2014/02/09


NĂM NGỌ NÓI CHUYỆN NGỰA
  
Văn chương Đông Tây Kim Cổ nói chuyện về ngựa cũng đã nhiều. Trong ký ức tuổi thơ của tôi hình ảnh con ngựa, chiếc xe ngựa vùng nhà quê dù cũ kỹ nhưng thật gần gũi và đậm nét nghĩa tình.
Từ Tân Niên Tây đi Gò Công hay về thăm quê Ngoại tôi ở Rạch Già - Tân Phước. Chúng tôi đều dùng xe ngựa. Tiếng nhạc lọc cọc, leng keng vang lên theo cách ngựa chạy nghe thật vui tai. Người ta thường tính theo đường dài để biết sức ngựa: " Trường đồ tri mã lực, sự cữu kiến nhân tâm."
" Đường dài mới biết ngựa hay,
Ở lâu mới biết con người có nhân".
Từ thời trước sức ngựa đã được dùng để tính cho các loại xe, loại máy như trong truyện của Nguyễn Vỹ có nhắc đến chiếc xe " Deux Cheveaux con cóc". Chắc không nói là xe song mã.
Ngựa thường dùng để cưỡi, để kéo xe thồ, để đua, để chiến đấu. ..
Đâu còn hình ảnh nào hay hơn hình ảnh các chiến sĩ xông pha vào trận tuyến một cách rất can trường trên lưng tuấn mã. Lúc gấp rút cần phải phi nước đại cho kịp thời điểm tấn công kẻ thù.Vì vậy, thời gian trôi qua mau người ta ví như" bóng câu qua cửa sổ". Hoặc để răn đời phải cẩn thận trong lời nói , sách xưa có câu" nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. ( Một lời đã nói , bốn ngựa khó theo.) Ngựa cũng được làm " đồng hồ" - Thí dụ mười hai giờ giữa trưa gọi là chính ngọ.
Chúng ta biết rằng : Cuộc chiến nào cũng có thắng, có bại. Nếu chẳng may ngã ngựa tử thương thì chí trai thôi vẫy vùng ngang dọc mà chiến trường da ngựa bọc thây. ( Có thể lúc đó chưa dùng quan tài?). Như Chinh phụ ngâm khúc đã chép:
"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa..."
Trong cách làm việc , con người phải siêng năng cần mẫn trong công việc mình. Không được làm "cà lơ thất thơ " như người " cưỡi ngựa xem hoa". Nói nôm na là làm kiểu tài tử chứ không phải là chuyên nghiệp. Có khi để nhắn nhủ những người lười, làm việc qua loa cho có lệ hay quá ư nhàn nhã trong cuộc sống.
Hồi nhỏ, bà Ngoại tôi dạy cho tôi cách phân biệt màu các con vật như: chó, mèo, trâu, bò, ngựa để lâu lâu kêu lại đố.Rất vui! Mà đố có thưởng bánh kẹo. Trong tôi, tiếng Việt thật là lạ và dễ thương biết chừng nào. Bà tôi đố:
- Con mèo đen gọi là mèo gì?
-Mèo mun.
- Giỏi.
- Con chó đen gọi là chó gì?
- Chó mun.
- Sai! Chó mực. Nhớ chưa?
- Gà đen gọi là gà gì?
- Gà mực.
- Không phải! Gà ô.
- Con heo đen gọi là heo gì? -
- Heo mọi.
- Giỏi. Con ngựa đen gọi là ngựa gì?
- Ngựa mọi.
- Không phải. Gọi là ngựa ô.
Thưởng bánh kẹo cho mấy câu trả lời đúng.Bà tôi liền dạy tôi hát bài ..." khớp con ngựa ngựa ộ..Ngựa ô anh khớp...Anh khớp cái kiệu vang( vàng) ...vai mang khớp bạc... lục lạc đồng đen... búp sen lá dặm...
....Là đưa í a đưa nàng... anh đưa nàng...Anh đưa nàng.... về dinh. "
Giọng hát của bà già tuổi đã sáu mươi mà chưa hạ hơi làm tôi nghe mê tít. Nhớ luôn từ thuở lên mười. Thì ra, các thiếu nữ thời xưa đâu có lên xe hoa. Mà lên kiệu hoa hay bước xuống thuyền hoa để về nhà chồng. Nghĩ cũng thú vị thật.
Để nói đến phường vô lại ác tâm người ta dùng " đầu trâu mặt ngựa". Những người xấu thường tìm đến nhau, nhập bọn để làm điều ác. Đúng là" Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã " vậy!
Đối với những người trẻ người non dạ mà bản tính lại hung hăng được ví như "ngựa non háu đá". Còn với một người tính khí bất thường , không biết nghe theo lời khuyên đúng đắn cũng giống như hình ảnh "con ngựa bất kham". Người cứ phạm hết sai lầm nầy đến sai lầm khác, nhiều lần lập lại những lỗi lầm sẽ bị xem là " ngựa quen đường cũ".
Khi tức giận đến độ nguyền rủa nhau người ta thường cho đối phương là thứ chỉ đáng để cho " voi giày ngựa xé".
" Ngựa xé: là nhục hình dành cho tội nhân tại La Mã một thời. Nói lên tính nghiêm khắc của pháp luật. Về sau, người đời còn có hình phạt tàn khốc hơn " tứ mã phân thây": Người ta cột tay chân tử tội vào bốn con ngựa, rồi thúc cho bốn ngựa chạy về bốn hướng . Tử tội bị xé xác thành bốn mảnh. Cái chết đến nhanh và khủng khiếp là như vậy.
Khi con người càng văn minh, việc xét tội, luận tội, kết tội cũng theo trình tự rõ ràng hơn. Việc đầu tiên là người phạm tội phải đứng trước vành móng ngựa. Để khai tội rồi nhận tội và sẽ đền tội ở mức án nào đó. Vành móng ngựa là một cái khung được tạo dáng giống như hình cái móng ngựa. Sau này được hiểu nôm na là ra toà, đi hầu toà...
Trong cách đối nhân xử thế nếu chịu ơn ai chưa trả nổi người ta ước mong" Làm thân trâu ngựa đền bồi kiếp mai( sau).
Khi nói về một người một mình đối đầu với mọi khó khăn người ta hay dùng hình ảnh một người" đơn thương( thân) độc mã".
Chỉ về một người đang ở trong tâm trạng chán chường hay ê chề thất vọng thì nói : " Coi kìa! Làm gì mà cái mặt chảy dài như mặt ngựa".
Ngoài mặt thì vậy, nói đến tấm lòng quá ngay thật của một người thì được coi là" thẳng như ruột ngựa". Còn về những người có tài : sự sai phạm, lầm lỗi của họ dễ dàng được bỏ qua với lời biện luận: Thôi cứ cho qua chuyện này đi. "Ngựa hay lắm tật" mà.
Đoàn kết là cách sống tốt đẹp trong mọi lúc, ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Được ví von trong hình ảnh: "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Con người cũng cần học hỏi điều nầy: Hãy quan tâm, cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ, yên ủi người khác.
Trong thơ Bà Quyện Thanh Quan có những câu mà tôi rất thích:
Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương,
..................................................
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đọan trường.
Đó có phải là tâm trạng của người xa quê hương trong một lần về thăm chốn cũ? Tất cả đã đổi thay. Người xưa không thấy! Mãi mãi là hoài niệm xa xôi!
Đặc biệt vào ngày khai trương một cơ sở thương mại hay tiệc mừng nhà mới bao giờ gia chủ cũng nhận được bức tranh " Mã đáo thành công" . Có khi giát vàng. Có khi là tranh bút lửa, tranh sơn mài, hay tranh ghép gỗ. Những bức tranh như vậy sẽ được treo lên tường:Ở chỗ trang trọng nhất mang theo kỳ vọng của chủ nhân: Thành công trong việc làm! Để rồi khi mọi sự hanh thông, cuộc sống giàu sang phú quí lúc nào cũng " lên xe xuống ngựa".
