50 năm
Hải Chiến Hoàng Sa
Nguyễn Tường Tuấn phỏng vấn Điệp Mỹ Linh
NTT.- Sau năm 1974, hằng năm, đến ngày 19 tháng Giêng, dù bất cứ nơi đâu hoặc hoàn cảnh khó khăn đến thế nào, người Việt Nam cũng nghĩ đến hoặc cầu nguyện/thắp nhang hay viết đôi dòng về những trang sử đẩm máu trong cuộc hải chiến không cân sức giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và sự xâm lăng có chủ mưu của Trung cộng tại quần đảo Hoàng Sa!
Để kỷ niệm trang lịch sử rất hào hùng nhưng đầy đau thương của dân tộc Việt Nam – tại quần đảo Hoàng Sa, 50 năm trước – năm nay, 2024, Diễn Đàn KBC của Nguyễn Tường Tuấn xin gửi đến quý vị chương trình Tưởng Niệm 50 năm Hải Chiến Hoàng Sa, với sự hợp tác của nhà văn Điệp Mỹ Linh, một người thuộc vào đại gia đình Hải Quân VNCH.
Chào chị ĐML. Mời chị gửi lời chào đến quý thính giả.
ĐML.- ĐML xin trân trọng kính chào quý thính giả của diễn đàn KBC và kính chào anh Nguyễn Tường Tuấn.
NTT.- Thưa chị, là một người thuộc vào gia đình Hải Quân VNCH, chị có thể cho biết nguyên nhân nào đưa đến ngày lịch sử 19 tháng Giêng 1974, tại Hoàng Sa, hay không ạ?
ĐML.- Kính thưa quý thính giả, tôi thuộc vào đại gia đình Hải Quân VNCH và tôi từng tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp trên sông rạch thuộc vùng IV Sông Ngòi – để viết tường thuật. Nhưng, ít ai biết được rằng tôi hoàn toàn không được biết bất cứ điều gì về bí mật quân sự của Hải Quân VNCH. Do đó, tôi không thể biết được nguyên nhân đích thực của trận Hải chiến Hoàng Sa.
Tuy nhiên, dư luận thời 1974 cho rằng sự xung đột giữa VNCH và Trung cộng khơi nguồn từ sự việc mỏ dầu hỏa đã được tìm thấy trong vùng Thái Bình Dương. Trung cộng muốn độc chiếm mỏ dầu đó.
Riêng tôi, ngay sau khi cuộc hải chiến tại Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung cộng bùng nổ, tôi đã nghĩ rằng những cuộc cường tập quy mô do cộng sản Việt Nam (csVN) gây ra liên tục tại miền Nam Việt Nam – trước ngày 19/01/1974 – là sự giao ước “ngầm” giữa csVN và Trung cộng để csVN trả món nợ vũ khí và quân dụng mà Trung cộng đã cung cấp cho người csVN để người csVN đánh Mỹ, tạo điều kiện cho Trung cộng dễ chiếm Hoàng Sa; csVN cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam; Trung cộng chiếm trọn Biển Đông.
NTT.- Chị có thể nói rõ hơn hoặc dẫn chứng những thí dụ cụ thể về sự giao ước “ngầm” giữa csVN và Trung cộng hay không ạ?
ĐML.- Vâng, tôi xin được giải thích về suy luận của tôi, theo thứ tự thời gian:
1.- Ngày 21/01/1968, csVN tấn công Khê Sanh để đánh lạc hướng Quân Lực VNCH!
2.- Ngày 30/01/1968, csVN đã – xâm phạm Hiệp Ước Đình Chiến – đồng loạt pháo kích và tấn công dữ dội vào các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam! Huế bị thiệt hại nặng nhất, với nhiều ngôi mộ tập thể!
3.- Hamberger Hill – tên gọi khác là Hill 937 – tại Ấp Bia, từ ngày 10 đến ngày 20/05/1969.
4.- Mặt trận Nam Lào, đường số 9, 1971.
5.- Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, 1972.
6.- Mặt trận Cổ Thành Quảng Trị, 1972.
7.- Chiến dịch Trị Thiên từ 30/03/1972 đến 31/01/1973.
Người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, 29/03/1973.
