2016/06/05


Những Ẩn Bút Trong Bài Thơ Mắt Buồn 
Của Bùi Giáng


Mắt Buồn

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con


Bùi Giáng

Vậy là đã mười hai năm Trung Niên Thy Sỹ rời xa cõi trần. Ông đi, để lại cho đời một sự nghiệp thơ văn, dịch thuật đồ sộ. Cho đến nay người ta vẫn còn những tranh luận về ông - Một Thy Sỹ Kỳ Dị của nền văn học hiện đại Việt Nam. Khen có, chê có, nhưng có một điều không thể phủ nhận những ảnh hưởng lớn trong những sáng tác của ông với nền văn học đương đại.

Nhiều sáng tác của ông đến nay vẫn còn là Ẩn Bút chưa thể lý giải và nhiều khi người ta chỉ biết nói với nhau là: "hay nhưng không hiểu" hoặc có những người cố gắng đi tìm những Ẩn Bút đó bằng sự hiểu biết của mình, nhưng kết quả thường chẳng mấy ai thẩm được ý ông.

Bài thơ Mắt Buồn là một ví dụ minh chứng rõ nhất về những Ẩn Bút trong thơ ông.

Bài thơ Mắt Buồn sáng tác năm 1961 và được in trong tập Mưa Nguồn năm 1963, tập thơ đầu tay của Trung Niên Thy Sỹ. Bài thơ Mắt Buồn có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của Bùi Giáng, bài thơ chứa đầy những ẩn ý trong thi bút của ông. Bài thơ Mắt Buồn càng nổi tiếng và được công chúng biết đến nhiều hơn khi Nhạc Sỹ Trịnh Công Sơn phổ nhạc bài "Con Mắt Còn Lại" lấy ý từ câu thơ cuối "Còn hai con mắt khóc người một con". Nhưng cũng vì thế mà người ta thường hiểu lầm ý nghĩa của câu thơ "khóc người một con" ở đây là "khóc người bằng một con mắt" nhưng thực ra ở đây Bùi Giáng lại "khóc người con gái một con".

Vậy "người con gái một con" ấy là ai?
Thưa rằng: 
Người con gái một con ấy chính là bà Công Thị Nghĩa - Thu Trang, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Người ta quen gọi bà với cái tên thân mật, hài hước Hoa Hậu Lambretta (năm 1955 bà đăng quang Hoa Hậu cho chính quyền Sài Gòn tổ chức nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng và phần thưởng là một chiếc xe hiệu Lambretta).



Vậy cuộc đời hoa hậu Lambretta như thế nào mà Trung Niên Thy Sỹ lại viết về bà với những câu thơ buồn đầy ẩn ý như vậy? Chúng ta hãy giải mã những Ẩn Bút của Bùi Giáng trong bài Mắt Buồn:

"Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông"


Những hoài niệm cũ mở ra ngay đầu bài thơ như giận hờn, oán trách và cũng đầy thương cảm. "Bóng mây trời cũ hao mòn" như một câu cảm thán mà ông than thở: Ôi! Em của ngày xưa cũ, người mà ta thầm yêu, thầm nhớ. Ôi! Bầu trời xanh xưa đầy kiêu hãnh, thanh cao giờ đây chỉ còn lại một bóng mây đang hao mòn trước giông bão cuộc đời. Những chiêm bao ngày xưa sau những biến cố, náo động, những ánh hào quang, những vinh hạnh xưa giờ đây chỉ còn lại hai bàn tay trắng, một tấm thân thể mảnh mai, liễu yếu đào tơ đang đối diện với những bão giông suốt những canh dài của những tháng ngày đen.

Những tháng ngày đen là những tháng ngày đằng sau những vinh quang của cuộc đời, sự nghiệp mà bà Công Thị Nghĩa - Thu Trang. Từ khi đăng quang Hoa Hậu năm 1955, bà Thu Trang trở thành tâm điểm của công luận và các hãng phim săn đón, chào mời hợp tác. Năm 1956 bà đã đóng hai bộ phim, một vai phụ trong phim Chúng Tôi Muốn Sống của đạo diễn Vĩnh Noãn và một vai chính trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Năm 1957 bà Thu Trang cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp sang Nhật Bản làm hậu kỳ phim Lục Vân Tiên và tham dự Đại Hội Điện Ảnh Châu Á.

