2022/06/12

 Tạp ghi

Cộng Sản Việt Nam “Ngậm Bồ Hòn”

2,465 Viet Cong Photos and Premium High Res Pictures - Getty Images

Việt cộng “con”, được thành phần tập kết ra Bắc “cài” lại – hoặc “cấy giống” trong người đàn bà miền Nam – để trở thành bọn khủng bố miền Nam Việt Nam.

ĐIỆP MỸ LINH

Thời gian gần đây, những biến động kinh hoàng, những cuộc thảm sát đầy man rợ và những cái chết tức tưởi xảy ra liên tục trên toàn nước Mỹ khơi dậy trong hồn tôi nỗi hãi hùng do Việt cộng – danh từ người miền Nam dùng để gọi tắt bốn chữ Việt Minh, cộng sản – gây ra tại miền Nam Việt Nam, sau hiệp định chia đôi nước Việt, ngày 20/7/1954!

Thời điểm đất nước chia đôi, tôi còn bé, chưa hiểu biết nhiều, chỉ thích đàn, hát. Mỗi khi bưng nước trà mời các Chú, Bác – bạn của Ba tôi, thường đến nhà bàn chuyện chính trị, thời sự với Ba tôi vào mỗi tối – tôi thường lắng nghe. Ba tôi viết cho báo Đuốc Thiên, Tin Sáng, Tia Sáng và mua báo hằng ngày (gọi là nhật trình); sau khi Ba tôi đọc xong, tôi đọc.

Nhờ thích văn chương, chữ nghĩa, tính tò mò, nghe lén, đọc báo “ké” và cũng nhờ được Ba tôi giải thích cặn kẻ, tôi hiểu rằng: Hậu quả do hành động khủng bố của Việt cộng tại miền Nam Việt Nam tạo nên cũng không khác chi những tan thương, thảm khốc, điêu tàn và đổ nát toàn diện do Việt Minh – tiền thân của csVN – thực hiện mà tôi đã thấy trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây; vì khủng bố là chính sách của csVN!

Nhiều chi tiết trong thời Ba tôi theo kháng chiến chống Tây tôi đã viết rồi; xin miễn lập lại. Tôi chỉ xin trích hai câu hát biểu lộ được tất cả tinh thần, chủ tâm và hành động của Việt Minh trong ca khúc Đường Về Quê, được Phạm Duy sáng tác vào thời Ông theo kháng chống Tây, để độc giả có thể nhận ra thảm trạng của hai chiến dịch “Tiêu thổ kháng chiến” và “Bần cùng hóa nhân dân” do Việt Minh chủ xướng và triệt để thực hành trong “vùng giải phóng” (chữ của Việt Minh) như thế nào:

“... Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu quên hết u sầu!..”

Sau khi nhận ra Việt Minh chỉ là những thành phần dốt nát, rất “say” máu, chỉ cuồng điên tìm công danh bằng bạo lực, Ba tôi từ bỏ kháng chiến, đưa gia đình trốn về Nha Trang. 

Sống tại Nha Trang được một thời gian, tôi lại thấy/biết nhiều cuộc khủng bố rùng rợn xảy ra tại Nha Trang và các vùng phụ cận. Ba tôi giải thích chính Việt cộng thực hiện những cuộc khủng bố đó. Báo chí giải thích rằng: Việt cộng là “sản phẩm” của thành phần tập kết ra Bắc “cài” lại. Những người tập kết cũng lưu lại rất nhiều “hạc giống đỏ” trong người của nhiều thiếu nữ và thiếu phụ miền Nam. 

Chỉ sau hơn 10 năm, những “hạc giống đỏ” trở thành không biết bao nhiêu “anh hùng nhí”, “anh hùng gái” và Việt cộng “con”, tham gia rất đắc lực vào công cuộc phá hoại miền Nam.

Sự phá hoại thông dụng nhất vào thời đó là: Đắp mô, đặt mìn tại các khúc quanh trên đèo Cả và đèo Rù Rì (phía Bắc Nha Trang) và Suối Dầu, Diên Khánh, Cam Lâm (phía Nam Nha Trang) để xe đò đụng phải, mìn nổ, gây thương vong; thảy lựu đạn vào những chốn đông người như chợ, những nơi trình diễn văn nghệ và những buổi biểu tình tại Ty Thông Tin; thảy lưu đạn vào cửa rạp xi-nê lúc hết phim, mọi người vừa ra khỏi rạp, v.v.

Thời điểm 1954, Mỹ chưa hiện diện tại miền Nam Việt Nam; do đó, mọi di chuyển – cả dân sự lẫn quân sự – đều bằng xe đò hoặc xe lửa. Không biết Việt cộng đã cưỡng bức bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ trên những chuyến xe đò hoặc xe lửa đi theo Việt cộng; nhưng số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trên các chuyến xe lửa, xe đò bị Việt cộng giết thì không ai có thể ghi nhận được! 

Sau khi quá nhiều quân nhân mặc quân phục khi di chuyển bằng xe đò, xe lửa bị Việt cộng sát hại, tất cả quân nhân được chỉ thị: Mặc đồ dân sự khi di chuyển, quân phục giấu kỷ trong hành lý. 

Thế là Việt cộng dùng chiến thuật tinh vi hơn: Chọn những địa điểm hẻo lánh, chận xe đò, xe lửa lại, bắt đàn ông xuống xe. Trong khi mọi người đều hoang mang, lo sợ, bất ngờ một tiếng hô “nghiêm!” vang lên thật lớn. Phản xạ tự nhiên của quân nhân, ai là lính đều đứng thẳng, cụp hai chân, ưởn ngực, mặt ngẩn cao; thế là Việt cộng nhận ra, “lùa” những người này vào rừng; có khi Việt cộng bắn hoặc dùng mã tấu, chặt đầu những quân nhân mặc đồ dân sự này, ngay tại chỗ!

Trên đây chỉ là những khủng bố Việt cộng thực hiện tại Nha Trang – quê Nội của tôi, nên tôi nhớ rõ –  những khủng bố các nơi khác tôi không nhớ được.

Ngay sau khi cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam –30/4/1975 – Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN) bị csVN “đá” khỏi tổ chức “liên minh chính trị” của csVN liền!

Kể từ khi MTDTGPMN không còn nữa, mọi cuộc khủng bố, giết hại dân lành do Việt cộng gây ra trước kia, đều được csVN “trút” hết cho MTDTGPMN bằng những bài tuyên truyền trên radio, báo chí, TV, internet, v.v... Chủ tâm của csVN là muốn thế hệ trẻ Việt Nam nhầm, tưởng rằng MTDTGPMN chính là Việt cộng – chuyên  khủng bố, giết hại dân lành – chứ không phải csVN đã thực hiện những hành động tàn ác, hèn hạ đó! 

Từ ngày ông Hồ Chí Minh thành lập đảng csVN cho đến nay, không ai có thể ghi nhận được người csVN đã thực hiện bao nhiêu tội ác đối với toàn thể dân tộc Việt Nam; rồi cũng chính người csVN cho thuộc cấp xóa lịch sử để chạy tội đối với Tổ Quốc và các thế hệ trẻ!

Vì lịch sử không còn trung thực, sau này, các thế hệ trẻ Việt Nam sẽ nghĩ rằng người csVN – kẻ từng tịch thu tài sản, ruộng đất của Ông Bà, Cha Mẹ; giết chết hoặc nhốt tù Cha, anh và em trai rồi đuổi Mẹ và chị em gái của chúng ta đi kinh tế mới sống đời du mục – là anh hùng!

Bằng cớ csVN bôi xóa lịch sử là: (1) Tại Việt Nam, csVN cấm đề cập đến danh từ “Việt cộng”. (2) Năm 1968, csVN xâm phạm Hiệp Định ngưng bắn, thảm sát khoảng sáu ngàn người dân ở Huế; thế mà csVN viết trên Wikipidia rằng “toàn dân vùng dậy”!

CsVN cũng xâm phạm Hiệp Định đình chiến năm 1972, đưa đến “hòa đàm Ba-Lê!” và Mỹ rút quân khỏi miền Nam, ngày 27/1/1973; chấm dứt mọi viện trợ, cả khí giới, quân trang, quân dụng cho miền Nam Việt Nam!

Sau hai lần csVN xâm phạm Hiệp Định ngưng chiến, rồi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Quân Lực VNCH còn lại gì để chống trả những cuộc cường tập quy mô của csVN tại biên giới Việt Miên Lào và dọc Duyên Hải?

Chính thời điểm Quân Lực VNCH – trong tình trạng thiếu thốn đạn dược và quân dụng một cách trầm trọng – phải dốc toàn lực để chống trả các cuộc cường tập rất khốc liệt của csVN thì Trung cộng tấn công, chiếm Hoàng Sa – của VNCH! 

Dù chiếm được Hoàng Sa, Trung cộng cũng phải trả bằng một giá rất đắt; vì sự phản công dũng mãnh của Hải Quân VNCH trong trận hải chiến ngày 19/01/1974, mà lực lượng hai bên rất chênh lệch!

Từ khi chiếm được Hoàng Sa cho đến nay, 2022, Trung cộng xây đảo nhân tạo và phi trường tại Hoàng Sa để mở rộng bờ cõi; csVN vẫn im lặng! 

Ngược lại, ngày 09/6/2022, lúc 6:37am, trên The New York Times, tác giả Austin Ramsy viết: “Chinese Pilots Sent a Message. American Allies Said They Went Too Far.”

Úc Đại Lợi và Canada đã lên tiếng về hành động khiêu khích của phi công Trung cộng đối với phi công Canada và phi công Úc Đại Lợi, như sau: “... Australian and Canadian officials said the Chinese pilots actions last month went well beyond the norm.”

“The Australian military said one of its P-8 aircraft was carrying out routine maritime surveillance in the South China Sea when a Chinese J-16 fighter intercepted it and carried out a ‘maneuver which posed a safety threat.’”

“Richard Marles, Australia’s defense minister, told reporters that the Chinese plane fired flares, then cut in front of the aircraft. It released chaff, which contains metal used to throw off missiles, some of which was caught in the engine.”

“...Canada said its CP-140 Aurora patrol craft had several troubling encounters with Chinese jets in international airspace while supporting the enforcement of United Nations sanctions imposed on North Korea.” 

 

Link: https://www.nytimes.com/2022/06/09/world/asia/china-military-united-states-australia-canada.html

 

So sánh thái độ của Canada, Úc Đại Lợi và csVN đối với Trung cộng về vấn đề “va chạm” tại Biển Đông, tôi nhận ra rằng csVN rất sợ Trung cộng, không dám tỏ thái độ, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. CsVN âm thầm dâng Hoàng Sa cho Trung cộng như một hình thức trả ơn, đền nghĩa; vì nhờ Trung cộng đã giúp csVN đuổi Mỹ!

 

Để đuổi được Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, ngoài việc dâng Hoàng Sa cho Trung cộng, csVN còn phải – theo BBC ngày 21/04/2022 cập nhật ngày 28/04/2022 – trả bằng mạng sống của 1.1 triệu bộ đội “ông Hồ”, chưa kể thường dân và “đồng chí nhí”, “đồng chí gái”; Hoa Kỳ mất khoảng gần 60 ngàn quân; VNCH thiệt hại 254.257 quân và không biết bao nhiêu thường dân... thì có đáng hay không, hỡi người csVN?

Link: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61175313

Thế mà csVN lại đổ tội cho VNCH “làm mất?” Hoàng Sa!

