2014/08/29

NỮ CA SĨ KIM ANH
Rượu, ma túy và than phận

Mỗi năm, nữ hoàng “Mùa Thu lá bay” sống và hát ở Việt Nam khoảng 6 tháng. Dù đã nổi tiếng từ lâu và ở cái tuổi không nhiều lợi thế cho việc hát nhưng chị nói rằng, chị đang ở một giai đoạn hồi sinh tiếp theo. Đó là sự hồi sinh sau bao bĩ cực như một vở bi kịch mà người đàn bà vốn mạnh mẽ như đàn ông này đã tự diễn kín với chính mình suốt cả cuộc đời.
Kim Anh uống rượu rất khỏe và gần như là một “độc cô cầu bại” trên bàn nhậu. Thuốc lá đốt cũng nhiều, mà phải là thuốc nặng đô. Chị nói :
- “Anh cứ nhìn mặt tôi uống hàng chai rượu mà mặt cứ tỉnh như sáo thì anh đừng ngạc nhiên. Đau cỡ nào về cả thể xác lẫn tinh thần, với tôi giờ như không nghĩa lý. Đưa xương cho người ta khoan để bắt vít, không tiêm thuốc tê, tôi còn chịu được nữa là. Đôi lúc buồn quá, 3 giờ sáng ngẩng mặt lên hỏi trời còn điều gì đày ải nữa cứ đày ải nốt đi, con chịu được hết ! Có lẽ giờ này, trời cũng nên để yên cho tôi được rồi đấy !”
Những đày ải, bĩ cực cuộc đời mà một kiếp đàn bà phải chịu, gần như Kim Anh đã phải gánh hết. Sự bất cần, sự không sợ sệt, cùng những tỉnh bơ với đau đớn, cùng rượu, cùng tro tàn của sự thiêu đốt mình suốt một quãng đời, chưng cất trong giọng hát Kim Anh để trở thành một chất giọng đặc thù không giống ai. Thế mà nỗi buồn trong giọng hát chị, không nhuốm màu cay đắng, không bị ám ảnh của cô đơn, nhưng cũng không có chức năng ru ngủ. Nó như một thứ cồn rửa vết thương. Rằng, dốc hết đốt hết những gì Kim Anh có, cũng chỉ để rửa những vết thương trong lòng người nghe mà thôi.


Bài hát định mệnh

Nhắc đến thế hệ ca sĩ vàng ở hải ngoại một thời, thấy ai cũng có một xuất phát điểm và một sự nghiệp lẫy lừng. Còn nhắc đến Kim Anh trong quá khứ thường không thấy một dữ liệu gì ngoài bài hát Mùa thu lá bay, được chị hát vào những năm 80 ?

- Tôi đến với ca hát khá ngẫu nhiên và xuất phát điểm ca hát của tôi cũng là ở trời Tây chứ không phải ở Việt Nam. Tôi gốc người Hoa, sinh ra và lớn lên ở cù lao Ông Chưởng (tỉnh Đồng Tháp). Hồi nhỏ, tôi nổi tiếng thông minh và quậy phá. Năm 1969, tôi được một học bổng qua Mỹ học về kế toán. Đầu tháng 5/1975, tôi gặp một người Mỹ gốc Hoa, là chủ nhà hàng lớn Empress ở Wasington DC, nhờ tôi làm thông dịch tiếng Việt cho một số anh chị em nghệ sĩ, cũng là một ban nhạc vừa di tản từ Việt Nam sang sau khi Sài Gòn thay đổi.
Hàng ngày, tiếp xúc với ban nhạc, thấy tôi cũng nghêu ngao thì họ bảo, cứ hát chơi một bài. Tôi hát, ban nhạc họ rất thích. Từ đó tôi trở thành ca sĩ nữ duy nhất của ban nhạc hát hàng đêm tại nhà hàng. Năm 1977, có một người bạn là ca sĩ ở New York rủ tôi lên New York sống và hát với tư cách là một ca sĩ độc lập. Những năm này tôi hát chủ yếu cho một nhà hàng người Hoa ở New York, hát nhạc Tây lẫn nhạc Hoa nhưng hầu hết là nhạc Hoa. Những bài như Mùa Thu lá bay hay Máu nhuộm Bến Thượng Hải tôi đã hát tiếng Hoa trong thời gian này.

- Được biết Mùa Thu lá bay đến với chị để rồi chị trở thành một ca sĩ Kim Anh nổi tiếng là một câu chuyện rất lạ. Chị có thể kể rõ hơn câu câu chuyện này ?

- Năm 1982, nhà ở Việt Nam nhắn tôi rằng ba tôi sắp mất và trước khi qua đời ông muốn được nghe giọng nói của tôi. Tôi đi thu một băng cassette với 11 bài hát cả lời Việt lẫn lời Hoa gửi về để như an ủi ba được nghe giọng của đứa con từ phương xa, cũng như để nói với ba tôi vẫn giữ gốc gác của mình. Cái khó là thời gian này chủ yếu tôi hát tiếng Anh và tiếng Hoa, với nhạc Việt tôi hoàn toàn lạ lẫm nên thu một cuốn băng cũng chỉ là để ba nghe giọng mình, chứ cũng chẳng nghĩ sẽ đi dài và xa hơn như sau này.
Lúc cuốn băng về đến nơi ba đã mất được ba ngày, mắt vẫn mở. Má lại gần và nói : “Thôi ông ơi, dù con không về được, con cũng gửi giọng nói về. Ông yên lòng nhắm mắt cho con dễ làm ăn”. Thế, đôi mắt ba từ từ khép lại, một giọt nước mắt đã khô đọng phía dưới quầng mắt ba.
Những ngày ba mất, tôi buồn nghe đi nghe lại cuốn băng, chợt chạnh lòng thương phận mình xa xứ, tử biệt sinh ly có thể là những điều gắn chặt. Tôi gửi cho bạn bè một số cuốn băng để tặng, như một sự chia sẻ. Nào ngờ, người nọ chuyền tai người kia, họ gọi cho tôi và mua băng. Tiền gửi về lúc đó cũng rất nhiều. Tôi vẫn nghĩ đó đơn thuần chỉ là động viên, an ủi.
Còn 70 cuốn, lúc đó tôi cũng chẳng biết làm gì. Tôi lái xe qua Trung tâm băng nhạc Thanh Lan, giới thiệu tôi là ca sĩ mới, tên là Kim Anh và mong họ mua băng với giá 4 đô la/cuốn (tiền công thu là 4,25 đô la). Bà chủ còn hỏi : “Kim Anh Ba Con Mèo phải không ?”, tôi nói không phải. Tôi đưa 10 cuốn cho bà nghe thử, nếu được thì bà lấy, không thì thôi. Khi tôi đi được 10 cây số, bà lái xe theo và nói có bao nhiêu bán hết cho bà, bà sẽ trả 4,5 đô la/cuốn. Tôi nổi tiếng với Mùa Thu lá bay bắt đầu từ đó.

Tai ương, hồi sinh và hủy diệt

- Sự nổi tiếng mang lại danh vọng, tiền bạc nhưng cũng có thể gây không ít tai ương cho người nghệ sĩ. Hình như, trong những năm đó, cũng có rất nhiều biến cố xảy đến với cuộc đời chị ?

- Chính xác là những tai ương xảy đến từ những ngày tôi cầm đồng tiền đầu tiên của nghiệp cầm ca. 8/1/1978, New York có bão tuyết, tất cả xe cộ ngoài đường hầu như không lưu thông được nữa. Đúng lúc đó tôi gặp người hàng xóm đang đỗ xe trong garage và cho tôi đi nhờ về nhà. Khi qua cầu, đúng lúc gặp bão xoáy, xe bị quay rồi va vào thành cầu. Gần 3 năm trời tôi sống trong nhà thương, không một người quen thân bên cạnh, sống chủ yếu nhờ lòng tốt của thiên hạ. Toàn cơ thể tôi lúc đó chi chít vết thương. Chân tay liệt. Đầu vẹo. Mặt chi chít vết khâu, 285 mũi. Lưng cong. Nói chung, nghĩ về cái chết khi đó, tôi còn thấy nhẹ hơn việc nghĩ mình sống.

Bác sĩ sợ tôi cắn lưỡi tự tử nên suốt ngày để nẹp miệng. Họ nói, giờ nếu bắt vít vào cánh tay thì lưng cong suốt đời. Mà chữa cho lưng thẳng xem như tay bị liệt. Tôi nói, có tay mới làm được việc, chứ lưng cong cũng chẳng sao. Lúc này tôi nghĩ rằng, cả cuộc đời tôi chắc cũng mãi gắn với chiếc xe lăn. Nhưng tôi chợt nhớ, mình còn giọng hát. Dù thế nào cũng phải sống để mà hát, kể cả hát rong kiếm tiền nhưng trước hết là phải sống.

- Vậy làm thế nào mà chị thoát khỏi chiếc xe lăn và đặc biệt là sống qua những ngày “phế nhân” khi không có một người thân nào bên cạnh ?

- Thời gian đó, ông chủ nhà hàng qua thăm tôi trong bệnh viện, quyết bảo lãnh tôi được hát vì lý do rằng, chỉ có hát cô ấy mới cảm thấy được sống. Họ cho người đến bế cả xe lăn, tôi hát Diễm xưa cùng nước mắt của khán giả, nước mắt mình, nhất là đoạn “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Đi hát, ý chí thúc tôi phải thoát khỏi cái xe lăn càng sớm càng tốt. Tôi muốn được đứng lên, muốn được đi ra, muốn được bay nhảy với những giai điệu như trước đây. Có lẽ, ông trời chơi khăm, muốn bắt tôi hát nhạc buồn suốt đời, nên cứ để tôi ngồi, và hát là đủ. Mỗi tối, trước khi lên sân khấu, tôi phải uống rượu. Uống để quên mình buồn nhưng càng uống càng thấy tỉnh. Dần dần, rượu thành người bạn không thể thiếu mỗi lần lên hát.
Một bác sĩ người Do Thái vào thăm tôi trong bệnh viện và quyết cãi trước tòa để tôi được ra ngoài tìm bác sĩ chữa trị cho mình để có cơ hội cất tiếng hát hàng đêm. Đúng lúc ấy, có một cậu người Đài Loan thích nghe tôi hát Mùa Thu lá bay ở nhà hàng, quyết đón tôi về ở để có bác sĩ chăm sóc cho tiện.
Được 2 tuần, người nhà cậu ở Đài Loan có công chuyện nên cậu phải về đó, không biết khi nào trở lại. Vừa gặp quý nhân chưa lâu thì như thế, tôi rất hoang mang về phần mình. Đứng không đứng được. Đi không đi được. Lúc đó, tôi chỉ ước cứ ngồi thế mà chết cho rồi. Đúng lúc hoang mang nhất, tôi nghe dưới nhà có hai người nói tiếng Việt. Họ nói “địa chỉ này đúng là nơi cô ca sĩ Kim Anh hát trên xe lăn ở đây”. Họ qua thăm, biết được tình hình tôi, họ nói : “Thôi, cô về nhà anh chị mà ở. Đừng ngại gì, đời người ai chẳng gặp lúc hoạn nạn”. Tôi mừng quá, xỉu luôn.
Về nhà, ba cô con gái của ông bà thay nhau đút cơm cho tôi ăn. Hai năm ròng được quý nhân cưu mang, chữa trị, đến khi cắt băng, tôi xin đi chứ không làm phiền quý nhân của mình thêm nữa. Ba năm trời đau đớn, ngồi cho người ta khoan từng mũi vào xương và ngủ ngồi, đến lúc ráp xương, được ngủ nằm, là một hạnh phúc lớn nhất đời khi đó. Tôi ngủ vùi 4 đêm, 5 ngày, nhiều người cứ nghĩ là tôi chết. Không, tôi đã hồi sinh sau một quãng đời tưởng chừng như chẳng bao giờ có ngày này.
- Sự hồi sinh này có làm cho giọng hát chị vui lên, hay vẫn cứ buồn như những ngày “thân em giờ hoang phế, lê theo thời gian giông gió” ?

- Một sự hồi sinh mới, nhưng lại bắt đầu một cuộc hủy diệt. Thời gian trong bệnh viện các bác sĩ đã cho tôi dùng thuốc lá và ma túy để quên đi cơn đau. Tôi nghiện là tại tôi, cũng chẳng trách các bác sĩ được. Mình lạm dụng vô ý thức, trở thành một con nghiện. 4 năm trời vật vã với ma túy, bao nhiêu tiền làm ra, vừa hỗ trợ gia đình khi ba tôi mất, còn bao nhiêu tôi nướng hết vào ma túy. Rồi các fan, họ cũng thể hiện lòng hâm mộ bằng việc tặng tôi… ma túy.
Năm 1984, sau một cơn sốc, tôi tỉnh dậy và tự nhủ, không thể thế này mãi được. Một là chết, hai là sống. Bĩ cực đau đớn mình đã chiến đấu để giành quyền được sống, nay sống như thế này thì thà chết còn hơn. Tôi quyết đi Pháp cai. Tôi ôm bọc ma túy đi lang thang và tìm đến một nghĩa trang quân đội ở miền Đông nước Pháp, quyết sống tách biệt để thử sức chịu đựng. Tôi được gia đình người quản trang cho ở lại, họ không hề biết tôi nghiện mà chỉ biết tôi đến xin một việc để làm. Tôi vào toilet, đổ bọc ma túy xuống bồn cầu và giật nước. Rồi tôi ôm lấy bồn cầu ngồi khóc, như thể lần này mình không thể sống nữa. Sau đó, cơn nghiện bắt đầu vật. Ông bà chủ biết, còn hỏi tôi có muốn không thì đi mua thuốc cho, tôi lắc đầu quyết không và quyết cai cho bằng được.
Sau 8 tháng, tôi từ bỏ ma túy mà không cần một viên thuốc. Đáng lẽ, tôi đã ở lại nước Pháp và an phận. Nhưng rồi, cơn bĩ cực này qua lại là những cơn bĩ cực khác.

Người đàn bà tìm con

- Không lẽ, cả tuổi thanh xuân của chị là tai ương, ma túy, thuốc lá và rượu ? Suốt một quãng đời lúc đó, không có ai là người đàn ông của riêng chị ư ?

- Thực ra năm 1970 tôi đã có chồng và năm 1972 tôi đã sinh con. Lúc sang Mỹ tôi chưa có bằng tú tài, nên hoặc sẽ phải có người bảo lãnh để ở lại, hoặc sẽ bị trục xuất. Có một người rất thương nói rằng : “Thực lòng tôi không muốn cưới em vì trông em trẻ trung hồn nhiên quá. Nhưng để giúp được em, tôi không ngại gì cả” Một năm sau thì tôi sinh con.
Cuộc sống không có tình yêu nên gia đình có cũng như không. Đứa con để lại cho anh nuôi. Tôi học xong, lang thang theo nghiệp cầm ca và quên mất rằng mình cũng đã có chồng. Khi bị tai nạn, tôi chợt nhớ ra dù gì tôi cũng có thứ quý giá nhất trên đời là con, thì cũng éo le thay anh đã lấy vợ khác và tôi không biết cách nào để liên lạc với anh cũng như gặp con mình.
Tôi thỏa hiệp với cả nỗi đau này để được sống. Khi rời khỏi chiếc xe lăn, việc đầu tiên là đi tìm con. Lúc lần ra dòng địa chỉ, gặp phải cô vợ anh vốn rất ghen tuông nên ba lần bảy lượt muốn gặp con mình mà không thể được. Tôi nhờ đến luật sư và phải năn nỉ ông bằng cách này hay cách khác để tôi được nhìn thấy con tôi ngay. Khi ra tòa, tòa nói, với sức khỏe hiện tại tôi không thể nuôi con và cho tôi một ân huệ mỗi năm chỉ được gặp con cho đến khi nào khỏi bệnh hẳn. Từ đó, cứ ba tháng hè, con lại về ở với tôi.
Niềm an ủi lớn nhất là, con tôi dù bao năm xa cách, rất ngoan, có hiếu và thương mẹ. Khi tôi làm cuốn băng để gửi về Việt Nam, hai mẹ con cùng nhau ghép vỏ, cùng nhau dán nhãn. Nó học kế toán, hiện giờ sống ở San Francisco, hiện cũng đã có vợ con, sống rất hiếu nghĩa.

- Trải qua bao bi thương như thế, mất mát như thế, cũng đồng nghĩa với việc con tim thời tuổi trẻ của chị không còn chỗ cho tình yêu ?

- May mắn là dù bị đẩy đến chốn cùng cực thì cuối cùng ông trời cũng cho tôi được rung cảm dù không kéo dài. Những ngày tôi cai nghiện ở Pháp, người con trai của ông chủ lúc đó đem lòng yêu tôi. Anh là một diễn viên kịch, hơn tôi 8 tuổi. Chúng tôi yêu nhau và tôi sinh cho anh được một đứa con trai.
Cuộc sống của chúng tôi cũng có những ngày hạnh phúc. Anh đi diễn, tôi đi hát. Trong chuyện tình cảm tôi là người nghiêm túc, gia đình anh rất quý tôi ở điều đó. Nhưng rồi một lần anh nửa đùa nửa thật: Ca sĩ đi bốn mùa thế, ai mà tin được có chung thủy hay không. Tôi giận quá, ngày hôm sau mua vé máy bay về Mỹ. Năm nay con cũng đã 23 tuổi và đang học về nhạc. Hai cha con thỉnh thoảng vẫn gặp nhau nhưng tình yêu mà tôi dành cho anh đã chết, có lẽ do tự ái của tôi cao quá.

- Hình như trải qua nhiều biến cố cuộc đời, đã có một thời gian dài chị nghỉ hát ? Thực tế là dù chị có xảy ra chuyện gì thì âm nhạc cũng không bỏ chị. Nó là nghiệp với chị. Nhưng cũng có thể nhìn nhận nó là một sự cứu rỗi ?

- Năm 1989 mẹ tôi đau nặng, tôi về Việt Nam tính nghỉ hát luôn nhưng sân khấu đã không phụ tôi. Có một người rất mê tiếng hát của tôi làm hẳn cho tôi một talk show Tâm tình với Kim Anh. Tiếng hát của tôi có dịp được hội ngộ khán giả dù gián tiếp và những băng hình tôi thu cũng từ thời điểm này. Nhưng năm 1992, mẹ mất, tôi sock nặng nên nghỉ hát luôn.
Không hát, cuộc sống rơi vào cơ cực, nên năm 2005, tôi xin đi hát trở lại. Tôi gọi cho Trúc Hồ nói tôi đã thực sự mệt mỏi, muốn lấy một số hình ảnh trong cuốn băng cũ làm băng, rồi lên sân khấu trở lại. Nhạc sĩ Anh Bằng nói, ai chứ Kim Anh thì nên giúp nó. Khán giả lúc này không ít người nghĩ tôi bê tha nghiện ngập nên cũng không muốn gần. Tôi lấy mọi can đảm để hát. Bộ trang phục cũ, nhưng hợp với bài hát, và giọng hát vẫn còn đủ độ say nên khán giả lại thương tôi trở lại như năm nào. Và bây giờ, trong nghệ thuật, tôi đang hồi sinh.

- Và bây giờ, khi sự nghiệp hồi sinh, cũng là lúc chị phải đối diện với sự cô độc của mình ?

- Không. Thực tế lúc này tôi đã bớt phần cô độc. Đúng hơn, dù không được sống trong cảm giác tình yêu mà vẫn thấy mình đang được nhận. Tôi hát khỏe hơn, mãnh lực hơn trước và vẫn cái tật xấu, mỗi lần lên sân khấu là phải uống rượu. Tôi không say bao giờ, càng uống càng tỉnh và càng hát hay hơn. Giờ này về Việt Nam, tôi đã, đang và sẽ đến các vùng sâu vùng xa hát cho đồng bào, ở những nơi họ không có điều kiện xem ca sĩ, nghe ca sĩ hát.
Tôi cũng tri ân với những người đồng hành với trái tim tôi trong một khoảng thời gian ngắn ngủi hay không ngắn ngủi thì tôi vẫn thấy trái tim mình vẫn còn biết nói với tình yêu. Người gần người đấy nhưng tôi thấy một ai đó thực sự hiểu và cảm thông với tôi vẫn còn ở đâu đó xa lắm, gần hết một đời người mà tôi vẫn chưa thấy. Hay để đến lúc tôi chết đi, người đó sẽ là người đặt hoa hồng vàng trên mộ tôi? Nếu như vậy, thì hạnh phúc có phù phiếm quá với một cõi người không nhỉ ?

- Cầu mong chị tìm được một hạnh phúc thực sự. Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện !

Yên Huỳnh (theo Hoàng Nguyên Vũ)

MỜI CÁC BẠN NGHE QUA GIỌNG HÁT CỦA KIM ANH
Sau đây là vài bài hát (tiêu biểu) của Kim Anh, tùy các bạn thích bài nào thì click nghe lại bài đó.
Mùa Thu Lá Bay - Ca Sĩ : Kim Anh
Buon - Kim Anh
Nắng Chiều, Tiếng hát Kim Anh
Kim Anh - Rồi mai tôi đưa em
Đường xưa lối cũ - Kim Anh
Con thuyền không bến - Kim Anh
Nửa Đêm Ngoài Phố - Kim Anh
Sầu Lẻ Bóng - Kim Anh








2014/08/28


CẢM TÁC TỪ MỘT ĐÓA HỒNG

Một đóa hồng tươi, trổ muộn bông 
Gây bao phấn khích tận trong lòng 
Giọt sương trên lá, ôi chao đẹp!
Để hóa thành thơ, ảnh mấy dòng!

Trần Văn Dõng
August 18, 2014
MỘT MÙA TRĂNG*

Thêm một mùa trăng chất tuổi già
Vòng xoay con tạo chẳng buông tha
Ngu ngơ Ta vẫn chìm hơn Cuội
Lẩn thẩn Cuội còn trội  hẳn Ta!
Hạnh phúc dài lâu tìm khó được
Buồn đau bất chợt vốn thường mà!
Thơ còn hơi thở ru ta ngủ
Đêm lắng thu tàn dưới bóng nga!


Yên Dạ Thảo
24.08.2014

*Họa TỰ TÌNH của Phong Tâm

2014/08/25

*NAO DẠ TRUNG THU

Lóng lánh trăng thanh 
trải khắp nơi
Chợt nao nỗi nhớ chuyện qua rồi
Biệt ly cha kính buồn muôn thuở
Xa cách má thương khổ một đời
Nắng rớt chân trời mây ngả tím
Chiều rơi sườn núi tối lên ngôi
Thời gian thắm thoát xanh thành bạc
Dòng sống âm thầm trôi cứ trôi!


Anh Tú
August 25, 2014
THE DAYS OF SAIGON FALL_1975
Trên Hàng không mẫu hạm USS MIDWAY

Sài Gòn Của Tôi (Saigon of Mine)

SÀI-GÒN CỦA TÔI

2014/08/23

TỰ TÌNH*

Lặng ngắm trăng trêu cợt tuổi già,
Thời gian ám ảnh chẳng buông tha.
Mong gì Ta ngẩn ngơ như Cuội,
Có thể Cuội gần gũi với Ta?
Tập sống vô tình; hư cũng được,
Rèn quên ảo vọng; khỏe thôi mà!
Mỗi năm còn tiếng ru thơ ngủ,
Vẽ bức tranh Kiều, nhớ Tố Nga.

PHONGTÂM
(23.8.2014)
*Hoạ LÃO GIÀ ĐÊM TRUNG THU của Trương Văn Lũy


2014/08/22


CỘI GIÀ VÀ THU*

Dưới trăng rằm những mái đầu già
Nghe dế nỉ non giọng thiết tha.

Khúc nhạc vừa ca trao tặng bạn
Vần thơ mới viết gởi cho ta.
Bên này thơ ý còn tha thiết
Phía ấy nhạc hồn vẫn mặn mà.
Dù cuộc đời tang thương khổ lụy
Trung Thu h
ọp mặt cùng ngâm nga.

 Anh Tú
August 22, 2014

*Họa bài
LÃO GIÀ ĐÊM TRUNG THU

Trung Thu yên ắng một thân già
Ngắm mảnh Trăng Tròn dáng thướt tha
Trên ấy sáng trưng hình Chị Nguyệt
Dưới này hôi hổi bóng hình Ta
Hai đường tri kỷ đang vời vợi
Một khối tình chung vẫn mặn mà
Ngẩng mắt nhìn trời xin Thượng Đế
Cho đời trẻ mãi với Hằng Nga.

Trương Văn Lũy

ÁO LỤA

Nước ngập đồng, em đổi đường-đi hướng khác
Anh buồn một mình, chẳng được lẽo đẻo lao đao
Áo trắng chiều nay trong gió cuốn phương nào
Biết nơi đây, một linh hồn  khờ khạo lắm!

 Một Lúa
August 2014

2014/08/16


KHI NƯỚC NHẢY BỜ

Áo trắng chập chờn bay trước ngõ
Sáng chiều hai lượt nón che nghiêng
Đôi khi đuôi mắt nhanh và sắc
Chạm cửa nhà anh điên đảo điên.

Từ dạo bóng em trong xóm nhỏ
Có người thấp thỏm ngóng chờ mong
Làm đuôi từng bữa đưa cùng đón
Thiếu vắng một hôm ray rức lòng!

Phượng đã tàn ve sầu bặt tiếng
Nhảy bờ nước nổi tựu trường về
Im lìm đường cũ em đâu hởi
Có biết lòng anh nhớ tái tê?

Anh Tú
August 16, 2014


2014/08/12


TRĂNG BUỒN!

Trăng buồn, ngã bóng bên thềm,
Để hồn mộng tưởng môi mềm ai ru,
Trăng gầy khi tỏ, khi lu,
Nỗi lòng cô phụ, mịt mù tình xa…

Người giờ xa tít…trùng xa
Chỉ còn mộng ảo…giao hoà ngã nghiêng
Ngậm ngùi tình chẳng được duyên,
Sóng tình phai nhạt, tơ duyên bẽ bàng

Trăng buồn, người bước sang ngang
Trăng đành ôm mối mộng tàn …đắng cay
Ôi, tình sao quá chua cay
Nợ tình nặng, đủ trả vay một đời!

Cho dù người đã xa rời,
Trăng buồn, cô phụ một đời luyến thương!

Huỳnh Hương

2014/08/11

Những bài hát hay nhất của Quỳnh Giao

Qua đời ngày 24 tháng 7, 2014 tại Califonia, USA, sau một cơn bạo bịnh, thọ 68 tuổi

2014/08/09

ĐƯỜNG XA VẠN DẶM- Trịnh Công sơn
Trình bày: Hồng Nhung

0 pt

ĐÊM TRUNG NGUYÊN

Nước tro dừa lắng trong
Gội tóc, hong nắng chiều
Má cho Ba một thuở
Hương dầu dừa, hương cau.

Ngọn đèn đêm leo lét
Một đàn con vỡ vạc
Bà kể Lục Vân Tiên
Ông nghe đầu võng hát
Lụa mo cau vấn thuốc
Tàn khói lạc hương đồng…

Bây giờ sóng trên sông
Mưa trăng vàng nhấp nháy
Đêm Trung nguyên lặng thầm
Trôi theo dòng trôi mãi…
Mênh mông!…Mênh mông!…

Phong Tâm
(Mùa Vu Lan – 2014)


NHÀ HÀNG Ở NHẬT

Mời vào Link:
ANA YANG GAZILLION BUBBLE SHOW

2014/08/08

CLIP DÀNH CHO PHẬT TỬ



CÓ BAO GIỜ THƠ CHO MẸ TA KHÔNG !

Kể từ ngày biết làm thơ, viết văn từ năm mười mấy tuổi đến nay, tôi nhớ rằng mình đã làm hàng trăm bài thơ cho những chàng trai, rồi những người đàn ông đã đi qua đời mình. Những bài thơ hân hoan rộn rã cùng buồn bã tiếc thương, nhưng dường như chưa bao giờ có nổi một bài thơ trọn vẹn cho Mẹ của mình !
Bố tôi mất năm tôi 13 tuổi. Khi còn sống, Bố rất yêu chiều tôi, có lẽ vì tôi là con út. Tôi còn một anh và hai chị nữa, chị kế hơn tôi tới 5 tuổi. Khi tôi hơn 10 tuổi rồi vào mỗi bữa ăn, Bố vẫn gỡ hết xương trong cá rồi mới cho tôi ăn. Mỗi lần Bố đi công tác xa về , tôi đều nhảy cẩng lên vui mừng để được Bố ôm vào lòng xoa đầu âu yếm . Nên khi Bố mất, tôi cứ gào khóc rằng " Bố mất rồi , đâu còn ai thương con như Bố nữa". Có lẽ, lúc đó vì quá đau đớn tôi cảm thấy như thế. Hơn nữa, thuở ấy Mẹ tôi luôn bận rộn với bao chuyện nội trợ nhà cửa nên ít thể hiện tình thương ra bên ngoài với con cái, hoặc tôi vô tâm chưa nhận biết ?
Cho đến khi tôi 40 tuổi, Mẹ từ giã cõi đời, tôi mới hiểu nỗi đau mất Mẹ là to lớn và khủng khiếp đến nhường nào! Vì độc thân, suốt bao năm tháng dài tôi vẫn sống với Mẹ, dù đi làm xa nhà cuối mỗi tuần mới về cùng Mẹ. Do các anh chị đã lập gia đình hết, tất cả tình yêu mẹ gần như dành trọn cho tôi. Dẫu bấy nhiêu tuổi, trong mắt Mẹ, tôi vẫn chỉ là đứa gái yếu đuối bé nhỏ cần phải chăm sóc , chở che. Mẹ mất vào một ngày tháng giêng cách đây 20 năm. Tôi ngỡ chừng trái đất đã sụp đổ. Tôi ngồi khóc ngoài vườn, không hiểu sao trời vẫn xanh, mây vẫn trắng và nắng vẫn vàng được chứ. Trong lúc lòng tôi tràn ngập đau thương, tưởng như chẳng còn thiết sống. Nhưng rồi tôi vẫn phải tiếp tục thở và tồn tại. Phải mất nhiều ngày tháng sau đó, tôi mới tạm nguôi ngoai, hồi phục tinh thần bởi bao công việc bộn bề cùng những chuyến đi công tác xa gần liên miên.
Tuy nhiên, đến bây giờ mỗi khi nhớ về Mẹ, tôi vẫn nghe tim.mình đau nhói và vẫn khóc nghẹn ngào, ngay giây phút này cũng vậy.
Tôi luôn nghĩ mình không phải là một đứa con hiếu thảo, dù chẳng phải không yêu Mẹ và chưa khi nào làm gì sai với Mẹ,mà chỉ vì tôi là đứa con khiến Mẹ luôn phải bận tâm lo lắng nhất cho đến lúc lìa trần. Mẹ đã không an lòng nếu Mẹ mất đi, sẽ không có ai thương yêu chăm sóc cho tôi như Mẹ đã làm suốt bao tháng năm qua.
Nhưng Mẹ của con ơi, vượt qua niềm đau vô tận khi "đường xa vạn dặm, mẹ bỏ con đi" ( TCS ), con vẫn vững vàng bước tiếp đời mình với tình thương của gia đình, những người thân yêu cùng bạn bè thân mến. Giờ đây, ở một cõi thiêng xa vời nào, con mong Mẹ có thể tự hào về con với những thành công nhất định trên đường đời. Con gái yếu đuối của Mẹ, nay đã trở thành một phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, hoàn toàn làm chủ được cuộc sống mình trên con đường đã chọn.
Tôi cũng sẽ không nói gì nhiều về Mẹ mình.
Nói rằng, Mẹ đã yêu thương , tận tụy, hy sinh vì con cái như thế nào ư ! Tôi nghĩ , Mẹ của ai chả thế !
Nói rằng, Mẹ cao cả, vĩ đại, tuyệt vời nhất trên đời ư ! Tôi nghĩ, có người Mẹ nào không như vậy !
Nói rằng, con biết ơn và thương yêu Mẹ vô cùng vô tận ư ! Tôi nghĩ, ai làm con mà chẳng cảm nhận điều này !
Có một bài thơ , khi đọc lần đầu tiên cách nay gần 30 năm, tôi đã không dám nhớ đến vì lúc đó Mẹ vẫn ở bên tôi.
Còn hiện tại, tôi muốn ghi lại nơi đây, để nhớ Mẹ và gửi đến bạn bè tôi, những ai không còn Mẹ . Cũng như những ai vẫn có niềm Hạnh phúc còn được cài một bông hồng đỏ, trên ngực áo nơi phía trái tim mình.

Nguyễn Như Thường




MẸ

Con sẽ không đợi một ngày kia…
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi bao giờ?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài lên áo cho con một nụ bạch hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?
Giọt nước mắt kia bao lâu nữa của mình?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao nhiêu người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập cả tâm hồn
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà ta vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Đỗ Trung Quân