2021/08/28

Tạp ghi

NGƯỜI LÍNH MỸ


https://media-cldnry.s-nbcnews.com/image/upload/t_focal-760x428,f_auto,q_auto:best/MSNBC/Components/Video/__NEW/x_30_nn_soldiersthird_131220.jpg

Christian Golcyznski, 8 tuổi, trong đám tang của Cha – Marine Staff Sgt. Marcus Golcyznski – tử trận tại Iraq, 2007. (1) 

ĐIỆP MỸ LINH

Thời gian gần đây, những biến động tại Afghanistan khi Hoa Kỳ rút quân khiến nhiều ngòi bút đưa ra sự so sánh giữa miền Nam Việt Nam, tháng Tư năm 1975 và Afghanistan, tháng Tám năm 2021. 

Vâng, tôi thấy vài điểm tương đồng như Cha Mẹ đưa em bé qua hàng rào kẽm gai để em bé được vào vòng tay của người lính Mỹ – chỉ với hy vọng cho con được đến chốn an toàn . Taliban đến từng nhà, tại Afghanistan, treo cổ những người làm việc cho Mỹ. Vài người liều, “đu” theo máy bay, bị rớt, chết; trong số này có một thanh niên thuộc Afghanistan’s youth national football team, v.v… 

Ngoài vài điểm tương đồng như trên, tôi còn nhận thấy ba điểm rất đáng chú ý.

1.- Năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam; Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) giữ vững miền Nam cho đến năm 1975.

2.- Năm 2021, Mỹ rút chưa hết quân khỏi Afghanistan mà quân Taliban đã chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan rồi!

3.- Nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có câu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!” thì, tại Afghanistan cũng có câu: “No one trusts anything that comes from the Taliban's mouth.” 

Link: https://www.cnn.com/2021/08/20/asia/afghanistan-taliban-rule-friday-intl/index.html

Riêng tôi, kể từ ngày Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, tôi cứ hồi hộp, lo âu và cầu nguyện để Taliban đừng pháo kích bừa bãi vào đoàn người chạy loạn hoặc pháo kích vào phi trường Kabul – như cộng sản Việt Nam (csVN) đã pháo kích vào phi trường và pháo kích chính xác vào đoàn người cùng dòng máu Lạc Hồng – đang chạy về phía VNCH để được che chở, năm 1975.

Trong khi tôi đang thầm vui vì tưởng rằng Taliban không tàn ác như csVN thì, bảng tin trên CNN, ngày 08-26-2021, làm tôi tức giận.

Trưa nay, 08-27-2021, tôi lại thấy tin bổ túc, lúc 12:36 PM ET: “… a bombing at Kabul's airport killed at least 170 people including 13 US service members {…} More than 200 people were injured in Thursday's attack, an official with Afghanistan's Ministry of Health told CNN on Friday…” Link:https://www.cnn.com/2021/08/27/asia/afghanistan-kabul-airport-attack-update-intl-hnk/index.html

Thì ra, cái ác lúc nào cũng chập chùng trong thế giới này! Tôi ngậm ngùi nghĩ đến những vụn vỡ trong trái tim của người Mẹ, người vợ, người con, người chị/em gái và người tình của người lính Mỹ – tưởng sắp thoát được vùng lửa đạn – phải gục ngã vào giờ phút cuối!

Là một ngòi bút không chuyên nghiệp, không thích và không muốn tìm hiểu về chính trị, tôi chỉ xin được nhìn hai sự kiện Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021 từ “lăng kính” của một phụ nữ. Tôi chỉ xin được viết từ tâm thức của một người Mẹ, người vợ, người con, người chị, người yêu hoặc là người em gái của một người lính tác chiến.

Từ vị thế của người vợ, những lần được tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp của Hải Quân VNCH – để viết tường thuật – tôi đã thấy và cảm nhận được sự hy sinh cũng như nỗi đau trong lòng người lính Mỹ khi phải xa quê hương để dấn thân vào cuộc chiến mà chính họ không hiểu được lý do! 

Lần đầu tiên tôi thấy người Mỹ – Hải Quân đại úy Graham, cố vấn trưởng của Duyên Khu II – đổ máu trên chiến trường Việt Nam là năm 1964, tại Vĩnh Hy, Cam Ranh. Thời điểm đó, Hải Quân trung úy Hồ Quang Minh (Bố của các con tôi) là Chỉ Huy Trưởng Duyên Đoàn 26, hậu cứ tại Bình Ba, vịnh Cam Ranh. 

Lần thứ hai, khi Minh chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong, tham dự hành quân dài hạn Tam Giác Sắt. Cố vấn của GĐ30XP – Hải Quân trung úy Martin – bị thương nặng, trên chiếc Command.

Lần thứ ba, Hải Quân đại úy Blust – cố vấn của GĐ26XP, hậu cứ tại Long Xuyên – bị Việt cộng “bắn sẻ” trên chiếc Command, trong lúc Minh chỉ huy đoàn chiến đỉnh giang hành trên kinh Trèm Trẹm, để tiếp cứu đồn thứ Chín.

Lần thứ tư, tại xã Hộ Phòng, quận Gia Rai, cũng thời điểm Minh chỉ huy GĐ26XP. Trên con kinh đào rất hẹp, Hải Quân đại úy Taylor – cố vấn của GĐ26XP – bị thương vì Việt cộng bắn B-40 vào chiếc Command.

Lần thứ năm, tại Kinh Ngang, Minh là Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn V Tuần Thám. Khi đoàn PBR – Patrol Boat Riverine, khinh tốc đỉnh – đến khúc cua ngặt, bị B-40, B41 của Việt cộng bắn xối xả. Một B-41 xuyên qua khinh tốc đỉnh chỉ huy. Minh và cố vấn Gronados đều bị thương.

Đối với tôi, cảnh lửa đạn trên sông hoặc dọc bờ sông, vào ban đêm, mang nặng tính chất hào hùng và bi thảm. Nhưng, hình ảnh và tiếng hát nghẹn ngào của Hải Quân đại úy Ashmore – thay thế cố vấn Blust, GĐ26XP – nơi mũi chiếc Command vào một đêm trăng, trên sông Cái Lớn, lại cho tôi hiểu thế nào là thương nhớ, thế nào là cô đơn, thế nào là bơ vơ, lạc lõng của một người lính chiến phải xa quê hương cả nửa vòng trái đất!

Gần nửa thế kỷ qua, không thể nào tôi nhớ được tựa đề của ca khúc mà Ashmore thường hát trên những dòng sông nhuộm máu. Nhưng giọng hát đầy u uẩn và bóng dáng đơn độc của Ashmore nơi mũi chiếc Command thì mãi hoài đọng lại trong hồn tôi!

Mỗi khi nhớ lại giọng hát và hình ảnh của Ashmore, tôi tự hỏi: Từ khi tôi được sinh ra cho đến bây giờ, biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã “rơi” vào tình cảnh bơ vơ, lạc lõng sau mỗi trận chiến – nếu họ may mắn còn sống? Biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ bị tàn tật? Biết bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã bị “mất xác”?

Nhắc đến người lính Mỹ bị “mất xác”, tôi xin trích một phân đoạn từ tùy bút Tạ Ơn Mảnh Đất Này, của ĐML, có liên quan đến sự “trở về” của First Lieutenant Paul Magers! 

“… Paul Magers chết khi chàng chỉ 25 tuổi và mới đến Việt-Nam chỉ có hai tuần! Paul biết quê tôi chỉ có hai tuần nhưng thân xác của Paul thì “ở lại” đó đến gần 40 năm! Trong ảnh, nụ cười của Paul rất rạng rỡ, vô tư. Nụ cười đó mà biết hận thù ai! Ánh mắt đó mà muốn bắn giết ai! Bởi vậy mới có một chiến binh Hoa Kỳ – James Lenihan – trong trận Thế Giới Đại Chiến II, đã bắn kẻ thù xong thì gục đầu bên xác kẻ thù mà khóc:


I shot a man yesterday

And much to my surprise,

The strangest thing happened to me

I began to cry.

 

He was so young, so very young

And Fear was in his eyes.

He had left his home in Germany

And came to Holland to die

……

I knelt beside him

And held his hand

I begged his forgiveness

Did he understand?

 

It was the War

And he was the enemy

If I hadn’t shot him

He would have shot me.

 

I saw he was dying

And I called him “Brother”

But he gasped out one word

And that word was “Mother.”… (1) (Hết trích)

 

Kể từ Thế Giới Đại Chiến thứ II, theo tài liệu trên internet, số thương vong – không kể thương binh – của lính Mỹ trên thế giới là: 

  • Thế Chiến Thứ II: 461,800.

  • Việt Nam: 58,220.

  • Iraq: 4, 431.

  • Afghanistan: 2,376.

  • Triều Tiên: Chưa được ghi nhận.

  • Bị bệnh Posttraumatic stress disorder (PTSD): Chưa được kiểm chứng.

  • Tự tử sau mỗi cuộc chiến: Chưa được phổ biến.

Một đất nước – the United States of America (USA) – đã đóng góp cho thế giới Tự Do bao nhiêu nhân sự và xương máu, chưa kể tài chánh, quân trạng, quân dụng, khí giới, v.v… mà mỗi lần USA rút quân khỏi một nước nào thì USA cũng đều nhận bị “lên án”, như “đâm sau lưng đồng minh”, “tháo chạy”, “bội ước”, “phản bội”, v.v…

Thế csVN bội ước, xâm phạm bao nhiêu Hiệp Ước ngưng bắn trong cuộc chiến 21 năm trên Quê Hương tôi, để cuối cùng cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, đã ai thẳng thắn, mạnh dạng lên án csVN chưa?

Chưa!

Điều cay đắng và mỉa mai nhất là: Mỗi lần Hoa Kỳ “phản bội”, “tháo chạy”, “bội ước” một nước nào thì chính người lính Mỹ cũng phải canh gác, giữ trật tự, an ninh – nhiều khi phải chết vì những nhiệm vụ sau cùng này, như sáng 26 tháng 08 năm 2021, tại phi trường Kabul – chỉ với mục đích đem được càng nhiều dân địa phương càng tốt về Mỹ để…nuôi, làm người tỵ nạn!

Biết bao nhiêu con cháu của các sắc dân tỵ nạn tại Mỹ đã thành công vượt bực trên nhiều lãnh vực, trong mọi địa hạc; thế mà đã có tổ chức nào của người tỵ nạn thành lập Hội Giúp Đỡ hoặc biết ơn Thương Binh và tử sĩ Hoa Kỳ chưa?

Chưa!

Người lính Mỹ, trong nhân dáng hiên ngang, với những bước chân chắc nịch, đôi mắt nhìn thẳng và kỹ thuật tác chiến tuyệt vời. Nhưng người lính Mỹ cũng có trái tim biết rung động, biết nhớ thương, biết đau khổ như bạn và tôi. Xin đừng “thần thánh hóa” hoặc đòi hỏi những điều mà người lính Mỹ không thể thực hiện được; vì người lính Mỹ còn phải chu toàn bổ phận đối với người hôn phối, gia đình và người thân.

Xin hãy nghĩ đến những trái tim tan vỡ trong mỗi gia đình, khi một người lính Mỹ gục ngã!

Tôi quan niệm, người Mỹ chỉ như người láng giềng tốt bụng. Khi bạn bị té ngoài sân, người láng giềng tốt bụng đó chỉ có thể đỡ bạn dậy, gọi 911 rồi an ủi, phủi bùn đất cho bạn. Thế là bạn may mắn rồi! Đừng buồn trách khi người láng giềng đó không ở lại đàn hát cho bạn nghe trong thời gian bạn dưỡng thương!

Nhưng, khi gia đình bạn nuôi một con thú bất trị, chuyên phá phách trong nhà, sân vườn của bạn, của làng xóm – có khi cắn người thân của người láng giềng tốt bụng – thì người láng giềng tốt bụng đó sẽ không ngại ngùng gì mà không kiện bạn hoặc giết con thú bất trị của bạn.

Sau đó, người láng giềng đó có thể chỉ dẫn cho bạn cách thức làm vườn, trồng những

loại hoa đẹp. Thế thôi! Bạn không thể buộc người láng giềng đó phải tự tay chăm sóc

vườn hoa cho bạn hoặc “đền” cho bạn con thú khác!

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời của một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại

Iraq Veterans Club Founder and CEO Jeremy Harrell, an Army veteran who served in

Iraq, said: 


“I think that’s a really good idea. I’m glad President Biden is keeping President Trump’s idea to bring troops home and to get folks out of Afghanistan.” Link:https://www.wave3.com/2021/04/15/its-time-come-home-kentucky-afghan-iraq-war-veterans-react-us-troop-withdrawal/

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

1.-Hình trong bài của Wonbo Woo, Kate Snow and Tracy Connor – ngày 20-Dec. 2013 – US News.

2.-Washington (CNN) -- What does it feel like to kill a man? James Lenihan of Brooklyn knew. He fought in Europe in World War II and he killed a German soldier during a battle in Holland.


2021/08/25

Dear American Healthcare Workers...

Dan Rather, Elliot Kirschner, and Steady Team

Dear American Healthcare Workers,

On behalf of our nation, I am sorry. 

I am sorry that we are where we are today with a raging pandemic when free, incredibly effective vaccines are readily available. I am sorry the ICUs and emergency rooms are full with people who did not need to get this sick. I am sorry that selfishness, ignorance, and arrogance has exacerbated this crisis and that you have had to bear the burden of life-and-death battles, hospital bed by hospital bed. I am sorry that elected officials have tried to score political points by stoking anti-science narratives based on lies around this virus, the vaccine, and bogus treatments, while attacking your credibility and service. It is beyond shameful. I am sorry that you have been subjected to verbal and even physical abuse while you have risked your lives and the lives of your families. 

I remember in the early days of the pandemic when we would gather nightly in New York to applaud your sacrifice. In those days, there was no vaccine. There was no expectation that there would be any protection anytime soon. And yet, day after day, you went into the fight, trying to save lives. How long ago those days seem now. How much has transpired, some of it hopeful, much of it deeply discouraging. 

I would like to believe that the vast majority of Americans value your service, even if they will never know the full horrors you have had to endure. Like soldiers constantly on the frontlines, tour after tour, you have had little time for rest. I understand why you are drained, frustrated, and angry. I understand why many of you may choose to leave a profession that has been your life’s work. In times of war, many glibly thank members of the armed forces for their service, never understanding the full measure of their sacrifice. So is it with you today. We owe you much more than our gratitude. We owe you our lives. And we owe you the freedom that allows us to dream of a healthier future. 

It is a cruel irony that those who denigrate basic measures of public health under the misguided banner of “freedom,” have confined you to continued imprisonment in a nightmarish world of endless waves of new cases. And now the enemy has regrouped with a deadlier variant, and once again you are asked to man the battlements and repel the invaders. People who blithely castigated your knowledge and the vaccines now selfishly demand that they get every possible treatment. Their presence in crowded hospitals also means there is less time and fewer beds - if any at all - for you to treat patients with other medical needs, like strokes, trauma, and heart disease. The stress on the system builds. 

My hope is that your allies across the country, the tens of millions who have been vaccinated, who are trying to protect others and themselves from the virus, have also had enough. Mask mandates are growing, and politicians who try to ban them are receiving serious pushback. Vaccine mandates are also on the rise. This is all progress. But when the pandemic eventually fades, we will need to more than just acknowledge these measures of necessity. We will need to have a deep introspection, an after-action report, to understand how we pushed our healthcare system to the brink and how we make sure nothing like this ever happens again. 

Your heroic service deserves to be long remembered and celebrated. But I suspect, more than anything, you would yearn for the appreciation that comes from the humbling knowledge that our public health demands that we look out for each other, that we do all we can to protect our communities and the broader world. I pledge, and I ask others to do so as well, that we will not let this issue fade as the case numbers hopefully decrease. We must demand of our leaders that they fortify our nation for the public-health battles ahead. We need the press to be engaged and we need every platform that disseminates information to make sure that they ferret out the lies, and promote the truth. 

That is the least you deserve. 

With deep gratitude, 

Dan Rather 

Nhã Duy chuyển dịch:

Các bạn nhân viên y tế Hoa Kỳ thân mến!

Thay mặt cho quốc gia của chúng ta, tôi xin lỗi các bạn. Tôi rất tiếc là chúng ta phải ở trong tình trạng đại dịch vẫn còn đang hoành hành hiện tại, trong khi lại có sẵn các loại vaccine miễn phí rất hiệu nghiệm.

Tôi xin lỗi là các trung tâm ICU và phòng cấp cứu nằm đầy những người lẽ ra không cần phải vướng bệnh như vậy. Tôi xin lỗi vì sự ích kỷ, vô tri và cao ngạo đã làm cuộc khủng hoảng này thêm trầm trọng và các bạn đã phải chịu gánh nặng của những cuộc tranh giành giữa sự sống và cái chết, hối hả qua lại các giường bịnh. Tôi rất tiếc vì có những vị dân cử đã cố lấy điểm chính trị bằng cách tung ra những câu chuyện phản khoa học dựa trên những dối trá chung quanh loại virus này, quanh vaccine và các phương pháp điều trị không có thật, đồng thời tấn công cả uy tín và sự phục vụ của các bạn. Thật đáng xấu hổ. Tôi xin lỗi vì các bạn đã bị sách nhiễu bằng lời nói và thậm chí cả thể chất trong khi các bạn đã đặt cược tính mạng mình cùng của cả gia đình.

Tôi còn nhớ vào những ngày đầu tiên của đại dịch khi chúng ta tụ tập hàng đêm tại New York để tán dương sự hy sinh của các bạn. Trong những ngày đó, chưa có thuốc chủng ngừa, chưa có kỳ vọng sẽ sớm có bất kỳ sự bảo vệ nào. Vậy mà ngày qua ngày, các bạn đã lao vào cuộc chiến, đã cố gắng cứu sống bao sinh mạng. Nó vẫn hiển hiện như mới hôm qua. Qua bao nhiêu dâu bể, có người còn giữ hy vọng, nhiều người đã quá nhụt chí.

Tôi tin rằng đa số người Mỹ trân trọng sự phục vụ của các bạn, ngay cả khi họ sẽ không bao giờ biết hết toàn bộ nỗi kinh hoàng mà các bạn đã phải chịu đựng. Giống như những người lính túc trực nơi chiến tuyến, hết đợt này đến đợt kia, các bạn chẳng có mấy thời gian để nghỉ ngơi. Tôi hiểu tại sao các bạn kiệt sức, tại sao lại thất vọng và tức giận. Tôi hiểu tại sao nhiều bạn có thể chọn bỏ cái nghề đã gắn bó cả cuộc đời mình. Trong chiến tranh, nhiều người đã tỏ ra biết ơn sự phục vụ của người lính nhưng sẽ không bao giờ hiểu hết được sự hy sinh của người lính ra sao. Với các bạn hôm nay cũng vậy. Chúng tôi nợ các bạn nhiều hơn là lòng biết ơn của chúng tôi. Chúng tôi nợ các bạn về mạng sống của mình. Và chúng tôi nợ các bạn về sự tự do cho phép chúng tôi mơ về một tương lai lành mạnh hơn.

Điều nhẫn tâm trớ trêu là những kẻ phỉ nhổ lên các biện pháp y tế cộng đồng căn bản dưới chiêu bài sai trái về “tự do” đã khiến các bạn lại tiếp tục bị giam cầm trong một thế giới u ám với vô số những ca nhiễm mới. Bây giờ kẻ thù Covid lại sinh ra một biến thể chết người hơn và các bạn lại một lần nữa được điều động vào cuộc chiến để đẩy lùi chúng. Những kẻ đã coi thường kiến ​​thức của các bạn và vaccine giờ đây đang ích kỷ khẩn nài được chữa trị bằng mọi giá có thể. Sự nhập viện đông đúc của họ cũng có nghĩa là thời gian và giường bịnh dành chữa trị cho những bịnh nhân có vấn đề y tế khác như đột quỵ, chấn thương và tim mạch sẽ ít hơn. Chúng đè nặng lên hệ thống y tế.

Hy vọng của tôi là các bạn đã có đủ đồng minh trên khắp đất nước, là hàng chục triệu người đã được chủng ngừa, đang cố gắng bảo vệ người khác và chính họ khỏi virus. Việc mang khẩu trang bắt buộc đang tăng lên và các chính khách cố cấm đoán nó đang bị phản đối mạnh mẽ. Việc tiêm chủng vaccine cũng đang gia tăng. Tất cả đang có tiến bộ. Nhưng một khi đại dịch cuối cùng qua đi thì chúng ta sẽ cần nhiều thứ hơn là chỉ ghi nhận những biện pháp cần thiết tạm thời này. Chúng ta sẽ cần một sự tự xét sâu xa, các phân tích hồi cứu về mục tiêu và hành động để hiểu lý do tại sao mà hệ thống y tế đã bị đẩy đến bờ vực và để bảo đảm sẽ không tái diễn điều tương tự.

Sự phục vụ quả cảm của các bạn xứng đáng được ghi nhớ và tôn vinh từ lâu. Nhưng tôi ngờ rằng, hơn bất cứ điều gì, các bạn sẽ khao khát về một sự am hiểu đại chúng đến từ kiến ​​thức nhỏ nhoi là, sức khỏe cộng đồng chúng ta đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến nhau, chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cộng đồng và cho thế giới rộng lớn ngoài kia.

Tôi hứa và cũng kêu gọi những người khác không xem nhẹ vấn đề này khi số ca nhiễm hy vọng sẽ giảm. Chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo cần củng cố lại quốc gia chúng ta trước các cuộc chiến y tế cộng đồng phía trước. Chúng ta cần truyền thông báo chí dự phần và chúng ta cần mọi nền tảng phổ biến thông tin vạch ra những điều dối trá và quảng bá cho sự thật. Đó là điều tối thiểu các bạn đáng nhận được.

Với lòng biết ơn sâu đậm.

Dan Rather

2021/08/16

 Truyện ngắn


HAI PHỤ NỮ ĐỘC THÂN



ĐIỆP MỸ LINH


Đang sắp hàng trong tiệm Hamburgers Fuddruckers, bà Dung nghe giọng nữ từ phía sau, hỏi bằng tiếng Anh:

-Bà ơi! Tí nữa bà ngồi bàn nào bà làm ơn cho tôi ngồi cùng bàn với. 

Quay lui, thấy một phụ nữ Á Đông mang “mask”, bà Dung – cũng mang “mask” – có vẻ lưỡng lự, phân vân. Phụ nữ nhìn vào mắt bà Dung với ánh nhìn thiết tha, tiếp:

-Bà đừng ngại, tôi chích ngừa Covid-19 rồi.

Vừa khi đó, đến phiên bà Dung “order”. Bà Dung lại quay lui, ra dấu cho người phụ nữ Á Đông cùng bước theo bà. Sau khi “order” phần của Bà, bà Dung chỉ phụ nữ Á Đông và nói với cô Mễ đang nhận “order”: 

-Cùng một “bill”; trao “bill” cho tôi. Tên tôi là Dora.

Phụ nữ Á Đông ngăn lại:

-Cảm ơn bà đã có nhã ý trả tiền cho bữa ăn của tôi. Nhưng lý do tôi muốn ngồi ăn cùng bàn với bà là vì tôi cô đơn lắm! Tôi chỉ muốn được cùng ngồi ăn với một người chứ không phải tôi không thể tự đài thọ bữa ăn của tôi.

-Tôi hiểu. Nhưng bà cho phép tôi được mời bà hôm nay.

-Thế thì lần sau tôi xin được mời bà. Bà đừng từ chối, nha!

-Vâng.

Sau khi chọn bàn, ngồi, chờ nhà hàng gọi trên máy phóng thanh, bà Dung hỏi bà Á Đông:

-Bà là người nước nào? 

-Tôi tên Trang, người Việt; còn bà?

Bà Dung nói tiếng Việt:

-Tôi tên Dung. Hồi còn đi làm, nhân viên cùng phòng gọi tôi là Dora. Hân hạnh được biết chị.

-Chị gì! Em nhỏ hơn chị mà! Chị ở gần đây không?

-Dạ, gần, trong Senior Living in Sugar Land,

-Anh đâu mà chị phải ở trong đó?

-Ông ấy “đi” lâu rồi.

-Sorry, chị!

-Cảm ơn chị. “Ông xã” của chị đâu?

-Dạ, em “dẹp” ổng rồi!

Không muốn tò mò, Bà Dung nhìn ra cửa sổ, nhớ những buổi chiều quạnh vắng trong phòng 212 của ngôi chung cư rất nhiều phòng; nhưng mỗi phòng như một “nhà tù” sang trọng, chỉ “giam giữ” một người có mứt lương hưu trí cao – không nhận “giam” người phải nhờ chính phủ phụ trả một phần. Những lúc đó Bà chỉ ước mong được thấy bóng dáng một người hoặc là nghe tiếng nói của bất cứ ai – người thật chứ không phải từ TV/radio/youtube – nhưng quanh Bà chỉ là sự câm nín! Cuối tuần các con của Bà thường mời Bà đi ăn. Bà ăn một cách chậm rải vì thói quen, vì tuổi tác và cũng vì muốn kéo dài thời gian bên các con. Các con có vẻ sốt ruột; bởi vì các con của Bà còn phải “làm phận sự” đối với bên suôi gia của Bà nữa! Bà thăm hỏi và khuyên các cháu nên chăm chỉ học hành. Các con của Bà bảo Bà đừng “làm áp lực”, để các cháu tự lo liệu cho quen. Bà khuyên các cháu nên ăn cái này, không nên ăn cái kia, các con của Bà bảo Bà nói như thế có nghĩa là Bà chê các cháu không đủ hiểu biết, không thể tự lo thân. Bà khuyên các cháu phải cẩn thận, đừng tin người lạ. Các con của Bà bảo Bà làm cho các cháu sợ, mất tự tin. Khi nào biết cháu nào được điểm “A”, bà Dung cũng kín đáo cho cháu đó ít tiền. Không hiểu tại sao con của Bà biết được, thế là con của Bà cấm Bà cho cháu tiền; vì con của Bà bảo cho tiền để đứa bé phải “cắm đầu” học là đồng nghĩa với mua chuộc, tạo áp lực! Hãy để đứa bé tự phát triễn! Đôi khi con của Bà đem cháu đến gửi trong vài tiếng đồng hồ. Bà Dung vui hẳn lên, lăng xăng hâm món này, cắt bánh kia, gọt trái nọ cho cháu ăn. Khi con của Bà trở lại, “bắt được quả tang”, thế là Bà phải nghe: “Con nói Mẹ hoài mà Mẹ cứ ‘baby’ nó. Mẹ để nó lớn với chứ. Mai mốt nó đi học xa làm thế nào nó tự lo cho nó được!” 

Cuối cùng, bà Dung phải giữ khoảng cách với con, cháu. Khi nào muốn ăn món gì, Bà tự lái xe đến nhà hàng. Hôm nào mưa, không dám lái xe, đành ăn thức ăn trong “nhà già”! 

Đang thầm tủi thân, bà Dung chợt so sánh cuộc đời quạnh hiu của Bà và những tấm hình của các cụ già bên Việt Nam: Cụ nào miệng cũng móm, lưng cũng còng, đi chân trần, vai quảy gánh. Mỗi đầu gánh vài trái ổi, trái xoài; đầu kia vài trái bắp luột, vài trái chuối, v.v…Sau khi so sánh, bà Dung thầm tạ ơn Trời Phật và không còn tủi thân nữa! 

Đang bị phân tâm, bà Dung chợt nghe tiếng Trang:

-Ăn đi, chị! Bộ nhớ ảnh hay sao mà trông chị buồn quá vậy?

Không muốn thố lộ chuyện gia đình, bà Dung nói khác đi:

-Vợ chồng mấy mươi năm chứ ít sao! Khi còn sống, cứ cay đắng, gây gổ nhau, hơn thua nhau từng lời nói; khi không còn nữa thì tiếc nhớ âm thầm!

-Mình đàn bà, đa cảm; còn đàn ông, thời buổi này, con gái bên Việt Nam “rẻ rề”, mấy ổng muốn cỡ nào, giá nào cũng có!

-Chị còn trẻ, nếu về Việt Nam, cũng có nhiều đàn ông theo để được qua Mỹ.

     -Em biết. Nhưng em chỉ muốn lấy nhau vì tình; còn lấy nhau chỉ để lợi dụng nhau thì…

Trang nhún vai, bỏ lửng câu nói. Bà Dung hỏi:

-Có lẽ cuộc tình của anh chị đẹp lắm; thế mà đổ vỡ. Uổng thật!

-Em có mấy bà bạn cũng ly dị chồng; có người thì con của họ ly dị. Dường như từ ngày sang đây, người mình ly dị nhiều hơn, phải không, chị?

-Có thể cuộc sống ở bên này căn thẳng, ít thì giờ cho nhau, vì thế, người trẻ ly dị; cũng có thể mấy ông bây giờ già, thích “gặm cỏ non”, mấy bà cũng già, không còn kiên nhẫn nữa! 

-Người Mỹ có câu “Cỏ bên kia hàng rào xanh hơn.” Đúng Thật!

-Chị muốn “ám chỉ” mấy ông già thích “gặm cỏ non” đó hả?

-Không. Em muốn nói trường hợp của em.

-Trường hợp của chị như thế nào?

-Hồi ảnh còn ở với em, ảnh “cà chớn”, em chịu không được! Thấy mấy bà bạn sống không chồng sướng quá, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, em ham. Ai dè…

-Tôi nghĩ, sự đổ vỡ nào cũng đến từ hai phía.

-Ảnh “cà chớn”, làm mất mặt em, làm em đau khổ thì em phải cho ảnh biết cái giá của sự đau khổ chứ!

-Như vậy thì chị trả thù chứ chị đâu còn thương yêu anh ấy nữa.

-Em còn thương ảnh mà! Nếu không còn thương, ai đau khổ làm chi! 

-Gặp phải ông chồng “cà chớn” – mà chị vẫn còn thương – tại sao chị không dùng tình cảm để chinh phục lại ông ấy? Tôi chỉ bỏ cái gì tôi không thương, không thích thôi.

-Ảnh phản bội em mà em chinh phục ảnh lại để làm gì?

-Nếu chị lấy một ông khác, ai bảo đảm với chị rằng ông này sẽ chung tình với chị trọn đời? 

Trang như bừng tĩnh. Bà Dung tiếp:

-Đàn ông sa ngã là chuyện bình thường. Tôi nghĩ, chồng mình “phải như thế nào đó” thì người phụ nữ khác mới lưu tâm, mới chinh phục. Trong khi người chồng đang cố chống chọi với tình cảm và sự quyến rũ của một phụ nữ khác mà bà vợ lại “hào sản”, “tặng” ông chồng cho phụ nữ đó thì…vô lý quá! Đó là chưa kể, chồng mình còn là Cha của các con, mình có bổn phận và trách nhiệm để con của mình có Cha “một cách đúng nghĩa”!

-Ước gì em được gặp và quen chị sớm hơn.

-Tại sao?

-Chỉ vì tự ái mà em làm đổ vỡ mọi hàn gắn!

-Nghĩa là anh chị đã thử hàn gắn rồi?

-Dạ, không phải em. Ảnh trở về, xin lỗi em, xin em cho ảnh quay lại; nhưng em buộc ảnh phải xin lỗi các con em. Ảnh không chịu, đi luôn!

-Đàn ông mà, chị! Đừng dồn họ vào cuối đường! Đa số đàn ông – nhất là đàn ông miền Nam Việt Nam – thường quan niệm “Chết vinh hơn sống nhục”. Và, tôi nhớ, đã đọc đâu đó câu: “I'd rather die on my feet, than live on my knees”(1), cho nên, nếu còn thương yêu chồng, xin đừng tự ái, hãy mở rộng vòng tay. Mình giữ chồng không những mình giữ người mình thương yêu mà mình còn có bổn phận phải giữ người Cha cho các con của mình nữa!

Trang thật sự xúc động. Vừa khi đó, trên máy phóng thanh gọi “Dora”. Bà Dung cùng Trang vừa đi về phía quày nướng “Hamburgers” vừa thì thầm:

-Trong những người nổi tiếng trên thế giới có ba phụ nữ ghen rất cao thượng. Chính sự cao thượng của ba bà này đã “níu chân” được ba vị Tổng Thồng hào hoa của Hoa Kỳ.

-Ghen mà cũng có “ghen cao thượng” và ghen “hạ cấp” nữa sao, chị?

-Có chứ. Ghen hạ cấp như vụ cô Quờn đốt chồng và vũ nữ Cẩm Nhung bị tạc “acid”, bên Việt Nam.

-Em biết hai vụ đó. Còn ai ghen cao thượng?

Cả hai im lặng, nhận “Hamburgers”, quay sang lấy dao, nĩa rồi đến quày “xà- lách” lấy các loại rau. Vừa ngồi vào bàn, bà Dung vừa lấy “mask” ra vừa đáp:

-Bà Jacqueline Kennedy, bà Hillary Clinton và bà Melania Trump. 

Trang cũng lấy “mask” cho vào ví, than:

-Vợ Tổng Thống mà cũng khổ vì tình!

-Phụ nữ nào yêu chồng cũng – không ít thì nhiều – khổ vì tình! Chị thấy, bà Jacqueline Kennedy con nhà gia thế, trẻ đẹp, trí thức mà hoàn cảnh đưa đẩy để Tổng Thống Kennedy gặp nữ minh tinh Marilyn Monroe rồi Marilyn Moroe “ỏng ẹo” hát bài Mừng Sinh Nhật để tặng Tổng Thống Kennedy. Báo chí và các phương tiện truyền thông quốc tế làm “rùm beng”.

-Rồi bà Jacqueline Kennedy phản ứng như thế nào?

-Bà Jacqueline chỉ im lặng, vẫn tươi cười, xinh đẹp, quý phái xuất hiện cạnh Tổng Thống Kennedy trong tất cả mọi sự kiện.

-Còn bà Hillary Clinton?

-Bà Clinton là một phụ nữ rất can đảm và “cao tay ấn”. Trong sự việc giữa Tổng Thống Clinton và Monica Lewinsky – nhân viên trong Tòa Bạch Ốc vào thời ông Clinton làm Tổng Thống – nếu bà Clinton không khôn khéo, có thể ông Clinton đã bị bãi chức hoặc phải từ chức rồi!

- “Ghê” vậy!

Vừa nói bà Dung vừa lấy iPhone ra:

-Để tôi tìm bài này, chị đọc qua cho vui.

Sau khi mở link, bà Dung trao iPhone cho Trang. 

https://en.wikipedia.org/wiki/Hillary_Clinton#Response_to_Lewinsky_scandal

Trang đoc và chú ý vài đoạn: “… After the evidence of President Clinton's encounters with Lewinsky became incontrovertible, she issued a public statement reaffirming her commitment to their marriage…”

“…In her 2003 memoir, she would attribute her decision to stay married to a love that has persisted for decades…"

“…In October 2018, Hillary stated in an interview on CBS News Sunday Morning that Bill was right to not resign from office, and that Bill's affair with Lewinsky did not constitute an abuse of power because Lewinsky ‘was an adult’."

Trao iPhone lại cho bà Dung, Trang cười:

-Bà Clinton bản lĩnh thật! Em rất nể phục những phụ nữ biết giữ thể diện cho chồng con.

-Giữ thể diện cho chồng con hay giữ thể diện cho bất cứ ai cũng là một cách để giữ thể diện cho chính mình đó, chị!

Trang thoáng giật mình. Không biết bao nhiêu lần Trang muốn “ ‘làm’ con nhỏ đó một trận cho nó biết thân”, nhưng bị các con của nàng can ngăn. Vì bị các con ngăn cản, Trang nghĩ rằng các con “hùa” với Cha chứ không thương Mẹ, cho nên, Trang tự động xa lánh các con. Hậu quả, không những Trang mất chồng mà Trang cũng mất con! Để che giấu nỗi đau trong lòng, Trang chuyển đề tài:

-Còn bà Melania Trump thì sao, chị?

-Bà Melania Trump là một phụ nữ rất đáng thương! Nhiều người thấy rõ sự chịu đựng dai dẳng của Bà dành cho cựu Tổng Thống Trump và đức hy sinh của Bà dành cho Barron Trump – cậu con trai duy nhất của Bà ấy.

-Đúng đó, chị. Suốt bốn năm ông Trump làm Tổng Thống, chỉ một lần em thấy bà Melania “cười thật”; đó là khi Bà ấy và ông Trump rời tòa bạch ốc, bước về chiếc Marine One để rời Tòa Bạch Ốc trong ngày ông Trump hết nhiệm kỳ.

Trang vừa dứt lời, bà Dung nhìn đồng hồ tay, vội đứng lên:

-Sorry! Hôm nay tôi phải đi đón đứa cháu nội đang học Piano.

-Chị cho em số điện thoại của chị, được không?

Cả hai trao đổi số điện thoại, mang “masks” vào, rời bàn, cùng đi ra bãi đậu xe, nhưng về hai hướng khác nhau.

Đang bước chầm chậm, Trang chợt nghe tiếng ai “ngân nga” một tình khúc mà lúc nào vợ chồng giận nhau Huân – “Ex.” của Trang – cũng ôm Guitar, vừa “từng tưng” vừa “ngân nga” để nhớ thời chàng và Trang yêu nhau:

 “…Ɲhớ hồi còn thơ,
    Vai kề vai trong tiếng tơ.
    Tuу xa vắng ta vẫn mong chờ,
    Ϲhiều sao hờ hững lạnh lùng thờ ơ…” (2)

Trang nhìn quanh. Khu vực thương mại này của người Mỹ, tại sao lại có nhạc Việt Nam? Vừa khi đó, một người đàn ông tóc hoa râm xuất hiện giữa hai chiếc SUV đang đậu cạnh nhau, đi về phía cửa của Fuddruckers. 

Trang hơi mất bình tĩnh, chưa biết phải hành động như thế nào thì Huân đã bước nhanh về phía nàng:

-Trang! Em khỏe không?

-Dạ, khỏe. Xe anh đâu?

-Anh bị tai nạn. Bảo hiểm thuê xe cho anh.

Trang thầm nghĩ: Hèn chi nghe tiếng hát mà không thấy xe của “ổng”; nhưng nói khác đi:

-Anh bị gì không? Mấy đứa nhỏ biết không mà sao không đứa nào cho em hay cả?

Nghe Trang xưng “em” và có vẻ quan tâm đến chàng, Huân thầm vui.

-Anh dặn các con đừng cho em hay.

-Tại sao?

-Xe bị “quẹt” bên hông thôi mà!

Trang chưa kịp nói gì, Huân tiếp:

-Em mới đến hay là em đã ăn xong rồi?

-Em ăn xong rồi. 

-Anh mời em trở vào. Anh có nhiều điều muốn nói với em. Đi! Đi vào với anh.

Trang lẳng lặng bước cạnh Huân. Khi bước lên bậc cấp, Huân – theo thói quen của một người lịch lãm – đưa tay cho Trang vịn. Đang bước, Trang giả vờ mất thăng bằng, nghiêng người vào Huân. Huân vội choàng tay qua, giữ nàng thật chặt trong vòng tay. Trang vờ bẻn lẽn:

-Cảm ơn anh. Không có anh, em té rồi!

Nhìn Trang với ánh mắt nồng nàn, Huân vừa mỉm cười vừa bóp nhẹ bàn tay của nàng…


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/


1.- Bóng Chiều Tà của Nhật Bằng.

2.- Của Emiliano Zapata.


2021/08/11

     


Hôm ấy mùa Thu vào ánh mắt

Nên em buồn chẳng nói câu gì

Dáng sầu như một nàng tu kín

Hai đứa dìu nhau lặng lẽ đi


Anh biết ngày mai em lấy chồng

Bao năm thề hẹn cũng bằng không

Tập thư ngày trước xin trao lại

Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng


Trời buồn nên trời mưa bay bay

Cầm tập thơ yêu khẽ thở dài

Em bảo hôm nay lần gặp cuối

Rồi ôm anh khóc lệ đầm vai


Em khóc mà chi ... anh tự hỏi

Ngày mai em sẽ lấy chồng giầu

Còn anh ... kiếp học trò tay trắng

Có dám bao giờ mơ ước đâu


Hôm nay lại một mùa Thu đến

Anh vẫn buồn như kẻ thất tình

Em vẫn vui như ngày mới cưới ...

Ai làm dang dở mộng thư sinh?


Nhất Tuấn*

(Truyện chúng mình)

*Thi sĩ Nhất Tuấn, đã qua đời vào khuya Thứ Bảy, ngày 31 tháng 7 năm 2021. Tại thành phố Bothell, Washington. Hưởng thọ 86 tuổi.

Thi sĩ NHẤT TUẤN tên thật là PHẠM HẬU. Ông sinh trưởng tại Nam Định, nhưng quê quán nội ngoại ở Ninh Bình. Ông cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954, ông gia nhập quân đội và theo học ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, năm 1955, Khóa XII. Rồi từ 1969, ông làm Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội, Giám đốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch Bộ Thông Tin, Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh và Tổng Giám Đốc VN Thông Tấn Xã …

Ông được biết đến nhiều qua những tập thơ “Truyện Chúng Mình” (xuất bản năm 1956) và những tập truyện “Đời Lính” (xuất bản 1965). Trên 50 bài thơ trong “Truyện Chúng Mình” đã được phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ trong khoảng từ 1956 – 2008.

2021/08/05

 


NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC KỂ VỀ NGUYỄN TẤT NHIÊN***

Ngày 3 Tháng Tám, năm 1992, tại sân sau của một ngôi chùa ngỏ nằm gần đường Brookhurst, Orange County, California, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên “BIẾN”(1) khỏi “trần gian hệ luỵ”(2) ngay trong chiếc xe hơi cũ, cũng là “ngôi nhà di động” của ông trong những năm cuối đời. 29 năm sau, thơ của Nguyễn Tất Nhiên và những tình khúc được phổ từ thơ của ông vẫn là những tuyệt tình ca bất hủ.

***

Một gã ‘ngông’ làm thơ, viết nhạc, hát cải lương

Năm 1971, tạp chí Sáng Tạo của cố nhà văn Mai Thảo xuất hiện những vần thơ của một người tự cho mình là “kẻ hoang đàng”, “tên vô đạo”, “bất tín đồ trong tình yêu” – Nguyễn Tất Nhiên. Ngay sau đó, lời thơ Nguyễn Tất Nhiên với ý tưởng và những hình ảnh độc đáo, hư hư thật thật, những thú nhận “ngông cuồng” mà rất nồng nhiệt, đã đi vào nhạc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng, trở thành một hiện tượng trong làng thơ và nhạc Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

                  Ảnh phải: tranh chân dung nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh

Có thể nói, cho đến bây giờ, hiếm có ai dành cho người yêu của mình những tên gọi đẹp, thánh thiện như Nguyễn Tất Nhiên đã từng. Đặc biệt, cái đẹp và thánh thiện ấy càng được tôn vinh hơn gấp vạn lần khi ông đem chính mình ra làm vật thể so sánh. Ông tự gọi mình là một “người bệnh hoạn,” một “kẻ nhiều sám hối,” một “tên vô đạo.” Riêng bạn bè, thân hữu, chẳng ai ngại ngùng gì khi gọi Nguyễn Tất Nhiên là “kẻ ngông cuồng” hay “một người điên” hoặc một gã “bất cần đời.”

Gọi thế nào cũng đúng, vì: “Ảnh có máu điên, mà cũng có máu ngông. Ảnh ‘điên’ lắm” – nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói thế, “Người làm nghệ thuật nào cũng có ‘máu điên’ trong người, không nhiều thì ít”. Và với Nguyễn Tất Nhiên, thì không chỉ điên, ngông, ông còn là một kẻ bất cần đời, coi thường thị phi trong thiên hạ. Những giá trị chung bình thường của xã hội mà một con người bình thường luôn hướng tới thì với Nguyễn Tất Nhiên không phải là điều cần thiết.


Thủ bút của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên viết tặng nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)

Cố nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong tuỳ bút của ông: “Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… Cả  ba vị đều đã từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó”.

Nếu từng ở Dưỡng trí Viện Biên Hòa, thì… không thể là người tỉnh táo. Nhưng, chính cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng nhẹ nhàng gọi đó là cái “HỒN NHIÊN” của Nguyễn Tất Nhiên.

Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bằng hữu. Đi đến đâu, ông cũng có bạn. Đi đến đâu ông cũng có người quí mến. Nguyễn Tất Nhiên có thể ngồi hàng giờ hàn huyên với bè bạn, đúng nghĩa cuộc đời rong chơi, không cần biết ngày mai sẽ ra sao.

 

             Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (phải) và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)

Vậy, giá trị mà Nguyễn Tất Nhiên định ra và tìm đến trong cõi nhân sinh này là gì? Là thơ? Là tình yêu? Là cái đẹp vĩnh cửu? Câu trả lời: “Không có mục đích gì cả!”.

“Nguyễn Tất Nhiên sống thả nổi như bèo trôi sông, tới đâu hay tới đó, không có mục đích, không có chương trình gì cả” –nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, đang định cư ở Canada, thầy dạy âm nhạc cho Nguyễn Tất Nhiên (từ sau Tháng Tư, năm 1975 đến Tháng Tư, năm 1979) nói về người học trò yểu mệnh của mình. Ông cũng là người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, không dùng từ “điên” khi nhắc về Nguyễn Tất Nhiên.

“Tôi không bao giờ thấy Nguyễn Tất Nhiên điên. Tôi chỉ thấy ông ấy là người sống kiểu bạt mạng và bi quan. Với Nguyễn Tất Nhiên, tôi không thấy một nét lạc quan nào, ngay cả lúc ông ấy cười”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Những năm sau biến cố 30 Tháng Tư, Nguyễn Tất Nhiên tìm đến nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Sài Gòn để học nhạc. Ông học guitar, hoà âm và sáng tác ca khúc. Thời gian đó, cuộc sống ở miền Nam chật vật. Người Sài Gòn chạy ăn từng bữa, nhiều người làm lụng, dành dụm để “tìm đường ra đi”.

“Nguyễn Tất Nhiên là một người ham học. Ông ấy từ Biên Hoà chạy xe ra Sài Gòn, ở lại nhà tôi để học. Sáng tôi đi làm thì ông ấy ở nhà ôn bài, làm bài. Mỗi lần đến học là ở lại 3, 4 ngày. Cách hai tuần đến học một lần”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa kể lại. Ca khúc “Chiều trên đường Hồng Thập Tự” ra đời trong thời gian này, là một “bài tập” về hoà âm và sáng tác của Nguyễn Tất Nhiên.

Vì sao Nguyễn Tất Nhiên không phổ nhạc những bài thơ tình của mình từng làm điên đảo giới sinh viên học sinh Sài Gòn thời ấy? Ông có “phán” một câu rằng:“Có bài nào hay người ta phổ nhạc mất tiêu, không chừa lại tác giả (thơ) bài nào!”.

Thế nên, sau khi định cư ở Mỹ, trong những lần ngẫu hứng, Nguyễn Tất Nhiên đã sáng tác “lại” các bài bát nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của ông như “Em hiền như Ma soeur” hoặc “Hai năm tình lận đận” qua thể loại… cải lương!

Cái “ngông” của Nguyễn Tất Nhiên là thế. Ông thích đến học nhạc, thì “lù lù” đến. Ai hỏi “Khi nào về?”, ông trả lời: “Khi nào nhạc gia đuổi thì về”. “Nhạc gia” nghĩa là “người chơi nhạc”, là cách ông gọi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, người lớn hơn ông một tuổi, đang dạy nhạc cho ông.

Nguyễn Tất Nhiên chỉ làm những gì mình thích. Ông bước qua những định hình, chuẩn mực, khuôn thước… một cách thản nhiên. Ông vô tư trả lời câu hỏi “Muốn học nhiếp ảnh à?” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Cao Lĩnh bằng việc đưa ra cuốn sách dạy chụp ảnh “How to take a good picture?” (do hãng Kodak phát hành) và nói: “Có sư phụ nhiếp ảnh đây rồi!”.

Cuốn sách đó là món quà của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã tặng cho Nguyễn Tất Nhiên khi biết chàng thi sĩ rất muốn học chụp ảnh.

Một gã bi quan ‘sống với chữ thay vì sống với đời’

Lúc nào trong đầu ông cũng có chữ, đùa với chữ, xâu xé và khổ đau với chữ. Cái tài của Nguyễn Tất Nhiên chính là, cho dù trong tình huống nào ông cũng chỉ ghép chữ lại với nhau đúng với cảm xúc của mình, chứ không đẽo gọt, trau chuốt ngôn từ. Ngôn từ trong thơ ông hồn nhiên và giản dị. Giản dị đến cay nghiệt. 

“Em hiền như Ma soeur/ Vết thương ta bốn mùa/ Trái tim ta làm mủ/ Ma soeur này Ma soeur/…” (Em hiền như Ma soeur)

Hay

“Thà như giọt mưa/Vỡ trên tượng đá/Thà như giọt mưa/Khô trên tượng đá/…” (Thà như giọt mưa)

 

Ai mà chẳng từng nhìn thấy giọt mưa, ai mà chẳng biết tượng đá. Nhưng để thấy trọn vẹn một giọt mưa vỡ toang trên tượng đá, chỉ có thể là Nguyễn Tất Nhiên. Tượng đá, một vật thể vô hồn, vững chắc, ngàn năm. Giọt mưa chọn tượng đá để làm điểm rơi, để rồi vỡ toang…

Phía sau cách ghép chữ đơn giản ấy phải là một ý nghĩa sâu sa, thâm thuý vô cùng. Nhạc sĩ Trúc Hồ tự nhận rằng, ca từ trong các sáng tác của ông ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Ông nói: “Cách dùng từ của Nguyễn Tất Nhiên rất giản dị nhưng rất thơ, không bóng bảy, trau chuốt, không cần đi đâu lung tung xa vời. Ông ấy ghép chữ rất tài tình, đơn giản là ‘Em hiền như Ma soeur’ thôi nhưng làm cho mình cảm thấy vô cùng thánh thiện và trong sạch”.

Trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên, vạn vật trên mặt đất đều được kết nối với nhau rất “hồn nhiên” và rất nhẹ nhàng.

“Trời mưa không lớn lắm/ Nhưng vẫn ướt đôi đầu/ Tình yêu không đáng lắm/ Nhưng đủ làm… tiêu nhau.” (Thơ khởi tự điên cuồng).

Như nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói, ngôn từ trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên đơn giản vô cùng, đơn giản như người ta “đang nói chuyện với nhau.” Với Nguyễn Tất Nhiên, “chữ” là hơi thở để sống. “Chữ” là cách để ông tỏ tình. “Chữ” cũng là phương tiện để ông giải thoát hờn giận của một cuộc tình hay những u uẩn, ngột ngạt trong cõi trần gian. Ông có thể so sánh người tình của mình “hiền như Ma soeur” nhưng rồi cũng sẵn sàng ví người tình là một “ác quỷ đầy quyền năng”.

Cho đến khi, chữ hiển hiện quá nhiều trong tư tưởng, nhưng lại không thể liên kết với nhau thành thi ca, thì “tên hoang đạo” và “người bệnh hoạn” trong Nguyễn Tất Nhiên vùng dậy.

“Cái điên của Nhiên xuất phát từ sự vùng vẫy trong tư tưởng. Cuộc sống bình thường thì không màng tới, không lo tới, nhưng tư tưởng thì bùng phát rất mạnh trong đầu Nhiên. Sự bùng phát đó quá lớn mà Nhiên không viết ra được như đã từng viết khi còn ở Việt Nam. Ẩn ức đó dẫn đến tâm trạng của người thất chí”, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã nói về những ngày tháng trước khi Nguyễn Tất Nhiên “khép mắt sớm hơn giờ thiên định”. (3)

Nguyễn Tất Nhiên đã chọn một nơi chốn khác để tiếp tục với sự “hồn nhiên” của mình. Có thể nơi đó ông không cần phải hô biến đi cái buồn đã từng ngự trị trong ông, không phải nghe những tiếng ồn ào xô bồ vọng về từ một tâm thức nào đó. Nơi ấy, ông sẽ được thảnh thơi “hồn nhiên” làm tên “vô đạo” hay hoá thành giọt mưa rơi phủ trên cây thánh giá huy hoàng vĩnh viễn.

Kalynh Ngô

https://saigonnhonews.com/tacgia/kalynh-ngo/

4 tháng 8, 2021

 ***

Bài tưởng nhớ 29 năm ngày mất của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên được thực hiện qua lời kể lại của những người bạn của ông: Nhạc sĩ Trúc Hồ, Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Canada) và bà Lê Minh Phú (Nhật báo Người Việt)

Trong bài viết có sử dụng những tấm ảnh chưa từng được công bố do nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã cung cấp.

(1): Trích từ những câu thơ: Tôi hô biến cái tôi buồn/ Tôi hô biến nỗi thuồng luồng đời tôi/ Tôi hô biến vợ/ Tôi hô biến con/ Tôi hô biến nỗi đói/ Tôi hô biến nỗi buồn/ Tôi hô cái nào, biến cái nào thì nó hiện lên cái đó.

(2): Trích trong lời giới thiệu do nhà thơ tự viết và diễn đọc trong băng nhạc Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên thực hiện sau năm 1975.

(3): Trích bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng”.