20 năm dưới chính thể VNCH, với sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, Trung cộng có dám tiến chiếm đảo nào của VNCH hay không? 

Bây giờ – ngày 10/06/2022 – VOA loan tin: “Căn c hi quân Ream (của Cao Miên – ghi chú của ĐML) mà quân đi Trung Quc s được s dng mt phần, cách đo Phú Quc ca Vit Nam chưa đy 30km

Hậu quả của việc csVN đuổi Mỹ để “bợ” Trung cộng, đưa Trung cộng sát vào bờ cõi nước Việt Nam – cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đầy 30km – cả thế giới đều biết và thấy!

Thế mà người csVN vẫn liên tục nhục mạ Mỹ là “bọn xâm lược”, “bọn sen đầm quốc tế”; người Lính miền Nam Việt Nam và chúng tôi là lính đánh thuê, là “ngụy”.

 

Để nhận ra mặt thật của csVN, kính mời độc giả đọc vài đoạn trích dẫn sau đây, trên BBC, cùng bảng tin, cùng ngày và Link đã dẫn bên trên, để biết có bao nhiêu quân Trung cộng tham chiến và ai mới đích thực bắn rơi nhiều phi cơ Hoa Kỳ trong cuộc chiến từ 1954-1975: Bài báo của China Radio International phỏng vấn ông Dương Cảnh Kho, cán bộ về hưu thuộc lực lượng phòng không Trung quốc và ông Trương Á Quang, cán bộ về hưu của Cục Khai thác Quặng Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.”

 

“Bài báo mô tả từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 3 năm 1969, tổng cộng có khoảng 150.000 người lính đến từ 63 trung đoàn thuộc 16 sư đoàn của lực lượng phòng không Trung Quốc sang viện trợ Việt Nam chống Mỹ.”

 

“Trong khoảng thời gian 3 năm 7 tháng, họ đã tác chiến 558 lần, bắn rơi 597 máy bay và bắn trúng 479 máy bay Mỹ...”

 

“...Trung quốc viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,26 tỷ nhân dân tệ...Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, đã điều động hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v. Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 3 năm 1969, khoảng 150.000 người lính đến từ 63 trung đoàn thuộc 16 sư đoàn của lực lương phòng không Trung quốc sang giúp Việt Nam chống Mỹ...”

 

Gần đây nhất, Nga xâm lăng Ukraine, cả thế giới đều hướng về và yểm trợ Ukraine thì thái độ của csVN được Lê Mạnh Hùng ghi nhận một cách tóm lược, BBC loan báo ngày 12/04/22 như thế này:

 

Lần đầu tiên: lên án cuộc xâm lược, Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Lần thứ hai: yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.

Lần thứ ba: ngày 07/04, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống. 

Ngay sau đó Nga cũng nói tự bỏ Hội đồng này, coi nó chẳng là cái gì.

Điều đáng chú ý là trong cả ba lần Việt Nam đều biểu quyết giống hệt như Trung Quốc.

Từ những chi tiết và nguồn tin chính xác – đã dẫn chứng trong bài này – ai cũng có thể thấy được lòng trung thành tuyệt đối của người csVN dành choTrung cộng.

 

Người csVN trung thành với Trung cộng, đó là quyền của người csVN. Nhưng, nếu biết tự trong, người csVN không nên tiếp tục chỉ thị thuộc cấp dùng những danh từ và động từ hạ cấp để thóa mạ VNCH và Hoa Kỳ nữa – dù dưới bất cứ hình thức nào!

 

Tôi nghĩ sao, viết vậy. Nhưng, tôi chợt nhớ có lần Ba tôi đã dạy tôi: “Cộng sản Việt Nam làm gì có lòng tự trọng mà mong, con!”

 

ĐIỆP MỸ LINH



https://www.diepmylinh.com


2022/06/06

 

Đường Hai Bà Trưng-Sài Gòn Xưa_Internet

NGÔ NGHÊ NGÀY ẤY!

 

Thăm thẳm đường dài dưới nắng hồng

Sá chi hắc ín bốc hơi nồng

Còng lưng xe đạp thăm người ấy

Để thỏa cơn mê mộng mị ngông !

 

Xe đạp đường xa dưới ánh sao

Sương đêm mờ nhạt bóng đèn màu

Tìm nhìn cửa sổ em yêu dấu

Để dễ rơi vào giấc ngủ sâu!

 

Xe đạp, đường xa, tình… thoáng qua

Tháng ngày thật, ảo chốn ta bà

Tim còn máu đỏ là còn nhớ

Kỷ niệm ngô nghê mãi của ta!


Anh Tú

June 6, 2022


2022/06/02

 Thơ vui


   LẠI CÀM RÀM

Chưa chợp mắt hừng đông đã rạng
Tám chục rồi khó ngủ lạ gì !
Tháng năm chưa kịp nằm đà sáng
Tháng sáu đến rồi có khác chi?


Thơ thẩn đôi câu vui tuổi già

Để hồn thanh thản tháng ngày qua 

Cóc nhái bình dân quen, gần gũi 

Thần tiên bác học lạ, cao xa !


Anh Tú

June 2, 2022

MÙA THU TRÊN CAO 
Thơ: Trầm Hương Ptt
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ
Trình bày: Lệ Tuyền

2022/05/25

MƯA HẠ
Sáng tác: Kim Dung
Trình bày:Thu Huỳnh

 Tùy bút


KỶ NIỆM HỘI NGỘ KHÓA 6/68 S.Q./T.B. THỦ ĐỨC

và NHỮNG  HOÀI NIỆM RIÊNG


Điệp-Mỹ-Linh | Sáng Tạo | Trang 2

Để tưởng nhớ em tôi – Nguyễn Phiêu Linh – và kính tặng tất cả cựu SVSQ/TĐ khóa 6/68


ĐIỆP MỸ LINH

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được tham dự sinh hoạt của “mấy ông nhà binh”; nhưng,  kỳ Hội Ngộ của khóa 6/68 cựu sinh viên sĩ quan trừ bị (SVSQ/TB) Thủ Đức vừa qua, tại Nam California, lại là một Hội Ngộ khiến tôi xúc động nhiều nhất.

Sự liên hệ giữa khóa 6/68 SQ/TB Thủ-Đức và Điệp-Mỹ-Linh bắt nguồn từ nhà văn Vũ-Uyên-Giang, tên thật là Nguyễn Quang Vinh. 

Từ khi quen anh Vinh, tôi chỉ biết anh là một nhà văn Quân Đội chứ chưa bao giờ tôi hỏi xuất xứ của anh. Sau khi anh Vinh tạo ra website Thủ-Đức khóa 6/68, em tôi – Nguyễn-Phiêu-Linh – từ Việt-Nam emailed cho tôi biết rằng Linh cùng khóa 6/68 với anh Vinh. Linh cũng giới thiệu với tôi những người bạn cùng khóa như anh Tiêu Nhơn Lạc, anh Lê Đông Hải, anh Xuân Thu, chị Bích Thủy, anh Hồ Trọng Anh, v.v…

Khi biết tôi là chị Hai của Linh, vài anh – khi emailed cho tôi – cũng gọi tôi là “chị Hai”. Tôi ngại ngùng hồi đáp: “Cảm ơn các anh. Nhưng tôi không dám nhận là ‘chị Hai’ của các anh đâu”. Điều làm tôi vui thích nhất là khi các anh chuyển emails qua lại với nhau, vô tình vài emails “lạc” vào box của tôi; và tôi thấy trong các emails đó, các anh gọi Điệp-Mỹ-Linh bằng ba chữ thân thiết: “Chị thằng Linh”.

Từ ngày Linh bất ngờ ngã bệnh cho đến khi Linh lìa đời, gia đình khóa 6/68 đã hết lòng với Linh. Do đó, tôi thầm mong được một lần đích thân cảm tạ tấm lòng của gia đình khóa 6/68 SQTB/TĐ.

Nhà văn Vũ Uyên Giang gửi đến tôi một thiệp mời in rất đẹp và những dòng chữ thân tình.

Đến phi trường John Wayne, tôi được anh Lê Đông Hải đón. Anh Hải bảo:

-Mấy ngày chị ở đây Hải sẽ lo phần đưa đón chị, chị đừng ngại. Bây giờ, trước khi đưa chị về khách sạn, Hải mời chị dùng cơm trưa. Hải sẽ gọi vài người trong khóa đến nhà hàng gặp chị.

Là một người nhút nhát, ít giao thiệp, nhưng trong bữa ăn trưa với anh Hải, anh Tiến, anh Hạnh, anh Thanh, anh Hiền, v. v… không những tôi không cảm thấy ngại ngùng, xa lạ hoặc lạc lõng mà tôi lại cảm thấy vui và thân mật như những ngày tôi ăn cơm lính – đúng nghĩa nhất – trên những chiến đỉnh trong vùng U-Minh hung hiểm. 

Đêm tiền Hội Ngộ, 24 tháng 5-2014, tôi được gặp và làm quen với nhiều người bạn khác của Linh. Bằng một cách nào đó, trong ánh mắt, nụ cười, trong lời thăm hỏi, trong những câu chuyện trao đổi giữa các anh chị và tôi, tôi tưởng như tôi đã quen thân với quý anh chị từ lâu lắm.

Đang vui, lòng tôi chợt chùng xuống khi nghe nhà văn Vũ Uyên Giang – trong khi đứng trên sân khấu giới thiệu về Đặc San của khóa 6/68 – bảo rằng trong Đặc San có bài của Điệp-Mỹ-Linh và của Nguyễn Phiêu Linh. Linh viết bài và chuyển đến anh Vũ Uyên Giang trước khi Linh ngã bệnh. 

Sau đó, mỗi anh đứng lên, tự giới thiệu về mình: Tên, họ, số quân và đơn vị. Tôi nhìn quanh hội trường rồi nhìn ra cửa, nhìn ra bãi đậu xe, lòng thầm ước được thấy Linh bước vào, tự giới thiệu: Nguyễn Phiêu Linh, số quân 68/…

Dĩ nhiên tôi hiểu rằng không bao giờ Linh có thể xuất hiện trong niềm ước mơ không tưởng của tôi. Nhưng lạ lùng thay, tôi lại tưởng như tôi thấy được Linh cùng một nhóm quân nhân thuộc đơn vị Pháo Binh Diện Địa đồn trú tại Phù-Cát, Qui-Nhơn, vào những ngày cuối tháng Ba năm 1975. 

Sau khi biết chiến hạm Hải-Quân “bốc” nhiều đơn vị Bộ-Binh, quân bạn, đồng bào và đã rời khỏi hải cảng Qui-Nhơn, Linh cùng nhóm quân nhân kết bè, vượt thoát. 

Sau khi hay tin Hải-Quân rút khỏi Qui-Nhơn, tôi nhờ người bạn liên lạc với sĩ quan tùy viên của trung tướng Nguyễn Xuân Thịnh – vị Tướng chỉ huy tất cả đơn vị Pháo-Binh VNCH – nhờ vị sĩ quan này tìm phương vị của Linh. Vài ngày sau, vị sĩ quan tùy viên của Tướng Thịnh điện thoại cho tôi hay rằng Nguyễn Phiêu Linh đã về đến Cam-Ranh vào đêm 31 tháng Ba năm 1975.

Sau khi Ba Má tôi sang Mỹ, Ba Má tôi kể lại: Gần sáng 1 tháng 4-75, nghe tiếng gõ cửa, cả nhà sợ, không dám mở. Gõ hoài, cửa vẫn không mở, Linh lớn tiếng gọi tên vợ của Linh. Lúc đó cả nhà mới nhận ra giọng của Linh và vùng dậy, vui mừng khi thấy Linh cùng nhóm quân nhân. Nhưng khi Linh đề nghị cả gia đình nên di tản bằng đường bộ; vì con đường từ quốc lộ I qua Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh đã đông nghẹt người và lính gác không cho vào thì Ba tôi từ chối. 

Nhà của Ba Má tôi ở ngay quốc lộ I. Ngày cũng như đêm, Ba Má tôi chứng kiến từng suối người cuồn cuộn tuôn về Nam. Nhiều gia đình thất lạc, nhiều người già và trẻ em chết, bị bỏ lại bên đường, cho nên Ba tôi sợ. Linh im lặng, tụ họp cả đại gia đình tại phòng khách. Linh bảo mọi người đứng thành vòng tròn, Linh đứng giữa. Mọi người, kể cả nhóm quân nhân cùng vượt thoát với Linh, đều nhìn nhau, không hiểu Linh có ý định gì. Linh rất bình tĩnh, lấy từ túi quần nhà binh một trái lựu đạn, rút chốt, dõng dạc hỏi: 

-Ba Má có di tản hay không? Nếu không, con cho lựu đạn nổ để cùng chết!

Mọi người hoảng sợ, năn nỉ Linh. 

Khi cùng gia đình và nhóm quân nhân đến cầu Trà Long, Linh mới biết rằng giòng người bị ứ đọng tại đó từ lâu; vì cầu Trà Long bị Lý Tống – phi công VNCH – dội bom sập! 

Năm 1998, Minh và tôi về Việt-Nam, vì bà Cụ của Minh bị bệnh nặng. Dù đã chích ngừa và đem theo nhiều thuốc dự phòng, tôi vẫn bị trúng độc, nằm liệt giường, tại khách sạn, Nha-Trang. Tôi không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì; vì vậy, số thuốc đem theo không thể dùng được. Trong khi bị lã người vì cơ thể thiếu nước, mà bác sĩ tại Nha-Trang cũng không thể giúp tôi được, tôi nghe loáng thoáng Minh trò chuyện với Linh: 

-Tội nghiệp chị Hai của Linh, khi nhận được tin Linh từ chối sang Mỹ theo diện H.O., chị Hai như phát điên!

Giọng Linh bùi ngùi: 

-Lúc ở tù, bị tụi nó hành hạ về thể chất lẫn tinh thần – và nhất là mỗi sáng đi lao động ngang vườn rau cải, thấy Ba phải gánh phân người, đã chế biến, để tưới rau cải, em chịu không được – em oán hận tụi Mỹ đã bỏ rơi miền Nam cho nên em từ chối phỏng vấn diện H.O.. Về sau, chương trình H.O. mở lại thì các con em đều trên 21 tuổi, không được đi. Em nghĩ, em đã ở tù nhiều năm, không lo được gì cho con em; bây giờ vợ chồng em qua Mỹ để làm gì khi mà các con của em ở lại trong cảnh khốn cùng, cho nên em cũng ‘dẹp’ luôn! Đó là một quyết định sai lầm mà em rất ân hận khi vợ và con của em bệnh, không được chữa trị, vì thuộc vào gia đình Ngụy, đành phải chết!

Vừa nói đến đây, Linh mới chợt nhớ, vội tiếp: 

-Chết! Em đang nấu nước gạo rang cho chị Hai uống mà nãy giờ em quên; để em xuống bếp xem xong chưa.

Minh hỏi vói theo: 

-Ai bày Linh vậy?

-Dạ, mấy người làm trong khách sạn này.

Khi Linh trở lại phòng, Minh đỡ tôi dậy. Tôi vừa hớp vài ngụm nước gạo rang thì lại nôn trở ra. Linh năn nỉ tôi: 

-Chị Hai! Ráng uống chút nước gạo rang em nấu nè!

Âm vang sáu tiếng thân thương: “…nước gạo rang em nấu nè” của Linh khơi dậy trong hồn tôi câu nói “Chị Hai! Cù-là nè. Chị đau ở đâu, em xức cho” mà Linh đã nài nỉ tôi sau khi tôi bị…đòn!

Tôi bị đòn vào chiều 15 tháng 6 năm 61, cũng tại Nha-Trang. Lý do tôi nhớ được cả không gian và thời gian vì sáng 16-6-61 là Lễ Đính Hôn của Minh và tôi.

Cả tuần lễ trước ngày Lễ Đính Hôn của tôi, gia đình tôi rất bận rộn. Minh đến xin phép Ba Má tôi cho Minh đưa tôi đến tiệm vàng lấy chiếc nhẫn đính hôn mà Ba Mạ của Minh đã đặt mua từ mấy ngày trước. Sau khi Ba Má tôi cho phép – như một điều kiện không thể thay đổi – Ba Má tôi gọi Linh, với dụng ý bảo Linh đi theo Minh và tôi. Sau vài lần gọi mà không nghe Linh đáp, bà giúp việc từ bếp bước lên cho Ba Má tôi hay rằng Bà Ngoại của tôi bị đứt tay khi cắt trái su, Linh đạp xe đi mua thuốc đỏ cho Ngoại. Ba Má tôi nhìn nhau, chưa biết quyết định như thế nào thì Minh nhìn đồng hồ tay, có vẻ sốt ruột. Má tôi hỏi Minh: 

-Một mình cháu đi lấy nhẫn, được không?

-Dạ được. Nhưng con không thể biết nhẫn rộng hoặc chật cho ngón tay của Thanh-Điệp, rủi mai nhẫn bị rộng hoặc chật thì làm sao?

Ba tôi hỏi Minh: 

-Đây ra tiệm vàng rồi trở về, cháu nghĩ mất khoảng bao nhiêu thời gian?

Minh đáp: 

-Thưa bác, khoảng 45 phút hoặc một tiếng đồng hồ là tối đa.

