THIỀN - QUAN SÁT VÀ NHÂN CHỨNG
Mình đã đến với Thiền từ rất sớm. Hay nói cách khác là Thiền đã nhẹ nhàng đến với Đoàn Quý Lâm. Đó là vào khoảng năm thứ 2 đại học.
25 năm trước, một khoảnh khắc nhỏ dạy môn Triết học Phương Đông trên giảng đường Đại học Đà Lạt, Thầy Tạ Chí Hồng đã chia sẻ về phương pháp thiền đơn giản. Thực ra thì khi đó Thầy đã không gọi là Thiền, mà chỉ nói là bài hít thở. Không biết trong hơn 2.000 sinh viên lắng nghe, có ai lưu tâm, áp dụng hay không. Mình thì đã không còn nhớ toàn bộ những gì thầy đã dạy, ngoại trừ bài thiền nối mạch nhâm với mạch đốc của thầy hướng dẫn!
Trong tư thế ngồi, lưng thẳng, đầu thẳng, lưỡi cong lên chạm vào nướu ở vị trí phía trên răng cửa, chúng ta nhắm mắt và quan sát điều hòa hơi thở. Bắt đầu từ nhịp hít vào ở mũi, ta hình dung hơi thở đi chầm chậm theo đường trung tâm chính giữa thân thể xuống ngực, bụng rồi tới vị trí huyệt hội âm (nằm giữa cơ quan sinh dục và hậu môn). Hết hơi hít vào tại đây, ta nối tiếp nhịp thở ra đi lên theo cột sống, cổ, lên đỉnh đầu và kết thúc một vòng ở chỗ bắt đầu (điểm đầu lưỡi tiếp xúc nướu). Cứ tiếp tục lặp lại các vòng hơi thở khép kín tuần hoàn như vậy trong chục hay vài chục phút.
Có lẽ để tạo động lực cho lũ trò tuổi ăn tuổi học, Thầy Hồng chỉ nói rằng bài hít thở này sẽ giúp cải thiện trí nhớ cực tốt, và nếu điều này không xảy đến thì "đừng gọi tôi là Thầy nữa"!. Không biết có phải nhờ bài thiền này hay không, mà đến giờ tôi vẫn nhớ số báo danh thi vào Đại học Đà Lạt (5525), mã số Sinh viên (9612310) và một vài thứ không đáng nhớ và không cần nhớ khác.
Thực ra thiền nhân thường có trí nhớ rất tốt. Một vị thầy của mình ở Sài Gòn đã ngoài 90 tuổi, có hàng trăm học trò, mà gặp ai thầy cũng gọi ra đúng tên, tính cách, nghề nghiệp, hoàn cảnh cuộc sống của họ...
Nhưng luyện thiền không phải vì mục đích tăng trí nhớ, mà là để cải thiện sức khỏe thân, tâm và tăng trưởng sự nhận biết. Luyện thiền nhiều, những ô tạp trong thân thể và tâm trí sẽ rơi rụng, bốc hơi dần, để còn lại là tinh tuyền những gì phục vụ cho bản chất cốt lõi của ta là ánh sáng. Kiểu như người ta luyện thép, luyện vàng, luyện đan (viên thuốc đông y) vậy.
Ngoài việc tình cờ nhập môn thiền định với bài thở nối hai mạch Nhâm - Đốc, mình cũng áp dụng thiền nằm theo tư thế xác chết khi đọc được trong một cuốn tạp chí vào khoảng năm 2005.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cũng hướng dẫn một bài thiền nằm của Ấn Độ trên Youtube, mình có áp dụng nhưng không nhiều. Bài này rất dễ dẫn vào giấc ngủ, mặc dù chủ trương của nó không phải để ngủ!
Khoảng 2016, mình mới thực sự đi học thiền và hiểu được thực hành nó quan trọng nhất là để phát triển tâm linh chứ không phải chỉ nhằm cải thiện sức khỏe như quan niệm của mình thời trẻ.
Luyện thiền giúp nhận thức thay đổi, hiểu biết tăng lên. Ta bắt đầu thấy mình là một nhân chứng, một người quan sát trước cuộc đời và trước chính mình nữa. Ta không còn chìm đắm trong các vai diễn bi, hài; không đồng nhất mình với thân thể, tâm trí, chức danh, nghề nghiệp...
Việc nhân ra chính mình từ quá trình quan sát mang đến phúc lạc lớn lao. Ta sẽ được bình an trước mọi cảnh. Ta tôn trọng, yêu thương ngắm nhìn mọi hiện hữu, mọi sinh tạo, mọi biến hóa ở trên Trời, dưới Đất.
Mọi giới hạn bị dỡ bỏ. Ta nhận ra mình đang ở trong sự trường cửu, mãi mãi vô thủy, vô chung.
Đoàn Quý Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét