TRẠCH GẦM, MỘT GIỌNG THƠ ĐỘC ĐÁO
(Mục chân dung nhà văn)
Nhà thơ Trạch Gầm tên thật là Nguyễn Đức Trạch, người Quảng Ngãi, nhưng sinh
trưởng tại Saigon. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống văn chương, bố
là nhà báo kỳ cựu Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy và mẹ là nhà văn Bà Tùng Long. Cho
nên, Trạch Gầm cũng như những người em của mình (nhà văn Nguyễn Đức Lập, nhà
văn Nguyễn Đông Thức) không chỉ ở văn chương chữ nghĩa, mà còn chịu ảnh hưởng
rất sâu sắc tư tưởng từ gia đình. Tuy nhiên, ông đến với thơ văn, đi vào cuộc
chiến khá muộn. Năm 1965, tròn 23 tuổi Trạch Gầm mới nhập ngũ khóa 21 Trường sĩ
quan Thủ Đức, và có mười năm lăn lộn nơi chiến trường. Thời gian này, ông bắt
đầu viết lách, và đăng tải rải rác trên các báo trong và ngoài quân đội. Nhưng
phải đến sau tháng 4-1975, với gần mười năm cải tạo tù đày, cùng những năm
tháng cư ngụ nơi đất khách Hoa Kỳ, cây bút Trạch Gầm mới như có ma lực vậy.
Viết không nhiều, song những tác phẩm của ông đã đánh đúng vào tâm lý, chạm đến
được tận cùng nỗi đau, sự cảm thông của con người, nhất là đối với những người
lính đã trải qua cuộc chiến tranh, tù tội. Vì vậy, tự sự là một trong những thủ
pháp nghệ thuật làm nên những trang viết ấy của Trạch Gầm. Cho đến nay, Trạch
Gầm mới cho in ấn, xuất bản ba tập thơ: Vụn Vặt, Ráng Chịu, Dấu Giày Chinh
Chiến, cùng hai tập truyện: Bên Lề Cuộc Chiến, Chôn Lầm Huyệt Nhớ, và tuyển tập Nhốt
Vòng Nhớ Thương. Do vậy, ta có thể thấy, tuy là một nhà thơ, nhưng văn xuôi đã
góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi Trạch Gầm.
* Chiến trường, nơi ấm tình đồng đội.
Cũng như Phan Nhật
Khi đi sâu vào đọc ông, tôi hơi bị bất ngờ và xúc động. Sự rung động ấy không
hẳn vì tài năng miêu tả, trần thuật, mà bởi nghệ thuật đưa khẩu ngữ vào thơ văn
của Trạch Gầm. Ngoài sự dân dã đó, ta còn thấy thơ Trạch Gầm đều có nhân vật,
với những đại từ nhân xưng được cho là bỗ bã, một điều tối kỵ trong thơ văn từ
trước đến nay. Tuy nhiên, đọc ông dường như cái bỗ bã ấy đã trở nên nhẹ nhàng
và gắn kết thân mật hơn, kể cả khi viết cho người tình: “Tao ở tù lâu, mày
lấy chồng cũng phải/ Tao ra tù, mày bán máu đãi tao/ Miếng bông băng trên khủy
tay run rẩy/ Tao khóc đã đời…”. Vâng, âu đó cũng là tài năng, sự độc đáo trong
thi ca Trạch Gầm vậy. Và cái sự dân dã, độc đáo ấy, đã gọi tên, đi thẳng vào
cái tàn khốc của chiến tranh, nỗi đau của con người: “Mỗi tấc đất được giữ
bằng xương máu/ Thằng vừa chôn bị hất lên bởi pháo/ Thằng bị thương chưa bó…
lại bị thương” (Dấu giày chinh chiến). Song nó cũng đã làm dịu ấm lại tình
bạn bè, đồng đội nơi binh đao, khói lửa ấy: “Tao với mày đạp chân qua bao
bến/ Bến Nẩy, Bến Mương, Bến Dược, Bến Đình/ Đất Củ Chi này, mỗi lần nhắc đến/
Đã đến rồi thằng nào lại nỡ quên/ Dân đánh đấm bọn mình thường lắm bạn/ Địa
danh nào chẳng có đứa đâu lưng/ Có lắm lúc khề khà trong lửa đạn/ Lại lắm khi
ngồi cạn chén rưng rưng.” (Ngồi Nhớ Củ Chi).
