghìn cho cả nhà không đủ, mà mua hai con thì nhiều tiền quá. Tiền chợ mỗi ngày đã chỉ định chỉ có một ngàn, vì vậy món thịt gà thường vắng bóng trong những bữa ăn. Tướng Tư Lệnh một vùng mà thức ăn hàng ngày cũng phải tính toán vì còn phải để dành một ít. Thời gian ở miền Tây thực phẩm rẻ và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là hải sản và rau củ trái cây, nhờ vậy thức ăn đầy đủ hơn. Tuy vậy, chú bếp cũng không vui, than phiền. Chú nói người tư lệnh trước đưa tiền chợ nhiều gấp hai mà lại ít người hơn, gạo ngon có người cung cấp, nước tương nước mắm họ biếu cả thùng, v.v... và v.v... Với tiền chợ tôi đưa gồm cả gạo mắm muối, chú phải tính mua những món ít tiền mới đủ mặc dù tôi nói chúng tôi không cần những thức ăn cầu kỳ đắt tiền. (sđd, tr. 265, 266)

Thêm một ví dụ khác:

Qua nhiều lần nói chuyện với Hòa, có những việc rất nhỏ làm tôi áy náy tự cảm thấy như thiếu bổn phận làm vợ. Chú nói hai thầy trò thường nhịn đói không có bữa ăn trưa. Bữa ăn sáng của anh là một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm. Tôi có nói để mua một tô bún bò hay phở mì, anh hỏi giá bao nhiêu rồi nói mắc quá và mất công đi mua... Hàng ngày anh đến văn phòng rồi lên trực thăng thăm các tiền đồn, chỗ đóng quân, có khi đáp xuống một vài nơi đúng giờ ăn trưa họ mời nhưng không bao giờ anh ở lại ăn. Chú cho biết hôm nào Trung Tướng ăn một hộp trái cây thì Hòa ăn một hộp thịt. Những món đồ hộp thường có để một ít trên máy bay nhưng ít khi ăn vì vậy tùy viên cũng nhịn theo. (sđd, tr. 264)

Tướng lãnh của một vùng mà bữa điểm tâm chỉ là “một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm” thì đủ hiểu được con người chân chính, thanh liêm của Ông đến bậc nào.

Bằng một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và chân thật thừa hưởng từ Bố Thạch Lam, tác giả Nguyễn Tường Nhung đã chia sẻ về gia đình mình sau khi Nhà văn Thạch Lam mất cũng như về Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, “một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc khi trở thành một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ...” như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thạch Ngữ ở bìa sau sách. Hy vọng Tháng Ngày Qua sẽ góp thêm tài liệu cho những bạn trẻ hoặc những nhà viết sử tương lai khi muốn tìm hiểu về hai gia đình này hay thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách cũng có thể dựng thành phim ảnh vì nói đến xã hội và con người Việt Nam ở một thời kỳ vô cùng nhiễu nhương. Có đầy đủ tình tiết của chết chóc, đau khổ lẫn vui tươi, sum họp... Có những phân đoạn thương cảm khiến lệ tràn mi mà cũng có những phân đoạn vui tươi với nụ cười hạnh phúc.

Trần Thị Nguyệt Mai

Tháng 1-2022

(*) Tháng Ngày Qua – Hồi ức của Nguyễn Tường Nhung được phát hành qua Nhà xuất bản Barnes and Noble​.

Tham khảo:

(1) Mai Thảo – Phượng Hoàng Gẫy Cánh - Khởi Hành số 60 ngày 2-7-1970 - Trần Hoài Thư sưu tập.

(2) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 35 – ngày 9-6-1966 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(3) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 3 ngày 16-10-1965 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(4) Mặc Lâm – Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/AcknowledgeOfTuLucVanDoan_MLam-20070826.html

(5) Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng

https://books9046.rssing.com/chan-61128279/all_p18.html


Nguồn:https://www.voatiengviet.com/a/doc-hoi-uc-ba-qua-phu-ngo-quang-truong/6409975.html