2014/10/14

CON THUYỀN KHÔNG BẾN
Sáng tác: Đặng Thế Phong
Trình bày: Ngọc Hạ


“... Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”

Là một trong số ít ỏi ba ca khúc của nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong,Con thuyền không bến cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm bất hủ nhất của tân nhạc VN. Từng giai điệu tê tái, não nề của ca khúc này đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí người yêu nhạc VN suốt gần 70 năm qua. Con thuyền không bến được Đặng Thế Phong sáng tác dành tặng riêng cho cô Tuyết - người yêu của ông khi đó. Trong một đêm trắng mùa thu trên sông Thương, chàng nhạc sĩ trẻ đã biến nỗi nhớ thương người yêu nơi xa thành một tuyệt phẩm.
Con thuyền không bến là một hình ảnh đậm chất thơ. Thuyền trôi lờ lững trên dòng nước mênh mang trong một đêm thu chớm lạnh cùng “heo may”, “sương lam mờ chân mây”, “ánh trăng mờ chiếu”. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhung nhớ của những thanh niên trẻ trong thời chiến. Tình yêu của họ bơ vơ, lạc lõng cũng giống như con thuyền trôi bên con sông mùa thu, không biết đâu là bến bờ. Giọng hát khàn đục đặc trưng của nữ ca sĩ Khánh Ly đã thổi hồn và đem đến sức sống mãnh liệt mãi trường tồn cùng thời gian cho nhạc phẩm Con thuyền không bến.

VNExpress

BỒI HỒI TRƯỜNG XƯA

Ngày xưa áo trắng thơ ngây
Tung tăng đùa giỡn lòng đầy mộng mơ
Học trò tình đẹp như thơ
Bao mùa mưa nắng dệt tơ tuổi hồng

Vào đời cuộc sống chênh chông
Tình yêu thuở trước còn không hởi trường
Thời gian xa cách vấn vương
Hoài mong quá khứ lòng dường quặn đau

Trường xưa bạn cũ còn đâu
Tường vôi rêu phủ bạc màu thời gian
Hoa rơi lá rụng cỏ vàng
Ngẫm nhìn lòng mãi bàng hoàng tiếc thương

Rời quê biệt dạng trùng dương
Xứ người lặng lẽ sầu tương từng mùa.
Người đi tiếng trống còn khua
Ngậm ngùi dĩ vãng lòng chua chát lòng

Lật trang ký ức ngược dòng
Gửi vào truờng cũ tình chồng chất cao
Bao Năm gắn bó ngọt ngào
Nụ cười..nước mắt.. tuôn trào xót xa

Tâm tình hải ngoại, quê nhà
Dòng thơ tình nặng mượt mà thắm trao
Trài lòng chia xẻ vui, sầu
Thủy chung một mực trước sau vẹn tình

Xưa nay như bóng với hình
Cùng chung xây đắp giữ gìn nghĩa xưa
Thầy trò chen vai nương tựa
Cảm ơn nhau một chỗ dựa tinh thần

Bạn ơi! Lòng chớ phân vân
Cuộc đời ta chỉ có ngần này thôi
Để lòng thanh thản chiều trôi
Lắng nghe tim ấm bồi hồi trường xưa!


Kim Oanh
Úc Châu 2013

CHẦN CHỜ

Không rõ do đâu tôi có một tật rất tệ: chần chờ. Ba mất sớm, mẹ luôn cần cù siêng năng làm việc tất bật để lo cho cuộc sống và cũng đã khuyên dạy tôi chuyên cần học hành nên chắc chắn không do ảnh hưởng từ mẹ. Còn với quý thầy cô thì khỏi đề cập đến. Từ nhỏ đến lớn vì lựa bạn mà chơi nên các bạn của tôi, nếu không thể nói là tốt nhưng không tệ; nếu biết bạn lười biếng, tôi …rời xa. Đã trải qua thời niên thiếu từ ruộng sâu đất sình với khung trời bình dị, dân tình mộc mạc hòa hoản đã tạo cho tôi cái tánh chần chờ hay sao? Định làm chuyện gì thì không dứt khoát làm ngay mà tự nói thầm…thủng thẳng làm, rồi cũng làm nhưng cái nguy hại xãy ra là đôi khi mất dịp, để rồi sau đó tự trách mình…, với tôi,  đó là tánh chần chờ.
Mẹ, thầy, sách vở nói: chuyện gì làm được thì làm ngay đừng để đến ngày mai. Đã bị thất bại bao lần vì cái tánh không tốt này mà vẫn còn vấp phải.
Như thuở tình yêu còn xanh, tánh chần chờ đã gây bao lần nuối tiếc.
Mẹ nhờ làm chuyện gì cũng thủng thẳng làm, mẹ giận nhưng không nói, âm thầm tự tay làm khi tôi thấy thì mẹ nói “không cần…con nữa!”
Thời thế đẩy đưa lang bạt xứ người, cái xứ chạy đua với thời gian, với mọi người mà cái tánh chần chờ trong tôi không …bỏ được.
Đi tìm việc mà chần chờ ư? Có người cướp ngay!
Đi chợ thấy một món vừa ý, để đó định dạo một vòng …rồi sẽ tính, khi trở lại thì có người mua mất.
Thậm chí, thí dụ chuyện nhỏ sau đây, một ngày đi bộ ở sân vận động thấy một cây viết còn tốt định…nhặt nhưng đã quá bước định bụng đến vòng sau sẽ…nhưng đến lúc đó thì có người khác nhặt mất rồi!
Có một người ông bà con bên vợ tuổi đã cao đang mòn hơi …ở một nơi tôi có dịp đến, định ghé thăm khi ông còn sống dù chỉ thoi thóp. Xuống sân bay xế chiều, con rước, trong câu chuyện hàn huyên biết con đang bị cảm nên không tiện nhờ chở đến thăm ông, thôi để ngày mai. Ngày mai thì ông đã ra đi tối qua…
Gần đây tôi cũng vấp một chuyện tương tự. Thật tình muốn bước tới đưa tay dù đã yếu ớt của mình phụ với mọi người kéo một chiếc xe đang đổ dốc, chần chờ bước đến thì không còn kịp nữa rồi, chiếC xe vuột khỏi bàn tay của mọi người lao xuống dốc đổ nhào tôi nghiệp!
Tự trách! Lại tự trách! Cái tánh chần chờ này như là bẩm sinh trong tôi biết đến bao giờ tôi bỏ được.
Chỉ còn hai chữ XIN LỖI …chiếc xe (yêu thương) đổ dốc kia thôi!

Anh Tú
October 14, 2014

2014/10/13

DẠ KHÚC
Sáng tác: Quốc Bảo
Trình bày: Hiền Thục




 *Viết theo cảm xúc sau khi nghe lén bài Dạ Khúc của Quốc Bảo ở nhà (Facebook) Nhu Thuong Nguyen đêm qua.
Mười sáu tuổi , thời đẹp nhất của con gái , em bằng lòng ngồi sau xe đạp cùng tôi đi suốt con đường Lê Minh Thiệp vào tận quán chè nhỏ xinh xắn ở ngoại ô . Quán chè đậu đỏ bánh lọt dân dã nằm sau cái cổng bông tỏi tím ngắt , quán vắng , không nhạc chỉ nghe gió tre xào xạc man mác tiếng chim . Em và tôi ngồi im lặng suốt trưa , thi thoảng tôi nghe tiếng em khuấy nhẹ ly chè , tiếng lách cách của muỗng chạm ly , tôi nhìn em , em nhìn tôi và cùng lơ đãng nhìn ra cổng .” Thôi về nhé “ - Dạ “ chỉ có vậy thôi, nhớ một buổi chiều.
Một buổi chiều, tôi đến nhà trọ , em bị ốm , khép hờ đôi mắt nhẹ quầng thâm , em đẹp và dễ thương, thánh thiện hơn mọi ngày . Em nằm im trong chăn, mấy ngón tay gầy đan vào tóc , hơi thở em bồng bềnh , một thoáng tim tôi thắt lại . Tay em ấm áp và mềm mại trong tay tôi “ Nhớ uống thuốc và sửa nhé.” Em khẽ gật đầu .
Em khẽ gật đầu chào khi tôi bước hết bậc thang nhỏ hẹp, tối mù, để lên gác trọ trên đường Lữ Gia Sài Gòn . Căn gác chỉ đủ đặt một chiếc giường đôi và chiếc bàn nhỏ , quần áo được treo ngay ngắn trên tường dán đầy báo cũ. Em sống ở đây với người chị , chị của em tiếp tôi ngoài hành lang Cả hai chúng tôi giờ đều là sinh viên , trường em ở gần khu em trọ , còn tôi thì học tận ngoài Thủ Đức. Những buổi chủ nhật hiếm hoi về đây thăm em, tôi vinh dự được hầu chuyện với chị của em .Chị hỏi chuyện học , chuyên ăn, chuyện ở rồi đến chuyện đồng nghiệp , chuyện công sở vv.vv cho đến khi chào chị ra về tôi vẫn thấy em ngồi sau chiếc bàn , mắt nhìn vào vở . Em đứng lên chào , một chút hối tiếc tiễn tôi xuống cầu thang , đèn Lữ Gia vàng vọt.
Đèn Lữ Gia vàng vọt, hiu hắt trong màn mưa sớm mùa hè , taxi ọt ẹt dừng bên vỉa hè đọng nước , em co ro ốm yếu , chiếc áo len hồng nhạt, chờ tôi trong cái lạnh se se của Sài thành , em lên xe cùng tôi,ngày đó chúng tôi ra trường .
Ra trường mỗi đứa một nơi , thời cuộc thay đổi , em ngày càng đi về phía tây theo công ty xây dựng luôn dời đổi , xa dần.. xa dần .. chúng tôi lạc mất nhau.
Chúng tôi lạc mất nhau , hai mươi lăm năm sau , một ngày chuông điện thoại bỗng reo lên , bên kia có tiếng nhỏ nhẹ ngập ngừng : Có phải…ừ thì vẫn khỏe .. ừ thì vẫn vậy.. ừ thì đã có gia đình… tôi dồn dập trả lời …? ! ? ! Thôi khỏe nhe..và tiếng gác máy…nhẹ nhàng khe khẽ .
Nhẹ nhàng khe khẽ tôi đẩy chiếc cổng sắt bước vào sân , nhà thay đổi nhiều, Bác Năm, cha em, tiếng nói vẫn khỏe , châm trà vui mừng tiếp tôi như đứa con đi xa về . Bác gái ốm yếu già hơn nằm trên chiếc giường, thi thoảng nhắc tôi chuyện cũ năm xưa . Hết vài chung trà, bác Năm nắm tay tôi dắt lên cầu thang, miệng luôn nói , nó kêu thợ làm cầu thang rộng rãi như vầy để Ba mẹ dễ lên xuống , nó kêu lát gạch nhám như vầy để Ba Mẹ dễ đi đứng tới lui.. . Đến trước căn phòng đóng cửa Bác Năm khẽ nói : “ Nó ở trong này “ Cửa phòng mở ra, tôi mới nhớ Bác Năm là người tu tại gia , giữa phòng là bàn thờ Phật nghiêm trang ,mùi trầm ngào ngạt. Bác Năm đốt cho tôi một nén nhang chỉ vào một bàn thờ nhỏ khiêm tốn bên cạnh, sau lư hương đầy tàn, hình một thiếu nữ đẹp dịu dàng , ánh mắt bao dung ..” Đốt cho nó một nén nhang đi “
Đốt cho em một nén nhang nghẹn ngào , vẫn ánh mắt dịu hiền đó, em nhìn tôi sau làn khói hương. Chợt nhớ từ lâu rồi, định và chưa có cơ hội nào, ít ra một lần, xin em cho tôi gọi em bằng “ em “
. Thắp cho em một nén hương ,tôi không nói được điều gì dù một tiếng em 

Trung Nguyễn

2014/10/11

MÙA THU CHO EM
Sáng tác:Ngô Thụy Miên
Trình bày: Ngọc Lan


“... Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và anh có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân, mang tình yêu tới
Anh có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...”

Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc Mùa thu cho em. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng những năm 1970 mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở người nghe rằng mùa thu đã sang rồi.
Tình cảm dành cho mùa thu được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thể hiện vừa lãng mạn, lại vừa kín đáo nhưng vẫn có sự nồng nàn trong các tình khúc của mình. Cô gái trong bài hát đã nhờ vẻ đẹp “má hồng”, “môi em thơm nồng” của mùa thu để bày tỏ tình yêu của mình một cách ý nhị. Khi thiên nhiên, đất trời thay áo mới, con người cũng khoác lên mình một tâm hồn mới, đầy ắp yêu thương và hy vọng. Lệ Thu và Ngọc Lan là hai nghệ sĩ thể hiện Mùa thu cho em thành công nhất.

VNExpress
HƯƠNG YÊU

Có một tình yêu rất nhẹ nhàng
Ngọt ngào say đắm tựa hương lan
Ngẫn ngơ hồn lạc thời hoang dại
Ru giấc mơ xuân óng lụa vàng

Em đến vườn thơ trải tiếng lòng
Sưởi hồn băng giá chút tình ngông
Uống dòng mật ngọt trang thơ ấm
Cho đắm cho say rụng xuống dòng

Mỗi lần gió gợn bến cô liêu
Góc khuất đơn côi rộn bóng chiều
Long lanh sóng mắt hồ mơ đó
Đưa trái tim chờ lạc bến yêu

Mấy tuần trăng mật đến bên em
Là lúc thơ yêu rụng xuống thềm
Trăng hoa mây gió và anh nữa
Phiên khúc tình như tiếng ru êm

Có phải rằng yêu đó phải không?
Như trời nắng hạ mát mưa giông
Môi hoa tươi lại màu xuân thắm
Trao tặng vườn thơ vạn đóa hồng

Nhật Lệ

2014/10/10

Nữ Tỷ Phú Trẻ Tuổi Nhất Nước Mỹ Thay Đổi Ngành Y Học Thế Giới

Lần tới khi bạn làm xét nghiệm máu, bạn sẽ không cần phải đi tới bác sĩ rút một lượng máu lớn từ cánh tay của bạn nữa. Thay vào đó bạn có thể vào một hiệu thuốc Walgreens và có được kết quả chỉ với một vài giọt máu.

Elizabeth Holmes là nữ tỷ phú trẻ tuổi nhất nước Mỹ

Đó là nhờ Elizabeth Holmes, 30 tuổi, là nữ tỷ phú trẻ tuổi nhất và tỷ phú trẻ thứ ba trên bảng xếp hạng mới được công bố hàng năm của tạp chí Forbes trong 400 người giàu nhất nước Mỹ.
Đột phá trong xét nghiệm máu là một ý tưởng vàng. Chỉ cần một chiếc kim châm và một vài giọt máu, họ có thể thực hiện hàng trăm bài kiểm tra, từ kiểm tra tiêu chuẩn cholesterol đến phân tích độ phức tạp của di truyền. Kết quả nhanh hơn, chính xác hơn, và rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp thông thường.

Ý tưởng cả tỷ USD
Holmes đã bỏ học tại Stanford ở tuổi 19 để thành lập Theranos sau khi quyết định rằng tiền học phí của cô nên dùng để nghiên cứu các vấn đề về sức khoẻ.

Xét nghiệm máu truyền thống rất khó khăn và tốn kém. Nó cũng không được đổi mới từ những năm 1960 và phải được thực hiện tại các bệnh viện và văn phòng bác sĩ. Lọ máu phải được gửi đi để thử nghiệm, có thể mất vài tuần mới có kết quả và rất dễ xảy ra lỗi.
Phải mất một thập kỷ cho ý tưởng của cô được phát triển, nhưng kết quả đem lại rất tốt. Tháng 9 năm ngoái, Walgreen, hệ thống hiệu thuốc bán lẻ lớn nhất với hơn 8.100 cửa hàng, đã công bố kế hoạch tung ra Trung tâm kiểm tra sức khỏe của Theranos tại các nhà thuốc của mình. Cho đến nay, đã có một trung tâm của Theranos tại Walgreens ở Palo Alto và 20 trung tâm khác ở Arizona.
Trong một báo cáo gần đây của tạp chí Fortune, Theranos đã tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng giá trị công ty lên mức cao kỷ lục 9 tỷ USD (Holmes sở hữu hơn 50% vốn cổ phần).
Hai tỷ phú 30 tuổi khác trong danh sách của Forbes là người sáng lậpFacebook Mark Zuckerberg và bạn cùng phòng cũ của anh, Giám đốc điều hành Facebook Dustin Moskovitz.
Tại sao lại là xét nghiệm máu?

Chủ tịch, Giám đốc điều hành và người sáng lập Theranos, Elizabeth Holmes tại TechCrunch ngày 8 tháng 9 năm 2014 ở San Francisco, California
Holmes chia sẻ rằng cô nhắm vào xét nghiệm máu bởi vì nó chiếm khoảng 80% các quyết định lâm sàng được thực hiện bởi bác sĩ. Các xét nghiệm mới có thể được thực hiện mà không cần tới bác sĩ sẽ tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Hầu hết các kết quả sẽ có trong khoảng bốn giờ, có nghĩa là bạn có thể đến một hiệu thuốc và thử máu trước hôm đến khám bác sĩ và sau đó kết quả sẽ được chuyển tới cho các bác sĩ.
Việc kiểm tra vô cùng nhanh chóng có thể thực hiện bất cứ lúc nào đã là một thay đổi hoàn toàn, nhưng những thông tin có thể nhận được từ một giọt máu lại càng tuyệt vời hơn. Các mẫu máu truyền thống chỉ sử dụng cho một xét nghiệm còn với phương pháp Theranos thì một giọt máu có thể được sử dụng cho hàng chục xét nghiệm khác nhau.
Mỗi lần thử máu đem đến chi phí ít hơn 50% so với việc thử máu truyền thống. Nếu phương pháp này được thực hiện rộng rãi, chúng ta sẽ tiết kiệm được hơn 202 tỷ USD trong thập kỷ tới. Dữ liệu này cũng rất hữu ích cho bất cứ mong muốn hiểu biết tốt hơn về sức khỏe của họ.
“Bằng cách thử nghiệm, bạn có thể bắt đầu hiểu cơ thể của bạn, hiểu được bản thân, thay đổi chế độ ăn uống của bạn, thay đổi lối sống của bạn và bắt đầu thay đổi cuộc sống của bạn”, cô chia sẻ.

http://macphuongdinh.wordpress.com
Cập nhật:
KHÔNG TÂM TRONG THIỀN HỌC
Doãn Quốc Sỹ 


Xin thưa ngay:dùng ngôn ngữ hữu hạn của tha nhân để nói về Thiền thật chẳng khác nào muốn vồ bướm bằng cành tre, muốn đựng mây hồng trong hộp sắt. Do đó xin quý vị thông cảm trước mà thứ lỗi cho những sai sót lời bất cập ý! Ôn lại thuở xa xưa, tôi chẳng nhớ mình đã để ý đến Thiền từ bao giờ, chỉ biết chắc rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. Trên các sách báo, gặp bất kỳ đoạn nào bài nào nói về Thiền tôi cũng đọc. Rồi cái gì hợp với mình thì nhớ -- nhiều khi chỉ nhớ mamg máng -- còn cái gì rơi vào quên lãng ắt là những cái vô bổ với tạng mình! Tôi vẫn nghĩ một cách chủ quan rằng thái độ học Thiền như vậy mới thật là ... Thiền! (Nghĩa là hồn nhiên, vô tư, thanh thản!)

Nhớ lại mùa hạ 1967 tôi đương theo học tại FSU (Florida State University) -- tại ngay Tallahassee, thủ phủ Tiểu Bang -- và đã được một người bạn Mỹ yêu đạo Phật tặng cho cuốn sách Thiền xinh xinh mang tên Zen Buddhism xuất bản tại New York năm 1959. Lần đó tôi được đọc những giai thoại dí dỏm về Thiền giữa màu sắc bừng sáng của những loại hoa cúc, hoa hải đường, hoa đỗ quyên (azalea)... phảng phất mùi hương thanh thanh của hoa mộc lan (magnolia). Đôi khi vào dịp cuối tuần tôi ngồi đọc say sưa dưới bóng rừng ngợp màu rêu, loại rêu ngan ngát tím bao phủ lấy các cành cây và rũ xuống như tơ liễu. (Quý vị nào đã từng ở hoặc có dịp qua thăm Florida, hẳn còn nhớ phong cảnh với những màu sắc đặc biệt này của miền Nam nước Mỹ). Những dụ ngôn, những giai thoại về Thiền được đọc vào dịp đó, trong khung cảnh đó, đã giúp tôi suy tư và tự khám phá thấy cái bất lực thê thảm của lý trí đơn thuần.

Dòng đời như dòng sông không một sát-na nào ngừng trôi chảy. Nô lệ cho lý trí đơn thuần, ham cắt xén thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết! Nhưng khái niệm con đẻ của lý trí chật hẹp và khô cứng kia làm sao chộp được dòng thực tại không ngừng, triền miên trong thế tương sinh tương lập -- đối tượng của Thiền?!

Mỗi chúng ta là một que diêm sáng! Không ai sáng hộ ta -- ta phải tự sáng lấy, tự chiêm nghiệm lấy Thiền! Que diêm khi tắt đi, chút khói xanh để lại... Rồi chính chút khói xanh đó cũng tan loãng nốt và biến hẳn -- như vết chân cát xóa! Tuy nhiên cũng nên chộp lấy chút ít khói xanh còn trong giây phút phiêu lãng đó -- bởi dù cho khái niệm không chuyên chở được thực tại, nhưng người ta vẫn có thể nương vào khái niệm để tìm đến thực tại. Vì vậy vào năm đó tôi mới quyết tâm viết tập sách mang đầu đề VÀO THIỀN và cho xuất bản lần đầu vào năm 1970 -- thấm thoát cách đây đã ngót 30 năm -- trên một phần tư thế kỷ rồi.

VÀO THIỀN cuốn sách mỏng xinh có 60 trang, thuở đó khi vừa được ấn hành đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt -- và tôi đã phải cho tái bản lại khoảng năm, sáu lần trong vòng chưa đầy hai năm. Tôi xin thuật lại một vài giai thoại trong tập VÀO THIỀN đó.

1. Một Cách Đạt Ý Vô Ngôn Hảo Diệu

Một thiền viện mới được thành lập, thiền sư Hyakujo cần tuyển chọn một người để trông nom thiền viện đó. Tiên sinh cho gọi đám môn đệ tới, chỉ một chiếc bình chứa đầy nước và nói. "Trong các con, liệu có ai giải thích được cái này là cái gì mà không cần gọi đến đích danh nó?"
Thiền sinh trưởng phòng được phép phát biểu trước.
Anh chàng nói:
-"Nó đứng thẳng, nó rỗng lòng nhưng nó chẳng phải là chiếc giày bằng gỗ!"
Một thiền sinh khác dùng lời gợi ý.
- "Nó chẳng phải là cái ao, bởi người ta khênh nó được!"
Thiền sinh em út phụ trách việc bếp nước, lẳng lặng đứng lên lấy chân đạp chiếc bình vỡ lăn chiêng, nước tung tóe ra sàn. Một cách đạt ý vô ngôn hảo diệu! Ý thức dính liền với thực tại khi bình vỡ lăn chiêng, khi nước chảy lênh láng! Sư phụ ưng ý! Thiền sinh được cử trông coi thiền viện!

2.Chân Không Diệu Hữu.

Nói đến Thiền là nói đến Không Tâm. Nhưng xin đừng quên phần đi song hành với Không tâm là diệu hữu. Bỏi vì nếu chỉ đơn thuần có không tâm thôi thì đó là ngoan không, cái không trống rỗng, không có gì.

Một thiền sinh trẻ tuổi kia, lần đầu tiên tới thăm một thiền sư. Vừa ngồi xuống anh chàng đã huênh hoang lấy le, cất giọng thao thao.
- "Làm gì có tâm, làm gì có trí, làm gì có thân xác! Làm gì có thiện, làm gì có ác! Thày chẳng có, trò cũng không, chẳng có cái cho đi, chẳng có cái lấy về, có cái gì trên đời này mà là thật đâu? Cái chính thật là Hư Vô!

Vị thiền sư ngậm ống điếu bình thản ngồi nghe, không thốt nửa lời. Chợt tiên sinh với lấy chiếc roi bất thần giáng xuống một cái thật mạnh lên người thiền sinh.

Thiền sinh hốt hoảng vùng dậy, không giấu được vẻ giận dỗi, nhưng còn lúng túng chưa biết nói sao.

Thiền sư điềm tĩnh cất lời:

- "Nếu quả thực chẳng có gì trên đời này là thực và tất cả là hư vô thì sự giận dữ của ngươi từ đâu đến? Hãy suy nghĩ thêm về điều đó!"

Thiền sư ắt hẳn đã muốn dạy thiền sinh đệ tử bài học về Chân Không Diệu Hữu -- đồng thời còn hàm ý nhắc lại tinh thần phá chấp của Thiền.

Từ xưa Không tâm vẫn là một trong nhiều đề tài cơ bản trong Thiền Học.

Để minh họa thế nào là Không tâm xin được nhắc lại ba giai thoại về Không tâm như sau.

Giai thoại Một:


Có hai thiền sinh, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ sư phụ giao phó, đương cùng đi sát cánh bên nhau trên đường về. Cả hai vui vẻ đàm thoại về một vài đề tài quen thuộc gần gũi với nếp sống hàng ngày.

Chợt cả hai ngừng nói chuyện! Phía trước mặt một thiếu nữ xinh đẹp bộ đồ mới tinh đương đứng khựng trên vỉa hè, nhìn thẳng xuống bên dưới mặt đường ngập nước. Rõ ràng nàng đang lúng túng không biết làm cách nào qua được bên kia đường để trở về nhà mà không bị vấy bẩn bùn nước.

Thiền sinh A lẳng lặng tới bế nàng trên hai cánh tay, bước xuống lội qua khoảng bùn nước, đặt nàng sang bên vỉa hè cao ráo để sau đó nàng thảnh thơi cất bước trên đường về. Suốt trên quãng đường còn lại trở lại thiền viện, thiền sinh B không tươi vui trò chuyện với người bạn như rồi nữa, trái lại khuôn mặt đăm chiêu cố nén điều bực bội. Không khí im lặng thật nặng nề!

Chỉ còn một quãng đường nhỏ nũa là về đến Thiền viện, thiền sinh B không thể nhịn nổi hơn được nữa bèn cất giọng vô cùng bất mãn thống trách thiền sinh A.

- "Tôi xin hỏi đạo hữu. Là một người tu hành mà đạo hữu đi bế một thiếu nữ đẹp trên tay - qua quãng đường lội, đặt nàng sang bên kia đường. Như vậy coi được không?" 

Thiền sinh A vẫn giữ nguyên vẻ bình thản -- rất Thiền -- chỉ hơi mỉm cười đáp lại:

- "Đạo hữu ơi - tôi đã giúp nàng qua khoảng lầy lội rồi! Đặt nàng sang bên kia đường để nàng trở về rồi! Ai ngờ đạo hữu còn tiếp tục cõng nàng về đến tận đây!"


Quý vị vừa chứng kiến trường hợp một  Không tâm hàm ngụ thái độ hồn nhiên, bình thản.

Giúp người xong, giữ lòng buông thả, thung dung!

Đúng với bài thơ Thiền tứ tuyệt
Nhạn quá từng không
Ánh trầm hàn thủy
Nhạn vô di trích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm

Tôi dịch sang thơ Việt như sau

Nhạn vỗ cánh cao bay miết mải
Hình nhạn chim dưới đáy nước kia
Nhạn nào lưu dấu làm chi
Nước trôi cũng mặc kẻ đi người về

Giai thoại hai: 

Giai thoại này minh họa về Không tâm trong một trường hợp đặc biệt như sau:

Hôm đó vị Thiền sư có một người bạn đến chơi. Người bạn nói là đến để hỏi ý kiến về một chuyện cần giải quyết.

Nhưng từ lúc được mời ngồi xuống trước bàn trà, người bạn nói chi hồ điệp về câu chuyện xảy tới đã làm mình thắc mắc Trong khi nghe người bạn tiếp tục thao thao bất tuyệt như vậy, thiền sư lẳng lặng đặt một tách trà trước mặt bạn và bắt đầu rót trà... Tách trà đầy tràn... đầy tràn... Thiền sư vẫn tiếp tục nghiêng bình rót... rót hoài...

Người bạn phải tạm ngưng câu chuyện để nhắc thiền sư:

- "Kìa, đạo hữu không thấy tách trà đã đầy tràn rồi sao?"


Thiền sư vẫn nghiêng bình tiếp tục rót, mỉm cười đáp:

- "Thì nào có khác gì đạo hữu tới hỏi ý kiến tôi - rồi cứ tiếp tục nói hoài về những ý kiến của riêng đạo hữu."

Vậy đó! Với trường hợp này thiền sư khuyên chúng ta hãy giữ cho được không tâm, tránh đầy ắp tư kiến! Có vậy mình mới có cơ hội lãnh hội trọn vẹn những gì người đối thoại muốn truyền đạt cho mình! Hãy như chiếc chén rỗng - sẵn sàng tiếp nhận nước trà thơm ngát rót vào!

Giai Thoại Ba:


Giai thoại ba giải thích sâu xa hơn nữa, tinh tế hơn nữa về không tâm. Một chàng trai trẻ tự cảm thấy mình có đạo tâm, tới bái yết một thiền sư xin làm môn đệ của ngài.

Thiền sư nói với chàng trai:

- "Con hãy về bỏ hết, không còn giữ một chút gì trong lòng, rồi hãy đến đây xin thọ giáo ta!"

Sau đó chàng trai đã nhiều lần tới trình diện, thưa với thiền sư là mình đã thực hiện không tâm, đã rũ bỏ hết rồi, không còn giữ một chút gì trong lòng. Nhưng chàng trai vẫn bị thiền sư từ chối và nhắc lại:

- "Con về rũ bỏ cho thật hết đi, rồi hãy tới đây!"

Sau cùng chàng trai đành thống thiết cung kính trình lại với thiền sư:

- "Thưa thày, con thực tình đã trút bỏ hết rồi mà không hiểu sao Thày vẫn chưa cho con được nhập môn?!"

Thiền sư giữ nguyên thái độ bình thản đáp:


- "Con phải rũ bỏ cả cái biết mình đã rũ bỏ mới thực là rũ bỏ hết!"

Thật đúng với ý nghĩa câu: Bồ tát không biết mình là bồ tát mới thật là bồ tát!

Bình thản,hồn nhiên,vô tư của Không tâm trong Thiền học là như vậy đó! Nào khác gì chuyện Kosen tiên sinh chuẩn bị viết mấy chữ đại tự để sẽ cho khắc trước cổng lớn ngôi đền Oaku tại Kyoto. Tiên sinh phải viết những chữ đó lên giấy, rồi từ giấy khắc vào gỗ. Một đệ tử ngồi hầu, mài mực và chăm chăm muốn được theo rõi nghệ thuật bút thiếp của thày. Điều này làm thiền sư cảm thấy tâm trạng bất an làm sao ấy. 

Lần đầu, tiên sinh vừa viết dứt, người đệ tử lắc đầu:
"Thưa thày chưa được!"

Tiên sinh sử dụng bút đại tự lần nữa. Người đệ tử nói:

"Thưa thày lần này còn tệ hơn lần trước!"

Tiên sinh viết lại lần nữa... Cứ như vậy tới lần thứ sáu mươi tư thì thực là bút cùn mực cạn!

Thấy mực gần hết, người đệ tử chạy vào nhà kiếm thêm. Còn lại một mình, không bị phân tâm bởi cái nhìn soi mói của kẻ ngồi bên, tiên sinh chấm bút vào nghiên, dùng chút mực ít ỏi còn lại thảnh thơi phóng bút lần cuối cùng.

Vừa lúc người đệ tử trở lại, ngắm hàng chữ còn tươi nét mực và reo lên:

"Thưa thày, thật là tuyệt bút!"

Nào có khác chi chuyện con rết đương nhịp nhàng bò lanh lẹ qua đây qua đó, bỗng gặp con cóc tinh nghịch hỏi đùa:

"Này chị rết, chị bò lê như vậy thì chân nào trước, chân nào sau nhỉ?"

Thế là nàng rết ta bị phân tâm trở thành vụng dại, nằm bò lê bò càng dưới rãnh, cố ý nghiên cứu phân tích tìm hiểu xem chân nào chuyển động trước, chân nào chuyển động sau... Tội nghiệp!

Vâng thưa quý vị -- bình thản, hồn nhiên, vô tư trong Thiền học là như vậy đó!

Nếu phải dịch Không tâm sang Anh Văn, tôi sẽ chọn danh từ Equanimity chỉ sự điềm tĩnh, thanh thản, hồn nhiên trong sáng!

Tới đây chúng ta cần minh xác lại một điểm cuối cùng nữa để tránh ngộ nhận:

Không tâm không hề là ngoan không!

Ngoan không là cái trống rỗng, không có gì! Trái lại Không tâm trong Thiền học là Không tâm diệu hữu! Không tâm để có được thái độ phá chấp, thức tỉnh, hồn nhiên -- do đó mới thoát được mọi ngã chấp, ngã mạn -- mà bình thản tiếp nhận sáng suốt tất cả những gì xảy đến, ngõ hầu có thể bình tĩnh giải quyết, bình tĩnh đối phó hữu hiệu, hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh đó.

Doãn Quốc Sĩ

2014/10/09

THU CÔ-LIÊU
Sáng-tác: Văn Cao
Trình bày: Hồng Nhu


“... Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”


Dường như mùa thu có mối duyên nợ kỳ lạ với cố nhạc sĩ Văn Cao. Khi sinh thời, ônh từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”. 
Là một trong ba tác phẩm viết về thu của cố nhạc sĩ Văn Cao, Thu cô lieu mang giai điệu êm đềm, dịu dàng giống như tâm hồn tươi trẻ của một cô thôn nữ đang khám phá vẻ đẹp của buổi chiều thu. Mùa thu là mùa đem tới những xúc cảm bâng khuâng, khơi gợi tình yêu giữa đôi lứa. Hình ảnh ca sĩ Hồng Nhung duyên dáng cất cao tiếng hát trong trẻo giữa một bãi cỏ lau đu đưa trong gió đã trở nên gắn liền với nhạc phẩm Thu cô liêu trong suốt bao năm qua

VNExpress
HÌNH ẢNH SÀI GÒN 1975

GỬI GIÓ CHO MÂY NGÀN BAY
Sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh
Trình bày: Tuấn Ngọc


“... Với bao tà áo xanh đây mùa thu 
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...”


Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. Lá đổ muôn chiều, Chuyển bến hay Tà áo xanh đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc VN. Trong số những tác phẩm viết về mùa thu của Đoàn Chuẩn, không thể không nhắc tới Gửi gió cho mây ngàn bay. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ đầy lãng mạn.
Đó là một mùa thu “lá vàng từng cánh rơi từng cánh” khiến tác giả “thấy hối tiếc nhiều” vì “thuyền đã sang bờ, đường về không lối”. Trong suốt cuộc đời, Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều nắm giữ vị trí quan trọng trong trái tim người yêu nhạc VN hơn nửa thế kỷ qua. Năm nay, khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi cũng vào mùa thu, giai điệu của Gửi gió cho mây ngàn bay một lần nữa lại vang lên như đem “mùa thu trần gian” năm nào trở về. Khánh Ly, Tuấn Ngọc hay Thu Hà đều là những nghệ sĩ thể thiện ca khúc này thành công.  

VNExpress

2014/10/08


THOÁNG GIÂY QUAY VỀ

Nơi đây sông rạch vây quanh
Bốn mùa cây lá màu xanh “lặt lìa”
Nắng vàng chói lọi ngày kia
Bữa nay mưa rớt đầm đìa ruộng nương
Nón lá che tóc người thương
Nóng, ướt anh gánh trên đường tình yêu
Cầu Lộ thoáng dáng diễm kiều
Tóc thề phất phới trong chiều nắng phai
Ghiền tan trường đón chờ ai
Vui nghe tiếng kẻn hằng ngày báo tin.
….
Trời xa Thu rụng quanh mình
Thoáng giây chạnh nhớ bóng hình ngày xưa!

Anh Tú
October 8, 2014
LỄ XUẤT GIA Của Cô Gái 17 Tuổi Người Hoa Kỳ

Ngày chủ nhật 10-8-2014 tại Thiền viện Chân Nguyên có một buổi lễ đặc biệt dành cho một gia đình người Mỹ phát tâm qui y và xuất gia với Thầy trụ trì Thích Đăng Pháp. Viện chủ Thiền viện Chân Nguyên. Người xuất gia là một cô bé xinh đẹp 17 tuổi tên là KAYALA JARAMILLO và 2 người phát nguyện qui y là Cha và Mẹ của KAYALA, ông KERAY JARAMILLO, và bà ARMIDA JARAMILLO, cả hai đều 62 tuổi đang cư ngụ tại thành phố Ontario, California, Hoa Kỳ.

blank
Ông Bà Jaramillo bố mẹ của cô KAYALA.

Được biết gia đình JARAMILLO là một gia đình Hoa Kỳ có truyền thống tôn giáo không phải là Đạo Phật nhưng gia đình thỉnh thoảng cũng có đến chiêm bái và thỉnh sách Phật giáo bằng Anh ngữ về nhà đọc vì nghe nói tại Thiền viện có tượng Quán Thế Âm rất linh ứng và mầu nhiệm. đã cứu độ cho rất nhiều người khi có niềm tin và tâm thành kêu cứu đến Ngài, mọi tai ách, bệnh tật đều được cứu độ và chửa lành.

Như thường lệ vào mỗi chủ nhật có chương trình sinh hoạt Phật sự của Thiền viện bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng, khi phật tử của Đạo tràng qui tụ về, khởi đầu là tập thể dục Dưỡng sinh Hồng Gia, sau đó là Tam bộ Nhất bái và Thiền hành đến 9 giờ. Đặc biệt hôm nay vì là ngày Rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ Vu Lan Thắng Hội báo hiếu Phụ Mẫu, mặc dù Thiền viện sẽ tồ chức lễ Hội Vu Lan vào tuần sau 17-8-2014 nhưng Phật tử cũng đến hành hương và chiêm bái hôm nay cũng khá đông. Lễ Quy y và xuất gia được tiến hành lúc 9 giời 30 sáng tại chánh điện, quả là một phước duyên lớn cho gia đình JARAMILLO vì có được sự trợ duyên của đông đảo đại chúng chứng kiến.

blank
Cô Kayala trước giờ xuất gia.

Buổi lễ Xuất gia của cô KAYALA được sự chứng minh của Hội Đồng Giáo Phẩm gồm Thầy Bổn sư của cô là Thượng Tọa Viện chũ, Thầy Thích Đăng Pháp và hai Thượng Tọa Thích Linh Quang, Phó Viện chủ và Thượng tọa Thích Linh Như, Quản chúng của Thiền viện cùng sự chứng kiến trong chánh điện với gần 100 phật tử. Sau nghi thức làm lễ Qui Y cho ông KERAY và bà ARMIDA JARAMILLO đến phần nghi thức xuất gia và xuống tóc cho cô KAYALA. Trước tiên Thượng tọa Thích Linh Quang và Thượng tọa Thích Linh Như có đôi lời bằng Anh ngữ đón chào và chúc mừng đến gia đình và bạn bè cùa cô KAYALA cũng như nói sơ qua các nghi thức quy y và xuất gia, kế đế là phần dâng hương của Hội Đồng Giáo Phẩm trước chánh điện, kế đến Thầy trụ trì dá kéo, tức cắt trọn chõm tóc thắc bính và sau đó là cắt sạch toàn bộ tóc của cô. Trong suốt thời gian cô được xuống tóc thì tiếng tụng niệm liên tục cùng tiếng mõ âm vang “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” của Phật tử hiện diện làm cho không khí trong Chánh điện thật trang nghiêm vi diệu.

Kể từ giây phút này gia đình Jaramillo có thêm pháp danh Phật:

- Ông KERAY JARAMILLO có pháp danh là NGUYÊN ĐẠT

- Bà ARAMIDA JARAMILLO có pháp danh là CHÂN THÀNH

- Cô gái17 tuổi KAYALA JARAMILLO từ nay là Sư Cô THÍCH NỮ CHÂN GIÁC

blank
Hội Đồng Giáo Phẩm chứng minh cùng gia đình Jaramillo và Sư Cô Thích Nữ Chân Giác.

Sau lễ qui y và xuất gia, Bố Mẹ của Sư Cô Chân Giác cho biết rất vui mừng và sẽ cố gắng tìm hiểu và học hỏi Phật pháp nhiều hơn. Đươc biết Sư Cô Thích Nữ Chân Giác là học sinh trung học ở Ontario, từ ngày theo bố mẹ đến Thiền viện Chân Nguyên thì cô bắt đầu tìm hiểu Phật Giáo qua những quyển sách Anh ngữ nói về Đạo Phật tại Thiền viện Chân Nguyên cũng như qua Internet trên webbside Làng Mai của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh từ đó cô để ý đến sự hiện thực của những lời Phật dạy trong các kinh điển đạo Phật đã giúp cô tìm đến con đường giải thoát cho chính cô và cho mọi người.

blank
Thượng tọa viện chủ Thích Đăng Pháp, Thầy Bổn Sư của Sư Cô Thích Nữ Chân Giác.

Trong cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình VNA.TV 57.3 sau đó, Thầy Trụ trì cũng là Bổn Sư của Sư Cô Chân Giác cho biết sẽ gửi Sư cô Thích Nữ Chân Giác lên Tu viện Vạn Phật Thánh Thành ở San Francisco, Bắc California để tiếp tục con đường học vấn và tu hành vì cơ sở phòng ốc của Thiền viện Chân Nguyên còn đang xây dựng. Khi nào Ngôi Tam Bảo của Thiền viện Chân Nguyên hoàn thành, nơi đây sẽ là một trung tâm Văn Hóa Phật Giáo có tầm vóc của người Việt tỵ nạn tại Hải ngoại, chừng đó Thiền viện sẽ tổ chức thường xuyên những khóa Tu học dài hạn và ngắn hạn cho chư Tăng Ni và Phật tử không phân biệt chủng tộc khắp nơi trên thế giới về tu học và sẽ thỉnh các vị Cao Tăng nổi tiếng trên thế giới về giảng dạy.

blank
Sư Cô Thích Nữ Chân Giác.

Trong năm vừa qua, trước nhu cầu tìm hiểu về Đạo Phật của rất nhiều người ngoại quốc kể cả các vị thức giả giáo sư Đại học tại Hoa Kỳ cũng đến Thiền viện Chân Nguyên để tìm hiểu Đạo Phật, do vậy năm 2013 Thiền viện có tổ chức 2 khóa học Thiền cho người Mỹ, Mể, Lào, Thái Lan, v.v... vào mỗi chiều thứ bảy từ 5 giờ đến 8 giờ tối., mỗi khóa khoảng 10 đến 12 tuần. Khóa thứ nhất có 16 thiền sinh đa số lả người trẻ Hoa Kỳ và cuối khóa có 5 thiền sinh người Mỹ phát tâm qui y. Khóa thứ hai có 17 thiền sinh và có 8 người Mỹ phát tâm xin qui y, ngày hôm nay thêm 2 người là ông NGUYÊN ĐẠT KERAY JARAMILLO và bà CHÂN THÀNH.ARMIDA JARAMILLO Như vậy có tổng cộng là 15 người Mỹ qui y và một vị xuất gia là Sư cô THÍCH NỮ CHÂN GIÁC. Do đó trên những sinh hoạt Phật sự của Thiền viện, ban Tu Thư thường kèm thêm những dòng tiếng Anh trong các thông báo hay thư mời phổ biến rộng rải trên trang webbside của Thiền viện Chân Nguyên để đến cộng đồng quốc tế chứ không còn riêng của Đồng hương và Đồng bào Phật tử chúng ta nửa.

Hiện tại Thiền viện Chân Nguyên sắp hoàn thành Trai đường (nhà ăn) có sức chứa khoảng 1200 chổ ngồi. và tầng trên là 30 phòng ngủ cho Phật tử và chư Tăng Ni về có nơi nghĩ ngơi để tu học, ngoài ra sẽ xây thêm 10 cái cốc (tịnh thất) dành cho chư Tăng Ni về nhập thất. Lễ Lạc Thành Trai Đường dự trù trong năm nay.

blank
Ngôi Trai Đường sau chánh điện sắp hoàn thành.

Thầy Trụ trì Thích Đăng Pháp cũng thường nói trước đại chúng trong những dịp lễ là Thiền viện này không phải là của Thầy hay của các Thầy mà là của quý Phật tử từ các nơi đóng góp tịnh tài tịnh vật mà thành. Với hạnh nguyện là để hoằng dương Chánh Pháp cũng như để duy trì và phát triển Đạo pháp nơi hải ngoại này. Đến khi hoàn thành ngôi Tam Bảo này, Thầy sẽ trao truyền lại cho thế hệ Tôn túc trẻ để kế thừa và Thầy sẽ tiếp tục tu ẩn dật nột nơi sơn lam cùng cốc nào đó, còn nếu ngôi Tam Bảo chưa hoàn thành, theo hạnh nguyện của Thầy thì kiếp sau Thầy sẽ trở lại Thiền viện Chân Nguyên để hoàn thành Ngôi Tam Bảo rồi mới thanh thản về cõi Phật.

Biết đâu từ một cơ duyên nào đó như hôm nay sẽ có nhiều thêm nửa Chư Tôn Túc trẻ kề thừa sẽ nối tiếp theo bước chân của Thầy Thích Đăng Pháp? Ước mong mọi Phật tử đều có căn lành thêm lớn, duyên lành thêm lớn để thế hệ trẻ nối tiếp con đường của Trưởng Tử Như Lai hầu gìn giử và phát huy Đạo Pháp được mãi mãi phát triển và tường tồn. Mong lắm thay!

Phổ Nghĩa Võ Thiện Hiếu
Mùa Vu Lan 2014
Về Một Quảng Đời Của Trịnh Công Sơn

(Trịnh Công Sơn ; Thuở hàn vi ,qua lời kể lại cuả 1 bạn học  khi ở Trường Sư Phạm Qui Nhơn và làm  nhà giáo tại Bảo Lộc)

Hai năm tại trường Sư phạm Quy Nhơn 1962-1964
Tôi học chung một khóa Sư phạm với Trịnh Công Sơn, khóa I, ngày 22- 4-1962 khóa đầu tiên mở ra ở Quy Nhơn. Tên gọi là khóa Thường Xuyên 2 năm. Tiêu chuẩn thi vào ít nhất phải có Tú Tài I. Tuy nhiên, khóa ấy đa số thí sinh đều đã có Tú Tài II, một số đã có một hoặc hai chứng chỉ Đại học. Trong số 300 giáo sinh được chấm đậu đa phần đều là người Huế, chiếm khoảng 60 phần trăm, 40 phần trăm còn lại rải rác các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Nha Trang lên tận các tỉnh cao nguyên như Đà Lạt, Lâm Đồng, Pleiku, KonTum...
Đa số chúng tôi lúc ấy đều là con nhà nghèo, hoặc học hành dở dang hoặc không đủ khả năng tài chánh vào Sài Gòn hoặc ra Huế để vào Đại học. Cho nên cố thi vào Sư phạm để chắc chắn trong hai năm sẽ có công ăn việc làm nuôi bản thân và giúp gia đình. Nhắc lại ở đây, lúc ấy, Bộ Giáo Dục và Bộ Y Tế rất thiếu nhân viên. Khóa nào vừa đào tạo xong là được bổ nhiệm liền, lương lại tương đối cao. Trong khi những ngành khác như Công chánh,Nông Lâm Súc tốt nghiệp ra trường, nằm nhà nhiều năm vẫn chưa được tuyển dụng.
Trịnh công Sơn theo ban Pháp văn, tôi theo ban Anh văn. Những ngày mưa gió ủ ê,không đi ra ngoài được vì đất nhão, chúng tôi nằm khoèo ở nhà, Sơn kể cho tôi nghe về cuộc đời Sơn, nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn. Chuyện gia đình Sơn là một trong những chuyện buồn. Cha mất sớm, gia đình khánh kiệt, má Sơn phải chật vật lắm mới nuôi nổi bầy con. Sơn phải bỏ học, về lại Huế, phụ giúp mẹ. Sư phạm Quy Nhơn là con đường ngắn nhất có thể giúp Sơn đạt được ý nguyện này. Đơn giản vậy thôi!
Hiệu trưởng trường là thầy Đinh thành Chương. Trường Sư Phạm và trường Kỹ Thuật Quy Nhơn được ngân sách Mỹ tài trợ xây cất rất qui mô và tân kỳ, tọa lạc tại Khu Sáu, sát bờ biển, khoảng giữa đường từ phố Quy Nhơn đến Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử an nghỉ ngàn thu. Đến một chút nữa là Quy Hòa, Trại Cùi, ở đó có nhiều bà Xơ tận tụy một đời chăm sóc cho bệnh nhân mắc phải chứng nan y, bệnh phong cùi. Lúc bấy giờ, thành phố Quy Nhơn hãy còn tiêu điều, xơ xác. Ngay con đường chính Gia Long chạy từ Núi Một (ga xe lửa ) đến bến Cảng hãy còn nhiều ngôi nhà đổ nát, vôi vữa hoang tàn trong chiến tranh chưa có ai dọn dẹp. Đường Lê Lợi chạy từ trung tâm phố thẳng ra biển còn rất nhiều nhà tranh, vách lá. Gợi lại một vài cảnh cũ để cho thấy chính phủ lúc ấy có dụng ý khi cho xây hai ngôi trường đại qui mô, đem về đây hơn một ngàn giáo sinh và học sinh kỹ thuật mỗi năm là để vực dậy nền kinh tế ở đây.
Để giới thiệu và quảng bá rộng rãi cho nhiều nơi biết tiếng về trường Sư Phạm, Ban Giám Đốc trường cho thành lập Ban văn nghệ, sẽ trình diễn một chương trình độc đáo chưa từng có ở Quy Nhơn từ trước đến giờ. Trịnh Công Sơn được bầu làm trưởng ban chịu trách nhiệm tổng quát, Thanh Hải phó ban thứ nhất chịu trách nhiệm về nhạc, Võ văn Phòng phó ban thứ hai chịu trách nhiệm một vở kịch thơ nhan đề “Tiếng cười Bao Tự”. Tôi được chọn phụ trách phần thổi sáo đệm thơ trong suốt vở kịch dài hơn 45 phút. Trong dịp này tôi mới biết và quen Trịnh Công Sơn. Buổi trình diễn được dự trù đúng vào ngày Song Thất năm đó (7/7/1962) chứ không phải đợi đến ngày mãn khóa như Đinh Cường nói.
Trong thời gian này,Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca " Tiếng hát Dã Tràng" hay gọi ngắn hơn là "Dã Tràng ca" làm tiết mục mở màn mà cũng là tiết mục đặc sắc nhất, công phu nhất. Nhạc trưởng Trịnh Công Sơn với ban hợp xướng do anh tuyển chọn gần 50 người, khổ công trong ba tháng trời tập luyện đã thành công tuyệt vời trước sự ngac nhiên đầy thích thú của quan khách và khán giả. Tôi không ở trong ban hợp xướng đó nên không thuộc bài này chỉ nhớ lõm bõm câu được, câu mất xin ghi ra đây:
Tiếng Hát Dã Tràng
Dã tràng...Dã tràng... Dã tràng...
Dã tràng xe cát biển Đông, Dã tràng xe cát hoài công.
Trùng dương ơi...Trùng dương ơi vỗ sóng vào bờ ...
...Thôi còn gì nữa đâu, còn gì nữa đâu...Đời lên cơn đau...
Xuân , Hạ, Thu, Đông bốn mùa làm rét mướt...
Tôi gọi tên tôi giữa nước non ngàn...
Cũng trong thời gian học Sư phạm, anh còn sáng tác những nhạc phẩm khác như Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng Thủy tinh và một số nhạc thiếu nhi cho chúng tôi sử dụng đi thực tập, dạy các em nhỏ. Những bản nhạc ngắn, dễ hát, dễ nhớ như Ông Tiên vui, Ông mặt trời. Tôi xin ghi lại một bài tượng trưng:
Ông Tiên vui.
Ông Tiên vui,ông có cái râu dài.
Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây.
Hôm em lên Ông chợt đi đâu vắng!
Lúc em về,em buồn đến ngẩn ngơ.
Ông Tiên vui Ông có cái căn nhà,
trên ngọn đồi hằng đêm Ông ghé qua.
Hôm em lên Ông chợt đi đâu vắng!
Lúc em về em buồn đến ngẩn ngơ.
Xin nhắc lại ở đây, Quy nhơn lúc ấy còn nghèo lắm. Cả thành phố có mỗi một quán kem duy nhất, vừa bán kem, vừa bán cà phê thuốc lá, bia, trà. Đó là quán Phi Điệp, nằm trên đường Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Quy Nhơn, nơi đã trình diễn văn nghệ. Mỗi buổi chiều hoặc tối, anh chị em nào có tiền thì vào quán kêu một bình trà ngồi với nhau nhâm nhi nghe nhạc. Khá một chút nữa thì kêu chai bia với một tô bò viên gân, ngầu pín của ông ba tàu đậu cái xe phở trước cửa quán. Thế là sang lắm rồi. Còn những anh chị nào "bô xu" thì ra biển ngồi ngắm trăng suông. Biển Quy Nhơn là biển bùn nên cát ở đó màu vàng xỉn trông dơ dáy,không trắng như biển Nha Trang. Dọc theo bãi biển là một hàng dương, chạy dài đến bệnh viện Nguyễn Huệ là xóm chài. Tuyệt nhiên không có một lều quán hay kiosque nào bán cà phê, bia rượu gì cả. Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê có hẹn hò ra đó với ông Đinh Cường thì cũng chỉ để ngắm trăng vàng vỡ vụn trên sóng biển mà thôi.

Ba năm tại BLAO, tức BẢO LỘC
Sau hai năm, mãn khóa, chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Tôi và Trịnh Công Sơn cùng bốn giáo sinh khác là Nguyễn thị Ngọc Trinh (Huế), Nguyễn văn Sang, Trương khắc Nhượng, Đỗ thị Nghiễn (Nha Trang) cùng được bổ nhiệm chung một Sự vụ lệnh đáo nhậm nhiệm sở Ty Tiểu Học Lâm Đồng. Sự vụ lệnh mang số 961-GD/NV/38/SVL tạm thời tuyển bổ do ông Nguyễn hữu Quyến, Xử lý thường vụ Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Quy Nhơn ký ngày 4/8/1964.
Sau hai năm tập sự chúng tôi được điều chỉnh tuyển dụng bằng Nghị định mang số 596-GD/NV/BC/QĐ do XLTV Đổng lý Văn Phòng, Phụ tá chuyên môn Phạm văn Thuật ký ngày 6/5/1966. Đến năm1967, chúng tôi mới được chính thức bổ dụng bằng Nghị định mang số 687/GD/NV/3BC/NĐ kể từ ngày 1/9/1966 do T.ỤN Ủy Viên Giáo Dục Đổng lý văn phòng Huỳnh ngọc Anh ký ngày 7/4/1967. Với chỉ số lương 320 cộng thêm phụ cấp đắc đỏ vùng cao lúc bấy giờ,chúng tôi lĩnh được 5200 đồng, tương đương 2 lượng rưỡi vàng Kim Thành. Vật giá lại rất rẻ. Tiền ăn, ở mỗi tháng chỉ hết 600 đồng. Chai bia con cọp 3 đồng. Một dĩa thịt bò lúc lắc 4 người ăn giá 7 đồng. Tô phở 3 đồng, cà phê loại ngon 1 đồng. Cơm bữa với ba món 6 đồng. Thời gian từ 64-67 chúng tôi sống sung sướng, tiêu pha rộng rãi mà vẫn còn rủng rỉnh.
Tôi từ Nha Trang lên theo đường Nha Trang - Đà Lạt - Bảo Lộc. Trịnh Công Sơn từ Huế bay vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đi xe đò lên Bảo Lộc. Không hẹn mà gặp lại nhau trên bến xe vắng vẻ, thưa thớt bóng người. Bõlao - Bảo Lộc là đây sao? Một phố quận vào chiều thứ sáu sao mà vắng lặng, buồn hiu hắt. Trời lại mưa lâm râm, lành lạnh. Hai chúng tôi, mỗi người một va li quần áo nhẹ tênh. Lang thang tìm người hỏi thăm đường đến Ty Tiểu Học Lâm Đồng. Lúc bấy giờ, Thị xã Đà Lạt biệt lập với tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh Lâm Đồng chỉ có vỏn vẹn hai quận: Blao (Bảo Lộc) và Djiring (Di Linh). Trước năm 1960, Tòa hành chánh Tỉnh đặt ở Di Linh. Sau dời về Bảo Lộc mới mấy năm khi chúng tôi đến, nên trông nó như một thị trấn nhỏ vừa mới bắt đầu tạo dựng. Chúng tôi tìm được đến Ty thì trời đã sụp tối mặc dù chưa tới 6 giờ. Sương mù bốc lên từ mặt đất, bay là đà dưới chân. Ty chỉ cách bến xe non nửa cây số. May mắn, lúc ấy bác lao công đang khóa cửa chuẩn bị ra về. Khi biết chúng tôi là giáo viên mới đổi đến, bác ân cần mời về ở tạm tại nhà bác qua đêm.
Đêm đó chúng tôi trải chiếu, chăn dưới thềm nhà, năm người bạn trẻ, trừ anh Lãng nằm trên giường, tuổi chỉ từ hai bốn đến hai sáu,cùng nhau trao đổi những câu chuyện quê hương đi dần từ Sài Gòn ra đến Huế rồi thiếp vào giấc ngủ. Lúc bừng thức dậy là đã 9 giờ sáng.
Đến sáng thứ hai, trình diện tại Ty để chờ bổ nhiệm, chúng tôi gặp hầu hết các bạn khác từ các nơi cũng đã đến từ ngày thứ bảy, chủ nhật. Sư phạm Quy Nhơn đủ mặt: Nguyễn thị Ngọc Trinh, Đỗ thị Nghiễn, Trương khắc Nhượng. Sư phạm Sài Gòn: Nguyễn hảo Tâm, Nguyễn văn Ba, Nguyễn văn Tâm, Trần văn Nghị. Nữ có các cô Nguyệt, Châu, Hải. Sư phạm Long An chỉ có một ngoe là Ngô thanh Bạch. Ty trưởng đương thời là ông Trương cảnh Ngôn sắp về hưu. Tôi, Trương khắc Nhượng, Đỗ thị Nghiễn và Nguyễn hảo Tâm được bổ về trường Tiểu học Tân Bùi, cách Bảo Lộc 5km. Nguyễn thị Ngọc Trinh bổ về trường Nữ Bảo Lộc ngay trung tâm phố. Nguyễn văn Ba ở tại Ty phụ tá kế toán. Riêng Trịnh Công Sơn được biệt nhãn hơn, bổ về một trường Sơ cấp Thượng, ở sát nách Ty chừng non cây số, với chức Trưởng Giáo. Nhắc lại ở đây, theo qui chế của Bộ Giáo Dục, một trường chỉ có bốn lớp trở xuống gọi là truờng Sơ cấp. Người đứng đầu gọi là Trưởng Giáo, không có phụ cấp chức vụ 200 $, nhưng vẫn phải đứng lớp. Trường từ năm lớp trở lên là trường Tiểu học. Đứng đầu là Hiệu trưởng. Trường dưới chín lớp vẫn phải phụ trách một lớp, có lãnh phụ cấp chức vụ. Từ 10 lớp trở  lên, Hiệu trưởng được miễn dạy. Ngạch chúng tôi là Giáo học bổ túc tập sự. Chỉ số lương 320, do ngân sách Bộ Giáo dục đài thọ như đã nói ở trên. Sau khi phân bổ xong, chúng tôi được Ty cho phép một tuần ở nhà để lo thu xếp nơi ăn chốn ở. Thứ hai tuần tới sẽ trình diện nhiệm sở mới. Khi về đến nhà, chúng tôi bò lăn ra cười với cái chức Trưởng Giáo của Sơn. Vì lần đầu mới được nghe cái chức này, ai cũng liên tưởng tới các chức Trưởng lão hay Giáo chủ trong Ma giáo của tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung.
Mấy ngày thong thả, chúng tôi đi dạo khắp nơi đểạ tìm nhà trọ nhưng không nơi nào vừa ý. Nhất là nhà vệ sinh thì khiếp quá. Có ai đó mách chúng tôi, ở về phía Ty công chánh có ngôi biệt thự vừa xây xong, chủ nhà ngỏ ý muốn cho thuê, nhưng hơi đắt. Tôi và Sơn đến ngay. Nhà rất đẹp, tọa lạc trên một khu quang đãng, thoáng tầm nhìn. Chủ nhà là một người đàn bà trạc ba mươi, người mảnh dẻ, hiện là trưởng phòng kế toán của Ty công chánh Lâm Đồng. Sau khi nói chuyện dăm phút chúng tôi bằng lòng thuê toàn bộ căn nhà, trừ cho bà và đứa con gái một phòng để ở, với giá 1200 đồng một tháng. Trên đường về nhà Sơn lẩm bẩm: “Đàn bà mà tên là Phi, lại lót thị. Thị Phi...Thị Phi !". Sơn tủm tỉm cười một mình. Tôi biết Sơn đang nghĩ về bà chủ nhà, trẻ, sống một mình.
Chúng tôi rủ thêm hai người bạn nữa để chia phòng, bớt tiền. Anh Nguyễn hảo Tâm và Nguyễn văn Ba đến xem nhà và đồng ý ngay. Tôi và Sơn có công tìm nhà nên được ưu tiên ở căn phòng trước, có cửa sổ quay ra mặt đường. Tâm và Ba căn phòng kế. Bà chủ cùng đứa con gái ở phòng trong cùng. Những ngày chúng tôi sống trong ngôi "biệt thự" của bà Trần thị Phi thật là vui nhộn. Cũng chính trong căn phòng có khuôn cửa sổ ngó ra con đường đất đỏ trước mặt của căn nhà này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác các nhạc phẩm: Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Vết lăn trầm và Ca khúc da vàng.

Ngày lãnh lương đầu đời
Mới ngày nào vừa trình diện để nhận nhiệm sở, thoáng cái đã đến cuối tháng lãnh lương. Ngày lãnh lương đầu tiên,chúng tôi ai nấy đều háo hức đến Ty thật sớm để ký tên vào sổ lương, lãnh một món tiền lớn do chính tay mình làm ra, món tiền mà từ xưa tới nay cá nhân tôi chưa hề cầm được trong tay. Hai năm trọ học ở Quy Nhơn, cha mẹ tôi phải khó nhọc lắm mới dành dụm được 600$ hằng tháng để gửi cho tôi chi tiêu. Có tháng chậm tới ngày thứ mười mà tôi vẫn không dám viết thư dục, vì tôi hiểu rõ hoàn cảnh của tôi: con nhà nghèo.
Lãnh lương xong, ra khỏi cửa, Sơn sải chân đi thật lẹ. Sơn vốn cao, chân dài. Tôi thấp, chỉ tới tai Sơn, chân ngắn, nên phải nhảy ba bước một, mới bắt kịp. Vừa thở, vừa kêu Sơn đợi. Sơn không đáp cứ cắm đầu đi thẳng. Vừa vào phòng, Sơn khóa ngay cửa lại. Tôi ngạc nhiên coi anh chàng làm cái trò gì đây. Sơn để nguyên quần áo, giầy vớ nằm vật ngửa ra đi văng, tay rút trong túi quần ra cái phong bì tiền lương lúc nãy, xé phong bì, nắm hết nắm tiền 5200$ gồm giấy 5$, 10$, 50$ tung lên trên trần nhà. Giấy bạc mới tinh, phát ngân viên Thành vừa lãnh từ kho bạc ra, rơi lả tả xuống người Sơn, rơi xuống đi văng. Sơn hốt lên, tung trở lại. Sơn cười sằng sặc. Sơn cười ha hả. Tiếng cười nghe là lạ. Nó pha lẫn niềm vui và nỗi phẫn hận. Rồi Sơn chửi thề: " Đù mạ mi ! Đù mạ mi ! Tiền! Tiền!". Đó là lần đầu tiên tôi nghe Sơn chửi thề. Và cũng là lần duy nhất suốt ba năm sống chung với nhau. Tôi để mặc Sơn tự do trong những giây phút ấy. Tôi không muốn xen vào để quấy rầy Sơn đang đắm chìm trong thế giới riêng tư của mình. Tôi yên lặng đếm số tiền của mình một cách chậm rải. Từng tờ, từng tờ. Tôi để mười ngón tay tôi cảm nhận đầy đủ cái cảm giác sung sướng đang rung lên từng chập với tiếng kêu sột soạt của những tờ bạc mới chạm vào nhau. Cái âm thanh sao mà dễ thương thế. Cái mùi giấy bạc mới sao mà thơm thế! Đầu tôi phát họa mau lẹ một kế hoạch. Hãy trích ra 3000$, ra bưu điện mua ngay một cái “măng-đa” gửi về cho Má. Chắc Má mừng và vui lắm khi nhận được số tiền này do thằng con gửi về. Thằng con do một tay bà nuôi nấng chắt chiu, dành dụm từng đồng của gánh hàng đè nặng trên vai bà hằng ngày, để ngày hôm nay bà sung sướng và hãnh diện âm thầm không dám thổ lộ cùng ai. Con bà đã thành ông giáo!
Chiều hôm đó chúng tôi không ăn cơm nhà. Phải tự khao một chầu linh đình mới được. Tại nhà hàng Ngọc Hương (bây giờ ông bà chủ quen mặt chúng tôi quá rồi) có mặt đông đủ những ông giáo trẻ vừa mới có được thành tích: một tháng công vụ. Đêm đó chúng tôi tưng bừng ăn uống, cười nói hả hê. Ra về lúc chín giờ,điện cúp. Bá vai nhau đi khệnh khạng, xiên xẹo giữa phố vắng dày đặc sương mù. Đến cuối dốc cầu, xếp hàng ngang, vạch quần,vừa đi vừa tè, vẽ thành rồng, rắn loang lổ trên mặt đường nhựa. Ôi! một thời tuổi trẻ vô tư, hồn nhiên.

Một thầy, một cô, một chó cái
Tôi không hình dung được lúc ông Cao Bá Quát làm Giáo thụ ở Quốc Oai cái cảnh nó ra làm sao mà ông tả oán bằng những câu thê thảm:
Một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Nhưng cái cảnh ông Trưởng giáo Trịnh Công Sơn ngồi dạy học ở ngôi trường Sơ cấp Thượng thì thật là vừa bi vừa hài. Mỗi buổi sáng, cái hoạt cảnh ông đi dạy đã là buồn cười rồi. Tôi và Sơn có điểm giống nhau là không bao giờ đeo đồng hồ. Tôi dạy buổi chiều nên tha hồ nằm nướng trên giường. Sơn phải dậy sớm lúc bảy giờ để đến trường. Những ngày có mặt trời thì nhìn bóng nắng mà đi. Những ngày sương mù hay mưa dầm thì lắng nghe tiếng kèn lính chào cờ ở một đồn lính nào đó rất xa vọng lại văng vẳng. Te te...Tò tí te...Tò tí te... Sơn xỏ vội chiếc áo ka ki màu vàng cụt tay (chiếc áo này tôi thấy mặc từ lúc còn ở trường Sư phạm), đôi giầy ba-ta màu nâu, nách trái kẹp cuốn vở soạn bài cuộn tròn, miệng ngậm ống vố, chân sãi bương bã đến trường. Trường không xa lắm, non nửa cây số, Sơn lội bộ hằng ngày, trên con đường đất đỏ, càng lúc càng lên dốc. Ngày nắng thì bụi đỏ mù trời, ngày mưa thì nhèm nhẹp. Đi một lúc phải tìm chỗ nào có cây hay cục đá để gạt bớt đất nhão dính vào đế giày càng lúc càng nặng. (Ấy thế mà ông Trịnh Cung đã tưởng tượng ra cảnh Trịnh Công Sơn gò lưng đạp xe đến trường, xa năm, bảy cây số). Có hôm Sơn ngồi chờ mãi mà vẫn không nghe thấy tiếng kèn đồng giục giã tò te, tí te, cứ ngồi ôm đàn tìm nốt nhạc. Đến khi sương tan hết, mặt trời ló ra thì đã gần đứng bóng. Ba chân, bốn cẳng Sơn vội vã như ngựa phi nước đại đến trường.
Một hôm tôi bỗng nảy ý định đến xem ngôi trường của ông Trưởng giáo nó ra làm sao. Leo hết con dốc ngắn, ngôi trường hiện ra trên một khoảng đất trống, xung quanh trơ trọi không một cây cối gì cả. Trường được ngăn đôi thành hai lớp học. Mái tranh, vách đất, không cửa nẻo. Trong lớp, một bàn vuông cho thầy, sáu bộ bàn ghế dài cho trò. Trên vách treo một bảng đen, màu đen bạc thếch ở giữa. Chắc trải nhiều năm tháng không ai buồn sơn lại. Bụi đỏ bám khắp nơi. Từ vách đến bàn ghế thầy lẫn trò. Tôi đến đó khoảng mười giờ. Học trò hầu hết là các em bé người Thượng, chỉ xen lẫn vài em người Kinh, có lẽ con của một vài gia đình lính đóng đồn gần đó. Tất cả đều bẩn thỉu. Có đứa ở trần, đánh độc chiếc quần xà lỏn. Có đứa cũng đủ bộ nhưng màu đất đỏ đã nhuộm từ ống quần trở lên nên không còn nhận ra được màu nguyên thủy của nó là màu gì. Thầy Sơn đang ngồi tư lự, miệng ngậm ống vố, mắt nhìn lơ đãng về phía cánh rừng xa xa mặc cho đám học trò làm gì thì làm. Một túm đang gò lưng trên bàn, méo mồm méo miệng nắn nót viết bài theo trên bảng. Một túm đang bò lê bắn bi dưới đất. Cuối lớp vài đứa đang dựa lưng vào vách, há mồm ngủ.
Thấy tôi vào, Sơn cười méo miệng: -Tới đây chi cha? - Tới coi ông Trưởng giáo làm ăn ra sao cho biết, tôi cười cười - Còn ông già Thống đâu? - Ông Thống dạy buổi chiều. - Có mấy lớp anh Sơn - Ba, tôi dạy lớp ba, ông già Thống dạy lớp một và hai. - Học sinh đông không? - Thì ông thấy đó, bữa nào không đi hái trà thì được hai chục, bữa nào cha mẹ nó cần thêm nhân công thì mươi, mười lăm đứa.
Những đứa học trò thấy có người lạ thì cứ trố mắt nhìn. Sơn gõ gõ cây thước lên bàn làm hiệu. Đám học trò ngưng hẳn cuộc chơi chờ lệnh thầy. Sơn nói: “Hôm nay thầy có khách,cho các em về sớm”. Đám trẻ con mừng hớn hở ra mặt, vội thu xếp sách vở, ùa ra khỏi cửa. Trong giây lát, tất cả trở về trong yên lặng. Sơn ngồi trầm ngâm, nán lại thêm chút nữa, đảo mắt nhìn quanh một vòng rồi tặc lưỡi đứng lên. Hai chúng tôi yên lặng xuống đồi. Trong thâm tâm có lẽ mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Sơn nghĩ gì? Tôi thì nghĩ "May cho ông thi sĩ họ Cao ngày xưa, ngồi dạy học ở nơi khỉ ho, cò gáy còn có một cô, một chó cái để an ủi. Ngày nay ông nhạc sĩ họ Trịnh cũng ngồi dạy một nơi y như vậy mà không có gì bầu bạn ngoài một nỗi buồn cô quạnh". Trên đường về, tôi gợi ý với Sơn nên nhập hai buổi lại thành một, để có thêm ông già Thống cho vui .Sơn đồng ý là ý kiến hay.
Sau khoảng vài tháng đầu niên khóa 64-65, ông Trương cảnh Ngôn về hưu, ông Lê cao Lợi, thanh tra kỳ cựu, có tu nghiệp ở Mỹ một thời gian, được Bộ đề cử chức Ty Trưởng thay ông Ngôn. Đây là thời gian vàng son của Trịnh Công Sơn. Ty trưởng Lợi, trung niên, có tâm hồn văn nghệ, thích thơ, nhạc, nên đối với một người như Sơn ông dành cho nhiều dễ dãi. Đôi lúc nhắm mắt làm ngơ cho Sơn dùng thì giờ dạy học làm việc riêng của mình. Việc này khiến một vài giáo viên già, lâu năm trong nghề so bì.
Khi chúng tôi đặt chân lên Bảo Lộc, trời đã vào thu. Những tháng đầu hãy còn lạ nước, lạ cái, không biết đi đâu, làm gì để hết thì giờ vì chỉ phải dạy có một buổi, chúng tôi có suốt những buổi chiều lang thang. Cứ hết "những bước chân âm thầm" trong khuôn viên trường Nông Lâm Súc im lìm vắng vẻ với những tàn cây sao, cây gõ, cây gụ cao vút tận trời xanh, lại đến đoạn đường quốc lộ I chạy xuyên qua con phố Blao lèo tèo vài quán ăn dọc đường ngắn củn. Chúng tôi lại đi vòng bờ hồ cho đến khi chiều xuống hẳn, sương mù bắt đầu xuất hiện trên mặt hồ, ban đầu mỏng rồi dầy dần, cho đến lúc che khuất một chòm cây khô giữa hồ, chỉ còn thấy một thân cây khô với những cành khẳng khiu vươn lên trơ trọi giữa khoảng trời mây. Đến lúc đó ai cũng cảm thấy mỏi chân và muốn vào quán ngồi uống cà phê, hoặc uống bia nghe nhạc, chờ tối để về nhà tìm giấc ngủ. Trong cái không gian và thời gian đó Trịnh Công Sơn cảm hứng sáng tác nhạc phẩm Chiều một mình qua phố. Cái lạ là suốt thời gian gần ba năm làm nhạc tại Bảo Lộc, những bản Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Vết lăn trầm và tập Ca khúc da vàng, mặc dù đã có tiền nặng túi, Sơn vẫn không có nổi cây đàn (hay Sơn không muốn mua?). Sơn dùng cây đàn ghi ta của cô Đỗ thị Nghiễn. Cây đàn này đã giúp Sơn ghi lại những nốt nhạc mà Sơn thai nghén trong những lúc đi dạy hoặc lang thang với chúng tôi ban ngày, tối về chúng tôi say sưa trong giấc ngủ thì Sơn ôm đàn say sưa dò lại những âm thanh đang chập chờn ẩn hiện trong đầu Sơn. Sau những đêm như thế, Sơn phờ phạc hẳn. Một giỏ rác đầy tràn những tờ giấy bản dùng để quay ronéo Sơn chép vội những dòng nhạc vừa xuất hiện trong đầu rồi chợt biến, vo tròn, ném, lại dò tìm. Sơn sợ làm ồn giấc ngủ của tôi, nên phải chận phím để tạo những âm thanh câm.

Nhạc phẩm đầu tiên được ấn hành
Mặc dù trước đó Trịnh công Sơn đã có nhiều nhạc phẩm rất hay như "Ướt mi", "Thương một người", "Biển nhớ", "Nhìn những mùa thu đi"... nhưng chỉ chuyền tay nhau hát trong chốn bạn bè, không có điều kiện hay vì những lý do nào đó Sơn không thể xuất bản để phổ biến rộng rãi. Đến khi ở tại Blao, sau khi hoàn chỉnh nhạc phẩm "Chiều một mình qua phố", Sơn quyết định mang đứa con của mình về Sài Gòn tìm nhà xuất bản. Sơn ở rịt tại Sài gòn gần ba tuần lễ .
Ông giáo già Thống chạy chiếc xe gắn máy Sach cũ kỹ, già nua không thua gì tuổi đời của ông, đến chỗ chúng tôi trọ, tìm Trịnh Công Sơn .
- Thầy ơi, thầy có biết ông Sơn ở đâu không ?, ông hỏi tôi.
- Ông ấy về Sài gòn rồi, ông ta không nói gì với ông sao?, tôi đáp.
- ối giời ơi, tôi chết mất, một mình tôi phải ôm ba lớp suốt ba tuần nay, ông rền rỉ.
- Thầy có biết lúc nào ông ấy về không?
- Không thể nào biết được.
- Thế thì tôi chết mất.
Nói xong ông thất thểu dắt xe ra ngõ. Tôi nhìn theo mà ái ngại cho tuổi già của ông. Vài năm nữa là về hưu nên ông cố đeo cái nghề này trong chốn đèo heo hút gió để mong được chút tiền hưu, an hưởng tuổi già. Tình trạng này còn dài dài đến với ông và ông vẫn phải ôm ba lớp và ông vẫn rền rĩ như mọi bận. Chúng tôi gọi đùa sau lưng, ông là " Con ngựa già của...Trưởng Giáo Trịnh", nhại lại nhan đề một truyện ngắn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm miền Bắc.
Mấy ngày sau Sơn về. Phờ phạc, hốc hác. Tôi kể chuyện ông già Thống đi tìm. Sơn nói là sẽ xin lỗi sau. Xong, Sơn ngủ vùi suốt ngày hôm đó. Ngày hôm sau Sơn kể cho tôi nghe mọi việc về nhạc phẩm "Chiều một mình qua phố".
Sơn nói: "Mình bán cho cha Duy Khánh. Chả trả có ba ngàn đồng bạc, mình nài thêm, chả nói, nhạc Phạm Duy là đắt nhứt mà cũng chỉ tới năm ngàn là cùng, ông là nhạc sĩ mới, giá vậy là cao lắm rồi". Sơn tặc lưỡi nói tiếp : "Thôi cũng được, nhưng tiếc một điều là chả làm hư bài hát của mình. Mình bán đứt bản quyền rồi đâu có ý kiến chi được”. Tôi thắc mắc: “Hư là hư làm sao?". Sơn nói: "Nhạc của mình êm, nhẹ để diễn tả nỗi buồn của những ngày lang thang trên phố vắng, đìu hiu, quạnh quẽ mà chả cứ rống lên như bò rống. Sơn giả giọng Duy Khánh, tay nắm lấy da cổ họng giựt giựt ,miệng rống lên "Chiều một mình qua phố...ố...ố...ố". Tôi không sao nín cười được. Từ đó Sơn giải nghĩa cho tôi nghe về việc in ấn, tác quyền, phát hành, đại lý, gom tiền... rất là nhiều giai đoạn nhiêu khê, tác giả một nhạc phẩm hay một tiểu thuyết không thể nào tự mình làm được các việc đó, nên bị các nhà xuất bản bắt chẹt, đành phải bán bản quyền cho họ. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra. Bấy lâu nay tôi cứ ngỡ các ông văn sĩ, nhạc sĩ có sách, có nhạc được in ra, đem bán khắp nơi chắc là giàu lắm.
Dịp này, Sơn kể cho tôi nghe về hai người bạn ở Sài gòn mà Sơn thường về ở chung, đi ăn, đi nhảy với nhau. Đó là Đinh Cường và Trịnh Cung. Đến giờ phút ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa gặp và biết mặt Đinh Cường (trừ vài tấm hình trên Internet). Trịnh Cung thì tôi có thấy mặt một lần khi ông ta ghé Blao thăm Sơn, tại phòng chúng tôi đang ở, khoảng đầu năm 1965 thì phải. Hai hình ảnh của hai ông Trịnh thật tương phản. Ông họ Trịnh Công Sơn thì xuề xòa, giản dị trong áo kaki vàng bỏ vô quần tergal, với đôi giầy bata màu nâu muôn thuở (sau này có may thêm hai áo sơ mi, một nâu, một trắng bằng vải Nylfrance). Dạo ấy, Sơn có thêm một biệt danh do chúng tôi đặt là "Chàng nghệ sĩ nhứt y nhứt qưởn”. Có lẽ một năm Sơn mới hớt tóc một lần, tôi nghĩ vậy, vì không bao giờ tôi thấy Sơn có đầu tóc mới. Vẫn mái tóc thưa, mềm chạy dài xuống gáy. Hàng râu mép hung hung nâu, không phải râu, cũng không phải lông. Khi dài thì Sơn lấy kéo cắt bớt. Hàng râu cằm lại càng khiêm nhường. Từ sợi nọ sang sợi kia có thể mắc võng được, tôi hay đùa với Sơn như vậy. Còn ông họa sĩ họ Trịnh kia (thựa ra Trịnh Cung tên thật là Nguyễn văn Liễu) thì đỏm đáng trong bộ veston thời trang lúc bấy giờ, cà vạt hẳn hoi, giầy da láng bóng.
Trở lại câu chuyện "Chiều một mình qua phố". Sơn hỏi tôi "Ông Lợi có nói gì không?" - "Không biết". - "Nhưng ông đi lâu quá, tôi e cũng đã đến tai ông ta rồi”, tôi đáp. “Làm sao bây giờ?”, Sơn hơi lo. Tôi trấn an “Không sao đâu. Chiều nay ông lên Ty cười cầu tài một phát, nói vài lời xin lỗi rồi tặng ổng bản nhạc là xong ngay".
Sơn thở phào nhẹ nhỏm. Sơn rút trong cặp ra hai bản, ký tặng ông Trưởng Ty một bản, tôi một bản. Bản đặc biệt in trên giấy láng, hai lớp. Ngoài bìa màu nâu,vẽ chàng nghệ sĩ tay trái xách đàn, tay phải vắt áo trên vai đang lầm lũi xuống con đường dốc. Hình vẽ này chắc chắn không phải của Đinh Cường hoặc Trịnh Cung, tôi nhớ vậy, vì nét vẽ chân phương không lập dị thường thấy có khuôn mặt nhọn, người dài ngoẵng và hai tay thì thường kẹp vào đùi của hai ông. Sơn ký tên đủ cả họ và tên dài theo hết bản nhạc theo chiều đứng. Cái gạch ngang chữ T trên đầu kéo dài che hết cả ba chữ Trịnh Công Sơn (không có hình con cá như ông Đinh Cường nói).
Chiều hôm đó, ở Ty về, Sơn hớn hở khoe với tôi: "Lúc vô Ty, mấy nhân viên văn phòng ái ngại cho tôi, chắc thế nào cũng bị ông Trưởng ty Lợi quạt một trận tơi bời vì tội bỏ nhiệm sở. Tôi cũng hơi lo. Nhưng lúc gặp ổng trong văn phòng riêng, tôi chìa bản nhạc ra trước và nói mấy lời phân bua lý do vắng mặt cùng lời xin lỗi. ổng cầm bản nhạc chăm chú xem, không nói gì. Lúc đó hơi yên tâm. Cuối cùng ông ta nói "Cám ơn anh bản nhạc, nhưng từ rày về sau đừng bỏ trường nữa, tội nghiệp ông Thống. Và tôi cũng sẽ khó đối xử với các giáo viên khác. Về âm nhạc mong anh thành công nhiều hơn".

Cô nữ sinh tên Ngà, tiếng kèn đồng và lời buồn thánh
Khoảng đầu tháng tư năm 1965 chúng tôi đau buồn tiễn biệt người bạn trẻ Nguyễn văn Ba về bên kia thế giới. Ba là người ngoan đạo. Mỗi buổi sáng, đúng 5 giờ, dứt hồi chuông, là anh đã ra khỏi nhà để đến nhà thờ dự lễ nhứt, trong khi chúng tôi còn quấn kỹ trong chăn. Rất chăm chỉ, không sót một ngày. Hôm đó, anh về Sài Gòn để thăm gia đình,Việt cọng đắp mô ở đèo Madagui. Chưa có quân đội đến gỡ, anh tình nguyện xuống gỡ, thì mìn nổ giết anh chết ngay tại chỗ.
Cái chết của Nguyễn văn Ba, ấy thế mà lại giúp Sơn hoàn thành một bản nhạc bất hủ khác: Lời buồn thành. Số là trước đó, cứ trưa thứ sáu, sau khi bãi học, Sơn đi thẳng ra bến xe, lấy vé về Sài gòn. Xe nhỏ Minh Tâm, chỉ bốn tiếng đồng hồ là Sơn đã tiếu ngạo ở thành phố hoa lệ. Mười hai giờ trưa chúa nhật, Sơn lại leo lên xe đò, đánh một giấc. Năm giờ chiều đã có mặt tại bàn bi da Cà phê Ngọc Trang. Sau cái chết của Nguyễn văn Ba, Sơn rét, không dám về Sài Gòn hằng tuần nữa. Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài dạy, nhìn ra con đường đất đỏ. Mùa này, bông lau nở trắng xóa khắp nơi, dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, những cơn gió nồm thổi nhẹ tới từng cơn, lướt qua rừng bông lau, xô chúng ngã nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn. Chiều xuống dần, những vạc nắng cuối cùng chiếu xiên trên ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần, không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất thật hiu hắt buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ. Chuông nhà thờ đang dồn dập từng hồi thúc giục con chiên đến giáo đường. Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà, người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, khuôn mặt phảng phất như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi, mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Kinh Thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống, lặng lẽ, khoan thai bước. Đã bao lâu rồi, cái hình ảnh rất đẹp ấy, cái mầu áo dài trắng nổi bật trên nền đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, đã đi ngang nhà chúng tôi bao nhiêu chiều rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Thật uổng phí! Chẳng là, cứ ba giờ chiều là chúng tôi đã túc trực quanh mấy cái bàn bi da để dành chỗ rồi chơi cho đến khi tắt điện mới mò về, thì làm sao có thì giờ để biết bên hàng xóm có người đẹp. Cái tên Ngà mãi về sau, theo dõi, lắng nghe mấy đứa em cô gọi mới biết. Từ ngày Nguyễn văn Ba chết chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa. Ngồi nhà suốt một tuần nên mới phát hiện ra bên hàng dậu có người ngọc. Cả ba : Sơn, Tâm và tôi bắt đầu theo đuổi. Nhưng cả ba đều không thành công. Lý do: tuổi trẻ ham chơi nên không bỏ hết thì giờ để đeo đuổi, thứ nữa là sĩ diện, quan trên trông xuống người ta trông vào, thầy giáo mà đi chọc gái thì ê càng quá. Tuy nhiên với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau,của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm "Lời buồn Thánh".

XUẤT XỨ VÀI NHẠC PHẨM - NHỮNG MỐI TÌNH MỘT THOÁNG MÂY BAY
Ngoài những nhạc phẩm như "Biển nhớ"," Nhìn những mùa thu đi","Dã tràng ca"...Sơn sáng tác ở Quy Nhơn năm 62-64, "Chiều một mình qua phố"."Lời buồn Thánh","Vết lăn trầm"...Sơn làm tại Bảo Lộc thì tôi biết rõ xuất xứ và thời gian như đã lượt qua ở trên, tôi còn biết thêm một vài nhạc phẩm khá hay liên quan đến những mối tình, mà anh gọi là "một thoáng mây bay" do anh kể lại, nay một chuyện, mai một chuyện. Thường thường những chuyện này được kể trong những chiều trời mây u ám, mưa rả rích, dai dẳng. Hai anh           em chúng tôi đem đàn, sáo ra hòa điệu. Rồi cũng chán. Lại cà phê. Khói thuốc mịt mù, mờ khuôn cửa kính. Anh kể chuyện hấp dẫn, có duyên. Bất cứ chuyện gì anh kể tôi cũng đều thấy hay. Có khi khôi hài cũng rất dí dỏm. Vừa nói, vừa ra điệu bộ, làm cho câu chuyện rất sống động, lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối.

Diễm của "Diễm xưa"
Hai chị em, người chị là Bích Diễm, người em là Dao ánh, Sơn kể, hai chị em đều đẹp và quí phái, nhưng tôi theo cô chị. Mối tình học trò kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc tôi vào Sài gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm và Diễm cũng chưa tỏ vẻ gì xa lánh tôi. Năm đó tôi thi trượt Bac IỊ Diễm thi đậu, vào Sài Gòn để vào đại học Văn khoa. Còn tôi thì lại về Huế, bỏ ngang việc học vì gia cảnh. Phần buồn, phần tự ái tôi không còn liên lạc với Diễm nữa và Diễm có lẽ thấy tôi lâu quá không thư từ, thăm hỏi, nghĩ rằng tôi đã quên, nên Diễm cũng lơ luôn. Đâu biết rằng đó thời gian tôi đau khổ nhất. Tôi đã nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự đau khổ và nổi nhớ nhung dày vò tôi từng đêm,tôi đã viết nên bài "Diễm xưa" để trút bớt nỗi đau khổ trong lòng. Nhưng lạ một điều là khi tôi viết xong nhạc phẩm này, lòng tôi lại thanh thản,nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu trong lòng tôi bây giờ chỉ còn một chút mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn,mãnh liệt như trước. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời thơ mộng của tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp, tôi nhờ mấy người bạn gái đang đứng ở cổng trao lại giùm cho Diễm. Khi tôi đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên ban công gọi theo “Anh Sơn! Anh Sơn ơi! Anh Sơn !”. Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi Anh Sơn, anh Sơn vẫn còn nghe văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng sẽ không bao giờ gặp lại.

Tôn Nữ Bích Khê và Biển nhớ
Nhóm học sinh Nha Trang khăn gói ra Quy Nhơn học Sư phạm có mười một người, bảy nam và bốn nữ. Các nữ giáo sinh gồm có Mân thị Dưỡng (em gái kề của Mân Thiệu tức nhạc sĩ Thanh Châu,tác giả nhạc phẩm “ Thư gửi người lính chiến”); Nguyễn thị Tảo, Tảo học chung lớp Đệ nhất B3, Võ Tánh           với tôi; cô Kiều thị Đợi và Tôn Nữ Bích Khê. Bích Khê có hai người em gái cũng tên Khê, đó là Thuần Khê và Cẩm Khê. Bích Khê dáng người nhỏ, tròn lẳn, nước da ngăm đen như Trịnh Công Sơn, thường đánh tóc rối thành một búi lớn ngược ra sau đỉnh đầu. Mang guốc cao gót, nhọn, hiệu Đakao, đi chân sáo. Đứng xa nhìn Bích Khê đi trông giống như con sáo nhỏ đang ngảy nhót trong sân. Cái búi tóc nhảy tưng tưng theo nhịp bước, người ta có cảm tưởng có lúc nó sẽ kéo người chủ nó té ngửa ra sau. Bích Khê không đẹp nhưng rất có duyên, quyến rũ. Bích Khê cũng ở trong ban hợp xướng. Người lĩnh xướng là Nguyễn thị Ngọc Trinh... Tôi không biết rõ chuyện tình của Sơn và Khê bằng ông Đinh Cường, mặc dù học chung hai năm với nhau. Bởi vì hầu như ngày nào cũng có nhiều cô đến nhà trọ của Sơn. Sau khi bản Biển nhớ được sáng tác và tập dượt để ra mắt buổi văn nghệ thì giáo sinh sư phạm mới lưu ý tới Bích Khê và bàn tán, vì tình cờ hay cố ý, Sơn đã viết "trời cao níu bước sơn khê" trong lời nhạc. Về sau, 1970, tôi được thuyên chuyển về Nha Trang, gặp lại Bích Khê nay đã yên bề gia thất, chồng nàng tên Chương, thợ sửa máy lạnh, có cửa hàng mua, bán - sửa chữa tại đường Quang Trung, đối diện với hiệu ảnh Photo Vỹ. Sau 1975, hai vợ chồng trở nên giàu có hơn xưa. ở Blao tôi có hỏi Sơn về sự liên quan giữa nhạc và người. Sơn nói chỉ là bạn như những người bạn khác. Chữ sơn khê chỉ là tình cờ.

Nhìn những mùa thu đi
Bản "Nhìn những mùa Thu đi” cũng trong trường hợp tương tự. Trong lớp tôi đã có ba cô Thu rồi. Các lớp khác cũng hai hay ba Thu, nên không biết Thu nào đã đến với Sơn hay Sơn đã yêu Thu nào. Mỗi khi có cô Thu nào đi ngang, bọn chúng tôi hát ghẹo "Nhìn những lần thu đi, anh nghe hồn anh đau đớn...”. Mãn khóa, chia tay. Không ai có thì giờ để ý đến chuyện của ai. Chăm chú, hồi hộp đợi danh sách bổ nhiệm, xem cuộc đời đưa đẩy số phận mình đến phương trời nào.

Ca khúc da vàng
Sau vụ bị rao tìm trên đài phát thanh Đà lạt và bị quở trách tại Ty, Sơn trở nên cần mẫn hơn, khuôn phép hơn. Sơn ít đi lại Sài Gòn - Đà Lạt. Thỉnh thoảng có đi thì cũng về kịp sáng thứ hai để đi dạy. Trong thời gian này Sơn nhận được rất nhiều thư. Phong nào cũng dày cộm. Sơn dạy buổi sáng, nên người nhận thư là tôi. Nhìn con dấu bưu điện tôi biết thư được gửi đi từ Huế. Đấy là thư bạn của Sơn... Từ lúc đọc những lá thư dày cộm đó, Sơn bỗng nhiên thay đổi hẳn tâm tính. Lúc nào cũng có vẻ bồn chồn, lo lắng. ít đi lang thang những buổi chiều nữa. Có lúc ngồi trước bàn, thẫn thờ, mắt đăm chiêu nhìn qua cửa sổ hằng giờ, yên lặng với khói thuốc. Có khi điếu thuốc từ lúc châm đến lúc tàn chỉ rít một hai hơi. Chiếc gạt tàn đầy ứ, tràn ra bên ngoài. Sơn mua khóa về khóa chặt va li để cất những thư ấy. Có cái Sơn đem ra sân đốt ngay sau khi đọc.
Sau đó, Sơn lại thường xuyên đi Đà Lạt hơn. Khi hai, khi ba ngày Sơn kể tôi nghe về một trang trại ở Phim Nôm, gần Đức Trọng, một quận của Tuyên Đức. Sơn ở đó với vài người bạn (Sơn không kể tên) bàn chuyện làm ăn. Có lần Sơn rủ tôi làm chung, mỗi tháng lương là mười ngàn.
Hết hè, tôi vẫn còn luyến tiếc thời gian ba tháng trôi qua quá mau. Trở lại căn phòng trên Bảo Lộc, tôi hết đổi ngạc nhiên, khi thấy Sơn đã có mặt ở đây rồi. Căn phòng bừa bộn, bẩn thỉu. Toàn là tàn thuốc. Bao thuốc Bastos xanh trống không xếp đầy chung quanh tường, cao gần tới đầu gối. Sơn nằm dài trên đi văng, mùng vẫn buông, ám khói vàng khè. Dưới gầm bàn, giỏ rác đầy ứ, toàn là giấy quay rô nê ô xỉn vàng, vo tròn, vất đầy mặt đất. Xác cà phê khô đóng mốc xanh, trắng vương vãi chổ này một nhúm, chỗ kia một tụm. Tôi nhìn Sơn ái ngại. Sơn xanh hẳn. Khuôn mặt hốc hác. Người đã ốm lại càng gầy thêm. Gầy rạc. Bộ đồ pijama trở nên rộng thùng thình, đen xỉn, nhàu nát. Có lẽ ba tháng nay không giặt! Nhưng nét mặt lại lộ vẻ vui. Vừa xếp dọn lại chỗ nằm của mình, tôi vừa trò chuyện với Sơn. " Ông làm gì mà nằm ép rệp ở đây đến ba tháng lận? Không buồn à?". Sơn phấn khích chìa tập nhạc ra khoe với tôi : "Công trình ba tháng đó”. Tôi cầm xấp bản thảo liếc qua trang đầu có nhan đề “Ca khúc da vàng", lật thêm mấy tờ bên dưới lại thấy những tựa rất lạ: Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng v.v... với những lời ca lạ lẫm, khác hẳn những lời trong tình ca đến 180 độ. Tôi ngờ vực có một cái gì đó đã thay đổi con người của Sơn nhưng chưa xác định được rõ ràng nó là cái gì.
Tối đó Sơn hát cho tôi nghe một vài bài tiêu biểu trong tập "Ca khúc da vàng". Đến những đoạn như “gia tài của Mẹ, một bọn lai căng. Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình" hay như "đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe" hoặc như "tôi có người yêu chết trận đêm qua, chết thật tình cờ", tôi bỗng nổi da gà. Lời ca thật xúc động, nó xoáy sâu           vào tim người nghe rồi chuyền lên óc làm cho rúng động tâm can, tỏa lan dần khắp cơ thể làm cho bải hoải tứ chi.
Dần dà trong bọn chúng tôi ai ai cũng biết Sơn vừa sáng tác một tập nhạc mới. Lại chia làm hai phe. Lúc đó đâu đã có từ “phản chiến” để chỉ loại nhạc này. Chúng tôi ngâm nga hát mỗi bài vài ba câu. Phe thích thì cứ "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây,hai mươi năm nội chiến từng ngày", ca cẩm suốt ngày. Phe chê thì bảo " Xì...nhạc Việt cộng, cha nội Sơn theo Việt cộng rồi". Tuy nhiên, sau đó lại quên lãng đi. Chúng tôi lại vẫn bù khú bi da, cà phê, xập xám, vui vẻ ồn ào như xưa.
Thời gian sau, Sơn rất bận rộn. Đi đi, về về Sài Gòn - Đà Lạt liên tục. Thường xuyên bỏ trường hơn trước, nhưng thời gian không lâu. Có khi hai, có khi ba ngày. Ông già Thống từ ngày được ông trưởng giáo hào phóng cho 100 điểm, há miệng mắc quai, không còn biết than thở với ai, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sơn cho tôi biết là đang chuẩn bị in tập "Ca khúc da vàng" và hé cho tôi biết thêm là giới sinh viên thích lắm, họ đang yêu cầu có những buổi hát ngoài trời gọi là "du ca". Và Sơn cũng nói đến một vài cái tên sinh viên ... sẵn sàng giúp Sơn thực hiện những buổi trình diễn ấy. Những điều Sơn kể cùng những cái tên xa lạ không ăn nhập gì với đời sống đang tươi đẹp của tôi, nên từ tai này qua tai kia, chốc lát tôi quên hết. Khi Sơn đi, tôi còn khối bạn bè để vui chơi. Nào Tín, nào Đạo, Bạch, Lãng, Tâm mập, Tâm lùn, Hinh, Sang, Thao, Hiện, Rầm, Nhượng ...Tuần này xuống Tân Hà, đến nhà ông hiệu trưởng Ngọc, hạ cờ tây. Tuần sau kéo nhau vào ấp Lam Sơn, hai bên đường vào ấp, trồng toàn hoa đào, nên còn có cái tên thơ mộng là Đào Hoa thôn, đến nhà ông Tề ngắm phong lan. Lại có lúc, cùng các cô, chúng tôi dạo suối Đại Bình, cách Blao chừng vài cây số. Cứ thế tuổi trẻ của tôi,ngoài việc dạy dỗ các học sinh, đã trải qua những ngày tháng tươi vui, đáng sống ở cái quận lÿ bé nhỏ, mà mới ngày nào tôi gặp Sơn ở bến xe một buổi chiều cuối tuần đìu hiu có mưa rã rích,buồn thúi ruột.

CHIA TAY
Hè 1967, chúng tôi đang mỗi người một nơi nghỉ hè, bỗng đồng loạt nhận được điện khẩn của Ty, nhắn lên gấp để nhận lệnh nhập ngũ. Phía dưới còn bị chú hàng chữ : Nếu trình diện trễ hạn sẽ bị đưa ra trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Thế là chúng tôi không hẹn mà gặp nhau một ngày tại Ty. Tay trái nhận lệnh Tổng động viên, tay phải nhận phong bì ứng trước một tháng lương để có tiền ăn đi đường, lên đường nhập ngũ. Không thấy Sơn đâu. Hỏi anh Thành phát ngân viên, anh cho biết Sơn đến hôm qua lãnh lương đi rôì. Tối hôm đó chúng tôi gồm: Đạo, Hinh, Sang, Nghị, Nhượng, Bạch, Tâm lùn, Ngọc (Lãng sốt rét, Thao què giò được miễn) và tôi, uống một bữa thật say. Ai cũng ví mình là Kinh Kha đang ở bên bờ sông Dịch một đi không trở lại. Chỉ tiếc không có ai là Cao Tiệm Ly thổi đưa khúc sáo lên đường. Chúng tôi đang lúc ngà ngà, ôm nhau hát bài "Những ngày xưa thân ái" của Phạm thế Mỹ, cứ lập đi, lặp lại điệp khúc “Chỉ còn tay súng nhỏ, giữa rừng sâu giết thù, những ngày xưa thân ái xin gửi lại cho nhau" rồi cùng nhau khóc, khóc như trẻ thơ, khóc tự nhiên không một chút xấu hổ. Sáng hôm sau tỉnh dậy chỉ còn lại vài mạng, say quá chưa tỉnh nổi, còn bao nhiêu thì đã đi rồi. Tôi ra bến xe, nhìn lại quang cảnh, vẫn y như cũ, không có gì thay đổi, nhưng hôm nay sao thấy buồn quá đỗi. Cái gì cũng có vẻ xa vắng, bơ thờ. Khi xe chạy ngang bờ hồ, tôi thì thầm "Giả từ Bảo Lộc mến yêu, biết bao giờ gặp lại nhau!". Xe khuất dần, tôi cố ngoái lại lần chót , chỉ còn thấy ngọn cây khô chết giữa hồ. Nước mắt tôi lại ứa ra.

Nguyễn Thanh Ty