2014/01/25

ANH HỨA VỚI EM…

Anh hứa với em:Tết anh về
Sao không tin tức thấy buồn ghê
Hay là anh bận “vui”bên đó
Quên mất cô em ở chốn quê!

Em nhớ ngày xưa Xuân có anh
Đóa hồng tươi thắm Tết an lành
Bên anh e ấp em khẻ nói:
Không muốn bao giờ xa cách anh

Rồi mấy mùa xuân lặng lẽ trôi
Nghìn trùng xa cách vẫn bồi hồi
Đếm từng chiếc lá mùa đông  chết
Là lúc Xuân về Tết đến nơi

Lại một mùa xuân em với em
Ngàn hoa đua nở sát bên thềm
Đóa hồng nay đã thành hoa đá
Ghi khắc lời xưa anh hứa em…

Phú Thạnh
26/01/14
Những ngày cuối năm Quý Tỵ

KHÔNG ĐỐI KHÔNG*

Trời lạnh se se tiết lập đông
Dưng không chạnh nhớ tuổi xuân hồng
Một thời hạ nắng xa xôi quá
Từ buổi thu về không đối không.

Ngã ba đường cũ bước vô đời
Hạt bụi quê mình thoảng chút vơi
Khói trắng thời gian bào trắng khói
Ngày về mong thảnh vẫn chưa thơi.

Ta vừa lạc mất ở trong ta
May mắn còn đây một món quà
Ánh mắt nồng thơm bên xó bếp
Xao nhìn, củi lửa ngún tro xa.

Xin tạ ơn đêm ngày tháng tết
Mũi ta cọ xát Mũi Cà Mau
Sóng trườn lên bãi hôn dồn dập
Đưng, sậy hồn nhiên cũng bạc đầu.

PHONG TÂM
08.12.2013

*Cảm tác từ  ĐÔNG HẠ TÌNH NỒNG của Anh Tú tại:
TRỐNG VẮNG

Chiều buông nghiêng ngả nắng vàng
Mây trôi hờ hững chờ làn gió đưa
Oanh buồn gọi yến không thưa
Hoa khoe sắc thắm bướm chưa thấy về …

Ve sầu nhớ phượng tỉ tê
Ta thì nhớ vị cà phê đậm đà
Quán chiều đông khách vào ra
Mà sao trống vắng xót xa cõi lòng!

Yêu nhau mấy độ Xuân hồng
Hạ tàn,Thu chết,gió Đông quay về
Người xưa ngàn dặm sơn khê
Để ta một bóng ta về với ta

Rượu nồng vắng bạn hiền xa
Một mình đối ẩm ngày qua lại ngày
Cạn bình chưa ngất ngư say
Người tình xa vắng chiều nay chợt buồn…

Phú Thạnh
24. 07. 2013

2014/01/24


EM VỀ

Em về vạn vật xôn xao
Dòng sông nước ngọt, ngọt ngào thêm lên
Cội gìa ủ rũ buồn tênh
Bỗng đâu xanh lá đón nghênh chân nàng
Chừng như bên vắng đò ngang
Chèo khua dầm khuấy rộn ràng hôm nay
Dừa tươi đải khách ngọt ngây
Nhắc nhở lữ khách nhớ hoài quê ta
Rồi em lại đi thật xa
Để bao lưu luyến thiết tha cho người.

Em chính là mùa Xuân tươi
Ban phát hạnh phúc nụ cười khắp nơi.

Anh Tú
January 24, 2014
24 tháng chạp, Quý Tỵ
Xướng:

XUÂN  2013

Không đợi – giao thừa cũng đến nơi
Cung nghinh chén rượu rót chào mời
Kính người khuất mặt xin khai bút
Mừng tóc bạc phơ rượu nhấp môi
Thất thập có dư vừa ghé bến
Một đàn con cháu vẫn rong chơi
Mừng Xuân nâng cốc cùng say khướt
Mời bạn chung vui cất tiếng cười.

Dương Hồng Thủy
Việt Nam/Đầu năm 2013

Hoạ:

BẠN ĐẦU NĂM TÔI CUỐI NĂM

Năm mới “ngày tây” vừa đến nơi
Bạn.. thơ sáng  tác… họa: lời mời!
Quê hương ấm áp, anh khai bút
Hải ngoại lạnh lùng, tôi mím môi.
Tình bạn cảm thông…ghi lời chúc
Duyên thơ tri kỷ…họa vần chơi.
Đông này/Xuân ấy cùng một nghĩa
Tôi/bạn đầu thêm tóc bạc… cười.

Nguyễn Hồng Ẩn

Hoa Kỳ/December 31, 2012

2014/01/23

TẾT XƯA

Tháng chạp về mang vài cơn gió lạnh
Lớp học vào rực rỡ áo mùa Đông
Những cánh hoa đua sắc tím xanh hồng
Quên sao được ngày Xuân nơi trường Tống.

Giờ tan lớp vạt áo bay trong gió
Trên trời xanh không gợn một áng mây
Như mắt em trong sáng đượm thơ ngây
Anh ngây ngất với ước mơ huyền hoặc.

Bao xao xuyến chia tay nhau vui Tết
Bảy ngày thôi sao thấy cả ngàn năm
Mong gặp em trong ước muốn âm-thầm
Mồng một Tết trên đường đi xông đất.

Pháo mừng Xuân nổ rền vang khắp nẽo
Cánh mai vàng khoe sắc thắm mọi nơi
Vui biết mấy nhưng lòng thấy chơi-vơi
Khi vắng em…  ngày Xuân vô nghĩa lý!

Hạnh phúc lắm hôm nay ta gặp lại
Hạ nêu rồi đời đẹp quá em ôi
Như hoa mai vừa nở rộ tim tôi
Hoài niệm ấy Xuân này còn lưu luyến.

Anh Tú
02/02/2010

KÍNH NGÀI

Bùi Giáng! Ngài vẫn còn đây
Trôi trên sông biển  bay theo mây trời
Thơ “điên” sống mãi với đời
Xác thân dù mất danh người ngàn năm!

Anh Tú
January 23, 2014
23 tháng chạp Quý Tỵ

CHÀO NGUYÊN XUÂN

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ không đời chưa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàng xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngầu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân


Bùi Giáng



XUÂN HOÀI

Thấp thoáng bên thềm bóng dáng xuân 
Ai gieo hương nhớ hoài bâng khuâng 
Vườn thơ hoa mộng còn thưa nở 
Hun hút đường dài đơn bước chân 


Xuân mang mơ ước về trên lối 
Xao xuyến hồn ai tuổi mộng ngời 
Cánh gió giao mùa xua lạnh vắng 
Xuân hồng nắng ấm sưởi tim côi 

Xuân đến bên thềm anh có hay? 
Quê nhà nở rộ cánh hoàng mai 
Xuân nơi viễn xứ buồn rưng rức 
Trước ngõ nhà em trắng tuyết mai 

Xuân xưa tao ngộ lòng hoài niệm 
Để lại cho nhau mộng diễm huyền 
Thương nhớ mây sầu loang nhuộm tím 
Xuân về bên ấy cảm cô miên? 


Yên Dạ Thảo

Diễn ngâm: Hương Nam  

2014/01/22

PARIS  CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM

Paris có gì lạ không em? 
Mai anh về em có còn ngoan 
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ 
Em có tìm anh trong cánh chim 

Paris có gì lạ không em? 
Mai anh về giữa bến sông Seine 
Anh về giữa một giòng sông trắng 
Là áo sương mù hay áo em ? 

Em có đứng ở bên bờ sông ? 
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng 
Anh về có nương theo giòng nước 
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng 

Anh sẽ thở trong hơi sương khuya 
Mỗi lần tan một chút sương sa 
Bao giờ sáng một trời sao sáng 
Là mắt em nhìn trong gió đưa ... 

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay 
Tóc em anh sẽ gọi là mây 
Ngày sau hai đứa mình xa cách 
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay 

Anh sẽ chép thơ trên thời gian 
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen 
Vì em hay một vừng trăng sáng 
Đã đắm trong lòng cặp mắt em ? 

Anh sẽ đàn những phím tơ trùng 
Anh đàn mà chả có thanh âm 
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ 
Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung 


Paris có gì lạ không em ? 
Mai anh về mắt vẫn lánh đen 
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm 
Chả biết tay ai làm lá sen ?...

Nguyên Sa

Phổ nhạc: Ngô Thụy Miên
Trình bày: Thái Thanh


CHUNG NHAU

Chung vách hai nhà cùng ngỏ hẹp
Thân nhau từ lúc tuổi thơ ngây
Chung lớp chung trường về một lối
Dưới con đường ngộp lá me bay.

Có dịp sẻ chia nhau mẩu bánh 
Cùng cười kể chuyện lúc thảnh thơi
Quên mất thời gian ... đang bước dạo
Bị đòn cùng khóc tội mê chơi.

Cùng lớn với bao nhiêu kỷ niệm
Tại sao không nói một câu gì
Để lần chót uống chung ly rượu
Chụp chung hình tiển bạn vu qui!

Anh Tú
January 22, 2014

2014/01/21

CÓ THẾ GIỚI VÔ HÌNH?

Tôi đến nhà bác Hai tôi ở ấp An Lương thuộc xã An Đức (đơn vị hành chánh thuở xưa) để đi học ở những năm 1950. Nhà bác là căn nhà lá không vách trước, không cửa trước cửa sau, chỉ có vách hai bên và vách sau mà thôi, được bao quanh bởi vườn cam bác hai tôi mới trồng. Nhà ngăn hai phần bởi vách ngang, bên trong là phòng ngủ cho bác trai bác gái, và hai chị của tôi. Phần trước là bàn thờ tổ tiên với bộ trường kỷ nơi tiếp khách với hai bộ ván ngựa là nơi ngủ cho tôi và con trai của bác tôi. Đêm nằm ngủ trên bộ ván ngựa này nhìn được mọi cảnh vật bên ngoài dưới ánh sao, ánh trăng.
Tại căn nhà thời Nghiêu Thuấn này có một câu chuyện tâm linh thần bí có thể nói là dị đoan khó tin đã xãy ra trước mắt tôi.
Bác hai tôi có một trai và hai gái, người con gái út tên Tư đã tới tuổi có thể lập gia đình, rất hiền lành, chăm chỉ lo việc ruộng nương và bếp núc. Chị là người thức dậy sớm để nấu cơm hằng ngày để tôi đem theo ăn trưa ở lớp học.
Một ngày chị Tư ngả bịnh, cứ ngỡ là bịnh cảm lạnh, nhức đầu thường thưòng ai cũng có thể vướng, đôi ba hôm rồi sẽ khỏi. Thế mà bịnh chị càng ngày càng nặng dù đã trị bằng đông y, rồi tây y. Thể chất chị hao mòn kéo theo tinh thần suy sụp. Chị không ăn uống được, nắm thiêm thiếp như một xác chết. Hai bác tôi làm theo mọi sự chỉ dẩn của mọi người mong sao cho chị tôi hết bịnh. Thầy thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc nào biết là bác cũng chở chị tôi đến viếng mà tính mạng chị bây giờ vẫn như chỉ mành treo chuông.
Có người nói với bác hai tôi là thử mời “thầy pháp” tức là thầy trị bịnh bằng bùa chú thử xem sao, biết đâu chị bị bịnh tà ma không chừng. Cùng đường rồi nên bác hai tôi nghe lời và mời một thầy pháp nổi tiếng được người quen giới thiệu.
Chuyện lạ xãy ra khi ông thầy pháp vừa bước vào giường nơi chị tôi nằm liệt cả tháng nay. Vừa thấy ông thầy pháp, chị tôi vùng dậy trừng mắt, trợn mày, múa tay chân và la hét chưởi bới đuổi xua ông thầy pháp đi thập chí nhào đến phía ông ấy như muốn đánh…lộn. Để đối phó ông thầy pháp nhờ người trấn áp chị nằm xuống, bây giờ đột nhiên người con gái nhỏ nhắn, bịnh liệt giường bấy lâu bổng mạnh mẽ vô cùng phài bốn thanh niên lực lưỡng mới đè chị nằm xuống được. Ông thầy pháp vẽ bùa bằng mực tàu đỏ trên mảnh giấy quyến vàng mỏng như giấy vấn thuốc hút , bề ngang chừng hai phân, bề dài cả thước đoạn vừa đọc thần chú vừa đưa lá bùa vào miệng chị. Lạ thay lá bùa tự động chạy vào bụng chị và càng lạ hơn, chị tôi từ từ mềm nhũn ra và phục tùng ông thầy pháp , nằm yên ngoan ngoản nghe ông thầy pháp “điều tra”.
Lúc bấy giờ thể xác là của chị tôi nhưng hồn phách là của một người xa lạ xưng danh tánh tuổi tác khi được hỏi. Ngưòi ấy là một phụ nữ chết khi mang thai, được chôn trong đất vườn của bác hai tôi lâu lắm rồi mà bác tôi không biết và trả thù bác bằng cách nhập vào xác chị Tư và làm cho bịnh với lý do là vì  “gia chủ” tức bác tôi “phá nhà” của bà ta. Bác Hai tôi sực nhớ lại khi đào mương lên liếp để trồng cam đã đụng phải một cái hòm mục nát và không để ý. Hoá ra vì vô tình động mồ động mả của bà này mà không cúng kiến tạ lỗi nên mới ra cớ sự. Ông thầy pháp bây giờ “điều đình” với hồn ma, thay mặc “gia chủ” xin lỗi, muốn “ăn” gì thì người ta cúng, tha cho “nữ” tức là chị Tư tôi, rồi thầy pháp sẽ giúp đưa vong linh của bà ta vào chùa để sớm hôm nghe kinh kệ mà siêu thoát.
Sau đó là lễ cúng theo đòi hỏi của ma. Sau khi cúng xong ông thầy pháp đọc thần chú, tay muá may như “bắt hồn” của ma nhốt vào trong “cái hủ sơn vôi trắng” (hủ đựng nước mắm ngày xưa bằng sành) bịt miệng hủ bằng giấy vàng có vẻ bùa, cột dây lại và đưa vào chùa.
Thế mà sau đó chị tôi dần dần hết bịnh và bình phục hẳn. Tôi nghĩ chị cũng vẫn được uống thêm thuốc, đông hay tây y tôi không nhớ  rõ. Dù lành hẳn nhưng do ảnh hưởng  của biến cố này, chị tôi vốn đã hiền lành nay trông càng hiền và “khờ” hơn. Thời gian sau chị cũng đã lập gia đình và có con cháu đầy nhà.
Tôi vốn không tin chuyện ma quỷ, dị đoan nhưng đã chứng kiến tận mắt chuyện như vậy (xin thề không đặt chuyện láo) thì không khỏi nghĩ rằng chẳng lẻ có một thế giới vô hình sau khi con ngưòi qua đời hay sao? Và còn bùa chú là có thiệt hay là chì là cách trị bịnh bằng tâm lý? Mơ hồ quá!!! 

Anh Tú

January 21, 2014
CÓ KHÔNG MỘT TUỔI GIÀ HẠNH PHÚC?
BS Đỗ Hồng Ngọc

Elderly man in traditional Chinese clothing, barefoot, using laptop

Trước hết phải nói ngay là không có cái gọi là “già”!
“ Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ; 30-40 tuổi, đang trẻ; 40-50, hãy còn trẻ; 50-60 trẻ không ngờ; 60-70 trẻ lạ lùng!  và trên 70 ngưòi ta trẻ vĩnh viễn!”… Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon nói với tôi như vậy. Ông nói ông đọc được câu này trong một cuốn sách… Tây từ lâu lắm rồi!
Còn Trịnh Công Sơn thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ…  Không có già không có trẻ…” ( Gió heo may đã về, ĐHN).
Thì ra vậy! Vậy thì cái tựa bài này “Có không, một tuổi già hạnh phúc?”, câu hỏi đặt ra đã sai ngay từ đầu rồi còn gì!
Già là một vấn đề văn hóa. Già Tây khác già Ta. Ở một xã hội nông nghiệp, lúa nước, già là một hãnh diện. Già luôn được kính nể. Già làng. Kính lão đắc thọ. Ông tiên nào cũng râu tóc bạc phơ. Phúc lộc thọ luôn đi với nhau. Người chưa kịp già cũng làm bộ tằng hắng cho ra vẻ. Cho oai. Ngồi chiếu trên. Còn Tây thì khổ vì già, ráng giấu đi. Các mụ… phù thủy đều già, xấu xí, tàn ác. Các ông già thì luôn biển lận, lẩm cẩm, làm trò cười. Cho nên già phải mang mặt nạ, cố nhí nhảnh, oai phong lẫm liệt.
Nhưng, nói vậy mà không phải vậy!
Già có đó. Sanh bệnh lão tử! Ngày nay tỷ lệ người già ngày càng đông, tuổi thọ ngày càng tăng,  “ba cao một thấp” ngày càng nhiều. Một người bạn tôi ở Mỹ về nói bạn bè mình lúc này đa số bị bệnh “Ba cao một thấp”. Tôi ngạc nhiên : “Ba cao một thấp là bệnh gì ?”. Thì ra 3 cao là “cao máu” (tăng huyết áp), “cao đường” (tiểu đường), và cao mỡ (tăng cholesterol xấu). Còn “một thấp?”, tôi hỏi.  “Một thấp là Thấp khớp!”.
Già có đó. Nên đôi khi người ta cảm thán « nhìn lại mình đời đã xanh rêu ! ». Hoặc đã phải tự nhắc đi nhắc lại, thôi, “…về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… Cuồng phong cánh mỏi/ về bên núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS).

Sư bà Diệu Không viết lúc ngoài tuổi 80:
Rù rờ đổ vở thật là hư!
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư…
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Đâu biết ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

“Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!

Để có hạnh phúc tuổi già, trước hết phải có sức khỏe. Cho nên Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đề ra một định nghĩa sức khỏe cho người già có chút khác biệt : Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng(function) về tâm thần, xã hội và thể chất của họ, bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu đều rệu rả, quá date, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…
Sự khác biệt của định nghĩa này với định nghĩa chung về sức khỏe là đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: làm sao phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical). Tiếp theo đó là một định nghĩa về Chất lượng cuộc sống( Quality of life):  “là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến  các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (WHO).
Rồi đưa ra một bảng các chỉ số để giúp ta đánh giá chất lượng cuộc sống của mình như Tình trạng dinh dưỡng ra sao? Mức độ của sự mệt mỏi, đau nhức về thể chất?… Giấc ngủ và sự nghỉ ngơi?  Tự nhìn nhận bản thân mình thế nào? Có hài lòng với dáng vẻ bên ngoài của mình không? Khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ? Mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt ? Khả năng thích ứng công việc hằng ngày? Các mối quan hệ cá nhân với gia đình và xã hội chung quanh có duy trì tốt không?  Nguồn tài chính có ổn định không? Môi trường nhà ở, đi lại, vui chơi giải trí thế nào, có an toàn không, có phù hợp không? v.v…
Đó là một ít trong hằng trăm câu hỏi đựơc đặt ra để giúp “đo lường” một cách tương đối chất lượng cuộc sống. Như vậy chất lượng cuộc sống là những cảm nhận cá nhân, có tính chủ quan, phù hợp nếp sống văn hóa, hệ thống giá trị của riêng mình chớ không phải được đánh giá bởi máy móc xét nghiệm của bác sĩ hay cách cân đong đo đếm của một nhân viên công tác xã hội nào đó, so sánh ta với người hàng xóm!
Tóm lại, tuổi già thường có được hạnh phúc khi:

-  Chấp nhận. Hiểu luật vô thường/ Từ bi với mình!
-  Gần gũi những người trẻ…dễ thương,
-  Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
-  Tự tại: sắp xếp cuộc sống riêng của mình, không bị áp đặt,
-  Đựơc xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng,

Với những điều kiện cụ thể:
-   Có sức khỏe tương đối ;
-   Tài chánh tự chủ;
-   Nhà ở an toàn; môi trường thuận lợi;
-   Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
-   Hoạt động xã hội phù hợp để thấy luôn hữu ích;
-   Gần gũi với thiên nhiên;
-   Giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn.

Có một lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới để có một sức khỏe tốt: SAFE. Tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn). Đó là chữ viết tắt của các biện pháp : Smoking (không thuốc lá), Alcohol (giảm rượu), Food (Dinh dưỡng đúng), Exercise (rèn luyện thể lực) và Respiration (Thở đúng phương pháp). Thuốc lá rõ ràng là có hại. Rượu thì giảm thôi chứ không khuyên bỏ hẳn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. “Sẽ nhắp” chứ không phải “sẽ nốc”!
Dinh dưỡng đúng là đừng quá cữ kiêng, thiếu calori, thiếu chất. Vận động thể lực vừa sức, chủ yếu là tạo sức bền, dẻo dai… chớ không phải vai u thịt bắp!
Và cách thở tốt nhất là thở bụng, thở cơ hoành.
Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV nước ta cũng khuyên : « Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình » ! Đời sống bây giờ tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo loạn… bảo sao không sinh lắm chuyện!
Ngày xưa đời sống vật chất khó khăn mà sao an nhàn hơn: “Tháng giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm…”.  Còn nay ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, “cân đẩu vân” và có đủ 72 phép thần thông các thứ chỉ trên một bàn tay với vài cái nút bấm… lẽ nào không có được hạnh phúc? Có khi hạnh phúc sờ sờ đó mà ta không thấy biết, mãi mê tìm kiếm đâu đâu: gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông).
Tóm lại, có một tuổi già hạnh phúc đó vậy!
ĐHN
(Xuân Văn hóa Phật Giáo)


2014/01/20


BÂNG KHUÂNG

(Vay vận RƯNG RƯNG của YDT)

Ngày đến rồi đi thêm kỷ niệm
Mang n
ặng trong tim một mối tình
Nước-non-tình mãi trong say đắm
Thắm thiết ... quê / tôi tợ bóng / hình.

Lá theo thu … cội nằm thềm cũ
Đông về tuyết trắng phủ 
ưu sầu

Hoa chờ xuân thắm ve mong hạ
C
òn tôi ngắm bóng nắng trôi mau.

Trong mơ: mai nở với hoa đào
Cành cây chim sẻ chuyền lao xao
Chuồn chuồn vờn lượn khoe cánh mỏng
Ong bướm mừng xuân vạn sắc màu.

Giật mình tỉnh giấc ..chỉ là mơ
Tâm tư b
ng chốc rối như tơ
Trời ơi! Nhớ quá non và nước
Mỗi độ xuân về dạ ngẩn ngơ.

Lẫn lộn xuân đông trong tuyết trắng
Nhớ Tết quê hương một nỗi niềm
Buâng khuâng len lén nằm khoé mắt
Phải vì viễn xứ buồn triền miên?

