Hiển thị các bài đăng có nhãn TÙY BÚT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÙY BÚT. Hiển thị tất cả bài đăng

2021/02/28

Tùy bút

CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM 

Để tưởng nhớ hai em – Nguyễn Phiêu Linh, Hồ Quang Trung – và kính tặng tất cả 

Cựu SVSQ/TB/TĐ khóa 6/68 và khóa 4/68-

 Dù ngày xưa bạn cùng lớp đã “xầm xì” rằng “hắn” hoạt động cho Việt Cộng, tôi cũng không tin; vì – với trí óc non nớt của một nữ sinh trung học cùng với bản tính ngay thẳng, lương thiện – tôi nghĩ, nếu “hắn” thích Việt Cộng thì “hắn” ở lại ngoài Bắc chứ “hắn” theo gia đình di cư vào Nam để làm gì!

Mấy mươi năm sau tôi mới biết, sau khi đỗ Tú Tài II, “hắn” được sang Pháp du học và hiện nay “hắn” đang giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy đầy ác tính của Cộng Sản Việt-Nam.

Nhìn hình của “hắn” và đọc bảng tin báo trong nước viết về “hắn”, tôi ngồi bất động. Những thành tích nội tuyến và phản chiến của “hắn”, ngày xưa,  và bằng cấp của “hắn”, hiện tại, không hiểu có chinh phục được ai hay không; nhưng đối với riêng tôi, tôi hoàn toàn không muốn bị nhận là người bạn xưa của “hắn” dưới mái trường Võ Tánh. 

Đối với tôi, từ ngày mới lớn cho đến bây giờ, khi nghĩ về nam giới, hình ảnh tôi ngưỡng phục nhất là chàng trai trong quân phục; và hình ảnh tôi yêu thích nhất là chàng trai với cây đàn.

Nhìn hình của “hắn” một lúc, tự dưng nước mắt của tôi nhạt nhòa mà tôi không hiểu nguyên nhân. Một lúc sau, qua màn nước mắt, tôi không thấy hình của “hắn” nữa nhưng tôi lại tưởng như tôi thấy được những người bạn ngày xưa cùng học trường Võ Tánh như: Đặng Hữu Thân, “dân B1”; Ngô Đắc Phú, Lưu Khương Đức “dân B4”; Võ Ấm, “dân B3”;  Nguyễn Đình Tân,  “dân B2” v. v… Trong những hình ảnh vừa hào hùng, vừa thân thương vừa bi thảm của những thanh niên miền Nam đã gục ngã trong cuộc chiến do Cộng Sản Việt-Nam chủ xướng, tôi nhận ra Chú của các con tôi: Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, xuất thân khóa 4/68 sĩ quan trừ bị Thủ-Đức.

Trung cao dong dõng, đẹp trai, tính tình hiền hòa, nhã nhặn và có ngón đàn Tây Ban Cầm rất nhuyễn. Khi nào về phép Trung cũng ghé thăm tôi. Thỉnh thoảng Trung ôm Guitar, “từng tưng” vài đoản khúc bán cổ điển cho tôi nghe. Đôi khi nghe Trung đàn những bản tôi thích, tôi cũng “la là la” và gật gù theo tiếng đàn. Tình khúc Trung thích nhất là Mấy Dậm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông. Tôi thường “ngân nga” theo và tôi đổi chủ từ cũng như túc từ để thích hợp cho tình cảnh giữa chị em tôi: “Em đến thăm, áo em mùi thuốc súng ngoài mưa khuya lê thê ... Em đến đây rồi em như bóng mây…Em hỡi em, đường xa vui đấu tranh, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” Vừa “nghêu ngao” hát vừa nhìn bộ quân phục hoa rừng của Trung tự dưng tôi cảm thấy nao nao trong lòng một niềm ray rức!

Trước khi trở lại đơn vị, Trung cũng thường ghé nhà từ giã tôi. Không thể giấu sự lo âu khi Trung bảo đơn vị của Trung sẽ được điều động về Bình-Long, An-Lộc, tôi khuyên: 

-Chú cẩn thận.

-Em không can chi mô. Chị đừng có lo. 

Nhìn dáng Trung xa dần, tôi chợt liên tưởng đến em tôi: Thiếu úy Pháo Binh Nguyễn Phiêu Linh, xuất thân khóa 6/68 Trường Bộ Binh Thủ-Đức, đang biệt phái cho mặt trận Đức-Lập. Tôi âm thầm cầu nguyện cho Trung và Linh.

Một sáng mùa Hạ năm 1972, chiếc Jeep dừng ngay trước nhà tôi rồi một quân nhân Biệt Động Quân đẩy cổng, bước vào, gõ cửa.

Tôi hơi mất bình tĩnh. Bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân bước vào. Tôi nhìn quân nhân này, run giọng: 

-Thiếu úy Trung… làm sao rồi, anh? 

-Thưa bà, thiếu úy Trung bị thương, đã được trực thăng đưa về bệnh viện dã chiến Vũng Tàu. 

-Dạ, cảm ơn anh. Tình trạng của chú Trung như thế nào ạ?

-Tôi không rõ lắm; vì tôi không có mặt khi đơn vị của thiếu úy Trung đụng trận và tôi cũng chưa đến bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.

Không kịp từ giã người đưa tin, tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vội lách người qua cửa để chạy vào báo tin cho Mạ (Mẹ) và Hà – vợ của Trung.

Mạ ngồi sững như pho tượng trong khi Hà khóc nức nở khiến hai đứa con của Trung cũng òa lên khóc. Vừa dỗ dành con Hà vừa khóc vừa lấy vài thứ cần dùng cho vào xách. Mạ ngạc nhiên: 

-Sửa soạn đi mô rứa?

Hà khóc lớn hơn: 

-Con đi thăm chồng con. 

Mạ ngăn lại: 

-Biết cái chi mà đòi đi. Để nhờ chị Hai hắn ra coi tình trạng hắn ra răng rồi tính.

Quay sang tôi, Mạ bảo: 

-Chao ôi! Thiệt là khổ! Anh Minh của hắn không có ở nhà, chừ con coi giúp Mạ được chi thì con giúp, nghe. Con quen ai bên Biệt Động Quân thì con xin cho hắn về hậu cứ chứ hắn bị thương mà hắn trở ra mặt trận Mạ sợ quá, con ơi!

Tại bệnh viện dã chiến, thấy mặt và tay chân của Trung vẫn nguyên vẹn, tôi thầm mừng. Tôi dặn Trung: 

-Chú chịu khó chờ. Mai tôi sẽ đưa các cháu đi Bến-Lức thăm anh Minh. Tôi sẽ hỏi anh Minh xem anh Minh quen ai bên Biệt Động Quân…

Tôi chưa dứt câu, Trung đã nhìn tôi, nghiêm nét mặt: 

-Chị đưa các cháu đi thăm anh Hai thì chị đưa; còn anh Hai quen ai bên Biệt Động Quân để làm chi, chị Hai?

Lần đầu tiên từ ngày làm vợ của Minh tôi mới nghe Trung nói chuyện với tôi một cách cứng rắn và nghiêm nghị như vậy. Tôi không quen nói dối: 

-Ý Mạ muốn xin cho chú về hậu cứ.

-Chị Hai! Em tình nguyện về Biệt Động Quân không phải với mục đích để làm việc tại văn phòng. Em có trách nhiệm, em có bổn phận, em có đơn vị của em.

-Chú giận tôi, phải không? Tôi xin lỗi.

