2014/07/23


TÌNH NHƯ LÁ THU

Tới tháng ba năm nay là bà tròn tám mươi mốt tuổi. Nhưng với mái tóc nhuộm đen nhánh, với hàng lông mày được xâm theo hình lá liễu cong cong, với cặp môi tô son đỏ – màu của sự gợi cảm, người đối diện nghĩ rằng bà chừng bảy mươi lăm là cùng. 
Vốn là nhà thời trang nổi tiếng của thành phố Sài Gòn trước đây, bà cố gắng ăn uống điều độ và tập thể dục hàng tuần để thân hình không phì nhiêu cũng không nhão nhét. Trời cũng không phụ lòng mong đợi của bà. Càng nhìn bà, người ta càng kinh ngạc, cứ tưởng thời gian đã quên đi, không hề nhớ tới sự hiện hữu của bà trên cuộc đời này.

Cách đây tám năm, chồng bà mất. Mất chồng ở tuổi bảy mươi ba đúng là một bi kịch. Ban ngày bà loay hoay đi ra đi vào một mình, ban đêm bà trằn trọc không ngủ vì nhớ tiếng ho nhè nhẹ của ông, nhớ tiếng dép lẹp xẹp trên sàn gỗ, nhớ tiếng nước chảy vào ly thủy tinh mỗi khi ông rót trà... Mất chồng ở tuổi bảy mươi ba, bà không khóc lóc như những phụ nữ trẻ tuổi, bà chỉ bàng hoàng trong im lặng, đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng đôi môi bà cứ run run như muốn gọi tên ông.

Rồi những ngày tháng lạnh lùng kinh khủng đó đóng chặt lại và trở thành quá khứ sau khi bà gặp ông Luân trong một cuộc tiệc cưới cháu ngoại của người bạn. Hôm đó bà ngồi bên cạnh một người đàn ông có mái tóc bạc được hớt cao gọn ghẽ, có giọng nói chậm rãi nhưng ấm áp, có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt tới bà khiến bà cảm thấy lạ lùng trước điều đó. Ông Luân chỉ phục vụ một mình bà, thỉnh thoảng ông gắp thức ăn để vào trong chén của bà, ông hỏi bà ngon miệng không, ông lựa những phần gỏi bắp cải không có ớt vì sợ bà cay, thậm chí ông thận trọng lột vỏ từng con tôm xú luộc rồi đưa bà ăn. Bà cảm kích nên hỏi tên ông, hỏi tuổi ông. Ông không giấu diếm, ông nói ông đã bảy mươi bảy tuổi rồi.

Bà nhìn ông cười, ánh mắt lẳng lơ:
-Bảy mươi bảy tuổi còn yêu được không nhỉ?
Ông Luân cũng nheo nheo mắt nhìn bà, cười đáp lại:
-Sao lại hỏi vậy? Cứ yêu thử đi rồi biết.

Tối hôm đó bà đi lòng vòng trong cư xá nửa tiếng đồng hồ để suy nghĩ thật chín chắn rồi quyết định gọi điện thoại cho ông. Chuông vừa reng lên một tiếng ngắn là ông mở máy trả lời liền, cứ như suốt cả buổi tối ông chỉ làm mỗi một việc là ngồi rình cái điện thoại, đợi nó reng lên là bấm nút “A-lô” ngay. Ông hỏi bà đang làm gì, bà nói bà đang đi bộ trong cư xá. Ông nói ông sẽ đến để cùng đi bộ với bà. Bà không tin lắm, nhưng chỉ cười cười. Vậy mà ông đến thật.Ông đưa cho bà một ly giấy to tướng đựng đầy bắp rang, bà chìa tay cầm lấy và trong một thoáng bà cứ ngỡ vẫn còn đang ở tuổi mười tám đôi mươi. Bà hít một hơi dài rồi ngước lên nhìn ông bằng đôi mắt có hàng trăm vì sao trời đang lấp lánh trong đó.

-Em thấy bắp rang ở đây không thơm như bắp rang ở Sài Gòn.
-Ừ, bắp rang trên con đường Hai Bà Trưng thơm mùi bơ. Anh nhớ mỗi lần đi ngang xe bắp rang bơ là phải dừng lại, mua một gói, rồi vừa đi vừa ăn vì không thể nhịn thèm nổi.
Bà cười khẽ. Giọng cười của bà dù có khàn đi nhưng nghe cũng còn quyến rũ lắm.
-Có những món ăn ngày xưa em thích mê tơi, thí dụ món ốc leng xào dừa, ngày nào em cũng phải ăn một dĩa đầy mới đã, còn bây giờ mới nhìn thấy là ngao ngán liền. Em không hiểu tại sao nữa.
-Vì bây giờ mình trưởng thành hơn, mình hưởng thụ cũng nhiều hơn nên cơ thể cảm thấy không cần thêm nữa. Chỉ mới vài năm trước anh còn khoái ngồi uống bia với bạn bè, tối nào cũng phải một chai ướp lạnh mới ăn cơm được, nhưng từ sau lần anh bị ói ra mật xanh phải vào bệnh viện, nghe nhắc tới bia hay nhìn thấy chai bia là anh xanh mặt liền.

Không khí ban đêm lành lạnh nên bà đi sát vào người ông, nép vai bà bên vai ông, nhưng bà vẫn cố ý đút hai bàn tay vào trong túi áo khoác để có một lần vải ngăn cách giữa hai người.Ông Luân nhận ra điều đó. Ông tìm ngón út của bà và giữ chặt nó một lát trong tay ông. Xuyên qua lớp vải dày của chiếc áo khoác, bà vẫn cảm nhận được sự rung động nhẹ nhàng của người đàn ông có độ tuổi đã chấm tới con số bảy mươi bảy. Bà im lặng, không rụt ngón tay lại, để mặc cho trái tim đột nhiên thay đổi nhịp đập rộn ràng như pháo nổ ngày Tết. Bà cần tình yêu như như đũa có cặp, bà cần một người đàn ông bên cạnh bà như dép có đôi. Bà sẵn sàng thú nhận bên tai ông điều đó mà không cảm thấy xấu hổ.

Ông Luân có tiền hưu, có tiền con cái chu cấp, có tiền tiết kiệm trong ngân hàng nên cứ đến cuối tuần là ông dẫn bà đi ra khỏi thành phố, tận hưởng một không gian vắng lặng chỉ có hai người. Những nụ hôn hiếm hoi ông dành cho bà thật nồng nàn trên trán, trên má, nơi khóe môi. Bà cũng đáp lại cuồng nhiệt, bà ôm ghì lấy đầu ông, vừa hôn vào mép tai ông vừa vò vò mái tóc bạc được hớt cao gọn ghẽ. Ông Luân thích thú trước tình cảm của bà, bấu bấu những ngón tay có móng hình vuông được cắt ngắn vào vai bà. Họ ngồi trên băng ghế đá âu yếm nhau mười lăm, hai mươi phút giữa khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, tĩnh mịch và đồng lõa. Tình yêu mà họ dành cho nhau chỉ có vậy thôi, có muốn hơn nữa thì cũng không được bởi vì ở tuổi bảy mươi bảy, khả năng tình dục của ông đã hết rồi – đã chết rồi!

Hai người thuê một ngôi nhà gỗ ở bìa rừng để họ có thể lái xe đến đó bất cứ lúc nào họ muốn. Chiều cuối tuần, ông Luân ngồi bên bờ suối câu cá, bà ngồi bên cạnh nép vào ông, theo dõi từng con cá vô tư lượn lờ qua qua lại lại nhưng chẳng con cá nào tỏ vẻ thích miếng mồi trùn sống đang ngo ngoe của ông. Thỉnh thoảng bà cười tủm tỉm khi thấy ông sốt ruột thở dài vì cá không cắn câu. Bà đặt bàn tay phải của bà lên đùi ông như khích lệ, thấy vậy ông cũng đặt bàn tay trái của ông lên bàn tay bà và giữ thật lâu. Đột nhiên bà nhổm người lên chỉ xuống dòng suối, khuôn mặt bà hớn hở với giọng nói vang vang như xé toạt sự yên tĩnh của thiên nhiên:

-Kìa, cá dính câu rồi kìa anh! Giựt lên đi! Giựt lên đi!
Ông Luân dùng cả hai tay giựt chiếc cần lên cao, miệng nở nụ cười thật rộng khi nhìn thấy một con cá đang vùng vẫy dữ dội nơi đầu sợi dây. Bà mở nắp máy chụp hình ra và chụp ông vài tấm hình cùng với “chiến lợi phẩm”. Sau đó ông vụng về loay hoay gỡ con cá tội nghiệp ra khỏi chiếc lưỡi câu và nhẹ nhàng thả nó xuống nước. Con cá sung sướng quẫy mạnh cái đuôi,lướt sang chỗ khác sau khi bị một phen hoảng hốt.

Hai ông bà sống hạnh phúc với nhau được ba năm thì ông Luân tỏ ý muốn đi du lịch sangCanada để thăm con cháu. Bà vui vẻ để ông ra đi. Nhưng sau đó con cháu ông viện cớ ông đã tám mươi tuổi rồi, sức khỏe yếu kém lại bị thấp khớp nên họ không cho ông quay trở về với bà nữa. Khi nghe ông thông báo tin tức đó qua điện thoại, bà chưng hửng – nhưng đành thở dài cam chịu. Một lần nữa bà chấp nhận cảnh cô đơn, nhưng lần này sống cô đơn ở độ tuổi bảy mươi sáu, ở độ tuổi bà nhận ra mình đang già đi thật nhanh, là điều bà không thể quen thuộc nổi. Tạo hóa đã sinh ra muôn vật sống phải có đôi, có cặp, bà không thể sống trái với quy luật sinh tồn của Tạo hóa. Bà cần một người đàn ông, cho dù người đàn ông đó đang lọm thọm chống gậy ở tuổi tám mươi thì ông cũng vẫn là một người đàn ông!

Trong một buổi tiệc cưới của đứa cháu ngoại của một người bạn khác, bà tình cờ ngồi bên cạnh ông Nguyện và một lần nữa duyên số lại kết hợp hai ông bà với nhau. Tuổi tám mươi nhưng ông Nguyện còn khỏe mạnh, còn lái xe được và đi đứng thẳng thớm chứ chưa đến nổi phải vịn tường lết đi từng bước. Ông Nguyện sống một thân một mình, đám con lớn có vợ có chồng ra riêng hết chẳng thèm ngó ngàng tới cha gì, thỉnh thoảng cuối tuần bọn họ ghé vào thăm ông, hỏi han mấy câu: “Ba có mạnh giỏi không?”, “Ba có cần ăn uống gì không?”, rồi lên xe dông đi mất.

Thấy tội nghiệp ông, bà mở lời đề nghị:
-Anh dọn qua ở với em luôn đi.
Ông nhìn bà, ngỡ ngàng rồi lắc đầu:
-Cảm ơn em, nhưng anh không muốn làm phiền em đâu.
-Phiền gì mà phiền? Coi như anh với em góp gạo nấu cơm chung. Anh nấu cơm thì em rửa chén. Em quét nhà thì anh lau nhà.
Ông bóp bóp bàn tay bà, giọng nói tràn ngập cảm xúc:
-Cảm ơn em. Để anh thu xếp rồi anh sẽ trả lời em sau.

Nhưng rồi ông Nguyện giải quyết theo cách khác, ban ngày ông ở nhà bà, ban đêm ông về nhà ông, họ sẽ sống với nhau không hẳn như hai người tình mà là như hai người bạn, dù sao “tương kính như tân” vẫn hơn “thân quá hóa lờn”. Bà lắc đầu chịu thua, đành phải làm theoquyết định của ông. Nhưng rồi bà lại thấy ý kiến đó hay ho và thú vị. Buổi sáng ông lái xe đến, nhẹ tay mở cửa và bước vào trong nhà cùng với một món ăn điểm tâm cho hai người. Tính bà thích trang điểm kỹ lưỡng cho nên sau khi son phấn lượt là xong bà mới bước ra khỏi phòng ngủ để đón ông. Bà quàng tay ôm cổ ông và đi vào bếp pha cho ông một tách cà phê nóng, pha cho bà một tách sữa ca cao. Nơi bàn ăn, chỗ ngồi của ông phải là chiếc ghế đối diện với bà, ông không bao giờ muốn ngồi ở chỗ khác cho dù đó là chiếc ghế đặt bên cạnh bà.

-Tại sao kỳ cục vậy anh?
-Kỳ cục gì đâu? Tại vì anh thích vừa ăn vừa ngắm em vừa nghe em nói. Nhan sắc của em vẫn còn mượt mà và trẻ đẹp trong mắt anh. Giọng nói của em vẫn còn ngọt ngào và êm ái trongtai anh.

Bà biết ông nói thật. Người đàn ông ở lứa tuổi nào cũng có thể nói dối hoặc nói cho qua chuyện, nhưng khi đã bước qua tuổi bảy mươi, họ chỉ thích nói thật. Bởi vì nếu hôm nay họ không nói thật lòng, biết đâu ngày mai họ chẳng còn cơ hội để làm điều đó nữa.
Bà và ông Nguyện ngồi đối diện nhau, vừa nhâm nhi ăn sáng vừa rủ rỉ nói chuyện. Chuyện tuyết rơi ở New York . Chuyện hoa mộc lan nở tím trên cành. Chuyện mấy con quạ kêu ầm ĩ mỗi khi kéo nhau bay ngang qua mái nhà. Chuyện ông Bill đi lượm chai trong bồn rác để mang đi bán kiếm vài đồng. Họ ăn xong bữa sáng rồi mà câu chuyện vẫn chưa dứt.

Buổi trưa nếu bà làm biếng nấu nướng thì ông đi bộ tới tiệm cơm ở bên kia đường để mua hai hộp cơm mang về. Sau đó ông cầm bịch rác to tướng mang ra khỏi nhà, lững thững đi tới bồn rác ở cách nhà khoảng bốn trăm thước, vừa đi vừa hít thở cho tiêu cơm.
Buổi chiều hai ông bà rủ nhau đi lòng vòng quanh cư xá để tập thể dục. Họ bước chầm chậm trong ánh nắng chiều vàng vọt, trong sự im lặng và tĩnh mịch của buổi hoàng hôn.

-Anh có thấy lạnh không anh?
-Không, em. Anh mặc đủ ấm rồi em.
-Một lát nữa mình ăn tối với cái gì nong nóng nghen anh.
-Nếu em thích ăn mì vịt tiềm thì anh đi mua cho.
-Mì vịt tiềm của tiệm Lục Đỉnh Ký ăn được lắm đó anh.
-Ừ. Lát nữa anh đi mua về cho em.

Ông Nguyện chìu chuộng bà như thuở vẫn còn đôi mươi, còn bà thì mềm mỏng và dịu dàng như cô thiếu nữ mười tám. Họ nói chuyện thủng thẳng với nhau, không cáu kỉnh cũng chẳng giận hờn, cứ hết lòng “tương kính như tân” với nhau. Khi bà mệt thì ông đứng sau lưng bà, bóp vai, bóp lưng. Khi ông mệt thì bà đỡ ông nằm xấp xuống, xoa dầu, cạo gió cho ông. Bà nương vào ông, ông tựa vào bà, họ cần có nhau như đũa phải có cặp, dép phải có đôi, không cần biết ngày mai ngày mốt ai sẽ là người ra đi trước, ai là người khóc ai trước, ai sẽ là người tiễn đưa ai trước.

Sau bữa ăn, bà đứng trong khung cửa sổ nhìn theo ông tay cầm bịch rác to tướng, đi chầm chậm tới bồn rác. Mái tóc ông bạc trắng như cước làm trái tim bà gợn lên chút xót thương.Sống với nhau hơn gần hai ngàn ngày (chỉ là ngày thôi, không hề có đêm) bà nhận được biết bao sự chăm sóc tự nguyện mà ông dành cho bà. Bữa điểm tâm sáng nóng hổi. Bữa cơm trưa nhẹ nhàng với dĩa trái cây ngọt ngọt, chua chua. Bữa ăn tối nóng sốt dưới ngọn đèn chùm màu vàng cùng với một ly rượu chát nhỏ chia đôi. Những hình ảnh ấm cúng giữa ông với bà như cuộn phim quay chậm cứ hiện về rõ mồn một trong trí óc khiến có lúc bà mỉm cười một mình khi vân vê tấm rèm vải trong tay, chờ đón ông đẩy cửa bước vào trong nhà.

Tình yêu của người già mong manh như chiếc lá úa vàng trong mùa thu. Lúc đó những chiếc lá khô quắt queo lại chỉ dính một chút xíu vào cành cây chực chờ một cơn gió nhẹ thoảng qua là rơi rụng lả tả. Bà hiểu điều đó nên rất trân quý tình yêu, tình bạn của ông Nguyện dành cho bà. Đi đâu (đi shopping, đi mua sắm) bà cũng năn nỉ ông đi theo, để bà được nắm tay ông, để bà có thể làm bộ hỏi ý kiến ông về món đồ muốn mua, để bà được hưởng cảm giác bà vẫn là một nhân vật quan trọng, quan trọng nhất trong đôi mắt ông.

Tới tháng ba năm nay là bà tròn tám mươi mốt tuổi. Còn ông Nguyện thì được tám mươi lăm. Già thì già, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc – hạnh phúc hơn một tỷ người khác – cho dù hạnh phúc đó vẫn được họ đếm từng ngày sau mỗi buổi sớm mai thức dậy… 

  

 Nguyễn Thị  Bích Nga  (Westminster

2014/07/20


NĂM MƯƠI BỐN NĂM SAU (1960 – 2014)

Niên học 1958-1959 tôi học lớp Đệ tam (lớp 10) ban B tại trường Trung Học Công lập Tống Phước Hiệp của tỉnh Vĩnh Long.
Mới vào Đệ nhị cấp, mọi người ái ngại. lo âu nhưng cũng rất phấn chấn đón nhận với lòng náo nức.
Những bài học của các bộ môn được chúng tôi chủ trương tìm hiểu một cách kỷ lưởng và phải được thông suốt. Có bài đầu tiên của môn Vật Lý đã làm tôi cũng như các bạn chới với. Đó là bài Sai Số của bộ môn Vật Lý do Giáo Sư Ninh phụ trách. Thầy kiên nhẫn nhiệt tình giảng đi giảng lại nhiều lần mà chúng tôi vẫn còn hiểu một cách mơ hồ. Từ đó cho đến bây giờ mỗi khi có dịp nhắc về thầy thì phải nhớ bài học Sai Số và ngược lại.

Cách đây khoảng hai năm, một hôm có một cú điên thoại tìm tôi:
-Xin lỗi : Có phải tôi đang gọi số điện thoại của anh Nguyễn Hồng Ẩn không ạ? Tôi muốn tìm anh ấy! Một giọng nam vang lên mà âm thanh cho phép mình đoán được là một người lớn tuổi.
-Tôi là Ẩn đây! Tôi vội trả lời trong khi thầm nghĩ ai đi tìm mình ở cái xứ lạ quê người này.
-Tông đây Ẩn ơi! Nhớ Tông con của thầy Ninh không?
Làm sao mà quên được thầy kính mến của mình và thằng bạn học chung lớp tại Trường Tống Phước Hiệp khi xưa.
-Trời ơi! Mầy đó hở Tông! Làm sao mầy biết số…của tao.
Và chúng tôi rộn rã thăm hỏi và nhắc lại những chuyện đã qua từ trường lớp cũng như chuyện đời của mỗi đứa từ độ chia tay ở niên học cuối cùng Đệ Nhị.
Ngày bải trường năm 1960, anh em lớp Đệ Nhị (lớp 11) của chúng tôi chia tay nghỉ hè, học ôn bài vở để sửa soạn cho kỳ thi Tú tài 1. Sau khi thi xong, chỉ những ai thi rớt thì hoạ chăng trở về trường xin học lại để chờ kỳ thi năm tới. Những ai đậu muốn học lên phải rời trường vì trường Tống Phước Hiệp dạo ấy không có lớp Đệ Nhất (lớp 12) nên học sinh phải tìm trường khác như Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, Phan Thanh Giản (ở Cần Thơ) hoặc các trường ở Sài Gòn như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương…
Tôi và Tông không gặp lại nhau từ đó. Vậy là hơn nửa thế kỷ với bao vật đổi sao dời, chúng tôi liên lạc lại được nhau nơi xứ lạ quê người. Gia đình anh đang ở bờ Tây nước Mỹ còn tôi ở bờ Đông. Từ khi nối lại liên lạc, thỉnh thoảng “gặp” nhau trên điện thoại và chưa một lần mặt đối mặt nhau.
Tháng bảy năm nay, anh chị lấy tour du lịch quanh vài tiểu bang nước Mỹ và dừng chân thăm gia đình đứa con gái ngụ tại trường Đại Học MIT, Cambridge, MA. Từ nhà tôi đến đây khoảng 10 tiếng đồng hồ lái xe đi về nếu không kẹt xe. Dù rất ngại lái xe đường xa do tuổi già nhưng nếu bỏ qua cơ hội này thì biết đâu sẽ chẳng có dịp gặp tận mặt nhau. Tôi đã và đang ân hận một lần chần chờ khi thăm một bạn rắt thân và không may tôi đã vĩnh viễn chẳng còn có thể gặp lại vì bạn tôi sau đó đã đi xa.
Thế là tôi quyết định cùng bà xã sáng sớm hôm nay (17 tháng 7 2014) lên đường. Ngày này thật đẹp trời và chúng tôi đã bắt tay, ôm choàng mừng nhau, thao thao tâm sự sau 54 năm không gặp.

