2021/04/30

 

Chuyến Bay Định Mệnh

quanh 

Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ502, năm 1975 


L.G.T.- Bất ngờ đọc được bài Tâm Tình Về Người Lính Năm Xưa, do ông Phạm Phú Nam – Giám Đốc Dân Sinh Media – phỏng vấn Điệp Mỹ Linh, Người Tưởng Đã Nhảy Xuống Biển Tự Tử từ Dương Vận Hạm Thị-Nại, HQ502, năm 1975, liên lạc với Điệp Mỹ Linh.

 

Nhận thấy trường hợp di tản của cựu quân nhân này cũng rất hy hữu, Điệp Mỹ Linh thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn để người Việt trốn thoát chế độ Cộng Sản Việt-Nam – cũng như hơn năm ngàn người Việt trên HQ502 đã chứng kiến cảnh Người Nhái Nguyễn Văn Kiệt tiếp cứu quân nhân Không Quân này trên biển – được hiểu rõ thêm nhiều chi tiết.*

 

ĐML.- Kính chào anh Nhiễm.

 

NVN.- Kính chào chị Điệp Mỹ Linh

 

ĐML.- Xin anh cho biết tên, họ. Anh bị động viên hay là quân nhân  tình nguyện? Anh xuất thân khóa mấy Sĩ Quan Không Quân hay là anh từ Trường Bộ Binh Thủ Đức chuyển sang?

 

NVN.- Thưa chị, tôi là Nguyễn Viết Nhiễm, tình nguyện gia nhập khóa Hạ Sĩ Quan Cơ Khí Phi Hành năm 1972 tại căn cứ Tân Sơn Nhất, vài tháng trước Mùa Hè Đỏ Lửa.

 

ĐML.- Anh làm ơn cho biết đơn vị cuối cùng của anh. Nếu anh từ miền Trung hoặc Cao Nguyên di tản về Saigon, anh vui lòng kể lại chuyến di tản của anh.

 

NVN.- Thưa chị, tôi phục vụ tại Phi Đoàn 720 (Vận Tải cơ C-119), Không Đoàn 53 Chiến Thuật, Sư Đoàn 5 Không Quân, Căn Cứ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Đây là đơn vị duy nhất tôi đã phục vụ từ ngày ra trường cho đến ngày 30/4/75. Tôi không phải di tản trước 30/4/1975, nhưng tôi đã có mặt trong những phi vụ di tản quân và dân tại các phi trường Pleiku, Phù Cát, Nha Trang và Phan Rang.

 

ĐML.- Anh vui lòng cho biết gia cảnh của anh và những diễn tiến chung quanh anh vào thời điểm anh ở Saigon cho đến sáng 30/04/75.

 

NVN.- Thưa chị, năm 1975 tôi mới 22 tuổi, độc thân và còn sống với Bố Mẹ ở khu đối diện cổng C của Sư Đoàn Nhảy Dù, gần ngã tư Bảy Hiền, chỉ cách phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 10 phút xe. Trách nhiệm của đơn vị tôi phục vụ, Phi Đoàn 720 những ngày mới thành lập, là phối hợp với Hải Quân tuần tiễu vùng Duyên Hải miền Nam. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, vì nhu cầu chiến trường, Phi Đoàn 720 được xử dụng như một Phi Đoàn vận tải, chuyên chở quân nhân, hành khách và hàng hóa đi khắp miền Nam. Do đó tôi đã có mặt trong những chuyến di tản vào tháng Ba và tháng Tư năm 1975.

 

Tại phi trường Pleiku, trưa tháng Ba 1975, trong lúc chúng tôi chờ đợi cho hành khách lên phi cơ về Saigon thì phi trường bị pháo kích. Tất cả hành khách và quân nhân đang làm việc chạy tán loạn ngược về phía trạm hàng không; tôi và anh Trưởng Phi Cơ chui xuống một hố cá nhân kế bãi đậu.

 

Khi tiếng pháo kích tạm ngưng, chúng tôi vội vã trở lại phi cơ để về Tân Sơn Nhất thì thấy anh Áp Tải đã bị tử thuơng ngay bên cạnh chiếc phi cơ. Chuyến bay trở về Tân Sơn Nhất hôm đó trong thân tàu không có một hành khách nào ngoại trừ thân xác của anh Áp Tải.

 

Cuối tháng Ba, 1975 trong một ca Trực Hành Quân, chúng tôi được điều động đến phi trường Phù Cát để “bốc” quân nhân Không Quân và gia đình về Nha Trang. Khi phi cơ vừa chạm bánh trên phi đạo, chúng tôi thấy cả ngàn lính, đủ mọi quân binh chủng, từ mé trái phía cuối phi đạo, cùng ùa chạy ra phi đạo.

 

Trước tình trạng vô trật tự đó, Trưởng Phi Cơ quyết định không vào trạm hàng không như thường lệ mà cho phi cơ chạy đến cuối phi đạo rồi quay đầu lại 180 độ, vẫn để 2 máy quay và chỉ mở 2 cánh cửa đuôi để kéo lính lên. Vì phi trường Phù Cát thiếu an ninh, cho nên, sau phi vụ đó chúng tôi được lệnh không trở lại để “bốc” thêm chuyến nào nữa.

 

Kế tiếp là những chuyến di tản quân nhân và gia đình từ Nha Trang về Phan Rang, rồi từ Phan Rang về Sài Gòn. Những chuyến di tản này trật tự được duy trì chứ không hỗn loạn như ở Phù Cát.

 

Ngày 28/4/1975, chúng tôi được phi lệnh chuyên chở hàng hóa và một số Hoa Tiêu – từ Đà Nẵng mới di tản về Tân Sơn Nhất – xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ 2 lượt. Sau khi hoàn tất chuyến bay buổi sáng, trước khi đi ăn trưa tôi cho Trưởng Phi Cơ biết tàu vẫn còn đủ xăng để đi phi trường Bình Thủy chuyến thứ 2. Khi trở lại tàu để bay xuống Cần Thơ lần thứ 2, tôi thấy cả 4 bình xăng đều được bơm đầy. Tôi thắc mắc thì Trưởng Phi Cơ cho biết phi trường Biên Hòa đã bị bỏ rơi vì chiếc C-119 thứ 2 của Phi Đoàn 720 đi Biên Hòa sáng hôm đó, sau khi đáp đã không thấy ai ra bốc hàng. Do đó, anh xin lính trông coi máy bay dưới đất đổ đầy xăng để phòng hờ, nếu cần, chúng tôi sẽ có đủ nhiên liệu để bay thẳng qua Utapao, Thái Lan

 

Khoảng 6:00 giờ chiều cùng ngày, 3 chiếc A-37 từ Phan Rang vào thả bom xuống Tân Sơn Nhất.

 

ĐML.- Xin anh cho biết nguyên do anh gặp lại bạn cùng xóm và cả hai anh lấy L19 bay ra biển từ phi trường nào? Lúc mấy giờ? Lúc đó tình hình tại phi trường đó như thế nào?

 

NVN.- Thưa chị, phi công lái L-19 là Thiếu Uý Nguyễn Thành Hưng. Anh Hưng phục vụ tại Phi Đoàn 120 Quan Sát, Sư Đoàn I Không Quân, trong phi trường Đà Nẵng. Tôi và anh Hưng thân nhau từ năm 15 tuổi khi cả 2 cùng sinh hoạt chung trong toán Nhân Dân Tự Vệ.

 

Khi Q.L./V.N.C.H. di tản khỏi vùng I, đơn vị của anh Hưng được dời về Tân Sơn Nhất. Trong thời gian chờ đợi để bổ sung, ngoài giờ làm việc anh, Hưng trở về sống trong căn nhà của Bố Mẹ anh. Những buổi sáng rảnh rỗi chúng tôi thuờng xuyên gặp nhau tại một quán café gần nhà.

 

Tối 28/4, khoảng 11:00 giờ, những sĩ quan cao cấp của Không Đoàn và các Phi Đoàn đã đem gia đình ra Côn Sơn; ngoài ra chúng tôi không nhận được một tin tức hoặc chỉ thị nào khác.Trong khoảng thời gian này thỉnh thoảng Cộng Sản lại pháo vài trái vào phi trường. Một, hai trái nổ rất gần chúng tôi. Trước tình trạng nguy hiểm đó, anh Hưng và tôi quyết định trở về nhà để tránh pháo kích.

Sáng 29/4, khi đang uống café tại quán, chúng tôi nghe đài phát thanh thông báo Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh tất cả quân nhân phải trở lại đơn vị. Thời điểm đó, anh Hưng đang đợi bổ sung, đơn vị của tôi tại Tân Sơn Nhất, cho nên chúng tôi bảo nhau cùng vào Tân Sơn Nhất.

 

Khoảng 9:00 giờ sáng chúng tôi vào đến Phi Đoàn 720. Số người có mặt trong Phi Đoàn rất ít. Tuy nhiên các vị chỉ huy của Phi Đoàn có mặt đầy đủ. Anh Hưng và tôi trở về nhà.

 

Khoảng 11:00 giờ trưa cùng ngày, đang đùa giỡn với vài người bạn hàng xóm, tôi thấy một chiếc C-119 thuộc Phi Đoàn của tôi cất cánh, kế tiếp là vài chiếc C-130. Tôi đoán có lẽ các Phi Đoàn đã được lệnh mang phi cơ đi về vùng IV để tránh pháo kích. Tôi vội chạy qua nhà anh Hưng, rủ anh cùng trở lại phi trường Tân Sơn Nhất.

 

Bên trong phi trường lúc này rất vắng vẻ. Lối ra các bãi phi cơ chẳng còn ai canh gác. Vào đến nơi thì nguyên một khu vực rộng lớn gồm các Phi Đoàn 720, Phi Đoàn 435, Phi Đoàn 437 và Không Đoàn 53 không còn một bóng người!

 

Chúng tôi chạy ra bãi L-19. Nơi này cũng rất vắng vẻ. Tôi và Hưng chia nhau làm việc. Anh Hưng lo kiểm soát bình điện, còn tôi kiểm soát bình xăng. Khi tìm được chiếc phi cơ có điện và xăng đầy đủ thì một nhóm khoảng 5 người đến xin đi theo; nhưng vì chiếc L-19 chỉ có 2 ghế cho nên cuối cùng trên phi cơ chỉ có tôi, Hưng và 2 Thiếu Tá trực thăng. Vì trong tình trạng khẩn cấp, anh Hưng đã không ra phi đạo mà vội vã cho tàu cất cánh ngay trên taxi way (đường dẫn ra phi đạo). Nhưng phi cơ bị quá tải, không đủ sức nâng; vì vậy phi cơ không cất cánh nổi.Sau vài phút điều đình, một vị Thiếu Tá bằng lòng rời phi cơ.Cuối cùng trên tàu còn 3 người và chúng tôi đã an toàn đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ khoảng 1:30 giờ trưa 29/4.

 

Vừa ra khỏi chiếc L-19, hai Quân Cảnh ập đến yêu cầu chúng tôi lên xe Jeep. Họ đưa chúng tôi về văn phòng làm báo cáo vì chúng tôi đã tự ý đem phi cơ từ Tân Sơn Nhất xuống Bình Thủy.Sau khi trình bày tình trạng an ninh tại Tân Sơn Nhất, Quân Cảnh để chúng tôi tự do.

 

Ngay sau đó Thiếu Tá trực thăng chia tay chúng tôi để tìm gặp bạn bè. Phi trường Cần Thơ lúc bấy giờ vẫn họat động rất bình thuờng, dường như không hề chịu một áp lực nào của Cộng quân.

 

Tối đến, chúng tôi gặp lại những Hoa Tiêu mà ngày hôm trước chúng tôi đã đưa họ từ Tân Sơn Nhất xuống Bình Thủy. Cùng với họ, chúng tôi vô tư ăn uống, vui chơi tại câu lạc bộ trong phi trường. Không ai ngờ rằng đó là bữa ăn uống cuối cùng trên đất Việt.

 

Sáng 30/4, cùng với khoảng 20 người bạn, chúng tôi tụ tập trên sân của một Phi Đoàn A-37. Chúng tôi cùng quây quần lắng nghe tin tức của đài phát thanh Saigon qua một radio nhỏ.

 

Khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi bàng hoàng, tức tưởi! Mọi người cùng im lặng với tâm tư chua cay, tủi nhục của những kẻ thua cuộc! Vài phút sau, tất cả đồng loạt đứng dậy chuẩn bị ra phi đạo lấy máy bay để rời phi trường, mặc dầu chưa biết sẽ đi về đâu! Tuy nhiên, chúng tôi còn do dự vì có vài anh lính phòng thủ phi trường ngăn cản lối ra các bãi phi cơ. Rồi thật bất ngờ, một vị Trung Tá đã đánh liều, vượt qua những anh lính phòng thủ, thế là chúng tôi cùng chạy ùa theo. Tôi và anh Hưng cùng lập lại những công việc đã làm lúc rời Tân Sơn Nhất để tìm một phi cơ đầy đủ xăng và điện.

 

Khoảng 11:30 giờ trưa cùng ngày, chúng tôi rời phi trường Bình Thủy.

 

ĐML.- Thưa anh, sau khi phi cơ cất cánh, anh và anh Hưng dự định bay đi đâu?

 

NVN.- Sau khi đã bình phi, qua hệ thống vô tuyến trên phi cơ, chúng tôi liên lạc với vài người bạn đang bay trong khu vực và cho họ biết chúng tôi sẽ trở về Saigon. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi thay đổi huớng bay khi được tin Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đang chờ đón quân nhân miền Nam ngoài khơi Vũng Tàu.

 

ĐML.- Khi thấy hạm đội Hải-Quân Việt-Nam, tại sao anh và anh Hưng lại chọn HQ502?

 

NVN.- Thưa chị, đến hải phận Vũng Tàu, đầu tiên chúng tôi thấy cả vài chục chiếc tàu đánh cá cùng hướng ra biển. Vài phút sau đó chúng tôi thấy một chiến hạm của Hải-Quân Việt-Nam; chiến hạm này khá lớn nhưng nhỏ hơn HQ 502, trên boong tàu chật kín người. Bay xa thêm một chút nữa, chúng tôi thấy Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502, trên tàu cũng đầy nghẹt người. Chúng tôi xuống thấp để quan sát. Hình như tôi đã cầm một miếng vải trắng vẫy tay chào mọi người trên tàu. Tôi và Hưng cùng bàn với nhau, tàu lớn chắc chắn có xuồng cấp cứu; vì vậy chúng tôi bỏ ý định tìm chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Anh Hưng và tôi đồng ý nhảy xuống biển để theo HQ 502.


ĐML.- Trước khi nhảy xuống biển, cảm tưởng của anh như thế nào?

 

NVN.- Thưa chị, trước khi nhảy ra khỏi chiếc L-19 tôi rất bình tĩnh. Tôi bảo anh Hưng cho tàu bay lòng vòng để tôi cởi bỏ đôi giày. Chắc chắn lúc đó tôi không hề nghĩ đến cái chết. Tôi tin tưởng một cách tuyệt đối rằng cứ nhảy xuống biển rồi sẽ được cứu vớt, do đó tôi đã không một chút phân vân, phóng ra khỏi phi cơ khi anh Hưng hô “nhảy!”

 

ĐML.- Được Người Nhái Hải Quân vớt, cảm nghĩ của anh như thế nào?

 

NVN.- Thưa chị, tôi còn nhớ rất rõ, tôi đã nhảy xuống trước mũi chiếc HQ 502. Thế rồi con tàu khổng lồ từ từ trôi qua tôi mà không hề thấy một chiếc xuồng cấp cứu nào đến như tôi mong đợi. Tôi bắt đầu thất vọng! Đầu óc tôi lúc bấy giờ rất căng thẳng nhưng bình tĩnh. Rồi thật bất ngờ, một thanh niên bơi về phía tôi, trên tay anh mang theo một áo phao. Anh nói tôi ôm vào chiếc phao, dặn tôi cố sức đạp hai chân thật mạnh, rồi anh kéo tôi về HQ502. Anh thật là một người can đảm, đầy nhân ái đã bất chấp nguy hiểm để cứu vớt một người không hề quen biết.

 

Xin cảm tạ Thiên Chúa và muôn vàn cám ơn anh Kiệt đã cứu mạng tôi.

 

ĐML.- Xin anh cho biết, thấy anh phi công nhảy ra, “tưng lên” rồi chìm ngay, anh nghĩ gì?

 

NVN.- Thưa chị, trước khi anh Kiệt kéo tôi về đến chiếc tàu thì tôi nghe tiếng chiếc L-19 đâm xuống biển mé bên kia của chiếc HQ 502. Nhưng vì bị chiến hạm to lớn che khuất, tôi không thấy được điều gì xảy ra phía bên kia. Sau khi được kéo lên boong tàu, câu nói đầu tiên tôi nghe là “bạn anh chết rồi”!  Lúc đó tôi mới biết anh Hưng đã vĩnh viễn ra đi!

 

ĐML.- Sau khi lên HQ502, anh nghĩ gì và cảm tưởng của anh về người bạn thiếu may mắn của anh như thế nào?

 

NVN.- Thưa chị, lên được boong tàu tôi rất yếu và mệt, có lẽ không quen bơi lội. Sườn bên trái của tôi bị sưng khá lớn. Tôi bị lột mất bộ quân phục đẫm ướt và được đặt nằm trên một băng ca hay trên ghế của chiếc trực thăng, tôi không nhớ rõ lắm. Tôi vô cùng buồn bã, chán chường trước cái chết của anh Hưng! Anh là người thân duy nhất đã cùng tôi chia xẻ những gian nan, nguy hiểm trên đường trốn tránh cộng sản; đến khi được tạm yên ổn thì anh lại bị tử nạn! Những ngày sau đó tôi mang tâm trạng chán chường của một người đã bị tước đoạt tất cả những gì mình yêu quí! Tôi nhận biết tôi đã thiếu anh Hưng một món nợ vô giá, không thể đền đáp được!

 

ĐML.- Anh có thấy hoặc nghe người nào nhảy xuống biển vào tối 30/04/75 hay không? Hay là anh có nghe đồng bào và quân bạn trên HQ502 bàn tán về người đã nhảy xuống biển ngay đêm sau khi anh được vớt hay không?

 

NVN.- Thưa chị, tối 30/4 người tôi vẫn còn yếu, tôi chỉ nằm nghỉ ngơi. Nhưng tối hôm sau, trong lúc tôi lẩn quẩn trên boong tàu để tìm người quen thì nghe hai người đàn bà ở tầng trên bàn tán với nhau về chuyện anh phi công L-19 sống sót đã nhảy xuống biển chết theo người bạn đêm qua. Ngay lúc đó tôi đã đính chính và xác định với họ chính tôi là người đã nhảy ra khỏi chiếc L-19.


ĐML.- Thưa anh, gia đình anh Hưng nhận được tin buồn của anh ấy vào thời điểm nào? Ai báo tin?

 

NVN.- Thưa chị, đầu năm 1976, tôi không nhớ rõ vào tháng nào, tôi đã gặp Thịnh, em ruột của anh Hưng tại một khu buôn bán của người Việt tại Arlington, VA. Tôi báo tin buồn với Thịnh. Năm 1978 tôi nhờ một người ở Kowloon, Hong Kong chuyển về Việt-Nam một lá thư cho bố mẹ tôi, trong đó tôi cũng báo tin về cái chết của anh Hưng. Cha mẹ anh Hưng đã nhận được hung tin vào thời điểm này.

 

Sau đó, vào vài dịp trở về Việt-Nam thăm gia đình, tôi đều đến thăm Bố Mẹ anh Hưng và kể đầy đủ chi tiết về chuyến đi và cái chết của anh. Sau này bố mẹ anh Hưng chuyển đi nơi khác, lâu rồi tôi không còn gặp Ông Bà nữa.

 

ĐML.- Từ 1975 đến nay anh có biết tin hoặc liên lạc với Người Nhái đã cứu anh hay không?

 

NVN.- Thưa chị, trong thời gian còn ở trên HQ 502 tôi, tìm đến anh Kiệt để cám ơn đã cứu mạng. Khi đến trại Orote Point, Guam tôi cố tìm anh nhưng không gặp. Ở Guam vài tuần, tôi xin đi Indian Town Gap, PA. Từ đó đến nay tôi không gặp và cũng không nghe tin tức gì về anh Kiệt. Tôi dò hỏi vài người bạn sinh sống ở quận Cam về anh Kiệt nhưng cũng không hiệu quả. Rất mong được tin của anh.


ĐML.- Xin anh vui lòng cho biết tình trạng gia cảnh của anh hiện tại?

 

NVN.- Thưa chị, tôi đã lập gia đình vào năm 1981. Được 3 cháu, hai gái, một trai. Hai cháu lớn đã trưởng thành, xong Đại Học và đang có công việc vững chắc. Cô Út vẫn còn trong Đại Hoc. Bà xã tôi là Accountant, làm việc cho chính phủ Liên Bang. Phần tôi, trước khi về hưu là Kỹ Sư Cơ Khí (Mechanical Design Engineer) của hãng Philips.

 

ĐML.- Lần đầu tiên đặt chân trở về phần đất mà anh suýt vong mạng lúc anh tìm cách lìa xa, xin anh vui lòng cho biết cảm tưởng của anh như thế nào?

 

NVN.- Thưa chị, Bố tôi và 8 người em hiện còn sống tại Sài Gòn cho nên tôi đã trở về Việt-Nam vài lần. Lần đầu tiên vào cuối tháng 11, 1990, gần đây nhất, vợ chồng tôi đã đưa các cháu về Việt-Nam ăn Tết Ất Mùi với Bố tôi. Ông cụ nay đã 88 tuổi.

 

Năm 1990, trên chuyến bay của Thai Airways đáp xuống Tân Sơn Nhất có lẽ chỉ có vài người Việt Nam, đa số là dân Úc và Đài Loan. Trước khi rời phi cơ, một anh bộ đội bước vào trong thân tàu, tay cầm một tờ danh sách hành khách. Quả thật lúc đó tôi rất lo sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình.

 

Khi ra khỏi máy bay, quan sát cảnh vật bên trong phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi dâng lên nỗi buồn vô tận! Thời còn tại ngũ, tôi đã quá quen thuộc với cảnh nhộn nhịp người ra, kẻ vào và không khí ồn ào, tấp nập của các phi cơ đủ loại lên xuống.

 

Hôm tôi trở về, cả phi cảng chỉ có duy nhất một phi cơ của hãng Thai Airways. Tất cả nhà cửa, công sở xuống cấp một cách tàn tệ và hoang vắng ngoài sức tưởng tượng! Càng buồn hơn nữa khi đi qua những đường phố tàn tạ và chật hẹp trên quãng đường từ Lăng Cha Cả về nhà tôi. Tôi đã vô cùng xót xa trước cuộc sống quá nghèo nàn, cơ cực và luôn luôn sợ sệt của những người thân quen. Cay đắng hơn cả là khi tôi gặp lại cô bạn cũ – người đã từng làm rung động biết bao trái tim của đám trai tráng chúng tôi, ngày trước – nay ngồi bán xôi bên lề đường với bộ quần áo vá víu nhiều chỗ!

Những gì tôi thấy và nghe được trong chuyến về Việt-Nam đầu tiên đã chứng minh rằng nhà cầm quyền Cộng Sản là một lũ độc tài, ngu dốt, đã đưa toàn dân đến cảnh lầm than, đói khổ. Họ chỉ biết dùng quyền lực để đàn áp, bóc lột người dân.

 

ĐML.- Cảm tưởng của anh sau khi đọc bài ông Phạm Phú Nam phỏng vấn Điệp Mỹ Linh như thế nào? Làm thế nào anh có địa chỉ email của Điệp Mỹ Linh?

 

NVN.- Thú thực với chị, nếu không có hình của chiến hạm mang số 502 trên trang 35 của tờ báo có lẽ tôi đã không đọc bài phỏng vấn. Đã hơn 40 năm rồi, tôi đã đọc cả trăm bài viết về những ngày cuối của cuộc chiến Nam Bắc và các cuộc lui quân, di tản bi thuơng của quân và dân từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Kontum,v.v . . . Tôi đọc đã đủ, không muốn đọc thêm nữa. Nhưng chính hình chiến hạm HQ502 của tạp chí Thế Giới Mới, số 706 đã làm sống lại trong tôi chuyến bay định mệnh ngày 30/4/1975!

 

Tôi vô cùng xúc động, ngồi yên lặng khá lâu, nhớ đến chuyện cũ. Khi đọc đến đoạn nói về chiếc L-19 thì tâm tư tôi lẫn lộn những cảm giác buồn bã, bùi ngùi, tiếc nuối! Đến câu hỏi của ông Phạm Phú Nam “Điều đó có đúng hay không (lời đồn anh phi công phụ tự tử)?” Chị đã trả lời “Hơn 5000 người trên chiến hạm HQ502 không ai xác quyết được. Nhưng đã mấy mươi năm qua không hề nghe anh phi công phụ lên tiếng”. Đọc đến đây tôi bỗng mang mặc cảm của một kẻ có lỗi và đang bị khiển trách! Lỗi gì và lỗi với ai? Quả thật tôi không rõ. Bà xã tôi khuyên tôi nên liên lạc với tòa báo để làm rõ câu chuyện; nhưng tôi lại tìm chị vì biết chị là người năm xưa đã chứng kiến chúng tôi nhảy ra khỏi chiếc L-19.

 

Trước khi về hưu, trong việc làm hàng ngày tôi thuờng xuyên dùng internet để tìm kiếm tài liệu và những thông tin liên quan đến công việc. Do đó kiếm tìm một người có khá nhiều dấu ấn trên mạng internet (http://www.diepmylinh.com/) không có gì khó khăn cả.

 

ĐML.- Xin cảm ơn anh.

 

NVN.- Xin cám ơn và chào chị.


ĐIỆP MỸ LINH

www.diepmylinh.com


* Ông Không Quân Nguyễn Viết Nhiễm nhờ ĐML giúp để liên lạc với Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt – người đã cứu ông Nhiễm trên biển, năm xưa. Sau đó, ông Nhiễm đã đưa gia đình xuyên tiểu bang đi thăm gia đình Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt. Câu chuyện “huynh đệ chi binh” trong bối cảnh chiến tranh có đoạn kết tuyệt đẹp!

TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU

    Phổ nhạc: Phạm Duy / Thơ: Lê Thụ Ý / Trình bày: Ý Lan

 

Nữ sĩ Lê Thị Ý: ‘Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi’

FALLS CHURCHVirginia (NV) – Mỗi khi Tháng Tư đến, những câu chuyện về người lính Việt Nam Cộng Hòa lại cuồn cuộn tuôn chảy trong ký ức của những ai đã đi qua cuộc chiến. Trong đó, hình ảnh người góa phụ, hay một cô gái có yêu tử trận, trong cuộc chiến Việt Nam, trong ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu,” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương Ca 1” của nhà thơ Lê Thị Ý, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn gây nhiều xúc động cho mọi người.

Nữ sĩ Lê Thị Ý

“Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình…”



Một cuộc đời bình lặng

Cuối Tháng Ba, trời Virginia vẫn còn se lạnh. Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, khoác chiếc áo lạnh vừa người, bước vào quán. So với cuộc gặp gỡ chớp nhoáng sáu năm trước, bà, nữ sĩ Lê Thị Ý, không thay đổi nhiều. Vẫn mái tóc đơn giản đó, vẫn nụ cười hiền lành, vẫn giọng nói thấm đậm âm hưởng của người Hà Nội “một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa.”

Như hàng triệu người Việt Nam khác, bà là nhân chứng trong hai cuộc di tản vĩ đại của dân tộc. Nhưng nếu ai có hỏi, cuộc “chạy trốn” nào để lại trong bà nhiều dấu ấn nhất? Bà sẽ trả lời: “Đó là chuyến vượt biển năm 1981.”

Sau khi ra khỏi hải phận Việt Nam, tàu của bà lênh đênh trên biển ba ngày. Sau đó, tàu cập vào đảo Songkhla, Thái Lan. Chỉ trong ba ngày thôi, con tàu đó gặp hải tặc sáu lần. Không một ai trên con tàu, kể cả đứa bé chỉ mới tám tuổi, có thể thoát khỏi hành động hãm hiếp của hải tặc, trừ bà.

“Nói thì không ai tin, nhưng đó là sự thật. Chỉ một mình tôi may mắn thoát. Có đôi vợ chồng đó, người chồng đau đớn nhìn vợ mình bị hãm hại ngay trước mắt. Nhưng khi đến đảo rồi, họ lại quyết định chia tay. Có lẽ họ không thoát ra được cơn ác mộng đó, tôi nghĩ vậy.” bà nói.

Đặt chân đến Mỹ, bà định cư tại Maryland cho đến tuổi về hưu thì về Virginia sống đến hôm nay. So với những cuộc đời tị nạn khác, năm tháng tha hương của bà có phần nhẹ nhàng hơn, dù cũng trải qua nhiều công việc làm để tồn tại. Bà từng học để lấy bằng kỹ thuật viên máy tính, nhưng do giới hạn ngôn ngữ, nên cũng phải dở dang, chuyển sang công việc khác.

Những năm tháng đó, thơ vẫn là gia tài lớn nhất người nữ sĩ có được. Bà đã âm thầm cho ra đời bốn, năm tập thơ, chỉ dành tặng cho người quen, thân hữu.

“Cuộc đời của tôi khá đơn giản, nếu không muốn nói là ‘hạn hẹp.’ Viết văn thì tả cảnh, tả tình. Thơ thì từ cảm xúc. Mà cuộc đời tôi thì bình dị, chỉ chất chứa toàn hình ảnh lính và chiến tranh,” bà nói với nụ cười thật hiền. 

“Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi”

Nữ sĩ Lê Thị Ý là “con nhà nòi” của thi ca. Bà xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều, và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Bà đến với thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học. Khi cùng gia đình di tản vào Nam năm 1954, nữ sĩ Lê Thị Ý sống cùng một người anh là sĩ quan. Đến năm 1960, bà về Pleiku, làm việc cũng trong một trại lính. Cũng chính vì vậy, theo lời bà, “Người lính luôn luôn trước mặt. Chiến tranh luôn luôn ở trước mặt. Không bao giờ rời xa tôi.”

Cả cuộc đời của nữ sĩ Lê Thị Ý được bao phủ bằng hình ảnh kiên cường, oai hùng của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Bà như con chim nhỏ bay nhảy trong không gian khép kín của cuộc chiến. Thế giới của bà là những bộ quân phục màu lá rừng, những đôi mắt sáng ngời ý chí, những vầng trán cao kiên cường của tuổi trẻ lấy tình yêu đất nước làm lẽ sống. Có phải nữ sĩ thần tượng và thần tượng hóa hình ảnh người lính trong cuộc chiến không?

“Tôi vừa thương vừa thần tượng. Tôi yêu nhất là bộ quân phục của người lính. Cuộc đời của họ là anh hùng, là sự dấn thân,” bà nói.

Thủ bút của nhạc sĩ Phạm Duy trong bài “Tưởng Như Còn Người Yêu,” 

Trong câu chuyện bà kể, khi ở chiến trường, người lính là anh hùng, là dấn thân. Ngày về phép, hoặc cuối tuần, cởi bỏ bộ quân phục, họ là người lính chân tình, dễ thương. Bà kể, nếu người lính ấy có 500 đồng để tiêu xài trong một tuần, thì họ sẽ không dùng. Họ để dành cuối tuần gặp người yêu, cả hai cùng đi dạo phố.

