Đạo diễn Thanh Tâm với phim Bóng Quá Khứ
LGT.- Biến cố 30/04/1975 xảy ra tại miền Nam Việt Nam cách nay gần nửa thế kỷ. Tài liệu viết về những biến động này thường do phía cộng sản Việt nam và Hoa Kỳ chủ động. Thành phần nạn nhân của biến động 30/04/1975 – Việt Nam Cộng Hòa – lại ít được biết đến.
Nhận ra được sự “cam phận” đầy thiệt thòi của Việt Nam Cộng Hòa, một người trẻ – đạo diễn Thanh Tâm, thuộc Thanh Tâm Films – đã có ước vọng tìm Từ Tro Tàn Chiến Tranh để thực hiện những cuốn phim tài liệu lịch sử rất giá trị như Bóng Quá Khứ, Hành Trình 50 năm và Từ Tro Tàn Chiến Tranh.
Để thực hiện Từ Tro Tàn Chiến Tranh một cách trung thực và chính xác, đạo diễn Thanh Tâm đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn các nhân vật đã, không ít thì nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp “dự phần” vào những sự kiện xảy ra trong dòng lịch sử cận đại, từ 30/04/1975 đến nay.
Trong lần đến Houston, đạo diễn Thanh Tâm đã được dịp tiếp xúc với nhà văn Điệp Mỹ Linh. Sau đây, kính mời độc giả đọc bài Đạo Diễn Thanh Tâm Phỏng vấn nhà văn Điệp Mỹ Linh.
Thanh Tâm.- Kính thưa quý vị, kể từ năm 1975 toàn dân tộc nói chung và Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại nói riêng, mà cho dẫu có trí tưởng tượng mạnh mẽ, lạc quan đến bao nhiêu, người Miền Nam trong buổi sáng Ngày 30 Tháng 4, 1975 không thể nào không tự hỏi: Sẽ sống sót được với chế độ mới hay không?! Tất cả đều có cảm giác đang chạm vào cái chết có thật. Thế nhưng, Người Việt Miền Nam, cụ thể tại hải ngoại vẫn tồn tại đến hôm nay với vinh hiển đầy tự hào của cuộc chiến đấu vượt thắng Từ Tro Tàn Chiến Tranh. Thế nên, cần nhắc lại những năm tháng khổ nạn kia để nhớ, để hiểu tại sao Cuộc Chiến Đấu hôm nay vẫn tiếp tục tại hải ngoại lẫn trong nước với mục tiêu cao thượng tối hậu: Sống xứng đáng Phẩm Giá Con Người – Người Việt Tự Do – Mục tiêu mà Thanh Tâm Films đã, đang tập trung qua Bóng Quá Khứ; Hành Trình 50 Năm và nay là Từ Tro Tàn Chiến Tranh. Câu chuyện tiếp tục được thực hiện với Nhà Văn Nữ Điệp Mỹ Linh, phu nhân của Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh.
Thanh Tâm.- Thanh Tâm kính chào Cô Điệp Mỹ Linh. Trước tiên, Thanh Tâm xin cảm ơn Cô đã mau chóng đồng ý có mặt trong buổi phỏng vấn hôm nay. Công việc khá nặng nhọc đối với một phụ nữ cao tuổi sau quảng đời dài nguy nan cùng vận nước, trong chiến tranh trước 1975, tiếp 50 năm nơi hải ngoại. Thanh Tâm cũng xin được phép gọi nhà văn Điệp Mỹ Linh bằng Cô cho thân mật; bởi danh vị Bà có phần xã giao xa cách. Thưa Cô, để khán giả khắp nơi tiện theo dõi câu chuyện, mời Cô tóm tắt những nét chính về hoạt động, cảnh đời từ gia đình, học đường, xã hội trước 1975 ở Việt Nam. Xin Cô nhắc lại hoạt động viết văn mà Cô đã bắt đầu từ 1961.
ĐML.- Điệp Mỹ Linh xin trân trong kính chào quý khán giả và đạo diễn Thanh Tâm. Trước hết, tôi xin cảm ơn đạo diễn Thanh Tâm đã tạo điều kiện, giúp tôi được giải bày nỗi niềm của một “người cầm bút bất đắc dĩ”.
Thưa quý khán giả và đạo diễn Thanh Tâm, tôi được sinh tại Dalat. Khi tôi khoảng 3 hoặc 4 tuổi, Ba tôi theo kháng chiến chống Tây. Trong “vùng kháng chiến”, Ba tôi là Trưởng Ban Văn Nghệ Sở Quân Giới Liên khu V. Cũng trong “vùng kháng chiến” , Ba tôi dạy tôi đàn Mandolin.
Khi Việt Minh – tiền thân của cộng sản Việt Nam (csVN) – thực hiện chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” và “Bần cùng hóa nhân dân”, Ba tôi đưa gia đình trở về Dalat.
Tại Dalat, tôi học và ở nội trú trường Domaine de Marie.
Sau khi tôi xong bậc tiểu học, gia đình tôi dời về Nha Trang. Tại Nha Trang, tôi học trường trung học Võ Tánh. Cũng tại Nha Trang, Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – cộng tác với báo Đuốc Thiêng/Tin Sáng/Tia Sáng; và Ba tôi dạy tôi đàn Accordéon. Sau đó, ba tôi thành lập ban ca nhạc Bình Minh, phu trách phần văn nghệ cho đài phát thanh Nha Trang vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Tôi đàn Accordéon trong ban Bình Minh. Nhiều khi tôi cũng độc tấu Accordéon nhạc ngoại quốc trên đài phát thanh và trên sân khấu của các rạp “xi-nê” tại Nha Trang, trong những buổi văn nghệ do Ban Bình Minh hoặc trường Võ Tánh tổ chức.
Điệp Mỹ Linh độc tấu Accordéon, 1987,
trong buổi ra mắt tác phẩm Bước Chân Non, tại Houston.
Sau khi đỗ tú tài II, tôi theo học trường đại học Luật Khoa Saigon; ban Bình Minh ngưng hoạt động.
Tôi thành hôn với một sĩ quan tác chiến, rất “ba gai”, xuất thân khóa 8 sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Trước khi thành hôn, Ông “ba gai” hứa sẽ để tôi tiếp tục việc học và đàn/hát. Không ngờ, sau khi thành hôn, mỗi khi tôi đàn Ông “ba gai” mở radio/TV hết “ga” để át tiếng đàn của tôi. Tôi rất buồn và thất vọng! Ba tôi hiểu được tâm trạng của tôi, cho nên, Ba tôi dạy tôi viết – đủ mọi thể loại.
Khi biết tôi viết, Ông “ba gai” cũng bảo tôi “dẹp”! Tôi đáp:
-Đàn và viết không phải là tội lỗi, tại sao ông cứ ngăn cấm tôi?
Ông “ba gai” đáp:
-Người ta đàn/ca/viết lách để kiếm tiền nuôi thân hoặc nuôi gia đình. Cô đàn/ca/viết lách để làm gì? Tôi có bỏ cô đói đâu?
-Giữa đàn và viết, tôi chỉ có thể bỏ một chứ tôi không thể bỏ cả hai.
-Rồi, bỏ đàn đi!
-Ông là sĩ quan tác chiến. Tôi muốn viết tường thuật; viết tường thuật thì phải thấy tận mắt, ông nghĩ sao?
-Anh sẽ xin phép Tướng Vùng.
Thanh Tâm .- Thưa Cô, trong lần phỏng vấn trước đây của Đài Việt Nam Hải Ngoại, Houston Cô đã nhận định: “Viết để giải tỏa những suy tư, những cảm nhận của bản thân chứ không viết với mục đích để trở thành nhà văn”. Đấy là nói theo cách khiêm nhường, bởi dẫu chỉ là người viết văn tài tử, nhưng Cô đã bắt đầu viết từ 1961, và ra hải ngoại sau 30/4/1975, Cô cũng đã có đến 9, 10 tác phẩm in thành sách, được phổ biến. Mời Cô trình bày quá trình cầm viết sau 50 năm ở hải ngoại.
ĐML.- Kính thưa quý khán giả và cô Thanh Tâm, khi Ba tôi dạy tôi học Accordéon tôi vui thích bao nhiêu thì nghịch cảnh sau khi tôi lập gia đình cũng làm cho tôi buồn bấy nhiêu! May mà Ba tôi dạy tôi viết, cho nên, tôi chỉ viết về những gì làm ray rức hồn tôi chứ tôi không bao giờ ước mơ để trở thành nhà văn. Hiện tại, tôi đã xuất bản được 15 tác phẩm; gồm 02 cuốn truyện dài (Cuồng Lưu/Sau Cuộc Chiến) 12 tập truyện (Một Đoạn Đường/Bước Chân Non/Tưởng Như Trở Về/Đưa Tiễn/Tìm Vết Chân Xưa/Trăng Lạnh/Chỉ Còn Là Kỷ Niệm/Dáng Xưa/Tự Truyện của Tím/Những Mảnh Rời/Nỗi Niềm/Người Việt “Mới”) và cuốn tài liệu lịch sử: Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975.
