2014/01/06


TÌNH CỜ BIẾT ANH

Tin buồn: Nhà thơ Nguyệt Lãng qua đời. - Gửi từ Lê Hoàng


Tôi rất thích các bộ môn văn nghệ.
Từ thuở nhỏ khi biết đọc rồi thì khi được ai đó cho tiền, thường là mẹ, tôi luôn mua sách. Những truyện bình dân, phổ thông hồi xưa như Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lục Vân Tiên, Ông Trượng Tiên Bửu…đã từng làm say mê tôi.
Lớn lên một chút, tôi tìm đọc Tây Du Ký miệt mài trong tưởng tượng với những phép mầu của Tôn Ngộ Không đấu phép với ma, quỷ…bảo vệ cho Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh ở Tây phương Phật, những bộ truyện về Chinh Đông Chinh Tây với những nhân vật Tiết Đinh Quý, Tiết Đinh San , Phàn Lê Huê không thoát khỏi mắt tôi.
Rồi những Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc cũng làm say mê tôi sau này.
Là dân Nam Bộ lớn lên từ đồng ruộng thì mê Cải Lương, Hát Bộ ( hay Hát Bội) là điều tất yếu. Tôi thường thả hồn theo lời ca tiếng nhạc vọng cổ tài tử ở những đám giỗ, đám cưới trong quê. Mơ một ngày nào lớn lên có tiền để làm được như những người thả tam bảng trôi trên sông dưới trăng với chiếc máy hát lên dây thiều bằng tay, đầu máy bằng kim đặt trên vòng quay của những đĩa nhựa thô kệch thời ấy.
Lại ngưỡng mộ những anh xữ dụng đờn mandolin trong mấy ban văn nghệ của du kích xã nhất là khi họ biểu diễn “lấy le” (ý nói khoe, loè) với mấy nàng thôn nữ.
Sau này tôi có học đờn guitar/hát, tự học hoặc từ bạn bè thôi khi rổi, và dỉ nhiên chẳng đi đến đâu.
Lúc ở Trung Học cũng tập tểnh làm thơ báo Xuân cho trường, bài được chọn đăng nhưng bị anh bạn cùng lớp chọc phá bằng cách giải nghĩa “tiêu cực” thành ra “bỏ viết” vì cảm thấy “quê một cụt”.
Ra đời làm việc có tiền nên phương tiện thưởng thức văn, nhạc dồi dào hơn.
Sách, nhạc mua hằng tháng tích lũy khá nhiều đủ thể loại, mua lúc lảnh lương, lúc bát phố Lê Lợi Sài Gòn là nhiều nhất. Nhưng sau 1975 thì tất cả đã vào những ngọn lửa thời thế lúc bấy giờ. Tay xé từng trang cho vào lửa mà lòng rưng rưng.
Nói gì nghe nhạc là một thú đa mê nhất của tôi, nói như vậy không có nghĩa là mình thưởng thức được tất cả bài nhạc, biết tên mọi nhạc sĩ sáng tác. Do vậy tôi chỉ biết đến nhạc sĩ Bắc Sơn khi nghe Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè hay bài Em Đi trên Cỏ Non những năm bước chân ra hải ngoại sau này. Nghe mà thấm thía và ngưỡng mộ Bắc Sơn với những tiết tấu, lời ca đậm tình quê hương dân tộc từ đó.
Gần đây tin nhà thơ  Nguyệt Lãng ra đi trong nghèo khó, khi chết không có một mái nhà của chính mình, sau khi trải qua những ngày tháng với bịnh nan y hành hạ khổ sở. Thương cảm cho một thi sĩ bạc phần, thương và thấy gần gủi hơn khi biết thi sĩ là người đồng bằng sông Cửu, bè bạn của vài nhà thơ mà tôi mới quen biết gần đây.
Điểm đặc biệt thôi thúc tôi viết ra vài dòng cảm nghĩ này là thông tin về ca khúc Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè có liên hệ tới bài thơ Rau Đắng Đất* của Nguyệt Lãng mà bấy lâu tôi không biết. Nếu đúng vậy thì tình trạng người thưởng thức ca khúc này chỉ biết tác giã duy nhất là Bắc Sơn thì tôi thấy có một điều bất công, dù là nho nhỏ,  đối với Nguyệt Lãng vậy.
Anh Nguyệt Lãng ơi! Thôi kệ đi anh! Hãy an nghĩ bình an nơi cõi vĩnh hằng nhé anh.
Cảm nghĩ này như tôi đốt một nén nhang tiển anh của một người xa lạ chỉ tình cờ biết anh.

Anh Tú
January 6, 2014


Lời ca khúc:

Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè

Nắng hạ đi
mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng

Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau

Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Ai cách xa cội nguồn,
ngồi một mình
Nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh

Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau

Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa

Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
dạo quanh, khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh ...

Trình bày:

Như Quỳnh

Cẩm Ly và Hương Lan