Thời Tam Quốc có con ngựa quý mang sắc lông đỏ rất nổi tiếng gọi là ngựa xích thố. Mỗi ngày đi nghìn dặm nên còn gọi là thiên lý câu, là chiến mã giỏi do Tào Tháo đem tặng cho Quan Công. Quan Công đã cỡi con ngựa xích thố nầy qua năm cửa ải , chém sáu tướng giặc. Ngoài Lữ Bố là chủ trước và Quan Công ra, không ai dùng được con ngựa này. Nó rất trung thành. Khi Quan Công chết, xích thố cũng buồn, ít lâu sau thì chết theo....
Con ngựa có nghĩa vậy đó. Sao con người có lúc đối xử với nhau không tử tế? Trong tình yêu trai gái các bậc làm cha mẹ thường dặn dò con gái của mình:
" Chớ nghe quân tử ỉ òn,
Mà rồi có lúc ẳm con một mình."
Không hiểu sao con gái lại hay yếu lòng quá đỗi. Thành ra lâu lâu nghe có một anh chàng" quất ngựa truy phong". Thiệt là tệ!
Còn nữa! Những người vợ có máu Hoạn Thư thường gọi tình địch( kẻ thứ ba) là " Đồ... ngựa" hay là " ngựa bà".Quả là tội nghiệp cho con ngựa.(!)
Tương truyền rằng vào đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân từ phương Bắc xâm chiếm nước ta. Vua sai người tìm những hiền tài ra giúp nước. Tại làng Phù Đổng (còn gọi là làng Gióng) có cậu bé xin Vua ban cho cây roi và con ngựa sắt. Chỉ một cái vươn vai cậu bé lớn lên như một người trai hùng. Cưỡi ngựa sắt, cầm roi xông pha tiêu diệt giặc Ân.Rồi bay thẳng lên trời.
Vua Hùng Vương nhớ ơn nên cho lập đền thờ và phong cho chàng làm Phù Đổng Thiên Vương.( còn gọi Thánh Gióng).
Lịch sử Việt Nam có chép:
Thời vua Trần Nhân Tông quân dân cả nước đã hai lần chống quân Nguyên. Mà theo sử gia Ngô Sĩ Liên : Vua Nhân Tông hai lần chiến thắng giặc ngoại xâm. Sau khi thắng trận Bạch Đằng Giang Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông cùng triều thần đến hành lễ tại lăng mộ Trần Thái Tông, thấy chân các ngựa đá trước lăng lấm bùn nhà vua đã đọc hai câu thơ:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Dịch là:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng.
Có quá nhiều câu chuyện về ngựa nói làm sao cho hết đây.
Cha tôi rất sành uống trà. Người có bộ tách trà bé xíu. Gồm bình trà rất nhỏ. Hai cái tách cũng nhỏ. Ông thường uống trà với ông bạn già đầu phố. Ông bảo thời giờ đối ẩm thật là tuyệt trong đời sống ông.
Người có kể tôi nghe về loại trà thượng hảo hạng: Trảm mã trà. Ông bảo: Dù chỉ là nghe nói thôi chứ chưa hề được uống. Tưởng tượng đủ ngon.Bởi loại trà nầy chắc chỉ để dành cho các bậc đế vương. Phương cách chế biến quả là quá công phu và nghệ thuật. Rồi ông cười, nói tiếp:
- Này nhé , cho ngựa nhịn đói. Dắt ngựa đi chậm. Đi vào rừng trà bát ngát một màu xanh. Cho ngựa tha hồ ăn những búp trà non. Chém đầu ( trảm ) ngựa để moi bao tử lấy trà. Sao (sấy) cho thơm... Công phu thật.
Ở đây trà đàm không có, trà đạo cũng không. Thường là độc ẩm. Về sau này, cha tôi thường ngồi lặng lẽ uống trà một mình. Tách trà nhỏ quá. Những giọt trà đậm đặc như cô đọng nỗi buồn mênh mang của ông trên đất Mỹ.

Nguyễn Hoàng Yến

Nguồn: .giaomua.freehomepage.com