2019/09/28

NHỚ BẠN TÔI


Niên khoá 62-63, T.K.H. và tôi trúng tuyển vào Lớp Lý Hoá của trường Sư Phạm Sài Gòn. Từ tỉnh lẻ Vĩnh Long, hai đứa  chen chân được vào đây là cả một sự may mắn. Ngày tựu trường với tâm trạng vui mừng có pha lẫn một chút bở ngở và lo sợ bâng quơ dầu bên cạnh đã có bạn chí cốt K.H., tôi ké né tìm một chỗ ngồi cuối lớp. Liếc mắt quan sát nhanh toàn lớp, ngoài T.K.H. thì toàn là những sinh viên xa lạ.Với tôi, họ là những đàn anh đầy tài năng, thật dạn dĩ, chào hỏi nhau, nô đùa, đang chuyện trò như pháo nổ.
Đầu một bàn gần giữa lớp, tôi thấy có một anh sinh viên mặt vuông chữ điền đẹp trai với chiếc răng khểnh đang cười cười ngó về hướng chúng tôi trong khi chân anh đang gỏ nhịp. Với nét mặt thân thiện đó, tôi nhận ra ngay nơi anh sự mời gọi kết thân. Trong khi tôi còn miên man suy nghĩ, anh đã chủ động đến bên chúng tôi thật nhanh và bắt chuyện: “Dân Tống Phước Hiêp phải không?”. Đã biết chúng tôi là ai, anh nhanh nhẩu tự giới thiệu về mình và kết luận tỷ lệ dân Vĩnh Long đậu vào lớp này “khá cao”: 3 trên 33, có nghĩa anh cũng là dân đất Long Hồ. Đó chính là Lương Văn Kiệt, cũng là đàn anh của chúng tôi tại Tống Phước Hiệp.
Từ đó ngoài tình đồng song, còn có tình đồng hương, hai cái tình này quyện vào nhau lần lần chúng tôi là ba đứa bạn thân thiết, bè bạn gọi đùa là “ba chàng ngự lâm pháo thủ”. Đến năm thứ hai, chúng tôi ở chung nhà trọ 32/65 đường Cao Thắng, cùng chia sẻ vui buồn cho đến lúc tốt nghiệp.
Rất nhiều kỷ niệm, vui nhiều buồn ít, xảy ra tại nhà trọ, giảng đường, câu lạc bộ, phòng thí nghiệm, thư viện, lúc dạy thực tập tại các trường Trung học tại Sài Gòn.
Có những cuối tháng, tiền cạn túi, sáng ngồi học bài bụng đói meo, chữ nghĩa không nhét được vào đầu, “Có thực mới vực được đạo” kia mà! Tay lật từng trang sách, mắt lơ láo ngó qua cửa sổ của cô Bắc Kỳ nho nhỏ ngang đường hẻm. Bổng một chàng reo lên:“Đi ăn  phở tụi bây ơi! Tao bao!” “Có đùa dai không đó!” “Thật mà!!” trong khi tay anh quơ  quơ  tờ giấy 50 đồng. Thời đó tô phở chỉ có năm đồng  mà thôi thì thừa đủ cho mấy anh em vượt qua cơn đói buổi sáng sớm hôm nay. Thì ra khi lật từng trang sách, một trong chúng tôi đã “phát hiện” được tiền đã bỏ quên trong đó tự bao giờ!
Một hôm vào thư viện học bài, nhân lúc xả hơi chợt nhìn thấy có ba cô sinh viên ban Vạn Vật xinh đẹp ngồi ở bàn gần đó, một trong ba đứa bỗng nảy ra ý đùa vui: Ai qua mượn được quyển sách của cô A. (cô đẹp nhất) đem về đây thì hai đứa còn lại sẽ bao ăn sáng. Mỗi đứa cố gắng nghĩ cách thực hiện lời thách đố. Cuối cùng một đứa đi qua bàn của các chị, gặp mặt nhau rất thường nhưng chưa  bao giờ dám làm quen, để mượn sách. Nói với các chị ấy “gì đó”, các chị mĩm cười và anh đem được quyển sách về bàn. Hai người còn lại trố mắt nhìn ngạc nhiên và…phục tài “sát đất”. Biết anh ta đã nói gì không? Đơn giản thôi, anh chỉ thật thà thú thật “sự việc” và nhờ các chị vui lòng “giúp đở”.
Dưới hầm giảng đường Đại Học Khoa Học là nơi lao công của trường bán thức ăn cho sinh viên nên mọi người xem nơi này như là câu lạc bộ. Mỗi sáng khi thấy chúng tôi đến là chú lao công biết ngay chúng tôi cần gì: ổ mì thịt ba đồng và ly sửa thêm tí cà phê. Những ngày cuối tháng hết tiền, chú lao công vui lòng cho chúng tôi “à la ghi” nghĩa là cho thiếu chịu, ghi sổ, đầu tháng lảnh học bổng sẽ trả lại.
Vào năm thứ hai, chúng tôi bắt đầu đi dạy thực tập tại các trường Trung Học như Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Trải, Vỏ Trường Toản. Khi đến nơi thực tập, học sinh các bàn cuối  được di chuyển ngồi chen chút ở phía  trên để nhường chỗ cho chúng tôi. Đối với các lớp của trường Gia Long hoặc Trưng vương: chúng tôi luôn tìm thấy các nữ sinh đem thức ăn vặt vào lớp như ổi, bưởi, mận, xí muội…để quên dưới hộc bàn.
Thầy Bùi Phượng Chì hướng dẫn dạy thực tập.. Một trong những kinh nghiệm thầy truyền dạy cho chúng tôi là không nên hỏi học sinh câu: “Các em có hiểu không?”Học sinh sẽ luôn trả lời là “ Không hiểu gì cả thầy ạ!!!” Tiếp theo đó là sinh viên thực tập phải giảng bài lần nữa; như thế thì không hoàn tất buổi thực tập trong thời gian ấn định. Kết quả là bị điểm thấp. Cũng như không bao giờ nói trước  kết quả thí nghiệm Vật Lý hoặc Hóa Học vì đôi lúc kết quả ra sẽ không đúng như ý, ta sẽ bị “hố”và “quê”trước mặt học sinh. Nếu tình huống này xãy ra, chúng ta tự động thực hiện thí nghiệm lại lần nữa và chỉ giải thích khi kết quả thành công.  
Cuối cùng thì chúng tôi tốt nghiệp, phải rời xa ngôi trường thân mến, giã từ đời sinh viên vô tư vui nhộn, giã từ căn nhà trọ tuy nhỏ hẹp thiếu tiện nghi nhưng tràn ấp biết bao kỷ niệm vui buồn, cũng như phải giã từ Sài Gòn vô cùng thân thương đầy những dấu chân kỷ niệm của chúng tôi như dạo phố Lê Lợi chiều cuối tuần với cái thú mua sách(mà hầu như không bao giờ đọc!), những hẹn hò ở bến Bạch Đằng nhìn sông nước hoàng hôn, những buổi rong chơi dưới những hàng me của  các đưòng phố quận nhất hoặc họp mặt pinic cùng bè bạn trong Thảo Cầm Viên,…. để bước vào đời tại những tỉnh lỵ hoặc quận lỵ xa xôi buồn tẻ.
Rồi trên bước đường mới thực hiện lý tưởng  đã chọn, chúng tôi tìm thấy những niềm vui mới đầy hứng thú, cao đẹp …của nghề nghiệp. Kiệt, H. đến Trà Vinh  còn tôi trôi giạt tận biên giới Việt Miên cuối miền đất nước: Hà Tiên, quê hương của nhà thơ Đông Hồ.
Vài năm sau, Kiệt được về phục vụ tại quê nhà Vĩnh Long như ước vọng. Còn tôi thì vẫn còn “lưu lạc xứ người”, từ Hà Tiên đến Cần Thơ rồi vào năm 1973 thì Bình Minh (Vĩnh Long).
Dù không dạy cùng trường nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Được biết Kiệt làm việc rất tích cực và được lòng đồng nghiệp, học sinh tại nơi sanh ra và lớn lên của mình.
Vào niên khoá 1973-1974 chúng tôi có dịp cùng sinh hoạt chung với nhau trong việc điều hành trại hè tại Hà Tiên cho học sinh toàn tỉnh Vĩnh Long do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Trại hè do Sở Học Chánh Vĩnh Long tổ chức.
Từ trái: ?, Biện Công Nhã, Hải<Y tế>, Đào Khánh Thọ, Lương Văn Kiệt, Nguyễn Hồng Ẩn<và Hồ Văn Chính.

Sau đó Kiệt và tôi cố gắng phối hợp  tổ chức một cuộc du ngoạn Hà Tiên lần nữa chung cho hai trường Trung học Tống Phước Hiệp và trường Trung học Bình Minh.Nhưng với những lý do ngoài ý muốn, cuối cùng đoàn của mỗi trường đi riêng biệt. 

Add caption
Tôi còn nhớ rõ trong khi đoàn của Trường TPH trên đường trở về thì đoàn của Trường Bình Minh trên đường xuất phát. Chúng tôi gặp nhau vào buổi trưa của một ngày, một ngày mãi mãi không quên trong đời tôi, tại tỉnh lỵ Rạch Giá, nơi dừng chân nghỉ xả hơi trước khi mỗi đoàn tiếp tục hướng đi của mình. Kiệt và tôi gặp nhau trao đổi vài câu ngắn ngủi rồi mạnh ai nấy lo bổn phận của mình.
Tôi tiếp tục lao đầu vào việc hướng dẫn học sinh cùng với quý vị giáo sư của trường Trung học Bình Minh đến thị trấn Hà Tiên. Tôi nghĩ Kiệt cũng vậy, phải lo đưa đoàn du ngoạn của học sinh trường Tống Phước Hiệp trở về trong sự an toàn.
Hai hôm sau, vào một buổi chiều tôi đọc báo thấy có tin tức về vị trưởng đoàn du ngoạn của trường Tống Phước Hiệp bị tai nạn tại Ngả ba lộ tẻ gần Tỉnh lỵ Long Xuyên và qua đời. Khi tôi nhận được tin này thì ở Vĩnh Long đang lo tang lễ cho Giáo sư Lương văn Kiệt, bạn thân thiết của tôi vì thời đó một tờ báo phát hành ở Sài Gòn phải hai ngày mới đến được Hà Tiên. Tôi liền xin ý kiến của đoàn, chúng tôi trở về ngay ngày hôm sau. Tôi về đến Vĩnh Long vừa kịp lúc gia đình đang tẩn liệm Kiệt. Quá xúc động tôi quỳ ngay trước quan tài vừa đậy nấp với dòng nước mắt không ngăn được. 
Lần gặp ngắn ngủi, vội vàng ở Rạch Giá không ngờ là lần gặp mặt cuối cùng của hai đứa. Đám tang của Kiệt diễn tiến sau đó rất trang nghiêm và là một đám tang đông đảo người đưa tiển tại tỉnh nhà. Kiệt được an tang tại nghĩa trang Đất Thánh Tây, và sau 1975 nghĩa trang này bị giải toả  nên gia đình phải cải táng đưa Kiệt về đất nhà trong một miền quê.


Qua những lời tường thuật lại, tai nạn do một đoàn Thiết vận xa M113 gây ra. Khi sắp đến lộ tẻ một xe trong đoàn du ngoạn cần sửa chửa, đoàn phải dừng lại và nhân tiện cho học sinh nghỉ xả hơi. Kiệt đang giải khát trong một quán ven đường, nghe đoàn xe M113 chạy đến, lo lắng cho sự an toàn của học sinh, Kiệt bước ra nhắc nhở học sinh phải vào lề đường. Kiệt đứng giữa hai chiếc “buýt” chở học sinh. Một tài xế của đoàn xe Thiết vận xa có ý biểu diễn(?) với nữ sinh nên lái lạn qua lạn lại và mất kiểm soát tay lái nên đụng phải một xe của đoàn du ngoạn, xe này bị đẩy tới và ép Kiệt với chiếc xe phía trước nên Kiệt bị bể bọng đái, được chở đến bịnh viện Long Xuyên để cứu cấp nhưng không còn kịp nữa.
Nhớ lại những buổi tối thứ bảy ngày nào khi tôi có  dịp về Vĩnh Long, bất kể giờ giấc Kiệt đến “lôi” tôi đi “lai rai” đâu còn nữa; những “rủ rê” đó thường không làm hài lòng vợ tôi bây giờ trở thành một nét tưởng nhớ đặc biệt về Kiệt của chúng tôi khi có dịp nhắc đến anh. Mãi tới ngày hôm nay, sau mấy chục năm vật đổi sao dời, đôi buổi tối thứ bảy vẫn còn hình bóng của bạn tôi lởn vởn trong đầu.
Năm 2002 tôi có dịp đến thăm chị Kiệt. Chúng tôi hàn huyên lại chuyện cũ. Chị cũng kể cho tôi biết những khó khăn của gia đình chị sau khi Kiệt ra đi và cả những ngày tháng sau năm 1975. Nay thì mọi chuyện đã qua rồi, cuộc sống của chị và con cái đã ổn định. Đứa con trai đầu lòng của anh chị, Lương Tam Kha giờ đã trưởng thành, học hành đổ đạt thành tài. 
Nhớ lại mà xót xa, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi trao cho chị Kiệt một sổ Trương Mục Tiết Kiệm thuộc Tín Nghĩa Ngân Hàng có tên của L.T.Kh. và tên tôi trong đó có ghi  một số tiền. Đó là khoản tiền dành dụm đóng góp từ thân hữu bạn bè có lòng thương Kiệt, mục đích giúp Lương Tâm Kha khi cháu vào Đại học mà tôi là người được giao phó giữ trương mục này. Với cuốn sổ mang nhiều ân tình mà vô dụng lúc bấy giờ, chị Kiệt và tôi chỉ biết ngâm ngùi nhìn nhau, chị nói lời cám ơn còn tôi thẹn lòng khi nghe lời nói xúc động của chị.Tôi xin chị giữ nó như là một kỹ vật.
Kiệt ơi, mầy ra đi trước bọn tao tới nay đã hơn 45 năm, không rõ điều đó xấu hay tốt cho mầy, nhưng chúng tao những người thương mầy còn ở lại nghĩ rằng mầy “chơi xấu”, để lại nỗi thương nhớ cho bọn tao mãi không nguôi.

Nói đùa cho vơi chút xót xa chứ nào có trách mầy đâu. “Tao tự hỏi: bây giờ mầy đang ở đâu?”

Anh Tú
Nguyễn Hồng Ẩn