Hướng tầm mắt ra cửa, bà nói nhẹ: “Tôi vừa thương vừa thần tượng. Khi người lính vừa ra khỏi cửa, là tôi lại nghĩ ngay đến những hiểm nguy có thể xảy đến với họ. Tôi có những liên hệ lạ lùng lắm. Nếu nói tôi tưởng tượng, cũng được.”

Người anh cả của nữ sĩ là một sĩ quan. Lúc nào bà cũng mang tâm trạng lo sợ anh mình đi trận không trở về. Người yêu đầu đời của bà, là một người lính. Người yêu thứ hai trong đời, vẫn là một người lính – người đã tử trận trong một trận đánh. 

“Thương Ca 1”

Năm 1965, nữ sĩ rời Sài Gòn. Bà về Pleiku làm việc trong một trại lính. Năm năm ở phố núi bé nhỏ này, mỗi một ngày bà đối diện với vô vàn những câu chuyện không tên về cuộc đời người lính. Lúc này, cũng là thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh. Thế giới xung quanh bà khi ấy chỉ toàn lính, và lính. Lính và vợ. Lính và vũ khí. Lính và đạn bom. Lính và tử trận. Từ đó, tình yêu bà dành cho người lính, cuộc đời người lính, càng thêm cao dầy. Đôi khi, chỉ những câu chuyện trò ngắn ngủi đời thường với vợ lính cũng làm cho trái tim nữ sĩ chạnh lòng.

Bà nhớ lại, rồi kể:

“Chúng tôi, những người phụ nữ nói chuyện vui đùa với nhau. Có người nói:

-Trời lạnh thế này mà được ở nhà ôm ông xã thì sướng biết mấy.

-Thế ông xã đâu?

-Ông xã đi đánh trận.”

Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng cũng đủ làm tâm hồn người nữ sĩ bồi hồi xúc động.

Hình bìa tuyển tập thơ văn “Quê Hương và Kỷ Niệm” trong đó có tác phẩm của Lê Thị Ý. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Thời gian trong trại lính ở Pleiku, nữ sĩ chiêm nghiệm rõ như nhật nguyệt sự vô thường của đời người trong chiến tranh. Những người ở đó, gặp đó, rồi mất đó. Một câu chuyện được bà nhớ và kể lại:

“Tôi nhớ vào Giáng Sinh năm đó, có một người lính đến cửa hàng của tôi mua quà lưu niệm gửi cho gia đình. Anh ấy xin cho khất lại tiền, đến đầu Tháng Giêng, dịp Tết Tây, anh về trại sẽ gửi trả. Nhưng lần ra trận đó, người lính mãi mãi không quay về. Sau đó, người em của anh ấy ra nhận trả số tiền đó. Nhưng tôi không nhận.”

Nữ sĩ đa cảm “thương vay khóc mướn” (theo lời bà tự nhận) nói rằng, những năm tháng đó, bà rất gần gũi với cái chết của mọi người. Không biết bao nhiêu lần bà chứng kiến người phụ nữ, những đứa trẻ, những cô gái tuổi xuân đến mở chiếc “poncho” quấn xác để nhận xác chồng, cha, người yêu. Bà đau với nỗi đau của họ. Nước mắt của bà rơi cùng tiếng khóc của họ.

“Tôi đi ngang nhà xác, nghe tiếng khóc vọng ra. Tôi nhìn vào thấy người ta đang nhận xác… đau lắm. Không phải chỉ khi của mình, mình mới đau…” bà kể. “Nó (nỗi đau) không phải là của mình nhưng đã hóa thành của mình.”

Và bài thơ “Thương Ca 1” ra đời từ đó.

“Tôi làm bài thơ đó rất nhanh. Tôi làm một mạch, không sửa gì cả. Tôi làm xong cất vào trong bàn học. Ngày xưa, anh tôi, nhà thơ Vương Đức Lệ, không muốn các em mình theo nghiệp thơ văn, nên tôi làm xong toàn là giấu đi. Nhưng hôm đó, bạn của anh tôi đến nhà chơi, vô tình thấy bài thơ đó. Ông nói ‘thơ hay thế này mà không đi đăng.’ Thế là ông xé tờ giấy tập có bài thơ, đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh, là người trụ trì sinh hoạt Ðàm Trường Viễn Kiến. Cụ Quỳnh đọc rồi lại chuyển cho cho ông Phạm Duy phổ nhạc,” nữ sĩ kể lại quá trình ra đời bài thơ “Thương Ca 1” và bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu.”

Nữ ca sĩ Julie Quang, con dâu nhạc sĩ Phạm Duy, là người đầu tiên hát ca khúc này.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi “Thương Ca 1” ra đời, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa với bộ quân phục hiên ngang, dũng mãnh, vẫn mãi trọn vẹn trong trái tim và tâm hồn người nữ sĩ – nhà thơ Lê Thị Ý. [đ.d.]

Nguồn:

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/nu-si-le-thi-y-nguoi-linh-va-chien-tranh-chua-bao-gio-roi-xa-toi/



2021/04/29

 KHU TƯỞNG NIỆM TẠI SAVIN ROCK BEACH, WEST HAVEN.


Tôi vốn thích tìm đến những nơi có núi, rừng và biển . Đá, cây, trời, nước, theo tôi đó là những tặng vật của thiên nhiên vô cùng quý cho thể chất và tâm hồn của con người.
Connecticut, tiểu bang gắn bó với đời lưu vong của tôi, nằm dọc theo vịnh Long Island bờ đông Hoa Kỳ hướng ra Đại Tây Dương, nên có bờ biển rất dài; có nhiều bãi biển lớn nhỏ quản lý bởi địa phương hay tiểu bang, sạch và đẹp. Dọc theo bờ biển luôn luôn có đường đi bộ và cũng có thêm những khu tưởng niệm cho danh nhân hay những biến cố trọng đại, vinh quang hay thất bại, đã xãy ra cho đất nước Hoa Kỳ.
Savin Rock Beach của Town West Haven là một trong những nơi tôi hay đến. Gần đây, chánh quyền địa phương thiết lập một khu Veterans Walk of Honor để tưởng niệm những tử sĩ Hoa Kỳ trong những cuộc chiến mà Hoa Kỳ tham dự như World War, Korean War...và có cả Viet Nam War.






Trong mỗi khu kỷ niệm đều có bảng ghi danh tên họ tử sĩ, nhiều nhất mà họ có thể ghi; thường họ tên tử sĩ được khắc trên viên gạch nung đỏ rồi lát trên mặt đất tại vị trí trang trọng nhất. Riêng cho Viet Nam War thì họ thiết lập hẳn một bức tường đen bằng đá hoa cương ghi tên tử sĩ theo mẫu bức tường tưởng niệm tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhưng nhỏ hơn.
Khu tưởng niệm Viet Nam War vừa hoàn thành, hình như cho kịp ngày April 30 năm nay vì dấu vết của công trình chỉnh trang Savin Rock Beach cho biết như thế.
Đây là một cơ duyên khiến tôi phát hiện nơi này, thêm nơi kỷ niệm 58 ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ đã đóng góp xương máu cho cuộc chiến bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam, Việt nam Cộng Hòa, trên đất Mỹ.
Một nén hương lòng xin gởi đến mọi vong linh đã chết trong cuộc chiến nồi da xáo thịt cận đại vô cùng tang thương của dân tộc Việt.

Theo đây là một số hình ảnh liên quan, mời anh chị em cùng xem.








Mùa Xuân @ Savin Rock Beach

2021/04/27


 NHÂN MỘT LỜI THĂM HỎI.

Là bạn cố tri, quen nhau từ những năm sáu mươi cùa thế kỷ trước tại Hà Tiên, dạo đó còn là thị trấn nghèo, u tịch nhưng rất giàu lòng thân thiện hiếu khách của dân địa phương dành cho những người trẻ vào đời tha phương cầu thực như chúng tôi, những thầy cô giáo mới tốt nghiệp từ các trường sư phạm ở Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ..., một chị bạn, cô giáo T.V., là dân Hà Tiên chính hiệu thỉnh thoảng điện thoại cho tôi, và ngược lại, thăm sức khoẻ và chúc lành cho nhau.

