2012/09/07

TRỨNG TRỜI

(Để nhớ ba)

Hôm nay, tôi rất xúc động khi tình cờ biết được tâm sự của một người bạn vắng cha từ lúc còn trong bụng mẹ đã tìm được lại tình phụ tử sau hơn nửa thế kỷ. Bạn đang tận hưởng hạnh phúc to lớn này mà bạn ngỡ rằng chỉ có thể gặp trong mơ. Hạnh phúc đã tỏa sáng ngời lên mặt bạn, ở ánh mắt long lanh, ở nụ cười rạng rỡ, ở lời tâm sự chia sẻ với bạn bè một cách tha thiết, nồng ấm…tình cha con. 
Bạn ơi,
Bạn chỉ vô phước nửa đời người thôi bạn ạ, nửa còn lại bạn hãy tận hưởng tình cha con thiêng liêng, tuyệt vời nhé bạn. Bạn hạnh phúc hơn tôi đó vì cha của tôi giã từ cõi đòi này khi tôi vừa lên năm và dỉ nhiên tôi vĩnh viễn mất cha.

***
Xưa, tuổi đời qúa ít ỏi, tri thức vừa mới chập chửng trong bộ óc non nớt, tôi chỉ nhớ một vài kỷ niệm với cha thân yêu mà tôi xem đó là những hạnh phúc hiếm quý nhất của đời mình. Nó cứ hiển hiện về thật ấm áp mỗi dịp gặp những tình tự về cha mà tôi xem đó là những hạnh phúc tìm lạị.
Ba má tôi vì hoàn cảnh sống đời trôi nổi, rày đây mai đó.
Có lần chúng tôi đã sống một thời gian tại Cái Khế (Cần Thơ) trong một ngôi nhà lá nhỏ nghèo nàn. Trước nhà là một con đường cho xe hơi cũ kỹ với đất đá lồi lõm vì không được bảo quản, bên kia là một con rạch nhỏ mà mỗi chiều tôi thường đến tắm rửa, vui đùa. Một hôm sau khi tắm xong vượt lộ về nhà, tôi đã bị một xe đạp đụng phải, té và trán bị thương đến nay vẫn còn vết xẹo:

Nhớ thuở xưa theo giòng đời xuôi ngược
Ba má tôi trôi nổi đến Cần Thơ
Sống lam lũ một thời gần Cái Khế
Cảnh cũ người xưa nhớ mãi đến giờ.

Có những lúc tình cờ tay xoa mặt
Chạm vết trầy trên trán: vết yêu thương.
Thương mẹ cha, thương giòng Bassac
Ấm áp lòng khi mỗi lúc soi gương!

Một chiều, qua bên kia đường đi tắm
Ở rạch con nho nhỏ nước lững lờ
Khi đùa giỡn vướng chân té ngã
Vết thương thành dấu ấn thuở ấu thơ.

(Trích Vết Thương Trên Trán_2010_AT)


Thuở ấy vì còn bé nên sự hoài niệm các khoảng đời không liên tục.
Tôi lại nhớ có lúc chúng tôi đã sống trên một chiếc tam bảng với cái mui tròn làm bằng lá (lá dừa nước thì phải?), nấu cơm bởi chiếc cà ràng ở phía sau lái. Cuộc sống gom gọn trong lòng chiếc tam bảng với cảnh gạo chợ nước sông không biết kéo dài bao lâu. Má tôi là người lo mọi việc cho cuộc sống lang thang này: cơm nước, chèo chống, thuốc men trị bịnh cho ba tôi… Một buổi sáng, chiếc tam bảng cấm sào trên dòng rạch nhỏ, nước ròng chảy siết cuốn trôi theo những trái mận chín rơi rụng từ những vườn cây của vùng đất phì nhiêu Chợ Lách. Ba tôi ở sau lái, tôi trước mủi tam bảng cùng nhau vớt trái, lựa những trái còn nguyên vẹn để ăn dần. Thỉnh thoảng cha con khoe với nhau mỗi lần vớt được trái ngon với nụ cười vui vô tư bất chợt có được.
Hôm nay hoài niệm về ba nhưng không thể nào không nhắc lại sự gian nan của má tôi, người phụ nữ hiền hoà miền quê sông nước Cửu Long, suốt đời chịu nhiều nỗi truân chuyên, cay đắng. Tay yếu chân mềm phải chèo bơi tam bảng di chuyển đó đây, có lần dòng nước chảy quá nhanh làm chiếc mui vướng một thanh cây của cầu khỉ bắt ngang dòng rạch, tưởng đâu nhận chìm “ cả nhà” xuống nước.
Không lâu sau đó, bịnh ba tôi trở nặng, ba mẹ quyết định về ngôi nhà tổ phụ nơi bác Hai của tôi đang quán xuyến. Chúng tôi phải vượt ngang sông Cổ Chiên. Không may khi đang giữa sông thì một cơn giông chợt đến, nước nổi cơn thịnh nộ, những đợt sóng to hăm dọa nhận chìm “cái nhà” và cả chúng tôi xuống lòng sông. Với sức cố gắng vượt bực cùng sự trợ lực yếu ớt của ba đang bịnh hoạn, và hơn hết chắc là sự phò trợ của Phật Trời mà chúng tôi đến bờ phía Vĩnh Long an toàn trong sự hải hùng …vừa giảm bớt. 


