2016/03/20

Sáng Đầu Xuân Xứ Lạnh*

Lịch ghi 20 tháng 3, 2016 là “mùa Xuân bắt đầu”, hôm nay đài khí tượng dự báo thứ hai 21/3/16 sẽ có bão tuyết :
“Winter Storm Regis Takes Aim on East; Heaviest Snow Expected in New England”.
Với thời tiết như vậy, sáng nay đọc bài thơ VÀO HÈ của chị Phương Hà:

VÀO HÈ

Trời nắng chang chang chỉ muốn nằm
Bạn bè trốn nóng ngại đi thăm
Không gian hừng hực như nung lửa
Cây cối cằn khô đến quắt mầm

Nheo mắt nhìn trời, mây chẳng thấy
Vọc tay khuấy vũng, nước nào ngâm
Quạt lia phành phach thay cơn gió
Giọng nói thều thào không vọng âm.

Phương Hà

và tôi viết:

Sáng Đầu Xuân Xứ Lạnh

Spring begins on March 20,2016_Ảnh Facebook 
Sáng bét mà sao vẫn muốn nằm
Dầu xuân đã đến lạnh còn thăm
Trên trời xám xịt mây che chắn
Dưới đất lơ thơ cỏ nẩy mầm
Thức giấc cà phê pha thiệt đậm
Mở trang thơ thẩn đọc không ngâm
Hôm nay rơi rớt thêm cơn bảo
Gió mạnh tràn qua giọng ác âm.

Anh Tú
March 20, 2016
*Họa bài VÀO HÈ của Phương Hà.
http://anhtuvaban.blogspot.com/2016/03/vao-he-troi-nang-chang-chang-chi-muon.html

2016/03/18

Trả Lại…



 Trả ai ánh mắt nụ cười
Dáng ngần ngại gởi khơi lời sơ giao
Trả ai lời nói ngọt ngào
Đầu môi chót lưởi làm xao xuyến đời

Trả ai ngày tháng rong chơi
Eden, Lệ Lợi… khắp nơi Sài Gòn
Trả ai hứa hẹn sắt son
Dù sông có cạn đá mòn… còn thương

Trần đời tan hợp chuyện thường
Trả cho nhau hết… vấn vương ích gì!
Đường ai chọn… chúc vui đi
Riêng ta chôn mối tình si đầu đời!

Anh Tú
March 17, 2016

2016/03/16

Đêm Nghe Xuân Rụng


Ngọn gió đưa Hè về trước ngõ
Đường quê hương phượng đỏ màu son
Cành hoa chen lá xanh non
Tiếng ve tan tác từ trong cội sầu

Ngồi đối bóng bên cầu nỗi nhớ…
Mái trường xưa, xóm nhỏ trong chiều
Hàng me cành lá liêu xiêu
Lục bình tim tím đìu hiu trôi buồn

Dòng nước đục theo luồn nước chảy
Nắng trưa hè nóng cháy màu da
Phố chiều nặng hạt mưa sa
Người buôn kẻ bán bôn ba năm dài

Xưa hai buổi sánh vai cùng bạn
Say thắm hương hoa nắng học trò
Vô ưu áo ấm cơm no
Gạo châu củi quế mẹ lo trăm điều

Giờ chắt chiu thương yêu kỷ niệm
Thoáng vui buồn nhớ chuyện ngày xa
Đêm nghe cánh gió la đà
Lay xuân chín rụng … xót xa lá cành!

Yên Dạ Thảo
11/03/2016

2016/03/15

Em Về 

Em về len lén tối qua
Lúc anh an giấc mơ xa… mộng gần
Sáng nay nắng rải đầy sân
Chim đùa nhảy nhót hót rân trên cành
Nụ hoa vàng… mầm lá xanh
Cùng nhau nhu nhú đua ganh khoe mình
Em về hương sắc tỏa xinh
Anh mừng ngây ngất đón tình Xuân tươi!

Anh Tú
March 15, 2016


Họa 1:

ĐỢI EM

Đợi em từ mấy tháng qua
Nay em về đến mộng xa…thành gần
Bước chân nhè nhẹ ngoài sân
Lá xanh đầy nắng đùa rân trên cành
Hoa chờ…ươm những mầm xanh
Sắc xuân phơi phới đua ganh chuyển mình
Dáng em tha thướt xinh xinh
Cho anh ngây ngất men tình thắm tươi!

My Nguyễn
17/3/2016

Họa 2:

MƠ EM*

Em về trong mộng đêm qua
Dáng em nhẹ lướt từ xa đến gần
Ánh trăng vằng vặc trên sân
Em như chiếc lá lìa thân xa cành
Em đi trời chết màu xanh
Anh buồn ở lại loanh quanh một mình
Ước gì em mãi đẹp xinh
Xuân qua hạ đến nhưng tình vẫn tươi…

Phú Thạnh
18/3/2016

*Cảm họa EM VỀ của Anh Tú

2016/03/14

Cho Nhau*
 Chiều chiều ra đứng ngõ sau**
Nhớ ngày tháng cũ ruột đau chín chiều
Bởi chia tay… cảnh quạnh hiu
Tim lòng se thắt tiêu điều đời ta!

Mình ơi! Mình ở lại nhà
Đến nay phần số phải xa nhau rồi.
Mình ơi! Hãy nén bồi hồi
Kiếp người sinh tử chia đôi lẽ thường!

Mặc dầu hai ngả Sâm Thương
Tình chung cùng giữ trọn đường duyên tơ
Gặp nhau đôi lúc trong mơ
Mở lòng dệt chữ... bài thơ cho mình!

Anh Tú
March 14, 2016
*Nhân đọc một bài thơ của bạn.
**Một chút ca dao.

Họa:

HẸN ƯỚC

Thôi thì hẹn lại kiếp sau
Mình ơi! Hãy nén niềm đau mỗi chiều
Bởi mình số kiếp quạnh hiu
Chớ than trách phận tiêu điều lòng ta!

Mình ơi! Ta phải vắng nhà
Ngày vui một thuở đã xa mất rồi
Vấn vương một kiếp luân hồi
Cũng đành chia biệt ngăn đôi lẽ thường!

Cho dù chín nhớ mười thương
Thì ta vẫn rẽ hai đường duyên tơ
Còn chăng trong những giấc mơ
Ta về dệt tiếp vần thơ cho mình!

My Nguyen
15/3/2016


Lá xanh lìa cành
Sương vương hạt lệ
Mong manh

Anh Tú
NHA
2013

2016/03/12

Chiều Bệnh Viện

Nghe tin bệnh – em đến tìm tôi
Chiều xuống đèn lên sáng cuộc đời
Tay vịn bàn tay lòng xao xuyến
Trên trời nhạn lạc cánh chơi vơi.

Từ nơi xa em quay trở về
Vạch lối tìm nhau sương phủ che
Chập chờn anh nhìn qua ống thở
Em cười như cô gái chân quê.

Lòng anh đã ngập tràn mùa thương
Trông em má nhạt ánh chiều vương
Bệnh viện lầu cao sao ấm áp
Gió reo rộn rã khúc nghê thường !

Phòng chật người đông giờ đến thăm
May sao ! em đứng cạnh anh nằm
Gần chút nữa, em ơi chưa đủ
Anh ngỡ tình anh dựa bóng râm.

Mãi rồi cũng đến phút chia tay
Trăm nhớ ngàn thương lại kéo dài
Bệnh anh nhẹ hẳn như trăng sáng
Dõi bóng hình ai – em có hay ?!

Dương hồng Thủy
12/03/2016

Tưởng Nhớ Người Khai Sinh ra e mail.

"Để tri ân và tưởng nhớ Ray Tomlinson, người khai sinh ra mạng lưới email toàn cầu, vừa từ trần ngày 5 tháng Ba 2016."

blank
Raymond Samuel Tonlinson (1941-2016).

Đã vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mỗi ngày có hàng tỷ Emails được gởi đi. Có những Emails chuyên về thương mại, công việc. Có những Emails vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, hay hạnh phúc cá nhân, nhưng người đọc mệt mỏi với loại thư điện tử này, nên thẳng tay đưa vào thùng rác (spam mails). Có cả những bức thư tình ngắn gọn thời "dot com" của những người đang yêu. Cả tỷ người trên thế giới thi nhau gõ keyboard, gởi, nhận thư điện tử mỗi ngày.

Có cả phim "You got mails" với tài diễn xuất tuyệt vời của Tom Hanks, và Meg Ryan đưa về một lợi nhuận khổng lồ cho Hollywood.

Không biết có ai trong cả tỷ người nghĩ đến người phát minh ra Emails? Chắc là ít ai nghĩ đến "cha đẻ" của Emails. Người kỹ sư điện tài ba, người sáng tạo ra Emails, và dấu @ vừa qua đời hôm thứ bảy, ngày 5 tháng 3 vì bệnh tim.

Thật ra, trước khi ông Ray Tomlinson khai sinh dấu hiệu @ vào năm 1970, người ta đã có thể gởi information qua lại cho nhau, nhưng chỉ gởi và nhận được nếu cùng sử dụng một máy computer. Không thể gởi data cho một người khác ở ngay phòng bên cạnh nếu người gởi và người nhận ở hai máy khác nhau,

Anh chàng kỹ sư trẻ, tự nhận mình là "a nerdy guy from MIT" (trường Đại học Massachusetts Institute of Technology lẫy lừng khắp thế giới đã đào tạo cho Mỹ nhiều nhà khoa học tài năng.) cặm cụi làm việc với niềm đam mê của một người "chỉ biết học thôi chả biết gì" (a nerd).

Ray tốt nghiệp cao học (master degree) về ngành Điện (Electrical Engineer) ở MIT năm 24 tuổi, sau khi đã có cử nhân (bachelor degree) ở Rensselaer Polytechnic Institute vào năm 1963. Thời sinh viên, ông đi thực tập ở IBM và đã làm cho các kỹ sư ở đó khâm phục trí thông minh, và khả năng làm việc của một anh chàng mới bước vào tuổi hai mươi, thiếu cả kinh nghiệm làm việc lẫn kinh nghiệm sống.

Ra trường, ông về làm việc cho Bolt Beranek and Newman((BBN), sau này được Công ty kỹ thuật Raytheon mua lại. Tomlinson làm ở đó như là một programmer giỏi, một nhà khoa học được tất cả mọi người kính trọng. Hơn nửa thế kỷ qua, vẫn ở cùng một công ty, với nhiều thay đổi, các nhà lãnh đạo, đến rồi đi, anh kỹ sư trẻ Ray Tonlinson, bước vào tuồi trung niên, roi bạc tóc, vẫn làm việc ở văn phòng quen thuộc của mình, vẫn yêu những con số, những project khoa học cho đến lúc ông qua đởi vì bệnh tim vào ngày thứ bảy 5 tháng 3 năm 2016.


blank
Ray thời 1970, khi khai sinh mạng lưới email toàn cầu.

Vào năm 1970, ở tuổi 29, anh kỹ sư trẻ Ray Tomlinson phải làm việc cùng lúc ở hai computer khác nhau, data không thể gởi từ máy này qua máy kia. Ngoài phận sự của mình, Ray dành thì giờ nghiên cứu cách gởi data từ các máy khác nhau. Anh dùng tên mình Ray ở máy 1 gởi cho Ray ở máy 2. Để đơn giản hóa, thay vì dùng chữ "at", Ray dùng ký hiệu @, có sẵn trên bàn phím. Và việc gửi email từ máy này tới máy kia thành công. Chính từ đây, mạng lưới email giữa người này với người khác (Person to person netward email) ra đời và ký hiệu user@host trở thành mẫu ghi phổ thông cho cách ghi địa chỉ email toàn cầu hiện nay.

Khi tự gởi email cho mình (ở hai máy khác nhau) thành công, Tomlinson chia sẻ với một kỹ sư đồng nghiệp khác. Người này vui mừng, định báo tin cho cấp lãnh đạo. Vốn khiêm nhường như bao nhiêu người có tài khác, Ray ngăn lại "Đừng nói cho ai hết, thật ra đây cũng không phải là việc mà mình phải làm". Nhưng phát minh đó quá tiện lợi, nên "tiếng lành đồn xa", Ray Tomlinson được cấp bằng sáng chế, và là một trong những người quan trọng phát minh ra Emails.

Ông cũng nhận được nhiều giải thưởng khoa học có giá trị về các nghiên cứu khoa học từ năm 2000 đến năm 2012. Riêng trong giới programmer về Internet, ông được coi là một trong những nhà phát minh tài năng.

Sau đó, dù luôn khiêm nhường và thầm lặng, ông nổi tiếng trong giới khoa học, được MIT xếp thứ 4 trong danh sách 150 cựu sinh viên tốt nghiệp MIT là những nhà phát minh có đóng góp quan trọng nhất cho khoa học.

Ông được mời đi nói chuyện ở các hội nghị khoa học, là một tên tuổi được kính trọng trong giới high tech, được các sinh viên trẻ coi như một thần tượng.

Dù vậy, nhà khoa học vẫn sống lặng lẽ với tình yêu khoa học, và trang trại nuôi một loại cừu nhỏ ở ngoại ô New York. Ngoài công việc, ông có niềm vui "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ" với thiên nhiên vả bầy cừu nhỏ của mình. Cả cuộc đời ông gắn liền với tiểu bang New York, nơi ông sinh ra, lớn lên, đi học, làm việc, và qua đời.

Xin viết lại bài này với lòng ngưỡng mộ, và biết ơn người phát minh ra "@", giúp Emails phát triển hoàn thiện như hôm nay.

Và xin được nhắc nhở mọi người nhớ đến Ray Tomlison, người góp phần quan trọng trong việc đưa Emails đến cả tỷ người ở khắp nơi trên thế giới.
*

Raymond Samuel Tomlinson sinh tại Amtersdam, NewYork, ngày 23 tháng Tư năm 1941. Khi đột ngột từ trần vị bị kích tim vào ngày March 5, 2016, chỉ còn đúng 4 tuần nữa là Ray sẽ mừng sinh nhật thứ 75.

Tháng Ba, tháng Tư là ngày giỗ, ngày sinh của ông. Khi mở Emails, xin hãy góp phần cầu nguyện cho Ray Tonlinson, mong ông an vui bình yên ở một nơi không còn cần Emails, không cần bất cứ một điều gì ngoài sự nhẹ nhàng, thanh thoát.

Nguyễn Trần Diệu Hương
                          TIẾN BỘ TRONG Y KHOA

Phương pháp mới chữa bệnh tiểu đường




Tiểu đường gây ra bởi tuyến tụy trong cơ thể không còn sản xuất ra insulin nữa. Insulin là một hormone có nhiệm vụ chuyển bỏ đi lượng đường thừa trong máu. Số insulin thiếu này có thể bổ sung bằng cách chích trực tiếp, nhưng như vậy người bệnh phải chích hàng ngày. 
Công ty Orgenesis đã có phát minh mới để điều trị tiểu đường, trong đó, người ta sẽ lấy ra một số tế bào gan của người bệnh và đưa vào phòng thí nghiệm để sử dụng về mặt di truyền, nhờ đó, chuyển những tế bào này thành những tế bào có khả năng tạo ra insulin. Cuối cùng, chúng được cấy trở lại gan và từ đó những tế bào này có thể sản xuất insulin ngay tại trong gan.
Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ không còn phụ thuộc vào việc phải có người hiến tụy tạng, và cũng không phải dùng thuốc chống lại đề kháng khi ghép. Hơn nữa, phương pháp mới còn rẻ tiền hơn, không phải tốn chi phí cho việc theo dõi định kỳ, và quan trọng nhất là insulin mới sẽ được sản xuất chỉ trong vòng vài ngày sau khi ghép. 
Phương pháp này đã được thử nghiệm trên mô gan người trong phòng thí nghiệm, và trên những con chuột bị tiểu đường. Cuối năm nay sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người để có kết luận cuối cùng trước khi được áp dụng chính thức.

Tái tạo răng bằng laser.

Một nhóm khoa học gia ở Harvard’s Wyss Institute đã tiến hành một nghiên cứu về cách chữa răng bằng stem cell (tế bàogốc).
Những thành tựu của nghiên cứu này đã mang lại hy vọng một ngày nào đó người ta có thể ném bỏ mấy hàm răng giả hiện đang được sử dụng.
 

Trong phương pháp này, người ta sử dụng tia laser có cường độ thấp để kích thích tế bào gốc sản sinh ra mô răng mới thay thế cho răng cũ. Phần chính được kích thích là phần ngà răng (dentine)Đây là mô cứng giống như mô xương và là một trong 4 thành phần chính của răng gồm men, ngà, tủy và xi măng bọc chân răng.
Người ta đã khoan các lỗ nhỏ trên răng hàm của chuột và tiến hành kích thích bằng tia laser, sau đó răng được đậy lại bằng các nắp nhựa. Khoảng 12 tuần sau đó, người ta thấy các mô ngà răng mới được tạo ra. Những thí nghiệm tiếp theo sau đó trong phòng thí nghiệm cho thấy khi được kích hoạt, các tế bào có tên là TGF-b1 (Transforming Growth Factor b1) được tạo ra, và theo phản ứng dây chuyền, chất này sẽ thúc đẩy các tế bào gốc tạo ra ngà răng. 
Người ta còn thấy rằng kỹ thuật này ngoài việc giúp cho việc chữa răng, còn có thể được sử dụng trong việc tái tạo mô điều trị vết thương, điều trị gãy xương.... 

Dụng cụ phát hiện ung thư tiền liệt tuyến



 


Trong hội chợ sản phẩm mới COMPAMED ở Âu Châu, có một dụng cụ mới được chế tạo giúp phát hiện chứng ung thư tiền liệt tuyến một cách nhanh chóng.
Các nhà khoa học chế tạo cho biết dụng cụ này có thể xác định các mô ở tuyến tiền liệt bị biến đổi là loại mô lành tính hay ác tính, và chỉ cần 1 phút rưỡi là hoàn tất công việc nhờ chức năng phân tích những mẫu mô lấy từ tiến trình sinh thiết (biopsy). 
Một bác sĩ chỉ cần đặt mẫu mô xét nghiệm vào một đĩa nhỏ, trượt vào trong máy, ấn nút và chờ một chút. Các chuyên viên y tế không cần phải chăm chút chuẩn bị, không phải chờ lâu, và cũng không phải mất thì giờ khám bệnh. Dụng cụ này sẽ phát ra chùm tia laser rọi vào mẫu mô, kích thích các phân tử fluorophores. Đây là những hợp chất có khắp nơi trong cơ thể và chúng phát sáng lên một thời gian ngắn khi được chiếu xạ. 
Các mô bình thường và mô ung thư sau khi phát sáng sẽ mờ dần theo tốc độ khác nhau. Nếu tốc độ mờ này vượt quá một mức quy định, điều đó có nghĩa là có sự hiện diện của tế bào ung thư. Dụng cụ này sẽ bật đèn màu xanh để báo cho biết bệnh nhân không có mô ung thư và bật đèn đỏ nếu có.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sản phẩm này trong tương lai sẽ được cải thiện để có thể phát hiện các loại ung thư khác, nhưng bước đầu họ phải xác định được các giá trị giới hạn của tốc độ mờ để đưa vào phần mềm phân tích của dụng cụ. 
Nếu thành công, dụng cụ này sẽ giúp bác sĩ khám ung thư được dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn nhiều lần so với các phương pháp hiện đang sử dụng
Nguồn: Internet