Sau 30/04/1975, đến Hoa Kỳ, Ông “ba gai” ra “tối hậu thư” cho tôi:
-Đàn/ca/viết “lách”, “dẹp” hết, đi làm kiếm tiền lo cho con và gửi về Việt Nam giúp ông Già bà Già. (Ba Má tôi).
Tôi đáp:
-Tôi không làm gì nên tội. Nhưng, nếu buộc tôi phải ‘dẹp’, tôi sẽ ‘dẹp’ ông chứ tôi không ‘dẹp’ viết; đàn thì tôi chưa có tiền mua.
Khoảng 1977/1978, tôi cộng tác với bán nguyệt san Ngày Nay do giáo sư Nguyễn Ngọc Linh làm chủ nhiệm; nguyệt san Hồn Việt do ký giả Ngọc Hoài Phương điều hành; Nguyệt San Sóng bên Canada do giáo sư Nguyễn Tăng Chương điều hành và nhiều đặc san của các Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Thời điểm đó, người viết rất hiếm, cho nên, quý vị chủ bút thường yêu cầu tác giả viết dài/viết thường xuyên.
Khi hai chương trình đoàn tụ O.D.P. (Orderly Departure Programme) và HO (Humanitarian Operation) được thực hiện thì báo chí hải ngoại được nhiều người cộng tác hơn, đa số viết hồi ký.
Riêng tôi, vì vừa đi làm vừa lo việc nhà và cũng vì sự “cự nự” của Ông “ba gai”, điều kiện sáng tác của tôi không được dễ dàng như những người cầm bút khác.
Thanh Tâm .- Trong những sách đã được phổ biến, theo đánh giá chung và chính của Cô thì cuốn tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 là quan trọng nhất, nên cô đã có ý định chuyển ngữ sang tiếng Mỹ, Pháp. Sách có 11 Chương, nhưng do thời gian có giới hạn, Thanh Tâm mời Cô chỉ trình bày nội dung của Chương VIII kể lại Chuyến Ra Khơi Bi Hùng sau giờ phút Sàigòn thất thủ; Chương IX, ghi lại những cuộc Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng Của Hải Quân VNCH, và Chương X Những Vị Anh Hùng Hải Quân VNCH.
ĐML.- Kính thưa quý khán giả và đạo diễn Thanh Tâm, câu hỏi của đạo diễn Thanh Tâm đã vô tình “khơi động vết thương” trong hồn tôi!
Cuối tháng 08 năm 2001, ông Minh và tôi đang du lịch nước Nga. Ngày 11 tháng 09 (September 11), trong khi chúng tôi chờ máy bay tại phi trường Frankfurt, Germany, để trở về Hoa Kỳ thì tòa tháp đôi tại New York bị quân khủng bố tấn công rất tàn bạo. Tôi vừa khóc vừa viết Tùy Bút Tạ Ơn Mảnh Đất Này. Link:
https://vietbao.com/a298588/tuy-but-america-the-beautiful-ta-on-manh-dat-nay
Về đến Hoa Kỳ, tôi chuyển bài Tạ Ơn Mảnh Đất Này đến báo Ngày Nay trước nhất. Sau đó, giáo sư Nguyễn Ngọc Linh điện thoại cho tôi, bảo rằng: Ông Merle L. Pribbenow đã dịch Tùy Bút Tạ Ơn Mảnh Đất Này sang tiếng Anh, emailed đến tòa soạn Ngày Nay, nhờ Ngày Nay chuyển đến tác giả Điệp Mỹ Linh.
Các con và rể của tôi đọc và phục ông Merle L. Pribbenow vô cùng! Tôi nói với ông Minh rằng tôi muốn nhờ ông Merle L. Pribbenow dịch cuốn tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 sang tiếng Anh. Ông Minh bảo: “Dẹp đi”!
Đó là vết thương không bao giờ lành trong hồn tôi!
Sau khi ông Minh qua đời – năm 2014 – tôi liên lạc lại với ông Merle L. Pribbenow. Ông Pribbenow hồi đáp email của tôi bằng tiếng Việt: “Rất tiếc, bây giờ tôi già rồi và vợ tôi mắc căn bệnh hiễm nghèo, tôi phải lo cho vợ tôi.”
Từ đó đến nay, vài người nhận dịch cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 sang tiếng Anh; nhưng, sau khi đọc vài trang họ dịch, các con và rể của tôi không chấp thuận.
Kính thưa quý khán giả và đạo diễn Thanh Tâm, lý do đa số độc giả và tác giả Điệp Mỹ Linh đều nghĩ rằng cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 quan trọng hơn các tác phẩm khác vì Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 là một cuốn tài liệu sống, ghi lại rất trung thực/rất đầy đủ về những sự kiện đẫm máu và đầy nước mắt đã xảy ra tại vùng I và vùng II Duyên Hải; do những đợt pháo kích liên tục và dai dẳng của csVN nhắm vào đoàn người chạy loạn trên quốc lộ I hoặc tại các bờ biển khi người chạy loạn tụ tập bên bờ biển để chờ chiến hạm của Hải Quân VNCH vào đón!
Sau đây, tôi xin trích vài phân đoạn tiêu biểu trong chương VIII về những biến chuyển trọng đại đưa đến Chuyến Ra Khơi Bi Hùng.
Phân đoạn thứ nhất, trang 207: Những nhân vật quan trọng trong chuyến ra khơi cuối cùng của Hải Quân VNCH gồm có: Ông Erich Von Marbod – phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng (Assistant Secretary of Defense) Hoa Kỳ – cùng phụ tá của Ông là ông Richard Lee Armitage, đến Trung Tâm Hành Quân Hải Quân bàn về vấn đề di tản Hải Quân VNCH. Ông Marbod và ông Armitage yêu cầu Hải Quân soạn thảo một lệnh hành quân di tản, nhằm mục đích di tản tối đa Lực Lượng Hải Quân, gồm tất cả chiến hạm, chiến đỉnh, binh sĩ và gia đình.
Phân đoạn thứ hai, trang 210: Chiều 27 tháng 4, tại tư dinh của Đại Tướng Dương Văn Minh, số 3 Trần Quý Cáp Saigon, trong khi cuộc họp của Nội Các đang được thành lập, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang – Tư Lệnh Hải Quân – tiếp xúc riêng với Tướng Dương Văn Minh để bàn luận về tình hình quân sự. Tướng Dương Văn Minh cho Phó Đô Đốc Cang biết tình hình vẫn chưa biến chuyển gì cả; vì “phía bên kia” chưa chấp thuận tiếp xúc với VNCH.. Phó Đô Đốc Cang đề nghị Tướng Dương Văn Minh nên chuyển Nội Các về Cần Thơ, bỏ ngõ Saigon và ra lệnh tất cả đại đơn vị rút về Vùng IV Chiến Thuật; vì hiện tại Tướng Dương Văn Minh không có tư thế nào để thương thuyết. Lực Lượng Hải Quân còn nguyên vẹn. Phó Đô Đốc Cang sẽ tận dụng tất cả Lực Lượng Hải Quân để chận sông Tiền Giang và Hậu Giang. Tướng Minh im lặng, không có một quyết định nào cả.
Phân đoạn thứ ba, trang 212: Tối 28 tháng 4, Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền – trong chính phủ Dương Văn Minh – đến thăm Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, rồi cả hai Ông đến thăm Tổng Thống Dương Văn Minh.
Trong lần tiếp xúc này, Phó Đô Đốc Cang hỏi Tổng Thống Dương Văn Minh về những biện pháp thích nghi cho tình hình hiện tại. Tổng Thống Dương Văn Minh cho biết không có giải pháp nào cả. Phó Đô Đốc Cang hỏi thẳng: “Thưa Tổng Thống, nếu vậy, mỗi quân/binh chủng phải tự quyết định lấy, phải không ạ?” Tổng Thống Dương Văn Minh chán nản, đáp: “Ôi! Toa làm sao đó toa làm!”.
Phân đoạn thứ tư, trang 216: Một giờ chiều 29 tháng 04, Trung Tâm Hành Quân Không Quân bỏ trống.
Những biến động dồn dập khiến Hải Quân quyết định nên di tản vào khoảng 6 giờ chiều – thay vì 10 giờ đêm như đã dự định.
Ông Richard Armitage lại điện thoại về Trung Tâm Hành Quân Hải Quân, thúc hối Hải Quân ra đi.
Nhận thấy Hải Quân không phải là một lực lượng tác chiến thuần túy, bây giờ, Bộ Tổng Tham Mưu và Trung Tâm hành quân Không Quân đều bỏ trống, Hải Quân không thể ở lại chiến đấu đơn độc; vì vậy, lệnh di tản được ban hành lúc 02 giờ chiều 29 tháng 4, 1975!
