2023/05/08

 Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc?

Cù Huy Hà Vũ

05/05/2023

LGT: Gần 20 năm trước, vào dịp đầu năm 2005, GS Lê Xuân Khoa có một bài viết đăng trên BBC, tựa đề: Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến? Các tên gọi thường được sử dụng, đã được nhắc tới trong bài, như: Chiến tranh chống cộng, chiến tranh chống Mỹ-Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh ủy nhiệm…

Tác giả đã đưa ra bốn tên gọi gây tranh cãi nhiều nhất rồi phân tích, và ông cho rằng cuộc chiến này nên được gọi là “chiến tranh Việt Nam”. Theo ông, tên gọi này “với ý nghĩa khách quan, phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nội dung phức tạp của nó sẽ được lịch sử ghi chép một cách đầy đủ và trung thực”.

Ngoài cái tên gọi cho cuộc chiến này gây tranh cãi trong nhiều năm qua, bài viết sau đây của TS Luật Cù Huy Hà Vũ, bên cạnh việc tranh luận về cuộc chiến, còn bàn về chủ đề có thể gây tranh cãi, đó là cái tên gọi cho ngày kết thúc cuộc chiến này.

                                                        ***

Năm nào cũng thế, cứ những ngày cuối tháng Tư người Việt gốc gác Việt Nam Cộng hòa ở hải ngoại rầm rộ kỷ niệm “Ngày quốc hận 30-4”. Họ cho rằng ngày đó Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Bắc Việt Nam đã cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Nam Việt Nam, dẫn đến họ “mất nước”.

Chu Tất Tiến, một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa đã viết bài “Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam” và gửi cho các diễn đàn trên mạng vào ngày 26/4 vừa qua. Bài này sau đó đăng trên Nhật báo Cali (1).

Ảnh: Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn: Văn Lan/ Người Việt)

Trong lời giới thiệu bài “Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa Chu Tất Tiến” gồm 2 kỳ đăng trên báo Tiếng Dân (2), được đăng lại trên Facebook Cù Huy Hà Vũ, tôi đã chứng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa không phải là hai quốc gia độc lập. Thực vậy, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải là biên giới giữa hai quốc gia.

Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan.” Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn gọi là “nội chiến” (civil war).

Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác mà thôi!

Khi giới thiệu bài viết nói trên của tôi, tôi đã đặt câu hỏi tại sao những người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt ở Mỹ, lại hận thù Nhà nước Việt Nam hiện hành dai dẳng đến như vậy, khi mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua và Mỹ, quốc gia mà họ nhập tịch, đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 30 năm nay. Bạn Thuy Nguyen hồi đáp: “Họ nhớ dai vì chính quyền VN nào cho quên? Vẫn ăn mừng chiến thắng đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Và hơn nữa, trẻ em bên Mỹ hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, sự nhắc nhở này chỉ nói lên tại sao họ có mặt ở đất nước này. Đó là lý do cá nhân, không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!

Quả vậy, trên báo của Đảng cộng sản Việt Nam và các báo khác ở Việt Nam (báo Nhà nước đương nhiên, vì tư nhân không được ra báo) đều xuất hiện dòng chữ “Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2023)”.

Bản thân tôi cách đây 13 năm đã yêu cầu Nhà nước Việt Nam bỏ cách diễn đạt ngày 30/4 thành “Ngày giải phóng Miền Nam”, “bởi nó – tôi nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 29/4/2010 có tiêu đề “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ” (3) –  “dễ bị diễn giải thành ‘Miền Bắc thôn tính Miền Nam’ và trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản. Mặt khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất ‘thắng – thua’ như trên”.

Và tôi đã đề nghị, chỉ dùng “Ngày Thống nhất Đất Nước” để diễn đạt biến cố lịch sử này. Kết cục là Nhà nước Việt Nam chẳng những không nghe lời nói phải này của tôi để thực thiện Hòa Giải Dân Tộc mà lại còn bỏ tù tôi vì đã nêu ra yêu cầu này cũng như các kiến nghị đổi mới chính trị khác trong bài trả lời phỏng vấn nói trên của tôi.

Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn không kém!

Tư tưởng phục thù này đã ít nhiều thành công khi có một số người trẻ tuổi gốc Việt tổ chức các “Đại hội hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” để “nguyện cùng đứng lên đón nhận trọng trách và nối tiếp con đường của thế hệ Cha Anh kiêu hùng, để tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hoà và điều tâm niệm phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì mãi mãi trong những thế hệ mai sau”, như Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019 (4) đã dõng dạc tuyên bố trong Thư ngỏ. Tại Đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại năm 2022, cựu tướng Mỹ gốc Việt, ông Lương Xuân Việt, con của một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa và là Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Mỹ, đã thổ lộ nỗi đau “mất nước” và thẳng thừng gọi cộng sản Việt Nam là “giặc”, được cử tọa rào rào vỗ tay tán thưởng (5).

Cho dù Nhà nước Việt Nam có nghiêm túc coi đây là mầm mống của phiên bản “Chiến tranh Việt Nam” trong tương lai hay không thì sự kêu gọi phục thù từ người Việt chống Cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa cùng với hưởng ứng nhiệt thành của “hậu duệ” của họ, trong đó có sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ, càng làm cho Nhà nước Việt Nam tin rằng “các thế lực thù địch” muốn thanh toán họ là hiện hữu!

Ảnh: Học sinh “hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” tham dự Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn: Văn Lan/ Người Việt

Về ý kiến, theo đó trẻ em gốc Việt bên Mỹ mà có hận thù cộng sản Việt Nam thì là tự ý chúng chứ “không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”, tôi cho rằng đó là một so sánh không chuẩn. Thực vậy, Đảng Cộng sản đang thực hiện chế độ toàn trị ở Việt Nam thì việc họ buộc người dân và các tổ chức tổ chức mừng “Ngày Giải phóng Miền Nam” là điều không có gì là khó hiểu. Còn đối với nước Mỹ và các nước khác, mà tuyệt đại đa số, nếu không nói là tất cả, người Việt có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nhập tịch, ngày 30-4 đâu phải là ngày “mất nước” để trở thành “ngày quốc hận” của các nước này để rồi chính quyền “có chủ trương, định hướng và bắt buộc” tổ chức ký niệm ngày này!