Nét mặt của Trung dịu lại: 

-Đời mô em dám giận chị. Em chỉ hơi bực mình vì em đã không muốn cho Mạ, Hà và chị biết tin em bị thương; rứa mà đứa mô thày lay…

May quá, vì lúc sáng vội vàng, tôi không để ý tên người lính Biệt Động Quân đưa tin cho nên tôi không cảm thấy bị khó chịu vì không nói ra sự thật. Trung nhìn đồng hồ tay, tiếp: 

-Chiều rồi, chị nên đi về kẻo mấy cháu trông. 

Hôm sau, sau khi đưa các con đến Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức, tôi mới được sĩ quan trực cho biết Minh đi hành quân, chiều mới về. Như thường lệ, mỗi khi đến với đơn vị Hải-Quân, tôi thích thay y phục dân sự bằng quân phục thủy thủ. Vừa mang đôi ba-ta xong, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, tôi thấy chú tài xế của Minh. Chú ấy nói: 

-Cô cho em đưa mấy đứa nhỏ ra bãi đáp trực thăng đón Chỉ Huy Trưởng, nha, cô.

Tôi chưa biết đáp như thế nào thì nghe tiếng bốn đứa con của tôi – ngồi sẵn trên xe Jeep – reo lên: 

-Măng! Măng! Cho tụi con đi đón Ba, nhen, măng!

Tôi chỉ biết cười, vẫy tay rồi đóng cửa lại.

Chỉ một chốc sau, tôi nghe tiếng xe thắng “két” rồi cửa phòng mở toanh và con gái lớn của tôi hớt hãi chạy vào: 

-Măng! Măng! Trực thăng… rớt rồi!

Tôi hoảng hốt chạy vội ra cửa thì thấy chú tài xế đang ôm ba đứa con của tôi như thể trấn an. Và, tôi thấy, từ khắp mọi nẽo đường của Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức mọi người chạy ùa về hướng cầu tàu. Tôi chạy theo dòng người, bỏ mặc các con tôi.

Tiếng xe hồng thập tự từ ngoài cổng gác vọng vào. Mọi người rẻ sang hai bên, nhường lối. Xe cứu thương từ từ “de” lui về hướng bờ sông. Một chiếc ghe câu cặp bến. Vì đứng xa, tôi không thể thấy được những người trong lòng ghe. Mỗi khi chiếc băng-ca khiêng một người – không phải là Minh – đi ngang, tôi cảm thấy như tôi sắp quỵ xuống; vì tôi ngại Minh đã chết hoặc mất tích trong dòng sông sâu. Trong khi tôi tưởng như sự chịu đựng trong tôi đã cạn kiệt thì bỗng dưng, từ bờ sông, một anh thủy thủ vừa vội vàng chạy về phía tôi vừa reo lên: 

-Cô ơi, cô! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi!

Vài người quay nhìn tôi rồi dạt ra hai bên, tránh lối cho tôi. Tôi bước ra vừa khi chiếc băng-ca có Minh nằm bên trong được khiêng về hướng chiếc xe cứu thương. Tôi chạy theo, thấy máu nhuộm ướt mặt Minh. Khi xe cứu thương rồ máy, tôi tự động leo vào. Nhìn lui, tôi thấy chú tài xế của Minh chở các con tôi chạy theo.

Trên chuyến trực thăng tải thương từ bệnh viện Long An về quân y viện Cộng Hòa, tôi tự hỏi không hiểu trái tim của Mạ còn đủ chỗ để chấp nhận thêm tin Minh bị thương hay không! 

Sau khi y tá đưa Minh vào phòng Điện Tuyến, tôi thấy một bác sĩ đi về phía tôi. Tôi vui khi nhận ra đó là bác sĩ Vĩnh. Sau vài câu thăm hỏi về gia đình, Vĩnh hỏi tôi nguyên do nào Minh bị thương nặng như vậy. Tôi thầm ngạc nhiên vì Vĩnh tỏ ra bặc thiệp và nói nhiều hơn xưa. Tôi bảo Minh bị rớt trực thăng. Vĩnh tròn mắt: 

-Hải-Quân mà lại bị rớt trực thăng?

-Dạ, anh ấy đi thanh tra những điểm đỗ quân.

-Minh làm gì mà đi thanh tra? 

-Dạ, anh ấy là chỉ huy trưởng Liên Đoàn I Ngăn Chận kiêm chỉ huy trưởng một đơn vị Đặc Nhiệm của Lực Lượng Tuần Thám.

-Bỏ đàn bỏ hát để nghiên cứu về Hải-Quân hay sao mà biết nhiều quá vậy?

Tôi cười gượng, chưa kịp đáp thì thấy chú tài xế của Minh vừa đưa các con của tôi từ Bến Lức về tới. Tôi cáo từ Vĩnh để ra xe với các con tôi. 

Tôi nhờ chú tài đưa các con tôi về nhà, nhờ bà giúp việc lo cho các cháu. Trước khi xe nổ máy, tôi chợt nhớ, vội dặn chú tài đừng cho Mạ biết tin Minh bị thương, ngại Mạ lo. Xoay sang các con, tôi cũng dặn như vậy. Các cháu ngạc nhiên: 

-Măng biểu tụi con không được nói láo mà!

 Hơi lúng túng một lúc tôi mới tìm ra giải pháp: 

-Thôi, được rồi. Mấy con không được vô nhà bà Nội. Khi nào bà Nội hoặc các cô chú hoặc thiếm Trung ghé nhà mình thì mấy con phải chạy ngay lên lầu, không được gặp bà Nội, thiếm Trung hoặc các cô chú. Chịu chưa?

Nét mặt của các con tôi tiu nghỉu, buồn xo.

Suốt thời gian dài thăm nuôi Minh, tôi vẫn chưa cho Minh biết tin Trung bị thương. Và tôi cũng không có thời gian để ra Vũng-Tàu thăm Trung. 

Một hôm, đang sửa soạn các thứ cần dùng để đem lên bệnh viện Cộng Hòa cho Minh, tôi thấy Trung bước vào nhà. Tôi ngạc nhiên. Trung bảo bác sĩ cho Trung xuất viện và Trung từ chối mấy ngày phép dưỡng thương; vì đơn vị của Trung bị “tụi hắn quần thảo liên miên!” Nhận ra nét ái ngại của tôi, Trung – trong quân phục Biệt Động Quân, giày trận, mũ nâu – đứng thẳng, cụp hai chân trong thế nghiêm rồi ưỡng ngực, bảo: 

-Em ‘ngon lành’ như ri mà chị lo cái chi? 

Tôi cười rồi cho Trung biết Minh bị thương. Trung ngồi lặng yên, nhíu mày suy nghĩ rất lâu rồi bảo: 

-Chị Hai! Em chỉ đủ thì giờ ghé thăm Mạ/thăm chị và vợ con em rồi em phải trở ra đơn vị ngay. Em không thể ghé thăm anh Hai.”

 Nói xong Trung vội vàng từ giã tôi.

Tiễn Trung ra cổng, nhìn chiếc mũ nâu của Trung chập chờn, khi ẩn khi hiện trong dòng người, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện hòa lẫn với nỗi lo âu trong lòng tôi!

Niềm lo âu trong tôi về sự trở lại chiến trường Bình-Long của Trung cũng không khác mấy so với sự ái ngại của tôi khi biết Minh – sau khi xuất viện và nghỉ bảy ngày phép dưỡng thương – được lệnh phục vụ trên Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải, HQ 2, để thực tập làm Hạm Trưởng; vì tôi hiểu Minh chịu sóng không được!

Trong thời gian âu lo cho Trung và Minh, tôi quên bẳng Nguyễn Phiêu Linh. Như để nhắc nhở sự vô tình của tôi, một nhân viên truyền tin từ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân đến nhà, đưa tin: 

-Thưa bà! Ông Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Ty Nội An thị xã Cam-Ranh, nhờ Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh chuyển tin đến bà là thiếu úy Nguyễn Phiêu Linh đã mất tích ở mặt trận Đức-Lập!

Tôi há hóc mồm, nhìn sững người đưa tin, không thốt được một lời! 

Sau một thoáng khủng hoảng tinh thần, tôi quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tác. Tôi cứ thành tâm cầu nguyện Phật Bà mỗi ngày, mỗi đêm. Như một sự linh nghiệm từ Phật Bà, khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện tín của Ba tôi: “Linh bị Việt Cộng bắt. Linh đã vượt thoát về trình diện đơn vị.” Tôi lại quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật, âm thầm tạ ơn Phật Bà.

Thời gian này – mùa Hè năm 1972 – Vùng I, Vùng II và Vùng III Chiến Thuật chìm trong khói lửa, vì những trận tấn công quy mô và ác liệt của Việt Cộng. Chỉ có Vùng IV tương đối bình yên.

Theo dõi tin tức qua báo chí/radio/TV, tôi rất lo âu cho Trung và Linh. Vì đơn vị của Linh thuộc Vùng III chiến thuật; đơn vị của Trung lại gần vị trí của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng. Theo dõi tin tức, biết Bình Long – An Lộc mỗi ngày phải “nhận” không biết bao nhiêu ngàn quả đại pháo của Việt Cộng, tôi xốn xang và âu lo cho người em chồng mà tôi thương như em ruột của tôi!

Rồi một sáng sớm, chiếc Jeep dừng trước nhà, một quân nhân mặc quân phục Biệt Động Quân bước vào. Như linh cảm được điều gì đó, tôi run quá, đứng xa xa để bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân nhìn tôi: 

-Thưa, bà có phải là bà Minh không ạ?

Nhìn nét mặt nghiêm và đôi mắt của anh Biệt Động Quân như ẩn chứa điều gì rất khó tả, tôi cảm biết rằng tôi không thể đứng vững được, cho nên, tôi dựa vào tường, vừa bước dần về ghế xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân vừa gật đầu. Như nhận biết sự xúc động tột cùng của tôi, anh Biệt Động Quân đến bên tôi: 

-Bà bình tĩnh. Bà ngồi vào xa-lông đi. 

Vừa ngồi vào xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân, môi tôi run và trệ xuống như sắp khóc, tôi hỏi từng tiếng: 

-Thiếu úy Trung tử trận rồi, phải không?

Anh Biệt Động Quân đứng im, cúi mặt…

Tiếng xe Jeep rồ máy khiến tôi choàng tĩnh. Tôi hiểu rằng tôi phải bình tĩnh/phải dồn tối đa nghị lực để giúp Mạ và Hà vượt qua cơn đau này! Tôi biết, nếu, ngay giờ phút này, tôi vào cho Mạ và Hà hay tin Trung tử trận thì không thể nào tôi đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì cho Trung khi quang tài của Trung được đưa về! Tôi quyết định sẽ tin cho Mạ và Hà biết sau khi tôi lo xong vài việc quan trọng cho Trung. 

Tôi sang Bộ Tư Lệnh Hải-Quân, nhờ trung tâm Truyền Tin thông báo cho HQ 2: “Em ruột của Hải-Quân trung tá Hồ Quang Minh là thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung đã tử trận tại Bình-Long”. Sau đó tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm xin nghi thức tụng niệm và nơi quàng quang tài của Trung. Và tôi ghé nhà người anh của Cố thiếu úy Võ Ấm. Anh này là chánh văn phòng của một nhân vật đầy uy quyền. Tôi nhờ anh xin cho Trung một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Trên những đoạn đường lo việc hậu sự cho Trung, trong tâm tôi đã sắp sẵn một bài viết về Trung. 

Nếu trên đời, trong địa hạc văn chương, có điều gì tôi hối tiếc nhất, thì đó là bài tôi viết cho Hồ Quang Trung, đăng trên báo Tia Sáng, mà nay tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”…

… Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng buồn thảm, chợt điện thoại reng, đưa tôi trở về hiện tại. Tôi “Allo”. Từ đầu giây bên kia, giọng nam, nói tiếng Anh:

- Chúc mừng ngày của Mẹ.

Tôi cũng đáp bằng tiếng Anh

- Cảm ơn. Xin lỗi, ai đây?

- Tôi là người bị bà dọa gọi cảnh sát bắt đây.

Tôi giật mình, nhớ lại cách nay vài hôm, trong buổi chiều đi bộ tập thể dục, điện thoại cầm tay của tôi reng hoài mà khi mở ra, “allo”, thì không ai trả lời. Nghĩ rằng có người phá cho nên tôi bực mình, nói tiếng Anh: “Làm ơn đừng gọi số này nữa. Nếu gọi một lần nữa, tôi sẽ lấy số điện thoại của bạn rồi tôi sẽ thưa cảnh sát.” Tôi đáp:

-Vâng, tôi có nói như vậy; vì tôi không biết ông là ai mà cứ gọi phá tôi nhiều lần.

Đầu giây bên kia phát âm tiếng Việt:

-Tại điện thoại của tôi bị trục trặc chứ ai phá …bà làm chi.

Tiếng “bà” và giọng Huế khiến tôi nhận ra đây là Toàn, tác giả nhiều tác phẩm tình cảm xã hội và nhiều thước phim chiến trường. Toàn cũng là bạn thân của Minh từ xưa. Toàn cũng biết tôi từ khi tôi còn học trung học. Ngày xưa Toàn dạy tại trường Cường Để cho nên tôi gọi Toàn bằng “thầy”; sang Mỹ Toàn học lại và tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa. Tôi cười:

-Dạ thưa Thầy.

-Sao? Thằng bạn già của tôi sao rồi?

- Dạ, ổng dạo này sướng lắm Thầy ơi! Người ta “sáng vác ô đi, tối vác về”; còn ổng thì sáng xách xe đi, tối xách xe về.

- Còn bà, đang làm gì đó?

- Dạ, em đang đọc tin tức về Việt-Nam.

- Bà có gì lạ không?

- Dạ, em sắp đi Cali. Còn Thầy đang ở đâu?

- Tôi đang ở D.C. thăm con và lo vài chuyện, ba tuần nữa mới về Cali. Bà đi Cali. có việc gì?

- Dạ, em tham dự Hội Ngộ của khóa 6/68 sĩ quan Thủ-Đức.

- Bà có liên hệ gì với Trường Bộ-Binh Thủ-Đức?

- Dạ, Nguyễn Phiêu Linh, em của em, bị động viên vào khóa 6/68. Thầy nhớ Linh không, thưa Thầy?

- Nhớ chứ sao không. Cái thằng ốm ốm, “ông Già bà Già” bắt nó theo canh chừng bà hoài đó chứ gì.

- Dạ. Linh không còn nữa!

- Biết rồi. Chừng nào bà đi? Cho biết ngày, tôi sẽ bay về Cali. đón bà.

- Dạ, cảm ơn Thầy nhưng gia đình khóa 6/68 lo cho em rồi.

Toàn nghiêm giọng:

- Ngày xưa bà theo Hải-Quân, bà … bỏ tôi. Bây giờ bà theo Bộ-Binh, bà bỏ tôi!

- Chết! Chết! Thầy ơi! Em đâu có là gì của Thầy mà Thầy bảo em bỏ Thầy?

- Giận quá! Tức quá thì nói rứa đó! Tội nghiệp cho Cô Lượng của tôi! Cô cứ bảo “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho”. Chao ôi! Cô nuôi cách chi mà sẩy mất tiêu!

- Thôi, Thầy ơi! Đừng trách em nữa. Thầy đàn và hát cho em nghe đi, Thầy.

- Yêu cầu tôi đàn hát thì tôi đàn hát cho mà nghe; hứa là không báo cảnh sát bắt tôi, nghe chưa?

Tôi cười. Tiếng Piano tạo nên dòng Tango rộn ràng, vui tươi. Tôi nhận ra Toàn đang đàn Tiếng Đàn Tôi của Phạm Duy. Dạo hết phân đoạn đầu, Toàn bắt vào: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt…Vì cuộc tình đã chết một đêm nao…Mênh mông lả lơi, lạnh lùng em đã rời tôi…Khoan, khoan hò ơi! Lệ sầu rụng xuống đàn tôi!” Không hiểu Toàn vô tình hay cố ý khi hát bài này, nhưng lời ca khiến tôi cảm thấy buồn buồn.

Toàn chuyển qua một tình khúc êm dịu: “Memories, pressed between the pages of my mind. Memories, sweetened thru the ages just like wine…”(1) 

Theo dòng nhạc và tiếng hát ngọt ngào của Toàn, hình ảnh của Linh chờn vờn trong tầm mắt tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mờ sương, Linh và tôi đi bộ từ đường Phan Đình Phùng băng qua vườn rau cải để đến trường Domaine de Marie, trên đường Hai Bà Trưng, Dalat. Tôi không quên được những “trận đụng độ” giữa các hội tuyển nổi tiếng, Ba tôi thường cho tôi và Linh đi theo, vào sân vận động xem đá banh, để thấy Ba tôi phỏng vấn các cầu thủ danh tiếng – nhất là thủ môn Rạng – để viết tường thuật cho báo Đuốc Thiêng. Nhờ vậy, tôi biết chút ít về nghệ thuật và quy luật đá banh. Cũng nhờ vậy, vào những dịp đội banh trường Võ Tánh đấu với đội banh trường khác, tôi thấy Linh có những cú “sút” rất “thần kỳ”, chàng giữ “gôn” đỡ không nỗi! Một “vai trò” mà Linh rất ghét, là – theo “lệnh” của Ba Má tôi – Linh phải giả vờ đi ra đi vô phòng khách thường xuyên mỗi khi có chàng nào đến nhà thăm tôi để “nghe ngóng” xem chàng nào có lời lẽ hoặc thái độ không đứng đắng đối với tôi thì mách cho Ba Má tôi. Có lẽ Linh ít hợp với Toàn; vì lúc Toàn quen với tôi tại nhà thầy Lượng thì tôi chỉ mới học đệ Lục hoặc đệ Ngũ và Linh học sau tôi cho nên biết Toàn là giáo sư, Linh ngại. Linh gọi Toàn bằng Thầy; tôi cũng gọi Toàn bằng Thầy. Dạo đó, vì tôi còn là trẻ con cho nên Cô của Toàn – vợ thầy Lượng dạy Pháp văn và cũng là Mẹ của bạn tôi – cứ đùa: “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho.” Linh và Minh rất hợp vì cả hai đều thích đá banh và đều có cú “sút” “ngàn cân”. Linh nói với Ba Má tôi nhận xét của Linh về sinh viên quân y Vĩnh: “Khi nào anh Vĩnh tới, Ba Má khỏi cần bắt con ‘do thám’; vì anh Vĩnh chỉ ngồi nhìn chị Hai rồi cười chứ anh Vĩnh có nói tiếng nào đâu!” Khi thụ huấn tại quân trường Thủ-Đức, Linh và Trung trở thành đôi bạn thân.

Vừa nhớ đến đây, tôi chợt nhận ra Toàn đã hát trở lại phân đoạn đầu. Đến phân đoạn thứ hai, lời ca làm tôi xúc động, bùi ngùi: “…Quiet thought come floating down and settle softly to the ground like golden autumn leaves around my feet. I touched them and they burst apart with sweet memories…”(2) Tiếng hát của Toàn vẫn thiết tha, trầm ấm nhưng suối nguồn thương nhớ Linh và Trung cứ cuồn cuộn dâng cao trong lòng tôi.

Nhìn bầu trời trong xanh của một sáng mùa Hạ, tôi tưởng như tôi thấy lại Linh và Trung – trong quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ-Đức – vào những cuối tuần xa xưa, khi Linh và Trung từ Quân Trường Thủ-Đức về Saigon thăm tôi. Rồi, từ niềm nhớ thương chất ngất trong hồn, tôi tưởng như tôi không còn nghe tiếng đàn và giọng hát của Toàn nữa nhưng tôi lại nghe được tiếng Guitar của Trung trong ca khúc mà khi xưa Trung rất thích. Khi tiếng Guitar của Trung đến đoạn gần cuối của ca khúc Mấy Dặm Sơn Khê tôi vừa “ngân nga” nho nhỏ: “… Em hỡi em! Đường xa vui đấu tranh giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” vừa cảm nhận hai hàng nước mắt âm ấm đang lăn dài trên khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của tôi!

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

1 và 2.- Elvis Presley's lyrics


2021/02/21

 Tùy bút

THƯƠNG NHỚ CHẬP CHÙNG


Nhìn quanh phòng, nếu không có ảnh của Randy William Rhoads – American heavy metal guitarist – treo trên tường, chắc chắn không ai có thể biết đây là căn phòng của một “tay” chơi nhạc rock có bản lĩnh. Khi dòng chữ “chơi nhạc rock có bản lĩnh” vừa thoáng qua trong trí, Ngọc tự hỏi không hiểu nàng có bị mặc cảm “con hát mẹ vỗ tay” khi nghĩ đến Khiêm – con trai út của nàng – như vậy hay không; nhưng quả thật, lúc nào Khiêm thực tập, Ngọc cũng cảm thấy chóa mắt khi nhìn vào những hàng, khoảng chi chít notes nhạc.

Là một người chơi đàn không chuyên nghiệp, không thể nào Ngọc đọc được “rừng” notes nhạc ấy theo kịp những ngón tay thoăng thoắt của Khiêm trên phím guitar. Những lúc thực tập, mắt Liêm chớp nhanh, đôi mày nhíu lại, cổ thẳng đứng, đầu “gật” nhè nhẹ theo từng temps fort. Ngọc nghĩ, nếu núi lửa bùng nổ sát cạnh nhà có thể Khiêm cũng chắng biết; vì Khiêm đang tập trung tất cả tư tưởng vào notes nhạc, phím đàn và âm thanh.

Hôm ghé đưa chi phiếu trả học phí của Khiêm cho Jack – giáo sư dạy nhạc riêng cho Khiêm – Ngọc mới được Jack cho biết:

-Hết tháng này, tôi sẽ không thể tiếp tục dạy Khiêm được nữa. 

-Jack dời đi đâu hay là Khiêm làm điều gì phật ý Jack? 

-Không. Khiêm rất giỏi và ngoan. Một thanh niên vừa theo học đại học lại vừa học thêm âm nhạc mà Khiêm học nhanh quá! Những hiểu biết của tôi về nhạc rock tôi đã dạy cho Khiêm hết cả rồi.

-Nếu anh không thể dạy Khiêm được nữa thì, tại thành phố này, anh biết ai dạy về nhạc rock, làm ơn giới thiệu giùm.

Jack đáp rất thật: 

-Những người dạy nhạc rock ở đây rất hiếm; trình độ của họ cũng tương đương với trình độ của tôi thôi. Tôi nghĩ, với năng khiếu và dáng vóc của Khiêm, nếu có điều kiện, bà nên cho Khiêm học tại một trường dạy nhạc có tầm cỡ quốc tế thì Khiêm sẽ thành công rất nhanh trong địa hạc mà Khiêm yêu thích.

-Trường nào vậy, Jack? 

-Trường này, ngày trước, tôi từng mơ ước được vào học, nhưng điều kiện không cho phép. Đó là trường Musicians Institute bên Hollywood.

Ngọc tròn mắt, phát ngôn từng chữ: 

-Hol…ly…wood!

-Vâng! Hollywood! Musicians Institute là một trường âm nhạc có tầm vóc quốc tế, đã đào tạo không biết bao nhiêu Rock Stars cho nhiều quốc gia. Bà đã tin tưởng tôi, giao cho tôi trọng trách dạy nhạc rock cho Khiêm bao lâu nay thì bà cũng nên tin tưởng tôi khi tôi có ý thuyết phục bà để Khiêm được thực hiện giấc mơ của Khiêm.

Thời còn đi học, Ngọc từng ước mơ được trở thành nghệ sĩ trình diễn; nhưng Ba Má của Ngọc không cho phép. Ngọc buồn lắm! Nhưng khi tuổi đời càng tăng, Ngọc càng nhận thấy quyết định của Ba Má nàng ngày xưa là một quyết định sáng suốt. Vì vậy, Ngọc đáp:

-Nhưng Khiêm chưa học xong đại học. Tôi chỉ muốn Khiêm có bằng đại học trước; còn âm nhạc chỉ để giải trí thôi.

-Thưa bà, đại học ở Mỹ thì cỡ tuổi nào cũng có thể theo học; nhưng trong địa hạc văn học nghệ thuật thì tuổi trẻ, sự  đam mê và cơ hội thuận lợi mới tạo nên những nghệ sĩ tài danh.

Ngọc thở dài nhè nhẹ trước câu giải thích rất chính xác của Jack rồi hỏi:

-Chương trình học ở trường Musicians Institute mấy năm, Jack biết không?

-Lúc tôi xin theo học thì chương trình là hai năm; nhưng bà nên liên lạc trực tiếp với họ để biết rõ hơn.

-Tôi phải nói chuyện nhiều với Khiêm và ông nhà tôi. Cảm ơn Jack.

Lúc nói chuyện với Khiêm, biết Khiêm có ý định đi sâu vào nhạc rock, Ngọc hơi buồn; vì thấy hình ảnh những Rock Stars thật tương phản với bản tính hiền, thiệt thà và ít nói của Khiêm. Ngoài đức tính hiền lành và dễ dạy, Khiêm lại được sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu hụt tại vùng kinh tế mới Long Điền, sau khi Khanh – chồng của Ngọc – được cộng sản Việt Nam thả về sau nhiều năm tù cải tạo ngoài Bắc. Đó là lý do cả nhà ai cũng biết Ngọc cưng chìu Khiêm nhiều hơn các anh chị của Khiêm. Khi Ngọc cho Khiêm biết ý nghĩ của nàng, không ngờ Khiêm trả lời, bằng tiếng Anh pha lẫn vài tiếng Việt dễ hiểu: 

-Măng “nay”! Măng “khon” nên đánh giá con ngươi băng bê ngoài. 

Nghe câu này, Ngọc biết Khiêm không còn là cậu bé nữa. Khi nhận thức được đứa con út đã lớn, lòng Ngọc thoáng vui và thoáng buồn; buồn vì thấy viễn ảnh rất gần của cánh chim non sắp rời tổ; vui vì thấy khung trời đang rộng mở, chan hòa ánh sáng tươi đẹp và âm thanh tuyệt vời của một thế giới lạ lẫm – mà thế hệ của Ngọc chỉ biết qua báo chí và xi-nê – đang chào đón Khiêm.

Hôm cùng Khanh đưa Khiêm đến ghi tên nhập học, Ngọc bị chóa ngợp vì hệ thống tổ chức và phương pháp giảng dạy tại đây. Musicians Institute (M.I.) là một tòa nhà đồ sộ, nhiều tầng, có sân khấu và hý viện ngoài trời, chiếm cứ một diện tích rộng lớn tại số 6752 Hollywood Blvd, Los Angeles, CA. Trên tường, ngay cửa lớn, thấy hàng chữ lớn: Home of GIT, BIT, PIT, Ngọc thầm hiểu đó là ba nhạc cụ chính trong một ban nhạc rock. GIT: Guitar Institute of Technology; BIT: Bass Institute of Technology; PIT: Percussion Institute of Technology.


Vị giám đốc trường M.I. vừa hướng dẫn Khanh, Ngọc và Khiêm đi xem từng phòng vừa giải thích: Trường gồm nhiều phòng học, phòng thực tập, phòng thâu băng/video, phòng hòa tấu, phòng thực tập trình diễn, phòng ăn, v.v…Mỗi vị giáo sư dạy tại trường này là một thiên tài sống trong địa hạc nhạc rock. Mỗi giáo sư dạy và chịu trách nhiệm cho một sinh viên, trong một phòng riêng, được trang bị video và nhạc cụ cần thiết cho môn học của sinh viên đó. Trường mở cửa suốt 24 tiếng đồng hồ để sinh viên – tùy vào thời khóa biểu riêng – có thể đến thực tập bất cứ lúc nào. Trường M.I. còn đòi hỏi sinh viên phải có trình độ hiểu biết về nhạc lý cũng như xử dụng nhạc cụ ở mức độ thượng thừa trước khi được tuyển vào.

Nhớ lại những lớp nhạc lý, hòa âm và thực tập mà mình đã vượt qua khi theo học với Jack, Khiêm rất tự tin. Trong khi mặt Khiêm hớn hở, môi cứ mỉm cười và mắt ngời sáng vì niềm vui sắp toàn vẹn thì Ngọc lại thầm lo, không biết Khiêm có được nhận vào hay không. Mặc cảm chủng tộc gợn lên trong lòng sau khi Khanh và Ngọc xem qua danh sách sinh viên đã tốt nghiệp – từ ngày trường được thành lập cho đến nay – không thấy tên họ của một sinh viên Việt Nam nào cả!

Lúc ngồi tại phòng ngoài chờ Khiêm thi khảo hạch, Ngọc thấy hầu hết sinh viên đều để tóc dài, ăn mặc luộm thuộm, xóc xếch. Thì ra ở đâu cũng vậy! Nghệ sĩ lúc nào cũng sống tự nhiên, buông thả và dung dị.

Thấy vài sinh viên người Á Đông, Ngọc đến hỏi thăm, mới biết họ đến từ Nhật, Hồng Kông, Phi Luật Tân, v.v…Nhiều người da trắng, tóc màu nhưng nói tiếng Anh rất nặng giọng; vì họ đến từ Pháp, Anh, Bỉ, Úc, Đức, Thụy Sĩ, v.v… Nghĩ đến cảnh Khiêm lạc lõng giữa những người không cùng chủng tộc, bất giác Ngọc thở dài, thương con vô cùng!

******

Nghe tiếng microwave tít tít, báo hiệu tô mì gói đã nấu xong, Khiêm trở ra bếp, mở tủ lạnh, lấy chai nước ngọt và cái nĩa rồi bưng tô mì ra phòng gia đình, nhấn remote control mở TV. 

Vừa trộn tô mì Khiêm vừa nghĩ, ăn uống như thế này mà có Măng ở đây thì thế nào cũng bị “cự nự”. Suốt ngày bận học và thực tập tại M.I., Khiêm không cảm thấy nhớ Mẹ; nhưng mỗi chiều, ăn vội tô mì gói để kịp lái xe đến dạy nhạc cho một nhóm người, Khiêm cứ nhớ lời Măng dặn: 

-Con cố tránh dừng ăn mì gói. Nếu phải ăn mì gói thì con không nên mua loại mì do tụi Tàu làm. Khi nấu mì gói, nhớ cho thêm thịt hoặc nấu xong, con cho thêm hai trứng gà vào thì mới đủ chất bổ dưỡng. 

Khi nào Măng dặn dò, Khiêm cũng “dạ, dạ” cho xong. Bất giác Khiêm thở dài. Lúc ở nhà, có Măng lo cho mọi điều; bây giờ ở tạm nhà chú thiếm Châu để đi học, Khiêm chẳng biết làm thế nào để tự lo cho mình về vấn đề ăn uống!

Trên đường Khiêm lái xe đến lớp dạy nhạc, tự dưng trời nổi con giông gió và cơn mưa trái mùa trút xuống tầm tả. Khi lái xe ngang qua một nhà hàng sang trọng của người Ý, Khiêm chợt mỉm cười, nhớ lại, trước khi xin được việc dạy nhạc, Khiêm đã đến nhà hàng Ý này xin việc làm. 

Biết Khiêm đưa đơn xin việc làm tại nhà hàng, Ngọc cản, bảo Khiêm hành động như vậy làm tổn thương đến danh dự của Cha Mẹ; bởi vì có đứa con út mà phải để con đi làm bồi bàn! Khiêm cho rằng lý do Ngọc đưa ra không thực tế. Khiêm nghĩ, không biết trong giới tài tử, ca nhạc sĩ, những nhà khoa bảng cũng như những người nổi tiếng ở Mỹ, đã có được bao nhiêu người không qua giai đoạn làm bồi bàn? Thế thì tại sao Măng không cho Khiêm đi làm? Tiền học mỗi năm trả cho M.I. quá cao, Khanh và Ngọc lại mua cho Khiêm chiếc xe mới toanh, trong khi cả Khanh lẫn Ngọc đều đi xe cũ! Vì thấy rõ sự hy sinh của Cha Mẹ, cho nên, khi nhà hàng Ý điện thoại, bảo Khiêm đến để phỏng vấn, Khiêm rất vui mừng.

Bước vào phòng quản lý, Khiêm tươi cười bắt tay, chào hỏi và hy vọng. Người quản lý nhìn Khiêm, cười, bảo: 

-Không cần phỏng vấn. Tôi nghĩ anh sẽ làm việc tốt. Tôi mướn anh ngay với điều kiện anh phải cắt tóc ngắn. 

Ý da! Điều kiện gì chứ điều kiện đó là không được rồi! Vì nghĩ ngợi miên man và cũng vì mưa xối xả, Khiêm chẳng thấy được đèn vàng chỗ ngã tư…và…rầm!

******

Vừa vào nhà, thấy điện thoại có dấu hiệu ai để lại lời nhắn, Ngọc nhấn nút. Giọng Khiêm có vẻ yếu ớt: “Ba Măng! Con bị tai nạn. Xe hư nặng, phải để trong shopping center chỗ ngã tư Paramount và Rosegrant!” 

Sau khi gọi lại cho Khiêm và vợ chồng Châu nhiều lần mà cũng không ai trả lời, Khanh tìm điện thoại của người bạn ở vùng Anaheim, nhờ đến nhà Châu xem tình trạng của Khiêm và đến địa điểm xe hư để xem xét tình trạng của chiếc xe.

Trong khi Khanh gọi điện thoại cho bạn, Ngọc đến trước bàn thờ Phật, quỳ xuống, nước mắt rưng rưng, nhìn lên tượng Phật Quan Thế Âm, khấn nguyện: 

-Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tác! Nếu những rủi ro trong đời có xảy đến, xin hãy trút hết cho con; xin Ngài che chở cho các con của con!

Điện thoại nhờ bạn xong, Khanh đến thắp nhang, lạy rồi cũng quỳ cạnh Ngọc. Lúc này Ngọc mới nhớ là lúc nãy nàng đã quên thắp nhang. Ngọc vội sụp lạy như tạ tội. Khanh vỗ vai Ngọc, thì thầm:

-Khiêm không sao đâu, em đừng quýnh!

-Nếu Khiêm không bị gì, tại sao nó không trả lời điện thoại hoặc gọi lại cho mình?

-Thì con nó sợ, nó không dám gọi.

-Nhưng em gọi lại hoài cũng không gặp ai là sao? Có phải nó ở nhà thương mà chú thiếm Châu và nó muốn giấu mình hay không?

Khanh cũng hơi lo sau khi Ngọc đưa ra giả thuyết. Vừa khi ấy điện thoại reng. Ngọc chạy xuống nhà bếp. Khanh chạy theo, chụp điện thoại “allo” trong khi Ngọc nhấn speaker. Giọng người bạn nghe rất rõ:

-Tao đến địa chỉ của em mày, không ai ở nhà. Đến xem chiếc xe, tao thấy đầu chiếc xe nát bét!

Ngọc gần như hoảng loạn:

-Em phải qua đó ngay.

Vừa bước đến computer Khanh vừa bảo:

-Từ từ để anh vào Google, tìm số điện thoại, gọi các hãng máy bay.

-Chuyến càng sớm càng tốt, nha, anh!

Trong khi Khanh lo việc vé máy bay, Ngọc xếp quần áo cho vào va-ly. Một lúc lâu, Khanh bảo:

-Ngọc! Không có hãng máy bay nào còn chỗ cho ngày mai.

-Mình đi xe.

-Đi xe thì đi, em phải bình tĩnh. Em và anh phải gọi vào sở để lại lời nhắn, nếu không là mất việc!

Nhận thấy Khanh trầm tĩnh, giải quyết mọi việc đâu ra đó chứ không bấn loạn như nàng, Ngọc nhìn Khanh bằng ánh mắt biết ơn.

Vừa đem va-ly ra xe Khanh vừa trấn an Ngọc mà cũng như tự trấn an chàng:

-Mình ăn ở hiền lành, con mình sẽ được Phật Bà che chở. Hiện tại mình không thể  làm gì được, chỉ biết cầu nguyện thôi.

Chiếc xe lướt nhẹ trên xa lộ vắng hơn ban ngày. Ngại sự vắng vẻ làm cho Khanh dễ bị buồn ngủ, Ngọc lấy CD cho vào máy. 

Tiếng đàn và giọng hát làm cho sự lo âu trong lòng Ngọc từ từ lắng xuống. Khi tiếng saxophone “rúc” lên bản Đỗ Quỳnh Hương của Đức Huy, Ngọc nhận ra ban nhạc chơi bài này theo thể điệu gần giống như Reggae của Jamaica. Âm  hưởng nhạc không trọn, nghe xa vắng lạ lùng. Ở đoạn điệp khúc Ngọc cũng bắt gặp những biến âm rất lạ, làm buốt lòng người nghe.

Lắng nghe một lúc, Ngọc nhận ra, những biến âm này dường như nàng đã nghe đâu đó. Phải rồi, trong đoản khúc mà Khiêm thường đàn bằng acoustic guitar, lúc Khiêm học về Kiến Trúc tại University of Houston. Đoạn nhạc của Khiêm tuy êm đềm, tha thiết, nhưng những biến âm cũng bất ngờ/cũng xa vắng/cũng khác lạ. Lần nào đàn xong Khiêm cũng nghênh mặt cười, hỏi bằng tiếng Anh: 

-Măng thấy sao?

Ngọc đáp bằng tiếng Việt, nhưng gặp những chữ khó cho Khiêm hiểu, Ngọc phải xen tiếng Anh: 

-Rất hay và lạ!

Khiêm phải đáp bằng tiếng Anh: 

-Măng biết sau khi nghe con đàn đoạn này, ông Jack nói gì không?

Ngọc lắc đầu. Khiêm tiếp: 

-Ông Jack nói đoạn nhạc này mang âm hưởng dòng nhạc của thế kỷ thứ mười sáu!

-Trời! Măng có biết nhạc của thế kỷ mười sáu như thế nào đâu!

Khiêm rùn vai.

Trong khi Ngọc nghĩ đến Khiêm với tất cả niềm thương nhớ thì Đức Huy đang hát một ca khúc khác mà Ngọc không nhớ tựa. Tiếng hát của Đức Huy khàn khàn làm cho Ngọc liên tưởng đến giọng khàn và đục của Rod Stewart, Kenny Rogers và giọng hơi khàn nhưng cao của Andy Gibb.

Nghĩ đến Andy Gibb tự dưng lòng Ngọc chùng xuống vì nhớ Khiêm và mẫu đối thoại ngắn vào một buổi chiều, sau khi Khiêm đi học về. Bước vào nhà, Khiêm đi thẳng xuống bếp, hỏi bằng tiếng Việt “ba rọi”: 

-Măng! Măng “bét gi hon”? (Măng biết gì không?)

-Gì, con?

-Ca “xi” “cua” Mommy… “chét ròi”! 

-Ai vậy, con? 

-Andy Gibb “đô”! 

Ngọc tròn mắt ngạc nhiên, nhìn Khiêm rồi lặng thinh trong nỗi buồn chợt đến. Thấy Ngọc xúc động, Khiêm bẹo má Ngọc: 

-Ô! “Tọi nghẹp” Mommy “hon”! (Tội nghiệp Mommy hông!)

Nói xong Khiêm choàng tay qua vai Ngọc, mỉm cười.

Từ ngày đứa con út xa nhà, Ngọc không có được những giây phút đầm ấm như vậy nữa. Ngọc thở dài, buồn lặng lẽ. Nhìn xa xa, Ngọc thấy họ hàng nhà Cactus – cây bàn chải, cây xương rồng – như đang vươn mình trong những tia nắng đầu ngày để chào đón Khanh và Ngọc trở lại vùng Arizona thiếu mưa nhưng hực nắng. 

Khanh cho xe rời xa lộ, rẽ vào thành phố Phoenix để dùng điểm tâm.Trong khi ăn sáng, Ngọc đề nghị, trước khi rời Phoenix, Khanh nên chạy ngang nhà cũ xem ngôi nhà thay đổi như thế nào.

Từ lề đường nhìn vào ngôi nhà xưa, lòng Ngọc vươn buồn. Cây Arizona shade ngay giữa sân chính là nơi Khiêm ngồi buồn hiu mong bạn vào chiều sinh nhật đầu tiên của Khiêm, tại Phoenix – sau khi gia đình Khanh Ngọc sang Mỹ theo diện H.O. được vài tháng.

Hôm ấy, sau khi được Khanh và Ngọc cho phép, Khiêm mời ba người bạn Mỹ cùng lớp, tối đến nhà ăn kem, mừng sinh nhật của Khiêm. Với ánh mắt ngời sáng niềm vui, Khiêm trải khăn bàn, lấy bốn ly nhựa, bốn muỗng nhựa và mấy tờ khăn giấy để giữa bàn rồi ra ngồi trên cỏ, dưới gốc cây Arizona shade, chờ bạn. Chờ từ sáu giờ chiều cho đến chín giờ tối, không ai đến, Khiêm lủi thủi dẹp tất cả mọi thứ trên bàn!

Thấy Khiêm buồn, Ngọc xốn xang trong lòng nhưng không biết giúp con bằng cách nào! Cả Khanh và Ngọc phải đi xe bus để đi làm thì xe hơi ở đâu mà đi đón bạn cho con? Nhà cũng không có điện thoại – vì không có tiền đóng thế chân – thì làm thế nào Ngọc có thể tìm hiểu được lý do tại sao cả ba đứa bé đều không đến?

Hôm sau, sau khi tan trường, Dana đưa Khiêm và Kirk – con của Dana – về nhà Ngọc. Ngọc kể lại câu chuyện chiều hôm trước cho Dana và Kirk nghe. Dana giải thích rằng chính Dana đưa Kirk, Jaden và Steve đi tìm nhà Khiêm mà tìm không ra; vì đường Walnut bị cắt nhiều đoạn và nhà Khiêm lại không có điện thoại cho nên Dana không thể điện thoại để hỏi directions! Ngọc hỏi Khiêm tại sao không vẽ lên giấy cho bạn dễ tìm? Khiêm trình bày: 

-Con vẽ trên đất. Nhưng con chỉ biết nói: You go this way, you go that way…!

Ngày nào tiếng Anh của Khiêm như vậy; bây giờ, người Việt nào điện thoại hỏi Khanh hoặc Ngọc, Khiêm đáp: “Dạ, bac ‘wait’, con đi…lái!”(Con đi…lấy)

Nhớ đến đây, Ngọc thở dài. Hồi đó tuy nghèo, nhưng vợ chồng và các con chung một mái nhà, cùng nhìn về một hướng tương lai. Bây giờ cuộc sống đầy đủ nhưng các con tản mác mỗi đứa một nơi và mỗi người nhìn về tương lai bằng một ý niệm riêng – chỉ có Khanh và Ngọc cùng thấy mái tóc của nhau thưa đi và trắng dần!

******

Xe ngừng trên driveway. Sau một tuần đi chơi xa, các con của vợ chồng Châu nôn nóng mở cửa xe, chạy vội vào nhà, đập cửa ầm ầm, gọi:

-Anh Khiêm! Anh Khiêm! Mở cửa! Mở cửa!

Châu bảo:

-Nhấn chuông chứ sao lại đập cửa? Anh Khiêm đâu có ở nhà mà các con gọi? Xe anh Khiêm không có ở đây, thấy không?

Bất ngờ, Khiêm mở cửa, khom người, đón ba đứa em chú bác vào vòng tay. Châu cùng vợ xách va-ly vào. Ngồi nơi xa-lông cởi giày, Châu hỏi:

-Khiêm! Xe của con đâu, sao chú không thấy?

Khiêm ngại ngùng một lúc rồi kể lại sự việc cho Châu nghe. Biết Khiêm không hiểu tiếng Việt nhiều, Châu nghiêm giọng, nói tiếng Việt pha tiếng Anh:

-Con không làm như vậy được! Con phải trực tiếp cho Ba Măng của con hay là con bình yên để Ba Măng khỏi lo.

-Con không dám nói chuyện trực tiếp với Ba Măng của con đâu.

-Tại sao? Con lầm lỡ thì phải nhận lỗi chứ.

-Dạ, con “bét loi cua con”.

-Vậy thì con cứ mạnh dạng cho Ba Măng …

Nói ngang đây, Châu dừng lại, nhíu mày rồi tiếp:

-Con không gọi về nữa nhưng tại sao Ba Măng của con không gọi lại? Lạ vậy?

-Dạ, con có biết Ba Măng của con gọi lại hay không đâu, chú! Từ bữa đó đến nay, phần vì sợ, phần vì không có xe và không có ai ở nhà, con qua ở tạm nhà thằng Scott, trả tiền xăng cho nó, nhờ nó chở con đi học, đi dạy và đón con về.

-Được rồi! Con gọi về giải thích với Ba Măng con đi.

Khiêm ngần ngừ, dáng vẻ rất ngai ngùng:

-Thôi, chú ơi! Hồi đó Ba của con thường kể câu chuyện Ba con làm mất cái xe đạp cho nên con sợ lắm!

-Chuyện hồi trước Ba con làm mất cái xe đạp như thế nào? Có liên hệ gì đến tai nạn của con hay không?

-Da không. Tại vì, hồi đó Ba con thi đậu trung học đệ nhất cấp, ông Nội mua cho Ba con cái xe đạp. Vài tuần sau, Ba con mê đá banh, quên khóa cho nên xe đạp bị mất cắp. Về nhà, Ba con bị ông Nội “đét” cho một trận nên thân! Đó, chú thấy, chỉ mất có cái xe đạp mà Ba của con còn bị đòn như vậy; bây giờ con làm “tiêu” luôn cái xe hơi thì…cái gì sẽ xảy ra cho con?

Vợ chồng Châu cùng cười cho sự ngây thơ của đứa cháu bị “kẹt” giữa hai nền giáo dục Việt Mỹ. Châu khuyên:

-Ba Măng của con sống ở Mỹ cũng khá lâu; Ba Măng của con không hành xử như vậy đâu. Con cứ gọi cho Ba Măng để Ba Măng yên lòng. 

Nói xong, vợ chồng Châu vào phòng. Khiêm lặng yên suy nghĩ.

Vừa xoay người – với ý định lấy điện thoại trên bàn – Khiêm chợt nghe tiếng cửa xe đóng “rầm”. Tò mò nhìn qua cửa sổ, Khiêm thấy Ngọc đang vội vã đi vào và Khanh đang mở thùng xe, lấy va-ly. Nghĩ rằng mình sợ quá rồi bị ám ảnh, Khiêm chớp mắt nhiều lần nhưng vẫn thấy Ngọc đi băng ngang sân cỏ. Tiếng chuông cửa xác định cho Khiêm biết rằng Khiêm sắp phải trực diện với sự thật mà Khiêm đang cố né tránh. Khiêm mở cửa. Nhưng vì sợ quá, Khiêm đứng nép sau cánh cửa. Ngọc bước vào, gọi:

-Chú thiếm ơi!

Không ai trả lời. Ngọc gọi lần nữa. Tiếng Châu từ bên trong:

-Ai đó? Chờ chút.

Giọng Ngọc trở nên nôn nóng:

-Chú ơi! Cháu Khiêm sao rồi, chú?

Châu chưa kịp đáp, Khiêm rụt rè bước ra từ sau cánh cửa:

-Măng! Con nè, Măng!

Ngọc giật mình, tròn mắt. Nhìn từ đầu xuống chân, thấy Khiêm không thương tích gì cả, Ngọc vui mừng, vói tay lên vai Khiêm – vì Khiêm rất cao và năng tập thể dục:

-Trời! Con không sao hết hả? Cảm ơn Phật Bà. Tại sao con nép sau cánh cửa?

-Dạ, con “xơ”, con… “chón” Măng. (con sợ, con trốn)

Thấy Khanh bước vào, Khiêm vội nói lý nhí tiếng Anh vì ngại Khanh nổi giận:

-Con rất tiếc đã làm “tiêu” cái xe của Ba Măng.

-Măng không lo gì về cái xe; Măng chỉ lo cho con thôi.

Khanh nghiêm giọng:

-Cậu có biết là cậu làm cho Măng của cậu rối tâm rối trí mấy hôm nay hay không?

Khiêm nhìn Ngọc bằng ánh mắt chan chứa tình thương:

-Ô, “tọi nghẹp” Mommy “hon”! I’m sorry!

Ngọc vịn tay Khiêm, cười, lòng quên hết đoạn đường mệt nhọc vừa qua!

******

Buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường M.I. được tổ chức trong hý viện ngoài trời, bên ngọn đồi nhỏ, trong lòng Hollywood. Trong tiếng bass thật ấm, thật rền của ban nhạc rock thời danh, Ngọc thấy khung cảnh quanh nàng rất vui, rất rực rỡ với những chùm bong bóng và giấy màu bay lơ lửng trong không gian.

Sau khi ngõ lời nhắn nhủ đến các sinh viên tốt nghiệp, vị hiệu trưởng của trường M.I. cũng không quên cổ động và khích lệ tinh thần những sinh viên còn theo học. Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường.

Đến phần trao văn bằng cho từng sinh viên, Ngọc nghe xướng ngôn viên đọc tên sinh viên nào thì người đó bước lên sân khấu – trong tiếng nhạc rộn ràng và tiếng vỗ tay vang dội – để nhận văn bằng. Này Albert, Anh quốc; kia Alain, Pháp; nọ, Charles, New York, v.v… Kia rồi, “Khi…e..m…Wu..y…e…n”. Ngọc ngồi thẳng người để nghe cho rõ hai tiếng Việt Nam theo sau; nhưng lạ chưa, họ dõng dạc đọc Texas! 

Nhận văn bằng xong, Khiêm đến bên Ngọc và Khanh với nụ cười tươi. Ngọc lại vói tay lên vai con, nói nhỏ:

-Chúc mừng con!

-“Cam on” Mommy!

Sau khi lễ ra trường chấm dứt, trên đường ra bãi đậu xe, Ngọc hỏi Khiệm:

-Khiêm! Con nhớ, trước khi Ba Măng đồng ý cho con sang học tại trường M.I., con đã hứa với Măng điều gì không?

Khuôn mặt của Khiêm đang rạng rỡ chợt thoáng buồn, giọng thật nhỏ:

-Da, con “nhó”. (Con nhớ)

-Lúc nào Cha Mẹ cũng nhìn xa và chỉ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con thôi. Con hiểu không? Hồi xưa ông bà Ngoại không cho Măng trở thành nghệ sĩ trình diễn, Măng buồn. Nhưng, nhìn lại cuộc đời của Măng, Măng thầm cảm ơn ông bà Ngoại đã sáng suốt khi quyết định không cho Măng đi vào con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp. 

Im lặng. Ngọc tiếp:

-Con thích được học nhạc từ trường M.I. lừng danh này thì Ba Măng cho con đi học – chỉ với mục đích để con có được môn giải trí thanh cao. Con nhớ là Măng đã cho con biết: Không phải tất cả mọi người xuất thân từ trường M.I. đều trở thành Rock Stars. Dù có trở thành Rock Starts đi nữa thì, con đường của nghệ sĩ trình diễn chỉ “vinh quang” trong những giờ phút trước công chúng, trong tiếng vỗ tay và ánh đèn màu. Khi ánh đèn sân khấu tắt đi thì biết bao nhiêu áp lực ùa đến; do đó, nghệ sĩ trình diễn thường tìm khuây bằng những thói quen độc hại. Con hiểu ý của Măng chứ? Măng đã giải thích với con trước khi Ba Măng đưa con sang đây và con cũng đã hứa với Ba Măng là sau khi tốt nghiệp tại M.I., con sẽ trở lại trường đại học để học cho xong bằng Kiến Trúc. Con nhớ không? 

-Con “biet roi”.

-Con về ghi danh cho kịp học niên khóa này, nha, con!

-Okay.

-Con buồn Măng nhiều  không?

-Da, co, ma it it thoi! (Dạ, có, mà ít ít thôi!)

Ngọc cười, lòng cảm thấy thương con vô vàn!


ĐIỆP MỸ LINH

*Hình của M.I. trên internet.

http://www.diepmylinh.com/