Trong lần điện thoại hôm 25/4/2021, sau những lời thăm hỏi, đùa cợt vui như thường lệ, bất chợt chị hỏi thăm tin tức về anh Dư, một thầy giáo gốc Vĩnh Long mà ngày xưa ở trọ gần gia đình của chị để đi dạy học. Tôi đùa rằng chị đi tìm "cố nhân" phải không? Chị cười vang, nữa đùa nửa thật , là hồi ấy chị đã cố "đeo" anh Dư mà không "dính" nếu "dính" thì đâu tới phiên anh H., ông xã của chị bây giờ.

***

Anh D. là đồng hương cũng là đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi, sau một thời gian làm việc tại Hà Tiên thì đều được trở về quê nhà, nhưng mạnh ai phần việc ấy cũng không có cơ hội gặp lại cho mãi đến biến cố 1975 xãy ra.

Đã 46 năm trôi qua mà sao mỗ̃i khi tháng tư hằng năm trở lại, hoặc có gì liên quan, thì những diển biến thời ấy vẫn không nguôi ngoai. Thời điểm chị bạn hỏi thăm tin tức về anh D. khiến tôi muốn chia sẻ câu chuyện sau:

Tù "cải tạo" của bên thắng trận dành cho phía bại trận là chuyện phổ biến ai cũng biết, nhắc lại mãi cũng nhàm chán và dù thế nảo cũng vẫn còn làm đau lòng mà tôi lại muốn nhắc hôm nay là vì nó có liên hệ đến anh D.

Theo tình hình và  sự biến chuyển của địa phương dạo ấy, mãi đến 1976, một nhóm 180 thầy giáo của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, trong đó có tôi và anh D., phải đi "học tập cải tạo tập trung" tức là đi tù không hơn không kém. Sau 3 tháng bị nhốt trong khám lớn Trà Vinh, chúng tôi được đưa đi lao động tại xã Long Khánh, một vùng duyên hải của Trà Vinh.

Ngoài chuyện hằng ngày đi  bờ đê cho việc nuôi tép, chúng tôi còn phải trồng trọt, hoặc đốn củi. 

Một hôm, có hai "chú bộ đội" dẩn khoảng 6 anh em tù, trong đó có D., vào rừng đốn củi đem về cho nhà bếp. Sau khi nhóm lên đường một thời gian ngắn thì trong hướng rừng có tiếng súng bắn, ban chỉ huy trại tù nói là súng báo động về việc gì đó, họ điều động thêm bộ đội tiếp viện, rầm rộ vào rừng. Sau đó, họ dẩn về 6 anh em tù, tay bị trói sau lưng, quỳ giửa sân trại. Họ tập trung toàn thể chúng tôi ngồi quanh 6 anh em ấy, bọn họ mắng nhiếc không tiếc lời, kết tội 6 anh em đi đốn củi muốn giết hai tên bộ đội hướng dẩn để trốn trại, và hăm he chúng tôi không được bắt chước. Tiếp theo, họ nhốt 6 anh em vào "chuồng cọp" và  khuya hôm sau họ chuyển anh em về lại khám lớn Trà Vinh. Chúng tôi ai ai cũng lo lắng chuyện gì sẽ dành cho các bạn mình?

Tại sao có tình huống này xảy ra? Tìm hiểu thì được biết là do sự khác biệt "trình độ học thức" của hai bên: mấy thầy giáo thích "nhân cách hoá mấy cây rừng" còn hai chú bộ đội thì mù tịt chuyện này. Số là sau khi dẩn các anh vào khu rừng, phân công xong thì hai chú bộ đội ngồi ...đâu đó; bổng nghe mấy anh giáo xầm xì bàn với nhau " hạ anh lớn này trước rồi sẽ hạ anh nhỏ sau" -ý nói" đốn cây lớn này trước rồi sẽ đốn cây nhỏ sau", hai chú bộ đội cứ tưởng mấy anh giáo to gan muốn giết chúng ... cho nên mới ra cớ sự.

Người ta nói trong "cái rủi còn có cái may". Sau này được biết trong nhóm 6 anh em đó có một người là con của tỉnh ủy, cha đi tập kết ra Bắc, con ở lại miền Nam làm thầy giáo đi Sỉ quan Thủ Đức rồi là Trung úy "ngụy" biệt phái. Do đó, tỉnh ủy cho điều tra và hiểu ra sự thật. 

Riêng phần anh D., trong thời gian này anh đột nhiên bị phát bịnh "bí tiểu" rất nguy cho tính mạng, nhờ gần bệnh viện tỉnh nên kịp chửa trị cho anh. Nếu anh còn ở trại tù xa tỉnh lỵ thì sẽ không rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho anh?

***

Từ khi "ra tù", đường ai nấy đi và từ đó đến nay tôi đã không gặp hay nghe tin tức anh D. 

Tôi hứa với chị bạn sẽ cố gắng tìm hỏi bạn bè, nếu có kết quả sẽ cho chị biết.

Tôi nhắc lại chuyện này ở đây rất mong những anh chị em quen biết chúng tôi, có tin tức về anh Dư xin giúp cho.

Xin cám ơn trước.


Anh Tú <tức NHA>

April 27, 2021

2021/04/26

 NGUYỄN THANH THU, tác giả bức tượng Thương Tiếc

Ghi chép của NGUYỄN TUẤN KHOA

Miền Nam Việt Nam trước 1975 không ai không biết đến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng Thương Tiếc đặt tại nghĩa trang quân đội trên xa lộ Biên Hòa năm 1966. Chính đứa con mà ông yêu quý nhất này đã đưa ông lên đỉnh danh vọng để rồi đẩy ông xuống đáy địa ngục. Ký ức tháng Tư đen cùng câu chuyện 46 năm qua lời kể của thầy tôi – Nguyễn Thanh Thu – thật nặng nề và đầy xúc động.

Ký ức về thầy

Thầy Thu tuổi Quý Dậu (1934), dạy môn hội họa cho tôi, anh em tôi và những ai đã từng học tại Trung học Võ Trường Toản (VTT) từ năm 1958. Ông có dáng người chắc khỏe, tầm thước, đi dạy bằng xe Jeep cao màu xanh dương, mặc áo chemise trắng, đeo cravat đỏ luồn vào trong bụng dưới khuy áo thứ hai. Cá tính rất mạnh mẽ, nghiêm khắc, khó gần. Ông dạy học trò cầm bút chì theo kiểu cầm archer khi chơi violon. Ông dễ nổi nóng và đánh đòn học sinh nào cầm bút theo kiểu viết, dùng thước “vẽ” đường thẳng. Mỗi buổi học ông chọn ra hai-ba bài vẽ tệ nhất, dùng dây kẽm cột chổi để treo bài lên cổ người vẽ, bắt đứng trước lớp cho đến khi hết giờ. Nguyễn Minh Trí, bạn học của chúng tôi từ lớp 6-5 cũng là con trai của ông, thường xuyên bị đòn đau. Lớp tôi ai cũng thương nó vì nghĩ rằng nó chịu đòn thay cho cả lớp. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của ông mà trình độ hội họa của chúng tôi lúc đó như “người khổng lồ” so với học sinh cấp II bây giờ?

Bức tượng Thương Tiếc
Bức tượng Thương Tiếc

Do nổi tiếng từ bức tượng Trung Liệt đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, ngày 22-8-1966, ông được Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia – Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giao thực hiện bức tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Tượng ngồi, bằng bê-tông cốt thép, màu đen, uy nghiêm, cao 4 m. Nếu tính cả mô đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao tượng đài là 8 m. Về bức tượng Thương Tiếc, ông kể rằng ông được Tổng thống Thiệu chọn thực hiện, từ việc thể hiện ý tưởng đến việc xây dựng tượng đài tại Nghĩa trang Quân đội.

Sau bảy ngày, ông được mời vào Dinh để trình bày năm phác thảo nhưng vào cuối buổi, ông nói phác thảo mà ông yêu thích nhất là phác thảo thứ sáu mới vẽ nháp trên bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ trong khi chờ ngoài hành lang Dinh. Ý tưởng thứ sáu lấy từ hình ảnh của hạ sĩ Võ Văn Hai khóc bạn tại quán nước trước Nghĩa trang Quân đội cũ ở Gò Vấp mà ông nhìn thấy một tuần trước đó. Phác thảo thứ sáu được chọn và chỉ sau hai tháng rưỡi, bức tượng đồng Thương Tiếc cao 9 m hình thành, đưa ông lên đỉnh cao danh vọng ở tuổi 32 với sự kính trọng của giới chức và quân nhân thời đó. Tượng được khánh thành ngày Quốc Khánh VNCH 1-11-1966.

Trên không gian rộng thoáng, từ mọi hướng, người ta có thể nhìn thấy bức tượng cao, nổi bật trên nền trời xanh. Đó là người lính từ chiến trường về thăm mộ đồng đội, quân phục, ba-lô lấm bụi, súng trường gác trên hai đùi, lưỡi lê ngang hông, dây quai nón sắt buông thỏng như sợi buồn rơi vào cõi vô định. Anh ngồi thẫn thờ, đôi mắt buồn nhìn xa xăm, thương tiếc cho người bạn vừa nằm xuống. Bức tượng trong bối cảnh đó trở nên có hồn hơn và nhiều chuyện linh thiêng của bức tượng đã không ngớt lưu truyền trong dân chúng lúc đó.

Đỉnh danh vọng và đáy địa ngục

Tiếng tăm của điêu khắc gia Thu và các tác phẩm của ông đã vang xa khỏi quê hương. Ngày 20-7-1967, đại tá H.G. Fuller, thuộc Bộ Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (USARV), gửi thư cho đại tá William P. Jones – Chủ Tịch Ủy Ban Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Hoa Kỳ, trong đó ông ca ngợi ông Thu và các bức tượng về đề tài chiến tranh. Ông William xem ông Thu là điêu khắc gia xuất sắc nhất Việt Nam lúc ấy và đánh giá bức tượng Thương Tiếc là một kiệt tác nghệ thuật. Ông William viết: “… xét về đề tài tượng đài chiến tranh, tôi trân trọng đặt tượng Thương Tiếc và các tác phẩm khác của ông ngang hàng với bức ảnh nổi tiếng Raising The Flag on Iwo Jima ở Arlington”. Ông cũng tiến cử ông Thu với Ủy ban để thực hiện việc dựng tượng ở Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong các dự án tương lai.

Nói đến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, người ta chỉ nhớ đến ông với bức tượng Thương Tiếc. Thật ra ông còn một số tác phẩm khác, chẳng hạn tượng Quyết Thắng, tác phẩm được tạc sau cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tượng cao 4m, bằng bê-tông cốt thép mô tả hình ảnh người lính Thủy Quân Lục Chiến trong tư thế ném lựu đạn. Chân trái co thấp bước tới trước, chân phải thẳng tạo thế đứng vững chắc. Cánh tay và bàn tay trái duỗi thẳng hướng về đích đến, tay phải đưa về phía lưng, làm thân người lính vặn về phía sau, thế đứng này giúp người lính có thể ném lựu đạn đi xa nhất. Khẩu súng đặt vội giữa hai chân, nón sắt rơi xuống, phần áo phía trước phủ ra ngoài quần làm cho người xem cảm nhận được sức nóng của chiến trường. Trong khoảnh khắc sống còn, gương mặt người lính trở nên căng thẳng…

Tượng Quyết Thắng

Khi vừa hoàn thành, tượng Quyết Thắng được triển lãm tại công viên Đống Đa, trước Tòa Đô Chánh vào năm 1969. Cái thần của bức tượng cùng bảy bức tượng khác về đề tài quân đội của ông Thu tại cuộc triển lãm làm cho người xem cảm nhận không khí chiến tranh lan vào tận đô thành Sài Gòn. Trước đó vài năm, có một tác phẩm điêu khắc đồ sộ cùng chủ đề người lính Thủy Quân Lục Chiến được đặt trước Quốc Hội (Hạ Nghị Viện).

Tượng do điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ tạc năm 1966. Ông Đỏ là thiếu tá Bộ Tổng Tham Mưu, là bạn học với ông Thu tại Cao Đẳng Mỹ Thuật. Ban đầu tượng được duyệt với phác thảo gồm ba người lính nhưng khi hoàn thiện thì tượng đài chỉ có hai người. Trong thời gian thực hiện, ông Đỏ rút lui không rõ lý do, công việc dang dở, vì vậy được giao cho thiếu úy Đinh Văn Thuộc (không phải điêu khắc gia), cùng làm với sự cố vấn của họa sĩ Lê Chánh và Lương Trường Thọ. Trong hoàn cảnh như vậy, tượng khi hoàn thành có nhiều khiếm khuyết mà tác giả của nó chắc không khỏi buồn lòng! Sóng gió của bức tượng này chưa dừng ở đó. Ngay khi tượng được dựng, dân biểu Hạ Nghị Viện phản đối kịch liệt, vì súng người lính hướng thẳng vào tòa nhà Quốc Hội. Họ cương quyết đòi di chuyển tượng sang địa điểm khác. Đầu năm 1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị điêu khắc gia Thu làm gấp một tượng khác để thay thế. Đó là lý do ra đời của tượng Quyết Thắng.

Chỉ ba tháng sau khi có chỉ thị, ông Thu đã gấp rút hoàn thành Quyết Thắng với kinh phí tự bỏ 300.000 đồng. Tổng thống Thiệu muốn thay thế bức tượng trước trụ sở Quốc hội ngay và có ý đưa tượng Thủy Quân Lục Chiến về Ngã Tư Hàng Xanh. Tuy nhiên, không dễ gì thay thế biểu tượng một binh chủng oai hùng, khi ông Thiệu cùng lúc đương đầu với thiếu tướng Bùi Thế Lân (tư lệnh Thủy quân lục chiến) và đại tướng Cao Văn Viên (Bộ Tổng Tham Mưu). Bức tượng Thủy Quân Lục Chiến nhờ vậy tồn tại thêm vài năm cho đến ngày 30-4 rồi bị nhóm thanh niên “cách mạng 30-4” phá sập.

Sau khi Sài Gòn thất thủ, “bên thắng cuộc” đã giật đổ bức tượng Thương Tiếc bằng đồng, rồi chuyển về Dĩ An. Đến nay không ai biết được số phận của nó. Chưa dừng lại, ít lâu sau đó, một nhóm vài chục bộ đội đã kéo tới tư gia điêu khắc gia Thu để truy tìm bức tượng Thương Tiếc bằng bê-tông cốt thép đã tạc và đặt tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa năm 1967. Đó là tượng dùng để đúc đồng (khuôn gốc) và hình thành nên bức tượng Thương Tiếc phiên bản bằng đồng năm 1970.

Nhóm người hung hãn ra sức đập phá bức tượng Thương Tiếc một cách không… thương tiếc và chỉ dừng lại khi tượng chỉ còn lại phần bụng và chân. Hiện nay tượng bê-tông bị đập phá này vẫn còn nằm trong sân sau nhà của ông Thu, cạnh các ngôi mộ gia tiên, cây dại che phủ nên ít ai chú ý. Sau khi đập phá bức Thương Tiếc, nhóm người này tiếp tục đập phá bức tượng Lính Thủy quân Lục Chiến, cao 4m, chỉ để lại đầu tượng. Ngày trở về nhà từ trại tù Hàm Tân với thân hình tiều tụy, ông lê bước đến bên bức Thương Tiếc. Ông đã ngã quỵ dưới chân tượng và ngồi ở đó rất lâu cho đến lúc sụp tối. Ông nói sự trả thù này còn ác hơn những đòn thù mà ông phải gánh chịu trong tám năm dài ngục tối…

Bức thư của đại tá H.G. Fuller gửi cho đại tá William P. Jones về điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu

Võ Văn Hai, giờ này ông ở đâu?