Nếu chưa đọc Lữ Quỳnh, hay Phạm Tín An Ninh, hoặc Thảo Trường… thì có lẽ, tôi
không thể tưởng tượng ra được cái bi thương của người lính khi đọc: Trở
lại Bình Long của Trạch Gầm. Có thể nói, đây là một bài thơ hay của Trạch
Gầm, và cũng là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, thân phận
người lính của nền Văn học Việt Nam. Sự tàn khốc mang tính chân thực ấy, đọc
nó, tôi phải sởn gai ốc, khi ngồi viết những dòng chữ này:
“Cũng nơi đây… ta bò ra ao rau muống
Quơ đại ít về nấu bát canh tươi
Rau dính tóc tai bay mùi thum thủm
Ngập dưới ao… có mấy chục xác người
Cũng nơi đây… ta đắp mồ cho bạn
Vừa quay lưng xác bạn lại bật tung
Mỗi thước đất cài trăm ngàn mảnh đạn
Ta, sống nhăn, hóa kiếp… gọi anh hùng”
Giữa chiến trường khốc liệt, và gian nan là thế, song hình ảnh người lính, lòng
nhân đạo vẫn hiện lên đậm nét trong thơ Trạch Gầm. Với ông, nỗi đau, sự mất mát
xóa nhòa gianh giới bạn và thù: “Hai thằng cắn răng bò qua bao xác/ Xác
bạn xác thù trộn lẫn đau thương”. Và dưới bom rơi, đạn nổ không làm cho người
lính Trạch Gầm run sợ, vậy mà cái tình người, tình đồng loại đã khiến ông phải
rưng rưng đến nghẹn ngào:
“Cũng nơi đây… ta cứu người con gái
Gởi trực thăng di tản về Bình Dương
Trực thăng nổ khi vừa rời mặt đất
Ta điếng hồn như vừa nuốt phải xương”
(Trở lại Bình Long)
Nếu “Trở lại Bình Long” ngoài sự tàn khốc, trùm lên tất cả là lòng
nhân bản, tình đồng loại, thì đến với “Trở lại Long Khánh” Trạch Gầm
đi sâu vào cái tình đồng đội, cùng chia sẻ nỗi đau mất mát, với sự ngậm ngùi,
cảm thông: “Cầm ly rượu liếm môi còn máu bạn/ Hai thằng cười nước mắt ngập
tràn ly”. Và nỗi vui, buồn lo âu ấy, luôn ám ảnh trong lòng thi nhân. Với
tâm trạng như vậy, song những câu thơ có tính khẩu ngữ dung dị vẫn ấm tình
người lính ở nơi địa đầu sinh tử: “Sợ bàn rượu thiếu một thằng mất sướng/
Thiếu một thằng là hụt hẫng niềm vui/ Đời lính chiến bao phen trào nước mắt/
Tìm cái bắt tay… đất sập, lủng trời”. Có thể nói, Trở lại Long Khánh không
phải là bài thơ hay nhất của Trạch Gầm, nhưng có những câu thơ (mang) hình
tượng rất đẹp:
“Tựa vách đá mòn bao lưng chinh chiến
Bỗng dưng thèm hai tiếng gọi mầy tao
Tiếng gọi mầy tao, những chiều tắt nắng
Dựng mặt trời bằng ngàn ánh hỏa châu”
Trạch Gầm đã bộc lộ và gửi cảm xúc của mình vào nhiều thể loại, từ lục bát, ngũ
ngôn cho đến thơ tự do… Nhưng phải nói, những bài thơ hay của ông đều thuộc thể
bát ngôn. Một thể thơ không quá gò bó bởi niêm luật. Và“Đêm Giao Thừa Của Lính” là
một bài thơ như vậy. Với tôi, đây là bài thơ tiêu biểu nhất về tâm trạng của
người lính nơi trận tiền giữa giờ phút thiêng liêng (của đêm giao thừa). Bài thơ
như một một lời an ủi, tự ru lòng mình vậy. Giữa núi rừng sâu thẳm, trong cái
phóng khoáng, có một chút ngang tàng, dường như ta vẫn thấy được cái an nhiên
tự tại của người lính. Và cái giây phút thiêng liêng ấy, họ vẫn muốn sum họp,
sẻ chia cùng đồng đội những người đã nằm xuống: “Chừa vài chén cho những
thằng nằm xuống/ Gọi nó về cùng ngồi uống cho vui”. Tôi đã đọc khá nhiều thơ
