2013/09/07

*PHƯƠNG THÀNH NỖI NHỚ

-Con có gia-đình chưa?

-Dạ thưa thầy chưa ạ.
-Vậy thì chọn nhiệm-sở nào cũng được mà, chọn…xa xa cho phỉ chí trai đi con.
Đó là những lời trao đổi giữa thầy Viện-Trưởng Viện Đại-Học Sài- Gòn, Giáo-sư Trần Quang Đệ, với tôi khi thầy chủ-trì buổi chọn nhiệm-sở của nhóm “thầy giáo mới ra trường” năm 1965 lúc thấy tôi chần chừ mãi trước bảng ghi nhiệm-sở mà không chọn …
Bởi thứ hạng thấp nên tới phiên tôi còn những nơi gần cũng như xa nhưng với giao-thông rất khó-khăn, nguy-hiểm vì dạo đó chiến-sự cũng đã khá sôi động. Lời khích tướng của thầy Viện-Trưởng làm tôi nổi máu giang-hồ, liền viết ngay tên một trường ở miền biên- giới Việt Miên lên giấy chọn.
Tới ngày khăn gói lên đường đến một nơi nghe tiếng nhưng chưa một lần thăm viếng, háo hức vào đời lẫn với sự lo lắng bước đường xa xôi lạ lẫm hiểm-nguy pha trộn thành một cảm-xúc là lạ hấp-dẩn.
Đoạn đường xe Cần-Thơ/ Rạch-Giá lần đầu đi qua, dù bên đường cũng chỉ là những cánh đồng lúa bạt ngàn, những chợ làng nho nhỏ, những nhà lá nghèo nàn hoặc mái ngói nhưng đơn-sơ mộc mạc, những đoạn sông rạch với lục bình trôi ghe xuồng xuôi ngược…mà tôi vẫn thấy như mình du-lịch ở một vùng đất mới.
Phải qua đêm ở phố-thị Rạch-Giá hôm sau mới tiếp tục được cuộc hành-trình. Ngủ khách-sạn, ăn cơm tiệm, hỏi thăm đường đi nước bước cho ngày hôm sau.
Khách-sạn, cơm tiệm một mình….tự-nhiên mình cảm thấy mình đã là người lớn; tôi còn tưởng tượng mai mốt đây sẽ đứng trên bụt gổ trước mặt một đám học trò và bọn chúng cúm núm một thưa thầy, hai cũng thưa thầy nữa kìa…
Sáng tinh sương tôi đã đến bến tàu Rạch-Giá/ Kiên-Lương với mớ hành-trang chỉ là sách vở, đôi bộ quần áo, gói xôi vị cho điểm tâm, hai ổ bánh mì thịt cho buổi trưa và chiều cùng hai, ba tờ nhật báo, tuần báo. Vì đoạn đường này chừng hơn sáu mươi cây số mà tàu đò đưa khách, thường ghé rước hoặc thả khách nên chạy đã chậm còn chậm thêm. Do đó, khách đi đường xa thường mướn cái võng  nằm nghỉ thì được thoải mái hơn. Tôi chọn một cái võng giữa tàu để tránh bớt khách lên xuống. Lần đầu tiên đi tàu kiểu này nên cũng thú-vị; treo mình “ tòn ten” ngắm cảnh lạ đường xa, nghiền ngẫm mấy tờ báo, rồi chìm vào giấc ngủ …chập chờn.
Thuở ấy tuyến đường bộ Rạch-Giá / Hà-Tiên dài khoảng chín mươi chín cây số, nếu tôi không lầm, gập ghềnh lổ hang, sỏi đá …với những cây cầu cũ kỹ. Bên cạnh đó vì chiến-tranh nên đường bộ không an-toàn. Xe hơi chỉ chạy một đoạn ngắn từ Rạch-Giá chứ không chạy suốt đến Kiên-Lương, Hà-Tiên. Vì lẽ đó phương-tiện giao-thông chính là đường sông. Những khách buôn bán, nông-dân, phụ-nữ hoặc trẻ con, người già thường đi suốt tuyến đường tàu nhưng những thanh-niên, hoặc ai có làm việc cho chánh-quyền đương-thời thì chỉ đi đoạn đường Rạch-Giá/ Kiên-Lương (hoặc ngược lại), còn đoạn Kiên-Lương / Hà-Tiên thì lên đường bộ đi bằng xe Lam, nhanh và an-toàn hơn.