Rất thỏa dạ! Nhưng chúng tôi vẫn còn mong tái ngộ nếu có dịp. Sau đôi tiếng đồng hồ ngồi bên nhau trước ly trà ấm tình bạn hữu, đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp, đồng chí hướng, đồng cảnh ngộ…Chúng tôi phải chia tay trong lưu luyến và chúc nhau những lời tốt đẹp.
Hẹn tái ngộ…

Anh Tú/Nguyễn Hồng Ẩn
July 20, 2014
PHỐ VẮNG

Nắng xuống chiều rơi phố lạnh buồn
Đường xưa thiếu vắng bóng người thương
Công viên ghế đá nền trăng cũ
Tơ liễu buông mành hứng giọt sương!


Yên Dạ Thảo

17.07.2014
LÁ ĐÊM

Đêm trên phố lạnh tiếng rao buồn
Dưới ánh đèn vàng đọng nhớ thương
Lối cũ thờ ơ vài chiếc lá
Rơi thầm trong gió nhẹ trong sương.


Phong Tâm
20.07.2014
THÁNG BẢY

Tháng by tr về nặng nỗi buồn
Đời con vắng bóng mẹ yêu thương
Phố Vắng Lá Đêm lòng chạnh nghĩ
Kiếp sống con người tựa giọt sương.

Anh Tú
July 20, 2014
MỘT CLIP THẬT VUI

2014/07/16


ĐỘI MƯA DẦM

Mưa dầm ướt nhẹp góc lòng
Đội mưa, lội nước đi rong ngày này!
Đời quen khổ nhọc lá lay
Trần ai ai biết ai sầu hơn ai?!
Tối về. Ngủ. Đến ngày mai...
Hong khô chút đỉnh u hoài trong ta!

Kiều Trinh
Thứ hai 11.10.2010.

CHIỀU TÍM

Quanh đây đôi cánh chim chiều
Lao xao gọi bạn .. hắt hiu ngõ hồn
Trời xa  thẳm tím hoàng hôn
Chợt về bóng tối bồn chồn ngày trôi!


Anh Tú
July 16, 2014

2014/07/15


BẾN SÔNG

Lá me rơi hụt hẩng
Vấp chân cầu trăm năm
Mang niềm riêng ngút ngàn
Gờn gợn ngày xa xăm.

Có những điều không nói
Đem về thả bến sông
Có những điều không dám
Nâng niu- Dẫu một lần!

Lang thang vùng biển nhớ
Khói sóng mờ mờ tan
Hình như mình đang thấy
Vẫn một mình lặng câm

Yêu người sao tức ngực ?
Hít một hơi thật sâu
Yêu em thành khuyết tật!
Thở một hơi thật dài.

Lén nhìn con bướm lượn
Chớp cánh dừng trên hoa
Bướm ơi, bờ giậu ấy
Mắt biếc vời vợi xa.

Hình như vừa ú ớ
Hình như hoa đã tàn
Không sao, mình vẫn đợi
Lang thang là cưu mang.

Ủ những điều không nói
Hạt nẫy mầm thành cây
Và những điều không dám
Giờ thành thơ, thơ ngây.

Dường như chiều đã xuống
Bài thơ này cho ai?
Chỉ một mình tôi biết
Và một mình ta hay.

Hồng Băng

2014/07/14


BUỒN CHI LẠ

Ù ù gió giật ngoài song
Bỗng dưng thờ thẩn nghe lòng buồn hiu
Mưa ào cảnh vật tiêu điều
Vật vờ hồn phách lạc chiều hoang vu.

AnhTú
July 14, 2014

2014/07/11


VẪN

Trôi vẫn trôi...

chiếc thuyền thơ lặng lẽ
Buồn  vẫn  buồn
tiếng khẽ nhịp thời gian
Rơi vẫn rơi
từng chiếc lá  thu vàng
Nắng vẫn nắng
trong chiều mưa ảm đạm

Vẫn  thế thôi ...
mây trời bay chầm chậm
Vẫn chiều tàn
đêm đến, bình minh sang
Vẫn ánh trăng
tròn nở, khuyết mờ tan
Mơ vẫn mơ
trong cõi thơ đầy mộng ...

Yên Dạ Thảo

2014/07/08


NỤ HÔN

Nụ hôn
ngày ấy – bây giờ
Đục dòng thương nhớ, nhạt bờ yêu say

Buồn chan
mắt gió lệ cay
Hương sầu nhuộm đắng tháng ngày thẩn thơ

Nụ hôn
ngày ấy – bây giờ
Hình như ai đã phủ mờ chia ly

Môi trầm
ngày ấy cuồng si
Bây giờ nhợt lạnh còn gì cho nhau

Thôi đành
Chờ tiếp kiếp sau
Nụ hôn còn có tươi màu thuở yêu?

Phạm Đức Mạnh

KHI ẤY*

Nụ hôn tình ái xa xôi
Trinh nguyên dâng hiến làn môi ngọt ngào
Nhớ ôi da diết làm sao
Mùi thơm dạ lý d
ạt dào hương yêu.

Anh Tú
June 23, 2014
Manhattan, NYC
*Cảm tác từ NỤ HÔN của Phạm Đức Mạnh

Ngẫu hứng XUỒNG XƯA

Xuồng xưa đã kéo lên bờ
Không còn neo bến đợi chờ người xưa!
Dãi dầu sớm nắng chiều mưa
Người đi nào biết xuồng xưa…rã rời!

Kiều Trinh
Jul 8, 2014

Đọc XUỒNG XƯA tại:

QUÊ MÌNH*

Con rạch nhỏ chiếc xuồng bơi nhẹ nhẹ
Đôi bờ xanh dừa tre lá giao cành
Em nón lá nghiêng tình trên bến vắng
Quê hương mình thương lắm bóng bần xanh !…

Phong Tâm
06/7/14
*Nhân đọc Xuồng xưa, cảm hứng bất chợt tặng Anh Tú và những người góp công tô điểm.

Đọc XUỒNG XƯA tại:



Mênh mang ngọn sóng vô thường
Lang thang dõi dấu áng tường vân trôi
Tôi cời than của lòng tôi
Lửa hương chợt lóe góc trời mờ sao

Dấu thời gian, phút nhiệm mầu
Thấy em là của buổi đầu lệ e.


Hồng Băng

2014/07/07

XÚC ĐỘNG KHÁM PHÁ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KINH (gốcVIỆT NAM) Ở TRUNG QUỐC

(Lịch sử Việt Nam) - Đối với chúng ta, rất ít người biết có một cộng đồng rất nhỏ (khoảng 22,000) người Jing (người Kinh) sống ở Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) là một “khám phá” gây nhiều cảm xúc. Rồi lúc được biết họ đã rời xa Việt Nam 500 năm mà vẫn cố gắng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt trước sức đồng hóa rất mạnh của TQ, xem những điệu múa, đánh đàn bầu, nghe họ hát tiếng Việt làm ta xúc động…

Vào khoảng thế kỷ 16, có một số người Việt di cư lên phía bắc lập nghiệp ở vùng Trường Bình – Bạch Long. Vùng đất đó bấy giờ thuộc Đại Việt nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì Trường Bình bị sáp nhập vào nước Trung Hoa. Người Kinh tại đây là một trong số 56 dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Người Kinh ở Trung Quốc mặc áo dài truyền thống

Thời gian trôi qua, nhóm người Việt này đã bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Tuy vậy họ vẫn nói tiếng Việt. Họ sinh sống chủ yếu trên 3 đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu), gọi chung là Kinh tộc Tam Đảo, thuộc thị xã Đông Hưng, khu tự trị người Choang Quảng Tây (cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam chừng 25 km) nhưng tiếng Việt của họ đã pha trộn nhiều với tiếng Hoa kèm với nhiều từ cổ của tiếng Việt.
Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này (không bao gồm cộng đồng người Việt mang quốc tịch Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc)
Tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, tên gọi “Kinh tộc Tam Đảo”, có nghĩa là “Ba hòn đảo của người Kinh”, hiện vẫn được dùng tương đối phổ biến để chỉ cộng đồng người Kinh này cũng như để chỉ địa bàn sinh sống tập trung của họ tại ba hòn đảo nói trên (nay đã trở thành bán đảo do phù sa bồi lấp và nhờ chính quyền cùng nhân dân địa phương đã đắp đê, làm đường nối các đảo với đất liền).

Vị trí Tam Đảo mà người Kinh sinh sống

Với lịch sử định cư trải qua hơn 500 năm, hầu hết cư dân người Kinh ở khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm) cũng như một vài nơi khác ở Quảng Tây (chủ yếu tập trung tại Đông Hưng) đều có chung nguồn gốc là người Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), còn lại số ít người Kinh trong đó có nguồn gốc từ một vài địa phương ven biển của Việt Nam di cư đến. Theo điều tra dân số tại Trung Quốc vào năm 2000, dân số người Kinh riêng tại khu vực nói trên là khoảng hơn 18.000 người trong tổng số trên dưới 22.000 người dân tộc Kinh trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, một con số được coi là rất khiêm tốn nếu so với nhiều dân tộc khác đang cùng sinh sống trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Người Kinh tại Trung Quốc

Dòng họ Tô là một dòng họ lớn và được xem là có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng các dòng họ người dân tộc Kinh tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung. Họ Tô là một trong 12 dòng họ người Kinh hay còn gọi là người Việt gốc Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam). Nhiều người trong họ Tô đã có công nghiên cứu, bảotồn và quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống của người Kinh đồng thời cũng là cội nguồn của văn hóa Việt Nam đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc rộng lớn dù cho dân số của người Kinh tại Trung Quốc là rất khiêm tốn nếu so với nhiều cộng đồng dân tộc khác của đất nước này. Trải qua hơn 500 năm định cư trên đất Trung Quốc, hiện dòng họ Tô cũng như một số dòng họ người Kinh khác không chỉ tập trung sinh sống tại khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm) mà đã phân tán ra nhiều địa bàn khác quanh khu Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây.

Người Kinh đánh trống trong một lễ hội

Ngôn ngữ
Người Kinh tam đảo vốn nói tiếng Kinh hay tiếng Việt và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng địa phương là tiếng Quảng Đông và sử dụng Hán tự. Tuy nhiên, về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.
Phong tục
Y phục của người Kinh đơn giản và thực tế. Phụ nữ ăn mặc theo cổ truyền với những chiếc áo ngắn, không cổ, chẽn bó vào thân mình, cài nút phía trước, mặc những tấm quần rộng nhuộm đen hay nâu. Khi ra ngoài, phụ nữ thường mặc thêm áo dài tay chật nhuộm màu sắc nhạt hơn. Họ thích đeo khuyên tai, tóc rẽ ngôi ở giữa dùng vải đen hay khăn đen bọc lấy và vấn xung quanh đầu. Dân quê còn đi chân đất. Còn đàn ông thì thường mặc áo cộc để làm việc, cổ quấn khăn, nhưng khi có hội hè thì họ mặc những áo dài chùng tới gối, hai vạt trước sau đối nhau và có giải quấn ở eo lưng.
Ngày nay, người Kinh ăn mặc giống như người Hán láng giềng, mặc dù còn một số người già còn giữ lối ăn mặc theo cổ tục và một thiểu số phụ nữ trẻ còn vấn tóc và nhuộm răng đen vì vẫn còn tục ăn trầu, còn đàn ông thì ăn mặc thực tế theo hiện đại như những dân lân cận khác.
Phong tục hôn nhân thì một vợ, một chồng, thuở trước thì thường do cha mẹ hai bên xếp đặt bao biện. Trai gái cùng họ và anh em cô cậu cấm lấy nhau.

Dân tộc Kinh tại Trung Quốc

Ẩm thực
Về ẩm thực, người Kinh ở Tam Đảo ăn cơm là chính, ngoài ra còn ăn khoai sắn, khoai sọ, thích ăn các loài hải sản như cá, tôm, cua. Đặc biệt, họ làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn. Những món ăn ưa thích của họ là bánh đa làm bằng bột gạo có rắc vừng nướng trên than hồng mà sách Trung Quốc gọi là phong xuy hỉ (bánh phồng do gió thổi) và bún riêu, bún ốc sách Hán tự ghi là hỉ ty tức là sợi bún nấu với canh cua và ốc.
Tín ngưỡng, tôn giáo
Tôn giáo chủ yếu là Phật giáo đại thừa và Đạo giáo. Ngoài ra họ còn duy trì tục cúng thần linh và tổ tiên.

Trong một lễ hội

Sinh hoạt văn hóa
Họ ưa thích lối hát đối đáp giao duyên (antiphonal songs) nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ hay hát đúm quen thuộc ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Lối hát đúm hát đối này thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày Hội. Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh gồm có đàn nhị (two-stringed fiddle), sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu (độc huyền cầm) là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Họ có một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích… Những điệu múa ưa chuộng của người Kinh là múa đèn, múa gậy sặc sỡ nhiều màu, múa rồng và múa y phục thêu thùa.

Y phục và nhạc cụ của người Kinh tại Quảng Tây

Đời sống kinh tế
Người Kinh tại khu vực Tam đảo hoạt động chủ yếu trong các ngành như ngư nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng hải sản, nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Ngoài ra, một bộ phận dân cư hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Trong 700 loại cá đánh ở đây thì hơn 200 loại có giá trị kinh tế cao và thu hoạch nhiều. Ngọc trai, cá ngựa và sea otters sinh sản lắm ở đây và thường quí về phương diện dược liệu. Nước biển của vịnh Bắc Bộ tốt cho sự làm muối. Mùa màng chính ở đây là gạo, khoai lang, đậu phọng, khoai sọ, và kê. Những loại trái cây bán nhiệt đới như đu đủ, chuối, nhãn thì rất nhiều. Những khoáng sản dưới đất gồm sắt, monazite, titanium, magnetite và silica. Những giải rộng của rừng tràm mọc trên vùng nước lợ là một nguồn lợi phong phú về chất tannin dùng làm nguyên liệu tất yếu cho kỹ nghệ thuộc da.
Người Việt Nam cho dù ở đâu vẫn là người Việt Nam!

Nguyễn Anh (tổng hợp)


2014/07/06

CÁNH GIÓ - Nhược Thu
Diễn ngâm: Hồng Vân



CÁNH GIÓ*

Chiều nay ai khắc bóng trong mây
Cho nhớ về nhau rót thật đầy
Khóe mắt nụ cười em buổi đó
Một lần uống trộm ngả nghiêng say

Đường xa cánh gió nào chưa mỏi
Chia lá tàn thu sắp cạn màu
Có lũ chim chiều xao xác gọi
Thấm buồn khi chúng sắp xa nhau ..

Có phải sao trời em giấu cạn
Góp vào trong mắt dõi tìm anh
Mà nghe có ánh trăng hờn giỗi
Khi lén nhìn hôn lén dưới cành ..

Có ai quét lá mùa thu chết
Để lót mây trời đón bước tiên
Để gót son em hờ hững bước
Buồn vương tơ mộng chẻ ưu phiền ...
 


Nhược Thu
* Vì không biết cách nào để liên lạc, nên mạo muội viết dòng này như lời xin phép tác giã cho chép CÁNH GIÓ vào blog của tôi. Cám ơn.
HOA MUA




2014/07/04


BÊN ĐỒI

Mây nhẹ giăng giăng đồi hiu quạnh
Chim ẩn trong rừng, mỏi cánh bay
Đong đưa cành lá vờn với gió
Nhạt nắng buồn tênh bóng chiều phai

Thấp thoáng mái nhà ai ẩn hiện
Im lìm khuất giữa rặng cây che
Một chút hương thơm loài hoa dại
Quấn bước chân đi rộn lối về

Bỗng dưng thấy nhớ dòng sông cũ
Lặng lẽ trôi qua dáng cầu xưa
Vàng bông Hoàng hậu soi đường vắng
Theo dấu tình nhân buổi hẹn hò

Nhớ lắm tiếng gà nhà hàng xóm
Bên hè xao xác lá cây rơi
Hương sầu riêng gợn đùa theo gió
Trống vắng tình xưa chút ngậm ngùi

Chiều nay đứng ở bên đồi vắng
Mây trắng bay hoài mây trắng ơi
Nhưng có dòng sông nào dậy sóng
Ồ ạt ùa vào nỗi nhớ- Tôi.

Nguyễn Văn In
June 28,2014





MƯA LĂM RĂM

Giọt sầu: hạt mưa lăm răm
Lăn tăn mặt nước ao đầm buồn hiu
Dằng dai khóc sáng than chiều
Miên man gặm nhấm dặt dìu tiếng mưa.

Anh Tú
July 4, 2014
*Viết khi Colombia đấu với Brazil (1-2) - World Cup 2014

TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA

Ngày trở lại trường xưa
Cơn mưa sầu giăng thấp
Lá xanh kín che trời
Ta một mình ướt tóc

Đi giữa hai hàng cây
Còn thấy gì trên cao
nghe lòng mình chợt thấp
như mới thoáng hôm nào.

Ơi ! Sợi mưa như tơ
Nối chuyện tình học trò
Trong một lần thu khóc
Tạm bỏ trường mà đi !

Ngang qua dãy lớp cũ
Nghe quãng đời xưa mơ
Qua ngang vùng trí nhỏ
Rợp mát giữa lòng buồn

Lần trở lại trường xưa
Ngang hàng hoa xưa cũ
Dưới chân vương sợi nhớ
Nhưng nào ai có hay ?

Hoành Châu
1973

2014/07/03


MẮT CAY

Em sang sông mà lòng không sang
Dù xa xa nhớ nhung mang mang
Tình ly tan tình ta vẫn đẹp
Chẳng qua vì duyên phần trái ngang.

Em nơi đây! Cô đơn từng ngày.
Em nơi đây! Lệ rơi đêm dài.
Mỗi chiều vàng trông về quê cũ
Vật vờ ngày xưa mờ mắt cay!

Anh Tú
July 3, 2014
*Từ EM SANG SÔNG VỀ của Quách Đào

CHÉN TRÀ CÚNG PHẬT*

Hoa ngắm, trà châm, khóc với cười
Thế là quá đủ hởi người ơi
Đêm đen để sáng trời thêm tỏ
Mưa tạnh, mây quang, rạng góc trời.

Cách biệt lâu ngày gặp gở nhau
Niềm vui san sẽ, chén trà trao
Đời tuy quá ngắn nhưng đừng vội
Hạnh phúc là đây, sống chậm nào.

Tháng sáu qua rồi, tháng bảy đây
Bao nhiêu cảm xúc , vẫn đong đầy
Con đường đã hướng, chân thiền bước
Sao để trong trà mây mãi bay.

Biết đủ , trong ta vẫn đủ đầy
Đói ăn, khát uống, ngắm hoa lay
Ngàn năm mây trắng còn trôi mãi
Ta vẫn là ta của tháng ngày.

Dông bão ngoài kia dẫu phủ phàng
Hồn ta an tịnh, cõi thênh thang
Mỗi mai dâng cốc trà sen nóng
Lễ Phật , ngồi yên, thấy nhẹ nhàng.


Trần Văn Dõng

*Tặng Trà Thất Bước Chân Thiền Đà Lạt

2014/07/02


CÓ PHẢI EM VỀ ĐÊM NAY

Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh 
Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như lá vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội 
Có phải em về đêm nay
Để phá tan
Những nụ cười thắt se sầu tủi
Như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tin yêu
Những ngón tay có đưa đến bàn tay
Những mùa thu có đến gió heo may
Hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh

 Có phải em về đêm nay
Giữa lòng chiều tím lặng
Cho anh đừng tìm thấy anh
Đo đếm thời gian
Bằng những điều thuốc là tất trong đêm
Đầu gối trên cánh tay
Để giấc mơ đừng tẻ lạnh
Em đừng trách anh đã quá lo âu đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn cơ em
Dù không muốn gục ngã trong đêm
Nhưng đã bao lần đêm khuya
anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
Đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
Sao em không về
Để dù nắng dù mưa
Dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ
Anh vẫn chăn chùm kín cổ
Ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết -dù để làm thơ
Nên tất cả chỉ là yêu em
Và làm thơ cho đến chết
Em sẽ về, phải không em
Có gì đầu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc
Có phải em sẽ về
Dù bầu trời ẩm đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi.

Nguyên Sa
PHẬT Ở QUÁN CAFÉ*

Tượng Phật và ông Suel Jones trong quán cà phê ở Anchorage, Alaska. 
(Hình: Anchorage Daily News)
Tựa bài viết này không là một ý thơ kiểu cọ thời đại, hay một tư tưởng lạ của mấy triết gia, mà chỉ là một sự thật tôi từng được biết nhân đọc báo mấy năm trước. Trong bài viết tuần qua, nhân nói về một cô gái Việt sống ở Unalaska, tiểu bang Alaska, tôi có hứa kể bạn nghe chuyện một pho tượng Phật trắng toát đã phiêu lưu từ miền Trung Việt Nam đến tận thành phố Anchorage ở miền băng giá Alaska. Tượng Phật này được an vị bất đắc dĩ trong một quán cà phê của người Mỹ, và trở thành một biểu tượng cho sự bình an đối với bất cứ ai từng ghé quán Side Street Espresso nằm trên đường G Street.

Tượng Phật ngồi bằng đá cẩm thạch này nặng gần 700 pounds, tức là hơn 310 kí-lô, cao chừng một mét. Sau khi tượng đến quán được một thời gian khá lâu, mùa hè năm 2011, nữ ký giả Julia O'Malley đã viết bài đăng trên báo Anchorage Daily News về pho tượng và người đã mang tượng đến Alaska.

Bà Julia kể rằng vài năm trước đó, ông Suel Jones, một thợ máy về hưu từng làm việc cho hãng dầu BP, đã có cảm tình với một pho tượng Phật được đẽo gọt bởi một nghệ nhân ở bên lề đường trên Núi Ngũ Hành Sơn (người Tây Phương gọi là Núi Đá Cẩm Thạch). Ngày ấy ông Suel đã du lịch đến vùng ngoại ô Đà Nẵng.

“Tôi chỉ nhìn pho tượng và biết rằng mình muốn nó hơn những tượng khác nằm quanh đấy,” ông nói với bà Julia. “Tôi không thể giải thích tại sao tôi thích tượng Phật ấy, có lẽ vì nét mặt, có lẽ vì chất liệu, tôi không thật sự hiểu.”

Thế rồi ông nói thêm rằng tượng gợi nhớ một thời quá khứ bất ổn khi ông là một người lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi mới đến Việt Nam. Ông nhớ rõ một ngày nọ khoảng 40 năm trước, khi ông và các đồng đội tiến vào một ngôi làng gọi là Cam Lộ.

“Có một ngôi chùa bị bắn nổ tan tành,” ông kể.

Trong ngôi chùa tan hoang ấy, ông thấy một pho tượng Phật ngồi vững vàng, thanh tịnh giữa những đổ nát của chiến tranh. Điều đó khiến ông nghĩ đến những gì đang xảy ra cho đất nước Việt Nam, cho con người và cho truyền thống từ ngàn xưa của họ.

Tượng Phật cẩm thạch trông quen thuộc với ông vì lẽ ấy. Có lẽ vì nụ cười của Phật, như là vị Phật mà ông từng thấy lần đầu 40 năm trước nay bỗng trở về với ông. Cựu quân nhân này cảm thấy trong lòng một sự biết ơn mà ông không hề nghĩ mình có trước đây, về sự có mặt của Phật trong đời ông.

Thế là ông Suel đồng ý mua tượng Phật với giá $500. Ông tốn thêm gấp đôi số tiền để cho người ta chuyên chở tượng đến Alaska. Khi mua tượng thì ông không thật sự biết mình sẽ làm gì với nó. Chắc đặt ở ngoài vườn tại căn cabin của ông ở Glacier View, ông nghĩ vậy. Căn cabin và cũng là nhà của ông nằm cách xa Anchorage khoảng 100 dặm nằm trên bang lộ Glenn Highway. Khi tượng Phật đến Alaska, ông Suel đã lái một chiếc pickup và chở tượng ở đằng sau trong suốt mấy ngày. Lái xe đến đâu ông cũng gây chú ý. Ai ai cũng tò mò nhìn pho tượng Phật trắng ngần nằm trên xe của ông Suel. Ở các ngã tư đèn đỏ và ở trạm xăng, người lạ bước đến gần và hỏi ông về pho tượng ấy. Ai cũng thắc mắc, không biết tại sao ông Suel này lại mang Phật đến Alaska.

“Họ không ngần ngại khi bước đến và sờ tượng Phật ở đằng sau xe của tôi,” ông kể.

Ông đã chở Phật xuống phố đến quán cà phê Side Street Espresso, nơi mà ông là một khách hàng quen mặt trong hơn 20 năm. Ông muốn hai chủ nhân George Gee và Deb Seaton được thấy tượng. Bà Deb cho rằng tượng này nên đặt trong bảo tàng viện.

“Tôi đã xúc động đến muốn khóc,” bà Deb kể với ký giả Julia. “Tượng Phật sao mà đẹp quá.”

Thế rồi ông Suel xét lại, nghĩ rằng tượng Phật này không thể đặt ở một khu vườn hẻo lánh. Trong thời gian gần đây, ông sống nửa năm tại Glacier View và nửa năm còn lại ở Việt Nam, nơi ông làm việc với các hội cứu chiến binh của người Mỹ. Ông đã lập ra một hội chuyên trợ giúp các cựu chiến binh ở Alaska, bất kể họ trở về từ cuộc chiến nào trên thế giới. Tại Việt Nam thì ông phụ giúp trong công tác tháo gỡ mìn, xây nhà chơi cho trẻ em.

Ban đầu ông nghĩ đến việc bán tượng Phật để gây quỹ cho hội, và dùng tiền để làm thêm việc thiện ở Việt Nam. Cặp chủ nhân George và Deb đề nghị ông để Phật ở trong quán cà phê trong lúc chờ người mua.

Xe cần cẩu từng được dùng để đưa tượng Phật lên xe của ông. Giờ đây ông và hai người bạn không có xe cần cẩu để mang tượng xuống. Họ vận động thêm vài người bạn đến giúp một tay. Thế nhưng pho tượng nặng 700 cân chỉ có thể được mang từ trên xe xuống mặt đất, không thể nào khiêng vào bên trong quán cà phê. Mọi người nặn óc, đưa ra những sáng kiến. Thế nhưng đề nghị nào cũng thất bại. Tượng quá nặng so với sức của họ.

Thế rồi đúng lúc mọi người đành bó tay, chưa biết phải di chuyển Phật như thế nào, thì bỗng nhiên có hai ông lái xe mô-tô phóng qua. Ông nào cũng có đôi tay vạm vỡ đầy bắp thịt rắn chắc như cầu thủ chơi football. Hai ông mặc áo da đi xe mô-tô này đã phóng xe qua và rồi vòng xe lại vì muốn quan sát một bức tượng mà họ thấy xuất hiện kỳ lạ ở nơi đây. Khi biết nhóm ông Suel cần khiêng tượng vào trong tiệm, hai ông lái xe mô-tô liền ra tay giúp.

“Hai người này gần như tự họ khiêng Phật vào bên trong, không cần ai giúp,” ông Suel nhớ lại.

Thế là Phật được an vị trong quán cà phê Side Street như vậy. Họ đặt tượng giữa một tủ lạnh và một chiếc bàn với khăn ca-rô phủ bên trên. Hai năm trôi qua.

“Chúng tôi không may mắn trong việc bán tượng,” ông Suel kể. “Giống như là tượng đã quyết định ở lại đây, không muốn đi đâu hết.”

Quán Side Street có rất đông khách lui tới thường xuyên, và hầu như ai cũng cảm thấy thân quen với tượng. Họ thường ve vuốt những nếp y trên tượng. Đôi vai của Phật không còn bóng loáng vì có quá nhiều dấu tay sờ bên trên. Thế rồi họ dần dần đặt thêm đèn cầy ở cạnh tượng, choàng thêm vòng hoa trên Phật và biến góc nhỏ này thành nơi thờ phượng.

Khi được hỏi ý ông nghĩ sao về việc bức tượng thu hút người ta đến như vậy, ông Suel trả lời, “Có lẽ nước Mỹ chúng ta đang trải qua quá nhiều vấn đề rối rắm.” Ông nhắc đến nền kinh tế lúc ấy không được khá, chính trị bị chia rẽ, và có rất nhiều cựu quân nhân trở về từ hai cuộc chiến mới nhất. Ai cũng tìm cách thấu hiểu những gì đang xảy ra ở chung quanh họ.

“Họ cần bất cứ cái gì có thể cho họ một cảm tưởng bình yên, tĩnh lặng,” ông nhận xét.

Ông chủ George Gee dậy sớm mỗi ngày để vẽ chân dung và viết thực đơn cho món đặc biệt trong ngày trên một tấm bảng nhỏ. Là một họa sĩ, ông thường vẽ khuôn mặt của những nhân vật thời sự trong ngày kèm thêm lời châm biếm hài hước để mua vui thực khách. Chẳng hạn như mới đây ông George vẽ mặt anh chàng Edward Snowden để quảng cáo cho một món nước uống có pha thêm hương vị dừa “coconut,” để ám chỉ hành động dại khờ của anh khi tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ Mỹ, để rồi phải trốn chạy qua Hồng Kông và nay bị mắc kẹt ở Nga.

George nói rằng tượng Phật đã trở nên quá thân thuộc với ông trong những lúc ông cần suy nghĩ nhất trong ngày. Ông nói quán cà phê luôn có một nguồn năng lực riêng của nó, và tượng Phật đã thật phù hợp trong không gian này.

“Tượng hình như đã có sẵn một năng lực huyền bí từ lâu,” ông nói. Lực đó đã khiến những tay anh hùng lái xe mô-tô phải rời xe của họ, và cũng có thể đã khiến một người quyết định đưa pho tượng nặng 700 cân đi nửa vòng trái đất đến đây, ông George nghĩ vậy.

Vào khoảng tháng Sáu năm 2011, những thân chủ của tiệm đã mau chóng truyền tin với nhau rằng có người đã trả giá mua tượng Phật và sắp mang tượng rời quán cà phê. Họ cảm thấy luyến tiếc khi nghĩ đến việc một ngày kia Phật không còn ngồi ở chỗ quen thuộc trong quán. Thế rồi khoảng hai tuần sau đó, một thân chủ đến uống cà phê như mọi lần. Khi mở bóp lấy tiền trả nước uống, ông cầm ra $3,000. Ông muốn mua tượng Phật với một điều kiện, ông George kể. Điều kiện duy nhất ấy là Phật phải ở trong tiệm này, không đi đâu hết.

Ông Suel đồng ý. Số tiền bán tượng ấy đã được ông Suel mang đến miền Trung Việt Nam để tiếp tục công tác từ thiện của hội Cựu Chiến Binh Cho Hòa Bình (Veterans for Peace).

“Tôi rất ngạc nhiên, bạn biết chăng,” ông Suel kể. “Nhưng rồi tôi cũng hiểu, tôi thấy rằng ông ấy cũng muốn chia sẻ tượng với mọi người.”

Thế nên giờ đây Phật vẫn còn an vị trong một quán cà phê nằm trên đường G Street ở Anchorage, Alaska, không ngồi trong một ngôi đền hoặc một ngôi chùa nào xa thế gian. Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại, với nét mặt đẹp sáng ngời, và với một nụ cười thân thuộc luôn mang đến sự bình yên. (pq)


*Từ điện thư của bạn KH. Cám ơn chị.

EM VỀ ĐÂU?

Ngày đó …..
Đường qua nhà em chiều xưa ,
Con đường mưa nhỏ tung bay bụi hồng
Chiều mưa cho đất thơm nồng,
Cho cây thơm trái cho lòng anh vui,
Yêu em yêu mãi không nguôi,
Tóc em buông xõa hững hờ đôi vai
Yêu em yêu cả đêm dài,
Tiếng em như thể ngân hoài trong tôi!

 Và hôm nầy …..
Hạt mưa gieo rắc bồi hồi,
Tim anh đập nhịp qua rào song thưa
Tìm đâu chẳng thấy người mơ,
Lá hoa dạ lý thẩn thờ rụng rơi!!


Hoành Châu
(Sư Phạm năm thứ 4)

2014/07/01


NẮNG

Sương khuya nhỏ giọt long lanh
Qua giông bão tố... gió lành mưa êm
Nắng mai từng sợi tơ mềm
Rơi lên cánh mỏng nơi thềm cỏ hoa 

Yên Dạ  Thảo

NẮNG MAI*

Cánh lá ngậm sương long lanh
Trời thanh gió nhẹ ngày lành dịu êm
Nắng mai tợ sợi tơ mềm
Vờn tóc nhung xỏa, trải thềm ngàn hoa.

Anh Tú
July 1, 2014
*Từ NẮNG của Yên Dạ Thảo

LỠ YÊU*

Lỡ yêu ráng ửng trời chiều
Nhớ đôi má nhỏ mỹ miều thuở xưa
Rưng rưng lệ ứa chuyễn mưa
Bởi ai khen đẹp sao chưa có chồng

Lỡ yêu nắng đổ ven sông
Tiển đưa chiều ấy rượu nồng bờ môi
Cỏi lòng hiu hắt đơn côi
Tơ duyên trắc trở bồi hồi cách xa

Lỡ yêu khi tuổi xế tà
Thôi đành quên hết mặn mà yêu đương
Phủi tay từ giã vấn vương
Nghe lòng thanh thản như sương đêm tàn

Chỉ còn nửa bước trần gian
“Đường xưa mây trắng” thênh thang sớm chiều
Bây giờ Tỉnh Thức phiêu diêu
Mới hay mình đã lỡ yêu mất rồi…

Phú Thạnh
30/6/2014.
*Cảm xúc từ YÊU của Hoành Châu, xem bài này tại:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2014/06/blog-post_21.html

Mời nghe bản nhạc Lỡ Yêu Rồi:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Lo-Yeu-Roi-Thuy-Khanh/ZWZB0699.html

2014/06/30





Hái một chiếc lá xanh ép vào trang vở cũ, em vô tư tặng người, đâu hay rằng mình đã gieo mầm nắng trong nhau, dẫu leo lét cũng đủ ấm nồng trong le lói tà huy cuối buổi cuộc người.
Đâu rồi xanh xanh lục diệp, đâu rồi chú sâu non- Hay đã thành bướm bay vượt về nguồn nhận lại những dấu yêu đầu đời hồn nhiên với đôi cánh trắng trinh nguyên gắn trên môi nụ cười thiên sứ.
Chiếc lá ép hoen vàng bên tờ giấy ố, tường loang vôi rữa vọng tiếng thời gian. Cũng như tôi em bây giờ còm nhom về chốn cũ, chôn dấu lặt lìa, vọng tưởng non tơ.
Trong màu phai phôi ấy. Em ơi! Hương vẫn còn vương. Chiều vẫn tím ở ngã ba và hương sứ vờn quanh con cầu tỉnh lỵ. Dây cát đằng trỗ hoa màu chờ nhau, bất giác nhớ lời ca hoa rụng ven sông- còn đâu em ơi, còn đâu ánh trăng vàng hôn lên làn tóc rối..*
Tiếng gót giày gõ mồn một. Một mình. Hành lang nội trú hun hút, mắt lạc thần mùa mất nhau.
May mà còn chiếc lá! Chiếc lá khô rom vẫn cất  giữ  dùm ta  tiếng chim thánh thót, ong ong nắng dọi đôi bờ, ủ hương tình nhân thánh khiết. Có phải yêu là không sám hối? Những ngã rẽ chia lìa như cơn mưa rồi tạnh. Mưa nắng chẳng tội tình gì nhau. Một vầng trăng khuyết đâu cần thứ tha. Hãy cho nhau nụ cười điểm bạc. Xin cảm ơn người, chiếc lá tình phai vẫn đượm. Lá ơi , ngủ giấc nồng say.
Ừ thì một cuộc hẹn hò. Cầm trên tay nhành sen búp nở. Hãy gõ, cửa sẽ mở!*. 
Gió lùa về mát cõi yên bình, dâng tặng đời nhau...

Hồng Băng

* Lời Kinh Thánh
** Nhạc Phạm Duy