*TỪ HÀ TIÊN ĐẾN CẦN THƠ
Sau khi tốt-nghiệp, tôi đến nhận nhiệm-sở tại một trường trung-học quận nhỏ bé gần biên-giới Việt Miên vào niên-khóa 1965-1966.
Ngay khi rời con đò Tô Châu, bước chân lên thị-trấn Hà Tiên mộc-mạc như cô gái quê nhưng chiếm lỉnh một vùng đất tịch-mịch, thơ mộng, hữu tình với những địa-danh lịch-sử nổi tiếng, nổi tiếng cả trong văn học, tôi đã không thất-vọng khi đã chọn ngôi trường nhỏ bé khiêm-nhường nằm ở cuối miền đất nước bên bờ vịnh Thái Lan biển xanh, gió lộng. Khi ở cấp tiểu-học, tôi đã nghe qua Hà-Tiên có thời là một trong 21 tỉnh-lỵ ngày xưa của miền Tây Việt-Nam qua câu "bí kíp"thầy dạy cho dễ nhớ: Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa, Bến, Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc, Cấp.
Một đồng-nghiệp giới-thiệu tôi đến nhà bà Bảy, 16 Nhật Tảo là nơi trọ duy-nhất cho đến lúc tôi rời hẳn Hà-Tiên vào cuối niên-khoá 1969-1970 để chuyển về Trung-học Đoàn Thị Điểm, Cần-Thơ. Ngôi nhà thân thương này của nhiều thầy giáo xa xứ ở trọ, nơi cho họ biết bao kỷ-niệm vui buồn. Được biết bây giờ, 2015, ngôi nhà cổ-kính này vẫn còn đó, khiêm-nhường nằm dưới bầu trời xanh đất Việt đón gió biển Thái-Bình-Dương thoảng vào từ vịnh Thái-Lan như bấy lâu, chứng- kiến những đổi thay của thị-trấn sau chiến-tranh để trở thành một thành-phố du-lịch khá nổi tiếng.
16 Nhật Tảo, Hà Tiên_1966 |
16 (bây giờ là 17)Nhật Tảo, Hà Tiên |
Đó là điều tất-yếu theo thời-gian, nhưng với những ai hoài cổ chắc ngậm-ngùi khi nhớ hoặc về thăm lại để tìm chút dư hương ngọt ngào ngày cũ của mình.
Nguyễn Hồng Ẩn và Huỳnh Văn Hòa_1966 |
Tôi cũng không ngoại lệ! Có rất nhiều điều nhắc/nhớ lại, vui có buồn có, nhưng hôm nay tôi muốn đề-cập đến một người bạn lần đầu quen biết tại 16 Nhật Tảo, Hà-Tiên. Chúng tôi rất thân nhau rồi theo thời-gian, khi gần khi xa qua nhiều giai-đoạn vui hay khổ, kéo dài cho đến hôm nay: bắt đầu tại vùng đất Phương-Thành (tên cũ của Hà Tiên), đến ... đồi Tăng-Nhơn-Phú (Thủ-Đức), Tây-Đô, vùng bưởi Năm Roi ( Cái Vồn hay Bình -Minh, Vĩnh-Long), trại nuôi tép xã Long-Khánh (Trà-Vinh), rồi tiếp theo nhiều năm "tôi thì ngày lúc anh vào đêm" hay ngược lại...Nói cho rõ hơn, chúng tôi kề cận bên nhau từ lúc dạy học ở Hà-Tiên, động-viên vào Trường Sĩ-quan Trừ-Bị Thủ-Đức, đổi về dạy ở Cần-Thơ, về Trung-học Bình-Minh, đi tù "cãi-tạo" tại xã Long-Khánh và xa nhau khi tôi định-cư nước ngoài.
Cách nay mười ba năm về trước (2002), chúng tôi tái ngộ lần đầu tại Cần-Thơ sau nhiều năm mạnh ai nấy tìm đường sống cho mình sau cuộc "đổi đời". Gặp nhau trong vội-vã, hấp-tấp vì thời-hạn ngắn ngủi nên chẳng vừa lòng.Sau đó thỉnh-thoảng chúng tôi có những lần thăm hỏi qua điện-thoại viển liên. Anh hối tôi cố cùng nhau làm một lần về thăm lại Đông-Hồ, Tô-Châu, Bãi Nò, Mũi Nai, lăng Mạc Cửu trước khi những người quen, thân-hữu, đồng-nghiệp và cả học trò sẽ chẳng còn ai! Tôi hứa...cố-gắng rồi tự ngẫm rằng "Sẽ ‘chẳng còn ai’, ai …gồm cả chúng ta nữa đó anh!"
Đầu năm nay, 2015, một hôm tôi nhận được điện-thư của một bạn quen nhau ở hải-ngoại. Thú thật chúng tôi ít gởi thư cho nhau bởi lẽ tôi thường trao đổi thư từ về thơ văn qua một người bạn chung cùng nhóm. Điện-thư của anh, anh Lê Hoàng Viện, đã cho tôi một ngạc-nhiên lớn! Thú vị là vì điện-thư này rất "nặng ký" với tôi; nặng bởi vì biết thêm anh là bạn cùng nhà trọ với người bạn của tôi nhắc bên trên, thuở hai anh đi học ở Trung học Phan-Thanh-Giản, Cần-Thơ, và nặng hơn nữa khi cho tôi biết bạn cũ Hà -Tiên của tôi đang tìm và đang ở cách tôi vài trăm miles, khoảng 4 đến 5 giờ lái xe ở đất Mỹ này. Mừng quá đổi mừng và cám-ơn anh Lê Hoàng Viện thiệt là nhiều.
Vào lứa tuổi "thất thập cổ lai hy" mà lái xe ngần ấy giờ trong mùa Đông tuyết đổ này thì cũng "ái ngại ái ngộ " lắm.
Nhớ xưa cha mẹ và thầy cô dạy: “Chuyện gì làm được hôm nay thì đừng để ngày mai” và sau này có câu “ Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” nên tôi quyết- tâm tìm đến thăm vợ chồng bạn đang du-lịch tại đất nước này để tạo cho nhau MỘT NGÀY VUI " chộ vốn" cho chắc ăn trước cái đã.
Tôi liên-lạc, hẹn hò, hỏi địa-chỉ. Khi đến ngày hẹn, chiếc xe đời 2003 với GPS vượt đường dài ẩm ướt do trận tuyết hôm qua, đưa tôi và bà xã đến gặp anh Huỳnh Văn Hòa, cựu học sinh trường Phan-Thanh-Giản năm 1956, và hiền-thê của anh là chị Thái Thị Phượng, cựu nữ-sinh Trung-học Đoàn-Thị-Điểm tại nhà của bác-sĩ Thái Ngọc Ẩn và chị Nguyễn Thị Gấm ở Watertown, Massachusetts.
Từ khi tôi về dạy ở Cần-Thơ, qua trung-gian của anh Hòa, vợ chồng chúng tôi đã trở thành bạn của chị Phượng, em ruột của bác-sĩ Thái Ngọc Ẩn, và quen biết hầu hết các thành-viên gia-đình của chị, như anh Thái Minh Tước, Thái Minh Nhựt (Giám-đốc Tư-Thục Ngọc-Phú)…
Ngày bốn tháng giêng năm 2015, chúng tôi gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện mới chuyện cũ râm ran kể ra liên-tục cho đến lúc chia tay sau nhiều giờ hàn-huyên. Chúng tôi hẹn gặp nhau ít nhất một lần nữa trước khi anh chị trở về Việt Nam.
Nguyễn Hồng Ẩn và Huỳnh Văn Hòa_2015 |
Một hôm tôi nói với anh Hòa rằng : vì đã tạo cho nhau NHÂN tốt nên dù cách xa ngàn dặm, nơi xứ lạ quê người, chúng ta đã được hưởng QUẢ tốt ngày nay.
Với Thái Thị Phượng và Nguyễn Hồng Vân |
Chắc chắn chúng tôi sẽ đến gặp anh chị một lần nữa, có thể vào ngày hợp mặt mừng Xuân Ất Mùi 2015 của Nhóm Phan-Thanh-Giản và Đoàn-Thị- Điểm Vùng New England vào 29 tháng 3 tại nhà anh Ẩn và chị Gấm.
Nguyễn Hồng Ẩn
March 16, 2015