2022/05/25

 Tùy bút


KỶ NIỆM HỘI NGỘ KHÓA 6/68 S.Q./T.B. THỦ ĐỨC

và NHỮNG  HOÀI NIỆM RIÊNG


Điệp-Mỹ-Linh | Sáng Tạo | Trang 2

Để tưởng nhớ em tôi – Nguyễn Phiêu Linh – và kính tặng tất cả cựu SVSQ/TĐ khóa 6/68


ĐIỆP MỸ LINH

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được tham dự sinh hoạt của “mấy ông nhà binh”; nhưng,  kỳ Hội Ngộ của khóa 6/68 cựu sinh viên sĩ quan trừ bị (SVSQ/TB) Thủ Đức vừa qua, tại Nam California, lại là một Hội Ngộ khiến tôi xúc động nhiều nhất.

Sự liên hệ giữa khóa 6/68 SQ/TB Thủ-Đức và Điệp-Mỹ-Linh bắt nguồn từ nhà văn Vũ-Uyên-Giang, tên thật là Nguyễn Quang Vinh. 

Từ khi quen anh Vinh, tôi chỉ biết anh là một nhà văn Quân Đội chứ chưa bao giờ tôi hỏi xuất xứ của anh. Sau khi anh Vinh tạo ra website Thủ-Đức khóa 6/68, em tôi – Nguyễn-Phiêu-Linh – từ Việt-Nam emailed cho tôi biết rằng Linh cùng khóa 6/68 với anh Vinh. Linh cũng giới thiệu với tôi những người bạn cùng khóa như anh Tiêu Nhơn Lạc, anh Lê Đông Hải, anh Xuân Thu, chị Bích Thủy, anh Hồ Trọng Anh, v.v…

Khi biết tôi là chị Hai của Linh, vài anh – khi emailed cho tôi – cũng gọi tôi là “chị Hai”. Tôi ngại ngùng hồi đáp: “Cảm ơn các anh. Nhưng tôi không dám nhận là ‘chị Hai’ của các anh đâu”. Điều làm tôi vui thích nhất là khi các anh chuyển emails qua lại với nhau, vô tình vài emails “lạc” vào box của tôi; và tôi thấy trong các emails đó, các anh gọi Điệp-Mỹ-Linh bằng ba chữ thân thiết: “Chị thằng Linh”.

Từ ngày Linh bất ngờ ngã bệnh cho đến khi Linh lìa đời, gia đình khóa 6/68 đã hết lòng với Linh. Do đó, tôi thầm mong được một lần đích thân cảm tạ tấm lòng của gia đình khóa 6/68 SQTB/TĐ.

Nhà văn Vũ Uyên Giang gửi đến tôi một thiệp mời in rất đẹp và những dòng chữ thân tình.

Đến phi trường John Wayne, tôi được anh Lê Đông Hải đón. Anh Hải bảo:

-Mấy ngày chị ở đây Hải sẽ lo phần đưa đón chị, chị đừng ngại. Bây giờ, trước khi đưa chị về khách sạn, Hải mời chị dùng cơm trưa. Hải sẽ gọi vài người trong khóa đến nhà hàng gặp chị.

Là một người nhút nhát, ít giao thiệp, nhưng trong bữa ăn trưa với anh Hải, anh Tiến, anh Hạnh, anh Thanh, anh Hiền, v. v… không những tôi không cảm thấy ngại ngùng, xa lạ hoặc lạc lõng mà tôi lại cảm thấy vui và thân mật như những ngày tôi ăn cơm lính – đúng nghĩa nhất – trên những chiến đỉnh trong vùng U-Minh hung hiểm. 

Đêm tiền Hội Ngộ, 24 tháng 5-2014, tôi được gặp và làm quen với nhiều người bạn khác của Linh. Bằng một cách nào đó, trong ánh mắt, nụ cười, trong lời thăm hỏi, trong những câu chuyện trao đổi giữa các anh chị và tôi, tôi tưởng như tôi đã quen thân với quý anh chị từ lâu lắm.

Đang vui, lòng tôi chợt chùng xuống khi nghe nhà văn Vũ Uyên Giang – trong khi đứng trên sân khấu giới thiệu về Đặc San của khóa 6/68 – bảo rằng trong Đặc San có bài của Điệp-Mỹ-Linh và của Nguyễn Phiêu Linh. Linh viết bài và chuyển đến anh Vũ Uyên Giang trước khi Linh ngã bệnh. 

Sau đó, mỗi anh đứng lên, tự giới thiệu về mình: Tên, họ, số quân và đơn vị. Tôi nhìn quanh hội trường rồi nhìn ra cửa, nhìn ra bãi đậu xe, lòng thầm ước được thấy Linh bước vào, tự giới thiệu: Nguyễn Phiêu Linh, số quân 68/…

Dĩ nhiên tôi hiểu rằng không bao giờ Linh có thể xuất hiện trong niềm ước mơ không tưởng của tôi. Nhưng lạ lùng thay, tôi lại tưởng như tôi thấy được Linh cùng một nhóm quân nhân thuộc đơn vị Pháo Binh Diện Địa đồn trú tại Phù-Cát, Qui-Nhơn, vào những ngày cuối tháng Ba năm 1975. 

Sau khi biết chiến hạm Hải-Quân “bốc” nhiều đơn vị Bộ-Binh, quân bạn, đồng bào và đã rời khỏi hải cảng Qui-Nhơn, Linh cùng nhóm quân nhân kết bè, vượt thoát. 

Sau khi hay tin Hải-Quân rút khỏi Qui-Nhơn, tôi nhờ người bạn liên lạc với sĩ quan tùy viên của trung tướng Nguyễn Xuân Thịnh – vị Tướng chỉ huy tất cả đơn vị Pháo-Binh VNCH – nhờ vị sĩ quan này tìm phương vị của Linh. Vài ngày sau, vị sĩ quan tùy viên của Tướng Thịnh điện thoại cho tôi hay rằng Nguyễn Phiêu Linh đã về đến Cam-Ranh vào đêm 31 tháng Ba năm 1975.

Sau khi Ba Má tôi sang Mỹ, Ba Má tôi kể lại: Gần sáng 1 tháng 4-75, nghe tiếng gõ cửa, cả nhà sợ, không dám mở. Gõ hoài, cửa vẫn không mở, Linh lớn tiếng gọi tên vợ của Linh. Lúc đó cả nhà mới nhận ra giọng của Linh và vùng dậy, vui mừng khi thấy Linh cùng nhóm quân nhân. Nhưng khi Linh đề nghị cả gia đình nên di tản bằng đường bộ; vì con đường từ quốc lộ I qua Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh đã đông nghẹt người và lính gác không cho vào thì Ba tôi từ chối. 

Nhà của Ba Má tôi ở ngay quốc lộ I. Ngày cũng như đêm, Ba Má tôi chứng kiến từng suối người cuồn cuộn tuôn về Nam. Nhiều gia đình thất lạc, nhiều người già và trẻ em chết, bị bỏ lại bên đường, cho nên Ba tôi sợ. Linh im lặng, tụ họp cả đại gia đình tại phòng khách. Linh bảo mọi người đứng thành vòng tròn, Linh đứng giữa. Mọi người, kể cả nhóm quân nhân cùng vượt thoát với Linh, đều nhìn nhau, không hiểu Linh có ý định gì. Linh rất bình tĩnh, lấy từ túi quần nhà binh một trái lựu đạn, rút chốt, dõng dạc hỏi: 

-Ba Má có di tản hay không? Nếu không, con cho lựu đạn nổ để cùng chết!

Mọi người hoảng sợ, năn nỉ Linh. 

Khi cùng gia đình và nhóm quân nhân đến cầu Trà Long, Linh mới biết rằng giòng người bị ứ đọng tại đó từ lâu; vì cầu Trà Long bị Lý Tống – phi công VNCH – dội bom sập! 

Năm 1998, Minh và tôi về Việt-Nam, vì bà Cụ của Minh bị bệnh nặng. Dù đã chích ngừa và đem theo nhiều thuốc dự phòng, tôi vẫn bị trúng độc, nằm liệt giường, tại khách sạn, Nha-Trang. Tôi không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì; vì vậy, số thuốc đem theo không thể dùng được. Trong khi bị lã người vì cơ thể thiếu nước, mà bác sĩ tại Nha-Trang cũng không thể giúp tôi được, tôi nghe loáng thoáng Minh trò chuyện với Linh: 

-Tội nghiệp chị Hai của Linh, khi nhận được tin Linh từ chối sang Mỹ theo diện H.O., chị Hai như phát điên!

Giọng Linh bùi ngùi: 

-Lúc ở tù, bị tụi nó hành hạ về thể chất lẫn tinh thần – và nhất là mỗi sáng đi lao động ngang vườn rau cải, thấy Ba phải gánh phân người, đã chế biến, để tưới rau cải, em chịu không được – em oán hận tụi Mỹ đã bỏ rơi miền Nam cho nên em từ chối phỏng vấn diện H.O.. Về sau, chương trình H.O. mở lại thì các con em đều trên 21 tuổi, không được đi. Em nghĩ, em đã ở tù nhiều năm, không lo được gì cho con em; bây giờ vợ chồng em qua Mỹ để làm gì khi mà các con của em ở lại trong cảnh khốn cùng, cho nên em cũng ‘dẹp’ luôn! Đó là một quyết định sai lầm mà em rất ân hận khi vợ và con của em bệnh, không được chữa trị, vì thuộc vào gia đình Ngụy, đành phải chết!

Vừa nói đến đây, Linh mới chợt nhớ, vội tiếp: 

-Chết! Em đang nấu nước gạo rang cho chị Hai uống mà nãy giờ em quên; để em xuống bếp xem xong chưa.

Minh hỏi vói theo: 

-Ai bày Linh vậy?

-Dạ, mấy người làm trong khách sạn này.

Khi Linh trở lại phòng, Minh đỡ tôi dậy. Tôi vừa hớp vài ngụm nước gạo rang thì lại nôn trở ra. Linh năn nỉ tôi: 

-Chị Hai! Ráng uống chút nước gạo rang em nấu nè!

Âm vang sáu tiếng thân thương: “…nước gạo rang em nấu nè” của Linh khơi dậy trong hồn tôi câu nói “Chị Hai! Cù-là nè. Chị đau ở đâu, em xức cho” mà Linh đã nài nỉ tôi sau khi tôi bị…đòn!

Tôi bị đòn vào chiều 15 tháng 6 năm 61, cũng tại Nha-Trang. Lý do tôi nhớ được cả không gian và thời gian vì sáng 16-6-61 là Lễ Đính Hôn của Minh và tôi.

Cả tuần lễ trước ngày Lễ Đính Hôn của tôi, gia đình tôi rất bận rộn. Minh đến xin phép Ba Má tôi cho Minh đưa tôi đến tiệm vàng lấy chiếc nhẫn đính hôn mà Ba Mạ của Minh đã đặt mua từ mấy ngày trước. Sau khi Ba Má tôi cho phép – như một điều kiện không thể thay đổi – Ba Má tôi gọi Linh, với dụng ý bảo Linh đi theo Minh và tôi. Sau vài lần gọi mà không nghe Linh đáp, bà giúp việc từ bếp bước lên cho Ba Má tôi hay rằng Bà Ngoại của tôi bị đứt tay khi cắt trái su, Linh đạp xe đi mua thuốc đỏ cho Ngoại. Ba Má tôi nhìn nhau, chưa biết quyết định như thế nào thì Minh nhìn đồng hồ tay, có vẻ sốt ruột. Má tôi hỏi Minh: 

-Một mình cháu đi lấy nhẫn, được không?

-Dạ được. Nhưng con không thể biết nhẫn rộng hoặc chật cho ngón tay của Thanh-Điệp, rủi mai nhẫn bị rộng hoặc chật thì làm sao?

Ba tôi hỏi Minh: 

-Đây ra tiệm vàng rồi trở về, cháu nghĩ mất khoảng bao nhiêu thời gian?

Minh đáp: 

-Thưa bác, khoảng 45 phút hoặc một tiếng đồng hồ là tối đa.

Minh và tôi đi bộ được một khoảng khá xa, Minh đón chiếc xích-lô. Tôi ngạc nhiên, hỏi. Minh bảo đi bộ lâu lắm, ngại về không kịp giờ đã hứa với Ba Má tôi. Tôi đề nghị nên đón một xích-lô nữa cho tôi. Minh bảo mai là “lễ hỏi” rồi mà còn ngại gì nữa! Tôi cho Minh biết rằng Ba Má tôi rất nghiêm khắc; tôi không dám làm trái ý Ba Má tôi. Minh thuyết phục và hứa sẽ giữ đúng tư cách.

Vâng, Minh đã giữ đúng tư cách của một sĩ quan Hải-Quân. Minh bảo tôi ngồi sát hẳn bên trong để ít ai thấy. Minh ngồi sát mé phía ngoài. Tôi thầm phục tư cách của Minh.

Trên đường về, Minh bảo xích-lộ dừng rất xa nhà Ba Má tôi. Minh và tôi đi bộ về nhà. Vừa đến cửa lớn, thấy Ba Má tôi ngồi nơi phòng khách, nét mặt đầy tức giận, tôi hơi lo. Tôi vừa bước vào, thưa: 

-Thưa Ba Má con mới về.

Ba tôi chụp cây chổi quét nhà – đã được để cạnh Ba tôi từ lúc nào tôi khôg biết –  “quất” tôi ba cán chổi! Vừa đánh tôi Ba tôi vừa gằng từng tiếng: 

-Ai cho phép con ngồi chung xe xích-lô với đàn ông, hả? Hả?”(1) 

Tôi gần như hoảng loạn; vì tôi là “con cưng”, rất dễ dạy và suốt gần 20 năm sống trong gia đình, chưa bao giờ Ba tôi nặng lời mắng nhiết tôi thì làm thế nào tôi có thể mường tượng được rằng có ngày Ba tôi sẽ đánh tôi! Tôi xoay sang có ý tìm Minh; nhưng không thấy Minh đâu cả! 

Tôi cảm thấy đau thì ít mà tủi thân thì nhiều. Tôi ngồi co ro trong góc nhà, khóc. Linh đem chai cù-là đến, nói nhỏ, vì sợ Ba Má tôi nghe: 

-Chị Hai! Cù-là nè, chị đau ở đâu, em xức cho. 

Tôi cứ im lặng, khóc, trong khi Linh cứ nài nỉ

-Chị đau ở đâu, em xức cho.

Một lúc sau, Ba Má tôi gọi tôi đến. Tôi khoanh hai tay, đứng như “Trời trồng”. Sau khi giảng cho tôi nhớ về tư cách của một thiếu nữ con nhà nề nếp, có giáo dục, có học thức, có đạo đức thì phải sống theo lễ giáo của Thánh Hiền “Nam nữ thọ thọ bất thân”, Ba tôi bảo Má tôi đưa tôi vào phòng, thoa cù-là cho tôi.

Suốt buổi cơm tối, thấy tôi lơ là như nuốt không trôi, Linh cứ hỏi nhỏ: 

-Chị ăn hết chưa, em “bới” cho?

Dùng cơm tối xong, như mỗi khi có điều chi buồn, tôi ôm Accordéon dạo những bản nhạc chợt đến trong hồn chứ tôi không nhìn bản nhạc. Tôi buồn Ba tôi thì ít mà buồn Minh thì nhiều; vì tôi tự hỏi: Tại sao Minh lại lẫn tránh, không dám nhận lỗi với Ba Má tôi là chính Minh đã thuyết phục tôi? Tôi đàn liên miên từ bản nhạc này chuyển sang bản bản nhạc khác. Khi bất ngờ những ngón tay của tôi chuyển sang một tình khúc Việt-Nam, tôi “ngân nga” nho nhỏ theo từng giọt nước mắt rơi trên phím đàn: 

“Đàn ơi! Tan nát tim ta nhiều rồi

 mà sao ta vẫn say sưa hoài cùng 

em quanh năm ngày tháng?...

Cho ta lên tiếng cùng em vài lời. 

Đời mà thiếu em ta vắng vui!...” (2) 

Không biết Linh có nghe tiếng “ngân nga” của tôi hay không, nhưng Linh đến, ngồi đối diện với tôi, khoanh hai tay trên bàn rồi tựa cằm lên, im lặng lắng nghe. Mấy ngón tay của tôi chuyển sang sầu khúc Sayonara. Ba tôi động lòng sao đó, bước đến, giọng buồn buồn: 

-Con à! Rạp Tân Tân chiếu phim Sayonara, con với Linh muốn đi xem không?

Linh ngồi bật dậy, nhanh nhẩu: 

-Dạ đi, Ba.

Thấy tôi vẫn im lặng, Linh tiếp: 

-Đi đi, chị Hai! Có Marlon Brando là tài tử ‘ruột’ của chị đóng vai chính mà.

Khi Marlon Brando xuất hiện trong khung cảnh tươi đẹp, tình tứ, lãng mạn và âm thanh tuyệt vời của tình khúc Sayonara, tôi cảm thấy hồn tôi chơi vơi, như tan loãng, như hòa nhập với cốt truyện tràn ngập yêu thương.