Mỗi khi csVN mở mặt trận nơi nào, Hải Quân VNCH cũng phải chuyển vũ khí/đạn dược/quân xa/quân dụng/quân nhân, v.v. đến vùng đó. Khi csVN mở 07 cuộc tấn công – như đã kể trên – các chiến hạm hữu dụng của Hải Quân VNCH đều bị trưng dụng; chỉ còn tại Hải Quân Công Xưởng vài chiến hạm cần phải “đại kỳ/tiểu kỳ”, nghĩa là thay thế, sửa chữa những bộ phận quan trọng hoặc những hư hại khác.
Thời điểm này, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, chỉ còn 01 máy hữu dụng. Thế mà HQ10 cũng phải bị trưng dụng để tham chiến trận Hoàng Sa!
NTT.- Thưa chị, chị vui lòng cho biết – ngoài chiến hạm Nhật Tảo – có tất cả bao nhiêu chiến hạm của Hải Quân VNCH tham chiến trận Hoàng Sa?
ĐML.- Kính thưa quý thính giả, lực lược Hải Quân VNCH đã tham chiến trận Hải Chiến Hoàng Sa gồm có:
1.- Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ16, và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ5 đều có cùng đặc tính kỹ thuật và hỏa lực. Mỗi chiến hạm được trang bị: 01 hải pháo 127 ly; 02 hải pháo 40 ly đơn; 01 hải pháo 40 ly đôi; 02 trọng pháo 20 ly.
Trong chuyến hải hành đến Hoàng Sa HQ5 đem theo 49 Biệt Hải – dưới quyền chỉ huy của Hải Quân Đại úy Nguyễn Minh Cảnh.
2.- Khu trục hạm Trần Khánh Dư, HQ4, được trang bị: 02 hải pháo 76,2 ly; 03 trọng pháo 20 ly.
3.- Hộ tống hạm Nhật Tảo, HQ10, được trang bị: 01 hải pháo 76,2 ly; 02 hải pháo 40 ly; hệ thống chống tàu ngầm.
NTT.- Còn lực lượng Hải Quân của Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa thì như thế nào, thưa chị?
ĐML.- Kính thưa quý thính giả, lực lượng Hải Quân Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa gồm có:
1.- Hai hộ tống hạm Kronstadt 271 và 274. Hỏa lực mỗi chiến hạm gồm có 01 hải pháo 100 ly; 02 trọng pháo 37 ly.
2.- Hai trục lôi hạm cải biến T43, số hiệu 389 và 396, được thiết kế dựa theo trục lôi hạm T43 của Liên Xô và được trang bị: 01 hải pháo 100 ly; 04 trọng pháo 37 ly.
3.- Hai tàu đánh cá, số hiệu 402 và 407, được trang bị trọng pháo 25 ly.
4.- Hai chiến hạm hộ tống loại Hainan 281 và 282 . Vũ khí trên mỗi chiến hạm gồm có: Hai hải pháo 57 ly đôi và hai trọng pháo 25 ly đôi; 4 dàn phóng rocket, mỗi dàn 05 ống phóng loại 81 (RBU-1200) gồm 50 rocket tầm xa 1.200m.
NTT.- Lực lượng Hải Quân của Trung cộng trội hơn lực lượng Hải Quân VNCH nhiều quá!
ĐML.- Thưa anh, lý do lực lượng hai bên chênh lệch quá nhiều là vì – như lúc nãy tôi đã trình bày – Lực lượng Hải Quân VNCH đã bị csVN chi phối rất nhiều khi csVN tạo ra những cuộc cường tập khốc liệt, tại miền Nam Việt Nam, trước khi cuộc hải chiến Hoàng Sa bùng nổ!
NTT.- Đúng là csVN “cõng rắn cắn gà nhà!”
ĐML.- Chứ còn “ai trồng khoai đất này”! Bây giờ, tôi xin nói về chi tiết của trận hải chiến đẩm máu tại Hoàng Sa.
Kính thưa quý thính giả, những điều sắp trình bày hôm nay, tôi căn cứ vào Hồi Ký của Hải Quân đại tá Hà Văn Ngạc, Hải Sử tuyển tập, Hồi Ký của Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và vài nhân chứng sống. Tôi cũng đọc bài viết về Hoàng Sa của vài tác giả khác nhau – trên internet; nhưng, thành thật xin lỗi, tôi không thể nhớ được tên tác giả!
