SÀI-GÒN ĐÁNG YÊU VÔ CÙNG
Anh Huỳnh Hữu Trí ơi,
Tôi viết vội cho anh đây. viết xong mới đi bộ buổi sáng. Trời
hôm nay đẹp lắm đang chờ tôi ngoái kia. Rất mừng thấy anh viết phản hồi cho bài
viết của tôi. Mừng, vì anh còn biết tôi là ai, biết chớ chắc anh
không nhớ ít nhất một lần, sau 1975, chúng ta có nói chuyện với nhau về một vài
kỷ niệm khi dạy học. Mừng vì qua cách viết về một sinh hoạt của anh, đi
buýt, tôi biết ít ra là dạo này anh khoẻ về thể chất và vui về tinh thần.
Mới đây hãng bảo hiểm sức khoẻ của tôi gởi người đại diện
đến viếng “thăm” tôi để nói là cố vấn về sự giữ gìn sức khoẻ của khách hàng;
một sự phục vụ rất lợi ích, có thể nói như vậy.
Viết ”thăm” giữa hai ngoặc kép tôi nghĩ có lẽ bên cạnh sự
phục vụ khách hàng còn có hậu ý kiểm soát xem bác sĩ của tôi mà hảng bảo hiểm
trả tiền, có hành nghề đứng đắn hay không. Sau đó vài hôm, từ hãng bảo hiểm gọi
hỏi tôi về buổi viếng thăm của đại diện của họ ra sao.
Tôi kể anh nghe dài dòng một chút để thấy sự làm ăn “ chu
đáo” của công ty bảo hiểm này mà dù sao khách hàng như mình cũng được ăn ké một
chút ích lợi.
Điều chính yếu tôi muốn kể với anh là đại diện của hãng có hỏi
về một trong những điểm kiểm tra sức khoẻ của người lớn tuổi, là về trí nhớ: họ
nói cho tôi ba chữ (tiếng Anh) thí dụ như “bạn có biết chữ CAT, HOUSE, CAR
nghĩa là gì?” Những chữ này quá dễ phải không anh? Họ tiếp tục nói qua chuyện
khác chừng nửa giờ thì quay lại hỏi hồi nảy: “ Tôi đã nói với bạn ba chữ, vậy
bạn có còn nhớ là chữ gì không?”. Anh biết không, tôi chỉ nhớ được một chữ
thôi. Thú thật không rõ vì bất ngờ nên không chú ý hay trí nhớ mình đã giảm đến
1/3 ? Họ khuyên: “Bạn nên tìm một sinh hoạt gì đó cho trí óc bạn luôn làm việc
để kéo dài trí nhớ của bạn.”
Tôi đã biết và thực hành điều này mấy năm nay sau khi hưu là
tập viết văn và thơ, hay dở không là vấn đề như anh chị em đã thấy.
Đề tài thường là quay về kỷ niệm của mình, của bạn, của một
bài văn thơ nhạc của người khác. Như bài đi xe buýt này chẳng hạn.
Được anh NHỚ và đã kể lại anh đã đi từ đâu đến đâu,
trả lệ phí bao nhiêu, so sánh hai cách đi xe buýt và taxi cách nào lợi hơn. Và
hơn hết anh vẫn còn tự mình di chuyển được dù lên xuống xe có phụ xế giúp và
hơn tất cả là “có người trẻ nhường chỗ ngồi”, một nét đáng yêu trong “NHỮNG NÉT
ĐÁNG YÊU CỦA SÀI GÒN” chúng ta vẫn còn tồn tại. Rồi anh kết luận: RẤT LÀ MỪNG.
Tôi cũng mừng. Luôn có cái tích cực trong cái tiêu cực của mọi lãnh vực, của
mọi thời, chỉ khác cái này nhiều hơn hay ít hơn cái kia.
Tôi còn có một kỷ niệm về “nét Sài Gòn” rất là đáng yêu; có
thể viết thành bài thơ (để rồi bị chỉ trích là gìa rồi mà đa tình, lãng …xẹt…hi
hi hi) đó anh.
Số là có lần về Sài Gòn chấm thi, tôi di chuyển bằng xích lô
đạp. Khi đến nơi bác tài không có tiền thối; vì số tiền thối nhiều hơn tiền
mình phải trả và thầy giáo còn nghèo nên loay hoay tìm người đổi tiền. Tôi chợt
hỏi một phụ nữ đi ngang nếu có thể đổi thành tiền nhỏ hơn giùm thì cô ấy, tạm
gọi vậy vì cũng còn trẻ, nói rất tiếc không đủ tiền. Bổng nhiên cô hỏi lại: “Tiền
xích lô bao nhiêu vậy anh?” Tôi nói và cô ấy lấy tiền đưa cho bác tài và bỏ đi
ngay trong lúc tôi ấp a ấp úng nói cô chờ tôi …đưa tiền lại. Cô đi nhanh và nói
vói lại là “Chút đỉnh mà anh, đừng bận tâm”. Không lẽ tôi đi theo đành la lớn
lên: “Thành thật cám ơn cô!”
Đó anh thấy: Sài Gòn vô cùng mến yêu!
Tôi chắc rằng trong Huỳnh Hữu Trí cũng có thật nhiều kỷ niệm
về NHỮNG NÉT ĐÁNG YÊU CỦA SÀI GÒN, vậy anh hãy “ thể dục thể thao cho bộ óc”,
bằng cách kể cho anh chị em một vài nét Sài Gòn, xưa hoặc nay, đi anh.
Tôi đang mong đó anh, anh Huỳnh Hữu Trí.
Cám ơn anh cho tôi một niềm vui.
Thân mến,
Anh Tú (NHA)
14/4/2013