2021/03/14

 Tháng Ba Chút Nhớ

Tháng Ba một chút biển khơi
Mênh mông sóng nhẹ nước trời xanh mơ
Gợi lên nỗi nhớ xa lơ
Không gian ngàn dặm, mịt mờ thời gian

Tháng Ba một chút ngỡ ngàng
Tôi như lãng tử lên đàng rong chơi
Hà Tiên là một góc trời
Biên cương có núi, biển mời thám thăm

Tháng Ba một chút băn khoăn
Nên đi nên ở nhọc nhằn nghĩ suy
Dù thương mến có lắm khi
Nhưng đến rồi cũng phải đi chuyện thường
Tháng Ba này...chút vấn vương
Bất chợt nhảy múa yêu thương quấy rầy
Gọi vần gọi điệu giải vây
Cho hồn tôi được sum vầy vùng xưa!

Anh Tú
14 Tháng 3, 2021
Thấy Sơn Rái nhớ Hà Tiên/Tặng My Nguyễn



2021/03/13

IGUAZU FALLS RELAXATION 4K 1HR 

Dynamic Ambient Nature Film with Music for Healing & Stress Relief

2021/03/12

ĐỨA CON TỪ “LÁN” TÙ

Cho phi cơ lượn vài vòng trên không trung, Dinh cảm thấy vui hẳn lên với cảm giác được hoàn toàn tự do. Nhìn xuống, thấy đồng ruộng xanh ngát, tự dưng một giòng nhạc khởi lên trong lòng, Dinh hát theo điệu Valse Lente: 

“Làng tôi yêu mến có lũy tre đầm ấm, 

khoát bóng lên lều tranh… 

Tình quê hương ấy mỗi lúc sương chiều rơi, 

quyến luyến dâng đầy vơi tâm hồn tôi.” (1) 

Lời ca khiến Dinh nhớ những chiều theo đoàn tù trở về trại, nhìn về phương Nam, Dinh cũng “ngân nga” những câu hát này cho vơi bớt nỗi niềm. Đang hát, Dinh chợt giật mình, vì chàng là sĩ quan Nhảy Dù chứ không phải sĩ quan Không Quân – thế mà tại sao chàng có thể lái máy bay? Vừa khi đó, nhận ra kim chỉ nhiên liệu xuống đến chữ E, Dinh vội vàng cho phi cơ đáp khẩn cấp.

Trời tối dần. Nhiều người tò mò kéo đến. Dinh cho nhóm người biết rằng phi cơ hết xăng, Dinh cần mua xăng. Nhóm người này bảo: Ở đây xăng chỉ dùng cho công xa chuyển vũ khí đi “B”. Thấy quân phục của Dinh nhiều người kéo đến, nhìn Dinh bằng đôi mắt sôi sục căm thù.

Nghe hai tiếng “đi B” rồi thấy ánh mắt căm thù, Dinh hãi sợ, bỏ chạy. Nhóm người đuổi theo. Nhiều âm thanh hãi hùng vang lên: 

-Ngụy trốn trại! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!

Nhóm người vừa đuổi theo vừa lượm đá quăng về phía Dinh. Dinh trúng thương, ngã xuống.

Khi tỉnh giậy, trong nhiều tiếng lao xao/mơ hồ, Dinh nhận ra tiếng Duy, con lớn của chàng, quát đứa em:

-Dục! Xem ổng còn thở không?

Dinh muốn đáp: “Ba không sao đâu”, nhưng nói không được! Trong khi Duy và Dục bế Dinh để lên giường, Dinh cố nhớ lại giấc mơ. Dinh tự hỏi, tại sao những lần trốn trại và những trận đòn thù xưa cứ ám ảnh chàng hoài? Dinh muốn lấy điện thoại, gọi cho Huyền – chị của Dinh, ở Mỹ – nhưng Dinh không thấy được gì cả!

Trên taxi, sau khi bảo tài xế lái đến bệnh viện Đồng Nai, Duy than:

-Mẹ bà nó! Đây rồi ổng nằm một đống, đái ỉa một chỗ, ai lo được, Trời!

-Ông là anh cả, trưởng nam, ông phải lo chớ ông tính “bán cái” hả?

-Mẹ! Con c. tao chứ trưởng nam. Cũng vì hai chữ trưởng nam mà năm 75 ổng không chịu di tản; vì ông bà già của ổng không chịu đi. Mẹ bà nó! Ngoại trừ sĩ quan cấp nhỏ như ông Bảng – em của Dinh – ở tù ngắn hạn, Mỹ không nhận; còn ai ra tù cũng nạp hồ sơ xin đi Mỹ, mà ổng không nộp; vì bà già của ổng chỉ muốn ở với trưởng nam chứ không chịu ở với ông Bảng.

-Bởi vậy tui với ông mới bốc cứt mà ăn.

Dinh muốn gào lên: “Ba không xin đi diện H.O. vì bà Nội chỉ một phần; lý do chính là vì hai con đều trên 21 tuổi, không được chấp thuận. Lúc đó, chỉ vì thương bà Nội và thương hai con – và cũng vì Ba không biết được rằng Ba cứ qua Mỹ, từ từ Ba sẽ bảo lãnh bà Nội và hai con sang sau – mà Ba không đành đi Mỹ một mình. Ba đã quyết định sai; nhưng sự sai lầm đó là do tình thương mà ra.” nhưng Dinh không nói được! Dinh vừa đau xót, vừa tủi thân, vừa giận hai thằng con thiếu giáo dục!

Đây không phải là lần đầu tiên Dinh nhận ra sự thiếu giáo dục ở thế hệ trẻ. Ngay từ khi được ra tù, trên chuyến xe lửa về Nam, Dinh rất buồn lòng vì nhận thấy ngôn từ và hành động của người trẻ trên xe lửa cũng như tại ga xe lửa, đều khó chấp nhận. Về đến nhà, thấy Duy và Dục cũng ứng xử như những người trẻ vô học, Dinh rầy. Duy đáp: 

-Thời buổi này kiếm hột cơm đổ vô họng còn chưa có, ở đó mà lễ nghĩa/đạo đức!

-Con nên nhớ, ông bà mình dạy rằng: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” 

-Lời ông bà, xưa rồi! Lời cách mạng là tiền. Tiền! Tiền! 

-Con nói chuyện với Ba mà tại sao con dùng những lời thiếu giáo dục vậy?

-Có ai giáo dục tui đâu mà thiếu với đủ? 

Dinh nghẹn lời! Từ đó, Dinh cố tình tránh mọi va chạm với hai con.

Lòng buồn vô hạn, nhưng khi nhận biết Duy và Dục, mỗi đứa một đầu, cố sức khiêng Dinh vào nhà thương, Dinh lại cảm thấy thương con vô vàn. Dinh muốn khóc nhưng khóc cũng không được, rồi Dinh từ từ lịm vào hôn mê.

Nghe giọng Bảng lay gọi, Dinh tỉnh lại và nghe tiếng Duy:

-Dục! Mày ở đây với ông Bảng, tính gì cho ổng thì tính; tao về lục hình của ổng, đem đi phóng lớn để lo hậu sự cho ổng.

Dinh muốn gào lên:“Con ơi! Ba chưa chết, con ơi!” nhưng nói không được! Bảng nạt Duy:

-Hậu sự cái gì? Để tao “điện” qua cho cô mày.

Duy mỉa mai:

-Bệnh của ổng như vậy tiền núi cũng chữa không lành nói gì xin bà Huyền. Mỗi lần xin bả cho có vài trăm đô chớ mấy!

Bảng im lặng, bấm số. Hay tin Dinh bị stroke Huyền khóc nức nở. Sau khi cơn xúc động dịu xuống, Huyền hỏi:

-Hiện tại bác sĩ đang làm gì cho anh Dinh?

-Bác sĩ nói trễ quá, không làm gì được. Họ cho ảnh ra phòng ngoài, nằm chung với mọi người rồi.

-Trời! Tình trạng của Dinh như vậy tại sao họ không cho nằm ở phòng hồi sinh?

-Em đâu biết.

-Tìm bác sĩ, yêu cầu bác sĩ trực tiếp nói chuyện với chị, nhanh đi.

Bảng “dạ”. Một chốc sau, Huyền nghe giọng Bảng văng vẳng: 

-Chị tôi mới là người có khả năng thanh toán “viện phí”. Bác sĩ không nói chuyện với chị tôi thì tôi với hai thằng này là ba mạng cùi chứ làm sao tụi tôi trả được.

Nghe giọng lạ “Allo”, Huyền hỏi:

-Thưa, có phải bác sĩ là người đã khám nghiệm cho em tôi, Trần Dinh, không ạ?

-Vâng.

-Thưa, theo bác sĩ thì em tôi có khoảng bao nhiêu phần trăm hy vọng sống sót?

-Một phần trăm. Nhưng bệnh viện này không đủ phương tiện để giúp ông Dinh.

-Thế thì bác sĩ làm ơn chỉ cho tôi bệnh viện nào có thể cứu em tôi?

-Nếu có phương tiện tài chánh, bà nên đưa ông Dinh đến bệnh viện Chợ Rẫy.

-Thưa, nhờ bác sĩ giúp bằng cách cho một xe hồng thập tự đưa em tôi đến Chợ Rẫy, được không ạ?

Một thoáng chần chừ. Huyền tiếp:

-Thưa bác sĩ, người em kế của Dinh là Bảng, người mà lúc nãy đã yêu cầu bác sĩ nói chuyện với tôi đó. Bảng sẽ làm giấy cam kết với bệnh viện rằng Bảng và tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả mọi phí tổn mà bệnh viện đã cung cấp cho Dinh.

-Vâng, nếu thế thì không gì trở ngại.

-Cảm ơn bác sĩ.

Trao điện thoại lại cho Bảng, bác sĩ bảo:

-Xong, anh vào gặp tôi ngay.

Sau khi “đăng ký” cho Dinh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Bảng bảo Duy và Dục ở lại trông chừng Dinh, Bảng đến ngân hàng nhận tiền Huyền gửi về bằng Moneygramme; nhưng Bảng không cho Duy và Dục biết.

Khi trở lại bệnh viện, Bảng thấy Dinh đã được đưa ra phòng ngoài. Thấy Dinh nằm cùng giường, ngược đầu với một bệnh nhân khác, Bảng trách:

-Duy, Dục! Sao hai đứa mày không xin cho Ba tụi bay nằm riêng một giường mà để ổng nằm hửi cẳng người ta, tội quá vậy?

Duy đáp như Dinh là người xa lạ:

-Ổng nằm đây không lâu đâu mà lo.

-Mày nói cái gì, mày nói lại tao nghe?

-Thì bác sĩ ở đây cũng nói giống bác sĩ ở Đồng Nai chứ khác gì đâu. Ông không cho tui về rửa ảnh lo hậu sự cho ổng thì tui “điện” cho vợ tui, biểu vợ tui lục hình, đem đi rửa lớn, mua nhan đèn sẵn, thì cũng vậy thôi.

Những lời đối đáp của Duy và Bảng khiến Dinh chỉ muốn chết ngay tức thì! Bảng bảo Duy và Dục ở lại trông chừng Dinh, Bảng phải về Đồng Nai để thanh toán “viện phí”.

Bảng vừa rời bệnh viện thì y tá vào phòng, hỏi:

-Có ai tên Trần Duy ở đây không?

-Có. Tui.

Người đàn ông phía sau người y tá bước đến gần Duy:

-Ba mày tên gì?

-Trần Dinh.

-Mày có người bà con nào bên Mỹ không?

-Có. Chị của Ba tui.

-Bà ấy tên gì?

-Trần thị Huyền.

Vừa nói người này vừa ra dấu cho Duy bước ra sân:

-Bà Huyền emailed thông báo bệnh trạng của ông Dinh cho những người cùng khóa Sĩ Quan Thủ Đức với ông Dinh. Nhóm người này góp được một số tiền; anh tôi “điện về”, bảo tôi ứng trước số tiền đó để giúp ông Dinh.

Sau khi nhận tiền, Duy vào phòng bệnh, bảo Dục trông chừng Dinh, Duy phải đi gấp. Duy đến những chốn ăn chơi mà lúc nào Duy cũng mơ ước.

Hôm sau Bảng trở lại gặp lúc Duy đang xin bác sĩ cho Dinh xuất viện. Bảng cản:

-Không được. Bệnh của Ba mày như vậy mà mày đem ổng về nhà để ổng chết hả?

Duy muốn đem Dinh về vì Duy nghĩ tình trạng của Dinh, nếu sống được thì cũng chỉ báo đời thôi; càng để Dinh nằm bệnh viện lâu bao nhiêu thì “viện phí” càng tăng bấy nhiêu. Số tiền mà những cựu Sĩ Quan Thủ Đức gửi về biếu Dinh, tối hôm qua Duy “đi thoải mái” “chỉ tốn gần hai trăm đô chớ mấy”! Duy dự tính trả tiền nhà thương khoảng hai, ba trăm nữa, số tiền còn lại Duy sẽ mua một “quần bò” thật “xịn” để tặng con nhỏ làm ở quán bia ôm mà Duy thích. Nhưng Duy lại đáp khác:

-Đem ổng về có gì vợ tui lo giúp để tui còn đi làm ăn chứ bộ tui ở trong này để vợ con tui chết đói sao?

-Thì mày với thằng Dục thay phiên nhau ở đây.

-Ông đâu có bưng cứt đổ đái cho ổng. Ông đâu có ở đây để hửi mùi hôi/mùi thúi và nghe người bệnh rên la cả đêm.

Duy vừa dứt câu, bác sĩ bước vào. Bảng xoay sang bác sĩ:

-Xin lỗi bác sĩ, chị tôi bên Mỹ “điện” về, bảo tôi nhờ bác sĩ giúp cho anh tôi được nằm một phòng riêng.

-Ở đây không bệnh viện nào có tiêu chuẫn như thế.

-Cùng lắm thì xin bác sĩ cho anh tôi nằm một mình một giường. Bác sĩ giúp giùm, chị tôi không quên ơn bác sĩ.

Câu cuối Bảng nói chỉ vừa đủ cho bác sĩ nghe; và cũng chính câu cuối cùng của Bảng khiến bác sĩ gật đầu:

-Vâng. Tôi có thể giúp anh điều đó.

Bác sĩ rời phòng. Bảng hỏi Duy:

-Thằng Dục đâu?

-Nó cũng lo đi làm ăn chớ bộ nó ở đây lo ôm xác ổng sao!

-Mày ăn nói mất dạy. Ngày nào Ba mày có quyền có chức thì Mẹ con mày “dựa hơi”; khi Ba mày đi tù, Mẹ mày lấy cán bộ, giao hai đứa mày cho Bà Nội mày nuôi. Bây giờ Ba mày trong tình cảnh này thì hai đứa mày chỉ mong cho ổng chết nhanh, phải không? Chờ đó, tao gọi cho cô mày.

-Gọi cho bả làm “đe.” gì! Mẹ bà nó, cho nhỏ giọt, “đe.” thèm nhắc tên bả nữa!

Không muốn đối đáp với đứa mất dạy, Bảng bấm số điện thoại. Sau khi nghe Bảng trình bày, Huyền bảo:

-Bảng mở speakerphone, để gần tai bên phải của anh Dinh. Bảng cầm tay phải của anh Dinh và cố để ý phản ứng của anh Dinh.

Khi Bảng báo cho Huyền biết mọi điều đã xong, Huyền vừa khóc vừa nói rất chậm:

-Dinh ơi! Chị đây. Nếu chị nói gì mà Dinh nghe và hiểu được thì Dinh bóp tay Bảng, nha!

Tiếng Bảng reo lên:

- Đó, đó, ảnh bóp tay em.

Những người thăm nuôi và bệnh nhân nhẹ cùng phòng đều tò mò vây quanh giường của Dinh. Huyền tiếp:

-Dinh biết ai nắm tay Dinh không?

Nhiều tiếng reo lên: 

-Ối Giời! Ông ấy biết đấy.

Huyền tiếp:

-Mấy anh Thủ Đức bên này và bên Úc chung lời cầu nguyện cho Dinh. Dinh gắng vượt qua, nha!

Bảng không kềm được xúc động:

-Anh Dinh nghe và biết hết, chị à!

Cuộc điện đàm vừa đến đây thì phải ngưng; vì người nằm cùng giường với Dinh phải chuyển sang nằm chung với bệnh nhân khác. Và một bệnh nhân trẻ, tên Diên, bị băng nơi chân, được đưa vào, nằm nơi góc phòng.

Duy và Dục ra ngoài ăn tối. Bảng tìm vị bác sĩ – mà lúc nãy Bảng yêu cầu ông ấy giúp cho Dinh được nằm riêng một giường – để “trả ơn”, như Bảng đã hứa. Sau đó, Bảng tìm nhân viên trực, tặng họ tiền; vì kinh nghiệm cho Bảng biết rằng nếu không có thủ tục “đầu tiên” thì đêm hôm Dinh có bề gì nhân viên trực sẽ không báo cho bác sĩ.

Trên đường trở lại phòng bệnh, Bảng thấy một nhân dáng rất quen đang hối hả đi về phòng bệnh. Nhìn kỹ, Bảng nhận ra đó là Trang, vợ cũ của Dinh. Bảng gọi:

-Chị Trang!

Trang quay lại:

-Ủa, chú làm gì ở đây?

-Em cũng muốn hỏi chị câu đó.

-Con của tôi bị tai nạn xe gắn máy, đưa vào đây. Tôi từ Long An, nghe tin vội lên thăm cháu. Còn chú?

Sau khi nghe Bảng kể qua bệnh trạng của Dinh, Trang khóc. Bảng nói:

-Chị với anh Dinh hết duyên hết nợ thì thôi; chỉ tội nghiệp cho anh Dinh là nếu anh Dinh bị xúc động mạnh trong tình trạng này thì anh ấy sẽ khó qua. Em yêu cầu chị là chị cố gắng đừng cho anh Dinh biết có sự hiện diện của chị trong phòng bệnh.

-Chú cho tôi thăm cháu xem tình trạng của cháu như thế nào rồi tôi sẽ liên lạc với chú.

-Chị ghi số điện thoại của em đi. À, chị cũng phải lánh mặt thằng Duy với thằng Dục nữa, nha! Hai thằng đó mất dạy lắm!

Trang vừa ghi số điện thoại vừa hỏi:

-Anh Dinh và Duy, Dục hiện sống ở đâu, chú?

-Vẫn ở kinh tế mới…

Bảng chưa dứt câu, Trang chợt nghe giọng Tâm, chồng của nàng:

-Ôi Giời, Trang! Em đến sao không vào thăm con ngay mà lại ở đấy? Còn mấy đứa kia đâu, sao em không đưa các con đến thăm anh nó?

 

******

Vừa đẩy chiếc xe lăn có Dinh ngồi bên trong, Bảng vừa nói:

-Anh em mình ra nghĩa trang thăm mộ, cúng tạ Ba Má và mấy em xong, mình trở về để người ta làm vật lý trị liệu cho anh, nhen!

-Bảng cúng chứ anh đâu lạy được.

-Thì anh ra với em cho “dzui”.

Đến bên nghĩa trang nho nhỏ của gia đình, Bảng xoay xe lăn về hướng đường mòn, hỏi:

-Anh Dinh! Nhìn xem bà nào mà trông quen quá vậy?

Dinh nhìn ra đường mòn, hơi ngờ ngợ, không tin vào mắt chàng. Trang đến gần, lấy nón xuống, nhìn Dinh. Dinh gằn giọng:

-Cô còn gặp tôi để làm gì?

-Em biết em có lỗi với anh nhiều lắm. Nhưng anh nên cho em nói với anh những điều cần nói; nhỡ mai này chúng ta không thể gặp lại nhau.

-Gặp lại để làm gì?

-Anh cho em thố lộ với anh một lần, chỉ một lần thôi. 

-Vâng. Cô muốn nói gì, nói đi.

Bảng lẻn đi về. Trang ngồi lên phiến đá nhỏ:

-Những lời của em không phải là những lời chạy tội mà chính là nỗi thống khổ của vợ một tù cải tạo.

-Chuyện cải tạo/cải tiết, xưa rồi, đừng nhắc nữa!

-Vâng. Em sẽ tôn trọng yêu cầu của anh. Ngược lại em cũng yêu cầu anh cho em được nhắc lại chỉ một chi tiết thôi.

-Chi tiết nào?

-Anh nhớ lần em đến trại Yên Bái thăm anh không?

Dinh gật đầu. Trang tiếp:

-Anh còn nhớ là hôm đó anh quyết liệt từ chối, không muốn nghỉ qua đêm với em trong “lán” cạnh cổng trại hay không?

Làm thế nào Dinh có thể quên được. Trước khi Trang được phép thăm nuôi, Dinh đã cố gắng thuyết phục bạn tù thực hiện những buổi văn nghệ đặc sắc. Dinh giả vờ hăng say, vui thích vừa đàn vừa hát những nhạc phẩm sặc mùi “cách mạng”. Dinh thực hiện mọi phương thức để tạo niềm tin nơi ban quảng giáo – chỉ với mục đích sẽ tìm cơ hội vượt ngục. 

Sự thay đổi thái độ của Dinh làm bạn tù bất mãn bao nhiêu thì ban quảng giáo lại hài lòng bấy nhiêu. Nhờ sự hài lòng này, khi Trang ra thăm, ban quảng giáo cho Dinh một đặc ân là Dinh được ở lại “lán” với vợ một đêm. Dinh cương quyết từ chối. Nhưng…Trang tiếp:

-Chính em là người đã khóc và năn nỉ anh; vì em thương anh, em nhớ anh, em chỉ muốn được ôm anh trong vòng tay.

-Nhắc lại để làm gì?

-Em chỉ muốn anh biết sự thật.

-Sự thật gì? Cô lấy chồng cán bộ, tôi mừng cho cô.

-Anh đừng tàn nhẫn với em.

-Ai tàn nhẫn với ai?

-Anh Dinh! Anh phải biết rõ nguyên do trước khi anh phán xét.

-Rồi, Mẹ con cô nghèo khổ, vì trước 75 tôi là một sĩ quan sạch. Cô lấy cán bộ vì cô chịu cực không được. Còn gì nữa?

-Còn một đứa con – kết quả của hôm anh nghỉ qua đêm tại “lán”, với em – mà anh không biết, anh ơi!

-Tôi vừa về nhà sau thời gian quá dài nằm nhà thương, cô đừng đày đọa tâm hồn tôi nữa!.

Trang đứng lên, đổi giọng:

-Tôi sẽ trở lại trong vài phút.

Trang trở lại với Diên. Thấy Diên, Dinh ngạc nhiên đến sửng sờ! Diên có đôi mắt buồn buồn của Dục và đôi chân mày rậm, sóng mũi cao, cái cằm nhòn nhọn của Duy. Trang bảo Diên chào “Bác”. Diên chào. Dinh đưa tay phải ra. Diên lễ phép bắt tay Diên và miệng hơi mỉm cười. Ôi! Nụ cười của Diên sao lại y như nụ cười mà ngày xưa Dinh thường thấy mỗi khi Dinh soi gương! Trang bảo:

-Con ra tiệm bi-da chơi, chờ Mẹ một tý nữa thôi.

Diên lại chào Dinh một lần nữa rồi đi. Trang hỏi:

-Anh nghĩ gì?

-Thú thật với cô tôi không hiểu tôi nghĩ gì!

-Sau lần đi thăm nuôi anh ở Yên Bái, em không “to be”. Em vừa phải chống chọi với những cơn nôn mửa từng ngày, vừa chịu đựng những lời chửi rủa thậm tệ của Má anh và vừa suy nghĩ xem có nên cho mọi người biết sự thật hay là phá thai? Em không thể phá thai, vì em đạo Thiên Chúa. Cuối cùng em cho Má anh biết sự thật. Má anh lý luận: Ba anh cũng tù cải tạo, khi Ba anh chết Má anh còn không biết tin chứ đừng nói đến chuyện Ba anh được phép nghỉ qua đêm với Má anh. Chú Bảng là sĩ quan cấp nhỏ, cũng bị tù mà thiếm Bảng không được ở lại qua đêm; còn anh là một sĩ quan cao cấp, em là “cái thớ” gì mà được ở qua đêm với anh? Má anh than với mọi người rằng em đã lấy Tâm – một cán bộ thường theo tán tỉnh em mà quanh xóm ai cũng biết. Anh Dinh! Em có thể chịu cực nhưng em không thể chịu nhục.

-Má tôi mất lâu rồi, nên để Má tôi yên.

-Em không đổ lỗi cho Má anh. Em chỉ trình bày sự việc.

-Rồi, cô bất mãn Má tôi, cô đi. Nhưng tại sao cô lại bỏ Duy và Dục cho Má tôi nuôi?

-Sau 75, gia đình bên anh sa sút như thế nào thì gia đình bên em cũng vậy. Nhưng ít ra, bên anh còn có chị Huyền giúp đỡ. Em nghĩ, Duy và Dục ở lại, trước nhất là hai con có được miếng ăn; hai nữa là hai con có thể đỡ đần Má anh những lúc Má anh cần. Thứ ba là em không biết Tâm đã biết tin em có thai hay chưa? Nếu Tâm biết em có thai, chưa chắc Tâm chịu lấy em. Nếu Tâm không lấy em thì làm thế nào em nuôi được cả ba đứa con? Anh tưởng em không đứt ruột khi phải xa hai con hay sao? 

Trang mũi lòng, khóc. Một lúc lâu lắm, Dinh hỏi:

-Chồng cô có biết chuyện của Diên không?

-Dạ, không. Sau khi em lấy Tâm, em năn nỉ Tâm xin thuyên chuyển thật xa để chôn vùi quá khứ. Khi sinh Diên em cho tiền bác sĩ và y tá, yêu cầu họ xác nhận Diên bị sinh thiếu tháng.

-Hiện tại Diên làm gì?

-Dạ, Diên vừa tốt nghiệp đại học, ngành tin học.

-Tại sao mãi đến nay cô mới cho tôi biết sự thật về Diên?

-Nếu anh vẫn khỏe mạnh và nếu em không thấy anh trong trạng thái hôn mê lúc ở nhà thương thì có lẽ em sẽ không tiết lộ.

-Sự tiết lộ này có mục đích gì?

-Dạ, mục đích thứ nhất, em muốn minh oan với anh; nhưng em không xin anh tha thứ. Mục đích thứ nhì, em muốn hỏi ý kiến anh xem em có nên cho Diên biết sự thật hay không?

Sau một lúc nhíu mày suy nghĩ, Dinh đáp:

-Thôi, hãy để cuộc sống của Diên phẳng lặng và tươi đẹp như vậy.

-Em cảm ơn anh. Chiều rồi, em phải về.

-Vâng.

Tần ngần một lúc, Trang để tay lên vai Dinh:

-Anh cho em đẩy xe anh vào nhà, nha!

-Thôi, tôi tự lo được.

-Lúc trẻ, anh cùng em đi không trọn đoạn đường. Bây giờ già, anh cho em đi cùng anh một khoảng ngắn của đoạn đường còn lại, nha!

Khi Trang đẩy chiếc xe lăn của Thịnh đến lề quốc lộ, cạnh tiệm bi-da, Dinh ra dấu cho Trang dừng xe, rồi bảo:

- Cô vào bảo Diên ra đón xe về kẻo trễ.

Biết Dinh muốn thấy Diên một lần nữa, Trang quay đi.

Khi Diên chào, bắt tay từ giã Dinh, Dinh nhìn vào mắt Diên – chính lúc đó Dinh cảm nhận được niềm thương yêu vô bờ dâng ngập trái tim chai sạn của chàng. Dinh bịn rịn, không muốn rời tay Diên. 

Nhưng, Trang đưa tay đón, chiếc xe đò dừng lại.

Xe đò từ từ lăn bánh. Dinh nhìn theo chiếc xe với tất cả xót xa và thương cảm như những lần Dinh nhìn theo Trang sau mỗi lần nàng đến trại tù thăm nuôi chàng. Vừa khi đó, từ tâm thức buồn thảm của Dinh, giòng âm thanh xưa vọng về: 

“…Ôi! giòng nước mắt trong tim 

chảy lai láng vào hồn nửa đêm gọi đến mình… 

Giọt nước mắt thương em, theo vận nước điêu linh. 

Giọt nước mắt không tên, xin để lại Quê Hương…” (2)

Khi xe đò khuất xa, Dinh kín đáo thấm nước mắt rồi tự lăn chiếc xe dọc theo đoạn đường còn lại của chàng!

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

1.- Nguồn Mến Yêu của Hoàng Trọng

2.- Nước Mắt Cho Quê Hương của Trịnh Công Sơn


2021/03/06

    TỰ TRUYỆN CỦA TÍM


Một buổi chiều im vắng bên dòng sông Cái Lớn. Theo hướng gió mơn man trên rừng dừa nước, Tím đẩy mái chèo một cách khoan thai, nhẹ nhàng. Chiếc xuồng nhỏ rẻ nước, lặng lờ trôi ngang đồn Nghĩa Quân. Tiếng đàn và tiếng hát nghe văng vẳng xa xa. Khi xuồng đến gần, Tím thấy một người lính đang ôm “cây đàn số 8” – do trẻ em trong làng đặt tên; vì không đứa nào biết cây đàn này tên là Guitar mà chỉ thấy thùng đàn giống như số 8 – ngồi trên hầm chống pháo kích. Người lính cứ say sưa hát:

“… Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà

Gợn buồn nhìn anh em nói: ‘Thương anh!” (1)

Không thể nào Tím hiểu được ý nghĩa của lời ca. Nhưng giai điệu thiết tha, êm đềm của dòng nhạc cùng với âm thanh trầm trầm của “cây đàn số 8” và mấy tiếng “anh nhớ” và “thương anh” gieo vào lòng nàng thôn nữ – vừa qua tuổi dậy thì – nhiều ước mơ và mộng tưởng. Tím muốn “ủi” xuồng vào bờ để nghe “cho đả”; nhưng chợt nhớ, quanh đồn là khu vực quân sự, cấm lai vãng, Tím đành phải vừa chèo chầm chậm vừa lắng nghe. Bất ngờ người lính trên vọng gác chỉa súng xuống, nói lớn:

-Tránh xa! Đừng tới gần!

Tím giật mình, hơi hoảng sợ. Chợt nhớ, mỗi lần Việt cộng về làng thu thuế hoặc dọa nạt/dụ dỗ trẻ em và người làng đi theo quân “giải phóng”, Mẹ thường đem gạo/đường/cá khô, v.v… “ủng hộ” thì Việt cộng để gia đình Tím yên. Tím bắt chước Mẹ, cố nói lớn cho người lính gác nghe:

-Dạ, tui muốn biếu các anh mấy trái khóm ăn lấy thảo.

-Không được đâu. Tránh xa đi!

-“Xời”! Khóm ngọt như đường phèn …

Tím nói chưa dứt câu, chợt thấy người lính ngồi đàn trên hầm chống pháo kích ngưng đàn, ngẫng mặt, hỏi người lính trên vọng gác:

-Cái gì vậy, Lộc?

-Dạ, không có gì đâu, thiếu úy. Cô ấy muốn biếu mấy trái khóm mà em không nhận.

Quay sang, thấy khuôn mặt ngây thơ của Tím, thiếu úy nói:

-Cảm ơn em. Nếu em bán thì chúng tôi mua, trả tiền sòng phẳng; còn cho thì chúng tôi không nhận.

-Mỗi ngày xuồng của tui chở khóm ra Tắc Cậu bán sĩ; tui đâu biết mỗi trái giá bao nhiêu mà bây giờ thiếu úy biểu tui bán lẻ lại?

-Nếu em không bán thì chúng tôi không thể nhận khóm.

Tím chỉ tay về khóm cây ngoài vòng kẽm gai:

-Cho tui “tấp” xuồng vô chỗ bụi cây kia, tui đưa mấy trái khóm rồi thiếu úy cho tui “nhiu” thì cho.

-Vâng. Em tấp xuồng vô chỗ đó đi.

Thiếu úy dựa Guitar vào ụ đất rồi mở cổng đồn, đi về phía khóm cây. Tím ngẫng nhìn thiếu úy và thấy bảng tên Nguyễn Dân. Nhiều quân nhân tò mò đến gần Dân. Sau khi Tím lấy 5 trái khóm để lên bờ, Dân lục tất cả túi áo, túi quần lấy tiền ra rồi xòe tay lượng định xem số tiền đó có thể đủ trả cho 5 trái khóm hay không. Thái độ của Dân làm cho mấy anh lính cười rộ lên; rồi mọi người đều lục túi lấy tiền, trao cho Dân. Dân đến bên xuồng, căn dặn Tím:

-Đây là số tiền tượng trưng của chúng tôi để cảm ơn lòng tốt của em. Em cẩn thận. Lần sau, nếu chèo thuyền qua đây, em nhớ chèo xa xa một chút để tránh rủi ro.

Tím thiệt thà quá đổi:

-Dạ, tui biết mà. Nhưng lâu quá “hỏng” được nghe tân nhạc, chiều nay nghe thiếu úy hát bài gì hay “wá”, tui muốn nghe “cho đả” nên “tấp đại” gần bờ chút mà!

Nhóm lính trẻ lại cười rộ lên. Dân vừa trao tiền cho Tím vừa cười:

-Cảm ơn em. Em cầm tiền đi!

-Tui “hỏng” dám lấy tiền đâu, thiếu úy!

-Lúc nãy em đồng ý rồi. Nhớ không?

Tím thở dài, miễn cưỡng nhận tiền.

Về đến làng, chưa kịp “tấp” xuồng vào bờ, Tím đã thấy thằng Búng đang ngồi “chàng hãng” trên đất, vót cây. Thấy Tím đang cột xuồng vào cây cọc, Búng vội để rựa và cây nhọn xuống, vừa chạy đến bên Tím vừa bảo:

-Mày để tao cột cho. Tay mày yếu xìu, cột không chặt, rủi trời mưa, nước “dưng” cao, xuồng sút giây, trôi mất đó, mày!

Tím chưa kịp đáp, Cha của Tím từ trong nhà bước ra, bảo:

-Búng! Tao nói với mày mấy lần rồi; đừng chơi với con Tím nữa!

Búng hơi sừng sộ:

-Tui giúp nó chớ bộ tui … ăn thịt nó sao mà làm dữ vậy?

Cha của Tím bước đến, vừa giật sợi giây dừa từ tay Búng vừa nói:

-Tao cấm mày chơi với con Tím. Mày nghe chưa, Búng?

Búng quay đi với thái độ giận dữ. Tím im lặng theo Cha vô nhà, lòng thắc mắc, không hiểu tại sao Búng là bạn của Lắm – anh của Tím – mà Cha lại không thích Búng. Vừa vào nhà, Cha đóng nhanh cửa lại, hỏi:

-Tím! Có khi nào thằng Búng hỏi mày về thằng Lắm không?

-Dạ, hồi anh Lắm mới đi, nó hỏi một hai lần gì đó; rồi thôi.

-Mày trả lời sao?

-Thì con nói như Cha Mẹ dặn là ở đây khổ quá, anh Lắm trốn nhà đi bụi đời.

-Nó có hỏi gì nữa không?

Tím lắc đầu. Cha thở dài nhè nhẹ. Sự thật thì – dù có đồn Nghĩa Quân nơi ngã ba và Nghĩa Quân trong đồn thường đi phục kính ban đêm và đi tuần ban ngày – tình trạng an ninh trong làng cũng vẫn bất ổn. Vì, ban ngày Việt cộng trốn trong hầm, dưới mấy vườn khóm, các đơn vị Nghĩa Quân đi tuần, đi kích không thấy hoặc không biết được. Ban đêm Việt cộng chia ra từng nhóm nhỏ: Nhóm này ra tỉnh lộ đặt mìn để sáng xe đò chạy ngang, bị nổ, chết người, giao thông bị gián đoạn; nhóm kia vào làng bắt dân đóng thuế hoặc buộc dân làng “ủng hộ” bất cứ thứ gì; nhóm khác chiêu dụ hoặc cưỡng bức trẻ em đi theo “giải phóng” để làm “anh hùng”; nhóm khác nữa lo đặt mìn trong lòng sông để tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị nổ, chìm, v.v… Vì muốn Lắm có tương lai và cũng vì lo ngại Lắm sẽ bị Búng dụ dỗ theo Việt cộng, Cha Mẹ của Lắm lén cho Lắm qua Rạch Giá, ở nhờ nhà người Chú để đi học. Khi rảnh và cuối tuần Lắm đi chài lưới với Chú. Nhưng nếu ai hỏi về sự vắng mặt của Lắm, gia đình đều bảo là Lắm trốn đâu “mất biệt”, có lẽ theo du đảng.

Dân làng vừa hết thắc mắc về Lắm thì bắt đầu chú ý đến lời nói và hành động hơi là lạ của Búng; vì thấy Búng thường chặt cây, vót nhọn như là làm bàn chông để bẩy thú vật và đôi khi Búng vắng nhà cả tuần; nhưng vì sợ Việt cộng và Búng trả thù, không ai dám nói ra. Đó là lý do Cha Mẹ của Tím rất lo lắng khi thấy Búng cứ “rà rà” muốn kết thân với Tím.

Sáng sớm hôm sau, đang sắp khóm vào xuồng, Tím thấy toán lính Cộng Hòa đi kích về, bước hàng một dọc theo “lộ đất” cạnh bờ sông, hướng về đồn Nghĩa Quân. Bất ngờ một giọng reo vui:

-Cô ơi! Có phải cô là người hôm qua “ủi” xuồng vô đồn, cho tụi tôi khóm hay không?

Dừng tay, nhìn toán lính, nhận ra anh Nghĩa Quân gác trên vọng gác chiều hôm qua, Tím cười:

-Dạ, em đó, anh Lộc! Thấy mấy anh, em nhớ anh Lắm của em “wá” hà!

-Anh Lắm cũng đi lính Cộng Hòa, phải không?

-Ảnh chưa tới 18 tuổi, là “con trai một” mà đi lính “cái nỗi gì”, anh!

Một anh lính vừa chuyền khóm hộ cho Tím vừa nói:

-Mấy “cha” sao không phụ chất khóm lên xuồng giúp người ta mà đứng đó?

Thế là nhóm lính chuyền khóm lên xuồng cho Tím. Vừa khi đó, Dân cùng với nhóm lính khác đến, hỏi:

-Tụi mày làm gì đây?

-Công tác dân vận, thiếu úy!

Hai tiếng thiếu úy làm Tím quay vội về phía nhóm lính mới đến. Nhận ra Dân, Tím chào:

-Dạ, chào thiếu úy.

-Gọi tôi bằng anh thôi. Em cỡ tuổi với nhỏ em của tôi mà. Em tên gì?

-Dạ, tui tên Tím. Em của thiếu…ý “wên”, của anh, chắc còn đi học, phải không?

-Vâng. Còn Tím, sau giờ buôn bán có đi học hay không?

-Mèng ơi! Trường cứ bị “tụi ôn dịch” – tiếng lóng dân làng dùng để chỉ Việt cộng – về phá sập và hăm dọa thầy cô giáo hoài; không ai dám dạy. Mấy năm nay, con nít trong làng cũng như tui, đâu có trường, đâu có ai dạy mà học!

Lời nói thật thà, mộc mạc và khuôn mặt xinh xinh của Tím làm Dân nhớ cô em lâu ngày chàng chưa về thăm. Chút tình cảm này khiến Dân nói không kịp suy nghĩ:

-Nếu có người dạy, em có muốn học hay không?

- Dạ, học chớ – mà ai thèm bỏ thì giờ dạy tui, Trời!

-Hồi đó em học lớp mấy?

-Dạ, lớp bốn.

-Tôi nghĩ nhiều anh em trong đồn có thể dạy kèm cho em.

-Dạ, dạy kèm là dạy cái gì?

Nhóm lính chưa kịp cười, chợt nhận ra ánh mắt nghiêm khắc của Dân, đành im. Dân đáp:

-Là dạy thêm, dạy ngoài giờ học sinh đến trường.

-Dạ, Mẹ tui nói ai cũng “lấy dạ đong lúa chớ ai lấy dạ đong chữ”; vì vậy tui chỉ ước sao được học tiếng Anh để làm sở Mỹ, lấy tiền giúp Cha Mẹ thôi.

Thấy toán lính dừng chân hơi lâu, trẻ em trong làng tò mò, kéo nhau đến, đứng quanh. Trong khi Dân hơi khó nghĩ vì Tím chỉ muốn đi làm sở Mỹ thì Lộc nói:

-Nếu cô Tím muốn học tiếng Anh thì chỉ có “ông thầy tui” mới dạy được chứ tụi tôi “bù trớt”!

Tím cảm thấy lòng rộn ràng vui, nhìn Dân, cười. Thấy nụ cười rạng rỡ của Tím, Dân không nỡ cắt đứt niềm hy vọng của cô gái quê xinh đẹp:

-Vâng, tôi có thể giúp em học tiếng Anh. Nhưng ngày nào em cũng đi bán khóm, làm thế nào em có thì giờ để học?

-Dạ, sáng tui phụ với Mẹ bán nước mía ngoài chợ. Trưa tui chở khóm ra Tắc Cậu bán sĩ; mà khóm gần hết mùa rồi anh ơi!

Hai tiếng “anh ơi” “ngọt lịm” của Tím làm cho nhóm lính nhìn Dân, cười. Dân nghiêm giọng:

-Nếu vậy thì tôi sẽ soạn bài bằng tiếng Việt, chỉ dẫn cho em cách phát âm. Soạn xong, khi mấy anh lính đi chợ tôi nhờ mấy ảnh ghé xe nước mía trao bài cho em. Thỉnh thoảng, nếu có dịp, tôi sẽ dò bài cho em nơi xe nước mía. Em nghĩ sao?

-Dạ, mỗi tháng anh tính “nhiu”?

-Cái cô này! Không ai bắt em trả tiền đâu!

Tím chưa kịp mừng thì nhiều tiếng “ồ” vang lên nho nhỏ trong nhóm trẻ em. Một em bé chạy vào nhà Tím, reo vui:

-Câu Mợ ơi! Ra coi nè! Chị Tím được mấy “ông” lính Cộng Hòa dạy học “hỏng” lấy tiền nè!

******

Trong ánh đèn dầu leo lét, thấy Tím bậm bàn tay lại rồi vừa đọc vừa đưa từng ngón tay lên, đếm: One, two, three, four, v.v… Cha cười, hỏi:

-Tím! Mày học cái gì mà giống tụi con nít thường giấu tay sau lưng, nói “woảnh, tù, tỳ ra cái gì, ra cái này” vậy?

Tím chưa biết đáp lời Cha như thế nào, Mẹ lên tiếng:

-Ông này! Để con nó học; “chọc quê” nó chi vậy?

Cha chưa kịp đáp thì nghe tiếng súng rền vang, hướng đồn Nghĩa Quân. Bước vội ra cửa, nhìn về hướng đồn, thấy đạn hai bên đan chéo nhau, sáng rực cả một vùng, Cha quay vội vào, thét lên:

-Xuống hầm, lẹ lên! Mẹ! “Tụi ôn dịch” lại pháo kích vô đồn nữa rồi! Xuống hầm không thôi đạn lạc!

Cha giở nắp hầm. Mẹ khom người chui xuống. Vừa dợm chui theo Mẹ, Tím thấy ngọn đèn dầu chưa kịp tắt, vội quay lui để thổi cho đèn tắt cho khỏi hao dầu. Bất ngờ, Búng cùng hai người đàn ông lạ xông vào, chụp tay Tím, lôi đi, trước đôi mắt thất thần của Cha! Cha buông rơi nắp hầm, chạy theo kêu cứu. Nhưng nhà ai cũng đóng cửa “tối thui” trong khi Búng và hai “thằng ôn dịch” lôi Tím lên chiếc tắc ráng, “dông mất tiêu”! Bất chợt, Cha nghe tiếng máy tàu xa xa rồi đoàn giang đỉnh của Hải Quân VNCH đang hướng về phía đồn Nghĩa Quân. Cha “khóc ròng”: “Trời! Phải chi mấy ổng đến sớm hơn một chút thì cứu được con tui rồi!”

Riêng Mẹ, nghe miệng hầm sập “cái ầm” mà không thấy Cha và Tím chun xuống. Chờ một lúc cũng vẫn không thấy Cha và Tím, Mẹ mở nắp hầm, leo lên. Thấy Cha trong tư thế như người mất hồn, Mẹ nhìn quanh, không thấy Tím đâu cả. Mẹ gào lên:

-Con Tím đâu?

Lúc này Cha mới “hoàn hồn”, đáp:

-Thằng Búng dẫn hai thằng “ôn dịch” tới bắt nó đi rồi!

Mẹ quỵ xuống như trái mít ướt chín cây bị sút cùi!


******


Tiếng trực thăng từ xa vọng lại. Chỉ một chốc sau, ba chiếc đáp xuống nơi bãi đáp dã chiến, bên ngoài hàng rào kẽm gai của đồn Nghĩa Quân. Thiếu tá Quận trưởng, thiếu tá chỉ huy trưởng đoàn giang đỉnh, Dân và vài sĩ quan đến bãi đáp đón ông Tướng Vùng cùng phái đoàn đến thị sát chiến trường.

Người bị thương – không phân biệt Nghĩa Quân, vợ con của Nghĩa Quân hay là “tụi ôn dịch” – đều được đưa sang hai chiếc trực thăng. Đầy người, hai chiếc trực thăng rời vùng lửa đạn trong khi Dân hướng dẫn vị Tướng Vùng thị sát quanh đồn.

Theo sự hướng dẫn của Dân, vị Tướng Vùng và phái đoàn đi trên sự đổ nát toàn diện do nhiều đợt tấn công bằng chiến thuật “tiền pháo, hậu xung” và “xa luân chiến” của Việt cộng để lại. Vị Tướng thở dài khi thấy người lính Nghĩa Quân tiếp tục âm thầm đào xới, tìm kiếm hình hài không toàn vẹn của bạn hữu, của vợ con và của… kẻ thù!

Xác người và mảnh rời của thân người được để gần bờ sông, chờ người nhà xác nhận hoặc chờ phương tiện đưa về nguyên quán. Xác của “tụi ôn dịch” được khiêng để ngoài vòng kẽm gai, phía sau đồn, sẽ được chôn nơi vùng đất mà các “đồng chí” của họ đã nằm đó từ những trận công đồn trước đây.

Trong cảnh tận cùng của thê lương, không ai – ngay cả vợ con của các anh Nghĩa Quân – còn giọt nước mắt nào để biểu lộ niềm đau khổ của mình! Ngoài tiếng xào xạc của khóm tre, không ai có thể nghe được bất cứ tiếng động nào nơi bờ sông nhuộm máu này!

Sau khi tiễn vị Tướng Vùng cùng phái đoàn trở lại bãi đáp dã chiến, thiếu tá Quận trưởng, chỉ huy trưởng đoàn giang đỉnh và Dân đứng chờ trong khi vị Tướng Vùng và phái đoàn bước lên trực thăng. Trực thăng quay cánh quạt, vừa nâng thân tàu lên, thiếu tá Quận trưởng, chỉ huy trưởng đoàn giang đỉnh và Dân đưa tay phải lên, chào.

Trở lại đồn, sau một lúc bàn thảo, Dân cùng mọi người đi thẳng đến đoàn chiến đỉnh để về Quận họp hành quân, hoạch định kế sách thích ứng và biện pháp hữu hiệu hơn để tránh bớt tổn thất.

Chiều, từ Quận trở về, vừa từ chiếc Fom nhảy lên bờ, Dân thấy một người Nghĩa Quân bước vội đến, nói:

-Trình thiếu úy, cô Tím bị Việt cộng bắt đi tối hôm qua!

Dân trợn mắt:

-Thiệt không, mày?

-Cả làng đều biết! Bộ tui dám “giỡn mặt” với “ông thầy” sao?

Dân mím môi thật chặt. Sau khi người Nghĩa Quân quay đi, Dân nghẹn ngào nhìn ra dòng sông Cái Lớn, lòng xót xa tự hỏi, không biết giờ này Tím bị địch hành xử như thế nào? Tại sao một cô bé quê hiền lành, chất phát, thiệt thà như Tím mà cũng bị chúng nó “lôi” vào cuộc chiến một cách tàn bạo như thế?

Bất ngờ, từ radio trên một trong các chiến đỉnh, dòng nhạc quen thuộc văng vẳng trong ánh nắng chiều. Với cõi lòng tan tác như vết tích của chiến trận đêm qua còn vương vãi trong sân đồn, Dân chậm bước, lắng nghe. Đến đoạn cuối, Dân tưởng như ca sĩ đang tỏ bày nỗi niềm thiết tha của Dân âm thầm dành cho Tím:

“… Nhiều năm trời chẳng thương mình

Để anh thành kẻ bạc tình

Cầu xin cho mây về vui với gió

Dù có qua bao đắng cay

Muôn đời anh vẫn chờ em.” (2)

Đọc đến đây, Danny không thể đọc tiếp, vì quá xúc động! Cả một dĩ vãng hào hùng, khốn khó lẫn đau thương trong cuộc chiến bừng sống trong hồn chàng. Nhìn tên tác giả bài tự truyện, thấy chữ Tiffany Trần, Dân cố vận dụng trí nhớ xem trong số sinh viên ban Anh văn – do Dân giảng dạy tại Community College – cô nào tên là Tiffany Trần; nhưng không thể nhớ được.

Từ khi Hoa Kỳ có lệnh “cách ly” vì Covid-19, theo lệnh của tiểu bang, trường học đóng cửa. Học sinh, sinh viên học online. Giáo sư cũng dạy online. Để tạo nguồn cảm hứng cho sinh viên trong thời “Tàu dịch”, Dân đưa đề tài: “Hãy viết tự truyện về một phần đời của bạn”. Vì đa số sinh viên lớp Anh văn đều là người Á Đông và người Mễ, Dân đặc biệt cho phép sinh viên có thể chọn tiếng Việt hoặc tiếng Anh để diễn đạt ý tưởng của họ.

Trong những bài tự truyện của sinh viên Việt Nam, Dân nhận thấy, đa số sinh viên không thể phân biệt được trạng thái “cụ thể” và “trừu tượng”; do đó, họ dùng những từ ngữ rất khó chấp nhận và đặt không đúng vi thế, như: Tan chảy, cận nghèo, lâm sàn, trọn gói, thể hiện, điều khiển, v.v… Chỉ có Tự Truyện Của Tím là viết theo văn phong trong sáng – đượm chút mộc mạc, bình dị, rất dễ thương – của thời VNCH. Và cũng chỉ có Tự Truyện Của Tím mới đem đến cho chàng sự xúc động vô bờ như chính chàng đang bước từng bước trên vùng đất xưa.

Sự xúc động vừa lắng dịu, Danny “rà rà” “con chuột” vào hồ sơ, danh sách sinh viên để tìm điện thoại, địa chỉ của Tiffany Trần. Sau khi bấm số, nghe tiếng “allo” từ đầu giây bên kia, Danny nói tiếng Việt:

-Cho tôi được tiếp chuyện với Tiffany.

-Xin lỗi, ai đây?

-Tôi là thầy giáo Danny Nguyễn.

Nhận ra vị giáo sư Anh văn của trường Community College mà – sau khi vợ chồng thầy ly dị – nhiều nữ sinh viên Việt Nam sang đây du học đều cố “bẹo hình bẹo dạng” để chinh phục, chỉ với mục đích được ở lại Mỹ một cách hợp pháp, Tiffany hơi lúng túng:

-Dạ… dạ, thưa thầy, em là Tiffany.

Sau vài câu chào hỏi thông thường, Danny hỏi:

-Tiffany đang làm gì đó?

-Dạ, em đang theo dõi vụ chàng da đen George Floyd và các cuộc bạo loạn ở Mỹ.

-Tiffany nghĩ như thế nào về sự việc đó?

-Dạ, em nhớ người Anh có câu: “Two wrongs don’t make a right”.

-Tiffany chịu khó đọc sách và theo dõi thời sự. Tốt! Bây giờ tôi muốn hỏi Tiffany vài câu về bài Tự Truyện Của Tím, Tiffany có thể giúp tôi hay không?

-Trời! Thầy biểu cả lớp viết thì em viết chứ “sức mấy” mà em dám giúp thầy.

-Tôi chỉ muốn biết, làm thế nào Tiffany có thể biết được những chi tiết xảy ra trong đồn Nghĩa Quân sau đêm cô Tím bị Việt cộng bắt?

-Dạ, sau này gặp lại anh Lộc ở trại tỵ nạn bên Thái Lan, ảnh kể cho em nghe.

-Thì ra Tiffany là cô Tím. Đúng không?

-Dạ. Dạ, em.

-Làm thế nào Tím biết bài hát “Chờ Người” mà Tím đưa vào bài tự truyện?

-Dạ, anh Lộc kể rằng sau đêm đồn bị tấn công, thiếu úy Dân thường hát bài gì mà… “Chờ em chờ đến bao giờ…”. Em “để bụng” mấy chữ đó. Khi biết dùng iPhone em vô Google tìm thì thấy lời ca nguyên bài.

-Làm thế nào Tím biết được tâm trạng của thiếu úy Dân mà Tím viết?

-Dạ, em cứ “suy bụng ta ra bụng người”. Em nghĩ về ổng sao thì em cứ cho là ổng cũng nghĩ về em y vậy – như là niềm ước mơ vậy mà!

-Làm thế nào Tím thoát được bàn tay Việt cộng?

-Dạ, dễ “ẹc” hà, thầy! Sau thời gian ngắn, tạo được sự tin tưởng của “tụi ôn dịch”, “tụi nó” cho em đi theo mấy chiếc tác ráng để học cách làm giao liên. Một buổi chiều, chiếc tắc ráng chở em bất ngờ gặp đoàn tàu của Hải Quân VNCH từ sông Trèm Trẹm chạy ra. Em “nhảy đại” xuống sông, lặn thiệt sâu, thiệt lâu. Khi “hụt hơi” em trồi lên, bơi theo hai chiếc tàu nhỏ chạy sau cùng và được mấy ông Hải Quân vớt.

-Còn chiếc tắc ráng?

-Dạ, thấy tàu Hải Quân “tụi ôn dịch” “dông mất tiêu” chứ “sức mấy” mà dám “lạng wạng”!

-Ngã ba sông Cái Lớn và kinh Trèm Trẹm sâu lắm mà sao Tím dám nhảy xuống?

-Dạ, con nít miệt vườn như tụi em bơi như cá chứ “nhầm nhò” gì đâu!

-Làm thế nào Tím có thể trốn khỏi Việt Nam?

-Dạ, sau khi cứu được em, mấy ông Hải Quân đưa em qua Rạch Sỏi, nhắn anh Lắm vô Rạch Sỏi “nhận” em. Anh Lắm nhắn tin cho Cha Mẹ em biết chứ ảnh “hỏng” cho em trở lại làng xưa. Sau đó, ban ngày em phụ với Thiếm bán cá ở chợ Rạch Giá; ban đêm anh Lắm và em đi học Anh văn. Sau khi “tụi ôn dịch” cưỡng chiếm miền Nam, Chú Thiếm dùng “ghe nhà” đưa gia đình của Chú Thiếm, anh Lắm và em ra biển rồi qua Thái Lan.

-Tím đã tự cứu mình, tìm được cuộc sống mới mà còn đi học thêm. Giỏi lắm!

-Dạ, em đi học cho vui, vì em về hưu “non”, ở nhà một mình “buồn muốn chết”!

-Nếu vậy thì về hưu “non” để làm gì?

-Dạ, cuộc đời của em đã “bầm dập/nát nước”, không còn gì nữa! Sống được tới giờ là may rồi, bon chen cho lắm cũng “bù trất” thôi!

-Sao bi quan quá vậy? Hãy tìm vui bên con cháu. Đừng nghĩ bậy!

-“Mèng ơi!” Em có lấy chồng đâu mà có con, có cháu, thầy!

-Tại sao Tím không lập gia đình?

-Dạ, cuộc đời em “te tua” quá đổi! Hết bị Việt cộng “dần” thì tới hải tặc “dần”! Em chỉ là “cái xác không hồn” chứ còn gì đâu! Em đã tự phá thai hai lần; tưởng chết rồi! Từ đó, em triền miên sống trong sự dày vò và ân hận! Lấy ông nào mà em cứ bị những hình ảnh hãi hùng của “tụi ôn dịch”, tụi hải tặc và hai thai nhi vô tội dằn vặt thì chỉ tội nghiệp cho ông đó chứ ích lợi gì đâu, thầy!

Không thể đè nén tình cảm lâu hơn nữa, Danny nói:

-Tôi sẽ gặp Tím trong vòng một tiếng đồng hồ.

Với bản tính chất phát, thật thà, chưa bao giờ Tím nghi ngờ Danny Nguyễn chính là thiếu úy Nguyễn Dân; vì vậy, Tím rất bối rối:

-Dạ…dạ…chi vậy, thầy? Em có nói gì tầm bậy không? Thầy làm em lo “wá” hà!

Dân cười, lập lại câu nói của chàng rồi tắt điện thoại.

Cho xe chạy với tốc độ vừa phải, Dân vừa nghe GPS – Global Positioning System – chỉ đường vừa mở radio. Giọng nam đang trình bày tình khúc Just the Way You Are của Billy Joel. Dân vừa gật đầu nhè nhẹ vừa hát theo nho nhỏ:

“…I wouldn't leave you in times of trouble

We never could have come this far

I took the good times; I'll take the bad times

I'll take you just the way you are...”

Dân mỉm cười, vuốt mái tóc “muối” nhiều hơn “tiêu”, lòng lâng lâng trong niềm vui dịu dàng…


ĐIỆP  MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/


 1.- Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn.

2.- Chờ Người của Lam Phương


  DƯ HƯƠNG

*Ảnh: Thanh Nhã
(Biển chiều Phú Quốc)

Cho tôi quay lại thời xưa ấy
Những tháng ngày vui kỷ niệm đầy
Tìm chút dư hương chừng quên lãng
Xa lắc tầm tay, người có hay?

Gió sương tan tác mươi năm lẻ
Bao đóa hoa rơi nhuốm bụi mờ
Nửa vần thơ lạnh năm canh tẻ
Biết chẳng còn đâu...vẫn đợi chờ!

Chiều xuống lưng đồi thêm hoang vắng
Cánh chim về tổ ngút ngàn xa
Sầu vương lên mắt, vai càng nặng
Bóng nhỏ đơn côi bỗng nhạt nhòa!

Cho tôi trở lại ngày vui ấy
Tìm chút hương xưa giữa chốn này
Có con đò nhỏ còn neo bến
Có mảnh tình riêng, nỗi nhớ đầy!
My Nguyễn
30/5/2018

2021/03/02

TẢN MẠN VỀ LÁ 

-Lang thang nơi vắng vẻ là thú vui hàng đầu của tôi nên tôi thường tạo dịp để có được... thì nói gì khi tình cờ gặp là tôi chợp ngay cơ hội để đắm hồn trong không gian ấy.
Khi bước chân đến nơi lạ nào, tôi luôn tìm những công viên, đường đi bộ (trails), nhất là khu dành cho sự hoang dã mà hầu như địa phương nào tại Hoa Kỳ cũng có .
Dời chỗ ở đến thành phố Bridgeport này, nhà nằm trên con đường dẩn ra xa lộ nên xe cộ tấp nập 24/7 phát khiếp so với hai mươi năm trước ở trong đường cùn mỗi ngày chỉ vài xe qua lại, tôi lại càng thèm thanh tịnh hơn bao giờ hết. May mắn tìm ra Veteran’s Memorial Park cách nhà mươi phút đi bộ, mừng quá đổi nên ngày nào tôi cũng phải đến đây khi thời tiết cho phép!
Mùa Đông năm nay tuyết đổ trắng xóa, khá dày khắp khu ... "rừng", vâng cái Park này tôi xem như là khu rừng nho nhỏ của tôi, may là có nai nhưng không có cọp. Những hôm nhiệt độ lối 35 độ F (2 độ C) với gió nhẹ là chúng tôi đến Park để vui thú lang thang.
Tuyết dày dưới chân, cái lạnh lẽo bao quanh nhưng vì đã trui rèn trong mùa Đông vùng Bắc bán cầu gần 40 năm, may mắn còn tí ti sức khoẻ cộng với đa mê thú vui thiên nhiên là động cơ khiến tôi có thể ... liều mạng với tuyết.

-"Từng bước, từng bước thầm" vô cùng cẩn thận... trong khi cố gắng loại bỏ tạp niệm, hít thở không khí lạnh nhưng tuyệt đối trong lành, cảm giác bình an tràn ngập vào hồn.
Đừng tưởng chỉ có riêng tôi thích vào chốn này mà trái lại có rất nhiều người đồng điệu với tôi đấy nhé. Trên nền tuyết có những lối mòn khắp nơi, dấu chân người nện tuyết thành nước, nếu nhiệt độ xuống dưới 32 độ F hay 0 độ C thì những lối mòn này đóng băng sẽ vô cùng nguy hiểm.
Tránh nước và tránh trợt nên tôi chọn những chỗ có tuyết,  chợt thấy một chiếc lá, đúng hơn là phần "thịt " của lá đã mục rữa chỉ còn lại " xương lá" mà thôi. Thoáng nhanh trong trí hiện lại những ý tưởng liên quan về "thân phận" của lá mà bấy lâu hằng suy nghĩ, tôi không chần chờ đem bộ "xương lá" lên trên lớp tuyết và ghi ảnh. Diện tích khu Park này lối 3 km vuông đầy cây cối, lượng lá rơi xuống trong mỗi mùa thu không phải là ít, thế mà tôi tình cờ gặp được "xương lá" nguyên vẹn như thế chính là một cái duyên; có thể nào gọi đó là chiếc lá mùa Đông? Hình như cách gọi này không ổn rồi!

-Vào Xuân lá xanh tươi khắp nơi nhưng không mấy ai đề cập đến mà chỉ chăm chú vào trăm hoa đua nở. Tôi cũng vậy.

Vào Thu, lá lại được trân trọng, nhiếp ảnh gia bấm máy, thi văn sĩ ca tụng và tôi hơn một lần chụp những chiết lá sặc sỡ sắc màu.
Hơn hai mươi năm ở căn nhà cũ, mùa Thu nào tôi cũng vật lộn với lượng lá vàng phủ ngập sân trước sân sau nhưng thú thật, đổ nhiều mồ hôi dọn dẹp nhưng không cảm thấy "giận hờn" bao giờ với những lá Thu đáng yêu.


Gần nhà cũ có một con đường đi bộ, ngắn thôi nhưng nằm cạnh con rạch trong khu đất nho nhỏ, được dành cho sự giữ gìn hoang dã của thành phố Stamford, tôi có lần ghi ảnh một cánh lá Thu.
Mùa Thu năm qua, tôi đã chuyển về thành phố Bridgeport, không còn phải quét dọn lá Thu. Cảm thấy tương tư chuyện cũ.
Tôi thường đến Veterans Memorial Park của thành phố này và đã vui với mùa Thu thấy không kém phần thích thú. Chuyện "chợp ảnh" những cánh lá Thu chắc chắn là không thể thiếu rồi.


-Vâng, như ý tưởng của nhiều bạn bè, thân phận của những chiếc lá không khác nào thân phận của con người, và ngược lại.
Biết đâu những chiếc lá cũng đã sống với nỗi vui buồn như chúng ta theo dòng chảy của thiên nhiên,của tạo hóa?

Anh Tú
March 02, 2021

 

2021/02/28

Tùy bút

CHỈ CÒN LÀ KỶ NIỆM 

Để tưởng nhớ hai em – Nguyễn Phiêu Linh, Hồ Quang Trung – và kính tặng tất cả 

Cựu SVSQ/TB/TĐ khóa 6/68 và khóa 4/68-

 Dù ngày xưa bạn cùng lớp đã “xầm xì” rằng “hắn” hoạt động cho Việt Cộng, tôi cũng không tin; vì – với trí óc non nớt của một nữ sinh trung học cùng với bản tính ngay thẳng, lương thiện – tôi nghĩ, nếu “hắn” thích Việt Cộng thì “hắn” ở lại ngoài Bắc chứ “hắn” theo gia đình di cư vào Nam để làm gì!

Mấy mươi năm sau tôi mới biết, sau khi đỗ Tú Tài II, “hắn” được sang Pháp du học và hiện nay “hắn” đang giữ một chức vụ quan trọng trong guồng máy đầy ác tính của Cộng Sản Việt-Nam.

Nhìn hình của “hắn” và đọc bảng tin báo trong nước viết về “hắn”, tôi ngồi bất động. Những thành tích nội tuyến và phản chiến của “hắn”, ngày xưa,  và bằng cấp của “hắn”, hiện tại, không hiểu có chinh phục được ai hay không; nhưng đối với riêng tôi, tôi hoàn toàn không muốn bị nhận là người bạn xưa của “hắn” dưới mái trường Võ Tánh. 

Đối với tôi, từ ngày mới lớn cho đến bây giờ, khi nghĩ về nam giới, hình ảnh tôi ngưỡng phục nhất là chàng trai trong quân phục; và hình ảnh tôi yêu thích nhất là chàng trai với cây đàn.

Nhìn hình của “hắn” một lúc, tự dưng nước mắt của tôi nhạt nhòa mà tôi không hiểu nguyên nhân. Một lúc sau, qua màn nước mắt, tôi không thấy hình của “hắn” nữa nhưng tôi lại tưởng như tôi thấy được những người bạn ngày xưa cùng học trường Võ Tánh như: Đặng Hữu Thân, “dân B1”; Ngô Đắc Phú, Lưu Khương Đức “dân B4”; Võ Ấm, “dân B3”;  Nguyễn Đình Tân,  “dân B2” v. v… Trong những hình ảnh vừa hào hùng, vừa thân thương vừa bi thảm của những thanh niên miền Nam đã gục ngã trong cuộc chiến do Cộng Sản Việt-Nam chủ xướng, tôi nhận ra Chú của các con tôi: Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, xuất thân khóa 4/68 sĩ quan trừ bị Thủ-Đức.

Trung cao dong dõng, đẹp trai, tính tình hiền hòa, nhã nhặn và có ngón đàn Tây Ban Cầm rất nhuyễn. Khi nào về phép Trung cũng ghé thăm tôi. Thỉnh thoảng Trung ôm Guitar, “từng tưng” vài đoản khúc bán cổ điển cho tôi nghe. Đôi khi nghe Trung đàn những bản tôi thích, tôi cũng “la là la” và gật gù theo tiếng đàn. Tình khúc Trung thích nhất là Mấy Dậm Sơn Khê của Nguyễn Văn Đông. Tôi thường “ngân nga” theo và tôi đổi chủ từ cũng như túc từ để thích hợp cho tình cảnh giữa chị em tôi: “Em đến thăm, áo em mùi thuốc súng ngoài mưa khuya lê thê ... Em đến đây rồi em như bóng mây…Em hỡi em, đường xa vui đấu tranh, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” Vừa “nghêu ngao” hát vừa nhìn bộ quân phục hoa rừng của Trung tự dưng tôi cảm thấy nao nao trong lòng một niềm ray rức!

Trước khi trở lại đơn vị, Trung cũng thường ghé nhà từ giã tôi. Không thể giấu sự lo âu khi Trung bảo đơn vị của Trung sẽ được điều động về Bình-Long, An-Lộc, tôi khuyên: 

-Chú cẩn thận.

-Em không can chi mô. Chị đừng có lo. 

Nhìn dáng Trung xa dần, tôi chợt liên tưởng đến em tôi: Thiếu úy Pháo Binh Nguyễn Phiêu Linh, xuất thân khóa 6/68 Trường Bộ Binh Thủ-Đức, đang biệt phái cho mặt trận Đức-Lập. Tôi âm thầm cầu nguyện cho Trung và Linh.

Một sáng mùa Hạ năm 1972, chiếc Jeep dừng ngay trước nhà tôi rồi một quân nhân Biệt Động Quân đẩy cổng, bước vào, gõ cửa.

Tôi hơi mất bình tĩnh. Bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân bước vào. Tôi nhìn quân nhân này, run giọng: 

-Thiếu úy Trung… làm sao rồi, anh? 

-Thưa bà, thiếu úy Trung bị thương, đã được trực thăng đưa về bệnh viện dã chiến Vũng Tàu. 

-Dạ, cảm ơn anh. Tình trạng của chú Trung như thế nào ạ?

-Tôi không rõ lắm; vì tôi không có mặt khi đơn vị của thiếu úy Trung đụng trận và tôi cũng chưa đến bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.

Không kịp từ giã người đưa tin, tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vội lách người qua cửa để chạy vào báo tin cho Mạ (Mẹ) và Hà – vợ của Trung.

Mạ ngồi sững như pho tượng trong khi Hà khóc nức nở khiến hai đứa con của Trung cũng òa lên khóc. Vừa dỗ dành con Hà vừa khóc vừa lấy vài thứ cần dùng cho vào xách. Mạ ngạc nhiên: 

-Sửa soạn đi mô rứa?

Hà khóc lớn hơn: 

-Con đi thăm chồng con. 

Mạ ngăn lại: 

-Biết cái chi mà đòi đi. Để nhờ chị Hai hắn ra coi tình trạng hắn ra răng rồi tính.

Quay sang tôi, Mạ bảo: 

-Chao ôi! Thiệt là khổ! Anh Minh của hắn không có ở nhà, chừ con coi giúp Mạ được chi thì con giúp, nghe. Con quen ai bên Biệt Động Quân thì con xin cho hắn về hậu cứ chứ hắn bị thương mà hắn trở ra mặt trận Mạ sợ quá, con ơi!

Tại bệnh viện dã chiến, thấy mặt và tay chân của Trung vẫn nguyên vẹn, tôi thầm mừng. Tôi dặn Trung: 

-Chú chịu khó chờ. Mai tôi sẽ đưa các cháu đi Bến-Lức thăm anh Minh. Tôi sẽ hỏi anh Minh xem anh Minh quen ai bên Biệt Động Quân…

Tôi chưa dứt câu, Trung đã nhìn tôi, nghiêm nét mặt: 

-Chị đưa các cháu đi thăm anh Hai thì chị đưa; còn anh Hai quen ai bên Biệt Động Quân để làm chi, chị Hai?

Lần đầu tiên từ ngày làm vợ của Minh tôi mới nghe Trung nói chuyện với tôi một cách cứng rắn và nghiêm nghị như vậy. Tôi không quen nói dối: 

-Ý Mạ muốn xin cho chú về hậu cứ.

-Chị Hai! Em tình nguyện về Biệt Động Quân không phải với mục đích để làm việc tại văn phòng. Em có trách nhiệm, em có bổn phận, em có đơn vị của em.

-Chú giận tôi, phải không? Tôi xin lỗi.

Nét mặt của Trung dịu lại: 

-Đời mô em dám giận chị. Em chỉ hơi bực mình vì em đã không muốn cho Mạ, Hà và chị biết tin em bị thương; rứa mà đứa mô thày lay…

May quá, vì lúc sáng vội vàng, tôi không để ý tên người lính Biệt Động Quân đưa tin cho nên tôi không cảm thấy bị khó chịu vì không nói ra sự thật. Trung nhìn đồng hồ tay, tiếp: 

-Chiều rồi, chị nên đi về kẻo mấy cháu trông. 

Hôm sau, sau khi đưa các con đến Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức, tôi mới được sĩ quan trực cho biết Minh đi hành quân, chiều mới về. Như thường lệ, mỗi khi đến với đơn vị Hải-Quân, tôi thích thay y phục dân sự bằng quân phục thủy thủ. Vừa mang đôi ba-ta xong, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, tôi thấy chú tài xế của Minh. Chú ấy nói: 

-Cô cho em đưa mấy đứa nhỏ ra bãi đáp trực thăng đón Chỉ Huy Trưởng, nha, cô.

Tôi chưa biết đáp như thế nào thì nghe tiếng bốn đứa con của tôi – ngồi sẵn trên xe Jeep – reo lên: 

-Măng! Măng! Cho tụi con đi đón Ba, nhen, măng!

Tôi chỉ biết cười, vẫy tay rồi đóng cửa lại.

Chỉ một chốc sau, tôi nghe tiếng xe thắng “két” rồi cửa phòng mở toanh và con gái lớn của tôi hớt hãi chạy vào: 

-Măng! Măng! Trực thăng… rớt rồi!

Tôi hoảng hốt chạy vội ra cửa thì thấy chú tài xế đang ôm ba đứa con của tôi như thể trấn an. Và, tôi thấy, từ khắp mọi nẽo đường của Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức mọi người chạy ùa về hướng cầu tàu. Tôi chạy theo dòng người, bỏ mặc các con tôi.

Tiếng xe hồng thập tự từ ngoài cổng gác vọng vào. Mọi người rẻ sang hai bên, nhường lối. Xe cứu thương từ từ “de” lui về hướng bờ sông. Một chiếc ghe câu cặp bến. Vì đứng xa, tôi không thể thấy được những người trong lòng ghe. Mỗi khi chiếc băng-ca khiêng một người – không phải là Minh – đi ngang, tôi cảm thấy như tôi sắp quỵ xuống; vì tôi ngại Minh đã chết hoặc mất tích trong dòng sông sâu. Trong khi tôi tưởng như sự chịu đựng trong tôi đã cạn kiệt thì bỗng dưng, từ bờ sông, một anh thủy thủ vừa vội vàng chạy về phía tôi vừa reo lên: 

-Cô ơi, cô! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi!

Vài người quay nhìn tôi rồi dạt ra hai bên, tránh lối cho tôi. Tôi bước ra vừa khi chiếc băng-ca có Minh nằm bên trong được khiêng về hướng chiếc xe cứu thương. Tôi chạy theo, thấy máu nhuộm ướt mặt Minh. Khi xe cứu thương rồ máy, tôi tự động leo vào. Nhìn lui, tôi thấy chú tài xế của Minh chở các con tôi chạy theo.

Trên chuyến trực thăng tải thương từ bệnh viện Long An về quân y viện Cộng Hòa, tôi tự hỏi không hiểu trái tim của Mạ còn đủ chỗ để chấp nhận thêm tin Minh bị thương hay không! 

Sau khi y tá đưa Minh vào phòng Điện Tuyến, tôi thấy một bác sĩ đi về phía tôi. Tôi vui khi nhận ra đó là bác sĩ Vĩnh. Sau vài câu thăm hỏi về gia đình, Vĩnh hỏi tôi nguyên do nào Minh bị thương nặng như vậy. Tôi thầm ngạc nhiên vì Vĩnh tỏ ra bặc thiệp và nói nhiều hơn xưa. Tôi bảo Minh bị rớt trực thăng. Vĩnh tròn mắt: 

-Hải-Quân mà lại bị rớt trực thăng?

-Dạ, anh ấy đi thanh tra những điểm đỗ quân.

-Minh làm gì mà đi thanh tra? 

-Dạ, anh ấy là chỉ huy trưởng Liên Đoàn I Ngăn Chận kiêm chỉ huy trưởng một đơn vị Đặc Nhiệm của Lực Lượng Tuần Thám.

-Bỏ đàn bỏ hát để nghiên cứu về Hải-Quân hay sao mà biết nhiều quá vậy?

Tôi cười gượng, chưa kịp đáp thì thấy chú tài xế của Minh vừa đưa các con của tôi từ Bến Lức về tới. Tôi cáo từ Vĩnh để ra xe với các con tôi. 

Tôi nhờ chú tài đưa các con tôi về nhà, nhờ bà giúp việc lo cho các cháu. Trước khi xe nổ máy, tôi chợt nhớ, vội dặn chú tài đừng cho Mạ biết tin Minh bị thương, ngại Mạ lo. Xoay sang các con, tôi cũng dặn như vậy. Các cháu ngạc nhiên: 

-Măng biểu tụi con không được nói láo mà!

 Hơi lúng túng một lúc tôi mới tìm ra giải pháp: 

-Thôi, được rồi. Mấy con không được vô nhà bà Nội. Khi nào bà Nội hoặc các cô chú hoặc thiếm Trung ghé nhà mình thì mấy con phải chạy ngay lên lầu, không được gặp bà Nội, thiếm Trung hoặc các cô chú. Chịu chưa?

Nét mặt của các con tôi tiu nghỉu, buồn xo.

Suốt thời gian dài thăm nuôi Minh, tôi vẫn chưa cho Minh biết tin Trung bị thương. Và tôi cũng không có thời gian để ra Vũng-Tàu thăm Trung. 

Một hôm, đang sửa soạn các thứ cần dùng để đem lên bệnh viện Cộng Hòa cho Minh, tôi thấy Trung bước vào nhà. Tôi ngạc nhiên. Trung bảo bác sĩ cho Trung xuất viện và Trung từ chối mấy ngày phép dưỡng thương; vì đơn vị của Trung bị “tụi hắn quần thảo liên miên!” Nhận ra nét ái ngại của tôi, Trung – trong quân phục Biệt Động Quân, giày trận, mũ nâu – đứng thẳng, cụp hai chân trong thế nghiêm rồi ưỡng ngực, bảo: 

-Em ‘ngon lành’ như ri mà chị lo cái chi? 

Tôi cười rồi cho Trung biết Minh bị thương. Trung ngồi lặng yên, nhíu mày suy nghĩ rất lâu rồi bảo: 

-Chị Hai! Em chỉ đủ thì giờ ghé thăm Mạ/thăm chị và vợ con em rồi em phải trở ra đơn vị ngay. Em không thể ghé thăm anh Hai.”

 Nói xong Trung vội vàng từ giã tôi.

Tiễn Trung ra cổng, nhìn chiếc mũ nâu của Trung chập chờn, khi ẩn khi hiện trong dòng người, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện hòa lẫn với nỗi lo âu trong lòng tôi!

Niềm lo âu trong tôi về sự trở lại chiến trường Bình-Long của Trung cũng không khác mấy so với sự ái ngại của tôi khi biết Minh – sau khi xuất viện và nghỉ bảy ngày phép dưỡng thương – được lệnh phục vụ trên Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải, HQ 2, để thực tập làm Hạm Trưởng; vì tôi hiểu Minh chịu sóng không được!

Trong thời gian âu lo cho Trung và Minh, tôi quên bẳng Nguyễn Phiêu Linh. Như để nhắc nhở sự vô tình của tôi, một nhân viên truyền tin từ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân đến nhà, đưa tin: 

-Thưa bà! Ông Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Ty Nội An thị xã Cam-Ranh, nhờ Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh chuyển tin đến bà là thiếu úy Nguyễn Phiêu Linh đã mất tích ở mặt trận Đức-Lập!

Tôi há hóc mồm, nhìn sững người đưa tin, không thốt được một lời! 

Sau một thoáng khủng hoảng tinh thần, tôi quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tác. Tôi cứ thành tâm cầu nguyện Phật Bà mỗi ngày, mỗi đêm. Như một sự linh nghiệm từ Phật Bà, khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện tín của Ba tôi: “Linh bị Việt Cộng bắt. Linh đã vượt thoát về trình diện đơn vị.” Tôi lại quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật, âm thầm tạ ơn Phật Bà.

Thời gian này – mùa Hè năm 1972 – Vùng I, Vùng II và Vùng III Chiến Thuật chìm trong khói lửa, vì những trận tấn công quy mô và ác liệt của Việt Cộng. Chỉ có Vùng IV tương đối bình yên.

Theo dõi tin tức qua báo chí/radio/TV, tôi rất lo âu cho Trung và Linh. Vì đơn vị của Linh thuộc Vùng III chiến thuật; đơn vị của Trung lại gần vị trí của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng. Theo dõi tin tức, biết Bình Long – An Lộc mỗi ngày phải “nhận” không biết bao nhiêu ngàn quả đại pháo của Việt Cộng, tôi xốn xang và âu lo cho người em chồng mà tôi thương như em ruột của tôi!

Rồi một sáng sớm, chiếc Jeep dừng trước nhà, một quân nhân mặc quân phục Biệt Động Quân bước vào. Như linh cảm được điều gì đó, tôi run quá, đứng xa xa để bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân nhìn tôi: 

-Thưa, bà có phải là bà Minh không ạ?

Nhìn nét mặt nghiêm và đôi mắt của anh Biệt Động Quân như ẩn chứa điều gì rất khó tả, tôi cảm biết rằng tôi không thể đứng vững được, cho nên, tôi dựa vào tường, vừa bước dần về ghế xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân vừa gật đầu. Như nhận biết sự xúc động tột cùng của tôi, anh Biệt Động Quân đến bên tôi: 

-Bà bình tĩnh. Bà ngồi vào xa-lông đi. 

Vừa ngồi vào xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân, môi tôi run và trệ xuống như sắp khóc, tôi hỏi từng tiếng: 

-Thiếu úy Trung tử trận rồi, phải không?

Anh Biệt Động Quân đứng im, cúi mặt…

Tiếng xe Jeep rồ máy khiến tôi choàng tĩnh. Tôi hiểu rằng tôi phải bình tĩnh/phải dồn tối đa nghị lực để giúp Mạ và Hà vượt qua cơn đau này! Tôi biết, nếu, ngay giờ phút này, tôi vào cho Mạ và Hà hay tin Trung tử trận thì không thể nào tôi đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì cho Trung khi quang tài của Trung được đưa về! Tôi quyết định sẽ tin cho Mạ và Hà biết sau khi tôi lo xong vài việc quan trọng cho Trung. 

Tôi sang Bộ Tư Lệnh Hải-Quân, nhờ trung tâm Truyền Tin thông báo cho HQ 2: “Em ruột của Hải-Quân trung tá Hồ Quang Minh là thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung đã tử trận tại Bình-Long”. Sau đó tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm xin nghi thức tụng niệm và nơi quàng quang tài của Trung. Và tôi ghé nhà người anh của Cố thiếu úy Võ Ấm. Anh này là chánh văn phòng của một nhân vật đầy uy quyền. Tôi nhờ anh xin cho Trung một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Trên những đoạn đường lo việc hậu sự cho Trung, trong tâm tôi đã sắp sẵn một bài viết về Trung. 

Nếu trên đời, trong địa hạc văn chương, có điều gì tôi hối tiếc nhất, thì đó là bài tôi viết cho Hồ Quang Trung, đăng trên báo Tia Sáng, mà nay tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”…

… Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng buồn thảm, chợt điện thoại reng, đưa tôi trở về hiện tại. Tôi “Allo”. Từ đầu giây bên kia, giọng nam, nói tiếng Anh:

- Chúc mừng ngày của Mẹ.

Tôi cũng đáp bằng tiếng Anh

- Cảm ơn. Xin lỗi, ai đây?

- Tôi là người bị bà dọa gọi cảnh sát bắt đây.

Tôi giật mình, nhớ lại cách nay vài hôm, trong buổi chiều đi bộ tập thể dục, điện thoại cầm tay của tôi reng hoài mà khi mở ra, “allo”, thì không ai trả lời. Nghĩ rằng có người phá cho nên tôi bực mình, nói tiếng Anh: “Làm ơn đừng gọi số này nữa. Nếu gọi một lần nữa, tôi sẽ lấy số điện thoại của bạn rồi tôi sẽ thưa cảnh sát.” Tôi đáp:

-Vâng, tôi có nói như vậy; vì tôi không biết ông là ai mà cứ gọi phá tôi nhiều lần.

Đầu giây bên kia phát âm tiếng Việt:

-Tại điện thoại của tôi bị trục trặc chứ ai phá …bà làm chi.

Tiếng “bà” và giọng Huế khiến tôi nhận ra đây là Toàn, tác giả nhiều tác phẩm tình cảm xã hội và nhiều thước phim chiến trường. Toàn cũng là bạn thân của Minh từ xưa. Toàn cũng biết tôi từ khi tôi còn học trung học. Ngày xưa Toàn dạy tại trường Cường Để cho nên tôi gọi Toàn bằng “thầy”; sang Mỹ Toàn học lại và tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa. Tôi cười:

-Dạ thưa Thầy.

-Sao? Thằng bạn già của tôi sao rồi?

- Dạ, ổng dạo này sướng lắm Thầy ơi! Người ta “sáng vác ô đi, tối vác về”; còn ổng thì sáng xách xe đi, tối xách xe về.

- Còn bà, đang làm gì đó?

- Dạ, em đang đọc tin tức về Việt-Nam.

- Bà có gì lạ không?

- Dạ, em sắp đi Cali. Còn Thầy đang ở đâu?

- Tôi đang ở D.C. thăm con và lo vài chuyện, ba tuần nữa mới về Cali. Bà đi Cali. có việc gì?

- Dạ, em tham dự Hội Ngộ của khóa 6/68 sĩ quan Thủ-Đức.

- Bà có liên hệ gì với Trường Bộ-Binh Thủ-Đức?

- Dạ, Nguyễn Phiêu Linh, em của em, bị động viên vào khóa 6/68. Thầy nhớ Linh không, thưa Thầy?

- Nhớ chứ sao không. Cái thằng ốm ốm, “ông Già bà Già” bắt nó theo canh chừng bà hoài đó chứ gì.

- Dạ. Linh không còn nữa!

- Biết rồi. Chừng nào bà đi? Cho biết ngày, tôi sẽ bay về Cali. đón bà.

- Dạ, cảm ơn Thầy nhưng gia đình khóa 6/68 lo cho em rồi.

Toàn nghiêm giọng:

- Ngày xưa bà theo Hải-Quân, bà … bỏ tôi. Bây giờ bà theo Bộ-Binh, bà bỏ tôi!

- Chết! Chết! Thầy ơi! Em đâu có là gì của Thầy mà Thầy bảo em bỏ Thầy?

- Giận quá! Tức quá thì nói rứa đó! Tội nghiệp cho Cô Lượng của tôi! Cô cứ bảo “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho”. Chao ôi! Cô nuôi cách chi mà sẩy mất tiêu!

- Thôi, Thầy ơi! Đừng trách em nữa. Thầy đàn và hát cho em nghe đi, Thầy.

- Yêu cầu tôi đàn hát thì tôi đàn hát cho mà nghe; hứa là không báo cảnh sát bắt tôi, nghe chưa?

Tôi cười. Tiếng Piano tạo nên dòng Tango rộn ràng, vui tươi. Tôi nhận ra Toàn đang đàn Tiếng Đàn Tôi của Phạm Duy. Dạo hết phân đoạn đầu, Toàn bắt vào: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt…Vì cuộc tình đã chết một đêm nao…Mênh mông lả lơi, lạnh lùng em đã rời tôi…Khoan, khoan hò ơi! Lệ sầu rụng xuống đàn tôi!” Không hiểu Toàn vô tình hay cố ý khi hát bài này, nhưng lời ca khiến tôi cảm thấy buồn buồn.

Toàn chuyển qua một tình khúc êm dịu: “Memories, pressed between the pages of my mind. Memories, sweetened thru the ages just like wine…”(1) 

Theo dòng nhạc và tiếng hát ngọt ngào của Toàn, hình ảnh của Linh chờn vờn trong tầm mắt tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mờ sương, Linh và tôi đi bộ từ đường Phan Đình Phùng băng qua vườn rau cải để đến trường Domaine de Marie, trên đường Hai Bà Trưng, Dalat. Tôi không quên được những “trận đụng độ” giữa các hội tuyển nổi tiếng, Ba tôi thường cho tôi và Linh đi theo, vào sân vận động xem đá banh, để thấy Ba tôi phỏng vấn các cầu thủ danh tiếng – nhất là thủ môn Rạng – để viết tường thuật cho báo Đuốc Thiêng. Nhờ vậy, tôi biết chút ít về nghệ thuật và quy luật đá banh. Cũng nhờ vậy, vào những dịp đội banh trường Võ Tánh đấu với đội banh trường khác, tôi thấy Linh có những cú “sút” rất “thần kỳ”, chàng giữ “gôn” đỡ không nỗi! Một “vai trò” mà Linh rất ghét, là – theo “lệnh” của Ba Má tôi – Linh phải giả vờ đi ra đi vô phòng khách thường xuyên mỗi khi có chàng nào đến nhà thăm tôi để “nghe ngóng” xem chàng nào có lời lẽ hoặc thái độ không đứng đắng đối với tôi thì mách cho Ba Má tôi. Có lẽ Linh ít hợp với Toàn; vì lúc Toàn quen với tôi tại nhà thầy Lượng thì tôi chỉ mới học đệ Lục hoặc đệ Ngũ và Linh học sau tôi cho nên biết Toàn là giáo sư, Linh ngại. Linh gọi Toàn bằng Thầy; tôi cũng gọi Toàn bằng Thầy. Dạo đó, vì tôi còn là trẻ con cho nên Cô của Toàn – vợ thầy Lượng dạy Pháp văn và cũng là Mẹ của bạn tôi – cứ đùa: “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho.” Linh và Minh rất hợp vì cả hai đều thích đá banh và đều có cú “sút” “ngàn cân”. Linh nói với Ba Má tôi nhận xét của Linh về sinh viên quân y Vĩnh: “Khi nào anh Vĩnh tới, Ba Má khỏi cần bắt con ‘do thám’; vì anh Vĩnh chỉ ngồi nhìn chị Hai rồi cười chứ anh Vĩnh có nói tiếng nào đâu!” Khi thụ huấn tại quân trường Thủ-Đức, Linh và Trung trở thành đôi bạn thân.

Vừa nhớ đến đây, tôi chợt nhận ra Toàn đã hát trở lại phân đoạn đầu. Đến phân đoạn thứ hai, lời ca làm tôi xúc động, bùi ngùi: “…Quiet thought come floating down and settle softly to the ground like golden autumn leaves around my feet. I touched them and they burst apart with sweet memories…”(2) Tiếng hát của Toàn vẫn thiết tha, trầm ấm nhưng suối nguồn thương nhớ Linh và Trung cứ cuồn cuộn dâng cao trong lòng tôi.

Nhìn bầu trời trong xanh của một sáng mùa Hạ, tôi tưởng như tôi thấy lại Linh và Trung – trong quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ-Đức – vào những cuối tuần xa xưa, khi Linh và Trung từ Quân Trường Thủ-Đức về Saigon thăm tôi. Rồi, từ niềm nhớ thương chất ngất trong hồn, tôi tưởng như tôi không còn nghe tiếng đàn và giọng hát của Toàn nữa nhưng tôi lại nghe được tiếng Guitar của Trung trong ca khúc mà khi xưa Trung rất thích. Khi tiếng Guitar của Trung đến đoạn gần cuối của ca khúc Mấy Dặm Sơn Khê tôi vừa “ngân nga” nho nhỏ: “… Em hỡi em! Đường xa vui đấu tranh giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” vừa cảm nhận hai hàng nước mắt âm ấm đang lăn dài trên khuôn mặt hằn nhiều nếp nhăn của tôi!

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

1 và 2.- Elvis Presley's lyrics