2021/04/01

Hoa Cúc Trong Sắc Xuân Đông Độ

Biên tập: Thích Tâm Mãn - Thích Minh Thông

 
 
Xuân về ngàn hoa như khoe thắm, từng đóa hoa tuôn sắc phơi màu như ngọt cả trời xuân, mai vàng, đào hồng nhuận thắm, cúc vàng, xanh, trắng, phấn hồng, góc trời cuối đông như thêm sức sống xanh, xuân không có hoa không biết làm sao để ngõ lời cùng trời đất, hoa không có xuân về làm sao để khoe sắc cùng ai, và cũng như vậy mỗi năm xuân về ngàn hoa khoe sắc và hoa cúc là một trong những thành viên quan trọng trong muôn ngàn hoa thắm để tạo nên một sắc xuân.
 
Hoa cúc là một trong những loài hoa được người Đông Độ đem về trồng trang trí trong nhà và trang trí trong các ngày lễ tết cách đây hơn 3000 năm, trong sách Chu Quan Lễ Ký đời nhà Chu Thiên Nguyệt Lịnh có chép: “mùa thu trăng sáng, hoa cúc nở màu vàng…” sau này những sách của thời Xuân Thu Chiến Quốc như Kinh Thi và bài Ly Tao của Khuất Nguyên đều có nghi chép về hoa cúc, trong bài Ly Tao có đoạn chép: “ Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc, Uống sương sa dưới gốc mộc lan…”.
 
Đến đời nhà Tần thì đã có tổ chức những cuộc triển lãm về hoa cúc. Hoa cúc chẳng những đẹp mà còn là một loại thuốc quý, đến đời nhà Hán thì hoa cúc đã được sách Thần Nông Bổn Thảo Kinh liệt thành một vị thuốc: “ Uống hoa cúc lâu ngày sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng và sống lâu”. Hoa cúc còn có thể đem làm rượu, trong sách Tây Kinh Tạp Ký chép: “Hoa cúc đến mùa thu tháng chín nở ở ngoài đồng đem ủ làm rượu… nên gọi là rượu hoa cúc…”, hoa cúc còn có thể làm thức ăn, trong sách Tây Kinh Tạp Ký cũng có chép: “người ở miền nam đất Thục thời Tam Quốc, trồng rất nhiều loại hoa cúc có loại dùng để làm thuốc, có loại dùng để làm thức ăn …”.
 
Buổi đầu hoa cúc vốn chỉ để dùng làm rượu, thức ăn và làm thuốc đến đời Tấn nhà thơ Đào Uyên Minh đã đưa hoa cúc vào thơ văn nghệ thuật, thăng hoa cho loài hoa này thành một loài hoa quý phái trong nghệ thuật thưởng thức hoa của người đông độ. Cuộc đời thơ văn của Đào Uyên Minh không ít lần ông đã làm thơ để ngợi ca hoa cúc như câu: “Hái cúc bờ rào đông, nhàn nhã ngắm nam sơn.” hay câu: “đẹp nhất sắc thu hoa cúc, lộ bày hết nét anh tú của hoa…”, văn hóa thưởng ngoạn hoa cúc bắt nguồn kể từ ấy, và bắt đầu phong trào trồng hoa cúc và sưu tầm gây tạo những giống hoa cúc mới được hình thành trong xã hội, dần dần hoa cúc được xưng tụng là loại hoa “Phương huân bách thảo, sắc tuyệt quần anh”, hương thơm trong trăm loại hương thảo, sắc đẹp trong muôn vạn loài hoa.
Đến đời nhà Đường, trồng hoa cúc, thưởng hoa cúc đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa sống của người đương thời, các nhà hoa cúc đã có thể dùng cách cấy ghép để tạo thành những loại hoa cúc mới và màu sắc mới tạo thành hoa cúc với trăm hoa ngàn vẻ, sắc diện muôn màu, và trong đời Đường hoa cúc màu trắng và màu tía là hai màu hoa cúc nổi tiếng nhất. Nhà thơ Lý Thương Ẩn có câu tả về màu sắc của hoa cúc như: “đậm lợt màu sắc tía, hoàng thêm ánh hoa vàng”. Bạch Cư Di cũng có những câu thơ về hoa cúc như: “ánh vàng hoa cúc nở khắp vườn, chen vào vài đóa sắc như sương…”.
Đời nhà Tống hoa cúc đã trở thành một trong những loài hoa được mọi người ưa chuộng và có cả một cuốn sách chuyên ghi chép về các thể loại cũng như màu sắc của hoa cúc như sách Cúc Phổ của Lưu Mông đời Tống, trong sách có chép thời bấy giờ hoa cúc có 26 loại. Trong sách Cúc Phổ của Phạm Thành Đại chép hoa Cúc có 35 loại và đã có loại hoa cúc có hai màu gọi là “Hợp Thiền” hai sắc màu hồng. Sau đó lại thêm hoa cúc màu xanh gọi là “ Lục Phù Dung” hoa cúc màu đen gọi là “Mặc Cúc”.
Hoa cúc dần dần trở thành một loài hoa biểu tượng cho vẻ đẹp của mùa thu, và cứ đến mùa thu thì người Đông Độ lại tổ chức lễ hội để thưởng lãm hoa cúc, trong sách Chánh Phũ Quảng Tập Ngũ Ký chép: “Mỗi khi đến ngày trùng cửu mồng 9 tháng 9, khắp các khu vườn ở Lâm An đâu cũng thấy hoa cúc nở, khi hội thi hoa cúc khai mở, các thể kỳ hoa dị sắc của hoa cúc thi tuyển với nhau…”. Trong các kỳ thi hoa cúc người ta còn xếp hoa cúc thành các hình thù khác nhau để tạo thêm cảnh sắc kỳ thú đẹp cho lễ hội như trong sách Hàn Châu Phủ Chí chép: “ ở hội chợ hoa Lâm An, người ta lấy hoa cúc xếp thành hình như tháp…”. Cuối đời nhà Tống hoa cúc đã có trên 131 chủng loại.
Văn hóa thưởng hoa Cúc, thú trồng hoa cúc của người đời Đường, Tống bắt đầu lan tỏa và ảnh hưởng khắp các nước xung quanh như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau đó người Nhật dùng giống hoa của Trung Quốc lai tạo với hoa cúc của Nhật Bản tạo thành rất nhiều loại hoa cúc mới rất nhiều màu sắc rực rỡ, tạo cho hoa cúc trở thành một loài hoa vô cùng quý phái và đẹp một cách lộng lẫy nổi tiếng thế giới. Người Việt Nam Không ai mà lại không yêu hoa cúc và nhất là khi xuân đến tết về, hoa cúc như vàng thêm sắc, vàng phú quý cho năm mới và tròn đầy hương sắc cho một năm mới vạn sự cát tường, bách phước lai lâm.


 
             
 
 

Không có nhận xét nào: