2020/09/16


DINH DƯỠNG VÀ CÔNG DỤNG TRỊ BỆNH CỦA MẬT ONG

Nhiều người cho rằng mật ong là một trong nhiều chất dinh dưỡng quý giá nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Để tỏ lòng trân trọng, họ còn gọi mật ong bằng những cái tên văn vẻ như bách hoa tinh, bách hoa cao, phong đường, phong mật…

Mật ong được làm từ nước ngọt nhụy hoa với 20% nước và 80% đường glucose, fructose. (Hình: Prakash Singh/AFP via Getty Images)

Mật ong đã là món ăn ưa thích của con người từ thuở xa xưa. Hơn bốn ngàn năm về trước, dân Ai Cập và Ấn Độ đã nuôi ong để lấy mật, nhưng phải đợi tới cả ngàn năm sau, người nuôi ong mới biết được là để có mật, ong phải hút chất ngọt từ nhụy hoa.Mật ong là thực phẩm ngọt chính của con người cho tới thế kỷ thứ 15, khi đường trắng được tinh chế. Tuy vậy, ngày nay mật vẫn còn rất phổ thông vì nó làm tăng hương vị thực phẩm, làm dịu ngọt thức ăn, nước uống và cũng để trị bệnh.

Vài điều về ong
Ong là những côn trùng sống thành từng bầy đoàn kết như một xã hội có tổ chức. Một bầy ong thường thường có một ong chúa, trên 1,000 ong đực và nhiều ngàn ong thợ. Đôi khi có hai ong chúa, một mẹ một con. Ong thợ rất bận rộn và chỉ thọ được 28 ngày.
Ong chúa lớn hơn và sống lâu hơn các ong khác. Thực ra ong chúa cũng chỉ là ong bình thường nhưng được nuôi dưỡng liên tục bằng một thực phẩm đặc biệt gọi là mật ong chúa hay sữa ong chúa (Royal Jelly) trong khi đó ong thợ chỉ được dùng sữa này có ba ngày. Ong chúa sống lâu hơn ong thợ tới 60 lần. Mỗi năm ong chúa đẻ tới bốn, năm trăm ngàn trứng vào khoảng giữa Tháng Chạp, khi thời tiết bắt đầu lạnh.
Trong tổ ong, mỗi cá nhân tự quyết định công việc phải làm, và làm việc rất quy củ, nhịp nhàng. Chúng liên lạc với nhau bằng nhiều hình thức, đặc biệt nhất là bằng ngôn ngữ vũ điệu trong đường bay theo hình số 8. Ong cần cù làm việc và cũng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ ấm khi có xâm lăng, nhất là từ những gấu rừng ham ăn, ưa thích mật ong.
Khi đậu trên hoa, ong lấy mật hoa, phấn hoa, nước. Thực phẩm chính của ong là phấn hoa và mật hoa. Mật cung cấp cho ong carbohydrat và đạm chất. Phấn hoa được ong tiêu thụ ngay hoặc để dành dùng dần, đôi khi cả tháng.
Ong làm mật
Mật ong được làm từ nước ngọt nhụy hoa với 20% nước và 80% đường glucose, fructose.
Ở Bắc Mỹ, đa số mật hoa là từ cỏ ba lá (clover), berry bushes, cây dại hoa vàng (dandelion).
Ong dùng lưỡi dài như một cái ống để hút mật hoa vào bao tử riêng biệt. Ong có hai bao tử: một để chứa và tiêu hóa thực phẩm và một bao tử chỉ để chứa mật hoa. Trong bao tử này, mật hoa được các diêu tố chế biến thành mật ong.
Vào mỗi sáng sớm, một vài chú ong “trinh sát” bay lượn trong phạm vi vài cây số để kiếm hoa. Chúng sẽ hút thử một số mật nhụy mang về cho các ong khác giám định phẩm chất. Khi đã quyết định mật hoa nào tốt thì cả bầy ong sẽ kéo nhau tới hút mật hoa. Việc hút nhụy không làm hại tới hoa, mà trong khi hút lấy nhụy thì ong cũng giúp hoa thụ phấn.
Để có được một bao tử đầy mật (khoảng 70 mg), ong phải hút nhụy từ vài trăm đến cả vài ngàn bông hoa. Cho nên, muốn có nửa lít mật cần tới nước ngọt của cả triệu bông hoa.
Khi về đến tổ, một nhóm ong thợ khác hút lại mật hoa này, biến chế, rồi rải rộng trong những ngăn của tổ, dùng cánh để quạt cho bay hơi nước. Sau đó mật ong được tồn trữ trong khuôn gắn kín bằng sáp, để làm lương thực suốt năm. Một năm bầy ong ăn hết từ 50 tới 100 kg mật.
Các loại mật ong
Mật ong là một chất lỏng, hơi sền sệt, từ không màu tới màu hổ phách vàng nâu hoặc nâu sậm như mật mía, tùy theo loại mật hoa. Phẩm chất của mật cũng thay đổi tùy theo địa phương, loại hoa mà ong hút phấn và nhụy.
Mật ong thường được thu hoạch vào mùa Xuân và mùa Hạ, buổi sáng hoặc trưa khi ong bay đi ăn xa.
Từ tổ ong, mật được lấy ra bằng máy ly tâm, diệt trùng bằng hơi nóng và hơi lạnh, lọc vẩn cặn rồi vô chai. Để tăng thêm số lượng, người làm mật có thể pha thêm đường trắng hoặc nước ngọt của bắp vào mật trước khi tung ra thị trường.
Mật tốt nhất là thứ không hâm nóng, không lọc vì khi hâm nóng sẽ làm mất đi một số chất dinh dưỡng và phấn hoa. Mật ong không bị nhiễm độc từ môi trường vì ong chết khi chạm phải những chất ô nhiễm trước khi bay về tổ.
Mật ong có thể được cất giữ ở nơi khô ráo trong nhà mà không cần để trong tủ lạnh. Để lâu, mật có thể đổi sang màu đậm nhưng vẫn không hư vì trong mật có một loại kháng sinh thiên nhiên có thể tiêu diệt các ký sinh làm hư mật. Nhưng sau khi pha loãng với nước thì mật sẽ mau lên men và mau hư như trái cây hoặc rau đậu.
Khi giữ nơi nhiệt độ lạnh, mật có thể kết tinh. Chỉ cần để trong lò vi ba hay trong nồi nước ấm độ vài phút là mật ong lỏng trở lại.
Sữa ong chúa (Royal Jelly)
Đây là một chất lỏng đặc sánh, màu trắng như sữa, do những hạch đặc biệt ở cuống họng ong thợ tiết ra.
Vì thấy rằng ong chúa nuôi bằng mật này sống lâu hơn và cơ thể to hơn nên mật đã được nhiều người  ưa chuộng và giá tiền rất đắt. Sữa ong chúa được bán trong ống nhỏ bịt kín, viên con nhộng, kem bôi, dung dịch để thoa, xà bông rửa mặt…
Nhiều người tin rằng sữa ong chúa có thể “cải lão hoàn đồng,” làm hết các vết da nhăn trên mặt, nuôi dưỡng da, thuốc bổ tăng cường sức khỏe, giúp đời sống tình dục tốt. Các nhà sản xuất còn quảng cáo là sữa ong chúa chữa được các bệnh đau gan, phong thấp khớp, thiếu máu, loét bao tử…
Phân tích cho thấy sữa ong chúa có chất đạm, chất béo, carbohy drat, một số sinh tố B. Tuy nhiên, khi dùng sữa này, ta cũng nên dè dặt vì đã có trường hợp sữa gây ra dị ứng, hoặc bị lên cơn suyễn.
Giá trị dinh dưỡng
Ngoại trừ trái cây và rau đậu, mật ong là nguồn thiên nhiên duy nhất cung cấp cho con người những chất ngọt dễ tiêu.
Trong mật ong, đường chiếm tỉ lệ 80%; còn lại 20% là nước và các chất khác. Hai thứ đường chính là glucose và fructose. Xin nhắc lại là đường trắng tinh chế đã mất hầu hết sinh tố và khoáng chất nên đều khó tiêu và cần một vài sinh tố B để được bao tử hấp thụ.
Ngoài đường ngọt, mật ong còn chứa khoáng chất, sinh tố B, C, các chất amino acid, một ít chất đạm, vài loại men và mấy hợp chất thơm.

Một muỗng canh mật ong có 0.1 gram đạm chất; 17.3 gram carbohydrat, 1 mg calcium, 1 mg phosphor,  64 calori. Mật không có chất béo nhưng có sinh tố B6, B1, magnesium, maganese, natri, kẽm.
Một bác sĩ giải phẫu người Nga đã làm tăng các sinh tố trong mật ong bằng cách nuôi ong với nhiều loại sinh tố.
Mật ong thường được ăn nguyên chất với bánh mì. Cũng có thể pha mật ong với bơ hay margarin rồi phết lên bánh mì. Mật ong có thể ăn với trái cây, khoai…
Khi nấu, một vài chất dinh dưỡng trong mật bị nhiệt tiêu hủy, nên cần giữ nhiệt độ vừa phải và chỉ cho  mật ong vào nồi khi món ăn đã gần chín.
Bỏ lò, mật ong thấm với các gia vị khác vào thực phẩm nên ít bị thay đổi.
Mía được làm thành đường tinh chế sau khi chất xơ, các sinh tố và khoáng chất bị lấy đi. Maple syrup cũng được nấu chế trước khi trở thành món ăn. Riêng mật ong thì hoàn toàn tự nhiên, lấy ra từ tổ ong là dùng được ngay.
Mật ong có nhiều mùi vị khác nhau, vì đôi khi ong bay xa cả trăm cây số để hút nhụy hoa của nhiều thảo mộc khắp nơi trên trái đất. Dù mùi vị có khác nhau, mật ong không mau hư, có thể cất giữ ở ngoài tủ lạnh.

Mật tốt nhất là thứ không hâm nóng, không lọc vì khi hâm nóng sẽ làm mất đi một số chất dinh dưỡng và phấn hoa. (Hình: Wang Zhao/AFP via Getty Images)

Công dụng trị bệnh
Từ nhiều ngàn năm về trước, các sách y học Ai Cập đã coi mật ong là thuốc chữa bệnh rất phổ thông. Hippocrates khuyên dân chúng pha mật với nước uống để làm giảm nóng sốt.
Trong các cuộc chiến tranh vào thời cổ Hy Lạp, Trung Hoa, La Mã, người ta đã biết dùng mật ong để chữa vết thương bị làm độc.
Sách tham khảo “The Edinburgh New Dispensatory” xuất bản năm 1811 có ghi: “Từ xưa, mật ong đã được dùng như một loại thuốc rất tốt để làm long đờm, làm mềm dịu các mụn nhọt, để rửa các vết lở loét trên da.”
Tại Úc và New Zealand, mật ong được phép bán như một dược phẩm để trị bệnh.
Như vậy, ta thấy mật ong đã là một môn thuốc dân gian từ lâu đời.
Mật ong đã và đang được dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc các nhà nghiên cứu trong những trường hợp sau:
-Mật ong bồi bổ, tăng cường sinh lực, rất tốt cho người bị bệnh đang hồi phục. Uống mật ong trước khi vận động cơ thể khiến ta không cảm thấy mệt và tập luyện lâu hơn.
-Mật ong làm bớt căng thẳng, làm thư giãn thể xác và tâm hồn.
-Trước khi đi ngủ, uống mật ong khiến giấc ngủ ngon hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Công Nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT), chất ngọt của mật làm não tiết ra nhiều serotonin mà serotonin lại làm dịu hoạt động của não, khiến ta ngủ dễ dàng.
-Mật làm sự tiêu hóa được dễ dàng nhờ chất đường dễ tiêu glucose và fructose.
-Mật ong làm giảm ho vì thông đàm, rất tốt cho người bị suyễn, viêm cuống phổi, ho gà.
-Mật có phấn hoa nên đã được dùng để làm cơ thể quen dần với phấn hoa, tránh dị ứng theo mùa, nhất là vào mùa Xuân. Đấy cũng là nguyên tắc được áp dụng để làm người dị ứng với phấn hoa trở nên quen đi bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ phấn hoa vào cơ thể.
-Mật ong rất tốt để làm bớt đau cuống họng, làm sạch răng miệng, làm mau lành lở miệng, lở mép nhờ có chất hydrogene peroxide.
-Mật ong làm mau lành các vết thương ngoài da, có tính cách khử trùng và là hàng rào tốt để cản sự xâm nhập của vi trùng vào các vết thương.
-Các nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy bệnh nhân bị phỏng mà được bôi bằng mật thì da mau lành hơn là chữa với thuốc trị phỏng silver sulfadiazine.
Một bác sĩ giải phẫu người Anh nổi tiếng đã bôi mật ong lên các vết thương và thấy vết thương mau lành hơn là khi bôi thuốc kháng sinh.
-Các bác sĩ nhi khoa ở Phi Châu cho hay mật ong rất công hiệu trong việc chữa bệnh tiêu chảy trẻ em do vi khuẩn Salmonella, E coli gây ra. Mật ong diệt vi sinh vật bằng cách hút hết chất lỏng trong vi khuẩn, làm chúng trở nên khô héo.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyên người đi du lịch mắc bệnh tiêu chảy thì uống nhiều nước cam có pha mật ong, một chút muối và một chút baking soda đề bù lại số nước và khoáng chất mất đi.
-Nhờ có khoáng chất boron, mật ong có thể phòng ngừa bệnh loãng xương, nhất là ở nữ giới. Chất này cũng làm giảm các triệu chứng khó chịu khi có kinh nguyệt.
-Mật ong rất tốt cho da: Thoa trên da, mật ong làm da mịn, mềm hơn vì mật giữ độ ẩm cho da. Mật làm bệnh trứng cá mau lành; bôi lên tóc, mật làm tóc bóng mượt và mềm.
-Mật ong có một lượng chất chống oxy hóa (antioxidant) tốt tương đương như sinh tố C, nên có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa của tế bào sinh động vật, giảm nguy cơ ung thư. Mật càng đậm càng có nhiều chất chống oxy hóa.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật Hoa Ky (CDC) lưu ý là không nên cho trẻ em dưới 1 tuổi dùng mật ong vì cơ thể các em chưa đủ sức chống lại loại vi khuẩn gây bệnh trúng độc thực phẩm (clostridium botulinum), đôi khi có lẫn trong mật.