Minh và tôi đi bộ được một khoảng khá xa, Minh đón chiếc xích-lô. Tôi ngạc nhiên, hỏi. Minh bảo đi bộ lâu lắm, ngại về không kịp giờ đã hứa với Ba Má tôi. Tôi đề nghị nên đón một xích-lô nữa cho tôi. Minh bảo mai là “lễ hỏi” rồi mà còn ngại gì nữa! Tôi cho Minh biết rằng Ba Má tôi rất nghiêm khắc; tôi không dám làm trái ý Ba Má tôi. Minh thuyết phục và hứa sẽ giữ đúng tư cách.

Vâng, Minh đã giữ đúng tư cách của một sĩ quan Hải-Quân. Minh bảo tôi ngồi sát hẳn bên trong để ít ai thấy. Minh ngồi sát mé phía ngoài. Tôi thầm phục tư cách của Minh.

Trên đường về, Minh bảo xích-lộ dừng rất xa nhà Ba Má tôi. Minh và tôi đi bộ về nhà. Vừa đến cửa lớn, thấy Ba Má tôi ngồi nơi phòng khách, nét mặt đầy tức giận, tôi hơi lo. Tôi vừa bước vào, thưa: 

-Thưa Ba Má con mới về.

Ba tôi chụp cây chổi quét nhà – đã được để cạnh Ba tôi từ lúc nào tôi khôg biết –  “quất” tôi ba cán chổi! Vừa đánh tôi Ba tôi vừa gằng từng tiếng: 

-Ai cho phép con ngồi chung xe xích-lô với đàn ông, hả? Hả?”(1) 

Tôi gần như hoảng loạn; vì tôi là “con cưng”, rất dễ dạy và suốt gần 20 năm sống trong gia đình, chưa bao giờ Ba tôi nặng lời mắng nhiết tôi thì làm thế nào tôi có thể mường tượng được rằng có ngày Ba tôi sẽ đánh tôi! Tôi xoay sang có ý tìm Minh; nhưng không thấy Minh đâu cả! 

Tôi cảm thấy đau thì ít mà tủi thân thì nhiều. Tôi ngồi co ro trong góc nhà, khóc. Linh đem chai cù-là đến, nói nhỏ, vì sợ Ba Má tôi nghe: 

-Chị Hai! Cù-là nè, chị đau ở đâu, em xức cho. 

Tôi cứ im lặng, khóc, trong khi Linh cứ nài nỉ

-Chị đau ở đâu, em xức cho.

Một lúc sau, Ba Má tôi gọi tôi đến. Tôi khoanh hai tay, đứng như “Trời trồng”. Sau khi giảng cho tôi nhớ về tư cách của một thiếu nữ con nhà nề nếp, có giáo dục, có học thức, có đạo đức thì phải sống theo lễ giáo của Thánh Hiền “Nam nữ thọ thọ bất thân”, Ba tôi bảo Má tôi đưa tôi vào phòng, thoa cù-là cho tôi.

Suốt buổi cơm tối, thấy tôi lơ là như nuốt không trôi, Linh cứ hỏi nhỏ: 

-Chị ăn hết chưa, em “bới” cho?

Dùng cơm tối xong, như mỗi khi có điều chi buồn, tôi ôm Accordéon dạo những bản nhạc chợt đến trong hồn chứ tôi không nhìn bản nhạc. Tôi buồn Ba tôi thì ít mà buồn Minh thì nhiều; vì tôi tự hỏi: Tại sao Minh lại lẫn tránh, không dám nhận lỗi với Ba Má tôi là chính Minh đã thuyết phục tôi? Tôi đàn liên miên từ bản nhạc này chuyển sang bản bản nhạc khác. Khi bất ngờ những ngón tay của tôi chuyển sang một tình khúc Việt-Nam, tôi “ngân nga” nho nhỏ theo từng giọt nước mắt rơi trên phím đàn: 

“Đàn ơi! Tan nát tim ta nhiều rồi

 mà sao ta vẫn say sưa hoài cùng 

em quanh năm ngày tháng?...

Cho ta lên tiếng cùng em vài lời. 

Đời mà thiếu em ta vắng vui!...” (2) 

Không biết Linh có nghe tiếng “ngân nga” của tôi hay không, nhưng Linh đến, ngồi đối diện với tôi, khoanh hai tay trên bàn rồi tựa cằm lên, im lặng lắng nghe. Mấy ngón tay của tôi chuyển sang sầu khúc Sayonara. Ba tôi động lòng sao đó, bước đến, giọng buồn buồn: 

-Con à! Rạp Tân Tân chiếu phim Sayonara, con với Linh muốn đi xem không?

Linh ngồi bật dậy, nhanh nhẩu: 

-Dạ đi, Ba.

Thấy tôi vẫn im lặng, Linh tiếp: 

-Đi đi, chị Hai! Có Marlon Brando là tài tử ‘ruột’ của chị đóng vai chính mà.

Khi Marlon Brando xuất hiện trong khung cảnh tươi đẹp, tình tứ, lãng mạn và âm thanh tuyệt vời của tình khúc Sayonara, tôi cảm thấy hồn tôi chơi vơi, như tan loãng, như hòa nhập với cốt truyện tràn ngập yêu thương.

Trên đường về, Ba Má tôi đi trước; Linh và tôi “lẻo đẻo” theo sau. Vừa đi Linh vừa nghịch với những viên đá ven đường. Riêng tôi, âm hưởng tình khúc Sayonara cứ vang vọng khiến tôi cảm thấy nỗi buồn trong tôi cứ dâng cao, dâng cao đến ngập cả hồn tôi mà tôi không nhận biết được tôi buồn ai và buồn về cái gì!