Trên đường về, Ba Má tôi đi trước; Linh và tôi “lẻo đẻo” theo sau. Vừa đi Linh vừa nghịch với những viên đá ven đường. Riêng tôi, âm hưởng tình khúc Sayonara cứ vang vọng khiến tôi cảm thấy nỗi buồn trong tôi cứ dâng cao, dâng cao đến ngập cả hồn tôi mà tôi không nhận biết được tôi buồn ai và buồn về cái gì!

Hơn nửa thế kỷ trước, trong khi tôi ôm trong lòng nỗi buồn “không tên” thì Linh vừa đi vừa “nhảy cà tưng” trên hè phố. Hôm nay, trong hội trường này, tôi ôm trong lòng nỗi buồn vì thương nhớ Linh thì Linh không còn nữa!...

…Đang bị chi phối vì kỷ niệm, bất chợt tôi choàng tĩnh; vì chị ngồi cạnh nâng tay tôi:

-Chị đứng lên. Chị đứng lên. Người ta giới thiệu Điệp-Mỹ-Linh kìa.

Tôi đứng lên. Trong khi cúi chào quan khách tôi mới nhận ra nước mắt đã nhạt nhòa trên mặt tôi từ bao giờ! 

Tôi ngại ngùng nhìn quanh rồi nhìn quý vị cùng bàn và nhận thấy quý anh chị đều nhìn tôi với ánh mắt cảm thông. Dù còn bị phân tâm, tôi cũng hơi ngạc nhiên khi nghe Ban Tổ Chức giới thiệu anh Hiền sẽ trình bày ca khúc Căn Nhà Tiền Chế. Tôi nhíu mày, cố nhớ xem tôi đã nghe bản nhạc nào có tựa đề như vậy hay chưa; nhưng nhớ không ra! Khi nghe nhạc dạo một đoạn ngắn tôi mới nghiệm ra anh Hiền đặt lời ca theo cuộc sống, cuộc tình của Lính, dựa vào âm hưởng ca khúc Lâu Đài Tình Ái. Nhìn anh Hiền hát một cách say sưa “…Em ơi! “Căn Nhà Tiền Chế” đó…” tôi cười và nhận ra niềm vui đã trở về! Tiếp đến là chị Bích Thủy – người em gái thân thương của khóa 6/68 Thủ-Đức – với giọng ca lảnh lót, ngọt ngào trong ca khúc Hoa Soan Bên Thềm Cũ của Tuấn Khanh.

Sau đó, Ban Tổ Chức giới thiệu phu nhân của Cố Đại Úy Quân Báo Trần Hữu Tánh, khóa 6/68, ngâm bài thơ do chính chị, bút hiệu Trần Thị Quê Hương, sáng tác để tưởng nhớ anh Tánh – “Người Tình Trăm Năm” của Chị. Giọng ngâm của chị Trần Thị Quê Hương trầm buồn tha thiết tựa như nỗi niềm của Chị suốt mười năm khổ lụy thăm nuôi anh Tánh trong các trại tù của cộng sản Việt-Nam:

“…Những chiều tắt nắng đìu hiu,

Hoàng hôn gợi nhớ, tình yêu vẫy chào.

Bóng anh khuất lẫn nơi nào?

Nhớ anh tha thiết lệ trào ướt mi!...”

Bài thơ dứt, chị Trần Thị Quê Hương cúi chào trong những tràn pháo tay tưởng chừng không dứt. Anh Tiến và chị Bích Thủy đến khen tặng chị Trần Thị Quế Hương rồi anh Tiến và chị Bích Thủy hỏi thăm tôi. Nhân cơ hội này, tôi hỏi anh Tiến:

-Thưa anh, khóa 6/68 khởi đầu với bao nhiêu sinh viên?

- Dạ, khoảng trên 2 ngàn sinh viên; nhưng khoảng 800 sinh viên được đưa đi huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, Đồng Đế, Nha-Trang.

Tôi hỏi chị Bích Thủy:

- Đến tháng Tư -1975 còn được bao nhiêu sĩ quan, thưa chị?

- Dạ, không thể phối kiểm được.                                                              

- Thưa chị, hiện nay khóa 6/68 quy tụ được bao nhiêu cựu sĩ quan?

Chị Bích Thủy nhìn anh Tiến. Anh Tiến đáp:

- Khoảng 200. Nhưng mỗi lần Hội Ngộ chỉ gặp được khoảng trên dưới 150 người thôi.

- Về Thương Phế Binh thì khóa 6/68 đã liên lạc được bao nhiêu vị rồi, thưa anh?

- Dạ, chín người.

Dù những con số do chị Bích Thủy và anh Tiến đưa ra không chính xác, tôi cũng cảm thấy nặng lòng! Tôi nhìn ra cửa, liên tưởng đến hai câu thơ của Vũ Đình Liêm: 

Những người muôn năm cũ,

Hồn ở đâu bây giờ!

*****

Tối hôm sau, 25 tháng 5-2014, là Đêm Hội Ngộ chính thức.

Buổi chiều, anh Lê Đông Hải đề nghị sẽ đón tôi sau khi anh Hải phụ với Ban Tổ Chức trang hoàng hội trường. Tôi xin anh Hải cho tôi đến phụ với các anh chị.

Trong khi cùng các chị bưng từng giò lan tươi đẹp đặt trên mỗi bàn, tôi nghĩ: Mấy mươi năm qua tôi cứ tưởng tôi chỉ có những ràng buộc với đại gia đình Hải-Quân; nhưng từ khi Linh lâm trọng bệnh cho đến bây giờ, tôi mới biết tôi cũng có những ràng buộc vô hình với gia đình khóa 6/68 Thủ Đức. 

Trước khi quan khách đến, Ban tổ chức giới thiệu nhà văn Vũ Uyên Giang và nhà văn Huy Văn – khóa 6/68 Thủ Đức – với hai tác phẩm mới và mời mọi người mua ủng hộ. Tiền bán sách sẽ được xung vào quỹ Thương Phế Binh. Mọi người hưởng ứng nồng nhiệt.

Tối hôm qua, vì xúc động, tình cảm bị chi phối, tôi không theo dõi chương trình. Hôm nay, nhìn quanh hội trường, tôi cảm nhận được sự trang trọng, sự vui tươi và ấm cúng. Tôi hỏi chị Bích Thủy:

-Hôm qua anh Tiến và chị bảo chỉ liên lạc được khoảng trên dưới 150 cựu SV/SQ/Thủ-Đức; vậy mà tại sao hôm nay đến gần 50 bàn lận, chị?

-Dạ, thân hữu.

Trong số thân hữu chọn lọc, tôi nhận ra giáo sư và cũng là cựu Tư Lệnh Không Quân QL/VNCH Nguyễn Xuân Vinh, cựu đại tá Tư Lệnh Không Quân và Bà Huỳnh Hữu Hiền, Commodore Jansen Buckner và vài vị khác mà tôi không nhớ tên. Ông Buckner bắt tay mọi người cùng bàn. Khi ông Buckner bắt tay tôi, tôi hỏi:

- Tôi nghe nói Ông là sĩ quan Hải-Quân, phải không, thưa Ông?

- Vâng. Và tôi từng tham chiến tại Việt Nam. 

- Xin cảm ơn ông đã góp phần bảo vệ miền Nam Việt-Nam của chúng tôi.

Tôi bước sang chào giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tác giả truyện dài Tìm Nhau Từ Thuở mà tôi đã đọc và viết về tác phẩm này. Sau khi trở về chỗ ngồi, tôi nói cho ông Buckner nghe về sự ngưỡng phục của tôi đối với tất cả Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt-Nam. Ông Buckner hỏi tôi, trong những chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt-Nam tôi có để ý một nhân vật nào đặc biệt hay không? Tôi đáp ngay: John McCain. Ông Buckner cười, gật gù. Tôi tiếp, tôi để ý đến ông McCain không phải vì ông ấy từng là ứng cử viên Tổng Thống Hoa-Kỳ, mà vì tấm ảnh chụp lúc ông ấy bị thương, tay bị băng bột, treo lên. Trong hình đó, ông McCain giống như một tài tử xi-nê. Một tấm ảnh khác, chụp ông McCain và vài quân nhân Hoa Kỳ vừa rời xe buýt của Việt cộng để đáp phi cơ về Mỹ, tôi thấy ánh mắt và thái độ của ông ấy – cũng như của những quân nhân Hoa-Kỳ khác cùng được thả với ông ấy – đều mang nét bất khuất, kiêu hùng của những người Mỹ thời chinh phục miền Tây. Một nhân vật nữa là ông Richard Lee Armitage. Ông Armitage là một trong những cố vấn của Hải-Quân VNCH. Khi thực hiện cuốn tài liệu Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975, tôi được hân hạnh phỏng vấn ông ấy.

Câu chuyện giữa ông Buckner và tôi vừa đến đây thì Ban Tổ Chức yêu cầu mọi người đứng lên, nghiêm chỉnh cử hành lễ chào Quốc Kỳ. Sau đó giáo sư Vinh, cựu đại tá và bà Huỳnh Hữu Hiền và ông Buckner được mời lên sân khấu để Ban Tổ Chức tặng vòng hoa.

Tiếp theo là phần phát biểu của Ban Tổ Chức và của vài vị quan khách.

Khi được mời lên sân khấu, tôi chỉ vắn tắt cảm ơn những người bạn tốt bụng của khóa 6/68 SQ/TB Thủ Đức và tôi chấm dứt bằng ba câu “…Các anh đã thể hiện một cách cao đẹp truyền thống Huynh Đệ Chi Binh của Người Lính QL/V.N.C.H.. Một lần nữa, Điệp-Mỹ-Linh xin đa tạ tấm lòng của những người đã một thời cùng Nguyễn Phiêu Linh trải dài những tháng ngày đầu đời binh nghiệp tại Quân Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ-Đức; để rồi, sau đó, các anh cũng đã cùng Nguyễn Phiêu Linh hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ Quê Hương Miền Nam.”

Khi trở về chỗ ngồi, thấy anh Tiến đứng cạnh ông Buckner, tôi hỏi nhỏ anh Tiến sao chưa thấy ông Buckner lên sân khấu? Anh Tiến cho biết rằng ông Buckner bảo ông ấy chưa chuẩn bị, hẹn kỳ Hội Ngộ sau sẽ phát biểu cảm tưởng và sẽ nói về những kỷ niệm khó quên ở Việt-Nam.

Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng rất vui và khởi sắc. Tôi được dịp cười vì anh Hiền lại đơn ca Căn Nhà Tiền Chế. Chị Bích Thủy cũng như nhiều thân hữu đã góp vui bằng những bài ca một thời của Lính.

Bất ngờ ông Buckner bước qua phía tôi, nói nhỏ:

- Tôi phải về. Tạm biệt.

Tôi vội vàng đứng lên. Trong khi bắt tay ông Buckner, tôi hỏi:                             

-Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về Đêm Hội Ngộ này?

- Tuyệt vời! Tôi có một buổi tối rất đẹp và niềm vui trọn vẹn.

- Cảm ơn ông. Tôi cũng có cùng cảm nghĩ với ông.

Buổi Hội Ngộ chấm dứt vào lúc một giờ khuya.

Trong khi theo anh Hải và các anh chị trong Ban Tổ Chức ra bãi đậu xe, nhìn lên bầu trời trong xanh, tôi tưởng như tôi thấy Linh đang mỉm cười, vừa vẫy tay vừa lui dần vào khoảng không gian lấp lánh ánh sao. Tiếng hát xưa chợt ngân lên trầm trầm rồi vút cao trong hồn tôi: “Sayonara, Sayonara…goodbye!...” (3)

 ĐIỆP MỸ LINH

www.diepmylinh.com/


(1)  Chi tiết này đã được con tôi, Xuân Nguyệt, đưa vào bài thuyết trình về Văn Hóa Việt-Nam khi cháu theo học tại Đại Học Rice tại Houston.
(2)  Nghệ Sĩ Với Cây Đàn của Nguyễn Văn Khánh
(3)  Sayonara của Irving Berlin. 


2022/05/24



LY CÀ PHÊ ĐƯA TIỂN

Anh đến quán tìm người em gái nhỏ
Nói giã từ, mai cất bước ra đi
Phận làm trai phải có chút danh gì
Để khỏi thẹn đường tương lai phía trước.

Em có biết anh ra đi vì nước
Chuyện trở về như mộng ước mà thôi
Ly cà phê thay chén rượu ly bôi
Nụ cười trên môi thay lời tiển biệt.

Thương tổ quốc là tình yêu bất diệt
Thời chiến chinh chuyện trai gái sá gì
Góc quán sẽ buồn vắng kẻ tình si
Từng ngồi đó âm thầm mơ hạnh phúc.

Giọt cà phê đậm hơn thay lời chúc
Đường ngọt hơn như em đã hiểu anh
Nếu một mai đất nước dứt chiến tranh
Sao chẳng thể tình chúng ta nối lại?

Anh Tú
April 17, 2012

2022/05/16

Mỹ Hòa Hưng-Dòng sông kỷ niệm của tác giả

TƯỞNG NIỆM MỘT DÒNG SÔNG

*Tưởng nhớ N


Tôi tìm tôi trên dòng sông ký ức

bao nhiêu năm kỷ niệm chẳng phai mờ

tôi tìm tôi trên dòng sông ảo ảnh

chấp chới cánh cò tình cũ như mơ

 

Tôi trở về ngắm lại bến sông xưa

chiều u uẩn tiếng vạc sành mấp mé

đau điếng lòng nước triều dâng, có lẽ

xô dạt lục bình tím cả trời thơ

 

Tôi tìm tôi trong mộng mị bơ phờ

mây trắng trời xanh chòng chành nỗi nhớ

trên mạn thuyền lắt lay mùa nước đổ

gió cợt đùa tà áo trắng nào bay

 

Tôi tìm tôi quanh quẩn mãi hôm nay

tiếc ngày cũ ngây thơ khờ khạo quá

ánh mắt ai trao lời chưa dám ngỏ

tôi hững hờ mãi té nước đùa dai

 

Viên thuốc đắng như thần dược trao tay

vẫn chưa hiểu sao bạn bè bảo thế

vẫn liến thoắng ghé thăm vui chuyện kể

vẫn nồng nàn một tình bạn thơ ngây

 

Chưa bao giờ bàn tay nhỏ cầm tay

chỉ lắc lắc - uống cho mau khỏi bệnh

chỉ vậy thôi! Chỉ vậy thôi! Lơ đểnh

có đâu ngờ tâm bệnh bạn buông tay

 

Ngày đưa tiễn đọc tâm thư chợt hiểu

vô tâm vô tình tưởng tiếc người ơi

đời dâu bể bạn bè đi tứ xứ

chuyện tháng tư buồn nào dễ phai phôi

 

Mấy mươi năm từ diệu vợi xa xôi

trở về dòng sông tưởng niệm mối tình đầu

trở về dòng sông giằng xé nỗi đau

dù không biết- M vẫn là người trong cuộc.

 

Dẫu bao năm tháng giữa dòng đời xuôi ngược

Nhớ mãi đôi mắt buồn ngày ấy giữa dòng sông .

 

hoàihuyềnthanh

21. 4. 2022

 

2022/05/13


THÁNG PHƯỢNG

Những Đoản Khúc

 

Lang thang dưới rặng phượng hồng

Nhớ về ngày cũ tuổi nồng nàn mơ

Có tiếc nuối thuở ngu ngơ?

Kỷ niệm ngọt lịm xa mờ nơi đâu!

 

*Anh Tú*

---

Nằm im trong góc tim sâu

Bóng trường, thầy, bạn, người đầu tiên yêu

Dẫu xưa mà rất mỹ miều

Ấm lòng vào lúc đìu hiu cuộc đời!

 

*Nhị Hồng*

---

Nhìn phượng vĩ nở rợp trời

Bâng khuâng nhiều lúc bời bời nhớ thương

Thầy,, bè bạn, mái trường

Làm sao vơi bớt vấn vương một thời?

 

*Lâm Lan*

---

Phượng rơi đỏ ngập sân trường,

Nhớ bao người cũ niềm thương dạt dào.

Tìm về chốn ấy hôm nao ?

Hoàng hôn chợt đến còn đâu lối về.

 

*Lê Kim Tuyết*

---

Nay về nâng bút tìm câu,

Thơ ghi nỗi nhớ niềm sầu năm xưa

Buồn đi nhặt xác hoa mưa,

Ép vào trang giấy cho vừa nhớ thương...

 

*Patrice Trần*

---

Phượng hồng đỏ thắm sân trường .

Nhớ hè năm ấy mà vương ci lòng

Xa thầy xa bạn mênh mông.

Hôm nay gặp lại trong lòng vui vui.

 

*Chung Thị Bửu Trân*

---

Những ngày mơ mộng lắng sâu

Vào trong quá khứ từ lâu, tìm về

Mơ màng một thoáng đam mê

Hoa rơi, lá rụng, bốn bề tịch liêu !

 

*Holly Tiên-Tiền Ngọc Hương*

---

Hôm nay thăm lại trường xưa

Phượng hồng nở thắm, ve đưa tiếng chào.

Nhớ ơi! Kỷ niệm thuở nào!

Một thời hoa mộng, xanh xao nỗi buồn!

 

*Chung Bích Trân*

---

Cùng nhau hợp tấu bản đàn .
Hè về năm ấy phượng tàn hoa rơi.
Bao năm vất vả tơi bời.
Hè này ve phượng tràn lời yêu thương.

Chung Thị Bích Trân

---
Cho dù đi khắp muôn phương
Nhìn hoa phượng nở vấn vương trong lòng
Theo năm tháng có hoài mong
Tuổi xuân đi mãi sẽ không trở về
Nhưng lòng vẫn nhớ vẫn mê
Nhìn hoa phượng đỏ tràn trề niềm thương.

Lê Kim Tuyết
---
HƯƠNG XA

Hạ sang phượng đỏ sân trường
Tình xanh mực tím vương vương tơ lòng
Người hò hẹn ...người đợi mong...
Bao mùa thay lá mơ hồng nhạt hương?

Yên Dạ Thảo




2022/05/11

 Hè 1972: Nỗi Huế, làm sao nguôi!

Trần Doãn Nho/Người Việt
(Gửi Lễ, Hải, Sinh, Đắc, Thôi, Đủ, Phương, Thất, Hòa, Huế, Vệ Chớ…)

KENNEDALE, Texas (NV) – Tuần lễ đầu Tháng Năm, nhân kỷ niệm 50 năm “Đại Lộ Kinh Hoàng,” tạp chí mạng Da Màu, cho đăng lại một bài ký sự của nhà văn Trùng Dương, “Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên đại lộ kinh hoàng.”

Huế tan hoang sau các đợt giao tranh Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Terry Fincher/Express/Getty Images)

Trong “Lời Giới Thiệu,” bà viết: “Trong thời gian này, vào đầu Tháng Năm, 1972, khoảng gần 2,000 đồng bào đã bị thiệt mạng trên đường chạy khỏi Quảng Trị khi quân Cộng Sản tấn công. Họ chết phần lớn vì pháo kích của Cộng quân rót xuống từ rặng Trường Sơn, xác nằm rải rác trên một quãng đường dài 5,274 mét trên quốc lộ 1, từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước thuộc Quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vì giao tranh còn tiếp diễn, xác các nạn nhân này đành chịu cảnh phơi bầy cùng nắng mưa gió và cả những trận mưa pháo trong nhiều tháng trời. Đúng ra con số nạn nhân chiến cuộc chắc nhiều hơn, nhưng nêu ra con số trên là dựa vào tổng số xác đã nhặt được, đích xác là 1,841 thi hài thường dân, do anh Nguyễn Kinh Châu, người điều khiển chương trình ‘hốt xác,’ và các thân hữu Huế đã bốc được trong suốt ‘bảy tháng giữa những xác người’ vào mùa Hè năm 1972.” (1)

Ký sự này đẩy tôi trở lại với những tháng ngày Huế 1972, rất xa xăm mà vô cùng gần gũi. Như mới đâu đây!

***

Năm 1968, Huế tơi bời khói lửa Mậu Thân:

“thành quách nín
đất đá nghẹn
cỏ cây câm
hố hầm co quắp ngột
âm bản cuộc liêu trai” 
(2)

Huế chết đứng, chết ngồi trong hoang tàn, đổ nát!

Bốn năm sau, chưa tàn nhang khói trên những nấm mồ uất ức, Huế lại nhận chịu thêm những tháng ngày xao xác, căng thẳng, hoảng loạn. Suốt Tháng Tư, 1972, tin chiến sự nóng sốt, dồn dập bay đến hằng ngày: bộ đội Cộng Sản vượt sông Bến Hải, căn cứ Carrol thất thủ, trung tá Phạm Văn Đính đầu hàng, xe tăng T54 xuất hiện trên quốc lộ 1; phi công Trần Thế Vinh tử nạn ở Đông Hà; phòng tuyến Tây Nam Huế đang bị dồn dập tấn công… Đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị, gồng gánh chạy vào Huế tị nạn. Huế bận bịu trong thấp thỏm, âu lo và đợi chờ. Rồi cái gì đến, phải đến: cuối Tháng Tư, thị xã Quảng Trị rơi vào tay Cộng quân. Quân đội VNCH lùi vào lập phòng tuyến Mỹ Chánh.

Huế thảng thốt bàng hoàng!

Kinh nghiệm Mậu Thân cho biết bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của những người nhảy núi trở về, cho nên Huế chẳng mấy đắn đo: Cộng Sản đến là đi. Đã tất bật với đồng bào tị nạn, cả thành phố bỗng nhiên quay sang tất bật với chính mình. Trong nhà, người nào người nấy mặt mày đăm chiêu, hớt hải, vội vội vàng vàng thu vén đồ đạc, giấy tờ, tài sản. Ngoài đường, xe cộ dập dìu, chen chúc, xe nào xe nấy đồ đạc chất đầy, trực chỉ phương Nam.

Xóm nghèo tôi, góc nam Thành Nội, nhà lính, nhà công chức, nhà đạp xích lô, nhà làm thuê làm mướn, buôn thúng bán bưng, ai ai cũng chuẩn bị lên đường. Đi đâu? Không cần biết, miễn là rời Huế. Làm sao đi? Thì cứ đi cái đã, đến đâu hay đấy, còn hơn là nằm nhà chịu trận.

Những gia đình giàu có thuê nguyên cả một chiếc xe tải, chở đủ thứ vật dụng: giường, tủ, bàn ghế, áo quần… Nhiều gia đình đèo nhau trên hai, ba chiếc Honda, chỉ mang theo những đồ dùng thật cần thiết móc, cột quanh xe. Và rất nhiều gia đình lại vô cùng đơn giản, vợ chồng con cái ông già bà già dắt díu nhau ra đi chỉ bằng phương tiện có sẵn của chính mình: đôi chân.

Huế vẫn còn đó, đang bình yên đón nắng Hè rực rỡ, nhưng người phải đành ngậm ngùi bỏ Huế mà đi!

Bỏ Huế! Chỉ hai chữ thôi mà âm vang của nó đeo đẳng mãi theo người trên từng đoạn đường vất vả xuôi Nam.

Đưa xong mẹ và chị tôi lên được chuyến bay vào Sài Gòn và gia đình người anh vào Đà Nẵng, tôi quay trở lại. Tháng Năm, trong mắt tôi, Huế đột nhiên lạ hẳn như chưa từng: trống rỗng. Chẳng khác gì một phép lạ.

Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 70 đến 75% dân Huế đã di chuyển vào Đà Nẵng hoặc xa hơn. Mấy chục phần trăm còn lại thì tản về tạm trú đâu đó ở các vùng quê. “Bám trụ” Huế hầu hết là những quân nhân, cảnh sát và những công chức có trách nhiệm chính điều hành các công sở.

Thoáng chốc, Huế chỉ còn là một dòng sông và một khu nội thành lặng lẽ. Trong chuỗi dài những biến động lịch sử, Huế đã nhiều lần hoang vắng vì sống trong tình trạng giới nghiêm 24/24. Nhưng đó chỉ là hoang vắng đường phố. Lần này, Huế như một cái thùng rỗng ruột, hoang vắng trong lẫn hoang vắng ngoài: từ những con hẻm chật chội ở ven sông khu Gia Hội cho đến chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, từ những vạn đò chen chúc trên sông Hương cho đến vùng Kim Long, Đập Đá, Vỹ Dạ, An Cựu, Phủ Cam…

Người dân Huế trở về nhà vào Tháng Ba, 1968, sau giao tranh Tháng Giêng và Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Terry Fincher/Express/Getty Images)

Người Huế hãi sợ, người Huế bỏ đi. Những bóng người còn ở lại thỉnh thoảng xuất hiện đâu đó trên những con đường vắng lặng, dường như làm cho thành phố càng vắng lặng thêm.

“thành phố bồng bế nhau
vứt cả rực rỡ hè mới chớm
rùng rùng bỏ chạy
đi đâu?
không biết đi đâu
miễn là xuôi Nam
để lại một cõi lặng
không gian rỗng
sàn diễn trống trơn
những con chó mất chủ chạy rất tự do
và vô vọng
hàng phượng lạc loài
chấp chới bay
gió nắng rong chơi
vòng vèo quanh nội thành ấm ức”
 (3)

Suốt cả tháng trời, dường như ngày nào tôi cũng chạy quanh thành phố Huế, vòng hết những con đường Thành Nội, ra phố, xuống Gia Hội, Bãi Dâu, Bao Vinh, vòng lên An Hòa, ngược về Kim Long; qua Long Thọ, ghé Phủ Cam, An Cựu, quành qua sân vận động Tự Do xuống Đập Đá, Vỹ Dạ để chứng kiến và cũng để “thưởng thức” một thành phố không người, lạ lùng như cổ tích. Trong lúc bom đạn ngập trời ở Quảng Trị, ở An Lộc, thì Huế bỗng nhiên thanh bình, yên ắng một cách kỳ lạ. Dẫu vậy, người ở lại vẫn tìm thấy trong đó một căng thẳng vô hình, một nôn nào chờ đợi, sẵn sàng cho những hung tin. Trên đầu Huế 1972 là thanh gươm Damocles treo lủng lẳng. (4)

Nhưng đó lại là cái may. Nhờ trống rỗng, nên chính quyền Huế dễ điều phối chuyện an ninh. Không bị “kẹt” bởi các hoạt động đời sống bình thường của người dân, tất cả các nỗ lực đều tập trung vào chuyện phòng thủ Huế. Một tổ chức đặc biệt ra đời: Sư Đoàn Thuận Hóa, được thành lập bằng sự phối hợp giữa tất cả các nhân sĩ, các viên chức dân cử, các cán bộ dân chính trực thuộc các cơ quan thành phố, các tổ chức nhân dân tự vệ và những người dân còn ở lại, nhất là thành phẩn sinh viên học sinh. Tùy khả năng và điều kiện, mỗi một người “tự do” như tôi chẳng hạn, tình nguyện chọn lựa, hoặc là phối hợp với quân đội và cảnh sát tuần tra, gìn giữ an ninh, hoặc là cứu trợ những người vô gia cư hay những gia đình còn ở lại, do không có điều kiện để rời thành phố xuôi Nam lánh nạn.

Là một sĩ quan biệt phái về dạy học, tôi được phân công làm cố vấn cho một tổ chức vừa mới thành lập, gồm những thanh niên, sinh viên và học sinh theo học đại học và các trường trung học thành phố Huế: Lực Lượng Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Quốc Gia Trị-Thiên. Gồm khoảng từ 60 đến 70 bạn trẻ, trong số đó, nhiều bạn là học trò của tôi, đây là tổ chức hăng hái nhất, năng động nhất và làm việc có hiệu quả nhất của Sư Đoàn Thuận Hóa. Các bạn bắt tay vào bất cứ chuyện gì cần: giữ gìn an ninh khu vực mình ở, tham gia quyên góp và cứu trợ cho những người thiếu đói, tổ chức sinh hoạt và các dịch vụ linh tinh (cắt tóc, dọn dẹp…) tại một số trại tạm cư, thăm viếng và ủy lạo các đơn vị quân đội đang đóng quân phòng thủ quanh thành phố, giúp đỡ những người lính bị lạc đơn vị, vân vân. Các bạn còn được huấn luyện quân sự cấp tốc và được cấp phát súng.

Để có nơi điều hành, các bạn quyết định xin chính quyền thành phố cho sử dụng Trụ Sở Tổng Hội Sinh Viên Đai Học Huế tọa lạc tại đường Trương Định làm nơi sinh hoạt. Chính quyền bảo là họ không có quyền cho phép vì theo quy chế tự trị đại học được ghi trong hiến pháp VNCH, trụ sở này là một cơ sở trực thuộc viện Đại Học Huế. Với tư cách là những sinh viên học ở các phân khoa Đại Học Huế, trong một buổi họp của Lực Lượng, các bạn biểu quyết “chiếm” trụ sở này làm nơi điều hành mọi sinh hoạt. Không ngờ, hành vi chiếm dụng này giúp những người trẻ tuổi yêu Huế khám phá ra một sự kiện đầy ý nghĩa: nhà kho của trụ sở sinh viên này là nơi cất giữ vô số báo chí, tài liệu của Cộng Sản đưa từ trên rừng về. Hóa ra, người Cộng Sản lợi dụng quyền tự trị đại học để tiến hành những hoạt động chống lại cái chế độ đã nuôi dưỡng họ: biến trụ sở phục vụ quyền lợi sinh viên thành một “căn cứ” hoạt động nội thành của Cộng Sản.

Thay vì giao cho cảnh sát, lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh quyết định thiêu hủy toàn bộ tài liệu này. Trong một buổi chiều Hè đầy nắng, cùng với các bạn trẻ reo vui, đứng nhìn ngọn lửa đốt cháy một đống lớn các tài liệu tuyên truyền của Cộng Sản kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ ngay khoảng sân nằm phía trước, tôi bồi hồi nghĩ đến một đất nước hết chiến tranh, được vui sống trong một chế độ dân chủ mà thế hệ chúng tôi đã xuống trường tranh đấu bao nhiêu năm! Có điều, nỗi mừng vui lúc đó được trả bằng một cái giá rất đắt ba năm sau, 1975, khi quân Cộng Sản đánh chiếm toàn bộ miền Nam: ngoài tôi ra, một số lớn các bạn trong Lực Lượng này, dù không phải là lính, công chức hay cán bộ VNCH, đã bị bắt đi tù cải tạo; có bạn kéo dài đến năm năm.

Nửa thế kỷ!

Mùa Hè ấy, 1972: Huế trống rỗng và bình an. Trong lòng Huế, tôi uống từng ngụm đời yêu dấu.

Mùa Hè này, 2022: Huế chỉ là một sợi khói lơ lửng tan loãng trong khu rừng vắng, nằm kế hiên nhà, ở một đất nước xa lạ, nơi chẳng có gì dính dáng tới mình.

Nỗi Huế, làm sao nguôi! [hp]


Chú thích:

(1) https://damau.org/73408/50-nam-dai-lo-kinh-hoang-1972-2022-ky-su-di-nhat-xac-dong-bao-quang-tri-tren-dai-lo-kinh-hoang

(2) Trần Doãn Nho, “Nỗi Huế,” thơ.

(3) Trần Doãn Nho, “Nỗi Huế,” https://damau.org/44747/noi-hue

(4) “Thanh Gươm Damocles” (Sword of Damocles) là một câu chuyện ngụ ngôn Tây phương ám chỉ về một mối hiểm nguy chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/he-1972-noi-hue-lam-sao-nguoi/

2022/05/10

 

Thảo luận về Hoà giải Dân tộc với ông Nguyễn Đình Bin


Nhân ngày 30/4/2022, tác giả Nguyễn Đình Bin có phổ biến bài viết “Hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn vẫn còn rỉ máu!” trên trang Tiếng Dân và các trang báo mạng khác.

Là một nhân vật quan trọng trong Đảng CSVN và cũng một là nhà ngoại giao có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực hoà giải dân tộc, tác giả đã có nhiều tâm huyết và can đảm khi đưa ra các giải pháp mới để giải quyết vấn đề. Qua bài viết này, tác giả đã gây được sự quan tâm đặc biệt của các độc giả khắp nơi.

Nhân dịp này, tôi xin mạn phép được đóng góp vài suy nghĩ khiêm tốn để thảo luận. Tôi cũng hy vọng sẽ đón nhận thêm các suy nghĩ hoà ái của các độc giả quan tâm đến chủ đề này.

Về hình thức, để tiện việc theo dõi, tôi trích đăng lại nguyên tác của tác giả, các đoạn in nghiêng và tô đậm, theo sau là ý kiến của tôi. Về nội dung, các ý kiến trình bày không phải là những khám phá mới, mà tư liệu đã có từ lâu trên các trang báo mạng. Tôi chỉ tổng hợp lại thành các chuyên đề, mà không chú thích các chi tiết hay liệt kê các tài liệu tham khảo.

1.- “Chính sử và công luận đều đã nhất trí là CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI!”

Chính sử mà tác giả đề cập là những gì do Nghị quyết của Đảng, Ban Lịch Sử Đảng, Viện Sử học Hà Nội và báo chí miền Bắc viết ra, tất cả nhất loạt phản ảnh quan điểm của phe thắng cụộc, không thể khác hơn.

Ngày nay, sách vở viết về chiến thắng 30/4/1975 của phe thua cuộc và ngoại cuộc tràn ngập không tài nào đọc hết, nên các vấn đề không thể thảo luận chi tiết ở đây.

Công luận mà tác giả nói đến là đồng bào miền Bắc trước 1975; họ được Đảng tuyên truyền phải thương yêu miền Nam ruột thịt bị Mỹ Ngụy “kềm kẹp”. Sau này, khi có dịp sống trong Nam hay tiếp xúc với phe thua cuộc, nên họ cũng đã thay đổi triệt để quan điểm.

Còn công luận miền Nam thì có phần đa dạng hơn. Nhờ lịch sử truyền khẩu và không cần đến sách vở của Đảng, họ còn nhớ rất rõ tội ác của Cộng sản, mà vụ thảm sát Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật giáo Hoà Hảo tại Đốc Vàng năm 1947 là thí dụ điển hình. Trong khi đó, Ban Tôn giáo chính phủ vẫn né tránh khi cho rằng: “Bối cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH”.

Cũng tương tự như vậy, ngày 29/12/2017, trong cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, các nhà nghiên cứu của Đảng CSVN cũng chỉ tuyên dương chiến thắng mà không đề cập tới các tổn thất nhân mạng và vụ thảm sát 5000 đồng bào vô tội.

Theo công luận, đây là hai vết nhơ trước lương tâm và lịch sử, vì hành vi của đảng CSVN hiếu chiến và vô nhân đạo.

Nhưng tựu chung, ngày nay, cả phe thua cuộc và công luận không bao giờ có chuyện “đều đã nhất trí” như tác giả kết luận, mà ngược lại, theo họ, cuộc chiến này không phải là cuộc chiến vệ quốc, mà cũng chẳng vĩ đại.

Do đó, kết luận của tác giả là chủ quan, một chiều của phe thắng cuộc. Tác giả nên có can đảm nhìn vào sự thật của lịch sử trong một nhãn quan mới, vì hiện nay có vô số nguồn tài liệu được liên tục giải mật, sẽ giúp hiểu rõ sự tình hơn.

2.- “Nguyên nhân thứ nhất là do đại họa ngoại xâm. Cũng giống như đối với nhiều dân tộc khác, ngoại bang đến thống trị, rồi xâm lược liên tiếp nước ta, suốt hơn một thế kỷ liền, đã làm cho dân tộc ta bị đẩy vào thảm cảnh đó, theo cả nghĩa đen đối với rất nhiều gia đình. Bởi vì, chiến lược cổ điển của các thế lực thực dân, đế quốc, bành trướng đi xâm lược và thống trị nước khác luôn là “chia để trị”, “dùng người bản địa đánh người bản địa”.

Tác giả nêu lên hai đại hoạ ngoại xâm và nhập hai làm một mà không phân biệt được hai kẻ xâm lược Pháp và Mỹ có những chính sách khác nhau.

Trong bối cảnh xung đột của chiến tranh Đông Dương, có một thuận lợi cho Việt Nam lúc bấy giờ là thu hồi được chủ quyền độc lập vào ngày 8 tháng 3 năm 1949 theo Hiệp Định Elysée. Điểm đặc biệt là Việt Nam có thống nhất và độc lập, nhưng bất lợi là nằm trong Liên Hiệp Pháp. Sau đó, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Quốc hội Nam Kỳ đã giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã được thống nhất trong năm 1949 về ngoại giao và chính trị.

Đối với việc chống Pháp, vấn đề cần được đặt lại là, tại sao Việt Nam không tận dụng lợi thế pháp lý này, đấu tranh quân sự có phải là một giải pháp tối ưu duy nhất hay nghị trường và ngoại giao cũng là điều kiện khả thi không.

Nhưng thực trạng tại Việt Nam là không thể phức tạp hơn Ấn Độ khi phải đương đầu với thực dân Anh. Thay vì đấu tranh bất bạo động như Ấn Độ, Việt Minh đã chọn giải pháp “bạo lực cách mạng” và giành độc quyền kháng chiến. Đó là điểm bi thương nhất cho lịch sử Việt Nam cận đại.

Còn trong quan điểm chiến lược chung, vai trò của “Đế quốc Mỹ” là vấn đề khác hẳn. Ngay từ đầu, Mỹ để cho Pháp toàn quyền quyết định về vấn đề Đông Dương. Tổng thống Roosevelt không muốn can dự vào Việt Nam vì không cho là mối bận tâm của Mỹ. Nỗ lực chính của Mỹ trong lúc này là giúp tái thiết châu Âu và củng cố vị thế cho Pháp.

Về sau, trong thời Tổng thống Truman và khuôn khổ Chiến tranh Lạnh, tình thế thay đổi triệt để, chính sách Mỹ khác đi.

Trong lúc chiến tranh chống Mỹ lên cao độ, nhất là sau năm 1966, kể từ thời Tổng thống Johnson, tình hình lại càng khác nếu so với trước đó (1954 -1963).

Khi 500.000 quân Mỹ bắt đầu đóng quân ở miền Nam và không quân Mỹ ném bom miền Bắc, thì Bắc Việt có lý do để lập luận là Hoa Kỳ xâm lăng. Kết quả là, các tuyên truyền hô hào “chống Mỹ cứu nước” thu phục được nhân tâm tại nông thôn miền Nam, cũng như các trí thức thân Cộng tại các thành phố và phe cánh tả ở phương Tây.

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào chứng minh là Mỹ có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ và có chính sách chia để trị ở miền Nam giống như Pháp.

Tác giả có đề cập đến hai đại hoạ ngoại xâm mà không thảo luận đến nội xâm, đó là động cơ duy nhất của Bắc Việt, một đại hoạ cho miền Nam.

Khi so với các nước cùng cảnh ngộ như Đông Đức và Bắc Hàn, một vấn đề nền tảng mà tác giả nên đặt ra là:

Tại sao Đông Đức không tiến hành đấu tranh giải phóng Tây Đức và Bắc Hàn giải phóng Nam Hàn, cũng đang bị “Đế quốc Mỹ kềm kẹp“? Tại sao phong trào Cộng sản Quốc tế không ủng hộ cho hai nước Đông Đức và Bắc Hàn đấu tranh giải phóng? Tại sao chiến lược đấu tranh của ba nước Đông Đức, Bắc Hàn và Việt Nam lại khác nhau khi cùng theo đuổi một ý thức hệ cộng sản?

Về chi tiết này, có quá nhiều lý do để trình bày, nhưng điểm cuối cùng quan trọng nhất trong thực tế là Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định Paris, xâm lăng VNCH và áp đặt chế độ độc tài lên nhân dân miền Nam từ năm 1975.

Nếu không có nội xâm, thì ai là người vượt Trường Sơn đi cứu nước và đánh Mỹ thay cho Trung Quốc và Liên Xô bằng xương máu của người Việt cuối cùng?

Đó là một “lý tưởng cao cả” mà Bắc Việt nhân danh Cộng sản Quốc tế theo đuổi, nhưng làm tốn hao xương máu của người dân Việt, nhưng không bao giờ phản tỉnh mà còn tiếp tục hãnh diện cho đến ngày nay.

3.- “Đó là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới hiện đại; là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Lần đầu tiên, và cho đến nay vẫn là lần duy nhất trên thế giới, siêu cường quốc hùng mạnh, giàu có nhất hành tinh đã thất bại thảm hại trong một cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy khi can thiệp, xâm lược một nước nghèo, nhỏ bé hơn! Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa!”

Chiến thắng có vĩ đại hay không, còn tùy vào cách nhận định, mà yếu tố là thiệt hại nhân mạng cần được thảo luận.

Mỹ và Quân lực VNCH, vì nhiều lý do chiến lược khác nhau, tự động bỏ chạy trong khi tổng kết lại thì phe thắng cuộc tổn thất nhiều hơn. Theo các con số tổng kết, phe thắng cuộc mất đi khoảng 1,1 triệu binh sĩ, 300.000 mất tích và 600.000 bị thương trong khi phe thua cuộc có 330.000 người nằm xuống.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có một trường hợp “di tản chiến thuật” nào tương tự đã xảy ra và cũng chưa có một sử gia nào xem tình trạng bất thường này là chiến thắng vĩ đại.

Chuyện Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam cũng không phải là duy nhất, mà Iraq và Afghanistan là các thí dụ thời sự về sau.

4.- Đánh giá bản chất 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ (1946-1975) và ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975”

Nhận định trong sách vở của phe thắng cuộc về hai chủ đề này là sai lạc nghiêm trọng, mà hai lý giải sau đây là chủ yếu:

Một là, do độc tôn Đảng quyền trong học thuật, Đảng đã không đào tạo được những nhà sử học chân chính, có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đảng tiếp tục giành độc quyền tuyên truyền thành tích và ban phát chân lý lịch sử. Do đó, Việt Nam không có chính sử và ngụy sử tiếp tục không thay đổi nội dung.

Hai là, sau này dù có tiến bộ hơn là không còn miệt thị “ngụy quân và ngụy quyền”, nhưng sách sử của Đảng vẫn không theo một khảo hướng khách quan để đánh giá về bản chất chiến tranh và thành tích của hai phe.

Bằng chứng hiển nhiên là sách sử của Đảng khinh thường QLVNCH là lính đánh thuê và chính quyền miền Nam là tay sai cho Mỹ, trong khi lại ca ngợi QĐNDVN và MTGPMN là đấu tranh cách mạng và hy sinh xương máu thay cho Liên Xô và Trung Quốc.

Cụ thể nhất là 500.000 lính Mỹ hiện diện ở miền Nam thì sách sử của Đảng cho là xâm lược, trong khi 300.000 lính Trung Quốc đồn trú tại miền Bắc thì tìm mọi cách để giấu kín tung tích.

Hơn 1,1 triệu binh sĩ miền Bắc hy sinh thì sách sử của Đảng vô cùng hãnh diện cho chiến thắng, trong khi 330 ngàn binh sĩ miền Nam nằm xuống thì thoá mạ là đánh thuê.

Điểm chủ yếu mà sách sử của Đảng không nhận ra là, xương máu của người dân và binh sĩ hai miền đều quý giá như nhau và là nạn nhân trong bối cảnh xung đột của Chiến tranh Lạnh.

Gần đây nhất là sự hy sinh của 74 chiến sĩ Hải Quân QLVNCH năm 1974 để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, nhất định họ không là “lính Ngụy” đánh thuê cho Mỹ, mà là hy sinh anh dũng cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Đó là một sự thật lịch sử.

Do đó, người dân Việt, nói chung, không có lý do để vui mừng và tự hào về các ngày lịch sử ấy là vẻ vang vĩ đại.

5.- “Bên thua cuộc duy nhất là các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược nói trên; là phi nghĩa; là chiến tranh! Còn giữa con cháu các Vua Hùng với nhau, không có bên thắng, bên thua, mà với tư cách người Việt tất cả đều thắng!

Sự thật là, chiến thắng của CSVN làm cho toàn dân Việt Nam phải trả một cái giá là khoảng hai triệu người chết và 300.000 người mất tích.

Lập luận “người Việt tất cả đều thắng” đã thu phục được lòng người hai miền ngay sau ngày 30/4/1975. “Mọi người thành tâm đều có ch đứng trong lòng dân tộc” là lời kêu gọi của Uỷ ban Quân quản TPHCM làm cho mọi người nức lòng tin theo.

Sau đó, ngày vui qua mau và sự thật đau thương lại đến. Các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đi kinh tế mới, học tập cải tạo và thuyền nhân… không phải là việc đối xử tốt đẹp “giữa con cháu các Vua Hùng với nhau”, mà phe thua cuộc thành nạn nhân của chế độ mới và niềm tin nơi phe thắng cuộc không còn nữa.

Ngày nay, sự thật đã phơi bày: Đảng CSVN thắng cuộc và dân tộc Việt Nam thua cuộc. Trớ trêu nhất là Mỹ thua cuộc trong chiến tranh và thắng cuộc trong thời bình.

6.- “Những sự thật lịch sử lớn nhất trong sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, như thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…”

Nhìn lại thắng lợi Cách mạng tháng Tám kỹ hơn, tác giả sẽ thấy có một sự thật khác, vì diễn biến xảy ra không theo đúng như sách sử của Đảng ca ngợi.

Biên niên sử còn ghi chép rõ là ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành độc lập, đó là ngày chính thức chế độ thực dân Pháp cáo chung và đến trước ngày 19/8/1945 và ngày 2/9/1945.

Do đó, Hồ Chí Minh không có căn bản pháp lý hay lịch sử nào để khai sinh độc lập cho Việt Nam, vì cướp quyền của chính phủ Trần Trọng Kim trong sự thoả hiệp công khai với Nhật. Nếu tác giả có theo dõi, thì đây chỉ là một cuộc xáo trộn nội chính.

“Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” là một lối diễn đạt cường điệu và thiếu cở sở thực tế. Nếu không có Trung Quốc trực tiếp chiến đấu và viện trợ súng đạn, chiến thắng Điện Biện Phủ không thể xảy ra, có nghĩa là, Điện Biên Phủ là một phần chiến thắng của Trung Cộng.

Sử liệu của Trung Quốc về sau đã hé lộ: Quân đội Trung Quốc có mặt tại Bắc Việt ngay từ đầu cuộc chiến chống Pháp. Sau tháng 4 năm 1950, Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh chỉ huy Nhóm Cố vấn quân sự với 281 sĩ quan tham gia. Hỗ trợ quân sự cho Bắc Việt thay đổi từ 3 sư đoàn năm 1950 lên đến 7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc làm việc tại Bắc Việt là khoảng 15.000 người.

Tóm lại, các thành tích của Cách mạng tháng Tám và Điện Biên Phủ đã bị bóp méo và tác giả cần nghiêm túc đặt lại ý nghĩa, thay vì tự hào.

7.- “Những người lâu nay coi là thuộc bên thắng cuộc phải chủ động đi bước trước, phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại”.

Là người dùng tiền để chiêu dụ cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ về nước, tác giả nên tự hỏi là phe thắng cuộc có tự đặt mình trong hoàn cảnh của phe thua cuộc không, hay phe thua cuộc có nên tin tưởng vào thành tâm hoà giải của phe thắng cuộc được không. Hai thí dụ sau đây chứng minh ngược lại.

Một là, việc lập đài tưởng niệm, trùng tu mộ phần cho những thuyền nhân yên nghỉ nơi các đảo ở Mã Lai và Nam Dương; sơn tặng cho họ một lá cờ VNCH cũng bị các nhà ngoại giao CSVN tìm cách gây áp lực với chính quyền các nước, không cho phép thực hiện. Không biết tác giả có tham gia vụ việc này không, nhưng thân nhân của người quá cố cũng đành âm thầm khép lại quá khứ theo sự cấm đoán này.

Hai là, chuyện cầu siêu do Thiền sư Nhất Hạnh đứng ra tổ chức. Thiền sư muốn cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân trong chiến tranh, trong đó có các binh sĩ Mỹ, binh sĩ VNCH và tù nhân bị cải tạo và thuyền nhân vượt biên.

Ngược lại, Hoà thượng Thích Trí Quảng, dựa theo sự phản đối của Đảng, đã yêu cầu là nên dành riêng cho những “liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Người chết trong chiến tranh hay trên biển khơi còn bị phân biệt đối xử như vậy, thì chuyện “phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại” là hoang tưởng.

Do đó, lời của ông Kỳ vẫn còn đúng: “… tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái… muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm”.

8.- “Trong đó, then chốt nhất, quyết định nhất là phải xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng thực sự của dân, do dân, vì dân; thực sự trong sạch, vững mạnh; thực sự xứng đáng là Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới.

Vấn đề mà tác giả cần đặt ra là Đảng CSVN xây dựng lại đất nước trên cơ sở lý thuyết nào và ai sẽ thực thi.

Cho đến nay, chủ trương của Đảng không thay đổi: Xây dựng một nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ.

Thực tế thì bộ máy của Đảng chỉ lo nâng cao vai trò của tư bản thân tộc và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế.

Điều hiển nhiên là các lý thuyết của đảng CSVN hiện nay vẫn còn bế tắc và cần phải được bổ sung.

Nếu muốn cải cách XHCN trong bối cảnh mới, có nghĩa là không nên hô hào độc tôn đảng quyền, bạo lực sắt máu và bảo vệ thân tộc. Ngược lại, Đảng phải nêu cao tinh thần tôn trọng dân chủ, bình đẳng, luật pháp và đem phúc lợi cho toàn dân, đó chính là một mô hình mà các nước Bắc Âu đã áp dụng thành công.

Còn việc thực thi chính sách mới, nếu còn tiếp tục chủ trương “Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới”, thì nhìn vào hiện tại, tác giả có thể suy đoán tương lai đất nước. Có hai trở lực chính:

Một là, do giáo dục tụt hậu mà hơn năm triệu Đảng viên, đa số là thiếu hiểu biết, lại còn mang thêm căn tính dối trá, bạo lực và kiêu ngạo. Đa số này không giúp cho Đảng có thể đáp ứng với các thách thức mới.

Hai là, phần thiểu số “Đảng viên nhưng mà tốt” không thể tạo ra các chuyển biến tích cực, nên trong tương lai, toàn dân cũng sẽ phải tiếp tục chịu đại bại.

Về lâu dài, bảo vệ đất nước và con người là các cải cách vô cùng cần thiết và dân chủ hoá là xu thế không thể tránh khỏi. Việt Nam phải du nhập hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, tôn trọng pháp luật, không phải là để lo cho sự tồn vong của chế độ mà là cho đất nước và toàn dân.

Do đó, đây là công việc chung của 100 triệu dân, không phải của riêng năm triệu Đảng viên. Chỉ khi nào tất cả đồng thanh viết lại một trang sử mới cho nước Việt, thì khi đó mới có sự hoà giải.

__________

Bài liên quan: Vietnam War: Understanding, Not Celebrating — Người Việt đừng quên ý nghĩa của ngày 30/4/1975 và chiến tranh Việt Nam — Lý Thuyết Đạo Đức Cho Hoà Giải Chính Trị – Colleen Murphy

Bình Luận từ Facebook:Đỗ Kim Thêm 9-5-2022