2016/04/19


LÂU LẮM…

Lâu lắm không về thăm bến xưa
Giòng sông nay vẫn có đò đưa
Đêm trăng lấp lánh ngàn cành lá
Ngào ngọt tình quê của xứ dừa?

Lâu lắm không về thăm xứ anh
Bà Om nước đọng chập chờn xanh
Hay đà khô cạn theo ngày tháng
Tợ nghĩa tình ta vốn mỏng manh?

Lâu lắm không về rạch Cái Cam
Nhớ dòng Kinh Mới mây chiều lam
Nhớ hàng cây lá xanh như ngọc
Nhớ xóm làng ta dân đảm đang!

Lâu lắm mong đi viếng bạn quen
Thăm cầu Thiềng Đức, xóm Lò Rèn
Rong xuồng nước lớn về Long Mỹ
Hít thở hương quê cho đã thèm !

Lâu lắm không nghe tin bạn bè
Người nam kẻ bắc sao "im re"
Nghĩa tình còn nóng hay nguội lạnh
Tôi kẻ lạc loài nhớ lắm nghe!

Anh Tú
19/4/2016
***
Cảm tác của bạn thơ:


HÃY VỀ ĐI
Bến Tre dừa ngọt vẫn đợi anh
Trà Vinh nước mặn mãi trong xanh
Long Hồ đã có người bạn cũ
Sẽ chở anh chơi Vĩnh Long thành...

PHÚ THẠNH
20/4/2016

LÂU LẮM

Lâu lắm chưa về chốn đất quê
Dòng sông quê mẹ với con đê
Kêu sương tiếng vạc buông rời rả

Rộn rã âm vang ếch tứ bề!

Lâu lắm chưa về đất mẹ ơi!
Bao năm cách biệt góc phương trời
Chiều nay ngắm bóng mây đầu núi
Chợt nhớ quê nhà, rớm lệ rơi!

Lâu lắm, ơi hời, bạn nhớ không?
Đò xưa còn đậu bến ven sông?
Hay đò vẫn đó, người xưa vắng
Con sáo sang sông đã sổ lồng!


Con sáo sang sông, sáo sổ lồng
Mà sao vẫn có kẻ chờ mong
Mà sao thương nhớ người dưng mãi
Thương nhớ một đời, thương nhớ ơi!

Biết đến bao giờ trọn ước mơ
Đò xưa, bến cũ, vẫn ai chờ
Vẫn ai cất tiếng hò lơi lả
Sao mãi chưa về để ngẩn ngơ!

Sao mãi chưa về chốn tuổi thơ
Một thời tươi đẹp tựa trong mơ
Ra đi bỏ lại con đò cũ
Cô lái đò xưa mắt dõi mờ !


Trần Văn Dõng
21/4/2016

2016/04/16


Mênh Mông Tình Buồn

Sống bên nhau một phút giây thôi 
Để rồi chia tay đương đời 
Đến với nhau lần cuối hôm nay 
Khi ngày mai đã muộn rồi.

Khóc chi cho lệ thắm hoen mi 
Hỡi người ơi cuối trời phiêu lãng 
Thoáng mênh mông tình buồn.

Tình yêu nào ai có hay 
Tựa như một thoáng mây bay 
Chợt đến ta không đón mời 
Rồi đi không câu giã từ hỡi người.

Xin anh lần cuối hôm nay 
Khi còn bên nhau đường về 
Hãy quên đi một thoáng đam mê 
Ta vùi chôn những hẹn thề 
Lá thu rơi ngập lối chia ly tiễn người đi 
Để tình yêu đó với tháng năm còn lại gì.

2016/04/15


Thơ: Đỗ Hữu Tài
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân
Hoà âm: Cao Ngọc Dung
Tiếng hát: Trung Hiếu

Vừa mới rời nhau đêm qua
Sao em vẫn nhớ thiết tha ngập lòng.

Em Đợi Anh


sớm nay
ngồi
rẽ
đường ngôi
nhúng bông hoa phấn
thoa đôi má hồng

đợi anh
cứ đứng vào trông
chờ phone anh nhắn
nghe
... lòng
buồn thênh...

anh à...
nỗi nhớ thành tên
mới đêm qua vậy
mà chênh vênh này

em đi in nặng dấu hài
ướm trên giọt nắng
mảnh gầy
nhớ ơi...

lời thơ tình tự ru hời
đợi anh ngồi xếp
cánh
rời
lụa hoa

tặng em mộng đẹp hôm qua
tặng em anh nhé
nụ
hôn
miết nhoà....

🌹
15.4.2015
Đông Khuê



2016/04/12

Photo:
Trăng Vĩnh-Long/Ảnh Trương Phú
Vầng Trăng Của Tôi.

Tôi có những niềm vui nhỏ đủ tạo nên một nụ cười , nhưng cũng có những ni buồn đọng lại thành những giọt nước mắt. Như hôm nay, nhận được thư em gái từ quê hương. 
Chị thương, 
Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời” . 
Trăng thật tròn và sáng nhìn từ hiên nhà. Gửi chị một chút mơ màng, bâng khuâng , huyền ảo cuả vầng trăng quê mẹ.... Đêm thật khuya, có lẽ lá thư của em tôi đã khiến tôi bâng khuâng không ngủ được. 
Từ nơi tôi ngồi , xuyên qua khung cửa sổ rộng mở, đêm nay, trăng xứ lạnh cũng tròn như vầng trăng của em tôi ở quê nhà. Trăng trung tuần, nơi đây, như một chiếc dĩa bạc lạnh lo vẽ trên nền trời đêm . Gió khuya lay động hàng cây bên đường. Đêm, trăng và thư của em , đã chuyên chở tôi về quê cũ. Tôi thấy lại vầng trăng Vĩnh Long của những ngày đi dạy trường T.P.H … hòa trong hương quít, hương cam và nồng nàn hương phù sa của thành phố hiền hoà, nằm bên bờ sông Cổ Chiên, thuộc nhánh Tiền giang. 
Trăng phương nam, sáng tỏa khắp bờ Cửu long, nước chảy con thuyền xuôi dòng, hoà tiếng khoan hò ấm lòng”… 
Đó là vầng trăng của thời dạy học xa nhà, của tuổi 23 vừa rời khỏi mái gia đình , rời khỏi vòng tay cha mẹ. 
Những đêm trăng Sàigon, chị em vui đùa trên sân thượng, trăng hôn lên những đóa trúc đào, trăng xuyên qua giàn hoa giấy, mà Ba tôi đã vun trồng, tưới tẩm , mỗi ngày sau những giờ làm việc. 
Và tiếng hát của em tôi. “ Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già,ôm một mối mơ” Giữa đại dương mênh mông, trong nỗi lo sợ hãi hùng bên bờ sống chết, tôi ôm hai con thơ vào lòng , vầng trăng hôm ấy sao lạnh lẽo quá , trong cô đơn , tôi thì thầm lời giã biệt với trăng. 
Bao năm sống xa quê hương, cuộc đời bắt đầu từ số không, mãi lo miếng cơm manh áo, phụ giúp chồng nuôi dạy con khôn lớn, tôi không có thời giờ mơ mộng như thời mới lớn, đã bao lần trăng mờ, trăng tỏ tôi đã quên rồi ..không chú ý. 
Tuổi về hưu, một ngày cuối tuần , đi chơi cùng các con, trên đường về đêm ấy, trăng thật sáng, trăng ở miền quê thật yên bình, lòng tịnh yên, hôm ấy, tôi bắt gặp lại vầng trăng xưa,..Tôi chợt thấy, tâm hồn mình cũng như vầng trăng, vẫn sáng, vẫn chiếu ngời rạng rỡ. 
Trăng ngày xưa, trăng nơi đây hoà chung là một ..đã trở về với tôi. Trăng quê hương của em tôi, trăng viễn xứ cuả tôi. Thời gian trôi nhanh như một thoáng mây bay. 
Và cuối thư Em đã hỏi tôi. “ Chị ơi …Có phải hạnh phúc, như vầng trăng trên trời, long lanh trong đáy nước, để muôn đời ta chỉ có thể thấy được, ngắm được nhưng không bao giờ bắt được.?....”

Thuong-Tri Nguyen
Nhạt Nắng
Vẫn khung cửa
qua bao mùa mưa nắng
nhớ rồi thương cho đến dại khờ
vẫn khung cửa
anh nhìn em xao xuyến
một sững sờ
một chốc đã yêu...
yêu đôi mắt nâu buồn mi khép vội
lời thơ bay như chim sáo giữa trời

rồi xuân tàn 
hạ vội vã sang tay
nên chim hót cứ âu sầu cuối ngõ
tán lá xưa tình cờ hôm trở gió
anh bỏ lơ một chốc luyến thương em

ừ...
thì mưa gió thất thường...
nên cánh hoa cuối chiều rơi rụng
như hồn em một ngày nhạt nắng
đôi mắt nâu buồn
đau đáu nhớ thương ai...

vùng trời đó bình yên đi mãi mãi
chỉ một lần thôi em chớp mắt
ta lạc nhau đã hết mấy khuôn trăng?

biển ầm ào
biển xô đêm
biển gào thét...
hỏi bờ hoang có xóa dấu chân qua
em lặng lẽ qua từng mùa...
từng mùa khô cạn
khung cửa nhỏ buông lơi ủ rũ
mắt nâu buồn héo hắt trải mùa trôi...

💐10.3.2013
Đông Khuê

2016/04/11

CHUYỆN MẤY CON CHIM VÀ CÁI TỔ.

Buổi chiều, một buổi chiều rất đẹp, nắng thủy tinh vàng trải nhẹ khu rừng nhỏ phía sau nhà mình, mẹ đi làm về, lại một ngày sắp trôi qua, mẹ nghĩ quanh khu mình ở, như con biết đấy, nó trầm lặng, nó êm ả quá đi và ngày nào cũng như ngày nào, chẳng trông mong gì có một chuyện lạ, dù nhỏ nhoi xảy ra cả.

Thanh Thương Hoàng

Con gái của mẹ,

Bây giờ là mùa xuân! Mẹ nghe nói trên chỗ con ở trời vẫn còn lạnh lẽo và tuyết vẫn đóng băng dày cả thước, có phải vậy không? Đang luyện bài để thi tam cá nguyệt hay đang lội dưới tuyết đến sở làm vì quãng đường từ nhà đến sở bị đóng băng chưa giải tỏa xong, xe không chạy được? Thấm thoát, sau mấy ngày gia đình sum họp đón mừng Noel và năm mới, mẹ con mình đã xa nhau bốn tháng rồi đấy. Mẹ không phôn nhiều cho con để con yên tâm học và làm việc, chứ thực ra ngày nào mẹ cũng muốn phôn cho con. Nghe tiếng con nhõng nhẽo trong máy, lòng mẹ ấm biết bao, hạnh phúc biết bao!

Con ạ! Hôm nay nhà mình có một chuyện lạ, mẹ kể con nghe nhé!

Buổi chiều, một buổi chiều rất đẹp, nắng thủy tinh vàng trải nhẹ khu rừng nhỏ phía sau nhà mình, mẹ đi làm về, lại một ngày sắp trôi qua, mẹ nghĩ quanh khu mình ở, như con biết đấy, nó trầm lặng, nó êm ả quá đi và ngày nào cũng như ngày nào, chẳng trông mong gì có một chuyện lạ, dù nhỏ nhoi xảy ra cả.

Bác Hoàng đón mẹ trước cửa nhà. Mẹ vừa ra khỏi xe bác đã kéo tay mẹ đi ra phía sau deck, và ra hiệu cho mẹ im lặng. Rồi bác chỉ lên một chậu cây kiểng treo lung lẳng trên dàn gỗ của deck nói nhỏ: “Em thấy gì không?” Nhìn theo tay bác chỉ, mẹ không thấy gì cả, lắc đầu. Bác nói tiếp: “một tổ chim!”. Tiếng bác nhỏ làm như sợ chim nghe thấy bay mất. “Một tổ chim?”. Mẹ hỏi lại. Bác gật: “Ừ, một tổ chim”. “Anh phát giác từ bao giờ?”. “Mới lúc nãy. Anh ngồi viết truyện ở buồng trên lầu. Tới đoạn bí đưa mắt nhìn qua cửa sổ ra ngoài trời thì tình cờ “phát giác” ra “nó”. Thế là tinh thần trẻ thơ trong anh nổi dậy”. Bác bảo mẹ ngồi xuống cái ghế gỗ dài gắn liền với thành deck rồi kể cho mẹ nghe câu chuyện thời trẻ thơ của bác.

Lúc nhỏ anh con trai nào cũng hay nghịch ngợm rình mò lùng kiếm các tổ chim để bắt chim con mới nở đem về nuôi. Còn nếu là trứng mới đẻ thì đem luộc ăn. Những quả trứng bé xíu bằng đốt ngón tay màu trắng nhợt lốm đốm những chấm đen, luộc lên ăn sao mà ngon, béo và bùi đến thế. Thường thường thì chim con đem về nuôi vài ngày nếu không chết thì cũng bị chú mèo mướp già nhà hàng xóm vồ mất. Khi đó, cậu bé con là anh đó, chẳng hề nghĩ hay tưởng tượng tới sự đau đớn của chim mẹ khi vất vả đi kiếm mồi tha về tổ thấy mất con. Tuổi thơ thường ưa nghịch ngợm phá phách một cách vô tư và tàn nhẫn như vậy.

Kể chuyện “ngày xưa” xong, bác Hoàng bỗng dưng im lặng và khẽ thở dài, mắt như chìm sâu vào một cõi xa xôi mơ hồ nào đó. Có lẽ bác đang hồi tưởng và luyến tiếc…

Mẹ cũng nghĩ tới tuổi thơ của mình, thời con gái bé dại. Thời đó, bọn con gái đâu được chơi những đồ chơi, những trò chơi với đầy đủ tiện nghi văn minh khoa học như các con bây giờ. Bọn mẹ tất nhiên không bao giờ ác như bọn con trai đi lùng bắt chim non, lấy trứng hay phá tổ chim coi như một thành tích khoe khoang với bạn bè. Bọn mẹ chơi “đánh đũa”, nhảy “lò cò”, chơi bán hàng, chơi nấu đồ ăn mà nồi niêu soong chảo là những lon sữa cũ, vỏ hến, vỏ sò. Đồ ăn là những lá cây xắt nhỏ ra rồi tưởng tượng đấy là thịt, là cá, là cơm. Và khi ăn, làm bộ như ăn thật, cũng mời mọc bạn bè rối rít.

Sau một lúc im lặng, bác Hoàng như chợt tỉnh, nói tiếp: “lợi dụng lúc con chim cái, anh đoán thế, rời khỏi tổ, anh bước lên thành gỗ của deck nhòm vào cái tổ chim tròn tròn xinh xắn kết bằng cỏ khô nằm giữa chậu cây. Trong tổ có mấy quả trứng nhỏ xíu màu trắng đục lấm tấm chấm nâu đen.

Nghe bác Hoàng kể, mẹ cũng nổi tính tò mò, vừa bước lên thành gỗ của deck thì nghe tiếng chim kêu “chéc chéc” đâu đây. Bác Hoàng nói nhanh:”Em xuống đi, mẹ nó về đấy! Nó tưởng mình phá tổ nó dọn đi mất thì hỏng hết!”. Mẹ và bác rút vào trong nhà, núp sau cửa kính, theo dõi hành tung con chim mẹ. Con chim này to bằng con sáo, cánh và nửa thân phía trên màu đen xám, đầu đen, cổ có khoanh trắng. Mắt có viền tròn trắng. Nửa mình phía dưới màu vàng nâu. Với bộ mã như thế có thể nói là không có gì đẹp, hấp dẫn cả. Tuy nhiên, sự tò mò thích thú của tuổi thơ đã trở lại với mẹ. Mẹ bỗng thấy hồi hộp và tim đập nhanh. Có lẽ bác Hoàng cũng thế. Mẹ thấy bác nhìn mẹ tủm tỉm cười.

Chim mẹ kêu “chéc chéc” liên tục tới khi bác và mẹ vào nhà mấy phút nó mới chịu ngưng. Và hai phút sau, có lẽ nghe ngóng động tĩnh xong thấy không có gì đáng ngại nó mới bay từ cành cây bên kia đường sang cành cây trong sân nhà mình gần deck. Rồi nó lại tiếp tục quan sát nghe ngóng động tĩnh đến mấy phút nữa mới bay vào tổ, tiếp tục làm công việc ấp trứng (hay đẻ trứng?).

Thế là trong nhà mình có thêm đề tài mới để trò chuyện, bàn tán. Anh Bách đi làm về mẹ khoe ngay việc chim làm tổ và bắt Bách ra ngay deck “chiêm ngưỡng”. Bách vui vẻ nói: “Vui nhỉ, nhà ta có thêm bạn mới. Nếu có em Bi ở nhà chắc thích lắm”.

Rồi ngày nào ở sở vào khoảng mười giờ mẹ lại phôn về bác Hoàng hỏi thăm các bạn chim. Và bác lại “tường thuật” đầy đủ những việc bác nhìn thấy như khi con chim chồng (bác đoán thế vì không thấy nó gầy và xác xơ như con chim kia) đi kiếm mồi về không bao giờ nó bay một mạch từ xa vào thẳng tổ. Lần nào cũng vậy, nó đậu  một cành cây gần đó nghe ngóng. Thấy không có gì khác lạ mới bay vào tổ. Khi con chim chồng về, con chim vợ liền rời tổ bay đi kiếm ăn đồng thời cũng là để nhường chỗ cho chim chồng ấp trứng thay mình.
Một buổi chiều mẹ đi làm về, lúc ấy đã chập choạng tối trời hơi lạnh, bác Hoàng đang đứng ngoài deck chăm chú nhìn phía bên kia đường. Mẹ nhìn theo tay bác chỉ: trên một cành cây nhỏ thấp có một con chim đang ủ rũ đứng, đầu quay về phía tổ chim. Bác Hoàng nói:”Chim chồng đấy! Anh thấy nó đậu đãõkhá lâu!”. Rồi bác thắc mắc:” Chẳng lẽ đêm nào nó cũng ngủ ngoài để nhường chỗ cho chị vợ nằm ấp trứng? Vì cái tổ nhỏ quá làm sao chứa nổi cùng lúc cả hai?”. Suốt buổi tối đó mẹ với bác cứ thảo luận mãi về anh chim chồng chịu cảnh sương gió đêm thâu. Mẹ hỏi bác:”Tại sao chim chồng lại không nằm ấp bên chị vợ để sưởi ấm cho cô nàng nhỉ?”.Bác Hoàng cười:”Tại sao em không ra hỏi chim lại hỏi anh?”.

Ngày chủ nhật trời mưa to gió lớn và lạnh. Mẹ đang nằm đọc báo trên chiếc ghế dài trong phòng khách thì bác Hoàng trên lầu xuống nói: “Em lên đây coi!”. Mẹ theo bác lên lầu, vì chỉ có phòng trên lầu nhìn xuống qua cửa sổ mới thấy rõ hết trong tổ chim. Mẹ thấy con chim mái (chắc thế) xòe hai cánh rộng ra để che kín cái tổ. Cổ nó co rút lại sát vào thân, đôi mắt nhắm nghiền. Cả đầu cũng như thân mình nó bị ướt đẫm. Nước từ dưới đáy chậu cây kiểng nhỏ giọt liên hồi. Hình như thân mình con chim run rẩy vì lạnh thì phải. Mẹ nói:”Tội nghiệp con chim quá anh! Em sợ nó chịu không nổi trận mưa giá lạnh lẽo này mất. Em lấy khăn đắp cho nó nhé!”. Bác Hoàng cười cười:” Rất hoan nghênh thiện chí của em nhưng con chim đang nằm ấp kia sẽ không biết và không thông cảm với thiện chí này. Khi thấy em tới bên tổ, tưởng em đến bắt và nó sẽ sợ hãi bay đi mất. Có phải như vậy rõ ràng là thiện chí không đúng chỗ sẽ trở thành phá hoại không?” .”Nhưng em thương nó quá! Tội nghiệp nó quá! Chẳng lẽ thấy nó sắp chết mà mình không ra tay cứu giúp?”. Mẹ nói như năn nỉ để bác tán thành việc làm của mình. Rồi cứ như thế bác và mẹ chuyện trò vòng vo mãi quanh việc tìm cách cứu giúp con chim nhưng chẳng được gì hơn, đành bất lực nhìn nó dầm mưa gió và cầu trời. Bác Hoàng khẻ thở dài nói bâng quơ:” Không biết giờ nầy con chim chồng ẩn trú ở đâu nhỉ?”. Suốt đêm đó mẹ trằn trọc không sao ngủ nổi và đầu óc cứ chơi vơi chấp chới hình ảnh con chim mẹ xòe đôi cánh che mưa gió trong cái tổ nhỏ để ấp ủ giữ độ ấm cho mấy cái trứng khỏi bị nước thấm ướt, vì khi trứng bị nước thấm ướt sẽ bị hư thối.
Trận mưa kéo dài một ngày một đêm.

Hôm sau, trời mới hửng sáng mẹ và bác Hoàng đã thức dậy nhìn ra tổ chim. Con chim mẹ vẫn xõa đôi cánh và thân mình ướt nhèm che kín cái tổ. Nó có vẻ rũ rượi rã rời như một cái xác chết. Thế rồi anh chim chồng bay về. Chị chim vợ vội vã rời khỏi tổ bay đi. Một ngày không biết đôi chim thay nhau nằm ấp trứng bao nhiêu lần và rõ ràng là anh chim chồng chưa đến nổi xác xơ như chị chim vợ. Có hôm, bác Hoàng kể, anh chim chồng tha một cái mồi khá lớn về trao cho chị vợ xong bay đi ngay, chứ không nằm ấp trứng thay vợ như mọi lần. “Chắc là sắp tới ngày trứng nở nên chị vợ ham ấp không muốn bay ra ngoài nữa!”. Bác Hoàng nói.

Ngày nọ nối tiếp ngày kia lặng lẽ trôi trên cái vùng lạnh lẽo của nước Mỹ này, mẹ và bác chẳng ngày nào quên “hỏi han” tới vợ chồng chim. Mẹ nghĩ: ít ra đôi chim này đã giúp vui cho mẹ và bác Hoàng trong những ngày tháng sống nơi xứ người, nhất là khi mùa Xuân đến, cây cỏ xanh tươi trổ hoa rực rỡ mà lòng người thì vẫn buồn, buồn da diết nỗi buồn xa xứ.

Mẹ tới sở khoe với cô Kiểm, đồng nghiệp người Việt duy nhất của mẹ. Cô cười vui nói:”Em mừng cho chị!” . Mẹ ngạc nhiên:”Mừng cho tôi? Nhưng cô mừng về việc gì?”. “Thì đất lành chim làm tổ mà! Hên đấy! Năm nay chắc chị phát tài. Thử mua vé số xem. Nhớ khi trúng đừng quên em nhé!”. Dù không tin nhưng khi đi làm về mẹ cũng ghé trạm xăng mua tấm vé số.

Ít ngày sau, khoảng mười giờ sáng ngày thứ hai, trời nắng ấm rất đẹp, mẹ đang bận túi bụi với công việc ở sở thì bác Hoàng phôn tới. Câu đầu tiên bác nói như reo vui:”Trứng nở rồi, em ơi!”. Mẹ cũng vui không kém, hỏi:”Nở mấy con?”. “Hai con!”. Tại sao lại hai? Bữa trước em thấy ba trứng kia mà!”. “Anh chỉ thấy hai cái đầu chim ngọ ngoạy, ngóc ngóc”. “Chẳng lẽ một trứng không nở? Được rồi, để trưa nay em về coi lại xem sao!”. Mặc dù công việc trong sở còn quá nhiều, mẹ cũng phóng xe về nhà để nhìn tận mắt mấy chú chim con ra đời.

Vừa lúc mẹ về tới nhà thì vợ chồng chim đều đi vắng, có tiếng chim con kêu “lích chích” rất nhỏ. Dù bác Hoàng ngăn cản, mẹ nhất định đứng lên trên cái ghế gỗ dài và kiễng chân nhòm sát vào tổ chim. Rồi mẹ reo lên:”Ba con chứ không phải hai!” .Bác Hoàng không tin, cho là mẹ “xí gạt” bác. Khi thấy mẹ cam kết “không giỡn” bác liền đứng lên ghế để nhìn. Ba con chim mình mẩy đỏ hỏn lún phún lông tơ, cái đầu ngóc ngóc trông dễ thương làm sao! Bỗng có tiếng chim kêu liên hồi “chéc chéc” như hoảng hốt báo động ngay ở cành cây nơi góc sân nhà, cách tổ chim không xa. Thì ra mãi coi chim con, chim mẹ về bác và mẹ không biết. Con chim mẹ sau vài tiếng kêu lớn, nó lao về phía tổ như muốn đánh… bác và mẹ. Nó cứ lao xuống tới sát hai người rồi lại bay lên mấy lần như vậy và vẫn không ngớt phát tiếng kêu. Tới khi bác và mẹ vào hẵn trong nhà, con chim mẹ mới thôi kêu và đáp xuống tổ. Có nhiều tiếng chim con “lích chích” nổi lên. Có lẽ chúng reo mừng khi thấy mẹ chúng trở về.

Buổi tối hôm đó bác Hoàng kể cho mẹ nghe một câu chuyện, lúc bác bị cộng sản bắt tù đày giữa rừng già Pleiku. Chuyện mẹ con đàn gà rừng. Bác hàng ngày phải vào rừng chặt cây. Dù nắng hay mưa cũng phải đạt chỉ tiêu một ngày hai khúc gỗ đường kính hai mươi phân và dài ba mét rưỡi. Cứ vào khoảng mười giờ sáng, sau khi chặt cây xong thì bác đói bụng lắm, phải đi kiếm cái gì ăn để lót dạ. Tất cả rắn rết, côn trùng trong rừng đều bị anh em tù càn  quét hết sạch từ lâu. Giờ chỉ còn ít măng le sót lại sau mùa mưa. Có khi phải lùng sục trong rừng cả tiếng đồng hồ mới “bắt” được mấy cái măng đã trãi qua thời kỳ non rồi, tức là măng có nhiều xơ hơi cứng, phải luộc lâu mới ăn nổi. Bác Hoàng đang đi tìm kiếm măng thì bất chợt nghe tiếng gà kêu “cục tác, cục tác”. Bác thấy hiện ra trước mặt mình, chỉ cách mươi mét, một con gà mái rừng và bốn con gà con. Gà mẹ lớn bằng con gà giò nuôi nhà còn bốn con gà con bé xíu bằng nửa nắm tay, chưa mọc đủ lông. Bác Hoàng mừng lắm. Mỗi năm trong trại “lao cải” tù chỉ được ăn thịt ba lần vào các ngày lễ Lao Động quốc tế 1 tháng 5, ngày 2 tháng 9 và mùng một Tết Ta. Mỗi phần ăn vỏn vẹn có ba miếng thịt heo ít nạc nhiều mỡ, lớn bằng hai ngón tay mỏng dính nên bọn tù rất thèm thịt. Bây giờ bỗng dưng có con gà mái dẫn xác tới nạp mạng, bác Hoàng mừng còn hơn bắt được vàng. Bác giơ cao cây gậy le và chạy như bay về phía đàn gà. Đàn gà sợ hãi sớn sác ù té chạy, vừa chạy vừa kêu cuống quít. May chỗ này mặt đất bằng thoáng, không có các bụi cây nhỏ nên trong chớp nhoáng, bác Hoàng đuổi kịp đàn gà. Bác chắc mẩm phen này sẽ có một chầu “cải thiện” ngon lành. Gần mười năm trời trong trại tù bác chưa được ăn một miếng thịt gà.

Đàn gà co giò phóng mình chạy, vừa lúc bác Hoàng đuổi sát tới bên thì bất ngờ con gà mẹ không chạy nữa, nó đứng khựng lại và quay đầu “đối diện” với bác. Lông cổ nó xù ra và hai cánh nó xoải ra trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, trông y  hệt như con gà chọi trước khi đấu. Nó không kêu nữa, cái đầu ngẩng cao, cái mỏ mở rộng như muốn mổ. Bác Hoàng dồn hết sức lực giơ cao cây gậy le lên. Chỉ một cái quất mạnh là con gà mái rừng lăn ra chết. Nhưng khi cây gậy vừa đưa lên ngang đầu, bác Hoàng dừng tay. Việc con gà mái rừng trong cơn nguy cấp đã quyết đứng lại đối đầu với kẻ thù, để che chắn bảo vệ cho đàn con có đủ thì giờ chạy trốn, khiến bác bàng hoàng xúc động. Tình mẫu tử của loài vật cũng thiêng liêng cao cả như vậy sao! Bác Hoàng lặng lẽ quay bước cùng lúc con gà mái rừng chạy theo đàn con. Nghe bác Hoàng kể xong câu chuyện con gà mái rừng, mẹ cũng xúc động lắm. Loài vật đâu có thua gì loài người. Trong khi loài người còn có những kẻ nhẫn tâm bóp chết con hoặc vứt con từ trên tầng lầu cao xuống…

Đêm đó mẹ nằm mơ thấy con mèo vàng nhà bên nhảy lên tổ chim bắt ba chim con ăn tươi nuốt sống máu me đầm đìa. Trước khi chết ba chim con còn cố kêu cứu thảm thiết, nhưng không thấy bố mẹ chúng đâu cả. Mẹ thương và tội nghiệp ba chim con quá. Mẹ đã khóc. Tỉnh dậy mắt mẹ còn ướt. Bất giác mẹ nghĩ tới con. Giờ này con đang ngon giấc ngủ hay còn đánh vật với bài vở, hoặc công việc của sở đem về nhà làm? Buổi tối Tivi loan báo thời tiết chỗ con lạnh dưới 20 độ C và tuyết đóng băng dày cả chục inch. Ước gì có con nằm ngủ bên mẹ giờ này để mẹ vuốt những sợi tóc dài của con, hôn nhẹ lên trán con và nghe từng hơi thở đều đều nhè nhẹ của con. Mẹ thấy thèm hơi hướng của con, thiên thần vô vàn yêu qúy của mẹ…

Thấm thoát đã hơn mười ngày trôi qua, đứng bên cửa sổ trên lầu nhìn xuống, mẹ thấy ba chim con lớn trông thấy. Chúng đã mọc đủ lông cánh màu xám đen như bố mẹ chúng, nơi cổ có một khoanh trắng nhỏ. Và ba cái đầu chim đã vươn cao khỏi tổ. Mỗi lần bố mẹ chúng tha mồi về, chúng mừng kêu rối rít và há mỏ thật to để bố mẹ đút mồi. Cái tổ chim bây giờ coi rất chật chội với ba chim con. Mẹ thắc mắc hỏi bác Hoàng không biết tối chim bố chim mẹ ngủ ở đâu, có túc trực bên cạnh để bảo vệ đàn con khi hữu sự không? Bác Hoàng chịu thua không trả lời được.

Bây giờ đang giữa mùa Xuân thời tiết mát mẻ dễ chịu. Hoa Anh Đào nở rộ rực rỡ khoe sắc màu. Khi đi làm cũng như khi trở về nhà, mẹ không bỏ lỡ cơ hội nhìn hoa Anh Đào xếp hàng chạy dài bên đường. Cho xe vào gara xong, vừa ra khỏi xe bác Hoàng từ trên lầu chạy xuống đón mẹ nói lớn:”Đi mất rồi!”. “Cái gì? Anh nói cái gì đi mất?”. Bác Hoàng kéo mẹ ra sau deck. Mẹ đã cảm thấy cái gì đi mất, bác Hoàng chỉ tổ chim:”Dông hết cả bố mẹ lẫn con cái”. Bác nói mẹ nghe như một tiếng than  . Mặc dầu biết chắc lũ chim đã bỏ tổ ra đi nhưng mẹ vẫn đứng lên ghế gỗ nhón chân nhìn vào cái tổ chim trống hoác, trơ trọi ít phân chim. Mẹ nói bâng quơ:”Tại sao chúng lại bỏ đi nhỉ, mình đâu có làm gì đụng chạm tới chúng khiến chúng sợ hãi phải bỏ đi!”. Bác Hoàng cùng mẹ thẫn thờ ngồi xuống cái ghế gỗ dài, bất chợt cả hai cùng im lặng. Không biết bác Hoàng nghĩ gì, chỉ thấy bác đăm đăm nhìn về phía cánh rừng nhỏ sau nhà khẽ thở dài . Còn mẹ thì như vừa mất mát một cái gì quý lắm và nuối tiếc vô cùng những ngày qua với cặp chim rừng tới vườn nhà làm tổ. Mẹ cũng không hiểu tại sao chúng lại không làm tổ ở khu rừng nhỏ bên kia mà lại vào Deck nhà mình làm tổ, vừa trống trải vừa không phải “đất” của chúng! Mẹ hỏi bác Hoàng:” Chim bỏ tổ đi như vậy có xui không?”. Bác Hoàng cười:”Chim con lớn rồi, đủ lông đủ cánh thì chúng phải bay đi xây dựng một cái tổ mới, đó là lẽ tự nhiên!”. Bất giác mẹ liên tưởng tới con. Con gái của mẹ đã lớn rồi. Có thể con không cần mẹ nữa nhưng mẹ lúc nào cũng muốn ôm ấp con, như con chim mẹ xòe rộng đôi cánh ấp ủ lũ chim con trong cái tổ nhỏ bé khi trời nổi giông bão. Giá bây giờ mẹ có cánh như chim, mẹ sẽ bay ngay tới bên con, con chim nhỏ bé và suốt đời vẫn nhỏ bé của mẹ…

 Cái tổ chim nằm trong chậu cây trên giàn gỗ của deck cứ thế trơ vơ trống trơn…Cho tới một ngày, mẹ định nhờ bác Hoàng đem nó vào nhà treo nơi phòng khách để làm kỷ niệm thì bác Hoàng phôn vào sở, báo cho mẹ biết có hai con chim, giống hệt những con chim trước, từ sáng tới chiều cứ bay đi bay lại – như cặp chim trước đây tới làm tổ vậy. Đặt ống nghe xuống, mẹ bâng khuâng tự hỏi: không biết hai con chim này có phải là hai con chim bố mẹ hay hai con chim con đã sinh ra ở đây và bây giờ chúng trở về…

Mẹ tạm ngưng thư con nhé, mặc dầu mẹ muốn viết cho con thật nhiều và viết mãi. Tới lễ Thankgiving này mẹ chờ con ở nhà. Và mẹ sẽ làm một cái bánh kem chocolat thật to, mà thường ngày con vẫn thích. Cả nhà chúng ta sẽ ngồi ngoài deck ăn bánh, uống trà Tàu và ngắm… cái tổ chim, con nhé! Hôn con triệu triệu cái, con chim bé nhỏ vô vàn yêu quý của mẹ. 

Thanh Thương Hoàng (2000)

2016/04/10


Tuyết rơi

1-

Mùa thu..giả từ theo cánh lá vàng bay.
Những con phố chào mùa Đông tuyết trắng.
Đàn chim nhỏ nép vào nhau tìm hơi ấm.
Đưa tay hứng lấy từng cánh hoa mong manh .
Tuyết tan trong tay mình. 
Tuyết rơi..tuyết rơi.
Tuyết rơi như …tình yêu ngày ấy.
Làm sao tôi bảo tuyết đừng rơi ?
2-
Tuyết rơi như cánh hoa trời.
Như ngàn thương nhớ… đang rơi trong lòng.
Biết người bên ấy còn mong ?
Biết sân ga nhỏ còn trông bóng tàu ?
Áo xưa dù có bạc màu.
Nghìn năm anh ạ..tình đầu nào phai. 
3-
Đêm nay, tuyết rơi như dấu lặng buồn trên khung nhạc. 
Chuyện ngày xưa như lời hát ru người. 
Bên lò sưởi nồng hơi ấm .
Sao con tim vẫn là một khoảng trống không .
Tuyết vẫn rơi trắng không gian nầy…
Cơn bảo âm thầm …mỗi khi tuyết về…..người có hay ?

Nguyễn thị Trầm Hương.
Hình ảnh xưa của Việt Nam

2016/04/08


Mênh Mông…Tình Buồn*
(Thơ)

Xứ người Xuân quá cơ cầu
Mùa vui sao có nỗi sầu trong tôi?
Tháng Tư dâu bể bồi hồi
Tạo thương gây nhớ xa xôi quê nhà.

Còn đâu ngày tháng ngọc ngà
Nắng thoa má thắm mưa sa tóc thề
Con đường lề phố đi về
Cây cao xanh lá cà phê hẹn hò.

Lối mòn mẹ dắt quanh co
Đón đưa đến lớp i tờ sớm hôm
Mênh mông đồng lúa vàng thơm
Nuôi tôi năm tháng lớn khôn vào đời.

Quê hương lửa đạn tơi bời
Im dừng tiếng súng một thời ước mơ.
Thanh bình hạnh phúc mong chờ
Tù đày thù hận ai ngờ lên ngôi.

Nửa đời để lại bên trời
Nửa đời còn lại ra khơi đoạn trường
Vấn vương sợi nhớ sợi thương
Góc cây ngọn cỏ quê hương ngậm ngùi.

Anh Tú
April 7, 2016
*Cảm tác nhân đọc bài viết Mênh Mông…Tình Buồn của Thuong-Tri Nguyen
Mê Khúc
Nhạc sĩ: Bảo Phúc & Anh Thoa
Trình bày: Quang Dũng

Giăng ngang đời nhẹ tựa làn hương
Đưa hồn đi trong cõi vô thường
Một sợi tình níu kéo yêu đương
Một người tình tựa như khói sương
Để riêng ai thênh thang đợi chờ
Để riêng ai trông mong từng giờ
Cũng thôi đành gặp gỡ trong mơ
Bởi cơn mơ nào đâu hững hờ
Ai nỡ mang đi tình yêu đắm say
Cho trái tim ngoan buồn đau quắt quay
Nỗi nhớ rưng rưng giữa bờ vai
Em như thơ em đến mệt nhoài
Buông đôi tay ngỡ như lạc loài
Ai xa ai lối xưa tình phai
Nghe cung đàn dạo tịch tình tang
Như rụng rơi bao nỗi bẽ bàng
Từ một chiều vướng víu miên man
Lời đàn buồn tìm câu thở than
Cõi riêng ai không sao tỏ bày
Thả tương tư theo ai miệt mài
Để đêm về mộng sẽ nguôi ngoai
Phủ rong rêu sầu quên kiếp dài ...

2016/04/07


Mênh Mông…Tình Buồn.
(Văn)

1…Dẩu mùa Xuân đang về nhưng cái vui của đất trời không xoá tan nỗi buồn trong lòng người viễn xứ…Tôi đón tháng tư với một chút bâng khuâng…Tháng của ngậm ngùi dâu bể chia xa.
Hồi ức như một quyển sổ cất dấu những vui buồn, lưu giử kỷ niệm của tôi và quê hương. Nơi đó, tôi đã lớn lên, gắn bó từng con đường góc phố. Nắng .. vương nhẹ gót chân. Mưa.. con đường xanh bóng lá. Quán cà phê…một thuở hẹn hò.
Những nẻo đường quê… đón đưa nhau khi bình minh lên, khi hoàng hôn xuống.
Làm sao quên hình ảnh những ngôi trường thân yêu từ lúc nắm tay mẹ bở ngở vào lớp học i tờ cho đến khi vào đời , đứng trên bục giảng..
Dòng sông quê mênh mông vẫn âm thầm chảy bên đời…Những ngày quê hương trong chiến tranh lửa đạn,và giấc mơ thanh bình của tuổi trẻ chúng tôi…Tôi đã để lại nơi quê nhà một phần đời mình với mùi trầm hương ngày cũ… quyến luyến vấn vương..không dể tàn phai như sương khói. 

2… “Ra đi là sự đánh liều. Nắng mai ai biết, mưa chiều ai hay” ? ( Ca dao )
Em thương yêu,
Khi đưa gia đình chị ra cửa , chị còn nhớ lời than của Má :
-Đi làm chi, hai đứa cháu còn nhỏ quá, không biết tụi nó có chịu nổi sóng gió không ?
- Thôi, Má mong tụi con đi bình an, Má sẽ đi chùa cầu nguyện cho con .
Má còn nói nhiều về “ tử biệt sinh ly”… Ba yên lặng nhưng trong ánh mắt chị đọc được bao điều lo lắng.
Ngày ấy, cuối Tháng tư ..Ngày em thay cả nhà, đưa tiển chị lên đường…Gia đình chị lên xe ở ngả ba Bình Tiên để về Rạch Giá…
Dáng em đứng bơ vơ bên con lộ, trong buổi sáng còn mờ hơi sương, một vẩy tay chào “ nghìn trùng xa cách” .
Bao nhiêu năm, chị bao lần đưa tay, đếm bóng thời gian, để thấy, từng sợi thương , sợi nhớ đan xen
Chìm trong dâu bể . Trang đời hư ảo. Tháng tư về khơi lại. Bóng ngả hoàng hôn. Quê hương ơi..dậy những ngậm ngùi…”

Thuong-Tri Nguyen
4/4/2016

Y ĐỀ*

Bất chợt hương thầm thoáng nhẹ bay.
Cho tôi niềm cảm ủ bao ngày.
Duyên xưa cách biệt hồn lơ đãng.
Nét cũ hiện về dạ lắt lay.
Sắc thắm chập chờn năm tháng đó.
Hoa lòng man mác đến hôm nay.
Thơ ngây vụng dại vương niềm nhớ.
Đã luống xuân rồi..thoáng mộng say!

Đinh Lan
4/4/2016
*Cảm họa từ:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2016/04/hoa-mua-xua-vuon-que-phon-phot-giohe.html

2016/04/06


Mộng Sương

ngủ đi...
đêm đẫm mộng sương
ngủ đi em nhé 
cánh hường mỏng manh


ngủ đi để gió cuộn mành
miền trăng khoác áo 
chòng chành 
thuyền 
câu


miên di về ngụ giấc sâu
bàn tay run nhẹ
giọt sầu miết rơi....


tìm chi...
mây gió vợi vời
áp vào song nhỏ 
bờ môi 
lạnh 
gầy

*
hồn thơ vừa mới tỉnh say
đôi hàng mi ướt 
mộng 
vầy 
gối chăn...

🌹

Đông Khuê
6.4.2015

2016/04/03


THÁNG TƯ* 
  
Tháng tư về không giọt tình thấm ướt 
Tháng tư buồn chỉ được ngắm mùa sang 
Tháng tư nay kỷ niệm đã hoang tàn 
Tháng tư đến giọt lệ tràn nỗi nhớ 
  
Bao tháng tư cho trái tim tan vỡ 
Bởi đợi chờ chưa được nợ hòa duyên 
Từng mùa qua tràn ngập lắm ưu phiền 
Chỉ ngọn gió vờn hiên nhà tâm sự 
  
Ta vẫn mộng tháng tư bày con chữ 
Vẽ nên mầm hy vọng giữ dùm tôi 
Một chút thôi, dìu qua hết quãng đời 
Vợi nỗi nhớ cùng những lời giả dối 
  
Ôi tháng tư, ngọt ngào trôi khác lối 
Quạnh quẽ mình hạnh phúc ở người ta 
Đứng bên đường lặng ngắm mộng đời xa 
Nghe trỗi giận tháng tư là bọt sóng 
  
Biển trầm tư, cuốn dòng trôi biệt bóng... 
  
Tôn Nữ Thị Hạnh
*Trích từ VNTQ

2016/04/01

ĐẦU HẠ QUÊ NHÀ

( Cảm họa bài SCNMX của Anh Tú)

Trời bên anh vào xuân quang đãng
Quê nhà em đầu hạ cháy vòm cây
Trốn tìm nhau anh lẫn quẫn đâu đây
Như chợt tĩnh cơn mơ còn tư lự

Anh hãy về đi! Xin đừng do dự
Em vẫn chờ anh đến tận ngày mai
Đầu hạ buồn như thiêu đốt hôm nay
Nhưng tin chắc quê hương đầy sức sống!

Trời bên anh giờ này còn lạnh cóng?
Nhưng quê mình nước mặn đã vào sâu
Dân nhà nông chống hạn chẵng đi đâu
Lo bão vệ mùa màng đang chín muộn.

Tuy cực khổ, tình thương dâng cuồn cuộn
Vượt thời gian và vượt cả không gian
Xây dựng quê hương thoát cảnh điêu tàn
Thật giàu mạnh chứ không còn mơ mộng!

Anh về đi! Đôi ta cùng chung bóng
Cùng bên nhau quên cả những ngày qua
Về quê hương khi tuổi vẫn chưa già
Anh có hiểu lòng em không anh nhỉ?

PHÚ THẠNH
01/4/2016

Hoa Mua Xưa

Vườn quê phơn phớt gió hè bay
Cây lá đong đưa vui tháng ngày
Chân chất cánh cò ma trắng toát
Thật thà đám cỏ dại lung lay
Ngây thơ chợt viếng đây hôm ấy
Khờ dại  bổng mơ  đấy tối nay
Gởi tặng hoa Mua tình con nít
Lâu rồi nhớ lại vẫn còn say.

Anh Tú
Manhattan, NYC
April 1, 2016

HỒI ỨC 

Hồn thẩn thơ về nhớ đến ai 
Tin yêu từng dệt mộng trang đài 
Kia hình bóng cũ ghì duyên vắn 
Đó ánh mắt xưa chứa nợ dài
Tận đáy lòng sầu còn sắc nét 
Nơi tiềm thức ước chẳng nhoà phai
Chiều nay lối rẻ vàng màu lá 
Tơ tưởng vấn vương lại miệt mài 

Tôn Nữ Thị Hạnh
(vnthuquan.net)


Cảm họa:

Ký Ức

Khi đến tháng này tôi nhớ ai
Người xưa hồn đẹp dáng trang đài
Hết lòng gởi trọn tình yêu dấu
Tận dạ trao nguyên năm tháng dài
Gần gũi một thời duyên đã bén   
Xa xôi muôn thuở nợ không phai
Tháng Tư khơi vết thương ngày cũ
Đốt nén hương hoài niệm miệt mài.

Anh Tú
April 1, 2016   

2016/03/30

Say


Rượu nồng
giọt đắng giọt cay
Men đời cay đắng
đọa đày tim tôi
Nguời say,
hò hát vui cười
Say say
tôi thấy dòng đời ngã nghiêng

Người nâng
chén rượu, vơi phiền
Tôi nâng chén lệ,
niềm riêng ngậm ngùi
Bể tình, hồ tửu, buồn, vui ...!!?
Men say lắng đọng,
chôn vùi hồn tôi.

Khúc Giang
01.11.2009

2016/03/29

Sáng Chủ Nhật Mùa Thu*

Sáng chủ nhật, một góc đời lặng lẽ
Buồn đang vương trên lá cỏ, cành cây
Khói sương mờ đang vây phủ quanh đây
Không chút gió, núi rừng đang tư lự...

Thu đang đến, lá đang còn... do dự
Có lẽ vì chưa muốn rụng ngày mai
Thì lá ơi, ráng vui nhé, hôm nay
Kẻo thu đến rồi làm sao lá sống?

Sáng chủ nhật dù trời chưa lạnh cóng
Chỉ se se cũng cũng đủ gợi héo sầu
Những con chim đã bay vội đi đâu?
Không ríu rít, mặt trời nằm ngủ muộn

Tay ôm gối, nằm nguyên, không cử động
Tôi muốn làm ngưng lại giọt thời gian
Để ngẩn ngơ, nắm níu giấc mộng tàn
Ôi, giấc mộng, mộng nào không là mộng?

Sáng chủ nhật, một góc đời soi bóng
Vẫn buồn hiu như những sáng mùa qua
Những mùa thu làm ướt mắt rừng già
Và tôi nữa..., biết nói cùng ai nhỉ?

Sương Mai

* Là bài thơ mà Anh Tú mượn vần để viết SÁNG CHỦ NHẬT MÙA XUÂN:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2016/03/sang-chu-nhat-mua-xuan-qua-cua-so-mot.html

2016/03/27

Sáng Chủ Nhật Mùa Xuân *

Qua cửa sổ một góc trời quang đãng
Ánh sáng mai vương mắc những vòm cây
Một chút buồn đang lảng vảng đâu đây
Lan man lấn vào hồn tôi tư lự

Xuân đã đến sao lá còn do dự
Nụ m ờ chưa trổ…đợi ngày mai?
Vài loài hoa hớn hở nở hôm nay
Đùn đẩy theo gió xuân khoe sức sống!

Vừa sang Xuân vài sáng còn lạnh cóng
Tôi lưu luyến đêm qua giấc ngủ sâu
Nằm nướng thêm chưa vội vã đi đâu
Lơ mơ với đôi phút giây dậy muộn

Sáng hôm nay nghe nhớ thương cuồn cuộn
Một thời gian và cả một không gian
Quê hương sao mãi chịu cảnh điêu tàn
Sẽ giàu mạnh hay chỉ là mơ mộng?

Sáng chủ nhật lưu vong đời bong bóng
Dù là xuân nhưng chẳng khác mùa qua
Khắc khoải thêm cho những cội cây già
Lời thủ thỉ với mình hay ai nhỉ?

Anh Tú
Đông Bắc Hoa Kỳ
March 27, 2016
*Mượn vận của một bài thơ của Sương Mai.
http://anhtuvaban.blogspot.com/2016/03/sang-chu-nhat-mua-thu-sang-chu-nhat-mot.html

2016/03/26

Núi Và Suối

Hùng vĩ núi non rừng ngát xanh
Hoang sơ cảnh vật đẹp như tranh
Không gian tinh khiết trời ban tặng
Vạn vật nguyên sơ bổn tính lành.


Nước chảy cùng nguồn về đại dương
Rì rào thác đổ bọt trắng tuôn
Những luồn riêng lẻ như chia rẻ
Xa cách với nhau không xót thương.

Anh Tú
March 26, 2016