2015/08/11

Góp Nước Miếng Húp Chung

Nhà có đám giỗ, chị Hương hớn hở nói với đứa con trai: “Sao không mời con Da-Ni-Phờ đến ăn cho vui? Con bé nầy dễ thương, vui vẻ, và ưa lăn vô bếp lăng xăng làm việc nầy việc nọ. Có khi giành rửa cả núi chén bát, mà mặt vẫn tươi như hoa nở.”
Trân thẳng thắn trả lới mẹ: “Nó ớn thấu óc lối ăn uống nhà mình rồi mẹ à. Nó nói thiếu vệ sinh, dễ lây lan truyền nhiễm bệnh từ người nầy qua người khác.”
“Sao vậy?” Chị Hương tròn mắt ngạc nhiên hỏi.
Trân rùn vai: “Nó nói nhà mình ăn đũa, ngậm vào miệng, rồi gắp thức ăn trong dĩa chung. Dính cả nước miếng, đờm dãi của người khác. Có người mang bệnh truyền nhiễm, không ai biết, rồi lây lan cho mọi người. Dơ dáy.”
Chị Hương gằn giọng: “Dơ dáy? Tụi bây hôn môi, ngoạm mồm, trún nước bọt cho nhau, dễ thường vệ sinh sạch sẽ hơn ăn đũa sao?”
Trân không dám cãi lại mẹ, lảng đi nơi khác. Bố của Trân hạ cuốn sách xuống nhìn bà vợ, rồi cười:
“Tôi đã nói với bà nhiều rồi, đừng dùng đũa gắp thức ăn cho ai cả. Mấy lần bà mút đũa cho sạch, rồi gắp thức ăn bỏ vào dĩa cho con Da-Ni-Phờ, tôi thấy cái mặt nó cứng sượng lại, dáng điệu sợ hãi lắm, cứ nhìn chăm chăm vào miếng ăn bà vừa gắp cho nó, mà không dám đụng đến. Bà gắp cho tôi thì được, chứ đừng nên gắp cho ai cả. Ngay cả bạn bè thân thiết hay con cái trong nhà cũng đừng. Riêng tôi với bà, thì xem như một, tôi không sợ cái dơ của bà, bà không sợ tôi lây bệnh. Đó là chuyện riêng của vợ chồng. Nhưng có lẽ, ngay cả vợ chồng, cũng không nên dùng đũa gắp bỏ cho nhau.”
Chị Hương hừ một tiếng, giọng giận hờn: “Người ta có thương, có quan tâm, mới gắp miếng ngon mời ăn. Nếu không thì mặc kệ. Hơi đâu mà tốn sức!”
Ông chồng chị tiếp lời: “Bà có cái thói dùng đũa sục sạo, moi móc, đão lộn thức ăn trong dĩa, tìm miếng ngon bỏ cho người khác. Cái tâm của bà tốt thật, nhưng hành động đó không hợp với văn minh chút nào.”
“Ưà, tui dã man mọi rợ như vậy đó. Ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi!”
“Ai mà dám không chịu bà? Bà bỏ đói cho vêu mỏ ra thì khốn. Nhưng tôi có nhận xét sau đây, nói ra bà đừng buồn giận nghe! Bà học được cái thói đão thức ăn trong diã của mẹ bà. Mỗi lần về thăm ông bà cụ, trong bữa ăn tôi ớn lắm. Có lần ăn thịt gà bóp rau răm, mẹ dùng tay bốc và xé thịt bỏ vào chén tôi. Nhìn mười ngón tay của mẹ, móng dài, đóng khớm đất đen ngòm. Tôi cũng ớn lạnh. Mắt tôi muốn nổ đôm đốm. Tôi cứ hốt hoảng bảo xin mẹ để cho con tự nhiên, trong nhà cả mà, con đâu dám khách sáo. Nhưng mẹ cứ bốc bỏ thêm vào chén tôi. Tôi biết đó là tình thương, là lòng tốt của mẹ dành cho con rể, không thể phụ lòng mà từ chối, không đổ đi được, sợ mẹ buồn. Tôi nín thở nhắm mắt mà nuốt trỏng, không dám nhai, nó cứ nhờn nhợn trong cổ, nuốt hoài không xuống. Cứ nghĩ phải ăn các thứ vi khuẩn, vi trùng, sán lãi, chất dơ bẩn dính trong mười cái móng tay đen điu đó, không nổi gai ốc sao được. Chúng ta phải can đảm mà công nhận cái chưa đúng, lối sống thiếu vệ sinh của mình. Tìm cách cải tiến sửa đổi cho hợp với thời đại văn minh hơn. Nhiều lần tôi đề nghị ăn đũa hai đầu như thời xưa mấy người đi kháng chiến chống Pháp trong bưng biền, mà không ai chịu.”
Bà Hương cười chế diễu: “Ăn đũa hai đầu văn minh lắm hay sao! Mấy người đó, ở trong rừng đặt bày chuyện vệ sinh, khi về thành, có còn ai dùng đũa hai đầu nữa đâu. Hai đầu đũa đều dính dơ, dễ quệt vào áo quần. Khi muốn tạm gác đũa cũng không được, không biết gác vào đâu. Thêm lúng túng vụng về. Tôi nhớ nhiều lần ông đề nghị để thêm vài ba đôi đũa chung trên mâm cơm, để cả muỗng chung vào các dĩa thức ăn, khi gắp, thì dùng các thứ đũa muỗng chung đó. Thế mà ngay chính ông, cứ lẫn lộn, cầm đũa chung mà ăn, dùng đũa riêng mà gắp, lẫn lộn nhau, được năm ba hôm, phiền phức quá, rồi cũng dẹp. Chính ông phá chứ không ai cả.”
Ông chống bà rùn vai cười gượng: “Đúng. Tôi cứ lẫn lộn mãi vì quen thói cũ. Nếu chúng ta cứ tập lần lần, kiên nhẫn theo, rồi thành quen và sẽ không lẫn lộn nữa. Cái gì cũng phải tập, thói quen mấy chục năm từ ngày còn thơ ấu, đâu thể bỏ ngay được?”
Ông chồng bà Hương thở một tiếng rất dài, tằng hắng rồi nói:
“Cách ăn uống ở quê tôi còn thiếu vệ sinh hơn nhiều. Một lần tôi về thăm, được mời cơm chiều. Chiếu trải trên giường, mâm cơm có hai tô canh, một dĩa rau luộc lớn, một tô nước chấm bằng mắm nêm pha loảng với ớt cay, tỏi bằm, thêm một dĩa mắm cà vun. Quanh mâm cơm có tám người, hai ông bà nội, hai vợ chồng, ba đứa con, và tôi. Đường xa, đói bụng, nhìn mâm cơm tuy thanh đạm, nhưng tôi đã cảm được cái ngon trong tô canh, trong diã rau luộc và tô nước chấm cay xè. Cả nhà, ai cũng đua nhau ăn mau như vũ bảo. Mọi người dùng đũa gắp rau, rồi nhúng vào chén nước chấm chung, quậy quậy đũa, rồi đưa thẳng vào mồm. Thỉnh thoảng có người đang nhai nhồm nhoàm cơm đầy trong miệng, cầm tô canh lên húp một tiếng ‘rột’, rồi bỏ xuống, người khác bắt chước, cầm tô húp theo. Tô nước chấm hòa đủ nước miếng của mọi người trong nhà qua đôi đũa, càng ngày càng loảng và nhạt ra. Tôi đi đường xa, tuy bụng đói, nhưng cũng ngại ngần, không dám ăn rau luộc, không dám chan canh, chỉ khười khười mấy trái mắm cà, vì món nầy ít bị những đôi đũa xáo trộn.”