Hạ sĩ Võ Văn Hai, Tiểu Đoàn II binh chủng Nhảy Dù bỗng trở nên nổi tiếng cùng với ông Thu và bức tượng Thương Tiếc lịch sử khi được chọn làm người mẫu. Giống như điêu khắc gia Thu, cuộc đời bí ẩn của hạ sĩ Hai cũng chìm nổi theo bức tượng. Không lâu sau tượng được dựng lên, người ta đồn ông Hai đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Nhiều bài thơ khóc ông đã ra đời. Thật ra ông Hai chưa chết!

Trong thời gian ông Thu ở tù, ông Hai đã hai lần thăm gia đình ông Thu. Lần đầu, rất sớm sau năm 1975. Tim ông như vỡ vụn khi thấy tượng Thương Tiếc – như là phần xác của ông – giờ đây chỉ là đống đổ nát. Lần thứ hai, nhiều năm sau đó. Ông nghe gia đình ông Thu kể rằng ông Thu được cai ngục đưa về thăm nhà với đôi chân yếu không thể tự đi. Ông Hai hoảng loạn, lo sợ có ngày cộng sản tìm đến ông rồi cuộc đời mình cũng chìm xuống địa ngục như thiếu tá Thu. Ông nhanh chóng rời khỏi nhà và không ai có tin tức của hạ sĩ Hai từ ngày đó. Có lẽ ông Hai đã thay tên đổi họ, “mai danh ẩn tích”, trở về cuộc sống nông dân ở đâu đó trên đất Diên Khánh, ông Thu nghĩ vậy…

Trong tù, tạc tượng ông Thiệu, thay vì Hồ Chí Minh!

Tháng Tư đen đã đẩy gia đình ông xuống địa ngục. Tháng 12-1975, tại lớp 10C5 Trường Võ Trường Toản (VTT), Trí – cậu con trai của ông – được lệnh rời lớp, mang theo cặp lên văn phòng. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hồng, dân Nam tập kết, môi mỏng, đầu hói, lạnh lùng nói: “Ba em nợ máu với nhân dân, em không được học ở đây. Từ hôm nay”. Linh cảm chuyện không lành, tôi đợi Trí tại nhà xe, Trí lầm lũi, khóc nấc và nói: “Tao bị đuổi học”. Trí giấu mẹ vì sợ bà đau buồn, có thể sinh bệnh mà chết. Mỗi sáng nó vẫn ra khỏi nhà, chui “lỗ chó” vào Sở thú ngồi cho đến giờ về, nhìn buồn sang trường cũ nơi có tượng cụ Võ Trường Toản do chính Ba nó tạc năm 1972.

Trại tập trung Hàm Tân, một buổi sáng cũng khoảng thời gian Trí bị đuổi, thiếu tá Thu bị gọi lên chất vấn về thành tích không khai trong lý lịch: là người đã tạc tượng Ngày về (giải thưởng văn hóa nghệ thuật Ngô Đình Diệm 1963) và tượng Thương tiếc. Sau ít phút lắng nghe ý nghĩa của các bức tượng, sáu tên cai ngục thay nhau đánh đập ông dã man trong ba ngày. Chúng dùng cánh tay hộ pháp vỗ mạnh vào mang tai khiến ông chảy máu và điếc luôn từ ngày đó. Ông bị biệt giam trong conex. Tám tháng không thấy Mặt trời. Ít lâu sau, chúng yêu cầu ông tạc tượng Hồ Chí Minh. Suy nghĩ hồi lâu, ông đồng ý với điều kiện: được về Gia Định để thăm mẹ già, vợ con và chuẩn bị vật liệu.

Ngày trở về thăm mẹ tại cư xá Việt Nam Thương Tín (Hàng Xanh), khi người em gái ý tứ giữ chân bốn tên an ninh ở phòng khách, ông Thu nghe mẹ nghiêm khắc nói: “Mẹ đẻ ra con, mẹ hiểu con muốn gì. Nếu trái ý, mẹ sẽ tự tử ngay. Cố gắng ở thêm ít năm rồi về”. Biết tính mẹ, ông đành bỏ kế hoạch trốn sau khi thăm vợ con ở Gò Vấp. Ông trở lại địa ngục, miễn cưỡng tạc tượng kẻ thù với một mật kế mới. Hàng ngày, ông nuốt vào những lời sỉ vả của chiến hữu nhắm vào ông.

Những ngày cuối tháng Tám, ông càng miệt mài thức khuya “tạc tượng”, chiến hữu càng ghẻ lạnh. Sáng ngày 1-9, cả trại tù náo loạn khi nhận ra: đây không phải tượng Hồ Chí Minh mà là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu! Những ngày sau đó ông sống ở đáy địa ngục. Ông chết đi sống lại nhiều lần trước những trận đòn thù hội đồng. Một ngày tháng 10, ông bị lôi ra khỏi conex lúc 4g sáng để đưa ra pháp trường. Mạng ông lớn, lệnh hành quyết được bãi bỏ ở những giây cuối cùng. Biệt giam, đòn thù, thiếu ăn…, tính mạng mong manh gần chết, cuối cùng, ông được tha năm 1983.

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (ảnh: tác giả)
Tác giả và Nguyễn Thanh Thu (ảnh: tác giả)

Một giấc mơ cuối đời

Sau bốn năm dưỡng thương, buồn cảnh gia đình tan nát, ông vượt biên bằng đường bộ mà trong túi không có một xu theo nghĩa đen. Hành trình gian khổ ly kỳ này (sẽ được hầu chuyện vào dịp khác) đưa ông đến Thái Lan, sau đó định cư ở Mỹ hơn 10 năm, rồi trở về Việt Nam cho đến nay. Tổng thống Thiệu, trong lần nói chuyện với đồng bào tại California, cảm kích về việc ông Thu dựng tượng mình trong trại tù Hàm Tân, đã xuống tận chỗ ngồi của ông Thu để thăm hỏi.

Hơn 10 năm ở Mỹ, ông trông mong cộng đồng giúp phục dựng lại bức tượng Thương Tiếc nhưng niềm hy vọng đó cuối cùng chỉ là những “confetti vương vãi trên sàn”. Không sống được bằng nghề điêu khắc, ông không biết làm gì khác. Với thính lực gần bằng không, ông ngày càng bế tắc trong việc mưu sinh xứ người. Cô độc, cuối cùng ông miễn cưỡng trở về Việt Nam. Trở lại mái nhà xưa, gần gia đình, trong không gian sáng tác quen thuộc, ông tạc thêm một số tượng, dựa trên các ý tưởng hình thành từ trước như: Được Mùa, Cửu Long Được Mùa… Tuy nhiên, đó là những tượng tỷ lệ nhỏ, tạc chỉ để thỏa mãn đam mê nghệ thuật.

Bây giờ, với những ngày tháng còn lại cuối cùng của cuộc đời, ông chỉ mong gặp lại ba người, trong đó có hạ sĩ Hai, người đã ghé thăm gia đình ông vài lần trong lúc ông ở tù; và hai người phụ nữ mà ông mang ơn cứu mạng: cô Lan (bán canteen trong trại Hàm Tân), người giao cơm khi ông bị biệt giam với miếng thịt giấu ở đáy chén; cô Oanh, người tình của trùm du đãng xóm chài Sa Tưng (Campuchia). Ở tuổi 87, ông ấp ủ một việc làm cuối cùng: dựng tượng chính mình ngay sau khi tôi thực hiện xong album chân dung của ông. Cầu chúc ông sớm đạt nguyện để lớp hậu sinh có dịp viếng ông, nghiêng mình trước một người lính VNCH can trường.

Những tâm sự trong bối cảnh tháng Tư đen khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Cuộc đời sóng gió của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã làm cho pho tượng Thương Tiếc đẹp hơn và trở nên bất tử. Những kẻ hậu sinh rồi sẽ còn nhắc về ông: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.

Nguồn:https://saigonnhonews.com/cau-chuyen-xuc-dong-ve-tac-gia-buc-tuong-thuong-tiec/