2017/03/18

ÁO XANH hay ÁO BAY...TRONG THƠ CỦA BÙI GIÁNG?
   
Bùi Giáng và hai câu thơ thủ bút của ông.

“ Biển dâu sực tỉnh giang hà,
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay ”.

  Tình cờ đọc trong một quyển sách đã được phát hành trong nước về thơ của thi cuồng Bùi Giáng. Loạt sách được xuất bản ồ ạt sau khi thi sĩ họ Bùi mất. Không nhớ là bài thơ có tựa là gì. Nằm trong quyển nào! Chỉ nhớ rõ là hai câu cuối là:

" Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ".

 Vì không nhớ tựa chỉ nhớ hai câu trên nên gõ vào Google để tìm thì thấy hiện lên nguyên bài thơ có tựa là:

Áo xanh. 
Lên mù sương, xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh .

( Nguồn Wikipedia )

      Hầu như tất cả các mục về thi ca của Bùi Giáng trên mạng mỗi khi có nhắc đến bài thơ này đều dùng chữ " ÁO XANH " làm tựa. Coi như khẳng định.
       Thật ra nếu không có thủ bút xác thực của thi cuồng Bùi Giáng thì chẳng bao giờ dám nêu vấn đề này ra. Nhưng xét thấy rằng hai chữ nằm ở cuối cùng của hai câu thơ trong tờ thủ bút, họ Bùi viết là: " ÁO BAY ". Có sự khác biệt với hai chữ cuối " ÁO XANH " nằm trong bài thơ có sáu câu tựa là " ÁO XANH " của Bùi Giáng được đăng ở Wikipedia, nên dùng tờ thủ bút này để đặt vấn đề xem sao.
     
Hình 02.  Nguyễn văn Hào. Chân dung Thi cuồng Bùi Giáng. Bút chì trên giấy. Cỡ 12.3cm x 17.4cm. Năm vẽ. 1980. Chữ ký đáy góc trái.
Hình 03.   Nguyễn văn Hào. Chân dung Thi cuồng Bùi Giáng.
Bút chì trên giấy. Cỡ 12.3cm x 17.4cm. Năm vẽ. 1980. Chữ ký đáy góc trái
 Hình 04.
Hình 05. Thủ bút của Bùi Giáng. Có ghi chú viết tại gia đình bé Hào.

Tôi có được ba trang thủ bút của Bùi Giáng viết trên hai tờ giấy học trò và hai bức chân dung vẽ bằng bút chì của một họa sĩ có ký tên áng chừng như là Nguyễn văn Hào. Tất cả do một người bạn sơ giao tặng cách nay đã khá lâu có dễ đã hơn 20 năm. 
     Cả 03 thủ bút của Bùi Giáng đều không có ghi năm tháng nhưng ở nơi hai tấm vẽ chân dung thì có ghi rõ là năm 1980 và người tặng có nói cho biết đó là chân dung vẽ nhà thơ Bùi Giáng. Cũng chưa rõ là hai bức chân dung này được vẽ vào cùng một thời điểm với những thủ bút của họ Bùi viết tại nhà bé Hào hay ở một thời điểm khác, nơi khác? Nhưng chắc chắn tất cả những vật phẩm đó tôi được tặng cùng một lúc, từ một người. Có điều mấy vần thơ này làm sau hay trước năm 1980 cũng là một thắc mắc...
       Trong ba tờ thủ bút. Có một tờ chỉ viết một mặt với hai câu thơ lục bát:
" Biển dâu sực tỉnh giang hà,
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay ".