Tiếp theo, đây là chương IX, phần phỏng vấn các nhân vật liên quan đến những ngày cuối cùng của chính thể VNCH và vài sĩ quan cao cấp Hải Quân có liên hệ trực tiếp đến cuộc di tản do Hải Quân VNCH thực hiện, tối 29/04/1975.
Những nhân vật được phỏng vấn gồm có:
*- Cựu Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh cuối cùng của Hải Quân VNCH.
*- Nguyên Phó Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân VNCH hai nhiệm kỳ.
*- Cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của Quân Lực VNCH.
*- Cựu Hải Quân Đại Tá Lê Quang Mỹ, Tư Lệnh đầu tiên của Hải Quân VNCH.
*- Ông Richard Lee Armitage, Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ.
*- Cựu Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tư Lệnh Hải Quân Vùng IV Sông Ngòi.
*- Nguyên Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Mặt Trận Tiền Phương Quân Đoàn I.
*- Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải.
Nếu quý vị muốn biết rõ chi tiết, kính mời quý vị vào Google, “gõ” tiếng Việt: Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, quý vị sẽ đọc được nhiều chi tiết rõ ràng hơn.
Tiếc rằng website của Điệp Mỹ Linh đã bị dư luận viên csVN phá sập. Con tôi bận quá, chưa thể thực hiện được website khác cho tôi.
Sau đây là chương X, viết về những người Hùng có thật của Hải Quân VNCH. (Xin sắp theo mẫu tự tên của từng nhân vật).
-* Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt. Thành tích của Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt giải cứu trung tá Hambleton gần sông Cam Lộ được thực hiện thành phim Bat 21.
Vào cuối tháng Tư/1975, trong khi cuộc di tản của Hải Quân VNCH đang tiến hành ngoài khơi Vũng Tàu, thì một phi công từ chiếc L19 nhảy xuống biển, cạnh Dương Vận Hạm – Landing ShipTank – Thị Nại, HQ502. Ngay tức khắc, Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt mang áo phao, đem theo một áo phao nữa, nhảy xuống biển, cứu anh phi công trong tiếng reo mừng của hơn 05 ngàn người trên chiến hạm HQ502.
-* Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, nguyên Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ; Tư Lệnh Hải Quân Vùng II Duyên Hải; Tổng Trấn Qui Nhơn kiêm Tư Lệnh Mặt Trận Tiền Phương Quân Đoàn II.
-* Hải Quân Thiếu Tá Đặng Hữu Thân, nguyên Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Sau 30/04/1975 ông Đặng Hữu Thân thành lập Mặt Trận Dân Quân Cứu Quốc. Ông bị csVN bắt/giam tại A-30; sau đó Hải Quân Thiếu Tá Đặng Hữu Thân bị csVN xử bắn.
-* Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn – em ruột của Trung Tướng Lê Nguyên Khang – Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 43 Ngăn Chận. Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn đã tuẩn tiết trên một chiến đỉnh, bên sông Vàm Cỏ Tây, gần kinh Thủ Thừa, thuộc tỉnh Long An, khi Giang Đoàn 43 Ngăn Chận đang giang hành trên sông Vàm Cỏ, bị csVN bắt loa gọi đích danh, bảo Ông phải ra lệnh cho Giang Đoàn 43 Ngăn Chận “ủi” vào bờ để trình diện.
Thanh Tâm .- Cho phép Thanh Tâm hỏi một điều có phần riêng tư là: Thông thường, những nhà văn nữ trên thế giới, cụ thể trong lịch sử văn học Việt Nam thì hầu như chỉ viết về sinh hoạt nữ giới với những nhân vật chủ đạo là Người Phụ Nữ qua những hoàn cảnh có tính cách cá nhân, gia đình của nhân vật nữ ấy… Điển hình cuốn Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du với Thúy Kiều, Thúy Vân; Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc thuần là tâm sự, lời than oán của những người đàn bà đau khổ… Thế nhưng, Cô lại viết về Lính với nội dung của ngành quân sử, tài liệu quân đội chuyên nghiệp. Mời Cô nói về khuynh hướng cầm bút thiên về quân đội – Về Người Lính VNCH.
ĐML.- Như phần trên tôi đã trình bày, sau khi ông Minh xin phép Tư Lệnh Vùng, tôi được tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp tại vùng III và vùng IV Sông Ngòi. Chính trong những cuộc hành quân đó tôi đã thấy sự chiến đấu can cường/liều lĩnh đến độ phi thường của người Lính VNCH. Người Lính VNCH được huấn luyện kỹ thuật tác chiến không khác chi quân đội của các nước tiên tiến trên thế giới Tự Do.
Người Lính VNCH, khi “xung trận” thì trực diện với kẻ thù chứ không như “bộ đội ông Hồ”. Tết Mậu Thân, 1968, tại Bình Điền, khi ông Minh chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong, tôi thấy “bộ đội ông Hồ” lùa trẻ em và phụ nữ đi trước – để Lính VNCH/lính Mỹ không dám bắn – rồi “bộ đội ông Hồ” “lum khum” núp sau lưng đàn bà/con nít. Khi đến gần đồn/cứ điểm của VNCH/căn cứ của quân đội Mỹ thì “bộ đội ông Hồ” mới “thảy” lựu đạn hoặc tấn công cứ điểm đó. Thời tháp tùng các cuộc hành quân của Giang Đoàn 26 Xung Phong, tại vùng IV Sông Ngòi, cũng dưới sự chỉ huy của ông Minh, tôi đã thấy “bộ đội ông Hồ” bắn lén từ dưới hầm/từ trong nhà dân. Đôi khi “bộ đội ông Hồ” bị lính VNCH bắt từ dưới hầm lại không phải là người lớn mà chỉ là “em bé quê” 13/14 tuổi! Điều này khiến tôi bất nhẫn/ghê tỡm người csVN và “bộ đội ông Hồ” nhiều hơn.
Khi “đụng trận” người Lính VNCH chiến đấu một cách can cường. Nhưng, khi tiếng súng im rồi, không biết bao nhiêu lần tim tôi đã “mềm” đi và nước mắt của tôi lặng lẽ rơi khi tôi thấy anh y tá Hải Quân – sau khi chích thuốc cầm máu/băng vết thương cho anh “bộ đội ông Hồ” – đã mồi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ rồi “gắn” điếu thuốc lên môi anh “bộ đội ông Hồ”!
Chính những hành động đầy tình người của người Lính VNCH mà tôi từng thấy đã làm cho tình cảm trong tôi dành cho người Lính VNCH rất đặc biệt và không bao giờ phai nhạt.
Thanh Tâm .- Thanh Tâm hỏi như câu vừa rồi e rằng không đủ, chưa toàn vẹn… Bởi vì theo như một bài viết mới nhất “Lính Nhà Giàu - Lính Nhà Nghèo” nhân khi Cô vô tình thấy một bảng tin cũ trên tạp chí Men’s Journal, bài viết của Chris Malone Méndez đề ngày 9/27/ 2024, với tựa đề: “Missing Vietnam War Veteran”, trình bày sư kiện Tìm Kiếm Hài Cốt Lính Mỹ sau hơn 50 năm/Remains Found After More Than 50 Years”. Thưa Cô, bài viết “Lính Nhà Giàu - Lính Nhà Nghèo” không chỉ là bài báo nói về việc tìm kiếm hài cốt Lính Mỹ tử trận ở Việt Nam nhưng là một Bản Cáo Trạng rất sâu sắc về chế độ, chủ nghĩa CS ở VN, và chính sách của chính phủ Mỹ đối với Đồng Minh VNCH, sụp đỗ tại ngày 30/4/1975 mà lịch sử đã minh chứng: Mỹ là một nhân tố có tính cách quyết định… Kính mời Nhà Văn ĐML nói về vấn đề lớn nầy.
ĐML.- Kính thưa quý khán giả và đạo diễn Thanh Tâm, bạn hữu của tôi thường bảo cá tính của tôi “thẳng như ruột ngựa”. Khi Ba tôi dạy tôi viết văn, Ba tôi cũng dạy rằng: “Khi con viết, con dùng khối óc, nhưng con cũng nên ‘lắng nghe’ và viết theo cảm xúc từ trái tim thì mới dễ chinh phục được người đọc.” Tôi phân loại bài viết của Điệp Mỹ Linh như thế này: Truyện dài/truyện ngắn, có nhiều hư cấu; tùy bút/tâm bút/tường thuật/bút ký, sự thật 100%.
Vậy thì, những chi tiết trong Bút Ký Lính Nhà Giàu/Lính Nhà Nghèo là hoàn toàn có thật. Vì, trước tháng Tư/1975, tôi đã viết tường thuật về những cuộc hành quân của Hải Quân VNCH trên sông rạch thì tôi cũng đã đọc bài của những nhà báo chuyên nghiệp, gốc nhà binh – như ông Nguyễn Đạt Thịnh, ông Phạm Huấn, ông Phan Nhật Nam, v.v... – tường thuật về những trận chiến trên bộ và trên cao nguyên, cho nên tôi hiểu được kỹ thuật tác chiến “lén lút” của “bộ đội ông Hồ”.
Tôi chỉ đưa ra sự thật dã man của chế độ csVN đối với chính “bộ đội ông Hồ” và hành động trả thù một cách vô đạo đức của người csVN đối với Tử Sĩ Quân Lực VNCH tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để đối lại với hành động đầy bác ái/đầy nhân từ của chính thể VNCH qua chương trình Chiêu Hồi.
Là một người không thích và cũng không học về chính trị, nhưng, tôi nghĩ, vấn đề Mỹ rút quân và cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH, đưa đến sự thất thủ của miền Nam Việt Nam là một hành động “có thể hiểu được”; bởi vì, người Pháp có câu: “Tout passe, tout casse, tout lasse”.
Không có gì là vĩnh viễn/trường tồn.
Tôi rất đau buồn khi miền Nam Việt Nam bị csVN cưỡng chiếm. Nhưng, tôi không oán hận Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam Việt Nam mà tôi oán hận người csVN; vì csVN là người cùng chủng tộc/cùng ngôn ngữ/cùng màu da với chúng tôi mà người csVN lại xâm phạm Hiệp Định Genève 1954, rồi dùng vũ khí của Trung cộng và Nga cùng rất nhiều mưu mô xảo trá để vượt vỹ tuyến 17, xâm lăng/cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Còn người Mỹ, họ giúp được chúng tôi bao nhiêu chúng tôi biết ơn người Mỹ bấy nhiêu; vì người Mỹ và chúng tôi không liên hệ huyết thống.
Người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, đến tháng 05/2025 là đúng nửa thế kỷ. Cho đến thời điểm này, đã có biết bao nhiêu thanh niên/thiếu nữ Việt Nam gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Hãy hỏi Cha Mẹ của những quân nhân Mỹ gốc Việt câu này: “Khi con của Ông Bà phải tham chiến tại Trung Đông hoặc một nước nào khác, Ông Bà nghĩ gì? Ông Bà phải sống như thế nào? Tâm thần của Ông Bà có bình an hay không?”
Sau khi nhận được câu trả lời của Cha Mẹ người Việt có con gia nhập quân đội Hoa Kỳ, tham chiến tại nước khác, chúng ta sẽ hiểu được tâm trạng của Cha Mẹ người Mỹ khi con của họ phải tham chiến tại Việt Nam.
Tôi xin trích một phân đoạn trong bài Người Lính Mỹ của Điệp Mỹ Linh. Đoạn ấy như thế này: “Một đất nước – the United States of America (USA) – đã đóng góp cho thế giới Tự Do không biết bao nhiêu nhân sự và xương máu, chưa kể tài chánh, quân trang, quân dụng và khí giới, v.v… Vậy mà, mỗi khi USA rút quân khỏi một nước nào thì USA cũng ‘mang theo’ không biết bao nhiêu nạn nhân chiến tranh, đem về Mỹ, nuôi, làm thân tỵ nạn chính trị; con cháu của người tỵ nạn, tùy theo khả năng, được chấp nhận vào học tại các đại học danh tiếng. Thế mà USA cũng vẫn bị lên án là: “Đâm sau lưng đồng minh”, “tháo chạy”, “bội ước”, “phản bội”, v.v…Thế thì csVN bội ước/xâm phạm biết bao nhiêu Hiệp Ước ngưng bắn trong cuộc chiến 21 năm trên Quê Hương tôi, để cuối cùng cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, đã ai thẳng thắn/mạnh dạng lên án csVN chưa?”