Hơn nửa thế kỷ trước, trong khi tôi ôm trong lòng nỗi buồn “không tên” thì Linh vừa đi vừa “nhảy cà tưng” trên hè phố. Hôm nay, trong hội trường này, tôi ôm trong lòng nỗi buồn vì thương nhớ Linh thì Linh không còn nữa!...

…Đang bị chi phối vì kỷ niệm, bất chợt tôi choàng tĩnh; vì chị ngồi cạnh nâng tay tôi:

-Chị đứng lên. Chị đứng lên. Người ta giới thiệu Điệp-Mỹ-Linh kìa.

Tôi đứng lên. Trong khi cúi chào quan khách tôi mới nhận ra nước mắt đã nhạt nhòa trên mặt tôi từ bao giờ! 

Tôi ngại ngùng nhìn quanh rồi nhìn quý vị cùng bàn và nhận thấy quý anh chị đều nhìn tôi với ánh mắt cảm thông. Dù còn bị phân tâm, tôi cũng hơi ngạc nhiên khi nghe Ban Tổ Chức giới thiệu anh Hiền sẽ trình bày ca khúc Căn Nhà Tiền Chế. Tôi nhíu mày, cố nhớ xem tôi đã nghe bản nhạc nào có tựa đề như vậy hay chưa; nhưng nhớ không ra! Khi nghe nhạc dạo một đoạn ngắn tôi mới nghiệm ra anh Hiền đặt lời ca theo cuộc sống, cuộc tình của Lính, dựa vào âm hưởng ca khúc Lâu Đài Tình Ái. Nhìn anh Hiền hát một cách say sưa “…Em ơi! “Căn Nhà Tiền Chế” đó…” tôi cười và nhận ra niềm vui đã trở về! Tiếp đến là chị Bích Thủy – người em gái thân thương của khóa 6/68 Thủ-Đức – với giọng ca lảnh lót, ngọt ngào trong ca khúc Hoa Soan Bên Thềm Cũ của Tuấn Khanh.

Sau đó, Ban Tổ Chức giới thiệu phu nhân của Cố Đại Úy Quân Báo Trần Hữu Tánh, khóa 6/68, ngâm bài thơ do chính chị, bút hiệu Trần Thị Quê Hương, sáng tác để tưởng nhớ anh Tánh – “Người Tình Trăm Năm” của Chị. Giọng ngâm của chị Trần Thị Quê Hương trầm buồn tha thiết tựa như nỗi niềm của Chị suốt mười năm khổ lụy thăm nuôi anh Tánh trong các trại tù của cộng sản Việt-Nam:

“…Những chiều tắt nắng đìu hiu,

Hoàng hôn gợi nhớ, tình yêu vẫy chào.

Bóng anh khuất lẫn nơi nào?

Nhớ anh tha thiết lệ trào ướt mi!...”

Bài thơ dứt, chị Trần Thị Quê Hương cúi chào trong những tràn pháo tay tưởng chừng không dứt. Anh Tiến và chị Bích Thủy đến khen tặng chị Trần Thị Quế Hương rồi anh Tiến và chị Bích Thủy hỏi thăm tôi. Nhân cơ hội này, tôi hỏi anh Tiến:

-Thưa anh, khóa 6/68 khởi đầu với bao nhiêu sinh viên?

- Dạ, khoảng trên 2 ngàn sinh viên; nhưng khoảng 800 sinh viên được đưa đi huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, Đồng Đế, Nha-Trang.

Tôi hỏi chị Bích Thủy:

- Đến tháng Tư -1975 còn được bao nhiêu sĩ quan, thưa chị?

- Dạ, không thể phối kiểm được.                                                              

- Thưa chị, hiện nay khóa 6/68 quy tụ được bao nhiêu cựu sĩ quan?

Chị Bích Thủy nhìn anh Tiến. Anh Tiến đáp:

- Khoảng 200. Nhưng mỗi lần Hội Ngộ chỉ gặp được khoảng trên dưới 150 người thôi.

- Về Thương Phế Binh thì khóa 6/68 đã liên lạc được bao nhiêu vị rồi, thưa anh?

- Dạ, chín người.

Dù những con số do chị Bích Thủy và anh Tiến đưa ra không chính xác, tôi cũng cảm thấy nặng lòng! Tôi nhìn ra cửa, liên tưởng đến hai câu thơ của Vũ Đình Liêm: 

Những người muôn năm cũ,

Hồn ở đâu bây giờ!

*****

Tối hôm sau, 25 tháng 5-2014, là Đêm Hội Ngộ chính thức.

Buổi chiều, anh Lê Đông Hải đề nghị sẽ đón tôi sau khi anh Hải phụ với Ban Tổ Chức trang hoàng hội trường. Tôi xin anh Hải cho tôi đến phụ với các anh chị.

Trong khi cùng các chị bưng từng giò lan tươi đẹp đặt trên mỗi bàn, tôi nghĩ: Mấy mươi năm qua tôi cứ tưởng tôi chỉ có những ràng buộc với đại gia đình Hải-Quân; nhưng từ khi Linh lâm trọng bệnh cho đến bây giờ, tôi mới biết tôi cũng có những ràng buộc vô hình với gia đình khóa 6/68 Thủ Đức. 

Trước khi quan khách đến, Ban tổ chức giới thiệu nhà văn Vũ Uyên Giang và nhà văn Huy Văn – khóa 6/68 Thủ Đức – với hai tác phẩm mới và mời mọi người mua ủng hộ. Tiền bán sách sẽ được xung vào quỹ Thương Phế Binh. Mọi người hưởng ứng nồng nhiệt.

Tối hôm qua, vì xúc động, tình cảm bị chi phối, tôi không theo dõi chương trình. Hôm nay, nhìn quanh hội trường, tôi cảm nhận được sự trang trọng, sự vui tươi và ấm cúng. Tôi hỏi chị Bích Thủy:

-Hôm qua anh Tiến và chị bảo chỉ liên lạc được khoảng trên dưới 150 cựu SV/SQ/Thủ-Đức; vậy mà tại sao hôm nay đến gần 50 bàn lận, chị?

