2020/01/18

BÌNH-MINH QUÊ HƯƠNG TÔI
(Thân tặng chị Ngọc Gõ và bé Ngọc Mai)


Đây BÌNH-MINH quê-hương tôi thơ mộng
Nằm xuôi theo bờ nước HẬU-GIANG,
Du khách ơi, xin nhớ ghé thuyền sang,
Viếng đôi phút để nghe lòng lưu luyến.
Khách ơi! Khách sẽ thấy:

Xứ BÌNH không rộn-rịp,
Dân BÌNH không kiêu-sa
Nhưng xứ BÌNH luôn kiều mị, thướt tha
Bên hàng dừa xanh chạy dài ven bờ ranh THÀNH-LỢI.

Rồi mỗi độ thu về, chiều thu nhạt nắng
Dưới dòng sông hờ hững nước êm trôi
Thập thoáng bóng con thuyền từ bên kia xóm vắng
Nhẹ mái chèo xuôi sóng lướt sang sông
Khách ơi! Xin chớ chạnh lòng
Mời khách xuống thuyền,
cô lái đò sẽ đưa khách sang MỸ-HÒA thôn thưởng ngoạn...

MỸ-HÒA  thôn có ruộng đồng bát-ngát,
Có khói lam mờ ôm ấp mái tranh sơ,
Có vầng trăng quê soi bóng nước lững lờ,
Có cô thôn nữ hương sắc mặn mà,
Thật duyên dáng bên chiếc áo mang màu phù sa trắng đục.
Cô thẹn thùng đứng sau xóm trúc,
Đưa giọng buồn gởi đến khách phương xa...

"Hò … hơ … khách ở phương nào?
Có hay quê mẹ phủ màu chiến chinh.
Ngày mai non nước thanh bình,
Người về nối lại ân tình năm xưa".

***
Này khách nhé , nhớ qua con đường ÁO TRẮNG,
Xin dừng chân thăm viếng mái trường BÌNH,
Nơi đây có hàng dương cao vút tận trời xanh,
Có đàn sáo nhỏ nhởn-nhơ giữa tuổi đời trinh trắng.
Hay khách cuối đầu yên lặng
Lắng nghe tiếng chuông gợi sầu từ ngôi cổ tự LONG-AN.
Chuông ngân vang hồn khách sẽ mơ màng,
Như lạc giữa thiên đàng đầy mộng mị.

Kìa, khách hãy nhìn xem:
Dưới làn hương nghi ngút,
Những người con Phật ngoan lành
Đang cuối đầu khấn nguyện
Cho đất nước thanh-bình...

***
Du khách hởi,
Khi gió Đông về lành lạnh hơi sương,
Xin người trở lại nơi đây sưởi ấm lòng qua những lời ru dịu ngọt,
Lời ru thoát ra từ đáy lòng, như bao người mẹ VIỆT
Người mẹ xứ BÌNH yêu quê hương tha thiết
Nên từng chiều luôn khuyên nhủ đứa con thơ...

"Con của mẹ ơi!
Tuổi trẻ nơi con phải mang nhiều hy-vọng,
Rưới lên vùng khô sỏi của quê-hương.
Khi lớn lên con nhớ lấy tình thương,
Lấy chí dũng, lấy kiên cường bất khuất.

Con có nghe chăng ?
Tiếng hờn than từ lòng mảnh đất
đang thét gào: Hởi, những người da vàng máu đỏ
Xin ngừng tay chớ chém giết nhau chi.

Con có thấy chăng?
Vạn người dân yêu nước,
Bước ra đi thề quyết hy-sinh,
Đem máu xương mong đổi lấy thanh-bình,
Cho nước VIỆT một trời vang tiếng nhạc.

Con thơ ơi!
Hai mươi năm rồi mẹ ôm niềm khao khát
Mong một ngày non nước hết binh đao
Hơn hai mươi năm mẹ thương xót, nghẹn ngào
Cho số kiếp đọa đày, cho điêu tàn đổ vỡ...

Lời ru dứt, người mẹ hiền cuối mặt,
Hôn con thơ dòng nước mắt tuông rơi.
Ôi, ngậm ngùi chua xót quá đi thôi,
Khách có thương không, người mẹ VIỆT-NAM nghìn đời đau khổ...

Lặng lẽ hoàng-hôn xuống,
Nương trên mấy hàng cau,
Văng vẳng xa xa tiếng tiêu sầu vọng lại,
Thật não nùng qua âm điệu ly tao,
Khách lắng nghe lòng có xuyến xao, 
Và có biết đấy là tiếng lòng của người dân SONG-PHÚ.

Bao mùa ủ-rủ lệ xót xa,
Thương đứa con thơ vừa ngã gục hôm qua,
Bởi trái đạn vô tình rơi sâu giữa lòng lớp học
Dòng máu đỏ loang đầy trên nền gạch
Chan hòa chung màu mực tím dở dang.
Ôi...ôi, đôi tay ngà ngọc hôm nào,
Thường nắn-nót nét quê-hương kiều diễm.
Nay nằm phơi trên hàng rào gai kẻm ,
Trước cổng trường bên trang sách tả tơi.
Đôi mắt nai tơ nhắm nghiền mãi mãi ,
Không còn lóng lánh nét tinh anh.

***
Thôi khách ơi! dừng nơi đây nhé,
Hẹn mai sau khi binh lửa hết lan tràn,
Nắng mới chan hòa trên vạn nẻo quan san,
Khách trở lại, quê tôi xin hiến dâng trọn vẹn
những gì thơ mộng nhất,
Quê hương tôi, đây xứ BÌNH,
Tuy nghèo nhưng vẫn đậm tình thiết tha.
Ngày mai khách có chia xa,
Nhớ ghi đôi nét gấm hoa vào lòng...

Đơn Phương ĐỒNG THANH THỦY
mười một a một
Giải nhất thơ Đệ II cấp.
Giai Phẩm Ắt Mão 1975
Trung Học Bình-Minh Vĩnh-Long

2020/01/16



CHO EM

Cho em nhẹ bước êm đềm,
Qua cầu dĩ-vãng mong tìm cố nhân.
Cho em một thoáng bâng-khuâng,
Nhớ về tuổi ngọc trăm lần vấn-vương.
Cho em nhạc điệu du dương,
Ngày xưa ai dạo giữa cung thương buồn.
Cho em nhìn giọt mưa tuông
Ngỡ rằng nước mắt người thương thuở nào.
Cho em lắng dịu cơn đau,
Bằng lời mật ngọt ca dao dịu hiền.
Cho em giấc ngủ bình yên,
Lắng nghe tiếng hót vành khuyên vỗ về.
Cho em trở lại đường quê
Thăm đồng lúa mới, con đê hàng dừa.
Cho em giây phút say xưa,
Mỗi lần nghe pháo giao-thừa sang xuân.
Cho em dòng máu lưu-luân,
Của người dân VIỆT đã từng liệt-oanh.
Cho em màu mắt biếc xanh,
Nhìn vùng đất mẹ thanh-bình hoan ca.

t.t ngọc đẹp 
lớp 9A6 trung học Bình Minh
giải thơ khuyến khích toàn trường đệ I cấp 1974-1975
Giai phẩm Xuân Ất Mão 1975

2020/01/01

2019 GỞI 2020


Cám  ơn Trời! Mỗi năm vừa hết
Liền tặng cho năm khác để vui
Gởi lời chúc bạn bè thân thiết 
Đón nhận toàn HÊN tống biệt XUI!

Anh Tú
2019-2020

2019/12/27

MỘT NGÀY 

Ngày thức dậy nắng xuyên kẻ lá
Giọt sương mai lấp lánh kim cương
Líu lo chim hót mừng ngày mới
Có thêm ngày nữa để yêu thương

Ánh nắng tươi nồng soi khắp hướng
Ấm tình tạo hoá với muôn loài
Cây rợp đất ... trời xanh én lượn
Trao niềm vui hạnh phúc từng ngày

Ngày vào tối nắng đi ngần ngại
Luyến lưu chiều sắc thắm chân mây? 
Mai thức dậy ước mơ lập lại
An lạc đâu xa ... phải chốn này?

Anh Tú

2019/12/15

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY 
Thơ: Quang Dũng
Diễn ngâm: Hồng Vân
LỠ BƯỚC SANG NGANG
 Thơ: Nguyễn Bính
 Diễn ngâm: Hồng Vân  [Phần 1, 2 & 3] ...
NỮ NGHỆ-SĨ HỒ ĐIỆP


Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Điệp. 
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu. 

Vũ Hoàng Chương

Một người trong số những nghệ sĩ của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa từ trần sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 ít được người đời nhắc đến nhất là Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp, giọng ngâm Thơ tuyệt vời của Ban Thi Văn Tao Đàn. 
    Không phải vì vô tình mà người ta không nhớ, không thương những người đã khuất. Trong những năm u ám sau 1975 người Sài Gòn chết thảm quá nhiều, người chết trong tù ngục công sản, người chết trên biển, người chết trong rừng, nhìn đâu cũng thấy tang tóc, đau thương, những người chưa chết thần hồn và trái tim tan nát, cuộc sống của mình không biết còn mất lúc nào, người ta không còn tinh thần để hỏi, để nhớ, để thương những người mất tích. 
   Nữ nghệ sĩ Hồ Điệp đi vượt biên đêm nào, tháng nào, năm nào? Chắc chỉ có thân nhân của bà được biết. Nữ nghệ sĩ đi và mất tích. Thân xác Hồ Điệp từ lâu rồi nằm dươi đáy biển Đông. Sáng nay, một sáng Tháng Bẩy ở Xứ Người, tôi trái tim sầu muộn, tưởng nhớ những văn nghệ sĩ Sài Gòn đã giã từ dương thế kể từ sau Ngày Oan Nghiệt 30 Tháng Tư 75. Người Thứ Nhất tôi tưởng nhớ hôm nay là Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp. 
Năm 1960 yên bình trong một cuộc họp mặt của một số văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, có Vũ Hoàng Chương, Hồ Điệp, Mặc Thu. Trứơc năm 1954, ở Hà Nội, Nhà Văn Mặc Thu viết hai tác phẩm “Gang Thép Đợi Chờ” và “Bát Cơm, Bát Máu.” Thi bá Vũ Hoàng Chương làm hai câu Thơ tặng Hồ Điệp, Mặc Thu; 

Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Điệp.
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu. 

Hôm nay, 46 năm sau buổi chiều xưa Thi bá làm hai câu “Mưa cầm, gió bắt, thép đợi, gang chờ..,” tôi, kẻ mất nước sống buồn những ngày thừa ở xứ người, tôi, cánh bướm già sống sót qua cuộc mưa cầm, gió bắt dài đến 20 mùa lá đổ ở Sài Gòn, tôi không có thép, có gang gì cả mà nếu có thì cũng không thép đợi, gang chờ mà thép mòn, gang rỉ, nhớ những ngày xưa và những người nay không còn nữa, cảm khái tôi tiếp hai câu của Thi bá, làm thành: 

Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Điệp.
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu.
Điệp bay ra biển sương mù,
Có về đâu nữa, đất Hồ ngàn năm! 

bấm vào đây chọn nghe 




 A. Thi Văn Tao Đàn với tiếng ngâm thơ của nghệ sĩ Hồ Điệp : 
 B.  Tưởng Niệm Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp

Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Điệp. 
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu. 
Điệp bay ra biển sương mù, 
Có về đâu nữa, đất Hồ ngàn năm!

Vũ Hoàng Chương 

  Bích Huyền thực hiện : 


Nguồn: Internet

MỚI TRÊN CŨ DƯỚI
Thơ: Anh Tú
Diễn ngâm: Thy Cúc

https://app.box.com/file/49968234470

2019/12/11


XẾ CHIỀU MÙA LẠNH


Đông đã đến nơi này…len khắp nẻo
Lạnh thấu xương hay vừa đủ rùng mình
Vợ chồng già chân từng bước nhỏ
Tay trong tay tợ như thuở xuân tình

Họ trân trọng mỗi giây còn có được
Âu yếm nhau dù má hóp răng long
Dắt dìu dưới trời mịt mù tuyết đổ
Đùa cợt cười vui như thuở tuổi hồng

Thân còm cõi, con tim còn sôi nổi
Tình nồng nàn trôi theo cánh thời gian
Không màn đến những xế chiều mùa lạnh
Thả hồn bay cùng gió núi mây ngàn

Anh Tú
December 11, 2019

2019/11/29

MƯỜI MỘT MƯỜI HAI
Internet
Nơi đây tàn Thu gió mưa nhiều lắm
Lá vàng khô còn lưu luyến bám cành
Bên góc phố  một cụ già móm mém
Mĩm cười vui đôi mắt lõm long lanh

Nơi đây dợm Đông tiết trời trở lạnh
Cây thông già xanh lá cợt u sầu
Người không nhà đón đêm tìm nơi ấm
Để máu hồng có thể nóng dài lâu

Nơi đây có lần cánh hồng tuyết đậu
Đỏ niềm vui không sợ hãi lạnh lùng
Tạo hóa nhiệm mầu trần gian báo nhận
Dù gian nan mạnh sống chẳng ngại ngùng

Anh Tú
Mùa Tạ Ơn/ Đông Bắc Hoa Kỳ
November 29, 2019


2019/11/27

NẮNG TẮT BÊN TRỜI
1-
1969…tôi tốt nghiệp ĐHSP. nhận nhiệm sở Trung học TPH Vĩnh long.
Đến đây lạ xứ, lạ người, bạn bè đồng nghiệp cũng chưa quen biết. Có cô bạn LTHK, nhưng chỉ nửa năm đầu gặp gỡ, K. đã đổi về Đà Lạt. Anh chị Lê Quang Ánh và Ngự Bình xem tôi như em. Cuối tuần, nếu tôi không về SG. hay qua Cần thơ, Long Xuyên ở với Trang hoặc Loan, anh chị Ánh-Bình rủ tôi đến nhà chơi, các cháu Chuồn chuồn, Châu chấu thật dể thương… và tình bạn bắt nguồn từ đó.
Năm 1971, tôi lập gia đình và đổi về S.G dạy.
Năm 1975, vật đổi sao dời, vận nước đổi thay. Bất ngờ, một ngày, anh Ánh có ghé nhà thăm tôi..Anh cười nói…Chị Bình bảo anh đi tìm thăm cô em gái, xem sống chết ra sao…! Tôi rất cảm động cái tình của anh chị , bao năm rồi, tuy không còn dạy chung trường nhưng vẫn nhớ đến tôi.
1979..gia đình tôi vượt biển, và từ đó lại mất tin nhau…
Mãi đến hôm nay, 2019…Khi biết tin thì …Ánh nắng đã tắt cuối chân mây.
Nén hương lòng ...tôi gửi ...
2-
RỒI CÓ MỘT NGÀY...

Đã có một thuở…Thời gian màu hồng. Khi núi màu xanh. Mây trời màu trắng. Giọt nắng lung linh…
Rồi có một ngày…Ngày nắng ra đi. Núi buồn ở lại. Hạnh phúc- khổ đau. Vẩy tay từ biệt.
Tà dương mênh mông.Tàn phai một cõi.Tàu bỏ ga đời. Quên mùa hương cũ.
Chiếc lá xa cành. Bay đi muôn hướng. Bỉ Ngạn đưa người. Nại Hà đón bước.
Tiếng kinh gần xa…Vãng sinh cầu nguyện…Có những cung trầm... Sâu đến vô thanh.
Giọt mưa trong đêm. Rơi ! rơi !!! thật nhẹ. Rơi xuống hồn tôi. Thành thơ đưa tiễn.

Trầm Hương Ptt
27/11/2019

2019/11/18

CHÂN DUNG MỘT CÔ GÁI VIỆT NAM

Văn phòng nằm trên bờ con sông con Askerelva chảy qua trung tâm thủ đô Oslo. Qua cửa kính ra ban-công, Diễm nhìn những cây phong lá úa vàng soi bóng trên nước, tưởng tượng nếu đây là một căn phòng trong ký túc xá sinh viên, với người yêu bên cạnh, thì thơ mộng biết bao.

Nhưng bây giờ trước mặt nàng là ông cảnh sát di trú và bên phải là một người con gái, cỡ tuổi Diễm. Cô xin tầm trú. Trước khi lên đây, một bà cảnh sát đã khám xét người và hành lý của cô. Bà muốn tìm biết cô gái thật sự là ai, tên tuổi thật là gì, nhà cửa thật ở đâu. Trong ba bốn năm gần đây, nẩy ra một hiện tượng mới là mỗi năm có vài chục người Việt Nam tới xin tầm trú tại Na-uy, không một người nào là... người thật. Báo chí Na-uy gọi họ là ingen person, tương đương với nobody, Diễm và các đồng nghiệp thông dịch viên dịch đùa từng chữ là ‘vô nhân’. Trong cái túi xách nhỏ, có hình hai bàn chân, bà cảnh sát chỉ moi ra được một cái quần tây, một áo thung, một xú-chiêng, hai xì líp, một típ kem đánh răng, một bàn chải. Chân dung thật của cô gái không nằm trong cái túi xách. Bây giờ Diễm dịch cho ông cảnh sát thẩm vấn.

“Cô tên gì?” ông cảnh sát hỏi, sau khi bật máy PC.

“Nguyễn Thị Vân.”

“Ngày sanh?”

“25.12.1988.”

“Như vậy là cô sanh vào lễ Giáng Sinh và năm nay cô 16 tuổi?” ông cảnh sát chiếu ánh mắt nghi ngờ trên cô gái ngồi trước mặt. Diễm đoán người đồng hương này nếu không già bằng Chúa Cứu Thế thì ít nhất phải hai mươi lăm tuổi. Nàng biết theo luật lệ hiện hành, trẻ vị thành niên được nhiều đoàn thể can thiệp và bảo vệ, và nếu được chấp thuận tị nạn thì có thể kéo thêm cha mẹ, em út. Nhưng Diễm đoán lầm về vụ kéo thêm cha mẹ:

“Tên cha?” ông cảnh sát hỏi tiếp.

“Nói chung... Tôi không có cha.”

“Tên mẹ?”

“Tôi không có mẹ.”

“Ít nhất cũng có một người sanh ra cô chớ?”

“Tôi mồ côi từ nhỏ, không biết gì cả...”

“Cô có giấy tờ gì không, như sổ thông hành, căn cước chẳng hạn?”

“Không.”

“Không có giấy thông hành, làm thế nào cô có thể đi ra khỏi Việt Nam, và qua bao nhiêu biên giới tới đây được?”

“Không biết. Người ta đưa tôi đi.”

“Người ta là ai?”

“Nói chung nà người giắt đi đấy.”

“Có khi nào họ đưa qua trạm kiểm soát biên giới không?”

“Tôi không biết đâu là biên giới.”

“Cô rời khỏi Việt Nam bao giờ?”

“Không nhớ.”

“Cô nói phỏng chừng cũng được,” ông vẫy vẫy những ngón tay như con chim bay “một năm, một tháng, hay một tuần?”

“Khoảng một tháng.”

“Cô nhớ đã đi qua một thành phố nào đặc biệt, ví dụ Paris, Berlin, Bắc Kinh?”

“Không nhớ. Không biết.”

Suốt hai tiếng đồng hồ với hàng trăm câu hỏi, người cảnh sát chỉ nhận được một câu trả lời rất ư thoải mái “không biết.” Chạm phải những lời nói dối quá xấc xược, ông đỏ gay mặt như người bị xúc phạm nặng, nhưng lấy lại bình tĩnh, gõ vào máy vài dữ kiện vu vơ. Thấy hồ sơ sơ sài quá, ông ta cố gắng nhắc lại lần thứ ba một câu hỏi:

“Cô nói lại tôi nghe, cô từ Việt Nam tới Na-uy bằng phương tiện gì?”

Cô gái chắc đã được học tập kỹ, dư biết rằng ông cảnh sát muốn truy ra hãng máy bay chuyên chở để qui trách nhiệm, nên quay sang thông dịch viên nói:

“Chị lói với ló nà em đi bộ từ Cao Bằng sang Trung Quốc đấy, dzồi từ Trung Quốc đi bộ sang Nga, từ Nga sang đây bằng xe thùng đấy... Ðã lói mí ló dzồi mà cứ hỏi mãi thế!”

Diễm dịch lại câu nói, bỏ câu ‘chị lói với ló’ đi - vì nàng biết nó ngắn ngủi thế mà không tài nào dịch hết ý được. Ông cảnh sát ghi vào hồ sơ lời khai, chẳng cần biết đoạn đường từ Cao Bằng sang Nga dài bao nhiêu dậm, đi bộ mấy năm. Rồi ngẩng đầu lên hỏi theo đúng thủ tục:

“Cô muốn gì tại Na-uy?”

“Xin tị lạn.”

“Lý do tị nạn?”

“Nói chung nà ở Việt Nam đói quá.”

“Tại sao lại chọn Na-uy làm nơi tị nạn?”

“Nói chung nà nghe người ta bảo ở La-uy sướng thì trả tiền cho đường giây đưa đi.”

“Cô phải trả bao nhiêu tiền?”

“Lăm ngàn đô.”

“Số tiền này từ đâu cô có, nếu cô đói?”

“Có cái ông gần nhà thấy tôi khổ thương hại cho tiền đi.”

“Ông ấy tên gì?”

“Không biết.”

“Ðịa chỉ?”

“Bên cạnh nhà tôi.”

“Hồi nãy cô nói vô gia cư, từ nhỏ sống ở ngoài đường?”

“Thì ở gần nhau ngoài đường.”

Diễm nghĩ bụng nếu có một nơi mà người vô gia cư có nhiều tiền như thế và hảo tâm như thế nhất định nàng sẽ tới đó xin tị nạn. Nhưng ông ta khoanh tay, ngả lưng ra đằng sau như muốn thư dãn, rồi bấm nút ‘print’ vào máy PC. Bên ngoài ban-công một con bồ câu đáp xuống, thấy bóng nhiều người, lại bay đi.

Ông cảnh sát đưa cô gái xuống phòng căn cước dưới tầng trệt để chụp hình, lăn tay, làm thẻ căn cước tạm. Diễm cũng là dân tị nạn - mệnh danh là ‘thế hệ thứ hai’. Thấy cảnh này, Diễm nhớ lại những câu chuyện gian truân, bi hài mà ‘thế hệ thứ nhất’, cha mẹ nàng, kể về chuyến vượt biên hai mươi sáu năm về trước, lúc nàng chưa sanh ra. Nhiều người hỏi tại sao phải liều mạng như vậy? Cha mẹ có một câu trả lời khá đặc biệt, tương đối khiêm nhường hơn phần đông - khát khao tìm một mảnh đất có thể lương thiện mà sống. Ông bà đã tìm được một mảnh đất như thế và sanh ra Diễm trên mảnh đất như thế. Diễm thừa hưởng tấm lương thiện như suối nhận nước mạch từ đỉnh núi cao tinh tuyền. Diễm không biết nói dối - gần như. Nói ‘gần như’ là để trừ những lần như mẹ hỏi có bồ chưa nói chưa, bố hỏi mua cái cà-vạt cho bố bao nhiêu nói nửa giá, bạn trai hỏi em giận cái gì, nói không có gì cả...

Ông cảnh sát cầm từng ngón tay của cô gái lăn trên tấm kính đục, khi hình dấu tay hiện rõ nét và đầy đủ trên màn ảnh máy vi tính, với tín hiệu ‘Ready’, ông nhấn bàn đạp. Diễm nhìn những ngón tay thon khá đẹp của cô gái, tự hỏi tại sao cô có thể nói dối một cách tự nhiên như thế. Và Diễm cảm thấy một nỗi chán nản xen lẫn hổ thẹn về người cùng màu da.

Một chiều đầu mùa đông. Trận tuyết đầu tiên trong thành phố khiến đường xá hỗn loạn vì tai nạn xe cộ. Diễm rút trong cặp đi làm ra tờ báo cũ đọc lại, cho qua thời gian trôi rất nhanh mà xe buýt chạy rất chậm, và bụng bắt đầu đoi đói. Tin có nghi vấn ông Arafat chết vì bị đầu độc; tin tuyết lở ở Miền Tây khiến 60 chiếc xe bị kẹt giữa đường; tin cảnh sát bắt được chín người trong một băng ăn cắp toàn người Việt Nam, hoành hành từ nhiều năm trên toàn quốc. Số thiệt hại cho các cửa tiệm lên đến nhiều chục triệu. Các mặt hàng được băng đảng này ưa chuộng là dao cạo Gillette, mỹ phẩm L’Oréal, nhất là thuốc quệt lông mày và tô mắt, có cả dầu cá. Chưa bắt được người đầu sỏ của tổ chức, nhưng trong số những người bị bắt có một người đàn bà tầm trú can dự vào 19 vụ có tang chứng, người này đã có bốn tiền án ăn cắp. Chuông điện thoại reo. Cảnh sát di trú cần Diễm đi thông dịch gấp. Cảnh sát hẹn mang xe đón đường xe buýt để rước Diễm đi ngay. Diễm moi gói bánh mì ăn dở ra ăn; nếu không bị kẹt xe, giờ này nàng đang ăn cơm với cha mẹ ở nhà, mẹ nói hôm nay sẽ làm món canh bí rợ.

Cô cảnh sát di trú mặc thường phục chiều nay sẽ gặp một người đàn bà trong tù để thông báo lệnh trục xuất. Khi người tù xuất hiện trước cửa phòng tiếp khách, Diễm thấy mặt quen quen. Người thiếu phụ nặng nề ngồi xuống ghế bành, một tay đặt lên bụng lớn. Diễm để ý đến sự kiện nhỏ là trong căn phòng bây giờ có ba người đàn bà. Cô cảnh sát tự giới thiệu xong, mỉm cười hỏi cô tù, Diễm dịch lại:

“Cô khỏe không?”

“Khỏe.”

“Bao giờ sanh?”

“Hai tháng nữa.”

Cô hắng giặng:

“Hôm nay tôi đến đây để nói về một việc khác, không liên quan gì tới việc trộm cắp”, cô cảnh sát nói trong khi mở một cái kẹp hồ sơ bằng nhựa trong, lấy ra một tờ giấy. “Tôi đến để báo cho cô biết về lệnh trục xuất”.

Người thiếu phụ mang bầu mặt không biến sắc, bàn tay vẫn để trên bụng, cánh tay kia vẫn để xuôi theo đùi trên ghế da. Cô cảnh sát đưa cho Diễm tờ quyết định của bộ Nội Vụ, bảo dịch miệng cho đương sự.

Diễm dịch xong, đưa tờ giấy cho người con gái tên Vân ký tên. Bây giờ nàng đã nhớ ra đây là cô gái xin tầm trú vào đầu mùa thu. Nàng nhớ ra bàn tay đang đặt trên bụng kia đúng là bàn tay đẹp đặt trên tấm kính mờ để lấy dấu. Bàn tay táy máy trong bốn tháng nay làm điêu đứng các siêu thị và cửa hàng khắp nước. Lại cùng một cảm giác gờm nhớm len vào lòng Diễm.

Cô cảnh sát cất tờ quyết định vào kẹp. Lấy một tờ giấy khác, cầm bút như sẵn sàng ghi chép.

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”

“Thế thì trả tôi về Ðức.”

“Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”

“Tôi từ bên Ðức sang...”

“Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?”

“Cái thai lày của một thằng Ðức”.

“Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”

“Không biết... thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt”.

“Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam”.

“Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết...” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho ló nghe nhá!”

“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi.

“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.”

Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai:

“Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương, tránh cho em bé khỏi sanh ra trong tù.”

“Tôi cũng không muốn sanh con trong tù...”

“Vậy tên thật cô là gì? Ðịa chỉ?...”

Người tạm gọi là ‘Vân’ không trả lời. Diễm bỗng thấy nét mặt của Vân mềm ra, như có một lớp sáp vừa tan để lộ cảm giác - khuôn mặt của một con người. Bất cứ tên tuổi cô là gì, đây là một người mẹ. Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm:

“Con tôi sinh trong tù à?”

Rồi im lặng. Diễm cảm thấy xót xa trong lòng. Cảm giác gờm nhớm từ bốn tháng nay biến thành một cảm giác ân hận. Diễm nghĩ đến thân phận chính mình - sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp... là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được. Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

Lợi dụng lúc cô cảnh sát nói chuyện với bà gác tù, Diễm phá chút qui củ thông dịch, đưa tay bắt bàn tay mềm và ẩm của Vân, chúc may mắn và ai ủi vài câu. Vân tỏ ra cảm động. Cuối cùng, nghĩ tới mai mốt Vân lên máy bay về Việt Nam, Diễm ái ngại hỏi:

“Liệu người lương thiện có sống được ở Việt Nam không?”

“Nương thiện nà cái gì?”

Tâm Thanh

2019/11/10

CÂY BÔNG GÒN


Cây gòn bông trắng lá xanh
Muốn dồn cặp gối nên anh phải trèo
Ngại gì chót vót cheo leo
Vì thương ...không sợ hiểm nghèo khó khăn
Để có chiếc gối em nằm
Cho đêm tròn giấc tháng năm mộng tràn!

Anh Tú
November 10, 2019

2019/10/30


AI ĐEM TÔI VỀ

Cám ơn tấm ảnh đậu rồng
Cho tôi nỗi nhớ trong lòng xôn xao.

Gởi Nguyễn Cao Khải

 
Đậu rồng chấm cá bống kho
Với tô cơm nguội bụng no còn thèm
Thời gian bóng ngựa qua rèm
Kỷ niệm ngày ấy ai đem tôi về?!

Về nghe tiếng đọc a ê
Của đám con nít nhà quê trường làng
Những ngày nghỉ học lang thang
Ra đồng cùng bạn vầy đàn đùa vui

Đùn rơm nướng cá lóc trui
Mê da cá cháy đen thui ... đậm đà
Giành ăn rượt đuổi hét la
Vui đùa thỏa thích ngọc ngà tuổi thơ



Bạn xưa xa vắng mịt mờ
Chợt nghe đơn lẻ bơ vơ một mình.

Anh Tú
October 30, 2019