Đại tá Ngạc là sĩ quan chỉ huy chiến thuật (OTC – Officer in Tactical Command) trận hải chiến Hoàng Sa. Đại tá Ngạc cũng là sĩ quan trực tiếp ra lệnh cho Hải Đoàn Đặc Nhiệm của Hải Quân VNCH tại Hoàng Sa “khai hỏa”, để khởi đầu cuộc Hải Chiến bi hùng tại Hoàng Sa.
NTT.- Cuộc Hải Chiến bi hùng đó khởi đầu từ ngày nào và diễn tiến như thế nào, thưa chị?
ĐML.- Kính thưa quý thính giả, những diễn tiến đưa đến cuộc hải chiến đẫm máu tại Hoàng Sa khởi đầu từ:
Ngày 11/01/1974.- Chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger rời Trung cộng, đột nhiên Ngoại trưởng Trung cộng tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trên các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Sau khi tuyên bố một cách vô căn cứ, Trung cộng đưa nhiều chiến hạm và tàu đánh cá – được trang bị vũ khí – xâm nhập hải phận Hoàng Sa.
Vì Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc đang bận công cán tại ngoại quốc, cho nên, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao của VNCH bác bỏ luận cứ của Trung cộng.
Ngày 12/01/1974.- Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc cực lực bác bỏ luận điệu vô căn cứ và lên án hành động xâm lăng của Trung cộng; đồng thời Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc cũng tái xác nhận chủ quyền của VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 15/01/1974.- Theo Hồi Ký của cựu phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, nguyên Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải, thì: “...Vào ngày 15/01/1974, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ16, Hạm Trưởng là Hải Quân trung tá Lê Văn Thự, được lệnh đưa Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân viên Khí Tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán Địa Phương Quân đã hết nhiệm kỳ ở Hoàng Sa. Chuyến hải hành này có hai sĩ quan Công Binh tháp tùng để nghiên cứu việc tu sửa hai cầu tàu tại Hoàng Sa; một người Mỹ tên Gerald Kosh cũng xin tháp tùng. Khi chiến hạm vừa khởi hành tôi được báo cáo từ Hoàng Sa là một vài ghe đánh cá xuất hiện rất gần bờ tại đảo Pattle. Tôi liền chuyển tin đó cho HQ16”. (Hết trích)
Trong thời gian này, Trung cộng đổ bộ/chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền.
Sáng 16/01/1974.- Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc gửi công hàm cho Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để lưu ý tình hình căng thẳng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh thế giới, bởi lời tuyên bố chủ quyền của Trung cộng.
Cũng thời điểm này, HQ16 đến Hoàng Sa. Trong khi tuần hành, HQ16 phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao, gắn cờ Trung cộng và một chiến hạm của Trung cộng đang di chuyển quanh đảo. HQ16 yêu cầu chiến hạm Trung cộng rời vùng lãnh hải của Việt Nam. Không có tín hiệu trả lời từ chiến hạm Trung cộng. HQ16 thấy 02 tàu nhỏ của Trung cộng ở gần bờ đảo Duy Mộng.
Trưa 16/01/1974.- Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Bộ Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Biển Hải Quân VNCH nhận được công điện của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ thông báo: Một hạm đội gồm 41 chiến hạm và 02 tiềm thủy đỉnh của Trung cộng đang tiến về Hoàng Sa.
Tại Hoàng Sa, HQ16 thấy một tàu lạ xuất hiện trong vùng. Trung úy Đào Dân – sĩ quan của HQ16 – ra lệnh gửi tín hiệu. Tàu lạ im lặng. Hạm Trưởng HQ16 ra lệnh khai hỏa trọng pháo 20 ly, chỉ với mục đích đuổi tàu lạ ra khỏi vùng đảo, nhưng tàu lạ vẫn không phản ứng. HQ16 tiến gần đến tàu lạ thì nhận ra lá cờ Trung cộng.
Sau đó, HQ 16 phát hiện – về hướng Tây Nam đảo Cam Tuyền – có hai tàu đánh cá Trung cộng, mang số 402 và 407.
HQ16 đưa 16 nhân viên cơ hữu dùng xuồng chở 06 người trong đoàn Công Binh lên đảo, do thiếu tá Hồng chỉ huy.
Trong khi chờ đoàn Công Binh trở lại chiến hạm, Hạm Trưởng HQ16 thấy trên đảo Quang Hòa bốn năm người ăn mặc như thường dân, có người ở trần, gần một dãy nhà đang xây cất dở dang. Hạm Trưởng HQ16 thông báo sự việc về Bộ Chỉ Huy. Bộ Chỉ Huy cho biết trên đảo này không có quân của VNCH.
HQ16 dùng cờ/loa phóng thanh tiếng Tàu, yêu cầu người Trung cộng rời khỏi hải phận Việt Nam. Im lặng. Một lúc lâu, nhóm người Trung cộng yêu cầu HQ16 rời vùng tranh chấp.
Vừa khi đó, nhiều tàu đánh cá xuất hiện cạnh đảo Cam Tuyền và hằng trăm lá cờ Trung cộng cắm dọc bờ cát.
Trước tình hình nghiêm trọng như thế, Hạm Trưởng HQ16 báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, xin được tăng viện.
Hải Quân trung tá Vũ Hữu San được lệnh khẩn cấp đưa HQ4 ra Hoàng Sa.
Tối 16/01/1974.- HQ4 rời Đà Nẵng, tiến ra Hoàng Sa, đem theo một trung đội Biệt Hải do đại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy.
Ngày 17/01/1974.- Chính phủ VNCH gửi công hàm đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề nghị ban bố mọi biện pháp thích hợp để cải thiện tình hình.
09:00 giờ sáng 17/01/1974.- Từ Saigon, Hải Quân đại tá Hà Văn Ngạc đến Đà Nẵng. Khi đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải đại tá Ngạc được biết Tuần Dương Hạm Trần Bình Trong, HQ5, với biệt đội Hải Kích, cũng sẽ đến Đà Nẵng vào tối hôm đó.
Trưa 17/01/1974.- HQ4 đến Hoàng Sa, nhập đoàn với HQ16. Vừa nhập vùng, HQ4 từ phía Nam đảo Vĩnh Lạc (Money) chạy lên; HQ16 từ đảo Pattle chạy xuống, kèm hai chiến hạm của Trung cộng vào giữa. Hạm Trưởng HQ4 ra lệnh dùng cờ/quang hiệu/loa phóng thanh tiếng Việt/tiếng Anh/tiếng Tàu để đuổi chiến hạm của Trung cộng ra khỏi lãnh hải của Việt Nam. Chiến hạm của Trung cộng cũng yêu cầu chiến hạm Việt Nam rời vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung cộng.
Không giải quyết được vấn đề một cách ôn hòa, Hạm Trưởng HQ4 cảnh báo rồi ra lệnh cho HQ4 bẻ lái, “ủi” thẳng vào chiến hạm ngụy trang tàu đánh cá 407 của Trung cộng, với mục đích đẩy chiến hạm ngụy trang của Trung cộng ra xa đảo.
Trước thái độ quyết liệt của HQ4, chiến hạm Trung cộng ngụy trang 407 và một chiến hạm khác của Trung cộng, gần đó, bỏ chạy về phía Nam của đảo Duy Mộng và đảo Quang Hòa.
Sau khi đuổi hai chiến hạm Trung cộng, HQ4 cho toán Người Nhái đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc dẹp cờ Trung cộng, cắm Quốc Kỳ VNCH.
Thượng sĩ giám lộ Lý Công Bảy trên HQ4 kể lại: “Toán Biệt Hải đổ bộ lên đảo không phát hiện được gì ngoài vài nấm mộ mới đắp, chỉ có bảng gỗ đóng trước mộ, ghi chữ Tàu với ngày sinh/ngày chết từ rất lâu. Toán Biệt Hải được lệnh đào lên vài nấm mộ để giảo nghiệm; nhưng không thấy gì cả. Đây là mộ ngụy tạo”!
03:00 giờ chiều 17/01/1974.- HQ16 đến đảo Cam Tuyền, án ngữ phía Đông Nam để yễm trợ cho HQ4 đổ bộ 27 Biệt Hải lên phía Tây đảo Cam Tuyền, trong khi 02 chiến hạm 402 và 407 của Trung cộng đang ở phía Nam đảo Cam Tuyền.
Sau đó, HQ16 chuẩn bị đổ bộ 15 nhân viên cơ hữu – do trung úy Lâm Trí Liêm chỉ huy – lên đảo Cam Tuyền.
NTT.- Tình hình găng quá!
ĐML.- Vâng! Còn nhiều chi tiết rất bi hùng, kính mời quý thính giả theo dõi.
06:00 giờ chiều 17/01/1974.- HQ4 phát hiện hai chiến hạm Kronstadt 271, 274 của Trung cộng từ đảo Quang Hòa tiến về đảo Cam Tuyền. HQ4 dùng quang hiệu yêu cầu 02 chiến hạm Kronstadt 271, 274 rời hải phận của Việt Nam. Hai chiến hạm 271 và 274 cũng dùng quang hiệu, đáp rằng các đảo này thuộc chủ quyền của Trung cộng, yêu cầu chiến hạm VNCH rút lui.
Không thấy HQ4 rút lui, hai chiến hạm Kronstadt 271, 274 chạy quanh HQ4. Một trong hai chiếc Kronstadt chận đầu HQ4!
08:00 giờ tối 17/01/1974.- Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, rời hải cảng Tiên Sa, trực chỉ Hoàng Sa.
09:00 giờ tối 17/01/1974.- HQ5 cũng rời Đà Nẵng, hải hành ra Hoàng Sa.
Trung cộng tiếp tục tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích. Các chiến hạm của Trung cộng tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. HQ4 và HQ16 dùng tín hiệu cảnh cáo: “Đây là lãnh hải của Việt Nam Cộng Hòa. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay!” Trung cộng đáp rằnh Hoàng Sa là của Trung cộng.
04:30 giờ sáng 18/01/1974, một trong 04 chiến hạm của Trung cộng tiến về HQ4. Nhưng, khi HQ4 tiến sát chiến hạm của Trung cộng thì chiến hạm của Trung cộng chuyển hướng về đảo Quang Hòa.
Sáng 18/01/1974, theo cựu sĩ quan Hải Quân Trần Đỗ Cẩm: “HQ16 quay lại đảo Hữu Nhật, thấy hai chiến hạm của Trung cộng vẫn còn đó. Gần đảo Money cũng có chiến hạm của Trung cộng với hằng trăm lá cờ Trung cộng cắm rải rác dọc bãi cát.” Hạm trưởng HQ16 báo cáo sự việc về Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải.
Nhận được báo cáo của HQ16, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra lệnh HQ16 đổ bộ nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để triệt hạ cờ Trung cộng.
Hạm Trưởng HQ16 cho một trung úy và 14 đoàn viên – được trang bị M79 và súng cá nhân – đổ bộ bằng xuồng cao su với mục đích nhổ hết cờ Trung cộng, cắm cờ VNCH.
08:45 giờ sáng 18/01/1974, HQ16 phát hiện thêm một chiến hạm của Trung cộng di chuyển về hướng Đông Nam đảo Duy Mộng; trên đảo đã thấy cờ của Trung cộng.
10:30 giờ sáng 18/01/1974, trong khi HQ4 rút Biệt Hải trở về chiến hạm thì chiến hạm 407 của Trung cộng tiến về HQ16.
03:00 giờ chiều 18/01/1974, HQ5 và đại tá Ngạc đến Hoàng Sa.
Sau đó không lâu, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, cũng đến Hoàng Sa.
Đại tá Ngạc chia Hải Đoàn Đặc Nhiệm thành hai Phân Đoàn Đặc Nhiệm:
*.- Phân Đoàn Đặc Nhiệm I gồm có Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ5; do Hạm Trưởng HQ4 chỉ huy.
Đại tá Hà Văn Ngạc trực tiếp chỉ huy từ HQ5.
*.- Phân Đoàn Đặc Nhiệm II gồm có Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ16 và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10; do Hạm Trưởng HQ16 chỉ huy.
Nhóm quân nhân thuộc HQ16 và HQ4 đổ bộ và trương quốc kỳ VNCH trên các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money) và Duy Mộng (Drummond).
Từ phía Nam đảo Hoàng Sa, 02 phân Đoàn Đặc Nhiệm tiến về đảo Quang Hòa theo thứ tự: HQ4, HQ5, HQ16 và HQ10.
Khi 02 Hải Đoàn Đặc Nhiệm tiến về đảo Quang Hòa để Hải Kích đổ bộ thì bị hai chiến hạm Kronstadt 271 và 274 của Trung cộng chận hướng hải hành. Hai Phân Đoàn Đặc Nhiệm vẫn giữ nguyên tốc độ. Hai chiến hạm 389 và 396 của Trung cộng vẫn giữ nguyên vị trí sát bờ bắc đảo Quang Hòa.
Chiếc Kronstadt 271 dùng quang hiệu chuyển công điện: “These islands belong to the People Republic of China since Ming dynasty STOP Nobody can deny”. Hải Đoàn Đặc Nhiệm đáp bằng quang hiệu: “Please leave our territorial water immediately!”
07:15 giờ chiều 18/01/1974, HQ5 phát hiện hai chiến hạm 389 và 396 của Trung cộng.
08:00 giờ tối 18/01/1974, HQ16 chuyển phái đoàn Công Binh, do thiếu tá Hồng hướng dẫn, sang HQ5 bằng xuồng. Phái đoàn Công Binh cùng ông Gerald Kosh – thuộc cơ quan DAO Hoa Kỳ tại Đà Nẵng – vào gặp đại tá Ngạc.
10:00 giờ tối 18/01/1974, đại tá Ngạc liên lạc vô tuyến với bốn Hạm Trưởng để thông báo tình hình quân sự rất phức tạp trong vùng, yêu cầu bốn vị Hạm Trưởng chuẩn bị chiến hạm và huy động tinh thần nhân viên, sẵn sàng chiến đấu.
11:00 giờ đêm 18/01/1974, lệnh hành quân từ Vùng I Duyên Hải được chuyển mã hóa trên băng tần SSB – single side band – ghi rõ: “Tái chiếm một cách ôn hòa đảo Quang Hòa”.
NTT.- Lực lượng Hải Quân của Trung cộng vượt xa lực lượng Hải Quân VNCH thì làm thế nào Hải Quân VNCH có thể tái chiếm đảo Quang Hòa một cách ôn hòa được?
ĐML.- Nhận xét của anh rất chính xác! Nhưng, chính người csVN đã âm thầm hậu thuẫn Trung cộng bằng những cuộc tấn công tàn bạo vào miền Nam Việt Nam ngay trước khi Trung cộng tiến chiếm Hoàng Sa thì làm thế nào Hải Quân VNCH có thể bảo vệ được lãnh hải khi mà Hoa Kỳ không còn viện trợ vũ khí và quân dụng cho VNCH nữa?
Tình trạng bi đác cho đến nỗi Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, khi rời hải cảng Tiên Sa để trực chỉ Hoàng Sa thì một máy chính của HQ10 không xử dụng được, rada bị trục trặc, hỏa lực đối hạm phải chỉnh bằng tay!
NTT.- Quả là một cuộc hải chiến hào hùng nhưng đầy bi thảm! Theo tài liệu chị đã trình bày, tôi đồng ý rằng: Sự bi thảm này có sự “góp sức” rất đắc lực của người csVN. Đó là điều rất đáng buồn! Nhưng thôi, chúng ta chỉ biết nói lên sự thật của lịch sử để các thế hệ trẻ biết được rằng VNCH đã thật sự đánh đuổi quân ngoại xâm Trung cộng. Mời chị trình bày tiếp.
ĐML.- Khuya 18/01/1974, HQ10, HQ4, HQ5 và HQ16 chuẩn bị tác chiến. Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh làm tối HQ10 để tránh bị theo dõi.
02:00 giờ sáng 19-01-1974.- Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà triệu tập cuộc họp khẩn cấp và chỉ thị: Tất cả chuẩn bị tác chiến để bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc.
06:00 giờ sáng 19/01/1974.- Phân Đoàn Đặc Nhiệm I có mặt tại Tây Nam đảo Quang Hòa, rồi tiến sát đảo Quang Hòa. HQ5 nằm gần bờ hơn để thuận tiện cho Hải Kích đổ bộ.
Hai chiến hạm của Trung cộng – Kronstadt 271 và 274 – bị bất ngờ, vận chuyển một cách lúng túng, luồn ra khỏi khu lòng chảo.
Trong lúc Biệt Đội Hải Kích xuống xuồng cao-su để đổ bộ, đại tá Ngạc đích thân đến cầu thang căn dặn và nhấn mạnh về việc đổ bộ mà không được nổ súng. Khi bắt được liên lạc với quân của Trung cộng, hãy yêu cầu họ rời khỏi đảo.
Theo báo cáo của Chỉ Huy Trưởng Biệt Đội Hải Kích – Hải Quân đại úy Nguyễn Minh Cảnh – Hải Kích Đỗ Văn Long là người đầu tiên đổ bộ lên đảo; vừa nổ súng vừa tiến vào bờ, liền bị hỏa lực từ trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển.
Trung úy Lê Văn Đơn – xuất thân từ Bộ Binh – tiến vào để thu hồi tử thi của Hải Kích Đỗ Văn Long cũng bị tử thương ngay gần xuồng. Tử thi của trung úy Đơn được thu hồi ngay.
7:00 giờ sáng 19/01/1974.- Sau khi quan sát tình hình chiến trận một lần nữa, Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà dăn dò các pháo thủ phải cố gắng bắn chính xác ngay loạt đạn đầu tiên để phá vỡ lợi thế của đối phương.
HQ5 đổ bộ 22 Hải Kích lên bờ Tây Nam. HQ4 đổ bộ 27 Biệt Hải lên bờ Nam để tái chiếm đảo Quang Hòa.
Cả 02 cuộc đổ bộ đều thất bại trước hỏa lực quá mạnh của Trung cộng!
Cũng thời điểm này, hai chiến hạm 402 và 407 của Trung cộng tăng cường khoảng 02 đại đội lên bờ Đông Bắc đảo Quang Hòa.
8:50 giờ sáng 19/01/1974.- Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải chỉ thị đại tá Ngạc cho tấn công tối đa vào các đảo; phải dùng mọi khả năng để chống trả
9:30 giờ sáng 19/01/1974.- đích thân Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải ra lệnh “khai hỏa”, bằng bạch văn, qua siêu tần số SSB, cho đại tá Ngạc.
10 giờ sáng 19/01/1974.- Biệt đội Hải Kích trở về HQ5 với tử thi của trung úy Lê Văn Đơn.
Đại tá Ngạc chỉ thị mỗi chiến hạm của VNCH tấn công một chiến hạm địch và bám sát địch trong tầm hải pháo 40 ly. Tất cả chiến hạm của Hải Quân VNCH phải đồng loạt khai hỏa theo lệnh của đại tá Ngạc để tạo yếu tố bất ngờ và gây thiệt hại trước cho các chiến hạm của Trung cộng.
Vì tầm quan sát – từ HQ5 – rất hạn chế, đại tá Ngạc không thể quan sát được những biến động của HQ4/HQ16/HQ10 cũng như các chiến hạm và hai ngư thuyền ngụy trang của Trung cộng.
10 giờ 24 sáng 19/01/1974.- Hải Quân đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh “khai hỏa”!
Vào thời điểm bi hùng đó, Hải Quân trung úy Phạm Ngọc Roa đang trực chiến tại đài ra-đa của HQ4. Trung úy Roa thấy Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, khai hỏa trước tiên. Tiếp theo, cả bốn chiến hạm của Hải Quân VNCH đồng loạt nổ súng.
Sau đó, cũng chính trung úy Phạm Ngọc Roa thấy đài chỉ huy của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, lóe sáng vì bị trúng đạn!
Đài chỉ huy HQ4 cũng bị trúng đạn. Trung úy Roa bị thương. HQ4 bị trúng gần 70 phát đạn. Hai quân nhân tử thương. Nhiều quân nhân bị thương.
Chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn, vận chuyển rất chậm, trở thành mục tiêu của HQ5. Hỏa lực của Kronstadt 271 không gây thiệt hại nhiều cho HQ5; nhưng có thể đã gây thiệt hại nặng cho HQ10 nằm về phía Bắc.
HQ4 nằm về phía Tây Nam của HQ5 đặt mục tiêu là Kronstadt 274 nằm về phía Bắc. Nhưng, chẳng may, HQ4 bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên, phải chờ sửa chữa. Tuy nhiên, HQ4 vẫn phải tiếp tục bám sát Krondstadt 274, cho nên, HQ4 bị thiệt hại nặng bởi hỏa lực của Kronstadt 274.
Tại đài chỉ huy của HQ5, máy truyền tin PRC-25 để đại tá Ngạc chỉ huy và liên lạc với các chiến hạm trực thuộc, được đặt trước ghế Hạm Trưởng. Đại tá Ngạc vừa bước ra ngoài quan sát thì đài chỉ huy bị trúng đạn; máy PRC- 25 nát tan!
10:39 giờ sáng 19/01/1974.- HQ16 báo cáo hầm máy bị trúng đạn, chiến hạm bị nghiêng, khả năng vận chuyển giảm, buộc phải lui ra khỏi vòng chiến; cũng không còn liên lạc được với HQ10; không biết rõ tình trạng, chỉ thấy nhân viên HQ10 đang đào thoát.
Đại tá Ngạc ra lệnh cho HQ4 lui ra khỏi vòng chiến ngay; HQ5 yểm trợ cho HQ4 tiến ra xa.
Chiếc Kronstadt 274 của Trung cộng tấn công HQ5 với mục đích tiếp cứu chiếc Krondstadt 271 đang bị tê liệt.
HQ5 bị trúng đạn. Sĩ quan trưởng khẩu 127 ly tử thương và hải pháo bất khiển dụng. Máy siêu tần số SSB không còn liên lạc được. Khẩu hải pháo 40 ly đơn phía tả hạm cũng bị hư hại.
11:25 giờ sáng 19/01/1974.- Cách xa khoảng 8 đến 10 hải lý, về phía Đông, xuất hiện một chiến hạm của Trung cộng, loại được trang bị mỗi bên một dàn phóng kép hỏa tiễn loại hải hải, đang tiến vào vùng giao tranh với tốc độ cao, quan sát được bằng viễn vọng kính.
Đại tá Ngạc ra lệnh HQ4 và HQ5 rời vùng Hoàng Sa, tiến về hướng Subic Bay.
01:00 giờ trưa 19/01/1974.- HQ4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa khoảng 10 hải lý. Tư Lệnh Hải Quân đích thân ra lệnh cho HQ4 và HQ5 phải trở lại Hoàng Sa, đánh chìm chiến hạm của Trung cộng.
Lệnh được thi hành ngay.
Từ HQ5, đại tá Ngạc được thông báo rằng HQ16 đã được HQ6, hộ tống về Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng.
2:30 giờ chiều 19-01-1974, HQ4 và HQ5 đang hải hành trở lại Hoàng Sa. Ngang Hòn Tri Tôn – cách Hoàng Sa khoảng 01 giờ rưỡi hải hành – HQ4 và HQ5 nhận được phản lệnh, phải trở về Đà Nẵng.
07:00 giờ sáng 20-01-1974, HQ4 và HQ5 về tới Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng.
Theo trung sĩ Trịnh Văn Quý – thuộc lực lượng đổ bộ lên đảo Hữu Nhật – khoảng 08 giờ sáng 20/01/1974 trung sĩ Trịnh Văn Quý vẫn thấy từng cụm khói nhỏ vươn lên từ đài chỉ huy của HQ10 trong khi phần cuối cùng của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo, HQ10, vẫn từ từ chìm vào lòng Biển Mẹ!
NTT .- Một hình ảnh thật là bi hùng!
Kính thưa quý thính giả, chương trình Tưởng Niệm 50 năm Hải Chiến Hoàng Sa – do Diễn Đàn KBC của Nguyễn Tường Tuấn thực hiện – đến đây xin tạm ngưng. Xin hẹn cùng quý thính giả vào một chương trình khác.
Kính chào.