Bất luận thế nào, tôi vẫn kiên trì rằng “Ngày Thống nhất đất nước” là cách diễn đạt ngày 30-4 thích hợp nhất vì nó phù hợp nhất với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt. Điều này một khi được Nhà nước Việt Nam chấp thuận sẽ là bước đi thực tế để hóa giải hận thù của những người “đồng bào” đã từng ở bên kia chiến tuyến trong một cuộc nội chiến không đáng có, cho dù nguồn cơn là Chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản theo “Thuyết domino” (6).

Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.

________

Chú thích

1. Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam, Nhật báo Cali, 2/5/2023

2. Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến (Kỳ 1 và kỳ cuối), Tiếng Dân. ngày 30/4/2023

3. Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 29/4/2010

4. Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019, Liên hiệp Hội đồng quốc dân Việt Nam

5. Tướng Lương Xuân Việt nói thẳng mặt Cộng sản: Các anh giải phóng cái gì? Ai cần các anh giải phóng? DTV, 9/6/2022

6. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành. Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy tôi (Cù Huy Hà Vũ) cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt (trích Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ đã dẫn).


TS. TRẦN KIÊM ĐOÀN ĐÁP TRẢ TS CÙ HUY HÀ VŨ (Cali Today News)

.

.

.

Ts. Trần Kiêm Đoàn đáp trả Ts. Cù Huy Hà Vũ

Cali Today News

May 6, 2023

Ts. Trần Kiêm Đoàn

LTS: Đáp trả lại bài viết “Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc? – Cù Huy Hà Vũ – trên báo Cali Today onlinetrang Việt Nam, Chúng tôi gửi đến quý độc giả bài viết của Ts Trần Kiêm Đoàn say đây.

Chào anh Cù Huy Hà Vũ,

Thật tình tôi rất đắn đo khi hai lần trước, trao đổi với anh về vấn đề danh từ như tên gọi “Quốc Gia” và sự kiện lịch sử như “Tại sao VNCH không tham dự ký hiệp định Paris 1973”.

Tuy vấn đề đã quá rõ ràng và những người có chút trình độ không quá sơ cấp như anh và tôi đều hiểu rõ nguyên ủy sự xưng hô và bản chất của hiện tượng lịch sử; thế nhưng vấn đề “chính danh định phận” vẫn được đặt ra vì danh có chính thì ngôn mới thuận.

Và hôm nay nữa, anh Cù Huy Hà Vũ lại đưa ra vấn đề tên gọi “ngày 30 tháng tư” như thế nào mới chính danh. Nhân loại cũng đã từng đối diện với sự tương đối của sự thật, của chân lý mà triết gia Pháp thế kỷ XVII là Pascal có viết một câu trở thành tục ngữ: “Chân lý bên này rặng núi Pyrenees, là sai lầm ở phía bên kia” (Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au-delà); hẳn anh còn nhớ?! Bởi vậy, trên phương diện thực tế, lịch sử, xã hội, thời cuộc và tâm lý… không dễ gì gói trọn càn khôn vào lò bát quái của Tôn Ngộ Không phải không anh.

Nếu nhìn qua lăng kính khách quan và công bằng của con nhà luật học và học giả như anh Hà Vũ thì phải chăng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Đảng CSVN giải phóng cho chính mình. Đó là ngày Đảng và dân của Đảng hoàn thành bước đầu của giấc mơ thống trị “thế giới đại đồng” theo chủ nghĩa Marx riêng cho  những người Việt Nam hằng ấp ủ, theo, chạy theo hay hùa theo phong trào Cộng sản Quốc tế từ năm 1917.  Người CSVN chính thức gia nhập Cộng sản Quốc tế với sự thành lập Đảng năm 1930 với giấc mơ – trước hết theo lý thuyết – là để giải phóng cho “giai cấp công nhân bị giới chủ nhân của chủ nghĩa tư bản tước đoạt phương tiện sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư” theo tư duy Marxist chứ không phải là mục đích ưu tiên để giải phóng cho “nhân dân miền Nam bị Mỹ Ngụy kìm kẹp đè đầu cưỡi cổ” theo chiêu bài của họ tự đặt ra. Những nước láng giềng quanh Việt Nam đâu cần có đảng Cộng Sản lãnh đạo và tiến hành chiến tranh với hàng triệu người hy sinh tính mạng nhưng thực tại, họ không thua gì Việt Nam về mọi mặt kể cả độc lập dân tộc, thoát ách thuộc địa ngoại bang mà không phải trả giá bằng núi xương biển máu như Việt Nam. Hơn thế nữa, các nước đó còn đang được thưởng thức điệu sống tự do dân chủ đích thực trong tầm tay; trong khi mọi người dân Việt Nam đang thiếu vì được nếm mùi… giải phóng. Thiện trí thức đúng nghĩa phải là một người học lý thuyết để ứng dụng vào trải nghiệm thực tế chứ không phải ngược lại. Chối bỏ thực tế nghiệt ngã để theo đòi lý thuyết viễn mơ là học phiệt chứ không phải học giả!

Thực trạng bi đát của một Việt Nam bị Tây đô hộ và Mỹ nhảy vào chơi bài Dominos là vùng “đất thánh” để biến giấc mơ Marx – Engels – Lenin thành hiện thực. Vậy nên, gọi ngày 30-4-1975 với đại danh ngày “giải phóng miền Nam” là một hình thái cực đoan lạm dụng ngôn từ bởi người ở một phía của Pyrenees Trường Sơn.