Kênh đào Rạch Giá - Hà Tiên

Ngủ rồi thức. Ăn, đọc báo rồi ngủ. Cuối cùng tàu cũng đến trạm Kiên-Lương, nơi có nhà máy xi-măng tân-tiến của Nam Việt-Nam, khai-thác núi đá vôi vùng này, cung-cấp xi-măng cho cả nước và hình như có xuất-cảng nữa. Quận Kiên-Lương trẻ tuổi với nhà máy xi-măng đang phát-triển nên nhà cửa, quán xá khá khang-trang so với những quận nghèo nàn khác lúc bấy giờ. Nhìn những ngọn núi đá vôi (không cao to), nhìn khu nhà máy xi-măng độ sộ với những ống khói nhả khói mịt mù (ngày đêm), một niềm vui bất chợt đến vì sự tiến-bộ về nền công-nghiệp của nước nhà. Ước mong chiến-tranh đừng lan đến nơi này…
Xe Lam lên đèo xuống dốc trên con đường đất đỏ dài cở ba mươi cây số, làm tung lên những làn bụi đỏ phía sau, chạy dọc theo mé biển đưa tôi đến quận Hà-Tiên tịch-mịch, cổ-kính. Bên trái là biển thuộc vịnh Thái-Lan lần đầu nhìn tận mắt, bên mặt là rừng thưa lai rai mái nhà lá đơn-sơ, thỉnh thoảng gặp vài người dân quê mộc mạc đi chân đất bên đường, vùng đất mới với cảnh, người mới làm nao nao lòng khiến tình thương quê-hương trong tôi dạt dào hơn. Bãi biển Thuận-Yên sóng vỗ nhè nhẹ nằm bên trái con đường với hàng dừa xanh tươi bên mặt dưới chân núi Tô-Châu đã tới có nghĩa là đôi phút nữa Hà-Tiên sẽ hiện ra trước mặt tôi.
Chiều đã xuống, từ bến đò Tô-Châu tò mò háo hức ngắm nhìn Hà-Tiên nằm im lìm bên kia sông, đoạn sông ngắn nối vịnh Thái-Lan và hồ Đông-Hồ,  tôi đang thở vào ra không-khí lạ như có pha mùi muối và cá của biển, tôi đang cảm nhận mùi đất quê-hương nồng-nàn mùi lá rừng, khai-phá bởi ngài Mạc Cửu; vùng đất mới mà tôi sẽ lăn lốc sống vài năm lúc mới ra trường. Không-gian này, thời-gian ấy đã hằn dấu sâu sắc trong đời tôi và tôi đã mang chúng theo mãi bên mình từ dạo ấy đến nay.


PHƯƠNG-THÀNH NỖI NHỚ

Phương-Thành ơi! chợt nhớ em da diết
Mấy mươi năm rồi cách biệt xa xôi
Bao kỷ-niệm thân-thương còn lưu giử
Tên ngọt ngào anh từng nhẩm không thôi.

Đò máy, nằm võng tìm em một thuở
Qua dốc đồi xe “lam” đến Thuận-Yên
Hàng dừa xanh lá rạt rào gió biển
Đưa chân anh ngơ ngẩn đến Hà-Tiên.

Bến Tô-Châu một chiều vàng nắng nhạt
Gió Đông Hồ vờn nước mặn Thái-Bình
Cửa sông nối hồ thơ và biển cả
Dừng chân anh chờ cô lái đò xinh.

Chạm thân em - dạt dào bao cảm xúc-
Thị-trấn đơn côi trấn ải biên-cương
Anh chọn cho lần đầu tiên dấn bước
Vào đời, như tàu thám-hiểm đại-dương.

Sạp báo Minh Xuân, Đại-Tân khách-sạn
Không ngỡ ngàng mà lại rất thân tình
Hiếu khách những chị/ anh/ em biên-giới
Xao động lòng, tim mở đón tình xinh.

Ngôi trường nhỏ nhắn, bạn bè mới gặp
Như là nhà, êm ái những vòng tay
Mai sẽ gặp những học-sinh mộc mạc
Nở nụ cười rạng rỡ đón ngày mai.

Đường Bạch-Đằng nơi đầu tiên ở trọ
Nơi thứ hai , ngỏ Nhật-Tảo thân thương
Ơn nghĩa ấy ghi sâu trong tâm-tưởng
Thời-gian qua nhưng tình vẫn còn vương.

Sau lớp học: Bải Nò , lăng Mạc Cửu
Lang-thang viếng thăm thập cảnh Hà-Tiên
Thương ánh điện (tợ đèn dầu) leo lét
Nước ao sen vẫn ngọt lịm lương duyên.

Đâu sá gì với đôi điều trắc-trở
Như vị cay, gia-vị bửa tiệc ngon
Kỷ-niệm đắng cho cuộc sống thêm dòn
Vẫn trân-trọng xấu/ xinh ngày tháng ấy.

Tình-yêu Phương-Thành làm sao nói hết    
Thôi thì giử-gìn trong những hóc tim
Đôi lúc nhớ nhung đem ra ngắm nghía
Để đời anh không tẻ nhạt im lìm.


Gần đây (18/7/2013) bất chợt tôi cồn cào nhớ về Hà-Tiên, bài thơ Phương-Thành Nỗi Nhớ thành hình, và xin chia sẻ với bè bạn hôm nay.

Anh Tú (
NHA)
September 7, 2013

2013/09/01

*Còn "Tao Với Mầy"

(Tặng Phú Thạnh)

Buổi tối bên cầu thang bến vắng
Dòng sông vằng vặc bóng trăng trôi
Gió đêm man mác len cành lá
Tụ hợp vui đùa trẻ xóm tôi.

Rộn rã cười làm chim vỗ cánh
Xôn xao bay lượn rộn trời xanh
Mầy tao hai tiếng thân thương quá
Mộc mạc nghe ra rất nhiệt thành.

Bốn đứa ngày nao, hai vắn số
Còn thằng bám trụ nhớ bạn xưa
Có tên lang bạt xa quê cũ
Tóc trắng phủ đầu che nắng mưa.

Sẽ đến phiên mình mầy có biết?
Giả từ tất cả cõi vô thường
Trở về cát bụi… nơi đoàn tụ
Tay bắt mặt mừng chốn viễn phương.

NHA /Anh Tú
September 1, 2013


2013/08/20


LÀ CỦA NHAU
-Để nhớ một thời biến loạn sau 1975-

Hỏi người nhung nhớ gì chăng?
Có còn lưu luyến mùa trăng năm nào
Con đường tình ái xôn xao
Tháng ngày rộn rã ngọt ngào tuổi xanh!

Vì Thu lá phải xa cành
Vì tương lai chúng ta đành cách xa
Dù cho nghịch cảnh phong ba
Mong người luôn nghĩ ta là của nhau.


NHỊ HỒNG <Anh Tú>

August 20, 2013

2013/08/14

*Hương Thu Bình San*



(Tặng người yêu lan kiến cò)

Bình San chân núi ngôi nhà nhỏ
Thấp thoáng qua song một nụ cười
Lữ khách bỗng nghe lòng bối rối
Bóng hình kiều diễm đóa hoa tươi.

Kiến cò cánh nhỏ mong manh quá
Ngào ngạt hương thơm khoe dáng ngà
Tựa cửa có người mơ giấc mộng
Duyên tình chú Cuội với Hằng Nga.

Đêm rằm mờ ảo sương như khói
Lành lạnh hương Thu len góc tim
Mơ chuyện tình yêu đằm thắm quá
Mong cho hạnh phúc kẻ đi tìm.

Anh Tú
August 14, 2013
*Bình San là một trong “Thập Cảnh Hà Tiên”.

2013/08/11

*BÊN KIA SÔNG

(Tặng học trò nghèo nhà quê…xưa )

Bên kia sông! Bàn và ghế thô đang đợi
Thầy giáo cùng bạn nhỏ cũng mong...chờ
Phấn trắng bảng đen sẳn sàng rồi...đó
Điểm danh! Bắt đầu học! Đã đến… giờ?
 
Không xuồng đưa, nó buồn rưng nước mắt
Chờ quá giang! Xuồng vắng! Mỏi mắt… trông.
Đành! Áo vào cặp mo cau đựng vở
(Còn quần đùi) liều “lội đứng” qua sông!

Chạy vội vào lớp “Thưa thầy! Con đến!”
Thân trần, “xà lỏn” ướt, bạn nhạo cười!
Nghiêm mặt, thầy viết phê vào sổ phạt;
Phạt… làm gương tội ham học: điểm mười!
 
Anh Tú (NHA)
August 11, 2013

2013/08/10

*ÂM THẦM
 
Âm thầm yêu kẻ vừa quen
Đêm nằm mơ ước tình chen ngõ hồn
Ngẩn ngơ lòng dạ bồn chồn
Năm canh thao thức nỗi buồn mông lung
Mong gì có dịp tương phùng
Hửu duyên hai đứa sẽ chung đường đời
Ngoài hiên mưa lất phất rơi
Cô phòng vương vấn đầy vơi tơ tình.
 
Anh Tú
August 10, 2013

2013/07/31

*ĐOẠN

Cuộc đời ai cũng trải qua
Đoạn đầu đoạn giữa đoạn ba: đoạn trường!

Đoạn đầu tiếp nhận yêu thương
Từ nguồn ruột thịt: không lường không đong
Đoạn giữa mây trắng mây hồng
Hoa thơm, cỏ lạ, ngát nồng ái ân
Đôi khi khổ ải gian truân
Cũng đành nhận lấy trầm luân kiếp người
Đoạn ba hiểu nghĩa khóc cười
Sinh lão bịnh tử… héo tươi vô thường.

Trần gian là chốn đoạn trường
Ngộ ra ta cứ một đường sống vui.

Anh Tú
(NHA)
July 31, 2013


2013/07/30

*Bỗng Nhớ

(Về một thời đại-học)

Giảng đường khoa học mênh mông
Em không đến lớp nghe lòng buồn tênh.
Chỗ ngồi của bạn kế bên
Đìu hiu nỗi nhớ bồng bềnh dáng yêu.

Nhớ xưa tan học mỗi chiều
Bên nhau thủ thỉ những điều mộng mơ.
Cộng Hoà đại lộ bây giờ
Một mình anh bước vật vờ nhớ nhung.

Sài Gòn bỏ lại sau lưng
Paris em có bâng khuâng nhớ về?
Dòng thời gian chảy lê thê
Kỷ niệm ngỡ chết….trở về hôm nay!

Anh Tú
July 30, 2013

2013/07/20



NỬA ĐÊM VỀ SÁNG

Chợt thức giấc lúc nửa đêm về sáng
Dội vào tai tiếng máy lạnh rì rào
Đông Bắc Mỹ mùa hè đang nóng bức
Nhắc Sài-Gòn một thuở …nhớ dạt dào!

Đường Nguyễn Cảnh Chân sinh-viên gác trọ
Mái “tôn” nắng nhiệt-đới nóng kinh hồn
Như nung chí trai “dùi mài kinh-sử”
Mồ hôi rơi, trang sách cũng bồn chồn.

Có những trưa cuối tuần đi trốn nắng
Xem Xi-nê thường-trực rạp Đại-Nam
Khi vào chiều đi ra đường bát phố
Nóng vẫn còn …đưa chân bước lang thang.

Một chút nhớ mang ta về dĩ-vãng
Nửa thế-kỷ rồi như mới hôm qua
Thú-vị lắm khi người còn hơi thở
Ký-ức làm đời sống vẫn thiết-tha!

Anh Tú
July 20, 2013_3:50AM

2013/07/04

*CÂY ĐA LÀNG TÔI

Về đến đầu làng đã thấy ai
Vút cao ngạo nghễ dáng đêm ngày
Vi vu tiếng lá vang trong gió
Tình khúc quê hương ngây ngất say.