Anh Tú

January 20, 2014
Nguồn: Internet/Cối xay lúa

CHUYỆN MIỆT VƯỜN XƯA

Nhân chuyện chết đi sống lại của anh bạn tôi có một người Việt gốc Miên lâm râm ...đọc thần chú và tiên đoán "người này chưa chết", tôi hồi tưởng lại câu chuyện miệt vườn thuộc loại khó tin mà chính tôi chứng kiến.
Mẹ tôi goá bụa sớm, sống vùng quê nghèo khó với nghề nông cùng với tôi còn bé và bà ngoại của tôi già nua. Những công việc nặng nhọc hoặc cần thêm người phụ giúp một tay, mẹ tôi mướn người giúp; họ cũng là những người nghèo khó trong xóm như chúng tôi.
Thuở đó nguời dân quê thưòng tự xay lúa ở nhà bằng cối xay (lúa) rồi làm trắng gạo bằng cối chày giả (gạo) thay vì như sau này có nhà mày xay lúa làm tất cả các công đoạn, nhanh gọn. Những dụng cụ như cối xay lúa, cối chày giả gạo ..bây giờ chỉ còn là vật kỷ niệm hoặc trở thành chuyện xa lạ với thế hệ trẻ bây giờ. Chuyện “dần công” xay lúa, giả gạo dưới trăng của trai gái trong làng rất thơ mộng, rất lãng mạn chỉ còn trong thơ văn, thậm chí đã có thể coi như là huyền thoại. Thêm nữa, dọc bờ sông Long Hồ, nhất là bờ phía mặt hướng chợ Vãng vào và gần thị trấn Ngả Tư Long Hồ có cả một “làng làm cối xay lúa” phân phối cho nông dân trong tỉnh. Trước 1975 tôi biết hình như vẫn còn một số rất ít người sản xuất cối xay nếu có ai đặt hàng và tôi không rõ thời điểm chết hẳn của nó là bao giờ.
Trở lại câu chuyện: có lần má tôi mướn một ông trung niên người Miên (Cambodia) xay giúp lúa. Ông hiền lành, cặm cụi làm việc. Quá nhỏ để biết gia cảnh và các sinh hoạt khác của ông nhưng tôi nghĩ ông là ngưới chân chất. Má tôi mời ông bửa ăn trưa, bửa ăn đạm bạc. Đang dùng bửa, ông bỗng buông chén đủa, cơm đổ tung toé, mắt trợn trừng, nghiến răng, hai tay tự đấm vào ngực thình thịch. Bất thình lình quá nên má tôi hoảng hốt điếng người, sợ ông trúng độc nhưng nghĩ rằng bửa ăn chỉ là cơm rau, trứng vịt luộc dầm nước mắm mà thôi thì không thể. Hình như nhớ ra chuyện gì  má tôi vội đốt nhang, rót rượu, nhanh chóng đặt lên bàn và khấn vái, hì hục lạy. Lập lại vài lần thì tình trạng của ông phụ việc êm dịu và từ từ trở lại bình thường.
Qua trao đổi thì sở dĩ có chuyện như vậy do có “ông lục dựa” vào ông nên ông ta không được ăn tỏi và nếu chỉ có tí mùi tỏi thôi thì tình trạng tự hành hạ như thế cũng sẽ xãy ra. Tôi không biết “ông lục “ là gì, nghĩ rằng đó là một “sư phụ linh thiêng” trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng Miên thuở ấy.

Có một cái gì thần bí trong câu chuyện này khó mà giải thích theo tinh thần khoa học. Sự việc xảy ra trước mắt tôi từ thuở xa xưa mà nay hơn sáu mươi năm nhắc lại tôi vẫn còn nhớ rõ ràng. Hình như có nền văn minh tâm linh nào đó đã mai một chỉ còn rơi rớt lại vài điều liên hệ đang giẫy chết và ...không rõ bây giờ đã chết hẳn chưa.

Anh Tú
January 19, 2014