Nhưng còn đối với thực tế lịch sử, lương tri nhân loại và người dân miền Nam thì sao?

–          Gọi 30-4-1975 là “ngày quốc hận” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với những gia đình tan cửa nát nhà, gia đình ly tán, lẽ sống tiêu vong… Họ là “triệu người buồn” mà thủ tướng bên thắng cuộc Nguyễn Văn Linh từng nói tới.

–          Gọi 30-4-1975 là “ngày quốc nhục” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với hàng vạn gia đình lâm vào cảnh tang thương: Chồng đi tù cải tạo, vợ sa chân làm hầu thiếp cho cán bộ, sống chui nhủi ở gầm cầu hè phố, buôn lậu lang thang, đại gia thành tán gia bại sản, vợ và con gái bị hải tặc đua nhau hãm hiếp trước mắt chồng, cha và kẻ kháng cự bị hành hình quăng xác xuống biển hay trong rừng sâu.

–          Gọi 30-4-1975 là “tháng Tư Đen” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với những ai bị vùi dập vì bất đồng chính kiến, sống đói nghèo tủi nhục ở quê hương và sống ngửa tay xin tiền bố thí qua dạng “trợ cấp” ở quê người.

Và còn biết bao nhiêu tên gọi muôn màu, muôn vẻ, muôn năm nữa… thưa anh Cù Huy Hà Vũ. Theo tôi, đó là những tên gọi thật thà đầy nhân tính đại chúng mà “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!

Xin trở lại với đề nghị tên gọi “Ngày thống nhất đất nước” đặt cho ngày 30-4-1975 mà anh Hà Vũ và các vị khác đề nghị. Đứng về mặt mỹ từ pháp và ngữ học thì đây là một tên gọi “hiền và dễ thương”. Tuy nhiên, tên gọi này chính danh hay chưa thì phải cần căn cứ trên hai phương diện cơ bản là tình và lý vì người Việt mình vẫn thường tôn trọng tính hợp tình hợp lý trong việc xưng danh báo hiệu. Trước hết là khái niệm “Thống Nhất” thì thống nhất (united, reunification) có nghĩa là quy về một mối, những sông suối nhỏ cùng chảy về đại dương; những tâm hồn xa nguồn, bơ vơ, lạc bầy, quay mặt với nhau nay trở về nguồn, nhìn rõ mặt nhau và chung hưởng hạnh phúc ngày đoàn tụ. Một ngày mang ý nghĩa tích cực đầy cảm khái và hạnh phúc như thế có thật sự xảy ra vào 30-4-1975 cho toàn dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc không anh Hà Vũ nhỉ?! Có lẽ một vài liên tưởng về ý nghĩa tên gọi mà tôi vừa nêu trên đã trả lời một phần đề nghị của anh. Đã 48 năm rồi nhưng những vết thương chiến tranh chưa thành sẹo, đâu đây vẫn còn rỉ máu anh Cù Huy Hà Vũ ạ. Trưa ngày 30-4 năm nay, tôi đi ăn trưa với anh Th. ở Sacramento, Cali. Anh là người sống im lặng đầy mặc cảm bi phẫn về chiến tranh và quyền lực chính trị nên anh như chiếc bóng ở thành phố nầy với người vợ bị bệnh tâm thần và đứa con gái handicapped. Anh Th. vẫn chưa quên ngày vượt biên bi đát và nghiệt ngã từ Việt Nam qua đảo Pulau Bidong, vợ và con gái anh bị hải tặc hãm hiếp trước mắt anh đến 5 lần. Hai đứa con trai anh cố bênh mẹ và chị thì bị hải tặc đánh nhừ tử rồi quăng thây xuống biển mất xác. Bản thân tôi cũng là một thuyền nhân năm 1982 nên hàng năm vào dịp 30-4 chúng tôi gặp nhau chia sẻ. Năm nay anh Th. Nói là dịp cuối cùng vì anh chị đã quá già yếu. Thế đó, một đời người gần hết những vết thương đời vẫn chưa lành.

Sự phán xét của lịch sử thường công bằng và khách quan sau những 100 năm. Tôi không có tham vọng đưa ra một tên gọi xứng tầm với ngày 30-4-1975 nhưng khi lên lớp, tôi vẫn thường dùng tên gọi “NGÀY CHẤM DỨT CUỘC CHIẾN VIỆT NAM 1954-1975” (The End of Vietnam War 1954-1975) với sinh viên Mỹ cũng như Việt và các nước khác khi nói về ngày 30-4-1975.

Và có lẽ “sự bất quá tam” mà lần nầy là lần thứ ba tôi trao đổi với anh Hà Vũ trên mail nên tôi phải tự giới hạn chính mình. Vả lại, trong list emails nầy có cả nghìn người với bao nhiêu bậc thức giả; nhưng vẫn không tránh được tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” khi có hiện tượng “phản biện” với lời lẽ quá xúc phạm” (abusive language – profanity) cũng như lối suy diễn và cách luận đàm, ứng xử thiếu nhân văn… Rất mong có sự tự chế và giới hạn vỡ bờ cảm xúc.

Tuy chưa bao giờ gặp anh và cũng chưa hân hạnh nói chuyện với anh lần nào nhưng tôi tin với nhiệt tình tuổi trẻ, tài năng và nếu có bản tâm chân thành thì anh sẽ không cô đơn khi làm kẻ sĩ “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”.

Chúc lành và tạm biệt.                               

Trần Kiêm Đoàn

2023/04/30


Tháng Tư*

Tháng tư âm thầm về bên ngõ vắng
Ngày chưa tròn nắng đã tắt chân mây
Giữa phố phường tiếng dế gáy đâu đây
Tê tái chợt chua chát thời xa lắc

Tháng Tư cũ một lần đau dao cắt
Khi vị Xuân còn luyến bám môi nhau
Trời mênh mang sâu thẳm xanh màu
Xác pháo đỏ giao thừa nằm góc phố

Tháng Tư nào chưa mưa sao máu đổ?
Vợ xa chồng con trẻ khóc tuổi thơ
Cha mẹ già sớm thành kẻ ngu ngơ
Hoa rũ cánh vài loài cây bật rễ

Tháng tư chớ làm nương dâu hóa bể
Đất biên cương biển đảo chớ bán buôn
Sẽ thẹn nghe ca khúc vong quốc buồn
Xin đừng nhé! Việt Nam ta miên viễn

Tháng tư nào gió Trường Sơn ra biển
Thổi tan tành lũ giặc Bắc tham lam
Toàn dân cương quyết bão vệ nước Nam
Để không hổ với tổ tiên Hồng Lạc.

Anh Tú
Manhattan, New York City
April 1, 2016
*Giới thiệu một bài thơ THÁNG TƯ của TNTH:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2016/04/thang-tu-thang-tu-ve-khong-giot-tinh.html

 


MẤT EM


Một thuở bàng hoàng, chết đứng im
Gió đùa, thân đảo, đất chân ghìm
Khi mùa Xuân nổi cơn bão dữ
Tàn phá tình thương nát cả tim.

Bão lướt qua rồi ngỡ bình an
Hồi sinh vạn vật khắp núi ngàn
Cuồng phong vần vũ không ngừng nghỉ
Để vọng vang bao tiếng khóc than.

Em tựa hoa trời dáng diễm kiều
Dâng đời hạnh phúc ngát tình yêu
Mất người tôi tựa rơi địa ngục
Không có bình minh mất cả chiều.

Mòn mỏi đợi chờ tuyệt vọng sao?
Phần tôi hạt cát có sá nào
Thương thay đồng ruộng, non, sông, núi
Èo uột ngày qua thắt ruột đau!

Anh Tú
April 27, 2015

 

Người lính VNCH… tôi nợ anh 

dnh coa

Anh lớn lên … quê hương dày lửa khói,
Sách vở buồn … chữ nghĩa dở dang rơi,
Mực chưa vơi … gác bút … bước vào đời,
Trường nghiêng nắng … Ve ngân lời từ giã !

Mái trường yêu … áo thư sinh … gởi lại,
Những phương trình, hàm số ngỗn ngang vương,
Tấm bảng đen buồn im lắng trên tường,
Vết phấn trắng … học đường … bao kỷ niệm !

Nắng quân trường … tháng ngày dài huấn nhục,
Đêm di hành lạnh buốt dưới mưa rơi,
Da sạm đen … màu nắng đổi cuộc đời,
Người lính mới … ca vang lời sông núi.

Anh bước đi hơn nửa vùng đất nước,
Treo cuộc đời trên đầu súng … mong manh,
Tấm poncho che hạnh phúc dân lành,
Bùn vương gót … thơm đồng xanh lúa mới.

Hai mươi năm … Anh chưa tròn giấc ngủ,
Vì đạn thù vẫn cày nát quê hương,
Bước quân hành … ngọn cỏ đọng giọt sương,
Anh dừng gót … hậu phương … hoàng hôn phủ.

Sông Bến Hải … lửng lơ buồn im lắng,
Chảy ngăn đôi … đau xót Mẹ Việt Nam,
Gót giày Saut in dấu nẻo quan san,
Ngăn cuồng vọng lan tràn từ phương Bắc.

Huế cổ kính … Kinh Đô Nam Quốc Việt,
Cầu Tràng Tiền nghiêng bóng nước Hương Giang,
Tết Mậu Thân … giặc đốt phá điêu tàn,
Chiếc cầu gãy … Anh bàng hoàng chua xót !

Ôi Quảng Trị … Cổ thành nghiêng đổ nát,
Máu của anh … từng viên gạch đỏ loang,
Anh hiên ngang dựng lại ngọn cờ vàng,
Cờ phất phới trên hằng ngàn xương trắng !

Phá Tam Giang lững lờ theo năm tháng,
Ngược xuôi giòng len rừng lá xanh xanh,
Lá hằn ghi … muôn vết tích quân hành,
Sông in bóng ngàn hùng anh nước Việt.

Đồi Charlie chiều rừng xanh bão lửa,
Nắng hạ buồn đưa tiễn cánh dù hoa,
Hè bảy hai (72) … bao tang trắng … lệ nhòa,
Anh gãy cánh … xót xa người ở lại.

Tống Lê Chân … pháo đạn thù bao phủ,
Năm trăm ngày tử thủ … thức trắng đêm,
Chí hùng anh … đôi chân cứng … đá mềm,
Anh ngạo nghễ giữa muôn trùng quân giặc.

An Lộc Địa … chín mươi ngày rung chuyển,
Hằng trăm ngàn đạn pháo … máu xương rơi,
Anh hiên ngang sừng sững với đất trời,
Anh vẫn sống với cuộc đời đáng sống !

Anh nổi trôi bồng bềnh trên sóng nước,
Mộng hải hồ … áo trắng giữ quê hương,
Hoàng Sa buồn … máu nhuộm đỏ đại dương,
Anh nằm xuống … tang thương lòng biển mẹ !

Lững lờ mây … xé trời nghiêng cánh sắt,
Anh tung hoành ngang dọc giữa không gian,
Giữ quê hương … diệt lũ cộng bạo tàn,
Giáng những trận kinh hoàng trên đầu giặc.

Màn đêm buông … những Kinh Kha thời đại,
Đang âm thầm trên đất giặc hiểm nguy,
Vì quê hương … anh nào có ngại gì,
Trai thời loạn … mấy người đi … trở lại …

Hai mươi năm … Anh miệt mài đi mãi,
Chưa một lời than thở … kiếp chinh nhân,
Máu tuôn rơi … thịt nát … không ngại ngần,
Vì Tổ Quốc … chưa một lần buông súng.