-Dạ, thân hữu.

Trong số thân hữu chọn lọc, tôi nhận ra giáo sư và cũng là cựu Tư Lệnh Không Quân QL/VNCH Nguyễn Xuân Vinh, cựu đại tá Tư Lệnh Không Quân và Bà Huỳnh Hữu Hiền, Commodore Jansen Buckner và vài vị khác mà tôi không nhớ tên. Ông Buckner bắt tay mọi người cùng bàn. Khi ông Buckner bắt tay tôi, tôi hỏi:

- Tôi nghe nói Ông là sĩ quan Hải-Quân, phải không, thưa Ông?

- Vâng. Và tôi từng tham chiến tại Việt Nam. 

- Xin cảm ơn ông đã góp phần bảo vệ miền Nam Việt-Nam của chúng tôi.

Tôi bước sang chào giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tác giả truyện dài Tìm Nhau Từ Thuở mà tôi đã đọc và viết về tác phẩm này. Sau khi trở về chỗ ngồi, tôi nói cho ông Buckner nghe về sự ngưỡng phục của tôi đối với tất cả Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt-Nam. Ông Buckner hỏi tôi, trong những chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt-Nam tôi có để ý một nhân vật nào đặc biệt hay không? Tôi đáp ngay: John McCain. Ông Buckner cười, gật gù. Tôi tiếp, tôi để ý đến ông McCain không phải vì ông ấy từng là ứng cử viên Tổng Thống Hoa-Kỳ, mà vì tấm ảnh chụp lúc ông ấy bị thương, tay bị băng bột, treo lên. Trong hình đó, ông McCain giống như một tài tử xi-nê. Một tấm ảnh khác, chụp ông McCain và vài quân nhân Hoa Kỳ vừa rời xe buýt của Việt cộng để đáp phi cơ về Mỹ, tôi thấy ánh mắt và thái độ của ông ấy – cũng như của những quân nhân Hoa-Kỳ khác cùng được thả với ông ấy – đều mang nét bất khuất, kiêu hùng của những người Mỹ thời chinh phục miền Tây. Một nhân vật nữa là ông Richard Lee Armitage. Ông Armitage là một trong những cố vấn của Hải-Quân VNCH. Khi thực hiện cuốn tài liệu Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, tôi được hân hạnh phỏng vấn ông ấy.

Câu chuyện giữa ông Buckner và tôi vừa đến đây thì Ban Tổ Chức yêu cầu mọi người đứng lên, nghiêm chỉnh cử hành lễ chào Quốc Kỳ. Sau đó giáo sư Vinh, cựu đại tá và bà Huỳnh Hữu Hiền và ông Buckner được mời lên sân khấu để Ban Tổ Chức tặng vòng hoa.

Tiếp theo là phần phát biểu của Ban Tổ Chức và của vài vị quan khách.

Khi được mời lên sân khấu, tôi chỉ vắn tắt cảm ơn những người bạn tốt bụng của khóa 6/68 SQ/TB Thủ Đức và tôi chấm dứt bằng ba câu “…Các anh đã thể hiện một cách cao đẹp truyền thống Huynh Đệ Chi Binh của Người Lính QL/V.N.C.H.. Một lần nữa, Điệp-Mỹ-Linh xin đa tạ tấm lòng của những người đã một thời cùng Nguyễn Phiêu Linh trải dài những tháng ngày đầu đời binh nghiệp tại Quân Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ-Đức; để rồi, sau đó, các anh cũng đã cùng Nguyễn Phiêu Linh hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ Quê Hương Miền Nam.”

Khi trở về chỗ ngồi, thấy anh Tiến đứng cạnh ông Buckner, tôi hỏi nhỏ anh Tiến sao chưa thấy ông Buckner lên sân khấu? Anh Tiến cho biết rằng ông Buckner bảo ông ấy chưa chuẩn bị, hẹn kỳ Hội Ngộ sau sẽ phát biểu cảm tưởng và sẽ nói về những kỷ niệm khó quên ở Việt-Nam.

Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng rất vui và khởi sắc. Tôi được dịp cười vì anh Hiền lại đơn ca Căn Nhà Tiền Chế. Chị Bích Thủy cũng như nhiều thân hữu đã góp vui bằng những bài ca một thời của Lính.

Bất ngờ ông Buckner bước qua phía tôi, nói nhỏ:

- Tôi phải về. Tạm biệt.

Tôi vội vàng đứng lên. Trong khi bắt tay ông Buckner, tôi hỏi:                             

-Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về Đêm Hội Ngộ này?

- Tuyệt vời! Tôi có một buổi tối rất đẹp và niềm vui trọn vẹn.

- Cảm ơn ông. Tôi cũng có cùng cảm nghĩ với ông.

Buổi Hội Ngộ chấm dứt vào lúc một giờ khuya.

Trong khi theo anh Hải và các anh chị trong Ban Tổ Chức ra bãi đậu xe, nhìn lên bầu trời trong xanh, tôi tưởng như tôi thấy Linh đang mỉm cười, vừa vẫy tay vừa lui dần vào khoảng không gian lấp lánh ánh sao. Tiếng hát xưa chợt ngân lên trầm trầm rồi vút cao trong hồn tôi: “Sayonara, Sayonara…goodbye!...” (3)

 ĐIỆP MỸ LINH

www.diepmylinh.com/


(1)  Chi tiết này đã được con tôi, Xuân Nguyệt, đưa vào bài thuyết trình về Văn Hóa Việt-Nam khi cháu theo học tại Đại Học Rice tại Houston.
(2)  Nghệ Sĩ Với Cây Đàn của Nguyễn Văn Khánh
(3)  Sayonara của Irving Berlin.