2022/02/07

Bút ký

TƯ CÁCH CỦA MỘT THƯƠNG BINH



Cách nay vài tuần – vì lý do cá nhân – tôi emailed đến quý vị Webmasters, Bloggers và bạn hữu rằng tôi sẽ tạm ngưng viết một thời gian; khi nào viết trở lại, tôi sẽ làm phiền quý vị như bấy lâu nay.

Trong thời gian tâm trí thư giản, tôi đọc bài của bạn hữu chuyển đến tôi qua mails. Qua những bài này , tôi nhận ra một vấn nạn chung: Sự cô quạnh của người Việt cao niên trong xã hội Âu Mỹ. Tôi không dám lạm bàn về những bài viết này; vì tôi cũng chỉ là một “người già cô đơn”!

Từ khi trở thành “người già cô đơn”, nhiều lần, con tôi đề nghị tôi về sống với con tôi; nhưng tôi cảm ơn và từ chối. Lý do: Nếu tôi sống với con trai, khi vợ chồng con trai của tôi bất hòa, cô dâu của tôi sẽ không ngần ngại gì mà không hỏi con trai của tôi: “Mẹ của anh, anh đem về nuôi – dù cô dâu biết rằng tiền hưu của tôi thừa để tôi sống thoải mái – còn Mẹ của tôi thì sao?” Nếu tôi sống với con gái, có thể cậu rể sẽ nhẹ lời hơn; nhưng ý tưởng phân bì cũng giống nhau. Nếu vợ chồng con tôi cho tôi và suôi gia của tôi sống chung thì cái gì sẽ xảy ra giữa mấy người già mỗi ngày phải trực diện nhau? Thế là tôi chọn Senior Living hoặc viện dưỡng lão để hạnh phúc gia đình của con tôi không bị “xoi mòn”.

Vài vị “than thân trách phận” một cách rất đắng cay, bảo rằng con cháu thương và lo lắng cho mèo, chó, còn Cha Mẹ thì “bỏ” vào viện dưỡng lão!

Nếu không “bỏ” Cha Mẹ vào viện dưỡng lão thì ai là người ở nhà để lo cho quý Cụ uống thuốc đúng giờ, ăn cơm với đầy đủ dinh dưỡng, để ý và chăm sóc để quý Cụ khỏi bị té, ngã trong khi con cháu phải đi làm để trả “bills”? Nếu may mắn không phải trả “bills” thì con cháu cũng phải đóng góp kiến thức hoặc tài năng – mà quý Cụ đã khuyến khích, thúc đẩy con cháu trong suốt bao nhiêu năm dài khi con cháu theo học đại học – với đời chứ không lẽ đỗ đạt xong, con cháu lộng kính bằng cấp, treo lên vách rồi ở nhà chăm sóc cho quý Cụ? Đó là chưa kể, nếu con gái ở nhà để chăm sóc Cha Mẹ ruột thì Cha Mẹ chồng của cô ấy có “để yên” cho chồng của cô ấy hay không? Ngược lại, nếu con trai ở nhà lo cho quý Cụ thì Bố Mẹ của cô dâu sẽ hành động như thế nào? Nếu gom chung quý Cụ hai bên ở cùng nhà thì đủ phòng hay không? Và chuyện gì sẽ xảy ra? Trường hợp quý Cụ được hưởng trợ cấp xã hội của chính phủ Hoa Kỳ, tôi không biết, xin không có ý kiến.

Ở Mỹ, quý Cụ muốn ăn gì, nếu bác sĩ không cấm, thì ăn; quý vị không lái xe được nữa, cứ điện thoại “order”, họ đem thức ăn đến nhà; trời nóng quý Cụ có máy lạnh; trời lạnh có máy sưởi. Xin hãy nhìn về Việt Nam để thấy đời sống của người dân thường – chứ không phải đời sống của cán bộ, đại gia và những gia đình cho con xuất cảnh lao động để làm điếm, trồng và bán cần sa – quý Cụ sẽ bớt tủi thân!

Tôi vừa viết đến đây, chuông cửa reng. Tôi mở cửa. Thấy bà Lành – ngụ phòng số 217, cũng một “người già cô đơn”, cao tuổi hơn tôi – tôi rất vui. Sau vài câu chúc Tết,  tôi hỏi bà Lành cần tôi giúp điều gì? Bà đáp:

-Khổ thân tôi, lái xe không được nữa, cứ phải nhờ chị hoài!

-“No star where”! Chị cần đi đâu?

-Đầu năm gặp chị, nghe chị nói tiếng Anh kiểu đó là vui rồi! Thì, như mọi lần, nhờ chị chở ra ngân hàng lấy tiền rồi đến chỗ gửi tiền để gửi về Việt Nam. Vậy thôi!

-Lại gửi biếu Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nữa, phải không?

-Chứ biếu ai bây giờ! Tội nghiệp “mấy ổng” mà! Còn tôi, chết tôi đâu đem theo được “xu teng” nào đâu mà giữ!

-Dạ. Chị sẵn sàng chưa?

-Dạ, qua xem chị có giúp được không rồi tôi mới về phòng lấy ví.

Vừa bước về phòng, bà Lành vừa quay lui, tiếp:

-Tôi trở qua ngay, nha, chị!

-Dạ. Tôi cũng điện thoại xem chỗ gửi tiền đã mở cửa lại hay là còn nghỉ Tết.

Sau khi được chỗ gửi tiền xác nhận, tôi lấy ví, chìa khóa, đứng chờ bà Lành nơi cầu thang; vì con tôi dặn nên lên xuống lầu bằng cầu thang, tốt hơn là đi thang máy.

Từ ngày quen nhau tại phòng tập thể dục, bà Lành thường kể cho tôi nghe về Bà. Tôi không nghĩ bà Lành muốn khoe con hoặc khoe của; vì Bà chưa hề cho tôi biết con cháu của Bà học hành đến đâu, làm đến chức vụ gì trong xã hội, lương bao nhiêu một năm. Bà chỉ cho biết, những ngày quan trọng trong năm như sinh nhật của Bà, Thanksgiving, Noel, Tết, con của Bà thường tặng Bà tiền mặt để Bà tiêu dùng tùy thích. Bà không dám giữ tiền mặt, nhờ tôi đưa đến ngân hàng, gửi vào trương mục của Bà. Với số tuổi của Bà, tiền hưu đủ sống, sức khỏe tốt, bổn tính thầm lặng và chỉ thích cuộc sống biệt lập, đơn giản, Bà chẳng biết dùng số tiền các con của Bà cho vào mục đích gì! Thế là Bà nghĩ đến Thương Binh VNCH. 

Bà vào Google, tìm danh sách Thương Binh VNCH. Đọc qua tiểu sử của vài Thương Binh, Bà chọn Thương Binh Trần Thắng – không phải tên thật. Tôi tự ý đổi tên nhân vật vì vấn đề bảo mật chi tiết cá nhân – ngụ tại Bạc Liêu, xuất thân khóa gần cuối của Trường Bộ Binh Thủ Đức; bị thương vào tháng Tư 1975.

Trường Bộ Binh Thủ Đức là nơi ông Mộc – người yêu đầu đời rồi trở thành chồng của bà Lành – xuất thân. Địa danh Bạc Liêu là nơi ông Mộc tử trận khi đồn Nghĩa Quân do Ông chỉ huy bị Việt cộng tiền pháo hậu xung!

Đó là hai lý do bà Lành có thiện cảm ngay với anh Thắng. Bà liên lạc với anh Thắng. Anh Thắng cảm ơn và cho biết, trong huyện anh Thắng cư ngụ có vài Thương Binh VNCH nữa, bà Lành có thể giúp những Thương Binh đó hay không? Bà đồng ý ngay, với điều kiện: Quý vị Thương Binh do anh Thắng giới thiệu – cũng như anh Thắng – phải gửi đến Bà tư liệu cá nhân với chứng từ hoặc hình ảnh liên quan đến Quân Lực VNCH.

Sau đó, không hiểu tại sao, bà Lành nhận được nhiều thư của Thương Binh VNCH khác từ vài tỉnh Miền Nam. Bà vẫn dùng tiền do con của Bà cho để tặng những người đã hy sinh một phần cơ thể trong cuộc chiến tương tàn do ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam (csVN) chủ xướng.

Riêng tôi, nhờ còn lái xe được, thỉnh thoảng đẹp trời tôi thường lái xe đi “vòng vòng” để đến lúc không còn lái được – như bà Lành – đỡ tiếc.

Khi bà Lành trở lại, đến cạnh tôi, tôi hỏi:

-Chị có lòng tốt như vậy, tại sao chị không gửi trước Tết để quý ông Thương Binh có tiền ăn Tết?

-Trời, tôi có nhớ Tết là ngày nào đâu! Từ ngày Tàu dịch – Covid-19 – xảy ra, con và cháu của tôi phải làm việc và học “online”, tôi không liên lạc được với cháu nào cả! May mà sáng nay, người bạn điện thoại thăm, tôi mới nhớ!

-Dạ. Đi, chị!

Cho xe chạy chầm chậm – như một thói quen – tôi lấy CD cho vào máy. Nhạc dạo rồi tiếng hát ngọt ngào vang lên:

“Đón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi...” (1)

Tiếng hát vừa đến đây, tôi thấy bà Lành quay mặt sang bên phải, kín đáo đưa tay quẹt nước mắt. Tôi ngạc nhiên:

-Chị khóc, phải không, chị Lành?

Bà Lành gật đầu. Tôi tiếp:

-Chị khóc vì tình khúc này gợi lại kỷ niệm, phải không? Xin lỗi chị, tôi sơ ý!

-Chị có lỗi gì đâu; chỉ vì tôi hay mủi lòng thôi!

Tôi tắt CD. Bà Lành tiếp:

-Bài đó, ngày xưa, ông Mộc thường ôm Guitar “từng tưng” và hát “nghêu ngao” để nói lên tâm trạng của ông ấy. Sau này, con tôi mua “băng” có bài đó về cho tôi nghe. 

Im lặng. Bà Lành tiếp:

-Tết Mậu Thân, 1968, có lệnh đình chiến. Quân số trong đồn giảm nhiều vì quân nhân được đi phép. “Tụi nó” – csVN – biết được điều đó, cho nên, từ bờ sông, “tụi nó” bắt loa, gọi đích danh ông Mộc, buộc ổng phải hạ cờ VNCH, treo cờ trắng lên; nếu không, “tụi nó” sẽ áp dụng chiến thuật “biển người” để san bằng đồn “của ổng”. Ổng Mộc không đầu hàng!...

Nói đến đây, bà Lành nghẹn lời. Tôi cũng không biết phải nói gì! Một chốc sau, Bà thở dài, tiếp:

-Ước nguyện của tôi là chỉ muốn thấy và biết cái đồn mà ngày xưa ông Lộc “giữ”, bây giờ ra sao!

Im lặng. Tôi quẹo xe vô ngân hàng Chase, lái vào “drive-up” để bà Lành lấy tiền mặt. Sau đó, tôi lái xe đến chỗ gửi tiền về Việt Nam. Bà Lành mở cửa, quay lui, nói:

-Chị chờ giùm chút, nhen!

-Dạ.

Nhìn theo bước đi chậm chạp của bà Lành, tôi tự hỏi: Một Cụ Bà “lụm khụm” như bà Lành mà còn nhịn tiền để giúp Thương Binh VNCH; còn csVN cứ “rêu rao” “hòa hợp hòa giải” với tập thể người Việt di tản mà csVN lại hành xử với Thương Binh VNCH như đối với kẻ thù!

Mỗi khi biểu tình chống đối một sự kiện nào do csVN gây nên, người Việt di tản cũng chỉ giăng biểu ngữ “Đả đảo csVN” chứ người Việt di tản chưa bao giờ giăng biểu ngữ “Đả đảo thương binh csVN”.  

Thương Binh – dù là Thương Binh VNCH hay là thương binh csVN – cũng không phải là những người có tội trong cuộc chiến khốc liệt do csVN thực hiện. Thế thì tại sao, ngay sau khi cưỡng chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền csVN lại đuổi tất cả Thuơng Binh VNCH ra khỏi bệnh viện? Sau đó, nhà cầm quyền csVN lại xóa đi một di tích lịch sử bằng cách ra lệnh đổi tên Nghĩa Trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An!  

Hai danh từ kép “quân đội” và “nhân dân” không đồng nghĩa. Điều quan trọng là: Không có một thường dân nào được vinh dự an nghỉ trong Nghĩa Trang Quân Đội VNCH.

Đang miên mang nghĩ ngợi, tôi chợt thấy bà Lành trở lại, vừa đi vừa nhìn vào iPhone vừa cười, dáng vẻ rất vui thích. Tôi cho xe nổ máy, bà Lành bước vào. Tôi hỏi:

-Có gì vui lắm hay sao mà chị vừa đi vừa cười vậy?

-Đang đi, có người gọi nhầm số. Sẵn điện thoại trong tay, tôi “quẹt” sang tin tức để xem bên Việt Nam có gì lạ hay không. Ai dè, thấy tin “tụi nó” dàn cảnh, đóng kịch. Nè, cho chị xem cho vui.

Nhìn vào màn ảnh, phải “nheo mắt” nhiều lần tôi mới đọc đươc: “HÀ NAM Sáng 7/2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mặc quần áo nâu, xuống đồng cày ruộng đầu năm mới tại lễ Tịch điền Đọi Sơn ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.”Link:

https://vnexpress.net/chu-tich-nuoc-di-cay-trong-le-hoi-tich-dien-4424703.htm

https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/02/07/7-JPG-1644209120.jpg?w=1200&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bqP0sCfSLjOUj1f5cl5wFQ

Đọc tựa đề và thấy hình ông Nguyễn Xuân Phúc cầm cày, tôi cười, trả điện thoai lại cho bà Lành, rồi đáp: 

-Dàn cảnh, đóng kịch cái gì! Những hành động và phát ngôn của ông Nguyễn Xuân Phúc – mà báo chí đã đăng tải – trong thời gian qua đã lộ rõ xuất xứ dốt nát của ông Phúc rồi, chị à! 

-Dạ, tôi cũng đọc qua các sự việc “cà chớn” của ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng, bây giờ thấy ổng bị csVN đưa ra “trình diễn” vở tuồng này thì cũng ... tội cho ổng! Nếu là một cấp lãnh đạo thật sự có tài, có đức thì đâu cần phải làm ... trò hề!

Im lặng. Trong khi tôi cho xe rời bãi đậu, có lẽ bà Lành hiểu rằng tôi không muốn bàn luận về ông Nguyễn Xuân Phúc, cho nên Bà chuyển đề tài: 

-Trong thời gian chờ tôi, chị làm gì? 

Tôi kể cho Bà nghe về những suy tư của tôi lúc nãy. Bà Lành thở dài:

-Chuyện Thương Binh và Nghĩa Trang Quân Đội VNCH là hai vết thương to lớn và sâu thẩm nhất giữa người Việt di tản và csVN; nhưng là chuyện đã qua! Để tôi kể chị nghe chuyện ông Thương Binh này! Thiệt, đúng là tư cách cương trực của một sĩ quan Quân Lực VNCH! 

-Chuyện gì mà có vẻ “hấp dẫn” vậy, chị?

-Chị nhớ anh Thương Binh Thắng không?

-Dạ. Sao, chị?

Bà Lành vừa mở ví lấy phong thư đưa cho tôi vừa đáp:

- Chị nhớ lần trước, trước khi chị đưa giùm tôi ra đây gửi tiền giúp Thương Binh, tôi vô phòng nhận thư của Senior Living, mở “box” lấy thư hay không?

-Dạ, nhớ. Mỗi người trong Senior Living đều có một “box” riêng để nhận thư.

-Hôm đó, nhận được thư anh Thắng, tôi bỏ vào ví. Khi đến chỗ gửi tiền, tôi “loay hoay”, thư của anh Thắng rơi trên nền nhà mà tôi không biết. Về phòng, tôi cũng không nhớ là đã nhận được thư anh Thắng. Cô Kim, chỗ gửi tiền, lượm được thư đó, thấy tên tôi, cô Kim điện thoại cho tôi. Tôi ngại, không dám nhờ chị chở đi lấy thư đó, đành nhờ cô Kim giữ giùm. Hôm nay, cô Kim giao lại cho tôi.

-Cô Kim tử tế thiệt ...

Nói ngang đây, chợt nhận ra kim chỉ nhiên liệu xuống gần chữ “E”, tôi quẹo vô cây xăng. Như vài lần trước, bà Lành dành trả tiền xăng; tôi dứt khoát từ chối. Đổ xăng xong, tôi vừa ngồi vào ghế, bà Lành trao tôi thư của anh Thắng và nói:

-Nè, chị đọc đi! Đọc xong chị mới thấy sĩ quan Quân Lực VNCH “của mình” “ngon lành” chứ đâu có “cà chớn” như tướng Tô Lâm của csVN, há “mõm” “đớp” miếng thịt bò, làm nhục Quốc thể!

-Trời! Chị làm ơn đừng so sánh như vậy, vô tình làm tổn thương sĩ quan Quân Lực  VNCH.

-Ô, sorry! Chị suy nghĩ sâu xa thiệt! Thời buổi này, người Việt trong nước lường gạc nhau từng đồng; “chặt, chém” Việt kiều bằng mọi thủ đoạn; bà con Việt kiều xây nhà bên Việt Nam, nhờ bà con ở Việt Nam đứng tên, sau đó bị bà con ở Việt Nam đoạt luôn; vậy mà ...

Thấy tôi đang đọc lá thư, bà Lành ngưng nói.

Đọc những lời chúc Tết và thăm hỏi rất thành thật của anh Thắng dành cho bà Lành, tôi vui với niềm vui của Bà. Câu cuối trong thư của anh Thắng làm tim tôi thắt lại: “... Thưa chị! Đa tạ chị, suốt bao nhiêu năm dài chị đã gắn bó với nhóm Thương Binh trong huyện này. Anh D. cụt hai tay và mù mắt vừa qua đời! Con em – vừa đi học vừa đi làm – nay đã ra trường, có việc làm, giúp vợ chồng em sống qua ngày. Chị đừng bận tâm lo cho em nữa. Chỉ sau khi chết nhóm Thương Binh chúng em mới quên được chị!...”

Tôi cúi mặt, nén xúc động.  Một chốc sau, tôi nắm tay và nhìn vào mắt bà Lành:

-Thưa chị, những lời cương trực của một cựu sĩ quan Quân Lực VNCH – dù cơ thể đã bị chiến tranh tàn phá – cũng như lòng tốt của chị không phải dễ kiếm trong cuộc sống đầy dối trá này! 

ĐIỆP MỸ LINH https://www.diepmylinh.com/


1.- Phiên Gác Đêm Xuân của Nguyễn Văn Đông

2022/02/06

Mùa Xuân Đầu Tiên


Trần Mạnh Hảo: Tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao từng bị “giết” như thế nào?

Nhạc sĩ Văn Cao (file photo) - SGN


Không đợi khi Xuân đến, Tết về như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ “Mùa xuân đầu tiên” Văn Cao khởi viết cuối Tháng Mười Hai 1975, hoàn thành trong dịp Tết Bính Thìn năm 1976. Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…

Hầu như tất cả trạng thái tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này: ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình… Nghe đi nghe lại bản nhạc này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian, nghe bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn đạt nỗi lòng mình.

Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng cho bao tâm hồn

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông

Rất nhiều chim én, nhiều nắng gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm ấm… nhưng sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông” lặp lại hai lần làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ phờ thế, xao xác thế, hoang vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn thế? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn Cao nay, u hoài khôn xiết: “Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!)

Chợt nhớ Lưu Trọng Lư “thời con nai vàng ngơ ngác” với câu thơ tiền chiến xưa sao rất đồng cảm với nỗi vui não nùng Văn Cao nay: “Tiếng gà trưa xao xác não nùng”.



 

Bài hát như một điệu valse bằng nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự sang trọng của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô dạt; sự mê đắm của một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu trai của ngơ ngác, đìu hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ…

Chừng như đã mấy chục năm chiến tranh liên miên chưa từng có Xuân về? Chừng như gần hết cả đời người bận chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy chim én báo Xuân? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội không còn ai biết thương người? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương trên chính quê hương mình? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng mạo danh cách mạng, không còn ai biết yêu con người? Chừng như mấy mươi năm rồi con người đã quên mình còn nước mắt? Chừng như lâu rồi tâm hồn người không được sưởi nắng mùa Xuân?

Và chừng như lâu lắm rồi Văn Cao quên không còn nhớ mình từng là nhạc sĩ lãng mạn đã có cả chục ca khúc vào hàng kiệt tác? Chừng như cây đàn piano cũ kỹ do Hội nhạc sĩ Việt Nam cho Văn Cao thuê mỗi tháng bảy đồng (thuê căn gác chật hẹp cũ kỹ 108 Yết Kiêu 15 đồng) đã bị thời gian phủ bụi đầy rêu mốc? Chừng như đôi tai Văn Cao đã bị súng đạn thời cuộc, sự hò hét xướng ca hò vè phục vụ chính trị một thời làm ù đặc, khi tất cả kiệt tác âm nhạc của ông đều bị chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc) cấm hát, trừ bài Quốc ca (kể cả thơ Văn Cao cũng bị cấm)?

Và chừng như toàn bộ vết thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên”.

Chừng như nỗi niềm ngày 30 Tháng Tư 1975: “Có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn” (lời ông cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã hiện ra nơi bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao? Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm dập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế?

Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao sau khi được báo Sài Gòn Giải Phóng in trước Tết Bính Thìn, ngày 1 Tháng Một 1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần, liền bị cấm suốt 24 năm (1976-2000)! Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình được trình diễn. Sau khi ông mất (1995) năm năm, “Mùa xuân đầu tiên” mới ra khỏi nhà tù kiểm duyệt của chế độ.

Xin quý bạn đọc hãy nghe nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể sơ qua về sự ra đời của bài hát này:

“Sau khi bài “Tiến về Hà Nội” ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng… Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hóa” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam. Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”. Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn”.

(Trích bài “Văn Cao với ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Thao in trên Tạp chí Sông Hương số 179-180).

Văn Thao tiết lộ tiếp rằng, bài hát bị cấm ở Việt Nam nhưng bên Liên Xô người ta lại dịch sang tiếng Nga, phát trên Đài phát thanh Moscow:

“Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy, MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 rúp. Văn Cao phải viết giấy ủy quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: ‘Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu”.

Nhạc sĩ Văn Cao dưới nét vẽ của họa sĩ Trần Thế Vĩnh


Qua tiết lộ trên của anh Văn Thao, con trưởng nhạc sĩ, thì nhà ông Văn Cao trên căn gác nhỏ 108 Yết Kiêu suốt một thời luôn luôn có công an ngầm canh gác, ai đến đều “bị vỗ vai” hỏi tên tuổi, xem đến nhà tên phản động “Nhân Văn” làm gì? Người viết bài này sau năm 1975 có lần đến thăm nhạc sĩ Văn Cao để cho ông mượn cuốn tiểu thuyết vĩ đại “Giờ thứ 25” của văn hào Romania Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992) mang ra từ Sài Gòn như đã hứa, cũng từng bị công an mật “vỗ vai” hỏi đi đâu? Bèn bảo: Đi phỏng vấn tác giả Quốc ca viết bài in báo cũng bị cấm à? Người “vỗ vai” hất đầu cộc lốc: “Vào đi”.

Người ta đã cầm giữ Văn Cao như một tù nhân lương tâm bị giam lỏng, một thứ nhà tù tại chỗ, nhà tù nhân dân kiểu xã hội chủ nghĩa. Rằng Văn Cao bị vô hiệu hóa suốt 30 năm vì tội Nhân Văn-Giai Phẩm. Rằng suốt 30 năm ấy, nhạc sĩ Văn Cao sống rất nghèo khổ, “bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu”.

Chúng ta lại được nghe người con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nghiêm Bằng kể sơ qua về sự ra đời của “Mùa xuân đầu tiên”:

“Đó là một đêm vào giữa Tháng Mười Hai 1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa Đông, Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ. Một giai điệu khe khẽ vang lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho thuê lại với giá bảy đồng rưỡi một tháng (lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng); từ ngày kỷ niệm 30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha lại rất ít có dịp dùng đến.

“Bài hát đã được báo Sài Gòn Giải Phóng số năm mới 1 Tháng Một 1976 in trang trọng ở bìa bốn và thu thanh ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nếu tôi không nhầm thì do ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày. Bài hát được phát khoảng mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng. Như mọi lần, trong suốt mấy chục năm, cha không tỏ ra bực bội gì, chỉ hơi buồn thôi. Cha tôi nói chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và như mọi lần, cha tôi lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa. Khi bài hát lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, cha tôi đã mất được năm năm”

(nhà thơ Nghiêm Bằng-Thu Hà ghi).


 

QUA KINH THÀNH CŨ

 

(Tặng mấy em, mấy o Huế & liên quan)

 

Tết đi vèo như mới hôm qua

mặt nước sông chau mày se lạnh

có nghe mưa ghé đêm, vừa tạnh

bóng xuân, mùa dường vẫn còn xa !

 

O Huế tê vừa ngang Đại Nội,

dáng xiêu buồn in ngã Hương Giang.

chợ Đông Ba chiều ni tan vội

nước thì thầm, chậm xuống Thuận An.

 

gió vẫn đưa cành trúc la đà,

chuông Thiên Mụ ngân nga sớm, tối.

núi Ngự, chim có về lạc lối ?

Vỹ Dạ chừ, bắp vẫn chưa hoa ?

 

nắng quái làm... nghiêng nón Kim Long,

che mặt em đỏ hồng vì... thẹn !

"đã quen mô, răng chừ biểu hẹn ?

cái anh nì, thấy dị như không !"

 

Nguyễn Chí Anh

(31/1/2020 - mùng 7 tết Canh Tý)

 

2022/02/02

SỰ TRỚ TRÊU CỦA  LỊCH SỬ:
Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ là anh em cọc chèo

 

Hai kẻ thù không đợi trời chung là Nguyễn Ánh - Gia Long và Nguyễn Huệ - Quang Trung cuối cùng lại trở thành anh em cọc chèo.

Đó quả là sự sắp đặt trớ trêu của lịch sử. Nguyễn Huệ - Quang Trung là chồng của công chúa Lê Ngọc Hân, Nguyễn Ánh - Gia Long là chồng công chúa Lê Ngọc Bình, em ruột Ngọc Hân.

 

Năm 1786, sau khi đánh thắng nhà Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ (lúc ấy còn có tên là Nguyễn Quang Bình) kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Mặc dù khi ấy đã có chính thất Phạm Thị Liên ở đất miền Nam song Nguyễn Huệ vẫn nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh mai mối để lấy công chúa Ngọc Hân, nàng công chúa tài sắc vẹn toàn của vua Lê Hiển Tông.

 

Tình cảm sâu đậm mà Ngọc Hân dành cho chồng có lẽ là phải sau khi đã lấy nhau, trước đó, mối nhân duyên này vẫn là cuộc hôn nhân mang đầy tính chính trị. Khi quyết định lấy Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đã nói câu nói để đời: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không” (Hoàng Lê Nhất thống chí). “Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” (Truyện Kiều) thật đúng với cặp trai anh hùng Nguyễn Huệ và gái thuyền quyên Ngọc Hân. Là bậc anh hùng trăm trận trăm thắng, tuổi đời lại gấp đôi tuổi Ngọc Hân (khi ấy cô dâu 16 tuổi, còn chàng đã ở tuổi 33) nên Nguyễn Huệ vẫn mang tính cách cao ngạo của một vị tướng.

Cưới nhau sau mấy ngày, nhân lần đi cáo yết Thái miếu nhà Lê, Nguyễn Huệ cùng công chúa gióng kiệu đi cùng, Nguyễn Huệ đã tự hào hỏi Ngọc Hân: “Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng chăng?”. Nàng công chúa “cành vàng lá ngọc” đã trả lời đức phu quân: “…thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi”. Đó là công chúa lấy ý từ câu ca cổ: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng”. Hoàng Lê Nhất thống chí cho biết Nguyễn Huệ nghe Ngọc Hân trả lời như vậy thì thích thú lắm. Mới hay, các bậc anh hùng chiến trận suốt ngày mải miết kiếm cung, quanh năm ngửi mùi khét lẹt của thuốc súng nên rất cần cái gì mềm mại, thơm tho, cần những lời êm dịu bên tai. Phải chăng vì vậy mà mối tình Ngọc Hân - Quang Trung ngày càng sâu đậm.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua và phong Ngọc Hân là Hữu cung Hoàng hậu. Năm sau, năm 1789, khi dẫn đại quân vào giải phóng Thăng Long, tương truyền, ngài đã vào làng hoa Ngọc Hồi chọn một cành đào đẹp nhất cho phi ngựa trạm mang về Phú Xuân báo tiệp để Ngọc Hân biết. Cành đào Nguyễn Huệ là thật hay chỉ là giai thoại thì đó vẫn là câu chuyện đẹp lung linh trong tâm khảm hậu thế về mối tình của bậc trai tài gái sắc. Cũng ngay năm thắng trận ấy, năm 1789, Ngọc Hân được phong là Bắc Cung Hoàng hậu. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang” (Truyện Kiều), năm 1792, niên hiệu Quang Trung thứ 5, nhà vua băng hà ở tuổi 39. Tương truyền, Ngọc Hân chính là tác giả bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn. Bà đã viết những lời da diết này để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.

Sau khi Quang Trung qua đời, Thái tử Quang Toản 10 tuổi lên ngôi với niên hiệu Cảnh Thịnh. Năm 1795, Lê Ngọc Hân đã làm mai để công chúa Ngọc Bình, em cùng cha khác mẹ với Ngọc Hân lấy Quang Toản. Năm ấy, vua Cảnh Thịnh 13 tuổi còn công chúa Ngọc Bình 11 tuổi. Cuộc hôn nhân chính trị Ngọc Bình - Cảnh Thịnh đã tạo ra mối quan hệ phức tạp. Ngọc Hân là vợ của Quang Trung, Ngọc Bình em ruột bà lại lấy con trai Quang Trung, vậy là hai chị em ruột lại có mối quan hệ mẹ chồng (kế) - nàng dâu. Quang Trung là cha lấy chị, Quang Toản là con lấy em, họ vừa là cha con, vừa có mối quan hệ "cọc chèo" và có chung nhạc phụ là hoàng đế Lê Hiển Tông nhà Lê mạt. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa dừng tại đó khi năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc, cả triều đình nhà Cảnh Thịnh Tây Sơn bỏ chạy khỏi kinh thành Phú Xuân, Ngọc Bình chạy theo không kịp và ở lại Phú Xuân. Thấy hoàng hậu nhà Tây Sơn trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, Nguyễn Ánh muốn lấy bà làm vợ. Mặc cho triều thần can ngăn đó là “vợ giặc ngụy”, Nguyễn Ánh vẫn bỏ ngoài tai tất cả khi trả lời bề tôi cả nước có cái gì không phải của nhà Tây Sơn, sá chi một người đàn bà.

 

Anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Công chúa triều Lê, hoàng hậu nhà Tây Sơn đã trở thành phi tần của Gia Long nhà Nguyễn - một triều đại đối nghịch với nhà Tây Sơn - như vậy đó. Trong số 21 người vợ của vua Gia Long, Lê Ngọc Bình được xếp thứ 3 sau Thừa Thiên cao Hoàng hậu (Tống Thị Lan, mẹ đẻ Hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu (Trần Thị Đang, mẹ đẻ Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng), như vậy đủ thấy Gia Long rất yêu quý bà. Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc xuất bản (Nxb Thuận Hóa - Huế, 1995) cho biết: Năm Nhâm Tuất (1802) bà vào hầu Thế Tổ (tức Gia Long) và được phong là Tả Cung tần. Bà sinh với vua Gia Long hai hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; 2 công chúa là Nguyễn Phúc Ngọc Khuê và Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn. Bà mất năm Canh Ngọ, tức mới 26 tuổi (ta), được tặng Đức Phi và ban tên thụy là Cung Thận.

“Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua”, đó là những câu ca của dân gian truyền tụng về số phận kỳ lạ của một nàng công chúa nhà Lê nhưng cuối cùng lại trở thành hoàng hậu của nhà Tây Sơn và phi tần của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn (Tây Sơn) và nhà Nguyễn (Gia Miêu) là hai triều đại đối nghịch nhau kịch liệt trong lịch sử. Thế nhưng qua chuyện tình đầy éo le ấy, Gia Long và Nguyễn Huệ lại là anh em cọc chèo, quả là một sự sắp đặt trớ trêu của lịch sử.

 

Theo báo Lâm Đồng

 

2022/01/30


TAN TRƯỜNG

Vạt nắng chiều vướng chân em
Đường về nhà vẫn êm đềm bước đi.
Quanh co ngõ nhỏ Cổ Trì
Bước qua Cầu Lộ xá gì dốc cao

Tan trường bè bạn bên nhau
Líu lo đùa giỡn len vào tai ai?
Có người áo trắng mỗi ngày
Im lìm cười mĩm miệt mài làm đuôi.

Dòng đời ngày tháng ngược xuôi
Xa rồi thuở ấy! Bùi ngùi trong tim!

Nhị Hồng
September 15, 2013


 GỞI

 

"Gởi gió cho mây ngàn bay"

Về thăm nơi cũ những ngày dấu thương

Rạch sông mương rãnh ruộng vườn

Bảng phấn thầy bạn lớp trường người thân!

 

Anh Tú

Tết Nhâm Dần

2022

2022/01/29

Từ Văn Trường

LIỄN DÁN... CHUỒNG HEO

            Ngày xưa, không có những quảng cáo bắt mắt và hấp dẫn như hiện nay của các nhà làm thương mại. Quảng cáo ngày xưa là cái BẢNG HIỆU, cái thương hiệu của hiệu tiệm của mình. Đôi câu đối dán hai bên cửa tiệm cũng có tác dụng quảng cáo rất mạnh mẽ để  "câu" khách.  Xin kể hầu độc giả các chuyện vui dưới đây có tác dụng rất lớn đối với các business....
           Như chúng ta đã biết, Lục Thư để hình thành tiếng Hán cổ xưa là Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hài Thanh, Chuyển Chú, và Giả Tá.  Bỏ qua 5 cái đầu ta chỉ nói đến GIẢ TÁ 假借 mà thôi.
           GIẢ là trái với THẬT, là Làm bộ. TÁ là Mượn, là Nương nhờ. GIẢ TÁ là Làm bộ mượn, có nghĩa MƯỢN TẠM để mà XÀI... luôn! Ví dụ :

      ĐẠO 道 là Con Đường, như Đạo lộ là đường lộ. Mượn Ý nầy để chỉ...
       ĐẠO là ĐẠO GIÁO: Con đường tín ngưỡng mà mọi người đi theo.
       ĐẠO là NÓI RẰNG, như Văn Đạo là Nghe nói rằng. Mở đầu Đạo Đức Kinh của Lão Tử là câu "ĐẠO khả ĐẠO phi thường ĐẠO " Có nghĩa: Cái ĐẠO mà có thể THUYẾT GIẢNG được thì không phải là cái ĐẠO thường.

      Chữ 少 Khi đọc là THIỂU thì có nghĩa là ÍT. Thiểu Số là Số ít.  Đa Thiểu là It Nhiều, là Bao nhiêu?
            Khi đọc là THIẾU thì có nghĩa là TRẺ  như Thiếu niên, Thiếu phụ.
            ...V.V... V.V...
      Bây giờ ta nói đến một chữ Giả Tá đặc biệt khác có bộ XÍCH 彳(nghĩa là Bước chân trái ) ở bên trái, và chữ XÁCH 亍 (Bước chân phải) ở bên phải, đó chính là chữ HÀNH 行 (Bước chân trái 1 cái, bước chân phải 1 cái) nên HÀNH có nghĩa là ĐI.
           HÀNH 行 : Ngoài nghĩa ĐI ĐỨNG ra, Hành còn có nghĩa là LÀM: HÀNH ĐỘNG, mà việc làm thì biểu hiện tánh tình và bản chất của con người, nên HÀNH còn được đọc là...       
           HẠNH: là Phẩm Hạnh, chỉ phẩm chất đạo đức của một con người: "Nhân sanh bách HẠNH hiếu vi tiên" chính là chữ HẠNH nầy.  Kết hợp Hành động và Phẩm hạnh chữ HÀNH còn được đọc là...
           HÀNG : là Ngành Nghề. Cải HÀNG 改行 là Đổi Nghề. Ta có thành ngữ : HÀNG HÀNG XUẤT TRẠNG NGUYÊN: Có nghĩa là Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có Trạng Nguyên của ngành nghề đó cả. Ý muốn nói: Bất cứ nghề nào cũng có thể phát triển và làm giàu lớn được cả!  Nghĩa phát sinh của âm đọc nầy là...
          NGÂN HÀNG 銀行: là Cái Tiệm, Cái Hảng chuyên kinh doanh Tiền bạc.  HÀNG QUÁN cũng là chữ HÀNG nầy.  Vì là chỗ Kinh Doanh nên còn được đọc là ...
       HẢNG: như TỬU HẢNG 酒行: là cái Hảng Rượu.  Hảng Xưởng là chữ HẢNG nầy.  Cuối cùng...
       HÀNH : còn là một thể loại Văn Học chỉ các bài thơ Trường Thiên như: TÌ BÀ HÀNH của Bạch Cư Dị, TÒNG QUÂN HÀNH của LÝ Cần, LỆ NHÂN HÀNH của Đỗ Phủ....
       HÀNH là chữ tiêu biểu cho câu nói của ông bà ta xưa kia thường nhắn nhủ là: Nhất tự lục nghì (Một chữ mà có tới 6 nghĩa!)

       Trở lại với tác dụng QUẢNG CÁO của Bảng Hiệu.  Một công ty ở Hồng Kông đã để tên Bảng Hiệu như thế nầy: 行 行 行 thu hút không ít khách hàng ghé lại xem Công Ty của ông ta kinh doanh cái gì và tên của bảng hiệu phải đọc như thế nào, làm cho business của ông ta trở nên vô cùng bận rộn và phát triển... Thì ra ông ta đang chơi trò Giả Tá, 3 chữ 行 行 行 đọc là  HẠNH HÀNH HẢNG, tức là cái Hảng có tên là Hạnh Hành, thế thôi!

       Lại một bảng hiệu khác do Từ Văn Trường viết cũng thu hút rất nhiều khách cho cửa tiệm 

 TỪ VĂN TRƯỜNG (1521-1593) tên là VỊ, tự là Văn Trường, sanh năm Chánh Đức thứ 16 đời nhà Minh.  Người đất Sơn Âm (Thiệu Hưng ngày nay), lớn lên trong một gia đình quí tộc đang hồi xuống dốc. 6 tuổi đã đi học, nổi tiếng là THẦN ĐỒNG, 20 tuổi đậu Tú Tài, là một nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp và là một họa sư nổi tiếng ở cuối đời Minh đầu đời Thanh.
         Ông là người phóng khoáng, không chịu gò bó vào khuông phép, nên thi hoài 8 khoa mà vẫn không đậu Cử Nhân giống như Trần Tế Xương của ta: "Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui!"  Tài hoa thì có thừa, nên hay dùng văn thơ châm biếm người đời, bởn cợt kẻ quyền thế, rất được giới bình dân hâm mộ giống như là Trạng QUỲNH của ta vậy!  
         Từ Văn Trường văn hay chữ tốt nổi tiếng trong vùng, nên một hôm, có người đến nhờ ông viết dùm bảng hiệu "Tỉm Xấm" bán đồ điểm tâm. 3 chữ " ĐIỂM TÂM ĐIẾM 點心店 vừa treo lên thì người ra vào ăn điểm tâm nườm nượp suốt cả tháng trời, ông chủ tiệm cười híp cả mắt, mặc sức hốt bạc... Nhưng có một điều hết sức ngạc nhiên là thực khách nào ăn xong khi đến tính tiền đều nói với chủ tiệm là : " Ông ơi, 3 chữ ĐIỂM TÂM ĐIẾM 點心店 của ông, chữ TÂM sao viết thiếu mất một chấm ở giữa?!"  Như ta đã biết, hình dạng chữ TÂM được Cụ NGUYỄN DU diễn tả lúc cô Kiều nhớ Thúc Kì Tâm (Thúc Sinh) là :

                   Đêm thu gió lọt song đào,
    Nửa vành TRĂNG KHUYẾT BA SAO giữa trời.

        Chữ 心 có hình dạng như Nửa Vành Trăng Khuyết và 3 vì sao, 2 cái 2 bên, 1 cái ở giữa, nhè Từ Văn Trường không có chấm cái chấm ở giữa. Ông chủ tiệm là dân thị tứ đâu có biết gì là chữ nghĩa, nghe mọi người đều nói vậy nên tìm Từ Văn Trường để nhờ anh ta chấm thêm cho một chấm.  Nhưng sau khi chấm xong chấm đó, thì suốt cả tháng trời buôn bán ế ẩm. Ông chủ quán lại gặp Từ Văn Trường than thở rằng, từ khi chấm cái chấm đó xong thì buôn bán không còn như trước nữa. Từ Văn Trường cười bảo ông ta rằng: "Chữ TÂM là cái lòng, cái bụng, bụng có trống thì người ta mới ghé lại mà ĐIỂM Tâm, nay đã chấm thêm một chấm là bụng đã no rồi, không cần phải ĐIỂM TÂM nữa, ế là phải!"  Ông chủ mới té ngữa ra, bây giờ muốn xóa chấm đó đi thì đã không còn được nữa rồi!
          Sự thật thì Từ Văn Trường chỉ lợi dụng cái tâm lí hiếu kì và hiếu sự của quần chúng để "câu  khách" cho tiệm.  Ai trông thấy chữ Tâm thiếu mất một chấm đều "ngứa ngáy" muốn nói cho chủ quán biết, sẵn đã vào tiệm nên ăn điểm tâm luôn mà thôi! 
           Trở lại với Giả Tá. Chữ TRƯỜNG có nghĩa là DÀI, như Trường Thành, Trường Giang, Trường Sơn... Nhưng khi mượn đọc là TRƯỞNG thì có nghĩa là LỚN như Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Trưởng thành....
            Tên của Từ Văn Trường cũng vậy, người Quảng Đông thì đọc là Từ Văn Trường, nhưng người Tiều Châu thì lại đọc thành Từ Văn Trưởng! Lại chuyện của Từ Văn Trưởng đây...
           Một hôm gần Tết, Từ Văn Trường thả bộ ra chợ xem bà con nhóm chợ Tết, gặp một Thầy Đồ là một lão Tú Tài già đang bày hàng viết Liễn. Tính rắn mắt nổi lên muốn ghẹo chơi cho vui, Từ Văn Trường xề tới cất tiếng hỏi :
      - Thưa Thầy, Thầy viết liễn có nghĩa là Liễn gì Thầy cũng viết được hết phải không?  Nghe hỏi lạ, ông đồ già nhướng mắt lên thấy Từ Văn Trường, biết là chàng trai nầy định phá mình đây, bèn trả lời rất tự tin :
      - Dĩ nhiên, cậu muốn viết liễn gì ?
      - Liễn dán chuồng heo!  Sau giây phút sựng lại vì ngạc nhiên, ông đồ bèn ra giá :
      - Một lạng bạc! Từ Văn Trường vui vẻ:
      - Không thành vấn đề, nhưng liễn phải hay và có Ý nghĩa mới được cụ nhé!
        Thường các Lão Tú Tài nầy tiếng Việt ta gọi là TÚ MỀN rất giỏi chữ nghĩa và già giặn kinh nghiệm. Ông đồ bình tĩnh lặng lẽ đưa những nét bút thiệt đẹp như rồng bay phượng múa lên 2 tờ giấy hồng đơn đã rọc sẵn.  Bây giờ tới phiên Từ Văn Trường ngạc nhiên, vì trên 2 tờ giấy hồng đơn mỗi bên  7 chữ, tổng cộng là 14 chữ TRƯỜNG thật đẹp. Biết ông thầy đồ già muốn "chơi" mình, anh ta cũng rất bình tĩnh và lễ phép:
     - Thưa thầy, nhờ thầy đọc và cắt nghĩa dùm ạ!  Ông thầy đồ dõng dạc cất giọng:
     - Trường trường trưởng trưởng trường trường trưởng. Trưởng trưởng trường trường trưởng trưởng trường!  Nuôi heo, anh mong được gì nào? Heo mau dài mau lớn phải không? Thì đây đôi liễn nầy có nghĩa :

                         DÀI DÀI LỚN LỚN DÀI DÀI LỚN,
                         LỚN LỚN DÀI DÀI LỚN LỚN DÀI !

      Chuyên chọc phá thiên hạ, lần nầy bị Tổ trác, liễn dán chuồng heo là câu đối 14 chữ đều là tên của mình cả, lại phải nhăn mặt móc hầu bao trả cho ông thầy đồ một lạng bạc, thế mới đau!

      Cho hay, chuyện đời có lúc "Kiến ăn cá", nhưng cũng lắm khi kiến té xuống nước thì "Cá cũng ăn kiến" như thường!

Đỗ Chiêu Đức
29/1/2022 Đông Bắc Hoa Kỳ

TẾT THA  HƯƠMG 

Tết nhứt gì đâu buồn muốn khóc
Hỏi rằng bè bạn ở nơi đâu
Ngó lui nhìn tới toàn xa lạ
Đất khách Xuân về thấy thảm sầu!

Tết nhứt không mai vàng pháo đỏ
Nhạt nhòa nắng sáng, xám hoàng hôn
Trời xanh én liệng bên kia biển
Có kẻ ngày đêm mãi ngóng trông.

Tết nhứt về khi cây trụi lá
Cành trơ xám xịt đón bão giông
Tuyết rơi gió bấc trời u ám
Buồn lắm! Hồn Xuân chẳng chạm lòng!

Tết nhứt buồn phận người viễn xứ
Láng giềng giòng họ ở quê nhà
Cháu con nơi khác, ta cô độc
Mồ mả tổ tiên cũng cách xa!

Gởi hết hồn Xuân về cố thổ
Còn chăng trong mộng Tết xa xôi
Thuở thơ ngây dại tình con trẻ
Bên mẹ cùng cha... qua mất rồi!

Anh Tú
Đông Bắc Hoa Kỳ 
Connecticut, 30/1/2010

2022/01/24

 

Ảnh của Roseline Lê Minh

Hãy Vui Lên !


Vạt nắng ấm hẳn là Hạ đến

Én chao nghiêng là dịp : Xuân về

Ướt ao mãi lê thê vào mộng

Bạn phải vui lên chớ  não nề !

 

Cây quanh bạn trơ cành không lá

Lá ham vui bỏ cội bơ vơ

Buồn phiền chi Đông về tiển Hạ

Gió hùa theo mây cũng tôn thờ…

 

Hãy vui lên thời  gian không  ác

Buồn phiền chi phụ bạc lòng ta

Vui Tết bên người dưng kẻ lạ

Cố  cười lên dù tận xứ xa !


Dương hồng Thủy

24/01/2022

Cần Thơ

*Họa bài TẾT THẾ À của Anh Tú:

https://anhtuvaban.blogspot.com/2022/01/blog-post.html


2022/01/21

 


TẾT THẾ À?


Thấy vạt nắng ngờ rằng hạ đến
Én bay qua vội bảo xuân về
Khát khao ước đẩy hồn vào mộng
Hụt hẫng rưng rưng giọt não nề !

Quanh quẩn đây! Cây ngùi trụi lá
Lá đi xa bỏ cội bơ vơ
Từ khi lạnh lấn về xua hạ
Mây đã dạt theo gió thẩn thờ !

Tức tưởi thời gian sao độc ác
Cùng không gian gạt gẫm hồn ta
Tết đến bên trời như kẻ lạ
Hành hạ đời côi lạc nẻo xa !

Anh Tú
January 21, 2022
19 Tháng chạp Tân Sửu
Đông Bắc Hoa Kỳ

2022/01/20


 
ĐÊM NGHE THẰNG BẠN THÂN VỪA CHẾT

(Gởi mầy đọc, hỡi Lê Công Sinh, nếu linh hồn mầy còn ở quanh đây)
Mầy đã đi rồi!
Có thật không Sinh?
Đêm xứ lạ tao buồn thê thiết
muốn đọc mầy nghe một bài thơ mới viết
mầy đâu còn bên đó để nghe thơ!
Bằng hữu bây giờ như những lá khô
cứ lần lượt rũ nhau về cõi khác
Mới nói chuyện hôm qua mà hôm nay đã mất
nên từ lâu tao ngại kể chuyện dông dài.
Nói thật với mầy,
tao đang khóc đây
khóc thằng bạn đã một thời nối khố
tao vẫn biết mỗi người có số
nhưng số mầy sao vắn vậy Sinh?!
Còn biết bao nhiêu chuyện chửa hoàn thành
sao mầy bỏ đi quá vội?
Con cái mầy, đứa chưa 10 tuổi
đứa chưa thành vợ, thành chồng
vợ chồng mầy có mấy lúc được vui chung
có mấy khi “anh, em” ngọt sớt?
Đã xin lỗi vợ mầy chưa
hỡi người chồng hào hoa số một?
Hay nhong nhong cỡi ngựa về trời?
Bạn bè mầy, mỗi đứa một nơi
thảy thảy đều thương mầy quá đỗi
Mầy còn nợ tao những điều chưa kịp nói
ta còn nợ nhau chén tạc, chén thù
Tao còn hẹn mầy một bữa quắc cần câu
nhân chuyến trở về năm tới
Nhưng...mầy đã đi...
đã đi rồi!
đi quá vội!
Bạn bè mầy còn cả lũ, Sinh ơi
những Sáu-gà-tre, Châu-già,Tỉ-sữa, Tuyết-đồi-mồi...
những Tòng-ngủ, Huệ-điên...và bao nhiêu thằng nữa
chúng tao cùng chết điếng đêm nay
đêm nghe mầy gục ngã
Chúng tao nghe như sét nổ trong đầu
Mầy thì thong thả đi rồi, có còn biết tới ai đâu
đâu cần biết những bạn mầy đang đau từng khúc ruột!
Thôi cũng đã xong một kiếp đời ô trược
hãy coi như đã trả nợ trần hoàn
Nơi thế giới an bình, mầy hãy ngủ bình an
Hãy ngủ bình an
ngủ bình an trong lòng Cần Thơ đất Mẹ
Trần Bang Thạch

2022/01/19


 

GƯỢNG  CƯỜI!

 

Em chào Xuân mắt long lanh

Vòng tay âu yếm gởi anh chút tình

Không đành quay mặt làm thinh

Gượng cười khơi lửa lung linh đêm tàn.

 

Nơi đây bão tuyết vừa tan

Quê nhà hoa nở ngập tràn niềm vui

Nhớ nhung chen lấn ngậm ngùi

Gượng cười đôi nụ chôn vùi bâng khuâng!

 

Anh Tú

January 19, 2022

17 Tháng chạp, Tân Sửu