Đúng vào cái đêm "mồng một giêng" năm ấy, một người đàn ông trẻ xa gia đình, vợ con và một hoa hậu trẻ nơi xứ người, chuyện gì đến sẽ đến. Qua những câu thơ đầy đau xót đầy ẩn ý của Bùi Giáng chúng ta như hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh "khó mà cưỡng lại" ấy của bà Thu Trang.

"Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi"


Với những người canh nông có lẽ rõ hơn ai hết, cuối năm là lúc tháo nước ải lên đồng để chuẩn bị cày cấy cho vụ chiêm xuân. Đây cũng là thời điểm những con cá lạ nước, ngược dòng lên đồng và người ta thường hay tranh thủ thời điểm này để bắt cá những con cá còn đang lạ lẫm với dòng nước mới.

"Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi"


Hai câu thơ trên như một lời từ biệt, một dấu ấn trong cuộc đời của một con người. Ở đây Bùi Giáng đã sử dụng cách chơi chữ khéo léo và hàm ý khi nhắc đến tên bà Thu Trang trong câu "ấn Trang sử lịch Thu triền miên trôi". Cũng từ đây, từ dấu mốc này những tai tiếng ấy sẽ theo bà Thu Trang đi đến suốt cuộc đời "thu triền miên trôi".

Cuối năm 1957, trở về nước trong tâm bão của dư luận. Tống Ngọc Hạp, một đạo diễn đã có gia đình, vợ con và Thu Trang một hoa hậu 25 tuổi dính bầu. Vào thời điểm thập kỷ 50 của thế kỷ trước đây là một vụ bê bối khó được sự bao dung, cảm thông và tha thứ của dư luận. Sống trong những đàm tiếu, những sóng gió của dư luận, bà Thu Trang quyết tâm giữ đứa con trai và đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên - một cuộc tình trái ngang giữ bà và đạo diễn Tống Ngọc Hạp với bộ phim Lục Vân Tiên.

Qua tám câu thơ đầu, Trung Niên Thy Sỹ Bùi Giáng đã dùng những ẩn bút của mình để kể về cuộc đời đầy giông bão của bà Thu Trang sau những tháng ngày hào quang ngắn ngủi.

"Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"

Năm 1961, bà Thu Trang chuẩn bị rời Sài Gòn sang Pháp, bỏ lại những hào quang, những sóng gió của quá khứ, tuổi trẻ đầy đau buồn ngang trái, bỏ lại những tiếc nuối cho người, cho đời.

"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"


Vào một ngày mưa, Bùi Giáng có tới chào biệt "người con gái một con", bóng hồng đã gieo nên những hình ảnh đẹp trong thơ ông. Nghe bà Thu Trang kể trong hồi ký rằng khi tới chào biệt bà, hai người im lặng nhìn nhau, chưa biết bắt đầu câu chuyện làm sao để phá đi sự im lặng ấy thì ông cúi xuống nhặt lên đôi dép xanh gói vào tờ báo rồi nói "tôi về!". Có lẽ Bùi Giáng cũng chẳng biết nói gì khi đối diện ấy. Và ông đã viết Mắt Buồn gửi tặng bà thay những lời muốn nói.

Nhưng oái oăm hay, người ta không hiểu được ẩn ý của ông mà cho rằng câu thơ "còn hai con mắt khóc người một con" là ông đang khóc cho người, cho đời bằng "một con mắt"

Vâng, thơ Bùi Giáng vẫn sẽ còn là đề tài thảo luận, khen chê của những luồng tư tưởng khác nhau. Nhưng người ta sẽ không thể phủ nhận ông là một hiện tượng của thi ca Việt Nam thế kỷ 20. Và khi những Ẩn Bút trong thơ Bùi Giáng dần được giải mã thì hiện tượng Bùi Giáng sẽ càng sáng tỏ hơn trong mắt độc giả.

Sài Gòn 10/2010
Mai Sơn Thạch

Không có nhận xét nào: