2021/04/03

 Truyện ngắn

Tuyển chọn 399 ảnh tình yêu chia tay buồn đau khổ, khóc hết nước mắt

TÌNH GIÀ

Từ cửa sổ trên lầu, nhìn chuyến xe lửa chạy chầm chậm trong màn mưa xám đục,

không thể nào bà Loan không nhớ lại hình ảnh của Khiết – người yêu đầu đời của

bà khi bà còn là một nữ sinh trung học – đang chồm người, một tay vịn vào thành

cửa sổ của toa xe, một tay vẫy vẫy về phía Loan trong khi con tàu đang từ từ lăn

bánh, rời ga xe lửa Dalat. Vừa nhìn theo Khiết, Loan vừa đưa ngón tay quẹt nước

mắt, cố nén vào lòng nhiều nỗi nhớ thương!

Một mình trở lại con đường vắng, Loan cảm nhận được nỗi buồn và sự lạc lõng

của nàng trong thành phố đầy vết chân kỷ niệm của “hai đứa”. Loan nhớ, những

chiều cuối tuần nàng thường lén Bố Mẹ, hẹn hò với Khiết. Những lúc đi chầm

chậm bên nhau dưới hàng thông rợp bóng, Khiết – trong quân phục sinh viên sĩ

quan trường Võ Bị Quốc Gia Dalat – thường nói về niềm say mê tha thiết của

chàng đối với những cánh dù lộng gió trong không gian tràn ngập lửa đạn.

Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, tình cảm của Loan dành cho Khiết khi

vui, khi buồn; nhưng hình ảnh của Khiết – khi chàng bất ngờ trở lại Dalat thăm

nàng sau cuộc hành quân đầu đời tại biên giới Lào Việt – trên thềm nhà của Bố Mẹ

vào buổi chiều mưa thì không bao giờ nhạt phai.

Chiều mưa năm đó, sau khi đi học về, nhìn từng giọt mưa đầu mùa rơi nhè nhẹ bên

mái hiên, Loan cảm thấy ray rức buồn và bâng khuâng nghĩ đến Khiết! Để xoa dịu

niềm nhớ, Loan đàn những tình khúc chợt đến trong hồn chứ không nhìn bản nhạc.

Khi đàn đến phân đoạn thứ hai của tình khúc Thương Nhau Ngày Mưa của Nguyễn

Trung Cang thì hình ảnh buổi chiều tiễn Khiết tại ga xe lửa Dalat lại hiện về. Loan

buồn buồn “ngân nga” nho nhỏ:


“… Như mưa ngày nào thấm ướt vai anh,

Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm.

Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm…”

Loan vừa “ngân nga” đến đây, cậu em đến cạnh, nói nhỏ:

-Chị Hai! Có “ông Nhảy Dù” nào đứng nơi hiên nhà kìa!

Nhìn ra cửa trước, Loan ngạc nhiên thấy một “ông Nhảy Dù” trong quân phục hoa

rừng, “bê-rê” đỏ, đội hơi nghiêng, giày trận, đang khoanh tay, đứng dưới mưa,

mỉm cười, nhìn nàng không rời. Khi nhận ra Loan đã thấy chàng, Khiết cười thật

tươi, lấy “bê-rê” xuống, rủ nước mưa rồi bước vào phòng khách. Loan ngưng đàn.

Sau vài câu thăm hỏi, Khiết bảo:

- Để anh vào trong chào hai Bác. Anh trở ra ngay.

Khi Khiết trở lên phòng khách, thấy tóc và quân phục của Khiết còn điểm nhiều

vết nước mưa, Loan đưa tay có ý gạt những hạt mưa còn vướng trên tóc chàng –

như dạo nào nàng đã gạt những hạt mưa long lanh trên mái tóc chàng khi tiễn

chàng đi Saigon trình diện Sư Đoàn Nhảy Dù – nhưng vội ngưng; vì ngại Bố Mẹ

thấy được. Như nhận hiểu hành động của Loan, Khiết nhìn Loan, cười thật tươi.

Trong đời, Loan quên rất nhiều điều; nhưng chưa bao giờ Loan có thể quên được

hình ảnh hiên ngang và nụ cười rạng rỡ của Khiết vào buổi chiều mưa năm xưa,

khi chàng đứng trên thềm nhà nhìn nàng đàn.

Đang xót xa, nuối tiếc một đời trai ngang dọc của Khiết và đời sống nhàn nhã của

một thiếu nữ được Bố Mẹ cưng chiều, bà Loan thấy chiếc SUV quen thuộc dừng

trước nhà. Lòng rộn ràng vui, bà Loan bước đến cầu thang. Chợt nhớ quên đeo

“mask”, bà Loan vội quay lại phòng “computer”, lấy “mask” đeo vào, đi xuống

lầu.

Thấy Dũng và Diễm – con trai và con gái của Bà và ông Khiết – cùng hai đứa cháu

nội đều đeo masks, bà Loan đùa bằng tiếng Việt:

-Đâu, hai “cục vàng” của bà Nội đâu?

Thật bất ngờ, Mylene – cháu nội đầu tiên của bà Loan và ông Khiết – vừa choàng

tay qua vai cô em gái vừa đáp:


-Right here, “ba Noi”!

Bà Loan ngạc nhiên nhìn Mylene, hỏi bằng tiếng Anh:

-Làm thế nào cháu hiểu được bà Nội nói gì mà cháu trả lời?

Mylene phải đáp bằng tiếng Anh:

-Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Ba Má cháu cho chị em cháu đi học tiếng Việt

mỗi sáng chủ nhật. “Ba Nọi” quên rồi sao?

-Sorry, bà Nội không nhớ được! Nhưng làm thế nào cháu hiểu được “hai cục vàng”

của bà Nội là chị em của cháu?

-Cháu biết mà. Đối với người Việt, cái gì mình thích, mình thương, mình quý cũng

được ví như vàng như ngọc. Và cháu hiểu rằng “ba Nọi” thương tụi cháu nhiều

lắm!

Mọi người cười rộ lên.

Đang cười, bất ngờ thấy ông Khiết – với thân người thẳng băng như người máy

–mở cửa phòng ngủ, lừng lững bước ra, nụ cười tắt vội trên môi mọi người. Dù

biết ông Khiết sẽ không hiểu được lời chào hỏi, các con, cháu vẫn thưa:

-Dạ, chào Ba.

-Dạ, thưa Ba.

-Hi, “on Noi”!

-Hello, “on Noi”!

Ông Khiết vẫn lầm lỳ bước đến xa-lông, không nói một lời và trên khuôn mặt nhăn

nheo của ông cũng không gợn tý cảm xúc nào cả! Ông ngồi vào xa-lông, nhìn mọi

người với ánh mắt vô hồn. Dũng hỏi bà Loan:

-Măng! Ba Măng có gì lạ không?

-Thôi, con! Tuổi này rồi, chỉ xin “một ngày như mọi ngày” thôi!


Dũng đến ngồi cạnh ông Khiết:

-Ba khỏe không? Con đem hai đứa nhỏ về thăm Ba đó.

Ông Khiết gật đầu, tỏ dấu nhận hiểu. Thấy hai đứa cháu nội kín đáo nhăn mũi vì

mùi hôi nồng nặc từ phòng ngủ xông ra, bà Loan nói nhỏ với Diễm:

-Cảm ơn các con đã đem hai cháu về thăm và đi chợ mua thức ăn cho Ba Măng.

Con đem giùm mọi thứ xuống bếp cho Măng rồi các con về nghỉ. Tuần sau con đi

chợ cho Măng, đừng mua xà-lách-xon nữa. Măng không thể đứng lâu để lặt từng

cọng như hồi trước.

-Con nói Măng hoài mà Măng không chịu nghe. “Watercress” Măng không cần lặt

từng cọng; Măng chỉ cần cắt ngang phía dưới gốc rồi rửa sạch là được.

-Nếu làm theo cách của con, nhỡ con sâu hay con giun nằm trong lòng cọng rau

làm sao Măng có thể thấy được?

-Măng ở sạch quá mà Măng cứ muốn con cháu học về y khoa. Hồi trước tụi con

học đại học thì bệnh HIV – human immunodeficiency virus – hoành hành; bây giờ

hai đứa nhỏ học đại học thì Covid-19 giết cả trên trăm ngàn người tại Mỹ. Nếu tụi

con và hai cháu là MD thì Măng có yên lòng hay không?

-Thôi, con! Ngày đó còn ước mơ; bây giờ, nếu có ước mơ thì Măng chỉ cầu xin ơn

Trên phù hộ cho các con/các cháu được bình an thôi; còn “ông Già” – danh từ thân

thương gia đình thường dành cho ông Khiết – và Măng chỉ biết trực diện và chống

chọi với tuổi già chứ còn gì nữa mà ước mơ!

Ngưng một chốc, bà Loan tiếp:

-A, tuần tới con nhớ mua cho Măng xà phòng rửa chén, chai nhỏ thôi; chai lớn, tay

Măng yếu, cầm không nổi, rớt, đổ “tùm lum” Măng dọn không nổi!

-Măng vẫn rửa chén bằng tay à? Cứ như vậy rồi than đau tay, đau lưng.

-Bác sĩ Gronados bảo Măng “keep moving” mà! Thêm nữa, rửa chén bằng máy thì

Măng cũng phải trán qua cho thức ăn trôi đi rồi mới cho vào máy. Máy chạy thì tốn

nhiều điện, nhiều nước!


-Người ta mong có phương tiện để xử dụng; còn Măng thì cứ tiện tặn từng xu, để

làm gì?

-Để khỏi phiền các con. Các con lo cho “ông Già” và Măng nhiều rồi, Măng không

muốn làm phiền các con thêm.

Im lặng. Diễm chuyển đề tài:

-Người lau dọn nhà tháng này đến chưa mà nhà hôi quá vậy, Măng?

-Măng nhận thấy, trước khi họ đến Măng cũng phải dọn dẹp sơ sơ; vì “ông Già” cứ

vung vãi, vất mọi thứ ra đó. Mỗi lần dọn dẹp, lưng và hai đầu gối của Măng đau

lắm, Măng chịu không được! Măng nói họ khi nào Măng cần thì Măng gọi chứ

đừng đến mỗi tháng.

-Thì Măng đừng dọn dẹp gì cả; cứ để họ làm.

-Họ chỉ lau chùi thôi; còn “ông Già” ăn/uống cái gì mà Măng không để ý thì ổng

đem giấu trong tủ quần áo; có khi ổng “bỏ đại” vô nhà cầu, hoặc trây quẹt đầy

thảm, Măng dọn không nổi!

-Con nghĩ đã tới lúc chị em con góp tiền, thuê người đến giúp Măng. Măng nghĩ

sao?

-Măng rất lo sợ, ngại họ biết trong nhà chỉ có một ông già “không biết gì hết” và

một bà già “trói gà không chặt” thì họ sẽ cho người khác biết rồi người đó đến đây

cướp!

-Tụi con đã nghĩ đến điều đó và đã đề nghị Ba Măng nên vào Senior Living…

Diễm chưa dứt câu, bà Loan vội lắc đầu:

-Các con đã đưa Măng đi xem mấy chỗ rồi; chỗ nào cũng đẹp, đầy đủ tiện nghi,

nhưng… kinh khủng quá!

-Cái gì kinh khủng?

-Sự vắng lặng! Vắng lặng đến… rợn người!


-Biết bao nhiêu người sống và chấp nhận sự vắng lặng đó chứ đâu phải một mình

Măng.

-“Ông Già” và Măng ở đây, trên đường đi làm về, các con và các em thuận đường,

đôi khi ghé thăm. Nếu Ba Măng dời đến mấy chỗ Senior Living thì trái đường, biết

mỗi năm Ba Măng có thể gặp các con được một lần hay không! Thêm nữa, chỉ có

Măng mới có thể vào Senior Living; còn “ông Già” thì phải vào Assisted Living;

mà Măng thì không bao giờ có thể để “ông Già” vô viện dưỡng lão – nhất là trong

thời gian Tàu dịch này!

Diễm gắt:

-Măng không thể khẳng định như vậy được! Đến một lúc nào đó, vì sự sống còn,

mình buộc phải hy sinh nhiều thứ lắm. Măng biết không?

Bà Loan thầm “phục” những người “thông minh!”, làm nghề tự do/khai gian thuế

lợi tức/giấu tiền mặt. Khi về già những người này – không những được hưởng đầy

đủ phúc lộc của chính phủ như housing/food stamps/Medicaid – còn được chính

phủ cho người đến nhà mỗi tuần bao nhiêu giờ để giúp việc nhà, đưa đi bác sĩ, đi

chợ, tắm cho người nào không thể tự tắm được, v.v… Trong khi đó, những người

khai đúng thuế lợi tức, như ông Khiết và Bà, thì không được tý ân sũng nào của

chính phủ mà còn phải mua bảo hiểm sức khỏe riêng; vì có nhiều khoảng chi phí y

tế Medicare không chịu trả!

Thấy Mẹ có vẻ tư lự, Dũng đến bên, khuyên:

-Măng đừng quá lo lắng, okay! Nhà Măng đã có hệ thống báo động – được nối kết

trực tiếp với phòng kiểm soát an ninh của khu vực này – tuần tới con sẽ kêu người

gắn video camera nữa thì không tên nào dại vô nhà Măng ăn cướp đâu.

-Cảm ơn con.

-Măng nhớ cẩn thận, vịn vào thành cầu thang mỗi khi Măng đi lên hoặc đi xuống

lầu, nha!

-Ờ, cảm ơn con. Đi xuống thì không sao; nhưng đi lên là cả một vấn đề!

-Hôm nào tụi con sẽ dời phòng “computer” xuống tầng dưới cho Măng.

Diễm hỏi:


-Từ ngày Gym đóng cửa vì Covid-19, Măng còn đi bộ quanh khu vực này không?

-Khi “ông Già” ngủ Măng mới dám đi; vì Măng không thể để “ông Già” ở nhà một

mình.

-Ủa, vậy thì làm thế nào trước khi Covid-19 xuất hiện, Măng đi Gym mỗi ngày

một tiếng đồng hồ?

-Lúc đó “ông Già” không tệ như bây giờ.

Dũng hỏi:

-Tình trạng của “ông Già” xuống nhanh đến vậy à?

Im lặng. Bà Loan rơm rớm nước mắt, một chốc sau mới đáp:

-Xương sống và não bộ của “ông Già” bị tổn thương rất nặng. Các Chú/Bác ở tù

cùng trại cải tạo với “ông Già” cho Măng biết là “ông Già” bị cộng sản Việt Nam

(csVN) đánh kinh khủng lắm; vì ổng là sĩ quan Nhảy Dù mà ổng lại khai thật tất cả

những lần đơn vị do ổng chỉ huy giải tỏa căn cứ này/tái chiếm chiến địa kia/tiếp

cứu tiền đồn nọ, v.v... cho nên csVN trả thù! Bác sĩ Gronados khuyên, thương tích

thời chiến tranh cộng với tuổi tác của “ông Già” thì – ngoại trừ trường hợp khẩn

cấp – bệnh gì “ông Già” có thể “live with it” thì nên “live with it”; đừng giải phẫu.

Diễm an ủi:

-Thôi, ít ra “ông Già” cũng còn đi được; không nằm một chỗ!

Dũng thở dài:

-Chuyện của “ông Già”, mình không làm gì được nữa rồi! Còn Măng, khoang đi

Gym nhưng cố gắng đi bộ, nha!

-Không đi Gym mà nếu không đi bộ nữa thì cơ thể của Măng như không còn sức

sống. Lưng cứ muốn “cụp” xuống!

Diễm bảo:


-Măng còn đi được là may lắm rồi! Biết bao nhiêu người cỡ tuổi Măng hoặc trẻ

hơn mà phải chống gậy để đi kìa!

Bà Loan cúi mặt, nước mắt chảy ngược vào tim! Nếu sống mà cứ buộc phải thấy/

phải so sánh với những điều tiêu cực thì cuộc sống này còn có ý nghĩa gì nữa hay

không?

Trước khi cáo từ ông Khiết và bà Loan, Dũng và Diễm hâm nóng hai tô mì rồi mời

ông bà xuống bếp, ngồi vào bàn. Sau khi để hai ly nước lọc lên bàn, cạnh gói xôi

đậu xanh và quà ăn vặt, Dũng, Diễm và hai cháu từ giã ông Khiết và bà Loan.

Vì ông Khiết không thể nhớ hoặc nhận biết lúc nào nên nhai/lúc nào nên nuốt/lúc

nào nên ngưng, bà Loan phải lấy kéo cắt mì sợi và hoành thánh thành từng phần

nhỏ để ông Khiết không bị nghẹn. Ông Khiết chỉ gói xôi đậu xanh trong bao ny-

lông nhỏ, tỏ ý muốn ăn. Bà Loan đẩy bao ny-lông nhỏ về phía chồng. Ông Khiết

lấy gói xôi, vất bao ny-lông trên sàng gạch hoa rồi mở gói xôi, dùng tay bốc/ăn. Bà

Loan vội lấy gói xôi từ tay ông Khiết, đem đến bên bếp, lấy dao và nĩa xắn gói xôi

ra từng phần nhỏ rồi đưa lại cho ông Khiết, kèm theo cái nĩa. Ông Khiết vất cái nĩa

xuống sàng nhà!

Đang ăn, bà Loan nhận ra mùi nồng nồng của nước tiểu. Nhìn sang ghế của ông

Khiết, bà Loan ngán ngẫm, buông đũa. Thì ra từ nãy giờ ham vui vì con cháu về

thăm, bà Loan quên theo dõi đồng hồ để đưa ông Khiết vào nhà tắm đi tiểu! Bà

Loan giận, xẳng giọng:

-Đi vô thay đồ!

Ông Khiết ngơ ngác nhìn quanh, không biết “đi vô” là đi vô đâu! Bà Loan im lặng,

đứng lên, nắm tay ông Khiết, dẫn vô phòng ngủ trong khi ông Khiết vừa đi vừa

quay lui nhìn gói xôi.

Lấy tấm ny-lông phủ lên tấm khăn trải giường, xong, bà Loan kéo tay ông Khiết

đến, “ấn” nhẹ thân người của ông lên tấm ny-lông. Lúc này bà Loan mới nhớ là bà

đã quên lấy tả cho ông. Bà Loan xoay sang, mở ngăn tủ, lấy tấm tả rồi xoay lại bên

giường. Vừa thấy tấm tả, ông Khiết có vẻ hoảng hốt, khoát tay:

-Không! Đừng! Đừng! “Hỏng” chịu đâu!

Đây không phải là lần đầu tiên ông Khiết phản đối khi phải mang tả. Nhưng đây là

lần đầu tiên bà Loan nghe chồng nói một câu thể hiện được tất cả nỗi sợ hãi của


ông. Bà Loan vào nhà tắm, lấy chiếc khăn nhỏ, thấm nước lạnh, trở ra giường.

Không hiểu tại sao thấy chiếc khăn ướt, ông Khiết lại yên lặng, không chống cự

nữa. Nhờ ông Khiết không chống cự, bà Loan nhẹ nhàng đè ngửa ông ra, cởi chiếc

quần khai nồng vất về hướng nhà tắm rồi lấy chiếc khăn ướt lau phần hạ bộ cho

ông. Trong khi bà Loan cảm thấy lưng và tay chân của bà như muốn rả ra từng

mảnh thì gương mặt của ông Khiết trông rất dễ chịu. Ông Khiết nhìn bà Loan với

ánh mắt biết ơn khi bà Loan lấy phấn bột – loại dùng cho trẻ con – rảy vào phần hạ

bộ của ông. Nhưng khi bà Loan vói tay lấy tấm tả thì ông Khiết lại vùng vằng:

-Đừng! Đừng mà! “Hỏng” chịu đâu!

Bà Loan biết, trời nóng như thế này mà “đóng” tấm tả dày cộm vào bộ phận “nhạy

cảm” nhất của con người thì làm sao chịu cho nỗi; đó là chưa kể, nhỡ ông Khiết đi

tiêu, đi tiểu trong tả mà bà Loan không biết để thay thì… bà Loan rùng mình,

không dám nghĩ tiếp! Dù hiểu cho sự khó khăn, tội nghiệp của chồng, bà Loan

cũng phải dùng toàn sức lực của Bà để mang cho được tấm tả vào cho ông Khiết.

Có lẽ chẳng còn sức để chống chọi với bà Loan nữa, ông Khiết nằm im, lầm bầm

“Đừng mà! Đừng mà”! Bà Loan biết thế nào ông Khiết cũng – như mọi lần – tìm

mọi cách cởi tấm tả, vất đâu đó; bà sẽ phải lần theo mùi hôi của tấm tả mà tìm cho

ra, đem bỏ rác!

Vì muộn phiền, bà Loan bị bệnh mất ngủ; mỗi đêm phải uống thuốc ngủ. Nếu bà

Loan dùng đúng liều lượng, ngủ được ngon giất thì sáng hôm sau bà phải tắm cho

ông Khiết, thay và giặt toàn bộ khăn trải giường và mở tất cả cửa sổ để mùi hôi

thối thoát ra ngoài; vì suốt đêm không ai thay tả hoặc đưa ông Khiết vào nhà cầu!

Nhưng nếu uống thuốc ngủ ít hơn liều lượng thì bà Loan cứ nằm trăn trở suốt đêm

bên cạnh một người bà từng yêu thương – người hùng của Hà – nhưng nay đã trở

thành “gánh nặng” mà Bà không nỡ lìa xa! Khi nào tâm hồn “lạc” về dĩ vãng, bà

Loan cũng tiếc thương, khóc thầm, cầu nguyện rồi quay sang, vòng tay qua vùng

ngực thoi thóp của người chồng đang miên mang trong giấc cô miên vì đòn thù của

csVN – quân cướp nước mà lại núp dưới chiêu bài “giải phóng”!

Sự tủi thân vừa lắng dịu, bà Loan thở dài, đỡ ông Khiết dậy:

-Đi ra ăn cho hết gói xôi.

Ông Khiết im lặng vịn tay bà Loan, ngồi dậy, đi theo vợ. Đến bàn ăn nơi bếp, sau

khi để ông Khiết ngồi vào chiếc ghế sạch, bà Loan xoay sang phòng giặt đồ, với

dụng ý lấy khăn lau nước tiểu mà lúc nãy ông Khiết đã thải ra. Vừa xoay người,


chân của bà Loan vướng vào bao ny-lông – mà lúc nãy ông Khiết vô tình vất trên

sàn nhà – bà Loan trượt chân, té, đầu va vào nền gạch hoa…


******


Thiếu phụ da đen đẩy chiếc xe lăn – ông Khiết ngồi bên trong – theo gia đình, qua

khỏi cửa chính phòng khánh tiết của Sugar Land Assisted Living rồi dừng lại. Bà

Loan nhanh tay mở ví, lấy mấy tờ một đồng, nhét vội vào tay người đẩy xe lăn, nói

nhỏ:

-Làm ơn chăm sóc giùm chồng tôi. Tôi sẽ vào đây mỗi ngày phụ với cô.

Người đẩy xe lăn lắc đầu, trả lại tiền:

- Tôi sẽ chăm sóc ông Nguyễn. Bà đừng lo. Nhưng ở đây cấm nhân viên nhận bất

cứ món quà nào; nếu nhận quà, nhân viên đó sẽ bị đuổi việc.

Bà Loan thở dài, bước theo gia đình. Ông Khiết nhìn bà Loan và con cháu bước lên

hai chiếc SUV với nét mặt rất điềm nhiên! Nhưng, khi hai chiếc SUV nổ máy, từ

từ rời bãi đậu xe, bà Loan nhìn vào kính chiếu hậu bên phải, thấy ông Khiết gục

xuống, hai tay ôm mặt! Bà Loan vội nói với Dũng:

-Dũng! Con chờ Măng chút!

Mọi người trên xe không hiểu chuyện gì xảy ra. Bà Loan vội mở cửa xe, bước

xuống, đi nhanh đến bên ông Khiết. Ông Khiết đưa bàn tay run rẩy ra phía trước

như muốn tìm kiếm vật thể thân thương nào đó. Bà Loan nắm tay chồng, nghiêng

một bên má lên mái tóc thưa và trắng ngần của chồng rồi khóc! Diễm đến cạnh:

-Măng! Be strong! Măng nên nghĩ đến cuộc đời của Măng nữa chứ! Hôm Măng bị

té, vào ER – Emergency Room –  chính Măng đã nghe bác sĩ khuyên rằng Măng

không nên chăm sóc cho ai khác; ngoài việc chăm sóc cho chính Măng. Măng nhớ

không?

-Biết rồi! Nhưng tội “ông Già” quá, con ơi!

-Ai cũng biết là tội “ông Già”! Nhưng cái “tội” này là hậu quả của những cuộc tra

tấn dã man do csVN hành xử tàn độc đối với tù nhân trong các trại cải tạo chứ

không phải do ai khác tạo nên. Người nào muốn “hòa hợp hòa giải”, không nghĩ

đến chính trị, quên đi quá khứ và tội ác của csVN thì đó là quyền của người đó;


đừng kêu gọi hoặc cổ xúy người khác! Chỉ khi nào trong gia đình người đó có

người từng là nạn nhân trực tiếp của csVN thì người đó mới biết thế nào là uất hận!

Biết Diễm cũng đang bị xúc động mạnh trong tình cảnh này, bà Loan năn nỉ:

-Thôi, con! Ai nói gì/làm gì, kệ người ta…

Bà Loan chưa dứt câu, tiếng người đẩy xe lăn vang lên:

-Rất tiếc, đến giờ cơm chiều, tôi phải đưa ông Nguyễn vào phòng ăn. Bye!

Bà Loan, các con cùng dâu và rể đứng lặng, nhìn theo chiếc xe lăn trong khi ông

Khiết cố quay lui, nhìn hình dáng những người thân yêu đang xa dần, xa dần…

Trở lại chiếc SUV, vừa mở cửa, bà Loan nghe dòng nhạc êm ái, thiết tha từ iPhone

của Mylene. Xe rời chỗ đậu được một đoạn ngắn, bà Loan mới nhận ra đây là tình

khúc mà – buổi chiều trước ngày đi trình diện “bên thắng cuộc” – ông Khiết đã ôm

Guitar, vừa “từng tưng” vừa hát nho nhỏ khi “hai đứa” ngồi bên nhau nơi sân sau:

“Memories light the corners of my mind

Misty water-colored memories of the way we were

Scattered pictures of the smiles we left behind

Smiles we gave to one another for the way we were…”

Chiều nay, theo giọng Soprano mượt mà của Barbra Streisand và lời ca ướt lệ

trong tình khúc The Way We Were của Barbra Streisand, bà Loan bùi ngùi tưởng

như thấy lại được hình dáng đáng yêu của ông Khiết vào buổi chiều xưa – khi “ông

Nhảy Dù” đứng dưới mưa, khoanh tay, mỉm cười, nhìn Loan đàn – đang chờn vờn

trong bóng hoàng hôn chập chùng!…


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

2021/04/01

 

Găng tay đa dụng 3M Comfort Grip Gloves

TAY VẪN TRONG TAY


Như bàn tay búp măng

âu yếm đặt lên tay

đang ương cây chiết nhánh

làm dịu mát lòng ai


Nhà thiết kế đại tài 

tạo cặp găng tình tứ

người vẫn tay trong tay

dù núi sông ngăn cách 


Hãy vui lên em nhé

xuân trời đất lại về

xuân đời người đi biệt

vẫn còn chút si mê

Bạch Tú Cầu

Hoa Cúc Trong Sắc Xuân Đông Độ

Biên tập: Thích Tâm Mãn - Thích Minh Thông

 
 
Xuân về ngàn hoa như khoe thắm, từng đóa hoa tuôn sắc phơi màu như ngọt cả trời xuân, mai vàng, đào hồng nhuận thắm, cúc vàng, xanh, trắng, phấn hồng, góc trời cuối đông như thêm sức sống xanh, xuân không có hoa không biết làm sao để ngõ lời cùng trời đất, hoa không có xuân về làm sao để khoe sắc cùng ai, và cũng như vậy mỗi năm xuân về ngàn hoa khoe sắc và hoa cúc là một trong những thành viên quan trọng trong muôn ngàn hoa thắm để tạo nên một sắc xuân.
 
Hoa cúc là một trong những loài hoa được người Đông Độ đem về trồng trang trí trong nhà và trang trí trong các ngày lễ tết cách đây hơn 3000 năm, trong sách Chu Quan Lễ Ký đời nhà Chu Thiên Nguyệt Lịnh có chép: “mùa thu trăng sáng, hoa cúc nở màu vàng…” sau này những sách của thời Xuân Thu Chiến Quốc như Kinh Thi và bài Ly Tao của Khuất Nguyên đều có nghi chép về hoa cúc, trong bài Ly Tao có đoạn chép: “ Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc, Uống sương sa dưới gốc mộc lan…”.
 
Đến đời nhà Tần thì đã có tổ chức những cuộc triển lãm về hoa cúc. Hoa cúc chẳng những đẹp mà còn là một loại thuốc quý, đến đời nhà Hán thì hoa cúc đã được sách Thần Nông Bổn Thảo Kinh liệt thành một vị thuốc: “ Uống hoa cúc lâu ngày sẽ làm cho thân thể được nhẹ nhàng và sống lâu”. Hoa cúc còn có thể đem làm rượu, trong sách Tây Kinh Tạp Ký chép: “Hoa cúc đến mùa thu tháng chín nở ở ngoài đồng đem ủ làm rượu… nên gọi là rượu hoa cúc…”, hoa cúc còn có thể làm thức ăn, trong sách Tây Kinh Tạp Ký cũng có chép: “người ở miền nam đất Thục thời Tam Quốc, trồng rất nhiều loại hoa cúc có loại dùng để làm thuốc, có loại dùng để làm thức ăn …”.
 
Buổi đầu hoa cúc vốn chỉ để dùng làm rượu, thức ăn và làm thuốc đến đời Tấn nhà thơ Đào Uyên Minh đã đưa hoa cúc vào thơ văn nghệ thuật, thăng hoa cho loài hoa này thành một loài hoa quý phái trong nghệ thuật thưởng thức hoa của người đông độ. Cuộc đời thơ văn của Đào Uyên Minh không ít lần ông đã làm thơ để ngợi ca hoa cúc như câu: “Hái cúc bờ rào đông, nhàn nhã ngắm nam sơn.” hay câu: “đẹp nhất sắc thu hoa cúc, lộ bày hết nét anh tú của hoa…”, văn hóa thưởng ngoạn hoa cúc bắt nguồn kể từ ấy, và bắt đầu phong trào trồng hoa cúc và sưu tầm gây tạo những giống hoa cúc mới được hình thành trong xã hội, dần dần hoa cúc được xưng tụng là loại hoa “Phương huân bách thảo, sắc tuyệt quần anh”, hương thơm trong trăm loại hương thảo, sắc đẹp trong muôn vạn loài hoa.
Đến đời nhà Đường, trồng hoa cúc, thưởng hoa cúc đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa sống của người đương thời, các nhà hoa cúc đã có thể dùng cách cấy ghép để tạo thành những loại hoa cúc mới và màu sắc mới tạo thành hoa cúc với trăm hoa ngàn vẻ, sắc diện muôn màu, và trong đời Đường hoa cúc màu trắng và màu tía là hai màu hoa cúc nổi tiếng nhất. Nhà thơ Lý Thương Ẩn có câu tả về màu sắc của hoa cúc như: “đậm lợt màu sắc tía, hoàng thêm ánh hoa vàng”. Bạch Cư Di cũng có những câu thơ về hoa cúc như: “ánh vàng hoa cúc nở khắp vườn, chen vào vài đóa sắc như sương…”.
Đời nhà Tống hoa cúc đã trở thành một trong những loài hoa được mọi người ưa chuộng và có cả một cuốn sách chuyên ghi chép về các thể loại cũng như màu sắc của hoa cúc như sách Cúc Phổ của Lưu Mông đời Tống, trong sách có chép thời bấy giờ hoa cúc có 26 loại. Trong sách Cúc Phổ của Phạm Thành Đại chép hoa Cúc có 35 loại và đã có loại hoa cúc có hai màu gọi là “Hợp Thiền” hai sắc màu hồng. Sau đó lại thêm hoa cúc màu xanh gọi là “ Lục Phù Dung” hoa cúc màu đen gọi là “Mặc Cúc”.
Hoa cúc dần dần trở thành một loài hoa biểu tượng cho vẻ đẹp của mùa thu, và cứ đến mùa thu thì người Đông Độ lại tổ chức lễ hội để thưởng lãm hoa cúc, trong sách Chánh Phũ Quảng Tập Ngũ Ký chép: “Mỗi khi đến ngày trùng cửu mồng 9 tháng 9, khắp các khu vườn ở Lâm An đâu cũng thấy hoa cúc nở, khi hội thi hoa cúc khai mở, các thể kỳ hoa dị sắc của hoa cúc thi tuyển với nhau…”. Trong các kỳ thi hoa cúc người ta còn xếp hoa cúc thành các hình thù khác nhau để tạo thêm cảnh sắc kỳ thú đẹp cho lễ hội như trong sách Hàn Châu Phủ Chí chép: “ ở hội chợ hoa Lâm An, người ta lấy hoa cúc xếp thành hình như tháp…”. Cuối đời nhà Tống hoa cúc đã có trên 131 chủng loại.
Văn hóa thưởng hoa Cúc, thú trồng hoa cúc của người đời Đường, Tống bắt đầu lan tỏa và ảnh hưởng khắp các nước xung quanh như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau đó người Nhật dùng giống hoa của Trung Quốc lai tạo với hoa cúc của Nhật Bản tạo thành rất nhiều loại hoa cúc mới rất nhiều màu sắc rực rỡ, tạo cho hoa cúc trở thành một loài hoa vô cùng quý phái và đẹp một cách lộng lẫy nổi tiếng thế giới. Người Việt Nam Không ai mà lại không yêu hoa cúc và nhất là khi xuân đến tết về, hoa cúc như vàng thêm sắc, vàng phú quý cho năm mới và tròn đầy hương sắc cho một năm mới vạn sự cát tường, bách phước lai lâm.