Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hồng Ẩn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hồng Ẩn. Hiển thị tất cả bài đăng

2019/03/06

NHƯ LỜI CÁM ƠN

Đã Lập Xuân hôm 4 tháng 2 dương lịch 2015 tức 16 tháng chạp năm Giáp Ngọ, thế mà hôm nay, “25 Tết” mà tôi đang ngồi bó gối trong nhà nhìn trời le lói tí nắng vàng (vậy là may mắn lắm rồi hơn là tuyết trắng ngập đường),khi nhiệt độ trên dưới -10 độ bách phân, trong lúc quê mình mọi người đang vui chờ đón Tết.
Có một thôi thúc bắt tôi phải viết một điều gì đó để bớt đi nỗi buồn “không tên” chập chờn mỗi lúc Tết về và cũng để ấm áp cho tâm hồn và thể chất đã gìa nua của mình.
Lạc loài trên đất khách vì lý do nào đó, hên hay xui không rõ tùy suy nghĩ của từng cá nhân, tôi nghĩ chắc là do nghiệp duyên của mình.
Nếu còn ở lại quê nhà thì bây giờ ra sao...?Không biết. Nói về cuộc sống từ ngày “nhìn từng gốc cây ngọn cỏ”từ giã nơi chôn nhao cắt rún, để bắt đầu cuộc sống mới cho tới nay thì có biết bao điều tốt xấu kể lể. Nhưng kể ra...mà chi?
Nhặt vài dấu ấn trong những ngày qua - có rất nhiều và những điều này thật là quý báu với tôi- viết ra để trải lòng, cho mình và cho bạn quen hay không quen, có lẽ tôi sẽ sống được một ngày vui.
Ông bà ,cha mẹ, anh em, bà con, thầy cô, bạn bè ...đều cho mình thật nhiều kỷ niệm, vui cũng có buồn cũng có, kể ra sao cho siết. Tôi cũng đã kể ra một vài...trước đây.
Hôm nay viết thêm về ba tôi...vậy.
Từ năm tuổi, bộ nhớ mới bắt đầu ghi những gì xảy ra quanh mình, và những chuyện đầu tiên là về người ba quý kính của tôi.
Hình ảnh của người xanh xao, ốm yếu nhưng không dấu được nét thanh nhã - khi tôi lớn lên, nhìn ảnh lưu niệm và nhớ lại- ngồi sau lái chiếc tam bảng chở gia đình ba người sống lưu lạc trên sông hồ miền Nam, lúc đó đang tại một con rạch nào đó ở vùng Chợ Lách, cùng tôi ngồi trước mũi tam bảng đón vớt những trái mận trôi trên dòng nước.
Má tôi là người nhọc nhằn lo chăm sóc cho gia đình có lẽ đang đi chợ.
Sau này lớn lên tìm hiểu về hoàn cảnh sống lang thang này, tôi mới biết ba mẹ tôi đã có bốn con mà lúc đó chỉ còn mình tôi theo người trên đường trốn chạy của ba do sự săn đuổi của thực dân Pháp. 
Ba tôi đang bị lao phổi đến thời kỳ cuối do bị đánh đập và thiếu thuốc men chửa trị. Đã dến lúc con bịnh bắt ba phải chấm dứt cuộc sống chui nhủi này cũng như hành trình của một con người, mẹ đưa ba về quê nội và người đã yên nghỉ nơi đây.
Tôi mồ côi cha từ đó, lớn lên với sự bao bọc thương yêu của bác, mẹ và bá tánh...trong khi tôi luôn mang theo trong lòng ray rứt về cuộc đời bất hạnh của những con người sanh trong đất nước nhược tiểu, loạn ly.
Vài chục năm sau, hay nói rõ hơn là sáu mươi chín năm sau, khi cách nhau nửa vòng trái đất, nhờ sự phát minh của khoa học như đem con người, một cách nói, lại “gần nhau”, tôi có dịp tìm “gặp” bạn cũ, “quen” bạn mới trong tình trạng “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”. Có những người bạn mới bất chợt làm quả tim tôi ấm áp vô cùng, đã cho tôi những món quà quý hiếm không ngờ.
Phú Thạnh là nhiếp ảnh gia nên không có mặt trong ảnh_2014
Nhóm bạn thân mến đó là lý do tôi viết đôi dòng chữ này để, như đã nói cho lòng tôi lại được ấm áp trong mùa đón Tết tha hương năm nay và ...tạ ơn quý bạn.
Cám ơn và ghi trong lòng tôi mãi mãi cử chỉ của quý bạn đã dành chút thì giờ quý báu đến viếng nhà của bác tôi, nơi tôi ở đi học lúc thiếu thời, và viếng mộ thân phụ của tôi, nằm nơi đây từ 1945.
Nhắc lại chuyện cách nay không lâu của quý bạn, kể cả Phú Thạnh, tôi cảm thấy rất vui và ăn Tết thật ...ngon lành.

Nguyễn Hồng Ẩn, bút danh Anh Tú.
Hai mươi lăm, tháng chạp Giáp Ngọ
13/2/2015
Chú thích ảnh: Từ trái sang phải: Lê Văn Ngài Em< cháu nội của bác Hai của tôi>, Lương Minh, Thu Nguyệt, Phi Rôm và Trương Văn Phú.

2018/01/06

VIẾT CHO EM NGUYỄN GƯƠNG
Một cây cầu bắt ngang sông Mang Thít nối liền hai xã Tân An Luông và Tân Long Hội<Vĩnh Long>, theo thời gian đã thay hình đổi dạng nhiều lần nhưng luôn mang tên là Cầu Mới.
Đến Cầu Mới lần đầu lúc tôi khoảng 6 tuổi khi theo má đi chợ bằng xuồng từ nhà bà ngoại ở Ấp Rạch Mương < còn gọi là Tân Qui hayTân Thắng> thuộc Tân Long Hội.
Hình ảnh Cầu Mới dạo đó đã làm ngạc nhiên tôi. Khi về nhà tôi vẻ lại mà ai cũng khen giống hệt, và đã ghi vào tiềm thức tôi từ đó cho đến bây giờ.
Đã trở lại Cầu Mới nhiều lần sau đó. Một lần tôi ở ngay bên đầu cầu phía Vũng Liêm ròng rã 6 tháng trong năm 1969 và đã có thêm trong tôi nhiều kỷ niệm hơn nữa.
Sau này quen được ai nói rằng ở Cầu Mới thì tôi cãm thấy rất thân tình, như là đồng hương, mà trong đó có Nguyễn Gương là một. người tôi quen qua trang tongphuochiep-vinhlong.com.
Một bất ngờ khiến tôi vô cùng xúc động, thương người quê tôi hơn, mến nghề giáo hơn với những món quà từ những người học trò "Tôn sư trọng đạo" khi đọc được bài viết sau đây của Nguyễn Gương
Tôi đã chép bài này lưu vào Blog CHIA SẺ VUI BUỒN, hôm nay tôi nhắc lại như bày tỏ lòng thương tiếc em Nguyễn Gương và tiển đưa em về miền miên viễn.
Từ đất khách quê người , một sáng thứ bảy mùa Đông lạnh cắt da, tiếng máy sưởi chạy liên tục rầm rì để làm ấm thân xác tôi mà sao tâm tư vẫn cãm thấy giá buốt về nỗi sinh ly tử biệt..

Anh Tú / Nguyễn Hồng Ẩn
Jan 6, 2018

2017/11/09


Anh bạn Quan-Thuế Hà-Tiên<1966>

Nguyễn Hồng Ẩn và anh "Quan Thuế"
Trong niên khóa đầu tiên dạy học tại Trung-Học Hà-Tiên của tôi, 1965-1966, không nhớ rõ từ lúc nào tôi đã quen với một anh nhân-viên của Ty Quan-Thuế Hà-Tiên, nay đã quên tên nên tạm gọi là anh "Quan-Thuế"; anh rất thân-thiện, chân-tình với tôi. Khi có thời giờ anh thường tìm tôi giải khát, chuyện trò bên ly "xì xà thòn" tức trà đá chanh đường , nhất là cuối tuần hay rũ nhau đi chơi các bãi biển. 
Kèm theo đây là những tấm ảnh được ghi lại trong một dịp đến Mũi Nai<1966> do anh "Quan Thuế" tổ-chức,  chụp vào những giây phút rất độc-đáo /vui nhộn/ thậm chí nực cười.
Lần đi chơi tại Mũi Nai này gồm có anh "Quan-Thuế" không rõ bây giờ ra sao?, Huỳnh Văn Hoà đang ở Cần-Thơ, Phùng Tuấn Sinh đã mất tại Úc Châu, Nguyễn Văn Thành không rõ bây giờ ra sao? và ...tôi, Nguyễn Hồng Ấn, người đang...tường-trình.

Nguyễn Hồng Ắn
Stamford, Connecticut, Hoa Kỳ
Tường trình ngày 09 Tháng 11. 2017

Xa xa bên phía trái là Nguyễn Văn Thành


Tấm ảnh buồn cười, từ trái qua phải: Nguyễn Văn Thành, Phùng Tuấn Sinh, Huỳnh Văn Hoà và Nguyễn Hồng Ẩn





2017/10/09


NHỮNG ĐOẢN KHÚC HÀ TIÊN
Image may contain: sky, cloud, house, tree, plant, outdoor, nature and water
Những đêm trăng chị Hằng soi bóng nước
Nghe cô đơn đếm bước Bến Trần Hầu
"Thương Hoài Ngàn Năm" nhạc tình réo rắc
Mà tại sao ai quay mặt tình đầu?


Người đến rồi vội đi ai ở lại
Để chiều hôm thơ thẩn bến Tô Châu
Nhìn bóng mây trôi theo giòng nước chảy
Hồn ngu ngơ lẩn thẩn đếm nỗi sầu.


Rồi những buổi trưa hè Lăng Mạc Cửu
Nghe ve kêu réo rắc khúc chia tay
Nhắc nhớ thiết tha muôn ngàn kỷ niệm
Nơi ngôi trường xưa thân thiết tháng ngày.


Thoang thoảng trong không gian mùi muối mặn
Đón gió trùng dương bãi cát Mũi Nai
Trong thoáng chốc cảm như vừa thoát tục
Thanh thản hồn như rũ nợ trần ai?


Có đôi lúc viếng thăm Hòn Phụ Tử
Bước thong dong giẫm cát trắng bãi Dương
Từng hạt mịn vuốt ve bàn chân đất
Truyền vào tim tình yêu mến quê hương.