Tháng Tư Đen … Ngày Ba Mươi … gãy súng,
Giặc Hồ vào … máu nhuộm đỏ quê hương,
Đôi dép râu mang chủ nghĩa bạo cường,
Gieo tang tóc … xây thiên đường bằng máu !

Cuộc đời anh chôn vùi theo vận nước,
Người quyên sinh tuẩn tiết với non sông,
Hồn lửng lơ nhìn đất mẹ … đau lòng,
Khóc nước Việt chìm trong giòng huyết lệ !

Kẻ sa cơ ngẩng cao đầu bất khuất,
Nơi pháp trường … trước mũi súng cộng nô,
Anh hiên ngang đả đảo lũ giặc hồ,
Rồi gục ngã theo cơ đồ mệnh nước !

Người ở lại … chuỗi ngày dài lao lý,
Trong gông cùm, tra tấn … máu thịt rơi,
Ôi đớn đau … đói khát … thân rã rời,
Anh uất hận lìa đời trong ngục tối !

Kẻ lết lê bên lề của cõi sống,
Tấm thân tàn nương trên mảnh mo cau,
Nửa đôi chân … vết thương rỉ máu đào,
Tháng Tư đến … lệ trào trong giấc ngủ !

Loài quỷ đỏ trả thù trên xác chết,
Nghĩa trang buồn … chúng tàn phá tan hoang,
Xác thân anh trong cát bụi thời gian,
Giờ trơ trọi mảnh xương tàn … mưa nắng !

Người còn sống giống như người đã chết,
Khác nhau chăng … một xác chết biết đi,
Mất quê hương … Anh còn lại những gì …
Ngoài kỷ niệm khắc ghi vào quân sử !

Ba mươi bốn năm … lạc loài viễn xứ,
Đếm tháng ngày trên những bước lưu vong,
Tôi nợ Anh … nghe ray rức trong lòng,
Vong Quốc Hận … sục sôi giòng máu nóng !

Tôi nợ Anh … nhịp quân hành rộn rã,
Ánh đuốc thiêng … khúc hát khải hoàn ca,
Tôi nợ Anh … nợ nước với thù nhà,
Món nợ đó … Tôi thề sẽ phải trả …

Món nợ đó … Tôi thề sẽ phải trả …
Trả cho Anh và Tổ Quốc Việt Nam./.


Hoàng Nhật Thơ

Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 34.
30/04/2009

 

2023/04/27

2023/04/15

XIN CHÀO VIỆT NAM | DU LỊCH XUYÊN VIỆT | PHIÊN BẢN FLYCAM | HELLO ...

Tiếng Ca U Hoài - Duy Khánh | Bản Thu Âm Đầu Tiên Hay Nhất Trước 1975


Nhạc phẩm “Tiếng Ca U Hoài” của Anh Bằng và Lê Dinh

Tôi chưa quên một bài ca chan chứa u hoài
Những đêm vắng lạnh bùi ngùi nhớ thương ai
Tôi chưa quên một giọng ca ôi luyến lưu làm sao
Nỉ non như tiếng sáo ru ban chiều
Và dịu êm như khúc ca tình yêu

Bao năm qua miệt mài đi giữa chốn non ngàn
Tiếng ca vẫn gửi niềm thương nỗi nhớ bâng khuâng
Bao năm qua mà giọng ca xưa vẫn ghi vào tôi
Hình người em mái tóc đen buông dài
Dù ngàn sau thương nhớ chẳng nhạt phai

Đ.K.:
Có những khi ngồi đón hoàng hôn
Những khi nhìn trăng xế đầu non
Ngờ rằng mình yêu vì nghe lòng nhớ
Quãng vắng không gian thành tơ với cung đàn thương

Nhưng biết yêu là đau khổ vì duyên mình dang dở
Vì đời mình còn đi xây tình đất nước quê hương
Sông hồ muôn hướng
Biết ngày nào thuyền đến bờ

Ai không qua một lần yêu tha thiết trong đời
Lấy trăng gối mộng dệt nhiều mơ ước xa xôi
Tôi xin dâng trọn niềm thương lên phím tơ người ơi
Dù ngày mai xa cách muôn phương trời
Thì đàn tôi chỉ nhớ một người thôi.

2023/04/14



 KHÚC CHIẾN CA BUỒN…

Tháng Tư – nghe khúc chiến ca buồn
Bốn mươi năm ấy, lệ còn tuôn
Sài Gòn bao trái sầu rơi rụng
Đoàn quân thất thểu mịt mờ sương
Tháng Tư – nghe mà nhói đau lòng
Có ai ngồi khóc mãi bên song
Từ ấy – người đi không trở lại
Trăm nhớ ngàn thương cách dòng sông
Tháng Tư – ngày ấy ôi xác xơ
Nhớ ai, em vẫn mãi đợi chờ
Chiến trường cát bụi anh nằm đó
Hồn vẫn hiện về trong giấc mơ
Thương quá ! anh ơi tháng năm dài
Miệt mài chinh chiến một đời trai
Câu thơ dang dở anh dừng viết
Đêm chốt tiền tiêu chợt nhớ ai!
Vẫn ngỡ cùng anh cuộc trăm năm
Giã từ vũ khí mộng yên lành
Gác tay thay gối ru em ngủ
Quên chuyện gió mưa hắt hiu mành
Tiếng súng ngừng rồi – lại vắng anh
Giấc mộng tan theo những ngày xanh
Từng đêm quạnh vắng dài thương nhớ
Bóng dáng ai kia mãi vờn quanh…
Tháng Tư, mới đó bốn mươi năm
Em đã vắng anh mấy trăng rằm?
Chiến ca ngày ấy sầu lắng đọng
Khúc tháng Tư buồn mãi bao năm?
Anh đã đi vào cõi mênh mông
Khuya nay, nơi ấy có buồn không?
Em góc cô phòng đêm trắng lạnh
Thấy anh còn mộng giấc tang bồng
Thôi cũng đành thôi vạn kiếp sầu
Phận người nào có nghĩa gì đâu!
Lỡ cuộc trần gian vào miên viễn
Còn chỉ em buồn suốt canh thâu…
Hoài Nguyễn
30/4/2015

2023/04/08

 Đài Saigon Dallas phỏng vấn

nhà văn Điệp Mỹ Linh về tháng Tư, 1975

NHẮN TÌM HQ Trung uý VŨ VĂN PHÚ - HQ 505

Hải Vận Hạm Nha Trang, HQ 505


Như Tuyền: Thưa quý thính giả, hôm nay chương trình văn học nghệ thuật chúng tôi hân hạnh được nói chuyện với nhà văn Điệp Mỹ Linh. Cô Điệp Mỹ Linh trước đây đã nói chuyện một đôi lần trên đài Saigon Dallas. Nhà văn Điệp Mỹ Linh đã có nhiều tác phẩm giá trị, đạc biệt là cuốn tài liệu viết về Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Thưa cô hôm nay cô khỏe không?


Điệp Mỹ Linh: Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý thính giả và Ban Giám Đốc của đài phát thanh Saigon Dallas. ĐML mến chào cô bạn trẻ Như Tuyền. Thưa cô, cảm ơn lời thăm hỏi của cô. Mỗi năm, vào mùa này tôi bị dị ứng với phấn hoa, cho nên, tôi thường bị nghẹt mũi và khan tiếng chứ không có gì quan trọng.


Như Tuyền: Thưa cô Điệp Mỹ Linh, chúng ta đang ở vào tháng Tư, người Việt chúng ta gọi là "Tháng Tư Đen". Trong lòng người Việt tị nạn, thưa cô, trong khoảng thời gian đầu tháng Tư 1975 cô ở đâu? Lúc ấy tình hình Hải Quân như thế nào? Lúc ấy cô có tháp tùng phu quân trong những cuộc hành quân hay không?


Điệp Mỹ Linh: Kính thưa quý thính giả, thưa cô Như Tuyền, đầu tháng Tư 1975, Bố của các con tôi – Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh – đang phục vụ tại Phú Quốc; tôi ở Saigon. 


Bất ngờ, Phó Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh thanh tra các đơn vị Hải Quân tại Phú Quốc. Khi thấy ông Minh, Phó Đề Đốc Tánh gọi ông Minh đến, bảo: “Anh lấy các thứ cần dùng rồi về Saigon với tôi”.


Từ đó, ông Minh phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Saigon.


Vì ông Minh không còn phục vụ đơn vị tác chiến nữa cho nên tôi không tháp tùng hành quân.


Thời điểm này tình hình chính trị tại Saigon rất phức tạp, nhưng “chưa đến nỗi nào”. Khi xảy ra thảm trạng của cuộc rút quân trên tỉnh lộ 7, từ Ban Mê Thuộc về Phú Yên thì Saigon bị “rúng động”! 


Cơn “rúng động” về tỉnh lộ 7 tạm dứt, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được lệnh thực hiện các cuộc rút quân bằng đường biển, bắt đầu từ vùng I Duyên Hải.


Khi tin về cuộc rút quân đẩm máu tại bãi biển Thuận An được loan ra, giới chức chính quyền miền Nam cũng như đồng bào mới cảm nhận được cường độ tàn ác và dã man của cuộc xâm lăng do ông Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam (csVN) chủ xướng!


Cho đến sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được vài dòng trách cứ của vài người thoát chết trong cuộc rút quân tại Thuận An. Những người này trách rằng: “Hải Quân có tàu mà chỉ đậu ngoài xa, ‘không chịu?’ vào cứu đồng đội!” Tôi chỉ buồn chứ không trách những vị này; vì tôi hiểu, những vị này không biết được rằng mỗi loại chiến hạm và chiến đỉnh của Hải Quân VNCH – cũng như của Hải Quân quốc tế – đều được xử dụng tùy theo năng lực của chiến hạm hoặc chiến đỉnh và độ sâu của nước, chứ không phải cứ thấy nước là chiến hạm hoặc chiến đỉnh “nhào” đến!


Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi: Nếu, năm 1975, Hải Quân VNCH không vượt qua được nhiều khổ nạn để thực hiện những cuộc rút quân bằng đường biển thì số nạn nhân bị csVN sát hại tại vùng I Duyên Hải sẽ lên đến mứt độ nào! Và, nếu Hải Quân VNCH không vượt qua biết bao nhiêu trở ngại để thực hiện Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng, vào khuya 29/04/1975, thì sẽ có thêm bao nhiêu ngàn người miền Nam chết dưới tay csVN? Làm thế nào chúng ta có được cộng đồng người Việt di tản như hiện nay? Và làm thế nào chúng ta có thể hãnh diện về sự thành đạt vượt bậc của thế hệ di dân người Việt thứ II và thứ III.


Như Tuyền: Trong thời gian đó, cô đã viết tác phẩm nào về chiến sử 30-4? 


Điệp Mỹ Linh: Kính thưa quý thính giả, thưa cô Như Tuyền, trong thời gian  tháng Tư 1975, theo dõi tin tức quân sự từng giờ, tinh thần tôi không yên; vì Cha Mẹ và đại gia đình của tôi bị kẹt ngoài Cam Ranh, cho nên, tôi không thể viết được gì cả. Khi được tin VNCH “bỏ ngõ” Cam Ranh, tôi hoàn toàn mất tự chủ!


Khoảng giữa tháng Tư, ông Minh cho tôi hay rằng Hải Vận Hạm Nha Trang, HQ 505 – Hạm Trưởng là Hải Quân trung tá Nguyễn Văn Nhượng – phải chuyển đạn từ Thành Tuy-Hạ ra tiếp tế cho mặt trận Phan Rang để quân của VNCH cố thủ Phan Rang. Tôi nhờ ông Minh xin cho tôi “quá giang” chuyến hải hành đó, với hy vọng, khi đến Phan Rang, tôi sẽ đón ghe hoặc xe đò để ra Cam Ranh giúp Cha Mẹ và các em tôi rời Cam Ranh. 


Nhưng, hy vọng của tôi không thành! Tôi đã viết về chuyến hải hành trên HQ 505, tựa đề là Kỷ Niệm với Con Tàu Máu!


Như Tuyền: Xin được gởi đến quý thính giả một đoạn trong hồi ký Kỷ Niệm với Con Tàu Máu.

     

“... Trên những chiếc ghe tròng trành vì sóng, do HQ 505 tạo nên, những thân người gầy gò đang kêu gào. Và những đôi mắt…Ôi! Những đôi mắt van xin, những đôi mắt buổn thảm, những đôi mắt thất vọng ấy bỗng rực lên những tia phẫn hận khi chiến hạm “bẻ” mạnh một vòng cua ngặt!


Gục đầu vào khoanh dây thừng, tôi khóc tức tưởi vì những oan khiên, thảm khốc đang phủ chụp xuống từng phần đất thân yêu và những nghiệt ngã đang bủa vây đoàn người bại trận!


Từ buổi sáng hôm đó, trong những bữa cơm đã bớt tiếng nói, thiếu hẳn nụ cười. Dường như ai cũng cảm thấy một nỗi đau nào đó, to lớn lắm, đang đè nặng tâm hồn!


Khi Dương-Vận-Hạm Nha-Trang HQ 505 vừa qua khỏi Cà-Ná, tôi nghe tin Dương-Vận-Hạm Vũng-Tàu HQ 503 bị Việt-cộng bắn ngay đài-chỉ-huy, gây tử thương cho bốn năm người. Thấy vẻ tư lự của anh Há, tôi tò mò hỏi. Anh Há thở dài:


- Một trong các sĩ quan tử thương tại đài-chỉ-huy HQ 503 là thủ khoa khóa tôi. (Khóa sĩ quan đặc biệt).


Tôi im lặng. Kinh nghiệm của HQ 503 và các giang pháo hạm trên sông thuộc miền Tây cho tôi thấy rằng nhận xét: “Đã Hải-Quân mà còn đi tàu thì ‘đeo’ chữ Thọ ‘to tổ bố’ rồi, còn lo gì nữa!” là sai lầm.


Gần đến Phan-Thiết, tin Tướng Nguyễn-Vĩnh-Nghi bị bắt khiến mọi người bàn tán, âu lo hơn. Tôi nhìn ra khơi. Trong khoảng không gian mênh mông của biển, tự dưng tôi tưởng như tôi có thể thấy lại được hình ảnh Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – khi Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, Vùng IV Chiến Thuật – và ông Minh đứng trên mô đất cao quan sát trận địa khi cuộc tấn công của Việt-cộng vào đồn thứ 9 còn ngùn ngụt khói, vào một buổi sáng khi hơi nước từ kinh Trèm-Trẹm còn đọng trên từng chiếc lá non...”

     

Như Tuyền: Thưa cô, đọc đoạn văn này xong, nghe thật bồi hồi. Tình hình đất nước bắt đầu rối loạn từ sau Hiệp Định Paris được ký kết mà Việt Nam Cộng Hòa bị thua thiệt, rồi Mỹ rút quân toàn bộ khỏi Việt Nam. Với tư cách một vị phu nhân của cấp chỉ huy Hải Quân, cô nhận xét như thế nào? Nếu Mỹ không rút quân, không cắt viện trợ cả quân sự, lẫn tiền bạc thì Việt Nam Cộng Hòa có chiến thắng không?


Điệp Mỹ Linh.- Kính thưa quý thính giả và cô Như Tuyền, tôi nghĩ rằng, nếu Mỹ rút quân mà Mỹ vẫn việc trợ vũ khí/quân trang/quân cụ và quân dụng cho VNCH thì chắc chắn cuộc diện sẽ hoàn toàn đổi khác. 


Hãy nhìn cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine! Thế Giới Tự Do chỉ viện trợ vũ khí/quân cụ/quân trang và quân dụng cho Ukraine chứ Thế Giới Tự Do đâu có gửi quân sang Ukraine – ngoại trừ vài trường hợp cá nhân tình nguyện – thế mà Nga vẫn chưa chiếm được Ukraine; vì quân và dân của Ukraine chiến đấu rất can cường! 


VNCH và Ukraine đều chiến đấu can cường vì chính nghĩa. 


Còn csVN, sau khi csVN quyết “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, để Mỹ rút quân thì mọi người trên thế giới và người Việt Nam thấy gì? 


Bằng vào những gì đã và đang xảy ra tại Biển Đông, tôi đã xác định trong bài tạp ghi Hai Tên Đồ Tể, như thế này: “...Nếu người csVN có chút tự trọng, hãy nhìn vào sự thật của lịch sử: Từ thời Tây ‘đô hộ’ và Mỹ ‘xâm lượt’ Việt Nam, Trung cộng có dám ‘hó hé’ gì tới Biển Đông hay không?


Không!


Thế thì, tại sao, sau khi csVN cướp được miền Nam và ‘thống nhất?’ đất nước thì Trung cộng khoanh vùng biển Đông thành ‘đường lưỡi bò’; sau đó Trung cộng xây nhiều đảo nhân tạo và phi trường tại Hoàng Sa?”


Tệ hại hơn nữa là: Các cuộc hải hành của Hải Quân Hoa Kỳ – cũng như vài nước không thuộc vào khối cộng sản – trên Biển Đông đều bị Hải Quân Trung cộng gây nhiều trở ngại.


Câu trả lời của tôi là: “Trung cộng vương lên được như ngày nay là nhờ ‘công lao’ của người csVN đã ‘đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng!’ để thiu rụi cả mấy triệu người Việt – cả Nam lẫn Bắc!”


Như Tuyền: Xin mời thính giả, nghe 1 đoạn trong bài Hai Tên Đồ Tể của cô Điệp Mỹ Linh: “...Mỹ trợ giúp chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chống lại cộng sản Bắc Việt chỉ vì Mỹ – cũng như VNCH – thấy trước âm mưu của Trung cộng là sẽ “nhuộm đỏ” miền Nam Việt Nam; từ đó Trung cộng sẽ lấn chiếm biển Đông mà thế giới cũng như người Việt đều gọi là Pacific Ocean hoặc là Thái Bình Bương; nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác tình khúc Lòng Mẹ với âm điệu thiết tha và câu mở đầu đầy cảm xúc: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình ngọt ngào...”


Theo Hiệp Định ngưng chiến, Mỹ rút quân ngày 29 tháng 3 năm 1973, chấm dứt mọi viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam.


Trong khi Quân Lực VNCH còn súng mà không có đạn, còn xe và phi cơ mà không có xăng, còn xe tăng và chiến hạm mà không có dầu cặn v.v... thì csVN vẫn mở những cuộc cường tập đẩm máu. 


Theo BBC tiếng Việt, ngày 21/04/2022 cập nhật ngày 28/04/2022 thì: “...Trung Quốc, từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, đã điều động tổng cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v... để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam...” 


Đó, Mỹ rút quân cuối tháng 03/1973 mà đến tháng 08/1973 Trung cộng cũng vẫn còn viện trợ vũ khí và nhân lực cho csVN; nhờ vậy, csVN lại mở những cuộc cường tập khốc liệt trên toàn lãnh thổ của VNCH!


Là một người từng tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH trên sông rạch để viết tường thuật, tôi hiểu rằng: Mỗi khi quân của VNCH phải chống trả các cuộc cường tập của csVN tại chiến trường nào thì Hải Quân VNCH cũng phải chuyển quân/đạn dược/khí giới/quân trang/quân dụng đến địa phận đó.


Đó là lý do, ngày 19 tháng 01 năm 1974, Trung cộng tấn công Hoàng Sa, các chiến hạm hữu dụng của Hải Quân/VNCH đều đã bị trưng dụng cho các chiến trường khốc liệt khác. Bộ Tư Lệnh Hải Quân đành phải chỉ thị chiến hạm Nhật Tảo HQ10, đang đại kỳ – sửa chữa/tu bổ/thay thế nhiều bộ phận quan trọng của chiến hạm – tại Hải Quân Công Xưởng ra Hoàng Sa! 


Vì HQ10 bị nhiều trở ngại kỹ thuật, như đã nêu trên, Hạm Trưởng HQ10 Ngụy Văn Thà và 74 quân nhân Hải Quân VNCH đang chống trả mãnh liệt, quyết đánh đuổi quân xâm lăng Trung cộng – kẻ thù truyền kiếp của người Việt Nam yêu nước – ra khỏi Hoàng Sa thì HQ10 bị trúng đại pháo của Trung cộng và... chìm vào lòng biển Mẹ!!! 


Được báo cáo, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra lênh cho Tư Lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn thành lập Hành Quân Trần Hưng Đạo 48 – do Hải Quân đại tá Nguyễn Văn May chỉ huy – tiến ra Trường Sa để bảo vệ quần đảo Trường Sa khỏi sự tấn công của Trung cộng...”


Người csVN lúc nào cũng “hãnh tiến?”, tự cho rằng chính csVN đã “đánh Mỹ ‘kíu’ nước” để thống nhất đất nước.


Nếu đất nước đã được csVN “thống nhất”, tại sao cả triệu triệu người Việt không ở lại “chung vui” với csVN mà triệu triệu người Việt lại liều chết vượt biển hoặc vượt biên đường bộ để xa lánh csVN? Nếu căn cứ vào những dinh thự vĩ đại và những ngôi mộ rất “hoành tráng” của cán bộ csVN mới xây, sau năm 1975, mà cho rằng nước Việt đã phát triễn vượt bậc thì xin đừng quên sự “tiếp tay” rất đắc lực của tập thể người Việt di tản và từng đợt người trẻ bên Việt Nam phải xuất cảnh lao động để thanh niên trồng cần sa và ăn cắp; phụ nữ làm điếm và ăn cắp.


Người Việt di tản đã vì tình ruột thịt, trực tiếp “cứu” csVN thoát khỏi thời bao cấp!! Thế mà, khi Việt Nam gặp thiên tai hoặc cần tiền, người csVN gọi chúng tôi là “khúc ruột ngàn dặm”. Khi bình yên, csVN chỉ thị dư luận viên viết trên internet rằng: Cha/chồng/anh/em của chúng tôi là “Ngụy”, là “lính đánh thuê”!


Người csVN không là lính đánh thuê cho Trung cộng thì lý do gì Trung cộng viện trợ vũ khí và nhân lực cho csVN đánh Tây/đánh Mỹ? Nếu người csVN không là lính đánh thuê cho Trung cộng thì tại sao khi Trung cộng tấn công và cưỡng chiếm Hoàng Sa – của Việt Nam – mà csVN lại im lặng?...”


 Như Tuyền: Vâng, luận cứ cô ĐML đưa ra rất chính xác. Tiếc rằng thời lượng có hạn, chương trình phỏng vấn nhà văn ĐML xin tạm dứt; xin hẹn quý thính giả và cô ĐML vào chương trình khác.


Điệp Mỹ Linh: Điệp Mỹ Linh xin cảm ơn quý thính giả; xin cảm ơn Ban Giám Đốc đài phát thanh Saigon Dallas và cảm ơn cô Như Tuyền. Kính chào.