Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc?
Cù Huy Hà Vũ
05/05/2023
LGT: Gần 20 năm trước, vào dịp đầu năm 2005, GS Lê Xuân Khoa có một bài viết đăng trên BBC, tựa đề: Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến? Các tên gọi thường được sử dụng, đã được nhắc tới trong bài, như: Chiến tranh chống cộng, chiến tranh chống Mỹ-Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh ủy nhiệm…
Tác giả đã đưa ra bốn tên gọi gây tranh cãi nhiều nhất rồi phân tích, và ông cho rằng cuộc chiến này nên được gọi là “chiến tranh Việt Nam”. Theo ông, tên gọi này “với ý nghĩa khách quan, phi chính trị là chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt Nam. Nội dung phức tạp của nó sẽ được lịch sử ghi chép một cách đầy đủ và trung thực”.
Ngoài cái tên gọi cho cuộc chiến này gây tranh cãi trong nhiều năm qua, bài viết sau đây của TS Luật Cù Huy Hà Vũ, bên cạnh việc tranh luận về cuộc chiến, còn bàn về chủ đề có thể gây tranh cãi, đó là cái tên gọi cho ngày kết thúc cuộc chiến này.
***
Năm nào cũng thế, cứ những ngày cuối tháng Tư người Việt gốc gác Việt Nam Cộng hòa ở hải ngoại rầm rộ kỷ niệm “Ngày quốc hận 30-4”. Họ cho rằng ngày đó Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Bắc Việt Nam đã cưỡng chiếm Việt Nam Cộng hòa mà họ đồng nhất với miền Nam Việt Nam, dẫn đến họ “mất nước”.
Chu Tất Tiến, một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa đã viết bài “Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam” và gửi cho các diễn đàn trên mạng vào ngày 26/4 vừa qua. Bài này sau đó đăng trên Nhật báo Cali (1).
Ảnh: Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn: Văn Lan/ Người Việt)
Trong lời giới thiệu bài “Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa Chu Tất Tiến” gồm 2 kỳ đăng trên báo Tiếng Dân (2), được đăng lại trên Facebook Cù Huy Hà Vũ, tôi đã chứng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa không phải là hai quốc gia độc lập. Thực vậy, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải là biên giới giữa hai quốc gia.
Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan.” Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn gọi là “nội chiến” (civil war).
Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác mà thôi!
Khi giới thiệu bài viết nói trên của tôi, tôi đã đặt câu hỏi tại sao những người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt ở Mỹ, lại hận thù Nhà nước Việt Nam hiện hành dai dẳng đến như vậy, khi mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua và Mỹ, quốc gia mà họ nhập tịch, đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 30 năm nay. Bạn Thuy Nguyen hồi đáp: “Họ nhớ dai vì chính quyền VN nào cho quên? Vẫn ăn mừng chiến thắng đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Và hơn nữa, trẻ em bên Mỹ hoàn toàn độc lập trong suy nghĩ, sự nhắc nhở này chỉ nói lên tại sao họ có mặt ở đất nước này. Đó là lý do cá nhân, không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”
Quả vậy, trên báo của Đảng cộng sản Việt Nam và các báo khác ở Việt Nam (báo Nhà nước đương nhiên, vì tư nhân không được ra báo) đều xuất hiện dòng chữ “Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2023)”.
Bản thân tôi cách đây 13 năm đã yêu cầu Nhà nước Việt Nam bỏ cách diễn đạt ngày 30/4 thành “Ngày giải phóng Miền Nam”, “bởi nó – tôi nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 29/4/2010 có tiêu đề “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ” (3) – “dễ bị diễn giải thành ‘Miền Bắc thôn tính Miền Nam’ và trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản. Mặt khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất ‘thắng – thua’ như trên”.
Và tôi đã đề nghị, chỉ dùng “Ngày Thống nhất Đất Nước” để diễn đạt biến cố lịch sử này. Kết cục là Nhà nước Việt Nam chẳng những không nghe lời nói phải này của tôi để thực thiện Hòa Giải Dân Tộc mà lại còn bỏ tù tôi vì đã nêu ra yêu cầu này cũng như các kiến nghị đổi mới chính trị khác trong bài trả lời phỏng vấn nói trên của tôi.
Có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người chống cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nỗ lực truyền lại sự thù hận cho con, cháu họ như một “di sản”. Hầu hết sinh hoạt công đồng của “người Việt tỵ nạn cộng sản” diễn ra với sự tham dự của con, cháu họ đều bắt đầu bằng màn chào quốc kỳ Cộng hòa Việt Nam Cộng hòa – cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa và những diễn ngôn kêu gọi xóa bỏ, thậm chí lật đổ Nhà nước Việt Nam hiện nay do Đảng cộng sản lãnh đạo. Như vậy, đó không đơn thuần là sự nhắc nhở lý do họ và con cháu họ có mặt ở Mỹ, mà là lời kêu gọi phục thù không hơn không kém!
Tư tưởng phục thù này đã ít nhiều thành công khi có một số người trẻ tuổi gốc Việt tổ chức các “Đại hội hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” để “nguyện cùng đứng lên đón nhận trọng trách và nối tiếp con đường của thế hệ Cha Anh kiêu hùng, để tinh thần yêu nước của người lính Việt Nam Cộng Hoà và điều tâm niệm phụng sự cho Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm được duy trì mãi mãi trong những thế hệ mai sau”, như Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019 (4) đã dõng dạc tuyên bố trong Thư ngỏ. Tại Đại hội Hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại năm 2022, cựu tướng Mỹ gốc Việt, ông Lương Xuân Việt, con của một cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa và là Thiếu tướng gốc Việt đầu tiên của quân đội Mỹ, đã thổ lộ nỗi đau “mất nước” và thẳng thừng gọi cộng sản Việt Nam là “giặc”, được cử tọa rào rào vỗ tay tán thưởng (5).
Cho dù Nhà nước Việt Nam có nghiêm túc coi đây là mầm mống của phiên bản “Chiến tranh Việt Nam” trong tương lai hay không thì sự kêu gọi phục thù từ người Việt chống Cộng hải ngoại có gốc gác Việt Nam Cộng hòa cùng với hưởng ứng nhiệt thành của “hậu duệ” của họ, trong đó có sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ, càng làm cho Nhà nước Việt Nam tin rằng “các thế lực thù địch” muốn thanh toán họ là hiện hữu!
Ảnh: Học sinh “hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” tham dự Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, California. Nguồn: Văn Lan/ Người Việt
Về ý kiến, theo đó trẻ em gốc Việt bên Mỹ mà có hận thù cộng sản Việt Nam thì là tự ý chúng chứ “không có chủ trương, định hướng và bắt buộc như ở Việt Nam!”, tôi cho rằng đó là một so sánh không chuẩn. Thực vậy, Đảng Cộng sản đang thực hiện chế độ toàn trị ở Việt Nam thì việc họ buộc người dân và các tổ chức tổ chức mừng “Ngày Giải phóng Miền Nam” là điều không có gì là khó hiểu. Còn đối với nước Mỹ và các nước khác, mà tuyệt đại đa số, nếu không nói là tất cả, người Việt có gốc gác Việt Nam Cộng hòa đã nhập tịch, ngày 30-4 đâu phải là ngày “mất nước” để trở thành “ngày quốc hận” của các nước này để rồi chính quyền “có chủ trương, định hướng và bắt buộc” tổ chức ký niệm ngày này!
Bất luận thế nào, tôi vẫn kiên trì rằng “Ngày Thống nhất đất nước” là cách diễn đạt ngày 30-4 thích hợp nhất vì nó phù hợp nhất với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt. Điều này một khi được Nhà nước Việt Nam chấp thuận sẽ là bước đi thực tế để hóa giải hận thù của những người “đồng bào” đã từng ở bên kia chiến tuyến trong một cuộc nội chiến không đáng có, cho dù nguồn cơn là Chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản theo “Thuyết domino” (6).
Tác giả: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
________
Chú thích
1. Hiệp định Geneva 1954 và hai quốc gia Việt Nam, Nhật báo Cali, 2/5/2023
2. Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến (Kỳ 1 và kỳ cuối), Tiếng Dân. ngày 30/4/2023
3. Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 29/4/2010
4. Đại hội Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà Hải Ngoại năm 2019, Liên hiệp Hội đồng quốc dân Việt Nam
5. Tướng Lương Xuân Việt nói thẳng mặt Cộng sản: Các anh giải phóng cái gì? Ai cần các anh giải phóng? DTV, 9/6/2022
6. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành. Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy tôi (Cù Huy Hà Vũ) cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt (trích Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ đã dẫn).
TS. TRẦN KIÊM ĐOÀN ĐÁP TRẢ TS CÙ HUY HÀ VŨ (Cali Today News)
.
.
.
Ts. Trần Kiêm Đoàn đáp trả Ts. Cù Huy Hà Vũ
Cali Today News
May 6, 2023
Ts. Trần Kiêm Đoàn
LTS: Đáp trả lại bài viết “Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc? – Cù Huy Hà Vũ – trên báo Cali Today online, trang Việt Nam, Chúng tôi gửi đến quý độc giả bài viết của Ts Trần Kiêm Đoàn say đây.
Chào anh Cù Huy Hà Vũ,
Thật tình tôi rất đắn đo khi hai lần trước, trao đổi với anh về vấn đề danh từ như tên gọi “Quốc Gia” và sự kiện lịch sử như “Tại sao VNCH không tham dự ký hiệp định Paris 1973”.
Tuy vấn đề đã quá rõ ràng và những người có chút trình độ không quá sơ cấp như anh và tôi đều hiểu rõ nguyên ủy sự xưng hô và bản chất của hiện tượng lịch sử; thế nhưng vấn đề “chính danh định phận” vẫn được đặt ra vì danh có chính thì ngôn mới thuận.
Và hôm nay nữa, anh Cù Huy Hà Vũ lại đưa ra vấn đề tên gọi “ngày 30 tháng tư” như thế nào mới chính danh. Nhân loại cũng đã từng đối diện với sự tương đối của sự thật, của chân lý mà triết gia Pháp thế kỷ XVII là Pascal có viết một câu trở thành tục ngữ: “Chân lý bên này rặng núi Pyrenees, là sai lầm ở phía bên kia” (Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au-delà); hẳn anh còn nhớ?! Bởi vậy, trên phương diện thực tế, lịch sử, xã hội, thời cuộc và tâm lý… không dễ gì gói trọn càn khôn vào lò bát quái của Tôn Ngộ Không phải không anh.
Nếu nhìn qua lăng kính khách quan và công bằng của con nhà luật học và học giả như anh Hà Vũ thì phải chăng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Đảng CSVN giải phóng cho chính mình. Đó là ngày Đảng và dân của Đảng hoàn thành bước đầu của giấc mơ thống trị “thế giới đại đồng” theo chủ nghĩa Marx riêng cho những người Việt Nam hằng ấp ủ, theo, chạy theo hay hùa theo phong trào Cộng sản Quốc tế từ năm 1917. Người CSVN chính thức gia nhập Cộng sản Quốc tế với sự thành lập Đảng năm 1930 với giấc mơ – trước hết theo lý thuyết – là để giải phóng cho “giai cấp công nhân bị giới chủ nhân của chủ nghĩa tư bản tước đoạt phương tiện sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư” theo tư duy Marxist chứ không phải là mục đích ưu tiên để giải phóng cho “nhân dân miền Nam bị Mỹ Ngụy kìm kẹp đè đầu cưỡi cổ” theo chiêu bài của họ tự đặt ra. Những nước láng giềng quanh Việt Nam đâu cần có đảng Cộng Sản lãnh đạo và tiến hành chiến tranh với hàng triệu người hy sinh tính mạng nhưng thực tại, họ không thua gì Việt Nam về mọi mặt kể cả độc lập dân tộc, thoát ách thuộc địa ngoại bang mà không phải trả giá bằng núi xương biển máu như Việt Nam. Hơn thế nữa, các nước đó còn đang được thưởng thức điệu sống tự do dân chủ đích thực trong tầm tay; trong khi mọi người dân Việt Nam đang thiếu vì được nếm mùi… giải phóng. Thiện trí thức đúng nghĩa phải là một người học lý thuyết để ứng dụng vào trải nghiệm thực tế chứ không phải ngược lại. Chối bỏ thực tế nghiệt ngã để theo đòi lý thuyết viễn mơ là học phiệt chứ không phải học giả!
Thực trạng bi đát của một Việt Nam bị Tây đô hộ và Mỹ nhảy vào chơi bài Dominos là vùng “đất thánh” để biến giấc mơ Marx – Engels – Lenin thành hiện thực. Vậy nên, gọi ngày 30-4-1975 với đại danh ngày “giải phóng miền Nam” là một hình thái cực đoan lạm dụng ngôn từ bởi người ở một phía của Pyrenees Trường Sơn.
Nhưng còn đối với thực tế lịch sử, lương tri nhân loại và người dân miền Nam thì sao?
– Gọi 30-4-1975 là “ngày quốc hận” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với những gia đình tan cửa nát nhà, gia đình ly tán, lẽ sống tiêu vong… Họ là “triệu người buồn” mà thủ tướng bên thắng cuộc Nguyễn Văn Linh từng nói tới.
– Gọi 30-4-1975 là “ngày quốc nhục” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với hàng vạn gia đình lâm vào cảnh tang thương: Chồng đi tù cải tạo, vợ sa chân làm hầu thiếp cho cán bộ, sống chui nhủi ở gầm cầu hè phố, buôn lậu lang thang, đại gia thành tán gia bại sản, vợ và con gái bị hải tặc đua nhau hãm hiếp trước mắt chồng, cha và kẻ kháng cự bị hành hình quăng xác xuống biển hay trong rừng sâu.
– Gọi 30-4-1975 là “tháng Tư Đen” chăng? Tên gọi nầy sẽ hoàn toàn phù hợp với những ai bị vùi dập vì bất đồng chính kiến, sống đói nghèo tủi nhục ở quê hương và sống ngửa tay xin tiền bố thí qua dạng “trợ cấp” ở quê người.
Và còn biết bao nhiêu tên gọi muôn màu, muôn vẻ, muôn năm nữa… thưa anh Cù Huy Hà Vũ. Theo tôi, đó là những tên gọi thật thà đầy nhân tính đại chúng mà “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!
Xin trở lại với đề nghị tên gọi “Ngày thống nhất đất nước” đặt cho ngày 30-4-1975 mà anh Hà Vũ và các vị khác đề nghị. Đứng về mặt mỹ từ pháp và ngữ học thì đây là một tên gọi “hiền và dễ thương”. Tuy nhiên, tên gọi này chính danh hay chưa thì phải cần căn cứ trên hai phương diện cơ bản là tình và lý vì người Việt mình vẫn thường tôn trọng tính hợp tình hợp lý trong việc xưng danh báo hiệu. Trước hết là khái niệm “Thống Nhất” thì thống nhất (united, reunification) có nghĩa là quy về một mối, những sông suối nhỏ cùng chảy về đại dương; những tâm hồn xa nguồn, bơ vơ, lạc bầy, quay mặt với nhau nay trở về nguồn, nhìn rõ mặt nhau và chung hưởng hạnh phúc ngày đoàn tụ. Một ngày mang ý nghĩa tích cực đầy cảm khái và hạnh phúc như thế có thật sự xảy ra vào 30-4-1975 cho toàn dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc không anh Hà Vũ nhỉ?! Có lẽ một vài liên tưởng về ý nghĩa tên gọi mà tôi vừa nêu trên đã trả lời một phần đề nghị của anh. Đã 48 năm rồi nhưng những vết thương chiến tranh chưa thành sẹo, đâu đây vẫn còn rỉ máu anh Cù Huy Hà Vũ ạ. Trưa ngày 30-4 năm nay, tôi đi ăn trưa với anh Th. ở Sacramento, Cali. Anh là người sống im lặng đầy mặc cảm bi phẫn về chiến tranh và quyền lực chính trị nên anh như chiếc bóng ở thành phố nầy với người vợ bị bệnh tâm thần và đứa con gái handicapped. Anh Th. vẫn chưa quên ngày vượt biên bi đát và nghiệt ngã từ Việt Nam qua đảo Pulau Bidong, vợ và con gái anh bị hải tặc hãm hiếp trước mắt anh đến 5 lần. Hai đứa con trai anh cố bênh mẹ và chị thì bị hải tặc đánh nhừ tử rồi quăng thây xuống biển mất xác. Bản thân tôi cũng là một thuyền nhân năm 1982 nên hàng năm vào dịp 30-4 chúng tôi gặp nhau chia sẻ. Năm nay anh Th. Nói là dịp cuối cùng vì anh chị đã quá già yếu. Thế đó, một đời người gần hết những vết thương đời vẫn chưa lành.
Sự phán xét của lịch sử thường công bằng và khách quan sau những 100 năm. Tôi không có tham vọng đưa ra một tên gọi xứng tầm với ngày 30-4-1975 nhưng khi lên lớp, tôi vẫn thường dùng tên gọi “NGÀY CHẤM DỨT CUỘC CHIẾN VIỆT NAM 1954-1975” (The End of Vietnam War 1954-1975) với sinh viên Mỹ cũng như Việt và các nước khác khi nói về ngày 30-4-1975.
Và có lẽ “sự bất quá tam” mà lần nầy là lần thứ ba tôi trao đổi với anh Hà Vũ trên mail nên tôi phải tự giới hạn chính mình. Vả lại, trong list emails nầy có cả nghìn người với bao nhiêu bậc thức giả; nhưng vẫn không tránh được tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” khi có hiện tượng “phản biện” với lời lẽ quá xúc phạm” (abusive language – profanity) cũng như lối suy diễn và cách luận đàm, ứng xử thiếu nhân văn… Rất mong có sự tự chế và giới hạn vỡ bờ cảm xúc.
Tuy chưa bao giờ gặp anh và cũng chưa hân hạnh nói chuyện với anh lần nào nhưng tôi tin với nhiệt tình tuổi trẻ, tài năng và nếu có bản tâm chân thành thì anh sẽ không cô đơn khi làm kẻ sĩ “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”.
Chúc lành và tạm biệt.
Trần Kiêm Đoàn