Dầu có ...đó đây nơi xứ xa
Ngóng về làng cũ nhớ cây đa
Mang hồn đất nước thiêng liêng lắm
Muôn thuở đậm sâu chẳng nhạt nhòa.
Anh Tú
July 4, 2013

2013/06/01

*HÈ THƯƠNG

Nắng hạ chói chan tràn khắp ngõ
Hoa học trò rơi đỏ lối đi

Những mái đầu xanh chăm học thi
Lưu bút để xen vào sách vở.

Thắm thiết tặng nhau lời mến chúc
Cánh hoa khô dán cạnh bài thơ
Thơ học trò mang nhiều mộng mơ 
Đậm đà con chữ lời tình tự.

Gởi cho nhau những dòng tâm sự
Mùa hè ba tháng tạm chia đôi
Tình bằng hữu mãi mãi lên ngôi
Như những lúc bên nhau thắm thiết.

Lỡ không may bạn ta ly biệt
Người cách xa lòng vẫn thấy gần
Khắc ghi muôn thuở mối tình thân
Xin luyến nhớ từng giây kỷ niệm.


Anh Tú
June 1, 2013

2013/05/22

NGƯỜI ƠI!*

Dòng thơ thảm thiết bi thương
Làm ngơ ngẩn kẻ tình trường trải qua.

Người ơi! Thuyền đã đi xa
Đợi mong chi nữa chỉ là hoài công.
Nhớ ngày xưa kỷ niệm hồng
Thêm phần lãng mạn cho giòng đời thôi!
“Chàng ơi! ” Tiếng gọi mù khơi
Sang ngang đành đoạn, người thời tiếc chi?

"Chàng" cười cho kẻ tình si.
Người nên vui sống ...xuân thì qua mau!

Cửu Long
<Anh Tú>
22/5/2013
*Cảm tác từ Chàng Ơi của Huỳnh Hương:


2013/04/14



SÀI-GÒN ĐÁNG YÊU VÔ CÙNG

Anh Huỳnh Hữu Trí ơi,
Tôi viết vội cho anh đây. viết xong mới đi bộ buổi sáng. Trời hôm nay đẹp lắm đang chờ tôi ngoái kia. Rất mừng thấy anh viết phản hồi cho bài viết của tôi. Mừng,  vì anh còn biết tôi là ai, biết chớ chắc anh không nhớ ít nhất một lần, sau 1975, chúng ta có nói chuyện với nhau về một vài kỷ niệm khi dạy học. Mừng vì qua cách viết về một sinh hoạt của anh, đi buýt, tôi biết ít ra là dạo này anh khoẻ về thể chất và vui về tinh thần.
Mới đây hãng bảo hiểm sức khoẻ của tôi gởi người đại diện đến viếng “thăm” tôi để nói là cố vấn về sự giữ gìn sức khoẻ của khách hàng; một sự phục vụ rất lợi ích, có thể nói như vậy.
Viết ”thăm” giữa hai ngoặc kép tôi nghĩ có lẽ bên cạnh sự phục vụ khách hàng còn có hậu ý kiểm soát xem bác sĩ của tôi mà hảng bảo hiểm trả tiền, có hành nghề đứng đắn hay không. Sau đó vài hôm, từ hãng bảo hiểm gọi hỏi tôi về buổi viếng thăm của đại diện của họ ra sao.
Tôi kể anh nghe dài dòng một chút để thấy sự làm ăn “ chu đáo” của công ty bảo hiểm này mà dù sao khách hàng như mình cũng được ăn ké một chút ích lợi.
Điều chính yếu tôi muốn kể với anh là đại diện của hãng có hỏi về một trong những điểm kiểm tra sức khoẻ của người lớn tuổi, là về trí nhớ: họ nói cho tôi ba chữ (tiếng Anh) thí dụ như “bạn có biết chữ CAT, HOUSE, CAR nghĩa là gì?” Những chữ này quá dễ phải không anh? Họ tiếp tục nói qua chuyện khác chừng nửa giờ thì quay lại hỏi hồi nảy: “ Tôi đã nói với bạn ba chữ, vậy bạn có còn nhớ là chữ gì không?”. Anh biết không, tôi chỉ nhớ được một chữ thôi. Thú thật không rõ vì bất ngờ nên không chú ý hay trí nhớ mình đã giảm đến 1/3 ? Họ khuyên: “Bạn nên tìm một sinh hoạt gì đó cho trí óc bạn luôn làm việc để kéo dài trí nhớ của bạn.”
Tôi đã biết và thực hành điều này mấy năm nay sau khi hưu là tập viết văn và thơ, hay dở không là vấn đề như anh chị em đã thấy.
Đề tài thường là quay về kỷ niệm của mình, của bạn, của một bài văn thơ nhạc của người khác. Như bài đi xe buýt này chẳng hạn.
Được anh NHỚ  và đã kể lại anh đã đi từ đâu đến đâu, trả lệ phí bao nhiêu, so sánh hai cách đi xe buýt và taxi cách nào lợi hơn. Và hơn hết anh vẫn còn tự mình di chuyển được dù lên xuống xe có phụ xế giúp và hơn tất cả là “có người trẻ nhường chỗ ngồi”, một nét đáng yêu trong “NHỮNG NÉT ĐÁNG YÊU CỦA SÀI GÒN” chúng ta vẫn còn tồn tại. Rồi anh kết luận: RẤT LÀ MỪNG. Tôi cũng mừng. Luôn có cái tích cực trong cái tiêu cực của mọi lãnh vực, của mọi thời, chỉ khác cái này nhiều hơn hay ít hơn cái kia.
Tôi còn có một kỷ niệm về “nét Sài Gòn” rất là đáng yêu; có thể viết thành bài thơ (để rồi bị chỉ trích là gìa rồi mà đa tình, lãng …xẹt…hi hi hi) đó anh.
Số là có lần về Sài Gòn chấm thi, tôi di chuyển bằng xích lô đạp. Khi đến nơi bác tài không có tiền thối; vì số tiền thối nhiều hơn tiền mình phải trả và thầy giáo còn nghèo nên loay hoay tìm người đổi tiền. Tôi chợt hỏi một phụ nữ đi ngang nếu có thể đổi thành tiền nhỏ hơn giùm thì cô ấy, tạm gọi vậy vì cũng còn trẻ, nói rất tiếc không đủ tiền. Bổng nhiên cô hỏi lại: “Tiền xích lô bao nhiêu vậy anh?” Tôi nói và cô ấy lấy tiền đưa cho bác tài và bỏ đi ngay trong lúc tôi ấp a ấp úng nói cô chờ tôi …đưa tiền lại. Cô đi nhanh và nói vói lại là “Chút đỉnh mà anh, đừng bận tâm”. Không lẽ tôi đi theo đành la lớn lên: “Thành thật cám ơn cô!”
Đó anh thấy: Sài Gòn vô cùng mến yêu!
Tôi chắc rằng trong Huỳnh Hữu Trí cũng có thật nhiều kỷ niệm về NHỮNG NÉT ĐÁNG YÊU CỦA SÀI GÒN, vậy anh hãy “ thể dục thể thao cho bộ óc”, bằng cách kể cho anh chị em một vài nét Sài Gòn, xưa hoặc nay, đi anh.
Tôi đang mong đó anh, anh Huỳnh Hữu Trí.
Cám ơn anh cho tôi một niềm vui.
Thân mến,

Anh Tú (NHA)
14/4/2013

2013/04/09



BUÝT SÀI GÒN XƯA

Xe đầy anh đứng nhường em
Thoảng bay hương tóc nghe thèm ước mơ
Áo ai cổ khép hửng hờ
Cánh hoa sen trắng lờ đờ mắt hư.

Chuyến xe đời chuyển lắc lư
Nửa giờ cũng đủ lừ đừ hồn anh.
Em ngồi đuôi mắt long lanh
Mĩm cười mến gởi chút tình sơ giao.

Anh Tú/NHA
April 9, 2013