Ngưng một lát, ông chồng nói tiếp: “Đừng hỏi tại sao không chia cho mỗi người một chén nước chấm riêng. Nhà nghèo, chén đâu có nhiều mà bày ra. Dù nếu có được chén, cũng không thể đủ nhiều nước chấm để chia riêng cho từng người vài muỗng. Bởi thế, khi trong nhà có người bị bệnh truyền nhiễm thì nó lây lan vô tội vạ. Rán mà chịu. Nhưng thật ra, thì không biết làm sao hơn. Biết đâu đó cũng là một cách chủng ngừa lạc hậu nhưng lại hiệu nghiệm.”
Anh con trai tán thêm: “Khi nào đi ăn tiệc, con tránh ngồi chung bàn với ông Tư, dì Sáu, chú Tám. Mấy người nầy ăn uống tự nhiên, dễ dàng. Cứ dùng đũa đào bới lật qua lật lại thức ăn trong dĩa, gắp miếng nầy lên, bỏ miếng kia xuống, cho đũa chạy rong từ dĩa nầy qua dĩa khác để tìm gắp những miếng ăn mà họ vừa ý. Có mấy người khách chung bàn cứ nhíu mày, mắt theo dõi chăm chăm các đôi đũa đang sục sạo, có lẽ để tránh các nơi thức ăn đã bị đũa người khác nhúng vào rồi. Con thì cứ cười cười, quan sát nét mặt bất bình, không vui của những người sợ, và cái hớn hở thản nhiên của người đang dùng đũa bới đào chọn lựa, tìm được miếng ngon, thấy mà thương. Bác Ngô nói với con rằng, thường chỉ ăn được mấy miếng đầu tiên, khi những đôi đũa dơ dáy chưa đào xới diã thức ăn. Sau đó, bác gác đũa, ngồi nói chuyện vui. Bởi thế, mỗi lần phải đi dự tiệc tùng, bác bèn ăn cơm nguội trước ở nhà cho lưng lửng bụng mới ra đi. Bác nói tiếp, có thể người ta sạch sẽ vệ sinh hơn bác, nhưng bác không muốn ăn nước bọt, uống đờm dãi của người khác.”
Bà Hương trừng mắt gắt: “Thôi, thôi, mẹ không muốn nghe cái lối nói thiếu tử tế đó. Việc chi mà kêu là uống đờm dãi của người khác, nghe không lọt tai. Nên ăn nói cho thanh lịch, tử tế hơn. Ông ấy đâu có vệ sinh văn minh chi hơn ai mà bày đặt chê bai.”
Ông chồng bà Hương thấy vợ nỗi cáu, quay qua nháy mắt với anh con trai, và hạ giọng nói riêng với nó:
“Lần nọ ăn tiệc, ba ngồi gần bà chị hàng xóm cũ. Bà nầy quen thân từ nhỏ. Ngồi gần nhau, bà vui mừng nói chuyện tíu tít. Bà cho biết mới bị bệnh cúm xong, chưa lành hẳn, lâu lâu bà hắt xì nhảy mũi, lấy khăn xịt mũi xì xì, và ho sù sụ. Ba cũng sợ lây bệnh lắm, nhưng đành phó mặc cho Trời, và cầu sao đừng bị lây. Chị em lâu ngày gặp lại nhau, dù về nhà có bị bệnh, cũng đành chấp nhận. Nhưng chị cứ dùng đũa của chị, gắp thức ăn bỏ vào chén của ba mãi. Ba cứ van lơn cầu khẩn chị để cho ba tự nhiên, ưa ăn món nào thì sẽ tự gắp. Nhưng chị không chịu, cứ gắp bỏ cho ba hoài. Ba buồn lắm, nhưng không biết làm sao. Thấy dĩa thức ăn của ba cứ đầy vun, chị hỏi sao không ăn, ba  ngại ngần giả vờ nhăn mặt, nói rằng bỗng  nhiên nghe  đau quặn trong bụng. Rồi ba chỉ uống nước cho đến khi tiệc tàn.”
Anh con trai cười thích thú kể cho hai ông bà nghe: “Ba mẹ có biết không, thằng James nó nói ăn lẩu là “góp nước miếng húp chung”. Mọi người đều gắp tôm cá thịt, rau, nhúng vào nồi, nhận chìm rau, quậy vục, chờ sôi, thọc đũa riêng vào mà vớt, mò, đôi khi lại dùng cả muỗng riêng mà múc nước húp, rồi cho vào chén. Mọi người đều cùng làm một động tác như nhau, không ai ngán ai lây truyền bệnh hoạn. Không biết nồi lẫu sôi có giết hết được các loài vi khuẩn, vi trùng hay không. Bởi thế, khi có ai mời di ăn món lẫu, nó thẳng thừng từ chối ngay, con cũng thế. Con ngán nhất những bữa cơm chung, khi có người kêu canh chua cá bông lau, nghe đề nghị là con can ngay. Vì cũng như ăn lẩu, mọi người vui vẻ thọc đũa vào tô canh mò, vớt cá ra dĩa, rồi thọc đũa riêng vào mà dày xéo xâu xé con cá. Có lẽ họ nghĩ nước mắm mặn cũng đủ giết chết vi trùng, vi khuần rồi chăng? Bởi vậy, khi nào ăn lẩu, ăn canh chua là không có con.”
Chị Hương tiếp lời anh con trai: “Người mình ăn đũa, dù cho là thiếu vệ sinh, nhưng đã chết ai đâu mà ầm ĩ?”
Ống chồng chị đưa tay ngắt râu ngứa, rồi từ tốn nói: “Có chắc chưa chết ai không? Thế mà thống kê cho biết, chỉ tại Hoa Kỳ thôi, số người bị lây nhiễm qua đường miệng do ăn uống  hàng năm có đến gần 50 triệu người, mà 130 ngàn người phải đưa vào bệnh viện, và chết hơn ba ngàn người. Còn Việt Nam mình không có thống kê, cứ lặng lẽ truyền bệnh, âm thầm mà chết. Tôi nghĩ rằng, sở dĩ người Việt Nam mình đông đảo người bị bệnh gan, là hậu quả của ăn đũa. Đôi đũa, gây đại họa, đôi đũa bí mật giết người.”  
Chị Hương đã yếu giọng: “Chi đến nỗi bi thảm đến thế? Dễ chừng những xứ không ăn đũa ít bị bệnh gan hơn chăng?”
Anh con trai xen vào: “Ba nói đúng đó mẹ à. Bố mẹ của bạn con, mười người chết, thì có đến năm sáu người chết vì bệnh gan, chai gan, ung thư gan, bệnh gan B, bệnh gan C. Rồi mới đến bệnh tim,  ung thư phổi, tử cung, ruột. Bác Sáu nói rằng, không hiểu sao những người hay về Việt Nam chơi, khi trở lại Mỹ, thường bị bệnh gan mà chết. Nói thế thì có lẽ cũng không đúng hẳn, không lẽ chỉ họ chết mà người bên Việt Nam mình không sao?”
Chị Hương lên giọng: “Đôi đũa cũng được xem như là một phát minh quan trọng của loài người. Là một bước tiến của nền văn minh cổ đại. Dùng đũa, có nhiều điều kỳ diệu. Còn bao hàm một cả triết lý của đông phương. Đó là nguyên lý âm dương, ngũ hành, kết hợp giữa thế động và thế tĩnh, động là chiểc đũa trên di động, tĩnh là chiếc dưới nằm yên. Đũa tiện dụng, có thể đào, bới, kẹp, lùa, xắn, cắt, xé, phân nhỏ, xiên, đè, quẹt, hất, giữ. Chỉ đôi đũa thôi, nó còn đa năng hơn hai ngón tay, hơn con dao, hơn cả muỗng nĩa. Đũa chỉ không gắp được chất lỏng mà thôi. Có lẽ vào thời xa xưa nào đó, khi còn ăn lông ở lỗ, tổ tiên chúng ta đã dùng que, nhánh mà khều thức ăn nướng trong lửa nóng. Ban đầu dùng một thanh, sau đó dùng hai thanh mà gắp, thấy thuận tiện, nên đôi đũa được phát sinh. Cũng có học giả cho rằng, loài người bắt chước những con chim mỏ dài gắp cá mà làm nên đôi đũa. Khi tay dơ dáy, dính đầy bùn đất, không muốn bốc thức ăn đưa lên miệng, dùng đũa là giải pháp tốt nhất.” - Ngưng một lúc, chị nói tiếp - “Dùng đũa, còn vệ sinh hơn dùng tay mà bốc như cách ăn của người Ấn Độ, Trung Đông. Đang  ăn, ngứa đầu đưa tay lên gãi tóc,  ngứa mông thọc tay vào quần gãi, rồi cũng bàn tay đó, bốc thức ăn cho vào miệng. Ăn đũa không rườm rà như ăn bằng dao, nĩa, muỗng của người Âu Châu. Người Nhật, người Hàn cũng dùng đũa, họ bày đặt ra những quy định riêng khá nghiêm ngặt khi sử dụng đũa, cũng bảo đảm được phần nào vệ sinh trong  khi ăn chung.”
Anh con trai góp chuyện: “Con nghe chú Tú kể rằng, thời mới được tàu Nhật vớt trong khi vượt biển. Đến Nhật tình cờ gặp được người bạn cũ vào thời du học tại Mỹ trước đây.  Được bạn mời cơm nhiều lần, và chú đã phạm phải nhiều sai sót khi dùng đũa. Vì người Nhật đã đưa nghệ thuật ăn đũa thành một thứ văn hoá, với nhiều quy định chặt chẽ.  Chú cứ gắp thức ăn từ dĩa, lia lịa đưa thẳng vào miệng. Chủ nhà vì lịch sự không nói, nhưng có vẻ không bằng lòng. Trong khi đang ăn, nhiều lúc chú tạm gác đũa qua chén. Làm chủ nhà tròn mắt ngơ ngác. Với người Nhật, đây là một hành động cực kỳ vô phép, xúc phạm đến người nấu ăn, ý muốn nhắn rằng, đồ ăn dở như hạch, hay là tôi cóc cần các thức ăn nầy. Có khi chú đã dùng đũa đâm xiên vào cục thịt, cũng là một hành động vô lễ, giống như thử xem thức ăn đã nấu chín hay chưa. Sau nầy, chú đọc sách,  học được nhiều quy tắc trong khi dùng đũa của người Nhật. Ví như không được ngậm đũa trên miệng, không được dùng đũa đề chuyền thức ăn cho nhau, giống hành động gắp tro xương người chết.  Không cắm đôi đũa vào tô cơm, đũa chỉ được cắm vào tô cơm cúng người chết mà thôi. Cũng không được dùng đũa để chuyển dịch tô chén trên bàn ăn. Không được nhảy đũa từ món nầy qua món kia. Không mút đũa. Không dùng đũa khoắng trong tô canh. Khi gắp món ăn, gắp từ miếng nằm trên dần xuống miếng dưới, chứ không đào bới tìm miếng ngon vừa ý. Kể ra những quy tắc đó, có nhiều phần đúng với phép vệ sinh, nhưng cũng có nhiều cái mang nặng tính cách quy định không cần thiết. Nếu ăn đũa theo người Nhật, cũng bớt được phần nào truyền nhiễm bệnh từ nước miếng khi ăn chung.”
Sau khi pha cho chồng và con hai ly nước trái cây, chị Hương lục lọi trong tủ đựng các dĩa phim, rồi bảo sẽ cho chồng xem nghệ thuật cao siêu của người sử dụng đũa thuần thục. Trên màn ảnh truyền hình hiện lên một kiếm khách xứ Phù Tang, đầu đội nón rê xùm xụp, mang áo tơi lá, trông tơi tả nhếch nhác như một kẻ ăn mày, khệnh khạng bước vô quán,  xem như chung quanh không còn ai. Lặng lẽ nâng cốc cạn rượu. Bỗng từ phía bàn kia, có người ném một ‘ám khí’ bay vụt thẳng vào mặt kiếm khách. Không né tránh, không vội vàng, kiếm khách cầm đôi đũa lên, gắp được miếng ám khí đang bay, vụt hất ngược lại, địch thủ thét lên một tiếng đau đớn mà ngã lăn quay ra chết. Rồi cũng đôi đũa đó, gắp lia lịa giết bọn ruồi nhặng đang bay vo ve trên dĩa thức ăn.
Anh chồng chị Hương vỗ đùi cười vang mà nói: “Xạo  gần bằng chuyện đội phụ nữ anh hùng Thanh Hóa dùng cù ngéo tre móc rớt máy bay ‘Con Ma’ bắt giặc lái Mỹ.”
Chị Hương hỏi chồng: “Ngày nay văn minh, cả thế giới như đã thu hẹp lại. Hiểu biết và văn hóa phổ biến khắp nơi, thì tại sao các dân tộc ăn bốc không biết cải thiện, mà dùng dao nĩa, dùng đũa? Không biết dân Ấn Độ ăn bốc có vục tay vào tô cà ri mà thay muỗng, đưa lên miệng húp sồn sột, rồi mút và liếm bàn tay hay không? Có lẽ là không. Có thể họ đổ ra tô, diã của họ, rồi chấm mút chăng?”
Chồng chị Hương thong thả: “Nghe đâu ăn bốc, theo quy định, chỉ được bốc bằng các ngón của tay mặt mà thôi, tay trái được nghỉ ngơi, có lẽ vì tay trái chỉ xử dụng để làm những việc dơ dáy. Món ăn nào bị bàn tay trái của người khác đụng vào, thì xem như đã bị ô nhiễm, không ai dám đụng đến nữa, phải bỏ đi. Người ta khinh bỉ người ăn bằng tay trái, bị xem là hạ tiện, bất lịch sự. Trong truyện ‘Ngàn Lẻ Một Đêm’ của dân  Ả Rập có kể chuyện một thương gia giàu có, vì ăn tỏi hôi tay, nên bị người tình là bà hoàng, chặt mất bàn tay mặt, phải dùng tay trái trong lúc ăn, ông ta bị khinh bỉ, hất hủi, miệt thị.
Khi bốc những thức ăn rời rạc như cơm, đậu, thì chúm các ngón tay mà vít lên, rồi lật ngữa bàn tay, để thức ăn vào giữa bốn ngón, sau đó dùng ngón tay cái mà lùa vô miệng. Không để thức ăn trong lòng bàn tay. Không bốc thức ăn từ dĩa đưa thẳng vào miệng. Ăn quen thì cũng gọn gàng, không bôi tèm lem vào râu ria, môi miệng.”
“Ăn bốc có gì hay mà không thay đổi nhĩ?” Chị Hương hỏi vẩn vơ.
Trân, con trai bà Hương trước đây có cô bạn gái người Ấn Độ, hay lui tới và định ‘kết’ với cô nầy, nên đã tìm hiểu, bèn giải thích cho mẹ:
“Ăn bốc cũng có cái triết lý cao siêu riêng của nó, chứ không phải là dã man, chưa văn minh, chưa biết dùng đến đũa hay dao nĩa. Họ quan niệm rằng, ăn bốc là một phối hợp kỳ diệu của ngũ hành với hệ thống thần kinh não bộ, nối liền với hệ thống bộ tiêu hoá, có nhiều ích lợi dinh dưỡng cho đời sống. Họ quan niệm năm ngón tay hàm chứa năng lực ‘ngũ hành’. Ngón cái là tiêu biểu cho lửa, ngón trỏ là khí, ngón giữa là trời, ngón đeo nhẫn là đất, ngón út là nước. Nếu mất thăng bằng của ‘ngũ hành’ nầy, thì dễ sinh bệnh hoạn. Khi ăn bằng tay, bốc bằng năm ngón, thì năm thứ năng lượng tiềm tàng nầy đi theo thức ăn mà vào cơ thể, làm cho thức ăn thành một món thuốc, chữa lành các bệnh hoạn, tăng sinh lực cho các vùng yếu đuối của cơ thể. Khi bốc bằng tay, thì cái xúc giác đưa tín hiệu lên não bộ, vào hệ thống kinh mạch, nên bao tử biết để đón nhận, và chấp nhận, tiết ra những dịch vị thích ứng, cho nên thực phẩm dễ tiêu hoá hơn. Mấy ngón tay cũng là cái nhiệt kế đo lường độ nóng lạnh của thực phẩm, để khỏi phỏng miệng la làng.”
Chị Hương cười: “Bày đặt! Tưởng tượng! Có chi chắc là nước, lửa, trời, đất, khí nằm trên năm ngón tay? Người ta tưởng rằng, ăn dao nĩa là văn minh và thuận tiện nhất. Không hẵn. Trước tiên, phải cho mỗi người một bộ. Dao nĩa cũng không thuận lợi bằng đôi đũa. Phở mà ăn bằng nĩa thì bất tiện lắm. Không thể nào câu sợi phở lên, cũng không thể quấn vòng vòng như ăn mì sợi, nó tuột mất. Thử xem, khi muốn gắp cục xương, dùng đũa vẫn dễ dàng hơn dùng nĩa, cục xương nằm chênh vênh trên cái nĩa, rất dễ rơi rớt ra bàn, văng vào áo quần người khác. Ăn bằng dao nĩa, phải phối hợp với ăn bốc. Như ăn bánh mì, họ phài dùng tay mà xé, ăn gà nướng, cũng bốc bằng tay. Nếu dùng đũa, thì không cần phải bốc bao giờ.”
Trân kể cho bố mẹ nghe rằng, sở dĩ con Da-Ni-Phờ không dám đến nhà ăn nữa, vì năm ngoái, nó đi du lịch bên Việt Nam với bạn. Chúng nó nghe nói thức ăn của các bà bán hàng rong rất ngon. Chúng ăn bún ốc. Ăn mỗi đứa ba tô ngon lành. Khi ăn thì chúng không để ý. Khi thấy chị hàng rong rửa tô trong một cái chậu nước nhỏ, và lau bằng cái khăn ướt ngã màu đen điu, mà trước đó nó thấy đàn ruồi bu đen, chạy nhảy trên khăn. Nó chợt nhận ra chậu nước đó đã rửa cả hàng chục cái tô của hàng trăm thực khách, bao nhiêu dơ dáy đều gom lại trong đó hết. Nó nghe dờn dợn trong cổ họng, rồi quay ra, kê đầu vào gốc cây mà nôn thốc nôn tháo ra hết. Nó tởn, không dám đụng đến các gánh hàng rong nữa. Sau đó, con Da-Ni-Phờ còn thấy tận mắt các bà bán hàng móc túi thối tiền, những tờ đen điu bèo nhèo dơ dáy, rồi cũng dùng bàn tay trần đó, bốc thịt, bốc rau, nhón tiêu hành, thả vào các tô chén cho thực khách ăn. Nó khiếp vía từ đó.
Chị Hương nói với Trân: “Con cứ kêu con Da-Ni-Phờ đến ăn đám giỗ cho vui. Nói cho nó biết, sẽ cho nó một dĩa riêng thức ăn, không chung đụng với ai cả. Con bé nầy dễ thương vui vẻ. Mỗi xứ có cái văn hoá riêng. Ai cũng tự hào về văn minh của mình. Đừng ai chê ai. Ăn bốc cũng tốt, ăn bằng dao nĩa cũng hay, nhưng tốt và tiện nhất là ăn đũa như chúng ta.”
Trân tiếp ý mẹ: “Thế sao chúng ta không phối hợp giữa dao nĩa, và đôi đũa mà ăn uống cho vệ sinh? Có đũa muỗng riêng, đũa muỗng chung, không ai ngại ai. Như thế thì có vệ sinh hơn không. Ngày nay, đũa muỗng cũng rẻ rề, mua bao nhiêu cũng có. Cứ tập dần, cái gì hay thì theo, cái gì không tốt thì bỏ đi.”
Chị Hương nghĩ ngợi một lúc, vui vẻ nói: “Mẹ tán thành ý kiến của con. Kể từ ngày mai, sẽ thi hành. Trong bữa ăn ai vi phạm sẽ xử phạt bằng tiền. Mẹ chắc Ba con sẽ bị phạt dài dài đó. Phạt mãi, sợ tốn tiền, thì sẽ tuân thủ mau.”
Ông chồng chị quay lại nói lớn: “Ừ, ừ, để xem ai bị phạt nhiều hơn ai cho biết. Bà cứ chê tôi hoài!” ./.

Tràm Cà Mau 2015
03/28/15

*Cám ơn anh Trần Tấn Đạt giới thiệu.

2015/08/09

Bài Ca Sát Thát

Đoàn người ấy mọc lên trong sa mạc, 
Cả một rừng gươm trên lưng ngựa trường thành 
Đoàn quân ấy từ phương Đông xuất phát, 
Lũ con hoang bất trị của trời xanh 
Chỉ nhắp có hơi men sung sát, 
Chỉ say sưa bằng những miếng giao tranh, 
Nhằm hướng Phi châu 
Ngựa vọt tới đâu là đời sống tan tành, 
Biển ngập máu còn mang tên Hồng Hải 
Cờ phất Âu châu, 
Ngựa giẫm tới đâu là xương phơi thịt vãi 
Biển đeo tang còn Hắc Hải ghi danh... 


Như ngọn cuồng lưu, như cơn bão cát 
Từ Mông Cổ, Tân Cương đến Ba Tư Bạch Đát, 
Trở về Hoa Hạ, Yên kinh 
Lũ Thiên triều từng Bắc chiến, Tây chinh 
Lẽ nào để một phương không xéo nát! 
Trời Nam riêng cõi thanh bình 
Lẽ nào để chiếc ngai vàng Thát Đát 
Ba chân trời Đại Lục đứng chênh vênh! 

Hay đâu: Bắc phương vừa quẫy đuôi kình 
Rồng thiên sớm đã cựa mình Nam phương 
Trần triều hai Thánh Đế 
Hưng Đạo một Đại Vương 
Hội mở Diên Hồng, đất nước vang rền khí thế, 
Hịch truyền Vạn Kiếp, trời mây sáng rực văn chương. 
Ý gửi tự muôn dân, lệnh trao từ chín bệ 
Thì nắm đầu giặc như chơi, cướp giáo giặc cũng dễ. 
Đây cửa sông Hàm Tử, bến đò Chương Dương! 
“Nuốt sao Ngưu” chẳng phải việc hoang đường 
Nam phương cường, Bắc phương cường! 
Máu đào loang sóng Phú Lương mấy lần... 

Sét nổ trăm hai ngọn ải Tần, 
Giang hoài biên tỉnh lại ra quân 
Năm mươi vạn tinh binh ruổi ngựa 
Tràn xuống Thăng Long như một khu rừng bốc lửa. 
Những “Cây Sắt” con nòi Thiết Mộc Chân! 

Giống Hồng Lạc giữa hai đường sanh tử 
Trông lên sợi tóc buộc ngàn cân 
Chợt đâu đó xé rèm mây quá khứ, 
Xa thăm thẳm mấy ngàn năm Việt sử 
Rọi về tia mắt tiền nhân: 
Thiêu tàn khoảnh khắc bao do dự 
Cả thép vô danh cũng rực ánh gươm thần... 

Sát cánh vua cùng dân 
Chung lòng với tướng quân 
“Phá cường địch” cờ ai sáu chữ 
Báo hoàng ân là báo quốc ân 
Trăm họ chẳng ai còn lưỡng lự 
Sông núi nào riêng một họ Trần. 
Bình Than lạ nổi phong vân 
Một gươm Tiết chế hai lần trao tay. 

Lời Đại Vương truyền nín cỏ cây 
Ba quân hào khí ngất tầng mây 
Vụt nghe tướng lệnh, vươn mình thét: 
-Sông Bạch Đằng tôi có mặt đây! 
Hán hồ cũng đến chôn thây 
Trước sau một khúc sông này mà thôi... 

Triều non bạc lên ngôi, giờ lịch sử 
Và xuống ngôi, theo lệnh Đại Vương truyền. 
Nước rút đi, như ngàn vạn mũi tên 
Lấy Đông Hải làm bia nhằm bắn tới 
Một ám hiệu Kình nghê vừa mắc lưới, 
Thuyền Vương Sư liền quật khởi tranh phong 
Tay chèo nổi ngược cơn dông 
Tiêng hò “Sát Thát” vang sông ngập bờ. 

Duyên Giang một giải, 
Lau cũng phất cờ 
Mùa xuân gần cuối 
Vẫn sóng bay hoa 
Ngang trời động sấm tháng ba, 
Dọc sông chớp giật, sáng loà gươm đao... 

Cũng nơi đây Bạch Đằng Giang một khúc, 
Ngô Vương từng chém Hoằng Thao 
Gió mây thôi thúc 
Quằn quại ba đào 
Chợt tưởng niệm máu càng sôi sục, 
Tinh thần quyết thắng bốc lên cao. 

Thế phản công làm giặc dữ nôn nao 
Chúng hoảng hốt vội thu quân về thượng lưu sông Bạch, 
Nhưng số phận Hung nô, người phương Nam đã vạch, 
Hỡi ơi, bằng giáo sắt cắm ngang sông 
Đáy trường giang là cả một bàn chông 
Nằm đợi sẵn khi thuỷ triều xuống thấp 
Đoàn thuyền giặc lui qua bị xô nghiêng, lật sấp 
Bị xé ra từng mảng vở tan thây... 

Giữa lúc rồng thiêng mở vuốt tung mây 
Quân tiếp ứng của Vương Sư ào xuất trận 
Và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn 
Hiện ra như một vị thần linh 
Chớp mắt trên sông bặt sóng kình 
Thế là đã nơi này bỏ xác 
Lũ con hoang của trời sa mạc 
Khắp Á, Âu từng vạn lý trường chinh 
Bọn chúng ngờ đâu một sớm cõi Lý Minh 
Thân bách chiến bỗng quay về hột cát 
Trôi theo sóng cả tiếng tăm nòi Thát Đát 
Cả giấc mơ xâm lược chúa Hồ Nguyên... 

Ấy ai qua chốn giang biên 
Khói đầy khoang giấc sầu miên lạnh lùng 
Tiếng kình vang đợt sóng rung 
Có nghe chăng có thẹn thùng người xưa? 
Riêng ai nước cũ mây mờ 
“Thái Bình Diên Yến” câu thơ lệ nhoà 
Tháng Giêng kỷ niệm Đống Đa 
Sông Đằng kỷ niệm tháng ba mấy lần? 

Đầu mùa xuân, cuối mùa xuân 
Cánh tay Đế Nguyễn, Vương Trần nào ai? 


Vũ Hoàng Chương
1962  

2015/08/08

BÀI THƠ BƠ VƠ

Những vần chữ ngổn ngang nơi góc nhỏ
Bụi thời gian mờ phủ nẻo đường mơ
Khơi chút lửa khêu ngọn đèn sáp nhỏ
Góc tường loang nhân ảnh đã phai mờ

Gom nhặt chữ ráp vần kêu quá khứ
Mấy mươi năm hổn độn kiếp trần đau
Ngàn ý tứ dâng trào nơi tim não
Bút nghiêng xưa mực đọng đã hôm nào

Cố nói chữ khạt khào trong  cổ rát
Âm thanh về nghe rơi rớt tình xưa
Bờ mộng thực xa kia còn quá nửa
Lời thơ ca gẩy gập khoảng  âm thừa

Trên bàn chữ ngẩn ngờ tìm con dấu
Nghe lạc loài dư vị của tình thơ
Lại thèm quá mùi giấy thơm thuở đó
Chữ lại về..vần ý vẫn bơ vơ...

Hương Chiều 
24/04/2015
***
Cảm họa:


*CON CHỮ CÒN VUI
Dù kỷ niệm buồn đầy trí nhớ
Nếu ta chân bước vẫn còn mơ
Mỗi hơi thở ngọn đèn soi lối
Khao khát đời say chẳng nhạt mờ.

Ráp chữ thành câu ghi quá khứ
Tôn vinh nhát nhói của niềm đau
Là liều xúc tác cho tim óc
Sống đẹp, sống vui hơn lúc nào.

Đừng khạt chữ làm đau rát cổ
Ngâm vần thơ niệm khúc thời xưa
Đón chào dáng đẹp ngày còn lại
Chớ biến đời nhau đoạn sống thừa.

Con chữ  luôn chờ lời nối kết
Dệt thành vần điệu những bài thơ
Mùi thơm giấy mực hoài như trước
Ý/chữ đâu còn nghĩa vẩn vơ.

Anh Tú
August 8, 2015
Mong Manh


Lá xanh lìa cành
Sương vương hạt lệ
Mong manh!

Lá xanh sao vội lìa cành
Lăn lóc dưới đất: Sao đành lá ơi!
Đêm qua có giọt sương rơi
Khóc thương chiếc lá cuộc đời mong manh!

Anh Tú
(NHA)
August 9, 13

2015/08/04

KINH NGẠC TÁC DỤNG HỖN HỢP QUẾ & MẬT ONG

Chữa tận gốc bệnh đau dạ dày do lạnh; cực kỳ tốt cho tim; làm giảm đau xương khớp; giúp cơ thể khỏe mạnh và làm đẹp da; làm giảm mỡ trong máu... là số ít trong vô số tác dụng của hỗn hợp quế và mật ong...

Bài đăng trên tạp chí “Tin tức thế giới hàng tuần” (Weekly World News xuất bản tại Canada, đã liệt kê một số các chứng bệnh được chữa khỏi (cured) do hỗn hợp mật ong và bột quế, được các nhà khoa học Phương Tây nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến.
Theo họ thì mật ong đã được khắp thế giới biết và được xử dụng như là 1 loại dược chất sinh học (Vital medicine) từ nhiều thế kỷ trước. Ngày nay, qua khảo sát và nghiên cứu kiểm chứng, các khoa học gia đã nhận thấy và chấp nhận mật ong là 1 loại dược chất chữa được nhiều chứng bệnh.

Ảnh minh họa
Chữa bệnh bằng quế và mật ong
Điểm đặc biệt là mật ong không có phản ứng phụ đối với bất cứ căn bệnh nào. Trong đó người ta cho biết, dù mật ong tuy vị ngọt, nhưng nếu dùng với liều lượng vừa phải như là 1 loại dược chất, nó cũng sẽ không gây ảnh hưởng nguy hại cho người tiểu đường.
Liều lượng và cách xử dụng được hưởng dẫn như sau:

1. Đau khớp xương

a) 1 phần mật ong, 2 phần nước ấm, 1 muỗng café bột quế. Trộn lại thành 1 hỗn hợp sền sệt rồi đắp lên chỗ đau nhức và thoa chầm chậm, nhè nhẹ. Cơn đau sẽ giảm nhẹ sau vài phút.

b) Người ta cũng có thể pha 2 muỗng café mật ong 1 muỗng café bột quế trong 1 ly nước nóng, uống đều đặn hàng ngày vào buổi sáng và buổi tối có thể giúp cho những người bị đau khớp xương kinh niên thoát khỏi các cơn đau.

Trong một công cuộc nghiên cứu tại Đại Học Copenhagen người ta đã ghi nhận rằng: các BS khi điều trị các bệnh nhân bị đau nhức với 1 hỗn hợp gồm: 1 muỗng mật ong và 1/2 muỗng café bột quế vào bữa điểm tâm, sau 1 tuần lễ, kết quả 200 người được điều trị 73 người đã hoàn toàn hết đau, và sau 1 tháng được chữa trị hầu hết các bệnh

2. Cao mỡ trong máu (High cholesterol)

2 muỗng soup mật ong, 3 muỗng café bột quế, 16 ounce nước trà. Quậy đều để cho người bị cao mỡ trong máu uống, sau 2 giờ, đo lượng Cholesterol trong máu người ta thấy giảm xuống 10%.

- Cũng theo tài liệu của tạp chí Weekly World News thì nếu người bị cao Cholesterol dùng mật ong nguyên chất với thực phẩm hàng ngày có thể giảm lượng cholesterol đáng kể.

- Đối với người bị đau khớp xương kinh niên, nếu uống theo công thức trên, 3 lần trong 1 ngày thì ngoài giảm bớt đau nhức khớp xương ra còn giảm được Cholesterol trong máu nữa.

3. Bệnh về tim mạch (Heart diseases)

Trộn mật ong và bột quế sền sệt rồi quết lên bánh mì thay cho mứt trái cây (Jelly Jam) dùng cho bữa điểm tâm mỗi sáng. Nếu ăn đều đặn như thế có thể làm giảm lượng Cholesterol trong các mạch máu, điều nầy giúp cho các bệnh nhân bị bệnh tim mạch tránh được chứng đột qụy (heart attack).

Nếu những ai đã từng bị đột qụy rồi thì có thể tránh xa được cơn đột qụy kết tiếp, khi tiếp tục ăn điểm tâm như kể trên.


Ảnh minh họa

4. Tăng cường hệ thống miễn nhiễm (Immune system)

Nếu dùng mật ong và bột quế hàng ngày sẽ giúp cho hệ thống miễn nhiễm được tăng mạnh thêm và giúp bảo vệ cho cơ thể khó bị vi trùng và siêu vi khuẩn tấn công.

Xử dụng mật ong đều đặn sẽ giúp cho bạch huyết cầu tăng thêm khả năng chống lại sự xâm nhập của vi trùng và siêu vi khuẩn trong các mầm bệnh.

5. Nhiễm trùng đường tiểu (Bladder infection) Bàng quang

Lấy 2 muỗng canh bột quế, 1 muỗng café mật ong, 1 ly nước ấm. Quậy đều rồi uống cạn sẽ tiêu điệt được các vi trùng (Germ) mầm bệnh trong bàng quan.

6. Nhức răng (Toothache)

Dùng 5 muỗng café mật ong, 1 muỗng café bột quế trộn lại với nhau thành hợp chất sền sệt rồi đắp lên chỗ răng đau. Làm như vậy 3 lần trong 1 ngày cho đến khi răng không còn đau nữa.

7. Cúm (Influenza).

Một khoa học gia tại Tây Ban Nha (Spain) đã chứng minh rằng, trong mật ong có chứa 1 chất thiên nhiên có khả năng tiêu diệt được các mầm siêu vi của bệnh cảm cúm giúp cho người ta khỏi bị cúm (Flu).

8. Cảm lạnh (Colds)

Đối với những người bị cảm lạnh thường hay cảm nặng có thể dùng:

1 muỗng canh mật ong hâm ấm lên (Warm) và 1/4 muỗng café bột quế. Dùng liên tục trong vòng 3 ngày thì có thể chữa lành được các chứng ho kinh niên, và cảm lạnh cũng như chảy nước mũi cũng ngưng lại.

9. Các chứng về tiêu hóa (dạ dày)

a) Dạ dày khó chịu (Upset stomach): Mật ong và bột quế có thể chữa lành bệnh đau bao tử cũng như trị tận gốc bệnh bao tử.

b) Bao tử đầy hơi (Gas): Theo những nghiên cứu đã thực hiện tại Nhật Bản và Ấn Độ cho thấy, mật ong và bột quế đã làm hết bị đầy hơi trong bao tử.

c) Bột quế được trộn chung với 2 muỗng canh mật ong dùng trước k
hi tham dự 1 bữa ăn thịnh soạn nhiều thịt thà sẽ giúp cho người ta tiêu hóa được các bữa ăn đó dễ dàng.


Ảnh minh họa

10. Mệt mỏi (Fatigue).

Các nghiên cứu thấy rằng, chất ngọt trong mật0ong giúp cơ thể con người tốt hơn là làm hại. Cho nên những người cao niên dùng mật ong và bột quế với tỉ lệ bằng nhau giúp cho họ dẻo dai và tinh tường hơn. Theo BS Milton sau khi đã nghiên cứu nói rằng: Khi người ta cảm thấy sự sinh động của mình bắt đầu suy giảm, hãy dùng hằng ngày, sau khi đánh răng vào buổi sáng và khoảng lúc 3 giờ chiều, 1 ly nước ấm trong đó pha 1/2 muỗng canh mật ong ngoáy đều với 1 muỗng café bột quế. Kết quả sẽ thấy sự sinh động của mình lên trở lại trong vòng 1 tuần lễ.

11. Kéo dài tuổi thọ (Longivety)

Khi uống nước trà pha với mật ong và bột quế đều đặn mỗi ngày, người ta có thể làm chậm sự lão hóa, kéo dài thêm tuổi thọ, theo công thức như sau: 4 muỗng mật ong, 1 muỗng bột quế bỏ vào 1 bình trong đó có 3 ly nước rồi đem đun sôi lên như người ta pha nước trà.

Cách dùng: Mỗi lần uống 1/4 ly, mỗi ngày 3 hay 4 lần. Kết quả tốt sẽ thấy là da dẻ hồng hào tươi trẻ, mịn màng. Thực thế tôi quen biết 1 vị cao niên tên là Cụ Mai Phương 86t, đã áp dụng phương pháp nầy hơn 20 năm nay. Cách uống là thêm vài giọt chanh vào ly nước trước khi uống, sức khỏe rất tốt.

12. Giảm cân, chống béo mập (Weight loss)

Hàng ngày 1/2 giờ trước khi ăn điểm tâm lúc bụng đói và 1/2 giờ trước khi đi ngủ hãy uống 1 lý nước đun sôi có pha 1 muỗng mật ong và 1 muỗng café bột quế. Nếu uống như vậy đều đặn hàng ngày thì ngay cả người bị béo phì cũng giảm chậm sự tích tụ chất béo trong cơ thê, và có hiệu quả ngay đối với người ăn các loại thực phẩm có nhiều Calories trong bữa ăn hàng ngày.

13. Da bị nhiễm trùng (Skin infection)

Khi da bị lát đồng tiền (Ring worm) và các loại nhiễm trùng da có thể chữa trị bằng cách đắp lên vùng da bị nhiễm trùng 1 hỗn hợp trộn mật ong và bột quế với phân lượng bằng nhau.

14. Trị mụn (Pimples)

Với công thức 3 muỗng canh mật ong và 1 muỗng café bột quế trộn lại sền sệt bôi lên các mụn trước khi đi ngủ, sáng hôm sau rửa mặt bằng nước ấm. Làm như thế trong vòng 2 tuần lễ thì các mụn sẽ được trị tận gốc.

15. Trị hôi miệng (Bad breath)

Để trị hôi miệng, hơi thở được thơm tho, những người dân tại vùng Nam Mỹ (South America) đã làm việc đầu tiên vào buổi sáng là súc miệng với 1 ly nước nóng có pha với 1 muỗng café mật ong và bột quế quậy đều. Hơi thở của họ không hôi và thơm mùi quế suốt cả ngày.

16. Giúp phục hồi thính giác bị suy giảm, điếc (Hearing loss)

Hàng ngày uống đều đặn vào mỗi buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ 1 ly nước ấm có pha mật ong và bột quế với phân lượng bằng nhau, sẽ phục hồi lại tình trạng thính giác (tai) bị điếc, nghễnh ngãng.

17. Rụng tóc và hói đầu (Hair loss & Baldness)

Những người bị rụng tóc hay hói đầu có thể dùng phương cách sau đây:

Lấy 1 muỗng canh mật ong và 1 muỗng café bột quế trộn với dầu Olive thành 1 hỗn hợp rồi bôi lên đầu khoảng 15 phút, sau đó đi tắm và gội đầu. Kết quả ghi nhận là rất có hiệu quả, ngay cả khi đi tắm và gội đầu 5 phút sau khi bôi.

Ngoài ra bài báo còn nói đến hiệu quả tốt đẹp của việc xử dụng hỗn hợp mật ong và bột quế trong các trường hợp bị vô sinh (Infertility) và bệnh ung thư (Cancer).


Ảnh minh họa

18. Vô sinh (Infertility)

- Yunami & Ayurredic đã dùng mật ong từ lâu trong Y Học để giúp cho tinh dịch của người Nam (Male) được tăng thêm sức mạnh của nó.

- Người ta cũng ghi nhận người đàn ông bị bất lực, nếu uống 2 muỗng canh mật ong mỗi ngày trước khi đi ngủ thì tình trạng bất lực có thể được giải quyết tốt đẹp.

- Tại Trung Hoa, Nhật Bản và một số các nước vùng Viễn Đông, đối với các phụ nữ không thể đậu thai từ nhiều thế kỷ đã được khuyên dùng bột quế để giúp cho buồng trứng và tử cung cải thiện dễ thụ tinh, mang bầu.

- Các phụ nữ không thể có bầu thì có thể dùng 1 Pinch bột quế hòa với 1/2 muỗng café mật ong, rồi ngậm trong miệng thường xuyên suốt ngàỵ 2 thứ này được trộn lẫn với nước bọt trong miệng rồi từ từ ngấm vào cơ thể để mang lại thuận lợi cho người phụ nữ đậu thai.

Người ta đã ghi nhận 1 cặp vợ chồng tại tiểu bang Maryland , Hoa Kỳ; cưới nhau 14 năm không có con và họ gần như tuyệt vọng...

Nhưng khi được mách bảo phương các dùng mật ong và bột quế, 2 vợ chồng đã cùng áp dụng phương pháp trên; chỉ vài tháng sau người vợ đã mang thai và sinh đôi với 2 đứa con khỏe mạnh bình thường.

19. Đối với bệnh ung thư (Cancer)

Những nghiên cứu mới đây tại Nhật Bản và Úc Châu đã ghi nhận tình trạng ung thư bao tử và ung thư xương đang phát tác, đã

được điều trị 1 cách hiệu quả bằng mật ong và quế. Sau khi những bệnh nhân đang mắc phải ung thư bao tử và xương dùng như sau:

Uống 1 muỗng canh mật ong và 1 muỗng café bột quế trộn đều, mỗi ngày 3 lần liên tiếp trong 1 tháng.

Theo Việt Báo (Vn Media)
Hoa Lòng Vẫn Nỡ

Vọng cổ
Sáng tác và trình bày: Hương Chiều



Khép Lại Vòng Quay


Thủ túc anh em đâu khác chi
Ngọt bùi chia sẻ cũng đôi khi
Để tình máu thịt không phai nhạt
Một ít yêu thương có sá gì.

Biết sắp chia ly nhiều nhớ thương
Cho em lần cuối trước lên đường
Quà không đến đích vì vướng mắc
Ấm ức mang theo một tiếc vương.

Cha mẹ một giây chẳng nghỉ ngơi
Nuôi con học tập lẫn vui chơi
Niềm vui dâng sóng khi nhìn trẻ
Từng bước thành nhân dấn bước đời.

Đến lúc tuổi già sức mõi mòn
Như cây củi mục phải nhờ con
Co ro lệ thuộc là phần số
Đôi lúc mĩm cười dạ héo hon.

Khép lại vòng quay chuyến viễn du
Khóc cười thương ghét hận khôn ngu
Thủy chung hiếu để trò nhân thế
Vở kịch bốn mùa xuân hạ thu.

Anh Tú
August 4, 2015

2015/08/02

Người Bạn Mới Quen
(Viết về Ds Nguyễn Thới Đông)


Anh là dược sĩ ngành quân dược
Tôi một y sĩ nhà binh
Không biết nhau
Nhưng vừa quen sau cuộc chiến điêu linh
Mà tôi và anh là hai thằng bại trận.

Chúng mình tuổi cao nhưng chưa lẩn thẩn
Bắt tay nhau thêm nặng nghĩa đồng môn
Anh to người – hiu quạnh tấm thân đơn
Tôi ốm ...yếu - tìm vui trong việc thiện.

Sống một mình không người thân quyến thuộc
Sáng ba giờ anh dậy mở NET rong chơi
Bạn bè anh - xa tít tận Cần Thơ
Nên mỗi tháng anh thường về họp mặt.

Xe rộng chỗ - chỉ mình anh là khách
Chiều cuối tuần anh xuôi về miền tây
Tối dùng cơm – bàn bạc chuyện trời mây
Sáng Chủ Nhật cà phê rồi ăn sáng.

Bạn cùng lớp anh về thăm hàng tháng
Tôi âm thầm theo dõi bước anh đi
Không biết anh khi rảnh rỗi nghĩ gì
Bọn chúng tôi nhìn anh : thương nhiều lắm.

Sinh hoạt mỗi ngày như khi… đi tắm
Cơm nước sáng chiều …cá mắm ra sao ?
Không một người thân chăm sóc phần nào
Cho đở khổ tấm thân đơn …hy vọng.

Nhưng mà không gặp - chúng tôi mong ngóng
Được bắt tay - nhìn lại nụ cười hiền
Bạn Đông ơi ! đời là nỗi khổ triền miên
Mong anh luôn có nụ cười rạng rỡ.

Hy vọng  bạn bè : tinh thần nâng đỡ
Bạn tôi khỏi bỡ ngỡ tuổi về chiều
Mãi âm thầm trong nhà trống tịch liêu
Chúc anh nhiều niềm vui trong cuộc sống…

Dương hồng Thủy
(30/07/2015)

2015/07/27

Về Thăm Quê Cũ*
Ảnh: Bùi Chí Hiếu
 Lối ấy hàng me lá vẫn bay
Rơi theo từng đợt gió vờn lay?
Em về nôn nả thăm quê cũ
Tìm lại dư hương ngọt lẫn cay.

Cái Cá còn đâu nếp sống thường
Ngày xưa êm ả đậm yêu thương
Con sông nước ngọt tình sông Cửu
Thẩm thấu từng phân đất ấp, phường.

Sáng đến chiều về nắng vẫn hồng
Người xưa cảnh cũ luống tìm/ trông
Sao dời vật đổi theo ngày tháng
Tất cả mất rồi… giết ước mong.

Đã biết chuyện đời như nắng mưa
Đổi thay là con tạo đong đưa
Buồn chi hãy để lòng thanh thản
Vui với luân phiên năm bốn mùa.

Anh Tú
July 27, 2015
*Cảm họa từ Tháng Bảy Buồn của Yên Dạ Thảo:

Tháng Bảy Buồn
Tháng bảy lững lờ mây trắng bay
Ngoài hiên cánh gió nhẹ nhàng lay
Có người cô lữ bên thềm vắng
Rưng rức trong lòng giọt đắng cay!

Tháng bảy buồn vui đến bất thường
Hạ về gợi nhớ Vĩnh Long thương
Dòng sông kỷ niệm, hoa tim tím 
Xóm nhỏ, người xưa lẫn phố phường

Tháng bảy chiều rơi nhạt nắng hồng
Sông Tiền bờ vắng có hoài trông
Bóng thuyền viễn xứ mùa thương trước 
Về lại bến xưa ... vơi nhớ mong!

Tháng bảy vô thường chuyện nắng mưa 
Từ  đâu xa vắng gió sầu đưa 
Bỗng nghe man mác tiếng lòng khẽ
Từ đóa hoa mai nở sái mùa!!!

Yên Dạ Thảo
23/07/2015
Em Về Hội Xứ
(Tựa một bài thơ của Hồng Băng)
Clip để tưởng nhớ một người đã về với đất...
Thực hiện: Khúc Giang

2015/07/24


Thôi Nhắc Làm Chi…

Thôi nhắc làm chi tuổi học trò
Dòng đời chôn lấp bóng hình xưa
Nhớ nhung cay xé bờ tim nhỏ
Đã vắng xa rồi những đón đưa

Ngày ấy tương tư ánh mắt cười
Nón nghiêng e ấp nụ hồng tươi
Nẻo tình mờ lối tìm đâu thấy
Đã khuất xa theo nhạn cuối trời

Có phải chăng tình yêu thứ nhất
Là những khúc sầu trong bến thơ
Cùng bao nỗi niềm riêng chất ngất
Lai vãng từng đêm trong giấc mơ

Bận lòng chi anh đời tan hợp
Dõi mắt nhìn theo hướng chim đi
Kỷ niệm vụt qua trong thoáng chớp
Cũng làm dư lệ ướt tràn mi

Gom hết trời mơ lưu mắt ngọc
Cho dù nhân ảnh cách xa đâu
Rong rêu phủ lấp đường đi học
Mãi nhớ dù nay đã bạc đầu

Nhật Lệ
15/7/15
Cố Tươi…

Bây giờ tóc chẵng còn xanh
Bụi trần vương vấn loanh quanh tuổi già
Cố tươi như thuở ngọc ngà
Sống vui sống khỏe như là còn xuân…

Nguyễn Phú Thạnh
July 14, 2015
Bố thí.
Một người nghèo hỏi Đức Phật : “Tại sao con nghèo như thế?”

Phật nói : “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”

Người ấy nói : “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì con bố thí.”

Đức Phật dạy : “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này :

1. Nhan thí - Bố thí nụ cười,

2. 
Ngôn thí  - Bố thí ái ngữ, nói lời hay.

3. 
Tâm thí  -Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.

4. 
Nhãn thí - Bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ.

5. 
Thân thí - Bố thí hành động nhân ái.

6.
 Tọa thí   - Bố thí nhường chỗ cho người cần.

7. 
Phòng thí - Bố thí lòng bao dung