Hiển thị các bài đăng có nhãn Anh Tú. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Anh Tú. Hiển thị tất cả bài đăng

2020/02/13

CHÂN TRỜI ĐÔNG*

Cố quốc chân trời ở hướng Đông
Trông vời thương gởi chút tơ lòng
Mến sao ...dừa nước xanh mơ bến
Yêu lắm... lục bình tím ngát sông
An Đức quê cha dầy nỗi nhớ
Tân Qui đất mẹ đậm thương mong
Tha hương sáng tối tình phai nhạt
Tổ quốc ngàn năm ấm nắng hồng!

Anh Tú
February 13, 2020
Đông Bắc Hoa Kỳ
*Họa HƯỚNG CHÂN MÂY của Nguyễn Phúc Hậu.
**An Đức, Tân Qui: địa danh của tỉnh Vĩnh Long

2020/01/19



Xướng:

NÓ CHÚC NHAU

Tôi lặng người nghe nó chúc nhau
Chúc mừng gia quyến được sang giàu
Chúc sao tài lộc vào như nước
Sức khỏe mạnh khù không ốm đau !
Không chúc dân ngu nghèo số một
Lo ăn từng bữa đến phờ râu
Riêng tôi xin chúc quan anh nhé
Ăn ít cho dân đỡ nhức đầu !

Dương hồng Thủy
(17/01/2020 – 23 Tết âm lịch)

Họa:

TẾT CHÚC NHAU

Vui xuân Canh Tý chúc mừng nhau,
Hết thảy bàng dân  Phú, Túc, Giàu !
Vạn sự hanh thông thôi lận đận,
An khang thịnh vượng hết buồn đau.
Bạc tiền rủng rỉnh vui ra mặt,
Con cháu đầy nhà phúc vễnh râu.
Hạnh phúc Thuận Hòa là số một,
Kính trên nhường dưới lấy làm đầu !

Đỗ Chiêu Đức
Tết Canh Tý 2020

* Ông bà ta dạy :
          Gia hòa vạn sự hanh 家和萬事亨, có nghĩa : Gia đình mà HÒA THUẬN  thì muôn việc đều hanh thông (suông sẻ). Nhưng người đời thường nói trại thành " Gia hòa vạn sự hưng 家和萬事興" : là Gia đình hòa thuận thì mọi việc đều Hưng Vượng. Hai cách nói trên về ý nghĩa thì cũng tương đương nhau mà thôi; nhưng HANH là muôn việc đều suông sẽ rộng nghĩa hơn là HƯNG  chỉ có một mặt Hưng Vượng mà thôi !

Họa:

TẾT ĐẾN TÔI MONG

Tết về còn chúc nhau... mừng nhau
Đã lão xá chi nghèo với giàu.
Buông bỏ rọi đường thêm hạnh phúc
Vị tha soi ngỏ giảm buồn đau.
Đám con hòa thuận bà tươi mặt
Lũ cháu ngoan hiền ông vuốt râu.
Như thế đủ đầy cho một kiếp
Giữ gìn sức khoẻ nhớ lo đầu.

Anh Tú
Tết Canh Tý 2020


2020/01/01

2019 GỞI 2020


Cám  ơn Trời! Mỗi năm vừa hết
Liền tặng cho năm khác để vui
Gởi lời chúc bạn bè thân thiết 
Đón nhận toàn HÊN tống biệt XUI!

Anh Tú
2019-2020

2019/12/27

MỘT NGÀY 

Ngày thức dậy nắng xuyên kẻ lá
Giọt sương mai lấp lánh kim cương
Líu lo chim hót mừng ngày mới
Có thêm ngày nữa để yêu thương

Ánh nắng tươi nồng soi khắp hướng
Ấm tình tạo hoá với muôn loài
Cây rợp đất ... trời xanh én lượn
Trao niềm vui hạnh phúc từng ngày

Ngày vào tối nắng đi ngần ngại
Luyến lưu chiều sắc thắm chân mây? 
Mai thức dậy ước mơ lập lại
An lạc đâu xa ... phải chốn này?

Anh Tú

2019/12/11


XẾ CHIỀU MÙA LẠNH


Đông đã đến nơi này…len khắp nẻo
Lạnh thấu xương hay vừa đủ rùng mình
Vợ chồng già chân từng bước nhỏ
Tay trong tay tợ như thuở xuân tình

Họ trân trọng mỗi giây còn có được
Âu yếm nhau dù má hóp răng long
Dắt dìu dưới trời mịt mù tuyết đổ
Đùa cợt cười vui như thuở tuổi hồng

Thân còm cõi, con tim còn sôi nổi
Tình nồng nàn trôi theo cánh thời gian
Không màn đến những xế chiều mùa lạnh
Thả hồn bay cùng gió núi mây ngàn

Anh Tú
December 11, 2019

2019/11/29

MƯỜI MỘT MƯỜI HAI
Internet
Nơi đây tàn Thu gió mưa nhiều lắm
Lá vàng khô còn lưu luyến bám cành
Bên góc phố  một cụ già móm mém
Mĩm cười vui đôi mắt lõm long lanh

Nơi đây dợm Đông tiết trời trở lạnh
Cây thông già xanh lá cợt u sầu
Người không nhà đón đêm tìm nơi ấm
Để máu hồng có thể nóng dài lâu

Nơi đây có lần cánh hồng tuyết đậu
Đỏ niềm vui không sợ hãi lạnh lùng
Tạo hóa nhiệm mầu trần gian báo nhận
Dù gian nan mạnh sống chẳng ngại ngùng

Anh Tú
Mùa Tạ Ơn/ Đông Bắc Hoa Kỳ
November 29, 2019


2019/11/10

CÂY BÔNG GÒN


Cây gòn bông trắng lá xanh
Muốn dồn cặp gối nên anh phải trèo
Ngại gì chót vót cheo leo
Vì thương ...không sợ hiểm nghèo khó khăn
Để có chiếc gối em nằm
Cho đêm tròn giấc tháng năm mộng tràn!

Anh Tú
November 10, 2019

2019/10/30


AI ĐEM TÔI VỀ

Cám ơn tấm ảnh đậu rồng
Cho tôi nỗi nhớ trong lòng xôn xao.

Gởi Nguyễn Cao Khải

 
Đậu rồng chấm cá bống kho
Với tô cơm nguội bụng no còn thèm
Thời gian bóng ngựa qua rèm
Kỷ niệm ngày ấy ai đem tôi về?!

Về nghe tiếng đọc a ê
Của đám con nít nhà quê trường làng
Những ngày nghỉ học lang thang
Ra đồng cùng bạn vầy đàn đùa vui

Đùn rơm nướng cá lóc trui
Mê da cá cháy đen thui ... đậm đà
Giành ăn rượt đuổi hét la
Vui đùa thỏa thích ngọc ngà tuổi thơ



Bạn xưa xa vắng mịt mờ
Chợt nghe đơn lẻ bơ vơ một mình.

Anh Tú
October 30, 2019

2019/09/28

NHỚ BẠN TÔI


Niên khoá 62-63, T.K.H. và tôi trúng tuyển vào Lớp Lý Hoá của trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ tỉnh lẻ Vĩnh Long, hai đứa  chen chân được vào đây là cả một sự may mắn. Ngày tựu trường với tâm trạng vui mừng có pha lẫn một chút bở ngở và lo sợ bâng quơ dầu bên cạnh đã có bạn chí cốt K.H., tôi ké né tìm một chỗ ngồi cuối lớp. Liếc mắt quan sát nhanh toàn lớp, ngoài T.K.H. thì toàn là những sinh viên xa lạ.Với tôi, họ là những đàn anh đầy tài năng, thật dạn dĩ, chào hỏi nhau, nô đùa, đang chuyện trò như pháo nổ.
Đầu một bàn gần giữa lớp, tôi thấy có một anh sinh viên mặt vuông chữ điền đẹp trai với chiếc răng khểnh đang cười cười ngó về hướng chúng tôi trong khi chân anh đang gỏ nhịp. Với nét mặt thân thiện đó, tôi nhận ra ngay nơi anh sự mời gọi kết thân. Trong khi tôi còn miên man suy nghĩ, anh đã chủ động đến bên chúng tôi thật nhanh và bắt chuyện: “Dân Tống Phước Hiêp phải không?”. Đã biết chúng tôi là ai, anh nhanh nhẩu tự giới thiệu về mình và kết luận tỷ lệ dân Vĩnh Long đậu vào lớp này “khá cao”: 3 trên 33, có nghĩa anh cũng là dân đất Long Hồ. Đó chính là Lương Văn Kiệt, cũng là đàn anh của chúng tôi tại Tống Phước Hiệp.
Từ đó ngoài tình đồng song, còn có tình đồng hương, hai cái tình này quyện vào nhau lần lần chúng tôi là ba đứa bạn thân thiết, bè bạn gọi đùa là “ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Đến năm thứ hai, chúng tôi ở chung nhà trọ 32/65 đường Cao Thắng, cùng chia sẻ vui buồn cho đến lúc tốt nghiệp.
Rất nhiều kỷ niệm, vui nhiều buồn ít, xảy ra tại nhà trọ, giảng đường, câu lạc bộ, phòng thí nghiệm, thư viện, lúc dạy thực tập tại các trường Trung học tại Sài Gòn.
Có những cuối tháng, tiền cạn túi, sáng ngồi học bài bụng đói meo, chữ nghĩa không nhét được vào đầu, “Có thực mới vực được đạo” kia mà! Tay lật từng trang sách, mắt lơ láo ngó qua cửa sổ của cô Bắc Kỳ nho nhỏ ngang đường hẻm. Bổng một chàng reo lên:“Đi ăn  phở tụi bây ơi! Tao bao!” “Có đùa dai không đó!” “Thật mà!!” trong khi tay anh quơ  quơ  tờ giấy 50 đồng. Thời đó tô phở chỉ có năm đồng  mà thôi thì thừa đủ cho mấy anh em vượt qua cơn đói buổi sáng sớm hôm nay. Thì ra khi lật từng trang sách, một trong chúng tôi đã “phát hiện” được tiền đã bỏ quên trong đó tự bao giờ!
Một hôm vào thư viện học bài, nhân lúc xả hơi chợt nhìn thấy có ba cô sinh viên ban Vạn Vật xinh đẹp ngồi ở bàn gần đó, một trong ba đứa bỗng nảy ra ý đùa vui: Ai qua mượn được quyển sách của cô A. (cô đẹp nhất) đem về đây thì hai đứa còn lại sẽ bao ăn sáng. Mỗi đứa cố gắng nghĩ cách thực hiện lời thách đố. Cuối cùng một đứa đi qua bàn của các chị, gặp mặt nhau rất thường nhưng chưa  bao giờ dám làm quen, để mượn sách. Nói với các chị ấy “gì đó”, các chị mĩm cười và anh đem được quyển sách về bàn. Hai người còn lại trố mắt nhìn ngạc nhiên và…phục tài “sát đất”. Biết anh ta đã nói gì không? Đơn giản thôi, anh chỉ thật thà thú thật “sự việc” và nhờ các chị vui lòng “giúp đở”.
Dưới hầm giảng đường Đại Học Khoa Học là nơi lao công của trường bán thức ăn cho sinh viên nên mọi người xem nơi này như là câu lạc bộ. Mỗi sáng khi thấy chúng tôi đến là chú lao công biết ngay chúng tôi cần gì: ổ mì thịt ba đồng và ly sửa thêm tí cà phê. Những ngày cuối tháng hết tiền, chú lao công vui lòng cho chúng tôi “à la ghi” nghĩa là cho thiếu chịu, ghi sổ, đầu tháng lảnh học bổng sẽ trả lại.
Vào năm thứ hai, chúng tôi bắt đầu đi dạy thực tập tại các trường Trung Học như Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Trải, Vỏ Trường Toản. Khi đến nơi thực tập, học sinh các bàn cuối  được di chuyển ngồi chen chút ở phía  trên để nhường chỗ cho chúng tôi. Đối với các lớp của trường Gia Long hoặc Trưng vương: chúng tôi luôn tìm thấy các nữ sinh đem thức ăn vặt vào lớp như ổi, bưởi, mận, xí muội…để quên dưới hộc bàn.
Thầy Bùi Phượng Chì hướng dẫn dạy thực tập.. Một trong những kinh nghiệm thầy truyền dạy cho chúng tôi là không nên hỏi học sinh câu: “Các em có hiểu không?”Học sinh sẽ luôn trả lời là “ Không hiểu gì cả thầy ạ!!!” Tiếp theo đó là sinh viên thực tập phải giảng bài lần nữa; như thế thì không hoàn tất buổi thực tập trong thời gian ấn định. Kết quả là bị điểm thấp. Cũng như không bao giờ nói trước  kết quả thí nghiệm Vật Lý hoặc Hóa Học vì đôi lúc kết quả ra sẽ không đúng như ý, ta sẽ bị “hố”và “quê”trước mặt học sinh. Nếu tình huống này xãy ra, chúng ta tự động thực hiện thí nghiệm lại lần nữa và chỉ giải thích khi kết quả thành công.  
Cuối cùng thì chúng tôi tốt nghiệp, phải rời xa ngôi trường thân mến, giã từ đời sinh viên vô tư vui nhộn, giã từ căn nhà trọ tuy nhỏ hẹp thiếu tiện nghi nhưng tràn ấp biết bao kỷ niệm vui buồn, cũng như phải giã từ Sài Gòn vô cùng thân thương đầy những dấu chân kỷ niệm của chúng tôi như dạo phố Lê Lợi chiều cuối tuần với cái thú mua sách(mà hầu như không bao giờ đọc!), những hẹn hò ở bến Bạch Đằng nhìn sông nước hoàng hôn, những buổi rong chơi dưới những hàng me của  các đưòng phố quận nhất hoặc họp mặt pinic cùng bè bạn trong Thảo Cầm Viên,…. để bước vào đời tại những tỉnh lỵ hoặc quận lỵ xa xôi buồn tẻ.
Rồi trên bước đường mới thực hiện lý tưởng  đã chọn, chúng tôi tìm thấy những niềm vui mới đầy hứng thú, cao đẹp …của nghề nghiệp. Kiệt, H. đến Trà Vinh  còn tôi trôi giạt tận biên giới Việt Miên cuối miền đất nước: Hà Tiên, quê hương của nhà thơ Đông Hồ.
Vài năm sau, Kiệt được về phục vụ tại quê nhà Vĩnh Long như ước vọng. Còn tôi thì vẫn còn “lưu lạc xứ người”, từ Hà Tiên đến Cần Thơ rồi vào năm 1973 thì Bình Minh (Vĩnh Long).
Dù không dạy cùng trường nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Được biết Kiệt làm việc rất tích cực và được lòng đồng nghiệp, học sinh tại nơi sanh ra và lớn lên của mình.
Vào niên khoá 1973-1974 chúng tôi có dịp cùng sinh hoạt chung với nhau trong việc điều hành trại hè tại Hà Tiên cho học sinh toàn tỉnh Vĩnh Long do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Trại hè do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Từ trái: ?, Biện Công Nhã, Hải<Y tế>, Đào Khánh Thọ, Lương Văn Kiệt, Nguyễn Hồng Ẩn<và Hồ Văn Chính.

Sau đó Kiệt và tôi cố gắng phối hợp  tổ chức một cuộc du ngoạn Hà Tiên lần nữa chung cho hai trường Trung học Tống Phước Hiệp và trường Trung học Bình Minh.Nhưng với những lý do ngoài ý muốn, cuối cùng đoàn của mỗi trường đi riêng biệt. 

Add caption
Tôi còn nhớ rõ trong khi đoàn của Trường TPH trên đường trở về thì đoàn của Trường Bình Minh trên đường xuất phát. Chúng tôi gặp nhau vào buổi trưa của một ngày, một ngày mãi mãi không quên trong đời tôi, tại tỉnh lỵ Rạch Giá, nơi dừng chân nghỉ xả hơi trước khi mỗi đoàn tiếp tục hướng đi của mình. Kiệt và tôi gặp nhau trao đổi vài câu ngắn ngủi rồi mạnh ai nấy lo bổn phận của mình.
Tôi tiếp tục lao đầu vào việc hướng dẫn học sinh cùng với quý vị giáo sư của trường Trung học Bình Minh đến thị trấn Hà Tiên. Tôi nghĩ Kiệt cũng vậy, phải lo đưa đoàn du ngoạn của học sinh trường Tống Phước Hiệp trở về trong sự an toàn.
Hai hôm sau, vào một buổi chiều tôi đọc báo thấy có tin tức về vị trưởng đoàn du ngoạn của trường Tống Phước Hiệp bị tai nạn tại Ngả ba lộ tẻ gần Tỉnh lỵ Long Xuyên và qua đời. Khi tôi nhận được tin này thì ở Vĩnh Long đang lo tang lễ cho Giáo sư Lương văn Kiệt, bạn thân thiết của tôi vì thời đó một tờ báo phát hành ở Sài Gòn phải hai ngày mới đến được Hà Tiên. Tôi liền xin ý kiến của đoàn, chúng tôi trở về ngay ngày hôm sau. Tôi về đến Vĩnh Long vừa kịp lúc gia đình đang tẩn liệm Kiệt. Quá xúc động tôi quỳ ngay trước quan tài vừa đậy nấp với dòng nước mắt không ngăn được. 
Lần gặp ngắn ngủi, vội vàng ở Rạch Giá không ngờ là lần gặp mặt cuối cùng của hai đứa. Đám tang của Kiệt diễn tiến sau đó rất trang nghiêm và là một đám tang đông đảo người đưa tiển tại tỉnh nhà. Kiệt được an tang tại nghĩa trang Đất Thánh Tây, và sau 1975 nghĩa trang này bị giải toả  nên gia đình phải cải táng đưa Kiệt về đất nhà trong một miền quê.


Qua những lời tường thuật lại, tai nạn do một đoàn Thiết vận xa M113 gây ra. Khi sắp đến lộ tẻ một xe trong đoàn du ngoạn cần sửa chửa, đoàn phải dừng lại và nhân tiện cho học sinh nghỉ xả hơi. Kiệt đang giải khát trong một quán ven đường, nghe đoàn xe M113 chạy đến, lo lắng cho sự an toàn của học sinh, Kiệt bước ra nhắc nhở học sinh phải vào lề đường. Kiệt đứng giữa hai chiếc “buýt” chở học sinh. Một tài xế của đoàn xe Thiết vận xa có ý biểu diễn(?) với nữ sinh nên lái lạn qua lạn lại và mất kiểm soát tay lái nên đụng phải một xe của đoàn du ngoạn, xe này bị đẩy tới và ép Kiệt với chiếc xe phía trước nên Kiệt bị bể bọng đái, được chở đến bịnh viện Long Xuyên để cứu cấp nhưng không còn kịp nữa.
Nhớ lại những buổi tối thứ bảy ngày nào khi tôi có  dịp về Vĩnh Long, bất kể giờ giấc Kiệt đến “lôi” tôi đi “lai rai” đâu còn nữa; những “rủ rê” đó thường không làm hài lòng vợ tôi bây giờ trở thành một nét tưởng nhớ đặc biệt về Kiệt của chúng tôi khi có dịp nhắc đến anh. Mãi tới ngày hôm nay, sau mấy chục năm vật đổi sao dời, đôi buổi tối thứ bảy vẫn còn hình bóng của bạn tôi lởn vởn trong đầu.
Năm 2002 tôi có dịp đến thăm chị Kiệt. Chúng tôi hàn huyên lại chuyện cũ. Chị cũng kể cho tôi biết những khó khăn của gia đình chị sau khi Kiệt ra đi và cả những ngày tháng sau năm 1975. Nay thì mọi chuyện đã qua rồi, cuộc sống của chị và con cái đã ổn định. Đứa con trai đầu lòng của anh chị, Lương Tam Kha giờ đã trưởng thành, học hành đổ đạt thành tài. 
Nhớ lại mà xót xa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi trao cho chị Kiệt một sổ Trương Mục Tiết Kiệm thuộc Tín Nghĩa Ngân Hàng có tên của L.T.Kh. và tên tôi trong đó có ghi  một số tiền. Đó là khoản tiền dành dụm đóng góp từ thân hữu bạn bè có lòng thương Kiệt, mục đích giúp Lương Tâm Kha khi cháu vào Đại học mà tôi là người được giao phó giữ trương mục này. Với cuốn sổ mang nhiều ân tình mà vô dụng lúc bấy giờ, chị Kiệt và tôi chỉ biết ngâm ngùi nhìn nhau, chị nói lời cám ơn còn tôi thẹn lòng khi nghe lời nói xúc động của chị.Tôi xin chị giữ nó như là một kỹ vật.
Kiệt ơi, mầy ra đi trước bọn tao tới nay đã hơn 45 năm, không rõ điều đó xấu hay tốt cho mầy, nhưng chúng tao những người thương mầy còn ở lại nghĩ rằng mầy “chơi xấu”, để lại nỗi thương nhớ cho bọn tao mãi không nguôi.

Nói đùa cho vơi chút xót xa chứ nào có trách mầy đâu. “Tao tự hỏi: bây giờ mầy đang ở đâu?”

Anh Tú
Nguyễn Hồng Ẩn

2019/09/13




Trăng vui trăng mãi mĩm cười?
Tôi buồn tôi thức nhớ người tôi mơ
Người mơ chẳng đến bao giờ
Cho nên tôi mãi mơ người hằng mơ

Mơ hoài lẩn thẩn làm thơ
Bà con nhạo báng thằng khờ nên mơ
Ngày thì mặt mủi ngu ngơ
Đêm dài thức trắng mong chờ … viển vông!

***
Bạc đầu …giấc ngủ cạn nông
Dọc đời ...cao núi sâu sông dập dồn
Leo lội vượt thoát sinh tồn
Khi vui khi khổ mất còn thay phiên

Dầy vò Tổ quốc thiêng liêng
Dân quyền chà đạp, gông xiềng lên ngôi
Tự do dân chủ nước tôi
Người mơ yêu dấu nổi trôi phương nào?

Anh Tú
September 13, 2019
Tết Trung Thu


2019/08/27


GIAO MÙA

Ngày ngắn...vội vàng chiều đến sớm
Cuối hè giữa nắng lắm mưa rơi
Tháng Tám xứ xa vời đất mẹ
Dật dờ trong nỗi nhớ đầy vơi.

Chừ lá khô đó đây lác đác
Chờ cơn gió mát thổi lăn bay
Hướng Dương phai sắc buồn tàn úa
Thu sắp về thăm bạn có hay?

Tạo hóa vô tư lòng mở rộng
Nàng Thu rực sắc thế nhân xem
Vô tư cười mĩm dù thương ghét
Mặc kệ trần gian lắm tỵ hiềm.

Thu hẳn đã về trên tổ quốc
Đồng bào hạnh phúc đón mùa vui?
Hay đang trăn trở vì vận nước
Bởi lũ Tàu man muốn dập vùi?

Anh Tú
August 27, 2019

2019/08/07

HUYỀN THOẠI MƯA NGÂU

Suốt ngày mưa giông trời mây đen kịt
Khi hè thương còn lẩn quẩn quanh đây
Con thỏ hoang sau vườn tìm nơi ẩn
Hoa Lily trước ngõ ngã nghiêng lay

Tờ lịch nhắc hôm nay ngày Ô Thước
Nhịp cầu cho Chức Nữ gặp Ngưu Lang
Tình nhân nào xa nhau quay qut nhớ
Và ray rức thương nuối tiếc ngút ngàn

Ngọc Hoàng thương cho Chức Ngưu sum hợp
Chuyện Ô Kiều thành huyền thoại thế nhân
Mong từ đây một khi mở lòng trao bạn
Không cảnh mưa Ngâu dù chỉ một lần!

Anh Tú
Mưa Ngâu 2019

2019/07/27


PHẢI THẾ MÀ THÔI

Đi dưới nắng hè cháy da tháng bảy
Quên không đội nón nóng thấm vào đầu
Chuyền xuống tim len vào dòng máu chảy
Mồ hôi cay mắ́t, chân bước về đâu?

Đang mơ giữa trưa giật mình tỉnh giấc
Nhớ nắng quê hương thuở tuổi mười ba
Theo mẹ ra đồng vào mùa cấy mạ
Vọc phá bùn sình bị mẹ rầy la

Mơ màng giữa trưa lơ mơ nhớ lại
Nhớ nắng quê nhà của thuở học sinh
Lẽo đẽo theo em, cùng trường khác lớp
Dấu trong tim non chớm nở chút tình

Bồng bềnh nắng trưa chói chang đổ lửa
Nhớ nắng Sài Gòn sóng bước bên ai
Tà áo trắng bay vướng chân hai đứa
Chợt ước bên nhau suốt cuộc đời này

Nắng đổ lửa quê mình sao mát rượi
Bởi trường, trò khi làm kẻ đưa đò
Mỗi phượng trổ, ve kêu... lo xa vắng
Mà xuân nào phấn bảng cháy thành tro

Nửa đời tha hương mỗi mùa nắng hạ
Từng nhớ từng thương kỷ niệm xa xôi
Vô ích viển vông mà sao không cưỡng
Tim còn nhịp đập phải thế mà thôi

Anh Tú
July 27, 2019

2019/05/28

HẸN NHAU
Năm nay lạ....tháng năm mưa nhiều lắm
Mưa gây buồn, buồn thắm đậm vào tim
Ngày qua đi khi đêm đến im lìm
Vài kỷ niệm hiện về trong bóng tối

Vì còn nhớ nên lòng càng bối rối
Nếu lãng quên là hạnh phúc phải chăng
Và xuôi tay ... bình an chốn vĩnh hằng
Xin hiểu thế để giảm buồn da diết

Mượn con chữ kết thành lời tiển biệt
Lá bay xa vì thu hoặc bão giông
Hãy yên nghỉ chờ đợi hết mùa đông
Cành và lá sẽ cùng nhau gặp lại

Anh Tú
May 28, 2019