văn viết về chiến tranh, song thành thật mà nói, rất ít người viết về đồng đội
sâu đậm như Trạch Gầm:
“Bày ra mầy… một vài chai rượu đế
Giữa núi rừng còn hương vị nào hơn
---
Ai cấm mầy không được quyền mơ ước
Cứ vẽ ra vài dáng dấp phố phường
Cài lên đó thêm vài hàng nước mắt
Y chang rằng mình cũng có người thương
Bất bình hả… lia lên trời vài loạt
Nhớ cài nhiều đạn lửa đốt màn đêm
Soi rọi thử lại khoảng đời phiêu bạt
Khóc hay cười cùng bè bạn anh em…”
Có thể nói, thơ Trạch Gầm ghim được vào lòng người đọc như vậy, nhất là những
người lính, bởi tính chân thực. Mỗi địa danh, mỗi trận đánh đều mang dấu ấn của
lịch sử. Bạn bè, đồng đội ông là những con người thực, tên tuổi thực. Mỗi câu
thơ như một mũi khoan xoáy vào lòng người vậy: “Vợ thằng Dấm đấm ngực tao
bình bịch/ Chồng em đâu, chết rồi hả anh Hai”. Cho nên, sống hay chết đều để
lại những nỗi đau, với kỷ niệm buồn sau chiến trận. Và Trạch Gầm như một người
thư ký, cần mẫn ghi lại bằng thơ. Âu đó cũng là sự giải tỏa nỗi lòng Trạch Gầm,
và cho cả đồng đội ông.
* Những ngày tháng tư – với linh hồn rách nát.
Và tháng tư đến, cái nhận thức, tư tưởng ngay ban đầu của Trạch Gầm đã trở
thành hiện thực. Thân phận đất nước nói chung, và người lính nói riêng đã được
đặt lên bàn, để cân đong đo đếm. Người lính ấy, không thể tự quyết số phận của
mình trên chiến trường. Chỉ với hình ảnh một ông tướng thăm dân và thị sát, rồi
không bao giờ trở lại, Trạch Gầm đã cho ta thấy rõ cái bản chất của cuộc chiến
này. Sự phũ phàng, xảo trá và lưu manh đó đã đưa đất nước, con người vào đường
cùng, ngõ cụt. Và Nhật ký tháng Tư là một bài thơ như vậy của Trạch
Gầm: “Hai tám tháng Tư, ta ra lộ Một/ Gặp ông tướng vùng thị sát thăm dân/
Ông nói lung tung, ông thề sống chết/ Ông nói xong rồi, ông bay biệt tăm”. Có
thể nói, Nhật ký tháng Tư là một bài thơ điển hình, chân thực nhất
của Trạch Gầm về những ngày tháng tang thương này. Lời thơ tự sự, với những
hình ảnh so sánh: mất/ còn, làm cho người đọc phải nghẹn ngào, xót xa:
“Hai chín tháng Tư, Biên Hòa xơ xác
Ta về Sài Gòn ngang qua nghĩa trang
Ta đứng nghiêm chào bạn ta đã chết
Như tự chào mình - nát cả tim gan.
Ba mươi tháng Tư, ta ôm mặt khóc
Trên cầu Sài Gòn - cạnh phố Hùng Vương
Mười năm binh đao, mười ngày kết thúc
Ta còn nguyên, mà mất cả Quê Hương…”
Vậy là, người lính Trạch Gầm vẫn còn sống để trở về, nhưng linh hồn dường như
đã mất. Sự chán chường, và vô nghĩa ấy, buộc ông trải vào những trang thơ. Lời
trước nghĩa trang, tuy không phải là bài thơ hay của Trạch Gầm, song nó tiêu
biểu cho cái diễn biến tâm lý chung (rất sâu sắc, chân thực) của người lính
thất trận ở những ngày này. Vẫn biện pháp tu từ so sánh, đoạn trích dưới đây
cho ta thấy rõ điều đó:
“Mầy đã hơn tao vì mầy đã chết
Hưởng chút lễ nghi hưởng chút ân cần
Có được người thân cho lời nuối tiếc
Còn tao bây giờ sống cũng như không”
Và sau cuộc chiến, tù cải tạo là con đường duy nhất của người lính. Lững thững
vô tù mà Trạch Gầm vẫn không thể tin miền
“Trong 6 thằng bọn anh thật mà nói chẳng có thằng nào còn giữ được cái đồng hồ.
Nếu trong trại còn có đứa nào yếm được thì anh sẽ cố kiếm mua cho em. Có điều
em bảo gì gì cũng được anh lại không hiểu gì cả…
Nở cười:
– Gì gì em muốn nói ở đây là chất tươi đó mà, nói toẹt ra là gái đấy.
Điệp chận lời:
– Xã hội chủ nghĩa mà còn lưu hành cái món nầy sao? Anh cứ nghĩ là được giáo
dục đến nơi đến chốn hết rồi chứ.
-– Ôi! cái nghề có từ đời thượng cổ, càng đói rách thì càng sanh mầm như nấm
gặp mưa. Nói cho anh rõ ngoài Yên Bái đánh một quả năm tì, trong làng mộc mạc,
giá hữu nghị chỉ có ba tì…các anh, anh nào cũng sức trai hừng hực. Những ngày
mà bọn tôi còn trong rừng núi Trường Sơn, nhiều đồng chí nam bị sốt ác tính vật
còn như tàu lá, thế mà thấy các đồng chí nữ tắm suối vẫn ngẩng đầu lên xin tí
tình”
Đọc Cháy giữa mùa Xuân, ta thấy rất nhiều tình tiết đan xen tạo nên bức
tranh đa màu. Ở đó, ta không chỉ thấy được nỗi thống khổ của những tù nhân, mà
còn thấy được cái bi kịch của cả một xã hội. Sự tàn nhẫn, mông muội của cường
quyền đẩy con người đến đường cùng không lối thoát. Và với hình thức hư cấu
(thằng bé hóa thành tinh) Trạch Gầm muốn nhắc đến một điều, quả báo là có thực
chăng:
“Từ cái lò này, trước khi các anh ra ba năm, có một đứa bé mới sanh bị quăng
cháy trong lò. Con bé chồng đi bộ đội biệt tăm biệt tích, hiu hiu cùng bố chồng
đơn chiếc tự dưng có bầu. Con bé bị hành lên xách xuống bởi ủy ban nhân dân,
bởi hội phụ nữ toàn dân góa bụa, cứ muốn phăng cho biết ai là tác giả. Con bé
cắn răng cho đến ngày sanh. Thằng bé vô tội cháy giữa mùa xuân. Con bé vào tù,
người cha chồng phát điên, cửa lò vôi bị khép lại. Dân làng chẳng có người nào
dám mò đến đây vì họ cho rằng thằng bé thành tinh mỗi năm vật vài tay già trong
làng để trả thù cho mẹ nó. Chuyện đấy, tôi không hiểu tại sao các anh không bị
thằng bé hành, có thể các anh là tù, là cái tận cùng của mạng số.”
* Con phố tha phương- lặng lẽ- u sầu.
“Con phố tha phương- lặng lẽ- u sầu” có lẽ là câu thơ buồn nhất của Trạch
Gầm, khi đặt chân tới Mỹ. Và tôi cũng mượn nó để (làm tiêu đề) viết cho phần
kết về ông. Nỗi u buồn đó, phải chăng nhà thơ không, hay chưa tìm được tiếng
nói chung, một tâm hồn đồng cảm: “Đất Mỹ tự do, mà vẫn thấy buồn/ Mười mấy
năm tù khổ thì có khổ/ Nhưng bạn bè cùng một nỗi nhớ thương”. Thật vậy, trước
thực trạng lòng người chia năm xẻ bảy ngay trên mảnh đất tự do này, với phép
hoán dụ, Trạch Gầm đã gửi cái chán chường ấy vào thi phẩm: Nói với bạn bè.
Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay, và chân thực nhất của Trạch Gầm
viết trong thời gian này. Nó đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thành phổ thành ca khúc
cùng tên:
“Tao bây giờ không tiền mua rượu uống
Mà vẫn say…say ngút với nỗi buồn
Nhìn thiên hạ tranh nhau quyền yêu nước
Mấy chục năm ròng – Nước vẫn tang thương”.
