2014/11/12

Hai Phương Trời

0 00atu

Định mệnh hai nơi buồn chán không?
Đây trời soi bóng đó trăng nồng
Hè về nắng đổ… tàng cây mát
Đông đến tuyết rơi… bếp lữa hồng
Buổi sáng cà phê… mời mọc gọi
Hoàng hôn trà rượu …đợi chờ mong
Bạn thân muôn thuở không quên được
Ta/bạn ngược chiều như Hạ Đông.

Anh Tú
12/11/14

Họa 1

TÌNH MƠ


Duyên tình cách biệt hỏi buồn không?
Lưu luyến tâm tư phút mặn nồng
Bến mộng xanh xao dòng nước bạc
Thềm mơ nhoà nhạt đoá hoa hồng
Đó nhìn sương lạnh lòng mơ tưởng
Đây ngắm mây sầu dạ nhớ mong [ngóng trông]
Chắp cánh quạ ô tròn nguyện ước
Không còn băng giá những chiều Đông

NHẬT LỆ
13/11/14

Họa 2

KHÚC MƠ

Cách biệt phương trời buồn lắm không ?
Mùa Xưa gợi nhớ thuở thơm nồng
Thu về mưa hát ru tình mới
Đêm đến bếp vui lửa rực hồng  !
Cỏ luyến sương thu còn vương đọng
Lá ươm gió rét hẳn chưa mong   !
Tình chàng ý thiếp quên sao được  ,
Dẫu ngược như mùa Hạ với Đông!

HOÀNH CHÂU
13/11/ 2014
(Viết thay một người  )

 
Bao Giờ Gặp Nhau

Em đến thăm tôi nơi xứ người
Còn vui nào hơn tuổi ba mươi
Có người em nhỏ từ xa đến
Mang cả quê hương, cả nụ cườì
 
Trời vào đông, sao nghe gió xuân
Sao nghe rộn rã nỗi bâng khuâng
Bên tai the thẻ lời em nói
Mắt mãi nhìn nhau, dạ vui mừng. 

Tôi đưa em thăm vùng biển lạ
Sóng rì rào hát khúc tình ca
Đôi mắt xanh, xanh màu nước biển
Chứa biển trời, chứa cả tình ta 

Đông lại về, em đang ở đâu?
Biển xưa buồn đón sóng bạc đầu
Hải âu tìm ai trong đêm vắng
Biết bao giờ? Mới gặp lại nhau.
 
Võ Châu Phương

2014/11/11


TIẾNG ĐÔNG THÌ THẦM
 
Chưa muốn Đông về có phải không?
Để trăng ru mãi giấc say nồng
Chần chừ gió đợi treo cành liễu
Lẫn thẫn sương buông đính nụ hồng
Hạ mãn thu tàn đông cũng đến
Mưa buồn tuyết lạnh dạ nào mong
Vòng xoay con tạo triền miên mãi
Thì sợ làm gì khoác áo đông?

Nhật Lệ
10/11/2014
*Từ:

2014/11/07

 
Màu Mực Tím
 
Mực tím phai rồi anh vẫn nhớ
Mùa hoa điệp nở, mộng ngày xanh
KG
Tôi đã tương tư màu mực tím
Từng ngày mới viết chữ A, B
Cong queo dòng bút tình thơ dại
Chữ nghĩa đẹp trong nét vụn về

Mỗi lần trái mồng tơi chín
Anh hái làm mực tím
Tặng cô bạn nữa ve bầu
Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ

Từ ngày nhuộm áo màu tim tím
Bè bạn gặp em ở cổng trường
Thường gọi : Này cô em áo tím
Cho anh nhểu mực viết văn chương

Mỗi lần tan học tung tăng bước
Em đụt mưa chiều trú nắng trưa
Dưới lá mồng tơi râm bóng mát
Ngồi nghe mẹ kể chuyện đời xưa

Mẹ nghèo chăm bón vồng khoai tím
Hái lá mồng tơi bán chợ làng
Đổi gạo mua đèn cùng giấy mực
Nuôi con ăn học , mấy năm trường .

Từ lúc em vào trường áo tím
Riêng anh thi học rớt trường tư
Khác trường, khác lớp, tình chưa ngỏ
Ký ức ngày xanh ... lớp bụi mù .

Mẹ không phiền trách anh thi rớt
Nhưng thoáng nét buồn trong mắt sâu
Vẫn bán lá khoai mua giấy mực
Nuôi con chờ đợi mùa thi sau .

Để tự trách mình anh cạo trọc
Học trò thi rớt hoá nhà sư
Đèn chong từ đó soi trang sách
Chữ nghĩa tương tư mắt học trò .

Sợ lỡ mùa thi mẹ lại già
Gánh hàng oằn nặng, quãng đường xa
Bóng chiều nghiêng xế trên lưng mẹ
Con học đợi ngày chiếm thủ khoa .

Bên song cửa sổ ngôi nhà cổ
Khi mẹ gánh hàng họp chợ đông
Con ngỡ trong hồn, hoa phượng nở
Đẹp thay trang sách dưới đèn chong

Sương khuya rơi uớt cánh đồng
Ướt vai áo mẹ , ướt lòng sách đêm
Trăng mờ sáng tựa hoa đèn
Mẹ lo cơm áo , con tìm công danh .

Mùa thi ấy con vừa thi đỗ
Thì bóng từ thân đã khuất rồi
Ai đẩy xe tang chầm chậm lại
Chờ hoa phượng rụng phủ quan tài

Mẹ buông gánh nợ đời đi vội
Cát bụi quay cuồng theo bánh xe
Ví biết mẹ già sao mất sớm
Con tìm danh vọng để làm chi

Mây Tần từ đó thành mây trắng
Con ngỡ mây tan : tóc mẹ hiền
Ngước mắt nhìn mây con vẫn ngỡ
Mẹ mình họp chợ chốn cung tiên .

Kiên Giang
 
THÁNG MẤY TRỜI MƯA ?
(Viết thay cho MM)
Trong đời khổ nhất tháng năm ,
Ai nấy lặng lẽ ngồi nằm im thinh !!
Nhiễu nhương sự cố quanh mình ,
Trăn trở lúc ngủ sự tình in sâu  ?
**
Than  ơi, lặng lẽ cành Ngâu .
Lắc lay cánh mỏng va vào trái con !
Sầu rơi muôn giọt héo hon ,
Buồn  lo tiếp nối , kiệt mòn tang thương !
**
Đắn đo thời cuộc khó lường ,
Chia tay mưa gió trên đường ra đi
Thà là chịu phận chim di  ,
Còn hơn  ở lại  cách ly , buộc ràng !!
Hoành Châu
7/11/2014

2014/11/05

*Đuối Giữa Giòng Đời


Mưa lâm râm rằm tháng năm*
Khăn tang mẹ quấn cha nằm lặng thinh
Từ đây cha chỉ một mình
Chôn vùi chí cả dưới nghìn dặm sâu.

Tháng bảy tầm tã mưa Ngâu**
Đôi mắt âu sầu mẹ giã biệt con
Một đời đuối bởi héo hon
Gian nan kết chuổi soi mòn mẹ thương.

Tiếp nối: một thuở nhiểu nhương
Côi cút lặng lẽ dặm trường con đi
Trở thành một kiếp chim di
Cuối đường đuối sức hồn qui quê nhà!

Anh Tú
5/Tháng 11/ 2014
*Ngày cha mất.
**Ngày mẹ mất




THAY CHÉN RƯỢU NỒNG*
 
Mến tặng Nhà Thơ Hồng Băng và em Tín (Trà Vinh)
 
Cám ơn bè bạn tri âm
Giúp Ta vượt xoáy, bão ngày long đong
Biển đầy chia nước cho sông
Bờ khô bão cạn gặp dòng nước lên
Ở đây
Nhà không số, phố không tên
Người tứ xứ bỗng thân quen
Vì chưng tối lửa tắt đèn có nhau

II
Bảy mươi ba, trắng mái đầu
Nổi trôi trên cạn qua cầu chông gai
Không trà rượu, chẳng cành mai
Xuân khô u ám rụng rơi dọc đường
Giữa quê hương, biệt cố hương
Vì chưng lang sói ngăn đường vào xuân
 
III
Bỗng dưng nở lại hoa tàn
Hương Trà Vinh gửi theo làn hương xưa
Đời ANH dù lắm gió mưa
Ấm lòng-Nhớ bạn không thưa thớt lòng
Tình thơ thay chén rượu nồng
Gửi Hồng Băng với tấm lòng sao Khuê.
 
Xóm bụi Tân Quy Đông
Trong quán bên đường
Trưa 29 chạp 99 ( 4/2/2000)
 
Chữ ký
KIÊN GIANG
 
*Chép từ lá thư của Kiên Giang gởi Hồng Băng.

2014/11/04

Mộng Tình Thu
 
Em về thơ ngập vùng biển lặng
Sóng dậy tràn lên nhoẻn miệng cười
Mơ theo sóng vỗ trườn lòng cát
Bọt trắng tung lên tiếng gọi mời…
Em về sóng biếc tràn lên mắt
Long lanh biển thắm đắm tình mơ
Một đàn cá nhỏ tung tăng đón
Tình Biển ngàn năm mở rộng chờ…
Em về thu đứng nghiên bờ lá
Anh vẽ rừng thu khoác áo vàng
Em tô chấm đỏ mùa phong lá
Tình thu muôn sắc góc rừng hoang…
Em về nắng cháy trên vai áo
Giọt nắng chồm lên uống ngọt ngào
Rừng xưa lá chín vàng hương áo
Chờ bàn tay hứng lá xôn xao…
Em về đông ngủ vùi chăn ấm
Mơ đi chầm chậm ghé thăm chừng
Chiêm bao đâu biết mình nằm mộng
Tuổi tròn mười sáu tóc ngang lưng…
Mỹ Trinh
Italy

2014/11/01

Anh Về Với Đất*
Tám chục năm hơn sức chán chường
Giã-từ bè bạn với văn-chương
Nơi tiên cảnh một mình cô quạnh
Cõi trần-gian vạn kẻ nhớ thương
“Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”**
Tiếng thơm còn vướn với tơ vương
Vài dòng thô thiển buồn đưa tiển
Một đấng tài-hoa theo khói hương!
Anh Tú
November 1, 2014
*Kính viếng hương hồn Thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà
**Thơ Kiên Giang

Vớ Vẩn

Tặng N,

Gió chướng về trên nẻo Cấm cao,
Thì ra thu hết tự hôm nào!
Chiều đi lau trổ vồ Thiên tuế,
Phết chút buồn cho núi xanh xao.

Phết chút tình cho nhớ chiêm bao,
Môi em còn ngọt đến trưa nào.
Giờ em xa ngái đầu đông ấy,
Có ủ hồn anh mảnh lụa đào?

Quách Đào
01/Tháng 11/2014
Tưởng niệm nhà thơ Kiên Giang

2014/10/31


GIÀ HAM VUI
Chữ nghĩa ta chưa đầy lá  mít
Ham vui bày đặt tập làm thơ
Moi kỷ-niệm nêm thêm mắm muối
Là mồi nhấm nháp rượu rồi mơ

Đến lúc tế-bào đà lão hóa
Thịt da cằn cỗi má nhăn nheo
Tai lảng mắt mờ đầu tóc bạc
Nhưng tâm hồn vẫn mãi vui reo.

Đừng sợ chết vì không tránh được
Tuổi đời ai cũng phải già thôi
Cười mĩm mỗi ngày ngời hạnh phúc
Niềm vui: hoa nở đẹp trên môi!
Anh Tú
October 31, 2014
TƯỞNG NHỚ
NHÀ THƠ KIÊN GIANG HÀ HUY HÀ
Ra đi vĩnh viễn :
-tại Sài Gòn
-ngày 31/10/2014
-hưỏng thọ 85 tuổi
Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím -
Thơ Kiên Giang-Trình bày: Hoàng Oanh


HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xớm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi
Sau mười năm lẽ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xớm đạo
Khi nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm kín khối sầu!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỹ vật ban đầu!
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh đem gạch nát, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẽ thù
Nhưng rồi người bạn đồng song ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, hồi vĩnh biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi
Xe tang đã khuất nẽo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
Kiên Giang
28.05.1958
TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ KIÊN GIANG HÀ HUY HÀ
 HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
Nhạc: Huỳnh Anh
Thơ: Kiên Giang
Trình bày: Hoàng Oanh

TƯỞNG NHỚ
NHÀ THƠ KIÊN GIANG HÀ HUY HÀ
Ra đi vĩnh viễn :
-tại Sài Gòn
-ngày 31/10/2014
-hưỏng thọ 85 tuổi

Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím -

Thơ Kiên Giang - Hồng Vân ngâm HD



HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xớm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi
Sau mười năm lẽ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xớm đạo
Khi nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm kín khối sầu!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỹ vật ban đầu!
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh đem gạch nát, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẽ thù
Nhưng rồi người bạn đồng song ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, hồi vĩnh biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi
Xe tang đã khuất nẽo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
Kiên Giang
28.05.1958

2014/10/30

Nợ Đời Nầy Xóa Sổ Lại Y Thinh
Thức với đêm tìm bóng chữ lỡ thời
Lượm mót được vài tiếng khô gió rách.
Vừa ấm lưng, ngồi bật dậy rửa mặt
Tỉnh hơn thằng căng mắt ngó hoa khôi.
Quán đầu hẻm, dọn bàn đùa với rác,
Mở hàng: ly cà phê, điếu thuốc thơm!
Thằng bạn xe ôm sà vô, ké luộc…
Ghi sổ chung trên khói vách đen ngòm!
Cô chủ quán chắc ni cô kiếp trước?
Bán chịu mà không bán mất đồng duyên!
Đứa mạt rệp vay tình yêu trả góp
Nợ trần gian, khoác vạt áo nâu thiền!
Lại có kẻ ghiền danh, phiêu phóng lợi
Dựng bia đời…tạ lỗi, vái triền miên!
Ta gọt óc, mài tim, chơi chữ dở
Nợ đời nầy – xóa sổ – lại y thinh!
Thơ lót lưng của thằng người lớ ngớ
Giá ngửa ngang, xếp dưới loại thư tình.
Chắc tiên khởi ta trồng cây giống đực,
Nên mòn đời xách túi đệm phóng sinh!
Phồng ngực thở chung một buồng phổi lá
Màu trinh xanh buông thả dịu thần kinh.
Phong Tâm
23.10.2014
 

2014/10/27

 

SỚM VỘI ĐI*
 
Súng nổ vang rền khắp bốn bề
Chen  cùng pháo rộ đón hồn quê
Ngu ngơ tiếng khóc chào đời  mới
Ngơ ngác nụ cười chạm bến mê
Lăn lóc gió sương nghìn khổ nạn
Vật vờ mưa bão vạn nhiêu khê
Ơn cha nghĩa mẹ đành ly biệt
Sớm biệt trần gian con trở về.
 
Anh Tú
October 27, 2014
*Để nhớ con đầu lòng Minh-Duy và Tết 1968

2014/10/26

NHỮNG QUẢ NHO...DỮ DỘI!
 
 
Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quan năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.

Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy kinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?

Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chĩa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?

Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.

Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.

Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.

Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận.

Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người. Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao cho đủ sống! Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn nạn như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.

Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi. Tết năm đó, chỉ duy nhất tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mĩ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mĩ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh. Trời ơi! Dòn! Mọng! Ngọt! Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái. Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàn toàn mộng mị, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc. Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng.  Vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại ... cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây? Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc nấc nghẹn lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc.

Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận. 

Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế thệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"! 

Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?
Nancy Nguyen
Nguồn:
facebook nancy nguyen
BA MÙA NHỚ

Lá vàng lác đác tiễn Thu qua
Nàng Thu yểu điệu dáng thướt tha
Vẩy vẩy tay chào rồi tạm biệt
Lay lay nhẹ lướt gió Đông phà
Áo màu khoe sắc len choàng cổ
Nàng Đông e ắp nét kiêu sa
Người đi đi mãi ba mùa nhớ
Xuân hẹn người về họp phố hoa

Phan Lương
*Từ THU LUNG LINH của Anh Tú