Mật ong là một chất lỏng, hơi sền sệt, từ không màu tới màu hổ phách vàng nâu hoặc nâu sậm như mật mía, tùy theo loại mật hoa. (Hình: Marco Bertorello/AFP via Getty Images)

Kết luận
Những con ong nhỏ bé nhưng với sự tinh xảo do thiên nhiên ban cho đã tốn nhiều công sức để tạo ra món thực phẩm ngon lành, bổ dưỡng và quý giá để cho con người tận hưởng.
Nhưng mật ong dù tốt cũng không phải là loại thực phẩm có thể thay thế cho tất cả. Hơn nữa, nếu lạm dụng mật ong quá mức thì chắc chắn cũng sẽ có những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Vì thế, cho dù sẵn có mật ong để dùng, chúng ta cũng biết hạn chế ở một mức độ vừa phải mà thôi.

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Nguồn:











2020/09/11



VÀO THU

Hôm ấy mùa Thu vào ánh mắt
Nên em buồn chẳng nói câu gì
Dáng sầu như một nàng tu kín
Hai đứa dìu nhau lặng lẽ đi

Anh biết ngày mai em lấy chồng
Bao năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang chẳng bận lòng

Trời buồn nên trời mưa bay bay
Cầm tập thư yêu khẻ thở dài
Em bảo hôm nay lần gặp cuối
Rồi ôm em khóc lệ đầy vai

Em khóc mà chi ... anh tự hỏi
Ngày mai em sẽ lấy chồng giàu
Còn anh ... kiếp học trò tay trắng
Có dám bao giờ mơ ước đâu

Hôm nay lại một mùa Thu đến
Anh vẫn buồn như kẻ thất tình
Em vẫn vui như ngày mới cưới ...
Ai làm dang dở mộng thư sinh?

Nhật Tuấn
(Truyện chúng mình)

2020/09/09


TƯỞNG ĐÃ RONG RÊU

Những tà áo trắng nương làn gió
Chào nắng mai hồng đẫm giọt sương
Tiếng cười rộn rã vang đây đó
Át tiếng đôi chim ríu rít thương.

Có chuỗi mắt e dè phát sóng
Đậm nét tình len lén gởi trao
Ngắn nhưng mạnh ngấm ngầm âu yếm
Đến các đuôi thầm lặng theo sau.

Cổng trường yêu dấum nhân chứng
Chào đón hoa xinh cùng bướm ong
Là những mầm tương lai trở lại
Trong thu rộn rã khắp non sông.

Giấc mơ sương khói về trường cũ
Ẩn hiện chập chờn... tôi xế chiều
Buổi tựu trường xa xôi...ức
Tưởng rằng đã sỏi đá rong rêu!

Anh Tú
Mùa tựu trường
September 08, 2020

2020/09/04


TÌNH TRẮNG

Cần Thơ ơi! Hỡi Cần Thơ
Vang bóng ngày xanh phủ bụi mờ
Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm
Đã xây mồ dưới lớp hoa khô

Ngã tư Tham Tướng im chân mộng
Đôi guốc mòn luyến cát Tây Đô
Hàng bã đậu cao che mái nắng
Ngồi bên đường đợi tiếng trống vô

Xóm Chài ửng nét duyên thôn nữ
Gió thổi lồng bay áo túi hồng
Cô lái đò ngang cười chúm chím
Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông

Cô bán xôi vàng nghiêng nón lá
Nói thầm trong mắt với thư sinh
"Ráng lo ăn học em mua bán
Thi đỗ đừng quên áo vá manh"

Tàu chạy Phong Điền nhớ Cái Răng
Khói vườn xanh thẳm gợn sông trăng
Câu hò Vàm Xáng thương Ba Láng
Rạch Giá phải lòng gái Sóc Trăng

Cắm trại Long Tuyền mua vú sữa
Chia em quả mận, trái dừa tươi
Những ngày nghĩ học lên Bình Thủy
Viếng mộ Thủ Khoa hát giữa trời

Bãi trường tết không tiền về xứ
Ngồi bến xe khuya ngóng bạn bè
Em lén trao anh tiền bỏ ống
- Nè! Anh lấy đỡ chút tiền xe

Từ đó về quê rồi nghĩ học
Không bao giờ trở lại Cần Thơ
Con đường kỷ niệm mờ xa khuất
Trường cũ không còn đợi trống vô

Mười mấy năm sau anh trở lại
Với tâm hồn bạn thủa đồng môn
Hỏi thăm người cũ, người ơn cũ
Mới biết rằng em đã có chồng

Bấm nút chuông reo ngoài cổng đá
Lá me vàng rụng tựa mưa bay
Bỗng dưng khăn trắng ra ngoài ngõ
Ngẫng mặt nhìn anh đứng lặng người

Em dẫn anh ra viếng mộ chồng
Giữa mùa vú sữa mới ra bông
Nhìn anh quỳ trước bia người khuất
Em kéo khăn tang ủ tấm lòng

Đứa nhỏ gọi anh bằng tiếng chú
Ngậm ngùi viết vội mấy vần thơ
Từ đây xin gọi em bằng chị
Đừng kể nhau nghe mộng học trò

Tiễn anh ra cổng với khăn tang
Với đứa con thơ, với lá vàng
Với chút tiền xe chưa trả lại
Với tình bạn cũ vẫn cao sang

Thôi nhé từ đây cách biệt rồi
Chị vào nuôi dạy trẻ mồ côi
Lâu lâu tôi viết thư thăm chị
Chị đọc hồn tôi giữa bụi đời

Nếu có đến nhà thăm chị nữa
Tôi mời thầy cũ xuống Tây Đô
Thăm cô trò gái thành sương phụ
Để khóc triền miên tuổi học trò.

KIÊN GIANG

Ảnh đính kèm
Kiên Giang Hà Huy Hà

2020/09/03

KHÚC THỤY DU

1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được!

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gậm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt dài nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi

tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng khôn khép
bàn tay nàng khôn thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?

hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

3.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi

đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết!

tình yêu như dao nhọn
an đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn ý nghĩa gì
ngoài tình em tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.


(3-68)
Nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Du Tử Lê
***
Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc:

Những Sáng Tác Hay Nhất Của Anh Bằng - Anh Bằng (Nhạc Sĩ) - Nhac.vn

2020/09/02




 MẸ

Tuổi tác, nhọc nhằn điểm trang vóc dáng
Nhân cách ngọc ngà mẹ dấu bên trong
Miên viễn công ơn trời cao biển rộng
Hồng trắng, đỏ dâng mẹ tỏ chút lòng.

Anh Tú
September 02, 2020
Vu Lan 2020



2020/08/28


LỜI TẠ TỪ

Xin đừng giữ em lại
Hãy để em ra đi
Tim em chừ vỡ nát
Vương vấn để làm gì?

Bao nhiêu ân tình cũ
Hãy thả theo mây bay
Mình không yêu nhau nữa
Sống chi kiếp đọa đày?

Xin đừng nhớ tới em
Hãy quên cuộc tình đẹp
Chúc anh được hạnh phúc
Như anh mong muốn tìm.

Hồ thị Kim Hoàn
Jan 26, 2018

2020/08/25


Ngắm Sài Gòn hoa lệ trước năm 1975 qua những thước ảnh màu quý giá
MỘT GÓC TRỜI THƯƠNG NHỚ*

Bỗng "gặp" lại một góc trời thương nhớ
Lâu lắm rồi sao như mới hôm qua
Lòng rưng rưng, chân rảo buớc về nhà
Tưởng còn đó những con đường kỷ niệm 

Không gian xưa, tôi nửa đời tìm kiếm
Lối đi nào, tôi gởi lại dấu chân
Từng gốc cây, từng hè phố âm thầm
Hương vị cũ một thời còn phảng phất

Hạnh phúc đơn sơ, ai mang đi mất
Tôi chỉ đôi lần gặp lại trong mơ
Sài Gòn ơi !Thôi nhé chẳng bao giờ
Em mãi mãi một góc trời thương nhớ

Bạch Tú Cầu
August 25, 2020
* Nhân đọc bài thơ "Một Góc Trời Đâu Đó " của anh NHA  và xem tấm hình.

2020/08/24


Nhớ Sài Gòn Quá Đỗi*

Nhìn bức hình nhớ Sài Gòn quá đỗi
Nơi bến xe lam dẫn lối đi về
Em tan sở từ kho năm Khánh Hội
Khi đón muộn - nàng nũng nịu ủ ê.

Tôi thường dỗ dành bằng điã bò pía
Rồi gọi luôn ly nước mía Viễn Đông
Có khi hai đứa lội dài ra phía chợ
Xem hai phim tại Lê Lợi năm đồng !

Cũng có khi hết phim ra Thanh Bạch
Hai đứa uống cà phê cạnh lề đường
Cũng có lần ghé vào cửa hàng sách
Tặng nàng quyển thơ “ mở lối yêu thương” !

Quyển sách ngày nào chắc không còn giữ
Cũng như người đã mờ nhạt trong tim
Cám ơn Thầy bức hình đời lữ thứ
Chuyện ngày xưa ký ức mãi đi tìm !...

Dương hồng Thủy
23/08/2020
*Cảm tác bài thơ Một Góc Trời Đâu Đó của Anh Tú:

2020/08/22


MỘT GÓC TRỜI ĐÂU ĐÓ

Ngả tư đường không làm tôi bối rối(1)
Rẽ lối nào đều dắt đến yêu thương
Về phía trái tìm thấy rừng sách vở(2)
Phía mặt rạng ngời gương sáng kiên cường(3)

Thẳng trước mặt một góc trời nhỏ bé
Nhưng đậm tình một thuở yêu người
Dĩa bò bía , đu đủ bào, ly nước mía
Tô phở tái nạm gầu béo ngậy mê tơi!

Người (4) tôi yêu, những góc trời giản dị
Mà sao mênh mông tình thắm tứ sâu
Nghiệt ngã xa nhau ngàn đời vĩnh biệt
Nhớ người nhiều ! Giờ ... người ở nơi đâu?

Anh Tú
August 22, 2020

1-Ngã tư Lê Lợi / Pasteur trước 1975, hướng nhìn về sông Cầu Ông Lãnh.
2-Khu bán sách cũ, nhà sách Khai Trí.
3-Đại lộ Nguyễn Huệ, tượng Thủy Quân Lục Chiến trước Tòa nhà Quốc Hội.
4-Sài Gòn xưa

2020/08/16


HÀ TIÊN VÀ SỰ YÊN BÌNH CỦA MỘT VÙNG ĐẤT CỔ KÍNH, NÊN THƠ 




 A-HÀ TIÊN VÀ TÔI

Đến và đi, một thầy Hòa trong ký ức của bè bạn và học trò.

Cũng như ý nghĩ của thầy cô và các em, Hà Tiên xưa với địa danh, con đường góc phố cùng con người và sự kiện đều là dấu kỷ niệm của mỗi người. Nên chi đã cùng nhau làm sống lại một thời của quá khứ đúng là điều tuyệt vời như các “anh em” trong trang blog Hà Tiên Xưa đã làm. Hôm nay, tôi xin góp phần, mong các bạn đón nhận.
Cuộc sống của chúng ta vốn dĩ luôn biến động và đổi thay. Nhưng thật là may mắn, chúng ta còn đây như là chứng nhân và đang sống “người góc bể kẻ chân trời” nhưng nếu cùng hướng về, ta sẽ gặp lại nhau dù chỉ là trên trang giấy, phải không?
Thế nên để mở đầu tôi ghi lại đây đôi dòng về thuở tôi mới đến Hà Tiên, thời gian lưu lại và rời xa cho đến tận bây giờ như Mãnh, Patrice Trần, đã đề nghị để cho “mọi người” có được thông tin về tôi.

Một chút về tôi:

– Đến thị trấn Hà Tiên đúng 12 giờ 05 ngày 17/08/1964 bằng xe đò Rạch Giá-Hà Tiên. Lúc đó trời đang nắng bỗng đổ mưa mây. (Mưa phủ khắp thành phố bên kia bờ sông; đó là hình ảnh đẹp đầu tiên trước mắt tôi).
– Sau vài ngày phép, tôi đến nhận lớp tại trường Sơ cấp Lộc Trĩ Mũi Nai. Lúc đó thầy Thành, người Hà Tiên, làm Trưởng giáo. Đứng lớp hai năm, tôi được thuyên chuyển ra Tiểu Học Thị Trấn Hà Tiên. Lại đứng lớp gần hai năm cho tới cuối đông 1967 tôi rời Hà Tiên và nhập ngũ cùng lúc với thầy Nguyễn Hồng Ẩn.
Trong thời gian đứng lớp tại trường này, tôi có dạy một số giờ gọi là “phụ trội” môn Toán tại Trung Học Hà Tiên. Nhưng sau đó hơn hai tháng, tôi dành hết thời gian cho chương trình học tập mới. Nhân duyên với Trung học Hà Tiên ngắn ngủi thôi, nhưng thật ra tôi cũng có đôi chút kỷ niệm đẹp.

B- CHUYẾN XE KHÁCH VÀO ĐỜI.

Tôi còn nhớ lúc đó là ngày 17/08/1964…..
Xe đò nổ máy, thì ra tôi đã chờ hơn bốn mươi lăm phút chỉ vì muốn được ngồi trên băng ghế ngang bác tài. Hành trang của tôi, ngoài chiếc vali bằng gỗ thông còn có thêm hai bản nhạc mới mua đêm qua tại một hiệu sách. Đó là bản “EM ƠI ĐỪNG ĐẾN NỮA & HAI LỐI MỘNG “ của Khánh Băng.
Rạch Giá là thành phố biển nên hương vị muối mặn và cái lạnh của gió biển thật là ấn tượng.
Sau hơn hai mươi phút rời bến, xe băng qua cánh đồng rộng, hai bên đường thưa thớt những mái nhà lá , nhà tranh. Một con kinh nước không sâu, chạy dài theo lộ xe mà ít thấy ghe tàu qua lại.
Ngồi bên cạnh tài xế, nên tôi có dịp nhìn ngắm khoảng không gian mênh mông trước mặt. Buổi sáng hôm đó, trời rất đẹp, rực nắng vàng. Đường vắng và đôi khi có chỗ gập ghềnh đá, làm xe bị rung lắc kẻo kẹt như khi qua những cây cầu sắt lát ván có từ thời Pháp thuộc. Những cây cầu sắt này được canh giữ cẩn thận bởi lính canh trong đồn có kẽm gai được xây đắp ở hai phía đầu cầu.
Thỉnh thoảng có chiếc xe khách ngược chiều; lúc bấy giờ chưa có xe Honda.
Ngồi trên chiếc xe phon phon chạy, tôi thấy mình vui hẳn lên và bật ra lời ca với bản nhạc trên tay; tôi thì thầm hát , quên cả mọi người xung quanh khiến chú tài xế mỉm cười thông cảm.
Sau đó bác tài vui vẻ hỏi tôi: “Đây là lần đầu thầy đến Hà Tiên, phải không ?” Tôi vui vẻ đáp lời là “phải”, và từ đó tôi có được một hướng dẫn viên rất dễ thương. Chú ấy chắc hơn tôi chừng một con giáp.
Khi qua địa danh tên là Hòn Đất, tôi mới thấy được dáng núi thật xa về phía tây. Chẳng mấy chốc sau, tôi lại thấy dáng mờ sừng sững của ngọn núi Sập về phía phải của con đường. Điều gì tôi hỏi, chú tài xế đều chỉ dẫn hết. Đây là lần đầu tiên tôi thấy núi dù là từ phía xa. Còn biển! Chú tài xế bảo, chút nữa thầy sẽ thấy núi và biển kề bên khi ta qua khỏi Kiên Lương.
Xe vào thị trấn Kiên Lương. Vậy là ta đã vượt qua đoạn đường khoảng 60 km.
Xe dừng lại, có lẽ là ngang chợ. Tôi cũng xuống xe. Hàng cây sao bên lề đường được trồng từ thời Pháp thuộc, có vẻ cằn cỗi vì bám rễ vào lề đá. Đoạn này, mặt đường trải đá cũng từ thời Pháp nay vẫn còn nguyên; cho nên hàng cây sao và đoạn đường này là dấu tích còn lại của một quá khứ khi xứ ta là một thuộc địa.
Nghỉ xả hơi được chừng 10 phút, mọi người lên xe. Băng qua đoạn đường “bụi bậm” chẳng mấy chốc tôi thấy biển và ghe tàu đánh cá neo đậu trong kinh rạch. Mùi cá khô phảng phất trong gió. Đây là cụm dân cư đánh bắt cá biển. Nhà cửa hầu hết là “nhà tranh vách lá“.
Xe lại dừng giây lát rồi tiếp tục lăn bánh. Khi xe rẽ phải, băng qua cây cầu đá là ta trực chỉ Hà Tiên, bỏ lại phía sau là thị trấn Kiên Lương.
Đoạn đường này khá đẹp, bằng phẵng, có rừng cây nấm, cây đước ở phía tây, phía đông là những vuông ruộng muối. Vùng đất này bị ngập mặn và phèn chua nên cỏ trong đồng cũng không được tốt. Qua cánh đồng muối là cánh đồng lúa xanh rờn. Xa hơn nữa là những dãy núi. Cảnh ở đây đẹp như một bức tranh mùa thu.

C-SÓNG VỖ ÀO ÀO, MÕM NÚI GẬP GỀNH, HÀNG DỪA XANH LỘNG GIÓ

Đó là khoảng đường từ xã Dương Hoà đến xã Thuận Yên, một cảnh quan đẹp mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Bởi từ thuở bé tôi sống ở làng quê. Ruộng đồng là nơi ở, là nơi tôi cùng cha mẹ trốn giặc Pháp qua gần hết thời thơ ấu.
Khi được “ra chợ” học là tôi đã 12 tuổi rồi. Kể từ đó tôi đã trải qua 10 năm học để tốt nghiệp trung học và hai năm tiếp theo ở trường Sư Phạm; cho nên tôi nào có dịp đi đó đi đây. Thời của tôi là như thế đó. Chiến tranh và bom đạn, chạy giặc và học hành. Hôm nay chuyến xe này như là chuyến du lịch đầu tiên của tôi. Bởi vậy trong tôi có nhiều thay đổi trước khung trời bao la của núi rừng, của biển cả.
Qua khỏi xã Thuận Yên một đổi, chú tài xế thông báo “Thầy ơi! Sắp tới bến đò Tô Châu, thầy phải xuống xe qua phà, xe này không qua được vì ponton quay đã hư từ lâu rồi“. Qua khỏi xã Thuận Yên, con đường chạy dọc theo chân núi Tô Châu tiến thẳng đến bến phà và tôi thấy thị trấn Hà Tiên bên kia bờ sông mênh mông nước.
Xe dừng lại, tôi xem đồng hồ, vừa đúng 12 giờ 05. Mọi người đều xuống xe và nhận hành lý. Lúc đó tôi mới thấy được những người đồng hành với mình trong chuyến đi, phần đông là thương nhân xuôi ngược, đưa hàng qua lại giữa Hà Tiên – Rạch Giá. Cũng có người ăn mặc chỉnh tề, chừng như họ là cư dân Hà Tiên hay là những viên chức như tôi vậy!
Tôi vừa đở lấy chiếc vali từ mui xe và đưa vào lề đường thì trời bỗng đổ mưa mây, mưa giữa lúc bầu trời hãy còn nắng, thật đẹp nhất là nhìn qua thành phố bên kia mờ ảo trong mưa. Thiên nhiên là như thế đó. Rồi một ý nghĩ chợt đến: đợi một chuyến xe, mất không hơn một giờ mà hành trình thật là thi vị, tuyệt vời: bởi được đứng tại đây và vào giờ này thì mới thấy được hình ảnh đẹp của Hà Tiên trong mưa. Rồi lại thêm một ý nghĩ bất chợt : dòng đời ta đi, thong thả thôi có gì đâu mà vội!

D-BẾN ĐÒ TÔ CHÂU

-Một bữa ăn trưa tại vùng đất mới làm quen.

Tôi ngồi vào bàn một quán cơm bên đường. Tôi chọn món ăn theo lời giới thiệu của bác chủ quán. Khi đó trên đường đã thưa người, tốp xuống phà, tốp lên xe. Nhìn quanh tôi chỉ thấy dăm bảy quán đơn sơ, dọc theo con lộ đá, dẩn ra ponton phà. Một bên là rừng lá bạt ngàn (dọc bờ sông tiếp giáp với cửa biển) một bên là dãy nhà có quán nước và quán ăn mà phía sau là vách núi Tô Châu. Với hàng quán đơn sơ, sự buôn bán ở đây có lẽ chỉ phục vụ cho khách qua đường là chánh. Đang tìm hiểu thì thức ăn được mang ra: canh rong biển, cá biển kho nghệ và món thịt heo xào.
Chú tài xế xe khách giới thiệu quán cơm này và chú đã đi tìm chỗ nghỉ trưa rồi. Trong quán chỉ còn dăm ba thực khách.
Khi ăn xong chén canh rong biển, tôi bới cơm và dẻ cá tiếp tục. Cơm và cá kho nghệ đã vào miệng, thế mà tôi không thể nhai, không thể nuốt mà lại không thể nhả ra liền, thật là kinh khủng! Tôi chỉ biết bụm miệng với hai bàn tay. Cô gái dọn bàn tinh ý nhìn thấy: “Bộ thầy ăn cá không được hả?”
Tôi không còn nghe thấy gì nữa mà chạy qua bên kia đường. Kinh khủng quá! Khi trở lại bàn ăn, tôi thấy có nhiều cái nhìn và cười tội nghiệp. Bác chủ quán nhìn tôi và nói lời đề nghị đổi món cá kho nghệ cho tôi. Tôi cảm nhận sự ân cần của bác ấy và thấy hai món còn lại là đủ rồi nên nói lời cám ơn và tiếp tục bữa ăn. Cầm ly nước trà trên tay, tôi cảm nhận một điều, tất cả món ăn đều mang gia vị (hương vị) của địa phương (nầy) và người phương xa phải dần dần thích nghi mới được!

-Qua phà.

Sau bữa cơm, tôi bách bộ trên đường, ngược về phía chân núi, ngắm nhìn, rồi trở lại; chưa thấy có tín hiệu gì của mùa thu ở đây.
Phà cập bến, tôi liền trở lại quán ăn, chú phụ khuân vác cùng chiếc rương đang đứng chờ, chú ấy sẽ mang hành lý qua bên kia bến phà và đưa tôi về khách sạn, như vậy rất thuận tiện cho tôi. Khoảng đường phúc chốc đã đông người, kẻ đứng người đi. Đến lượt tôi theo dòng người xuống phà và tôi nhận ra cái ponton quay nhưng đã hư. Đây là phương tiện xe lên xuống phà. Khi mọi người đã tìm được cho mình một chỗ đứng, phà lui ra và vượt sông. Tôi hít thở gió biển và ngắm nhìn. Giờ này thành phố Hà Tiên đang trước mặt tôi và sẽ trong tim tôi, nếu mai này tôi không còn lưu lại nơi đây.
Phà cặp bến, tôi theo dòng người lần lượt lên bờ và kết thúc hành trình 90 km đường dài.
Chú khuân vác đã trở thành người phu xe lôi và chiếc vali của tôi cũng được chú ấy để lên xe rồi. Trên bến đò giờ này rất nhộn nhịp, hàng hóa, khuân vác, mang xách, xe lôi đạp và xe lam. Ai nấy cũng đều hối hả. Tôi cũng thấy thấm mệt, nên như mọi người tôi lên xe, tựa lưng vào nệm, chân gát lên vali. Xe lăn bánh. Tôi hít thở liên tiếp những hơi dài, người khoan khoái cảm nhận những thay đổi trong tâm: tôi đang là một viên chức, tôi được đổi mới và bỏ lại phía sau cái thời học trò của mình. Bất chợt mùi cá chết, mùi cá khô làm tôi nhận ra xe mình vừa tới chợ cá Hà Tiên, sân ngoài bề bộn rác. Dù vui ngắm nhìn bên ngoài, nhưng tôi cũng cảm thấy mình khoẻ hẳn ra; còn “bác tài”, người có dáng gầy nhưng rắn rỏi nên chiếc xe lăn bánh nhẹ nhàng trên đường .
Đường Trần Hầu chạy dọc theo bờ sông rộng, phía bờ bên kia là rừng lá bạt ngàn. Xe qua khách sạn Vân Tiên không xa, “bác tài” vừa cho xe chậm lại vừa nói: « Thầy ơi, tới khách sạn rồi” . Vậy là đi đoạn đường này chỉ mất khoảng 20 phút và bây giờ mới thực sự kết thúc hành trình.

E- ĐÊM TRỌ TẠI KHÁCH SẠN LÂM VĂN CAO

Khách sạn và bữa cơm chiều đầu tiên tại thị trấn biên cương. 
      
Người quản lý tiếp tôi tại phòng khách bên hông khách sạn. Sau khi làm thủ tục, tôi được hướng dẫn đến một phòng trên dãy lầu phía sau. Đó là một căn phòng khá rộng, một giường đôi và một cái bàn mà trên đó có một cái đèn bão. Quan sát khắp phòng, tôi nói với người quản lý: ”Sao phòng nầy hôi mốc quá vậy, chú?”. Để trả lời tôi, chú ấy diễn giải rằng: ”Vài năm trở lại đây không có khách trọ, thầy ạ. Mấy khách sạn khác cũng vậy. Tối nay thầy dùng cái đèn bão này bởi khách sạn không có điện. Thầy cần hỏi thêm điều gì không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì chú ấy nó tiếp: ”Nếu không có gì thì tôi xin kiếu. Chúc thầy có giấc ngủ trưa an lành”. Chú ấy nói một mạch như thế rồi lui ra. Tôi vẫn để cửa mở cho gió thoảng làm bớt mùi mốc và ẩm ướt trong phòng, rồi ngả lưng trên giường đánh một giấc.
Khi chợt tỉnh sau một giấc ngủ thật say, người cảm thấy hưng phấn tôi liền bật dậy với ý nghĩ đi tìm người bạn theo lời chỉ dẫn của chú xe lôi đạp. Thế là sau khi làm vệ sinh thân thể, tôi mặc một bộ đồ mới và xuống đường Nguyễn Thần Hiến cặp bên khách sạn.
Buổi chiều hôm đó có nắng hanh vàng thật đẹp, bầu trời trong xanh cao thẳm và có gió ào ào thổi nhưng chừng như không phải là gió thu.
Vì là khách lạ mới đến nên tôi để mắt quan sát; phía trước khách sạn có hai cây dừa trồng trên mé sông và phía bên kia bên kia bờ sông rộng mênh mông là rừng lá trải dài từ bến đò Tô Châu đến biển. Nhìn về phía tây dọc theo đường Trần Hầu là bến cá Cầu Câu, là nơi ghe thuyền đánh bắt cá neo đậu. Ngược về hướng chợ là khách sạn Vân Tiên kề bên khách sạn Lâm Văn Cao. Đây là cảnh quan tôi nhận ra chiều hôm đó, ngày mai cũng có thể sẽ khác đi.
Tôi nghe trong gió thoảng có mùi cá khô, một mùi hết sức là đặc trưng. Thế rồi tôi rảo bước tìm nhà thầy Châu trên đường Nguyễn Thần Hiến. Dãy nhà hai bên đường đều có hàng rào bằng cây kiểng và mỗi nhà đều có sân phơi trống thoáng. Đây cũng là biễu hiện ý nghĩa cuộc sống ngăn nắp và bình yên của cư dân ở đây.
Đi một khoảng đường không xa, tôi tìm được nhà thầy Châu nhờ có hai cây dừa cặp hàng rào cọ hoa dâm bụt. Cuộc hội ngộ thật là vui dù chủ nhà và khách chưa có lần gặp nhau.
Tôi được anh chị Châu tiếp đón qua sự giới thiệu của anh Dư, bạn đồng khóa với tôi. Câu chuyện hội ngộ được mở đầu bằng sự ngạc nhiên, sau đó chúng tôi nói về trường sở, chỗ ăn ở cho những ngày sắp tới. Tôi cũng được anh chị Châu mời ở lại dùng bữa cơm chiều với gia đình và đề nghị tôi trả lại phòng khách sạn, đến trọ nhà anh chị đêm nay cùng với anh Dư. Tôi có lời cám ơn lòng hiếu khách của anh chị Châu và xin kiếu từ vì giờ này cũng gần sáu giờ chiều rồi.
Trở lại đường Trần Hầu, tôi đi thẳng ra chợ và đến quán cơm có một số thực khách đang ăn. Bửa cơm này rất ngon miệng dù cũng chỉ với các món canh, thịt kho và cá chiên. Có lẽ đo tài nấu nướng của đầu bếp và vừa lúc tôi bị đói. Nhìn quanh trong khu chợ, chỉ có vài hàng quán bán cơm và rượu bia; bàn ghế cũng được bày hẳn ra lề đường. Người đi lại, thực khách, đèn đuốc và hàng quán làm cho bến chợ về đêm bớt vắng vẻ. Khi màn đêm xuống, đèn điện cũng không được sáng lắm. Tôi không thấy có người quen nên vừa ăn xong là tôi rời quán, lang thang một chút để biết Hà Tiên về đêm.
Tôi rảo bước mà chưa định hướng được mình đi đâu, cứ đi như là một khách lạ lang thang vậy thôi, bởi tôi chưa biết được đường nào khác ngoài bến đò, sân chợ và đường Trần Hầu. Dưới ánh trăng mờ và gió lạnh, bổng dưng tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ và anh chị tôi, rồi một niềm bâng khuâng làm thẩn thờ cả bước đi. Nhưng mọi sự rồi cũng trôi qua. Tôi tự nhủ mình phải sống một cuộc đời như thế nào đây? Đã đến lúc mình phải tự lập rồi.
Nhớ lại quá khứ, nhất là giai đoạn học tập ở trường Sư Phạm. Thời gian này tôi có được cơ hội học tập, nghiên cứu âm nhạc, hội họa và cả thi ca từ đó mà phát sinh ra những đam mê và giờ đây trong tôi có đủ mọi thứ hành trang kể cả một tấm thân đạt đ̣ến mức hoàn chỉnh của một thanh niên, trạng thái tâm lý cũng thế nhất là những cảm xúc. Vậy là: “Ta đến một khung trời mới với một con người chừng như mạnh mẽ hơn và dấn thân hơn”!.
Những dòng suy tư này đã chiếm một nửa thời gian của một buổi tối đầu tiên dạo phố. Tôi về đến khách sạn khoảng hai mươi giờ. Sau khi uống một tách trà nóng và trò chuyện xã giao với chú quản lý, tôi trở về phòng nghỉ ngơi.

-Đêm chập chờn với “hình ma bóng quỷ” *

Tôi đóng cửa phòng, nằm hít thở mùi ẩm mốc thoang thoảng. Bởi còn có những ý nghĩ nên giấc ngủ chưa đến. Bây giờ và ở đây tôi đang đối diện với một thực tế cô đơn và âu lo. Hơn một giờ trôi qua, nằm trăn trở trên nệm giường lạnh lẽo mà vẩn chưa ngủ được. Tôi tung chăn, ra khỏi phòng và bước ra hành lang phía trước. Tựa trên thành lan can, tôi nhìn bóng đêm lờ mờ trong ánh trăng lu, nghe gió thổi và tiếng sóng gào. Đặc biệt là tiếng chim én. Chúng bay lượn thành đàn, bay lượn sát cả mái hiên trước mặt tôi, chừng như đưa tay ra là đụng vào chúng. Đêm trở nên bao la hơn cùng với mặt nước mênh mông loang loáng ánh trăng. Đây là một bức tranh về đêm của Hà Tiên, xứ thơ vốn nổi tiếng với Tao Đàn Chiêu Anh Các, với Dì Tự, với Đông Hồ, Tương Phố! Rất đáng tiếc khi tôi đứng ̣đây chỉ có một mình. Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa, trời càng về khuya gió càng lạnh nên tôi trở về phòng. Đã gần một giờ khuya rồi.
Nhìn lối đi dẫn đến phòng tôi cảm thấy ớn lạnh. Tất cả chìm trong bóng tối và không có khách trọ thứ hai nào trên cái tầng lầu xa lạ nầy kể cả trong khách sạn. Nhưng dù sao tôi cũng phải trở về phòng ngủ và đóng cửa lại thì ổn hơn là đứng ở đây. Thế là tôi lấy hết can đảm vượt qua vùng bóng tối, mở cửa phòng, vào và đóng sập lại, cài then, móc khoá cẩn thận.
Nằm trên giường, kéo chăn trùm kín người, tôi lắng nghe cái gì đó trong đêm. Tất cả vẫn vắng lặng im lìm. Đắp chăn nhưng tôi thấy lạnh lẽo khác thường; chăn nệm lạnh tanh, tay chân tôi cũng quá lạnh. Bất chợt một nỗi lo sợ làm tôi phát run trước một ảo ảnh chập chờn lấp ló trong phòng. Tôi tung chăn và xách đèn bão xuống cầu thang tìm anh quản lý. Nhưng hởi ơi! Chú ấy không có ở trong phòng, chú đã khóa cửa và rời khách sạn từ lúc nào rồi. Vậy là bây giờ chỉ có mỗi một mình tôi trong cái khách sạn xa lạ này, khiếp thật. Tôi tức tốc vọt lên cầu thang với cái đèn bão trong tay và nhanh chóng chui vào phòng, đóng cửa cài then lại. Nhìn cái đèn bão, tôi thấy dầu chỉ còn một nửa. Nếu tôi vặn đèn sáng lên thì dầu sẽ hết sớm, đèn tắt, còn để mập mờ thì tôi sợ bóng chập chờn cuối phòng. Cho nên tôi quyết định kiểm tra góc phòng, gầm giường, cả dưới cái bàn nữa; tất cả đều trống không.
Tạm yên đôi chút, tôi trở lại giường và kéo chăn đắp kín người. Cả giờ trôi qua mà tôi không ngủ được. Tôi bị một ám ảnh ghê rợn về hình ảnh của một con quỷ cụt đầu, con ma đói với đôi mắt trừng trừng, rồi con quỷ cái xỏa tóc. Tôi cố xua tan tất cả để tìm giấc ngủ nhưng không thể. Tôi tự hỏi bây giờ phải làm sao đây? Chạy ra hành lan kêu cứu chăng? Không thể làm như thế được bởi tôi là khách lạ xuất hiện trong đêm khuya này. Bị dồn vào thế bí, chỉ còn cách tự tin vào mình thôi để có thể đối diện với một sự thật: có quỷ có ma thật không hay chỉ là hình ma bóng quế có từ tâm mình!
Tôi ngồi phắt dậy trên mép giường, một chân chống sàn, hai tay chống trên mép giường trong tư thế sẵn sàng và tôi dõng dạc khiêu khích: Tao đây, tao đã sẵn sàng. Con ma quái nào? Chúng mầy hiện hình trước mặt tao đi để “ta” xem mặt mũi chúng mầy ra sao? Thế nào? Có nghe thấy lời tao không? Chúng mầy có gan thì hiện hình ra đi. Tao thách chúng mầy đấy, có nghe thấy tao nói không?
Mạnh giọng như thế tôi thấy bừng dậy trong lòng một sức mạnh và sẵn sàng đối diện với mọi tình huống. Nhưng tim tôi lại đập thình thịch và nhanh quá. Ánh sáng của cái đèn bão trên bàn có thể giúp tôi quan sát và chờ đợi mọi động tịnh. Thời gian nặng nề trôi qua, mọi sự vẫn im lìm, “lạnh ngắt như tờ”. Tôi tiếp tục thách thức một cách dõng dạc :”Ta chờ ba phút nữa nếu chúng mầy không xuất hiện thì coi như chúng mầy sợ tao hay chúng mầy là hư ảo, chúng mầy không có thật trong khách sạn này”. Tôi lẩm bẩm như thế và đợi chờ: một phút, rồi hai phút, ba phút trôi qua … không có gì cả. Tôi thấy nhẹ nhõm. Thế là tôi quả quyết thực sự không có con ma con quỷ nào cả, chính niềm tin này làm dịu lại sự căng thẳng quá mức trong tôi. Sau một lúc yên lặng là sự bình tỉnh trở lại. Đây là vấn đề liên hệ đến ấn tượng tâm linh. Giờ đây nghĩ lại nếu rơi vào trường hợp tương tự, tôi không thể không sợ hãi.
Tôi ngả lưng xuống giường và thiếp đi trong mệt mỏi.
Sáng dậy rất trễ và hãy còn mệt mỏi, tôi vội xuống chất vấn ông quản lý:
– Hồi hôm sao ông bỏ tôi một mình trong khách sạn này vậy?
– Xin lỗi thầy. Bởi chiều qua vợ tôi bị bịnh, hay tin lúc đưa thầy lên nhận phòng và tôi phải tức tốc trở về nhà. Khi trở lại thì thấy thầy đã ngủ nên tôi lại về nhà.
Nói về “hình ma bóng quế”: đó là ấn tượng mà tôi đã có từ thời thơ ấu qua những lần đi coi « lên đồng”, “múa bóng” để chữa bịnh tà, ma quỷ xuất hiện lúc đó và đó là quyền lực của cõi âm mà gia chủ phải cầu xin.

Huỳnh Văn Hòa
August 1st, 2020

*Phần này được viết sau một chuyến về thăm lại Hà Tiên và đi ngang khách sạn Lâm Văn Cao. Lúc đó sông Hà Tiên được san lấp hai bên bờ và nhà phố cũng đã có xây dựng. Sự đổi thay làm bồi hồi trong dạ nên “khơi lại đóng tro tàn” ghi dấu kỷ niệm xưa của một đêm không ngủ.



HÈ CHẠM NGÕ RA?

Hạ nồng nàn cùng bóng cây tránh nắng
Độc hành lang thang ngõ vắng đường mòn
Thanh thản thả hồn chân reo sỏi đá
Lá rừng xanh chao chim chóc véo von!

Tháng tám chạm ngõ ra ngày co cụm
Hoàng hôn hanh vàng đến sớm đi nhanh
Bình minh chậm chân mỏn chờ ánh nắng
Nghe thu chập chờn ẩn hiện loanh quanh

Nắng hè chói chan mỗi mùa nhắc nhớ
Nắng quê hương đã vắng ở bên tôi
Ba tháng quần đùi áo thun ra phố
Tình nước nâng theo vị mặn mồ hôi.

Anh Tú
August 15, 2020