Về đến nhà bác Hai, tôi ngã bịnh. Đứa con nít năm tuổi thì chắc chắn còn “nhỏng nhẻo” “vòi vĩnh” cha mẹ cái này cái nọ, cả những cái mà cha mẹ không thể lo được dù là chiều con. Những “tánh con nít” này lại dai dẳng hơn khi bị bịnh hoạn. Lần đó vì khó chịu trong mình nên tôi khóc dai dù mẹ kiên nhẫn dỗ dành. Ba tôi nhỏ nhẹ hỏi: “Con muốn gì cứ nói, ba sẽ làm cho con”. Chắc có lần nghe thấy ai nói “gì đó” mà tôi trả lời : “Con muốn ăn trứng… trời!” và tay tôi chỉ lên trời. Ba tôi đã cười ngất và nói sẽ kiếm “trứng trời” cho tôi ngay. Ba đã nhờ người leo lên các cây cau tìm trứng chim cho tôi.
Chuyện nhỏ mà hạnh phúc ba đã cho tôi rất lớn; nó ngon tuyệt, béo ngậy…mà hương vị đến bây giờ như còn ở vòm lưởi…và cả trong tim tôi.

Anh Tú 
September 7, 2012


2012/09/01



NGÀY GIỖ MẸ 


Năm ấy đến,Vu Lan tôi chẳng nhớ
Mẹ nằm kia mặt nhợt nhạt xanh xao
Bịnh nan y gây những nỗi thương đau
Giết chết nhanh mẹ tôi giây phút cuối.

Đời mẹ gắn liền cùng hờn với tủi
Kiếp hồng nhan nhiều chuyện truân chuyên
Theo chân ba gian khổ khắp bưng biền
Đất Lục tỉnh chống chèo tìm nẻo sống

Ba mất sớm mẹ/con đành lạc lõng
Giữa đời đầy cạm bẩy phải gánh vai
Nuôi con thơ khôn lớn theo tháng ngày
Tròn lời hứa với người thương xa vắng.

Thời chinh chiến bao nhiêu lần cay đắng
Thuở đói cơm quần áo rách tả tơi
Đôi buồng cau lá chuối rổ mồng tơi
Gom từng cắc xây xài qua khốn khó.

Một mình mẹ cấy cày vuông đất nhỏ
Đến mùa khô vài gịa lúa đền công
Mồ hôi rơi giọt lệ tủi lưng tròng
Chén cơm hẩm muối dưa vui lòng mẹ.

Lúc ngã bịnh cắn răng không chia sẻ
Với con thơ chòm xóm lẫn bà con
Để đến khi thân xác đã hao mòn
Ôi quá trễ con xót xa chờ mẹ chết.

Nợ trần thế, giờ này đà trả hết
Mẹ thảnh thơi, hồn phách ở suối vàng
Không lợi danh, miên viễn với bình an
Thôi như vậy phải đành theo định mệnh.

Ngày giỗ mẹ: sau Vu Lan hai bửa
Mâm cơm chay tưởng nhớ mẹ kính thương
Một bình hoa, chung rượu nhạt, cây hương
Dâng hồn mẹ linh thiêng về chứng giám.

Anh Tú
September 1, 2012