       Hai câu này Bùi Giáng viết bằng loại bút nỉ, mực xanh chứ không phải là nguyên cả bài gồm 06 câu như đăng trên mạng Wikipedia. Như vậy bài thơ " ÁO XANH " gồm sáu câu lục bát này chưa rõ xuất xứ: Cấp độ xác thực của nó? Thi cuồng họ Bùi đã viết ra hay do người khác ghi lại và như thế nó xảy trong trường hợp nào? Ở đâu?  Với cái tựa " ÁO XANH " của bài thơ là của Bùi Giáng đặt hay do nhà biên tập lấy từ hai chữ cuối bài thơ mà thành?!
       Xét về ý, cùng câu chữ nơi tổng thể sáu câu lục bát trong bài thơ có tựa " ÁO XANH " của Bùi Giáng. Ngoài cái tựa là  " ÁO XANH " lấy từ hai chữ cuối của câu cuối cùng bài thơ. Xem ra toàn thể bài thơ không hề thấy có chút ý gì hay chữ nào cho thấy thi cuồng họ Bùi nói về chiếc áo cả. 
      Nếu như hai chữ " ÁO BAY" đem thay thế hai chữ " ÁO XANH " để cho đúng với nguyên gốc của tác giả thì bài thơ này còn nên giữ cái tựa " ÁO XANH " nữa hay không? Đó là những điều mà chúng ta cần xem xét lại. Trừ trường hợp chứng minh được rõ ràng bằng văn bản, hay thủ bút là cái tựa " ÁO XANH " do Bùi Giáng đặt.
      Có lẽ ai cũng biết. Trong thi ca đôi khi chỉ một vài chữ nó  làm cho tác phẩm trở nên trác tuyệt hơn hẳn... 
   Và " ÁO BAY " hay " ÁO XANH ". Cái nào Bùi Giáng hơn? Ta thử xét từng câu.   

Câu 01. " Biển dâu sực tỉnh giang hà..." 
             Tác giả muốn nói đến một trạng huống biến động đột ngột có dính dáng đến sông nước. " Biển dâu ". Một điển tích xưa nói đến một sự biến đổi. " Sực tỉnh ". Trạng huống xảy ra đột ngột làm cho giật mình. " Giang hà ". Chỉ về sông nước. 

Câu 02. " Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay.."
            Câu này cho thấy một trạng thái hiển lộ, phơi bày ra một cái gì đó khi tà áo bị hất tung lên. 
      " ÁO BAY ". Được xem như là một hình thái " động " của chủ thể, cộng hưởng với cái " động " của câu trên... đã làm tăng thêm cường độ Bùi Giáng trong chất thơ của ông...
         Câu: " Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ". Theo tôi nó không liền mạch với trạng thái hoàn toàn " động "của câu trên. Bởi những chữ "...sau tà áo xanh ". Nó chỉ cho ta thấy đang ở trạng thái tĩnh hoàn toàn.
      
      Hai câu thơ này có thể hiểu. Đại để là họ Bùi đang đi lang thang, nghêu ngao trên đường. Bất chợt một cơn gió ập đến hất tung tà áo và lộ ra cái " sơ nguyên mộng " của cô gái đi ngược chiều làm cho thi sĩ nhà ta sảng hồn cảm xúc ứng khẩu thành thơ và được ghi lại bởi chính tác giả tại nhà bé Hào....

        Tóm lại. Tổng thể ý tưởng của hai câu đều chứa đựng một hành vi biến động đột ngột, hiển lộ của vật chất trong cõi người ta, chúng bổ sung cho nhau rất tuyệt. Một tâm ý rất Bùi Giáng nếu ai đã từng nghe ông đứng giữa đường hay giữa chợ chửi rủa Nguyễn Du không tiếc lời với ngôn ngữ Bùi Giáng vì cái tội làm thơ lục bát quá tuyệt... Đôi lúc với những lời phát ngôn hóm hỉnh, trơ tráo làm cho các bà các cô phải đỏ mặt vội vã...bước nhanh vẫn không kịp. Những tình huống như thế này rất ý vị và không bao giờ còn nữa....Tất cả đã vỡ òa vào chốn hư không...của nỗi nhớ. 
       Như vậy! Nếu dùng hai chữ " ÁO XANH " thì có chuyển tải hết được cái ảo diệu của ngôn ngữ, cái tâm ý ngàn thu... rớt hột của thi cuồng họ Bùi không?
      Mục đích chính là tìm căn nguyên của sự việc... nên đặt vấn đề. Cái nào đúng! Cái nào sai? Có cần đính chính lại theo thủ bút của họ Bùi hay cứ để như vậy?  Rất mong được sự chỉ giáo của các học giả...

Trân trọng.
Cauminhngoc.

Không có nhận xét nào: