2014/04/15



VÀI GIAI THOẠI trong tập VÀO THIỀN của Doãn Quốc Sĩ

Giai thoại Một
Có hai thiền sinh, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ do Sư phụ giao phó, đương cùng đi sát bên nhau trên đường về. Cả hai vui vẻ đàm thoại về một vài đề tài quen thuộc, gần gũi với nếp sống hàng ngày.
Chợt cả hai ngừng nói chuyện! Phía trước mặt: một thiếu nữ xinh đẹp bận đồ mới tinhđương đứng khựng trên vỉa hè, nhìn thẳng xuống bên dưới mặt đường ngập nước. Rõ ràng nàng đương lúng túng không biết làm cách nào qua được sang bên kia đường để trở về nhà mà không bị vấy bẩn bùn nước.
Thiền sinh A lẳng lặng tới bế nàng trên hai cánh tay bước xuống, lội qua khoảng bùn nước, đặt nàng sang bên kia vỉa hè cao ráo, để sau đó nàng thảnh thơi cất bước trên đường về.
Suốt trên quãng đường còn lại trở về thiền viện, thiền sinh B không tươi vui trò chuyện với bạn như vừa rồi nữa, trái lại khuôn mặt đăm chiêu cố nén điều bực bội. Không khí im lặng thật nặng nề!
Chỉ còn một quãng nhỏ nữa là về đến Thiền Viện, thiền sinh B không thể nhẫn nại hơn được nữa, bèn cất giọng vô cùng bất mãn thống trách thiền sinh A:
- Tôi xin hỏi đạo hữu: Là một người tu hành mà đạo hữu đi bế một thiếu nữ đẹp trên tay qua quãng lội, đặt nàng sang bên kia đường. Như vậy coi có được không.
Thiền sinh A vẫn giữ nguyên vẽ bình thản-rất Thiền- chỉ hơi mỉm cười đáp lại:
- Đạo hữu ơi, tôi đã giúp nàng qua khoảng lầy lội, đặt nàng sang bên kia đường để nàng trở về rồi! Ai ngờ đạo hữu còn tiếp tục cõng nàng về đến tận đây!
Quý vị vừa chứng kiến trường hợp một không tâm hàm thụ thái độ hồn nhiên, bình thản. Giúp người xong, giữ lòng buông thả thung dung! Đúng với ý bài thơ Thiền tứ tuyệt:

Nhạn quá trường không
Ánh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Tôi đã dịch sang thơ Việt như sau:

Nhạn vỗ cánh cao bay miết mải
Hình nhạn chìm dưới đáy nước kia
Nhạn nào lưu dấu làm chi
Nước trôi cũng mặc kẻ đi người về.

Giai thoại hai
Giai thoại này minh họa về không tâm trong một trường hợp đặc biệt như sau:
Hôm đó vị thiền sự có một người bạn đến chơi. Người bạn nói là đến để hỏi ý kiến về một chuyện cần giải quyết.
Nhưng từ lúc được mời ngồi xuống trước bàn trà, người bạn nói liên chi hồ điệp về câu chuyện đã làm mình thắc mắc: Câu chuyện đã xảy đến ra sao; mình đã nghĩ gì; mình dự định đối phó ra sao, dự định giải quyết ra sao ...
Trong khi nghe người bạn cứ tiếp tục thao thao bất tuyệt như vậy, thiền sư lẳng lặng đặt một tách trà trước mặt bạn và bắt đầu rót trà ... tách trà đầy tràn ... đầy tràn ... Thiền sư vẫn tiếp tục nghiêng bình rót ... rót hoài ...
Người bạn phải tạm ngưng câu chuyện để nhắc thiền sư:
- Kìa, đạo hữu không thấy tách trà đầy tràn rồi sao?!
Thiền sư vẫn nghiêng bình tiếp tục rót, mỉm cười đáp:
- Thì nào có khác gì đạo hữu tới hỏi ý kiến tôi rồi cứ tiếp tục nói hoài về những ý nghĩ của riêng đạo hữu!
Vậy đó! Với những trường hợp này thiền sư muốn khuyên mình hãy giữ cho đượckhông tâm, tránh đầy ắp tư kiến có vậy mình mới có cơ lãnh hội trọn vẹn những gì người đối thoại muốn truyền đạt cho mình!
Hãy như chiếc chén rỗng sẵn sàng tiếp nhận nước trà thơm ngát rót vào!

Giai thoại ba
Giai thoại ba giải thích sâu xa hơn nữa, tinh tế hơn nửa về không tâm.
Một chàng trai trẻ tự cảm thấy mình có đạo tâm, tới bái yết một thiền sư xin làm môn đồ của Ngài. Thiền sư nói với chàng trai:
- Con hãy về rũ bỏ hết, không còn giữ một chút gì trong lòng rồi hãy đến đây xin thụ giáo ta!
Sau đó chàng trai đã nhiều lần tới trình diện, thưa với thiền sư là mình đã thục hiện không tâm, đã rũ bỏ hết rồi không còn giữ một chút gì trong lòng. Nhưng chàng trai vẫn bị thiền sư từ chối và bảo: Con hãy về rũ bỏ cho thật hết đi, rồi hãy tới đây!"
Sau cùng chàng trai đành thống thiết cung kính trình lại với thiền sư:
Thưa Thầy, con thực tình đã trút bỏ hết rồi mà không hiểu sao Thầy vẫn chưa cho con được nhập môn?!
Thiền sư giữ nguyên thái độ bình thản đáp:
- Con phải rũ bỏ cái biết mình đã rũ bỏ mới thật là rũ bỏ hết!
Đúng với ý nghĩa câu: Bồ Tát không biết mình là Bồ Tát mới thật là Bồ Tát!
Bình thản hồn nhiên, vô tư của không tâm trong Thiền học là như vậy đó. Nào khác gì chuyện Kosen tiên sinh chuẩn bị viết mấy chữ đại tự để sẽ cho khắc trước cổng lớn ngôi đền Oaku tại Kyoto. Tiên sinh phải viết những chữ đó lên giấy rồi tự giấy khắc vào gỗ. Một đệ tử ngồi hầu, mài mực và chăm chăm muốn được theo dõi nghệ thuật bút thiếp của thầy. Điều này làm thiền sư cảm thấy tâm trạng bất an làm sao ấy!
Lần đầu, tiên sinh vừa viết dứt, người đệ tử lắc đầu:
-Thưa thầy chưa được!
Tiên sinh sử dụng bút đại tự lần nữa. Người đệ tử nói:
-Thưa thầy lần này còn tệ hơn lần trước!
Tiên sinh viết lại lần nữa ... Cứ như vậy tới lần thứ sáu mươi tư thì thực là bút cùn mực cạn!
Thấy mực gần hết người đệ tử chạy vào nhà kiếm thêm. Còn lại một mình, không bị phân tâm bởi cái nhìn soi mói của kẻ ngồi bên, tiên sinh chấm bút vào nghiên, dùng chút mực ít ỏi cờn lại thảnh thơi phóng bút một lần cuối cùng. Vừa lúc người đệ tử trở lại, ngắm hàng chữ còn tươi nét mực và reo lên:
-Thưa thầy thật là tuyệt bút!
Nào có khác chi chuyện con rết đương nhịp nhàng bò lanh lẹ qua đây qua đó, bỗng gặp con cốc tinh nghịch hỏi đùa:
- Này chị Rết, chị bò lẹ như vậy thì chân nào trước, chân nào sau nhỉ?
Thế là nàng Rết ta bị phân tâm trở thành vụng dại nằm bò lê bò càng dưới rãnh, cố nghiên cứu phân tích, tìm hiểu xem chân nào chuyển động trước, chân nào chuyện động sau ... Tội nghiệp!
Bình thản, hồn nhiên, vô tư trong Thiền học là như vậy đó!
Nếu phải dịch không tâm sang Anh văn, tôi sẽ chọn danh từ Equanimity chỉ sự điềm tĩnh, thanh thản, thư thái hồn nhiên trong sáng!
Tới đây chúng ta cần minh xác một điểm cuối cùng nữa để tránh ngộ nhận:
Không tâm không hề là ngoan không!
Ngoan không là cái không trống rỗng, không có gì! Trái lại không tâm trong Thiền học là không tâm, diệu hữu! Không tâm để có được thái độ phá chấp, thức tỉnh hồn nhiên, do đó mới thoát mọi ngã chấp, ngã mạn mà bình thản tiếp nhận sáng suốt tất cả những gì xẩy đến để bình tĩnh giải quyết, bình tĩnh đối phó hữu hiệu, hợp tình, hợp lý trong hoàn cảnh đó.

Để kết thúc câu chuyện hôm nay, tôi xin được kể thêm một câu chuyện ngắn gọn nữa, nhưng không kém phần sâu sắc, đề cập tới tư tưởng Tri và Hành một đề tài thường xuyên cập nhật, sốt dẻo trong nhịp sống hàng ngày của chúng ta.

Giai thoại bốn: Tri và Hành
Vào thời Tetsugen, kinh Phật chỉ mới có ở Trung Hoa mà chưa hề được ấn hành tại Nhật, Tetsugen quyết định đi hết tỉnh này đến tỉnh nọ quyên tiền để chuẩn bị in kinh Phật bằng mộc bản.
Sau mười năm lặn lội vất vả đi khắp nước Nhật, Tetsugen thấy rằng số tiền quyên tương đối đã đủ. Nhưng việc cho khắc bản gỗ vừa sắp bắt dầu thì xảy ra vụ thiên tai: Nước lụt lớn, mùa màng hỏng sạch, dân chúng bị đói.
Tetsugen dùng số tiền ký cóp quyên trong mười năm qua mua gạo phát chẩn cứu dân đói.
Sau đó Tetsugen lại đi quyên nữa cho việc dự định ấn hành kinh Phật. Ít lâu sau, số tiền quyên cũng tạm đủ như lần trước. Rủi thay, lần này khắp nước Nhật bị dịch thời khí. Hàng ngàn gia đình không thể sống qua ngày được, nếu không được cứu trợ! Tetsugen lại đổ số tiền quyên được ra giúp đỡ đồng bào bị dịch thời khí.
Khi tai qua nạn khỏi xong xuôi. Tetsugen khỏi sự công việc lận đận đi quyên tiền lần thứ ba. Lần này ước nguyện của Tetsugen mới được thành tựu. Kinh Phật đã được khắc và in, Tetsugen nhắm mắt lìa đời hài lòng!
Nhưng với những người hiểu biết, họ đồng ý với nhau rằng: Kinh Phật của Tetsugen như vậy thực đã được ấn hành ba lần lận! Hai lần ấn hành trước, dưới hình thức cứu đói và cứu dịch thời khí, tuy chưa có kinh in thành chữ mà đọc, nhưng giá trị xem ra lại vượt xa bản kinh đã được thực sự ấn hành vào lần sau cùng.
Vì bản ấn hành tuy sau cùng thực hiện được đấy, nhưng nếu chỉ có vậy thì cũng chỉ là Những giòng chữ in suông trên trang sách mà thôi, đâu có thể hiện thành sự kiện cụ thể?
Tri mà không Hành hỏi ích lợi gì cho đời, ích lợi gì cho nhân quần xã hội?!

Doãn Quốc Sỹ
(Ngày Nay Minnesota số 205, ngày 15-12-1997)

Nhạc thiền


KHÔNG THỂ

 (Từ CÓ THỂ của PHONG TÂM)

Có thể hay không thể
Em không chịu đâu nè !
Đừng nên có thể nha
Không thể và không thể

Em chẳng chấp nhận đâu
Có thể tồn tại mãi
Vĩnh cưũ ỏ nhân gian
Em muốn vậy đó mà

Không cho anh có thể
Tìm không thấy bóng anh
Em buồn lắm biết không
Không thể em không thể

Chấp nhận cái hư không
Chấp nhận cái vô thường
Em chỉ cần hiện hữu
Trường tồn mãi trên đời

Đi đi, về  có nhau
Không cô đơn quạnh qu
Ấm áp mãi ngàn năm
Cho đến ngày tận thế

Ngày ấy chưa có đến
Nên có thể không thể
Chẳng gì phải lo âu
Cái đến ắt phải đến

Thoải mái và vô tư
Trong niềm vui mãn nguyện
Với nụ cười thanh thản
Ném cái buồn xa tít

Không cần nghỉ ngợi nhiều
Anh em giữ điều vui
Sao lại không có thể
Ha ha hi hi !?

Nguyễn Tuyết
ÁO TRẮNG  - Huy Cận
Diễn ngâm: Hồng Vân


Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng, em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon,
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời,
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày,
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.

Huy Cận

TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH
Nguồn: Internet
NỖI NIỀM

Quê hương rày đã khuất xa,
Ngồi đây ngắm tuyết, thiết tha nỗi buồn.
Quê hương một góc trời thương,
Chiều nay nhớ quá, khói vương ruộng đồng.
Quê hương mõi ngóng, mòn trông,
Nhớ thời thơ ấu, nhong nhong tắm truồng.
Quê hương là món cà tương,
Chiều mưa rét mướt, mẹ nhường phần con.
Quê hương ôi quá mõi mòn,
Mù xa tít tắp, liệu còn về không?
Quê hương chôn chặt nỗi lòng,
Ủ vào sâu thẳm, để không khóc thầm.
Quê hương đẹp ánh trăng rằm,
Đêm nghe mẹ kể, con nằm đếm sao.
Quê hương hai tiếng dâng trào,
"Ngày xưa Hoàng thị", lẽ nào quên sao?
Quê hương ôi quá xốn cào,
Niềm đau ray rức, xát bào ruột gan.
Lưng trời đất khách mênh mang,
Mái đầu điểm tuyết, chưa tan khối sầu.

Trần Văn Dõng
Nguồn: Internet

ÁO DÀI VÀNG GỌI LAO XAO

Áo em vàng tợ rằm sa xuống đời
Hồng Băng

Vàng lên cho mắt chói chang
Cho tim run rẫy hồn chàng ngẫn ngơ
Vắt vai một mớ tóc tơ
Chảy dài trước ngực hững hờ làm duyên
Nụ cười má lúm đồng tiền
Mắt nheo mời gọi ngã nghiêng anh hào
Áo dài vàng gọi lao xao
Nắng hè về lại ngọt ngào trong tôi.

Anh Tú
April 15, 2014

2014/04/14

Nguồn Internet
ÁO EM VÀNG TỢ RẰM SA XUỐNG ĐỜI*

Bồ đề rụng lá hôm qua
Áo em vàng tợ rằm sa xuống đời
Từ ly hạnh ngộ vương rơi
Ngón tay em búng vỡ trời hư không.

    Hồng Băng
   Trích TC
    

2014/04/13

RUN FOR LIFE


Nhận xét: Tri thức, tài nghệ, đa mê và kiên nhẫn mới thực hiện được clip này. Tuyệt!
CÓ NHỮNG ĐÊM

Thơ: Đỗ Hữu Tài
Nhạc: Con Chỉ Là Tạo Vật
Sáng tác: Phanxicô
Nhạc Sĩ: Phạm Đức Thành
Clip: Khúc Giang

THOÁNG MƠ

Chỉ gặp nhau thoáng một lần
Mà nghe như đã quen thân trong lòng
Đường đi lối rẻ song song
Nhưng sao đêm nhớ ngày mong chung đường
Đêm về tin nhạn yêu thương
Nghe như hạnh phúc vấn vương suốt đời.

Nguyễn Tuyết
09/4/2014


TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH


MƯA HUẾ

Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi,
Mà nghe lạnh buốt khung trời trong ta.
Cho dù Huế đã rời xa,
Mà sao còn mãi âm ba cõi lòng.

Chập chờn nỗi nhớ niềm mong,
Người em thôn Vĩ, bóng hồng trong mơ.
Ai về xứ Huế đẹp thơ,
Vui lòng mang cả giấc mơ tôi về.

Trần Văn Dõng

2014/04/12

TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH


TRÀNG TIỀN HUẾ THƯƠNG

 Lộng lẫy soi mình dưới mặt sông,
Lung linh,huyền ảo tợ thân rồng.
Tràng Tiền mấy nhịp đôi bờ nối,
Thanh thoát yêu kiều dáng vút cong.
Ới hỡi người em,cô gái Huế,
Tan trường chậm bước có tôi mong.
Qua cầu cánh bướm vờn trong gió,
Ôi đất Thần Kinh đẹp não lòng.


Trần Văn Dõng
TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH


THUYỀN CÂU TRÊN SÔNG HƯƠNG

Sông Hương lạnh lẻo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.*
Phượng vĩ buông tàn, sương khói tỏa
Ngàn năm Huế vẫn đẹp hanh heo.

Trần Văn Dõng
*Xin cáo lỗi cụ Nguyễn Khuyến

DUYÊN PHẤN

Tóc em rối rắm từng ngày
Nửa trao duyên phận, nửa ngoài cánh sương
Tình em gởi gió muôn hương
Băn khoăn góp những mùa thương chưa đầy

Đôi bàn tay vẫn từng ngày
Chia mười ngón nhỏ đếm hoài thời gian
Nửa đời mất nửa dung nhan
Mấy mươi năm phấn trắng ngang mái đầu

Nửa cung lạnh, nửa phím sầu
Đò qua nước lại nông sâu bến bờ
Ru con lay lắt trong mơ
Ru em cạn ngọt máu thơ của chồng

Kín hương tím ngọn sầu đông
Em quên sao được cánh đồng xanh non
Phấn hồng tô đậm nét son
Khói sương lẫn khói nắng còn mênh mông

Em ôm nghiệp chữ vào lòng
Tóc đen trắng bụi phấn đồng hóa xanh
Rựng đông bấc mỏng sương mành
Búp hoa đã nở trên cành tay quen

Bao nhiêu cánh trắng như sen
Mươi năm sau có là em bây giờ.

Phong Tâm
17.10.13


2014/04/11

TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH


KHÔNG ĐỀ


Ai về xứ Huế cho tôi gởi,
Chút nắng hanh vàng sưởi ấm em.

Trần Văn Dõng
Những Tình Khúc Bất Hủ
Ca sĩ: Ngọc Lan

TRƯỚC NGÕ CHỜ AI

Chiều nay trước ngõ chờ ai
Để nhìn mái tóc ngang vai lưng mềm
Mùa xuân gió thổi êm đềm
Nghiêng vài ngọn cỏ bên thềm nhà bên

Đường chiều sao thấy buồn tênh
Mưa rơi ngõ vắng mông mênh con đường
Không ai...giận cả vách tường
Làm sao bối rối lúc nhường ai qua...

Chiều nay vắng bóng người ta
Chừng như trên góc tường hoa biếng lười
Hay ta không thấy ai cười
Nên hoa ủ rũ vì người chiều nay ?

Xuân về ướm mộng cơn say
Có con bươm bướm đang bay một mình
Bao lâu hoa nở nụ tình
Để ta trước ngõ được nhìn dáng ai...
 

Đỗ Hữu Tài
TỪ VÙNG NHỚ PHƯƠNG THÀNH


CÔ GÁI HUẾ

“Yêu kiều dáng vẻ liêu trai,
Nhẹ buông suối tóc,hao gầy dáng mai.
Ngàn xưa Huế đẹp trang đài,
Nón bài thơ ấy, gót hài làm duyên".

Trần Văn Dõng
HƯƠNG BỒ KẾT

Trên chuyến máy bay đến Seattle, Tôn đã ngồi vào chiếc ghế của mình. Hành khách tiếp tục di chuyển trên hành lang máy bay. Từ xa một thiếu nữ tay xách túi nhựa, tay kéo chiếc va ly nhỏ đang nhìn dáo dác tìm số ghế. Trông khuôn mặt và mái tóc của cô gái, Tôn chợt thấy lòng bồi hồi, xao xuyến. Bóng dáng cô gái phảng phất hình ảnh một người mà chàng cảm thấy rất thân quen. Thiếu nữ dừng lại trước dãy ghế Tôn đang ngồi. Nhìn kỹ số ghế một lần nữa rồi nàng đặt túi xách lên chiếc ghế trống mỉm cười xã giao với Tôn:
- Chào Bác. Xin lỗi, bác là người Việt Nam?
- Vâng, chào cô.


Tôn trả lời rồi đứng lên giúp nàng bỏ va li vào khoang hành lý mà cô bé đang cố gắng nâng lên vượt quá tầm cao của nàng.


Mái tóc dài đen tuyền và láng mướt, thoang thoảng hương thơm trái bồ kết gội đầu, một loại hương đã ngấm sâu trong tiềm thức của Tôn. “Cô bé nầy chắc từ Việt Nam mới sang”, chàng thầm nghĩ, rồi cất tiếng hỏi :

- Xin lỗi, cô từ Việt Nam mới qua Mỹ?
- Thưa Bác không ạ. Với giọng Huế ngọt ngào, nàng từ tốn tiếp:
- Cháu qua Mỹ đã 8 năm rồi.

Sống ở cái xứ khoa học công nghiệp hóa chất, mọi sản phẩm đều bào chế sẵn mà cô gái nầy còn giữ được thói quen dùng nước bồ kết, lá chanh gội đầu, khiến Tôn tò mò :
- Tám năm sống ở Mỹ mà cô vẫn giữ được thói quen gội đầu bằng đặc sản quê hương. Người Việt như thế thật hiếm thấy.
- Bác ơi, đây là ý muốn của Me cháu.

Cô bé đưa hai tay tóm gọn mớ tóc dài lòa xòa bên má ra sau ót rồi đon đả tiếp:
- Từ lúc cháu còn bé cho đến giờ đây đã trưởng thành mà Me cháu cứ bắt cháu gội đầu bằng nước chùm kết. Me cháu bảo gội đầu bằng loại trái bồ kết với lá chanh vừa sạch gầu lại không làm hại da đầu, giữ tóc mềm óng mượt và không rụng tóc. Cứ mỗi cuối tuần, me cháu nấu sẵn một nồi nước bồ kết để phần cho cháu. Mái tóc dài nhiều lúc làm việc nó vướng víu, gây phiền toái lắm. Hễ mỗi lần cháu đòi cắt tóc ngắn thì Me cháu buồn bã, bỏ ăn. Me lại nhắc đến “điệp khúc” mà trên hai chục năm qua cháu thuộc nằm lòng : “ Ngày xưa Ba con thường khen me : Mái tóc dài óng ả của em và hương bồ kết nó quyến rũ anh đến đê mê ngây ngất. Anh muốn con gái của chúng mình sau nầy cũng có mái tóc dài như mẹ nó”. Cô gái nói một hơi, không e dè mà lại chân tình khiến Tôn có cảm tình ngay.


Riêng “cái điệp khúc của me” mà cô nhắc tới khiến cho Tôn ngạc nhiên. Nó trùng hợp với ý tưởng mà ngày xưa chàng hay tâm sự với người yêu. Ngồi ngay dậy, chàng nhìn vào mắt cô bé, hỏi:
- Xin lỗi, Me cô bây giờ ở đâu?
- Me cháu cùng ở thành phố Seattle với cháu.

Cô gái lấy tấm chăn đắp lên mình rồi nhìn Tôn, thân thiện hỏi :
- Thưa, bác qua Mỹ đã lâu chưa?
- Tôi vượt biên qua đây đã 16 năm rồi. Thế quý danh của cô?
- Cháu tên Nguyễn Thị Trọng Nhi.
- Ba cô hiện đang làm gì?
- Ba cháu tử trận lúc cháu còn trong bụng mẹ.
- Cô qua đây theo chương trình nào vậy?
- Ðoàn tụ. Cậu cháu bảo lãnh bà Ngoại và hai mẹ con cháu.
- Thế, ông cậu cô tên gì?
- Hà Thúc Tâm.

Tôn sửng sốt, chồm người về phía cô bé hỏi:
- Cô còn người cậu nào nữa không?
- Dạ còn ông cậu sinh đôi.
- Tên gì? Tôn nôn nao gần như mất điềm tĩnh.
- Hà Thúc Trí.

Trống ngực chàng đánh liên hồi như ngày xưa chờ nghe kết quả của mỗi mùa thi. Tôn ngã lưng vào ghế dựa cố dấu những cơn thở gấp của mình. Một chặp lâu, lấy lại bình tĩnh, Tôn hồi hộp hỏi :
- Có phải tên me cháu là Hà Thị Việt Anh?


Bây giờ, đến phiên cô gái ngạc nhiên thốt lên :
- Sao Bác biết tên me cháu?


Tôn chưa kịp trả lời thì máy bay bắt đầu hạ cánh. Khí áp làm cho hai tai chàng lùng bùng không còn nghe được gì cả.


Khi rời máy bay, Tôn kéo giúp hành lý cho cô gái. Chàng cho Trọng Nhi biết hai ông cậu của cô là bạn thân của mình lúc còn ở quê nhà. Tôn trao mảnh giấy có ghi số điện thoại và kèm theo tên của chàng, căn dặn:
- Cháu về nói với cậu Tâm và Trí gọi phôn cho Bác. Tôn cũng không quên xin nàng số điên thoại.


* * *
Vợ chồng người em đón Tôn ở phi trường. Ngồi trên xe, hồi ức về quá khứ bỗng hiện ra rõ mồn một trong trí nhớ của chàng dù thời gian đã cách xa trên phần tư thế kỷ:

...Sau giờ tan học, Tôn vội vã đạp xe thẳng tới nhà của Tâm và Trí, hai cậu học trò nhỏ sinh đôi cùng học lớp đệ Ngũ mà Tôn đã nhận dạy kèm từ mấy hôm trước. Căn nhà hai tầng, khang trang nằm sâu trên con đường hẻm rộng chạy dọc theo bờ thành nhà thờ “Ba Chuông”. Từ ngày nhận việc, bà Thùy, mẹ của hai em cho phép Tôn đi thẳng lên lầu, nơi có phòng riêng dành cho con của bà học tập mỗi ngày. Căn phòng có đầy đủ bàn ghế học trò, bảng đen, quạt trần như lớp học thu nhỏ. Một cửa lớn mở ra sân thượng chưng nhiều chậu kiểng. Những cái chậu bằng sứ tráng men đủ màu sắc trông rất cổ kính. Ða phần là loại cây cảnh bonsai được cắt tỉa rất công phu. Thế cây nào cũng hoàn hảo, phối hợp giữa gốc rễ, cành lá đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Nơi đây là cây tùng gốc to, đầy những u nần như vị sư già ngồi thiền dưới tàn cây uốn cong rất mỹ thuật. Chi nhánh gốc rễ của nó đều toát lên tính thẳng ngay, thâm trầm, sâu sắc mà phóng khoáng. Kia là cặp sứ, rễ mọc nổi vồng như loài rắn quấn chặt với nhau trong cái chậu nước men màu xanh nhạt. Và gốc bồ đề già cỗi trên một trăm năm tưởng chừng vòm cây sẽ phủ bóng cả một vùng rộng lớn nay đành chịu khép mình trong cái thể tích nhỏ nhoi. Ðặc biệt nhất là gốc mai, da cây lão thọ nổi vẩy sần sùi chứng tỏ tuổi của nó cũng không kém gì gốc bồ đề kia lại thêm hình dáng rất gợi cảm. Theo quý cụ sành chơi bonsai thì cây mai ở thế hoành, tượng trưng cho sự mềm mại, uyển chuyển hào hoa của người nghệ sĩ. Lại thêm bộ rễ thưa xoải ra vững vàng tăng phần đường bệ.


Mọi lần bấm chuông, Tôn được bà Thùy mở cửa. Hôm nay, người mở cửa là một thiếu nữ. Với giọng Huế ngọt ngào, cô cất tiếng hỏi :
- Thưa ông tìm ai?
- Tôi đến dạy kèm mấy cậu em ở nhà, Tôn trả lời.
- Ồ, thế à, xin lỗi, chào thầy.
- Không dám, chào cô.

Tôn chào trả lễ rồi đi thẳng lên tầng lầu. Trong mười phút nghỉ giữa buổi học, chàng được hai cậu học trò cho biết cô gái mở cửa lúc nãy tên Việt Anh, là người chị lớn nhất trong nhà. Chị đi thăm bố ở Cần Thơ mới về hôm qua. Ông bố hiện là Chủ tịch công ty các nhà máy xay gạo nằm rải rác tại các tỉnh miền Tây.

Hết giờ dạy, Tôn ra về. Việt Anh mở cửa tiễn chàng đến bậc thềm. Suối tóc đen tuyền phủ kín bờ vai thon nhỏ chảy dài đến tận thắt lưng. Mùi hương của trái bồ kết và lá chanh thoảng bay từ mái tóc mới gội của nàng khiến Tôn nhớ đến mẹ trong những tháng năm còn thơ ấu. Chàng yêu thích và trân quý mùi hương đó, cái mùi của đồng quê dân giả. Mái tóc mẹ rậm và dài đến quá đầu gối. Mỗi lần gội đầu xong, mẹ phải ngồi trên chiếc ghế đẩu cao hong tóc ngoài hiên nhà. Những lúc ấy Tôn lại sà vào lòng mẹ để nghe mùi thơm nồng của nước bồ kết với lá chanh. Hình ảnh mái tóc mẹ như quấn chặt tuổi thơ của Tôn cho đến ngày khôn lớn.

Cái mượt mà và hương thơm bồ kết của mái tóc Việt Anh như quyến rũ, như gợi nhớ những kỷ niệm ngày xưa. Hình ảnh của Mẹ chợt sáng bừng lên trong tâm tưởng chàng mà bao lâu nay đã lắng đọng trong tiềm thức. Giờ đây, niềm cô đơn trong Tôn như đang chơi vơi giữa biển khơi cần nơi bám víu. Mái tóc và mùi hương “phù thủy” của Việt Anh nó cuốn hút chàng, mê hoặc chàng kết tụ thành “Tiếng sét ái tình!”

Nét duyên dáng của Việt Anh phần lớn nhờ mái tóc đen tuyền che một phần khuôn mặt trông rất “liêu trai”. Nước da nàng trắng hồng thêm cặp mắt đen tròn loáng thoáng chút gì ngây thơ. Trong giờ dạy, Tôn nghe tiếng đàn piano vọng lên từ phòng khách dưới lầu. Tiếng đàn khá điêu luyện của Việt Anh đủ biết cô con gái cưng ông bà Thùy đã được tập luyện dương cầm từ lúc còn bé thơ.


Thời gian sau nầy, khi hết giờ dạy, Tôn thường lưu lại chơi đàn với hai cậu học trò. Tuy nhỏ tuổi nhưng các cậu ấy chơi guitar khá thạo. Một hôm Tâm và Trí yêu cầu Tôn hát. Sẵn với tâm trạng nhớ nhà, chàng vừa đàn vừa hát bản nhạc “Bông Hồng Cài Áo”. Thơ của Nhất Hạnh, Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. Chàng để hết tâm hồn vào lời ca tiếng nhạc, quên tất cả những gì chung quanh. Chỉ còn lại là hình ảnh của Mẹ ôm chàng vào lòng trước khi chàng xa mẹ. Ðến phần điệp khúc: “...Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền, Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối...”. Bỗng nước mắt Tôn ứa ra. Chàng khóc như ngày nào chàng đã khóc trong vòng tay Mẹ. Hương bồ kết trên tóc Mẹ phủ lên mặt chàng đã lưu mãi trong ký ức chàng suốt quãng đời xa xứ. Bài ca vừa dứt, có tiếng vỗ tay lẻ loi phía sau lưng Tôn.




Quay nhìn, chàng thấy Việt Anh đứng dựa vào tấm bảng đen, nàng khẽ nói:
- Anh hát xúc động quá.
Tâm, Trí cũng đồng tình :
- Thầy có giọng hát rất truyền cảm.
Tôn cảm ơn Việt Anh và hai em, rồi ra về.

Những ngày tháng sau đó, tình cảm của mọi người trong gia đình bà Thùy đối với Tôn cởi mở và gần gũi nhiều hơn. Vào ngày cuối tuần, thầy trò không còn vui chơi riêng rẽ trên phòng học nữa mà mang đàn xuống phòng khách cùng với Việt Anh đệm piano cho mọi người thay nhau hát solo. Một hôm Việt Anh hát tặng Tôn bài hát “Tóc Mây sợi vắn sợi dài”
Tôn đứng dậy bắt tay cảm ơn nàng. Hai người nhìn nhau với ánh mắt nồng nàn và hai tâm hồn giao cảm.

Buổi dạy hôm sau, Tôn bắt gặp một tập vở bìa cứng của Việt Anh bỏ quên trên bàn học của Tâm và Trí. Tò mò, chàng mở ra xem. Trong đó, gồm những bài thơ sưu tầm của những tác giả đã nổi tiếng xưa nay. Một số bài khác do chủ nhân cuốn tập sáng tác. Riêng bài cuối cùng Việt Anh đề: “Riêng tặng một người tên T...” nhiều ẩn ý và già dặn, chứng tỏ cô bé đọc nhiều thơ và khá lãng mạn :

“Em gặp anh giữa Hạ vàng xế nắng,
Chợt hồn mình mát rượi ngỡ chiều Xuân
Nghe tim em những xao xuyến thì thầm...
Dù ánh mắt anh vẫn người xa lạ.
Giữa vườn hoang em chỉ là chiếc lá
Chiếc lá cô đơn, bé nhỏ úa nhàu
Mong trời mưa cho xanh lá tươi màu
Trên sa mạc tình cát khô bỏng lửa...”

VA.

Sau giờ dạy, Tôn viết vào tập thơ bài thơ : Dáng Em “Riêng tặng VA”

“Mượt mà từng sợi tóc mây
Ai nâng cung bậc so dây tơ chùng
Ai buồn cho mắt mông lung
Ai vui hàng ngọc sáng trưng nụ cười?

Ngọc ngà mười búp măng tay
Lướt trên phím nhạc ru say điệu buồn
Tóc vờn nắng ráng chiều vương
Cho mây về ngụ tận phương trời nào
Ngẩn ngơ bên cánh hoa đào
Môi Em hồng nụ, tuổi ngào ngạt hương
Quê nhà năm tháng mù sương
Tương tư về đọng sân trường - dáng em...”

Ngày hôm sau, khi mở cửa, Việt Anh trao cho Tôn một mảnh giấy, nàng viết : “Cảm ơn anh đã tặng cho VA bài thơ rất dễ thương. Thứ hai tuần tới em bắt đầu vào học lớp luyện thi tú tài toán tại trường Lê Bảo Tịnh. Trước khi đến dạy Tâm và Trí, anh nhớ chờ em trước cổng trường để cùng về nhà luôn thể, VA”

Từ hôm đó, chàng và nàng thường bước song đôi trên quãng đường Trương Minh Ký. Ðôi khi Tôn chở nàng trên xe đạp. Tình cảm của hai người mỗi ngày mỗi đậm đà, khắng khít.

Rồi một hôm...

Trời Tháng Tư, Sài gòn có những cơn mưa bất chợt. Việt Anh và Tôn bước song đôi trên lề đường về nhà. Bỗng đám mây đen xuất hiện bất ngờ, Việt Anh thúc Tôn chở nàng về kẻo mưa kéo tới. Ngồi lên ba-ga xe, nàng vòng tay ôm bụng người yêu và Tôn chuẩn bị đạp xe đi. Chợt, tiếng còi xe hơi vang lên phía sau, rồi tiếng thắng của xe rít lên phía trước. Chiếc xe nhà màu đen bóng loáng vừa tấp vào lề, một người đàn ông trang phục vét-tông ca-vát, bệ vệ mở cửa bước ra. Việt Anh vội vã rời khỏi xe đạp tiến về phía người đàn ông kêu lên mừng rỡ :
- Ba! Ba về hồi nào?

Ông ta không trả lời, dang tay tát vào má nàng, đưa ánh mắt khinh khi nhìn Tôn rồi đẩy vai Việt Anh hối thúc:
- Lên xe về ngay.

Nàng ôm mặt khóc, lặng lẽ bước lên phía sau xe, ông đóng sầm cửa lại.

Chiếc xe hơi đã đi khá xa mà Tôn vẫn còn đứng tại chỗ như “trời trồng”. Lồng ngực chàng như có ai siết chặt bằng sợi dây thừng. Trái tim Tôn nhói đau và toàn thân như tê dại. Dựng xe vào lề đường, chàng đến dựa vào gốc cây cho qua cơn choáng váng. Lần đầu tiên chàng nhìn thấy bố của Việt Anh, một thương gia đầy thế lực tại miền Tây. Ánh mắt của ông thương gia giàu có nhìn Tôn vừa giận dữ, vừa khinh miệt cùng cái tát thô bạo của ông lên má con gái đã khiến Tôn không còn kính phục. Cái tát tàn nhẫn giáng vào má Việt Anh có khác nào mũi tên phóng vào trái tim Tôn. Năm dấu ngón tay in hằn trên chiếc má mịn màng, măng tơ của người yêu là vết thương để lại trong trái tim chàng. Vì thế, Tôn quyết định bỏ dạy kèm cho hai cậu học trò mặc dầu chàng yêu Việt Anh và rất mến hai đứa em nàng. Tôn cũng kính trọng bà Thùy, vợ của ông ta. Người đàn bà sinh trưởng bên dòng sông Hương, đôn hậu, điềm đạm sống chiều chuộng chồng con.

* * *
Cuộc sống tấp nập, hối hả giữa thành phố Sài Gòn đông đúc như dòng nước cuốn xoáy không ngừng. Chỉ trừ những ngày Tết Nguyên Ðán mới thực sự mang lại cho người Sài Gòn niềm rạo rực tuổi thơ và sự nghỉ ngơi suốt một năm trời vất vả.

Ngày cuối năm, Tôn dạo chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Nơi đây người ta chưng đủ các loại hoa rực rỡ suốt một đoạn đường. Khu cây kiểng bonsai cũng muôn hình muôn vẻ. Tôn thích thú ngắm hết ảng nầy qua ảng khác. Chợt, một gốc mai già hiện ra trước tầm mắt khiến chàng chú ý. Gốc mai cổ thụ có hình dáng rất thanh tao, phóng khoáng mà kiêu sa. Những búp hoa no tròn xanh mướt, đệm dăm bảy bông đã nở vàng óng ả. Cây mai cuốn hút chàng, bởi nó như là một kỷ niệm hiện về.

Chàng khẻ kêu lên : “Chẳng lẽ đây là gốc mai già trên sân thượng nhà Việt Anh?” Ðưa mắt nhìn quanh khu cây kiểng, chàng phát giác thêm gốc cây tùng như một thiền sư ngồi kiết già dưới vòm cây cổ thụ. Tôn tự hỏi tại sao những cây bonsai quý giá nầy lại về tay kẻ khác. Chàng tò mò hỏi người chủ đứng bán:
- Thưa ông, làm sao ông có những cây cổ thụ quý giá nầy?
- Ngộ mua từ một tay trung gian pán lại.
- Thế ông có biết tên người chủ trước của những cây nầy.
- Làm sao ngộ piết được, cái lị lầy!

Tôn lập tức quay về, phóng xe đến nhà Việt Anh. Hỡi ôi! Căn nhà đã đổi chủ. Chàng nhìn lên sân thượng trống không, ngẩn ngơ một hồi lâu. Ðã xảy ra chuyện gì cho gia đình bà Thùy? Tôn về nhà mà lòng cứ băn khuăn mãi.

* * *
Quân trường Thủ Ðức, ngày cuối tuần tấp nập thân nhân Sinh viên Sĩ quan đến thăm. Vì mới nhập khóa chưa đến ngày lễ gắn alpha do đó Tôn không được đi phép cuối tuần. Nằm lẻ loi trong phòng đại đội khóa sinh, Tôn thấy nhớ mẹ xót xa. Bỗng, thằng bạn trực đến gõ chân chàng báo có thân nhân đến thăm. Tôn phóng mình xuống đất, vội vã sửa lại quân phục chỉnh tề, lau đôi giày thật bóng, đội chiếc mũ nồi đúng quy định, rồi chạy một mạch ra ngoài khu tiếp tân.

Ðứng trong hàng quân chờ đợi sĩ quan trực gọi tên, Tôn suy đoán ai là người đến thăm mình. Người chị bà con và Trần Thịnh bạn dạy cùng trường đã đến thăm tuần vừa rồi, mình còn ai nữa đâu. Chợt loa phóng thanh gọi tên Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Trọng Tôn kèm theo đơn vị khóa sinh. Từ trong đám thân nhân ngồi chờ nơi lều khách, một người con gái bước ra. “Việt Anh!” Tôn thầm kêu lên. Làm sao nàng biết chàng bị động viên vào đây. Lòng bồi hồi xúc động, Tôn bước đến bên nàng. Việt Anh nhìn Tôn với ánh mắt chan chứa yêu thương, rồi từng giọt lệ lăn tròn trên má. Nắm lấy tay nàng, bàn tay mỏng mảnh gầy gò, Tôn đưa nàng đến ngồi dưới bóng mát của tàn cây. Bỗng, nàng gục đầu vào vai Tôn khóc nức nở :
- Ba em mất rồi, anh có biết không? Nàng đau đớn hỏi chàng trong nước mắt.
- Hả, bố em chết? Tôn bàng hoàng kêu lên.

Nàng tiếp.
- Một quả lựu đạn nổ trong phòng của ba em. Người chết ngay trong giấc ngủ. Ðến bây giờ vẫn chưa biết nguyên nhân nào gây ra án mạng. Vì cạnh tranh trên thương trường hay thù oán trong tình trường? Chẳng biết nữa. Công tác điều tra dường như bế tắc. Các cổ phần lần lượt rút ra. Công ty của ba hoàn toàn bị phá sản. Me em đã bán căn nhà cũ, bán luôn chiếc đàn piano, mấy chục ảng kiểng trên sân thượng. Bà mua một căn nhà nhỏ ở gần chợ Thủ Ðức. Em không theo đại học, ở nhà phụ với me bán sạp vải để lo cho Tâm, Trí ăn học. Vừa rồi, em gặp thầy Thịnh, bạn anh cho biết anh đã nhập ngũ. Nhờ vậy, em mới vội vã vào thăm anh. Me, Tâm và Trí nhắc đến anh luôn. Chúng nó không biết lý do gì mà anh bỏ dạy, bỏ luôn số tiền lương trong tháng. Phần em thì vô cùng đau khổ. Biết anh giận và coi thường ba em đã đối xử thô bạo với con gái của mình ngoài đường phố. Em không dám trách anh đã xa lánh em. Hành động của ba em đã xúc phạm lòng tự ái của anh. Giờ đây ba không còn nữa, mong anh xóa hết cho Người. Việt Anh ngưng nói úp mặt vào ngực chàng thổn thức. Tôn quàng tay siết chặt đôi vai gầy cánh hạc và nhẹ nhàng hôn lên mái tóc thoang thoảng hương bồ kết lá chanh của nàng khiến lòng chàng ấm lại dưới bầu trời rực nắng của những ngày đầu Xuân.

Sau ngày mãn khóa, các tân sĩ quan được nghỉ phép về thăm gia đình. Tôn dành hết thời gian ấy để gần gũi và an ủi Việt Anh. Tình yêu nồng nàn, say đắm, họ hối hả cho nhau những giờ phút thần tiên nhất của đôi tình nhân đã phải mất nhau một thời gian khá dài. Những ngày hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng đã khắc sâu trong tìm thức của hai người những kỷ niệm một đời khó phai.

Thấm thoát mấy tuần lễ đi phép qua nhanh, Tôn từ biệt người yêu lên đường ra đơn vị. Việt Anh đã ngất xỉu trên tay chàng khiến Tôn chần chừ mãi. Ðến phút chót, chuyến máy bay quân sự sắp đến giờ cất cánh, chàng mới giao cho hai em Tâm và Trí chăm sóc người chị gái...

* * *
Xe đột ngột quanh gấp vào cửa ngõ rồi dừng lại trong garage, khiến dòng ký ức của Tôn bị cắt ngang. Chàng uể oải vào nhà. Chưa kịp thay áo quần thì phôn tay reo lên, Tôn vội vàng mở phôn :
- Hello, tôi nghe.

Bên kia đường dây, giọng một ngưới đàn ông :
- Xin cho gặp ông Nguyễn Trọng Tôn.
- Vâng, Tôn đây.
- Hi anh Tôn, em là Hà Thúc Tâm. Cháu Nhi mới cho em biết số điện thoại của anh. Mừng quá nên em gọi liền cho anh. Ôi, từ bao lâu nay bọn em cứ tưởng anh đã hy sinh trong trận chiến Hạ Lào. Nào ngờ anh em mình lại gặp nhau trên đất Mỹ. Chị Việt Anh biết được tin nầy chắc là bà ấy mừng đến đứng tim. Thôi để anh nghỉ ngơi, hẹn anh ngày mai. Dù có định đi đâu cũng xin anh cho bọn em một ngày để gặp nhau. Sáng mai 9 giờ em sẽ đến nhà chở anh. Bye- bye nghe anh. Tôn chưa kịp hỏi han, Tâm đã cúp máy.

Từ sáng sớm, Tâm đã điện thoại đến nhờ người em của Tôn chỉ đường. Giây phút đầu gặp Tâm, cả hai đều xúc động. Rồi Tâm chở Tôn đến nhà mình. Một căn nhà biệt lập nằm bên chân đồi trồng đầy hoa thể hiện cuộc sống hạnh phúc của chủ nhân.

Bên tách cà- phê, Tâm tâm sự :
- Hôm anh lên máy bay ra đơn vị, chị Việt Anh bị ngất nhiều lần khiến em phải đưa vào bệnh viện. Sau khi khám nghiệm, Bác sĩ cho biết chị đang có triệu chứng cấn thai, thần kinh yếu nên dễ bị kích động. Sự phát hiện đó đã làm cho Me em đau buồn vì thực sự anh chị chưa làm đám cưới. Nhưng ngược lại, chị Việt Anh lại vui mừng. Khi anh gởi thư về báo tin đang đóng quân tại vùng giới tuyến khiến cả nhà đều lo lắng. Chị Việt Anh lập tức viết thơ cho anh báo tin mừng chị sắp có con. Dù thơ đi cả mấy tháng trời mà chẳng thấy thư hồi âm nhưng chị vẫn viết đều đều cho anh hàng tháng. Rồi một hôm, nhân viên bưu điện đem đến một bì thư lớn. Trong đó đựng số thư chưa khui của chị Việt Anh gởi cho anh từ bao lâu nay và kèm theo bức điện thư của Hậu cứ đơn vị báo tin anh đã mất tích tại chiến trường Hạ Lào. Chị Việt Anh đau đớn tột độ trước cái tai họa giáng xuống đời chị. Chị lại ngất xỉu trong cơn nguy ngập khiến cái thai sinh non. Vì vậy lúc nhỏ cháu Trọng Nhi èo uột lắm.

Tôn kinh ngạc kêu lên :
- Trọng Nhi là con gái của anh?
- Vâng, nó là con anh. Cháu Nhi đã được bệnh viện cứu sống.

Tôn vụt đứng lên như muốn làm một điều gì đó cho nhẹ bớt nỗi ân hận đang đè nặng trong tâm tư mình. Chàng nói:
- Tâm à, ngày đó mà anh biết chị Việt Anh mang thai, có thể anh chưa ra đơn vị.
- Có lợi gì đâu. Tâm trả lời Tôn rồi quay sang hỏi :
- Anh đã gặp cháu Nhi tại phi trường phải không?
- Trên máy bay và ngồi ngay bên cạnh anh, Tâm ạ. Phút đầu tiên nhìn thấy cháu có nét giống mẹ anh và một người nào đó mà anh nghĩ mãi không ra. Ôi, tạ ơn Thượng Ðế đã dun dũi cho cha con anh gặp nhau một cách diệu kỳ. Giờ đây anh rất nôn nóng muốn gặp chị Việt Anh và cháu Trọng Nhi. Ðược không, hở Tâm?
- Ðược chứ anh. Nhà chị và cháu cũng gần đây thôi. Mời anh dùng điểm tâm với vợ chồng em rồi hãy đi không muộn.
- Còn Me hiện giờ ở đâu, sức khỏe ra sao, Tâm?
- Me không được khỏe lắm, bịnh già mà. Hiện giờ bà sống với vợ chồng Trí ở tiểu bang Virginia. À, Xin lỗi, anh có thể cho em biết về gia cảnh của anh hiện giơ như thế nào?

Ánh mắt xa xăm với nỗi buồn thoáng qua, Tôn nói:
- Như em biết đó, chỉ kịp viết cho Việt Anh một lá thư đầu tiên khi đến đơn vị. Vài tháng sau là bọn anh có lệnh tham gia Chiến dịch Lam Sơn 719. Trên đường chuyển quân, đơn vị anh bị địch phục kích gần cửa ngõ vào Schépone, hạ Lào. Anh bị địch bắt sống đưa về cầm tù ở Lào rồi chuyển về trại tù ngoài Bắc Việt. Tới năm 1980 bọn anh mới được thả về. Anh có vào Sài Gòn đến nhà cũ tìm chị Việt Anh nhưng nhà đã thay chủ. Sau đó, nhờ bạn bè gởi gắm trên một chuyến tàu vượt biển, anh đến được trại tỵ nạn Thái Lan. Hiện giờ anh sống tại thành phố Concord, phía bắc Tiểu bang California. Trên đất Mỹ, anh đã một lần lấy vợ, nhưng không hợp tính tình nên chúng tôi chia tay sau vài năm chung sống.

Vừa ăn xong bát phở, Tôn hối thúc Tâm chở chàng đến nhà Việt Anh. Tâm đề nghị Tôn đứng ngoài, không nên vào nhà vội vì bà chị dễ bị xúc động. Mười lăm phút sau, xe đậu trước sân nhà. Tâm bấm chuông, Việt Anh mở cửa, nàng hỏi :
- Cậu đi một mình, sao không đưa mợ theo?

Không đợi Tâm trả lời, nàng khép cửa lại rồi vội vàng tiếp :
- Chị nghe cháu Nhi bảo có ông “Tơn” nào đó xưng là bạn của em và Trí còn biết cả tên chị nữa.

Tâm nghĩ thầm : “Có lẽ nhờ cái tên Tơn theo lối phát âm tiếng Anh của Nhi nên bà chị không để ý”. Tâm chợt nhớ đến đứa cháu gái, vội hỏi:
- Trọng Nhi đâu chị?
- Cháu nó đi chợ. Việt Anh vừa trả lời cậu em thì thình lình cửa mở. Trọng Nhi bước vào nhà reo lên :
- Me ơi, Bác Tơn bạn của hai cậu Tâm, Trí mà con gặp trên máy bay, bác đến thăm me đây nờ.

Tôn xuất hiện đột ngột trước mặt Việt Anh. Nàng khựng lại, tròn xoe đôi mắt nhìn chăm chăm người khách lạ. Rồi như có một thần lực cực mạnh đẩy nàng nhào tới ôm chầm lấy Tôn. Việt Anh kêu lên đầy xúc động:

- Ôi, anh Tôn, ba con Nhi!

Nước mắt của Tôn tuôn thành dòng khi Trọng Nhi đến ôm chàng, lên tiếng gọi:
- Ba ơi! Con không ngờ đời con lại còn Ba.

Hai bàn tay Tôn đặt lên hai mái đầu, một già, một trẻ đang áp trên đôi vai chàng thổn thức. Mùi hương bồ kết thơm nồng trên tóc của hai mẹ con đã sưởi ấm lòng Tôn suốt hai mươi ba năm dài cô quạnh.

Bên ngoài, nắng vàng lên rực rỡ. Cây lá reo vui đón cơn gió mát từ biển thổi về. Thành phố Hoa Hồng lại thơm ngát một mùa bông.

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Nguồn:  http://hon-viet.co.uk/HaoNhienNguyenTanIch_HuongBoKet.htm