Là bạn cố tri, quen nhau từ những năm sáu mươi cùa thế kỷ trước tại Hà Tiên, dạo đó còn là thị trấn nghèo, u tịch nhưng rất giàu lòng thân thiện hiếu khách của dân địa phương dành cho những người trẻ vào đời tha phương cầu thực như chúng tôi, những thầy cô giáo mới tốt nghiệp từ các trường sư phạm ở Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ..., một chị bạn, cô giáo T.V., là dân Hà Tiên chính hiệu thỉnh thoảng điện thoại cho tôi, và ngược lại, thăm sức khoẻ và chúc lành cho nhau.
Trong lần điện thoại hôm 25/4/2021, sau những lời thăm hỏi, đùa cợt vui như thường lệ, bất chợt chị hỏi thăm tin tức về anh Dư, một thầy giáo gốc Vĩnh Long mà ngày xưa ở trọ gần gia đình của chị để đi dạy học. Tôi đùa rằng chị đi tìm "cố nhân" phải không? Chị cười vang, nữa đùa nửa thật , là hồi ấy chị đã cố "đeo" anh Dư mà không "dính" nếu "dính" thì đâu tới phiên anh H., ông xã của chị bây giờ.
***
Anh D. là đồng hương cũng là đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi, sau một thời gian làm việc tại Hà Tiên thì đều được trở về quê nhà, nhưng mạnh ai phần việc ấy cũng không có cơ hội gặp lại cho mãi đến biến cố 1975 xãy ra.
Đã 46 năm trôi qua mà sao mỗ̃i khi tháng tư hằng năm trở lại, hoặc có gì liên quan, thì những diển biến thời ấy vẫn không nguôi ngoai. Thời điểm chị bạn hỏi thăm tin tức về anh D. khiến tôi muốn chia sẻ câu chuyện sau:
Tù "cải tạo" của bên thắng trận dành cho phía bại trận là chuyện phổ biến ai cũng biết, nhắc lại mãi cũng nhàm chán và dù thế nảo cũng vẫn còn làm đau lòng mà tôi lại muốn nhắc hôm nay là vì nó có liên hệ đến anh D.
Theo tình hình và sự biến chuyển của địa phương dạo ấy, mãi đến 1976, một nhóm 180 thầy giáo của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, trong đó có tôi và anh D., phải đi "học tập cải tạo tập trung" tức là đi tù không hơn không kém. Sau 3 tháng bị nhốt trong khám lớn Trà Vinh, chúng tôi được đưa đi lao động tại xã Long Khánh, một vùng duyên hải của Trà Vinh.
Ngoài chuyện hằng ngày đi bờ đê cho việc nuôi tép, chúng tôi còn phải trồng trọt, hoặc đốn củi.
Một hôm, có hai "chú bộ đội" dẩn khoảng 6 anh em tù, trong đó có D., vào rừng đốn củi đem về cho nhà bếp. Sau khi nhóm lên đường một thời gian ngắn thì trong hướng rừng có tiếng súng bắn, ban chỉ huy trại tù nói là súng báo động về việc gì đó, họ điều động thêm bộ đội tiếp viện, rầm rộ vào rừng. Sau đó, họ dẩn về 6 anh em tù, tay bị trói sau lưng, quỳ giửa sân trại. Họ tập trung toàn thể chúng tôi ngồi quanh 6 anh em ấy, bọn họ mắng nhiếc không tiếc lời, kết tội 6 anh em đi đốn củi muốn giết hai tên bộ đội hướng dẩn để trốn trại, và hăm he chúng tôi không được bắt chước. Tiếp theo, họ nhốt 6 anh em vào "chuồng cọp" và khuya hôm sau họ chuyển anh em về lại khám lớn Trà Vinh. Chúng tôi ai ai cũng lo lắng chuyện gì sẽ dành cho các bạn mình?
Tại sao có tình huống này xảy ra? Tìm hiểu thì được biết là do sự khác biệt "trình độ học thức" của hai bên: mấy thầy giáo thích "nhân cách hoá mấy cây rừng" còn hai chú bộ đội thì mù tịt chuyện này. Số là sau khi dẩn các anh vào khu rừng, phân công xong thì hai chú bộ đội ngồi ...đâu đó; bổng nghe mấy anh giáo xầm xì bàn với nhau " hạ anh lớn này trước rồi sẽ hạ anh nhỏ sau" -ý nói" đốn cây lớn này trước rồi sẽ đốn cây nhỏ sau", hai chú bộ đội cứ tưởng mấy anh giáo to gan muốn giết chúng ... cho nên mới ra cớ sự.
Người ta nói trong "cái rủi còn có cái may". Sau này được biết trong nhóm 6 anh em đó có một người là con của tỉnh ủy, cha đi tập kết ra Bắc, con ở lại miền Nam làm thầy giáo đi Sỉ quan Thủ Đức rồi là Trung úy "ngụy" biệt phái. Do đó, tỉnh ủy cho điều tra và hiểu ra sự thật.
Riêng phần anh D., trong thời gian này anh đột nhiên bị phát bịnh "bí tiểu" rất nguy cho tính mạng, nhờ gần bệnh viện tỉnh nên kịp chửa trị cho anh. Nếu anh còn ở trại tù xa tỉnh lỵ thì sẽ không rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho anh?
***
Từ khi "ra tù", đường ai nấy đi và từ đó đến nay tôi đã không gặp hay nghe tin tức anh D.
Tôi hứa với chị bạn sẽ cố gắng tìm hỏi bạn bè, nếu có kết quả sẽ cho chị biết.
Tôi nhắc lại chuyện này ở đây rất mong những anh chị em quen biết chúng tôi, có tin tức về anh Dư xin giúp cho.
Xin cám ơn trước.
Anh Tú <tức NHA>
April 27, 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét