2021/02/21

LAO XAO NỖI NHỚ

 

 Tùy bút

THƯƠNG NHỚ CHẬP CHÙNG


Nhìn quanh phòng, nếu không có ảnh của Randy William Rhoads – American heavy metal guitarist – treo trên tường, chắc chắn không ai có thể biết đây là căn phòng của một “tay” chơi nhạc rock có bản lĩnh. Khi dòng chữ “chơi nhạc rock có bản lĩnh” vừa thoáng qua trong trí, Ngọc tự hỏi không hiểu nàng có bị mặc cảm “con hát mẹ vỗ tay” khi nghĩ đến Khiêm – con trai út của nàng – như vậy hay không; nhưng quả thật, lúc nào Khiêm thực tập, Ngọc cũng cảm thấy chóa mắt khi nhìn vào những hàng, khoảng chi chít notes nhạc.

Là một người chơi đàn không chuyên nghiệp, không thể nào Ngọc đọc được “rừng” notes nhạc ấy theo kịp những ngón tay thoăng thoắt của Khiêm trên phím guitar. Những lúc thực tập, mắt Liêm chớp nhanh, đôi mày nhíu lại, cổ thẳng đứng, đầu “gật” nhè nhẹ theo từng temps fort. Ngọc nghĩ, nếu núi lửa bùng nổ sát cạnh nhà có thể Khiêm cũng chắng biết; vì Khiêm đang tập trung tất cả tư tưởng vào notes nhạc, phím đàn và âm thanh.

Hôm ghé đưa chi phiếu trả học phí của Khiêm cho Jack – giáo sư dạy nhạc riêng cho Khiêm – Ngọc mới được Jack cho biết:

-Hết tháng này, tôi sẽ không thể tiếp tục dạy Khiêm được nữa. 

-Jack dời đi đâu hay là Khiêm làm điều gì phật ý Jack? 

-Không. Khiêm rất giỏi và ngoan. Một thanh niên vừa theo học đại học lại vừa học thêm âm nhạc mà Khiêm học nhanh quá! Những hiểu biết của tôi về nhạc rock tôi đã dạy cho Khiêm hết cả rồi.

-Nếu anh không thể dạy Khiêm được nữa thì, tại thành phố này, anh biết ai dạy về nhạc rock, làm ơn giới thiệu giùm.

Jack đáp rất thật: 

-Những người dạy nhạc rock ở đây rất hiếm; trình độ của họ cũng tương đương với trình độ của tôi thôi. Tôi nghĩ, với năng khiếu và dáng vóc của Khiêm, nếu có điều kiện, bà nên cho Khiêm học tại một trường dạy nhạc có tầm cỡ quốc tế thì Khiêm sẽ thành công rất nhanh trong địa hạc mà Khiêm yêu thích.

-Trường nào vậy, Jack? 

-Trường này, ngày trước, tôi từng mơ ước được vào học, nhưng điều kiện không cho phép. Đó là trường Musicians Institute bên Hollywood.

Ngọc tròn mắt, phát ngôn từng chữ: 

-Hol…ly…wood!

-Vâng! Hollywood! Musicians Institute là một trường âm nhạc có tầm vóc quốc tế, đã đào tạo không biết bao nhiêu Rock Stars cho nhiều quốc gia. Bà đã tin tưởng tôi, giao cho tôi trọng trách dạy nhạc rock cho Khiêm bao lâu nay thì bà cũng nên tin tưởng tôi khi tôi có ý thuyết phục bà để Khiêm được thực hiện giấc mơ của Khiêm.

Thời còn đi học, Ngọc từng ước mơ được trở thành nghệ sĩ trình diễn; nhưng Ba Má của Ngọc không cho phép. Ngọc buồn lắm! Nhưng khi tuổi đời càng tăng, Ngọc càng nhận thấy quyết định của Ba Má nàng ngày xưa là một quyết định sáng suốt. Vì vậy, Ngọc đáp:

-Nhưng Khiêm chưa học xong đại học. Tôi chỉ muốn Khiêm có bằng đại học trước; còn âm nhạc chỉ để giải trí thôi.

-Thưa bà, đại học ở Mỹ thì cỡ tuổi nào cũng có thể theo học; nhưng trong địa hạc văn học nghệ thuật thì tuổi trẻ, sự  đam mê và cơ hội thuận lợi mới tạo nên những nghệ sĩ tài danh.

Ngọc thở dài nhè nhẹ trước câu giải thích rất chính xác của Jack rồi hỏi:

-Chương trình học ở trường Musicians Institute mấy năm, Jack biết không?

-Lúc tôi xin theo học thì chương trình là hai năm; nhưng bà nên liên lạc trực tiếp với họ để biết rõ hơn.

-Tôi phải nói chuyện nhiều với Khiêm và ông nhà tôi. Cảm ơn Jack.

Lúc nói chuyện với Khiêm, biết Khiêm có ý định đi sâu vào nhạc rock, Ngọc hơi buồn; vì thấy hình ảnh những Rock Stars thật tương phản với bản tính hiền, thiệt thà và ít nói của Khiêm. Ngoài đức tính hiền lành và dễ dạy, Khiêm lại được sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu hụt tại vùng kinh tế mới Long Điền, sau khi Khanh – chồng của Ngọc – được cộng sản Việt Nam thả về sau nhiều năm tù cải tạo ngoài Bắc. Đó là lý do cả nhà ai cũng biết Ngọc cưng chìu Khiêm nhiều hơn các anh chị của Khiêm. Khi Ngọc cho Khiêm biết ý nghĩ của nàng, không ngờ Khiêm trả lời, bằng tiếng Anh pha lẫn vài tiếng Việt dễ hiểu: 

-Măng “nay”! Măng “khon” nên đánh giá con ngươi băng bê ngoài. 

Nghe câu này, Ngọc biết Khiêm không còn là cậu bé nữa. Khi nhận thức được đứa con út đã lớn, lòng Ngọc thoáng vui và thoáng buồn; buồn vì thấy viễn ảnh rất gần của cánh chim non sắp rời tổ; vui vì thấy khung trời đang rộng mở, chan hòa ánh sáng tươi đẹp và âm thanh tuyệt vời của một thế giới lạ lẫm – mà thế hệ của Ngọc chỉ biết qua báo chí và xi-nê – đang chào đón Khiêm.

Hôm cùng Khanh đưa Khiêm đến ghi tên nhập học, Ngọc bị chóa ngợp vì hệ thống tổ chức và phương pháp giảng dạy tại đây. Musicians Institute (M.I.) là một tòa nhà đồ sộ, nhiều tầng, có sân khấu và hý viện ngoài trời, chiếm cứ một diện tích rộng lớn tại số 6752 Hollywood Blvd, Los Angeles, CA. Trên tường, ngay cửa lớn, thấy hàng chữ lớn: Home of GIT, BIT, PIT, Ngọc thầm hiểu đó là ba nhạc cụ chính trong một ban nhạc rock. GIT: Guitar Institute of Technology; BIT: Bass Institute of Technology; PIT: Percussion Institute of Technology.


Vị giám đốc trường M.I. vừa hướng dẫn Khanh, Ngọc và Khiêm đi xem từng phòng vừa giải thích: Trường gồm nhiều phòng học, phòng thực tập, phòng thâu băng/video, phòng hòa tấu, phòng thực tập trình diễn, phòng ăn, v.v…Mỗi vị giáo sư dạy tại trường này là một thiên tài sống trong địa hạc nhạc rock. Mỗi giáo sư dạy và chịu trách nhiệm cho một sinh viên, trong một phòng riêng, được trang bị video và nhạc cụ cần thiết cho môn học của sinh viên đó. Trường mở cửa suốt 24 tiếng đồng hồ để sinh viên – tùy vào thời khóa biểu riêng – có thể đến thực tập bất cứ lúc nào. Trường M.I. còn đòi hỏi sinh viên phải có trình độ hiểu biết về nhạc lý cũng như xử dụng nhạc cụ ở mức độ thượng thừa trước khi được tuyển vào.

Nhớ lại những lớp nhạc lý, hòa âm và thực tập mà mình đã vượt qua khi theo học với Jack, Khiêm rất tự tin. Trong khi mặt Khiêm hớn hở, môi cứ mỉm cười và mắt ngời sáng vì niềm vui sắp toàn vẹn thì Ngọc lại thầm lo, không biết Khiêm có được nhận vào hay không. Mặc cảm chủng tộc gợn lên trong lòng sau khi Khanh và Ngọc xem qua danh sách sinh viên đã tốt nghiệp – từ ngày trường được thành lập cho đến nay – không thấy tên họ của một sinh viên Việt Nam nào cả!

Lúc ngồi tại phòng ngoài chờ Khiêm thi khảo hạch, Ngọc thấy hầu hết sinh viên đều để tóc dài, ăn mặc luộm thuộm, xóc xếch. Thì ra ở đâu cũng vậy! Nghệ sĩ lúc nào cũng sống tự nhiên, buông thả và dung dị.

Thấy vài sinh viên người Á Đông, Ngọc đến hỏi thăm, mới biết họ đến từ Nhật, Hồng Kông, Phi Luật Tân, v.v…Nhiều người da trắng, tóc màu nhưng nói tiếng Anh rất nặng giọng; vì họ đến từ Pháp, Anh, Bỉ, Úc, Đức, Thụy Sĩ, v.v… Nghĩ đến cảnh Khiêm lạc lõng giữa những người không cùng chủng tộc, bất giác Ngọc thở dài, thương con vô cùng!

******

Nghe tiếng microwave tít tít, báo hiệu tô mì gói đã nấu xong, Khiêm trở ra bếp, mở tủ lạnh, lấy chai nước ngọt và cái nĩa rồi bưng tô mì ra phòng gia đình, nhấn remote control mở TV. 

Vừa trộn tô mì Khiêm vừa nghĩ, ăn uống như thế này mà có Măng ở đây thì thế nào cũng bị “cự nự”. Suốt ngày bận học và thực tập tại M.I., Khiêm không cảm thấy nhớ Mẹ; nhưng mỗi chiều, ăn vội tô mì gói để kịp lái xe đến dạy nhạc cho một nhóm người, Khiêm cứ nhớ lời Măng dặn: 

-Con cố tránh dừng ăn mì gói. Nếu phải ăn mì gói thì con không nên mua loại mì do tụi Tàu làm. Khi nấu mì gói, nhớ cho thêm thịt hoặc nấu xong, con cho thêm hai trứng gà vào thì mới đủ chất bổ dưỡng. 

Khi nào Măng dặn dò, Khiêm cũng “dạ, dạ” cho xong. Bất giác Khiêm thở dài. Lúc ở nhà, có Măng lo cho mọi điều; bây giờ ở tạm nhà chú thiếm Châu để đi học, Khiêm chẳng biết làm thế nào để tự lo cho mình về vấn đề ăn uống!

Trên đường Khiêm lái xe đến lớp dạy nhạc, tự dưng trời nổi con giông gió và cơn mưa trái mùa trút xuống tầm tả. Khi lái xe ngang qua một nhà hàng sang trọng của người Ý, Khiêm chợt mỉm cười, nhớ lại, trước khi xin được việc dạy nhạc, Khiêm đã đến nhà hàng Ý này xin việc làm. 

Biết Khiêm đưa đơn xin việc làm tại nhà hàng, Ngọc cản, bảo Khiêm hành động như vậy làm tổn thương đến danh dự của Cha Mẹ; bởi vì có đứa con út mà phải để con đi làm bồi bàn! Khiêm cho rằng lý do Ngọc đưa ra không thực tế. Khiêm nghĩ, không biết trong giới tài tử, ca nhạc sĩ, những nhà khoa bảng cũng như những người nổi tiếng ở Mỹ, đã có được bao nhiêu người không qua giai đoạn làm bồi bàn? Thế thì tại sao Măng không cho Khiêm đi làm? Tiền học mỗi năm trả cho M.I. quá cao, Khanh và Ngọc lại mua cho Khiêm chiếc xe mới toanh, trong khi cả Khanh lẫn Ngọc đều đi xe cũ! Vì thấy rõ sự hy sinh của Cha Mẹ, cho nên, khi nhà hàng Ý điện thoại, bảo Khiêm đến để phỏng vấn, Khiêm rất vui mừng.

Bước vào phòng quản lý, Khiêm tươi cười bắt tay, chào hỏi và hy vọng. Người quản lý nhìn Khiêm, cười, bảo: 

-Không cần phỏng vấn. Tôi nghĩ anh sẽ làm việc tốt. Tôi mướn anh ngay với điều kiện anh phải cắt tóc ngắn. 

Ý da! Điều kiện gì chứ điều kiện đó là không được rồi! Vì nghĩ ngợi miên man và cũng vì mưa xối xả, Khiêm chẳng thấy được đèn vàng chỗ ngã tư…và…rầm!

******

Vừa vào nhà, thấy điện thoại có dấu hiệu ai để lại lời nhắn, Ngọc nhấn nút. Giọng Khiêm có vẻ yếu ớt: “Ba Măng! Con bị tai nạn. Xe hư nặng, phải để trong shopping center chỗ ngã tư Paramount và Rosegrant!” 

Sau khi gọi lại cho Khiêm và vợ chồng Châu nhiều lần mà cũng không ai trả lời, Khanh tìm điện thoại của người bạn ở vùng Anaheim, nhờ đến nhà Châu xem tình trạng của Khiêm và đến địa điểm xe hư để xem xét tình trạng của chiếc xe.

Trong khi Khanh gọi điện thoại cho bạn, Ngọc đến trước bàn thờ Phật, quỳ xuống, nước mắt rưng rưng, nhìn lên tượng Phật Quan Thế Âm, khấn nguyện: 

-Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tác! Nếu những rủi ro trong đời có xảy đến, xin hãy trút hết cho con; xin Ngài che chở cho các con của con!

Điện thoại nhờ bạn xong, Khanh đến thắp nhang, lạy rồi cũng quỳ cạnh Ngọc. Lúc này Ngọc mới nhớ là lúc nãy nàng đã quên thắp nhang. Ngọc vội sụp lạy như tạ tội. Khanh vỗ vai Ngọc, thì thầm:

-Khiêm không sao đâu, em đừng quýnh!

-Nếu Khiêm không bị gì, tại sao nó không trả lời điện thoại hoặc gọi lại cho mình?

-Thì con nó sợ, nó không dám gọi.

-Nhưng em gọi lại hoài cũng không gặp ai là sao? Có phải nó ở nhà thương mà chú thiếm Châu và nó muốn giấu mình hay không?

Khanh cũng hơi lo sau khi Ngọc đưa ra giả thuyết. Vừa khi ấy điện thoại reng. Ngọc chạy xuống nhà bếp. Khanh chạy theo, chụp điện thoại “allo” trong khi Ngọc nhấn speaker. Giọng người bạn nghe rất rõ:

-Tao đến địa chỉ của em mày, không ai ở nhà. Đến xem chiếc xe, tao thấy đầu chiếc xe nát bét!

Ngọc gần như hoảng loạn:

-Em phải qua đó ngay.

Vừa bước đến computer Khanh vừa bảo:

-Từ từ để anh vào Google, tìm số điện thoại, gọi các hãng máy bay.

-Chuyến càng sớm càng tốt, nha, anh!

Trong khi Khanh lo việc vé máy bay, Ngọc xếp quần áo cho vào va-ly. Một lúc lâu, Khanh bảo:

-Ngọc! Không có hãng máy bay nào còn chỗ cho ngày mai.

-Mình đi xe.

-Đi xe thì đi, em phải bình tĩnh. Em và anh phải gọi vào sở để lại lời nhắn, nếu không là mất việc!

Nhận thấy Khanh trầm tĩnh, giải quyết mọi việc đâu ra đó chứ không bấn loạn như nàng, Ngọc nhìn Khanh bằng ánh mắt biết ơn.

Vừa đem va-ly ra xe Khanh vừa trấn an Ngọc mà cũng như tự trấn an chàng:

-Mình ăn ở hiền lành, con mình sẽ được Phật Bà che chở. Hiện tại mình không thể  làm gì được, chỉ biết cầu nguyện thôi.

Chiếc xe lướt nhẹ trên xa lộ vắng hơn ban ngày. Ngại sự vắng vẻ làm cho Khanh dễ bị buồn ngủ, Ngọc lấy CD cho vào máy. 

Tiếng đàn và giọng hát làm cho sự lo âu trong lòng Ngọc từ từ lắng xuống. Khi tiếng saxophone “rúc” lên bản Đỗ Quỳnh Hương của Đức Huy, Ngọc nhận ra ban nhạc chơi bài này theo thể điệu gần giống như Reggae của Jamaica. Âm  hưởng nhạc không trọn, nghe xa vắng lạ lùng. Ở đoạn điệp khúc Ngọc cũng bắt gặp những biến âm rất lạ, làm buốt lòng người nghe.

Lắng nghe một lúc, Ngọc nhận ra, những biến âm này dường như nàng đã nghe đâu đó. Phải rồi, trong đoản khúc mà Khiêm thường đàn bằng acoustic guitar, lúc Khiêm học về Kiến Trúc tại University of Houston. Đoạn nhạc của Khiêm tuy êm đềm, tha thiết, nhưng những biến âm cũng bất ngờ/cũng xa vắng/cũng khác lạ. Lần nào đàn xong Khiêm cũng nghênh mặt cười, hỏi bằng tiếng Anh: 

-Măng thấy sao?

Ngọc đáp bằng tiếng Việt, nhưng gặp những chữ khó cho Khiêm hiểu, Ngọc phải xen tiếng Anh: 

-Rất hay và lạ!

Khiêm phải đáp bằng tiếng Anh: 

-Măng biết sau khi nghe con đàn đoạn này, ông Jack nói gì không?

Ngọc lắc đầu. Khiêm tiếp: 

-Ông Jack nói đoạn nhạc này mang âm hưởng dòng nhạc của thế kỷ thứ mười sáu!

-Trời! Măng có biết nhạc của thế kỷ mười sáu như thế nào đâu!

Khiêm rùn vai.

Trong khi Ngọc nghĩ đến Khiêm với tất cả niềm thương nhớ thì Đức Huy đang hát một ca khúc khác mà Ngọc không nhớ tựa. Tiếng hát của Đức Huy khàn khàn làm cho Ngọc liên tưởng đến giọng khàn và đục của Rod Stewart, Kenny Rogers và giọng hơi khàn nhưng cao của Andy Gibb.

Nghĩ đến Andy Gibb tự dưng lòng Ngọc chùng xuống vì nhớ Khiêm và mẫu đối thoại ngắn vào một buổi chiều, sau khi Khiêm đi học về. Bước vào nhà, Khiêm đi thẳng xuống bếp, hỏi bằng tiếng Việt “ba rọi”: 

-Măng! Măng “bét gi hon”? (Măng biết gì không?)

-Gì, con?

-Ca “xi” “cua” Mommy… “chét ròi”! 

-Ai vậy, con? 

-Andy Gibb “đô”! 

Ngọc tròn mắt ngạc nhiên, nhìn Khiêm rồi lặng thinh trong nỗi buồn chợt đến. Thấy Ngọc xúc động, Khiêm bẹo má Ngọc: 

-Ô! “Tọi nghẹp” Mommy “hon”! (Tội nghiệp Mommy hông!)

Nói xong Khiêm choàng tay qua vai Ngọc, mỉm cười.

Từ ngày đứa con út xa nhà, Ngọc không có được những giây phút đầm ấm như vậy nữa. Ngọc thở dài, buồn lặng lẽ. Nhìn xa xa, Ngọc thấy họ hàng nhà Cactus – cây bàn chải, cây xương rồng – như đang vươn mình trong những tia nắng đầu ngày để chào đón Khanh và Ngọc trở lại vùng Arizona thiếu mưa nhưng hực nắng. 

Khanh cho xe rời xa lộ, rẽ vào thành phố Phoenix để dùng điểm tâm.Trong khi ăn sáng, Ngọc đề nghị, trước khi rời Phoenix, Khanh nên chạy ngang nhà cũ xem ngôi nhà thay đổi như thế nào.

Từ lề đường nhìn vào ngôi nhà xưa, lòng Ngọc vươn buồn. Cây Arizona shade ngay giữa sân chính là nơi Khiêm ngồi buồn hiu mong bạn vào chiều sinh nhật đầu tiên của Khiêm, tại Phoenix – sau khi gia đình Khanh Ngọc sang Mỹ theo diện H.O. được vài tháng.

Hôm ấy, sau khi được Khanh và Ngọc cho phép, Khiêm mời ba người bạn Mỹ cùng lớp, tối đến nhà ăn kem, mừng sinh nhật của Khiêm. Với ánh mắt ngời sáng niềm vui, Khiêm trải khăn bàn, lấy bốn ly nhựa, bốn muỗng nhựa và mấy tờ khăn giấy để giữa bàn rồi ra ngồi trên cỏ, dưới gốc cây Arizona shade, chờ bạn. Chờ từ sáu giờ chiều cho đến chín giờ tối, không ai đến, Khiêm lủi thủi dẹp tất cả mọi thứ trên bàn!

Thấy Khiêm buồn, Ngọc xốn xang trong lòng nhưng không biết giúp con bằng cách nào! Cả Khanh và Ngọc phải đi xe bus để đi làm thì xe hơi ở đâu mà đi đón bạn cho con? Nhà cũng không có điện thoại – vì không có tiền đóng thế chân – thì làm thế nào Ngọc có thể tìm hiểu được lý do tại sao cả ba đứa bé đều không đến?

Hôm sau, sau khi tan trường, Dana đưa Khiêm và Kirk – con của Dana – về nhà Ngọc. Ngọc kể lại câu chuyện chiều hôm trước cho Dana và Kirk nghe. Dana giải thích rằng chính Dana đưa Kirk, Jaden và Steve đi tìm nhà Khiêm mà tìm không ra; vì đường Walnut bị cắt nhiều đoạn và nhà Khiêm lại không có điện thoại cho nên Dana không thể điện thoại để hỏi directions! Ngọc hỏi Khiêm tại sao không vẽ lên giấy cho bạn dễ tìm? Khiêm trình bày: 

-Con vẽ trên đất. Nhưng con chỉ biết nói: You go this way, you go that way…!

Ngày nào tiếng Anh của Khiêm như vậy; bây giờ, người Việt nào điện thoại hỏi Khanh hoặc Ngọc, Khiêm đáp: “Dạ, bac ‘wait’, con đi…lái!”(Con đi…lấy)

Nhớ đến đây, Ngọc thở dài. Hồi đó tuy nghèo, nhưng vợ chồng và các con chung một mái nhà, cùng nhìn về một hướng tương lai. Bây giờ cuộc sống đầy đủ nhưng các con tản mác mỗi đứa một nơi và mỗi người nhìn về tương lai bằng một ý niệm riêng – chỉ có Khanh và Ngọc cùng thấy mái tóc của nhau thưa đi và trắng dần!

******

Xe ngừng trên driveway. Sau một tuần đi chơi xa, các con của vợ chồng Châu nôn nóng mở cửa xe, chạy vội vào nhà, đập cửa ầm ầm, gọi:

-Anh Khiêm! Anh Khiêm! Mở cửa! Mở cửa!

Châu bảo:

-Nhấn chuông chứ sao lại đập cửa? Anh Khiêm đâu có ở nhà mà các con gọi? Xe anh Khiêm không có ở đây, thấy không?

Bất ngờ, Khiêm mở cửa, khom người, đón ba đứa em chú bác vào vòng tay. Châu cùng vợ xách va-ly vào. Ngồi nơi xa-lông cởi giày, Châu hỏi:

-Khiêm! Xe của con đâu, sao chú không thấy?

Khiêm ngại ngùng một lúc rồi kể lại sự việc cho Châu nghe. Biết Khiêm không hiểu tiếng Việt nhiều, Châu nghiêm giọng, nói tiếng Việt pha tiếng Anh:

-Con không làm như vậy được! Con phải trực tiếp cho Ba Măng của con hay là con bình yên để Ba Măng khỏi lo.

-Con không dám nói chuyện trực tiếp với Ba Măng của con đâu.

-Tại sao? Con lầm lỡ thì phải nhận lỗi chứ.

-Dạ, con “bét loi cua con”.

-Vậy thì con cứ mạnh dạng cho Ba Măng …

Nói ngang đây, Châu dừng lại, nhíu mày rồi tiếp:

-Con không gọi về nữa nhưng tại sao Ba Măng của con không gọi lại? Lạ vậy?

-Dạ, con có biết Ba Măng của con gọi lại hay không đâu, chú! Từ bữa đó đến nay, phần vì sợ, phần vì không có xe và không có ai ở nhà, con qua ở tạm nhà thằng Scott, trả tiền xăng cho nó, nhờ nó chở con đi học, đi dạy và đón con về.

-Được rồi! Con gọi về giải thích với Ba Măng con đi.

Khiêm ngần ngừ, dáng vẻ rất ngai ngùng:

-Thôi, chú ơi! Hồi đó Ba của con thường kể câu chuyện Ba con làm mất cái xe đạp cho nên con sợ lắm!

-Chuyện hồi trước Ba con làm mất cái xe đạp như thế nào? Có liên hệ gì đến tai nạn của con hay không?

-Da không. Tại vì, hồi đó Ba con thi đậu trung học đệ nhất cấp, ông Nội mua cho Ba con cái xe đạp. Vài tuần sau, Ba con mê đá banh, quên khóa cho nên xe đạp bị mất cắp. Về nhà, Ba con bị ông Nội “đét” cho một trận nên thân! Đó, chú thấy, chỉ mất có cái xe đạp mà Ba của con còn bị đòn như vậy; bây giờ con làm “tiêu” luôn cái xe hơi thì…cái gì sẽ xảy ra cho con?

Vợ chồng Châu cùng cười cho sự ngây thơ của đứa cháu bị “kẹt” giữa hai nền giáo dục Việt Mỹ. Châu khuyên:

-Ba Măng của con sống ở Mỹ cũng khá lâu; Ba Măng của con không hành xử như vậy đâu. Con cứ gọi cho Ba Măng để Ba Măng yên lòng. 

Nói xong, vợ chồng Châu vào phòng. Khiêm lặng yên suy nghĩ.

Vừa xoay người – với ý định lấy điện thoại trên bàn – Khiêm chợt nghe tiếng cửa xe đóng “rầm”. Tò mò nhìn qua cửa sổ, Khiêm thấy Ngọc đang vội vã đi vào và Khanh đang mở thùng xe, lấy va-ly. Nghĩ rằng mình sợ quá rồi bị ám ảnh, Khiêm chớp mắt nhiều lần nhưng vẫn thấy Ngọc đi băng ngang sân cỏ. Tiếng chuông cửa xác định cho Khiêm biết rằng Khiêm sắp phải trực diện với sự thật mà Khiêm đang cố né tránh. Khiêm mở cửa. Nhưng vì sợ quá, Khiêm đứng nép sau cánh cửa. Ngọc bước vào, gọi:

-Chú thiếm ơi!

Không ai trả lời. Ngọc gọi lần nữa. Tiếng Châu từ bên trong:

-Ai đó? Chờ chút.

Giọng Ngọc trở nên nôn nóng:

-Chú ơi! Cháu Khiêm sao rồi, chú?

Châu chưa kịp đáp, Khiêm rụt rè bước ra từ sau cánh cửa:

-Măng! Con nè, Măng!

Ngọc giật mình, tròn mắt. Nhìn từ đầu xuống chân, thấy Khiêm không thương tích gì cả, Ngọc vui mừng, vói tay lên vai Khiêm – vì Khiêm rất cao và năng tập thể dục:

-Trời! Con không sao hết hả? Cảm ơn Phật Bà. Tại sao con nép sau cánh cửa?

-Dạ, con “xơ”, con… “chón” Măng. (con sợ, con trốn)

Thấy Khanh bước vào, Khiêm vội nói lý nhí tiếng Anh vì ngại Khanh nổi giận:

-Con rất tiếc đã làm “tiêu” cái xe của Ba Măng.

-Măng không lo gì về cái xe; Măng chỉ lo cho con thôi.

Khanh nghiêm giọng:

-Cậu có biết là cậu làm cho Măng của cậu rối tâm rối trí mấy hôm nay hay không?

Khiêm nhìn Ngọc bằng ánh mắt chan chứa tình thương:

-Ô, “tọi nghẹp” Mommy “hon”! I’m sorry!

Ngọc vịn tay Khiêm, cười, lòng quên hết đoạn đường mệt nhọc vừa qua!

******

Buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường M.I. được tổ chức trong hý viện ngoài trời, bên ngọn đồi nhỏ, trong lòng Hollywood. Trong tiếng bass thật ấm, thật rền của ban nhạc rock thời danh, Ngọc thấy khung cảnh quanh nàng rất vui, rất rực rỡ với những chùm bong bóng và giấy màu bay lơ lửng trong không gian.

Sau khi ngõ lời nhắn nhủ đến các sinh viên tốt nghiệp, vị hiệu trưởng của trường M.I. cũng không quên cổ động và khích lệ tinh thần những sinh viên còn theo học. Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường.

Đến phần trao văn bằng cho từng sinh viên, Ngọc nghe xướng ngôn viên đọc tên sinh viên nào thì người đó bước lên sân khấu – trong tiếng nhạc rộn ràng và tiếng vỗ tay vang dội – để nhận văn bằng. Này Albert, Anh quốc; kia Alain, Pháp; nọ, Charles, New York, v.v… Kia rồi, “Khi…e..m…Wu..y…e…n”. Ngọc ngồi thẳng người để nghe cho rõ hai tiếng Việt Nam theo sau; nhưng lạ chưa, họ dõng dạc đọc Texas! 

Nhận văn bằng xong, Khiêm đến bên Ngọc và Khanh với nụ cười tươi. Ngọc lại vói tay lên vai con, nói nhỏ:

-Chúc mừng con!

-“Cam on” Mommy!

Sau khi lễ ra trường chấm dứt, trên đường ra bãi đậu xe, Ngọc hỏi Khiệm:

-Khiêm! Con nhớ, trước khi Ba Măng đồng ý cho con sang học tại trường M.I., con đã hứa với Măng điều gì không?

Khuôn mặt của Khiêm đang rạng rỡ chợt thoáng buồn, giọng thật nhỏ:

-Da, con “nhó”. (Con nhớ)

-Lúc nào Cha Mẹ cũng nhìn xa và chỉ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con thôi. Con hiểu không? Hồi xưa ông bà Ngoại không cho Măng trở thành nghệ sĩ trình diễn, Măng buồn. Nhưng, nhìn lại cuộc đời của Măng, Măng thầm cảm ơn ông bà Ngoại đã sáng suốt khi quyết định không cho Măng đi vào con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp. 

Im lặng. Ngọc tiếp:

-Con thích được học nhạc từ trường M.I. lừng danh này thì Ba Măng cho con đi học – chỉ với mục đích để con có được môn giải trí thanh cao. Con nhớ là Măng đã cho con biết: Không phải tất cả mọi người xuất thân từ trường M.I. đều trở thành Rock Stars. Dù có trở thành Rock Starts đi nữa thì, con đường của nghệ sĩ trình diễn chỉ “vinh quang” trong những giờ phút trước công chúng, trong tiếng vỗ tay và ánh đèn màu. Khi ánh đèn sân khấu tắt đi thì biết bao nhiêu áp lực ùa đến; do đó, nghệ sĩ trình diễn thường tìm khuây bằng những thói quen độc hại. Con hiểu ý của Măng chứ? Măng đã giải thích với con trước khi Ba Măng đưa con sang đây và con cũng đã hứa với Ba Măng là sau khi tốt nghiệp tại M.I., con sẽ trở lại trường đại học để học cho xong bằng Kiến Trúc. Con nhớ không? 

-Con “biet roi”.

-Con về ghi danh cho kịp học niên khóa này, nha, con!

-Okay.

-Con buồn Măng nhiều  không?

-Da, co, ma it it thoi! (Dạ, có, mà ít ít thôi!)

Ngọc cười, lòng cảm thấy thương con vô vàn!


ĐIỆP MỸ LINH

*Hình của M.I. trên internet.

http://www.diepmylinh.com/


2021/02/16

Điều trị ho do chất nhầy từ mũi chảy ngược vô cổ họng

Feb 11, 2021 

Hằng ngày, các tuyến nhầy (mucus glands) lót ở mũi, họng, đường thở, bao tử, ruột tạo ra chất nhầy (mucus). Chất nhầy là chất ẩm và đặc, giúp giữ độ ẩm ở những vùng này, giúp bắt dính lại và tiêu diệt các “kẻ ngoại xâm” như vi trùng, siêu vi trùng (virus) trước khi chúng có thể gây hại cho cơ thể.

Điều trị ho do chất nhầy từ mũi chảy ngược vô cổ họng.

Hằng ngày, các tuyến nhầy (mucus glands) lót ở mũi, họng, đường thở, bao tử, ruột tạo ra chất nhầy (mucus). Chất nhầy là chất ẩm và đặc, giúp giữ độ ẩm ở những vùng này, giúp bắt dính lại và tiêu diệt các “kẻ ngoại xâm” như vi trùng, siêu vi trùng (virus) trước khi chúng có thể gây hại cho cơ thể.

Dị ứng là một trong những nguyên nhân gây ra chất nhầy chảy ngược vô họng. (Hình minh họa: cenczi/Pixabay)

Chỉ ở mũi thôi, mỗi ngày tiết ra khoảng gần một lít chất nhầy.

Bình thường, ta không cảm nhận được các chất nhầy này từ mũi, vì nó hòa trộn với nước miếng, và chúng ta nuốt chúng vào bụng mà không để ý đến.

Khi cơ thể ta tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường, và khi chất nhầy này nhầy (đặc) hơn bình thường, nó sẽ gây khó chịu khiến ta “để ý” đến nó hơn.

Khi chất nhầy này chảy ra lỗ mũi trước của ta, ta gọi nó là sổ (hay chảy) mũi. Khi nó chạy ngược vào lỗ mũi sau của ta, nó được gọi là chất nhầy chảy ngược vô họng (postnasal drip).

Nguyên nhân của (việc) chất nhầy chảy ngược vô họng

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra việc chất nhầy tiết ra quá mức:

-Dị ứng (allergic postnasal drip).

-Cảm (colds).

-Cúm (flu).

-Thay đổi thời tiết (có thể là lạnh hoặc không khí khô quá).

-Một số thức ăn (ví dụ như một số người nếu ăn cay sẽ bị chảy mũi ràn rụa).

-Khói, mùi nước hoa, mùi chất chùi lau nhà, hoặc các chất hóa học khác.

-Viêm xoang (sinusitis).

-Tác dụng phụ ở một số thuốc (như là thuốc ngừa thai, một số thuốc trị cao huyết áp). Tác dụng phụ này chỉ xảy ra ở một tỉ lệ nhỏ những người dùng thuốc, không phải ai uống cũng bị tác dụng phụ này.

-Vật lạ mắc kẹt ở trong mũi (thường xảy ra ở  trẻ em hơn).

-Có bầu.

-Lệch vách ngăn ở mũi (vách giữa hai lổ mũi).

Đôi khi chất nhầy gây khó chịu, cũng có thể vì cơ thể ta bị giảm khả năng để làm sạch các chất nhầy này, khiến nó bị ứ đọng, chứ không phải vì nó tiết ra nhiều quá. Ví dụ như khi khả năng nuốt bị giảm, do bị tắc nghẽn gì đó trong đường tiêu hóa trên (họng, thực quản, dạ dày), do tuổi tác, do bị axit trào ngược từ thực quản dạ dày.

Triệu chứng

Chất nhầy chảy ngược vào họng có thể gây ra:

-Cảm giác lúc nào cũng có gì đó dính ở cổ họng khiến ta phải hắng giọng liên tục.

-Ho, thường nặng hơn khi ta nằm xuống, khi ngủ (vì khi nằm thì chất nhầy ở mũi dễ chảy ngược vào họng hơn).

-Khàn tiếng.

-Cảm giác đau họng.

-Ngứa cổ họng.

-Nếu chất nhầy từ mũi làm nghẹt ống thông từ mũi đến tai giữa (Eustachian tube) ta có thể bị đau tai do viêm tai giữa.

-Viêm xoang, nếu chất nhầy làm nghẹt đường thông từ mũi sang các xoang.

Dùng máy tạo độ ẩm (vaporizer, humidifier) giúp chất nhầy bớt nhầy hơn. (Hình minh họa: breathebetterair.org)

Điều trị

Hầu như bao giờ việc điều trị cũng gồm hai phần chính là trị nguyên nhân và trị triệu chứng.  Tùy theo các nguyên nhân, như kể trên, mà việc điều trị có thể khác nhau.

Do đó không phải lúc nào cũng cần dùng trụ sinh. Trụ sinh chỉ cần dùng khi bị nhiễm vi trùng. Khi không cần thiết, dùng trụ sinh không những không có lợi, mà còn gây ra việc lờn thuốc rất nguy hiểm.

Dù nước mũi có đổi màu, vàng hay xanh, nhưng nếu không bị sốt, không bị nhiễm trùng, ta cũng không cần, và không nên dùng trụ sinh.

Nếu bị cảm hay cúm, ta cần trị cảm hay cúm.

Thuốc chống dị ứng (như Zyrtec, Claritin, Allegra…) có thể giúp trong các trường hợp chất nhầy chảy ngược vô họng do viêm xoang và nhiễm virus, bên cạnh việc trị nguyên nhân do dị ứng.

Nếu nguyên nhân do dị ứng, bác sĩ có thể cho ta dùng các thuốc và ta nên áp dụng các biện pháp đã được trình bày rất kỹ trong bài viết về ho do dị ứng.

Ở người lớn tuổi, các thuốc chống dị ứng bán không cần toa (như Benadryl, Chlor-Trimeton) thường không thích hợp. Vì các thuốc này có thể làm cho chất nhầy bị đặc lại, khiến triệu chứng nặng hơn; cũng như có thể gây xây xẩm, chóng mặt, khô miệng… nhiều hơn các thuốc thế hệ mới hơn.

Tốt nhất là nên được bác sĩ thăm khám, để được cho thuốc thích hợp với tuổi tác và tình trạng bệnh lý nền (các bệnh kinh niên) của từng bệnh nhân.

Một cách đơn giản để giúp chất nhầy bớt nhầy hơn, là làm cho chúng loãng ra bằng cách:

-Uống đủ nước (làm sao cho nước tiểu trong, đừng bị vàng khè). Ở người khỏe, không bị bệnh tim và một số bệnh khác cần giới hạn nước, đủ nước thường có nghĩa là khoảng 2 lít mỗi ngày, bao gồm nước lẫn nước canh, nước phở, chicken soup…

-Nhỏ nước muối.

-Dùng các máy, dụng cụ rửa mũi (nasal irrigation) thường có bán ở các tiệm thuốc tây.

-Dùng máy tạo độ ẩm (vaporizer, humidifier) ở những mùa không khí quá khô.

-Hơi nước ấm khi tắm bằng nước ấm (đừng nóng quá), cũng là một cách đơn giản giúp làm ẩm mũi.

-Một cách khác đơn giản khác để “xông mũi,” là sếp một phễu giấy vừa đủ, để phần phễu lớn úp vào ly nước, phần lỗ nhỏ vừa đủ để ta có thể hít hơi ẩm từ hơi nước trong một ly nước nóng (nóng vừa vừa, để khỏi bị phỏng mũi, và cần cẩn thận để ly nước không đổ làm phỏng người).

-Một số thuốc “long đờm,” như guaifenesin.

Nằm đầu cao để nước mũi khó chảy ngược vào họng hơn, cũng là một cách dễ hiểu và đơn giản, có thể kết hợp với các cách kể trên để đỡ bị chất nhầy chảy vào họng làm ngứa họng, ho vào buổi tối.

Cần gọi bác sĩ ngay nếu thấy máu trong nước mũi, hay bị sốt, khò khè, khó thở, nước mũi có mùi hôi, bệnh nặng, hoặc (không nặng mà) kéo dài trên mười ngày.

Thường thì các bác sĩ gia đình có thể trị hầu hết các trường hợp bị ho do chất nhầy ở mũi chảy ngược vào họng. Trong các trường nặng hơn, đã dùng đủ và đúng các phương pháp kể trên mà vẫn không thấy đỡ ta mới có thể cần gặp bác sĩ chuyên khoa. [qd]

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

(714) 531-7930

drnguyentranhoang@gmail.com

 


2021/02/14

 TÌM LẠI TÌNH YÊU

 

C:\Users\VNPham\Desktop\timlaitinhyeu (1).JPG (1)


Vì tò mò và cũng vì nhân dáng ngoan hiền của cô giáo, những hôm đoàn chiến đỉnh về bến sớm, Duy mong tiếng kẻng tan trường vang lên để Duy được dịp quan sát cô giáo một cách kín đáo.


Những lần vào Quận họp hành quân, Duy thường tìm cơ hội hỏi thăm Thiếu Tá Quận Trưởng về cô giáo. Thiếu Tá Quận Trưởng chỉ cười, đáp:


- Moa không biết nhiều về cô ấy. Moa là “con tem đóng dấu” rồi, đâu dám “léng phén”. Nghe nói cô ấy là cháu ông Phó Quận Trưởng Hành Chánh. Cô ấy mới thuyên chuyển về đây chưa được bao lâu cho nên “bà xã” moa chưa được dịp làm quen.


Chưa thấy mặt cô giáo, Duy không biết nhan sắc của cô như thế nào. Nhưng, nhìn mái tóc dài, chiếc nón nghiêng nghiêng của cô giáo Duy tưởng như chàng đã gặp hình bóng ấy vào một chiều Xuân, tại Nha Trang, khi Trục Lôi Hạm Chương Dương II, HQ 115 ghé Cầu Đá.


Chiều Xuân năm đó, trong ánh nắng dìu dịu, gió rì rào, sóng tung tăng và tiếng chân người khua nhè nhẹ trên khóm lá bàng khô, Duy nghe tiếng thì thầm của nhóm nữ sinh trong khuôn viên Hải Học Viện, Nha Trang. Phía sau nhóm nữ sinh là toán thanh niên hơi trọng tuổi. 


Duy – đang đứng chung với nhóm bạn Hải Quân tại bậc cấp – đoán có lẽ toán thanh niên là sinh viên đại học về Nha Trang nghỉ Tết. Không ai bảo ai nhưng Duy và các bạn Hải Quân đều cố tình tìm cách làm quen với nhóm nữ sinh. Khi nhóm nữ sinh vừa e lệ nhìn nhóm Hải Quân vừa bước xuống bậc cấp, Duy nghe tiếng nói từ toán thanh niên:


- Hôm nay Hải Quân làm gì mà cả ba chiếc tàu đều giăng cờ, giăng đèn, đẹp quá! Ra cầu tàu chơi, các bạn chịu không để tôi hỏi mấy cô?


Nhóm nữ sinh dừng lại không xa nhóm Hải Quân. Duy nghe một cô nói với cô có mái tóc ngắn:


- Có lẽ người ta tổ chức liên hoan mừng Xuân. Lúc nãy mình thấy lính gác ngay cổng, làm sao ra cầu tàu được mà anh của nhỏ Thúy lại rũ tụi mình? 


Cô gái có mái tóc dài khẽ nói:


- Anh Toàn của mình là sinh viên Y Khoa rồi mà cứ ham vui như thời trung học.


Qua câu nói, Duy biết ngay cô gái tóc kẹp tên Thúy. Duy bước nhanh đến bên Thúy:


- Xin lỗi cô Thúy, nếu các cô và các bạn muốn ra cầu tàu thăm chiến hạm, chúng tôi rất hân hạnh được mời tất cả quý vị.


Nhóm Hải Quân ngạc nhiên nhìn Duy rồi nhìn nhau như ngầm hỏi: Thường ngày Duy rất ít nói, sao hôm nay Duy “bạo” thế này? Thấy các bạn nhìn chàng, Duy cười, nhìn lơ chỗ khác sau khi nheo mắt. 


Trong khi Thúy lúng túng, chưa hiểu tại sao “ông Hải Quân” này biết tên nàng thì Toàn vừa đến cạnh. Như hầu hết mấy người có em gái đẹp, Toàn hơi “lên mặt”:


- Xin lỗi, ông cần chi? Tôi là anh của cô này. Tôi có thể giúp ông điều chi không?


- Chào anh. Tôi, Duy. Qua những câu đối thoại của các bạn, tôi nghĩ các bạn muốn ra cầu tàu chơi. Chiều nay, nhân ba chiến hạm tổ chức mừng Xuân, chúng tôi xin phép được mời các cô và các bạn. Anh nghĩ sao, anh Toàn? 


- Ủa, sao ông biết tên tôi?


Duy cười, đưa tay phải về phía Toàn. Toàn bắt tay Duy và hỏi:


- Có lẽ mấy cô này gọi tên tôi cho nên ông nghe, đúng không? 


Duy cười, không đáp. Toàn tiếp:


- A, chúng tôi được phép gọi bằng anh hay là phải gọi theo cấp bậc nhà binh? Nếu phải gọi theo nhà binh thì thú thật, chúng tôi … chịu thua; vì không biết cách phân định cấp bậc của Hải Quân.


- Đối với HQ 115, tôi là Đại Úy Hạm Phó. Nhưng đối với các bạn, mong các bạn gọi tôi bằng anh cho thân mật. 


Toàn không đáp lời Duy mà lại quay về phía các bạn, reo lên:


- Này, các bạn! Ông Hạm Phó HQ 115 mời xuống thăm chiến hạm, đi nhanh lên!

Quay sang nhóm nữ sinh, Toàn tiếp:


- Các cô đi với chúng tôi luôn, nha!


Vài cô có vẻ lo ngại:


- Về trễ bị la đó, anh Toàn.


- Chiều rồi. Sắp hết xe lam, làm sao tý nữa về, anh Toàn?


Toàn hơi lung túng. Duy đáp thay:


- Tý nữa tôi sẽ liên lạc với Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân, mượn xe để đưa các cô về. Các cô an tâm, nhé!


Ba nhóm nhập lại, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Duy cứ bám sát và cố kết thân với Toàn trong khi mắt không rời Thúy. Điều làm Duy hơi khó chịu là anh chàng cao lớn, đeo kính cận, cứ theo sát Thúy. Vừa đi Duy vừa hỏi chuyện để lấy lòng Toàn:


- Nghe nói anh học Y Khoa, phải không, anh Toàn?


- Vâng. Năm thứ ba.


- Dạo còn học tại đại học Khoa Học, mỗi năm cứ nơm nớp sợ thi hỏng sẽ bị động viên, tinh thần tôi không yên. Cuối cùng, tôi bỏ ngang để vào Hải Quân. Bây giờ thấy các anh sống hồn nhiên, vô tư, tôi chạnh nhớ đến cuộc đời sinh viên ngắn ngủi của mình.


- Uổng chứ, anh nhỉ! Mấy năm gần đây ngưỡng cửa đại học bị giới hạn trong khi cổng các quân trường lại rộng mở. Cũng vì lý do đó, tôi đang dự tính xin sang Quân Y.


- Tôi có thằng bạn thân học Quân Y. Có lẽ nó học trước anh một năm.


- Vậy là bạn anh cùng học với Quý.


- Quý nào?


Vừa nói Toàn vừa kín đáo chỉ về phía Thúy: 


- Lúc nãy lộn xộn quá, chưa kịp giới thiệu mọi người với các anh. Xin lỗi anh, nha! Quý là anh chàng cao cao, đi cạnh nhỏ em tôi kìa.


Duy bỗng thở dài nhè nhẹ, nhìn ra khơi. Biển lặng yên. Nhưng dường như Duy đang cảm nhận được những đợt sóng ngầm trong lòng biển và trong lòng chàng. Chuyến hải hành nào không hứa hẹn nhiều vất vả, lắm gian nan; nhưng chuyến hải trình đầu đời để đi vào đường tình Duy đã thấy nhiều chướng ngại! Tuy biết chướng ngại đang giang mắc, nhưng không hiểu tại sao ánh mắt của Duy vẫn không rời Thúy và Quý.


Image result for hải quân việt nam cộng hòa hq115 (2)

Trên boong tàu, các anh Hải Quân đều chỉnh tề trong quân phục tiểu lễ trắng. Các anh chạy tới chạy lui lo sắp xếp bàn ghế, ly chén và thức ăn. Khung cảnh trông vui tươi, nhộn nhịp. Nhưng những tà áo dài thướt tha, những mái tóc bay bay trong gió, những bước chân ngại ngùng mới thật sự tô điểm cho buổi chiều lộng gió trên HQ 115 và đem đến niềm ấm áp cho những chàng trai yêu biển.

Không hiểu vô tình hay cố ý, ban tiếp tân sắp Thúy ngồi cạnh Quý và đối diện với Duy. Suốt buổi tiệc Duy nhìn Thúy không rời. Thỉnh thoảng Thúy liếc sang Duy và bắt gặp ánh nhìn say đắm của chàng. Thúy e thẹn cúi mặt, mỉm cười. Tuy nụ cười của Thúy không trọn, nhưng cái cằm chẻ đôi của nàng khiến Duy cứ muốn nhìn mãi nhìn hoài. 

Ý tưởng của Duy đang miên man về Thúy thì Huấn – sĩ quan đệ tam của HQ 115 – đến sau lưng Duy, reo lên:

- Trời, Hạm Phó! Hạm Phó bị coup de foudre rồi hay sao mà trông Hạm Phó thẩn thờ quá vậy? 

Duy giật mình, quay lui:

- Ơ, cái gì thế? 

Mọi người cười ồ lên. Huấn cũng cười, đáp:

- Bao nhiêu người mời Hạm Phó lên micro mà Hạm Phó có nghe đâu! Thôi, mời Hạm Phó lên đi. 

Đến trước máy vi âm, Duy cười:

- Kính thưa quý vị và các bạn, quý vị bắt tôi lên đây giúp vui quý vị như thế nào đây ạ?

Nhiều tiếng cười xen lẫn tiếng huýt, tiếng reo. Huấn lại đến cạnh Duy, nói vào máy vi âm:

- Kính thưa quý vị, theo sự dò xét của riêng tôi thì có lẽ Hạm Phó bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng từ lúc chiều. Vì lẽ đó, “con tàu tình cảm” của Hạm Phó đang lắc lư cho nên tinh thần của Hạm Phó bị chi phối hoàn toàn. Bây giờ tôi xin lập lại trò chơi của chúng ta để Hạm Phó am tường. Thưa Hạm Phó, mỗi người trong chúng ta sẽ được mời lên máy vi âm để góp vui. Sau khi thi hành phận sự của mình, người đó sẽ mời một người khác và cứ tiếp tục như vậy. Bây giờ mời Hạm Phó bắt đầu phận sự của Hạm Phó. 

Duy hỏi:

-Ai yêu cầu tôi “thế mạng” đây? 

Huấn chỉ về nhóm sinh viên:

- Dạ, anh Toàn. 

- Xin cảm ơn anh Toàn. Như vậy có nghĩa rằng khi tôi yêu cầu người nào thì người đó không được từ chối, đúng không ạ? 

Mọi người đồng thanh “đúng rồi”. Vài tiếng “đúng năm” xen vào. Huấn lại nói vào máy vi âm:

- Xin phép Hạm Phó cho tôi nói một câu cuối. 

Duy đứng lui, nhường máy vi âm. Huấn tinh nghịch:

- Chúng tôi xin chúc Hạm Phó sang năm có Hạm Phó phu nhân.

Tiếng vỗ tay, vỗ bàn vang dội. Với thái độ từ tốn, giọng trầm trầm, Duy bắt đầu: 

- Kính thưa quý vị và các bạn, tôi xin góp vui bằng câu chuyện mà tôi được nghe lúc tôi tu nghiệp tại quân trường U.S. Naval Postgraduate School tại tiểu bang California, Hoa Kỳ. Câu chuyện như thế này: “Trong giờ lịch sử Hoa Kỳ, giáo sư cùng sinh viên bàn luận về sự thay đổi quan niệm về sắc đẹp của phụ nữ theo từng thời đại. Vị giáo sư đưa ra một thí dụ, vào năm 1921, một hoa khôi nước Mỹ có tầm vóc lý tưởng là 108 cân Anh, vòng số một 30 inches, vòng số hai 25 inches và vòng số ba 32 inches. Các bạn thử tưởng tượng, nếu một mẫu người đẹp như vậy xuất hiện trong cuộc dự thi hoa hậu ngay vào thời đại của chúng ta thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào? Cả lớp im lặng. Một nam sinh viên nhún vai, nói trổng ‘Không khá lắm.’ Giáo sư hỏi: ‘Tại sao?’ Anh sinh viên đáp: ‘Bà ấy già khụ rồi!’” (3) 

Mọi người vỗ tay. Duy nhìn xuống chỗ Thúy và yêu cầu nàng. Thúy tươi cười đứng lên. Quý cũng đứng lên, bước theo Thúy. Khi Thúy và Quý đến cạnh, Duy hỏi: 

- Cô vui lòng cho biết cô sẽ cho chúng tôi thưởng thức tiết mục gì ạ?

Thúy chưa kịp đáp, Quý đề nghị: 

- Thúy hát Gợi Giất Mơ Xưa đi! 

Thúy không đáp lời Quý mà lại hỏi Duy: 

- Anh Duy thích nghe nhạc Việt hay nhạc ngoại quốc? 

Không ngờ Thúy hỏi ý kiến chàng, Duy có vẻ lúng túng: 

- Ơ…tùy cô… nhạc gì tôi nghĩ cô hát là phải hay rồi. 

Quý lại xen vào: 

- Anh thích Thúy hát Gợi Giất Mơ Xưa. Giọng em cao, rất hợp với bài đó. 

- Thúy thích hát tình khúc Vaya Con Dios.

Nhìn nét mặt không vui của Quý, Duy ngầm thích trong lòng. Duy tưởng Quý sẽ bực mình, bỏ đi về chỗ ngồi, nhưng không, Quý vẫn kiên nhẫn đứng đợi.

 

Trong khi Thúy lắng nghe tiếng Tây Ban Cầm của Huấn để “bắt” vào cho đúng “tông”/đúng nhịp thì Duy nhìn Quý. Tự dưng Duy muốn đặt cho Quý một biệt danh. Duy nghĩ, Quý cao lớn, lại trồng “cây si” quá sâu, rất hợp với tên “Cây Cổ Thụ”. Duy mỉm cười. Tiếng Tây Ban Cầm của Huấn chậm lại, giọng soprano của Thúy vút cao trong không gian bát ngát của biển/trời:


“La nuit bleue sur l'hacienda

La nuit légère
Et soudain monte la voix
D'une prière
Vaya con Dios, mon amour
Que Dieu pense à toi, mon cœur… » (4)

Mọi người đều im lặng. Duy nhìn quanh. Dường như gió đã dịu dần và sóng cũng thôi rì rào để lời ca và tiếng hát của Thúy vang xa trong không gian êm ái và lưu lại trong lòng Duy một hình bóng khó quên.


Sau khi cuộc vui tàn, để lấy lòng Thúy và cũng muốn biết nhà của Thúy, Duy theo xe và đề nghị sẽ đưa Thúy và Toàn về sau cùng. 


Khi đến nhà Toàn, trước khi bắt tay Toàn để từ giã, Duy nói: 


- Những ngày chiến hạm còn công tác ở đây, anh cho phép thỉnh thoảng tôi ghé thăm anh, anh Toàn nhé! 


Siết chặt tay Duy, Toàn cười, ra chiều rất thông cảm câu nói của Duy: 


- Vâng, tôi còn nghỉ đến hai tuần nữa. Anh rãnh, mời anh ghé chơi.


Duy trở ra xe. Trước khi tài xế cho xe nổ máy, Duy quay lại và thấy Thúy đang quay lui nhìn chàng và Duy nghe loáng thoáng tiếng Toàn: 


- Thúy thấy không? Mấy anh chàng Hải Quân thiệt là đa tình! 


Chiều hôm sau, lảng vảng trước nhà Thúy nhưng Duy không dám vào; vì nghĩ rằng chàng không nên “tấn công” quá nhanh. Quanh tới quanh lui đường Hoàng Tử Cảnh, không thể nào Duy không nghĩ đến Quý. 


Sau vài ngày đi lên đi xuống khoảng đường Hoàng Tử Cảnh, Duy quyết định bước vào nhà Thúy vào một buổi chiều. Đúng như ý Duy mong muốn, người mở cổng chính là Thúy. Thúy tươi cười mời Duy vào phòng khách. Duy bước theo và cảm nhận được niềm vui thích đang dâng lên trong lòng. 


Vừa bước lên khỏi bậc cấp cuối cùng, Duy chạm ngay ánh nhìn “tóe lửa” của một chàng Nhảy Dù. Liếc nhanh lên cổ áo của chàng Nhảy Dù, thấy một hoa mai vàng, Duy cảm thấy đỡ lo. 


Thúy bước vào phòng khách. Duy theo sau. Anh Nhảy Dù lịch sự đứng lên trong khi Thúy giới thiệu:


- Xin giới thiệu với anh Duy, đây là anh Hà. Thưa anh Hà, đây là anh Duy, anh Toàn và em mới quen hôm Tết.


Sau khi hai người bắt tay nhau, Hà đưa tay mời Duy: 


- Mời anh tự nhiên. 


Hà ngồi xuống, quay sang Thúy, tiếp:


- Thúy lấy nước mời anh Duy đi. 


Thúy “dạ”, đi vào trong. Duy ngồi vào ghế đối diện với Piano. Thúy trở ra, đặt tách nước trà nơi bàn nhỏ, cạnh Duy, giọng bẽn lẽn: 


Dạ, mời anh. 


-Cảm ơn cô.


Thúy nhìn Hà, hỏi: 


- Tách trà của anh chắc nguội rồi, để Thúy châm thêm, nha! 


Hà đáp: 


- Thôi, được rồi. Trở lại đề tài lúc nãy đi. Cô không trốn được đâu.


Thúy giả vờ nhăn mặt, nhìn Duy. Duy nhìn nàng, tỏ ra không hiểu gì cả. Hà tiếp: 


- Anh thích nghe Thúy đàn bản đó. Hôm trước Thúy hứa với anh rồi, nhớ không? Bây giờ có anh Duy đây, đàn đi để anh Duy cùng thưởng thức luôn. 


Thúy tròn mắt, che miệng, cử chỉ nửa như sợ nửa như đùa:


- Ý, chết rồi! Đàn bị chùng giây. Mẹ kêu người lên giây nhưng họ chưa đến.


- Từ hôm đó đến giờ mà cũng chưa lên giây? Cô bé này đáng…đánh đòn thật!


Duy ngẩn người trước lối nói chuyện của Hà. Thì ra Hà muốn cho Duy biết sự liên hệ mật thiết giữa chàng và Thúy đây. Cảm thấy như mình bị thừa thãi, Duy nhìn quanh và nói khác với mục đích của chàng:


- Xin lỗi, anh Toàn có ở nhà không, cô Thúy? 


Hà lại nhanh nhẩu đáp thay: 


- Anh Toàn vừa mới đi đâu đó. Dường như anh Toàn nói anh Toàn đi thăm anh Quý nào đó, phải không, Thúy? 


Thúy đáp: 


- Dạ. Có lẽ đến tối anh Toàn mới về.


Duy nói dối một cách vụng về:


-Tôi muốn ghé rũ anh Toàn đi dạo biển, nhưng không được gặp. Thôi, để dịp khác.

Nói xong Duy đứng lên, cáo từ. Thúy nhìn Duy với ánh mắt buồn buồn; vì Thúy tin rằng Duy ghé nhà chỉ vì Toàn chứ không phải vì nàng!


Sau khi rời nhà Thúy, Duy cảm thấy buồn và tự ái như bị tổn thương. Buồn một lúc, Duy chợt cười thầm cho thái độ quá tự tin của Hà. Duy nghĩ có lẽ Hà chưa biết “anh Quý nào đó” là một đối thủ rất “nặng ký” cho cả Hà và Duy. Với cõi lòng buồn rười rượi, Duy sang đường Yersin, lang thang đến đường Duy Tân rồi đón xích lô về tàu. 


Tối đó, HQ 115 nhận được công điện khẩn từ Bộ Tư Lệnh Hạm Đội: HQ 115 phải rời Cầu Đá ngay để đảm nhận vùng công tác mới. Lúc này Duy mới tự trách tại sao chàng quá vụng về, không xin địa chỉ của Thúy để viết thư. 


Không ngờ, sau chuyến hải hành đó, Duy được thuyên chuyển về giang đoàn. 


Bao nhiêu năm qua, mối tình đơn phương tưởng đã yên nghỉ trong vùng kỷ niệm; nhưng mấy hôm nay, mái tóc dài và nhân dáng dịu dàng của cô giáo khiến Duy nhớ đến Thúy rất nhiều.

Chiều 29 Tết, sau khi đoàn chiến đỉnh ủi bãi, Duy lang thang dọc bờ sông thuộc quận Gò Quau, tỉnh Chương Thiện. Tự dưng cảm thấy buồn buồn, Duy bước vào hiệu sách duy nhất trong quận, với dụng ý tìm mua bản nhạc Vaya Con Dios để nhớ lại người xưa.

Vừa lật từng bản nhạc trong xấp nhạc dày cộm Duy vừa cảm biết như có người vừa bước vào. Duy nghe giọng Huế “lai”:

- Lực ơi! Báo hôm ni về chưa, em?

- Dạ, thưa cô giáo, báo chưa về; vì đường bị Việt cộng đắp mô ở Phụng Hiệp.

Nghe hai tiếng “cô giáo” Duy xoay nhìn ra cửa. Duy hơi sửng sốt, tưởng như chàng nhìn nhầm; nhưng kìa, Thúy đang đứng đó, tròn mắt ngạc nhiên khi thấy chàng. Không nén được vui mừng, Duy bước đến: 

- Cô Thúy! Xin lỗi, có phải cô là cô Thúy, ở Nha Trang không ạ?

Thúy cười, giọng đầy xúc động: 

- Anh Duy! 

- Cô còn nhớ tên tôi sao, cô Thúy?

Thúy cúi mặt, cười bẻn lẻn, thầm nghĩ: “Làm sao quên được”. Duy cũng hơi lúng túng, hỏi một câu không đúng với ý chàng:

- Anh Toàn vẫn khỏe chứ, cô Thúy?

- Dạ, cảm ơn anh. Anh Toàn cũng rứa thôi. Còn anh, anh làm chi ở đây?

Duy chỉ đoàn giang đỉnh, đáp:

- Bây giờ tôi là “lính sông” chứ không còn là “lính biển” nữa.

- A, giang đoàn nớ là … “của anh”; rứa mấy hôm ni đi ngang hoài mà Thúy có biết mô. 

- Nếu biết tôi ở giang đoàn này Thúy có muốn ghé thăm tôi không?

- Dạ, ghé chứ. Anh Toàn cứ nhắc anh hoài. Thúy cũng muốn gặp lại anh để hỏi xem Thúy có làm chi anh giận hay không mà bỗng dưng anh biệt tăm?

Nhận thấy Thúy tỏ ra bặt thiệp, dạn dĩ chứ không nhút nhát và thầm lặng như trước, Duy nhìn nàng, dò xét:

- Bây giờ gặp lại tôi rồi, Thúy có muốn hỏi tôi câu ấy nữa hay không?

Thúy cúi mặt thẹn thùng trong khi Duy lén nhìn vào ngón tay áp út nơi bàn tay trái của nàng. Một thoáng thôi, Duy hỏi lơ chuyện khác:

- Tại sao Thúy lại về dạy nơi vùng heo hút này?

- Anh cũng biết rằng Thúy mang một chút nghệ sĩ tính trong dòng máu. Nghệ sĩ thường có những cái “ngông” rất dễ thương, anh đồng ý không? 

Duy lúng túng chưa kịp trả lời, Thúy đã liết nhanh bàn tay trái của Duy rồi tiếp:

- Thúy nghĩ có lẽ anh không đồng ý.

Duy nhìn Thúy, cười, lòng thầm nhũ “Bất cứ điều chi em nói, điều chi em làm anh cũng đồng ý cả”. Như hiểu được ý nghĩa nụ cười của Duy, Thúy nhìn đồng hồ tay, bảo:

- Chiều rồi, Thúy phải về kẻo chú thiếm trông. Khi mô anh rãnh, mời anh ghé nhà chú thiếm của Thúy thăm cho biết. Chào anh.

Vừa nói Thúy vừa bước ra cửa. Duy bước vội theo: 

- Tôi đến bây giờ, được không, Thúy? 

Thúy nhìn Duy, vừa cười vừa chầm chậm bước đi. Duy bước theo. Cả hai im lặng đi bên nhau dọc bờ sông. Một lúc sau Duy hỏi:

- Những người bạn hồi đó, bây giờ ra sao, Thúy?

- Anh muốn biết về nhân vật nào?

Duy không thể dối lòng:

- Anh Quý.

Thúy cười. Duy tiếp:

- Tại sao Thúy lại cười? Câu hỏi của tôi vụng quá, phải không?

- Dạ, không phải. Thúy cười vì Thúy đã nghĩ anh sẽ hỏi một câu tương tự như rứa.

- Tại sao Thúy lại nghĩ như thế?

- Tại răng thì anh biết rồi! 

Cả hai cùng cười. Đi được vài bước, Duy lại không muốn bỏ qua đề tài “Cây Cổ Thụ”:

- Anh Quý chắc ra trường rồi, phải không, Thúy?

- Dạ. Anh ấy phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù.

- Còn anh Toàn, anh ấy đã xin sang Quân Y chưa?

- Dạ, anh Toàn sang Quân Y lâu rồi.

- Bao giờ Thúy trở thành “bà bác sĩ” nhớ mời tôi với, nhé!

Nhớ lại lần Duy đến nhà, Duy bảo Duy muốn đến rủ Toàn đi biển chứ không phải vì nàng, Thúy hờn mát:

- Anh tưởng mọi cô gái đều lóa mắt trước mảnh bằng bác sĩ cả sao? Anh nhầm ngay từ đầu. Anh xem thường Thúy…

Duy hoảng, không ngờ Thúy hiểu lầm về sự nói dối của chàng ngày trước, vội cắt lời Thúy:

- Thúy! Tôi vô tình nói đùa, Thúy đừng giận. Lúc nào tôi cũng quý Thúy và không bao giờ tôi có ý xem thường Thúy đâu. 

Im lặng.  Chỉ một thoáng thôi, Duy tiếp:

- Thúy còn giận tôi, phải không? 

- Dạ, mô có. 

Thúy dừng bước, nhìn Duy, tiếp:

- Anh nhớ khi nãy em nói với anh về cái “ngông” của nghệ sĩ không?

- Vâng.

- Anh Quý tội nghiệp lắm! Chuyện của anh Quý và em không thành, anh Quý chẳng hề buồn anh Toàn hay trách em. Đã vậy, lúc gặp anh Hà cùng đơn vị, anh Quý tận tình chăm sóc anh Hà khi anh Hà bị thương. Anh Hà bảo anh Quý lo lắng, giúp đỡ anh Hà mọi điều. Nhưng, vì chiến trận ác liệt quá, trực thăng không đáp được…

Thúy dừng lại, đôi mắt ửng đỏ như sắp khóc. Duy bồn chồn:

- Rồi anh Hà… làm sao? 

- Dạ, anh Hà bị tàn phế! 

- Ồ!…

Cả hai cùng im lặng cho bớt xót xa. Duy thầm đoán, có lẽ Hà là người thân trong gia đình chứ không phải là một trong những “cây si” của nàng. Một lúc sau, để xác định sự suy luận của mình, Duy hỏi:

- Anh Hà có bà con với Thúy, đúng không?

- Dạ không. Anh Hà là học trò cũ của Ba em. Trong nhà ai cũng thương anh Hà như thương anh Toàn rứa. Anh Hà để ý mấy “cây si” của em kỷ lắm; bởi rứa mấy chàng “lang bang” không dám làm quen với em mô. 

Hiểu rõ sự việc, lại nghe Thúy lúc thì xưng tên, khi thì xưng em, Duy khẽ than:

- Trời! Chỉ tại cái công điện khẩn mà tý xíu nữa…

Duy muốn nói “tý xíu nữa anh mất em” nhưng dừng lại kịp. Thúy ngạc nhiên:

- Công điện khẩn chi rứa, anh Duy?

- Vì công điện khẩn, HQ 115 phải cấp tốc rời Cầu Đá cho nên anh không đủ thì giờ từ giã Thúy.

- Ô, rứa mà em có biết mô, cứ nghĩ là em vụng về chi đó nên anh giận.

Duy lập lại câu hỏi lúc nãy bằng giọng tha thiết:

- Thúy ơi! Trả lời giùm anh đi. Tại sao Thúy lại xin về dạy nơi đèo heo hút gió này?

Thúy cúi mặt một chốc mới đủ can đảm đáp:

- Lúc học sư phạm, Thúy gặp anh Huấn – sĩ quan đệ tam của HQ 115 khi trước. Thúy hỏi thăm anh. Anh Huấn bảo anh đổi đi giang đoàn, nhưng anh Huấn không nhớ giang đoàn nào. Anh Huấn chỉ giải thích rằng hầu hết các giang đoàn đều phục vụ tại vùng IV Chiến Thuật…

Thúy dừng lại, nhìn Duy, dò xét. Duy cũng nhìn nàng một cách thiết tha và thốt lên khe khẽ “Thúy”! Cả hai đều im lặng. Nhưng hai tâm hồn đang rộn ràng vui, vì đã tìm lại được Tình Yêu. 

Bỗng dưng Duy giật mình, vừa lục nhanh mấy túi áo tìm cuốn sổ tay vừa nói:

- Đây, đây, ghi địa chỉ của Thúy vào đây cho anh ngay; nếu không, rủi anh nhận được công điện khẩn nữa thì chắc anh… “nhảy dù” quá! 

Thúy cười, mặt đỏ bừng, lòng cảm thấy thương sự vô-duyên-đáng-yêu của Duy vô cùng!

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

(1) hoangsaparacels.blogspot.com & Văn Bút Nam Hoa Kỳ.

(2) Internet.

(3) Reader’s Digest.

(4) Của Luis Mariano.