Như Thạch Sanh săn tìm chằn tinh dữ
Len lỏi đi vào Thạch Động âm u
Trên hang cao nhìn mây trời lảng đảng
Thả hồn bay theo gió mộng lảng du.


Bến Đông Hồ đón ánh dương sáng sớm
Tia nắng hồng còn vương vấn hơi sương
Từ sức sống tạo hoá cho nhân loại
Vững niềm tin vui cất bước dặm trường.


Núi Đá Dựng sừng sững nhìn biên giới
Giữa Việt Nam và đất bạn Cao Miên
Ai đến đó gặp ngay hồn đất nước
Nghe tình thương Tổ Quốc rất thiêng liêng!

Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn)
November 3, 2011

2015/07/12

“Cố Nhân”

Từ thuở ấy, lúc chia tay, đến nay đã khoảng bốn mươi sáu năm, chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Thế mà…
Nhớ lại…
1-Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất xa lạ, chỉ biết tên qua “câu thần chú” mà thầy tiểu học đã dạy, một cách để nhớ tên 21 tỉnh của Nam Kỳ thời Pháp thuộc: “GIA, CHÂU, HÀ, RẠCH, TRÀ, SA, BẾN, LONG, CHÂU, SÓC, THỦ, TÂY, BIÊN, MỸ, BÀ, CHỢ, VĨNH, GÒ, CẦN, BẠC, CẤP”*, lòng tôi nao nao/phân vân/ háo hức…
Nao nao bởi nơi mình chọn lựa, đến để sống ít nhất vài năm, mà nghèo nàn, mộc mạc, đơn sơ, im ắng nhưng với rừng núi, biển sông hồ, trời xanh lộng gió đầp ắp thiên nhiên …sao mà dễ thương đến thế! Đất nước mình- nói riêng miền Nam- cũng “gấm vóc” chán!
Mối ưu tư, phân vân, lo sợ ban đầu khi đến nơi xa xôi, không biết gì cả ngoài biết rằng có một ngôi trường trung học hiện hữu mà thôi, đã biến mất để thay vào đó sự háo hức tìm hiểu, hòa nhập…
Ngoài tên của thị trấn đã biết khi quyết định chọn đến để dạy học, tôi háo hức biết thêm từng địa danh một hỏi thăm trên con đường đến đó. Những Rạch Sõi, Kiên Lương, Ba Hòn, Thuận Yên, rồi bến đò Tô Châu- bên mặt Đông Hồ, bên trái vịnh Thái Lan. Cách một giòng sông, con đó sẽ đưa tôi qua là đến đích. Thị trấn nhỏ quá …không ngờ. Một cái khách sạn cũ kỹ hiện ra khi chân chạm…thị trấn biên cương- cái thị trấn bé tí xíu nghèo nàn mà không ngờ trở thành “tình nhân” suốt cuộc đời tôi.
Sau người đưa đò, người tiếp tân tại khách sạn, người dân địa phương tôi tiếp xúc tiếp theo là chủ sạp báo duy nhất, dáng người bây giờ nhớ không rõ nét, phốp pháp, vui vẻ, niềm nở, hiếu khách, càng niềm nở hơn khi biết tôi là người đến làm việc tại trường trung học. Anh hướng dẩn cho tôi những điều cần biết ban đầu và từ đó tôi trở thành khách hàng của anh và anh sẽ là một trong những phụ huynh học sinh của tôi nơi đây.
Qua sự giới thiệu của anh chủ sạp báo, tôi đến gặp giáo sư Nguyễn Đức (?)Sơn tại một nhà trọ trên đường Bạch Đằng, xéo với cây dừa ba ngọn đặc biệt, lần đầu tôi biết/thấy, để nhờ chỉ dẩn thêm những việc phải làm sắp đến. Giáo sư Sơn vui vẻ, niềm nở tiếp tôi và giúp mọi việc cần thiết. Ngày mai anh Sơn sẽ giới thiệu tôi với hiệu trưởng để trình diện và giúp tìm nhà trọ cho tôi.


Nhà trọ đầu tiên của tôi là nhà thân mẫu của anh giáo viên tiểu học Núi, cũng trên đường Bạch Đằng, sau này biết là gần nhà của giáo sư Trương Minh Hiển và Trương Minh Đạt,còn bên kia đường tôi nhớ hình như là một ngôi chùa thì phải. Con đường Bạch Đằng lấp lánh ánh trăng nhất là mỗi độ trăng rằm sẽ nằm mãi trong ký ức của tôi.
Hiệu trưởng lúc đó là ông Lại Xuân Quất (với c hay t, quên rồi! ) mà sau này ông sẽ cho tôi một kỷ niệm không bao giờ quên trong năm đầu tiếp xúc với "giới chức hành chánh" trong ngành giáo dục.
Tốt nghiệp cùng khoá với tôi tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1965 đến Hà Tiên còn có giáo sư Bùi HữuTrí cùng vợ là Nguyễn Minh Nguyệt môn Pháp văn và giáo sư Phùng Tuấn Sinh môn Triết ( Triết là môn học của cấp lớp 12 mà Trung Học Hà Tiên năm ấy chỉ đến lớp 10, anh Sinh coi như “đi lạc”, chắc sẽ dạy Việt văn, Sử Địa hoặc Công Dân Giáo dục!)


Vài hôm sau tôi sẽ bắt đầu công việc với môn Lý và Hoá. Trang bị mớ kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm được đào tạo tương đối chính quy thời ấy, tôi , 25 tuổi, “hiên ngang” (bắt buộc ra vẻ thôi) đứng trước mặt đám học sinh nhỏ hơn tôi cũng chẳng nhiều, cấp dạy lớn nhất là lớp 10, nhưng với các nét mặt thân thiện, hiền lành dễ mến của các tôi càng vững lòng…
(Còn tiếp)
NHA
July 12, 2015
*Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh,Sa Đéc, Bến Tre,Long An,
.....,Cần Thơ, Bạc Liêu, Cap Saint Jacques (tức Cấp hay Vũng Tàu)


2015/03/16

*TỪ HÀ TIÊN ĐẾN CẦN THƠ

Sau khi tốt-nghiệp, tôi đến nhận nhiệm-sở tại một trường trung-học quận nhỏ bé gần biên-giới Việt Miên vào niên-khóa 1965-1966.

Ngay khi rời con đò Tô Châu, bước chân lên thị-trấn Hà Tiên mộc-mạc như cô gái quê nhưng chiếm lỉnh một vùng đất tịch-mịch, thơ mộng, hữu tình với những địa-danh lịch-sử nổi tiếng, nổi tiếng cả trong văn học, tôi đã không thất-vọng khi đã chọn ngôi trường nhỏ bé khiêm-nhường nằm ở cuối miền đất nước bên bờ vịnh Thái Lan biển xanh, gió lộng. Khi ở cấp tiểu-học, tôi đã nghe qua Hà-Tiên có thời là một trong 21 tỉnh-lỵ ngày xưa của miền Tây Việt-Nam qua câu "bí kíp"thầy dạy cho dễ nhớ: Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa, Bến, Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc, Cấp. 
Một đồng-nghiệp giới-thiệu tôi đến nhà bà Bảy, 16 Nhật Tảo là nơi trọ duy-nhất cho đến lúc tôi rời hẳn Hà-Tiên vào cuối niên-khoá 1969-1970 để chuyển về Trung-học Đoàn Thị Điểm, Cần-Thơ. Ngôi nhà thân thương này của nhiều thầy giáo xa xứ ở trọ, nơi cho họ biết bao kỷ-niệm vui buồn. Được biết bây giờ, 2015, ngôi nhà cổ-kính này vẫn còn đó, khiêm-nhường nằm dưới bầu trời xanh đất Việt đón gió biển Thái-Bình-Dương thoảng vào từ vịnh Thái-Lan như bấy lâu, chứng- kiến những đổi thay của thị-trấn sau chiến-tranh để trở thành một thành-phố du-lịch khá nổi tiếng.
16 Nhật Tảo, Hà Tiên_1966

16 (bây giờ là 17)Nhật Tảo, Hà Tiên 
Đó là điều tất-yếu theo thời-gian, nhưng với những ai hoài cổ chắc ngậm-ngùi khi nhớ hoặc về thăm lại để tìm chút dư hương ngọt ngào ngày cũ của mình.
Nguyễn Hồng Ẩn và Huỳnh Văn Hòa_1966
Tôi cũng không ngoại lệ! Có rất nhiều điều nhắc/nhớ lại, vui có buồn có,  nhưng hôm nay tôi muốn đề-cập đến một người bạn lần đầu quen biết tại 16 Nhật Tảo, Hà-Tiên. Chúng tôi rất thân nhau rồi theo thời-gian, khi gần khi xa qua nhiều giai-đoạn vui  hay khổ, kéo dài cho đến hôm nay: bắt đầu tại vùng đất Phương-Thành (tên cũ của Hà Tiên), đến ... đồi Tăng-Nhơn-Phú (Thủ-Đức), Tây-Đô, vùng bưởi Năm Roi ( Cái Vồn hay Bình -Minh, Vĩnh-Long), trại nuôi tép xã Long-Khánh (Trà-Vinh), rồi tiếp theo nhiều năm "tôi thì ngày lúc anh vào đêm" hay ngược lại...Nói cho rõ hơn, chúng tôi kề cận bên nhau từ lúc dạy học ở Hà-Tiên, động-viên vào Trường Sĩ-quan Trừ-Bị Thủ-Đức, đổi về dạy ở Cần-Thơ, về Trung-học Bình-Minh, đi tù "cãi-tạo" tại xã Long-Khánh và xa nhau khi tôi định-cư nước ngoài.
Cách nay mười ba năm về trước (2002), chúng tôi tái ngộ lần đầu tại Cần-Thơ sau nhiều năm mạnh ai nấy tìm đường sống cho mình sau cuộc "đổi đời". Gặp nhau trong vội-vã, hấp-tấp vì thời-hạn ngắn ngủi nên chẳng vừa lòng.
Sau đó thỉnh-thoảng chúng tôi có những lần thăm hỏi qua điện-thoại viển liên. Anh hối tôi cố cùng nhau làm một lần về thăm lại Đông-Hồ, Tô-Châu, Bãi Nò, Mũi Nai, lăng Mạc Cửu trước khi những người quen, thân-hữu, đồng-nghiệp và cả học trò sẽ chẳng còn ai! Tôi hứa...cố-gắng  rồi tự ngẫm rằng "Sẽ ‘chẳng còn ai’, ai …gồm cả chúng ta nữa đó anh!" 
Đầu năm nay, 2015, một hôm tôi nhận được điện-thư của một bạn quen nhau ở hải-ngoại. Thú thật chúng tôi ít gởi thư cho nhau bởi lẽ tôi thường trao đổi thư từ về thơ văn qua một người bạn chung cùng nhóm. Điện-thư của anh, anh Lê Hoàng Viện, đã cho tôi một ngạc-nhiên lớn! Thú vị là vì điện-thư này rất  "nặng ký" với tôi; nặng bởi vì biết thêm anh là bạn cùng nhà trọ với người bạn của tôi nhắc bên trên, thuở hai anh đi học ở Trung học Phan-Thanh-Giản, Cần-Thơ, và nặng hơn nữa khi cho tôi biết bạn cũ Hà -Tiên của tôi đang tìm và đang ở cách tôi vài trăm miles, khoảng 4 đến 5 giờ lái xe ở đất Mỹ này. Mừng quá đổi mừng và cám-ơn anh Lê Hoàng Viện thiệt là nhiều.
Vào lứa tuổi "thất thập cổ lai hy" mà lái xe ngần ấy giờ trong mùa Đông tuyết đổ này thì cũng "ái ngại ái ngộ " lắm. 
Nhớ xưa cha mẹ và thầy cô dạy: “Chuyện gì làm được hôm nay thì đừng để ngày mai” và sau này có câu “ Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” nên tôi quyết- tâm tìm đến thăm vợ chồng bạn đang du-lịch tại đất nước này để tạo cho nhau MỘT NGÀY VUI " chộ vốn" cho chắc ăn trước cái đã.
Tôi liên-lạc, hẹn hò, hỏi địa-chỉ. Khi đến ngày hẹn, chiếc xe đời 2003 với GPS vượt đường dài ẩm ướt do trận tuyết hôm qua, đưa tôi và bà xã đến gặp anh Huỳnh Văn Hòa, cựu học sinh trường Phan-Thanh-Giản năm 1956, và hiền-thê của anh là chị Thái Thị Phượng, cựu nữ-sinh Trung-học Đoàn-Thị-Điểm tại nhà của bác-sĩ Thái Ngọc Ẩn và chị Nguyễn Thị Gấm ở Watertown, Massachusetts.
Từ khi tôi về dạy ở Cần-Thơ, qua trung-gian của anh Hòa, vợ chồng chúng tôi đã trở thành bạn của chị Phượng, em ruột của bác-sĩ Thái Ngọc Ẩn, và quen biết hầu hết các thành-viên gia-đình của chị, như anh Thái Minh Tước, Thái Minh Nhựt (Giám-đốc Tư-Thục Ngọc-Phú)…
Ngày bốn tháng giêng năm 2015, chúng tôi gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện mới chuyện cũ râm ran kể ra liên-tục cho đến lúc chia tay sau nhiều giờ hàn-huyên. Chúng tôi hẹn gặp nhau ít nhất một lần nữa trước khi anh chị trở về Việt Nam.
Nguyễn Hồng Ẩn và Huỳnh Văn Hòa_2015
Một hôm tôi nói với anh Hòa rằng : vì đã tạo cho nhau NHÂN tốt nên dù cách xa ngàn dặm, nơi xứ lạ quê người, chúng ta đã được hưởng QUẢ tốt ngày nay.
Với Thái Thị Phượng và Nguyễn Hồng Vân
Chắc chắn chúng tôi sẽ đến gặp anh chị một lần nữa, có thể vào ngày hợp mặt mừng Xuân Ất Mùi  2015 của Nhóm Phan-Thanh-Giản và Đoàn-Thị- Điểm Vùng New England vào 29 tháng 3 tại nhà anh Ẩn và chị Gấm.

Nguyễn Hồng Ẩn

March 16, 2015

2014/11/14

Học đường và tôi (1)

Kỷ niệm về cuộc sống của tôi nằm trong tim, cái rõ cái mờ, chúng hiện về nếu có dịp nhất là những kỷ niệm về cha mẹ và học đường.

Qua bao nhiêu biến cố liên quan đến chiến cuộc đã làm vơi đi những hình ảnh lưu niệm dọc theo dòng đời. Thật là buồn và … uổng!

Có một ảnh chụp toàn học sinh lớp ba dạy bởi thầy Sổ tại trường Tiểu học Ngã Tư Long Hồ Vĩnh Long vào niên khóa 1951-1952, lúc tôi là thằng nhóc con mặc xà lỏn, áo sơ mi đen ngắn tay, chân đất đi học, tôi còn giử được mãi đến năm 1986 thì lạc mất; do tôi đem khoe ảnh này cho con tôi lúc định cư ở Hoa Kỳ, chúng thích quá lấy đem khoe với bạn bè Mỹ và vô tình làm mất.

Trường College de Vĩnh Long được đổi tên thành Trung Học Công Lập Vĩnh Long và được dời từ ngôi trường gần miếu Bảy Bà đến địa chỉ mới ở đường Gia Long / đường Pasteur/ đường Hùng Vương. Cuối niên khoá 1957-1958, kết quả kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp của trường nhà rất khả quan, hình như tỉ số cao nhất toàn quốc. Năm này, nếu không lầm, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Kính (?) hoặc là thầy Nguyễn Băng Tuyết (?).




Tiếp theo là Tết Mậu Tuất nên nhà trường tổ chức tiệc liên hoan mừng kết quả thi cử và ngôi trường lớn rộng rãi. Tiệc liên hoan tổ chức ngoài trời, mọi người ăn uống/ đùa giởn thật vui vẻ. Tôi còn giử được một ảnh liên quan đến bửa tiệc này, xin copy lại nơi đây.

Trong hình:

-Hậu cảnh là hai giải nhà thẳng góc nhau thuộc đường Pasteur và đường Hùng Vương, (sắp bị phá bỏ năm nay, 2014 ?)

-Những học sinh cười thật tươi đến nay ngoài 70 hết rồi, kẻ còn người mất. Tôi có trong ảnh này. Một số bạn tôi còn nhớ tên, từ trái sang anh Thiện chỉ thấy mặt với nụ cười có răng sún; Vương Tấn Thại nhà ở đường Trưng Nữ Vương; anh Trị; Nguyễn Văn Trợ nhà ở cầu Bà Điều, mặt ở ngay cánh tay của người áo đen cuối ảnh phiá mặt và anh này là Tạ Thượng Tứ.

Ảnh này chỉ là một góc nhỏ của buổi tiệc liên hoan kéo dài cho đến chiều tối hôm 26 tháng chạp Mậu Tuất và kéo dài …cho đến hôm nay trong sự hồi tưởng của tôi, người học trò bậc Đệ Tam(lớp 10) dạo đó.
Anh Tú(NHA)
November 14, 2014

2014/07/20


NĂM MƯƠI BỐN NĂM SAU (1960 – 2014)

Niên học 1958-1959 tôi học lớp Đệ tam (lớp 10) ban B tại trường Trung Học Công lập Tống Phước Hiệp của tỉnh Vĩnh Long.
Mới vào Đệ nhị cấp, mọi người ái ngại. lo âu nhưng cũng rất phấn chấn đón nhận với lòng náo nức.
Những bài học của các bộ môn được chúng tôi chủ trương tìm hiểu một cách kỷ lưởng và phải được thông suốt. Có bài đầu tiên của môn Vật Lý đã làm tôi cũng như các bạn chới với. Đó là bài Sai Số của bộ môn Vật Lý do Giáo Sư Ninh phụ trách. Thầy kiên nhẫn nhiệt tình giảng đi giảng lại nhiều lần mà chúng tôi vẫn còn hiểu một cách mơ hồ. Từ đó cho đến bây giờ mỗi khi có dịp nhắc về thầy thì phải nhớ bài học Sai Số và ngược lại.

Cách đây khoảng hai năm, một hôm có một cú điên thoại tìm tôi:
-Xin lỗi : Có phải tôi đang gọi số điện thoại của anh Nguyễn Hồng Ẩn không ạ? Tôi muốn tìm anh ấy! Một giọng nam vang lên mà âm thanh cho phép mình đoán được là một người lớn tuổi.
-Tôi là Ẩn đây! Tôi vội trả lời trong khi thầm nghĩ ai đi tìm mình ở cái xứ lạ quê người này.
-Tông đây Ẩn ơi! Nhớ Tông con của thầy Ninh không?
Làm sao mà quên được thầy kính mến của mình và thằng bạn học chung lớp tại Trường Tống Phước Hiệp khi xưa.
-Trời ơi! Mầy đó hở Tông! Làm sao mầy biết số…của tao.
Và chúng tôi rộn rã thăm hỏi và nhắc lại những chuyện đã qua từ trường lớp cũng như chuyện đời của mỗi đứa từ độ chia tay ở niên học cuối cùng Đệ Nhị.
Ngày bải trường năm 1960, anh em lớp Đệ Nhị (lớp 11) của chúng tôi chia tay nghỉ hè, học ôn bài vở để sửa soạn cho kỳ thi Tú tài 1. Sau khi thi xong, chỉ những ai thi rớt thì hoạ chăng trở về trường xin học lại để chờ kỳ thi năm tới. Những ai đậu muốn học lên phải rời trường vì trường Tống Phước Hiệp dạo ấy không có lớp Đệ Nhất (lớp 12) nên học sinh phải tìm trường khác như Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, Phan Thanh Giản (ở Cần Thơ) hoặc các trường ở Sài Gòn như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương…
Tôi và Tông không gặp lại nhau từ đó. Vậy là hơn nửa thế kỷ với bao vật đổi sao dời, chúng tôi liên lạc lại được nhau nơi xứ lạ quê người. Gia đình anh đang ở bờ Tây nước Mỹ còn tôi ở bờ Đông. Từ khi nối lại liên lạc, thỉnh thoảng “gặp” nhau trên điện thoại và chưa một lần mặt đối mặt nhau.
Tháng bảy năm nay, anh chị lấy tour du lịch quanh vài tiểu bang nước Mỹ và dừng chân thăm gia đình đứa con gái ngụ tại trường Đại Học MIT, Cambridge, MA. Từ nhà tôi đến đây khoảng 10 tiếng đồng hồ lái xe đi về nếu không kẹt xe. Dù rất ngại lái xe đường xa do tuổi già nhưng nếu bỏ qua cơ hội này thì biết đâu sẽ chẳng có dịp gặp tận mặt nhau. Tôi đã và đang ân hận một lần chần chờ khi thăm một bạn rắt thân và không may tôi đã vĩnh viễn chẳng còn có thể gặp lại vì bạn tôi sau đó đã đi xa.
Thế là tôi quyết định cùng bà xã sáng sớm hôm nay (17 tháng 7 2014) lên đường. Ngày này thật đẹp trời và chúng tôi đã bắt tay, ôm choàng mừng nhau, thao thao tâm sự sau 54 năm không gặp.

Rất thỏa dạ! Nhưng chúng tôi vẫn còn mong tái ngộ nếu có dịp. Sau đôi tiếng đồng hồ ngồi bên nhau trước ly trà ấm tình bạn hữu, đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp, đồng chí hướng, đồng cảnh ngộ…Chúng tôi phải chia tay trong lưu luyến và chúc nhau những lời tốt đẹp.
Hẹn tái ngộ…

Anh Tú/Nguyễn Hồng Ẩn
July 20, 2014

2013/10/08

TÌM ĐÂU?

Giấc ngủ chập chờn, bao lần trở giấc trong đêm, mắt trao tráo khi “gà chưa gáy sáng” (như vào thời điểm ở quê nhà), nghĩ “lang thang” về ngày tháng cũ, ngày tháng của tuổi mình còn trẻ, đã từng ngạc nhiên sao mẹ (mẹ ruột lẫn mẹ của người phối ngẫu của mình) tại sao thức sớm như vậy? Bây giờ mới hiểu và….

Tranh thiết kế bởi YÊN DẠ THẢO
Bao lần tôi cố đi tìm
Một hình bóng cũ đã chìm trong sương.

Sương thu lạnh thoáng mùi hương
Thơm mùi hạt gạo Nàng Hương quê nhà.
Người mờ khuất, dỉ vảng xa
Bóng hình ấy vẫn…mặn mà ngàn năm.

Mẹ ơi! Nơi chốn xa xăm
Biết con nhớ mẹ tím bầm ruột gan?

Nguyễn Hồng Ẩn (Anh Tú)
Thu 2013
(October 8, 2013)

2012/03/01

*Nồi Cá Bóng Kho Tiêu
Thơ: Anh Tú Nguyễn Hồng Ẩn
Diễn ngâm: Hương Chiều


hay https://app.box.com/embed/preview/9sr0qwsdx5dab6b1hgukckj3wry33cf5?theme=dark“


Độc thân ba mươi tuổi đời lỡ vận
Kiếp tù đày vì lận đận nước non
Mẹ đã già con không tròn phụng dưỡng
Mà mẹ còn phải lặn lội tìm con.

Lần đầu mẹ đến thăm, tôi bỡ ngỡ
Tóc muối tiêu cùng cá bống kho tiêu
Nước mắt người chan hoà trong vị mặn
Buồn nhìn nhau trong bóng ng
 xế chiều!


Qua ba năm tóc muối tiêu đã bạc
Bước vẹo xiêu người vẫn gắng thăm con
Thương lắm:”Thôi mẹ đừng đi đến nữa!”
Đáo định kỳ vẫn chờ đợi mỏi mòn.

Suốt hai năm sau mẹ hiền vắng bóng
Ngỡ mẹ nghe lời khuyên của con yêu
Nào ngờ người đã trở thành thiên cổ
Ngày tôi về, ngày mưa gió tiêu điều!

Vào kỳ giỗ kho một nồi cá bống
Có rắc tiêu và cả nước mắt con
Trước bàn thờ tôi chân thành khấn vái
Hồn mẹ thiên xin phù hộ nước non!

Nguyễn Hồng Ẩn (Anh Tú)
March 1, 2012
*Từ câu truyện trên Internet.

2012/01/01

BUỔI SÁNG ĐẦU NĂM

Sương lạnh mùa Đông bám dầy cửa kính
Mờ mờ dáng cây trụi lá xa xôi
Thật im vắng, rõ tiếng kêu máy sưởi
Buồn không tên lảng đảng lên ngôi.

Trông lên vách thấy bóng mình cô độc
Hỏi bao lần nhìn tờ lịch đầu năm
Và còn nữa, được bao lần như thế?
Lòng nao nao chút xao xuyến âm thầm!

Vuốt mặt vết nhăn tay nghe cảm giác
Tim đập nhanh đua giây phút trôi qua
Nhịp phổi mệt nhoài len trong hơi thở
Cái gì đây? Chào ngày mới ngọc ngà!

Miên man nghĩ, thời gian trôi êm ả
Quay nhìn ra ngoài nắng sớm lên cao
Sương trên kính bắt đầu tan thành nước
Hơi ấm mặt trời: sức sống dạt dào!

Xoa hai tay với nhau lên hơi ấm
Áp vào tim nghe tiếng đập nhịp nhàng
Nụ cười cháu thơ thức giấc vang vang
Chợt tìm thấy niềm tin yêu trở lại! 


Anh Tú
(Nguyễn Hồng Ẩn)
 January 1, 2012
Từ Buổi Đầu Năm của Đỗ Hữu Tài


*
BUỔI SÁNG ĐẦU NĂM (Đỗ Hữu Tài)

Đẹp thay buổi sáng đầu năm
Bầy chim chíu chít ghé thăm trước nhà
Nắng lên khoe áo mượt mà
Mấy cụm mây trắng là đà trên không

Như mừng cái Tết mùa đông
Nắng rơi ngoài ngõ ấm trong tim mình
Thiên nhiên cảnh vật hữu tình
Mây bay chim hót tôi nhìn hồn say

Bầu trời rạng rỡ sáng nay
Gió rung chiếc lá cành cây nhẹ nhàng
Tôi nghe hồn thoáng mơ màng
Bước ra khỏi cảnh buộc ràng thế nhân


Trả đời lại cuộc phù vân

Tôi ngồi mà ngỡ bước chân giữa trời
Cám ơn buổi sáng tuyệt vời
Dù không có bóng người đời tới thăm

Đẹp thay buổi sáng đầu năm
Gió đưa mây trắng mà tâm bềnh bồng
Đàn chim vui dưới nắng hồng
Ước chi ai đến cho lòng cùng vui

Đỗ Hữu Tài
01.01.2012


*BUỔI SÁNG ĐẦU NĂM 

Sương lạnh mùa Đông bám dầy cửa kính
Mờ mờ dáng cây trụi lá xa xôi
Thật im vắng, rõ tiếng kêu máy sưởi
Buồn không tên lảng đảng lên ngôi.

Trông lên vách thấy bóng mình cô độc

Đã nhiều khi nhìn tờ lịch đầu năm
Tự hỏi sẽ được thêm bao lần nữa?
Bổng nao nao chút xao xuyến âm thầm!

Vuốt mặt vết nhăn tay nghe cảm giác
Tim đập nhanh đua giây phút trôi qua
Nhịp phổi mệt nhoài len trong hơi thở
Cái gì đây? Chào ngày mới ngọc ngà!

Miên man nghĩ, thời gian trôi êm ả
Quay nhìn ra ngoài nắng sớm lên cao
Sương trên kính bắt đầu tan thành nước
Hơi ấm mặt trời: sức sống dạt dào!

Xoa hai tay với nhau lên hơi ấm
Áp vào tim nghe tiếng đập nhịp nhàng
Nụ cười cháu thơ thức giấc vang vang
Chợt tìm thấy niềm tin yêu trở lại! 
Anh Tú
(Nguyễn Hồng Ẩn)
 January 1, 2012

2011/11/25

Photo: Tom_LeFavour 1969
Hà Tiên Miền Nhớ

Trường nhỏ vùng biên cương ̣tổ quốc
Học trò hiền hậu rất thân thương
Gắn bó đời tôi cùng đất mới
Như tình nhân dấu ái miên trường

Tình dân hiếu khách và thân thiện
Nụ cười luôn nở đẹp trên môi
Xao xuyến lấn len tim khách lạ
Mới vào đời lạ lẫm chơi vơi.

Đến khi phải giã từ ly biệt
Chân đi lòng vẫn muốn không rời
 Dấu yêu kỷ niệm ghi vùng nhớ
Theo cùng tôi vạn nẽo đường đời.

Tô Châu, Đá Dựng, dừa ba ngọn
Thuận Yên, Mỹ Đức, núi Bình San
Bao địa danh là... bao dấu ái
Mãi mãi là niềm nhớ ngút ngàn!

Anh Tú
November 25, 2011

2010/09/20

7-CHIM ĐỪNG MÕI CÁNH

Đã sinh làm kiếp chim trời
Thênh thang một cõi, một thời khó quên!
Mây xanh, mây trắng bên trên,
Dưới kia biển rộng mông mênh sóng gào.

Quanh chim gió thổi rì rào,
Hương đời thơm ngát, ngạt ngào bốn phương!
Mở lòng vui với tình thương,
Hận sầu vứt bỏ vấn vương ích gì?

Đường dài mỏi mệt bước đi,
Xin chim vỗ cánh xá gì dặm xa!
Nhịp lơi phương hướng sa đà,
Tả tơi cánh mỏng không là chờ mong!


Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn)
20/9/2010

2010/01/04

2-TẾT NHỚ MẸ HIỀN

(Để nhớ nhạc mẫu ra đi ngày 12/6/2009 d
ương lịch- 20 tháng 5 âm lịch)

Nơi đất khách nhận được tin sét đánh
Mẹ ra đi con vội vã quay về
Trên đường bay thời gian quá lê thê,
Mắt mờ lệ, đất trời như tận thế!

Tân Sơn Nhất hối hả vào Chợ Rẩy*
Để kịp nhìn mặt mẹ lúc lâm chung.
Đau đớn quá những giây phút cuối cùng
Lòng thảng thốt xót thương tình mẫu tử!

Kể từ đấy Tết này con vắng mẹ,
Ở nơi nào mẹ có thấy con không?
Con đang khóc trong pháo Xuân rộn rã,
Lòng giá băng như tuyết lạnh mùa Đông!

Thân xác mẹ đang nằm trên Đất Mẹ,
Còn con đang lưu lạc ở xứ người.
Nén hương thơm, rượu lạt, cánh hoa tươi.
Tưởng nhớ mẹ những mùa Xuân năm cũ.

Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn)
Viết thay cho hiền thê
Hoa Kỳ, ngày 04 tháng 01, 2010

*Phi trường Tân Sơn Nhất, Bệnh viện Chợ Rẩy,Sài Gòn