Thanh Tâm.- Thanh Tâm xin được kết thúc buổi nói chuyện dù còn nhiều điều khác muốn hỏi Cô. Đấy là nói về qúa khứ sống động trong tuổi thanh xuân khi Cô là nghệ sĩ xử dụng đàn Accordéon trong Ban Bình Minh, Đài Phát Thanh Nha Trang do Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ, thân sinh của Cô, thành lập. Do Thanh Tâm cũng đã là người học, và xử dụng nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, nên rất mến chuộng người trong nhạc giới. Mời cô nhắc lại kỷ niệm ngày xưa, thuở ở Nha Trang mà Thanh Tâm nghĩ là những dấu ấn đẹp nhất của đời người…
ĐML.- Thưa quý khán giả và đạo diễn Thanh Tâm, tôi xin trích hai phân đoạn trong Tùy Bút Kỷ Niệm Với Ban Ca Nhạc Bình Minh. Hai phân đoạn đó như thế này:
“Vào thời điểm giữa thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ XX hầu như các chương trình phát thanh đều được thâu băng rồi đem đến Đài Phát Thanh để Đài phát đi. Riêng Ban Bình Minh chọn phát thanh trực tiếp. Ba tôi – cũng như quý vị trong ban Bình Minh – đều tin tưởng vào khả năng của toàn Ban chứ không tin tưởng vào kỹ thuật thâu băng. Tôi còn là đứa bé con, ai bảo sao tôi hay vậy; tuy nhiên, tôi hiểu, phát thanh trực tiếp thì không được gây tiếng động/không thể ngưng để thay thế/sửa đổi bất cứ điều gì.
Vì hiểu tầm mứt quan trọng của chương trình phát thanh trực tiếp, cho nên, tôi đã vừa hát vừa… khóc khi đơn ca tình khúc Tiếng Thu, nhịp Valse Lente, được một nhạc sĩ khuyết danh, trong thời kỳ kháng chiến, phổ nhạc từ thơ của Lưu Trọng Lư. (Không phải bản Tiếng Thu do Phạm Duy phổ nhạc). Tình khúc Tiếng Thu này mang âm hưởng bán cổ điển Tây phương và rất khó hát; vì, hát một đoạn thì ngưng cho nhạc đệm rồi lại hát/rồi lại ngưng/rồi lại hát.
Chú Phan Phi Phụng – giáo sư trường trung học Kỹ Thuật Nha Trang – được toàn Ban đặt biệt hiệu là “Phụng Trợn”. Khi thích nhạc phẩm nào, Chú Phụng thuộc rất nhanh, không cần nhìn bản nhạc, Chú chỉ nhìn lên trần nhà rồi say sưa vừa đàn vừa gật gù theo mỗi thì mạnh (temps fort), không cần để ý đến bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì chung quanh. Cái không may cho tôi là Chú Phụng rất thích bản Tiếng Thu này.
Khởi đầu, toàn ban hòa tấu rất nhịp nhàng; tôi hát cũng bình thường. Nhưng càng về sau Chú Phụng càng hăng, càng đàn nhanh hơn cả Valse Musette nữa và Chú chỉ nhìn lên trần nhà rồi gật gù theo tiếng đàn. Toàn Ban phải đàn nhanh theo Chú. Phòng vi âm nhỏ, không thể di chuyển dễ dàng, vì ngại gây ra tiếng động. Ba tôi, từ góc đối diện, cố phất tay ra hiệu cho Chú Phụng chậm lại, nhưng Chú có thấy đâu! Tôi, tuy vững nhịp, nhưng vẫn sợ vào sai nhịp; vì, nếu tôi vào sai nhịp, ban nhạc sẽ “rớt”! Đó là lý do tôi vừa hát vừa khóc, vì sợ “bể dĩa”.
Sau buổi phát thanh đó, trên đường về, Ba tôi và tôi gặp nhạc sĩ Minh Kỳ đang đi bộ hóng mát trước nhà, trên đường Yersin. Nhà nhạc sĩ Minh Kỳ cách nhà tôi vài blocks. Nhạc sĩ Minh Kỳ thường theo dõi chương trình ca nhạc của Đài Phát Thanh Nha Trang. Mỗi khi gặp Ba tôi, nhạc sĩ Minh Kỳ thường góp nhiều ý kiến xây dựng và rất nhiều lần, nhạc sĩ Minh Kỳ – cũng như nhạc sĩ Canh Thân – khuyến khích Ba tôi cho tôi trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp; nhưng lúc nào Ba tôi cũng cười hiền hòa: “Thôi, để cho cháu nó đi học.” Hôm đó, vừa thấy Bố con tôi, nhạc sĩ Minh Kỳ hỏi Ba tôi: “Anh Ngữ, tại sao bữa nay con nhỏ Thanh Điệp hát ‘nhão nhẹt’ vậy?” Ba tôi kể rõ nguyên nhân cho nhạc sĩ Minh Kỳ nghe trong khi tôi mắc cỡ, bậm môi, nhìn chỗ khác”.
Thanh Tâm .- Cảm ơn cô Điệp Mỹ Linh và kính chào tạm biệt quý khán giả.
Điệp Mỹ Linh (ghi lại)