Với Trạch Gầm, thân phận người lính nơi chiến trường, hay nơi núi rừng Hoàng
Liên Sơn, hoặc ở nước Mỹ tha phương thì vẫn áo đời tơi tả. Những câu hỏi tu từ
trong thơ, dường như Trạch Gầm không tìm lời giải đáp. Song như “có nụ
buồn” quặn xoắn trong lòng người vậy:
“Hốt vài nụ cười tha phương đất lạ
Có nụ buồn nào có tuổi không em
Anh vẫn là anh áo đời tơi tả
Xô mộng lưng trời… té ngả té nghiêng”
(Nói cùng buồn)
Với thực trạng (thiên hạ tranh nhau quyền yêu nước) ấy, Trạch Gầm chỉ còn biết
gửi hồn vào những trang thơ, rồi mở ra một lối đi riêng cho mình. Do vậy, ta có
thể thấy, tình yêu quê hương và nỗi nhớ đồng đội vẫn thường trực trong ông: “Thêm
một ngày lưu lạc/ Thao thức cùng Quê Hương/ Bạn bè còn bao đứa/ trắng đời giữa
tuyết sương” (Nỗi nhớ không nguôi).
Tuy viết không nhiều, nhưng mảng thơ thời sự xã hội góp phần không nhỏ làm nên
cái chất độc đáo Trạch Gầm. Với thân đất khách, hồn nơi quê nhà, cho nên
một sự kiện nhỏ xảy ra ở quê hương cũng làm cho ông day dứt. Lời cho Lê Thị
Công Nhân là một bài thơ, hay một lời cảm phục, một sự phẫn nộ của Trạch Gầm,
khi nghe tin cô bị bắt. Có thể nói, thơ thế sự của Trạch Gầm luôn đứng về phía
lẽ phải, mang hơi ấm của sự đồng cảm đến với những con người cô đơn, bị trị. Tự
do dân chủ là tư tưởng xuyên suốt trang viết của ông: “Người con gái ấy/
Đủ điều kiện, sống một mình an lạc/ Đã bỏ nụ cười vì nhìn thấy chung quanh/
Những khổ đau, những đày đọa, những bạo hành/ Bởi những kẻ/ Tự vỗ ngực xưng
mình có công cùng đất nước”. Và ngòi bút ông chọc thẳng vào ung nhọt của xã
hội, nhất là những kẻ bán rẻ Tổ quốc và lương tâm. Lời thơ dồn nén uất ức,
nhưng thẳng thắn, với khẩu ngữ mang giọng điệu hài hước làm cho người đọc phải
bật ra tiếng cười chua xót, và căm phẫn: “Ð.M. cho tao chửi mầy một
tiếng/đất của cha, ông sao mầy hiến cho Tầu.”. Dù sức đã cùng, lực đã kiệt, và
sống xa cả chục ngàn cây số, người lính Trạch Gầm vẫn nặng lòng với đất, quê
hương. Do vậy, không chỉ dừng ở đó, Trạch Gầm truy vấn đến cùng trách nhiệm của
người lính mang danh bộ đội nhân dân, mỗi khi đất nước có sóng gió, hiểm nguy:
“Là bộ đội nhân dân…
Sao mầy đi bảo vệ
Một lũ đầu trâu hút máu Đồng Bào
Một lũ đầu trâu hiến đất cho Tàu
Tác quái lộng hành… giam người Yêu Nước
Tổ Quốc lâm nguy sờ sờ trước mắt
Non nước đang cần Bộ đội Nhân Dân
Cần những thằng đã từng nặng lời thề thốt
Quyết tử để Tổ Quốc sống còn…”
(Bộ đội nhân dân)
Có thể nói, thơ Trạch Gầm chân thực, và mộc mạc, dễ hiểu, không kén người đọc.
Cho nên, từ tầng lớp trí thức cho đến bình dân đều đồng cảm yêu mến văn thơ của
ông. Trên một trăm bài thơ của Trạch Gầm đã được mười sáu nhạc sỹ phổ nhạc, đã
minh chứng cho điều đó. Mỗi bài thơ của ông là một trang nhật ký, một trang sử,
hay một hoài niệm về một thời chinh chiến, và tù đày. Cũng như Phan Nhật Nam,
hay Phạm Tín An Ninh… tôi nghĩ, cả cuộc đời Trạch Gầm không thể bước ra khỏi
cuộc chiến này.
Tôi chưa từng gặp gỡ, và quen biết Trạch Gầm, đọc và viết về ông trong thời
gian trên chục ngày, sau giờ làm việc. Do vậy, chắc chắn không thể đào bới hết,
và còn nhiều sai sót về văn thơ Trạch Gầm. Nhân tháng Tư, tôi viết bài này như
một lời tri ân đến bậc tiền bối vậy.
Leipzig ngày 4-4-2022
Đỗ Trường
Nguồn:
https://www.danchimviet.info/trach-gam-mot-giong-tho-doc-dao/04/2022/25854/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét